Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học đặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học trong sự đối chiếu với tiếng việt tt...

Tài liệu đặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học trong sự đối chiếu với tiếng việt tt

.PDF
27
111
99

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VÕ THỊ BÊ ĐẶC ĐIỂM TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH DƯỢC HỌC TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT Ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu Mã số: 9 22 20 24 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI - 2019 Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Hoàng Văn Vân Phản biện 1: GS.TS. Lê Quang Thiêm Phản biện 2: GS. TS. Nguyễn Quang Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Văn Chính Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. vào hồi…giờ….phút, ngày….tháng….năm 2019 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Học viện Khoa học Xã hội MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Dược học trước đây từng là một bộ phận trong ngành Y học. Song với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật trong thế giới hiện đại, Dược học đã nhanh chóng tách ra thành một ngành độc lập nhưng vẫn còn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Y học, các ngành khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng khác (Lê Văn Truyền, 2014). Ngành dược chuyên về bào chế, sản xuất các loại thuốc (hay còn gọi là dược phẩm) cũng như thực hiện việc khám chữa bệnh, phân phối thuốc và có trách nhiệm đảm bảo an toàn, hiệu quả của các loại dược phẩm. Vì vậy, khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành thành thạo sẽ giúp những người làm trong ngành Y Dược có thể tiếp cận với tri thức cũng như với những tiến bộ của ngành một cách nhanh nhất. Bàn về vai trò của tiếng Anh khoa học, Robert Goldbort (2006) khẳng định: “Tiếng Anh khoa học có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học”. Trên thực tế, những tài liệu nghiên cứu hay những phát minh, ứng dụng mới về dược học trên thế giới hầu hết đều được công bố bằng tiếng Anh. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành (ví dụ, Halliday et al.,1964; Widdowson, 1979; Johns & Dudley-Evans, 1991) cho rằng hiểu biết được những đặc điểm ngôn ngữ và văn bản của ngôn ngữ chuyên ngành sẽ giúp quá trình đọc hiểu được nhanh hơn, viết các bài viết về chuyên ngành có hiệu quả hơn và dịch chuyên ngành từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia một cách chính xác hơn và thoát ý hơn. Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào phân tích, đối chiếu những đặc điểm của VBCNDH tiếng Anh với tiếng Việt dựa trên quan điểm ngôn ngữ học chức năng hệ thống. Thực tế trên đây là động lực chủ yếu để chúng tôi triển khai đề tài ĐẶC ĐIỂM TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH DƯỢC HỌC TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án: (i) Mục đích nghiên cứu: Luận án đặt ra hai mục đích nghiên cứu cơ bản sau: Thứ nhất, phân tích bản chất và đặc điểm để tìm ra những đặc điểm ngôn ngữ nổi trội trong văn bản chuyên ngành dược học (VBCNDH) tiếng Anh và tiếng Việt từ quan điểm ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday về phương diện ngữ vực (Register). Thứ hai, đối chiếu những điểm tương đồng và khác biệt về đặc điểm ngôn ngữ trong hai loại văn bản trên để tìm ra những nét tương 1 đồng và khác biệt về phương diện Trường, Không khí, và Cách thức, cụ thể là về đặc điểm: Hệ thống chuyển tác, Tham thể/Chủ ngữ, thuật ngữ, cấu trúc/dạng, thức, tình thái, đề ngữ, quy chiếu và liên kết logic; (ii) Nhiệm vụ nghiên cứu: (i) Tổng quan tình hình nghiên cứu về ngôn ngữ chuyên ngành, ngôn ngữ trong văn bản chuyên ngành y dược tiếng Anh và tiếng Việt trên thế giới và ở Việt Nam; (ii) Tổng quan những đặc điểm cơ bản về cơ sở lý thuyết của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống để xây dựng khung lí thuyết cho luận án ngữ vực; (iii) Sử dụng khung lí thuyết đã được thiết lập để mô tả, phân tích các đặc điểm ngôn ngữ trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt trên quan điểm của Ngôn ngữ học chức năng hệ thống về phương diện Trường, Không khí và Cách thức; (iv) Đối chiếu đặc điểm ngôn ngữ trong VBCNDH tiếng Anh với tiếng Việt theo các phương diện đã nêu, từ đó thiết lập những nét tương đồng và khác biệt trong hai ngôn ngữ; và (v) Kết luận chung về những đặc điểm ngôn ngữ nổi trội về đặc điểm Trường, Không khí, Cách thức trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án: (i) Phạm vi nghiên cứu của luận án gồm những đặc trưng về Trường, Không khí và Cách thức trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt; (ii) Đối tượng nghiên cứu là đặc điểm ngôn ngữ trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt; (iii) Nguồn ngữ liệu là VBCNDH được thu thập từ Tạp chí chuyên ngành dược, cụ thể là: Tiếng Anh: British Journal of Pharmaceutical Research (Tạp chí nghiên cứu Dược học Anh); Tiếng Việt: Tạp chí Dược học - Bộ Y tế. Luận án lựa chọn 25 VBCNDH tiếng Anh và 25 VBCNDH tiếng Việt được xuất bản từ năm 2011 đến 2015 về các loại thuốc, dược chất, bệnh, hay hướng nghiên cứu kết hợp sử dụng các loại thuốc để miêu tả, phân tích và đối chiếu. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án: (i) Phương pháp miêu tả: được sử dụng để giúp luận án miêu tả để tìm ra một số đặc điểm ngôn trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt; (ii) Phương pháp phân tích diễn ngôn: được sử dụng để tìm hiểu ý nghĩa về đặc điểm của Trường, Không khí và Cách thức trong VBCNDH như thế nào; (iii) Phương pháp so sánh - đối chiếu được sử dụng để đối sánh các đặc điểm ngôn ngữ nổi trội của VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hai văn bản. Khung lỳ thuyết luận án dùng để phân tích chủ yếu dựa trên lý thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday về phương diện ngữ vực và một số nhà nghiên cứu khác như Halliday & Hassan (1976), Hoàng Văn Vân (2005) v.v và lý 2 thuyết nghiên cứu so sánh đối chiếu của Bùi Mạnh Hùng (2008) và có kết hợp một số nghiên cứu khác. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Đóng góp mới về khoa học của luận án được thể hiện trước hết ở việc đã góp phần cung cấp cho lý luận ngôn ngữ một cách nhìn sâu sắc về đặc điểm ngôn ngữ văn bản dược học tiếng Anh và tiếng Việt, góp phần làm phong phú thêm một phương pháp phân tích diễn ngôn được sử dụng để so sánh các văn bản chuyên ngành dược học trong hai ngôn ngữ phương pháp phân tích diễn ngôn theo lí thuyết chức năng hệ thống, được phân tích theo ba phạm trù ngữ vực là Trường, Không khí, và Cách thức. Những kết quả đạt được của công trình nghiên cứu này đã cho thấy phương pháp phân tích diễn ngôn được áp dụng để phân tích và so sánh văn bản chuyên ngành dược học là phù hợp và có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ý nghĩa trải nghiệm, ý nghĩa liên nhân, ý nghĩa văn bản và mối quan hệ biện chứng giữa chúng rất quan trọng cho việc tìm hiểu và so sánh ý nghĩa của các văn bản chuyên ngành dược học trong hai ngôn ngữ. 6. Ý nghĩa và cái mới của luận án: (I) Về lí luận: Thông qua nghiên cứu đặc điểm tiếng Anh chuyên ngành dược học đối chiếu với tiếng Việt, luận án sẽ góp phần cung cấp cho lý luận ngôn ngữ một số cứ liệu về đặc điểm ngôn ngữ văn bản dược học tiếng Anh. Do đó, luận án góp phần làm phong phú thêm phương pháp phân tích diễn ngôn về các văn bản chuyên ngành khác trong tiếng Anh và tiếng Việt; (ii) Về thực tiễn: Nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn đóng góp vào việc nâng cao kĩ năng viết các ngôn bản khoa học liên quan đến chuyên ngành dược học, khả năng đọc hiểu nội dung các ngôn bản này trong hai ngôn ngữ nhanh hơn và thấu đáo hơn, và dịch các văn bản thuộc chuyên ngành dược học từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại một cách hiệu quả. 7. Bố cục luận án: Luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lí thuyết; Chương 2: Đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh; Chương 3: Đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Việt; Chương 4: Đối chiếu đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh với tiếng Việt. 3 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Tình hình nghiên cứu tiếng Anh chuyên ngành trên thế giới Trên thế giới, có rất nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ chuyên ngành. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau đây được cho là đại diện và phù hợp với nghiên cứu của luận án: (i) Nghiên cứu của Hutchison & Waters và một số nhà nghiên cứu khác; (ii) Nghiên cứu của Dudley-Evans; (iii) Nghiên cứu của Halliday và một số nhà nghiên cứu khác. Theo hai nhà ngoại ngữ chuyên ngành nổi tiếng Hutchinson & Waters (1987), tiếng Anh chuyên ngành được phát triển từ thời gian đầu của những năm 1960 và được phát triển với tốc độ khác nhau ở những quốc gia khác khau. Theo Dudley-Evans (1998), với công trình Development in ESP đã khái quát một số vấn đề đa dạng về ngôn ngữ trong tiếng Anh chuyên ngành, chủ yếu tập trung vào tiếng Anh chuyên ngành y và tiếng Anh chuyên ngành kinh doanh. Khi xem xét về đặc điểm của tiếng Anh chuyên ngành, ông đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản về ngữ pháp, từ vựng và diễn ngôn. Có thể thấy, tiếng Anh chuyên ngành tập trung theo một số hướng nghiên cứu: (i) Hướng nghiên cứu ngữ pháp trong tiếng Anh chuyên ngành; (ii) Hướng nghiên cứu từ vựng trong tiếng Anh chuyên ngành; và (iii) Hướng nghiên cứu ngữ nghĩa trong tiếng Anh chuyên ngành. Bên cạnh những nghiên cứu về tiếng Anh chuyên ngành đã nêu và nhiều học giả khác, từ một nhìn khác giả khác, khi nghiên cứu về bản chất của các văn bản khoa học tiếng Anh, Halliday (1988) đã chỉ ra thuật ngữ “ngôn ngữ khoa học” là tên gọi cho một biến thể chức năng hay một kiểu ngữ vực được khái quát hóa trong một ngôn ngữ cụ thể. Sự đa dạng về loại hình văn bản có thể được mô tả theo ba thông số của ngôn cảnh tình huống: Trường, Không khí, và Cách thức. Tuy nhiên, ông đã khẳng định sự khác nhau về không gian và thời gian hoàn toàn không đủ để phân biệt các văn bản khoa học với các ngữ vực khác. Theo ông, ngữ vực là một tập hợp các đặc điểm có liên quan xuất hiện cùng nhau trong những xác suất không giới hạn. Bởi vậy, nghiên cứu bản chất của ngôn ngữ khoa học trong Writing Science: Literacy and Discursive Power của Halliday & Martin (1993) đã chỉ ra bảy điểm cơ bản có thể được sử dụng để minh họa cho các đặc điểm cơ bản của tiếng Anh khoa học như sau: (i) Các khái niệm đan xen nhau; (ii) Tính kỹ thuật; (iii) Cách diễn đạt đặc biệt; (iv) Mật độ từ vựng cao; (v) Sự tối nghĩa về mặt cú pháp; (vi) Ẩn dụ ngữ pháp; và (vii) Có tính không liên tục về ngữ nghĩa học. 1.2. Tình hình nghiên cứu tiếng Anh chuyên ngành ở Việt Nam Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành đã đưa ra các khái niệm khác nhau về tiếng Anh chuyên ngành. Phan Văn Hòa (2011) quan niệm tiếng Anh chuyên ngành là tiếng Anh vì/theo những mục đích cụ 4 thể. Tuy nhiên, về cơ bản, ESP được gọi chung là tiếng Anh chuyên ngành ở Việt Nam (Lâm Quang Đông, 2014). Khi nghiên cứu về bản chất các văn bản khoa học trong mối quan hệ với dịch thuật, đi theo cách tiếp cận của Halliday (1993), Hoàng Văn Vân (2005, 2010) đã chỉ ra một số đặc điểm có thể khu biệt văn bản khoa học với các kiểu ngữ vực. Ông đã phác thảo một bức tranh khái quát về ngữ vực trong ngôn ngữ khoa học. Ông cũng cho thấy các văn bản khoa học trong tiếng Anh thường có những thuật ngữ bằng tiếng Latinh hay có nguồn gốc từ tiếng Latinh. Như vậy, xét trên bình diện nghiên cứu diễn ngôn, Hoàng Văn Vân (1993, 2005, 2006) v.v. và một số công trình nghiên cứu khác của ông đã có những đóng góp đáng kể vào nghiên cứu ngữ pháp, dịch thuật, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ nói chung và đặc điểm ngôn ngữ chuyên ngành nói riêng. Ngoài ra, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu so sánh đối chiếu các ngôn ngữ chuyên ngành, mặc dù những chuyên ngành này không gần với chuyên ngành dược học như công trình của Nguyễn Hòa (1999), Lê Hùng Tiến (1999), Nguyễn Xuân Thơm (2001), Đỗ Tuấn Minh (2001), Nguyễn Thị Thanh Hương (2003), Đỗ Kim Phương (2012), Trần Bình Tuyên (2017) v.v. Bên cạnh những công trình về tiếng Anh chuyên ngành, đã có nhiều nghiên cứu về tiếng Việt trên các bình diện khác nhau dựa trên các quan điểm lí thuyết khác nhau như Trần Ngọc Thêm (1985), Diệp Quang Ban (1989, 2005), Cao Xuân Hạo (1991, 2004), Hoàng Văn Vân (1997, 2002), Nguyễn Văn Hiệp (1999, 2007, 2008), Lâm Quang Đông (2007, 2011, 2014), Nguyễn Hồng Cổn (2000, 2004) và rất nhiều công trình nghiên cứu khác. Trong các nghiên cứu trên, Cao Xuân Hạo là người đầu tiên áp dụng triệt để quan hệ Đề - Thuyết vào phân tích cú pháp câu tiếng Việt (dẫn theo Nguyễn Hồng Cổn, 2008). Ngoài ra, trong tiếng Việt, trên lĩnh vực nghiên cứu về thuật ngữ và hệ thống thuật ngữ tiếng Việt, cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu nổi bật như Đỗ Hữu Châu (1962), Nguyễn Thiện Giáp (1978), Hoàng Văn Hành (1983), Nguyễn Đức Tồn (2002, 2010, 2016), Nguyễn Văn Khang (1999, 2007), Hà Quang Năng (2009, 2010) và nhiều nghiên cứu khác. 1.3. Tình hình nghiên cứu tiếng Anh chuyên ngành dược học trên thế giới và ở Việt Nam 1.3.1. Các nghiên cứu về đặc điểm tiếng Anh chuyên ngành dược học trên thế giới: Trên thế giới đã có một số công trình nghiên cứu về tiếng Anh chuyên ngành dược trên các bình diện và hình thức khác nhau. Cụ thể là nghiên cứu của Boudemagh Wided (2010), Lukasz Grabowski (2013, 2015) v.v. Những nghiên cứu này đã cho thấy một số phát hiện hữu ích không những về mặt sư 5 phạm cho cả giáo viên và học viên tiếng Anh chuyên ngành dược học mà còn có thể mở rộng đối với những loại văn bản chuyên ngành khác. 1.3.2. Các nghiên cứu về đặc điểm tiếng Anh chuyên ngành dược học ở Việt Nam Về lĩnh vực khoa học ngành dược có công trình của Lâm Thị Thùy Linh (2011). Nghiên cứu đã chỉ ra sự tương đồng và khác biệt về đặc điểm ngôn ngữ của hai loại văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc trong tiếng Anh và tiếng Việt. Công trình đã có ý nghĩa to lớn đối với việc dạy học tiếng Anh chuyên ngành y dược cũng như trong việc dịch thuật tiếng Anh như là một ngoại ngữ. Tiếp theo là công trình nghiên cứu về ẩn dụ ngữ pháp trong diễn ngôn dược học của Vũ Thị Mẫu (2012). Nghiên cứu đã cho thấy đặc điểm của ẩn dụ ngữ pháp trong các diễn ngôn dược học tiếng Anh và mối quan hệ mật thiết giữa việc sử dụng ẩn dụ ngữ pháp và sự tạo thành của văn bản dược học. Như vậy, có thể cho thấy ngôn ngữ chuyên ngành có thể được tiếp cận nghiên cứu từ nhiều góc độ và trên các bình diện của diễn ngôn chuyên ngành (Nguyễn Xuân Thơm, 2008). 1.4. Lý thuyết về diễn ngôn và phân tích thể loại diễn ngôn (genre analysis) 1.4.1. Khái niệm diễn ngôn: Trên thế giới, khái niệm diễn ngôn đã được rất nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ đưa ra những quan điểm khác nhau. Khái niệm diễn ngôn lần đầu được Z. Harris (1952) cho rằng diễn ngôn là văn bản liên kết ở cấp độ cao hơn câu. Nó là một đơn vị mở, có khả năng phân tích. Sau này Halliday và Hassan (1976) cũng nhận định diễn ngôn gắn với chức năng giao tiếp của nó khi nó nhấn mạnh văn bản hay diễn ngôn là đơn vị ngôn ngữ chức năng giao tiếp. Ở Việt Nam, đi theo khuynh hướng về quan điểm diễn ngôn của Halliday và Hassan, Hoàng Văn Vân (2006) đã khẳng định ngôn bản hay diễn ngôn là ngôn ngữ trong sử dụng. Chính vì vậy, trong luận án này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ diễn ngôn và văn bản thay thế cho nhau để mô tả đặc điểm văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh và tiếng Việt. 1.4.2. Khái niệm phân tích diễn ngôn: Cho đến nay đã có nhiều quan điểm về phân tích diễn ngôn. Halliday (1994) đã có quan điểm khái quát hơn về phân tích diễn ngôn. Ông cho rằng: “Phân tích diễn ngôn phải được xây dựng trên việc nghiên cứu hệ thống của một ngôn ngữ. Đồng thời, lý do chủ yếu cho việc nghiên cứu hệ thống là nhằm làm sáng tỏ ngôn bản – điều mà người ta nói và viết, nghe và đọc. Cả hệ thống và ngôn bản đều phải nằm trong tiêu điểm của sự chú ý. Nếu không thì sẽ không có cách nào để so sánh ngôn bản này với ngôn bản kia, hay với cái mà chính nó có thể đã là như vậy nhưng trong thực tế thì nó lại không phải là thế. Và, có thể 6 quan trọng nhất là chỉ qua việc bắt đầu từ hệ thống thì chúng ta mới có thể xem xét được ngôn bản trong bình diện của nó như là một quá trình”. 1.4.3. Khái niệm thể loại Theo Swales (1990), khái niệm thể loại là một diễn ngôn đặc biệt, có thể là diễn ngôn viết hoặc nói. Thể loại bao gồm một lớp các sự kiện giao tiếp và những thành viên cùng sử dụng một thể loại diễn ngôn có cùng mục đích giao tiếp. Thuật ngữ “thể loại” đã được biết đến trong nhiều năm qua. Khái niệm về thể loại đã được đưa ra trên hai quan điểm cơ bản là: (i) Quan điểm của Swales (quan điểm Tiếng Anh cho mục đích chuyên ngành) và (ii) Quan điểm chức năng-hệ thống (systemic –fuctional). Mặc dù mỗi quan điểm đều chỉ ra những đặc thù riêng về thể loại, nhưng đặc điểm chung cho cả hai quan điểm này đều coi mục đích giao tiếp là yếu tố trung tâm. 1.5. Khái quát về lý thuyết ngôn ngữ học chức năng hệ thống của Halliday Ngôn ngữ học chức năng hệ thống mô tả ngôn cảnh tình huống cụ thể hóa ngôn cảnh văn hóa và chính ngôn cảnh tình huống lại là một kiến trúc lí thuyến (theoretical construct) bao gồm ba bình diện: (i) hoạt động xã hội đang diễn ra; (ii) các mối quan hệ theo vai diễn; và (iii) các kênh tượng trưng hay tu từ. Ngôn ngữ học chức năng hệ thống gọi ba bình diện này lần lượt là Trường (Field), Không khí (Tenor), và Cách thức (Mode). Ngoài ra, ông cũng chỉ ra ở cấp độ ngữ nghĩa, ngôn ngữ được dùng để diễn đạt một trong ba loại nghĩa khái quát. Ba loại nghĩa này thực chất là ba siêu chức năng (metafunctions) của ngôn ngữ. 1.5.1. Lý thuyết về chức năng kinh nghiệm: Halliday (1994) chỉ ra hệ thống chuyển tác là hệ thống ngữ pháp qua đó phương thức phản ánh được thể hiện. Hệ thống chuyển tác phân thế giới kinh nghiệm thành một tập hợp CÁC KIỂU QUÁ TRÌNH (PROCESS TYPES) có thể xử lý được. Ông cũng chỉ ra khung giải thích này có thể phổ quát cho mọi ngôn ngữ và ở hình thức khái quát nhất, nó gồm có ba thành phần: (i) chính quá trình, (ii) các tham thể tham gia vào quá trình, và (iii) các chu cảnh liên quan đến quá trình. Ông cũng nhận định các khái niệm quá trình, tham thể và chu cảnh là những phạm trù ngữ nghĩa giải thích một cách khái quát nhất các hiện tượng của thế giới hiện thực được thể hiện trong các cấu trúc ngôn ngữ. Trong tiếng Việt, Hoàng Văn Vân (2002) cũng đã nhận định các kiểu quá trình được Halliday đề xuất cũng tồn tại giống như tiếng Anh. 1.5.2. Lý thuyết chức năng liên nhân 1.5.2.1. Lý thuyết về thức Trong tiếng Anh, Halliday (2004) đã nhận định bất kỳ cú độc lập nào cũng đều có sự lựa chọn về thức. Một cú chính hoặc có thức chỉ định hoặc có thức cầu khiến; nếu nó là thức chỉ định (indicative) thì nó hoặc là thức 7 tuyên bố (declarative) hoặc là thức nghi vấn có cực (kiểu cú yêu cầu trả lời có/không) hoặc thức nghi vấn có nội dung. Thành phần của THỨC gồm hai tiểu thành phần: (1) Chủ ngữ (Subject) và (ii) Tác tử hữu định (Finite). Trong tiếng Việt, theo Hoàng Văn Vân (2017), hệ thống thức được tổ chức như là một sự kiện tương tác bao gồm người nói hay người viết, và khán giả hay cử tọa. nó phân các vai diễn tương tác ra thành các cặp như người nói/ viết – người nghe/ đọc, thức khẳng định được hiện thực hóa điển hình bằng mẫu thức ‘+Chủ ngữ +Vị ngữ’. Xét theo quan điểm ngữ pháp ngữ nghĩa, Nguyễn Văn Hiệp (2008) chỉ ra thức là một phạm trù ngữ pháp của động từ biểu thị giá trị tình thái của câu. Thức là cách biểu thị đã được ngữ pháp hóa về tình thái. 1.5.2.2. Lý thuyết về Tình thái Theo Halliday (2012), tình thái là một hệ thống của ngữ pháp liên nhân hiện thực hóa hai ý nghĩa cơ bản: (i) tình thái hóa (modalization) và (ii) biến thái (modulation). Tình thái hóa nói về các cấp độ “possibility” (khả năng), “probability” (khả năng xác suất), “certainty” (sự chắc chắn) và “usuality” (sự thường lệ). Trong khi Biến thái lại liên quan đến các cấp độ chỉ “obligation” (bổn phận) hay nghĩa vụ và ý muốn. Trong tiếng Việt, Nguyễn Văn Hiệp (2008) phân biệt thành hai phương tiện biểu thị tình thái trong tiếng Việt gồm: (i) các vị từ tình thái như: nên, cần, phải, có thể, tất, v.v.; và (ii) các vị từ tình thái tính. Như vậy, sự phân tích và nhận diện đặc điểm tình thái trong VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt sẽ chủ yếu dựa vào khung lý thuyết phân tích tình thái của Halliday và có tham khảo một số các nghiên cứu về tình thái của Nguyễn Văn Hiệp (2012) và một số nhà nghiên cứu tiếng Việt khác. 1.5.3. Lý thuyết về chức năng văn bản 1.5.3.1. Lý thuyết về Đề ngữ và Thuyết ngữ Halliday (1994) chỉ ra trong tất cả các cấu trúc khác nhau mà khi hòa nhập lại làm thành nên đơn vị cú, thì Đề ngữ là thành phần được dùng làm xuất phát điểm của thông điệp, nó là thành phần mà cú liên quan đến. Phần còn lại của thông điệp, thành phần mà Đề ngữ được phát triển, được gọi theo thuật ngữ của trường phái Praha là Thuyết ngữ (Rehme). 1.5.3.2. Lý thuyết về liên kết và ngôn bản Halliday chỉ ra Liên kết cũng là thành phần “ngôn bản” trong ngữ pháp tiếng Anh. Để tạo ngôn bản, cần phải có khả năng thiết lập các mối quan hệ bổ sung trong ngôn bản không lệ thuộc vào những hạn chế này. Ông nhấn mạnh bốn phương thức liên kết được tạo ra trong tiếng Anh: (i) quy chiếu, (ii) Tỉnh lược, (iii) Liên hợp, và (iv) Liên kết từ vựng. Trong 8 tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm (1999) cho rằng cũng có các phương tiện liên kết tương tự trong tiếng Anh. Nguyễn Văn Hiệp (2008) đã cho thấy cấp độ của các chỉ tố liên kết văn bản. Như vậy, đặc trưng về Cách thức trong VBCNDH tiếng Anh được tiến hành tìm hiểu các loại cấu trúc đề thuyết, các cách thức tổ chức diễn ngôn cả ở phương tiện quy chiếu cũng như liên kết logic sẽ được dựa chủ yếu vào khung lý thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday cũng tham khảo lý thuyết của nhà ngôn ngữ Nguyễn Văn Hiệp và một số nhà Việt ngữ học khác trong tiếng Việt. 1.6. Lý thuyết về ngữ vực Halliday & Hassan (1989) mô tả như sau: (i) Trường của ngôn bản là chỉ ra cái gì đang xảy ra, bản chất của hành động xã hội đang diễn ra (ii) Không khí của ngôn bản là chỉ ra việc ai đang tham gia vào, bản chất của những người tham gia, các vai diễn và vị thế của họ; (iii) Cách thức của ngôn bản là chỉ ra vai trò của ngôn ngữ đang đóng, cái mà những người tham gia đang chờ đợi ngôn ngữ thực hiện cho họ trong tình huống đó là gì. Như vậy, trong phạm vi luận án, nghiên cứu đặc điểm của ngôn ngữ chuyên ngành dược học trên các phương diện ngữ vực theo quan điểm ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday chính là nghiên cứu các đặc điểm về Trường, Không khí và Cách thức được thực hiện hóa qua các bình diện về kinh nghiệm, liên nhân và văn bản. 1.7. Lý thuyết ngôn ngữ so sánh đối chiếu Luận án áp dụng lý thuyết ngôn ngữ học đối chiếu của Bùi Mạnh Hùng (2008). Bước một, mô tả (luận án mô tả các đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp – từ vựng, văn bản sử dụng chủ yếu khung ngữ pháp chức năng hệ thống của Halliday và tham khảo một số nhà nghiên cứu khác. Bước hai, xác định những thông số để so sánh đối chiếu (dựa vào những đặc điểm ngôn ngữ qua mô tả chúng tôi sẽ chọn các đặc điểm ngôn ngữ điển hình của văn bản chuyên ngành dược học trong tiếng Anh và tiếng Việt để so sánh đối chiếu). Bước ba, đối chiếu. 1.8. Tiểu kết Chương này luận án đã điểm lại tình hình nghiên cứu tiếng Anh chuyên ngành nói chung cũng như ngôn ngữ chuyên ngành dược trong tiếng Anh và tiếng Việt trên thế giới và Việt Nam. Hơn nữa, luận án đã trình bày một số đặc điểm quan trọng nhất của lí thuyết ngữ pháp chức năng hệ thống về phương diện ngữ vực và lí thuyết ngôn ngữ học so sánh đối chiếu. Như vậy, những quan điểm của Halliday về lý thuyết ngữ vực và các siêu chức năng của ngôn ngữ sẽ là công cụ để luận án tiến hành phân tích VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt trên các đặc trưng về Trường, Không khí và Cách thức. 9 CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN CHUYÊN NGÀNH DƯỢC HỌC TIẾNG ANH 2.1. Đặc điểm về Trường trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh 2.1.1. Kết quả phân tích các kiểu quá trình Thứ nhất, tỉ lệ của quá trình vật chất và quá trình quan hệ được sử dụng nhiều nhất trong VBCNDH tiếng Anh nằm trong dự đoán. Thứ hai, quá trình phát ngôn xuất hiện với tần số trung bình. Thứ ba, quá trình tinh thần và quá trình hiện hữu ở vị trí thấp trong VBCNDH tiếng Anh cũng là điều tất yếu. Thứ tư, sự thiếu vắng gần như hoàn toàn quá trình hành vi trong VBCNDH tiếng Anh có thể dự đoán được văn bản thuộc ngữ vực khoa học. Kết quả này cũng có thể khẳng định các kết quả nghiên cứu khoa học ngành dược và cập nhật thông tin về lĩnh vực dược học, nó chỉ có thể tồn tại hay hoạt động, hay “Nó không thể ứng xử như các thực thể có tư duy” (Hoàng Văn Vân, 2016). 2.1.2. Kết quả phân tích Tham thể/ Chủ ngữ Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh sử dụng các cú có Chủ ngữ hiển ngôn cao vượt trội so với các cú không có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn. Ngoài ra, tỷ lệ các cú có Tham thể/Chủ ngữ phân bố tương đối đồng đều trong phần mở đầu, phần thân bài, và phần kết luận. Thứ hai, các cú không có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn khi được tái hiện lại thì phần lớn không phải là người mà là các sự vật liên quan đến các hóa dược, dược chất, dược liệu, bệnh hoặc một loại thuốc nào đó v.v. 2.1.3. Kết quả phân tích thuật ngữ khoa học Thứ nhất, tần số xuất hiện thuật ngữ khoa học trong một cú bao gồm cả cú có Chủ ngữ hiển ngôn và cú không có Chủ ngữ hiển ngôn rất cao. Đây cũng là một trong những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ khoa học, người ta sẽ không thể tạo được một ngôn bản khoa học nếu thiếu đặc điểm này mà Halliday đã chỉ ra trong công trình Writing science (1993) (ví dụ: (thuật ngữ được gạch chân, Tham thể/Chủ ngữ được in đậm) Peptic Ulcer Disease (PUD) encompassing gastric and duodenal ulcer is the most prevalent gastrointestinal disorder). Thứ hai, các thuật ngữ có trong Tham thể chủ ngữ hiển ngôn chủ yếu tập trung trong các cú vật chất và cú quan hệ và trong các cú phóng chiếu thông qua các cú tinh thần và cú phát ngôn. Thứ ba, các thuật ngữ chuyên ngành dược học tiếng Anh là những thuật ngữ: (i) sử dụng nguyên dạng của thuật ngữ Latinh và tiếng Hi Lạp, (ii) tiếp nhận thuật ngữ nước ngoài; (iii) phương thức sử dụng “tiền tố”, “hậu tố”; (iv) phương thức ghép; (v) phương thức kết hợp “tiền tố”, “hậu tố” và 10 phương pháp ghép; (vi) phương thức viết tắt. Thứ tư, thuật ngữ dược học tiếng Anh đều là các từ loại mở, bao gồm danh từ, tính từ, động từ, và có thể có cả trạng từ (dẫn theo Vương Thị Thu Minh, 2005). 2.1.4. Kết quả phân tích cấu trúc/dạng Thứ nhất, dạng bị động được sử dụng cao trong VBCNDH tiếng Anh (chiếm 31%), đặc biệt là ở phần thân bài. Kết quả này cũng minh chứng cho quan điểm khi phân tích ngữ vực của tiếng Anh khoa học của Ewer & Latorre’s đã được Tom Hutchinson & Alan Waters chỉ ra “There was little that was distinctive in the sentence grammar of Science English beyond a tendency to favour particular forms such as the present simple tense, the passive voice, and nominal compounds” (1987). Thứ hai, dạng bị động trong VBCNDH tiếng Anh thường có dạng: Chủ ngữ + be + Quá trình ở mẫu phân từ quá khứ + by. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số cú dạng bị động bị lược bỏ quá trình be. Thứ ba, một số phụ ngữ chỉ sự đánh giá hay tần suất được đứng trước các quá trình trong nhiều cú dạng bị động. 2.2. Đặc điểm về Không khí trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh 2.2.1. Kết quả phân tích Thức Kiểu thức được sử dụng duy nhất trong VBCNDH tiếng Anh đó là thức tuyên bố. Trong đó, thức tuyên bố khẳng định chiếm tỷ lệ đa số. Bên cạnh đó, một số thức tuyên bố phủ định cũng được sử dụng để khẳng định những kết quả của người viết diễn ngôn đã đưa ra. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Derewianka (2011). 2.2.2. Kết quả phân tích tình thái Thứ nhất, việc sử dụng các động từ tình thái đặc biệt như may, might, could với tần số cao để chỉ mức độ khả năng chắc chắn của một tuyên bố trong VBCNDH tiếng Anh. Kết quả này đã chứng tỏ đây là đặc điểm yêu cầu trong một văn bản khoa học (Tony Dudley-Evan, 1998). Ngoài ra, tần số sử dụng động từ tình thái cao vượt trội trong VBCNDH tiếng Anh cũng cho thấy “Dạng ngôn ngữ chung được tìm thấy trong văn bản khoa học đó là các động từ đặc biệt, ví dụ như động từ tình thái” (Hutchíon & Waters, 1984). Thứ hai, Phụ ngữ tình thái xuất hiện không đáng kể trong VBCNDH tiéng Anh. Như vậy, với cách kiến tạo của các động từ tình thái và Phụ ngữ tình thái chỉ ra tình thái trong VBCNDH tiếng Anh phù hợp với khung cảnh của khoa học hiện đại, đó là một khung cảnh trong đó phần nhiều kiến thức được khám phá chỉ mang “tính sác xuất” (Probability) hay “tính không chắc chắn” (uncertainty) (Halliday, 1993) và Moss (2000). 11 2.3. Đặc điểm về Cách thức trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Anh 2.3.1. Kết quả phân tích Đề ngữ Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh sử dụng phổ biến kiểu Đề ngữ trùng khớp với chủ ngữ, với mục đích chỉ rõ đối tượng được đề cập đến có thể là đại từ, danh từ, ngữ danh từ. Chính vì vậy đã tạo nên sự đa dạng của Đề ngữ không đánh dấu (Trần Bình Tuyên, 2017). Thứ hai, việc sử dụng Đề ngữ đánh dấu trong VBCNDH tiếng Anh còn chỉ ra trạng thái, cách thức tồn tại của sự vật. Thứ ba, Đề ngữ văn bản trong VBCNDH tiếng Anh được xuất hiện chủ yếu dưới hình thức Đề ngữ mang ý nghĩa liên hợp như: and, both v.v. Thứ tư, VBCNDH tiếng Anh sử dụng một số phụ ngữ điển hình với chức năng liên nhân xuất hiện với chức năng Đề ngữ liên nhân. 2.3.2. Kết quả phân tích quy chiếu ngôi và liên kết logic Thứ nhất, trong VBCNDH tiếng Anh, các danh từ hay danh ngữ thường được sử dụng lần đầu, sau đó được thay bằng hệ thống quy chiếu. Trong quy chiếu ngôi, các từ chỉ ngôi được diễn đạt bằng các từ thuộc phạm trù ngôi nhân xưng như đại từ nhân xưng, đại từ sở hữu, tính từ sở hữu. Thứ hai, tần số sử dụng của quy chiếu chỉ định cao vượt trội trong VBCNDH tiếng Anh. Kết quả chỉ ra là do sự xuất hiện 2.091 lần của mạo từ xác định the và các từ chỉ định như this, that, these, those v.v. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Thomson (1960) “Trong tiếng Anh, mạo từ xác định the được sử dụng nhiều trong các ngữ cảnh khác nhau. Mạo từ the được dùng khi danh từ chỉ đối tượng được cả người nói và người nghe biết rõ đối tượng nào đó. Nó là mạo từ xác định dùng cho cả danh từ đếm được (số ít và số nhiều) và danh từ không đếm được”. Như vây, có thể thấy quy chiếu chỉ định đã tham gia vào việc tạo liên kết VBCNDH tiếng Anh. Ngoài ra, các từ chỉ định như this, that, these, those v.v. cũng được xuất hiện để chỉ cụ thể người hoặc một loại dược liệu, thuốc, bệnh hay một phương pháp điều trị nào đó được nói. Thứ ba, liên kết logic được sử dụng cao trong VBCNDH tiếng Anh. Nó khẳng định cho nhận định của (Tony Dudley-Evan, 1998) như sau: “Liên kết từ vựng, ví dụ như moreover, however, therefore, luôn được sử dụng với tỷ lệ cao trong văn bản tiếng Anh cho mục đích hàn lâm. Chúng còn được xem như là chìa khóa để hiểu được các mối quan hệ logic trong diễn ngôn, và bởi vậy, chúng có liên quan đến việc dạy đọc, nghe và viết trong các văn bản tiếng Anh cho mục đích hàn lâm”. Thứ tư, Kết quả này cũng cho thấy “Trật tự logic của các phát ngôn thể hiện rõ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các phát ngôn” (Lưu Trọng Tuấn, 2008). 2.4. Tiểu kết (i) Đặc điểm về Trường: VBCNDH tiếng Anh khai thác tất cả các kiểu quá trình với độ đậm đặc các thuật ngữ khoa học của nhiều ngành 12 khoa học khác. Đây là một trong những phương tiện quan trọng nhất mang lại cho VBCNDH tiếng Anh khác với các văn bản khoa học khác. Ngoài ra, luận án chỉ ra số lượng vượt trội của các Chủ ngữ không phải là người mà là các sự vật về một loại dược liệu, dược chất, hóa chất, thuốc, hay hiện tượng của một bệnh nào đó. Đồng thời, luận án cũng cho thấy dạng bị động được sử dụng cao trong VBCNDH tiếng Anh; (ii) Đặc điểm về Không khí: với sự xuất hiện đại đa số các cú tuyên bố khẳng định và số lượng đáng kể của các yếu tố tình thái chứng minh rằng trong VBCNDH tiếng Anh, những luận điểm khoa học được khẳng định một cách khách quan với cách diễn tả thông qua kiểu tình thái hóa với tư cách là đặc điểm của cú trong hai ý nghĩa “khả năng” và “sự thường lệ” (Tony Dudley-Evans, 1998). (iii) Đặc điểm về Cách thức: sự kết hợp của kiểu Đề hóa cùng với quy chiếu ngôi, quy chiếu chỉ định và liên kết logic cao đã mang lại cho VBCNDH tiếng Anh tính liên kết và minh xác cao. CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN CHUYÊN NGÀNH DƯỢC HỌC TIẾNG VIỆT 3.2. Đặc điểm về Trường trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Việt 3.2.1. Kết quả phân tích các kiểu quá trình Thứ nhất, quá trình vật chất và quá trình quan hệ chiếm ưu thế tuyệt đối (chiếm 40% cú quá trình vật chất). Thứ hai, quá trình phát ngôn được sử dụng như là quá trình giải thích ‘hành động hữu ngôn’ hay hành động phát ngôn. Thứ ba, quá trình hiện hữu chỉ xuất hiện 3,3% nhưng VBCNDH tiếng Việt đã thể hiện hay thừa nhận một thực thể nào đó hiện hữu. Thứ tư, quá trình tinh thần tri giác trong VBCNDH tiếng Việt có thể được biểu hiện quá trình chỉ cảm giác như nhận thấy, quan sát thấy. Thứ năm, VBCNDH tiếng Việt thể hiện các ngữ vực khoa học, vì vậy chúng chỉ có thể tồn tại hay hoạt động, chúng không thể ứng xử như các thực thể có tư duy (Hoàng Văn Vân, 2016). 3.2.2. Kết quả phân tích Tham thể/ Chủ ngữ Thứ nhất, các cú có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn phân bố không đồng đều trong VBCNDH tiếng Việt. Thứ hai, đối với các cú không có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn được tái hiện lại đa phần các sự vật, hiện tượng hình thành nên một phần của văn bản. Tuy nhiên, các cú không có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn ở phần kết luận khi được tái hiện lại thì đại đa số là Tham thể/Chủ ngữ chỉ người hoặc sự vật. 13 3.2.3. Kết quả phân tích thuật ngữ khoa học Thứ nhất, thuật ngữ khoa học xuất hiện trong tất cả các cú. Chính đặc điểm này đã minh họa cho nhận định của Halliday về đặc điểm cơ bản của văn bản khoa học “Các khái niệm đan xen nhau, tính kỹ thuật, và mật độ từ vựng cao” (Halliday, 1993). Thứ hai, các thuật ngữ xuất hiện trong Chủ ngữ tập trung hầu hết trong quá trình vật chất và quá trình quan hệ (ví dụ: Viêm khớp là chứng bệnh thường gặp với biểu hiện viêm sưng và đau khớp). Thứ ba, thuật ngữ dược học tiếng Việt được vay mượn theo nguyên dạng viết tắt hoặc dựa trên cơ sở các yếu tố thuần Việt, Hán - Việt, và Ấn Âu. Thứ tư, thuật ngữ dược học tiếng Việt có thể được hình thành từ phương thức dịch nghĩa như: dược trị liệu (pharmacotherapy), dược động học (pharmacodynamics) v.v. Thứ năm, đặc điểm từ loại của thuật ngữ dược học tiếng Việt bao gồm: (i) danh từ; (ii) tính từ; (iii) động từ; và (iv) ngữ danh từ. 3.2.4. Kết quả phân tích cấu trúc/dạng Thứ nhất, dạng chủ động chiếm ưu thế, dạng bị động được sử dụng trong các trường hợp cú có Tham thể chủ ngữ hiển ngôn và cú có Tham thể chủ ngữ không hiển ngôn. Kết quả này có thể được giải thích như sau: “Nếu xét về mặt lý thuyết, trong tiếng Việt luôn luôn có đầy đủ ý niệm về tính chủ động và hậu quả bị động của các hành động tích cực, có ý thức tác động lên sự vật của con người. Nếu xét về mặt thực hành, trong văn phong khoa học các cấu trúc bị động được sử dụng khá rộng rãi và thường xuyên” (Nguyễn Văn Thành, 2003). Thứ hai, ý nghĩa bị động thường được thể hiện bằng tiểu từ bị động được. 3.3. Đặc điểm về không khí trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Việt 3.3.1. Kết quả phân tích thức Thứ nhất, cú tuyên bố chiếm vị trí độc tôn trong VBCNDH tiếng Việt, trong đó cú tuyên bố khẳng định chiếm đại đa số. Thứ hai, khi nhận định về những bằng chứng hay kết quả của những nghiên cứu thì giá trị liên nhân được thể hiện thông qua các cú tuyên bố để chỉ ra những nhận định chủ quan của tác giả thông qua những bằng chứng, kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, các cú tuyên bố còn chỉ rõ tính mục đích của tác giả trong VBCNDH tiếng Việt. 3.3.2. Kết quả phân tích tình thái Thứ nhất, chức năng liên nhân trong VBCNDH tiếng Việt được hiện thực hóa bằng tình thái, trong đó phương tiện phù hợp để thể hiện là kiểu tình thái chỉ “khả năng” và nghĩa đặc thù của kiểu tình thái này là có thể, có khả năng. Thứ hai, về ý nghĩa tình thái chỉ “sự thường lệ”, chỉ có Phụ ngữ tình thái xuất hiện là thường/thông thường và luôn/luôn luôn. Ngoài ra chỉ xuất hiện duy nhất 1 lần Phụ ngữ tình thái chỉ sự thường lệ khác. 14 3.4. Đặc điểm về Cách thức trong văn bản chuyên ngành dược học tiếng Việt 3.4.1. Kết quả phân tích Đề ngữ Thứ nhất, kiểu Đề ngữ không đánh dấu được sử dụng phổ biến hơn Đề ngữ đánh dấu. Điều này cho thấy, trong VBCNDH tiếng Việt kiểu Đề ngữ trong cú “cú như là thông điệp” (Halliday, 1998), nó giữ chức năng tuyền tải thông điệp, đề cập thẳng đối tượng được nói đến người nghe/người đọc. Thứ hai, các Đề ngữ đánh dấu tuy xuất hiện ít hơn Đề ngữ không đánh dấu, nhưng VBCNDH tiếng Việt muốn nhằm tới mục đích đảm bảo tính chân thực, tính chính xác của các hành động, các sự việc diễn ra về không gian, thời gian, cách thức v.v. Thứ ba, Đề ngữ văn bản trong VBCNDH tiếng Việt có chức năng liên kết thông điệp, tạo nên sự logic trong văn bản. Thứ tư, Đề ngữ liên nhân trong VBCNDH tiếng Việt bao gồm các phụ ngữ tình thái với chức năng liên nhân có giúp người viết/ người nói bộc lộ cách đánh giá tạo nên sự tương tác với người đọc/ người nghe. 3.4.2. Kết quả phân tích liên kết Thứ nhất, Quy chiếu ngôi và quy chiếu chỉ định được sử dụng không đáng kể. Kết quả này cũng nhận định quan niệm của Brown (dẫn theo Nguyễn Quang, 2002) “Việc sử dụng tên riêng chính là xác định cá nhân như một thể duy nhất”. Thứ hai, VBCNDH tiếng Việt đã sử dụng liên kết logic cao để diễn đạt trong lập luận của diễn ngôn. Thứ ba, các tổ hợp từ ngoài ra, hơn nữa làm liên tố và chỉ cái dùng để so sánh (cách nói khác: hơn thế nữa) trong cú chứa nó, đồng thời nêu lên quan hệ bổ sung với những điều đã nói đến trước đó trong VBCNDH tiếng Việt. 3.5. Tiểu kết (i) Đặc điểm về Trường: quá trình quan hệ được khai thác cao nhất trong VBCNDH tiếng Việt đồng thời độ đậm đặc các thuật ngữ khoa học cao kết hợp với sự xuất hiện của nhiều thuật ngữ khoa học khác đặc biệt là thuật ngữ Latinh và từ Hán - Việt. Đây là một trong những phương tiện quan trọng nhất mang lại cho VBCNDH tiếng Việt khác với các văn bản khoa học khác. Hơn nữa, luận án cũng chỉ ra số lượng chiếm ưu thế của các Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn. Thêm vào đó, có sự xuất hiện số lượng đáng kể của dạng bị động trong VBCNDH tiếng Việt. (ii) Đặc điểm về Không khí: kiểu thức tuyên bố khẳng định chiếm ưu thế tuyệt đối trong VBCNDH tiếng Việt. Ngoài ra, các kiểu tình thái hóa cũng được sử dụng để xây dựng ý nghĩa khách quan trong VBCNDH tiếng Việt. Với việc sử dụng đại đa số các cú tuyên bố khẳng định và một số lượng các yếu tố tình thái cho thấy cách thức trong VBCNDH tiếng Việt thể hiện thái độ đối với thông tin nhìn từ chức năng liên nhân. (iii) Đặc điểm về Cách thức: việc phân tích Đề ngữ đã cho thấy ba bình diện cấu trúc ngữ nghĩa của cú trong VBCNDH tiếng Việt. 15 Đồng thời, chức năng văn bản của VBCNDH tiếng Việt cũng được thể hiện qua các phương thức liên kết chủ yếu là phương thức quy chiếu ngôi, quy chiếu chỉ định và liên kết logic. Đây cũng là một phương tiện đóng góp vào việc tạo tính minh xác và tính chặt chẽ trong VBCNDH tiếng Việt. CHƯƠNG 4 ĐỐI CHIẾU ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN CHUYÊN NGÀNH DƯỢC HỌC TIẾNG ANH VỚI TIẾNG VIỆT 4.2. Đối chiếu đặc điểm về Trường trong VBCNDH tiếng Anh với tiếng Việt 4.2.1. Kết quả đối chiếu đặc điểm Hệ thống chuyển tác 4.2.1.1. Những nét tương đồng: Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt đều được khai thác các yếu tố ngôn ngữ được thể hiện thông qua ba siêu chức năng và khai thác tất cả các kiểu quá trình. Nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ chiếm áp đảo của quá trình vật chất và quá trình quan hệ. Ngoài ra, một đặc điểm giống nhau nổi bật trong cả hai ngôn ngữ đó là quá trình hành vi rất hiếm được khai thác. Thứ hai, quá trình phát ngôn và quá trình tinh thần trong cả hai văn bản đều được khai thác với tỷ lệ cao ngang nhau và cùng có tiềm năng “phóng chiếu thông báo lại”. 4.2.1.2. Những nét khác biệt: Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh khai thác quá trình vật chất nhiều nhất trong khi nó chỉ chiếm vị trí thứ hai, sau quá trình quan hệ trong VBCNDH tiếng Việt. Điều này chứng tỏ hoạt động giao tiếp trong VBCNDH tiếng Anh có liên quan nhiều đến sự vận động. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, những đặc điểm của hóa chất, dược chất, tá dược, thuốc, tình trạng người bệnh v.v thường được minh họa bằng các động từ hướng nội, “đó là những động từ diễn đạt những hành động và trạng thái như những quá trình đóng kín trong phạm vi chủ thể” (Nguyễn Văn Thành, 2003). Thứ hai, sự khác biệt cơ bản giữa phóng chiếu phát ngôn trong cả hai ngôn ngữ. Trong VBCNDH tiếng Anh, hai quá trình này được phóng chiếu để thể hiện Khách thể tường minh thì trong VBCNDH tiếng Việt, quá trình phát ngôn và quá trình tinh thần thường được thể hiện Khách thể tường minh thông qua động từ “thấy” và “cho thấy”. 4.2.2. Kết quả đối chiếu đặc điểm Tham thể/Chủ ngữ và thuật ngữ khoa học 4.2.2.1. Những nét tương đồng: Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt đều khai thác số lượng lớn các cú có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn. Ngoài ra, các cú có Tham thể/Chủ ngữ được tái hiện lại trong hai ngôn ngữ đều là các sự vật, chủ yếu là các thuật ngữ khoa học có liên quan đến một phần chủ đề của văn bản (Kress, 1981). Thứ hai, thuật ngữ dược học trong cả hai ngôn ngữ luôn 16 tồn tại những đơn vị từ vựng mà nó vừa có mặt trong ngôn ngữ thông thường, vừa có mặt trong ngôn ngữ chuyên ngành dược học. Điều này được Lê Quang Thiêm (2006) gọi “đây là quá trình trí tuệ hóa các từ thông thường”. Thứ ba, số lượng lớn mật độ thuật ngữ khoa học dày đặc trong đó có sự kết hợp của thuật ngữ dược học với các thuật ngữ khoa học khác như thuật ngữ hóa học, sinh học, y học v.v. đây cũng là một trong những đặc điểm của ngôn ngữ khoa học mà Lưu Trọng Tuấn đã chỉ ra “Dùng những thuật ngữ đặc thù cho từng ngành khoa học, tuy nhiên có khuynh hướng trao đổi thuật ngữ giữa các ngành khoa học khác nhau” (2008). 4.2.2.2. Những nét khác biệt: Thứ nhất, tỉ lệ cú có Tham thể/Chủ ngữ hiển ngôn trong VBCNDH tiếng Anh cao hơn trong tiếng Việt. Thứ hai, tần số xuất hiện của thuật ngữ khoa học trong các cú có Tham thể làm chủ ngữ trong VBCNDH tiếng Anh cao hơn không đáng kể so với chúng có trong tiếng Việt. Nhưng về nguồn gốc thì có sự khác nhau cơ bản về hệ thuật ngữ dược học trong hai ngôn ngữ. Điều này cho thấy “Thuật ngữ thường gắn liền với nơi sản sinh ra nó, vì thế một thuật ngữ tiếng Anh đôi khi không tìm thấy tương đương hoàn toàn trong tiếng Việt, có thể do khái niệm đó chỉ có ở văn hóa phương Tây chưa chuyển di sang văn hóa Việt, song cũng có thể do cách nhìn khác nhau từ hai nền văn hóa khác nhau cho cùng một khái niệm”(Lưu Trọng Tuấn, 2008). Sự khác biệt đáng kể này cũng có thể được giải thích theo Nguyễn Văn Khang đó là: “chỉ như vậy mới có thể thể hiện chính xác được nội dung của khái niệm vừa nêu” [32, tr. 26]. 4.2.3. Kết quả đối chiếu đặc điểm cấu trúc/dạng 4.2.3.1. Những nét tương đồng: Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt cùng khai thác tỷ lệ dạng bị động cao. Thứ hai, dạng bị động được sử dụng kết hợp với các động từ tình thái giúp người viết diễn ngôn thể hiện thông điệp một cách trang trọng hơn. Thứ ba, việc sử dụng dạng bị động cho phép người viết diễn ngôn có thể diễn giải thông điệp bằng cách đặt các khách thể nhận tác động của hành động vào vị trí của chủ ngữ thay vì đặt các chủ thể (Lâm Thị Thùy Linh, 2011). 4.2.3.2. Những nét khác biệt: Thứ nhất, dạng bị động được sử dụng trong tiếng Anh cao hơn nhiều so với tiếng Việt. Kết quả này được Janice R Mathews và Robert W Mathews (2007) nhận định về dạng bị động được sử dụng trong văn bản khoa học trong Successful scientific writing. Thứ hai, dạng bị động trong VBCNDH tiếng Anh hầu như thường có dạng: Chủ ngữ + be +Quá trình ở mẫu phân từ quá khứ + by. Trong khi đó, trong VBCNDH dược học tiếng Việt, các cú ở dạng bị động được xuất hiện dưới hai hình thức mà ngữ pháp truyền thống gọi là các động từ bị động “bị” và “được”. Sự khác nhau về các cấu trúc tương ứng giữa dạng chủ động và dạng bị động có thể được trình bày như sử dụng thuật ngữ của ngữ pháp hình thức: NP1 + V (chủ 17 động) + NP2 [chủ động]; NP2 + V1 (bị động) + NP2 + V2 [bị động] (Hoàng Văn Vân, 2002). Hoặc, các cú ở dạng bị động trong VBCNDH tiếng Việt, ngoài cấu trúc: Chủ ngữ + được/bị (theo cách gọi của ngữ pháp truyền thống) + Động từ (quá trình) + Chu cảnh (chu cảnh chỉ nguyên nhân) thì còn có nhiều cú được sử dụng với cấu trúc: Chủ ngữ + được/bị + Chủ ngữ + Quá trình (Nguyễn Hồng Cổn & Bùi Thị Diên, 2004). 4.3. Đối chiếu đặc điểm về Không khí trong VBCNDH tiếng Anh với tiếng Việt 4.3.1. Kết quả đối chiếu đặc điểm Thức Thứ nhất, việc khai thác tỉ lệ cao của cú tuyên bố trong cả hai ngôn ngữ kết hợp xu hướng tạo Phụ ngữ tình thái nhằm diễn tả quan điểm của người viết diễn ngôn trong VBCNDH. Thứ hai, dạng thức nghi vấn hoặc thức mệnh lệnh vắng mặt trong cả hai ngôn ngữ mặc dù cùng chỉ sử dụng dạng thức tuyên bố và chủ yếu là thức tuyên bố khẳng định để kiến tạo văn bản. Kết quả này cũng thể hiện rõ nét VBCNDH tiếng Anh cũng như tiếng Việt mang những đặc trưng chung của văn bản khoa học đã được Lưu Trọng Tuấn (2008) chỉ ra như sau: “Văn bản khoa học có chức năng thông báo là chủ yếu, thường trình bày những hiện tượng, quy luật của tự nhiên v.v”. 4.3.2. Kết quả đối chiếu đặc điểm Tình thái 4.3.2.1. Những nét tương đồng: Thứ nhất, Tình thái trong cả hai văn bản cao hơn so với các văn bản thông thường (Ewer & Hughes-Davies, 1971), đây cũng chính là đặc điểm khác biệt giữa văn bản chuyên ngành dược học so với các văn bản khác. Thứ hai, VBCNDH tiếng Anh và tiếng Việt cùng sử dụng động từ tình thái nhiều hơn tình thái chỉ sự thường lệ, có nghĩa là người nói/ người viết muốn đưa ra nhận xét, quan điểm của mình một cách khách quan hơn khi họ dùng trạng từ, tính từ hoặc danh từ (Nguyễn Thị Thu Thủy, 2012) 4.3.2.2. Những nét khác biệt: Thứ nhất, VBCNDH tiếng Anh dường như phù hợp hơn với kiểu kiến thức khám phá chỉ mang “tính xác suất” hay “tính không chắc chắn” (Halliday, 1993), Moss (2000). Như vậy, mặc dù không có sự khác biệt đáng kể nhưng với cách kiến tạo văn bản theo kiểu này trong VBCNDH tiếng Anh đã giúp người đọc có khả năng đàm phán văn bản cao hơn so với văn bản tiếng Việt. Thứ hai, trong văn phong khoa học tiếng Anh và tiếng Việt, xu hướng sử dụng động từ tình thái (có thể/ có khả năng/ có năng lực/ được phép/ biết) được sử dụng nhiều hơn so với các phụ ngữ tình thái. Thứ ba, kiểu kiến tạo văn bản với các phụ ngữ tình thái chỉ “sự thường lệ” xuất hiện ở cả hai ngôn ngữ cho thấy “Phụ ngữ tình thái rất quan trọng về mặt chức năng trong cú” (Halliday, 1993). Tuy nhiên, phụ ngữ tình thái xuất hiện chỉ có 12 lần/2.101 cú (chiếm 0,6%) trong VBCNDH tiếng Anh, trong khi đó chúng xuất hiện 20 lần/1.161 cú (chiếm 1,7%) trong VBCNDH tiếng Việt. Kết quả này có thể lý giải sự khác nhau về về việc ưa chuộng cách sử dụng 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan