Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Dấu ấn văn hóa nhật bản trong tác phẩm shogun tướng quân của james clavell ...

Tài liệu Dấu ấn văn hóa nhật bản trong tác phẩm shogun tướng quân của james clavell

.PDF
94
24
140

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN NGUYỄN HOÀI THANH DẤU ẤN VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG TÁC PHẨM SHOGUN – TƯỚNG QUÂN CỦA JAMES CLAVELL Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH Cần Thơ, 4 - 2011 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG MỘT: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Vài nét về tác giả, tác phẩm 1.1. Tác giả James Clavell 1.1.1. Cuộc đời 1.1.2. Sự nghiệp 1.2. Tác phẩm Shogun – Tướng quân 1.2.1.Vài nét về tác phẩm 1.2.2.Tóm tắt tác phẩm 2. Văn hóa và dấu ấn văn hóa: 2.1. Văn hóa 2.1.1. Định nghĩa văn hóa 2.1.2. Phân loại văn hóa 2.1.3. Các thành tố cấu thành nền văn hóa của một dân tộc 2.2. Dấu ấn văn hóa 3. Văn học và văn hóa 3.1. Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa 3.2. Giá trị văn hóa của một tác phẩm văn học 3.3. Phương diện thể hiện của yếu tố văn hóa trong tác phẩm văn học CHƯƠNG HAI: DẤU ẤN VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG TÁC PHẨM SHOGUN – TƯỚNG QUÂN CỦA JAMES CLAVELL 1. Thời gian, không gian văn hóa 1.1. Thời gian văn hóa 1.2. Không gian văn hóa 2. Tri thức văn hóa 3. Tư tưởng 3.1. Tư tưởng triết học 3.2. Tư tưởng chính trị - xã hội 4. Tín ngưỡng, tôn giáo 5. Pháp luật 5.1. Bộ máy tổ chức 5.2. Các luật lệ 6. Ngôn ngữ 7. Truyền thống, đạo đức 7.1. Các đức tính truyền thống 7.2. Các loại hình nghệ thuật truyền thống 8. Lối sống 8.1. Về vấn đề ăn, ở, sinh hoạt 8.2. Về các phong tục, tập quán CHƯƠNG BA: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CỦA DẤU ẤN VĂN HÓA NHẬT BẢN TRONG TÁC PHẨM SHOGUN – TƯỚNG QUÂN CỦA JAMES CLAVELL 1. Kết cấu 1.1. Kết cấu hình tượng 1.1.1. Hệ thống nhân vật 1.1.2. Hệ thống sự kiện 1.2. Kết cấu trần thuật 2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 2.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình 2.2. Xây dựng nhân vật qua miêu tả nội tâm 2.3. Xây dựng nhân vật qua lời nói 2.4. Xây dựng nhân vật qua hành động 2.5. Xây dựng nhân vật qua cảm nhận của nhân vật khác 3. Nghệ thuật xây dựng thời gian, không gian văn hóa 3.1. Nghệ thuật xây dựng thời gian văn hóa 3.2. Nghệ thuật xây dựng không gian văn hóa 4. Ngôn ngữ PHẦN KẾT LUẬN PHẦN MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Nhật Bản là một quốc gia châu Á. Nhắc đến Nhật Bản người ta thường nghĩ ngay đến xứ sở của hoa anh đào hay đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, Nhật Bản còn nổi tiếng bởi những nét văn hoá độc đáo, mang đậm tính cách và tâm lý của con người Nhật Bản. Văn hoá Nhật Bản có một sức hút rất lớn không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà còn đối với những khách tham quan, du lịch. Sự kì lạ xen lẫn với những bất ngờ, thú vị luôn làm cho những ai lần đầu tiếp xúc với nền văn hoá này đều bị lôi cuốn. Sự phong phú về loại hình, sự đa dạng về hình thức thể hiện đã giúp cho văn hoá Nhật Bản trở thành nguồn đề tài bất tận cho các công trình nghiên cứu, tham luận. Văn học, gương mặt của văn hoá dân tộc, vì vậy cũng không thể đứng ngoài luồng tác động của văn hóa. Văn học Nhật Bản đã sớm trở thành một phương tiện lưu trữ và truyền tải văn hoá Nhật Bản không chỉ trong phạm vi lãnh thổ mà còn tiến xa ra bên ngoài thế giới. Đọc các tác phẩm văn học Nhật Bản, chúng ta luôn thấy ở đó một cái riêng, một cái độc đáo mang “dấu ấn Nhật Bản” in hình trên từng nhân vật, từng hình ảnh, câu chữ. Tuy nhiên, điều đặc biệt của đề tài “Dấu ấn văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm Shogun – Tướng quân của nhà văn James Clavell” không chỉ xuất phát từ vấn đề khảo cứu mà còn từ tác phẩm khảo cứu: Shogun - Tướng quân, một tác phẩm in đậm dấu ấn Nhật Bản nhưng tác giả của nó lại là một nhà văn người Anh, nhà văn James Clavell. Xét về góc độ lý luận văn học, đây là một vấn đề khá thú vị. Bởi lẽ trong mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và văn học thì văn học là phương diện phản ánh của văn hoá dân tộc, điều đó cũng có nghĩa văn hoá mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm của mình luôn bị chi phối bởi văn hoá dân tộc mình. Nói cách khác yếu tố văn hoá trong tác phẩm luôn mang đậm nét văn hoá của dân tộc mà người sáng tác thuộc về. Vậy văn hoá Nhật Bản thể hiện trong tác phẩm của một nhà văn người Anh có thật sự chính xác và độc đáo? Đó là chưa kể đến việc James Clavell viết tác phẩm này năm 1975, sau khi nhà văn tham gia thế chiến II và đã từng bị bắt tại Nhật (1940) trong khi tác phẩm lại thể hiện bối cảnh của chế độ phong kiến Nhật Bản những năm 1600. Đây cũng là một trong những lý do chúng tôi chọn đề tài này, từ văn hoá Nhật Bản đến tác phẩm Shogun – Tướng quân, tất cả đều tạo chúng tôi một sự lôi cuốn kì lạ. Shogun – Tướng quân là tác phẩm có rất nhiều vấn đề để khảo sát như nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lý, yếu tố lịch sử, tính hiện thực, tinh thần Nhật Bản,…nhưng dấu ấn văn hoá là yếu tố nổi bật nhất và gần như là bao trùm tất cả. Đọc tác phẩm, chúng ta không chỉ có thêm những kiến thức về văn hoá Nhật Bản mà qua đó còn cho chúng ta một sự nhận thức mới về con người và tinh thần Nhật Bản cũng như ảnh hưởng to lớn của nó đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng. Thông qua việc xây dựng, sắp xếp các tuyến nhân vật và nghệ thuật miêu tả không gian, thời gian, James Clavell đã làm cho văn hoá Nhật Bản sinh động hơn bao giờ hết. Với hơn 1500 trang sách khổ 14,3 x 20,3cm, nhà văn đã truyền tải một lượng thông tin phong phú, đa dạng về hầu hết những gì làm bật nổi lên hình ảnh con người và tinh thần Nhật Bản. Dấu ấn văn hoá Nhật Bản trong tác phẩm vì vậy có những điểm rất hay, rất độc đáo để chúng ta tìm tòi, nghiên cứu. Từ những lý do trên, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đây sẽ là một đề tài hấp dẫn, mới lạ, hứa hẹn mang đến cho người đọc những hiểu biết mới về con người và đất nước Nhật Bản. 2. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là một vấn đề không mới. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, tham luận về vấn đề này như: Giải mã văn hóa trong tác phẩm văn học của Trần Lê Bảo, Quan hệ văn học và văn hóa từ cái nhìn truyền thống của Đỗ Lai Thúy, Văn học và văn hóa truyền thống của Huỳnh Như Phương, Mối quan hệ giữa nghiên cứu văn học và văn hóa học của Nguyễn Văn Hiệu… Tuy nhiên vấn đề mà các tác giả này chỉ ra chỉ là mối quan hệ biện chứng giữa văn học và văn hóa trên cơ sở hệ thống lý thuyết và phương pháp luận. Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là một vấn đề, biểu hiện của yếu tố văn hóa trong văn học lại là một vấn đề khác. Xét trong một tác phẩm cụ thể, với từng tác giả cụ thể thì khía cạnh, mức độ đánh giá cũng khác nhau. Chẳng hạn trong bài nghiên cứu Bài thơ Vận nước và những giá trị văn hoá Việt của Đoàn Thị Thu Vân, Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tác giả đi từ việc phân tích hình ảnh, từ ngữ sử dụng trong tác phẩm từ đó khái quát lên những triết lý sống mang giá trị văn hoá đặc thù của dân tộc Việt. Còn trong bài Cội nguồn văn hoá dân tộc trong truyện ngắn Cao Duy Sơn của Đào Thủy Nguyên, trường Đại học Thái Nguyên, tác giả tập trung làm rõ sự ảnh hưởng của đời sống bên ngoài vào bên trong tác phẩm, từ đó làm bật nổi những biểu hiện của văn hóa dân tộc thông qua việc khảo sát một vài tác phẩm tiêu biểu của nhà văn. Như vậy khi nghiên cứu vấn đề này rõ ràng mỗi người viết đã tự tìm cho mình một cách khám phá riêng để tiếp cận vấn đề một cách tốt nhất theo suy nghĩ của mình, chứ vẫn chưa đề ra một mô hình chung. Với đề tài “Dấu ấn văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm Shogun – Tướng quân của nhà văn James Clavell”, chúng tôi có thể khẳng định đây là một đề tài hoàn toàn mới, lạ. Ngay từ tên vấn đề khảo sát là “dấu ấn văn hóa” đã là một khái niệm khá mới trong nghiên cứu văn học. Xưa nay, khi khảo sát vấn đề văn hóa trong tác phẩm văn học, các nhà nghiên cứu chỉ dùng khái niệm là “yếu tố văn hóa” hoặc là “giá trị văn hóa”, còn “dấu ấn văn hóa” thì chưa thấy phổ biến. Thêm vào đó, Shogun – Tướng quân lại là một tác phẩm văn học khá “mới” đối với độc giả Việt Nam dù tác phẩm này đã được dịch và xuất bản vài lần, cốt truyện cũng đã được chuyển thể thành phim, nhưng có lẽ đây là tác phẩm của một tác giả lạ và dung lượng tác phẩm cũng khá lớn nên rất ít người biết và tìm đọc. Vì vậy, ở nước ta hầu như chưa có bài nghiên cứu nào về tác phẩm này. Về “Văn hóa Nhật Bản” thì đây là một vấn đề đã được rất nhiều các nhà nghiên cứu văn học, nhất là các nhà nghiên cứu văn hóa học đề cập trên nhiều phương diện và khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như có tác giả đi sâu vào nghiên cứu văn hóa giao tiếp Nhật Bản, có tác giả nghiên cứu về tôn giáo, có người lại nghiên cứu về các biểu tượng văn hóa, các đức tính truyền thống…Tuy nhiên tất cả chỉ là những cơ sở về mặt lý thuyết. Do đó, chúng tôi phải tự tìm ra cho mình hướng giải quyết phù hợp nhất đối với đề tài này. 3. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Như đã nói ở phần trên, tác phẩm Shogun – Tướng quân là một tác phẩm thể hiện rất sâu sắc và tinh tế văn hóa Nhật Bản. Điều chúng tôi muốn thực hiện trong đề tài này chính là chỉ ra những dấu ấn văn hóa riêng biệt, độc đáo đó. Từ đó giúp bạn đọc có thêm những kiến thức mới, thú vị về Nhật Bản. Thêm vào đó, đứng ở góc độ lý luận, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu những phương thức, biện pháp nghệ thuật nào đã được James Clavell sử dụng để thể hiện dấu ấn văn hóa đó, nghĩa là xét nó từ góc độ xây dựng để thấy được kiến thức cũng như tài năng nghệ thuật độc đáo của tác giả. Có rất nhiều cách để tiếp cận một tác phẩm văn học mới, và hướng tiếp cận tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hoá là một trong những hướng đi cần thiết và có nhiều triển vọng. Cùng với những cách tiếp cận văn học bằng xã hội học, mỹ học, thi pháp học…, cách tiếp cận văn học từ văn hoá giúp chúng ta lý giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật. Những yếu tố văn hoá liên quan đến thiên nhiên, địa lý, lịch sử, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… có thể được vận dụng để cắt nghĩa những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm. Nó cũng có thể góp phần lý giải tâm lý sáng tác, thị hiếu độc giả và con đường phát triển nói chung của văn học. Nghiên cứu về tính văn hoá trong văn học cũng như mối quan hệ giữa văn hoá và văn học sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn trong quá trình khảo sát bất kì một tác phẩm nào. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta có được điểm nhìn đúng đắn khi bước đầu tiếp xúc với một tác phẩm mới. Với đề tài này chúng tôi hy vọng sẽ mang lại ít nhiều tác dụng thiết thực cho công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này, nhất là việc tìm hiểu các tác phẩm văn học nước ngoài dưới góc nhìn văn hóa. 4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Tác phẩm Shogun – Tướng quân là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn, nên có rất nhiều vấn đề để nghiên cứu, khảo sát. Với đề tài “Dấu ấn văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm Shogun – Tướng quân của James Clavell”, chúng tôi chỉ tiến hành nghiên cứu ở một phạm vi hẹp, đó là “dấu ấn văn hóa” trong tác phẩm. Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tìm ra dấu ấn văn hóa và các nghệ thuật biểu hiện của dấu ấn văn hóa. Trong phần dấu ấn văn hóa, vì đây là tiểu thuyết của một nhà văn người Anh, được viết theo hình thức của tiểu thuyết phương Tây hiện đại nên trong phần dấu ấn văn hóa Nhật Bản, chúng tôi chỉ đề cập đến những dấu ấn về nội dung. Còn ở nghệ thuật biểu hiện, chúng tôi cũng chỉ khảo sát qua những nghệ thuật mà chúng tôi cho rằng nó có vai trò giúp nhà văn thể hiện được dấu ấn văn hóa trong tác phẩm này. 5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Do yêu cầu của đề tài là tìm hiểu “dấu ấn văn hóa Nhật Bản” trong một tác phẩm văn học nên chúng tôi về cơ bản phải tiến hành khảo sát trên cơ sở so sánh, đối chiếu với lịch sử và văn hóa Nhật Bản (phương pháp lược sử) để tìm ra những biểu hiện được xem là dấu ấn văn hóa. Ngoài việc khảo sát chúng tôi còn phải tiến hành phân tích, tổng hợp những dấu ấn văn hóa để khái quát lên các mặt biểu hiện của dấu ấn văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm này. Về vấn đề nghệ thuật biểu hiện của dấu ấn văn hóa, chúng tôi một mặt dùng hệ thống lý luận cơ sở để quy chiếu nhằm phát hiện, phân tích; mặt khác phải tiến hành lý giải, chứng minh trên thực tế. Như vậy, với đề tài này, chúng tôi đã có sự kết hợp của rất nhiều phương pháp, từ so sánh, đối chiếu để xác minh đến khảo sát, sắp xếp, chọn lọc chi tiết để làm rõ và cuối cùng là phân tích, chứng minh, lý giải để khẳng định tính đúng đắn của vấn đề. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG MỘT: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Vài nét về tác giả, tác phẩm 1.1. Tác giả James Clavell 1.1.1. Cuộc đời James Clavell tên thật là Charles Edmund Dumaresq Clavell, sinh ngày 10/10/1924 tại Australia. Ông là con trai của Richard Clavell, một viên tư lệnh của Hải quân Hoàng gia Anh, người đã được cử tham gia vào Hải quân Hoàng gia Úc. Năm 1940, sau khi học xong trung học tại Portsmouth Grammar School, James Clavell gia nhập Pháo binh Hoàng gia theo truyền thống của gia đình. Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ở tuổi 16, ông tham gia vào Pháo binh Hoàng gia và được gửi đến Malaya để chống Nhật. Trong một trận tham chiến, ông bị thương và bị bắt giam tại một nhà tù Nhật trên Java. Sau đó, ông được chuyển đến nhà tù Changi ở Singapore. Tại đây, ông đã chứng kiến cuộc sống cùng cực của những người tù khổ sai và chế độ nhà tù khắc nghiệt, nơi mà có vào không có ra. Năm 1946, sau khi Thế chiến kết thúc, ông được phong lên hàm Đại uý, nhưng một tai nạn xe máy đã kết thúc sự nghiệp quân sự của ông. Ông theo học tại Đại học Birmingham, nơi ông đã gặp Stride, một nữ diễn viên, sau này là vợ ông. Năm 1953, Clavell và vợ di cư sang Hoa Kì và định cư ở Hollywood. Năm 1963, ông chính thức trở thành công dân Hoa Kì. Trong những năm sinh sống tại Mỹ, ông bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một tác giả tiểu thuyết, một nhà đạo diễn và sản xuất phim truyền hình. Năm 1994, ông qua đời vì chứng đột quỵ (lúc này ông cũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư) tại Thụy Sĩ, một tháng trước ngày sinh nhật 70 của mình. Để vinh danh ông, Thư viện của Bảo tàng Pháo binh Hoàng gia tại Woolwich, Luân Đôn đã đổi tên thành Thư viện James Clavell. 1.1.2. Sự nghiệp Sự nghiệp của James Clavell chia làm hai lĩnh vực chính, là công nghiệp điện ảnh và sáng tác tiểu thuyết. Ở lĩnh vực nào ông cũng thành công và có những tác phẩm nổi tiếng. 1.2.1.1. Về công nghiệp điện ảnh Ông được biết đến với nhiều vai trò như đạo diễn, nhà viết kịch bản, nhà sản xuất… Trong đó, điều đặc biệt là hầu hết các tác phẩm văn học của ông đều được chuyển thể thành phim. Ông là người viết kịch bản cho bộ phim khoa học viễn tưởng kinh dị The Fly và Five Gates to Hell, một bộ phim về chiến tranh. Năm 1963, ông giành được giải thưởng Kịch bản xuất sắc nhất cho bộ phim The Great Escape với vai trò đồng tác giả. Các bộ phim của ông: • The Fly (1958) (kịch bản) • Watusi (1959) (kịch bản) • Five Gates to Hell (1959) (kịch bản, giám đốc sản xuất) • Walk Like a Dragon (1960) (kịch bản, giám đốc sản xuất) • The Great Escape (1963) (đồng viết kịch bản) • 633 Squadron (1964) (đồng viết kịch bản) • The Satan Bug (1965) (đồng viết kịch bản) • King Rat (1965) (tác giả tiểu thuyết) • To Sir, with Love (1966) (kịch bản, giám đốc sản xuất) • The Sweet and the Bitter (1967) (kịch bản, giám đốc sản xuất) • Where's Jack? (1968) (giám đốc sản xuất) • The Last Valley (1970) (kịch bản, giám đốc sản xuất) • Shogun – loạt phim (1980) • Tai-Pan (1986) (tác giả tiểu thuyết) • Noble House- loạt phim (1988) 1.1.2.2. Tiểu thuyết Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Clavell, King Rat , là một hư cấu từ kinh nghiệm của mình tại nhà tù Changi . Khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1962, nó trở thành cuốn sách bán chạy nhất và ba năm sau, nó được chuyển thể thành phim. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông, Tai-Pan, là một câu chuyện hư cấu về nhân vật Jardine-Matheson, một nhân vật trỗi dậy và trở nên nổi tiếng tại Hồng Kông những năm bốn mươi của thế kỉ XIX. Tiếp theo đó là Shogun năm 1975, câu chuyện của một hoa tiêu người Anh trôi dạt vào Nhật Bản ở thế kỷ XVII, dựa trên nhân vật có thật là William Adams . Khi câu chuyện đã được làm thành một bộ phim truyền hình vào năm 1980, sản xuất bởi Clavell, nó đã trở thành loạt phim xếp hạng thứ hai cao nhất trong lịch sử với doanh thu hơn 120 triệu USD. Năm 1981, Clavell xuất bản tiểu thuyết thứ tư của ông, Noble House, và sau đó cũng làm thành một loạt phim. Sau thành công của Noble House, Clavell viết Whirlwind (1986), Gai-Jin (1993) cùng The Children’s Story (1981) và Thrump-Oto-Moto (1985). Các Saga châu Á (Những câu chuyện cổ về Châu Á) bao gồm sáu tiểu thuyết: • King Rat (1962): Viết về cuộc sống trong một trại tù binh ở chiến tranh Nhật Bản năm 1945. • Tai-Pan (1966): Viết về Hồng Kông năm 1841 • Shogun (1975): Bối cảnh Nhật Bản những năm 1600 • Noble House (1981): Đất nước Hồng Kông năm 1963 • Whirlwind (1986): Viết về Iran những năm 1979 • Gai-Jin (1993): Viết về Nhật Bản năm 1862 Ngoài ra còn có một số tác phẩm khác như: • The Children’s Story (1980) • The Art of War , một bản dịch từ cuốn sách nổi tiếng Tôn Tử (1983) • Thrump-O-Moto, minh họa bởi George Sharp (1986) • Escape (1994) - cuốn tiểu thuyết ngắn được chuyển thể từ Whirlwind • Love Story - từ Whirlwind 1.2. Tác phẩm Shogun- Tướng quân 1.2.1. Vài nét về tác phẩm Shogun (Shogun- Tướng quân) là một trong sáu tiểu thuyết của bộ Saga Châu Á, được James Clavell viết vào năm 1975, với bối cảnh là đất nước Nhật Bản những năm 1600. Đây là câu chuyện về cuộc tranh giành quyền lực (địa vị Shogun) của các Đaiymô Nhật Bản, với nhân vật chính là Tôranaga (theo cứ liệu lịch sử đó là Tokugawa Ieyasu của Mạc phủ). Tất cả được nhìn qua con mắt của một thủy thủ Anh là Blách Thon (nhân vật hư cấu từ William Adams), nhân vật trung tâm của câu chuyện. Tác phẩm có sáu mươi mốt chương, gồm hai tập với 1524 trang (không tính bìa, khổ 14.3x20.3cm). Đây là cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh, thuộc đề tài tiểu thuyết lịch sử. Năm 1980, chính James Clavell đã xây dựng loạt phim Shogun từ nội dung của tiểu thuyết này. 1.2.2. Tóm tắt tác phẩm Nhật Bản những năm 1600 là một quốc gia phong kiến trong một nền hòa bình tạm thời. Người thừa kế uy quyền, thuộc dòng dõi Hoàng đế là người trẻ tuổi và quyền lực bấy giờ lại nằm trong tay Hội đồng nhiếp chính gồm năm thành viên là năm lãnh chúa các vùng đất Nhật Bản (đaimyô). Các lãnh chúa này luôn tranh giành nhau thế mạnh và tước vị Shogun (tước vị cao nhất ở Nhật Bản, sau Hoàng đế, có quyền độc tài về quân sự). Xã hội Nhật Bản coi việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài là không đáng tin cậy, vì vậy rất hạn chế. Giáo hội Công giáo, chủ yếu thông qua các linh mục dòng Tên và các luật dòng khác ở tu viện, đã giành được một chỗ đứng và tìm cách mở rộng quyền lực của họ. Súng ít được sử dụng và xem thường, làm cho khả năng quân sự của châu Âu rất hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm đối với Nhật Bản. Blách Thon, một hoa tiêu người Anh, là người lái tàu chiến Erasmus, được biết đến là con tàu đầu tiên của những người theo đạo Tin Lành đến Nhật Bản. Tàu Erasmus bị đắm và anh bị trôi dạt vào bờ biển. Anh và những người sống sót của thủy thủ đoàn bị bắt giữ bởi các samurai địa phương, đứng đầu là Kasigi Ômi. Ômi coi họ là người ngoại lai, và hành vi của họ bị coi là dã man và thiếu tôn trọng nên đã bỏ tù họ trong hầm cho đến khi đaimyô Kasigi Yabu, chúa của miền Izu xem xét. Theo lệnh Yabu, Blách Thon được đưa tới một hộ gia đình và những người bạn trong đoàn của anh bị bắt làm con tin, để ra sức ép buộc anh phải khuất phục làm theo yêu cầu của chúng. Theo gợi ý của Ômi, Yabu lên kế hoạch sử dụng kiến thức của Blách Thon để phục vụ cho chiến lược chống lại bọn Thiên chúa giáo và làm giàu cho mình. Yabu ra lệnh tịch thu súng và tiền vàng từ tàu. Nhưng những tin tức này đã đến tai vị lãnh chúa của ông, quan nhiếp chính quyền lực Tôranaga, và Yabu có nghĩa vụ phải chuyển Blách Thon, con tàu, và những gì của nó qua cho Tôranaga. Blách Thon được trao cho tên gọi là Anjin, nghĩa là “thí điểm” (người lái tàu) của Nhật vì họ không thể phát âm được tên anh. Blách Thon được trân trọng gọi là Anjin-san. Anh được đưa tới yết kiến Tôranaga với Cha dòng Tên Anvitô làm phiên dịch. Theo đạo Tin Lành ở nước Anh, Blách Thon cố gắng thuyết phục Tôranaga chống lại các tu sĩ dòng Tên. Cuộc phỏng vấn kết thúc khi đối thủ chính của Tôranaga, Ishiđô, đi vào, tò mò về Blách Thon "man rợ". Tôranaga đã tống Blách Thon vào tù như là một mưu mẹo để giữ anh ta khỏi tay Ishiđô. Trong tù, Blách Thon kết bạn với Cha Fraia Đômingô, một thầy tu thuộc dòng Thánh Franxít, người tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc chinh phục của các thầy tu dòng Tên và người Bồ Đào Nha qua việc mua lụa Nhật Bản và bán lụa lại cho các nước châu Âu. Ông đã dạy cho anh một vài nét về văn hoá, lối sống của người Nhật cũng như một vài câu tiếng Nhật thông dụng. Blách Thon được Ishiđô đưa ra khỏi nhà tù, nhưng Toranaga can thiệp, "bắt lại” Blách Thon từ tay đối thủ của mình.Trong cuộc “bị phỏng vấn” tiếp theo của Blách Thon với Tôranaga, Marikô là người phiên dịch. Marikô cùng chồng là Buntarô, một hatamôtô, là hai trong những bề tôi đắc lực của Tôranaga. Marikô là một nữ samurai nhưng là người theo đạo Kitô giáo, một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, rất được Tôranaga sủng ái và kính trọng. Cuộc gặp gỡ lần này đã khiến Tôranaga thú vị và tò mò về Blách Thon, cũng như những hiểu biết của anh. Tôranaga bị buộc phải tự sát (vì bị cho rằng có âm mưu lật đổ Thế tử) từ lệnh của Hội đồng nhiếp chính mà chủ mưu là Ishiđô. Để thoát khỏi sự đe doạ đó, ông trốn thoát bằng cách giả dạng vợ mình là Kiri để trở về Yêđô, thủ phủ của mình. Blách Thon vô tình phát hiện ra vở kịch ấy và với sự nhanh trí của mình, anh đã giả điên để thu hút sự chú ý và giúp Tôranaga bình an ra khỏi lâu đài của Ishiđô. Anh bắt đầu chiếm được cảm tình và sự tin tưởng của Tôranaga. Tôranaga từ chức chủ tịch Hội đồng Nhiếp chính, làm tê liệt mọi âm mưu của Ishiđô vì không thể triệu tập cuộc họp Hội đồng và hơn thế Tôranaga biết rằng việc tìm một thành viên mới để thay vào vị trí thứ năm sẽ làm cho nội bộ chính quyền mâu thuẫn, đây là cơ hội để ông củng cố lực lượng và chuẩn bị các kế hoạch chống lại Ishiđô. Trong cuộc thoát thân khỏi sự khống chế của Ishiđô, tàu của Tôranaga đến bờ biển nhưng lại bị phong tỏa bởi tàu thuyền của Ishiđô. Theo gợi ý của Rôđrigô, thuyền trưởng của Tàu Đen, người từng được Blách Thon cứu sống, Tôranaga được Phêriêa, tên Thuỷ sư đô đốc của Tàu đen cho vay súng hỏa mai để làm nổ tàu. Nhưng bù lại các linh mục dòng Tên phải nhìn thấy sự hiện diện của một nhà thờ lớn cho Cơ đốc giáo ở Yêđô, Tàu Đen, con tàu buôn bán của họ phải được tự do đi lại trong lãnh thổ của Tôranaga, và cuối cùng là phải giao nộp Blách Thon. Tôranaga đồng ý. Rôđrigô trả nợ cho Blách Thon bằng cách giúp anh ta thoát khỏi tay Phêriêa trong một kế hoạch được anh cố tình dựng nên. Trên đường trở về Yêđô, Tôranaga ghé thăm Yabu tại Izu. Tại đây, bằng sự khôn ngoan, ông đã kéo được Yabu về phía mình. Blách Thon được vinh dự phong làm hatamôtô của Tôranaga, và được gửi lại Izu để Blách Thon bắt đầu học tiếng Nhật, dưới sự hướng dẫn của Marikô. Anh được Tôranaga ban cho phu nhân Fujikô làm nàng hầu. Trong một lần nêu ý kiến của mình trước Yabu và không được chấp nhận, Blách Thon đã seppuku (tự sát theo nghi thức Nhật Bản) như một samurai đích thực. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Blách Thon. Anh được cứu sống và từ lúc đó, mọi người đã coi anh là một samurai, một hatamôtô đúng nghĩa. Trong thời gian này anh bắt đầu nảy sinh tình cảm sâu sắc với Marikô. Tôranaga quay trở lại Izu cùng với Buntarô, chồng của Marikô. Tại đây Blách Thon một lần nữa cứu sống Tôranaga trong một trận động đất. Blách Thon bị giằng xé bởi tình cảm ngày càng tăng của mình cho Marikô, lòng trung thành, sự ưu ái với Tôranaga và mong muốn trở về vùng biển trên chiếc tàu Erasmus của mình. Anh đến thăm những người sống sót là các thuyền viên ban đầu của mình. Tại đây, Blách Thon đã không thể chịu nổi sự dơ bẩn, ghê tởm trong cách sống của những người bạn này, cách sống mà ông đã từng sống. Blách Thon đã thay đổi và trở thành một người bị đồng hoá bởi văn hoá Nhật Bản. Ishiđô đang nắm giữ nhiều thành viên gia đình của các lãnh chúa khác làm con tin tại Ôsaka. Hắn tin rằng khi có những con tin, các lãnh chúa khác, bao gồm Tôranaga, không dám tấn công mình. Ishiđô đã nhanh chóng tìm được vị nhiếp chính thứ năm thay vào chỗ của Tôranaga. Bằng cách triệu tập cuộc họp của Hội đồng, Ishiđô bắt buộc Tôranaga đến lâu đài của mình, và khi tất cả các quan nhiếp chính hiện diện, thông qua thì Tôranaga sẽ phải mổ bụng tự sát theo kế hoạch của hắn. Để giải thoát Tôranaga từ tình huống này, Marikô đến Ôsaka tìm mọi cách đánh bại âm mưu của Ishiđô và giải thoát các con tin. Trong chuyến đi này, Blách Thon và Marikô đã yêu nhau và thuộc về nhau. Tại lâu đài Ôsaka, Marikô đã tìm cách chống lại Ishiđô bằng cách quyết tâm đưa người thân của Tôranaga rời khỏi lâu đài (đây cũng là một phần trong kế hoạch của Tôranaga nhằm tạo nên sự ủng hộ của những con tin bị Ishiđô giam lỏng ở đây). Một trận chiến nổ ra giữa các samurai của Ishiđô và người hộ tống Marikô cho đến khi cô bị buộc phải quay trở lại. Tuy nhiên, Marikô nói rằng vì cô không thể chấp hành mệnh lệnh đối với chúa công của mình, đối với cô đó là điều sỉ nhục và cô quyết định seppuku. Khi cô làm như vậy, Ishiđô buộc phải cung cấp cho cô các giấy tờ để rời khỏi lâu đài ngày hôm sau. Nhưng tối hôm đó, một nhóm ninja do Ishiđô thuê đã tấn công lâu đài để bắt cóc Marikô, dưới sự giúp đỡ của Yabu, chư hầu của Tôranaga, đã bị Ishiđô mua chuộc. Cuộc bắt cóc đã không thành. Marikô đã tự sát chứ không để lọt vào tay bọn ninja. Mariko chết và Blách Thon bị thương. Ishiđô buộc phải cho anh và tất cả các phụ nữ khác rời khỏi lâu đài để không làm ảnh hưởng tới mình. Blách Thon phát hiện ra rằng con tàu của mình đã được đốt cháy (thực chất là do Tôranaga sai người phá hủy), làm hỏng cơ hội của mình tấn công các tàu Đen, đạt được sự giàu có và trở về nước Anh. Tôranaga đồng ý cho Blách Thon tiền đóng một con tàu mới nhưng thực chất đó chỉ là một mồi nhử để anh phục vụ cho lợi ích của y. Tôranaga lệnh Yabu tự tử vì sự phản bội của mình, và thay vào vị trí của Yabu là Ômi, cháu ruột của Yabu, người đã phản bội Yabu để đứng về phía Tôrranaga. Câu chuyện khép lại với chiến thắng của Tôranaga ở trận đánh tại Sêkigahara. Ba ngày sau, Ishiđô bị bắt sống và bị chôn xuống đất, chỉ để thò lên cái đầu. Rồi tất cả các người đi qua lại đều được yêu cầu lấy một các cưa bằng tre cưa vào cái cổ trứ danh nhất vương quốc. Ishiđô ngoắc ngoải ba ngày sau rồi chết. Song song với cốt truyện này, cuốn tiểu thuyết cũng có chi tiết về cuộc đấu tranh quyền lực căng thẳng giữa Tôranaga và Ishiđô, và vận động chính trị của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các linh mục dòng Tên. Ngoài ra còn có xung đột giữa các lãnh chúa Kitô giáo (những người được thúc đẩy bởi mong muốn bảo tồn và mở rộng quyền lực của Giáo Hội) và các lãnh chúa đã chống lại các Kitô - Shinto (Thần đạo), Phật giáo và tín ngưỡng khác. Một câu chuyện nhỏ xuyên suốt lặp lại trong cuốn sách là việc Tôranaga nuôi chim ưng. Ông so sánh các loài chim khác nhau của mình với các chư hầu của mình. Ông ném chúng vào các mục tiêu, cho chúng mẩu thức ăn để đưa chúng trở lại nắm tay của mình. 2. Văn hoá và dấu ấn văn hoá 2.1. Văn hoá 2.1.1. Định nghĩa văn hoá Văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng đánh dấu sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đã có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu luận bàn về khái niệm hay định nghĩa về văn hoá, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được một khái niệm thống nhất. Mỗi nhà nghiên cứu lại tự đặt ra một định nghĩa riêng cho mình. Mỗi thể chế chính trị, mỗi quốc gia, mỗi ngành khoa học xã hội nhân văn cũng có một khái niệm về văn hoá riêng. Vào năm 1952, hai nhà nhân học người Mỹ là A. L. Kreber và K.Klaxon đã thu thập được 164 cách định nghĩa khác nhau về thuật ngữ văn hoá. Trong cuốn “Triết học văn hoá” M.S.Kagan thu thập được hơn 70 cách định nghĩa khác nhau. Tại Hội nghị về văn hoá UNESCO tại Mêhicô năm 1982, người ta cũng đã đưa ra 200 định nghĩa về văn hoá. Hiện nay thì số lượng định nghĩa về văn hoá ngày càng tăng thêm, khó mà thống kê hết được. Về mặt thuật ngữ khoa học, văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latinh Cultus mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là “gieo trồng ruộng đất” và Cultus Animi là “gieo trồng tinh thần” tức là “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”.. Theo các định nghĩa miêu tả, nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) đã định nghĩa văn hóa như sau: “Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng trong dân tộc học là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội”. Theo các định nghĩa lịch sử, Edward Sapir (1884 - 1939), nhà nhân loại học, ngôn ngữ học người Mỹ định nghĩa:“Văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống”. Theo các định nghĩa chuẩn mực, William Isaac Thomas (1863 - 1947), nhà xã hội học người Mỹ cho rằng: “Văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào (các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử, vv….)”. Theo tâm lý học, William Graham Sumner (1840 - 1910), viện sĩ Mỹ, giáo sư Đại học Yale định nghĩa:“Văn hoá là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống của họ chính là văn hóa, hay văn minh...Những sự thích nghi này được bảo đảm bằng con đường kết hợp những thủ thuật như biến đổi, chọn lọc và truyền đạt bằng kế thừa”. Ralph Linton (1893 - 1953), nhà nhân loại học người Mỹ theo định nghĩa cấu trúc, cho rằng: “Văn hóa suy cho cùng là các phản ứng lặp lại ít nhiều có tổ chức của các thành viên xã hội, là sự kết hợp giữa lối ứng xử mà các thành tố của nó được các thành viên của xã hội đó tán thành và truyền lại nhờ kế thừa”. Pitirim Alexandrovich Sorokin (1889 - 1968), nhà xã hội học người Mỹ gốc Nga, người sáng lập khoa Xã hội học của Đại học Harvard định nghĩa văn hoá theo nguồn gốc của nó: “Với nghĩa rộng nhất, văn hóa chỉ tổng thể những gì được tạo ra, hay được cải biến bởi hoạt động có ý thức hay vô thức của hai hay nhiều cá nhân tương tác với nhau và tác động đến lối ứng xử của nhau”. Một định nghĩa khác được coi là khá chuẩn do Edward B. Tylor đưa ra năm 1871:“Văn hoá là toàn bộ những tri thức, những tín ngưỡng, những nghệ thuật, những giá trị, những luật lệ, phong tục và tất cả những năng lực và tập quán khác mà con người với tư cách thành viên của xã hội nắm bắt được”. Trên trang điện tử Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (vi.wikipedia.org), văn hoá được định nghĩa là “tất cả những sản phẩm của con người, và như vậy, văn hóa bao gồm cả hai khía cạnh: khía cạnh phi vật chất của xã hội như ngôn ngữ, tư tưởng, giá trị và các khía cạnh vật chất như nhà cửa, quần áo, các phương tiện…”. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Cựu Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor cũng từng đưa ra định nghĩa về văn hoá: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ thông các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Ở Việt Nam cũng có một số định nghĩa của các nhà nghiên cứu về văn hoá. Chẳng hạn theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Ngôn ngữ Việt Nam (xuất bản năm 2007) thì văn hoá được ghép từ hai từ văn (trong từ văn minh) và hoá (trong từ giáo hoá), theo đó văn hoá có nghĩa là “nền giáo hoá theo mỗi văn minh của thời đại” hay là “điều hiểu biết, kiến thức”. Trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam, giáo sư - viện sĩ Trần Ngọc Thêm đưa ra khái niệm: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng đề cập đến vấn đề này. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Qua những khái niệm trên chúng ta có thể khẳng định văn hóa là sản phẩm của loài người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người với tự nhiên và xã hội. Văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua quá trình vận động, phát triển của xã hội. Văn hoá có thể xem như yếu tố đầu tiên và căn bản để xác lập tính độc lập của một dân tộc hoặc một cộng đồng người. Văn hóa còn là thước đo trình độ phát triển của con người và của xã hội, được biểu hiện trong các kiểu hình thức tổ chức đời sống và hành động của con người cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà do con người tạo ra. Nói như Nguyễn Trần Bạt trong bài viết Khái niệm và bản chất của văn hoá thì: “Văn hoá, nói một cách giản dị, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử khác nhau, qua đó người ta có thể phân biệt được các dân tộc với nhau. Thông qua mỗi một chu kỳ của sự phát triển, dân tộc đó tương tác với mình và với những dân tộc khác, cái còn lại được gọi là bản sắc, hay còn gọi là văn hóa”. 2.1.2 Phân loại văn hoá Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề phân loại văn hoá. Ở đây chúng tôi xin theo ý kiến được phần đông các nhà nghiên cứu thống nhất, đồng thời đây cũng là ý kiến mà chúng tôi cho rằng tương đối hợp lý, nghĩa là về cơ bản, văn hoá có thể chia làm hai loại: Văn hóa tinh thần và văn hoá vật chất. Văn hoá tinh thần (hay còn gọi là văn hóa phi vật chất) bao gồm những ý niệm, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị, chuẩn mực…Văn hoá vật chất (hay văn hoá vật thể) bao gồm tất cả những sáng tạo hữu hình của con người mà trong xã hội học gọi chung là đồ tạo tác. Những con đường, tòa cao ốc, đền đài, nhà cửa, phương tiện giao thông, máy móc thiết bị, vật dụng, dụng cụ lao động... đều là đồ tạo tác. Tuy nhiên sự phân loại này không có nghĩa là chúng ở trong trạng thái thuần tuý đối lập nhau mà chỉ là sự căn cứ theo nội dung cơ bản và phương thức phát huy tác dụng của chúng mà thôi. Vẫn phải thấy rằng trong văn hoá vật chất vẫn có yếu tố văn hoá tinh thần và ngược lại. Sự xuyên thấm đối ngược của yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần trong hai loại hình văn hoá nói trên là một vấn đề rất tự nhiên, tất yếu theo quy luật hình thành và phát triển của nó. Sự kết hợp giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần trong hai loại hình văn hoá trên là theo tỷ lệ áp đảo, nghĩa là hoặc thiên về vật chất hoặc thiên về tinh thần. Nhưng cũng có một sản phẩm, mà sự kết hợp ấy là cố ý, do một cá nhân sáng tạo ra, và như vậy có thêm một loại hình văn hoá thứ ba, văn hoá tinh thần - vật chất, hay còn gọi là văn hoá nghệ thuật (văn hoá mang tính nghệ thuật). Loại hình văn hoá này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết ở phần “mối quan hệ giữa văn học và văn hoá”. 2.1.3. Các thành tố cấu thành nền văn hoá của một dân tộc Văn hoá là một tổng thể được cấu thành từ rất nhiều thành tố. Tìm hiểu đặc điểm của các thành tố văn hoá của một dân tộc sẽ giúp chúng ta thấy được bản sắc cũng như những đặc trưng cơ sở của nền văn hoá ấy. Tất nhiên trong từng điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể, các thành tố này có thể sẽ có những vị trí và vai trò khác nhau trong việc thể hiện và lưu trữ văn hoá của một dân tộc. 2.1.3.1. Tri thức
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan