Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Luật Chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh...

Tài liệu Chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh

.DOC
13
91
77

Mô tả:

MỤC LỤC NỘI DUNG...........................................................................................................1 I. Định nghĩa chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh......2 1. Chứng cứ...................................................................................................2 2. Nguồn chứng cứ........................................................................................2 3. Phương tiện chứng minh..........................................................................4 II. Quy định của pháp luật hiện hành về chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh.................................................................................5 1. Chứng cứ...................................................................................................5 2. Nguồn của chứng cứ.................................................................................7 3. Phương tiện chứng minh trong tố tụng dân sự.......................................9 III. Một số kiến nghị hoàn thiện...................................................................10 KẾT LUẬN........................................................................................................11 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................12 LỜI MỞ ĐẦU Năm 1989 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; tiếp đến năm 1994 ban hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế; năm 1996 ban hành Pháp lệnh giải quyết các vụ án lao động. Ba Pháp lệnh trên đã phần nào đáp ứng đòi hỏi bức thiết trong tố tụng phi hình sự và là cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy vậy, các quy phạm pháp luật của ba pháp lệnh trên đã dần lộ rõ hạn chế, mâu thuẫn. Đặc biệt, trong vấn đề chứng cứ và chứng minh không có quy phạm nào chuẩn hóa khái niệm chứng cứ và chứng minh, và không quy định đầy đủ về chế định này, điều đó gây khó khăn cho việc sử dụng, đánh giá chứng cứ làm ảnh hưởng không nhỏ trong việc giải trong việc giải quyết vụ án. Thực tiễn đặt ra cần phải có một Bộ luật Tố tụng dân sự hoàn thiện hơn, quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về vấn đề chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh. Bài viết dưới đây tìm hiểu về vấn đề: chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh. NỘI DUNG I. Định nghĩa chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh 1. Chứng cứ Chứng cứ trong TTDS có thể hiểu là những gì có thật phản ánh sự thật khách quan về vụ việc dân sự và được thu thập theo trình tự nhất định do pháp luật quy định. Do vậy, chứng cứ đóng vai trò quan trọng trong TTDS. Chứng cứ là những sự kiện, tình tiết liên quan đến vụ việc dân sự, nó tồn tại trong thế giới vật chất với muôn hình muôn vẻ. Tổng quát lại có hai dạng: Các dấu vết phi vật chất, liên quan đến các tình tiết của vụ án được phản ánh vào ý thức của con người;Các dấu vết vật chất. Tất cả các “dấu vết” được coi là chứng cứ của vụ án chính là sự phản ánh các mặt riêng lẻ của sự vật về vụ án được thu thập theo một trình tự, thủ tục do luật định là căn cứ cho việc xác định sự thật vụ án, nhằm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự. Theo Điều 81 BLTTDS định nghĩa về chứng cứ như sau: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự thủ tục do Bộ luật này quy định mà Tòa án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.” Trên thực tế, thuật ngữ hai thuật ngữ chứng cứ và bằng chứng được sử dụng như nhau nhưng thực chất chúng lại có khái niệm khác nhau. Chứng cứ được dụng là căn cứ để tòa án xác định yêu cầu hay phản đối yêu cầu của đương sự đúng hay không. Trong khi đó, bằng chứng là cái mà các chủ thể đưa ra dùng để chứng tỏ yêu cầu hay phản đối yêu cầu của họ là đúng. Thực ra, bằng chứng là phương tiện để các đương sự, người đại diện hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đại diện hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dựa vào để chứng minh cho yêu cầu hay sự phản đối của họ. Tuy vây, tòa án cũng có thể sử dụng những tin tức được phản ánh trong các bằng chứng để giải quyết vụ việc dân sự nếu đã kiểm tra được tính xác thực của nó. 2. Nguồn chứng cứ. Nguồn được hiểu là nơi bắt đầu, nơi phát sinh ra hoặc nơi có thể cung cấp hay rút ra cái gì, điều gì. Do đó, nguồn chứng cứ được hiểu là nơi chứa đựng chứng cứ. Tòa án chỉ có thể thu thập các nguồn chứng cứ để từ đó rút ra các chứng cứ cần thiết để sử dụng vào việc tìm ra sự thật vụ án và đưa ra quyết định đúng đắn để giải quyết vụ việc dân sự đó. Theo quy định tại điều 82 BLTTDS năm 2004 thì nguồn chứng cứ được quy định trong 8 nguồn chính. Ngoài 8 nguồn chứng cứ này Tòa án không được sử dụng thêm bất cứ nguồn nào khác để thu thập làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Tại khoản 9 điều 82 BLTTDS năm 2004 quy định: “Các nguồn khác mà pháp luật có quy định” cần được hiểu đây là một quy định dự phòng của pháp luật chứ không phải là một quy định mở để Tòa án áp dụng trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án. Do vậy, cho đến khi pháp luật có quy định thêm một nguồn chứng cứ nào đó thì Tòa án chỉ được phép thu thập chứng cứ theo qui định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 82 của BLTTDS Tuy nhiên, không phải bất cứ tài liệu, dữ kiện nào được thu thập từ các nguồn chứng cứ cũng đều được xem là chứng cứ và được sử dụng vào việc giải quyết vụ án mà các tài liệu, dữ kiện này phải đảm bảo được các thuộc tính cơ bản của chứng cứ, đồng thời phải phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự về xác định chứng cứ. Ví dụ: biên bản ghi lời khai của đương sự là một nguồn chứng cứ nhưng có những trường hợp toàn bộ lời khai đó là gian dối, bịa đặt thì lời khai đó không được coi là chứng cứ của vụ án. Điều 83 BLTTDS đã quy định cụ thể về điều kiện xác định chứng cứ trong các nguồn chứng cứ. Với quy định này của điều luật chúng ta thấy rằng : đối với loại nguồn chứng cứ là các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được khi có chứa đựng chứng cứ của vụ án; nếu là tài liệu đọc được nội dung thì phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận; nếu là loại tài liệu nghe được, nhìn được (như băng đĩa ghi âm, ghi hình) thì phải xuất trình được văn bản xác nhận về xuất xứ của các tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, ghi hình đó; có như vậy thì các tài liệu đó mới được coi là có giá trị và được sử dụng làm chứng cứ chứng minh trong vụ án. Đối với loại nguồn chứng cứ là vật chứng: vật chứng được pháp luật quy định là nguồn chứng cứ vì tồn tại trong chính bản thân nó là chứng cứ của vụ án, nó chỉ chứa đựng chứng cứ chứ nó không phải là chứng cứ. Ví dụ : A kiện B đòi bồi thường chiếc xe bị hư – ở đây chiếc xe bị hư là vật chứng còn những hư hỏng của xe là chứng cứ. Ngoài ra các lời khai của đương sự, người làm chứng, kết luận giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ và kết quả định giá tài sản nếu được tiến hành đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và đảm bảo 3 thuộc tính của chứng cứ thì sẽ được coi là chứng cứ và được sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án. 3. Phương tiện chứng minh Phương tiện chứng minh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng dân sự. Muốn làm rõ những tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự thì các chủ thể chứng minh phải sử dụng những công cụ nhất định do pháp luật quy định như lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng, kết luận của người giám định… Có rất nhiều khái niệm khác nhau về phương tiện chứng minh nhưng hiểu theo nghĩa chung nhất, bao quát nhất, Phương tiện chứng minh là những công cụ do pháp luật quy định các chủ thể chứng minh được sử dụng để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Mỗi vụ việc dân sự đều có những đối tượng chứng minh riêng. Việc lựa chọn sử dụng những phương tiện chứng minh bất kỳ trong mỗi vụ việc dân sự là tùy thuộc vào những tình tiết, sự kiện thuộc đối tượng chứng minh của vụ việc dân sự cần giải quyết. Thông thường mỗi phương tiện chỉ có thể làm rõ một số tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự nhất định nhưng các tình tiết, sự kiện chứng minh trong mỗi vụ việc dân sự rất đa dạng nên trong mỗi trường hợp cụ thể các chủ thể chứng minh có thể phải sử dụng một hoặc nhiều phương tiện chứng minh để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Phương tiện chứng minh có tính chất quyết định kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Để đảm bảo việc phải giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn, pháp luật quy định những phương tiện chứng minh cụ thể mà các chủ thể chứng minh được sử dụng. Mỗi phương tiện cụ thể cũng chỉ được sử dụng để chứng minh khi đáp ứng được những điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Cụ thể như: các tài liệu đọc được phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp; các tài liệu nghe được, nhìn được phải có văn bản xác nhận xuất xứ của nó; các vật chứng phải là hiện vật gốc có liên quan đến vụ việc dân sự; lời khai của đương sự, người làm chứng của pháp luật… Với quy định cụ thể và chặt chẽ Bộ luật tố tụng dân sự giúp cho hoạt động chứng minh đạt hiệu quả cao nhưng cũng không thể tránh khỏi thiếu sót khi chưa có quy định về các phương tiện chứng minh mà các chủ thể được sử dụng để làm rõ vấn đề của vụ việc dân sự. Nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh là hai khái niệm khác nhau nhưng trên thực tế chúng thường được hiểu là một. Vì trong một số trường hợp các phương tiện chứng minh cũng chính là cái có thể rút ra các tin tức về vụ việc dân sự như vật chứng, tài liệu chứa đựg chứng cứ… tức cũng là nguồn chứng cứ. Việc phân biệt nguồn chứng cứ với phương tiện chứng minh xuất phát trên những phương tiện, góc độ khác nhau như là nơi rút ra chứng cứ hay là công cụ được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ việc dân sự. II. Quy định của pháp luật hiện hành về chứng cứ, nguồn chứng cứ và phương tiện chứng minh. 1. Chứng cứ. Theo quy định của BLTTDS, thì chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật mà đương sự bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giao nộp cho Toà án hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục mà BLTTDS quy định để xác định yêu cầu của đương sự là có căn cứ, có hợp pháp hay không, giúp cho việc giải quyết vụ việc dân sự được đúng đắn. Điều 80 BLTTDS quy định thì chứng cứ được thu thập từ: Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; Các vật chứng lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Tập quán; Kết quả định giá tài sản; Các nguồn khác mà pháp luật có quy định. Tuy nhiên BLTTDS cũng có quy định là: Các tài liệu đọc được phải là bản chính, nếu là bản sao thì phải được cơ quan Công chứng chứng thực hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Các tài liệu nghe được nhìn được phải có văn bản xác nhận xuất xứ. Vật chứng phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc... (Điều 83 BLTTDS). Việc quy định chứng cứ chặt chẽ, rõ ràng như vậy là để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho đương sự, bảo đảm cho việc giải quyết của Toà án được đúng đắn khách quan và để khắc phục tình trạng tài liệu giả; chứng cứ giả. Trong thời buổi khoa học, kỹ thuật phát triển như hiện nay, thì việc ghép hình ảnh, lồng ghép tiếng không khó. Do đó các tài liệu đọc được mà không phải là bản chính hoặc bản sao nhưng không có chứng nhận của cơ quan Công chứng Nhà nước hoặc không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì tài liệu đó không phải là chứng cứ. Đối với các tài liệu nghe được, nhìn được mà không có văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc không có văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó thì tài liệu nghe được, nhìn được đó cũng không phải là chứng cứ. Trong vụ việc dân sự mà đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình thì đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ, là hợp pháp. Đương sự không cung cấp được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì đương sự phải chịu hậu quả về việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ (Điều 58, Điều 79 BLTTDS). Nói cách khác là, trong vụ việc dân sự mà đương sự yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho mình thì đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh chứng cứ đó là có căn cứ, là hợp pháp. Đương sự tự chịu trách hậu quả về việc không có chứng cứ và chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ. Trong thực tế cuộc sống, có nhiều trường hợp do thân quen nên khi cho vay tiền, cho mượn tài sản đã không làm giấy tờ về việc vay mượn tài sản và cũng có không ít trường hợp các tài liệu có liên quan đến vụ dân sự của đương sự, nhưng tài liệu đó do cơ quan, tổ chức khác lưu giữ mà đương sụ không tự mình thu thập được. Ví dụ ông A trả nợ cho ông B qua bưu điện, nhưng ông A để mất giấy chuyển tiền, ông B không nhận được tiền còn bưu điện nơi chuyển tiền lại không cung cấp tài liệu chuyển tiền cho ông A. Hoặc giấy tờ về nhà đất do cơ quan quản lý nhà đất lưu giữ...Những trường hợp như thế này, trong BLTTDS có quy định là: Đương sự đề nghị Toà án xác minh thu thập chứng cứ của vụ án mà đương sự không thực hiện được hoặc đề nghị Toà án triệu tập người làm chứng (Điều 58 BLTTDS) và trong BLTTDS cũng có quy định đối với những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh (Điều 80 BLTTDS). Ví dụ những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người đều biết và được Toà án thừa nhận, Hoặc là sự kiện, tình tiết một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên đương sự kia đưa ra thì đương sự đưa ra tình tiết, sự kiện đó không phải chứng minh. Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trong trường hợp đương sự đã áp dụng mọi biện pháp để thu thập chứng cứ nhưng không có kết quả thì đương sự có thể yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ (Điều 58 BLTTDS). Trong trường hợp này, đương sự phải làm đơn yêu cầu toà án, trong đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh, chứng cứ thu thập. Lý do mà đương sự không thu thập được, tên cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ đó (Điều 94 BLTTDS). Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự, căn cứ vào đơn yêu cầu của đương sự có thể tiến hành một số biện pháp sau đây để thu thập chứng cứ là: Lấy lời khai của của đương sự, của người làm chứng; Trưng cầu giám định; Quyết định đánh giá tài sản; Xem xét thẩm định tại chỗ; Uỷ thác thu thập chứng cứ; Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự. Khi tiến hành các biện pháp này, Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ, trong quyết định phải nêu lý do, yêu cầu Toà án (Điều 85 BLTTDS). Trường hợp đương sự có yêu cầu Toà án thu thập, xác minh chứng cứ mà không làm đơn hoặc có đơn nhưng Thẩm phán không ra quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ thì đều là vi phạm thủ tục tố tụng. Chứng cứ mà đương sự đã giao nộp Toà án, thì Toà án có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ. Có thể nói, các quy định của pháp luật về chứng cứ khá đầy đủ, giúp cho các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan hiểu rõ hơn trong việc giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết chính xác vụ án, đồng thời yêu cầu các quyền lợi hợp pháp cho mình. Mặt khác, cũng giúp cơ quan tổ tụng có thể thực thi pháp luật một cách dễ dàng hơn, đảm bảo sự thật, sư minh bạch. 2. Nguồn của chứng cứ. Một trong những vấn đề khá quan trọng về chứng cứ là nguồn chứng cứ. Nguồn chứng cứ được hiểu là nơi rút ra các chứng cứ. Tòa án chỉ có thể thu thập nguồn chứng cứ, từ đó rút ra chứng cứ. Bất kỳ loại chứng cứ nào cũng nằm trong nguồn chứng cứ nhất định, nhưng không có nghĩa là khi thu thập một nguồn chứng cứ nào thì đó nhất thiết trong đó sẽ chứa đựng chứng cứ. Do đó không được đồng nhất nguồn chứng cứ với chứng cứ , vì như thế sẽ phạm sai lầm trong đánh giá và sử dụng. Ví dụ: biên bản ghi nhận lời khai của đương sự là một nguồn chứng cứ, nhưng có trường hợp toàn bộ lời khai đó là gian dối, bịa đặt, hoặc tài liệu tuy tồn taik thật nhưng không phản ánh đúng bản chất, cũng không được coi là chứng cứ của vụ án. Nguồn chứng cứ bao gồm người, vật, tài liệu mang các thông tin về vụ việc dân sự. Như vậy, nguồn chứng cứ có hai loại chủ yếu là người, vật và tài liệu. Việc phân biệt các nguồn chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định giá trị chứng minh của mỗi loại chứng cứ. Thông thường, các chứng cứ được rút ra từ các vật, tài liệu việc nghiên cứu, đánh giá và sử dụng không mấy phức tạp vì chúng ít bị chi phối bởi ngoại cảnh. Đối với những chứng cứ được rút ra từ con con người như đương sự, người làm chứng việc nghiên cứu, đánh giá và sử dụng chúng rất phức tạp. Nét chung nhất của con người với ý nghĩa là nguồn chứng cứ bị chi phối rất lớn bởi yếu tố lợi ích, tâm lý, khả năng, nhận thức, nhớ và phản ánh lại những gì họ thấy, sự quan tâm của họ đối với sự kiện…Tất cả những yếu tố này đều phải tính đến khi nghiên cứu, đánh giá và sử dụng các chứng cứ được rút ra từ đương sự, người làm chứng. Nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 82 BLTTDS: “ Nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây: 1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; 2. Các vật chứng; 3. Lời khai của đương sự; 4. Lời khai của người làm chứng; 5. Kết luận giám định 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; 7. Tập quán; 8. Kết quả định giá tài sản; 9. Các nguồn khác mà pháp luật quy định” Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng không phải tất cả chúng đều là nguồn chứng cứ vì không phải từ tất cả chúng mà tòa án đều rút ra được các chứng cứ. Mặt khác, để xác định được chứng cứ thì tòa án và các chủ thể chứng minh khác phải sử dụng các phương tiện này. Ví dụ: Để xác định dấu vết trên con dao ở hiện trường một vụ án có phải chứng cứ của vụ giết người không để lại không thì phải sử dụng kết quả giám định. Trong trường hợp này, kết quả giám định là phương tiện được sử dụng để xác định chứng cứ. Như vậy, quan niệm cho rằng không phải tất cả những gì được quy đinh tại điều 82 BLTTDS là nguồn chứng cứ là có cơ sở khoa học. 3. Phương tiện chứng minh trong tố tụng dân sự Để làm rõ những tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự thì các chủ thể chứng minh phải sử dụng những công cụ nhất định do pháp luật quy định như lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng, kết luận của người giám định… Những công cụ này được gọi là phương tiện chứng minh. Phương tiện chứng minh là những công cụ do pháp luật quy định các chủ thể chứng minh được sử dụng để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Các tình tiết, sự kiện thuộc đối tượng chứng minh trong các vụ việc dân sự rất đa dạng đã dẫn đến sự đa dạng các phương tiện chứng minh được sử dụng để làm rõ các vấn đề của vụ việc dân sự. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và thành tựu của lập pháp, các phương tiện chứng minh được thừa nhận sử dụng làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự ngày càng nhiều, càng phong phú. Mỗi vụ việc dân sự có đối tượng chứng minh riêng. Việc sử dụng phương tiện chứng minh nào trong mỗi vụ việc dân sự là tùy thuộc vào những tình tiết, sự kiện thuộc đối tượng chứng minh của vụ việc dân sự cần giải quyết. Thông thường, mỗi phương tiện chỉ có thể làm rõ một số tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự nhất định. Trong khi đó, các tình tiết, sự kiện chứng minh trong mỗi vụ việc dân sự rất đa dạng. Do vậy, trong mỗi trường hợp cụ thể các chủ thể chứng minh có thể phải sử dụng một hoặc nhiều phương tiện chứng minh để làm rõ các tình tiết, sự kiện của vụ việc dân sự. Hoạt động chứng minh có tính chất quyết định kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Để đảm bảo việc phải giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn, pháp luật quy định những phương tiện chứng minh cụ thể mà các chủ thể chứng minh được sử dụng. Các chủ thể chứng minh chỉ được sử dụng các phương tiện chứng minh do pháp luật quy định mà không thể sử dụng bất kỳ phương tiện nào khác để chứng minh. Đồng thời, đối với mỗi phương tiện cụ thể cũng chỉ được sử dụng để chứng minh khi đáp ứng được những điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Chẳng hạn, các tài liệu đọc được phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp; các tài liệu nghe được, nhìn được phải có văn bản xác nhận xuất xứ của nó; các vật chứng phải là hiện vật gốc có liên quan đến vụ việc dân sự; lời khai của đương sự, người làm chứng của pháp luật… Tuy vậy, trong BLTTDS chưa có quy định về các phương tiện chứng minh mà các chủ thể được sử dụng để làm rõ vấn đề của vụ việc dân sự. III. Một số kiến nghị hoàn thiện Việc quy định khái niệm chứng cứ trong BLTTDS vẫn đang gây tranh cãi hiện nay. Cụm từ “những gì có thật” rất khó xác định, bởi vậy nên cần có những quy định chi tiết, rõ ràng bằng các văn bản dưới luật. Ở đây nên thay thế cụm từ này bằng cụm từ “những gì phản ánh sự thật khách quan” vì cụm từ này có thể đầy đủ, toàn diện và khoa học. Những tình tiết, sự kiện phải chứng minh bao gồm các tình tiết sự kiện có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ việc dân sự. BLTTDS quy định rõ các tình tiết sự kiện nào, như thế nào là không phải chứng minh (điều 80 BLTTDS) và nên quy định rõ những tình tiết sự kiện nào chứng minh. Vì thế, khoản c điều 80 cần bổ sung thêm nếu thẩm phán có nghi ngờ thì yêu cầu đương sự, thậm chí là cơ quan công chứng, chứng thực xác định lại, xuất trình bản gốc. Điều này tạo điều cho Tòa án thực hiện quyền của mình dễ dàng hơn. Về thời hạn giao nộp chứng cứ: Trong BLTTDS chưa quy định rõ về thời hạn để đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự giao nộp chứng cứ. Bởi vậy nên sớm có quy định một thời hạn hợp lí để đương sự vừa có đủ thời gian thu thập chứng cứ cung cấp cho Tòa án, vừa để Tòa án kịp thời, nhanh chóng giải quyết đúng theo quy định của tố tụng dân sự. Trong thu thập đánh giá, xác định, bảo quản, bảo vệ chứng cứ BLTTDS nên quy định thêm quyền cho Viện kiểm sát nhân dân tham gia trong vụ án để hạn chế tính chủ quan, cố ý làm trái của đương sự và người tiến hành tố tụng. Khoản 4 điều 79 BLTTDS chưa quy định rõ là phải chịu hậu quả gì? Hậu quả như thế nào nếu đương sự không đưa ra được chứng cứ hoặc đưa không đủ chứng cứ. Nên quy định cụ thể hậu quả phải gánh chịu khi không thực hiện nghĩa vụ chứng minh. Khoản 4 điều 95 BLTTDS quy định về trách nhiệm bảo quản chứng cứ của Tòa án khi lưu giữ, quy định này chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Tòa án. Bởi vậy việc quy định rõ trách nhiệm là điều cần thiết. Để hạn chế tình trạng chứng cứ bị tiêu hủy hoặc có thể bị tẩu tán. BLTTDS nên quy định thời gian Tòa án buộc phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ khi đương sự có yêu cầu. Bên cạnh đó điều 385 BLTTDS quy định các biện pháp xử lý người có hành vi cản trở hoạt động xác minh thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng nhưng chưa quy định cụ thể về việc áp dụng các chế tài, vì thế nên quy định hình thức xử lý cụ thể người đứng đầu cơ quan, tổ chức không chịu cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc dân sự. Quy định rõ chế tài sẽ gớp phần nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan tổ chức đang lưu giữ chứng cứ. KẾT LUẬN Pháp luật về chứng cứ và chứng minh nằm trong mối quan hệ pháp lý giữa luật nội dung và luật tố tụng. Trong lý luận và thực tiễn giải quyết các vụ dân sự, chứng cứ và quá trình chứng minh cần được nhận thức đúng đắn, đầy đủ. Hiện nay, các quy định về “chứng minh và chứng cứ” được quy định thành một chương riêng trong BLTTDS. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng, thực thi các quy định về chứng cứ và chứng minh còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu về lý luận để bổ sung hoàn thiện chế định chứng cứ và chứng minh trong luật TTDS Việt Nam. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009. 2. Học viện tư pháp, Giáo trình luật tố tụng dân sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007. 3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004. 4. Bình luận khoa học- Một số vấn đề của pháp luật tố tụng dân sự và thực tiễn áp dụng, Ts. Lê Thu Hà, Nxb tư pháp, Hà nội, 2006. 5. http: thongtinphapluatdansu.wordpress.com
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan