Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Công trình nghiên cứu tìm về cuội nguồn quan họ...

Tài liệu Công trình nghiên cứu tìm về cuội nguồn quan họ

.PDF
229
101
135

Mô tả:

Liªn hiÖp c¸c héi khoa häc vµ kü thuËt viÖt nam Trung t©m nghiªn cøu b¶o tån vµ ph¸t huy v¨n hãa d©n téc _______________________________________ C«ng tr×nh nghiªn cøu T×m vÒ céi nguån quan hä Chñ nhiÖm GS Hoµng Ch−¬ng Nhãm nghiªn cøu NNC NguyÔn ThÕ Khoa PGS.TS §Æng ViÖt BÝch TS Ph¹m ViÖt Long NS D−¬ng §×nh Minh S¬n TS §oµn ThÞ T×nh NS NguyÔn Thanh Ng©n NNC Lý Kh¾c Cung 6624 09/11/2007 1 “...Khi một bài hát quan họ được biểu diễn, tôi cảm như đã được thấy những nhạc sĩ thiên tài và nhà thơ xuất sắc của đất Kinh Bắc...Những nhạc sĩ và nhà thơ dân gian ấy có phải đâu xa lạ với chúng ta. Chính là các cụ ông, cụ bà ở vùng Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng thời xưa, các cụ tổ tiên của chúng ta...” . Vũ Ngọc Phan Nếu đời còn có đời sau Tôi xin trở lại hát câu tâm tình Theo làn quan họ Bắc Ninh Với người quan họ kết tình anh em. Huy Cận 2 Phần mở đầu LỊCH SỬ VÀ MỤC TIÊU ĐỀ TÀI Quan họ là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, diễn xướng dân gian độc đáo, hấp dẫn, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật to lớn và có sức sống lâu bền bậc nhất trong lịch sử văn hoá Việt Nam, ra đời, phát triển và đạt đến đỉnh cao tại các làng quê xứ Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, quan họ là một tổng thể do nhiều yếu tố văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Kinh Bắc hợp thành qua một quá trình lịch sử lâu dài. Nó là một chỉnh thể văn hoá nghệ thuật gắn bó sâu sắc với thiên nhiên, con người, với văn hóa, văn minh làng xã, thu hút và biểu hiện những ước mơ, những nguyện vọng, những khát vọng, thể hiện quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người nơi đây. Theo chiều dài lịch sử, sinh hoạt văn hoá quan họ đã sáng tạo, dung nạp, chuyển hóa, sinh thành, đào thải...trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá với các hình thức sinh hoạt văn hoá khác ở địa phương, ở trong nước và các nước láng giềng để thích nghi, đáp ứng những nhu cầu phát triển qua từng thời đại, nên giá trị nội dung, nghệ thuật của sinh hoạt văn hoá quan họ giàu có, phức tạp, đa diện, phát triển và biến hoá không ngừng. Sáng tạo sinh hoạt văn hóa quan họ, với những phong tục, lề lối in đậm truyền thống nhân văn dân tộc, với những làn điệu và lời ca tài hoa, độc đáo, duyên dáng, tinh tế, người Kinh Bắc đã cho thấy một đời sống tinh thần vô cùng phong phú, rộng mở và một khả năng sáng tạo, thưởng thức văn hoá 3 nghệ thuật ở trình độ cao từ xa xưa. Nói như nhà nghiên văn hoá dân gian tiền bối Vũ Ngọc Phan thì dân ca quan họ đã cho thấy các làng quê xứ Kinh Bắc có thể sản sinh ra “những nhạc sĩ dân gian thiên tài” và “những nhà thơ dân gian xuất chúng” như thế nào. Quan họ đã trở thành một đặc sản văn hoá đầy tự hào của người dân Kinh Bắc, một biểu hiện rực rỡ của truyền thống văn hoá văn minh và nghệ thuật Việt Nam. Việc sưu tầm nghiên cứu, giới thiệu quan họ như một sinh hoạt dân ca độc đáo, tiêu biểu của dân tộc đã được một số nhà nghiên cứu văn hoá, học giả nước ta khởi xướng từ trước cách mạng tháng Tám. Bắt đầu là tác giả Chu Ngọc Chi với công trình sưu tầm giới thiệu “Hát quan họ” (Nhà xuất bản Phú Hiệp Sài Gòn, 1928). Tiếp theo là Nguyễn Văn Huyên với luận văn tiến sĩ tại đại học Sorbone, Pari, năm 1934, có tên gọi “Hát đối đáp nam nữ thanh niên”. Sau đó là một số bài du ký, tiểu luận in trên báo chí đương thời của các tác giả như Vũ Bằng, Nguyễn Duy Kiện, Việt Sinh, Minh Trúc, Mạnh Quỳnh, Toan Ánh...và dân ca quan họ đã được giới thiệu trong sách “Việt Nam văn học sử yếu” của học giả Dương Quảng Hàm. Tuy vậy, theo GSTS Trần Văn Khê, những công trình nhỏ lẻ giai đoạn này chưa được mấy người biết tới. Bản thân Trần Văn Khê cho tới đầu 1950 vẫn chưa hình dung ra dân ca quan họ là thế nào. Trong kháng chiến chống Pháp, việc sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, phục hồi dân ca quan họ đã được tiến hành giữa khói lửa chiến tranh ngay tại chiến khu Việt Bắc và mười bài quan họ đã có mặt và được hoan nghênh nồng nhiệt trong chương trình biểu diễn chào mừng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Đoàn Văn công Quân đội. Sau đó, nhiều tiết mục dân ca quan họ đã xuất hiện và gây chú ý lớn tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 cũng như được các nghệ sĩ Việt Nam đưa đi trình diễn tại các 4 Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới và được dư luận bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Sự chinh phục hiển nhiên, ngoạn mục của âm nhạc và lời ca quan họ trên các sân khấu trong nước và thế giới đã tạo ra cả một phong trào sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi dân ca quan họ từ sau 1954 trên miền Bắc XHCN. Các nhạc sĩ Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Lê Yên, Lê Huy, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Tấn, Tử Phác, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Lưu Khâm, Hồng Thao. Nguyễn Trọng Anh, Hữu Thu...các nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, Lê Thị Nhâm Tuyết, Lê Văn Hảo, Nguyễn Địch Dũng, Lê Trung Vũ, Lê Hồng Dương, Đặng Văn Lung, Trần Linh Quý, Lê Danh Khiêm... đã dành nhiều sự quan tâm sưu tầm nghiên cứu dân ca quan họ. Hai tập sách “Dân ca quan họ Bắc Ninh” của các tác giả Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc được nhà xuất bản Văn hoá xuất bản năm 1961 và “Một số vấn đề về dân ca quan họ” do Ty Văn hoá Hà Bắc xuất bản năm 1972, tập hợp những tham luận tại 4 cuộc hội thảo về quan họ trong các năm 1965, 1967, 1969, 1971 được tổ chức tại cái nôi quan họ Hà Bắc, có thể coi như hai công trình tiêu biểu cho những thành tựu sưu tầm nghiên cứu dân ca quan họ cho đến trước năm 1975 ở trong nước. Cùng thời gian này, ở châu Âu, GSTS Trần Văn Khê cũng đã bắt đầu giới thiệu dân ca quan họ trong hai công trình “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” và “Hát quan họ”. Năm 1969, sự kiện Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc ra đời cũng là một cột mốc có ý nghĩa trong công tác sưu tầm nghiên cứu quảng bá dân ca quan họ. Từ sau năm 1975 cho đến nay, việc sưu tầm nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi dân ca quan họ đã tiến thêm những bước mới ở trong nước cũng như ngoài nước. Ở ngoài nước, các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Việt kiều như Trần Văn Khê, Trần Quang Hải, Nguyễn Thuyết Phong, Hoàng Ngọc Tuấn, 5 Hoàng Việt Khanh...tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu, giới thiệu dân ca quan họ đầy đủ và toàn diện hơn nhờ tiếp thu, cập nhật được các thành tựu sưu tầm nghiên cứu trong nước và của folklore học, dân tộc nhạc học thế giới. Riêng GSTS Trần Văn Khê đã có tới hơn 60 bài viết về quan họ trên sách báo quốc tế. Nhiều đoàn nghiên cứu, nhiều chuyên gia âm nhạc và dân tộc nhạc học thế giới đã đến Việt Nam để nghiên cứu giới thiệu dân ca quan họ. Đáng chú ý nhất ở trong nước trong thời kỳ này là các sự kiện: phục hồi các lễ hội truyền thống tại các làng quan họ cổ truyền, công bố các cuốn sách: “Quan họ - Nguồn gốc và quá trình phát triển” của các tác giả Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (Nhà xuất bản khoa học xã hội-528 trang-1978), “Dân ca quan họ” (Nhà xuất bản âm nhạc - 1997) ,“300 bài dân ca quan họ Bắc Ninh” (Viện nghiên cứu âm nhạc - 960 trang - 2002) cùng của tác giả Hồng Thao và việc Nhà nước ta cho phép ngành văn hoá thông tin và tỉnh Bắc Ninh chính thức lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca quan họ là “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại”. Với việc thành lập Đoàn dân ca quan họ Hà Bắc (nay là Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh), lần đầu tiên chúng ta có một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nhà nước chuyên về quan họ. Mục tiêu ban đầu của đoàn rất rõ: tập hợp các nghệ nhân quan họ lão thành và các tài năng trẻ là các là liền anh, liền chị từ các làng quan họ để phục hồi và phát triển nghệ thuật quan họ cổ truyền. Trong những năm từ 1970-1974, các nghệ sĩ trẻ từ 13 đến 20 tuổi của Đoàn, vốn được tuyển lựa từ các làng quan họ cổ truyền, đã về ở tại các làng quan họ, được các nghệ nhân truyền dạy trực tiếp từng làn điệu, từng câu hát, từng mỗi luyến láy và mỗi nghệ sĩ trẻ đã tích luỹ được cả trăm bài hát quan họ cổ truyền. Tiếp đến đoàn đã dựng hai chương trình tái hiện quan họ hát hội và quan họ hát canh với tên gọi “Quan họ ngày hội” và “đón bạn ngày xuân”. Sau khi trình diễn để xin ý kiến nghệ nhân và nhân dân các làng 6 quan họ, Đoàn đã có chuyến công diễn ra mắt lịch sử gần nửa tháng trời tại Hà Nội vào đầu tháng 5/1974 và được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giới văn hoá nghệ thuật và nhân dân thủ đô hoan nghênh nhiệt liệt. Sự có mặt của Đoàn dân ca quan họ có tác dụng nhất định kích thích sự phục hồi và phát triển sinh hoạt quan họ tại địa phương cũng như giới thiệu nghệ thuật ca hát quan họ với người xem trong nước và thế giới. Tiếng hát quan họ đã được những tên tuổi rất được mến mộ như Thuý Cải, Ba Trọng, Thuý Hường, Khánh Hạ...đưa đi rất xa và có sức chinh phục lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Đoàn đã không kiên trì được định hướng tốt đẹp ban đầu, việc cải biên, chỉnh lý theo các nguyên tắc tân nhạc hoá và sân khấu hoá vội vàng, ồ ạt, nhằm thoả mãn thị hiếu của một số công chúng đã làm các tiết mục biểu diễn của đoàn đi quá xa cội nguồn, đánh mất nhiều tinh hoa hương sắc của dân ca quan họ cổ truyền, bị giới quan họ truyền thống dị ứng, vẫn coi như các sản phẩm của một thứ “quan họ đài”, “quan họ đoàn”, tức chỉ là hình thức ca nhạc mới mang màu sắc quan họ chứ không còn là quan họ đích thực. Việc phục hồi các lễ hội truyền thống của các làng quan họ trong nhưng năm đổi mới đã tạo ra một động lực mạnh mẽ, một nền tảng lớn để phục hồi dân ca quan họ. Dân ca quan họ, về cơ bản, là nghệ thuật ca hát của các hội làng quan họ, do nhân dân tại các làng quan họ sáng tạo, gìn giữ và truyền bá, pgát triển. Các hội làng Kinh Bắc là môi trường tốt nhất, lý tưởng nhất để bảo tồn, phát huy, phát triển dân ca quan họ. Các nhóm quan họ, “bọn quan họ” được phục lập, các cuộc hát thi, hát hội hát canh lại được tổ chức tại các hội làng. Dân ca quan họ đã phần nào trở lại tại các hội Lim, hội Diềm, hội Nhồi, hội Ó, hội Thổ Hà, hội Bùi, hội Chắp...Tuy vậy, có thể nhận thấy sinh hoạt quan họ tại các hội làng hiện nay cũng khá lai tạp, nhiều phong tục, lề lối cao đẹp xưa đã bị tuỳ tiện bỏ qua và cũng là nơi các loại 7 “quan họ đoàn”, “quan họ đài”, quan họ thương mại lấn át quan họ cổ truyền. Như vậy, không chỉ ở các “đoàn”, “các “đài”, mà ngay tại các làng quan họ truyền thống, các loại quan họ nhạc mới, quan họ biểu diễn cũng đang chiếm thế thượng phong. Thậm chí, một quan chức lãnh đạo ngành văn hoá thông tin quê hương quan họ đã từng không ngần ngại công khai phát biểu rằng đã đến lúc nên đưa quan họ cổ truyền, quan họ sinh hoạt đã già cỗi, lỗi thời vào viện bảo tàng để cho quan họ nhạc mới, quan họ biểu diễn, một thứ quan họ mà ông cho là thích hợp với thời đại mới, rộng đường phảt triển. Nguy cơ mai một thứ quan họ thuần chất, tuyệt đẹp từng có cũng đã xuất hiện tại nơi được coi là cái gốc của dân ca quan họ, nơi dân ca quan họ nảy nở, phát triển, thăng hoa và đạt đến những đỉnh cao chói lọi. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do sự thiếu hiểu biết toàn diện, sâu sắc về truyền thống quan họ, về những đặc trưng nghệ thuật và quy luật bảo tồn phát triển của nó cùng sự bối rối mất phương hướng trong việc giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giao lưu và hội nhập. Những thành tựu nhiều mặt trong công tác sưu tầm nghiên cứu quan họ cổ truyền đã không được các nhà quản lý và những người thực hành quan họ biết, hiểu, nắm vững và vận dụng trong thực tế phục hồi và phát triển dân ca quan họ. Cần khẳng định rằng thành tựu sưu tầm nghiên cứu về dân ca quan họ trong hơn nửa thế kỷ qua dưới ánh sáng của đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng và các chính sách của Nhà nước ta là không nhỏ. Nổi bật nhất trong việc sưu tầm dân ca quan họ là các công trình “Dân ca quan họ Bắc Ninh” (của nhóm tác giả Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc) với bộ sưu tập 200 làn điệu và 320 bài ca quan họ khác nhau, “Dân ca quan họ - Lời ca và bình 8 giải” (Lê Danh Khiêm, Hoắc Công Huynh- Trung tâm Văn hoá quan họ Bắc Ninh 2001) với 213 giọng quan họ và 346 bài ca, “300 bài dân ca quan họ Bắc Ninh” của Hồng Thao, một người Hà Nội vì yêu quan họ đã lên sinh sống ở Thị Cầu Bắc Ninh, chịu nghèo khó, hy sinh trọn đời để sưu tầm nghiên cứu quan họ. Có thể nói công phu và nghiêm cẩn nhất là công trình của Hồng Thao sưu tầm, ghi âm, ký âm chú giải hết sức trung thực, kỹ lưỡng 174 làn điệu dân ca quan họ và hơn 100 dị bản chọn lọc từ chính các nghệ nhân nổi tiếng ở các làng quan họ, không cải biên, không chỉnh lý. Trong công tác nghiên cứu, các nhạc sĩ Văn Cao, Lê Yên, Lưu Hữu Phước, Tú Ngọc, Nguyễn Viêm, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Đình Phúc, Đôn Truyền... có những phát hiện, đúc kết quý giá về những đặc sắc âm nhạc học của dân ca quan họ như một trong những đỉnh cao của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đặc biệt nhạc sĩ Hồng Thao, người nhạc sĩ đã thực sự hiến mình cho dân ca quan họ, không những cần mẫn thận trọng trong sưu tầm mà còn xuất sắc nổi bật trong nghiên cứu. Với “Dân ca quan họ”, chính Hồng Thao đã có một công trình phân tích, kiến giải, tổng kết cụ thể, toàn diện, sâu sắc, khoa học và có sức thuyết phục về tính chất và đặc điểm của âm nhạc và ca hát quan họ. Nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung đóng góp một công trình mô tả khá sâu sắc, toàn diện về không gian văn hoá, nguồn gốc và quá trình phát triển của dân ca quan họ với tư cách là một hình thức diễn xướng dân gian Kinh Bắc. Nhà nghiên cứu Trần Linh Quý rất nhạy cảm, sáng tạo khi phục hiện được chân dung tinh thần cùng tài năng và những đặc điểm sáng tạo của “Người nghệ sĩ quan họ”, nhân vật trung tâm của dân ca quan họ . Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có những công trình có tính chất tổng kết những đặc trưng cơ bản của dân ca quan họ, một hình thức diễn xướng dân gian, một thể loại âm nhạc cổ truyền đã đạt đến đỉnh cao, đã được luyện thành ‘vàng mười” và có sức sống xuyên thời gian, xuyên không gian, tìm ra 9 các quy luật bảo tồn và phát triển được hình thành từ chính trong quá trình phát triển, biến hoá của quan họ, mạnh dạn chỉ ra những cái bất biến và khả biến của dân ca quan họ, góp phần giúp việc bảo tồn và phát triển sinh hoạt âm nhạc truyền thống độc đáo này đúng hướng, đạt hiệu quả cao, không “gieo vừng ra ngô” như Bác Hồ từng cảnh báo. Công trình này của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong muốn bước đầu bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó trong công tác nghiên cứu dân ca quan họ. Trên cơ sở phác hoạ toàn cảnh không gian văn hoá của quê hương quan họ, phục hiện chân dung sinh hoạt quan họ với những phong tục lề lối, các chức năng và hình thức diễn xướng cùng chân dung người nghệ sĩ quan họ, “một trong những hình mẫu về người nghệ sĩ Việt Nam chân chính”, phân tích những đặc sắc về âm nhạc, ca hát, văn học và trang phục quan họ, công trình của chúng tôi hướng đến việc tìm ra những đặc trưng cơ bản, bất hủ của dân ca quan họ, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển dân ca quan họ trong cuộc sống hôm nay và trong tương lai. Đây là dạng công trình vừa mang tính chất nghiên cứu cơ bản, tổng hợp vừa có tính chất ứng dụng, thực hành xã hội. Trong tên gọi “Tìm về cội nguồn quan họ” mà chúng tôi tạm đặt cho công trình, từ cội nguồn nghiêng về nghĩa là những hạt nhân cơ bản, những tinh hoa có tính chất đặc trưng, bản chất, những ADN di truyền của quan họ mà nếu đánh mất nó trên con đường biến đổi phát triển, quan họ sẽ không còn là quan họ. Với nội dung và mục tiêu nghiên cứu đó, công trình của chúng tôi sẽ có các phần nghiên cứu sau: Chương I 10 Kinh Bắc, không gian văn hoá của quê hương quan họ. Chương II Từ những truyền thuyết về nguồn gốc và thời điểm ra đời của dân ca quan họ. Chương III Chân dung sinh hoạt văn hoá quan họ xưa. Chương IV Âm nhạc và ca hát quan họ. Chương V Văn học quan họ Chương VI Trang phục quan họ. Chương VII Thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy văn hoá quan họ. Đây là một nhiệm vụ nghiên cứu rất khó khăn, phức tạp, có những đòi hỏi cao về lý luận và thực tiễn đối với các thành viên nghiên cứu. Tuy được tận hưởng thành tựu phong phú của các nhà nghiên cứu đi trước và có nhiều cố gắng tổng hợp, phát triển cũng như mạnh dạn nêu ra những phát hiện, chiêm nghiệm, những kiến giải và đề xuất mới theo đòi hỏi của thực tiễn, nhưng do trình độ và thời gian có hạn, chắc chắn công trình còn nhiều thiếu sót, bất cập, mong nhận được những bổ sung chỉ giáo của các bậc tiền bối cùng đồng nghiệp gần xa quan tâm tới dân ca quan họ. 11 Chuơng Một KINH BẮC KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỦA QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ I. Kinh Bắc - quê hương quan họ. Dù thường được gọi là dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng quê hương dân ca quan họ không chỉ thuộc địa phận Bắc Ninh mà còn bao gồm cả một số địa phương của Bắc Giang. Từ trước cách mạng tháng Tám, hai nhà nghiên cứu Minh Trúc và Toan Ánh trên báo Trung Bắc tân văn từ năm 1937 và trong sách Phong tục Việt Nam năm 1943, cho biết các làng Thổ Hà, Mật Ninh, Nội Ninh và một số làng khác ở Lục Ngạn, Việt Yên, Bắc Giang cũng biết hát và lập hội hát quan họ nhộn nhịp vào mùa xuân như các làng ở Võ Giàng, Tiên Du, Yên Phong, Bắc Ninh. Trong 49 làng quan họ truyền thống như mọi người thường nhắc, ngoài 44 làng thuộc ba huyện Bắc Ninh thì có 5 làng thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang. Trong các đợt điền dã gần đây để nghiên cứu dân ca quan họ tại các địa phương Bắc Giang trong năm 2005, hai nhà nghiên cứu trẻ của Viện Văn hoá Thông tin Bùi Quang Thanh và Phạm Nam Thanh cho biết đã phát hiện thêm 15 làng quan họ cổ truyền nữa tại các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hoà với hàng chục nghệ nhân có tuổi đời từ 75 đến 95 và hàng trăm liền anh, liền chị các thế hệ. Như vậy, ta càng có căn cứ để khẳng định dân ca quan họ đã hình thành và phát triển trên một cùng rộng lớn cả hai bờ nam bắc sông Cầu thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay và trấn Kinh Bắc xưa. 12 1. Kinh Bắc qua các thời kỳ lịch sử. Kinh Bắc là một trong Tứ trấn quanh kinh đô Thăng Long xưa, cùng với trấn Sơn Nam, trấn Hải Đông và trấn Hưng Hóa (tức trấn Đoài, Đoài có nghĩa cổ là phía tây, hướng tây). Trong dân gian có câu: Làm trai cho đáng nên trai, Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên. Tục ngữ có câu: Ăn Bắc, mặc Kinh Nhiều người cho đến giờ phút này vẫn hiểu lầm Bắc ở đây là Bắc Bộ châu thổ sông Hồng, còn Kinh là Kinh thành Huế - Phú Xuân thời Nguyễn. Hiểu như thế rất sai! Bắc ở đây là trấn Kinh Bắc, xứ Kinh Bắc. Còn Kinh ở đây là kinh đô hay kinh kỳ Thăng Long, là Đông Kinh, là Kẻ Chợ, nay là Hà Nội thân yêu của chúng ta. Mặc Kinh nghĩa là dân kinh đô thì mặc đẹp, trưng diện… còn ăn Bắc tức là dân Kinh Bắc ăn ngon, ăn nhiều, đánh chén lu bù. Kinh Bắc là địa danh xuất hiện từ Lý triều. Khi đó họ Lý lên làm vua, nắm binh quyền ở Thăng Long. Họ Lý phát tích từ Kinh Bắc. Nhưng đất Kinh Bắc thì không phải từ đời Lý mới có mà nó hiện diện từ rất sớm, ngay trong thời Hùng Vương dựng nước. Vào thời vua Hùng dựng nước, vùng Kinh Bắc quê hương quan họ thuộc về bộ Vũ Ninh, một bộ lâu đời và quan trọng của người Lạc Việt. Vào thời nước Âu Lạc của An Dương Vương - Thục Phán thì Kinh Bắc thuộc về lãnh địa của đất Long Biên (Bộ lạc Long Biên, tức bộ lạc Rồng) trong khi đất Tây Vu (Bộ Tây Vu) thuộc bộ lạc Rùa. Thời kỳ Hán triều (Tây Hán) diệt nước Nam Việt của dòng họ Triệu, chiếm luôn nước ta (Giao Chỉ, Âu Lạc) thì lúc này vùng Kinh Bắc thuộc huyện Long Biên, Giao Chỉ quận. 13 Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1827 – 1910), tác giả Sử học bị khảo, cho rằng: thời Hán, thành Long Biên ở Quế Dương, Võ Giàng (nay thuộc Bắc Giang). Trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời (1964) thì học giả Đào Duy Anh lại quan niệm rằng: thành Long Biên chính là thị xã Bắc Ninh ngày nay hoặc nằm ở phía bắc thị xã Bắc Ninh. Thế kỷ VI Lý Bý (tức Lý Bôn) khởi nghĩa và lập nên vương quốc Vạn Xuân. Long Biên là kinh đô của vương quốc Vạn Xuân. Nhưng triều đại của họ Lý (Lý Bôn – Lý Phật Tử) tồn tại không lâu. Vào thời Tùy và Đường đất Kinh Bắc thuộc huyện Long Biên, Giao Châu. Thời kỳ Loạn 12 sứ quân, Kinh Bắc thuộc vùng kiểm soát của một sứ quân là Nguyễn Thủ Tiệp. Thời Lý, vùng Kinh Bắc thuộc địa hạt của Bắc Giang Lộ. Thời Trần tình hình vẫn như vậy. Thời Lê Thánh Tông, đất nước được chia thành 12 Thừa Tuyên. Danh từ, danh xưng hay địa danh Kinh Bắc xuất hiện ở thời kỳ Lê Thánh Tông. Khi Nguyễn Ánh lên làm vua (1802), chia Bắc Bộ làm 11 trấn thì Kinh Bắc là một trong số 11 trấn đó, và là một trong 5 Nội trấn. Năm 1822 vua Minh Mạng đổi trấn Kinh Bắc thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831 ông ta lại đổi một lần nữa từ trấn Bắc Ninh thành ra tỉnh Bắc Ninh. Năm 1895 viên toàn quyền người Pháp ở Đông Dương là Arousseau ký nghị định tách tỉnh Bắc Ninh thành 2 tỉnh là: Bắc Giang và Bắc Ninh. Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, địa giới hành chính hai tỉnh vẫn giữ nguyên. Trong gần ba thập kỷ 1960-1990, Bắc Ninh - Bắc Giang được hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc và đến cuối những năm 1990 thì chia lại như cũ. 14 a/Kinh Bắc thời Đông Sơn – Hùng Vương Cách đây 6000 năm thì biển còn vào tới tận Việt Trì. Cách đây 4000 năm thì biển vào tới tận nơi mà bây giờ là thị xã Sơn Tây. Sự hình thành đồng bằng sông Hồng là một quá trình lịch sử trường kỳ. Nhưng vùng đất Kinh Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) thì đã xuất hiện từ rất lâu đời, ngay từ thời Hùng Vương dựng nước. Bắc Giang là một vùng đất cổ với sự hiện diện của văn hóa Sơn Vi với niên đại cách đây khoảng từ 2 đến 3 vạn năm (20000 năm đến 30000 năm), với 14 địa điểm (14 di chỉ, di chỉ văn hóa). Thời Hùng Vương và An Dương Vương, Bắc Giang có 7 làng cổ và địa điểm khảo cổ học. Bắc Ninh có tới 33 làng cổ và khu mộ cổ. Tại đây đã mọc lên nhiều xóm làng của tổ tiên người Việt. Cũng đã xuất hiện tại Kinh Bắc nền văn hóa trồng lúa nước và nền văn minh, nền kỹ nghệ luyện kim (màu) phát triển, nâng cao cùng các nghề thủ công và cả một nền nghệ thuật thể hiện trên trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ. Trên trống đồng ta thấy hiện diện đầy đủ các nhạc cụ dân tộc: khèn bè, sáo, trống, sênh, chũm, chọe… Tại Luy Lâu, năm 1997 người ta phát hiện ra được mảnh khuôn đúc trống đồng. Điều này khẳng định rõ rệt trống Đông Sơn có nguồn gốc bản địa Giao Chỉ (Bắc Bộ). Luy Lâu nói riêng và Kinh Bắc nói chung là nơi mà ngày xưa trống đồng Đông Sơn được sản xuất. Kinh Bắc vào thời Hùng Vương là bộ Vũ Ninh, một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Lạc Việt của người Việt cổ. Hùng Vương là thủ lĩnh của bộ Văn Lang, bộ lớn nhất, quan trọng nhất về dân số, binh lực, về kinh tế và văn hóa trong tổng số 15 bộ của nước Văn Lang. Chính vì Văn Lang là bộ quan yếu nhất mà thủ lĩnh bộ này được tập thể các thủ lĩnh bầu làm quân trưởng (nghĩa là quốc trưởng) của nước Văn Lang; nghĩa là liên minh bộ lạc của người Việt cổ. 15 Kinh Bắc là quê hương của nhiều bộ lạc cổ như bộ lạc Trâu, bộ lạc Dâu (Luy Lâu), bộ lạc Rồng (Long Biên). Còn Tây Vu trong đó có Cổ Loa thì lại là quê hương bộ lạc Rùa. Bộ lạc của thủ lĩnh Hùng Vương chính là bộ lạc Chim (M’ling – Mê Linh), nó cũng có tên Văn Lang. Ta nhớ Lang của để chỉ khái niệm chim hay chim chóc. Từ lang trong lang sói nghĩa là chim ác. Truyền thuyết của ta có nói tới Gà trắng (Bạch Kê). Gà thì cũng chỉ là một loài chim, vốn là chim rừng (gà rừng) có nguồn gốc Đông Nam Á. Thời trước sách giáo khoa có nói gà rừng có cội nguồn Mã Lai. Gà rừng được nuôi thành gà nhà, gia cầm, cũng như vịt, ngan, ngỗng nhà… Gia cầm thì hoặc không biết bay hoặc chỉ vỗ cánh bay được tầm ngắn. vài mét… Truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa có nói tới tinh trắng. Tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong còn có miếu Bạch Kê. Như thế Bộ Văn Lang là Bộ Chim, nó cũng có tên gọi khác là M’linh (chim m’linh), sau này Hán ngữ phiên âm M’linh thành Mê Linh - huyện Mê Linh, quê gốc của Hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. b/Kinh Bắc thời Bắc thuộc Giai đoạn Âu - Lạc trong Việt sử chỉ diễn ra trong một thời gian nắng ngủi (-258 đến -180). Từ -258 Thục Phán – là thủ lĩnh người Âu Việt – đã chiến thắng Hùng Vương, thủ lĩnh Lạc Việt. Hai bộ phận cư dân này kết hợp làm một sức mạnh, một quốc gia, có tên Âu - Lạc. Từ -180 nước Âu - Lạc của Thục Phán – An Dương Vương bị mất vào tay Triệu Đà - người gốc Hán ở Chân Định – làm quan cai trị nước Việt. Nước Việt này thuộc Hoa Nam, trung tâm là Quảng Đông. Triệu Đà đã bị Việt hóa, gần như quên mất tiếng nói của Trung Hoa, theo tục lệ phương Nam, thích coi gà chọi, búi tó củ hành và đặc biệt là Đà thích ngồi xổm. Khi tiếp sứ Hán là Lục Gia, Đà tự xưng là già làng của người phương Nam (Nam 16 man đại trưởng lão phu). Rõ ràng muốn làm vua của dân phương Nam Bách Việt. Đã không có cách nào khác ngoài việc phải Việt hóa, sống theo phong cách tập tục, văn hóa Bách Việt. Tuy nhiên với triều đình họ Triệu thì nước ta đã tiếp thu văn hóa Hán tộc. Qua Triệu Đà, miền đất Giao Chỉ - Lạc Việt – Văn Lang của nước ta xưa, cũng dần dần tiếp nhận ảnh hưởng ngôn ngữ văn hóa Hán. Gần đây chúng ta đã khai quật được một trống đồng cổ, có niên đại vào khoảng thời Âu - Lạc và Triệu Đà, có khắc chữ Hán. Nhưng ảnh hưởng của Trung Hoa đời Hán chỉ vào nước ta nhiều, nhanh và mạnh từ khi nhà Hán chiếm hẳn Giao Chỉ cũng như diệt nhà Triệu. Nhà Hán lập ra thuộc địa Giao Châu nghĩa là Châu Giao. Thành phần Giao Châu bao gồm Quảng Đông (cả Hải Nam đảo), Quảng Tây, Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ - Thanh, Nghệ, Tĩnh) và cả Nhật Nam. Nhật Nam nghĩa là phía Nam của Mặt trời. Nhật Nam là đất của người gốc Chăm. Địa giới tận cùng về Nam của Nhật Nam cũng như của Giao Châu chính là đèo Cù Mông, nay thuộc Bình Định. Điều đáng nói liên quan đến Kinh Bắc chính là ở chỗ Hán triều đóng sở lỵ Giao Châu tại Luy Lâu. Luy Lâu có một vị thế kép, vừa là sở lỵ quận Giao Chỉ (Bắc Bộ), vừa là thủ phủ của toàn bộ xứ Giao Châu. Từ đây bộ máy cai trị của nhà Hán sẽ chỉ huy toàn cõi Giao Châu. Chính bởi thế Luy Lâu đóng một vai trò quan yếu về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa. Luy Lâu là nơi chuyển tải ảnh hưởng Trung Hoa vào nước ta. Nó cũng là nơi tiếp nhận ảnh hưởng của Ấn Độ, của Phật giáo vào Giao Chỉ. Ảnh hưởng Trung Hoa trước hết phải nói tới vai trò của Hán tự, của đạo Khổng, của nền Nho học. Từ Luy Lâu văn hóa Hán và Hán tự, đạo Nho lan tỏa ra cùng vùng khác của cả nước. 17 Ảnh hưởng của Phật giáo, từ Tây Trúc cũng đã vào nước ta, qua cửa sổ Luy Lâu. Có thể đạo Phật đã tràn vào quận Nhật Nam của người Chăm trước sau đó mới vào cùng người Việt ở Luy Lâu. Từ Luy Lâu, đạo Phật tìm thấy một căn cứ quan trọng để đi tiếp vào Phiên Ngung (Quảng Châu, Dương Thành) và vào Hoa Nam (Giang Nam) nói chung. Luy Lâu (Dâu) đóng vai trò một trung tâm khuếch đại sóng văn hóa Phật giáo để nó đi tiếp vào Hoa Nam. Chùa Dâu (Sơn môn Dâu) có một vai trò hết sức quan trọng vào việc truyền bá Phật giáo ở xứ Giao Chỉ và toàn bộ Giao Chỉ cùng Cửu Chân. Phật giáo vào Giao Chỉ khi mà văn hóa bản địa Đông Sơn bị tan rã, bị thủ tiêu, sau sự kiện khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị thất bại (năm 43 sau công lịch), cơ cấu văn hóa, văn minh và xã hội Đông Sơn bị giải thể hoàn toàn sau Hai Bà Trưng tại đồng bằng sông Hồng. Do đó Phật giáo có thể tràn vào Giao Chỉ khi mà dân cư ở đây muốn có một chỗ bấu víu về tinh thần sau khi Hai Bà Trưng thất bại. Sau khi Mã Viện đàn áp thành công Hai Bà Trưng, dập tắt ý chí kháng cự trong một thời gian nào đó của cư dân Giao Chỉ và cả cư dân Hoa Nam gốc Bách Việt nữa, thì xuất hiện một khoảng trống trong đời sống tinh thần, trong tâm linh cư dân Giao Chỉ và Hoa Nam. Do vậy Phật giáo tràn đến mà không gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ nào của cư dân bản địa. Khổng giáo và nền Nho học giúp đào tạo ra hệ thống quan lại, những công bộ của chế độ phong kiến. Nho học, đạo Nho nắm phần trên của xã hội. Còn phần dưới của xã hội Giao Châu thời Bắc thuộc thì theo Phật giáo. Cần nhấn mạnh là hai thứ tôn giáo, hai loại đạo là đạo Nho và đạo Phật đã xác định được vị trí trong môi trường xã hội Giao Chỉ và cả Giao Châu rộng lớn. Hai cái đó bổ sung cho nhau, tạo nên bộ khung tinh thần xã hội. Tuy nhiên, điều dễ thấy là dân chúng Giao Chỉ và Giao Châu, vốn xem 18 Hán tộc là ngoại lai, là kẻ xâm lăng xứ sở, đã tìm thấy ở Phật giáo, văn hóa Phật giáo một niềm tin, một nơi an ủi và dung dưỡng tinh thần của họ những người bị ngoại bang áp bức. Họ tìm thấy ở Phật giáo một thứ vũ khí tinh thần, vũ khí văn hóa để tồn tại và khu biệt với văn hóa Khổng giáo, của giai tầng thống trị Hán tộc và một số người Việt Nam làm quan cho người Trung Hoa. Tuy nhiên cả hai đạo Phật và Nho đều là hai lò đào tạo trí thức, những người có học vấn. Luy Lâu còn gọi là Liên Lâu, có gốc là Llu, nghĩa là Dâu. Dâu là ngữ âm tiếng Việt hiện đại, còn thời cổ dâu được phát âm là Llu, do đó khi người Hán phiên âm ra chữ hán thí Llu được viết thành 2 chữ (2 từ, hai tự) là Liên Lâu hoặc Luy Lâu có thành quách bao quanh, có thị (chợ), có lâu đài… của các quan cai trị người Hán. Luy Lâu là một đô thị loại khá phát triển trong thiên niên kỷ I sau Công nguyên. Hiện tại ở đây còn có khu mộ của Sỹ Nhiếp - tức Nam giao học Tổ - khá hoành tráng cùng dấu tích của thành cổ Luy Lâu. c/ Kinh Bắc thời phong kiến Việt Nam Sau khi nước nhà được độc lập Thăng Long dần dần trở nên kinh đô nước Đại Việt thời phong kiến. Là quê hương của vua nhà Lý nên Kinh Bắc cũng được triều đình Lý chú trọng, làm cho phát triển. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Kinh Bắc đóng vai trò một vùng đất phồn thịnh của người Việt. Lý và Trần là hai triều đại coi trọng Phật giáo, có thể nói, vào hai triều đại này Phật giáo đóng vai trò quốc giáo, quốc đạo. Nhà Lý sùng Phật đã đành, nhưng nhà Trần lại cũng rất sùng Phật. Vua Trần Nhân Tông, người có công đánh tan quân Nguyên, nhưng khi đất nước thái bình thịnh trị thì nhà vua từ bỏ ngôi báu, đóng vai trò Thái Thượng Hoàng và đến với cửa thiền. Chùa Kinh Bắc nức tiếng trong câu tục ngữ: 19 Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài Ngoài chùa Dâu còn có hệ thống chùa Tứ Pháp, chùa Keo, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Bổ Đà (gốc là hai chữ Bồ Đề hay Bụt Đà), chùa Lý Bát Đế… Tục ngữ nói là đình Đoài (Đoài gồm Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) nhưng đình làng Đình Bảng ở Bắc Ninh rất nổi tiếng. Nhờ có đình làng nổi danh thiên hạ mà làng Báng (cây báng) ngày xưa mang tên mới làng Đình Bảng. Đình Bảng có nét đặc sắc ở nghệ thuật điêu khắc đình làng nhưng điểm độc đáo cần thấy là đình Bảng có dáng vẻ một nhà sàn, nó có cốt cách nhà sàn. Song song với văn hóa Phật giáo thì văn hóa Nho giáo cũng phát triển mạnh trong hai triều đại Lý và Trần. Kinh Bắc cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn hóa Nho học ở nước ta. Trạng Nguyên đầu tiên của nước Việt Nam độc lập chính là Lê Văn Thịnh, người Kinh Bắc. Trải qua các triều đại Hậu Lê, Nguyễn, Kinh Bắc vẫn đóng vai trò một vùng đất văn vật, sản sinh ra các anh tài nước Việt trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, kinh tế. d/ Kinh Bắc thời hiện đại (thế kỷ XX và thế kỷ XXI) Từ khi đất nước bị Pháp xâm lăng, Kinh Bắc phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, đã cung cấp cho đất nước và dân tộc bao người con ưu tú. Khởi nghĩa Đề Thám là cuộc kháng Pháp dài nhất tới ba thập kỷ. Từ ngày Đảng cộng sản Việt Nam ra đời Bắc Ninh và Bắc Giang cũng là một trong những cái nôi của cách mạng. Nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối như Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hà Thị Quế, Lê Quang Đạo, Nguyễn Trọng Tỉnh, Nguyễn Việt Dũng… là những người con ưu tú của vùng Kinh Bắc. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan