Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Kinh tế - Quản lý Quản lý nhà nước Dầu mỏ tiền bạc và quyền lực...

Tài liệu Dầu mỏ tiền bạc và quyền lực

.PDF
997
283
131

Mô tả:

MỤC LỤC Reviews LỜI NHÀ XUẤT BẢN LỜI GIỚI THIỆU LỜI TỰA MỞ ĐẦU CHƯƠNG 1: SỰ KHỞI ĐẦU: NỖI ÁM ẢNH VỀ DẦU CHƯƠNG 2: “KẾ HOẠCH CỦA CHÚNG TA”: JOHN D. ROCKEFELLER VÀ SỰ CẤU KẾT TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP DẦU LỬA MỸ CHƯƠNG 3: THƯƠNG MẠI CẠNH TRANH CHƯƠNG 4: THẾ KỶ MỚI CHƯƠNG 5: SÁT THỦ GIẾT RỒNG CHƯƠNG 6: NHỮNG CUỘC CHIẾN DẦU MỎ: SỰ TRỖI DẬY CỦA ROYAL DUTCH VÀ SỰ SUY VONG CỦA ĐẾ CHẾ NGA CHƯƠNG 7: “NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ” Ở BA TƯ CHƯƠNG 8: CÚ NHẢY ĐỊNH MỆNH PHẦN II: CUỘC VẬT LỘN TOÀN CẦU - CHƯƠNG 9: HUYẾT MẠCH CỦA CHIẾN THẮNG: CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ I CHƯƠNG 10: MỞ CÁNH CỬA TRUNG ĐÔNG: CÔNG TY DẦU MỎ THỔ NHĨ KỲ CHƯƠNG 11: TỪ THIẾU HỤT ĐẾN DƯ THỪA: THỜI ĐẠI XĂNG DẦU CHƯƠNG 12: “ĐẤU TRANH CHO PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT MỚI” CHƯƠNG 13: CƠN LŨ CHƯƠNG 14: “NHỮNG NGƯỜI BẠN” – VÀ KẺ THÙ CHƯƠNG 15: NHỮNG VỤ CHUYỂN NHƯỢNG CỦA ARẬP: THẾ GIỚI MÀ FRANK HOLMES TẠO RA PHẦN III - CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN LƯỢC - CHƯƠNG 16: CON ĐƯỜNG THAM CHIẾN CỦA NHẬT BẢN CHƯƠNG 17: CÔNG THỨC CHIẾN TRANH CỦA NGƯỜI ĐỨC CHƯƠNG 18: GÓT CHÂN ASIN CỦA NHẬT BẢN CHƯƠNG 19: CUỘC CHIẾN CỦA QUÂN ĐỒNG MINH PHẦN IV: KỶ NGUYÊN HYDROCARBON, DẦU MỎ, TIỀN BẠC VÀ QUYỀN LỰC - CHƯƠNG 20: TRỌNG TÂM MỚI CHƯƠNG 21: TRẬT TỰ DẦU LỬA SAU CHIẾN TRANH CHƯƠNG 22: 50-50: THỎA THUẬN MỚI VỀ DẦU LỬA CHƯƠNG 23: “MOSSY GIÀ” VÀ CUỘC XUNG ĐỘT Ở IRAN CHƯƠNG 24: CUỘC KHỦNG HOẢNG SUEZ CHƯƠNG 25: NHỮNG CON VOI CHƯƠNG 26: OPEC VÀ GIẾNG DẦU SÔI SỤC CHƯƠNG 27: CON NGƯỜI HYDROCARBON PHẦN V: CUỘC CHIẾN GIÀNH QUYỀN BÁ CHỦ THẾ GIỚI CHƯƠNG 28: NHỮNG NĂM THÁNG BẢN LỀ: CÁC QUỐC GIA CHỐNG LẠI CÁC CÔNG TY CHƯƠNG 29: VŨ KHÍ DẦU LỬA CHƯƠNG 30: “TRẢ GIÁ CHO CUỘC SỐNG” CHƯƠNG 31: UY QUYỀN TUYỆT ĐỐI CỦA OPEC CHƯƠNG 32: SỰ ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG 33: CÚ SỐC THỨ HAI: ĐẠI KHỦNG HOẢNG CHƯƠNG 34: CHÚNG TÔI CÙNG ĐƯỜNG RỒI CHƯƠNG 35: DẦU MỎ - MỘT LOẠI HÀNG HÓA ĐẠI TRÀ? CHƯƠNG 36: TIẾP TỤC BƠM DẦU VÀO THỊ TRƯỜNG: GIÁ SẼ THẤP ĐẾN MỨC NÀO? PHẦN KẾT TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM - PetroVietnam TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH VỤ KỸ THUẬT DẦU KHÍ PTSC LỜI NHÀ XUẤT BẢN Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Dầu mỏ là một năng lượng quan trọng, không thể tái sinh. Từ khi được phát hiện đến nay, dầu mỏ đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, tiền bạc và quyền lực trên thế giới. Từ cuối thế kỷ XIX, hết thế kỷ XX cho đến hôm nay, dầu mỏ đều ít nhiều là tác nhân gây nên những cuộc tranh giành quyền lực, dẫn đến những cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới và cuối cùng là hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX. Vào đầu những năm 1970, do dầu đột ngột tăng giá, kinh tế thế giới, nhất là ở những nước công nghiệp tiên tiến, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Từ đó tới nay những biến động về giá dầu đã trở thành mối quan tâm hàng ngày, hàng giờ. Nhiều lúc người ta có cảm tưởng sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, nguồn năng lượng mà loài người hiện chỉ còn 30 đến 35% dự trữ, tức là với tốc độ sử dụng hiện nay dầu mỏ chỉ còn được sử dụng trong khoảng 30 đến 40 năm nữa. Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về dầu mỏ, một năng lượng có ý nghĩa thời sự nhất hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Công ty sách Alpha dịch và xuất bản cuốn: Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực – Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX của Daniel Yergin – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, giảng viên Đại học Harvard. Cuốn sách gồm 36 chương, được chia thành 5 phần. Nội dung cuốn sách thuật lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành dầu mỏ, mô tả các cuộc đấu tranh giành tiền bạc và quyền lực xung quanh ngành công nghiệp dầu mỏ, làm rung chuyển kinh tế thế giới, làm thay đổi vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc, gây ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu. Đây là cuốn sử thi thế giới thông qua nhân vật chính là dầu mỏ. Cuốn sách giành giải thưởng Eccles. Mặc dù sách rất dày và đồ sộ, nhưng bạn đọc không hề thấy nhàm chán, mà ngược lại luôn bị cuốn hút vào cách đặt vấn đề và lối hành văn súc tích, có hàm lượng thông tin kiến thức cao của tác giả. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Tháng 8 năm 2008 Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia LỜI GIỚI THIỆU Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay thì dầu mỏ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Giá dầu ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và hầu như mọi ngành công nghiệp đều chịu tác động rất lớn bởi những biến động của nguồn tài nguyên quý giá này. Chỉ trong vài tháng qua, giá dầu đã tăng đột ngột, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Tháng 7 năm 2008, giá dầu lần đầu tiên đạt kỷ lục trong lịch sử với mức giá 150 đô-la/thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa công bố báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới. Nhu cầu tăng mạnh ở các nước đang phát triển và những căng thẳng về nguồn cung hiện nay dự báo “một bức tranh thị trường dầu mỏ u ám trong trung hạn”. Dầu mỏ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng có nhiều biến động khiến giá dầu không ngừng leo thang. Thực tế đang chứng minh rằng thế giới sẽ dần dần được vận hành bởi động lực là dầu mỏ cho đến khi nhân loại tìm ra được một loại nhiên liệu khác đủ sức thay thế hoàn toàn, mà con đường đó dường như còn xa... Nằm trong sự ảnh hưởng chung đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi những biến động và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động trong ngành dầu mỏ. Giá xăng và nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân. Nhận thấy tầm quan trọng của dầu mỏ trong đời sống kinh tế, chính trị quốc tế, PetroVietnam đã hợp tác với Alpha Books, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách mang tên Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực – Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX. Như cuốn sách cho thấy, đằng sau rất nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, va chạm, liên kết, liên minh, có một nguyên nhân luôn thường trực, đó là dầu mỏ. Dầu mỏ không còn giới hạn là một thứ nhiên liệu lỏng đơn thuần mà đã trở thành một thứ vũ khí mang màu sắc chính trị, kinh tế, dĩ nhiên là cả tôn giáo, văn hóa… Đây là một cuốn sách trên 1.200 trang khắc họa sâu sắc toàn cảnh lịch sử phát triển và vai trò của ngành dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu. Tác giả của cuốn sách, Daniel Yergin là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng là đồng tác giả cuốn Energy Future (Năng lượng tương lai). Một cuốn sách được giải của ông là Shattered Peace (Nền hòa bình bị phá bỏ) đã trở thành tác phẩm lịch sử kinh điển về những nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh. Cuốn The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy) của ông đã được xuất bản tại Việt Nam và được độc giả đánh giá cao. Chúng tôi tin rằng, tác phẩm đầy giá trị này của Daniel Yergin – Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực sẽ giúp độc giả Việt Nam, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hiểu biết sâu sắc hơn về các cuộc giao tranh quyền lực nóng bỏng, sự giàu có của các cường quốc, nguyên nhân cội rễ của các cuộc xung đột Trung Đông, vai trò của các quốc gia Vùng Vịnh trong nền kinh tế toàn cầu và những biến động chính trị trong khu vực ảnh hưởng đến toàn thế giới... Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả. TS. TRẦN NGỌC CẢNH Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam LỜI TỰA Bạn đang cầm trong tay một cuốn sách rất đặc biệt; có thể coi đây là cuốn biên niên sử hết sức lý thú của hành tinh chúng ta trong hơn một thế kỷ nay, xoay quanh một tài nguyên có tầm quan trọng sống còn đối với hầu hết các quốc gia muốn đặt chân lên con đường công nghiệp hóa và đi tới phồn vinh, đó là DẦU MỎ. Tác giả cuốn sách, DANIEL YERGIN, người đã được trao giải thưởng Pulitzer, là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng từng là giảng viên trường Đại học Harvard và trường John F. Kennedy Harvard. Một tác phẩm lớn khác của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam là cuốn Những đỉnh cao chỉ huy, được độc giả đánh giá rất cao Ngay từ đầu bạn đọc chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của cuốn sách. Dù bạn là người đã từng hoặc đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí đi nữa thì khi bắt đầu đọc cuốn sách này, bạn vẫn có thể cảm thấy hiểu biết của mình về tầm vóc và ảnh hưởng của các hoạt động dầu khí đối với xã hội loài người còn quá khiêm tốn; rằng hóa ra gần cả thế kỷ nay dầu mỏ và sau này là khí thiên nhiên (còn gọi là khí đốt) đã đóng một vai quan trọng đến mức khó hình dung nổi đối với sự phát triển của lịch sử thế giới; rằng số phận của không ít những quốc gia, dân tộc, tập đoàn kinh tế, nguyên thủ quốc gia và chính khách… lẽ ra đã khác đi nếu dầu mỏ không được dùng làm vũ khí trong các cuộc đối đầu giữa các quốc gia và các thế lực chính trị, xã hội đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Nhưng lịch sử đã sang trang và thế giới đang như bạn thấy chứ không phải như thế khác. Nhưng điều hết sức lý thú là tác giả cuốn sách sẽ đưa bạn trở về với những sự kiện lịch sử có thể bạn đã biết, tuy nhiên lại cung cấp cho bạn những thông tin, phân tích, đánh giá khá độc đáo và đầy sức thuyết phục để minh chứng cho vai trò quyết định của dầu mỏ đến chiều hướng phát triển của những sự kiện đó. Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX… Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX. Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ”. Có thể coi đó là sự mô tả khá chính xác vóc dáng và bản chất của ngành công nghiệp dầu khí. Từ địa vị chưa mấy được chú ý vào đầu thế kỷ XX, dầu mỏ, với tư cách một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia, đã khẳng định tầm quan trọng của nó ngay trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy bay chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi của các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than. Đến giữa thế kỷ XX, rất ít người còn hoài nghi về vai trò quan trọng không thể thiếu của dầu mỏ trong cán cân năng lượng toàn cầu. Nửa cuối của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự bứt phá và chiếm lĩnh vị trí thống soái của dầu mỏ và khí thiên nhiên với nền công nghiệp và dịch vụ xã hội, bỏ xa nhiên liệu hóa thạch truyền thống là than đá. Những năm đầu của thế kỷ XXI này đang đánh dấu sự vươn lên ngoạn mục của dầu mỏ và khí đốt khi các quốc gia giàu hai nguồn tài nguyên này dường như đang có khả năng khuynh đảo ít nhất là một phần của thế giới văn minh bằng cách đóng hay mở các giếng dầu hoặc các đường ống dẫn khí. Mấy năm nay, Iran vẫn bướng bỉnh với các nghị quyết của Liên hợp quốc và các cường quốc Âu - Mỹ về vấn đề hạt nhân chắc cũng dựa vào thế có trữ lượng dầu gần 20 tỷ tấn, chỉ đứng sau Arập Xêút. Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu khổng lồ, cũng tỏ ra hết sức ngang ngạnh trong quan hệ với Mỹ. Quan hệ Nga Ukraine, Nga - Belarus lúc ấm (thậm chí đã quyết định thành lập Liên bang với nhau), lúc lạnh cũng vì khí đốt. Rồi Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (trong khi nguồn tài nguyên trong nước có hạn), đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với hầu hết các nước châu Phi có lẽ cũng nhằm vào nguồn tài nguyên dầu khí từ lục địa này. Có thể nói, sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngay cả nguồn lương thực của chúng ta, dù là sản phẩm của ngành nông nghiệp, cũng phụ thuộc không ít vào các nguồn tài nguyên này với tư cách là nguyên liệu (ví dụ để sản xuất phân đạm từ dầu, khí và than đá) hoặc nhiên liệu cho máy móc. Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu năng lượng thế giới, trữ lượng dầu được xác minh của toàn thế giới (số liệu năm 2005) nằm trong khoảng từ 2.050 cho đến 2.390 tỷ thùng, tương đương từ 270 đến 323 tỷ tấn, và đến bây giờ chúng ta đã sử dụng khoảng 45 cho đến 70% trữ lượng đó. Các nước ở vùng Trung Đông chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu xác minh của thế giới, trong đó riêng Saudi Arabia chiếm một phần tư. Nếu tính cả vùng Bắc Phi và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Trong khi đó, trữ lượng dầu ở các nước G7 khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá ít (trừ Canađa có trữ lượng dầu trong cát lớn, nhưng có lẽ còn lâu mới có thể khai thác hiệu quả được do giá thành khai thác cao). Cho nên, điều dễ hiểu là vùng Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và cả Mỹ Latinh, hiện có nhiều điểm nhạy cảm nhất, tiềm ẩn những bất ổn về an ninh chính trị của thế giới. Không ai có thể dự đoán được nguy cơ mất ổn định ở những vùng này bao giờ mới có hồi kết chừng nào dầu mỏ vẫn còn là đối tượng, cũng là công cụ hết sức nhạy cảm và hữu hiệu trong các tranh chấp quốc tế dù dưới bất kỳ màu áo gì: sắc tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng, chế độ chính trị. Nhưng liệu thế giới còn sử dụng dầu được bao nhiêu năm nữa? Liệu có phải thời gian để sử dụng lượng dầu dự trữ đã được xác minh có thể còn ngắn hơn 40 năm? Vậy các kịch bản có thể xảy ra với bức tranh dầu khí cũng như thế giới trong thế kỷ này sẽ như thế nào? Liệu nhân loại còn có khả năng tìm thấy dầu (và khí) nữa không? Giải pháp nào sẽ được tiến hành để bảo đảm nguồn năng lượng cho tương lai nếu dầu cạn kiệt? Đó là những câu hỏi luôn luôn làm đau đầu nhà lãnh đạo các quốc gia và gánh nặng đó lại được đặt lên vai các nhà khoa học, các nhà quản lý. Câu hỏi đầu tiên cần trả lời là dưới lòng đất còn bao nhiêu dầu nữa? Theo đánh giá của các nhà khoa học thì trong tương lai còn có thể tìm thêm được khoảng từ 275 đến 1.469 tỷ thùng dầu nữa. Nếu lấy con số lạc quan nhất thì lượng dầu sẽ được phát hiện và xác minh sẽ bằng với trữ lượng xác minh mà chúng ta đang có trong tay. Nghĩa là kỷ nguyên dầu mỏ còn có thể kéo dài thêm 40 – 50 năm hoặc dài hơn, ngắn hơn, tùy mức sử dụng hàng năm tăng hay giảm. Tuy nhiên, triển vọng này lạc quan đến mức độ nào là điều không dễ dự báo. Song các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn tỏ ra tin tưởng, bởi hiện tại đang có một số khả năng chứng tỏ việc tăng trữ lượng dầu toàn cầu là điều có thể xảy ra. Thứ nhất, đó là việc tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ đang và sẽ đưa vào khai thác. Điều này đạt được là nhờ các công ty khai thác dầu đưa vào sử dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm chi phí cho việc thăm dò và khai thác dầu, làm giảm giá thành. Thứ hai, trữ lượng dầu được công bố của các quốc gia chưa phải là trữ lượng thật sự người ta có. Thứ ba, trữ lượng được xem xét hiện nay chưa bao gồm các dạng hóa thạch có chứa dầu như cát dầu (tar sands) và bitum (bitumen). Một tiềm năng chưa được tính đến nữa là trữ lượng có thể có ở Nam Cực đang bị cấm thăm dò, khai thác vì mục đích bảo vệ môi trường. Nói chung, các nguồn dầu này, nếu khai thác được, sẽ cho sản lượng không nhỏ trong cán cân năng lượng hóa thạch. Thứ tư, các vùng nước sâu, vùng gần Bắc Cực đang là thử thách cũng là cơ hội lớn đối với các công ty dầu khí thế giới. Trong những năm gần đây, nhiều mỏ dầu nước sâu ở vịnh Mexico, ở Angola và ở Đông Thái Bình Dương đã được phát hiện và đưa vào khai thác. Ở Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm dầu khí ở những vùng gần bờ, các công việc chuẩn bị cho việc ra xa bờ, nhất là vùng thềm lục địa phía nam, đang được xúc tiến tích cực. Theo đánh giá của các cơ quan năng lượng quốc tế, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng sản lượng dầu, trong khi Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã đi qua giai đoạn đỉnh cao của sản lượng. Triển vọng lạc quan của ngành dầu khí sẽ còn được nâng cao hơn nữa nhờ một hướng đi đang được mở ra để gia tăng nguồn nhiên liệu cho giao thông vận tải, công nghiệp và sinh hoạt. Đó là nguồn nhiên liệu sinh học, mà chủ yếu là cồn sinh học (gasohol) và diesel sinh học (biodiesel). Cồn sinh học, mà thực chất là etanol được sản xuất từ ngũ cốc, sắn, mía, củ cải, kể cả xác các loại thực vật..., đang được nhiều nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... sản xuất với quy mô không nhỏ để thay thế hoặc pha lẫn với xăng. Trong khi đó, biodiesel sản xuất từ các loại dầu thực vật, chủ yếu là dầu hạt cải (rape oil) và dầu hướng dương (sunflower oil) thì lại được nhiều nước châu Âu chú trọng. Năm 2005, EU đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn biodiesel. Và để đón đầu và tiếp cận sự “ra đi” của kỷ nguyên dầu khí có khả năng xảy ra vào nửa cuối thế kỷ này, các nhà khoa học trên thế giới còn có những kịch bản hấp dẫn và lãng mạn hơn nữa. Đó là năng lượng nhiệt hạch (năng lượng phát ra khi tổng hợp hạt nhân chứ không phải năng lượng phân rã hạt nhân như trong các nhà máy điện nguyên tử hiện nay), năng lượng mặt trời, các dạng năng lượng tái tạo khác và nhất là năng lượng hydro lấy từ nước thông qua phản ứng quang - xúc tác. Có thể nói, dầu mỏ đã trở thành động lực phát triển của thế giới trên con đường tiến tới văn minh, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra biết bao biến động xã hội để tàn phá nền văn minh đó. Nhưng đó là định mệnh chăng? Năng lượng nguyên tử, thậm chí lúc mới được phát hiện, chưa mang lại lợi ích gì cho nhân loại thì đã gây tai họa, nhưng rồi nó cũng phải thuần phục để phục vụ lợi ích con người. Và chúng ta hy vọng khi phải chia tay với kỷ nguyên dầu khí, thì loài người đã có trong tay những nguồn năng lượng thay thế dồi dào và sạch hơn. Đúng như lời của tác giả cuốn sách này, dầu mỏ (và khí thiên nhiên) đã tạo nên “những thay đổi vĩ đại” trong hơn một thế kỷ nay của lịch sử nhân loại. Qua những trang sách, độc giả sẽ nhận rõ, một mặt, những “cống hiến” to lớn của dầu mỏ đối với sự phát triển thần kỳ của thế giới, mặt khác, những “tội lỗi” tày trời trong việc tiếp tay cho những kẻ tham tiền bạc và những thế lực tham quyền lực gây ra chết chóc, bất công xã hội và những cuộc tàn phá kìm hãm nền văn minh nhân loại. Đó là chưa kể “tội” của dầu mỏ đang cùng với các nhiên liệu hóa thạch khác gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và sự nóng lên của toàn cầu. Và, khi gấp cuốn sách lại, chắc chắn độc giả sẽ đồng ý với tác giả Daniel Yergin rằng, biên niên sử mà tác giả đã trình bày hết sức sắc sảo và hấp dẫn trong cuốn sách này thật sự là “thiên sử thi về cuộc kiếm tìm dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực” trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai. GS. TSKH. HỒ SĨ THOẢNG Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam – Petro Việt Nam Thật đáng kinh ngạc… một nghiên cứu đầy thuyết phục về cách thức dầu mỏ thống trị và tạo ra các sự kiện thế giới trong thế kỷ XX. — Jeremy Campbell, London Evening Standard Cuốn sử thi hay chưa từng thấy về dầu mỏ… những miêu tả của Yergin [về Chiến tranh thế giới thứ hai] hết sức thuyết phục, và thật sự lôi cuốn… Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực đã giúp chúng ta hiểu rõ về thế kỷ XX – Thời đại của dầu mỏ. — Business Week Không thể bỏ qua... một tác phẩm khác thường… hấp dẫn và dễ tiếp nhận… Tác phẩm này buộc các chính khách và quan chức hàng đầu cũng như bất cứ ai quan tâm đến lịch sử đích thực của thế kỷ này phải tìm đọc. — Peter Walker, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Mỹ Đây là một cuốn sách viết về lòng tham, tham vọng và khát khao quyền lực. Cuốn sách viết về những người đã kiến tạo nên diện mạo ngành dầu mỏ – cựu Bộ trưởng dầu lửa Arập Xêút Yamani và Tổng thống George Bush đến Armand và Saddam Hussein… Yergin là một người kể chuyện tuyệt vời. — Stephen Butler, Financial Times Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực là cuốn sử thi về con đường để một “hàng hóa đơn thuần” đã hình thành nên hệ thống chính trị của thế kỷ XX và làm thay đổi sâu sắc lối sống của chúng ta… — Houston Chronicle Hấp dẫn và toàn diện… câu chuyện diễn ra như một bức tranh không ngừng biến đổi của thời đại chúng ta. — The New Yorker Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực vừa là một cuốn lịch sử kinh tế xã hội vừa là một cuốn truyện giải trí tuyệt vời. Yergin thật sự tài năng trong việc làm sống lại những nhân vật của ông… Dầu mỏ, với tư cách là một lực lượng lịch sử, đã trở nên quan trọng hơn cả các quốc gia hay các cá nhân. — Far Eastern Economic Review Không thể hiểu toàn diện về thế kỷ XX, “thời đại dầu mỏ”, nếu không đọc Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực của Daniel Yergin… Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực rất đặc biệt… đó là câu chuyện về sự tham gia của những người sáng lập, các nhà công nghiệp, và các chính trị gia; cuốn sách đầy ắp những chi tiết lịch sử, phong phú và hấp dẫn… — Jeff Sandefer, The National Review Không thể không đọc… Cuốn sách mới của Daniel Yergin phải được tất cả mọi người, từ thủ tướng đến những người dân thường, tìm đọc. — London Daily Mail Một câu chuyện sử thi vĩ đại… Kỷ nguyên của dầu mỏ sẽ tiếp diễn trong thế kỷ XXI. — Nihon Keizai Shimbun, The Japan Economic Journal MỞ ĐẦU Winston Churchill đột nhiên thay đổi quan điểm của mình. Trước mùa hè năm 1911, ngài Bộ trưởng Nội vụ trẻ trung Churchill vẫn còn là một trong những người đứng đầu phe “các nhà kinh tế học”, bao gồm những thành viên của Nội các Anh phản đối việc tăng chi phí quân sự nhằm đưa nước Anh vượt lên trong cuộc chạy đua hải quân giữa Anh và Đức. Cuộc chạy đua này là tác nhân gây nhiều hiềm khích nhất, khiến thái độ thù địch giữa hai quốc gia ngày càng trở nên sâu sắc. Tuy nhiên, Churchill lúc đó lại khẳng định chắc chắn rằng khả năng xảy ra chiến tranh với Đức không phải là không tránh khỏi, và nước Đức không phải lúc nào cũng hiếu chiến. Ông nhấn mạnh nên đầu tư ngân sách vào các chương trình xã hội trong nước hơn là vào việc trang bị thêm tàu chiến mới. Nhưng ngày 1 tháng 7 năm 1911, Hoàng đế Đức Wilhelm II bất ngờ hạ lệnh cho Báo đen, một tàu hải quân chạy bằng hơi nước của Đức, tiến vào vùng cảng Agadir nằm trên bờ Đại Tây Dương của Marốc. Mục đích của Wilhelm II là kiểm tra sức ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi và tìm một căn cứ đóng quân cho Đức. Mặc dù Báo đen chỉ là một chiếc tàu được trang bị súng, và Agadir là một thành phố cảng không mấy quan trọng, song sự xuất hiện của con tàu này tại đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng. Việc Đức từng bước củng cố quân đội của mình vốn đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại cho các nước láng giềng châu Âu; nhưng tới lúc này, với khát khao đi tìm “chỗ đứng dưới bầu trời” cho mình, dường như Đức đang trực tiếp thách thức vị trí của Pháp và Anh trên trường quốc tế. Nguy cơ chiến tranh đã bóp nghẹt bầu không khí châu Âu trong nhiều tuần. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, tình hình căng thẳng đã dịu bớt – theo lời của Churchill thì “kẻ bắt nạt đang xuống thang”. Nhưng sự kiện trên đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của Churchill. Khác hẳn với đánh giá trước kia, giờ đây Churchill tin chắc rằng Đức đang tìm cách nắm bá quyền và sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để giành được điều đó. Ông đi đến kết luận chiến tranh là bất khả kháng – vấn đề chỉ còn là thời gian. Churchill được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân ngay sau sự kiện Agadir. Ông tuyên bố sẽ làm tất cả để chuẩn bị về mặt quân sự cho nước Anh nhằm đối phó với ngày định mệnh đang đến, ngày mà chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra. Trách nhiệm của ông là phải bảo đảm cho Hải quân Hoàng gia Anh, biểu tượng đồng thời là đại diện cho sức mạnh đế quốc của Anh, sẵn sàng đối mặt với người Đức trên các vùng biển quốc tế. Một trong những vấn đề quan trọng và gây tranh cãi nhất mà Churchill phải đối mặt lúc đó dường như chỉ thiên về kỹ thuật, song trên thực tế nó lại có tác động sâu rộng trong thế kỷ XX: Hải quân Anh có nên chuyển từ nguồn năng lượng than truyền thống sang sử dụng dầu không? Nhiều người cho rằng việc chuyển đổi như vậy là quá mạo hiểm, vì như thế có nghĩa là Hải quân sẽ mất đi chỗ dựa là nguồn than an toàn và ổn định của xứ Wales. Thay vào đó, họ sẽ phải trông chờ vào nguồn cung cấp dầu xa xôi và bất ổn của Ba Tư (tên cũ của Iran). Churchill cho biết: Thật ra, việc chuyển hẳn nguồn năng lượng sử dụng trong hải quân sang dầu là “một hành động chuốc lấy vô số rắc rối”. Nhưng những lợi ích chiến lược mà dầu mang lại – tốc độ nhanh hơn và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn – đã trở nên quá rõ ràng khiến Churchill không thể chậm trễ. Ông quyết định nước Anh sẽ phải xây dựng “sức mạnh hải quân thống trị của mình dựa trên dầu mỏ” và lập tức bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu trên với tất cả sức lực và lòng nhiệt tình mạnh mẽ. “Quyền lực chính là chiến lợi phẩm của cuộc phiêu lưu này” − Churchill khẳng định. Với quan điểm đó, Churchill, trước thềm Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã nắm được một chân lý cơ bản, không chỉ đúng trong cuộc chiến nảy lửa sắp tới mà còn đúng trong nhiều thập kỷ sau đó. Bởi vì trong suốt chặng đường của thế kỷ XX, dầu mỏ đồng nghĩa với quyền lực. Và hành trình kiếm tìm quyền lực đó cũng là chủ đề của cuốn sách này. Đầu những năm 1990 – gần 80 năm sau khi Churchill thực hiện quyết tâm chuyển sang sử dụng dầu mỏ, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, và trong một thời điểm được kỳ vọng là mở đầu cho một kỷ nguyên mới hòa bình hơn – một lần nữa dầu lại trở thành tâm điểm của mối mâu thuẫn toàn cầu. Ngày 2/8/1990, Saddam Hussein, Tổng thống Iraq, đưa quân xâm lược Côoét. Mục đích của Saddam Hussein không chỉ là xâm chiếm một nhà nước có chủ quyền mà còn nhằm nắm giữ nguồn tài sản quý giá của nó. Chiến lợi phẩm thu về sẽ rất lớn. Nếu thành công, Iraq sẽ trở thành cường quốc dầu lửa lớn nhất thế giới và kiểm soát cả thế giới Arập và Vịnh Ba Tư, nơi tập trung phần lớn lượng dầu dự trữ của trái đất. Sức mạnh, tài sản mới và quyền kiểm soát dầu mỏ của Iraq sẽ khiến cả thế giới phải bợ đỡ những tham vọng của Saddam Hussein. Với nguồn tài nguyên của Côoét, Iraq sẽ có thể trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân đáng sợ và thậm chí còn có thể tiến dần tới vị trí một siêu cường. Kết quả sẽ là một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực quốc tế. Nói ngắn gọn, một lần nữa, quyền lực chính là chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, do những gì sẽ mất vào tay Iraq quá lớn, nên cuộc xâm lược Côoét không được thế giới chấp nhận như một việc đã rồi như Saddam Hussein từng hy vọng. Không còn là thái độ bị động như khi Hitler tiến hành hoạt động quân sự hóa vùng Rhine phía tây nước Đức hay khi Mussolini tấn công Ethiopia. Thay vào đó, Liên hợp quốc đã ra lệnh cấm vận đối với Iraq, và nhiều quốc gia phương Tây và Arập đã tập hợp quân đội với quy mô lớn nhằm bảo vệ nước láng giềng Arập Xêút trước cuộc tấn công của Iraq cũng như chống lại những tham vọng của Saddam Hussein. Trong lịch sử thế giới chưa từng có tiền lệ nào cho sự hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô và cũng chưa từng có tiền lệ nào cho việc triển khai quân nhanh chóng với quy mô lớn như vậy vào khu vực này. Vài năm trước đó, quan điểm cho rằng dầu mỏ không còn “quan trọng” gần như đã được coi là hợp thời. Mùa xuân năm 1990, chỉ vài tháng trước cuộc xâm lược của Iraq, các quan chức cấp cao thuộc Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, đầu não trong chiến dịch huy động quân đội của Mỹ sau này, vẫn còn được thuyết giáo đại ý rằng dầu mỏ đã mất đi tầm quan trọng chiến lược của nó. Thế nhưng, cuộc xâm lược Côoét đã phá tan quan điểm huyễn hoặc đó. Đầu năm 1991, khi các biện pháp hòa bình đều đã tỏ ra vô hiệu trước một Iraq ngoan cố, không chịu rút quân khỏi Côoét, một liên minh gồm 33 nước do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt sức mạnh tấn công của Iraq sau năm tuần không chiến và 100 giờ lục chiến, đẩy Iraq ra khỏi lãnh thổ Côoét. Vào cuối thế kỷ XX, dầu mỏ vẫn là nhân tố quan trọng nhất trong việc quyết định an ninh, sự thịnh vượng và bản chất của nền văn minh. Mặc dù lịch sử hiện đại của dầu bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ XIX, nhưng chính thế kỷ XX mới là thế kỷ bị biến đổi hoàn toàn bởi sự xuất hiện của nó. Có thể nói xung quanh câu chuyện về dầu có ba chủ đề lớn. Thứ nhất là sự trỗi dậy và phát triển của chủ nghĩa tư bản và nền thương mại hiện đại. Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX. Standard Oil, công ty kiểm soát toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ cuối thế kỷ XIX, là một trong những công ty đa quốc gia đầu tiên và lớn nhất của thế giới. Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX. Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ. Khi nghĩ về thế kỷ XXI, chúng ta thấy rõ một điều rằng quyền lực của một con chip máy tính ngang ngửa với quyền lực của một thùng dầu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn duy trì sức ảnh hưởng to lớn của nó. Trong số 20 công ty hàng đầu trong danh sách Fortune 500 (danh sách 500 công ty có mức doanh thu lớn nhất của Mỹ) có đến bảy công ty dầu mỏ. Chừng nào con người còn chưa tìm được một nguồn năng lượng thay thế khác thì dầu vẫn còn tác động sâu rộng tới nền kinh tế toàn cầu; những thay đổi lớn về giá dầu có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế hay ngược lại, dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế. Ngày nay, dầu mỏ là loại hàng hóa duy nhất mà thông tin về những sự kiện và tranh cãi xung quanh nó không chỉ được đăng tải thường xuyên trên các chuyên trang về kinh doanh mà còn trên trang nhất các báo. Và, cũng như trước đây, dầu mỏ vẫn là một nguồn sinh lợi lớn đối với các cá nhân, các công ty và các quốc gia. Theo lời một nhà tài phiệt thì, “Dầu gần như đồng nghĩa với tiền.” Chủ đề thứ hai là dầu liên quan mật thiết với các chiến lược quốc gia, tình hình chính trị toàn cầu và quyền lực. Tầm quan trọng của dầu, với tư cách là một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia đã được khẳng định trên các mặt trận của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than. Dầu là tâm điểm của các diễn biến cũng như kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở cả vùng Viễn Đông và châu Âu. Người Nhật tấn công Trân Châu Cảng với mục đích bảo vệ cánh quân bên sườn của mình khi họ đang tìm cách chiếm lĩnh nguồn dự trữ dầu ở khu vực các nước Đông Ấn. Một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của Hitler khi xâm lược Liên bang Xô Viết là nắm giữ các mỏ dầu vùng Caucasus (Cápcadơ). Nhưng cuối cùng, Mỹ mới là nước thống trị về dầu mỏ, và khi kết thúc cuộc chiến, các thùng chứa nhiên liệu của Đức và Nhật đều rỗng không. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giành quyền kiểm soát dầu giữa các công ty đa quốc gia và các nước đang phát triển đóng vai trò quan trọng trong phong trào đòi quyền độc lập của các dân tộc thuộc địa và của chủ nghĩa dân tộc mới nổi. Cuộc khủng hoảng Suez năm 1956 – sự kiện đánh dấu con đường cùng cho các đế quốc châu Âu già nua – chủ yếu xoay quanh vấn đề dầu mỏ. “Quyền lực của dầu” đã trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều trong những năm 1970, đưa các quốc gia trước đây vốn chỉ đứng ngoài lề các diễn đàn chính trị quốc tế lên vị trí của các nước giàu có và có ảnh hưởng, đồng thời tạo nên một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc trong khối các nước công nghiệp vốn vẫn dựa vào dầu để phát triển kinh tế. Và dầu cũng chính là trung tâm của cuộc khủng hoảng đầu tiên thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh những năm 1990 – cuộc xâm lược Côoét của Iraq. Tuy vậy, đôi khi dầu lại là kho vàng trong tay kẻ ngốc. Ước muốn mãnh liệt nhất của quốc vương Iran – sự giàu có nhờ dầu mỏ – đã trở thành hiện thực, nhưng cũng chính điều đó lại làm ông kiệt quệ. Dầu đã gây dựng nên nền kinh tế của Mexico, nhưng rồi lại khiến nó suy yếu dần. Liên bang Xô Viết − quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ hai thế giới – đã phung phí số doanh thu khổng lồ từ dầu trong những năm 1970 và 1980 cho một chiến dịch củng cố quân sự và một loạt các cuộc phiêu lưu quốc tế vô dụng, thậm chí nguy hại. Còn Mỹ, quốc gia từng giữ vị trí nhà sản xuất dầu lớn nhất và hiện vẫn là quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới, phải nhập khẩu tới một nửa nguồn dầu cung ứng cho nhu cầu trong nước. Thực trạng này gây phương hại tới vị thế chiến lược tổng thể của Mỹ và làm gia tăng đáng kể gánh nặng thâm hụt mậu dịch – đây là một tình thế nguy hiểm đối với một cường quốc lớn. Sau Chiến tranh Lạnh, một trật tự thế giới mới đang bắt đầu hình thành. Cạnh tranh kinh tế, những cuộc chiến giữa các quốc gia trong từng khu vực và những cuộc đấu tranh giữa các dân tộc, dưới sự trợ giúp và khuyến khích của việc phổ biến các loại vũ khí hiện đại, có thể sẽ thay thế hệ tư tưởng với vai trò là tâm điểm của mâu thuẫn quốc tế và quốc gia. Nhưng dù trật tự thế giới mới này có phát triển theo hình thái nào đi nữa, thì dầu vẫn sẽ là một nhân tố chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong các chiến lược quốc gia cũng như trên chính trường quốc tế. Chủ đề thứ ba trong lịch sử dầu mỏ lý giải vì sao xã hội của chúng ta lại trở thành một “Xã hội hydrocarbon” và chúng ta, theo ngôn ngữ của các nhà nhân loại học, lại trở thành “Con người hydrocarbon”. Trong mấy thập kỷ đầu phát triển, việc kinh doanh dầu đã mang đến cho thế giới đang trên đà công nghiệp hóa một sản phẩm mang tên “dầu lửa”. Đây được coi là “ánh sáng mới”, giúp đẩy lùi bóng tối và kéo dài ngày làm việc. Cuối thế kỷ XIX, chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa mà John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ. Thời đó, xăng gần như chỉ là một sản phẩm phụ vô dụng. Khó khăn lắm mới tìm được một người mua xăng với giá cao nhất là 2 xu/gallon(1); còn khi không bán được, buổi tối người ta lại lén lút đổ xăng xuống sông. Vào lúc sự xuất hiện của bóng đèn điện tưởng chừng như sắp đẩy nền công nghiệp dầu mỏ đi vào dĩ vãng thì một kỷ nguyên mới lại mở ra với sự phát triển của động cơ đốt trong dùng xăng. Ngành công nghiệp dầu mỏ đã có một thị trường mới. Và cùng với đó, một nền văn minh mới ra đời. Trong thế kỷ XX, dầu, cùng với khí đốt tự nhiên, đã hạ bệ ngôi vị nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của ông vua than. Dầu cũng trở thành nền tảng của phong trào ngoại ô hóa rộng lớn thời kỳ hậu chiến, làm biến đổi cả phong cảnh đương thời và lối sống hiện đại của chúng ta. Ngày nay,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan