Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Dạy học tác gia – tác phẩm xuân diệu trong trường trung học phổ thông (sgk 11 tậ...

Tài liệu Dạy học tác gia – tác phẩm xuân diệu trong trường trung học phổ thông (sgk 11 tập 2, bộ nâng cao)

.PDF
78
939
119

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM VÕ HOÀNG TUẤN DẠY HỌC TÁC GIA – TÁC PHẨM XUÂN DIỆU TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (SGK 11 TẬP 2, BỘ NÂNG CAO) LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NGÀNH SƯ PHẠM NGỮ VĂN Cần Thơ, 2014 TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM VÕ HOÀNG TUẤN DẠY HỌC TÁC GIA – TÁC PHẨM XUÂN DIỆU TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG (SGK LỚP 11 TẬP 2, BỘ NÂNG CAO) LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NGÀNH SƯ PHẠM NGỮ VĂN Cán bộ hướng dẫn TRẦN ĐÌNH THÍCH LỜI CẢM ƠN Cần Thơ, 2014 LỜI CÁM ƠN Trải qua thời gian dài nghiên cứu và thực hiện đề tài này, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Trần Đình Thích, cùng với sự giúp đỡ của quý thầy cô trong Bộ môn, các bạn cùng lớp cùng với sự nỗ lực của bản thân thì hôm nay luận văn đã hoàn thành. Hoàn thành luận văn tốt nghiệp là niềm vui lớn nhất của tôi, đây là mong muốn góp một phần công sức của mình vào việc nâng cao chất lượng dạy học Văn ở trường trung học phổ thông hiện nay. Tôi đã chọn đề tài: “Dạy học tác gia – tác phẩm Xuân Diệu trong trường Trung học phổ thông” (SGK lớp 11 tập 2, bộ Nâng cao). Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong bộ môn Ngữ Văn đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện đề tài nghiên cứu của mình. Tôi xin chân thành cám ơn thầy Trần Đình Thích, cán bộ hướng dẫn với lòng nhiệt tình đã tận tình giúp đỡ, chỉ bảo để tôi hoàn thành luận văn. Tôi cũng xin cám ơn các bạn cùng nhóm luận văn đã góp ý để tôi hoàn thành đề tài được tốt hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế và thiếu sót, tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý thầy cô và các bạn để cho đề tài được hoàn thiện hơn. Cần Thơ, ngày 25/04/2014 Sinh viên thực hiện Võ Hoàng Tuấn ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG ChươngI: TÁC GIA XUÂN DIỆU VÀ TÁC PHẨM CỦA ÔNG Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 1.1 Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu 1.1.1 Khái quát về cuộc đời Xuân Diệu 1.1.1.1 Tiểu sử 1.1.1.2 Con người 1.1.2 Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu 1.1.3 Nội dung thơ văn của Xuân Diệu 1.1.3.1 Trước cách mạng tháng Tám 1.1.3.1.1 Về thơ 1.1.3.1.2 Về văn xuôi 1.1.3.2 Sau cách mạng tháng Tám 1.1.4 Phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu 1.2 Vị trí và đóng góp của Xuân Diệu 1.2.1 Trong nền văn học Việt Nam 1.2.2 Trong chương trình phổ thông Chương II: DẠY HỌC TÁC GIA – TÁC PHẨM XUÂN DIỆU TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 2.1 Đặc điểm, nguyên tắc dạy kiểu bài văn học sử về tác gia văn học và tác phẩm 2.1.1 Đặc điểm, nguyên tắc dạy kiểu bài văn học sử về tác gia 2.1.1.1 Đặc điểm kiểu bài văn học sử về tác gia 2.1.1.2 Nguyên tắc dạy học kiểu bài văn học sử về tác gia 2.1.2 Đặc điểm, nguyên tắc dạy kiểu bài tác phẩm văn học 2.1.2.1 Đặc điểm kiểu bài tác phẩm văn học 2.1.2.2 Nguyên tắc dạy kiểu bài tác phẩm văn học 2. 2 Phương pháp dạy kiểu bài văn hoc sử về tác gia và tác phẩm văn học. 2.2.1 Phương pháp đọc tác phẩm 2.2.2 Phương pháp diễn giảng 2.2.3 Phương pháp trực quan 2.2.4 Phương pháp nêu vấn đề 2.2.5 Phương pháp thảo luận nhóm 2.2.6 Phương pháp sử dụng sách giáo khoa 2.2.7 Kể chuyện có nghệ thuật Chương III: THIẾT KẾ THỂ NGHIỆM Bài 1: Tác gia Xuân Diệu (2 tiết) Bài 2: Vội vàng (1 tiết) Bài 3: Đây mùa thu tới (1 tiết) Bài 4: Thơ duyên (1 tiết) PHẦN KẾT LUẬN QUY ƯỚC VIẾT TẮT THPT: Trung học phổ thông GV: Giáo viên HS: Học sinh PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài: Xuân Diệu là một nhà thơ lớn của dân tộc, ông có nhiều tài năng và thành công trên nhiều lĩnh vực: làm thơ, viết văn, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật,… Ông đã có những đóng góp lớn lao và tích cực cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Là một nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ mới, ông đã được nhà phê bình Hoài Thanh mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Xuân Diệu có nhiều tác phẩm được các nhà nghiên cứu lựa chọn và đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Cũng như một số bạn trẻ, khi còn học phổ thông tôi đã rất thích thơ Xuân Diệu. Mặc dù đã được giới thiệu và học ở chương trình phổ thông, nhưng những hiểu biết về cuộc đời cũng như thơ văn của ông thì chưa được nhiều. Tiến hành luận văn: “Dạy học tác gia – tác phẩm Xuân Diệu trong trường Trung học phổ thông, SGK 11, tập hai (bộ Nâng cao)”, tôi sẽ có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp thơ văn cũng như những tác phẩm của ông. Đặc biệt, sau khi hoàn thành luận văn, tôi sẽ có được một lượng kiến thức quan trọng trong quá trình giảng dạy sau này. 2. Lịch sử vấn đề: Vấn đề dạy học văn chương ở trường THPT còn rất nhiều hạn chế vì con đường thâm nhập tìm hiểu tác phẩm văn chương vẫn là một vấn đề khó khăn mà hầu như ít người nghiên cứu đến mà việc tiếp cận với tác phẩm văn chương Xuân Diệu lại là một vấn đề quan trọng. Trong lịch sử văn học, ông đã chiếm được vị trí xứng đáng qua các công trình nghiên cứu: - Xuân Diệu thơ và đời của Lữ Huy Nguyên ( Nxb Văn học Hà Nội, 1995) tập hợp những bài viết của các nhà văn, nhà thơ mang tính chất hồi ức, những mẩu chuyện, những kỷ niệm về thơ và đời của ông và có bài viết “Xuân Diệu nói về Đây mùa thu tới”. - Xuân Diệu như chính ông của Xuân Tùng (Nxb Văn hóa thông tin, 1999) đã điểm qua về hình ảnh cánh cò trong tác phẩm Thơ duyên, về phong cảnh buồn khi mùa thu đến và hình ảnh người thiếu nữ trong “Đây mùa thu tới”. - Xuân Diệu hoàng tử của thi ca Việt Nam hiện đại của Hạ Vinh Thi (Nxb Hà Nội, 2000) đề cập đến tiểu sử và ba bài thơ của ông được giảng dạy trong nhà trường. - Trong cuốn Thi nhân Việt Nam (Nxb Văn học,2003) Hoài Thanh đã ca ngợi Xuân Diệu là một “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. - Xuân Diệu – về tác gia và tác phẩm của Lưu Khánh Thơ (Nxb Giáo dục, 2007) tuyển chọn và giới thiệu, cuốn sách tập hợp khá đầy đủ và tương đối có hệ thống những bài viết về sự nghiệp văn và cuộc đời của tác giả. - Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy (Nxb Giáo dục, 1998) đã phản ánh những cố gắng, tìm tòi của các nhà nghiên cứu về phong cách và thi pháp thơ Xuân Diệu. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên chủ yếu nêu lên những cảm nhận của người viết về xu hướng sáng tác hay tác gia, tác phẩm chứ chưa đề cập đến phương pháp truyền thụ, giảng dạy của người GV về những bài học của Xuân Diệu trong chương trình phổ thông. Mặt khác cũng phải nhắc đến các công trình nghiên cứu về phương pháp dạy học môn Văn: - Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường (Nxb Giáo dục, 1977), Con đường nâng cao hiệu quả dạy học Văn (Nxb Giáo dục, 1978) của Phan Trọng Luận với nội dung nêu cao vai trò môn Văn trong nhà trường phổ thông đồng thời đề cập các phương pháp chung cho dạy học Văn. - Phương pháp dạy học Văn tập I (Nxb Giáo dục, 1988) của Phan Trọng Luận. Trong công trình nghiên cứu này ông đã đề cập đến các nội dung: + Phương pháp dạy học ở nhà trường trung học. + Phương pháp dạy học truyền thống. + Các phương pháp và biện pháp dạy học Văn trong nhà trường trung học: Phương pháp đọc sáng tạo, phương pháp gợi mở, phương pháp ngiên cứu, phương pháp tái tạo và nêu vấn đề trong dạy học Văn. + Phương pháp dạy học tác phẩm văn chương trong nhà trường, đề cập đến tiếp cận phân tích giảng dạy tác phẩm văn chương như: Phương pháp đọc diễn cảm, so sánh trong phân tích văn học, phân tích nêu vấn đề, phương pháp gợi mở, phương pháp giảng bình. - Dạy học Văn ở nhà trường phổ thông (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội) của Nguyễn Thị Thanh Hương đã đề cập đến vấn đề sau: + Đổi mới việc dạy học tác phẩm văn chương ở trường trung học phổ thông. + Đổi mới phương pháp dạy của GV khi HS là trung tâm. + Đổi mới việc tiếp nhận tác phẩm văn chương cho sinh viên khoa sư phạm Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. - Giáo trình Phương dạy học Văn – Tiếng Việt của tổ phương pháp dạy học Ngữ Văn (Trường Đại học Cần Thơ, 1996). Trong công trình này các tác giả đã bàn đến các phương pháp dạy học Văn: Phương pháp đọc diễn cảm, phương pháp đàm thoại, phương pháp diễn giảng, phương pháp trực quan và dạy học nêu vấn đề. Vì thế việc kết hợp các công trình nghiên cứu về tác gia Xuân Diệu cũng như những phương pháp dạy học hiện đại, luận văn mong tìm một hướng đi đúng, đi sâu vào việc giảng dạy tác gia Xuân Diệu cũng như tác phẩm của ông trong nhà trường phổ thông trung học. 3. Mục đích nghiên cứu Thực hiện và hoàn thành luận văn: “Dạy học tác gia – tác phẩm Xuân Diệu trong trường Trung học phổ thông, SGK 11 tập hai (bộ Nâng cao)” là điều kiện giúp bản thân tôi có cơ hội để định hướng, tiếp cận cũng như tìm hiểu phương pháp dạy học tác gia – tác phẩm Xuân Diệu, phục vụ cho việc giảng dạy sau này thuận tiện và đạt hiệu quả hơn. Song song đó, người viết cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ về phương pháp dạy học tác gia – tác phẩm Xuân Diệu trong nhà trường Trung học phổ thông. 4. Phạm vi nghiên cứu Thông qua các tài liệu có liên quan, luận văn tập trung nghiên cứu tác gia – tác phẩm Xuân Diệu được giảng dạy ở chương trình phổ thông (SGK lớp 11 tập 2, bộ Nâng cao) để tìm hiểu những đặc trưng về cuộc đời, sự nghiệp, những đặc trưng về nội dung, nghệ thuật, vị trí, đóng góp của ông trong tiến hình văn học Việt Nam cũng như trong nhà trường phổ thông và phương pháp dạy bài văn học sử về tác gia Xuân Diệu và tác phẩm Vội vàng, Thơ duyên, Đây mùa thu tới. 5. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng những phương pháp nghiên cứu chính sau đây: - Phương pháp tổng hợp, phân tích: Tổng hợp các tư liệu về phương pháp dạy học Văn. Trên cơ sở đó, tiến hành phân tích lý thuyết và rút ra hướng nghiên cứu trình bày cũng như nêu lên những ý kiến bổ sung, đóng góp thêm cho vấn đề đang nghiên cứu. - Phương pháp quan sát sư phạm: Được dùng với mục đích thu thập những thông tin từ thực tiễn giảng dạy. Cụ thể: quan sát về phương pháp, cách thức tổ chức giảng dạy của GV trường Đại học và phổ thông trung học nhằm học hỏi, đúc kết kinh nghiệm cho việc giảng dạy sau này. - Phương pháp thực nghiệm sư phạm: Mục đích kiểm chứng lại lý thuyết dạy học Văn qua hình thức tổ chức thực nghiệm giảng dạy một số lớp học cụ thể ở nhà trường phổ thông. PHẦN NỘI DUNG Chương I: TÁC GIA XUÂN DIỆU VÀ TÁC PHẨM CỦA ÔNG TRONG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 1.1 Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu 1.1.1 Khái quát về cuộc đời của Xuân Diệu 1.1.1.1 Tiểu sử Xuân Diệu (1916 – 1985). Tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu. Cha ông là Ngô Xuân Thọ, một nhà nho quê ở xã Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ ông là Nguyễn Thị Hiệp, làm vợ lẽ cha ông khi cha ông đang dạy học ở tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ, ông đã được học chữ Nho, chữ Quốc Ngữ và cả chữ Pháp với cha mình. Có lẽ do hoàn cảnh sống và chí ham học hỏi từ thiếu thời đã tạo nên một tài năng thơ Xuân Diệu. Năm 1927 ông xuống học ở Quy Nhơn, đỗ bằng thành chung năm 1934. Thời kỳ này, Xuân Diệu đã tập làm những bài thơ theo các thể thơ truyền thống và rất mến phục Tản Đà. 1935 – 1936, Xuân Diệu ra học “tú tài” phần thứ nhất ở trường Trung học bảo hộ Hà Nội tại Hà Nội. 1936 – 1939 ông vào học “tú tài” phần thứ hai ở Trường Trung học Khải Định ở Huế. Tại đây, ông gặp Huy Cận, học sau hai lớp và hai bạn thơ đã kết nghĩa với nhau thành một tình bạn bền bỉ ngót năm mươi năm. Ngày lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 1938, Thơ thơ ra đời với lời tựa của Thế Lữ. 1938 – 1940, Xuân Diệu cùng với Huy Cận ở gác nhà số 49 Hàng Than. Xuân Diệu đi dạy học ở trường tư thục Thăng Long và Huy Cận học Trường Cao đẳng nông lâm. Năm 1939, Xuân Diệu tập hợp các truyện ngắn của mình đã đăng trên báo Ngày nay và cho xuất bản tập Phấn thông vàng. Đi dạy trường tư, Xuân Diệu là một ông giáo loàng xoàng, không thể kiếm sống được; cho nên đầu 1940 ông thi tham tá Nha Thương chính (nhà Đoan) và vào Nam Bộ nhận việc ở “Sở Đoan” Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Nhờ vậy, nhà thơ được sống ngót bốn năm ở đất Nam Kỳ và có vốn địa lý, vốn sống để sau này viết Miền Nam nước Việt và người Việt miền Nam và viết rất nhiều bài thơ đấu tranh thống nhất. Năm 1943, Huy Cận tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Xuân Diệu xin thôi làm Tham tá nhà Đoan để về sống với Huy Cận tại Hà Nội, bằng số tiền lương của Huy Cận. Đôi bạn thân Xuân – Huy đã có lúc (1939) bằng tiền dành dụm của mình, tự đứng ra xuất bản tập Thơ thơ (in lần thứ hai) với tên “Nhà xuất bản Huy Xuân”. Từ Mỹ Tho trở về Hà Nộihọc, Xuân Diệu cùng hoạt động văn học với Huy Cận và cũng cùng tham gia Mặt trận Việt Minh hồi bí mật. Năm 1945, Xuân Diệu cho ra đời tập thơ văn xuôi Trường ca và tập thơ Gửi hương cho gió (Nhà xuất bản Thời đại). Tháng 2-1945, Xuân Diệu làm cuộc diễn thuyết đầu tiên trong đời mình với bài Sinh viên với quốc văn do Tổng hội sinh viên Việt Nam tổ chức, bài này sau đó được xuất bản với tên mở rộng Thanh niên với quốc văn. Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ. Khi những đảng phái phản động, núp sau quân chiếm đóng Tưởng Giới Thạch mưu đồ biểu tình chống Chính phủ Cách mạng lâm thời…Xuân Diệu cho đăng những bài thơ: Một cuộc biểu tình, tổng bất đình công, Vịnh cái cờ,…và đã cho xuất bản anh hùng ca Ngọn quốc kỳ ca ngợi lá cờ đỏ sao vàng; và để cổ động Tổng tuyển cử dầu tiên 6-1-1946, Xuân Diệu đã cho xuất bản Hội nghị non sông. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa I (1946-1960). Tháng 5-1946, một phái đoàn Quốc hội Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn sang thăm hữu nghị nước Pháp, Xuân Diệu tham gia với tư cách đại biểu các nhà báo Việt Nam trong phái đoàn; sau chuyến đi này, Xuân Diệu đã đăng trên báo Cứu quốc thiên phóng sự Từ trường bay đến trường bay và cho xuất bản tập Việt Nam nghìn dặm, viết về đời sống và cuộc đấu tranh của Việt kiều lính chiến và lính thợ tại Pháp từ 1940 đến 1946. Kháng chiến toàn quốc, Xuân Diệu ở suốt chín năm trong các chiến khu tại Việt Bắc. Ông đã đi theo Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1947 và phụ trách mỗi tuần nói một “câu chuyện văn hóa” ở đài, các tùy bút này về sau xuất bản thành tập Việt Nam trở dạ. Ông là ủy viên chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam kháng chiến ; ông đã đăng trên tạp chí Văn nghệ một loạt bài Tiếng thơ, giới thiệu và cổ vũ phong trào thơ của công nông binh. Năm 1949, Xuân Diệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam do hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Huy Tưởng giới thiệu. Trong giảm tô và cải cách ruộng đất, ông là đội viên các “đội phát động” ở làng Còng (Thanh Hóa) và xã Cát Văn (Nghệ An), đã cho xuất bản tập thơ mỏng Mẹ con về đề tài nông dân và ruộng đất. Cũng từ năm 1949, ông bắt đầu đi nói chuyện thơ trong quần chúng, cho đến nay ông đã trải qua ngót năm trăm cuộc bình thơ. Tháng 9 và tháng 10-1981, ông được mời sang nói chuyện về thơ Việt Nam tại Pháp. Sau hội nghị Giơ-ne-vơ 195, từ chiến khu trở về Hà Nội, Xuân Diệu lại lao vào cuộc chiến đấu mới ; một phần quan trọng trong các tập thơ ông là đề tài đấu tranh thống nhất, chống Mỹ - Ngụy và chuyên đề này chiếm toàn bộ tập Mũi Cà Mau (1962). Khi nhóm Nhân văn – Giai phẩm đi theo đường lối chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội trong văn nghệ, Xuân Diệu đã viết một loạt bài tiểu luận ứng chiến, in thành tập Những bước đường tư tưởng của tôi (1958). Năm 1958, ông là diễn giả trong kỷ niệm 138 năm ngày mất của Nguyễn Du, và đây cũng là khởi điểm của một loạt công trình nghiên cứu của Xuân Diệu về các nhà thơ lớn truyền thống của dân tộc. 1.1.1.2. Con người “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ”. Xuân Diệu học được ở cha đức tính cần cù, kiên nhẫn trong học tập, rèn luyện và lao động nghệ thuật. Ở Xuân Diệu, học tập, rèn luyện và lao động sáng tạo vừa là một quyết tâm khắc khổ, vừa là một lẽ sống, một niềm say mê lớn. Sinh ra và lớn lên ở quê mẹ (Quy Nhơn), nên thiên nhiên nơi đây cũng có tác động ít nhiều đối với hồn thơ nồng nàn, sôi nổi của ông, đặc biệt là những ngọn gió nồm : “Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát” (cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong) và những con sóng biển : “Như hôn mãi ngàn năm không thỏa – Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi !”. Và người ta còn nghĩ đến một lý do khác : ông là con vợ lẽ và vì sự cay nghiệt của bà cả nên ông phải sống xa mẹ từ nhỏ và thường bị hắt hủi. Hoàn cảnh ấy khiến ông luôn luôn khao khát tình thương và sự cảm thông của người đời. Về quá trình đào tạo, Xuân Diệu một mặt là trí thức Tây học, đã hấp thụ ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa Pháp một cách có hệ thống trên ghế nhà trường. Mặt khác, do xuất thân trong gia đình nhà Nho (con ông tú kép, hai lần đỗ tú tài Hán học) nên tiếp thu một cách tự nhiên ảnh hưởng của nền văn hóa truyền thống. Vì vậy, có thể tìm thấy ở nhà thơ sự kết hợp hai yếu tố cổ điển và hiện đại, Đông và Tây trong tư tưởng và tình cảm thẩm mĩ. Tất nhiên văn hóa, văn học phương Tây vẫn có ảnh hưởng sâu đậm hơn. Ông là một con người có tài năng về nhiều mặt: làm thơ, viết văn, nghiên cứu phê bình văn học, dịch thuật. Nhưng trước hết vẫn là một nhà thơ – một trong những nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. 1.1.2 Sự nghiệp sáng tác của Xuân Diệu Ông đã viết khoảng 450 bài thơ tình, 30 bài đã được in trong tập Cầm tay (1962), một số khác in xen kẽ trong các tập thơ xuất bản và số còn lại chưa in. Cùng với 15 tập thơ, Xuân Diêụ còn là một nhà văn với tập truyện ngắn Phấn thông vàng, tập thơ văn xuôi Trường ca, những bút ký chính trị, những tùy bút viết dọc theo năm tháng của đời sống đất nước và nhân dân, đồng thời là một nhà viết nhiều tiểu luận và phê bình văn học, đặc biệt là về các nhà thơ cổ điển lớn Việt Nam. Xuân Diệu đã nhiều lần thăm Liên Xô, ông đã dịch Trường ca Vlađimia Ilích Lênin của Maiacốpxki, thơ Puskin, Êxênhin, Ximônốp,…Ông đã giới thiệu và dịch thơ ba nhà thơ lớn Hunggary : S. Petofi, A. Giôdép, A.A đi, viết bài giới thiệu và dịch thơ Những nhà thơ Bungary (1978, 1985, thơ Eelidavêta Bagrianna, thơ Blaga Dimitrova (Vây giữa tình yêu, 1968), đã dịch Những người thợ đệt Xilêdi, Lôrơlây và chùm thơ Intécnâydô trữ tình của Henrích Hainơ. Ông cũng đã giới thiệu và dịch tập thơ Nicôla Ghiden, nhà thơ dân tộc Cuba, dự lễ mừng thọ N. Ghiden 80 tuổi ở LaHabana. Ông đã dự hội nghị trù bị các nhà văn Á Châu ở Niu Đêli (1958) và thăm Ấn Độ hai tháng, giới thiệu và dịch thơ Rabinđranát Tago (1961). Năm 1980, ông sự và phát biểu trong Hội nghị các nhà văn thế giới bảo vệ hòa bình lần thứ hai ở Xoophia. Ông cũng là Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức (từ năm 1983). Xuân Diệu từ trần ngày 18-12-1985 vì một cơn đau tim đột ngột tại Hà Nội. Xuân Diệu đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ với nhiều thể loại: Thơ, văn xuôi, tiểu luận, phê bình, dịch thuật: - Trước Cách mạng tháng Tám: + Thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945). + Văn xuôi: Phấn thông vàng (1939). - Sau Cách mạng tháng Tám: + Thơ: Hội nghị quốc kỳ (1945), Hội nghị non sông (1946), Dưới sao vàng (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954), Ngôi sao (1955), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962), Khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970),… + Văn xuôi, tiểu luận, phê bình: Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng (1958), Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960), Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đi trên đường lớn (1968), Và cây đời mãi mãi xanh tươi (1971), Mài sắt nên kim (1977),… + Dịch và giới thiệu thơ nước ngoài của các nhà thơ như: Targo, Puskin, Maiacốpxki, Đimitrôva,… 1.1.3 Nội dung thơ văn của Xuân Diệu 1.1.2.1 Trước cách mạng tháng Tám năm 1945. 1.1.2.1.1 Về thơ 1.1.2.1.1.1 Một niềm khát khao giao cảm với đời – cuộc đời được hiểu theo nghĩa trần thế nhất. Với Xuân Diệu, phương tiện giao cảm trực tiếp và linh diệu nhất, không gì bằng thơ, ông muốn thả những mảnh hồn sôi nổi và tinh tế của mình để tìm đến những tâm hồn bè bạn ở mọi phương trời, ở mọi thế hệ, ở mọi thời khắc, của hôm nay và vĩnh viễn mai sau. Tuy nhiên, trong niềm khát khao giao cảm ấy, ông không muốn hòa tan cái tôi của riêng mình vào trong cái biển đời vô danh nhạt nhẽo “mờ mờ nhân ảnh” mà muốn cái tôi của mình phải được khẳng định chói lọi “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối – còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhưng sống mãnh liệt như thế nào thì chưa có định hướng rõ rệt. Trong bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu muốn ôm lấy tất cả cuộc sống này, riết lấy tất cả trong đôi tay của mình : “Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn” (Vội vàng) Là nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời, tất nhiên Xuân Diệu cũng là nhà thơ của tình yêu. Phần này sẽ được trình bày kỹ hơn ở phần 1.1.2.1.1.3 Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu. Là nhà thơ của niềm giao cảm với đời nên Xuân Diệu cũng tất yếu trở thành nhà thơ cách mạng, nhà thơ của chủ nghĩa xã hội. Hồn thơ Xuân Diệu bắt vào lửa cách mạng một cách dễ dàng, mau lẹ hơn bất cứ nhà Thơ mới nào khác. Vì cách mạng chẳng phải là niềm giao cảm vĩ đại của hàng triệu người đó sao? Niềm giao cảm trong tình yêu lớn của cả một dân tộc, của nhiều dân tộc đối với một lý tưởng xã hội tốt đẹp. 1.1.2.1.1.2 Nhìn đời và vũ trụ bằng con mắt của chính mình thật trọn vẹn. Thoát khỏi hệ thống ước lệ của “thơ cũ” thời trung đại, các nhà thơ mới như lần đầu tiên nhìn cuộc đời và vũ trụ bằng con mắt của chính mình. Nhưng sự “thoát xác” ấy đến Xuân Diệu mới thật trọn vẹn. Với cặp mắt “xanh non”, cặp mắt “biếc rờn” ngơ ngác và đầy niềm vui sướng, nhà thơ đã phát hiện ra biết bao vẻ đáng yêu, đáng say đắm của thế giới thiên nhiên và con người nơi trần thế rất đỗi bình dị và gần gũi : Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn ; Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng, Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi ; - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi ! (Vội vàng) Với Xuân Diệu, tất cả đều là “tình yêu thứ nhất”, là “mùa xuân đầu”, bởi vì trong con mắt ông “tình không tuổi và xuân không ngày tháng”. Cố nhiên đẹp nhất, vui nhất vẫn là mùa xuân và tuổi xuân. Một thế giới như thế kêu gọi con người ta phải biết sống mãnh liệt, sống hết mình với nó: “Sống toàn tim ,toàn trí, sống toàn hồn – Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”. Và không thể dửng dưng trước thời gian một đi không trở lại (Vội vàng, Giục giã). Với một hồn thơ yêu đời, yêu cuộc sống như vậy, Xuân Diệu đã thổi vài phong trào Thơ mới một luồng gió nồng nàn, sôi sục ít có trong thơ ca truyền thống. Sinh thời, Xuân Diệu từng nói đến ảnh hưởng của gió biển nồng nàn của Quy Nhơn đối với thơ ông, đến cái mê ly của cảnh và người xứ Huế, đến cái xuân sắc mơn mởn của đào tơ hoa Nhật Tân, Ngọc Hà và những cô gái Hà Nội… Trái tim đa tình cùng với tác động của môi trường ấy vào giữa tuổi xuân phơi phới của nhà thơ đã tạo ra ở Xuân Diệu một thứ nhỡn quan riêng về thế giới khiến cỏ cây, trời đất, sông núi qua con mắt ông đã hiện lên với một vẻ đẹp thật là tình tứ và đầy tính sắc dục. Vì thế, ông nhìn đóa hồng nhung thành cặp môi hôn và gọi là “đóa hôn” (Đóa hồng nhung), nhìn phấn thông bay trong gió, ông thấy “ái tình tản mạn ôm ấp không gian” (Phấn thông vàng). Thời tiết bốn mùa đối với thơ ông cũng vậy, ông viết: “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình; Thu, người ta lạnh vì sắp đến mà cũng rất cần đôi” (Thu). Vầng trăng Xuân Diệu là “trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”, gió trong thơ Xuân Diệu là “gió canh khuya hay nghìn ngón tay ôm”. Còn hoa trong thơ Xuân Diệu thì không thể phân biệt được là hoa hay là những thiếu nữ đa tình (Nụ cười xuân, Với bàn tay ấy, Hoa đêm,…) Trong cái vũ trụ mà Xuân và Tình làm chủ ấy, người ta thấy một nguyên tắc mỹ học được xác định: vẻ đẹp của con người là chuẩn mực của vẻ đẹp thế giới, của vũ trụ. Nếu trong văn học trung đại, người ta thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn cho vẻ đẹp của con người. Ví dụ: thơ xưa viết về người đẹp nào là mặt hoa, tóc mây, mày liễu, làn thu thủy, nét xuân sơn,… Còn Xuân Diệu thì so sánh ngược lại: …Lá liễu dài như một nét mi… …Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ… …Mây đa tình như thi sĩ đời xưa… 1.1.2.1.1.3Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu Tình yêu là một trong những niềm giao cảm mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất, toàn vẹn nhất, vừa rất mực trần thế, vừa hết sức cao thượng. Vì tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi vô biên, khát khao tuyệt đích và vĩnh viễn. Cảm hứng về tình yêu là cảm hứng nổi bật trong thơ Xuân Diệu. Ông được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình” bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Với ông, tình yêu đã trở thành lẽ sống “làm sao sống được mà không yêu”, mặc dù ông cảm nhận “Yêu là chết trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Tình yêu được Xuân diệu diễn tả với nhiều cung bậc: từ Gặp gỡ rồi Yêu, cho đến khi Xa cách, Biệt li êm ái và với những tâm trạng và hành động khác nhau: Có khi là sự “Dại khờ”, “Mời yêu”, “Ngẩn ngơ”,… Xuân Diệu đã thể hiện được một tình yêu đích thực, không e ấp ngượng ngùng khi bày tỏ tình yêu. Ông muốn tạo nên một không gian thấm đẫm tình yêu để gửi gắm niềm khao khát: Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần Phải mặn nồng cho mãi mãi đem xuân Đem chim bướm thả trong vườn tình ái. (Phải nói) Tình yêu trong thơ Xuân Diệu gắn liền với nỗi cô đơn và hoài nghi. Ngay cả khi “được yêu” nhưng “cái tôi” vẫn lo sợ vì cảm nhận sự biệt li, tan vỡ đang dần đến: “Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài…” (Giục giã) Ông quan niệm tình yêu không chỉ là sự giao cảm xác thịt, mà còn là sự giao cảm của những linh hồn. Xuân Diệu đã đặt yêu cầu giao cảm linh hồn giữa cái thế giới không chịu đón nhận linh hồn chân thật của ông: Lòng ta là một cơn mưa lũ Đã gặp lòng em là lá khoai Mưa biếc tha hồ rơi giọt ngọc Lá xanh không ướt đến da ngoài. (Nước đổ lá khoai) Ông thấy tình cảm mãnh liệt của mình chỉ như “Nước đổ lá khoai”, càng yêu càng thấy “Dại khờ”, thậm chí “Yêu là chết trong lòng một ít”. Vì thế nội dung của hầu hết những bài thơ tình của Xuân Diệu là nỗi đau của một trái tim đắm say, nồng nhiệt mà không được đền đáp xứng đáng, là cảm giác cô đơn, giá lạnh trước thái độ nhạt nhẽo của người đời. Ta hiểu vì sao trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu, mùa xuân và bình minh đi liền với những chiều thu tàn và những đêm trăng lạnh; sự nồng nàn đi liền với cảm giác bơ vơ; sự ham hố, vồ vập với cuộc đời đi liền với nhu cầu thoát ly tất cả, thậm chí muốn trốn tránh cả bản thân mình (Cặp hài vạn dặm). 1.1.2.1.1.4 Khi thơ Xuân Diệu mới ra đời, người ta thấy ông Tây quá. Có nhận định cho rằng: “khi thơ Xuân Diệu mới ra đời, người ta thấy ông Tây quá”. Điều ấy không phải không có lí. Tuy nhiên, thơ Xuân Diệu từ bản chất vẫn kế thừa và phát huy nhạc điệu riêng, linh hồn riêng của thơ ca truyền thống. Tuy nhiên yêu cầu cách tân của thơ mới khiến Xuân Diệu không thể không học tập những thành tựu phong phú của thơ ca hiện đại phương Tây. Người ta thấy ông chủ yếu chịu ảnh hưởng của trường thơ tượng trưng Pháp. “Do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng Pháp để đi sâu vào cái huyền diệu bên trong “của cái tôi”, Xuân Diệu có những rung cảm tinh vi để cảm thụ và diễn tả những biến thái tế vi của trái tim và ngoại cảnh. Không ít câu chữ trong thơ Xuân Diệu còn sượng, quá “Tây”, nhưng dần dần, với bút lực sáng tạo dồi dào, Xuân Diệu đã nhanh chóng đạt tới độ nhuần nhị, tinh tế, vừa mới mẻ thanh tân vừa Việt Nam” [12;111] Hoài Thanh từng nhận xét: “Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng. Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ đặt câu quá Tây của Xuân Diệu, ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta” [14;105]. Trong khi học tập thơ Pháp, Xuân Diệu cũng có lúc “Tây” (“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”, câu thơ viết theo lối diễn đạt của ngôn ngữ Pháp nên cho đến nay một số người vẫn cảm thấy khó hiểu). Hay từ câu thơ Pháp “Đi là chết trong lòng một ít”, Xuân Diệu đã sáng tác câu thơ “Yêu là chết trong lòng một ít”. Trường thơ này đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển của nghệ thuật thơ ca: làm phong phú khả năng chiếm lĩnh và diễn đạt thế giới một cách tinh vi, mầu nhiệm hơn, nâng cao tính nhạc của thơ, mài sắc giác quan của nhà thơ, phát huy cao độ ý thức về quan hệ tương giao giữa các giác quan khi cảm thụ thế giới,… Kinh nghiệm của Đông và Tây, truyền thống và hiện đại, kêt tinh ở một tâm hồn nghệ sĩ khát khao giao cảm với đời đã giúp Xuân Diệu khám phá được nhiều biến thái tinh vi của thiên nhiên cũng như nội tâm con người và thể hiện được trong những vần thơ “ít lời, nhiều ý, súc tích nhưng đọng lại bao nhiêu tinh hoa” (Thế Lữ). Ta thấy thơ Xuân Diệu là một thế giới nghệ thuật đầy xuân sắc và tình tứ, trong đó chuẩn mực của cái đẹp không phải là thiên nhiên như ta thường thấy trong thơ ca truyền thống mà là con người – con người giữa tuổi trẻ và tình yêu. Quan niệm mĩ học này đã khiến Xuân Diệu sáng tạo ra được nhiều hình ảnh mới mẻ, đọc đáo, đẹp một cách khỏe khoắn và đầy sức sống. 1.1.2.1.2 Về văn xuôi Với hai tập Phấn thông vàng (1939) và Trường ca (1945), Xuân Diệu đã để lại nhiều trang viết đáng gọi là kiệt tác. Phấn thông vàng là một tập bút kí, truyện ngắn, ông gọi là loại “truyện ý tưởng”. Trường ca là một tập tùy bút. Nhìn chung văn xuôi Xuân Diệu thời kỳ này giàu chất thơ trữ tình, cảm hứng lãng mạn là chủ đạo. Những trangvawn thật đẹp với những câu văn, những hình ảnh được trau truốt, gọt giũa kỹ càng. Câu văn giàu nhạc điệu, không sa vào biền ngẫu song lại luôn luôn tạo được âm hưởng riêng. Chất thơ thấm đẫm trên những trang văn xuôi của Xuân Diệu. Trong văn xuôi trước Cách mạng đã sớm hình thành một giọng điệu riêng, tinh tế, tự nhiên, mượt mà, pha chút buồn duyên dáng. Văn xuôi trong Phấn thông vàng và Trường ca dường như là nối dài, mở rộng những ý tưởng mà ông đã tưng gửi gắm, từng nói đến trong Thơ thơ và gửi hương cho gió. Với những đặc trưng riêng của thể loại văn xuôi, Xuân Diệu đã giãy bày được đầy đủ, rõ ràng và đậm nét hơn những quan niệm về tình yêu, con người và cuộc sống. “Bao trùm lên những trang văn của Xuân Diệu là niềm khát khao gắn bó với cuộc đời, là một tình yêu say đắm không giới hạn” [16;24] 1.1.2.2 Sau cách mạng tháng Tám Với niềm khát khao giao cảm với đời, hồn thơ Xuân Diệu dễ bắt vào phong trào cách mạng để nhập cuộc với cuộc sống rộng lớn, sôi động của nhân dân. Ông say sưa viết về Tổ quốc, nhân dân, về Đảng, Bác Hồ, về hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, về sự nghiệp xây dựng đất nước,…với một tinh thần lạc quan sôi nổi. Tài năng của ông được phát huy trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn xuôi, nghiên cứu, phê bình văn học, dịch thuật. Tình cảm công dân là nét nổi bật trong mọi sáng tác của ông. Năm 1960, tập thơ Riêng chung ra đời, đánh dấu sự chuyển biến tư tưởng sâu sắc và vững chắc của Xuân Diệu với tư cách nhà thơ cách mạng. Cũng từ đó, ông lại tiếp tục viết về tình yêu. Thơ tình Xuân Diệu sau Cách mạng, về kĩ thuật có được gia công hơn nhưng không còn có cái sôi sục, đắm say của tuổi trẻ. Nếu trước kia, ông hay nói đến xa cách và cô đơn thì nay ông nói nhiều đến cái ấm áp của sự sum vầy và tình chung thủy: Hôn mãi cát vàng em Hôn thật khẽ, thật êm Hôn êm đềm mãi mãi. ( Biển ) Vai anh khi để đầu em tựa Cân cả buồn vui của một đời (Tình yêu san sẻ) Lứa đôi trong tình yêu của Xuân diệu sau này yêu nhau trong bối cảnh nhân dân chiến đấu cho sự sống còn của đất nước. Trong bối cảnh đó người yêu – đối tượng ca ngợi của thơ – thơ không còn là một người yêu lý tưởng sống ngoài không gian và thời gian mà là một người yêu cụ thể, những người yêu cụ thể, là những con người bình thường có hoạt động xã hội, có công tác và có trái tim người yêu đắm đuối, yêu thiết tha khi “tưng bừng” khi thầm kín: Thôi em nghỉ việc, khuya rồi Chăn mưa em đắp cùng trời với anh (Mưa) Một tuần công việc tạm xong Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người (Ước chi) Với nhiệt tình cách mạng, từ tháng tám 1945, Xuân Diệu đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam một khối lượng sáng tác khá đồ sộ: mười ba tập thơ, năm tập bút kí, sáu tác phẩm dịch thơ nước ngoài. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tài năng Xuân Diệu đặc biệt phát triển mạnh về nghiên cứu, phê bình văn học. Ông để lại mười sáu tập nghiên cứu, phê bình viết về hầu như đầy đủ loại đối tượng: từ thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Huy Cận,… đến thơ Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm,… rồi cả thơ ca quần chúng của bộ đội, công nhân, nông dân trong kháng chiến và cải cách ruộng đất. Ông viết cả về những tập nhật ký của Nguyễn Đức Thuận (Bất khuất), Trần Đình Vân (Sống như Anh),… Nhưng Xuân Diệu đặc biệt dồn sức vào việc nghiên cứu, phê bình các nhà thơ cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,… Ông muốn độc giả muôn đời sau vẫn đọc ông và giao cảm với ông khi tìm hiểu những thiên tài bất tử của dân tộc. 1.1.4 Phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu Xuân Diệu là một nhà thơ luôn gắn bó với cuộc sống và sống hết mình cho cuộc sống. Xuân Diệu luôn có mặt trong cuộc sống, ông đặt tên cho một tập thơ của mình là Tôi giàu đôi mắt. Ông hăm hở, say mê sáng tạo với trách nhiệm của một công dân trước cuộc sống. Thơ ông bám lấy thực tại của cuộc sống, đưa sự vật, hiện tượng vào thơ, muốn mở rộng cánh cửa thơ cho cuộc sống tràn vào, do vậy trong thơ ông có sự bề bộn của những chi tiết hiện thực cuộc sống. Ông muốn thơ phải có sức chứa lớn và sức phản ảnh rộng lớn phong phú. Xuân Diệu là nhà thơ giàu sức sáng tạo, luôn có ý thức tìm tòi, thể nghiệm trên nhiều phương diện (cách xây dựng hình tượng, nhịp điệu, ngôn ngữ,… ). Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên thơ hay và thơ trung bình ở mỗi tập thơ của ông. Tâm hồn thơ Xuân Diệu luôn có sự tinh tế và nhạy cảm. Đó là yếu tố bền vững trong thơ Xuân Diệu trước và sau Cách mạng. Nói cách khác, sức thanh xuân luôn tràn đầy trong tâm hồn thơ Xuân Diệu. Tươi trẻ, hăng say như cái thuở ban đầu yêu và đang yêu là nét nổi bật trong thơ Xuân Diệu. Sự nhạy cảm của tâm hồn đã tạo cho thơ ông thêm giàu hương vị của cuộc đời, tác động mãnh liệt đối với nhận thức của người đọc. Thơ Xuân Diệu có khi còn nặng về kể, giãy bày, ít ẩn ý, thiếu hàm súc, dễ dãi, dài dòng trong nhạc điệu, từ ngữ . Điều đó tạo nên sự hạn chế phần nào về sức truyền cảm và hấp dẫn của thơ ông đối với người đọc. 1.2. Vị trí và đóng góp của Xuân Diệu 1.2.1 Trong nền văn học Việt Nam Xuân Diệu là một tác gia lớn trong văn học Việt Nam hiện đại với một phong cách riêng đặc sắc. Trước và sau 1945, ông đều có những đóng góp lớn đối với nền văn học nước nhà. Ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông là người đã góp phần hoàn chỉnh cuộc cách mạng trong thi ca, khiến từ đó trở đi thơ ca ta có một khuôn mặt hiện đại. Xuân Diệu đã bộc lộ trong thơ một cái tôi trữ tình phong phú và độc đáo, được biểu hiện dưới nhiều phương thức khác nhau. Sau 1945, ông cũng thuộc số ít người ở hàng đầu của thơ ca Cách mạng. Xuân Diệu đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị lâu dài về nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình, dịch thuật,… Ở thể loại nào ông cũng đạt được những thành tựu, in đậm dấu ấn riêng. Sinh thời đã có nhiều bài phê bình, tiểu luận, nghiên cứu về các sáng tác của ông. Xuân Diệu có thơ từ 19 tuổi và nổi tiếng từ 21 tuổi (1937). Với tập thơ thơ (1938) và Phấn thông vàng (1939) trở thành nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh). Thơ Xuân Diệu là đỉnh cao của phong trào Thơ mới. Sự xuất hiện của ông trên thi đàn đã góp phần quyết định cho sự toàn thắng của phong trào Thơ mới. Năm 1941, khi viết Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã nhận xét "Thơ Xuân Diệu là nguồn sống rào rạt chưa từng có ở chốn non nước lặng lẽ này". Tiếp sau đó, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho rằng: "Thơ Xuân Diệu đằm thắm, nồng nàn nhất trong các nhà Thơ mới", "là người mang đến cho thơ nhiều cái mới nhất". [25]
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan