0
Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o
Trêng ®¹i häc vinh
đ §oµn thÞ thanh huyÒn
ChÊt tr÷ t×nh trong truyÖn m¹c can
luËn v¨n th¹c sÜ ng÷ v¨n
Vinh - 2010
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Mạc Can – nhà văn của vùng đất Phương Nam – được nhắc đến trên
diễn đàn văn học như là một cái tên khá nổi đình, nổi đám. Người ta gọi ông
là “Nhà văn trẻ” dù ông đã ngoài tuổi 65. Ông bắt đầu viết văn chưa lâu, số
lượng tác phẩm chưa đồ sộ nhưng được đánh giá là một trong những tác giả
có phong cách viết truyện độc đáo, tự nhiên, có những đóng góp quý báu vào
bức tranh phản ánh những phương diện khác nhau của hiện thực xã hội, “một
hiện tượng văn học mới mẻ, một tài hoa văn học bẩm sinh” (Viết Linh). Các
tác phẩm của Mạc Can không tập trung khai thác những đề tài nóng bỏng, câu
khách mà xoay quanh những câu chuyện đời thường, những số phận éo le,
những mảnh đời cơ hàn cực khổ với lối viết giản dị, dịu dàng, sâu lắng đầy
chất thơ, thấm đẫm màu sắc tự truyện. Cái tài của Mạc Can là ở chỗ ông đã
trải được lòng mình vào trong trang viết, phát hiện ra những ngõ ngách sâu
trong tâm hồn con người Nam Bộ bằng giọng văn hồn hậu, hóm hỉnh.
1.2. Mạc Can gây được ấn tượng với công chúng, bởi ông không còn
trượt trên những rãnh mòn cũ của lối viết truyền thống nhưng cũng không
quá tân kỳ để gây nên dị ứng. Bằng lối viết hài hòa,“văn Mạc Can kết hợp
giữa chất thơ và chất triết lý về cuộc đời, về cõi người…” và ông đã có
được một vị trí quan trọng trong văn học Nam Bộ nói riêng và văn học Việt
Nam đương đại nói chung. Chính vì thế, có thể nói rằng: Chất thơ, chất trữ
tình trong văn xuôi Mạc Can đã phần nào báo hiệu một phong cách đang
dần được khẳng định. Nhận thấy chất trữ tình nổi bật ấy trong văn xuôi
Mạc Can, điều đó đã thôi thúc chúng tôi thực hiện đề tài này.
1.3. Nghiên cứu chất trữ tình trong truyện Mạc Can cũng giúp chúng
tôi hiểu rõ và kỹ hơn sự giao lưu, giao thoa giữa các thể loại văn học. Đồng
thời giúp cho bản thân người nghiên cứu có nhiều thuận lợi trong việc
2
giảng dạy những hiện tượng văn học tương tự ở trường phổ thông được sâu
sắc hơn.
2. Lịch sử vấn đề
Văn xuôi Mạc Can ít nhiều đã tạo ra hai luồng dư luận khen, chê.
Song tất cả những người yêu thích và quan tâm đến văn ông đều nhận thấy
nét mới mà không lạ nhưng khó trộn lẫn. Có thể nói, nét riêng làm cho văn
Mạc Can neo đậu trong tâm hồn người đọc là “cái tình” được lắng đọng
trong đó. Do xuất hiện trên văn đàn chưa lâu nên những công trình hay các
bài viết nghiên cứu về Mạc Can còn rất ít, chủ yếu nằm rải rác trên các báo,
tạp chí, chưa tập hợp thành sách.
Trong số những bài giới thiệu, phê bình viết về Mạc Can và các tác
phẩm của ông, đây đó cũng có những ý kiến cảm nhận về “chất trữ tình”,
chất thơ nhưng dung lượng còn ít. Chúng tôi chia những bài nghiên cứu về
Mạc Can thành hai nhóm: những bài viết có tính chất giới thiệu khái quát
các tác phẩm văn xuôi của Mạc Can; những bài viết, công trình nghiên cứu
chi tiết hơn những vấn đề về nội dung hoặc nghệ thuật tác phẩm văn xuôi
Mạc Can. Chúng tôi tập hợp ở đây những ý kiến liên quan đến đề tài và
xem đó là những gợi mở cần thiết để thực hiện công việc nghiên cứu.
2.1. Những bài giới thiệu khái quát về truyện của Mạc Can
Khi tiểu thuyết Tấm ván phóng dao trình làng và thu được những
thành công bất ngờ thì trên báo Văn nghệ, số 37, với bài viết Cuộc tự vượt
đáng trân trọng (Báo cáo tổng kết cuộc thi tiểu thuyết 2002 – 2004 của Hội
Nhà văn Việt Nam), nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch, Trưởng ban chung
khảo cuộc thi đã nhận xét: tiểu thuyết của Mạc Can “Cơ hồ như không tựa
vào sự kiện nào cả… cái khác lạ, cái độc đáo của cuốn tiểu thuyết này là
dòng chảy nội tâm của tác giả được đẩy lên bình diện thứ nhất mang âm
hưởng độc thoại sâu lắng”.
Cũng trong bài viết Từ cuộc thi tiểu thuyết 2002 - 2004 của Hội Nhà
văn Việt Nam, trên báo Văn nghệ, số 38, ngày 17/9/2005, nhà phê bình
3
nghiên cứu Phong Lê trình bày những suy nghĩ riêng của mình. Ông đưa ra
những nhận định khá toàn diện về diện mạo của các tác phẩm dự thi. Nhìn
chung vẫn chỉ quen với cách trang bị hiện thực và trữ tình truyền thống.
Ông đặc biệt có cảm tình với cách tìm tòi để làm mới cách viết của một số
tác giả trong đó có Mạc Can: “Chỉ riêng Tấm ván phóng dao là đạt được
một hiệu quả gây nên một ấn tượng, bởi nó không còn bị trượt trên những
rãnh mòn quá quen thuộc của cách viết cũ, nhưng cũng không quá tân kỳ
để gây nên dị ứng. Văn của Mạc Can có sự kết hợp giữa chất thơ (tức là
những kỷ niệm được lọc qua hồi tưởng) và chất triết lý về cuộc đời, về cõi
người”.
Còn trên Tuổi trẻ Online, Văn Giá với bài viết Tấm ván phóng dao sức sống của giá trị nhân văn cổ điển, cũng thừa nhận rằng: “Văn của Mạc
Can có sức cuốn hút kỳ lạ, sự cuốn hút đó được thể hiện qua những mảnh
ký ức buồn và một ý vị triết học cùng với chất thơ lan tỏa – sự trở lại của
giá trị nhân văn cổ điển. Mạc Can đã tiếp nối thật tự nhiên và đầy trách
nhiệm chủ nghĩa nhân đạo trực tiếp hướng về số kiếp con người theo cách
biểu hiện của lòng thương xót đối với con người”.
Đường Lam, trong bài viết Khoảng lặng Mạc Can, cho rằng: Văn của
Mạc Can hướng về số kiếp của những người nghèo khổ. “Hơn nửa cuộc
đời lang bạt, Mạc Can thấm thía được cảnh khốn khó. Bởi thế, ông dành
cho những người nghèo khổ tình cảm đặc biệt… và ông đã cầm bút, những
câu chuyện đời thường được thăng hoa trên trang viết của ông”.
Cùng ý kiến với Đường Lam, trên tờ báo An ninh thế giới giữa tháng,
số 18 tháng 6 năm 2009, Thảo Điền cho rằng: “Mạc Can thích cuộc sống
của những xóm lao động…Ông thường thuê nhà ở một xóm nào đó, ngắm
nhìn cuộc sống đó. Trong cái cơ cực ấy có âm vang của lòng tốt và cả sự dữ
dội của con người… Những câu chuyện của cuộc sống đời thường dưới
ngòi bút của Mạc Can trở nên sống động mới lạ”.
4
Nhận xét về văn phong Mạc Can, Thảo Điền viết: “Khi Mạc Can một
anh hề viết văn đã mang đến một sự lạ của đời sống văn học. Ông mang
đến một thứ văn học vừa lộng lẫy vừa bi thương, vừa trần thế vừa ảo mộng.
Dường như không thể phân biệt được đâu là ông, đâu là nhân vật. Những
gì ông viết ra, ông đã để cuộc đời ông, những sự đời ông gặp, lấn sâu vào
nhân vật của mình. Và cái gì cũng giống như một màn tự truyện. Nhưng lại
không hoàn toàn tự truyện. Những cuốn sách của ông cứ ra đời. Và mỗi lần
sách ra đời, ông lại kể thêm vài chuyện đời éo le khác thường bằng giọng
kể hóm hỉnh hồn nhiên”.
Cũng nhận xét về văn xuôi Mạc Can, Di Linh trong bài viết Mạc Can
- Cuộc đời của người không định viết văn, cho rằng:“Văn Mạc Can là thứ
văn chương bình dân, thứ văn dành cho số đông con người”.So sánh hai
giọng văn trong làng văn miền Tây: Mạc Can và Nguyễn Ngọc Tư, Di Linh
thấy “đây là hai giọng văn có phần giống nhau, nỗi buồn giống nhau, nỗi
ám ảnh giống nhau”.
Hồ Anh Thái được xem là người có sự quan tâm khá đặc biệt đối với
Mạc Can, trong bài viết Lời tự vấn của bộ mặt cười, sau khi giới thiệu khái
quát cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, tác giả sơ lược về truyện ngắn
Người nói tiếng bồ câu, truyện Tờ một trăm đô la âm phủ. Từ đó tác giả rút
ra một điều: “Càng đọc sách Mạc Can càng thấy sự kỳ diệu của văn
chương, dù là nhà văn có hoàn cảnh xuất thân khá đặc biệt, trình độ học
vấn thấp nhưng lại là người đọc nhiều, đọc sâu, đọc kỹ, ngấm đến từng “kẻ
chữ chân câu”(Dư Thị Hoàn). Văn ông vì thế ngay lập tức cuốn hút bằng
giọng điệu chững chạc của văn “thứ thiệt”. “Màu sắc man mác trên từng
con chữ, trên cả cuốn sách, là màu huyền ảo chập chờn dòng ý thức và bút
pháp hậu hiện đại”. Văn của Mạc Can chứa nhiều ưu tư và những nỗi buồn
thấm thía lại do một người có bộ mặt cười viết ra. Đó là lời tự vấn của bộ
mặt cười.
5
Từ các bài viết ấy, có thể thấy các nhà nghiên cứu về truyện Mạc Can
đều có chung một nhận định: Truyện Mạc Can có nhiều yếu tố mang tính tự
truyện, mang ý nghĩa đời tư, có tư tưởng nhân văn sâu sắc và thấm đẫm chất
trữ tình. Có lẽ vì vậy mà Mạc Can xuất hiện chưa lâu trên văn đàn văn học
nhưng khi bước chân vào làng văn thì ngay lập tức có tiếng vang. Văn ông đủ
sức lôi cuốn các nhà lý luận, phê bình văn học bởi phong cách riêng.
2.2. Những bài viết, công trình nghiên cứu về một số tác phẩm
truyện của Mạc Can
Trong nhóm này, các nhà nghiên cứu tập trung đề cập đến một số vấn
đề cụ thể, chi tiết về các tác phẩm của Mạc Can như hình tượng nhân vật
trung tâm, thông điệp mà nhà văn gửi gắm, các biện pháp nghệ thuật, ngôn
ngữ và giọng điệu… đáng chú ý nhất ở nhóm này là các bài viết của Hồ
Anh Thái trong cuốn Họ trở thành nhân vật của tôi. Nhận xét về Tấm ván
phóng dao, Hồ Anh Thái nhấn mạnh: “Với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao,
Mạc Can đã sử dụng hiệu quả thủ pháp gián cách. Mọi sự kiện biến động
của cuộc sống bên ngoài được tái hiện lập tức được đẩy ra xa đưa qua
màng lọc của chàng thiếu niên, khắc in lại đó những đồ thị run rẩy. Chuyện
thế sự khi ấy chỉ còn là cái cớ để cho những rung cảm của một con người
có dịp trào ra, ngân lên. Sự kiện ngay phút chốc được xóa mờ đi, nhường
chỗ cho những chiêm nghiệm, những rung động, những cung bậc tình cảm
tinh tế nhiều vẻ. Nhiều trang viết đạt đến độ hiếm hoi về nỗi buồn thấm thía
của kiếp làm người.”
Văn Giá với bài viết Tấm ván phóng dao – Sức sống của giá trị nhân
văn cổ điển trên Tuổi trẻ Online, cho rằng: “Câu chuyện Tấm ván phóng dao
về cơ bản được trần thuật từ nhân vật xưng tôi, chuyện không dựa vào cốt
truyện rõ ràng… tác giả chọn cách thức trần thuật theo kiểu hồi ức… Về mặt
kiến trúc, tác giả chọn cách thức tiến hành phân mảnh. Các mảnh sự kiện,
mảnh suy tư, mảnh tâm tình, mảnh triết lý, mảnh hồi nhớ được sắp đặt cạnh
nhau và luân phiên theo cách không đều nhau. Sự chuyển đổi linh hoạt trong
6
cách thức trần thuật như đã nói ở phần trên góp phần khắc họa nội tâm nhân
vật, gợi lên mặt giấy vỉa tâm hồn sâu khuất bí ẩn. Chất thơ của tiểu thuyết bộc
lộ qua những tưởng tượng, những mơ mộng, xúc cảm của nhân vật trước cảnh
trời mây sông nước những thân phận nguời muôn mặt với thổ âm từ vị riêng,
những tập tục sinh hoạt mang đầy phong vị phương Nam, hồn riêng Nam Bộ,
âm vọng văn hóa truyền thống, bàng bạc, quyến luyến tấm lòng người đọc”.
Trên Tuổi trẻ Online, Hồ Anh Thái có bài viết giới thiệu tác phẩm Cuộc
hành lễ buổi sáng. Với tác phẩm này, Mạc Can đã chứng tỏ được sự tài
hoa: Bản tường trình (số 1) từ đảo xanh là câu chuyện hoang đường giữa
một câu chuyện trần trụi hiện thực. Truyện Khách sạn cánh đồng Diều hiện
thực và kì ảo hoà quyện, cốt truyện được đẩy xuống và nhường chỗ cho
văn…Một khách sạn lạ lùng nhưng quen quen đâu đó trên khắp đất nước
này, những nhân vật cũng thuộc loại phổ biến của thế giới này. Nhưng Mạc
Can đã khéo léo làm cho tất cả trở nên huyền hoặc vừa như ác mộng, vừa
như một giấc mơ bảng lãng”.
Trên trang Web Mạc Can Fanclup có bài viết Mạc Can: viết văn như
làm ảo thuật. Bài viết tỏ thái độ bất ngờ trước cuốn tiểu thuyết Những bầy
mèo vô sinh. Đó là cuốn tiểu thuyết thứ ba sau Tấm ván phóng dao và
Phóng viên mồ côi. Càng đọc càng thấy ngạc nhiên bởi không thể ngờ được
trí tưởng tượng của ông lại bay bổng và huyền diệu đến thế. Tiểu thuyết là
câu chuyện viễn tưởng chỉ nói về loài bồ câu và lũ mèo hoang, hình ảnh
con người dường như không xuất hiện, nhưng lại có thể khiến bất cứ ai
cũng phải giật mình…Câu chuyện chính là hai mặt giữa thiện và ác, giữa
bình yên và đầy rẫy những mưu mô toan tính.
Còn trên báo Congannhandan Online, bài viết Mạc Can: Hề già nhà
văn trẻ của Dương Bình Nguyên. Tác giả bài viết bày tỏ thái độ khâm phục
trước cách viết, cách nghĩ của Mạc Can trong Những bầy mèo vô sinh. Đây
là một thế giới tưởng tượng và hình thức thể hiện đặc biệt, có cảm giác như
Mạc Can muốn vượt qua chính bản thân mình khi ông đi tìm sự quẫy đạp
7
của một con người mới trong những tác phẩm mới. … Một thế giới mà ở
đó, ông đi đến tận cùng những điều mà trong đời thực ông chưa một lần nói
ra: “Sống vốn là điều không đơn giản.”
Gần đây, Trần Quốc Dũng với đề tài luận văn thạc sĩ Đặc sắc văn xuôi
Mạc Can, đã đưa ra các kết luận khẳng định những đóng góp của Mạc Can
trong hành trình sáng tạo của văn học Việt Nam hiện đại: về đề tài, về nội
dung cảm hứng, về nghệ thuật thể hiện trong các tác phẩm văn xuôi Mạc Can.
Già nửa cuộc đời lang bạt, Mạc Can thấm thía cảnh khốn khó. Bởi thế
ông dành cho những người nghèo khổ tình cảm đặc biệt. Trong đó, ông quan
tâm nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Khi nói về tâm nguyện sáng tác của mình,
trả lời các báo Tuổi trẻ Online, CongannhandanOnline, Phongdiepnet, báo
Ngươilaodong Mạc Can cho biết thông điệp mà nhà văn gửi gắm trong các
sáng tác của mình là thông điệp tình thương.
2.3. Những bài viết trực tiếp bàn về chất trữ tình trong truyện
Mạc Can
Cho đến nay, chưa có một công trình hay bài viết nào định danh bằng
tên gọi trực tiếp về chất trữ tình trong các tiểu thuyết cũng như truyện ngắn
của nhà văn Mạc Can. Nhưng căn cứ vào nội dung của các bài viết thì các
tác giả đã có những nhận xét, đánh giá từng khía cạnh liên quan đến chất
trữ tình như giọng điệu, ngôn ngữ, cách lựa chọn tình huống, nghệ thuật
xây dựng nhân vật trong từng tác phẩm cụ thể của Mạc Can.
Như vậy, các tác giả nói trên dù trực tiếp hay gián tiếp, thông qua các
bài viết đã có những cảm nhận, phân tích, đánh giá về chất trữ tình trong
các truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại
ở những nhận xét đơn lẻ, chưa định danh bằng những khái niệm của lý luận
văn học, chưa có công trình nào nghiên cứu, khảo sát toàn bộ các tác phẩm
văn xuôi của Mạc Can ở phương diện chất trữ tình.
Chính vì thế, tìm hiểu chất trữ tình trong trưyện Mạc Can vẫn là một
hướng tiếp cận gợi mở nhiều hấp dẫn, thú vị cho người nghiên cứu.
8
3. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Chất trữ tình trong truyện Mạc
Can, thể hiện trong 4 tập truyện ngắn và 3 tập tiểu thuyết của ông.
4. Phạm vi tư liệu khảo sát
Chúng tôi tập trung khảo sát 4 tập truyện ngắn, gồm: Món nợ kịch
trường (1999); Tờ một trăm đô la âm phủ (2000); Cuộc hành lễ buổi sáng
(2004); Người nói tiếng bồ câu (2006) và ba cuốn tiểu thuyết gồm: Tấm
ván phóng dao (2004); Phóng viên mồ côi (2007); Những bầy mèo vô sinh
(2008); và một số truyện ngắn in trên các báo.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Giới thuyết về khái niệm chất trữ tình trong truyện làm cơ sở lý
thuyết để tiến hành triển khai tìm hiểu chất trữ tình trong văn xuôi Mạc Can.
5.2. Phát hiện, nghiên cứu về những biểu hiện của chất trữ tình trong
văn xuôi Mạc Can ở các phương diện: nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ.
6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, luận văn sử dụng các phương pháp chủ yếu sau :
6.1. Phương pháp thống kê, phân loại.
6.2. Phương pháp phân tích
6.3. Phương pháp so sánh
6.4. Phương pháp hệ thống
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn được triển khai
qua ba chương:
Chương 1. Giới thuyết về chất trữ tình và cơ sở tồn tại của chất trữ
tình trong truyện Mạc Can
Chương 2. Chất trữ tình trong truyện Mạc Can thể hiện qua việc xây
nhân vật
Chương 3. Chất trữ tình trong truyện Mạc Can thể hiện qua giọng điệu
và ngôn ngữ.
9
Chương 1
GIỚI THUYẾT VỀ CHẤT TRỮ TÌNH VÀ CƠ SỞ TỒN TẠI
CỦA CHẤT TRỮ TÌNH TRONG TRUYỆN MẠC CAN
1.1. Giới thuyết khái niệm chất trữ tình
1.1.1. Quan niệm chất trữ tình trong đời sống
Chất trữ tình trong cuộc sống thường nhật là một khái niệm được nhắc
đến khá phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Chúng ta từng bắt gặp những cách nói
quen thuộc kiểu như: Ca khúc trữ tình, khung cảnh trữ tình, dòng sông trữ
tình, vẻ đẹp trữ tình.... Ở những trường hợp này, “trữ tình” được dùng với
tư cách là một định ngữ chỉ một sắc thái, một tính chất, một đặc điểm.
Muốn nhận thức được điều này, trước hết chúng ta cần cắt nghĩa
được nguồn gốc của thuật ngữ trữ tình. Trong tiếng Việt, tính từ trữ tình
được dịch từ thuật ngữ lysic/lyrical của tiếng Anh và một số ngôn ngữ
Châu Âu. Còn danh từ “tính chất trữ tình” là lyrical ness có xuất xứ từ lyre
vốn là tên của một loại nhạc cụ dây mà các nhà thơ và ca sỹ hát rong ở
Châu Âu thời xa xưa dùng để đệm cho các chuyện kể, bài hát hay sử thi
của họ. Các chuyện kể ấy người ta gọi lyricist. Đặc điểm của những chuyện
này ngoài các sắc thái nhẹ nhàng, êm ái, du dương, tha thiết, dìu dặt, khoan
thai còn có đau khổ, bi ai...
Trữ tình là một từ Hán Việt, chữ Hán vốn biểu ý. Theo nghĩa Hán tự,
trữ là bộc lộ, bộc bạch, còn tình là cảm xúc, tình cảm. Trong thực tế người
Việt thường dùng từ trữ tình trong chất trữ tình với nghĩa như một tính từ
chỉ sắc thái nhẹ nhàng, tha thiết, du dương, dìu dặt trong âm nhạc và các
sắc thái mềm mại, nên thơ, hiền hoà, gợi cảm, mơ mộng trong hội hoạ cũng
như trong miêu tả các sự vật khác.
Theo Từ điển tiếng Việt, tính từ trữ tình có nội dung phản ánh hiện
thực bằng cách biểu hiện những ý nghĩ, xúc cảm, tâm trạng riêng của con
người, kể cả bản thân người nghệ sỹ trước cuộc sống [65].
10
Như vậy, trong đời sống, chất trữ tình được hiểu như là một tính chất
thiên về biểu hiện cảm xúc, tâm trạng của một sự vật, hiện tượng.
1.1.2. Quan niệm chất trữ tình trong văn học
Từ điển thuật ngữ văn học khẳng định: Trữ tình là một trong ba
phương thức thể hiện đời sống (bên cạnh tự sự và kịch) làm cơ sở cho một
loại tác phẩm văn học. Nếu tự sự thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả
bằng con đường tái hiện lại một cách khách quan các hiện tượng đời sống,
thì trữ tình lại phản ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức của con
người, nghĩa là con người tự cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩ,
cảm xúc chủ quan của mình đối với thế giới và nhân sinh[38].
Phương thức trữ tình cũng tái hiện các hiện tượng của đời sống như
trực tiếp miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoặc thuật lại ít nhiều sự kiện
tương đối liên tục, kiểu như Mùa xuân của Nguyễn Bính, Quê hương của
Giang Nam, Núi đôi của Vũ Cao. Nhưng sự tái hiện này không mang mục
đích tự thân mà tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ những cảm xúc, chiêm
nghiệm, suy tưởng của mình. Ở đây, nguyên tắc chủ quan là nguyên tắc cơ
bản trong việc chiếm lĩnh hiện thực, là nhân tố cơ bản quy định những đặc
điểm cốt yếu của tác phẩm trữ tình.
Tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng. Trong phương thức trữ tình “cái
tôi” trữ tình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng vì nó là nguồn trực tiếp duy
nhất của nội dung tác phẩm. “Cái tôi” trữ tình thường xuất hiện dưới dạng
nhân vật trữ tình. Do tác phẩm trữ tình trình bày trực tiếp cảm xúc, tâm
trạng, ý nghĩ của con người, nên xúc động trữ tình bao giờ cũng mang thời
hiện tại. Ngay cả khi tác phẩm trữ tình nói về quá khứ về những chuyện đã
qua, xúc động trữ tình vẫn được xuất hiện như một trạng thái sống động,
một quá trình đang diễn ra. Nhờ đặc điểm này mà những rung động thầm
kín mang tính chất chủ quan, cá nhân, thậm chí cá biệt của tác giả dễ dàng
được người đọc tiếp nhận như những rung động của chính bản thân họ. Đây
là cơ sở tạo nên sức mạnh truyền cảm lớn lao của tác phẩm trữ tình. Hơn
11
thế nữa, việc tập trung thể hiện những nỗi niềm thầm kín, chủ quan đã cho
phép tác phẩm trữ tình thâm nhập vào những chân lý phổ biến nhất của tồn
tại con người như sống, chết, tình yêu, lòng chung thuỷ, ước mơ, tương lai,
hi vọng. Đây chính là nhân tố tạo nên sức khái quát và ý nghĩa xã hội to lớn
của tác phẩm trữ tình.
Trữ tình là một phương thức biểu hiện chủ quan mà dấu hiệu của nó là
cảm xúc của chủ thể tự biểu hiện với nhiều sắc thái khác nhau. Thế giới
chủ quan với những suy nghĩ, đánh giá cảm xúc, tất cả thể hiện cái nhìn trữ
tình của chủ thể. Muốn biểu hiện được cái nhìn trữ tình ấy vào trong tác
phẩm, chủ thể sáng tạo phải sử dụng những phương tiện, những cách thức
nhất định. Cách thức hay phương tiện biểu đạt ấy, người ta gọi là bút pháp
trữ tình hay nghệ thuật trữ tình: “Bút pháp trữ tình là một lối thể hiện cuộc
sống thông qua sự bộc lộ tình cảm, cảm xúc của chủ thể sáng tạo” [107, 6].
Để bộc lộ cảm xúc người nghệ sỹ có thể bộc lộ qua cốt truyện, nhân vật
hay mượn thiên nhiên để chuyển tải cảm xúc, chuyển tải ý tưởng của mình.
Tất nhiên mỗi một người nghệ sỹ đều có những góc cảm nhận riêng tuỳ
theo cá tính và bản lĩnh sáng tạo. Nhưng tất cả cảm xúc đó phải là kết quả
của quá trình cảm nhận cuộc sống và đem lại cho ta một giá trị nhận thức.
Cũng nhờ những nội dung ấy mà chúng ta có thể hiểu được sự tác động của
thế giới khách quan vào trong thế giới nội tâm của con người, hiểu được
những biến thái tinh vi trong tâm hồn chủ thể. Đó là ước mơ, yêu thương,
căm giận, lo lắng … sự nhìn nhận về quá khứ, hiện tại và những dự cảm
tương lai. Ngoài ra, nó còn cho ta một bức tranh nội tâm, một loại quan hệ,
một tình huống nếu như nó mang một ý nghĩa điển hình, khái quát. Qua ý
nghĩa điển hình và ý nghĩa khái quát ấy, chúng ta có thể soi vào trong đó để
tìm ra những bài học, những lời giải đáp cho những bài toán cuộc đời.
Thuật ngữ trữ tình trong văn học đã được nhiều học giả dày công
nghiên cứu. Nhà triết học cổ điển Đức, Hêghen từng nhận xét: “Ở trữ tình
có sự trùng hợp giữa chủ thể và khách thể trong một ngôi. Ở tự sự nhân vật
12
tách rời tác giả, được dùng làm nội dung cho tác giả, thì nhân vật trung tâm
của tác phẩm trữ tình lại chính là người tạo ra tác phẩm, trước hết là thế
giới bên trong của anh ta” [4, 346].
Lại Nguyên Ân trong cuốn 150 thuật ngữ văn học định nghĩa: “Cái
nhìn trữ tình là sự thể hiện thái độ riêng của mình đối với thế giới xung
quanh. Bởi vậy cái tôi tự biểu hiện có vai trò đặc biệt trong trữ tình. Cái
nhìn trữ tình được thể hiện chủ yếu ở các tác phẩm thơ, nhưng cũng có thể
được thể hiện ở văn xuôi và kịch, nhất là khi tác giả văn xuôi muốn nói
những tuyên ngôn, định đề hoặc nhân vật kịch đối thoại, tạo thành những
đoạn tương đối độc lập” [4, 348].
Sự phát triển của phương thức trữ tình luôn luôn gắn liền với những
điều kiện lịch sử xã hội, với sự vận động của quá trình văn học, sự thay đổi
của các trào lưu, khuynh hướng, phương pháp sáng tác.
Khác với chất trữ tình trong đời sống thường được quan niệm như một
cái gì tồn tại khách quan, chất trữ tình trong văn học là sự thống nhất giữa
những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo, cái
nhìn chủ quan của nhà văn. Tính chất trữ tình được quy định bởi cái nhìn
trữ tình của chủ thể sáng tạo. Và bút pháp trữ tình được sử dụng như là
cách thức, phương tiện biểu hiện cái nhìn trữ tình ấy trong tác phẩm. Tuy
nhiên, trữ tình và chất trữ tình là hai khái niệm không phải là một. Nếu trữ
tình là một khái niệm chỉ loại của tác phẩm văn học ( Tác phẩm trữ tình) thì
chất trữ tình lại nhằm chỉ “ một tâm trạng xúc cảm cao cả được thể hiện
qua ngôn từ của tác giả, người kể chuyện, nhân vật”( Gpoxpêlốp) [79, 204].
Nghĩa là chất trữ tình nhằm chỉ tính chất đặc trưng của cảm hứng trong tác
phẩm. Và như vậy, chất trữ tình cũng có thể là “ thuộc tính của mọi chủng
loại văn học”. Chẳng hạn, ta có thể nói, truyện ngắn và truyện vừa của K.
Pautôpxki thấm đượm chất trữ tình…
Thực tế các nhà nghiên cứu lí luận đã, đang và đều giới thuyết khái
niệm trữ tình trong sự đối sánh, phân biệt với tự sự và kịch. Họ khẳng định
13
cái nhìn trữ tình hay quan điểm trữ tình không chỉ có ở các tác phẩm trữ
tình. Ở bất kì một tác phẩm nào có cái nhìn trữ tình của chủ thể sáng tạo chi
phối, có nghệ thuật trữ tình được sử dụng như một phương tiện để bộc lộ
thế giới chủ quan thì ở tác phẩm đó tồn tại chất trữ tình. Hay nói khác đi,
đó là hiện tượng giao thoa giữa các thể loại văn học. Các yếu tố tự sự có
thể xâm nhập vào các tác phẩm trữ tình, đồng thời các yếu tố trữ tình cũng
thâm nhập vào tự sự và kịch tạo nên những thể loại lai ghép kiểu như thơ tự
sự - trữ tình, thơ văn xuôi, truyện ngắn trữ tình.
Chất trữ tình là một phẩm chất không chỉ có ở tác phẩm trữ tình, mà có
mặt ở hầu hết các thể loại khác. Chất trữ tình bao gồm những yếu tố làm nên
tính đặc thù của thể loại trữ tình được các thể loại khác vay mượn để làm giàu
thêm khả năng biểu đạt, tạo nên một phẩm chất thẩm mĩ đặc biệt, một đặc sắc
nổi trội cho thể loại đó. Dù ở bất cứ thể loại nào thì chất trữ tình đều có thể tồn
tại và phát triển. Những yếu tố của thể loại trữ tình được các thể loại khác vay
mượn tạo nên chất trữ tình là hết sức đa dạng và phong phú. Đó có thể là cái
nhìn biểu hiện tâm tình chủ quan của người nghệ sỹ trong việc miêu tả thế
giới khách quan để phát hiện những vẻ đẹp riêng tiềm ẩn, cũng có thể là việc
đi sâu khám phá, miêu tả thế giới nội tâm tinh tế, phức tạp của con người…
Những yêú tố ấy nếu được thể hiện một cách hài hoà và nhất quán trong một
tác phẩm thì có thể coi tác phẩm ấy mang đậm chất trữ tình.
Trong các truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại, rõ ràng chất trữ tình là một
yếu tố thường gặp và hết sức quan trọng. Bởi vậy, luận văn của chúng tôi đề
cập đến chất trữ tình trong truyện ngắn và tiểu thuyết ( gọi chung là truyện) của
Mạc Can.
1.2. Chất trữ tình và chất thơ
1.2.1. Chất thơ
Từ trước đến nay đã từng có nhiều quan niệm của các nhà sáng tác và
nghiên cứu, phê bình văn học bàn về chất thơ.
14
Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: Định nghĩa về chất thơ cho
thật chính xác và toàn thập tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa chất
Uymua (kermous). Nhưng khi chúng ta đã quan niệm thơ không phải là
một cái gì thần bí, siêu việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con
người và năng lực sáng tạo, qua người nghệ sỹ thì việc tìm hiểu chất thơ lại
là cần thiết và có thể tiến hành được trên những nét lớn dễ chấp nhận.
Đỗ Minh Tuấn quan niệm: “Chất thơ của bài thơ nằm trong một cái
đích rất mơ hồ nhưng lại rất cụ thể, nó mơ hồ ở chỗ nó tan biến vào từng
câu thơ, nó chảy ra bàng bạc trong từng tác phẩm nhưng nó cụ thể ở chỗ nó
tụ lại ở một điểm ngời sáng nào đó, làm cho cái bàng bạc, trải rộng kia lấp
lánh lên. Điểm ngời sáng đó là nơi gặp gỡ của tất cả các câu thơ, ý thơ, là
nơi ngã ba, ngã bảy toả đi các câu thơ, đối với người làm thơ là nơi cảm
xúc gặp gỡ, đối với người đọc thơ là nơi cảm xúc toả đi. Người làm thơ mà
không bắt nối các cảm xúc tinh tế và trải rộng đi nhiều hướng của mình khi
tụ lại một điểm thì người đọc thơ cứ phải đuổi bắt chất thơ bàng bạc, chập
chờn và phải sống trong trạng thái chờ đợi, vô vọng, phải chịu đựng một
bước hẫng thi ca” [106].
Hà Minh Đức cho rằng: “Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được
tạo nên từ nhiều nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung
cấu tạo của các thể loại khác, nhưng ở trong thơ được biểu hiện tập trung
hơn và được hoà hợp, liên kết một cách vững chắc để tạo nên những phẩm
chất mới... Chất thơ gắn liền với những rung động và những cảm xúc trực
tiếp. Thơ là ở tấm lòng nhưng cũng chính là cuộc sống, thơ gắn liền với tư
tưởng và chất thơ cũng gắn liền cái đẹp” [31]. Bàn về vị trí của chất thơ
trong văn xuôi, Pautôpxki nhấn mạnh: “Văn xuôi là sợi cốt, thơ là sợi
ngang. Cuộc sống miêu tả trong văn xuôi không chứa đựng chất thơ sẽ trở
thành thô thiển, thành một thứ chủ nghĩa tự nhiên không cánh, không thúc
dục, không dẫn dắt ta đi đâu cả” [47].
15
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng khi bàn về chất thơ trong văn xuôi
cũng cho rằng: “Chất thơ của văn xuôi chính là sự phát hiện cái bên trong
của đời sống nội tâm đa dạng, phong phú của con người” [101].
Từ điển thuật ngữ văn học( Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc
Phi chủ biên) định nghĩa: “Chất thơ là chỉ những sáng tác văn học (bằng
văn xuôi hoặc văn vần) giàu cảm xúc, nội dung cô đọng, ngôn ngữ giàu
hình ảnh và nhịp điệu” [38, 310].
Các nhà nghiên cứu bàn về chất thơ ở nhiều khía cạnh nhưng chủ yếu
là xem xét trong sự đối lập với chất văn xuôi. Chất thơ thể hiện chiều sâu
của thế giới nội tâm, nó có tính hướng nội. Còn chất văn xuôi có tính
hướng ngoại, đó là hiện thực bề bộn, ngổn ngang của cuộc sống, có phàm
tục, có thanh cao, có cái đẹp, có cái xấu, có cái cao cả, có cái tầm thường
mà diễn đạt theo cách nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu thì bao gồm cả
rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ, chính đạo và gian tà. Từ các
quan niệm của các nhà nghiên cứu cùng với thực tế đời sống văn chương ta
có thể cắt nghĩa chất thơ trên nhiều phương diện.
Về phương diện loại hình thì thơ gắn liền với những phương thức biểu
hiện trữ tình, nó dành ưu thế cho cảm xúc của cái tôi trữ tình. Đối với chất
thơ trong truyện cũng vậy, chất thơ đó chính là thái độ tâm tình, là phản
ánh của tác giả. Như vậy có nghĩa là có những hình tượng cái nên thơ
không bộc lộ ra bên ngoài, nếu miêu tả nó một cách sao chép và mô phỏng
tự nhiên thì khó có thể tạo nên chất thơ. Nhưng nếu phát hiện được một nét
nào đó ẩn sâu trong bản chất của đối tượng và cung cấp cho nó một hình
tượng đẹp, một sự giải thích, một sự tô điểm giàu ý nghĩa thẩm mỹ và ý
nghĩa xã hội thì chất thơ sẽ xuất hiện và bao trùm lấy hình tượng.
Trên phương diện mỹ học, thơ được xem là cái đẹp của tâm hồn, của
cuộc sống và cao hơn nữa nó còn nói về cuộc sống với một lý tưởng đẹp.
Ngay khi thơ nói đến cái hùng, cái bi, cái cao cả, cái tầm thường của cuộc
sống thì cũng nhìn những phạm trù ấy dưới góc nhìn mỹ học thì nó là cái
16
đẹp và mới là chất thơ. Nếu nói ý thức và thiên hướng hoạt động sáng tạo
của con người theo qui luật của cái đẹp như Mác nói thì thơ, ý thơ và cảm
hứng sáng tạo biểu hiện rõ rệt đặc tính này. Etagapo cho rằng: “Cái đẹp là
địa hạt hợp pháp của thơ ca”. Còn Bôđơle xem thơ là:“Ước mong của con
người vươn tới một cái đẹp cao thượng”. Sile nhấn mạnh đến cái đẹp và
năng lực tạo nên cái đẹp ở trong thơ: “ Thơ ca biến mọi vật thành đẹp, nó
làm tăng vẻ đẹp của những cái gì đẹp nhất, nó đem lại vẻ đẹp cho những gì
xấu xí nhất”. Mặc dù quan niệm đó của Si le có hơi quá, song thực tế thơ là
sự phản ánh cái đẹp, làm đẹp lòng người, tâm hồn con người.
Xét trên phương diện cảm hứng, chất thơ gắn liền với cảm hứng bay
bổng, lãng mạn. M.Medestach nói: “Khó lòng nói hẳn thế nào không phải
là thơ nếu muốn hiểu thơ là gì, cần nhớ lại xúc cảm trước một miền có
phong cảnh đẹp hay khi nghe một bản nhạc du dương, khi nhìn một vật yêu
dấu và hơn hết ở một niềm tin cho ta nhận thấy trong tim sự hiện diện của
thần linh. Và năng khiếu bày tỏ bằng những gì cảm thấy ở đáy lòng rất
hiếm có, song chất thơ vẫn có ở những tâm hồn biết yêu thương mạnh mẽ,
sâu xa”. Như vậy chất thơ đối lập với hiện thực đầy phức tạp.
Ở phương diện ngôn ngữ, thơ có tính nhạc. Chất thơ gắn với nhạc
điệu, còn trong truyện dẫu không rõ ràng lắm nhưng chính âm hưởng, tiếng
vang của nó lan toả trong lòng người đọc lại chính là tiếng nhạc đậm đà,
dịu dàng, nhẹ nhàng và cũng lại đầy ấn tượng.
Đi vào tìm hiểu chất thơ trong văn xuôi tức là tìm hiểu những đặc tính,
đặc thù của thể loại đã được văn xuôi tiếp nhận và vay mượn làm nên màu
sắc thẩm mĩ riêng biệt, độc đáo cho tác phẩm văn xuôi ấy. Từ đó, thâu nhận
được một cách thấu đáo và triệt để ý nghĩa mà nhà văn có ý thức gửi gắm
vào trong tác phẩm của mình.
1.2.2. Sự khác nhau giữa chất thơ và chất trữ tình
Chất thơ và chất trữ tình có những điểm chung nhất định, nội dung của
hai khái niệm ấy có những chỗ giao thoa, gặp gỡ. Vì thế trong nghiên cứu
17
văn học đã có không ít người đồng nhất hai thuật ngữ này. Sở dĩ có quan
niệm như vậy là bởi xuất phát từ nguồn gốc, phương diện loại hình: Thơ
gắn liền với phương thức biểu hiện trữ tình, nên nó ưu tiên, trước nhất cho
sự bộc lộ tâm tình chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy có thể khẳng định
một tác phẩm được xem là giàu chất thơ, tác phẩm ấy cũng có thể coi là
đậm yếu tố trữ tình.
Chất thơ và chất trữ tình đều có được nhờ sự khám phá đời sống tâm
lý sâu thằm bên trong con người. Đó là những khát vọng, mơ ước với chiều
hướng miêu tả thiên về nắm bắt những gì tinh tế, gợi cảm của con người,
thiên nhiên, cuộc sống. Người nghệ sỹ biểu hiện nó một cách ngắn ngọn,
cô đúc ở sự đẽo gọt câu văn, sự trau chuốt ngôn từ, chú trọng tính hài hoà
của những yếu tố ngữ âm, từ vựng, cú pháp, ở lối kết cấu tác phẩm dựa trên
sự vận động của mạch tâm trạng, ở cách xây dựng hình ảnh như những ẩn
dụ đầy ám ảnh và gợi cảm, có thể tạo nên những vòng sóng dư ba và lan
toả trong tâm hồn người đọc. Và người đọc nhận ra những trang văn ấy như
những bài thơ, dòng thơ phong phú chắt chiu từ cuộc sống được thanh lọc
từ chính đời sống tâm hồn của người nghệ sĩ.
Tuy vậy, hai khái niệm chất trữ tình và chất thơ không phải là một.
Chúng ta vẫn có thể khu biệt hai khái niệm này dựa vào một số yếu tố sau:
Thứ nhất xét ở nội hàm khái niệm thơ và trữ tình. Như đã nói ở trên: Chất
thơ là cái đẹp của tâm hồn, của cuộc sống và cao hơn nữa là cuộc sống với
một lý tưởng đẹp và những cái gì gắn với cảm hứng bay bỗng, lãng mạn,
đẹp đẽ lý tưởng, mơ mộng được coi là chất thơ. Còn chất trữ tình bản thân
nó có nội hàm bao quát hơn. Cảm hứng làm nên chất trữ tình hoàn toàn
không chỉ giới hạn ở cảm xúc đó, với cái đẹp; cái lý tưởng mà đó là tình
cảm nói chung với nhiều sắc thái khác nhau: yêu, ghét, giận hờn nghĩa là
trải qua tất cả các cung bậc của hỉ, nộ, ái, ố. Cảm xúc tình cảm đó ngập lẫn
trong bể trầm luân của cuộc đời, vui với niềm vui nhân thế và đau cùng nỗi
buồn thế nhân. Trân trọng, ngợi ca, đề cao cái cao thượng, đẹp đẽ, lý tưởng
18
đồng thời lên án, tố cáo, vạch trần những cái xấu xa, tầm thường, giả dối...
Có khi xót xa trước một cánh hoa rơi, một cảnh đời tàn tạ, một số phận lênh
đênh chìm nổi, một cuộc đời nhiều uẩn khúc suy tư. Tức là mọi cung bậc
trong thế giới tình cảm hết sức đa dạng và phong phú của tâm hồn con người
được nhà văn gửi gắm vào trong trang viết bằng lối biểu cảm trực tiếp hay
gián tiếp. Nói khác đi, chất thơ có nghĩa hẹp hơn chất trữ tình, chỉ là một
phần nội dung của chất trữ tình. Trong chất trữ tình bao chứa chất thơ.
Xét ở những phương diện phản ánh: Chất thơ tập trung nhấn mạnh ấn
tượng trực tiếp cái cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn, đẹp đẽ mà tác phẩm tạo
ra trong ấn tượng người đọc thì chất trữ tình lại thể hiện một cách sâu lắng
hơn, kín đáo hơn nên nhiều khi đọc tác phẩm một lần khó thấy được chất
trữ tình ẩn sâu trong đó.
Xét ở phương diện tiếp nhận, cảm nhận: Người ta thường cảm nhận
chất thơ bằng trực giác, cảm giác. Nhận diện chất thơ trong một tác phẩm
văn xuôi, người đọc nhiều khi chỉ cần có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm, giàu
cảm xúc. Còn để nghiên cứu chất trữ tình được hình thành từ đâu chúng ta
không chỉ đòi hỏi sự nhạy cảm tinh tế mà còn phải bắt đầu từ những vấn đề
cơ bản, cốt lỏi nhất của lý luận. Chẳng hạn tìm hiểu chất trữ tình trong một
truyện ngắn cụ thể ta phải bắt đầu từ tình huống, kết cấu, cốt truyện, nhân
vật, giọng điệu, ngôn ngữ... tất cả những yếu tố ấy được coi là then chốt, cơ
bản của thể truyện ngắn. Chúng tôi sẽ triển khai rõ hơn vấn đề ở chương
tiếp sau của luận văn.
Chính sự phân biệt này giúp cho người nghiên cứu nhìn nhận rõ hơn
phạm vi biểu hiện của hai khái niệm chất thơ và chất trữ tình trong mỗi tác
phẩm văn học.
1.3. Chất trữ tình trong truyện
Trong hành trình sáng tạo văn học nhân loại nói chung, văn xuôi tự
sự trong đó có truyện ngắn và tiểu thuyết; bản thân những thể loại này có
thể mở rộng “lãnh địa” của mình bằng cách cho phép du nhập những yếu tố
19
ngoại lai, nhất là truyện ngắn. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu,
truyện ngắn ngày càng có khuynh hướng tiến gần hơn với “địa hạt” thơ ca, để
vượt ra ngoài những nguyên tắc thi pháp ban đầu của nó. Trong bài viết
truyện ngắn - Đặc trưng thể loại, Đỗ Ngọc Thạch nhấn mạnh: “Truyện ngắn là
một dạng cấu trúc đặc biệt của thơ. Cái được gọi là thơ ở đây là chất trữ tình
sâu lắng trong những tình huống của tâm trạng nhân vật... chứ không phải là
sự uốn éo cầu kỳ trong câu văn hay sự loè loẹt của tả cảnh” [95].
K.Pautôpxki cho rằng: “Cái chính là ở chỗ khi văn xuôi đạt tới mức
hoàn thiện, toàn mỹ thì về bản chất nó đã thực sự là thơ” [95].
Kurannốp, nhà nghiên cứu Nga lại nhấn mạnh: “Trong nền văn học
hôm nay, chúng ta chứng kiến sự xích lại gần nhau giữa thơ và văn xuôi.
Sự xích lại này làm cho văn xuôi chúng ta thêm nồng ấm, run rẫy, nhiều
chất hội hoạ, cô đọng hơn trong những ẩn dụ thấm vào từng câu, từng
đoạn. Việc xích lại gần với thơ làm cho văn xuôi vừa trở nên sâu sắc hơn,
vừa dễ hiểu hơn” [103].
Rõ ràng, sự xâm nhập của thơ vào văn xuôi là hết sức đa dạng. Trong
luận văn này chúng tôi không bàn đến thể thơ văn xuôi như một loại hình
thơ độc lập của lối tư duy hiện đại. Cũng không nói đến những tác phẩm
truyện được triển khai dưới hình thức thơ như truyện thơ chẳng hạn. Chúng
tôi cũng không đề cập đến những trường hợp tác phẩm văn xuôi mà ở đó
thơ được đưa vào như một bộ phận trong cấu trúc tổng thể của tác phẩm và
chứa đựng bên trong nó những giá trị thẩm mĩ nhất định. Chính việc đưa
vào trong truyện của mình một số đoạn thơ, bài thơ của một số tác giả làm
nên một nét phong cách độc đáo trong nghệ thuật trần thuật của họ. Hơn
nữa trong thực tế đời sống văn học, chúng ta có thể nhận ra hiện tượng giao
thoa giữa trữ tình và tự sự không phải chỉ ở cấu trúc bề ngoài mà là từ
chính “cái nhìn bên trong” của thể loại khác nhau để góp phần làm gia tăng
khả năng biểu đạt của thể loại. Mỗi thể loại đồng thời là nó, đồng thời
không chỉ là nó mà giàu có hơn bản thân nó. Sự giao thoa này ở từng hiện