Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ đánh giá hiện trạng buôn bán chim ăn thịt tại việt nam và đề xuất các giải pháp ...

Tài liệu đánh giá hiện trạng buôn bán chim ăn thịt tại việt nam và đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn

.PDF
87
112
62

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT _______________________________________________ NGUYỄN ANH TUẤN ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG BUÔN BÁN CHIM ĂN THỊT TẠI VIỆT NAM VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, BẢO TỒN LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC Hà Nội - 2018 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM VIỆN SINH THÁI VÀ TÀI NGUYÊN SINH VẬT NGUYỄN ANH TUẤN ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG BUÔN BÁN CHIM ĂN THỊT TẠI VIỆT NAM, ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, BẢO TỒN Chuyên ngành: Động vật học Mã số: 8 42 01 03 LUẬN VĂN THẠC SĨ SINH HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ MẠNH HÙNG Hà Nội - 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân tôi. Các kết quả thể hiện trong luận văn đều là trung thực, số liệu tham khảo đều có nguồn trích dẫn rõ ràng. Luận văn này chưa được bảo vệ trước bất kỳ hội đồng nào để nhận học vị từ trước đến nay. Tác giả Nguyễn Anh Tuấn LỜI CẢM ƠN Tôi xin cảm ơn TS. Lê Mạnh Hùng, người đã tận tình hướng dẫn và đầu tư công sức, thời gian để giúp tôi hoàn thành luận văn này. Xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo và các đồng nghiệp trong Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Quảng Trường, TS. Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), TS. Nguyễn Mạnh Hà (Viện Sinh học và Môi trường Đông Dương), ông Lâm Tùng Quế (Phó Chi cục trưởng) và các cán bộ Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cung cấp số liệu và cử cán bộ hỗ trợ tôi thực hiện các đợt khảo sát. Cá nhân ông Cao Xuân Ý, Phùng Ngọc Khanh đã nhiệt tình giúp đỡ phần lập bản đồ trong luận văn. Xin gửi lời cảm ơn đến các tổ chức ENV, WCS, đặc biệt là Thạc sỹ Vũ Văn Trung đã nhiệt tình cung cấp số liệu và tạo điều kiện cho tôi tham gia các đợt khảo sát, đảm bảo việc thu thập chuẩn xác số liệu. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới gia đình và người thân đã đồng hành cùng tôi trong suốt thời gian qua, tạo điều kiện để tôi tập trung và hoàn thành nghiên cứu này. Hà Nội, tháng 10 năm 2018 Nguyễn Anh Tuấn DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT, THUẬT NGỮ VÀ CÁC QUY ƯỚC ARRCN: Tổ chức Nghiên cứu và Bảo tồn Chim ăn thịt Châu Á Bộ NN&PTNT: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn CITES: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES VIỆT NAM: Cơ quan quản lý CITES Việt Nam Cs: Cộng sự CM: Di cư toàn phần: là các loài có ít nhất 90% tổng quần thể di cư theo mùa giữa hai khu vực sinh sản và không sinh sản ENV: Trung tâm giáo dục thiên nhiên IUCN: Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Quốc tế KBTTN: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nghị định 32/2006/NĐ-CP: số Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí hiếm. Nghị định 82/2006/NĐ-CP: số Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Nghị định 157/2006/NĐ-CP: số Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định 160/2013/NĐ-CP: số Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành. Phụ lục I: Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại Phụ lục II: Được phép buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại song có kiểm soát chặt chẽ Phụ lục III: Được phép buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại song có kiểm soát Nxb: Nhà xuất bản PM: Di cư một phần: là các loài có dưới 90% tổng quần thể di cư theo mùa giữa hai khu vực sinh sản và không sinh sản SĐVN: Sách Đỏ Việt Nam CR: Critical Endangered - Rất nguy cấp EN: Endangered - Nguy cấp VU: Vulnerable - Sẽ bị đe doạ NT: Near-threatened - Sắp bị đe dọa VQG: Vườn Quốc gia VST&TNSV: Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Traffic: Mạng lưới kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã UBND: Uỷ ban nhân dân UNODC: Cơ quan Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm WCS: Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 3 1. Tính cấp thiết của đề tài .............................................................................. 3 2. Mục tiêu nghiên cứu .................................................................................... 4 2.1. Mục tiêu chung ......................................................................................... 4 2.2. Mục tiêu cụ thể ......................................................................................... 4 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn ..................................................................... 5 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ................................. 6 1.1. Các nghiên cứu liên quan trên thế giới ..................................................... 6 1.2. Các nghiên cứu trong nước ...................................................................... 8 1.3. Một số quy định của pháp luật liên quan đến chim ăn thịt ..................... 10 1.3.1. Các quy định của pháp luật Việt Nam .............................................. 10 1.3.2. Các Công ước Quốc tế......................................................................... 12 CHƯƠNG 2. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .............................................................................................................. 15 2.1. Thời gian ................................................................................................ 15 2.2. Địa điểm ................................................................................................. 15 2.3. Đối tượng ................................................................................................ 15 2.4. Phương pháp ........................................................................................... 16 2.4.1. Phương pháp kế thừa ........................................................................... 16 2.4.2. Phỏng vấn ............................................................................................ 16 2.4.3. Khảo sát thực địa ................................................................................. 16 2.4.5. Chụp ảnh tư liệu, thu thập thông tin trên mạng xã hội ........................ 17 2.4.6. Phân tích dữ liệu .................................................................................. 17 2.5. Xác định các loài chim ăn thịt bị buôn bán và xác định các loài có giá trị bảo tồn ........................................................................................................... 17 CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ..................................................... 19 3.1. Thành phần loài và các loài có giá trị bảo tồn ........................................ 19 3.2. Hiện trạng buôn bán ............................................................................... 23 3.2.1. Địa điểm .............................................................................................. 23 3.2.2. Số lượng, giá cả ................................................................................... 24 3.2.3. Hình thức xử lý .................................................................................... 27 3.2.4. Cách thức sử dụng ............................................................................... 29 2 3.2.5. Hiện trạng nuôi nhốt ............................................................................ 32 3.3. Tình hình quản lý hoạt động buôn bán, trao đổi các loài chim ăn thịt ... 34 3.3.1. Các cơ quan quản lý ............................................................................ 34 3.3.2. Hiện trạng công tác quản lý ................................................................. 39 3.4. Nhận thức của người dân........................................................................ 42 3.4.1. Về hiểu biết pháp luật .......................................................................... 42 3.4.2. Hiểu biết về chim ăn thịt ..................................................................... 43 3.4.3. Lý do nuôi chim ăn thịt ....................................................................... 44 3.4.4. Đối tượng nuôi chim ăn thịt ................................................................ 45 3.5. Buôn bán quốc tế các loài chim ăn thịt .................................................. 50 3.6. Hiện trạng buôn bán chim ăn thịt qua mạng xã hội................................ 51 3.6.1. Số lượng diễn đàn ................................................................................ 51 3.6.2. Mục đích hoạt động ............................................................................. 54 3.6.3. Nguồn gốc mẫu vật.............................................................................. 56 3.7. Buôn bán, trao đổi bất hợp pháp ............................................................ 57 3.8. Đề xuất các giải pháp ............................................................................. 58 3.8.1. Về tăng cường thực thi pháp luật ........................................................ 58 3.8.2. Công tác bảo tồn .................................................................................. 61 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ....................................................................... 62 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................ i PHỤ LỤC ........................................................................................................ v 3 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chim ăn thịt là một trong những nhóm loài đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, là những sinh vật chỉ thị môi trường, tham gia và đứng cuối chuỗi thức ăn. Công tác nghiên cứu, bảo tồn các loài chim ăn thịt đã được nhiều tác giả, tổ chức quan tâm do có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Hiện tại, tất cả các loài chim ăn thịt thuộc bộ Cắt (Falconiformes) đã được Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật (CITES) liệt kê trong các Phụ lục khác nhau [23]. Việc săn bắn, bẫy bắt với các loài chim ăn thịt đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới từ nhiều thế kỷ. Khởi đầu được xem là hình thức săn bắn làm thức ăn, dần dần chim ăn thịt phát triển thành các thú chơi phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở những nơi có truyền thống nuôi chim ăn thịt thuộc các vùng Trung Á và Trung Đông. Chim ăn thịt có ưu thế về tốc độ săn mồi trong các môi trường trống trải, rộng rãi như sa mạc và được coi là một môn thể thao được ưa chuộng của nhiều người. Đây là nguyên nhân chính để các loài chim ăn thịt thuộc nhóm động vật bị buôn bán, trao đổi nhiều trong thời gian gần đây [20]. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, nhu cầu sử dụng động vật với các mục đích khác nhau như: làm cảnh, vườn thú, vật nuôi đang ngày càng phát triển. Điều này đã góp phần kích thích hoạt động buôn bán các loài động vật, trong đó có các loài chim ăn thịt. Thống kê của Ban thư ký CITES Quốc tế cho biết, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã toàn cầu đạt lợi nhuận 21 tỷ USD/năm [23]. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Liên hiệp Quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC) giai đoạn 1999-2015, các vụ bắt giữ chim buôn bán bất hợp pháp đứng thứ 4 trong số các vụ bắt giữ động vật hoang dã (chỉ xếp sau Thú, Bò sát và San hô) [35]. Theo nghiên cứu của D’Cruze N, Macdonald DW năm 2016, các loài chim ăn thịt cũng nằm trong 4 nhóm động vật sống thuộc các Phụ lục CITES bị bắt giữ nhiều nhất trên toàn cầu trong giai đoạn 2010-2014 [21]. Trong những năm gần đây, theo kết quả của nhiều đợt điều tra, nghiên cứu, hoạt động buôn bán chim ăn thịt có xu hướng gia tăng. Mục đích sử dụng rất đa dạng: làm cảnh, vật nuôi trong nhà, đua chim, nuôi bảo tồn vườn thú, nhồi mẫu trưng bày… Đặc biệt, xu hướng nhập khẩu các loài chim ăn thịt, đặc biệt là chim ăn thịt ban ngày từ các quốc gia đã nuôi sinh sản thành công về Việt Nam tăng lên qua các năm. Việc buôn bán chim ăn thịt không chỉ dừng lại một vài địa phương mà đã trở thành một trào lưu kinh doanh thương mại ở nhiều tỉnh, thành phố với nhiều hội nuôi chim ăn thịt. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến chính quần thể các loài chim ăn thịt phân bố tự nhiên ở Việt Nam. Hơn thế, hiện các loài chim ăn thịt vẫn chưa được quan tâm, bảo vệ đúng mức ở cấp độ Quốc gia, có rất ít các loài chim ăn thịt được liệt kê trong các Nghị định của Chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, hiện trạng khai thác, buôn bán, trao đổi các loài chim ăn thịt cần phải được nghiên cứu để có những giải pháp quản lý, bảo tồn hiệu quả tại Việt Nam. Nhận thức được sự cấp thiết, tầm quan trọng đã nêu, tôi đã tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng buôn bán các loài chim ăn thịt tại Việt Nam, đề xuất một số giải pháp quản lý, bảo tồn”. 2. Mục tiêu nghiên cứu 2.1. Mục tiêu chung Đánh giá hiện trạng buôn bán các loài chim ăn thịt tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ. 2.2. Mục tiêu cụ thể - Đánh giá hiện trạng buôn bán các loài chim ăn thịt tại Việt Nam. - Đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ. - Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo tồn các loài chim ăn thịt tại Việt Nam. 5 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn Ý nghĩa khoa học Đề tài là cơ sở khoa học có thể tham khảo và áp dụng cho hoạt động quản lý và bảo tồn các loài chim ăn thịt ở Việt Nam, góp phần cung cấp một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn. Ý nghĩa thực tiễn Đánh giá được hiện trạng buôn bán các loài chim ăn thịt ở Việt Nam, tập trung ở các khía cạnh buôn bán bất hợp pháp từ đó đưa ra được những giải pháp khả thi nhằm quản lý và bảo vệ hiệu quả các loài chim ăn thịt phân bố tại Việt Nam. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Các nghiên cứu liên quan trên thế giới Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu về chim ăn thịt. Tiêu biểu là một số công trình nghiên cứu về khu hệ và các loài di cư của Allen (1936), Amadon (1948), Andrle (1968) và Evan (1973) [9]. Tại Châu Á, nửa cuối những năm 1990, một số công trình nghiên cứu về các loài chim ăn thịt được công bố gồm: Wen Ho Lin (1998), Ryuichi Yokoyama (1998), Shijirmaa Damdinsuren (1998), Nijiman (2000), Miranda (2000), Guruprasad (2002), Murate (2002), Ooi Beng Yean (2005). Đây là các công trình tập trung đánh giá thành phần loài, số lượng quần thể, các loài quý hiếm bị đe doạ cũng như đặc tính di cư và các đề xuất bảo tồn [9]. Năm 2011, Wyatt T. công bố công trình nghiên cứu giới thiệu về sự hình thành và phát triển của các loài chim ăn thịt tại Cộng hoà Liên bang Nga và khu vực Viễn Đông khởi đầu từ thế kỷ XVI. Tác giả đã đi sâu phân tích thực trạng và xu hướng buôn bán chim ăn thịt (hợp pháp và bất hợp pháp) tại Nga trong thời gian 1992-2006 với một số loài chim ăn thịt thường xuyên bị buôn bán như Ưng lớn Accipiter gentilis, Cắt trung quốc Falco subbuteo, Cắt Cherrug Falco cherrug. Nghiên cứu cũng chỉ ra các thị trường nổi bật trong nhập khẩu và sử dụng chim ăn thịt từ Nga gồm Nhật Bản và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Hoạt động xuất khẩu bất hợp pháp từ Nga đạt khoảng 500-600 cá thể chim ăn thịt/năm. Thực trạng này dẫn đến việc quần thể loài chim ăn thịt phân bố ở Nga bị suy giảm nghiêm trọng, có loài chỉ còn 5% so với thời gian cách đây 20 năm [37]. Cũng trong năm 2011, Yong Ding Li công bố nghiên cứu về hiện trạng các loài chim ăn thịt tại khu vực Đông Nam Á. Kết quả cho thấy khu vực Đông Nam Á có hơn 2.000 loài chim, chiếm 20% tổng số chim toàn thế giới. Trong đó có 80 loài chim ăn thịt phân bố trong khu vực, chiếm 30% các loài chim ăn 7 thịt của thế giới. Nghiên cứu của Yong Ding Li cũng đã cho thấy thành phần các loài chim ăn thịt ở khu vực Đông Nam Á rất đa dạng. Nghiên cứu đã ghi nhận nhiều loài chim ăn thịt có kích thước lớn như Đại bàng đầu trọc Cinereous vulture, Kền kền măng gan Gyps bengalensis, Diều cá đầu xám Ichthyophaga ichthyaetus cũng như các chim ăn thịt có kích thước nhỏ như Cắt nhỏ hông trắng Polihierax insignis. Theo tác giả này, chim ăn thịt có khả năng bay nhanh hơn các loài di cư khác với phạm vi rộng hàng nghìn km, điển hình như loài Cắt lớn Falco peregrinus có thể đạt tốc độ 300km/h khi bay. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra các mối đe doạ đối với các loài chim ăn thịt tại Đông Nam Á gồm mất sinh cảnh sống và săn bắn [36]. Từ năm 2005, tổ chức Traffic tiến hành nghiên cứu về hoạt động buôn bán chim ở một số nước Đông Nam Á và Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung ở một số loài chim cảnh và nhóm chim mỏ sừng thường xuyên bị buôn bán ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, In-đô-nê-xi-a và Lào [32, 33, 34]. Hiện nay, quần thể tự nhiên của nhiều loài chim ăn thịt đã suy giảm đáng kể vì nhiều lý do khác nhau như: mất môi trường sống, săn bắt, nhiễm độc do thuốc trừ sâu, khai thác không bền vững, buôn bán bất hợp pháp và buôn bán thiếu kiểm soát. Đặc biệt, buôn bán bất hợp pháp được coi là một mối đe dọa đáng kể đối với một số loài, với nguy cơ một số quần thể có thể bị tuyệt chủng. Theo nghiên cứu của Ban thư ký CITES năm 2009, giá một cá thể chim ăn thịt trưởng thành trên thị trường quốc tế dao động từ 200 – 300 đô la Mỹ và giá trên có thể thấp hơn giá thực tế khi giao dịch. Mặc dù đã có nhiều cơ sở nuôi nhốt chim ăn thịt được đăng ký CITES và được phép xuất khẩu tuy nhiên hoạt động buôn bán bất hợp pháp vẫn tăng lên đáng kể. Để tránh các chi phí tốn kém từ việc nuôi nhốt, nhiều đối tượng đã săn bắt chim ăn thịt từ tự nhiên và đưa vào các trại nuôi để từ đó xuất khẩu theo hình thức hợp pháp. Số liệu thống kê từ cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia thành viên CITES cho thấy nhiều vụ vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp chim ăn thịt đã bị phát hiện và bắt giữ 8 ở Trung Quốc, Mông Cổ, Anh (đặc biệt là Sờ Cốt Len), Ca Na Đa và Liên bang Nga [20]. Nghiên cứu này cũng chỉ ra 03 giai đoạn trong buôn bán bất hợp pháp chim ăn thịt gồm: (i) săn bắt chim ăn thịt trong tự nhiên; (ii) buôn bán bất hợp pháp chim ăn thịt xuyên biên giới và (iii) buôn bán giữa các nhà cung cấp với khách hàng [20]. Như vậy có thể thấy việc điều tra, nghiên cứu các loài chim ăn thịt, đặc biệt là tình trạng buôn bán xuyên biên giới còn nhiều hạn chế, với quy mô nhỏ, đa số các nghiên cứu mới chỉ tập chung vào phân loại học và một số đặc tính di cư, sinh sản. 1.2. Các nghiên cứu trong nước Tại Việt Nam, trước năm 1998, các công trình nghiên cứu về khu hệ chim của các tác giả Võ Quý (1975, 1981), Võ Quý, Nguyễn Cử (1995) ghi nhận một số loài chim ăn thịt phân bố tại các vùng miền khác nhau [17, 18, 19]. Năm 2000, tại Hội nghị lần thứ 2 của Mạng lưới Nghiên cứu và bảo tồn các loài chim ăn thịt Châu Á (ARRCN), Nguyễn Cử đã giới thiệu hiện trạng bảo tồn của các loài chim ăn thịt phân bố trong vùng đất thấp Trung Bộ. Tác giả đã đánh giá, ghi nhận 42 loài chim ăn thịt trong vòng 10 năm từ 1990–2000 tại vùng đất thấp Trung Bộ. Trong đó, có 13 loài chim ăn thịt ban đêm và 29 loài chim ăn thịt ban ngày. Tác giả đã phân tích, xác định trong 42 loài ghi nhận có 25 loài định cư, 12 loài di cư và 05 loài cả định cư lẫn di cư [29]. Cũng trong năm 2000, Nguyễn Cử cũng đã công bố trên tạp chí Chim ăn thịt Châu Á về “Kết quả điều tra các loài chim ăn thịt tại vùng đồng bằng Sông Mê Kông, Việt Nam năm 1999”. Tổng số 16 loài chim ăn thịt đã được ghi nhận trong 12 tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 3 loài chim ăn thịt ban đêm và 13 loài chim ăn thịt ban ngày [30]. 9 Năm 2002, Lê Mạnh Hùng công bố trên tạp chí Chim ăn thịt châu Á số 3 công trình “Kết quả ghi nhận các loài chim ăn thịt trong một số đợt khảo sát chim tại Việt Nam trong hai năm 2001, 2002”. Tác giả đã công bố kết quả điều tra các loài chim ăn thịt tại ba khu vực gồm khu BTTN Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, khu vực rừng thuộc huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và VQG Lò Gò Xa Mát, tỉnh Tây Ninh [26]. Năm 2005, Lê Mạnh Hùng và Nguyễn Cử công bố tại Hội thảo Quốc gia về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ nhất, công trình “Kết quả nghiên cứu hiện trạng phân bố, số lượng các loài Chim ăn thịt ban ngày và Hồng hoàng tại VQG Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai”. Các tác giả đã ghi nhận 15 loài chim ăn thịt ban ngày tại VQG Cát Tiên, trong đó có 2 loài ghi nhận trong Danh lục Đỏ IUCN (2005) với cấp độ Sắp bị đe doạ (NT) là Diều cá đầu xám và Diều cá bé. Đặc biệt tác giả đã đánh giá rất cụ thể về hiện trạng phân bố của từng loài trong VQG [8]. Năm 2005, Lê Mạnh Hùng và Nguyễn Cử công bố trong Kỷ yếu hội nghị lần thứ tư của ARRCN tại Taiping, Ma Lai Xi A công trình “Điều tra hiện trạng các loài chim ăn thịt di cư tại một số khu vực phía bắc Việt Nam vào mùa di cư mùa thu 2004 và mùa xuân 2005”. Tác giả đã tiến hành khảo sát tại 4 VQG gồm Tam Đảo, Cúc Phương, Xuân Thuỷ và Vũ Quang. Kết quả ghi nhận được 1.769 cá thể thuộc 22 loài tại Tam Đảo, 153 cá thể thuộc 5 loài tại Xuân Thuỷ, 29 cá thể thuộc 3 loài tại Cúc Phương và 31 cá thể thuộc 4 loài tại Vũ Quang [27]. Năm 2007, Lê Mạnh Hùng cùng cộng sự công bố trong Hội nghị khoa học toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật lần thứ 2, công trình “Kết quả bước đầu nghiên cứu các loài chim ăn thịt di cư tại VQG Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”. Nhóm tác giả đã công bố kết quả nghiên cứu nhóm loài chim ăn thịt di cư trong hai năm 2005 và 2006 tại VQG Tam Đảo với 2.169 cá thể thuộc 20 loài đã được ghi nhận. Đặc biệt công trình đã lần đầu tiên ghi nhận sự di cư của loài Diều hoa Jerdon Aviceda jerdoni tại Việt Nam [28]. 10 Năm 2011, trong luận án Tiến sĩ, Lê Mạnh Hùng đã công bố tại Việt Nam hiện ghi nhận 52 loài chim ăn thịt ban ngày thuộc 21 giống, 3 họ và 1 bộ. Trong đó có 23 loài định cư, 17 loài di cư, 6 loài vừa định cư vừa di cư, 5 loài lang thang và 1 loài vừa lang thang vừa di cư. Trong số 52 loài trên có 9 loài bị đe doạ toàn cầu được liệt kê trong Danh lục Đỏ của IUCN (2009), trong đó có 03 loài bị đe doạ ở mức rất nguy cấp (CR) gồm Kền kền măng gan Gyps bengalensis, Ó tai Aegypius calvus, Kền kền ấn độ Gyps indicus, 02 loài sẽ bị đe doạ (VU) gồm Đại bàng đen Aquila clanga, Đại bàng đầu nâu A. heliaca và 04 loài sắp bị đe doạ (NT) gồm Đại bàng đầu trọc, Diều cá bé, Diều cá đầu xám và Cắt nhỏ hông trắng [9]. Có thể nói tất cả các công bố trước đây về chim ăn thịt tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khu hệ ghi nhận thành phần loài cũng như đánh giá các mối đe doạ với các loài có giá trị bảo tồn. Hiện chưa có công bố chính thức nào về hiện trạng buôn bán về các loài chim ăn thịt tại Việt Nam. 1.3. Một số quy định của pháp luật liên quan đến chim ăn thịt Hiện tại, đã có một số văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như Công ước Quốc tế liên quan đến công tác bảo tồn các loài chim ăn thịt: 1.3.1. Các quy định của pháp luật Việt Nam Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng được nhiều chính sách pháp luật nhằm định hướng cho quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là động vật, thực vật hoang dã. Năm 2006, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành trong đó có ghi nhận 02 loài chim ăn thịt gồm Diều hoa miến điện Spilornis cheela và Cắt nhỏ họng trắng Polihierax insignis thuộc Nhóm IIB – Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại [3]. 11 Cũng trong năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2006/NĐCP. Đây là một văn bản nhằm cụ thể hóa việc thực thi CITES tại Việt Nam. Nghị định này nêu tương đối đầy đủ quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật (kể cả loài lai) hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Nghị định kèm theo 05 phụ biểu là các mẫu đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ cũng như hồ sơ đăng ký cơ sở trồng cấy nhân tạo thực vật hoang dã và đăng ký các trại nuôi sinh sản động vật hoang dã quý hiếm và động, thực vật hoang dã thông thường [4]. Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2013/NĐ-CP. Tại Nghị định này, nhiều mức xử phạt được đặt ra đối với động vật rừng thuộc Nhóm I – Động vật rừng bị nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại, thuộc Nhóm II – Động vật rừng bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, các quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP mới chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính và thực tế chỉ có 02 loài chim ăn thịt thuộc Nhóm II. Do đó, việc bảo vệ chim ăn thịt chưa được quan tâm đúng mức [5]. Cũng trong năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP. Nghị định đã xác lập các tiêu chí, quy định các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, Danh mục loài nguy cấp quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ không điều chỉnh đối với chim ăn thịt [6]. Năm 2015, Bộ luật Hình sự được chính thức ban hành trong đó quy định chi tiết các khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã nói chung và động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nói riêng. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã xác định đối tượng phạm tội bao gồm các cá nhân và pháp nhân thương mại, tăng hình phạt tù lên tối đa 15 năm và tăng mức phạt tiền tối đa 15 tỷ đồng đối với các hành vi xâm hại đối với các loài thú, chim, bò sát... Đây là một trong quy định mới nhất, thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn động vật hoang dã nói chung và chim ăn thịt nói riêng [12]. 12 Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, có tác dụng tăng cường các biện pháp và khuyến khích các bộ, ngành và các địa phương tích cực và chủ động trong công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, trong đó có chim ăn thịt [16]. Năm 2017, Luật Lâm nghiệp được ban hành trong đó Điều 9 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: - Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. - Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, chế biến, quảng cáo, trưng bày, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lâm sản trái quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên [14]. Có thể thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, tuy nhiên các loài chim ăn thịt hiện còn ít được quan tâm. Nhiều loài hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhưng không được liệt kê, đánh giá trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, công tác quản lý và bảo tồn các loài chim ăn thịt còn hạn chế. 1.3.2. Các Công ước Quốc tế Năm 1973, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) được ký kết vào ngày 3/3/1973 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/1975 [23]. Đây là hiệp định liên chính phủ có tác dụng điều chỉnh các hoạt động buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ trên toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại với 183 quốc gia thành viên, CITES điều chỉnh hoạt động buôn bán quốc tế (xuất khẩu, nhập khẩu, 13 tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển) hơn 36.000 loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, chia thành 03 Phụ lục: Phụ lục I bao gồm những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại. Phụ lục II bao gồm những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát. Phụ lục III bao gồm những loài động vật, thực vật hoang dã mà một nước thành viên của Công ước CITES yêu cầu nước thành viên khác của Công ước CITES hợp tác để kiểm soát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại. Mục đích của CITES chính là đảm bảo việc khai thác, buôn bán không ảnh hưởng đến sự tồn tại của các loài trong tự nhiên, góp phần đảm bảo đa dạng sinh học của từng quốc gia, từng khu vực và của toàn cầu. Theo quy định hiện hành của CITES, phần lớn các loài chim ăn thịt thuộc Phụ lục I và Phụ lục II. Việt Nam tham gia CITES từ năm 1994 và luôn được Ban thư ký CITES quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành viên thuộc nhóm A về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Năm 2005, Mạng lưới thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã các nước Đông Nam Á (ASEAN-WEN) được thành lập. Đây là mạng lưới thực thi pháp luật về động vật hoang dã bao gồm các cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát, Hải quan, Biên phòng các nước khu vực Đông Nam Á. Đây là một cơ chế hợp tác giữa các nước ASEAN về chia sẻ, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm thực thi, tăng cường hợp tác liên biên giới để chống buôn bán động vật hoang dã. Bên cạnh đó, AEG-CITES được thành lập từ năm 2006 tập 14 hợp các chuyên gia khoa học của các nước ASEAN, họp định kỳ hàng năm để cùng đánh giá thực trạng bảo tồn và buôn bán động vật hoang dã, đề xuất các giải pháp bảo tồn và kiểm soát buôn bán hiệu quả, đặc biệt là thống nhất các đề xuất chung của ASEAN trước mỗi kỳ họp Hội nghị các nước thành viên CITES. Với sự hợp nhất ASEAN-WEN và AEG-CTIES từ năm 2017, mạng lưới ASEAN về CITES và bảo vệ động vật hoang dã tiếp tục phát huy thế mạnh của ASEAN-WEN và AEG-CITES, tập trung tối đa nguồn lực của ASEAN trong công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, nơi tập trung nhiều tiềm năng đa dạng sinh học của thế giới [24].
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng

Tài liệu xem nhiều nhất