Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai tại x...

Tài liệu Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

.DOC
19
2175
137

Mô tả:

CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO PHỤ NỮ TRONG THỜI KỲ MANG THAI TẠI XÃ YÊN NGUYÊN - HUYỆN CHIÊM HÓA - TỈNH TUYÊN QUANG 1. Lựa chọn vấn đề Trẻ em là búp măng non, là nguồn nhân lực mới, là người chủ tương lai của Đất nước. Để có một nguồn nhân lực tốt cho Đất nước là một vấn đề quan trọng, được Đảng và Nhà nước quan tâm chú trọng. Để có một nguồn lực tốt cho Đất nước thì quá trình chuẩn bị phải được bắt đầu từ thời kỳ đầu tiên của quá trình hình thành con người, đó là phải chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ ngay từ lúc mang thai. Mang thai là một trong những thời kỳ hạnh phúc và thiêng liêng nhất trong đời người phụ nữ. Quá trình người phụ nữ chuẩn bị chào đón đứa con khỏe mạnh ra đời là bước khởi đầu trong giai đoạn làm mẹ. Tuy nhiên, đi cùng với những niềm vui sướng và nghĩa vụ thiêng liêng đó là sự lo lắng,căng thẳng về sức khỏe, sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, chỉ 30% phụ nữ mang thai quan tâm đến khả năng có thể bị bệnh hoặc không đủ sức đề kháng để phòng bệnh trong thời kỳ mang thai. Mức độ nhận thức của sản phụ về khả năng nhiễm bệnh trong thời kỳ mang thai cần phải được lưu ý và hiểu rõ hơn, vì nó có thể gây tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai nhi. Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một việc rất quan trọng và cần được quan tâm hơn nữa. Theo điều tra của trung tâm y tế xã yên nguyên thì có tới 63 % phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hàm lượng folate hồng cầu trong máu thấp hơn ngưỡng tối thiểu cần thiết là 90.5 mol/l. Điều này làm cho trẻ em khi sinh ra bị mắc chứng dị tật ống thần kinh, có thể sinh non, sinh con nhẹ cân, sẩy thai. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 32.6% trẻ em sinh ra thiếu cân, thấp, 20% trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng. Chế độ dinh dưỡng, cách sinh hoạt của bà mẹ trong quá trình mang thai không đúng, để lại hậu quả nặng nề như lưu thai, đẻ non, sẩy thai, đột biến sinh con ra yếu, thiếu cân. Tất cả những hậu quả trên đều do quá trình chăm sóc phụ nữ trong quá trình mang thai chưa tốt. Với sự tiến bộ của y tế ngày nay và sự tiến bộ của xã hội thì có thể can thiệp và làm thay đổi tình trạng trên theo hướng tích cực đó là: Sự thay đổi nhận thức, thái độ của người phụ nữ mang thai và của gia đình, xã hội về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe người phụ nữ mang thai, để làm giảm tỷ lệ sẩy thai, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu cân. Chính vì thế tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một vấn đề cần được quan tâm và thực hiện. 2.Mục tiêu cho công tác tuyên truyền. Đối tượng cho buổi truyền thông này là toàn bộ phụ nữ mang thai trên địa bàn xã Yên Nguyên-Huyện Chiêm Hóa-Tỉnh Tuyên Quang buổi truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ mang thai nhằm thay đổi nhận thức, hành vi hàng ngày của chị em mà những hành vi này không có lợi cho sức khỏe của chị em, cũng như sự phát triển của thai nhi. Chị em trong thời kỳ mang thai phải có một chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp đủ chất cho sức khỏe của mình và sự phát triển toàn diện cho thai nhi.Chị em phải từ bỏ thói quen dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc, cafe và một số món ăn không có lợi cho phụ nữ có thai như lạc vì nó sẽ kích thích quá trình co bóp cổ tử cung dẫn đến sẩy thai, các món quẫy, patê, đồ hộp….. Chị em phải có lịch sinh hoạt hàng ngày phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình, không nên vận động mạnh, không nên thức khuya. Mục tiêu cụ thể cho kế hoạch tuyên truyền giáo dục sức khỏe: 85% chị em có thể hiểu, nắm bắt đầy đủ và có thể nhắc lại chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, những điều nên làm và cần tránh khi mang thai. 95 % chị em phụ nữ nắm bắt được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ và đăng ký khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế. 85 % phụ nữ mang thai đến khám thai định kỳ đúng với kế hoạch đăng ký tại sở y tế. 90 % phụ nữ mang thai ý thức được một số biện pháp phòng tránh một số căn bệnh như sốt rubenla, cảm cúm, tiểu đường…trong thời kỳ mang thai, để không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Chị em biết sử dụng đúng cách và tận dụng được các nguồn dinh dưỡng mà gia đình sẵn có như tôm, cua… Đánh giá thực trạng việc thực hiện và hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) tại tuyến y tế xã trên cơ sở đó xây dựng cẩm nang TTGDSK cho nhân viên y tế thôn bản. 3 Xác định đối tượng đích. Những phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai trên địa bàn xã Yên NguyênHuyện Chiêm Hóa-Tỉnh Tuyên Quang . 4.Nội dung của buổi giáo dục sức khỏe Như chúng ta đã biết việc mang thai và sinh con là một sự kiện quan trọng trong đời người Phụ Nữ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình nói riêng và cả một thế hệ tương lai khỏe mạnh nói chung vì thế các chị em Phụ Nữ cần có những sự chuẩn bị tốt nhất về tinh thần cũng như về thể chất để có thể sẵng sàng tiếp nhận một mầm sống mới ngay trong chính cơ thể mình.Vậy để mầm sống ấy được phát triển một cách toàn diện nhất thì các Chị em Phụ Nữ cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản,cần thiết về sức khỏe cho thai phụ,những điều nên làm,không nên làm,những thức ăn nên ăn,không nên ăn,những thói quen nào nên duy trì,những thói quen nào nên bỏ… Hiểu được điều này nên hôm nay chúng tôi tổ chức buổi truyền thông này nhằm cung cấp cho các chị em Phụ Nữ những kiến thức cơ bản,những điều quan trọng nên biết khi mang thai. Hy vọng rằng buổi truyền thông này sẽ thật sự thiết thực để giúp các Chị em có được những sự chuẩn bị tốt nhất để đón chào sự ra đời của những đứa con thật sự khỏe mạnh. 4. 1. Về chế độ ăn uống: Phụ nữ mang thai không phải ăn nhiều gấp 2 lần mà chỉ cần ăn đầy đủ dưỡng chất. 1-Chất sắt Sắt là một trong những chất vô cùng cần thiết cho cơ thể, bởi vì thiếu sắt sẽ không thể tạo ra được hemoglobin - thành phần tế bào màu đỏ giúp oxy lưu thông trong máu. Phụ nữ mang thai đặc biệt cần nhiều chất này để cung cấp oxy cho thai nhi, với số lượng gấp đôi bình thường. Sáu tháng cuối thai kì, người mẹ cần bổ sung nhiều sắt để tăng lượng máu cho mình và thai nhi. Thiếu máu tăng nguy cơ sinh non và ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ khi sinh ra . Các loại thực phẩm giàu chất sắt là thịt nạc, đậu nành, mì sợi, hoa quả, bánh mì và các loại rau xanh. 2-Cacbon hydrat Theo nghiên cứu thì các hợp chất cacbon hydrat trong rau xanh, ngũ cốc không chỉ cung cấp nguồn năng lượng lâu dài cho cơ thể mà những chất xơ trong rau còn giúp ngăn ngừa được cả bệnh tiêu chảy. Những thực phẩm có chứa nhiều cacbon hydrat là gạo, khoai tây, ngô, mì sợi... 3-Kẽm Các nhà khoa học Đức chứng minh được rằng trong mỗi khẩu phần ăn của phụ nữ mang thai mà có chứa kẽm thì tỉ lệ răng trẻ phát triển tốt sau này cao gấp đôi so với những đứa trẻ bị thiếu kẽm khi mang thai. Lượng kẽm bạn cần ăn là khoảng 20mg mỗi ngày. Các loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm là tôm, cua, sò, hến, sữa, ngũ cốc, thịt... 4-Vitamin A Vitamin A là chất chính hình thành nên da, xương và mắt, đồng thời tạo ra các tế bào cơ bản giúp phát triển các cơ quan nội tạng của thai nhi. Phụ nữ mang thai thiếu vitamin A thường để lại những khiếm khuyết cho trẻ sau này, do vậy bạn phải ăn nhiều loại thực phẩm, rau quả, thậm chí cả các loại vitamin A bổ sung vào giai đoạn này. Thực phẩm giàu vitamin A là dưa hấu, bí đỏ, đu đủ, quả đào, cà rốt... 5-Vitamin D Vitamin D giúp trẻ hình thành xương mô và răng. Mặt khác nó cũng giúp thai nhi hấp thụ canxi và phôtpho. Các thực phẩm giàu vitamin D là cá hồi, cá thu, cá trích, lòng đỏ trứng gà và sữa.hơn nữa còn phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng cường vitamin D 6-Protein Các nhà khoa học xác định được axit amin nằm trong protein là thành phần căn bản hình thành nên thai nhi. Bạn nên dùng nhiều sữa chua, bơ đậu phộng, đậu nành, trứng, thịt vì chúng rất giàu protein. 7-Axit forlic Đây là một thành phần của vitamin B, có thể tạo thêm nhiều máu cho thai nhi và mẹ, không những thế nó còn giúp các enzym hoạt động một cách hiệu quả. Một nghiên cứu của các chuyên gia Hà Lan gần đây cho thấy nếu tiêu thụ axit forlic trước khi mang thai còn ngăn chặn cho cơ thể thai nhi không bị khuyết các dây thần kinh - yếu tố làm cho não và các tủy sống hoạt động không được trơn tru. Thực phẩm có chứa nhiều chất axit forlic là rau cần, cải bắp, đậu phộng, măng tây, bông cải, thịt bò nạc, thịt cừu... 8-Các chất béo Chất béo là nguồn cung cấp nhiều năng lượng quan trọng cho bạn, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng nhiều quá vì sẽ gây béo phì và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Bạn nên ăn các loại thực phẩm như trứng, bơ, sữa, cá ngừ, thịt nạc. Khi đun nấu nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu ôliu, dầu cọ. 9-Vitamin C Đây là chất cơ bản hình thành colagen, giúp phát triển xương, cơ, sụn, mạch máu ở trẻ. Mặt khác, vitamin C còn giúp ngăn ngừa một số loại bệnh ở trẻ. Phụ nữ mang thai cần sử dụng 65-70mg vitamin C mỗi ngày. Cần ăn những thực phẩm như cải bắp, bông cải, khoai tây, cam, dưa hấu, bưởi. 10-Nước Nước là chất không thể thiếu trong việc phát triển các tế bào của thai nhi, ngoài ra chúng còn giúp duy trì lượng máu trong cơ thể và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng khác. Nước cũng giúp ngăn chặn sự nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy. Bạn ăn nhiều thực phẩm như dưa hấu, bưởi, uống sữa và uống nhiều nước. Đối với người phụ nữ không nên tăng cân quá nhiều: Vì béo phì ảnh hưởng đến khả năng mang thai và thừa quá nhiều cân trong thời kỳ "mang bầu có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, thai chết lưu, đẻ non v.v... Vậy tăng cân trong thời kỳ mang thai thế nào là hợp lý? Những phụ nữ có cân nặng trung bình, trong quá trình mang thai, nếu tăng từ 11 đến 18kg là bình thường. Những phụ nữ trước khi mang thai đã bị quá cân, trong thời gian mang thai chỉ nên tăng từ 7 đến 11kg. Còn những phụ nữ vốn mảnh mai có thể tăng "thoải mái" hơn từ 11 đến 20kg, tuỳ thuộc vào cân nặng và chiều cao của mỗi người. 4.2. Những điều nên làm trong quá trình mang thai *Tuân thủ lịch khám thai Thai kỳ phát triển qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn được tương ứng với 13 tuần. Thời kỳ đầu: từ khi mang thai đến khi thai tròn 3 tháng. Đây là thời kỳ hình thành và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi. Trong đó cần làm chẩn đoán độ dày da gáy để có chẩn đoán sớm với các hội chứng về bệnh do nhiễm sắc thể gây ra (bệnh Down). Thời kỳ tiếp theo là 3 tháng giữa, là giai đoạn tăng trưởng, nếu thai chậm phát triển xảy ra trong thời kỳ này thì thường rất nặng. Thời kỳ 3 tháng cuối là giai đoạn tăng trọng, thường xuất hiện những biến chứng của thai kỳ như tăng huyết áp do mang thai, tiền sản giật, chảy máu âm đạo do rau tiền đạo... Lịch khám thai tùy thuộc vào tuổi thai hay các vấn đề của từng giai đoạn kể trên. Lần khám thai đầu tiên bắt đầu vài ngày sau khi mất kinh hay trễ kinh. Nhất là những người đã từng bị sảy thai trước đó. Đây là lần khám thai rất quan trọng vì chủ yếu tập trung đánh giá sức khỏe của mẹ và xác định vấn đề mang thai. Sau đó khám thai 4 tuần/lần cho đến khi được 28 tuần. Khám thai 2 tuần/lần khi thai từ 28 - 36 tuần tuổi. Sau đó 1 tuần một lần cho đến khi sinh. Tuy nhiên, những trường hợp thai kỳ có vấn đề như ra huyết, dọa sinh non, thai suy dinh dưỡng, ối ít, mẹ có bệnh lý... sẽ có lịch khám thai tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Một việc làm quan trọng nữa là các thai phụ cần tiêm phòng uốn ván, phải tiêm đủ 2 mũi để phòng ngừa uốn ván rốn cho trẻ sơ sinh, mỗi mũi tiêm ngừa cách nhau 1 tháng. Các bà mẹ cũng tự theo dõi cử động thai, mỗi ngày đếm số cử động thai nhi sau các bữa ăn trong 30 phút (3 lần/ngày). Khi thai nhi ngủ thường không có cử động thai. Thời gian ngủ thay đổi từ 20 phút đến 2 giờ. *Vận động hằng ngày như thế nào? Các cụ xưa kia quan niệm phải vận động nhiều cho dễ sinh hay quan niệm của một số người hiện nay lại kiêng khem vận động quá mức đều chưa đúng. Thai nghén không làm cho người phụ nữ từ bỏ tất cả hoạt động bình thường hàng ngày. Khi mang thai, người phụ nữ vẫn có thể đi làm, tập thể dục buổi sáng, chơi các môn thể thao nhẹ. Riêng các trường hợp dọa sảy thai và những thai phụ có tiền căn sảy thai liên tiếp, thai phụ nên nghỉ ngơi tuyệt đối và có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa. Trong ba tháng đầu và sau tháng thứ 8, hạn chế quan hệ vợ chồng (nhất là không có tác động mạnh) hay những chuyến đi xa, đề phòng sảy thai hay chuyển dạ sinh bất ngờ. *Giấc ngủ và vệ sinh thân thể Trong quá trình mang thai sản phụ nên được ngủ đủ giấc, ít nhất là 8giờ/ngày đêm. Mặc quần áo rộng rãi, tắm rửa mỗi ngày, tránh thụt rửa âm đạo vì đây là thời kỳ dễ xuất hiện nhiều bệnh viêm phần phụ như nấm, viêm âm đạo, âm hộ, viêm đường tiết niệu. Đánh răng kỹ mỗi ngày, nên đến nha sĩ khám định kỳ từ tháng thứ 5 của thai kỳ để tránh tình trạng sâu răng sau khi mang thai. Tránh để táo bón bằng cách ăn nhiều trái cây, rau, uống nhiều nước và tập thể dục buổi sáng. Không nên uống thuốc nhuận tràng vì sẽ bị lệ thuộc thuốc khiến táo bón trầm trọng hơn. *Dùng thuốc trong thai kỳ Dùng thuốc trong khi mang thai phải hết sức cẩn trọng. Những người mắc các bệnh lý như các bệnh tuyến giáp, thận, viêm nhiễm nặng, những sản phụ bị hở/hẹp van hai lá, mắc bệnh khớp... phải có sự tư vấn và chỉ định của cả thầy thuốc sản khoa và chuyên khoa khi dùng thuốc. Những người này cần kiểm tra thai nghén nhiều hơn so với người bình thường, trong một số trường hợp đặc biệt cần được điều trị ngoại trú suốt quá trình mang thai. 4.3. Những điều cần tránh trong quá trình mang thai Đặc biệt cần tránh sử dụng những chất có cồn,kích thích như: Rượu ,cà phê,thuốc lá.. *Cà phê Uống Cà phê sẽ có thể bị tăng nhịp tim và áp lực máu dẫn đến mất ngủ và đau đầu. * Thuốc lá, rượu. Người mẹ mang thai cần phải kiêng thuốc lá, rượu, nếu người mẹ uống rượu sẽ làm cho nồng độ cồn cao lâu dài ở tử cung, sẽ dễ trợ hỏa, sinh nhiệt, động huyết, có thể gây ra khuyết tật ở sọ, mặt, tay chân và tim của thai nhi, sẽ làm cho sự phát triển thể chất và tinh thần của thai nhi trong tử cung bị chậm lại. Ngộ độc cồn có thể làm tăng tỷ lệ phát bệnh sinh non và tỷ lệ thai nhi bị chết lưu trong bụng mẹ. Người mẹ mang thai dù hút thuốc nhiều hoặc hút thuốc thụ động, đều có thể dẫn đến quái thai hoặc sinh non, vì vậy đối với phụ nữ mang thai cần cấm hẳn việc hút thuốc và uống rượu. *Tránh ăn quá mặn Phụ nữ mang thai còn cần phải kiêng ăn quá mặn. Khi mang thai, do phản ứng của thai nghén, thấy nhạt miệng vô vị, nên thích ăn uống các thức có tính kích mạnh, thích ăn các thức mặn. Vì trong thời kỳ mang thai tỳ và thận thường biểu hiện không đủ, công năng vận hóa giảm, thủy thấp dễ tích tụ bên trong, khí huyết không được khoan thai. Y học hiện đại cũng cho rằng, phụ nữ khi đã có thai, sẽ có những thay đổi đặc biệt về sinh lý như lượng natri, máu lưu trữ tương đối nhiều, những thay đổi đó trong tổ chức các tạng của cơ thể là nhằm thích ứng với yêu cầu sinh trưởng của thai nhi. Những thức quá mặn lại có hàm lượng muối tương đối cao, nếu được đưa vào nhiều sẽ làm cho thủy thấp tụ lại bên trong nặng hơn, lại dễ hại đến tỳ và thận, làm cho chức năng tỳ và thận giảm, gây ra sự giảm sút trong việc thu nạp năng lượng, tiểu tiện ít hơn, và các triệu chứng tim hồi hộp, làm buồn bực khó chịu. Y học hiện đại nhận thấy rằng: phụ nữ trong thời kỳ thai nghén lượng máu tuần hoàn tăng, quá trình thay cũ đổi mới cũng nhanh hơn, nhằm thích ứng với sự tuần hoàn của đế cuống rốn. Nếu lúc đó lại đưa vào thức ăn mặn quá nhiều, trữ lượng natri trong cơ thể sẽ tăng cao hơn nữa, và lượng muối cũng sẽ tăng tương ứng, điều đó chẳng những làm cho tim của phụ nữ mang thai phải gánh chịu nặng hơn, sẽ biểu hiện các triệu chứng: tim hồi hộp, lòng buồn bực khó chịu, lượng tiểu tiện giảm, nặng thì sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của thai nhi, như vậy cả phụ nữ mang thai và thai nhi đều bất lợi. Sau khi mang thai vài tháng, các chất thải trong quá trình thay cũ đổi mới sẽ tăng lên, làm tăng gánh nặng cho thận tạng, ảnh hưởng đến công năng của tỳ và thận. Hơn nữa, lúc đó phần nhiều xuất hiện phù ở người và chân tay, nếu do tì hư là chính thì sẽ đồng thời thấy triệu chứng ăn ít, đại tiện phân nát, nếu do thận hư là chính thì thường kèm theo triệu chứng lưng mỏi, tay chân lạnh, tiểu tiện ngắn và ít, nếu do khí trệ thì thường thấy lòng buồn bực khó chịu, hông đầy trướng, đấy là chứng phù do thai nghén, y học Trung Quốc gọi đó là “Tử khí” (khí của con) “Tử thũng” (phù do con). Y học hiện đại cho rằng: thời kỳ thai nghén do sự thay đổi hormone, có thể làm cho nước và natri lưu trữ, ngoài ra ở thời kỳ này còn sinh ra thiếu máu do máu bị pha loãng, áp suất thẩm thấu của huyết tương giảm, tĩnh mạch dưới lồng ngực cản trở khi máu quay về làm cho lượng lưu thông máu tăng lên, những nhân tố ấy đều có thể dẫn đến thũng nước. Lúc đó cần phải giảm thấp lượng muối trong ăn uống, mỗi ngày chỉ dùng hạn chế muối từ 3-5g, để giảm trữ lượng nước và muối. Tránh tiếp xúc với các chất độc hại:Thuốc trừ cỏ,thuốc diệt ruồi muỗi,sâu bọ... Nên tránh tâm trạng lo âu,phiền muộn ,nhăn nhó và khó chịu. Trong quá trình truyền thông cán bộ giáo dục sức khỏe cho các thai phụ chia sẻ ,trao đổi kinh nghiệm,những thắc mắc trong chế dộ ăn uống để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của thai phụ trong thời kỳ mang thai. Tóm lại việc chuẩn bị cho thai phụ những chế độ dinh dưỡng hợp lý có rất rất nhiều điều để nói. Nhưng trên đây là những điều cơ bản nhất mà các Chị em mình nên biết. Chúng tôi hy vọng rằng những kiến thức này có thể giúp được các Chị em ít nhiều trong việc sinh ra những đứa trẻ thật thông minh và khỏe mạnh. Lời cuối cùng xin chúc các Chị em trở thành những người Mẹ tuyệt vời nhất của những thiên thần khỏe mạnh nhất sắp được chào đời. Câu hỏi lượng giá: Chọn câu trả lời đúng nhất Câu1.Để có được những đứa con khỏe mạnh thai phụ cần. a.Bồi bổ cơ thể càng béo càng tốt b.Không cần bồi bổ gì cả cứ ăn uống bình thường là được. c.Bổ sung các dưỡng chất quan trọng và có chế độ vận động hợp lý. Câu2. Khi thai phụ thiếu sắt thì cần bổ sung những loại thức ăn nào: a. Thịt nạc, đậu nành, mì sợi, hoa quả, bánh mì và các loại rau xanh. b. Tôm, cua, sò, hến, sữa, ngũ cốc, thịt. c. Khoai tây, cam, dưa hấu, bưởi. d.Tất cả các loại thức ăn trên. Câu3. Khi phụ nữ mang thai thì phải ăn nhiều gấp hai lần điều này đúng hay sai: a.đúng b.sai Câu 4: Khi chuẩn bị mang thai người phụ nữ cần phải làm gì? A. Từ bỏ những thói quen có hại và tăng cường vận động B. Bổ sung các dưỡng chất quan trọng C. Khám sức khỏe toàn diện và tiêm phòng những vaccin cần thiết D. Tất cả các việc làm trên. Câu 5: Chọn câu đúng nhất: A. Chè và cà phê rất tốt cho thai phụ vì giúp cho thai phụ luôn thoải mái tinh thần. B. Chế độ ăn giàu sắt,acid folic(vitamin B9),vitamin D sẽ tốt cho thai phụ. C. Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn có vị mặn hơn bình thường vì khi mang thai người phụ nữ sẽ bị lạt miệng. D. Tất cả đều đúng. Câu 6. Để có được những đứa con khỏe mạnh thai phụ cần phải: A. Bồi bổ cơ thể càng béo càng tốt. B. Không cần bồi bổ cứ ăn uống bình thường. C. Bổ sung các dưỡng chất quan trọng và có chế độ vận động hợp lí. D. Tất cả đều sai. 5 .địa điểm và thời gian: 5.1.địa diểm Trạm y tế xã Yên nguyên-Huyện Chiêm hóa-Tỉnh Tuyên Quang 5.2 Thời gian 9h30 ngày 10/05/2011. Đây là ngày tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ đang mang thai trong xã nên có thể tập hợp được đông đủ số phụ nữ. 6.Phương pháp và phương tiện giáo dục sức khỏe Nói chuyện về chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một phương pháp giáo dục phổ biến từ xưa cho đến nay. Tuy nhiên để một buổi nói chuyện đem lại hiệu quả cao thì không phải dễ. Muốn vậy cán bộ truyền thông cần phải chuẩn bị kỹ khâu tìm hiểu cộng đồng, tìm hiểu đối tượng và lập kế hoạch cẩn thận. Điều đầu tiên có lẽ là quan trọng nhất đó chính là sự thấu cảm ta thử hình dung trong vấn đề sức khỏe ta sắp đề cập đối tượng có thể đã biết những gì (những hiểu biết thông thường, phổ biến trong xã hội), có niềm tin nào (tin đúng, sai, mê tín...), đối tượng cần muốn biết điều gì, đối tượng hiểu được những từ chuyên môn không... Nói chung càng cố gắng thấu cảm bao nhiêu buổi nói chuyện của ta càng có nhiều hy vọng được tiếp nhận tốt bấy nhiêu. Về phương pháp ta có thể bắt đầu bằng một câu đố,một bài hát mà tất cả các chị em phụ nữ đều thuộc hoặc đơn giản là một câu khôi hài mục đích là làm cho không khí trở nên thân tình,thư giãn giúp người nghe dễ nhập cuộc. Kế đó người truyền thông cố gắng tìm hiều xem thai phụ đã có những kiến thức gì về chế độ dinh dưỡng và những điều nên làm không nên làm dành cho phụ nữ có thai,dựa vào đó người truyền thông có thể biến đổi bài nói cho phù hợp. Làm cho buổi nói chuyện trở nên sôi động bằng nhiều cách: + Ðặt câu hỏi, đặt vấn đề nhờ người nghe suy nghĩ, trả lời, gợi ý cách giải quyết Trong khi thảo luận ,nếu quan sát thấy một số người chỉ im lặng thì chủ động hỏi ý kiến của họ về vấn đề đang thảo luận . Có thể hỏi : Trong thời kỳ mang thai bạn lo lắng điều gì ?Hãy nói ra để cùng nhau chia sẻ và tìm cách giải quyết nó? + Kể những chuyện vui, những kinh nghiệm thực tế có liên quan. Có thể đưa ra một tình huống giả định hoặc một tình huống có thật ở ngay chính địa phương để mọi người cùng thảo luận. - Tôn trọng những phút rì rào (người nghe bàn luận với nhau) sau khi ta trình bày một vấn đề gây ấn tượng nào đó. - Nói đủ lớn cho cả những người ngồi dưới cùng cũng có thể nghe được - Một điều quan trọng là nên đối diện với người nghe trong khi nói. Không nên lúc nào cũng xem sổ tay hoặc nhìn lên bảng, lên trần nhà, điều này khiến người nghe bớt chú ý và lo ra. Nên lần lượt nhìn từ người này đến người khác để hộ biết rằng mình cần được quan tâm. -Vì đây là người phụ nữ sống ở nông thôn đa số là làm nông nghiệp nên từ ngữ được chọn phải đơn giản,không mang tính đa nghĩa , hạn chế các từ chuyên môn, các tiếng lóng, ẩn dụ. Khi nói chuyện người truyền thông cũng cố gắng tìm những đặc điểm chung chẳng hạn đến với người cùng phái:Thì xung hô là các chị em chúng ta,còn người truyền thông là nam mà người nghe lại là các thai phụ thì có thể xung hô là :Các chị em phụ nữ... để tạo sự đồng cảm. Khi nói tới vấn đề gì thì dùng các tranh ảnh ,đồ vật minh họa như :ảnh về phụ nữ khi mang thai,anh của bé sinh ra khi bi thiếu chất dinh dưỡng,hoặc đồ vật về các loại hoa quả... để thai phụ hiểu rõ vấn đề hơn. Trong quá trình thực hiện cần cung cấp các kênh thông tin có sẵn tại địa phương như: Đài phát thanh ,loa truyền thanh,áp phích ,các khẩu hiệu,các thông báo ở những nơi công cộng và cuộc họp.Chủ đề được nêu phải gắn gọn ,dễ nhớ và hấp dẫn sự chú ý của mọi người. Huy động được các nguồn lực và tổ chức hoạt động giáo dục sức khỏe dưới nhiều hình thức khác nhau như: Các hội thi ,các màn trình diễn,đêm văn nghệ...để toàn thể cộng đồng được biết và hưởng ứng nhất là các chị em phụ nữ càng có trách nhiệm với bản thân mình và đứa bé trong bụng hơn. Giáo dục sức khỏe thông qua trò chơi là một phương pháp giáo dục sinh động tạo hứng thú và lôi cuốn sự tham gia của đối tượng. có thể là một trò chơi đơn giản nhẹ nhàng như trả lời một câu hỏi .Chính nhờ vào sự tham gia chủ động mà đối tượng sẽ dần dần thay đổi thái độ, niếm tin. Trong buổi truyền thông mời những người có uy tín trong cộng đồng tham gia như: Đội ngũ cán bộ y bác sĩ trong trạm y tế xã và huyện,các cán bộ cơ sở.Tìm sự phối hợp của các tổ chúc đoàn thể . Ngoài sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía đảng ủy và UBND xã,các hoạt động tuyên truyền GDSK tuyến xã còn nhận được sự tham gia của các tổ chức đoàn thể(Mặt trận Tổ Quốc,hội nông dân,hội phụ nữ ,đoàn thanh niên,hội chữ thập đỏ,hội cựu chiến binh)Đây có thể nói là yếu tố quyết định đến hiệu quả các hoạt động TTGDSK tại cộng đồng. Thường xuyên tổ chức những buổi khám thai định kỳ ,cấp phát thuốc miễn phí cho thai phụ và tổ chức nói chuyện trực tiếp. Trạm xá còn thiếu các nguồn lực thì có thể họp bàn tập thể,thảo luận ,liên kết nguồn lực bằng cách xin tăng cường cán bộ y bác sĩ có trình độ chuyên môn tay nghề về để tư vấn cũng như kiểm tra khám thai dịnh kỳ cho sản phụ .Trình đơn xin Bộ Y Tế hỗ trợ các dụng cụ máy móc liên quan như: Máy siêu âm,máy đo nhịp tim... - Kết thúc buổi truyền thông nên tóm tắt những điểm chính và kết luận. 7.đánh giá kết quả giáo dục sức khỏe - Đánh giá mức độ hoàn thành các mục têu và têu chuẩn đã đêề ra dựa trên ba mặt nhận thức ,thái độ,và cách thực hành. *về nhận thức: sau buổi truyền thông sản phụ đã có những thay đổi theo hướng tích cực.Trước khi truyền thông một bộ phận sản phụ nghĩ rằng mình chỉ cần ăn uống đầy đủ số bữa, ăn no là được.Có đến 70% phụ nữ nghĩ như thế là đúng sau khi nghe truyền thông thì tất cả phụ nữ đã có cách nhìn khác hơn và đã có chế độ dinh dưỡng cho mình. Một số khác lại nghĩ mình khỏe mạnh thì đứa con trong bụng cũng khỏe mạnh nên không đến trạm y tế để khám thai định kỳ đến khi thấy có hiện tượng bất thường mới lại đến bệnh viện thì đã muộn đây cũng là việc làm không tốt thường gặp hầu hết ở phụ nữ nông thôn điều đó góp phần làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Trong nghiên cứu này chúng tôi ghi nhận tỉ lệ đến khám thai định kỳ chiếm 60% trước tuyên truyền giáo dục và sau TTGD thi tỷ lệ lên tới 99%. * Về thái độ: Những sản phụ tham gia buổi truyền thông thể hiện thái độ tích cực như chăm chú lắng nghe các thông tin mà người truyền thông cung cấp, Chủ động tham gia vào các câu hỏi thảo luận và trò chơi mà người truyền thông đưa ra. Trao đổi những kiến thức kinh nghiệm mà hộ có được. Họ cũng chủ động hỏi thêm những thông tin chưa nắm rõ và nêu lên các ý kiến của mình về vấn đề. *Về cách thực hành: người phụ sản Khi tham gia vào buổi truyền thông trong quá trình thảo luận còn ngại không nêu lên quan điểm và ý kiến của mình về vấn đề nhưng khi được cán bộ truyền thông khuyến khích động viên thì đã hòa nhập rất nhanh chóng hơn nữa còn mạnh dạn nêu lên những suy và những thắc mắc của cá nhân mình . - Người tiến hành đánh giá: - Những người phụ nữ mang thai tự đánh giá xem mình đã thay đổi hành vi đến mức nào và nhận thức về sự nguy hiểm khi không đảm bảo chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến như thế nào.Và hộ còn phải nỗ lực làm những gì để đạt được mục tiêu đã đề ra. + Nhân viên truyền thông giáo dục sức khỏe đánh giá để xác định buổi truyền thông đã dạt được những mục tiêu để ra chưa và hoàn thành đến mức độ nào.xác định thành quả của quá trình giáo dục sức khỏe đã tác động tích cực tới đối tượng và làm thay đổi hành vi của họ.từ đó hoàn thiện sách cẩm nang về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai. + Các cán bộ giáo dục sức khỏe tuyến huyện,tuyến tỉnh,các cán bộ của các ngành họp thành một nhóm đánh giá để tăng thêm tính khách quan của buổi truyền thông. Các phương pháp đánh giá: *phương pháp quan sát: : Người truyền thông tiến hành quan sát trong quá trình tổ chức truyền thông để thấy được những chuyển biến trong nhận thức cũng như trong thái độ của những người tham gia truyền thông. *phương pháp thảo luận: cho các đối tượng tiến hành thảo luận về những vấn đề đưa ra đồng thời rút kinh nghiệm qua những lần truyền thông tiếp theo. *phiếu điều tra: Người truyền thông in sẵn một phiếu điều tra và phát cho các đối tượng tham gia vào cuối buổi truyền thông để tiến hành đánh giá. Nội dung của phiếu gồm có các câu hỏi: Hãy khoanh tròn vào những câu mà bạn cho là đúng nhất. 1.Bạn cảm thấy buổi truyền thông ngày hôm nay có mang lại ý nghĩa đối với bạn không ? a.không có ý nghĩa b.có ý nghĩa c.rất có ý nghĩa 2. Bạn có nghĩ rằng nên có nhiều những buổi truyền thông như vậy không? a.Có b.Không c.Ý kiến riêng (nếu có):………………………………………………………. 3.Sau buổi truyền thông bạn đã có thêm những thông tin gì về chế độ dinh dưỡng dành cho mình? ……………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………… 4.Bạn cảm thấy điều gì mà mình tâm đắc nhất? ……………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………........ 5.Để buổi truyền thông đạt kết quả tốt hơn nữa, bạn có những đề xuất gì? ………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………… ………………………………………………………………………………......
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng