Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa......

Tài liệu Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa...

.DOCX
8
246
66

Mô tả:

Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, Chuyên chính là cái khóa... Hồ Chí Minh định nghĩa dân chủ một cách dễ hiểu: “Dân chủ nghĩa là dân là chủ. Dân chủ là của báu vì đó không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà đó là thành quả của cách mạng, nhân dân ta đã phải đấu tranh, hy sinh gian khổ mới giành được. Dân chủ là của báu vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Dân chủ là của báu vì nó đem lại quyền làm chủ vận mệnh của mình cho nhân dân, tạo ra những điều kiện, những tiền đề để Toàn xã hội, cũng như mỗi cá nhân trong xã hội phát triển và hoàn thiện. Con người nhớ có dân chủ và thông qua dân chủ mới có hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo đối với lịch sử”(1). Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ điều này: "Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"(2). Không chỉ là của quý của nhân dân mà đối với sự nghiệp cách mạng, theo chiều ngược lại, dân chủ cũng là của quý bởi phát huy dân chủ sẽ động viên được lực lượng của Tòan dân hoàn hành những nhiệm vụ cách mạng. "Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên"(3) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công việc đổi mới, xây dựng, kháng chiến, kiến quốc, tổ chức xã hội là trách nhiệm, công việc của dân, do dân và quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân... Với quan niệm rằng những nhiệm vụ "đổi mới, xây dựng, kháng chiến, kiến quốc" là "của dân" và là "công việc của dân" trong một tập hợp về mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, Hồ Chí Minh đã cho thấy dân chủ, một sản phẩm của nền văn minh, là sản phẩm của chính nhân dân giành được trong quá trình tranh đấu để giải phóng con người trong quan hệ với xã hội, tự nhiên và giữa con người với con người. Thực hiện dân chủ tức là sử dụng tất cả quyền hành và lực lượng to lớn của nhân dân để hoàn thành các nhiệm vụ vì lợi ích của nhân dân. Dân chủ là giải pháp hữu hiệu để tạo nên sự nhất trí căn bản về lợi ích của các thành phần kinh tế và các giai tầng trong xã hội. Sự nhất trí đó tổng hợp thành sức mạnh của dân tộc, tạo nên nội lực mạnh mẽ đưa đất nước vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Do đó, Người cho rằng phải "vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng Toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho"(4) Động lực của dân chủ đã được thể hiện rất rõ rệt trong toàn bộ tiến trình cách mạng nước ta. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đưa nhân dân ta từ địa vị bị áp bức lên địa vị làm chủ đất nước, xã hội và hoạt động với tư cách là các chủ thể tự giác xây dựng xã hội mới đã tập hợp được toàn dân tộc đảm bảo cho sự hợp pháp của chế độ dân chủ cộng hoà mới được sáng lập sau cách mạng tháng 8/1945 bằng tổng tuyển cử dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện thông qua bầu cử là vũ khí hữu hiệu duy nhất được sử đụng lúc đó để bảo vệ chế độ dân chủ non trẻ trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc thù trong, giặc ngoài sau Cách mạng tháng tám. Dân chủ trong lĩnh vực chính trị được khẳng định bằng dân chủ từng bước trong kinh tế, văn hóa, xã hội... đã tạo ra những điều kiện làm sâu rộng thêm nền tảng dân chủ, thu hút ngày càng đông nhân dân tham gia vào các nhiệm vụ của đất nước, tạo ra những tiền đề trên các lĩnh vực đưa xã hội tiến lên những bước phát triển mới. Dân chủ đã tạo ra địa bàn để phát huy mọt tiềm lực, tập hợp các xu hướng lành mạnh trong dân tộc và cũng vì thế vai trò động lực của dân chủ có giá trị to lớn và lâu bền. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đem lại độc lập cho Tổ quốc và đáp ứng mơ ước ngàn đời về ruộng đất của đa số nhân dân Việt Nam - là nông dân, đã đem lại nguồn nội lực vĩ đại để nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến kiên cường chống ngoại xâm kéo dài suốt cả thế kỷ XX. Thắng lợi của dân tộc Việt Nam trước những kẻ thù có lực lượng vật chất mạnh hơn nhiều lần là minh chứng sáng tỏ nhất vai trò động lực của dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thành công của công cuộc đổi mới ngày nay cũng được khởi đầu bằng quá trình dân chủ hoá trong các lĩnh vực đã tạo nên động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội là một hiện thực sinh động nữa về sự vững bền của động lực dân chủ đối với sự phát triển xã hội. Điều đó làm sáng tỏ hơn nữa khái niệm dân chủ của Hồ Chí Minh khi Người coi nguồn gốc của quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi đậy và nâng cao động lực tinh thần làm chủ đất nước của cả dân tộc, trong đó mỗi người dân sử dụng lá phiếu của mình để giữ nền độc lập mới giành được. Nền dân chủ mới ngay sau khi được thiết lập đã lập tức thể hiện bản chất, vai trò của mình: phát động Tòan dân tham gia thực hiện thành công các nhiệm vụ chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm, đưa đất nước và chế độ mới vượt qua bước hiểm nghèo của lịch sử. Đó cũng là sự thành công đầu tiên của tiến trình dân chủ hoá ở nước ta trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Điều đó cho thấy, mỗi bước tiến của dân chủ đem lại cho con người, xã hội một sức sáng tạo mới, một khởi động lực mới cho sự phát triển của con người và xã hội. Theo Hồ Chí Minh "Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến"(5). Thực hành dân chủ có tác dụng giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực của sự tiến bộ và phát triển. Trái lại, Người cho rằng, nếu trong cán bộ, nhân dân "ít sáng kiến, ít hăng hái là vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì cách lãnh đạo của ta không được dân chủ”(6) Những quan điểm đó và sự chỉ đạo thực tiễn của Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam cho thấy Người không chỉ phát huy tác dụng của thực hành dân chủ mà còn đưa nó trở thành các phong trào nhân dân, sử dụng quyền hành, lực lượng và phát huy trí tuệ của nhân dân để hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng khó khăn, để đạt tới mục tiêu ai cũng được hưởng quyền tự do, dân chủ, vì lợi ích của nhân dân. Nói về vai trò của dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tởng kết rất xác đáng rằng: "Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn"(7). Quốc hội khoá VIII - Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới được bầu cử ngày 29/4/1987 với 496 đại biểu. Trong ảnh là các đại biểu nhất trí thông qua nghị quyết của Quốc hội. Ảnh tư liệu TTXVN. 2. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người dành trọn cả cuộc đời hy sinh tranh đấu cho nền độc lập dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân, những giá trị về độc lập dân chủ phải mất bao công sức xương máu mới giành được là vô cùng quý giá và phải được bảo vệ, giữ gìn. Chúng ta không cho phép bất cứ kẻ thù nào lợi dụng, phá hoại chế độ dân chủ cũng như những giá trị dân chủ đã được xây dựng nên. Người nói: "Nhà nước đảm bảo quyền tự do dân chủ cho công dân, nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân"(8)… Dân chủ phải gắn liền với chuyên chính. Chuyên chính không phải là mục đích của dân chủ mà là phương tiện bảo vệ nền dân chủ. Chuyên chính được chế độ dân chủ nhân dân, để bảo vệ những lợi ích của nhân dân, chống lại những kẻ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đi ngược lại chế độ dân chủ của nhân dân. Quyền làm chủ của một cá nhân không được đi ngược lại quyền làm chủ của các cá nhân khác và của cộng đồng. Xã hội dân chủ là một xã hội có trật tự kỷ cương, không phải là tự do muốn làm gì thì làm, không phải là vô chính phủ. Dân chủ đối lập với sự độc đoán, chuyên quyền, đồng thời cũng đối lập với sự hỗn loạn, vô chính phủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân... Dân chủ và chuyên chính là quan hệ mật thiết với nhau”(9). Rõ ràng thái độ của Người không có sự thoả hiệp, lơi lỏng kỷ cương luật pháp dưới bất cứ danh nghĩa dân chủ nào. Người cũng chỉ rõ đối tượng của chuyên chính dân chủ nhân dân: "Dưới chế độ tư bản, phong kiến, chuyên chính là số ít người chuyên chính với đại đa số nhân dân. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính tà đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ nhân dân"(10) Hiến pháp Việt Nam khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hệ thống luật pháp của nước ta được xây đựng trên cơ sở khoa học, có sự góp ý của tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội và được biểu quyết thông qua Quốc hội. Điều đó cho thấy quyền tự do dân chủ của mỗi công dân được bảo đảm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhân dân còn có quyền tự do lựa chọn đại biểu của cho mình vào các cơ quan chính quyền và có quyền kiến nghị, bãi miễn khi những người đại diện không đủ phẩm chất, năng lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để xây dựng và hoàn hiện dần hệ thống chính quyền nhân dân - một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đồng thời Người cũng khẳng định: "Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật kỷ luật lao động, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng tài sản công cộng, đóng thuế theo pháp luật, làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc"(11) Theo Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân bao giờ cũng đi liền với nhau. Do đó không thể xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh nếu mỗi công dân không tự giác thực hiện đúng luật pháp và hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Pháp luật có liên quan rất mật thiết với vấn đề dân chủ. Yếu tố bảo đảm để dân chủ vận hành trong một hành lang an toàn, không bị thiên lệch từ cực này hoặc cực kia chính là pháp luật. Đó là sự thể chế hoá quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, buộc mọi người phải tuân thủ một cách tuyệt đối 3. Tình hình thực thi dân chủ ở nước ta trong những năm gần đây đã có sự tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, những căn bệnh kinh niên như bệnh quan liêu, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa - mảnh đất tốt của những tư tưởng và hành vi phi dân chủ phát triển vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm, vẫn là những tác nhân cản trở quá trình đổi mới, cản trở sự phát triển của xã hội, làm trì trệ quá trình dân chủ hoá... Những tệ nạn đó hiện đang tồn tại dưới nhiều hình thức, nhiều lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tác phong của những "ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách"(12). Từ đó dẫn đến việc lãnh đạo điều hành theo cảm tính, mệnh lệnh, "độc tài", dẫn đến nhiều hành vi sai trái, bất chấp phát luật đối với nhân dân, vi phạm chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước. Thậm chí ở một số địa phương, quyền dân chủ của công dân bị vi phạm nặng nề. Các sự vụ lợi dụng chức quyền để o ép dân chúng, tham ô hối lộ, coi thường thậm chí chà đạp nhân phẩm của công dân... không phải là ít gặp, nhất là ở cấp cơ sở. Trong phạm vi cả nước, tình trạng vi phạm quy chế dân chủ, tuy có quy mô và mức độ khác nhau, nhưng rõ ràng đã và đang trở thành vấn đề bức xúc cần phải xem xét thấu đáo để có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Vấn đề mất dân chủ vẫn là mối quan tâm nhất của toàn xã hội. Mặt khác, dân chủ cũng bị lợi dụng "quá trớn" khi người ta có những mục đích cá nhân, cục bộ... Hiện tượng hồi phục các hành vi mê tín dị đoan, lừa bịp nhân dân (dưới danh nghĩa bảo tồn văn hoá truyền thống), phục hồi một cách không chọn lọc những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, lễ hội... thực chất nhằm đem lại lợi ích cho một số ít người. Trong các dòng họ, việc tổ chức giỗ tổ với nhiều nghi thức trang trọng, việc xây mộ tổ, xây nhà thớ họ, biên soạn gia phả... cũng chi phí khá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức... đã trở thành hiện tượng khá phổ biến mà câu nói của miệng "Phú quý sinh lễ nghĩa" chưa hẳn đã là câu trả lời thoả đáng... Nhiều "Hương ước” ở các làng xã mang nặng tính cục bộ địa phương, làm sống lại tư tưởng "phép vua thua lệ làng"... Các thế lực thù địch cũng không ngừng sử dụng chiêu bài dân chủ để tiến hành những hoạt động phá hoại và lật đổ. Có thể dẫn ra những vụ điển hình nhất: Kích động phật tử đấu tranh chống phá chính quyền ở Huế (1994), dưới danh nghĩa "bảo vệ nhân quyền", lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội ở Lai Châu, Sơn La, lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để âm mưu gây rối, bạo loạn và lật đổ ở Tây Nguyên (2001)... Lợi dụng dân chủ, nhiều phần tử phản động, cơ hội tranh thủ diễn đàn công luận để tuyên truyền chống phá cách mạng. Một số khác thì "đục nước béo cò". Dưới "vỏ bọc" làm ăn kinh tế, giao lưu, hội nhập... bọn đầu nậu văn hoá du nhập tràn lan những sản phẩm văn hoá nước ngoài. Những văn hoá phẩm mang nội dung giải trí tưởng chừng vô hại đang từng bước "ru ngủ” thanh niên quên đi bản sắc dân tộc, quên đi trách nhiệm đối với cộng đồng, đề cao lối sống vật chất, đề cao hưởng thụ cá nhân... Đó là chưa kể những loại sản phẩm văn hoá mang nội dung hoàn toàn độc hại mà chúng ta và không chỉ chúng ta, vẫn cấm và vẫn cấm không có hiệu quả, do những con đường nhập bất hợp pháp ngày càng tinh vi, do sự phát triển của công nghệ thông tin... Trên lĩnh vực đạo đức, nhiều chuẩn mực tri thức, văn hoá, đạo đức lối sống tưởng như đã định hình đang bị bài bác. Giá trị vật chất, đồng tiền dưới nhiều danh nghĩa ngụy biện được đề cao... Chuẩn mực đạo đức, lối sống, dưới chiêu bài “dân chủ” nhiều khi bị đảo lộn, bị điều khiển bởi thế lực của đồng tiền. Quan hệ cha -con, thầy - trò, quan hệ cấp trên với cấp dưới, quan hệ giữa Đảng với dân... cũng bị đơn giản hoá bằng các giá trị vật chất tầm thường. Khi hệ tư tưởng Mác-Lênin bị khủng hoảng, các nước Đông Âu và Liên xô sụp đổ, các trào lưu tư tưởng sùng ngoại, vô Chính phủ... trỗi dậy và phát triển dưới nhiều hình thức... Nguyên nhân của tình trạng mất dân chủ và lợi dụng dân chủ như đã nêu không phải là khó phát hiện. Có những điều đó là do trình độ nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, do đó đã bị bọn xấu lợi dụng, đồng thời một số cán bộ có chức có quyền buông lỏng kỷ cương luật pháp, tha hoá, suy thoái biến chất về mặt đạo đức, một số bị mua chuộc, đồng loã với các phần tử cơ hội để phá hoại chính quyền, xâm phạm quy chế dân chủ XHCN. Những phần tử phản động trong nước còn được sự hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp của các thế lực thù địch ở nước ngoài trong âm mưu thực hiện kế hoạch diễn biến hoà bình, chống phát cách mạng Việt Nam... 4. Nếu dân chủ chúng ta đã và đang phấn đấu xây dựng là nền dân chủ triệt để, trong đó nội dung cơ bản nhất là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Mặt khác không thể tách rời là dân chủ phải đi liền với kỷ luật với kỷ cương, với pháp chế. Trên nền dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ thực hiện trong thực tế sự kết hợp hài hoà giữa quyền và trách nhiệm, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của sự phát triển xã hội. Để giảm bớt, chiến thắng và loại trừ những hiện tượng mất dân chủ và lợi dụng dân chủ chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ nhằm: · Nâng cao trình độ văn hoá, chính trị và pháp luật của nhân dân. · Hoàn thiện các cơ chế chính trị xã hội và pháp luật để bảo đảm việc thực hiện tốt pháp luật. · Phát triển việc lập pháp, ban hành những bộ luật mới theo chiều hướng tăng cường tính dân chủ và công khai hoá trong các mặt đời sống xã hội. Khi giải quyết những vấn đề liên quan giữa dân chủ và chuyên chính trong bối cảnh tình hình khá phức tạp hiện nay, việc nghiên cứu tìm hiểu để có được những lời giải đáp thoả đáng từ tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này là điều cần thiết. Trong đó chúng ta đặc biệt lưu ý những luận điểm của Người về quyền lợi và nghĩa vụ thực thi pháp chế dân chủ của công dân, về thái độ kiên quyết đối với những hành vi phá hoại kỷ cương phép nước... - là những vấn đề cần nghiên cứu kỹ để vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đang diễn ra sôi động. (1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, Tập 8, tr. 279 - 280. (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđđ, tập 6, tr. 174 (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 592 (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 698 (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr 244 (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 243. (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 249 (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 586-587 (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr 230 (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8. tr 279
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất