Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo án - Bài giảng Bài giảng điện tử đánh giá khả năng sản xuất của giống gà đẻ trứng isa brown thương phẩm nuôi tron...

Tài liệu đánh giá khả năng sản xuất của giống gà đẻ trứng isa brown thương phẩm nuôi trong các điều kiện chuồng trại khác nhau trên địa bàn thành phố hà nội

.PDF
77
299
113

Mô tả:

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM ĐỖ QUỐC PHẤN ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA GIỐNG GÀ ĐẺ TRỨNG ISA BROWN THƯƠNG PHẨM NUÔI TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN CHUỒNG TRẠI KHÁC NHAU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI LUẬN VĂN THẠC SĨ NÔNG NGHIỆP Thái Nguyên - 2017 ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM ĐỖ QUỐC PHẤN ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA GIỐNG GÀ ĐẺ TRỨNG ISA BROWN THƯƠNG PHẨM NUÔI TRONG CÁC ĐIỀU KIỆN CHUỒNG TRẠI KHÁC NHAU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI Chuyên ngành: CHĂN NUÔI Mã số: 60 62 01 05 LUẬN VĂN THẠC SĨ NÔNG NGHIỆP Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Ngô Thị Kim Cúc 2. TS. Phạm Thị Hiền Lương Thái Nguyên - 2017 i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng: - Các kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực, khách quan và chưa được sử dụng để bảo vệ bất cứ một học vị nào. - Mọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện nghiên cứu và viết luận văn đã được cảm ơn. Tất cả các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được ghi rõ nguồn gốc. Hà Nội, tháng 11 năm 2017 TÁC GIẢ Đỗ Quốc Phấn ii LỜI CẢM ƠN Trong thời gian thực tập và thực hiện Luận văn này, tôi đã nhận được sự quan tâm, chỉ bảo, hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, đồng nghiệp, bạn bè và sự động viên khích lệ của gia đình. Nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới: Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Ban chủ nhiệm khoa và các thầy cô giáo Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên đã tạo điều kiện và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập. Xin trân trọng cảm ơn cô giáo TS. Ngô Thị Kim Cúc và cô giáo TS. Phạm Thị Hiền Lương đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tôi hết sức tận tình trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành Luận văn. Trân trọng cảm ơn các cơ sở chăn nuôi gà đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này. Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ, động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn này. Hà Nội, tháng 11 năm 2017 TÁC GIẢ Đỗ Quốc Phấn iii MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1 1. Tính cấp thiết của đề tài.............................................................................. 1 2. Mục tiêu của đề tài ..................................................................................... 2 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài .................................................... 2 3.1. Ý nghĩa khoa học..................................................................................... 2 3.2. Ý nghĩa thực tiễn ..................................................................................... 2 Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU .......................................................... 3 1.1. Cơ sở khoa học của đề tài ........................................................................ 3 1.1.1. Cơ sơ khoa học của việc nghiên cứu sự di truyền các tính trạng ở gà ... 3 1.1.2. Cơ sở khoa học về khả năng sinh trưởng của gia cầm ........................... 4 1.1.3. Cơ sở khoa học về khả năng sinh sản.................................................... 5 1.1.4. Một số đặc điểm của giống gà Isa Brown ........................................... 18 1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước ............................................ 19 1.2.1. Tình hình nghiên cứu trong nước ........................................................ 19 1.2.2. Tình hình nghiên cứu ngoài nước ....................................................... 22 Chương 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .................................................................................. 25 2.1. Đối tượng nghiên cứu ............................................................................ 25 2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu .............................................................. 25 2.2.1. Địa điểm nghiên cứu........................................................................... 25 2.2.2. Thời gian nghiên cứu .......................................................................... 25 2.3. Nội dung nghiên cứu ............................................................................. 25 2.4. Phương pháp nghiên cứu ....................................................................... 25 2.4.1. Bố trí thí nghiệm................................................................................. 25 2.4.2. Chế độ dinh dưỡng ............................................................................. 26 iv 2.4.3. Mô tả điều kiện chuồng trại nuôi dưỡng ............................................. 26 2.4.4. Các chỉ tiêu theo dõi và phương pháp xác định ................................... 27 2.5. Phương pháp xử lý số liệu ..................................................................... 30 Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN ....................... 31 3.1. Khả năng sinh trưởng của gà Isa Brown giai đoạn hậu bị ...................... 31 3.1.1. Tỷ lệ nuôi sống của gà Isa Brown giai đoạn hậu bị (10 - 20 tuần tuổi).. 31 3.1.2. Khối lượng của gà Isa Brown giai đoạn hậu bị ................................... 34 3.1.3. Lượng thức ăn thu nhận của gà thí nghiệm giai đoạn hậu bị ............... 37 3.2. Khả năng sinh sản của gà Isa Brown thương phẩm ................................ 39 3.2.1. Tỷ lệ giảm đàn của gà Isa Brown giai đoạn sinh sản ......................... 39 3.2.2. Tuổi thành thục sinh dục của gà Isa Brown thương phẩm nuôi theo 2 hình thức chuồng kín và hở .............................................................. 41 3.2.3. Khối lượng cơ thể gà Isa Brown thương phẩm nuôi thí nghiệm ứng với từng tỷ lệ đẻ .................................................................................. 44 3.2.4. Tỷ lệ đẻ và năng suất trứng ................................................................. 45 3.2.5. Tỷ lệ trứng dập vỡ .............................................................................. 48 3.2.6. Ảnh hưởng của nhiệt độ chuồng nuôi đến năng suất trứng của gà Isa Brown thí nghiệm .......................................................................... 50 3.2.7. Khả năng chuyển hóa thức ăn của gà Isa Brown thương phẩm ........... 52 3.3. Một số chỉ tiêu chất lượng trứng ............................................................ 58 KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ ........................................................................ 61 1. Kết luận .................................................................................................... 61 2. Đề nghị ..................................................................................................... 62 v DANH MỤC BẢNG BIỂU Trang Bảng 2.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm ................................................................. 26 Bảng 2.2. Chế độ dinh dưỡng của gà Isa Brown nuôi sinh sản ..................... 26 Bảng 3.1: Tỷ lệ nuôi sống của gà thí nghiệm giai đoạn 10 - 20 tuần tuổi (%) ...................................................................................................... 32 Bảng 3.2: Khối lượng cơ thể của gà Isa Brown hậu bị qua các tuần tuổi nuôi theo 2 loại hình chuồng kín và chuồng hở ................................... 35 Bảng 3.3: Lượng thức ăn thu nhận của gà Isa Brown giai đoạn hậu bị nuôi theo 2 hình thức chuồng kín và chuồng hở .......................................... 37 Bảng 3.4: Tỷ lệ giảm đàn của gà Isa Brown thí nghiệm giai đoạn 21 - 38 tuần tuổi nuôi theo 2 loại hình chuồng trại .......................................... 40 Bảng 3.5: Tuổi thành thục tính dục của gà Isa Brown thương phẩm nuôi theo 2 loại hình chuồng kín và hở ....................................................... 41 Bảng 3.6. Khối lượng cơ thể gà Isa Brown thương phẩm nuôi thí nghiệm ứng với từng tỷ lệ đẻ ........................................................................... 44 Bảng 3.7: Tỷ lệ đẻ và năng suất trứng của gà Isa Brown thương phẩm nuôi chuồng kín và chuồng hở ............................................................ 46 Bảng 3.8. Tỷ lệ trứng gà Isa Brown thương phẩm bị dập, vỡ nuôi theo 2 loại hình chuồng kín và hở .................................................................. 49 Bảng 3.9. Nhiệt độ cao nhất và năng suất trứng gà Isa Brown thương phẩm ................................................................................................... 51 Bảng 3.10: Tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng (kg) ............................................. 53 Bảng 3.11: Tiêu tốn năng lượng trao đổi (ME) /10 quả trứng (Kcal) ............ 55 Bảng 3.12: Tiêu tốn protein /10 quả trứng (g) .............................................. 57 Bảng 3.13: Một số chỉ tiêu chất lượng trứng................................................. 59 vi DANH MỤC HÌNH, ĐỒ THỊ Trang Hình 3.1. Biểu đồ về tỷ lệ nuôi sống của gà Isa Brown giai đoạn hậu bị nuôi theo 2 loại hình chuồng kín và chuồng hở ................................... 33 Hình 3.2. Đồ thị về khối lượng cơ thể của gà Isa Brown hậu bị qua các tuần tuổi nuôi theo 2 loại hình chuồng kín và chuồng hở .................... 36 Hình 3.3. Biểu đồ về tuổi thành thục tính dục của gà Isa Brown thương phẩm nuôi chuồng kín và chuồng hở................................................... 43 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chăn nuôi gà là nghề sản xuất truyền thống lâu đời và chiếm vị trí quan trọng thứ hai trong ngành chăn nuôi của Thành phố Hà Nội; hàng năm nghề chăn nuôi gà cung cấp từ 38 - 40 ngàn tấn thịt. Trong đó sản lượng thịt gà công nghiệp chiếm 25 - 28 ngàn tấn và hơn 350 - 370 triệu quả trứng, trong đó có khoảng 230 - 300 triệu quả là trứng gà công nghiệp. Tuy vậy, chăn nuôi gà ở Thành phố Hà Nội vẫn còn trong tình trạng nhỏ lẻ phân tán, lạc hậu, năng suất thấp, dịch bệnh nhiều, sản phẩm hàng hóa còn ít, bình quân sản lượng thịt/người chỉ đạt 4,5 - 5 kg/người/năm, sản lượng trứng/người chỉ đạt 54 - 55 quả/người/năm. Như vậy, sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiềm năng về tiêu thụ sản phẩm của Thành phố, một lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc từ nghề nuôi gà phải nhập từ các tỉnh lân cận và nhập khẩu. Tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi gà còn rất lớn, Thành phố cần có định hướng cho ngành chăn nuôi gà phát triển phù hợp với nhu cầu thực phẩm sạch để ổn định thị trường và hội nhập kinh tế TPP. Trong những năm gần đây, chăn nuôi công nghiệp đã phát triển một cách mạnh mẽ trên địa bàn Thành phố Hà Nội; nhiều giống gà chuyên thịt, chuyên trứng cao sản, cho năng suất cao đã được nhập vào nuôi trên địa bàn. Tuy nhiên, các giống gà này vẫn chỉ được nuôi tại các trang trại công nghiệp, gia công cho các công ty nước ngoài, các trang trại chăn nuôi hiện đại công nghiệp (chiếm số ít) mà vẫn chưa được nhân rộng ra các quy mô chăn nuôi khác vốn tồn tại phổ biến ở Hà Nội như hình thức chăn nuôi bán công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chăn nuôi gà Isa Brown đã được phổ biến khá rộng rãi. Giống gà chuyên trứng nhập nội cao sản Isa Brown là giống gà đang được nuôi phổ biến ở nước ta. 2 Gà mái thương phẩm có màu nâu, lúc 1 ngày tuổi, con trống lông màu trắng, con mái có màu nâu tuy nhiên chưa có báo cáo kết quả nghiên cứu nào về khả năng sản xuất của giống gà này nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp. Để góp phần đánh giá đầy đủ khả năng sản xuất của gà Isa Brown ở các phương thức chăn nuôi khác nhau và lựa chọn phương pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn dịch bệnh chúng tôi tiến hành đề tài: “Đánh giá khả năng sản xuất của giống gà đẻ trứng Isa Brown thương phẩm nuôi trong các điều kiện chuồng trại khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội”. 2. Mục tiêu của đề tài Đánh giá được khả năng sinh trưởng và sinh sản của gà Isa Brown thương phẩm nuôi trong các điều kiện chuồng trại khác nhau. 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài 3.1. Ý nghĩa khoa học - Kết quả nghiên cứu đề tài đóng góp thêm cơ sở khoa học về ảnh hưởng của phương thức chăn nuôi đến khả năng sản xuất của gà Isa Brown trên địa bàn Hà Nội. - Đề tài là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học, học sinh, sinh viên trong trường Đại học và Cao đẳng ngành Chăn nuôi. 3.2. Ý nghĩa thực tiễn Kết quả của đề tài giúp các nông hộ lựa chọn phương thức chăn nuôi gà Isa Brown phù hợp với điều kiện kinh tế và thời tiết khí hậu trên địa bàn Hà Nội. Góp phần phát triển các trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng Isa Brown trên địa bàn Hà Nội, cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. 3 Chương 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU 1.1. Cơ sở khoa học của đề tài 1.1.1. Cơ sơ khoa học của việc nghiên cứu sự di truyền các tính trạng ở gà Khi nghiên cứu để tìm ra các quy luật di truyền, Mendel đưa ra khái niệm tính trạng. Tính trạng là đặc trưng của một cá thể mà ta có thể quan sát hay xác định được. Có hai loại tính trạng: Tính trạng chất lượng và tính trạng số lượng. Tính trạng số lượng là những tính trạng mà sự khác nhau giữa các cá thể là sự sai khác về mức độ hơn là sự sai khác về chủng loại. Trong quá trình lai, các tính trạng chất lượng sẽ phân li theo tỷ lệ nhất định, nhưng đối với tính trạng số lượng sự phân li không phù hợp với các tỷ lệ đó. Cho nên khi mới bắt đầu nghiên cứu sự di truyền các tính trạng số lượng người ta đã thu được những kết quả hầu như đối lập với các định luật Mendel, và vì thế Ganton, Pearson đã cho rằng tính trạng số lượng không tuân theo các định luật Mendel, thậm chí Bateson, De Vries còn khẳng định tính trạng số lượng là những tính trạng không di truyền. Mãi đến năm 1908 nhờ các công trình nghiên cứu của Nilsson-Ehle người ta mới xác định rõ: các tính trạng số lượng có biến dị liên tục, cũng di truyền theo đúng các định luật của các tính trạng chất lượng có biến dị gián đoạn, tức là các định luật cơ bản về di truyền của Mendel. Ngành di truyền có liên quan đến các tính trạng số lượng gọi là di truyền học số lượng hay di truyền học sinh trắc. Giá trị của bất kỳ tính trạng số lượng nào (giá trị kiểu hình) đều được biểu thị thông qua giá trị kiểu gen và sai lệch môi trường: P=G+E 4 Trong đó: P - Giá trị kiểu hình (phenotypic value) G - Giá trị kiểu gen (genotypic value) E - Sai lệch môi trường (environmental deviation) Tùy theo phương thức tác động khác nhau của các gen - allen, giá trị kiểu gen bao gồm các thành phần khác nhau: giá trị cộng gộp (additive value) hoặc giá trị giống (breeding value): A; sai lệch trội (dominance deviation): D; sai lệch át gen (epistasic deviation) hoặc sai lệch tương tác (interaction deviation): I, do đó: G=A+D+I Sai lệch môi trường cũng thể hiện thông qua sai lệch môi trường chung (general environmental deviation): Eg là sai lệch giữa cá thể do hoàn cảnh thường xuyên và không cục bộ gây ra; sai lệch môi trường riêng (special environmental deviation): Es là sai lệch trong cá thể do hoàn cảnh tạm thời và cục bộ gây ra. Như vậy, khi một kiểu hình của một cá thể được cấu tạo từ 2 locus trở lên thì giá trị kiểu hình của nó được biểu thị: P = A + D + I + Eg + Es. Tất cả các giá trị kiểu hình và kiểu gen của các tính trạng số lượng luôn biến thiên do tác động qua lại giữa các tổ hợp gen và môi trường. Để định hướng cho việc chọn lọc các tính trạng cần phải đánh giá phương sai của chúng. Cho tới nay, hầu như toàn bộ các thành tựu về cải tiến di truyền ở vật nuôi mà ngành sản xuất chăn nuôi được thừa hưởng đều là những kết quả nghiên cứu ứng dụng dựa trên cơ sở di truyền học số lượng. 1.1.2. Cơ sở khoa học về khả năng sinh trưởng của gia cầm Sinh trưởng là quá trình tích lũy hữu cơ do đồng hóa và dị hóa, là sự tăng chiều cao, chiều dài, bề ngang, khối lượng của các bộ phận và toàn bộ cơ thể con vật trên cơ sở tính chất di truyền của đời trước. Sinh trưởng là sự tích lũy 5 dần các chất, chủ yếu là protein nên tốc độ và khối lượng tích lũy các chất, tốc độ và sự tổng hợp protein cũng là tốc độ hoạt động của các gen điều khiển sự sinh trưởng của cơ thể. Đối với gia cầm, sự sinh trưởng được chia làm hai giai đoạn chính: thời kì hậu phôi và thời kì trưởng thành. Như vậy, sinh trưởng sẽ thông qua 3 quá trình: phân chia tế bào để tăng số lượng, tăng thể tích của tế bào và tăng thể tích giữa các tế bào. Khi nghiên cứu về sinh trưởng không thể không nói đến phát dục. Phát dục là quá trình thay đổi về chất tức là tăng thêm và hoàn chỉnh các tính chất, chức năng của các bộ phận của cơ thể. Phát dục của cơ thể con vật hình thành từ khi trứng thụ tinh, trải qua nhiều giai đoạn phức tạp cho đến khi trưởng thành. Tỷ lệ nuôi sống của gà con khi nở là chỉ tiêu chủ yếu để đánh giá sức sống của gia cầm. Các giống vật nuôi nhiệt đới có khả năng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng cao hơn các giống vật nuôi ở xứ lạnh. Tỷ lệ nuôi sống của gia cầm phụ thuộc vào chăm sóc, nuôi dưỡng, khí hậu…Ngoài ra, tỷ lệ nuôi sống của gia cầm còn phụ thuộc vào sức sống của đàn gà bố mẹ, gà mái đẻ tốt thì tỷ lệ nuôi sống của gà con sẽ tốt và ngược lại. Đối với cơ thể sinh vật những phản ứng sinh lý trong phản ứng stress là tác động tương quan giữa gen và môi sinh, trong đó tất nhiên chịu ảnh hưởng vai trò của các quy luật di truyền đa gen, trội, lặn, giới tính ... 1.1.3. Cơ sở khoa học về khả năng sinh sản 1.1.3.1. Sinh lý sinh sản của gia cầm mái Gia cầm là động vật đẻ trứng, con mái thoái hóa buồng trứng bên phải, chỉ còn lại buồng trứng và ống dẫn trứng bên trái tồn tại và phát triển. Khi giao phối gai giao cấu của con trống áp sát vào lỗ huyệt của con mái và phóng tinh vào âm đạo. Buồng trứng nằm ở phía trái của xoang bụng, về phía trước và hơi thấp hơn thận trái, được đỡ bằng các nếp gấp của màng bụng từ trên xuống. Nếp gấp khác của màng bụng nối nó với ống dẫn trứng. Kích thước và hình dạng của buồng 6 trứng phụ thuộc vào tuổi và loài gia cầm. Gà 1 ngày tuổi buồng trứng có kích thước 1 - 2 mm, khối lượng 0,03g. Thời kỳ gà đẻ trứng, buồng trứng có hình chum nhỏ, khối lượng khoảng 45 - 55g chứa rất nhiều tế bào trứng. Sự hình thành buồng trứng và tuyến sinh dục xảy ra vào thời kỳ đầu của sự phát triển phôi. Sau mỗi lứa tuổi lại có những thay đổi về cấu trúc và chức năng của buồng trứng. Buồng trứng có chức năng tạo lòng đỏ, các ống dẫn trứng có chức năng tiết ra lòng trắng đặc, lòng trắng loãng, màng vỏ, vỏ và lớp keo mỡ bao ngoài và vỏ trứng. Thời gian trứng lưu lại trong ống dẫn trứng từ 20 - 24h, tế bào trứng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là lòng đỏ. Lòng đỏ được tạo thành trước khi đẻ 9 - 10 ngày, trong thời kỳ sinh trưởng lớn dài 4 -13 ngày lòng đỏ chiếm 90 - 95% khối lượng tế bào trứng, thành phần chính gồm phôt pho lipit, mỡ trung hòa, các chất khoáng và vitamin; tốc độ sinh trưởng của lòng đỏ không tương quan đến cường độ đẻ trứng. Quá trình hình thành trứng và rụng trứng là một quá trình sinh lý phức tạp do sự điều khiển của hocmon, thời gian từ khi đẻ trứng đến khi rụng trứng tiếp theo kéo dài từ 15 - 75 phút. Sự rụng trứng được tính khi tế bào trứng rời khỏi buồng trứng rơi vào loa kèn. Sự rụng trứng chỉ xảy ra một lần trong ngày, nếu gà đẻ trứng vào cuối buổi chiều (16h) thì sự rụng trứng thực hiện vào buổi sáng hôm sau. Trứng được giữ lại trong ống dẫn trứng làm đình trệ sự rụng trứng tiếp theo. Sự rụng trứng của gà thường xảy ra từ 2 giờ đến 14 giờ. Chu kỳ rụng trứng phụ thuộc vào các yếu tố: điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, lứa tuổi và trạng thái sinh lý của gia cầm. Nếu thức ăn kém chất lượng, nhiệt độ không khí cao sẽ làm giảm sự rụng trứng và đẻ trứng. Ví dụ, ở Xí nghiệp gà giống Lương Mỹ, Tam Dương vào mùa nóng (tháng 5 - 7) với nhiệt độ 35 - 400C thì sức đẻ trứng của gà ISA đã giảm 15 - 20%. Gà nhiễm bệnh cũng hạn chế khả năng rụng trứng (Lê Huy Liễu và cs., 2003) [17]. 7 1.1.3.2. Tuổi thành thục sinh dục Tuổi thành thục sinh dục là tuổi bắt đầu con vật có hoạt động sinh dục và có khả năng tham gia quá trình sinh sản. Ở gà mái tuổi thành thục sinh dục là tuổi đẻ quả trứng đầu tiên đối với từng cá thể hoặc lúc tỷ lệ đẻ đạt 5% đối với mỗi đàn (quần thể) gà (Pingel và cs, 1980 - dẫn theo Trần Thị Mai Phương 2004) [25]. Trong một đàn gà mái chỉ tiêu này được xác định bằng tuổi đẻ 5% số cá thể trong đàn, tuổi đẻ quả trứng đầu phụ thuộc vào chế độ nuôi dưỡng, thời gian chiếu sáng dài sẽ thúc đẩy gia cầm đẻ sớm. Theo Siegel (1962) khối lượng cơ thể và cấu trúc thành phần cơ thể là những nhân tố ảnh hưởng đến tính thành thục ở gà màu. Tuổi thành thục về tính chịu ảnh hưởng của giống và môi trường. Các giống khác nhau thì tuổi thành thục về tính cũng khác nhau. Pingel và cs. (1980) (dẫn theo Trần Thị Mai Phương, 2004) [25] cho rằng, tuổi thành thục sinh dục của gà khoảng 170 - 180 ngày, biến động trong khoảng 15 - 20 ngày. Tuổi đẻ quá trứng đầu của gà Lạc Thủy là 136 - 140 ngày (Trần Thanh Vân và cs, 2015) [38], gà Đông Tảo 157 ngày (Phạm Thị Hoà, 2004) [9], Tuổi đẻ đầu trung bình của gà mèo là 171,4 ngày, gà lai Ri - Mèo là 162,34 ngày và gà lai Mèo - Ri là 164,82 ngày (Nguyễn Duy Hoan và Nguyễn Hữu Hòa, 2008) [10]. Kết quả nghiên cứu của Vũ Quang Ninh (2002) [24] cho biết tuổi đẻ quả trứng đầu của gà Ác Thái Hòa 152- 158 ngày; đạt tỷ lệ 50% lúc 195 - 198 ngày. Phùng Đức Tiến và cs (2007) [32] chỉ ra rằng tuổi đẻ đạt tỷ lệ 5% của gà Ai Cập 145 - 160 ngày. Nguyễn Thị Khanh và cs. (2001) [14], tuổi thành thục sinh dục của gà Tam Hoàng dòng 882 và Jaangcun lúc 154 và 157 ngày. Nguyễn Duy Hoan và Nguyễn Hữu Hòa (2008) [10], tuổi đẻ đầu trung bình của gà mèo là 171,4 ngày, gà lai Ri - Mèo là 162,34 ngày và gà lai Mèo - 8 Ri là 164,82 ngày. Sản lượng trứng/mái/năm của gà Mèo là 95,31 quả; của gà Ri - Mèo là 135,4 quả và gà Mèo - Ri là 124,3 quả. Tuổi đẻ sớm hay muộn liên quan chặt chẽ đến khối lượng cơ thể ở một thời điểm nhất định. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục sớm là ngày, tháng nở của gà con (độ dài của ngày chiếu sáng), khoảng thời gian chiếu sáng tự nhiên hay nhân tạo, cũng như khối lượng cơ thể. Sự biến động trong tuổi thành thục sinh dục có thể còn do các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển như chăm sóc, quản lý, thú y hay khẩu phần ăn cũng có ảnh hưởng mạnh đến chỉ tiêu này (Jonhanson, 1972). Khối lượng gà mái thành thục và khối lượng trứng gà tăng dần qua từng thời điểm đẻ 5% và đẻ đỉnh cao. Nhiều tác giả nghiên cứu về tuổi đẻ quả trứng đầu ở gia cầm cho rằng, đây là chỉ tiêu đánh giá sự thành thục sinh dục, cũng được coi là yếu tố cấu thành năng suất trứng. Đối với từng cá thể, tuổi đẻ quả trứng đầu tiên là số ngày kể từ khi nở ra đến khi đẻ quả trứng đầu tiên. Trong thực tế sản xuất, tuổi đẻ quả trứng đầu được xác định khi có 5% số cá thể đàn gà đã đẻ. Tuổi đẻ và năng suất trứng có mối tương quan thuận, tuổi đẻ trứng đầu phụ thuộc vào bản chất di truyền, chế độ nuôi dưỡng, yếu tố môi trường. Đặc biệt là thời gian chiếu sáng sẽ thúc đẩy gia cầm thành thục sinh dục. Thời gian chiếu sáng kéo dài sẽ thúc đẩy gia cầm đẻ trứng sớm (Khavecman, 1972) (dẫn theo Trần Quốc Hùng, 2012) [12]. 1.1.3.3. Năng suất trứng Năng suất trứng là số trứng một gia cầm mái sinh ra trong một đơn vị thời gian. Đối với gia cầm đẻ trứng, đây là chỉ tiêu năng suất quan trọng nhất, phản ánh trạng thái sinh lý và khả năng hoạt động của hệ sinh dục. Năng suất trứng phụ thuộc nhiều vào giống, đặc điểm của cá thể, hướng sản xuất, mùa vụ và dinh dưỡng ... 9 Năng suất trứng của gà Đông Tảo/36 tuần đẻ đạt 67,71 quả/ mái (Nguyễn Đăng Vang và cs, 1999) [37]. Phùng Đức Tiến và cs (2007) [32] nghiên cứu trên gà Ai Cập, công bố năng suất trứng từ 22 - 64 tuần đạt 158,4 quả/ mái. Giữa các dòng trong một giống, dòng trống có năng suất trứng cao hơn dòng mái, Bùi Quang Tiến và cs (1999) [30], nghiên cứu trên gà Ross - 208 cho biết năng suất trứng/ 9 tháng đẻ của dòng trống đạt 106,39 quả dòng mái đạt 151,08 quả. 1.1.3.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của gia cầm Khả năng sinh sản của gia cầm phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu là yếu tố di truyền và ngoại cảnh. * Yếu tố di truyền Theo Đặng Hữu Lanh và cs (1999) [16], sức sản xuất trứng chịu sự chi phối của các tập hợp gen khác nhau; các gen quy định tính trạng này nằm trên nhiễm sắc thể thường và bị hạn chế bởi giới tính. Sản lượng trứng được truyền lại cho đời sau từ bố mẹ. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, việc sản xuất trứng của gia cầm do 5 yếu tố ảnh hưởng mang tính di truyền đó là tuổi thành thục sinh dục, cường độ đẻ trứng, bản năng đòi ấp, thời gian kéo dài của chu kì đẻ. - Tuổi thành thục sinh dục: Tuổi thành thục sinh dục liên quan đến năng suất trứng của gia cầm, thành thục sớm là một tính trạng mong muốn tuy nhiên cần chú ý đến khối lượng cơ thể. Tuổi bắt đầu đẻ và kích thước cơ thể có tương quan nghịch, chọn lọc theo hướng tăng khối lượng quả trứng sẽ làm tăng khối lượng cơ thể gà và tăng tuổi thành thục sinh dục. Tuổi thành thục sinh dục xác định qua tuổi đẻ quả trứng đầu tiên. Tuổi thành thục sinh dục của một nhóm hoặc một đàn gia cầm được xác định theo tuổi đạt tỷ lệ đẻ là 5%. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục của gia cầm loài, giống, dòng, hướng sản xuất, mùa vụ nở, thời gian chiếu sáng, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc quản lý. 10 - Cường độ đẻ: Do 2 cặp gen R - r và R’ - r’ phối hợp cộng lại để điều hành, cường độ đẻ trứng càng cao thì sản lượng trứng càng cao và ngược lại. - Bản năng đòi ấp: Do 2 gen A và C điều khiển, phối hợp với nhau. Nếu phản xạ đòi ấp mạnh thì năng suất trứng ít do thời gian đẻ trứng ngắn. Theo King và Hauddersson, hệ số di truyền của bản năng đòi ấp là 31%. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc yếu tố ngoại cảnh như thức ăn, nhiệt độ cao, bóng tối, sự có mặt của gia cầm con… đều tạo điều kiện kích thích sự ham ấp và nghỉ đẻ. - Thời gian kéo dài của chu kì đẻ: Chu kì đẻ trứng sinh học liên quan tới thời vụ nở của gia cầm con. Tùy thuộc vào thời gian nở mà bắt đầu và kết thúc của chu kì đẻ trứng sinh học có thể xảy ra trong thời gian khác nhau trong năm. Ở gà, chu kì này thường kéo dài một năm; gà tây, vịt và ngỗng chu kì thường ngắn hơn và theo mùa. Chu kì đẻ trứng sinh học có mối tương quan thuận với tính thành thục sinh dục, nhịp độ đẻ trứng, sức bền đẻ trứng và chu kì đẻ trứng. Giữa sự thành thục và thời gian kéo dài chu kì đẻ trứng sinh học có tương quan nghịch rõ rệt. Các cá thể có sự khác nhau về bản chất di truyền của thời điểm kết thúc năm sinh học, điều này cho phép tiến hành chọn lọc theo sự đẻ trứng ổn định và do đó nâng cao năng suất trứng của cả năm, giữa thời gian kéo dài đẻ trứng và sức sản xuất trứng có hệ số tương quan dương rất cao. Lerner and Taylor (1943) cho rằng thời gian kéo dài chu kì đẻ trứng là yếu tố quyết định năng suất trứng (dẫn theo Trịnh Thị Tú, 2015) [36]. Sau mỗi chu kì đẻ trứng sinh học gia cầm thường nghỉ đẻ và thay lông. Trong điều kiện bình thường thay lông lần đầu tiên là đặc điểm quan trọng để đánh giá gia cầm đẻ tốt hay xấu, những gia cầm thay lông sớm thường đẻ kém và thời gian thay lông kéo dài 4 tháng. Ngược lại nhiều gia cầm thay lông muộn và nhanh, thời gian nghỉ đẻ dưới 2 tháng. 11 * Yếu tố ngoại cảnh Ngoài 5 yếu tố di truyền cá thể, khả năng sinh sản cua gia cầm còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau như giống, dòng gia cầm, tuổi gia cầm, dinh dưỡng, chế độ chăm sóc, tiểu khí hậu chuồng nuôi… Theo Alagawany M. và cs. (2016) [42], dinh dưỡng hợp lý là bước đầu tiên cực kỳ quan trong đối với khả năng tăng trọng và năng suất trứng của gia cầm, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Yếu tố dinh dưỡng quan trọng là protein, vitamin sau đó đến muối khoáng, một số chất có hoạt tính sinh học… Alagawany M. và cs. (2016) [42] cho biết, protein đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp sản xuất thức ăn cho gia cầm và động vật nói chung. Lượng protein hợp lý trong khẩu phần ăn làm tăng khả năng tăng trọng, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn, tăng khả năng sản xuất và khả năng miễn dịch cho gia cầm Gia cầm rất mẫn cảm với nhiệt độ và ẩm độ. Khi nhiệt độ thấp thì nhu cầu tiêu thụ thức ăn cao để dùng cho việc sưởi ấm, khi nhiệt độ cao thì giảm mức tiêu thụ thức ăn thì không đáp ứng được nhu cầu gia cầm. Theo các nghiên cứu khi nhiệt độ môi trường thay đổi thì nhu cầu năng lượng thay đổi 1,4%, độ ẩm quá cao (>80%) làm không thoát được khí độc trong chuồng nuôi dẫn đến chuồng nuôi ngột ngạt nếu kéo dài tình trạng này thì gia cầm sẽ bị ảnh hưởng đường hô hấp. Độ ẩm quá thấp (<30%) làm cho gia cầm mổ lông, cắn đuôi nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sản xuất của gia cầm. Chế độ chiếu sáng là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất ảnh hưởng đến sản lượng trứng với gà đẻ chế độ chiếu sáng ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thành thục về tính, cường độ đẻ trứng. Vì chế độ chiếu sáng ảnh hưởng đến hypothalamus. 12 1.1.3.5. Một số chỉ tiêu đánh giá chất lượng trứng * Khối lượng trứng Khối lượng trứng là một trong những chỉ tiêu đánh giá chất lượng trứng, khối lượng trứng của các loài khác nhau thì khác nhau, trứng gà 55 - 56g, trứng vịt 90 - 110g, trứng gà tây 110g, trứng ngỗng 110 - 180g. Khối lượng trứng cũng là một chỉ tiêu để đánh giá về hiệu quả trong chăn nuôi gà lấy trứng, đồng thời khối lượng trứng cũng phản ánh sinh lực, sức sống của gia cầm non. Ngoài yếu tố di truyền, khối lượng trứng còn phụ thuộc vào các yếu tố như khối lượng cơ thể mái khi thành thục sinh dục, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng. Hệ số di truyền về khối lượng trứng khá cao h2 = 0,52. Theo Brandsch and Bilchel (1978), h2 = 0,48 - 0,8; theo Wyatt (1953) h2 = 45 - 75; theo Lerner and Cruden (1951); Brandsch and Bilchel (1978) cho biết khối lượng trứng có hệ số di truyền cao hơn sức đẻ trứng, h2 = 0,52 nên dễ chọn giống (dẫn theo Trịnh Thị Tú, 2015) [36]. Nhiều tác giả đã nghiên cứu và cho biết khối lượng trứng có tương quan âm với sản lượng trứng (r = 0,36), tương quan dương với tuổi thành thục sinh dục (r = 0,31). Do đó, khối lượng trứng phụ thuộc vào mức chọn lọc; ở những dòng đã chọn lọc kỹ, khối lượng trứng trung bình cao hơn dòng chưa chọn lọc 10 - 15. Khối lượng trứng tăng theo tuổi đẻ của gia cầm và sự thay đổi khối lượng trứng ứng với sự thay đổi khối lượng cơ thể. Bùi Quang Tiến và cs (1999) [30] nghiên cứu về gà Ross - 208 cho biết khối lượng trứng ở các tuần tuổi 27; 32; 38 và 42 lần lượt là: 53,96; 54,85; 56,76; 57,10 g/ quả đối với dòng trống và 52,41; 54,20; 56,38; 56,89 g/ quả đối với dòng mái. * Hình dạng trứng Trứng gia cầm có hình dạng phổ biến là hình ovan và được thể hiện qua tỷ số giữa chiều dài và chiều rộng của trứng hay ngược lại. Chỉ số này không biến đổi theo mùa (Bransch and Bilchel, 1978 - dẫn theo Trịnh Thị Tú, 2015) [36].
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan