Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Di tích chùa dạm trong hệ thống các chùa thời lý...

Tài liệu Di tích chùa dạm trong hệ thống các chùa thời lý

.DOC
169
14
107

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN VĂN ĐÁP DI TÍCH CHÙA DẠM TRONG HỆ THỐNG CÁC CHÙA THỜI LÝ Ngành: KHẢO CỔ HỌC Mã số: 9 22 90 17 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHẢO CỔ HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. TỐNG TRUNG TÍN 2. TS. TRỊNH HOÀNG HIỆP HÀ NỘI - 2019 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình tổng hợp và nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các tài liệu trích dẫn trong luận án là trung thực, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Các kết quả nghiên cứu của luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. NGHIÊN CỨU SINH Nguyễn Văn Đáp LỜI CẢM ƠN Trong quá trình thực hiện luận án, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, động viên kịp thời về mọi mặt của những người thân trong gia đình. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. Tống Trung Tín và TS. Trịnh Hoàng Hiệp, đồng thời, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cơ quan tôi đang công tác. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự chỉ bảo ân cần, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà khoa học, các thầy cô giáo đã đào tạo tôi; các cán bộ công chức, viên chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý di tích tỉnh, Bảo tàng tỉnh; Thành ủy, UBND thành phố Bắc Ninh, phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Bắc Ninh; Đảng ủy, UBND xã Nam Sơn. Đặc biệt là nhân dân thôn Tự, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã dành cho tôi tình cảm cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình trong những năm nghiên cứu tại di tích chùa Dạm. Điều đó đã giúp tôi hoàn thành luận án của mình và qua đây cho phép tôi gửi tới Quý vị, Quý cơ quan niềm kính trọng và biết ơn sâu sắc. Xin trân trọng cảm ơn! MỤC LỤC MỞ ĐẦU...........................................................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU..............................................7 1.1. Vị trí địa - văn hóa..............................................................................................................................7 1.1.1. Vị trí địa lý, môi trường cảnh quan......................................................................................7 1.1.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa..........................................................................................................8 1.2. Tư liệu và vấn đề..............................................................................................................................13 1.2.1. Chùa Dạm qua tài liệu cổ sử.................................................................................................13 1.2.2. Thám sát khảo cổ học năm 2009........................................................................................16 1.2.3. Nghiên cứu chùa Dạm...............................................................................................................17 1.3. Tiểu kết chương 1............................................................................................................................21 Chương 2: DI TÍCH KIẾN TRÚC VÀ NIÊN ĐẠI.........................................................23 2.1. Chùa Dạm qua các dấu tích trên thực địa..........................................................................23 2.2. Địa tầng chung, mặt bằng tổng thể bốn cấp nền............................................................27 2.2.1. Địa tầng chung...............................................................................................................................27 2.2.2. Mặt bằng tổng thể bốn cấp nền............................................................................................27 2.3. Kè đá, hố cột và hố gia cố chân tảng thời Lý..................................................................45 2.3.1. Kè đá thời Lý..................................................................................................................................45 2.3.2. Hố gia cố chân cột.......................................................................................................................47 2.3.3. Hố gia cố chân tảng....................................................................................................................48 2.4. Tiểu kết Chương 2...........................................................................................................................48 Chương 3: HIỆN VẬT VÀ NIÊN ĐẠI....................................................................................52 3.1. Di vật lộ thiên còn sót lại.............................................................................................................52 3.1.1. Bia đá...................................................................................................................................................52 3.1.2. Chân tảng..........................................................................................................................................53 3.1.3. Cột đá..................................................................................................................................................53 3.1.4. Móng chân đế tháp......................................................................................................................54 3.2. Di vật được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học...............................54 3.2.1. Vật liệu kiến trúc..........................................................................................................................54 3.2.2. Đồ gốm men....................................................................................................................................84 3.2.3. Sành mịn............................................................................................................................................97 3.3. Tiểu kết Chương 3........................................................................................................................105 Chương 4: DI TÍCH CHÙA DẠM TRONG HỆ THỐNG CÁC CHÙA THỜI LÝ....................................................................................................................................................107 4.1. Hệ thống chùa, tháp thời Lý....................................................................................................107 4.1.1. Địa điểm núi Ngô Xá..............................................................................................................107 4.1.2. Địa điểm tháp Tường Long.................................................................................................109 4.1.3. Địa điểm chùa Lạng.................................................................................................................110 4.1.4. Địa điểm đền Cầu Từ..............................................................................................................110 4.1.5. Địa điểm chùa Cao...................................................................................................................111 4.1.6. Địa điểm chùa Phật Tích.......................................................................................................113 4.1.7. Địa điểm chùa Linh Xứng....................................................................................................115 4.1.8. Địa điểm chùa Long Đọi Sơn............................................................................................115 4.1.9. Địa điểm chùa Bà Tấm..........................................................................................................117 4.1.10. Tổng quan về kiến trúc thời Lý ở Thăng Long....................................................120 4.2.1. Giá trị kiến trúc...........................................................................................................................122 4.2.2. Giá trị về hệ thống di vật......................................................................................................129 4.3. Chùa Dạm góp phần tìm hiểu lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam.............129 4.4. Phương án bảo tồn khu di tích chùa Dạm.......................................................................139 4.4.1. Cấp nền 1, 2 và 3.......................................................................................................................139 4.4.2. Cấp nền 4........................................................................................................................................140 4.4.3. Gia cố bờ kè đá và lối lên - xuống trên 4 cấp nền.................................................140 4.4.4. Phương pháp xử lý chung cho phương án bảo tồn................................................141 4.4.5. Bảo tồn di sản dưới dạng số và làm mô hình giả định khu di tích chùa Dạm.................................................................................................................................................................142 4.5. Tiểu kết chương 4..........................................................................................................................142 KẾT LUẬN...............................................................................................................................................144 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ.....................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................................................152 BẢNG CÁC CHỮ VIẾT TẮT BTLSVN CDKT - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Chùa Dạm kiến trúc CT - Chân tảng DTH - Dân tộc học ĐHTHHN - Đại học Tổng hợp Hà Nội GĐVH - Giai đoạn văn hóa GS - Giáo sư HS HV - Hồ sơ - Hiện vật KCH - Khảo cổ học KHKT - Khoa học kỹ thuật KHXH - Khoa học xã hội KHXH & NVQG - Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia LA - Luận án LV - Luận văn HGCCT NCLS - Hố gia cố chân tảng - Nghiên cứu lịch sử NPHMVKCH - Những phát hiện mới về khảo cổ học Nxb - Nhà xuất bản PGS - Phó giáo sư PTS - Phó tiến sĩ TBKH - Thông báo khoa học TLVKCH - Tư liệu Viện Khảo cổ học TK TL - Thế kỷ - Tư liệu TS - Tiến sĩ TT - Thứ tự Tr - Trang VHTT - Văn hóa thông tin THUẬT NGỮ ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG LUẬN ÁN Cho đến thời điểm hiện nay ngành Khảo cổ học Việt Nam chưa có một chuyên khảo riêng về thuật ngữ Khảo cổ học. Do vậy, mỗi nhà nghiên cứu từ kinh nghiệm nghiên cứu của mình đã đưa ra những thuật ngữ riêng với mục đích làm sao thuận lợi cho việc miêu tả hiện vật, di tích... một cách dễ hiểu để đến được với người đọc và đó cũng là lý do mà tôi gặp khó khăn khi trình bày những thuật ngữ này. Tôi tôn trọng thuật ngữ mà những người đi trước đã sử dụng, nhưng bên cạnh đó với nguồn tư liệu mới hiện nay tôi sẽ sử dụng một số thuật ngữ khác với trước đây, ví dụ: Đấu củng: là một kết cấu gồm hai bộ phận là "đấu" (đóng vai trò là bệ đỡ) và "củng" (giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ), được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên, ví dụ như mái hiên. Bích ngõa: ngói men xanh. Uyên ngõa: ngói uyên ương. Ngói vảy và liên ngõa: ngói sen Thủy ba: núi [35]. Hố gia cố chân tảng: thay cho thuật ngữ móng trụ, trụ sỏi, móng cột. Rãnh thoát nước: không có nắp. Cống: có nắp [42]. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Chùa Dạm có tên chữ “Đại Lãm tự” nằm trên núi Dạm thuộc thôn Tự, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng, khuôn viên chùa có nhiều công trình nguy nga đồ sộ, xếp vào hàng đại danh lam kiêm hành cung. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: năm Bính Dần Quảng Hựu thứ 2 (1086) “Làm chùa ở núi Đại Lãm”, năm Đinh Mão Quảng Hựu thứ 3 (1087) “Mùa đông tháng 10 vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm 2 bài thơ Lãm Sơn dạ yến”, năm Mậu Thìn Quảng Hựu năm thứ 4 (1088) “Mùa đông, tháng 10 xây tháp chùa Lãm Sơn”, năm Giáp Tuất Hội Phong thứ 3 (1094) “Mùa hạ, tháng 4 tháp chùa Lãm Sơn xây xong”, năm Ất Dậu Long Phù thứ 5 (1105) “Mùa thu, tháng 9 làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, 3 ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn”. Như vậy, chùa Dạm bắt đầu khởi đặt từ mùa đông năm 1086, đến mùa hạ năm 1094 mới hoàn thành. Công việc xây tháp cứ dần dần được bổ sung về sau. Vua Lý Nhân Tông rất chăm lo đến công trình chùa Dạm. Nhà vua từng thân hành về thăm, đề thơ, viết biển và đặt tên cho chùa. Trong thời gian dài, có sự đầu tư đặc biệt của triều đình, đã thấy rõ quy mô to rộng của chùa Dạm trong lịch sử. Thời Lý chùa được xây dựng quy mô lớn trên 4 lớp nền trườn theo sườn núi lên cao dần ở lưng trừng núi và dựa hẳn vào sườn núi. Các nhà kiến trúc thời Lý đã tìm thấy ở thiên nhiên và lợi dụng thiên nhiên để nhân cái đẹp của công trình. Mặt khác chùa Dạm xưa là nơi tập trung trí tuệ của nhân dân Bắc Ninh - Kinh Bắc nói riêng và của cả dân tộc nói chung đã xây dựng lên công trình tín ngưỡng, tôn giáo tiêu biểu theo lối đại danh lam kiêm hành cung. 1.2. Thời Lý, Phật giáo phát triển mạnh, ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc trong quần chúng nhân dân và giai cấp thống trị. Trong chừng mực nhất định, đạo Phật có những mặt tích cực phù hợp với tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân Đại Việt thời Lý. Tư tưởng từ bi bác ái và ôn hòa của đạo Phật đã dễ dàng chinh phục được tấm lòng của những con người vừa mới thoát khỏi sự đè nén của hơn nghìn năm Bắc thuộc, chống Bắc thuộc. Nhờ vào địa vị quốc giáo của đạo Phật, hầu hết các chùa, tháp lớn thời này đều do triều đình đứng ra xây dựng. Không những chỉ riêng ở kinh đô mà ngay ở Bắc Ninh - quê hương nhà Lý, chùa, tháp được xây dựng ở khắp các làng xã. Hiện tại, không còn một ngôi chùa tháp nào thời Lý ở Bắc Ninh tồn tại. Qua khảo sát nghiên cứu dấu tích ở các di tích, như dấu tích nền móng kiến trúc, vật liệu xây dựng: gạch, ngói, đá... còn lưu lại cùng với nguồn tư liệu khác như: bia ký, vật liệu trang trí bằng đá, đất nung... và nhiều nguồn tài liệu khác như thư tịch; nhân dân các 1 làng xã có di tích cung cấp, cho thấy toàn tỉnh Bắc Ninh còn 23 dấu tích chùa tháp thời Lý. Căn cứ tài liệu và những dấu tích chùa tháp thời Lý ở Bắc Ninh hiện nay, chúng tôi có một số nhận xét sau đây: Về địa bàn phân bố: Chùa tháp có mặt ở khắp các làng xã thuộc các huyện và thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung đậm đặc hơn cả là vùng quê hương nhà Lý thuộc phường Đình Bảng, phường Tân Hồng, xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn ngày nay) và huyện Tiên Du với 12 di tích chùa tháp thuộc thời Lý. So với những ghi chép trong các tài liệu thư tịch, cho thấy những di tích chùa tháp thời Lý còn lại ở tỉnh Bắc Ninh còn rất ít. Bắc Ninh nổi tiếng là quê hương chùa tháp. Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ đã được truyền vào Việt Nam, qua trung tâm Luy Lâu Dâu hay Liên Lâu nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành và trung tâm Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hệ thống chùa tháp đã được dựng lên ở Luy Lâu, Phật Tích, đáp ứng nhu cầu truyền bá đạo Phật của các tăng sĩ Ấn Độ, sau đó là các tăng sĩ Trung Quốc, với hàng chục công trình chùa tháp như chùa Dâu, chùa tổ Mãn Xá, các chùa thờ “Tứ pháp” ở Luy Lâu, các chùa Phúc Nghiêm, chùa Linh Quang, chùa Phật Tích... ở vùng Phật Tích. Bắc Ninh trở thành tổ đình của Phật giáo Việt Nam, quê hương của thiền phái Tì ni đa lưu chi, thiền phái Vô Ngôn Thông... trong suốt nghìn năm Bắc thuộc với hệ thống chùa tháp dày đặc ở khắp các làng xã. Trước thời Lý, vào thời Đinh - Lê, hệ thống chùa tháp ở châu Cổ Pháp đã được xây cất ở nhiều làng xã, như chùa Kiến Sơ (Phù Đổng), chùa Cổ Pháp, chùa Tiêu Sơn, chùa Lục Tổ, chùa Ứng Tâm... Đó là chốn tu hành của nhiều bậc cao tăng nổi tiếng đã có công đối với việc dựng lập vương triều Lý, như thiền sư Khánh Văn, Vạn Hạnh… Đặc biệt thời Lý, một triều đại vốn ngay từ đầu đã gắn bó với Phật giáo, sư tăng, chùa tháp. Các vua Lý và hoàng tộc đều sùng đạo Phật, nên chùa tháp được xây cất ở khắp các làng xã trong nước, đặc biệt là trên quê hương nhà Lý. Sử cũ cho biết, ngay sau khi lên ngôi Lý Thái Tổ đã “xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở Phủ Thiên Đức tất cả 8 sở”, rồi “hạ lệnh cho các hương ấp, chỗ nào có chùa quán đều phải sửa chữa lại”. Đến triều vua Lý Thái Tông năm 1031 “xuống chiếu, phát tiền thuê thợ làm chùa ở các hương ấp, tất cả 150 chỗ”. Riêng thái hậu Ỷ Lan “dựng chùa thờ Phật trước sau hơn trăm chùa”. Dưới triều Lý, nhà vua đã cho xây các chùa tháp, đúc chuông, đúc tượng Phật ở nhiều nơi, đặc biệt là quê hương nhà Lý, như chùa Phật Tích, chùa Đại Lãm, chùa Trùng Quang, chùa Bách Môn, chùa Phả Lại... đồng thời tiến hành tu bổ, sửa chữa nhiều chùa lớn, như chùa Dâu (chùa Pháp Vân)... Nhà nước còn phân các chùa trong nước làm ba hạng: đại, trung và tiểu danh lam, cử quan lại quản lý ruộng đất và tài sản nhà chùa. Đó là chức đề cử. 2 Sử thần Lê Văn Hưu nhận xét: “... Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở kinh sư... dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền” [123]. Những cứ liệu lịch sử trên cho thấy, chùa tháp thời Lý được dựng đặt khắp các nơi, nhất là quê hương nhà Lý. 1.3. Khu di tích chùa Dạm thông qua nguồn sử liệu chữ viết và một vài tư liệu khảo cổ học hiện còn ở di tích này như: trụ đá trang trí hoa văn, bờ kè đá ở các cấp nền, bia đá... Ngoài nguồn tư liệu này hầu như chúng ta không biết gì về mặt bằng kiến trúc, vật liệu gia cố kiến trúc, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí kiến trúc, vật dụng, đồ thờ... ở khu di tích chùa Dạm. Trước những yêu cầu trên, năm 2009 Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh tiến hành khai quật thăm dò địa điểm chùa Dạm. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này từ cuối năm năm 2011 đến năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ học tổng thể địa điểm chùa Dạm. Kết quả nghiên cứu cho thấy dấu tích một ngôi chùa, tháp của Hoàng gia thời Lý có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam hiện biết. Cùng với thư tịch cổ, các tài liệu khảo cổ học đã mở ra nhận thức về kết cấu mặt bằng của toàn thể kiến trúc - tháp trước, chùa sau của khu di tích chùa Dạm. Về hệ thống di vật chùa Dạm cho dù đã bị thất lạc và mất mát về cơ bản, những di vật thu được trong quá trình khai quật cũng khá phong phú. Các di vật kiến trúc phản ánh đặc điểm của vật liệu và nghệ thuật trang trí chùa Dạm qua các thời, các di vật gốm sứ, sành, đồ đất nung... phản ánh lịch sử lâu dài của di tích từ thời Lý qua thời Trần cho đến ngày nay. 1.4. Là cán bộ làm việc tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, tôi hy vọng thông qua luận án sẽ đóng góp trực tiếp vào mảng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng và giá trị di sản văn hóa nói chung. Ngoài ra, tác giả luận án có cơ may tham gia quản lý dự án và tham gia đào thám sát khảo cổ học năm 2009; khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích chùa Dạm từ năm 2011 đến năm 2014; điều tra, lập hồ sơ, nghiên cứu các di tích liên quan và cũng đã có một số công trình nghiên cứu về khảo cổ học, Hán Nôm về các di tích thời Lý trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đó là những điều kiện thuận lợi để tác giả mạnh dạn chọn đề tài "Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý" làm đề tài luận án tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Khảo cổ học. 3 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích Tổng hợp, cung cấp kết quả nghiên cứu về cột đá và các tháp của các nhà nghiên cứu đi trước; nhận định bước đầu về cột đá chùa Dạm qua kết quả thu được từ đợt khai quật tổng thể khảo cổ đã thực hiện. Xác định đặc điểm cơ bản của các tháp chùa Dạm và so sánh các đặc trưng để làm rõ vị trí, vai trò của chùa Dạm trong hệ thống di tích chùa tháp thời Lý. Đề tài luận án sẽ tập trung đưa ra những giải thích về di tích chùa Dạm: mặt bằng kiến trúc, quy mô, kỹ thuật xây dựng, trang trí kiến trúc... Thông qua kết quả khảo cổ học thu được, đề tài luận án sẽ đưa ra bằng chứng về những lần trung tu vào thời Trần, thời Lê Trung Hưng và mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn cũng như các loại hình hiện vật được dùng trong di tích. 2.2. Nhiệm vụ - Nhận thức và làm rõ cấu trúc mặt bằng chùa Dạm thời Lý, thời Trần và các thời đại sau đó. - Công năng của công trình trong quần thể kiến trúc chùa Dạm, đặc biệt là công năng của các công trình chùa Dạm thời Lý qua phân tích các di tích và di vật khảo cổ học kết hợp các nguồn tài liệu khác. - Thông qua so sánh, phân tích giữa chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Cao (Bắc Giang), di tích Ngô Xá, Long Đọi (Hà Nam), chùa Lạng (Hưng Yên), chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa tháp Tường Long (Hải Phòng)... để tìm hiểu về lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam. - Phân tích, đánh giá giá trị di sản văn hóa, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích khu di tích chùa Dạm. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các di tích, di vật khảo cổ học ở di tích chùa Dạm và một số ngôi chùa thời Lý trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... Nguồn tư liệu sử dụng trong đề tài luận án gồm: các báo cáo điều tra, khai quật khảo cổ học, các công trình nghiên cứu đã được công bố trên các sách, tạp chí chuyên ngành về khảo cổ học, mỹ thuật, văn hóa... và một số sách khoa học có liên quan như thư tịch cổ, bia ký và tài liệu dân tộc học... Đề tài cũng tham khảo về tư liệu các ngôi chùa thời Trần, Lê... giai đoạn sau ở Bắc Việt Nam có liên quan nhất định đến luận án. 4 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Tập trung chính vào việc trình bày về di tích chùa Dạm (mặt bằng kiến trúc, vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí kiến trúc, đồ gốm sứ, đồ sành...) để từ đó rút ra những nhận định về vị trí, quy mô và vai trò của di tích chùa Dạm trong lịch sử. Ngoài ra, luận án cũng trình bày khái quát về một số ngôi chùa thời Lý trên địa bàn các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... để nhận thấy vị trí, vai trò của di tích, cũng như sự giao thoa văn hóa trong các ngôi chùa thời Lý. - Về không gian và thời gian: Do trọng tâm và khuôn khổ của luận án nên chỉ tập trung trình bày về di tích chùa Dạm và mối quan hệ văn hóa với các ngôi chùa thời Lý ở Bắc Việt Nam, các di tích có niên đại muộn hơn chỉ mang tính tham khảo. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án - Luận án sử dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống như: điều tra, điền dã, thám sát, khai quật khảo cổ học các di tích thời Lý trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng... có liên quan đến đề tài; phân loại, đo, vẽ, khảo tả, chụp ảnh dấu vết kiến trúc, hiện vật tiêu biểu, phân tích so sánh tổng hợp các di tích và di vật khảo cổ học, nhằm xác định niên đại, tính chất của các di tích. - Sử dụng các phương pháp liên ngành như: dân tộc học, thư tịch cổ, Hán Nôm, địa chất học, các ứng dụng của khoa học tự nhiên như vật lý, hóa học, địa lý, văn học dân gian, kiến trúc dân gian góp phần luận giải các vấn đề kỹ thuật xây dựng, nguồn gốc, vai trò, chức năng các công trình. - Sử dụng phương pháp phân tích so sánh loại hình giữa các di tích, di vật để thấy được tính đồng đại và lịch đại của các di tích khảo cổ học trong vùng, hay trên toàn khu vực. - Vận dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để tìm hiểu, lý giải, phân tích so sánh các sự kiện lịch sử, văn hóa trong từng địa bàn cụ thể, từ đó rút ra các mối quan hệ về kinh tế, văn hóa - xã hội của các cộng đồng cư dân thời Lý. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Đóng góp vào lịch sử nghiên cứu về di tích thời Lý nói chung, chùa Dạm nói riêng từ góc độ kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ học thông qua việc phân tích thực trạng khu di tích chùa Dạm hiện được khai quật khảo cổ học tổng thể và so sánh với các chùa, tháp thời Lý khác đã được khai quật. Đồng thời, lý giải về hiện trạng, đặc điểm, mô hình, chức năng và cấu trúc các di tích thời Lý. - Thông qua nghiên cứu khảo cổ, luận án cung cấp những thông tin mới, đầy đủ hơn về chùa Dạm so với những hiểu biết từ trước đến nay. 5 - Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích chùa Dạm nói riêng, các di tích thời Lý nói chung. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Căn cứ vào so sánh các đặc trưng di tích, di vật, thư tịch cổ, văn bia, truyền thuyết dân gian... có thể xác định các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ là thuộc thời Lý. Di tích đã được tu bổ, sửa chữa trong thời Trần, thời Lê và thời Nguyễn. Đây là một di tích có giá trị lịch sử - văn hóa lớn. - Những di tích đã xuất lộ cho chúng ta thấy dấu tích một ngôi chùa, tháp của Hoàng gia thời Lý có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu, trang trí tinh xảo vào bậc nhất so với tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam hiện biết. - Mặc dù hệ thống di vật chùa Dạm đã bị thất lạc và mất mát về cơ bản, những di vật thu được trong quá trình khai quật cũng khá phong phú. Các di vật kiến trúc phản ảnh đặc điểm của vật liệu và nghệ thuật trang trí chùa Dạm qua các thời, các di vật gốm sứ phản ánh lịch sử lâu dài của di tích từ thời Lý qua thời Trần cho đến ngày nay. - Tổng thể các di vật tìm thấy và phản ánh tính chất Hoàng gia hàng đầu của chùa Dạm trong hệ thống chùa tháp Hoàng gia thời Lý ở Bắc Ninh. Bên cạnh đó, các di vật này cũng cung cấp nguồn tài liệu mang tính xác thực cao phục vụ cho việc nghiên cứu bảo tồn tôn tạo, phục dựng di tích và phát huy giá trị của di tích. - Kết quả khai quật khảo cổ học tổng thể khu di tích chùa Dạm đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu hệ thống chùa tháp Hoàng gia thời Lý ở Bắc Ninh nói riêng, Bắc Việt Nam nói chung cũng như bổ sung tư liệu cho việc thiết kế xây dựng chùa Dạm (mới). 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Luận án có cơ cấu như sau: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài (17 tr, từ tr.7 - tr.23) - Chương 2: Di tích kiến trúc và niên đại (28 trang, từ tr.24 - tr.52) - Chương 3: Hiện vật và niên đại (53 trang, từ tr.53 - tr.106) - Chương 4: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý (37 trang, từ tr.107 - tr.144) 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Vị trí địa - văn hóa 1.1.1. Vị trí địa lý, môi trường cảnh quan 2 Bắc Ninh có diện tích tự nhiên 822,71 km , dân số 1 triệu 120 nghìn người, với 8 đơn vị hành chính gồm: thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, các huyện: Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ, Tiên Du và Yên Phong; có 97 xã, 29 phường, thị trấn; 570 thôn, làng, 161 khu phố [77] (Bản đồ 1). 0 ’ ’’ Bắc Ninh nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng có tọa độ từ 105 54 06 đến 0 ’ ’’ 0 ’ ’’ 0 ’ ’’ 106 18 50 kinh độ Đông, 20 58 30 đến 210 16 00 vĩ độ Bắc; Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, Đông giáp tỉnh Hải Dương, Nam giáp tỉnh Hưng Yên, Tây giáp thành phố Hà Nội. Về kiến tạo địa chất, Bắc Ninh mang những đặc điểm của cấu tạo địa chất vùng trũng sông Hồng và vòng cung Đông Triều vùng Đông Bắc. Cấu tạo đất đá chủ yếu có tuổi từ Cambri đến kỷ Đệ Tứ. Địa hình tương đối bằng phẳng, có hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam, độ dốc không lớn, độ cao phổ biến từ 4m đến 5m so với mặt nước biển. Diện tích đồng bằng chiếm tuyệt đại đa số, đồi núi chỉ chiếm 0,53% diện 2 tích (62,5km ), nhưng hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc, bình quân từ 1 - 1,2km sông 2 ngòi/km , trong đó có 3 sông lớn chảy qua là sông Cầu, sông Đuống và sông Lục Đầu - Thái Bình, tạo nguồn nước phong phú cho sản xuất và sinh hoạt. Tài nguyên Bắc Ninh không phong phú, chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét làm gốm, sứ, gạch ngói; một ít vùng có than bùn, đá cát 3 kết và sa thạch. Rừng còn lại rất ít, chủ yếu là rừng trồng, trữ lượng gỗ khoảng 3.280m . Phần lớn đất tự nhiên là đất nông nghiệp, chiếm tới 66% diện tích đất tự nhiên. 0 Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình của Bắc Ninh là 23 c, lượng mưa trung bình 1400 - 1600mm/năm. Đặc điểm vị trí, địa lý và môi trường cảnh quan cũng như nguồn tài nguyên đất đai, cho thấy Bắc Ninh vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp (cấy lúa nước, trồng rau màu…) đồng thời có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các nghề thủ công và giao thương buôn bán với các vùng miền trong nước và các nước trong khu vực. Chùa Dạm nằm ở sườn phía Nam của dãy núi Dạm, núi này đột khởi, nổi giữa những cánh đồng, ao hồ, sông, ngòi, bờ bãi là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Nếu nhìn từ trên cao, toàn cảnh núi Dạm là một bức tranh thủy mặc hữu tình, với cánh đồng lúa trải rộng và kéo dài đến bờ Bắc của sông Đuống. Dòng sông Đuống cổ kính như một dải lụa mềm, uốn lượn, bao quanh một vùng đồng bằng trù phú, quanh năm tươi tốt. Các làng mạc nằm quanh chân núi Dạm được gọi là các “làng Dạm” gồm: 7 Triều Thôn, Sơn Trung, Thái Bảo, Sơn Đông, Sơn Nam, Đa Cấu, Tự Thôn, Môn Tự và Đông Dương (Bản đồ 2). Chùa được bao bọc bởi các ngọn núi Long lĩnh, Phượng hoàng, Kỳ lân, núi Rùa, những ngọn núi này có độ cao trên - dưới 70m so với mặt nước biển, soi mình trên dòng sông Thiên Đức. Các nhà phong thủy xưa đều cho rằng, chùa Dạm được tọa lạc trên đất “Tứ linh”, có rừng thông thoai thoải, không khí trong lành, dưới chân núi là những xóm làng bình yên, trù phú với những người dân chất phác thuần hậu. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng ghi chép về núi Dạm như sau: “Ngọn núi lởm chởm, cao vút, có thể lên cao để nhìn ra xa. Trong núi có chùa Thần Quang trông ra sông Thiên Đức, thông bách xum xuê xanh tốt, nhìn rất dịu mắt”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú nói về núi Dạm: “Núi Lãm Sơn ở huyện Quế Dương, có 16 xã ở quanh núi, có rất nhiều chùa cổ, cảnh trí sông núi rất âm u tịch mịch. Trên núi là chỗ tu hành của sư Không Lộ, dấu cũ nay vẫn còn”. Vào thời Nguyễn, sách Bắc Ninh toàn tỉnh dư địa chí nói về chùa Dạm: “Suối chảy vòng quanh núi. Cây cối rườm rà, trông cả vùng như một bức tranh vẽ. Từ xưa ở đây có tiếng là cảnh danh thắng, thi nhân đề thơ rất nhiều”. Có thể thấy, núi Dạm chạy dọc và nghiêng theo hướng Đông - Tây, nên tạo ra các dòng chảy phụ thuộc theo hướng nghiêng của núi. Do vậy, cả triền núi này xưa kia cũng là trục đường bộ nối liền vùng Đông Bắc, Lục Đầu với vùng châu thổ Kinh Bắc. Trục đường bộ này đi qua các làng: Sơn Đông, Sơn Dương, Sơn Trung của tổng Lãm Dương, qua khu vực núi ba huyện, khu vực Sơn thuộc huyện Tiên Du để về trung tâm Phật giáo Phật Tích. Từ trung tâm Phật giáo Phật Tích, con đường bộ sẽ về trung tâm Phật giáo Tiêu Sơn - Lục Tổ. Đây là tuyến giao thông đường bộ cổ xưa, tuyến đường dựa theo triền núi để đi về được khắp cả vùng Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du. Tuyến đường giao thông đường bộ này có lẽ được hình thành từ thời thuộc Hán, Đường và duy trì đến thời Lý, Trần. Ngoài tuyến đường giao thông bộ có từ lâu đời, vào thời Lý, sông Thiên Đức (sông Đuống) và ngòi Con Tên là tuyến đường thủy quan trọng phục vụ cho việc đi lại và các chuyến hành hương, thăng viếng của các vị hoàng đế, hoàng gia, giới quý tộc và đông đảo tín đồ Phật tử về chùa Dạm lễ Phật. 1.1.2. Đặc điểm lịch sử, văn hóa 1.1.2.1. Tên gọi và địa giới tỉnh Bắc Ninh trong lịch sử Trong lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc, tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới, đơn vị hành chính. Căn cứ vào các nguồn tài liệu lịch sử và địa chí, thấy được sự thay đổi như sau: thời Hùng Vương và An Dương Vương là bộ Vũ Ninh của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc, đồng thời là nơi đặt quốc đô của nhà 8 nước Âu Lạc là kinh thành Cổ Loa (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) (128). Bộ Vũ Ninh thời kỳ này có địa vực rộng, gồm tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay và huyện Gia Lâm, Đông Anh (thành phố Hà Nội ngày nay). Thời thuộc Hán thuộc quận Giao Chỉ với hai huyện Luy Lâu và Long Biên (hoặc Long Uyên), quận trị của quận Giao Chỉ đóng ở Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành). Thời thuộc Ngô thuộc quận Giao Châu. Thời thuộc Tấn thuộc quận Giao Chỉ với các huyện Long Biên, Luy Lâu, Vũ Ninh và Khúc Dương. Đầu đời thuộc Đường, Bắc Ninh được gộp trong địa phận Giao Châu, Đạo Châu, Long Châu thuộc Giao Châu đô hộ phủ, sau thuộc An Nam đô hộ phủ. Thời Lý, Bắc Ninh bao gồm cả phủ Phú Lương. Căn cứ vào các nguồn tài liệu, thời Lý, vùng đất tỉnh Bắc Ninh ngày nay thuộc hai đơn vị hành chính của Lộ Bắc Giang là: Phủ Thiên Đức (gồm Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ…); Phủ Siêu Loại (vùng Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài). Thời Trần, Bắc Ninh thuộc lộ Bắc Giang, gồm: Lộ Bắc Giang (có huyện Siêu Loại, huyện Gia Lâm); Châu Gia Lâm (có huyện Yên Định, huyện Tế Giang, huyện Thiện Tài); Châu Vũ Ninh (huyện Tiên Du, huyện Vũ Ninh, huyện Đông Ngàn, huyện Từ Sơn, huyện Yên Phong). Thời Hồ, Bắc Ninh thuộc lộ Bắc Giang như đơn vị hành chính thời Trần. Thời thuộc Minh, Bắc Ninh thuộc phủ Bắc Giang. Thời Lê thuộc Bắc Đạo: Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) Lê Thánh Tông đổi là đạo Bắc Giang. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đến năm 1469 đổi là Kinh Bắc. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi là Kinh Bắc xứ. Triều Gia Long (1802 - 1840) đổi tên là trấn Bắc Ninh (1822) và tỉnh Bắc Ninh (1831). Xứ Kinh Bắc thời Lê, trấn rồi tỉnh Bắc Ninh thời Nguyễn, về cơ bản không thay đổi về địa giới và đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính bao gồm 4 phủ (Thuận An, Từ Sơn, Bắc Hà, Lạng Giang) và 20 huyện. Cuối thời Lê, đầu Nguyễn, Bắc Ninh có hai phủ là phủ Thuận An và phủ Từ Sơn, gồm các huyện sau: Đông Ngàn, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong, Siêu Loại, Gia Bình, Lương Tài, Gia Lâm và Văn Giang (10 huyện). Thời thuộc Pháp, vào ngày 10/10/1895, chính quyền thực dân chia tỉnh Bắc Ninh làm hai tỉnh là Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh gồm các đơn vị hành chính ở phía Nam sông Cầu. Các đơn vị hành chính thuộc phía Bắc sông Cầu thuộc tỉnh mới mang tên tỉnh Bắc Giang. Sau năm 1895, tỉnh Bắc Ninh gồm các huyện thuộc hai phủ Từ Sơn và Thuận An. Từ năm 1925 đến 1945, các đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh gồm 2 phủ, 8 huyện (78 tổng, 559 xã) là: phủ Thuận Thành, phủ Từ Sơn và các huyện Gia Bình, Gia Lâm, Lang Tài, Quế Dương, Tiên Du, Văn Giang, Võ Giàng, Yên Phong. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh có một số thay đổi sau đây: bỏ các đơn vị phủ, tổng. Cấp xã được mở rộng, gồm một 9 số làng (hay thôn). Tháng 2 năm 1947, huyện Văn Giang nhập vào tỉnh Hưng Yên. Tháng 8 năm 1950, hai huyện Lương Tài và Gia Bình sáp nhập thành huyện Gia Lương. Năm 1962, hai huyện Quế Dương và Võ Giàng sáp nhập thành huyện Quế Võ; huyện Tiên Du sáp nhập với huyện Từ Sơn thành huyện Tiên Sơn. Huyện Gia Lâm tách và nhập vào thành phố Hà Nội cùng với 2 xã của huyện Thuận Thành, 2 xã của huyện Tiên Du và 8 xã của huyện Từ Sơn. Ngày 1/4/1963 hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc, gồm: thị xã Bắc Ninh, các huyện Yên Phong, Thuận Thành, Tiên Sơn, Quế Võ, Gia Lương. Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Hà Bắc làm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh được tái lập gồm 1 thị xã Bắc Ninh, 5 huyện: Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành, Gia Lương. Ngày 11/8/1999, Chính phủ ra Nghị định số 68/1999/CP tách huyện Tiên Sơn thành hai huyện Tiên Du và Từ Sơn, tách huyện Gia Lương thành hai huyện Gia Bình và Lương Tài. Ngày 25/1/2006, Chính phủ ra Nghị định số 15/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Bắc Ninh, trên cơ sở thị xã Bắc Ninh. Ngày 24/9/2008, Chính phủ ra Nghị định số 01/2008/NĐ-CP thành lập thị xã Từ Sơn trên cơ sở huyện Từ Sơn. Trước đó, Chính phủ đã ra Nghị định thành lập các đơn vị: thị trấn Phố Mới thuộc huyện Quế Võ vào ngày 7/10/1995, thị trấn Hồ thuộc huyện Thuận Thành vào ngày 18/2/1997, thị trấn Chờ thuộc huyện Yên Phong vào ngày 9/1/1998, thị trấn Thứa thuộc huyện Lương Tài vào ngày 19/6/1998, thị trấn Lim thuộc huyện Tiên Sơn vào ngày 10/12/1998, thị trấn Gia Bình thuộc huyện Gia Bình vào ngày 4/8/2002. Qua bao thăng trầm lịch sử, vùng đất Bắc Ninh, địa bàn cốt lõi của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc, của nền văn hiến Kinh Bắc, của quốc gia Đại Việt - Việt Nam. “Giời Nam Việt vững nền tỉnh Bắc, Ở địa dư mái Bắc nhị hà…” (Kinh Bắc phong thổ diễn ca) 1.1.2.2. Lịch sử vùng đất và dân cư Các kết quả nghiên cứu khảo cổ, lịch sử và văn hóa ở Bắc Ninh trong những năm qua cho thấy nơi đây là địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt đồng thời là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang - Âu Lạc. Từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, người Việt cổ đã cư trú lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Tương... mà dấu ấn để lại là hệ thống các di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn, như di chỉ Bãi Tự, Từ Sơn, Xuân Ổ, Đồng Bạch, Nội Gầm, Lãng Ngâm, Đại Lai, Đại Trạch... [129] Đó là 10 dấu tích những làng xóm của cư dân Việt cổ, sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp (trồng lúa nước, rau màu, trồng dâu chăn tằm…), đánh bắt tôm cá... ở sông, ngòi, đầm, hồ và làm một số nghề thủ công. Một vùng đất với cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng dâu, chăn tằm được mang tên vùng Dâu với các địa danh: làng Dâu, tổng Dâu, chợ Dâu, chùa Dâu, hội Dâu, sông Dâu, cầu Dâu... Cùng với làm nông nghiệp, cư dân Việt cổ ở Bắc Ninh đã biết kết hợp làm các nghề thủ công. Những di tích di chỉ xưởng sản xuất đồ trang sức bằng đá ngọc ở Bãi Tự, Xuân Ổ, có niên đại thuộc văn hóa Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm. Đặc biệt, trong thành cổ Luy Lâu là nơi các nhà khảo cổ đã phát hiện được mảnh khuôn đúc trống đồng loại I Heger và các loại hình hiện vật khác như dao găm, rìu, dáo, tấm che ngực... cho thấy, hàng nghìn năm trước người Việt cổ nơi đây đã thông thạo các nghề thủ công, đồng thời có sự giao thương buôn bán, tiếp xúc và hội nhập kinh tế văn hóa với các vùng miền, các nước trong khu vực và thế giới. Hơn nghìn năm chống xâm lược và đồng hóa của phong kiến phương Bắc. Bắc Ninh là trung tâm của cuộc đấu tranh lâu dài và khốc liệt của dân tộc. Các tài liệu thư tịch, lịch sử và khảo cổ học cho thấy khu di tích Luy Lâu là quận trị Giao Chỉ, sau là thủ phủ Châu Giao, trung tâm bộ máy cai trị nước ta của phong kiến phương Bắc gần một thiên niên kỷ sau Công nguyên. Rải rác khắp các làng quê của Bắc Ninh và đậm đặc nhất ở Luy Lâu là các di tích thuộc thời Hán - Đường như di chỉ cư trú, mộ táng, thành lũy, nhà cửa, dinh thự, đền đài, chùa tháp... Những chứng tích đó cho thấy Bắc Ninh là địa bàn trọng điểm thi hành các chính sách cai trị và đồng hóa của phong kiến phương Bắc, đồng thời là trung tâm diễn ra các cuộc đấu tranh kiên trì của nhân dân ta nhằm chống lại sự đồng hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống, tiến tới giành lại nền độc lập vào đầu thế kỷ thứ X. Qua đêm trường đấu tranh, các làng xã Bắc Ninh được củng cố và có mối liên kết bền vững, trở thành pháo đài chống lại sự kìm kẹp, đồng hóa của kẻ thù xâm lược. Mối quan hệ cộng đồng gia tộc, họ hàng làng nước ngày càng bền chặt tạo thành sức mạnh cộng đồng trong cuộc đấu tranh bảo tồn truyền thống văn hóa bản địa, trở thành nội lực mạnh mẽ để giành lại nền độc lập dân tộc. Bắc Ninh chính là trung tâm của quá trình giao lưu và tiếp xúc trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Trị sở Luy Lâu - trung tâm chính trị, đồng thời là trung tâm kinh tế, thương mại, trung tâm văn hóa và tôn giáo của quân Giao Chỉ và Châu Giao. Các di tích khảo cổ học tập trung đậm đặc và phong phú gồm thành lũy, nơi cư trú, khu đô thị như phố chợ, dinh thự, đền đài, nhà cửa, bến bãi, kho tàng, khu sản xuất gạch ngói, gốm sứ... là những chứng tích vật chất cho thấy đây là một trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại và văn hóa của Giao Chỉ, Châu Giao thời thuộc Hán - Đường. Cùng với 11 các nguồn tài liệu thư tịch, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Trên đất Giao Chỉ, trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ II, tới thế kỷ IX - X, Luy Lâu không nhường vai trò một đô thị lớn nhất cho bất cứ nơi nào” [131]. Luy Lâu là đô thị cảng mang tính chất quốc tế. Có thể khẳng định, Bắc Ninh với trung tâm Luy Lâu là nơi đầu tiên có trường dạy chữ và văn hóa Hán ở nước ta, ngay từ đầu Công nguyên. Trên xứ Bắc - Bắc Ninh, tầng lớp nho sĩ người Việt được hình thành và ngày càng đông đảo. Đây là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong tiếp xúc, thâu nhận các thành tựu của nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, hình thành và phát triển bản sắc văn hóa vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc: hiếu học, trọng nhân nghĩa, cuộc sống của cá nhân và cộng đồng được tổ chức quy củ, nề nếp... Bước vào kỷ nguyên Đại Việt, Bắc Ninh - Kinh Bắc là đất phên dậu phía Bắc của Thăng Long - Đông Đô, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khai mở vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt cũng như công cuộc bảo vệ đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa với nhiều thành tựu rực rỡ “Nơi đây vũ công lừng lẫy”. Đó là chiến thắng Như Nguyệt bên bờ sông Cầu, vang vọng bài tuyên ngôn độc lập năm 1077 “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Tống thế kỷ XI. Đó là chiến thắng Vạn Kiếp - Phả Lại - Lục Đầu - Bình Than trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, là “Xương Giang - Bình Than máu trôi đỏ nước (Bình Ngô đại cáo) trong kháng chiến chống xâm lược nhà Minh. Những vũ công trong đấu tranh chống xâm lược trên miền quê xứ Bắc đã tạo nên phẩm chất anh hùng và quả cảm của con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Xứ Bắc - Bắc Ninh là vùng quê trù phú, kinh tế phát triển vào bậc nhất trong “tứ trấn”, trở thành miền đất hứa, vẫy gọi cư dân mọi miền tới làm ăn sinh sống: “Ai lên xứ Bắc mà trông, Đất lành, gạo trắng nước trong thay là” Nơi đây là vựa lúa của đồng bằng châu thổ, mà câu ca dân gian còn truyền khắp vùng Đông - Nam - Đoài - Bắc: “Tỉnh Bắc giá thóc mười hai, Tỉnh Đông mười tám, tỉnh Đoài hai mươi” Người Bắc Ninh không chỉ giỏi làm ruộng, mà còn khéo tay thợ, giàu truyền thống khoa bảng và sáng tạo văn hóa nghệ thuật, được dân gian ca ngợi: “Tỉnh Bắc có lịch, có lề, Có nghề buôn bán, có nghề cửi canh Có nghề xe chỉ, học hành, Có nghề tô vẽ tờ tranh bốn mùa” 12 Bắc Ninh là tổ đình Phật giáo Việt Nam; quê hương nhà Lý - một triều đại sùng mộ đạo Phật. Vì vậy, Bắc Ninh trở thành quê hương chùa tháp với câu ca dân gian “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Bắc Ninh từ ngàn xưa nổi tiếng với những trung tâm Phật giáo, nơi có những danh lam cổ tự vào bậc nhất Việt Nam như Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Chùa Dạm, chùa Tiêu Sơn, chùa Cổ Pháp... Đó là những nơi hành đạo của các Thiền sư danh tiếng như Khâu Đà La, Tì ni đa lưu chi, Pháp Hiền, Vạn Hạnh, Huyền Quang, Dương Không Lộ... Tại các trung tâm Phật giáo, các sư tăng không chỉ truyền bá Phật giáo cho dân chúng, mà còn góp phần quan trọng vào đời sống xã hội, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc với lòng vị tha, bác ái, trở thành nét tiêu biểu của tinh thần đạo lý Việt Nam. Di sản văn hóa Phật giáo với các công trình kiến trúc quy mô, nghệ thuật tinh xảo được thể hiện tập trung ở các công trình chùa tháp vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, cùng với lễ hội chùa và tinh thần giáo lý Phật giáo đã thấm sâu vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trở thành bộ phận quan trọng của tinh thần Việt Nam và văn hóa Việt Nam. 1.2. Tư liệu và vấn đề 1.2.1. Chùa Dạm qua tài liệu cổ sử Theo tài liệu ghi chép cho biết dưới triều Lý (1009 - 1225), nhà Lý cho xây dựng và khánh thành 53 ngôi chùa lớn trong đó có chùa Dạm. Về những ngôi chùa được xây dựng dưới vương triều Lý, ngôi chùa trên núi Đại Lãm hay Lãm Sơn được ghi chép trong các bộ sử và qua tài liệu văn bia hiện còn về Chùa Dạm, hay Thần Quang tự. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: năm Bính Dần (1086), vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 2 “Làm chùa ở núi Đại Lãm”. Năm sau (1087) “Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến chùa Lãm Sơn. Đêm ban yến cho các quan, vua thân làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến”. Niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 4 (1088), “Mùa đông, tháng 10, xây tháp chùa Lãm Sơn”. Năm 1094 (vua Lý Nhân Tông, niên hiệu Hội Phong năm thứ 3) “mùa hạ, tháng 4, tháp chùa Lãm Sơn xây xong”. Đến năm 1105, vua Lý “Mùa thu, tháng 9, làm ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn” [123]. Sách Việt Sử lược chép: năm 1086, niên hiệu Quảng Hựu năm thứ 2: “Mùa đông, tháng 11, xây chùa ở núi Đại Lãm”. Năm Đinh Mão (Quảng Hựu năm thứ 3 1087) “Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Lãm Sơn. Ban đêm, vua đãi yến quần thần ở trên núi. Vua làm hai bài thơ Lãm Sơn dạ yến” (tiệc yến ban đêm ở Lãm Sơn) viết ở đó để lưu lại”. Năm 1088, hiệu Quảng Hựu năm thứ tư “Mùa đông, tháng 10, xây tháp ở Lãm Sơn”. Đến năm Giáp Tuất, hiệu Hội Phong năm thứ 3 (1094) “Mùa thu, tháng 9, chùa Lãm Sơn làm xong. Vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh. Vua thân đề biển bằng chữ triện” [132]. 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất