Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Chất trữ tình trong những sáng tác của nam cao...

Tài liệu Chất trữ tình trong những sáng tác của nam cao

.PDF
120
1475
102

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN GIANG MINH TẤN MSSV : 6095888 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG NHỮNG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ văn Cán bộ hướng dẫn : Hồ Thị Xuân Quỳnh Cần Thơ, năm 2013 CHẤT TRỮ TÌNH TRONG NHỮNG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO  A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài. 2. Lịch sử vấn đề. 3. Mục đích yêu cầu. 4. Phạm vi đề tài. 5. Phương pháp nghiên cứu B. PHẦN NỘI DUNG. CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Một vài nét về Nam Cao. 1.1 Tiểu sử. 1.2 Sự nghiệp sáng tác. 1.2.1 Thời kì trước cách mạng tháng tám 1.2.2 Thời kì sau cách mạng tháng tám 1.3 Quan điểm sáng tác. 1.3.1 Trước cách mạng tháng tám. 1.3.2 Sau cách mạng tháng tám. 1.4 Phong cách nghệ thuật. 2. Một vài nét về chất trữ tình. 2.1 Giới thuyết về chất trữ tình. 2.2 Cơ sở hình thành chất trữ tình trong những sáng tác của Nam Cao 2.2.1 Hiện trạng xã hội trong giai đoạn 1930 – 1945. 2.2.2 Đời sống văn chương trong giai đoạn 1930 – 1945. 2.2.3 Bản thân nhà văn CHƯƠNG 2 : NHỮNG BIỂU HIỆN CHẤT TRỮ TÌNH TRONG NHỮNG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO 2.1 Thể hiện lòng quý trọng, thương yêu con người. 2.2 Thể hiện niềm tin vào tương lai, vào cuộc sống. 2.3 Thể hiện ước mơ, khát khao về một cuộc sống tốt đẹp. 2.4 Thể hiện nỗi đau tinh thần của con người. 2.5 Thể hiện những chiêm nghiệm, suy tưởng về con người và cuộc đời của nhà văn. 2.6 Thể hiện tình yêu thiên nhiên và tạo vật. CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN BIỂU HIỆN CHẤT TRỮ TÌNH TRONG NHỮNG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO 3.1 Giọng điệu. 3.1.1 Giọng điệu cảm thông, chia sẻ. 3.1.2 Giọng điệu trìu mến, yêu thương. 3.1.3 Giọng điệu đau đớn, xót xa. 3.1.4 Giọng điệu lạnh lùng, chua chát. 3.2 Nhịp điệu. 3.3 Điểm nhìn. C. PHẦN KẾT LUẬN. TÀI LIỆU THAM KHẢO MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nam Cao là nhà văn xuất sắc cuối cùng của dòng văn học hiện thực phê phán trong giai văn học 1930 - 1945. Trước Nam Cao đã có nhiều nhà văn hướng ngòi bút của mình phản ánh hiện thực một cách sinh động và chân thực nhất. Mở đầu cho dòng văn học phê phán là các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng. Nam Cao cũng hướng ngòi bút của mình vào việc phản ánh xã hội qua các đề tài quen thuộc đã được nhiều nhà văn trước khai thác. Nhưng Nam Cao không tập trung vào khai thác những vấn đề lớn của xã hội mà ông tập trung vào miêu tả những chuyện vụn vặt của cuộc sống. Thông qua những câu truyện vặt vãnh, tầm thường đó, Nam Cao đã khái quát được nỗi khốn khổ của người lao động nghèo lúc bấy giờ. Truyện ngắn của Nam Cao giàu chất tự sự nhưng cũng không kém chất trữ tình lãng mạn. Đôi khi giữa dòng văn tự sự của Nam Cao lại vút lên một giọng điệu trữ tình ngọt ngào và sâu lắng. Truyện ngắn của Nam Cao, không dài nhưng mỗi truyện ngắn nhà văn chỉ tập trung làm rõ một điểm tính cách của nhân vật. Để từ suy nghĩ của nhân vật, Nam Cao nêu lên suy nghĩ của chính mình. Vì vậy, truyện ngắn của Nam Cao dồi dào chất triết lí nhưng không phải vì thế mà chất trữ tình trong truyện ngắn Nam Cao bị giảm đi. Chất trữ tình và chất triết lí như hòa quyện, xuyên thắm vào nhau. Mọi sự miêu tả của tác giả đều được thể hiện qua những cung bậc cảm xúc của chính tác giả. Chất triết lí dạt dào của Nam Cao cũng được bắt nguồn từ chất trữ tình đầm thắm của nhà văn. Để làm sáng rõ những nỗi niềm thương yêu của Nam Cao dành cho nhân vật mình, ẩn hiện một cách thâm trầm mà sâu lắng, người viết đã lựa chọn đề tài: Chất trữ tình trong những sáng tác của Nam Cao, để tìm hiểu thật kĩ càng về tình cảm yêu đời và thương đời da diết của một nhà văn luôn hướng ngòi bút của mình về cuộc sống. 2. Lịch sử vấn đề Văn học thời kì 30-45, nếu thiếu vắng Nam Cao trên văn đàn văn thì sẽ là một mất mát rất lớn cho nền văn chương hiện đại lúc bấy giờ. Đặt ra câu hỏi trên, để cho ta thấy rằng Nam Cao là một cây bút tài năng không thể thiếu trong thời kì văn học 30 45. Nghĩa là ông là một cây bút cần thiết giữ vai trò quan trọng trong việc tái hiện lại cuộc sống hiện thực nghèo khổ của người nông dân trong giai trong lúc này. Lúc sinh thời nhà văn có ước muốn để lại cái gì đó cho hậu thế, để mai này còn có người nhớ đến Nam Cao “ao ước tạo một cái gì nó sẽ sống lại sau tôi”. Hà Minh Đức là người có công đầu tiên trong việc tìm tòi và khám phá nhiều tầng ý nghĩa trong truyện ngắn của Nam Cao. Năm 1961- xuất hiện cuốn chuyên khảo đầu tiên về Nam Cao: Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc, do Hà Minh Đức biên soạn. Tuy đây là cuốn sách còn khá sơ lược nghiên cứu về tác gia Nam Cao nhưng đã phần nào đã nói lên những đóng góp quan trọng của Nam Cao trong tiến trình văn học nước nhà ở thế kỉ XX. Đây là cuốn sách mở đường cho nhiều tác giả nghiên cứu tiếp về Nam Cao. Hà Minh Đức là nhà nghiên cứu khá tâm huyết với Nam Cao. Trong quyển sách: Nam Cao đời văn và tác phẩm (1997), Nhà xuất bản Văn học, đã nói lên tình cảm nhà văn đối với người nông dân “ những nhân vật của Nam Cao gợi lên trong ta một niềm cảm thương không bờ bến’’[7;tr.44]. Những người nông dân đáng thương đó là lão Hạc, là bà cái Đĩ,.... Tất cả trang văn của Nam Cao đều thấm nhuần tinh thần nhân đạo, ông yêu mến người nông dân và cái làng quê của mình “ Nam Cao yêu trìu mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa của thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến cái ngốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao xót xa độ lượng trong câu văn của anh”[7;tr.66]. Nam Cao phản ánh hiện thực xã hội bằng một ngòi bút sắc sảo, ông phơi bày hiện trạng đời sống nghèo khổ của người nông dân, qua trang viết đầy cảm động “Hai mặt tố cáo và cảm thương nhân đạo ấy không tách rời nhau gắn bó chặt chẽ với nhau. Do lòng nhân đạo của tác giả nên hiện thực phản ánh mang nhiều yếu tố tố cáo, và các yếu tố tố cáo càng trở nên sâu sắc mạnh mẽ vì nó bắt nguồn từ một tấm lòng nhân đạo chân thành chế độ xã hội”[7;tr.121] Nguyễn Đăng Mạnh với quyển sách Nhà văn tư tưởng và phong cách, Nhà xuất bản Đại Học quốc gia Hà Nội (2001), có nói Nam Cao là con người ít nói, nhưng giàu tình cảm, ông hay băn khoăn về vấn đề nhân phẩm của con người nên “tác giả thường buộc phải đặt nhân vât của mình vào một tình thế cheo leo nơi ranh giới con người và con vật”[22;tr.207]. Cái hay của Nam Cao là lúc nào tác giả cũng để cho nhân vật của mình nhận thức rõ được hoàn cảnh và đưa nhân vật vào một tình thế “cheo leo”, mấp mé sát mép ranh giới giữa thiện và ác. Để từ đó cho nhân vật có thời gian nhìn kỹ mình hơn, thấu hiểu nỗi đau khỗ của giai cấp mình để tự chiến thắng lại hoàn cảnh vươn tới cuộc sống tốt đẹp. Nguyễn Hoành Khung nói đến chất trữ tình trong sáng tác của Nam Cao qua cuốn sách Lịch sử văn hóa Việt Nam 30-45 như sau “trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc, soi mói như của Nam Cao, vừa sắc lạnh, vừa gân guốc, vừa chan chứa yêu thương, vừa tỉnh táo nghiêm nghặt, vừa thắm thiết trữ tình, đó là đặc điểm của ngòi Nam Cao. Trong Nam Cao, có tiếng cười trào lộng sắc sảo, lại cố tiếng khóc thương nghẹn ngào (…) đó là tiếng cười và tiếng khóc trong một tâm hồn phẫn uất, yêu thương nhưng bế tắc ” [19;tr.67]. Văn Nam Cao là sự thật của đời sống, ông không hề che lấp hay nói lướt qua một hiện thực của đời sống một cách dễ dàng, mà thông qua hiện thực đó, ông gửi gắm biết bao triết lí về cuộc sống và tình người. Nam Cao là cây bút viết khá tỉnh táo, nghiêm ngặt, đôi khi Nam Cao “cố ý đóng cũi sắt tình cảm” để giữ cho đôi mắt thêm phần sáng suốt và câu truyện kể được khách quan. Đừng lầm tưởng khi tác giả gọi những nhân vật của mình là “hắn, y, gã, thị, mụ” nhưng đằng sau cách gọi đó là cả một tấm lòng yêu thương, trân trọng nhân vật của mình “chính giọng văn bình thản, lạnh lùng khi cảm xúc nén lại đó khiến cho sự phẫn uất, xót thương càng tăng trong lòng người đọc”[19;tr.67]. Truyện ngắn của Nam Cao phần nhiều mang yếu tố tự truyện, nghĩa là tác giả đem chuyện của mình, của chòm xóm ra mà viết. Nhà văn thường xen lẫn những đoạn văn tự sự với vài câu nói trữ tình của nhân vật hay tác giả để phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình “giữa một câu văn tự sự bỗng vút lên tiếng thương cảm thán, mang đến trang truyện một chất thơ cảm động “ Lão hạc ơi! Lão hãy vui lòng nhắm mắt”[19;tr.68]. Văn của ông thường là những dòng văn tư sự bỗng vút lên dòng văn thắm đượm chất trữ tình, đã được GS. Nguyễn Văn Hạnh nói đến trong luận đề văn chương Nam Cao - Một Đời Người Một Đời Văn, “Nét đặc trưng có sức lôi cuốn mạnh nhất trong tài năng và phong cách của Nam Cao là chất trữ tình ấm áp “lây truyền”, thấm đậm hầu hết các trang viết của ông. Chất trữ tình này bắt nguồn từ nỗi buồn thương đau đời của ông trước nỗi khổ không cùng của con người, từ lòng khát khao của ông về một cuộc sống nhân ái hơn, xứng đáng hơn đối với con người. Chất trữ tình này cũng tăng thêm do nhà văn thường đi sâu vào tâm hồn nhân vật, để cho nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng của mình, do nhà văn thường trực tiếp bày tỏ thái độ tình cảm, tư tưởng của mình về cuộc sống, do tính chất tự truyện nhiều trong tác phẩm”[12;tr.24] Ít có nhà văn nào có kết hợp một cách nhuần nhuyễn độc đáo sức mạnh tạo hình và miêu tả tâm lí nhân vật, những dòng văn vừa tự sự vừa trữ tình hay đến thế! Chất trữ tình như là chất thơ quan trọng không thể thiếu trong tác phẩm của Nam Cao. Từ đó giúp người đọc cảm nhận được rõ hơn tình cảm của tác giả dành cho nhân vật nghèo khổ“thấp cổ bé họng” nên “Ngòi bút Nam Cao hướng đến chỗ làm cho con người hiểu người hơn, biết quý trọng bản tính tốt đẹp vốn có của con người, cái bản tính thường bị bóp méo, bị che lấp bởi hoàn cảnh, bởi sự nghèo khổ, và cả sự bàng quan, vô tâm của những người xung quanh hằng ngày”[12;tr.181] Bài viết Vẻ đẹp con người của Hoàng Thị Hương, đã làm lay động trái tim của người đọc, lần tìm phát lộ ra vẻ đẹp nhân hậu ở những con người nghèo khổ nhưng rất mực đáng kính trọng. Dù nghèo người nông dân lão Hạc luôn biết giữ gìn nhân cách, nhân phẩm của mình đến khi chết cũng lo liệu chu tất không dám làm phiền hàng xóm. Nam Cao “nhà văn không biết khóc cho khốn khổ đời mình lại rất dễ khóc cho đời người. Khó có thể biết nhân vật hay tác giả khóc”[31;tr.331]. Nam Cao đã nhìn thật kỹ, thật sâu vào bản chất của người nông dân nghèo khổ để nhà văn khẳng định nhân cách cao đẹp của lão Hạc “Là chết trong còn hơn sống đục”. Ngoài ra, để hoàn thành luận văn này không thể không kể đến đóng góp rất lớn của quyển: Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm, nhà xuất bản Giáo Dục năm 2007, do Bích thu tuyển chọn và giới thiệu tới bạn đọc, tập hợp các bài giới thiệu, phê bình, bình luận và nghiên cứu của các nhà phê bình văn học về Nam Cao. Trong cuốn sách này, có những bài viết có đề cập đến một khía cạnh về chất trữ tình trong sáng tác của Nam Cao, đáng chú ý có thể kể đến các bài viết của các tác giả sau: Nhắc đến đầu tiên phải là bài viết của Bích Thu, Sức sống của một sự nghiệp văn chương, tác giả đã khái quát lên toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp văn chương của tác gia Nam Cao. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều có chung một nhận xét về Nam Cao : “Nam Cao tỏ ra có sở trường trong việc miêu tả tâm trạng, quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật, làm nổi bật bi kịch đời thường, bi kịch nhân cách, bi kịch tinh thần của con người”[31;tr.42]. Là một nhà văn hiện thực xuất sắc ông đã tái hiện lại sự thật của đời sống một cách có hồn nhất, Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Nếu như tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì tác phẩm của Nam Cao là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi”[31;tr.44]. Ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng để cấu thành một tác phẩm văn chương, là công cụ của phương tiện miêu tả mà còn là đối tương của sự miêu tả “Ngôn ngữ trong sáng tác của Nam Cao là ngôn ngữ đa âm, phức điệu, hiện đại, dù được viết vào thời ông nhưng bây giờ đọc vẫn thấy mới”[31;tr.52]. Giọng điệu tạo nên phong cách của mỗi nhà văn. Mỗi nhà văn thường tạo cho mình một giọng điệu riêng như: Nguyên Hồng đầy yêu thương, Thạch Lam trữ tình nhẹ nhàng, man mác, sâu lắng, còn Nam Cao là sự phức hợp nhiều giọng điệu, các nhà nghiên cứu dường như thống nhất khi nhận định “giọng điệu của Nam Cao là sự tổng hợp của nhiều chất liệu, giọng điệu không lẫn vào bất cứ ai”[31;tr.53]. Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện trong bài viết Bút pháp tự sự đặc sắc trong Sống mòn, đã từng nói Nam Cao đã mạnh dạn tìm lối đi riêng cho lối viết của mình, bằng một giọng văn chua chát và đôi khi tàn nhẫn với chính nhân vật của mình “cái độc đáo của giọng văn trong Sống mòn không phải tự làm mình làm mẩy, uốn éo giả tạo, lên gân, căng mình ra trong thói đạo đức giả mà hàm chứa một nỗi đau nội tại, một lời trách cứ thâm trầm, một sự dằn vặt vì tin rằng cái nhân bản và cái lương tâm không phải là một cái gì xa lạ, phải cưỡng bức mới tiếp nhận nổi”[31;tr.393]. Cái lối đi riêng, nét mới trong sáng tác của Nam Cao đôi khi ông cho nhân vật tự đối thoại nội tâm với nhau bằng chính ngôn ngữ của nhân vật “Ngôn từ của ngôn ngữ, đó là ngôn từ song thanh đặc biệt. Nó cùng một lúc phục vu hai người đang nói và cùng một lúc thực hiện hai ý định khác nhau: ý định trực tiếp của nhân vật và ý định gián tiếp của tác giả. Trong ngôn từ ấy có hai tiếng nói hai nghĩa và hai biểu hiện. Hai tiếng nói ấy có quan hệ đối thoại với nhau”[31;tr.393]. Bài viết của tác giả Lại Nguyên Ân: Nam Cao cuộc canh tân văn học đầu thế kỉ XX, ngôn ngữ của Nam Cao so với những tác giả trước đó và cùng thời là khá mới, ít cũ đi nhất vẫn theo kịp hơi hướng của thời đại “Nam Cao tạo nên một ngôn ngữ ít nhiều phức điệu, tổ chức được những mạng lưới phức tạp gồm cả ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, cả ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, thậm chí của những sự đan xen nhòe lẫn vào nhau của hai ngôn ngữ ấy, Nam Cao là một trong số không nhiều cùng thời có những tác phẩm mà ngôn ngữ dường như không cũ đi so với thời gian, tức là có những tác phẩm đạt đến mức cổ điển của văn xuôi tiếng Việt”[31;tr.176]. Đây là ý kiến của tác giả bài viết để nói lên những đóng góp quan trọng và ý nghĩa của truyện ngắn Nam Cao trong công cuộc “canh tân văn học” đầu thế kỉ. Trần Đăng Suyền trong bài viết: Thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao, đã tạo cho truyện ngắn của Nam Cao một nhịp điệu kể chuyện đa dạng và phong phú. thời gian trong tác phẩm của Nam Cao dường như đông đặc lại, tù đọng, trôi qua với một nhịp điệu kể chuyện chậm rãi để tác giả thể hiện được thế giới tình cảm của nhân vật qua kí ức hồi tưởng, đối chiếu giữa quá khứ và hiện tai để nhân vật có thể nhìn thấy “viễn cảnh và chu tuyến của tương lai”. Nam Cao có sở trường phân tích tâm lí nhân vật, soi rọi vào những vùng tâm hồn sâu thẳm mà chưa ai phát hiện “Khám phá thế giới bên trong,thế giới tâm hồn nhân vật và lối kể chuyện theo quan điểm của nhân vật”[31;tr.470]. Nói đến không gian trong sáng tác của Nam Cao mà bỏ qua cái làng quê Đại Hoàng là một thiếu sót khá lớn, ở nơi đó có nhưng người thân quen của Nam Cao đang sống. Nam Cao yêu tha thiết cái làng quê của mình, vì thế trong từng trang viết của ông đều miêu tả cảnh làng quê thật sinh động và cụ thể, nhưng cũng đượm buồn và xót xa “Những mái lá xác xơ trông tiều tụy như những cái nón rách trên ráy những người ăn mày ngồi xúm xít với nhau, ngủ gục cho đỡ lạnh”[31;tr.471].Chính cái không gian u buồn, ảm đạm ấy trên phong nền đen tối của xã hội thực dân nửa phong kiến càng làm cho truyện ngắn của Nam Cao thêm gợi bế tắc, lẩn quẩn đến tù túng đến nghẹt thở không thoát ra được. Nam Cao đã ngã xuống khi đang ấp ủ viết về một tác phẩm về quê hương của mình, gắn bó chặt cuộc đời mình với quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn”, “Nhà văn Nam Cao thực sự gắn bó với làng Vũ Đại của văn học và mảnh đất của làng Vũ Đại đã ôm ấp Nam Cao mãi mãi đến ngàn thu”[31;tr.654]. Nhìn chung, những nhận định của các nhà nghiên cứu về Nam Cao là những ý kiến vô cùng quý báo cho người viết luận văn này. Những ý kiến này sẽ là cơ sở tiền đề cho người viết triển khai đúng hướng và hiệu quả của đề tài “Chất trữ tình trong những sáng tác của Nam Cao”. 3.Mục đích yêu cầu Người viết cần nghiên cứu thật kĩ những tác phẩm của nhà văn Nam Cao ở cả hai thời kì văn học trước và sau cách mạng tháng tám 1945. Và các bài nghiên cứu của các nhà phê bình, các nhà văn có tâm huyết với những sáng tác của Nam Cao. Nghiên cứu thật sâu để tìm thấy sự phong phú trong sáng tác của Nam Cao. Nhà văn Nam Cao đã dành tất cả trang viết hay nhất và cảm động nhất khi nói về cuộc sống nghèo khổ, cùng quẫn, bế tắc của người dân lúc bấy giờ. Sống trong hoàn cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến, tác giả đã nhìn rõ bộ mặt độc ác thối tha của bọn thống trị. Ông vô cùng căm ghét chế độ xã hội đương thời và bày tỏ nỗi lòng đau xót của mình khi nhìn cảnh làng quê tiêu điều, xơ xác và con người bị hoàn cảnh đẩy vào con đường tuyệt vọng, tha hóa, biến chất làm tiêu mòn đi nhân cách đáng quý của một con người. “Chất trữ tình trong những sáng tác của Nam Cao” là chất hồ luôn hiện hữu trong trong sáng tác của Nam Cao. Từ đó đã làm kết dính biết bao người yêu văn chương, làm lay động đến những vùng tiềm thức sâu thẳm của con người. Chất trữ tình là một tiếng kêu cứu nhẹ nhàng mà tha thiết, khẩn cấp kêu gọi mọi người hãy nhìn xuống cuộc đời những con người nghèo khổ bằng tình thương và cả tấm lòng nhân đạo. 4. Phạm vi đề tài Với đề tài nghiên cứu luận văn “ Chất trữ tình trong những sáng tác của Nam Cao”, đây là đề tài khá rộng vì phải xem xét hầu hết các tác phẩm ở cả hai thời kì trước và sau cách mạng tháng tám 1945. Cả hai thời kì văn học trước và sau cách mạng tháng tám Nam Cao tập trung sáng tác vào hai đề tài chính : người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Trước cách mạng Nam Cao có những tác phẩm tiêu biểu sau: Lão Hạc, Một bữa no, Một đám cưới, Tư cách mõ, Lang Rận, Chí Phèo, Đời thừa, Nước mắt, Giăng sáng, Quên điều độ, Cái mặt không chơi được, Truyên người hàng xóm, Sống mòn. Sau cách mạng Nam Cao có những tác phẩm tiêu biểu sau : Đôi mắt, Nhật ký Ở rừng, Đường vô Nam, Đợi chờ, Vài nét ghi qua vùng biên giới… Bên cạnh đó, người viết còn tập hợp những tài liệu tham khảo có liên quan đến đề tài của mình. Để từ đó, người viết có cái nhìn tổng quát toàn diện về đề tài mình thực hiện như : Nam Cao - Đời văn và tác phẩm của Hà Minh Đức, Nam Cao – Một đời người, một đời văn của Nguyễn Văn Hạnh, Nam Cao – Về tác gia tác phẩm của Bích Thu, Nhà văn tư tưởng và phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện được đề tài này, người viết cần phải thực hiện nhiều thao tác khác nhau. Trước tiên phải đọc thật kĩ những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao, để nắm vững các ý chính của tác phẩm để triển khai đúng hướng mà đề tài luận văn yêu cầu. Kế tiếp, phải biết tập hợp và chắt lọc lại những tài liệu có liên quan đến đề tài của mình, sắp xếp có hệ thống để chứng minh cho những luận điểm cần phân tích của mình thêm phần thuyết phục. Khi thực hiện đề tài luận văn này người viết có sử dụng một số phương pháp nghiên cứu văn học sau : Phương pháp tiểu sử, phương pháp xã hội học (xã hội học sáng tác, xã hội học tiếp nhận), phương pháp loại hình, phương pháp so sánh đối chiếu với những tác phẩm cùng thời và vượt ra khỏi phạm vi những tác phẩm cùng thời. Để từ đó, nhằm mục đích làm nổi bật lên sự khác biệt ở từng tác giả, thấy được nét độc đáo, cái hay của nhà văn Nam Cao. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát và nghiên cứu người viết còn kết hợp nhiều phương pháp như: tổng hợp, liệt kê… và các thao tác chứng minh, bình luận, giải thích nhằm làm sáng tỏ vấn đề được đặt ra. PHẦN NỘI DUNG Chương 1: Một số vấn đề chung 1.Vài nét về tác giả 1.1 Vài nét về tiểu sử Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29-10-1915 trong một gia đình trung nông tại làng Đại Hoàng thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bút danh của Nam Cao do ghép hai chữ đầu tên huyện và tổng mà thành. Ông xuất thân từ một gia đình Công giáo bậc trung. Thân phụ ông là ông Trần Hữu Huệ, làm nghề thợ mộc và là thầy lang trong làng. Thân mẫu ông là bà Trần Thị Minh, vừa là nội trợ, làm vườn, làm ruộng và dệt vải. Nam Cao là con trai cả trong một gia đình đông anh em, có bốn em trai và ba em gái. Anh em của Nam Cao phần lớn phải chịu cảnh nghèo đói và thất học chỉ có một mình ông được học hành đến nơi đến chốn. Vì thế trách nhiệm của Nam Cao đối với gia đình là rất lớn. Năm 1922 ông học trường tư ở làng, sau đó theo học tiểu học và bậc thành chung ở thành phố Nam Định. Năm 1934, Nam Cao học xong bậc trung học, vì bị ngã cầu thang rồi ốm nên chưa thi bằng thành chung. Đầu năm 1935, Nam Cao từ thành phố Nam Định trở về quê để chữa bệnh thấp khớp và phù tim. Đến ngày 2-10 năm 1935 Nam Cao lập gia đình với bà Trần Thị Sen khi anh mới mười tám tuổi. Khi vừa cưới vợ được một tháng thì Nam Cao quyết định đi vào Sài Gòn sống và làm thư ký cho hiệu may Ba Lễ với nhiều mơ ước và dự tính cho chuyến đi xa này “Ở Sài Gòn, y kiếm sống bằng rất nhiều nghề, kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc đồ bà ba, đi chích thuốc hút ở nhà thương. Còn thì giờ thừa nào, y học rất chăm”[31;tr.68]. Đến năm 1938, Nam Cao bị ốm nặng do bệnh tim và tê thấp nên ông từ Sài Gòn trở ra Bắc. Đứng trước bao chông gai và trở ngại của cuộc sống đầy khó khăn và vất vả nhưng bằng nghị lực sống kiên cường đã trợ giúp cho Nam Cao vượt qua bệnh tật và chiến thắng bản thân mình. Ông đã tự học và ôn lại vốn kiến thức cũ, kết quả là ông đỗ bằng thành chung. Sau đó, Nam Cao xin đi làm công chức nhưng vì sức khỏe yếu nên không được nhận vào làm. Nam Cao lên Hà Nội dạy học cho một trường tư thục của một người trong họ mở. Năm 1940, phát xít Nhật nổ súng xâm lược Đông Dương, đời sống con người thêm muôn vàn cực khổ. Trường Công Thành nơi mà Nam Cao đang dạy cũng phải đóng cửa, bị chúng lấy làm chuồng ngựạ. Năm 1943, Nam Cao tiếp thu đường lối đúng đắn của Đảng cộng sản Đông Dương qua bản đề cương văn hóa Việt Nam 1943. Được giới thiệu của Tô Hoài, tháng 4 năm 1943 Nam Cao tham gia vào Hội Văn hóa cứu quốc bí mật cùng với Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… Cũng từ đó, Nam Cao đã xác định được quan điểm và lập trường tư tưởng cho ngòi bút của mình để làm vũ khí sắc bén kêu gọi mọi người đứng lên đấu tranh chống đế quốc thực dân. Tháng 8-1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã. Năm 1946, Nam Cao được điều động công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tại Hà Nội, thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong của Hội. Sau đó, ông còn tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách là một phóng viên. Cuối năm 1947, Nam Cao được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, đây là niềm mong ước bấy lâu của Nam Cao là niềm vinh dư lớn lao trong cuộc đời của ông. Ông sống và hoạt động ở Việt Bắc với lòng hăng say phục vụ cách mạng Nam Cao không hề ngần ngại mọi công việc dù lớn hay nhỏ của lãnh đạo giao cho. Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu chiến liên khu Ba, Nam Cao và đoàn công tác bất ngờ bị địch phục kích. Ngày 30-11-1951 Nam Cao đã anh dũng hi sinh ở Mưỡi Giáp, Hoàng Đan, tỉnh Ninh Bình. Nam Cao đã ngã xuống giữa lúc tài năng đang nở rộ, căng tràn nhựa sống, giữa lúc nhà văn đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết lớn về vùng quê đang vùng dậy đấu tranh giải phóng. Sự ra đi quá đột ngột của Nam Cao làm cho gia đình và bạn bè vô cùng đau xót, ông để lại một khoảng trống không gì bù đắp nổi. Đó là mất mát to lớn cho nền văn học hiện đại nói riêng, và cả nền văn học Việt Nam nói chung. Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán. Cùng với các nhà văn hiện thực lúc bấy giờ, Nam Cao đã góp thêm một gam làm bật nổi lên bức tranh xã hội mù tối đương thời. 1.2 Sự nghiệp sáng tác Nam Cao đã đi xa chúng ta gần hơn nửa thế kỷ, nhưng ông để lại cho độc giả một khối lượng tác phẩm không lớn nhưng chúng đã hóa thành bất tử trong tim của người đọc qua mọi thế hệ, thành những “mẫu số vĩnh hằng” trong nền văn học dân tộc. Ông để lại cho hậu thế khoảng 100 tác phẩm, trong đó có 60 truyện ngắn, 2 tập truyện dài Sống Mòn và Truyện người hàng xóm. Đó là những tác phẩm sinh thời nhà văn đã đặt hết tâm sức của mình, mong để lại cho mai sau một cái gì đó có giá trị lâu bền. 1.2.1 Thời kì trước cách mạng tháng tám Nam Cao bước đầu vào sự nghiệp văn chương của mình vào năm 1936, như ông thật sự nổi danh vào năm 1941 qua tác phẩm Chí Phèo. Những tác phẩm đầu tay của ông khi đưa ra trình làng lúc bấy giờ chưa thật sự được nhiều người đánh giá cao. Sự ảnh hưởng của lối viết văn lãng mạn được nhiều người ưa thích lúc bấy giờ đã phần nào đó đã ảnh hưởng đến tâm hồn của câu học trò Nam Cao “Tâm hồn tan tác làm trăm mảnh Vương vấn theo ai bốn góc trời” Vào Sài Gòn, Nam Cao phải chạy vạy đủ thứ nghề để kiếm sống, trong thời gian này Nam Cao có viết một số tác phẩm như: Cảnh cuối cùng, Hai cái xác, với là bút danh Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du….được đăng trên tờ báo Ích Hữu, Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay. Năm 1937, ông gửi in trên Tiểu thuyết thứ bảy các truyện ngắn : Nghèo, Đui mù. Trên báo Ích Hữu: Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp. Từ năm 1940, khi phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, trường tư thục Công Thành bị trưng dụng làm chuồng ngựa. Nam Cao buộc phải nghỉ dạy và khăn gói trở về quê nhà, lúc này ông viết Cái chết của con mực gửi cho báo Hà Nội Tân Văn với bút danh là Xuân Du và cũng gửi thơ in trên báo này ký tên là Nguyệt. Đến năm 1941, tên tuổi của Nam Cao thật sự được nhiều người chú ý, như một tên tuổi khá mới có sức vang khá lớn thời bấy giờ. Tác giả đem trình làng truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi (tên trong bản thảo là cái lò gạch cũ sau đổi tên thành chí phèo), được đông đảo công chúng bạn đọc hưởng ứng nhiệt tình. Tác phẩm Chí Phèo này đã đánh dấu bước chuyển biến rõ rệt trong khuynh hướng sáng tác của Nam Cao, đã cắm cột mốc vững chắc tên tuổi của Nam Cao vào thành trì hiện thực phê phán chủ nghĩa. Nam Cao trở thành một cây bút chủ lực cho những sáng tác viết về chủ nghĩa hiện thực phê phán về sau này. Năm 1942, Nam Cao trở về làng sáng tác và in hàng loạt tác phẩm trên Tiểu thuyết thứ bảy: Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Con Mèo, Những chuyện không muốn viết, Nhìn người ta sung sướng, Đòn chồng, Trăng Sáng, Đôi móng giò, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đón khách. Đồng thời trong thời gian này, ông cũng cho in các truyện thiếu nhi trên sách Hoa Mai : Những kẻ khốn nạn, Người thợ rèn, Nụ cười, con mèo mắt ngọc, Ba người bạn. Những truyện ngắn viết cho thiếu nhi, Nam Cao thường được tập trung miêu tả những nhân vật có cảnh đời cơ nhỡ, lầm than và đói rách . Tháng 4 năm 1943, Nam Cao tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, trong thời gian này, nhà xuất bản Cộng Lực in tập truyện ngắn Nửa Đêm của Nam Cao. Các sáng tác của tiếp theo của ông lần lượt xuất hiện trên Tiểu thuyết thứ bảy: Mua nhà, Quái dị, Từ ngày mẹ chết, Làm tổ, Thôi đi về, Truyện tình, Mua danh, Một chuyện xú-vơ-nia, Sao lai thế này, Mong mưa, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Chuyện buồn giữa đêm vui, Điếu vă, Cười, Quên điều độ, Xem bói, Một bữa no, Ở hiền, Rửa hờn, Rình trộm, Nước mắt, Đời thừa. Năm 1944, Nam Cao cho in tập truyện ngắn: Lang Rận, Một đám cưới trên Tiểu thuyết thứ bảy, cho in truyện dài: Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc chủ nhật. Tháng 10 năm 1944, Nam Cao hoàn thành cuốn tiểu thuyết có tên ban đầu là Chết mòn (sau đổi thành sống mòn) nhưng phải đến năm 1956 mấy được in ra trình làng. Tác phẩm đã ghi lại cả một quá trình “chết mòn” của người trí thức tiểu tư sản nghèo bị gánh nặng cơm áo gạo tiền ghì sát đất, một cuộc sống thiểu não, quẩn quanh và đơn điệu “một cuộc sống mù xám cứ mốc lên, rỉ đi, mòn ra mục ra”[31;tr.140]. Tác phẩm Sống mòn như một lời tố cáo trực diện vào bè lũ thống trị, áp bức bóc lột, như một đòn đánh thật mạnh vào chế đô thực dân nửa phong kiến. Ngoài ra, Nam Cao các truyện dài như: Ngày lụt, Cái Miếu, Một đời người, Cai ba đã bán cho nhà xuất bản, không còn giữ được bản thảo đến ngày nay. Tháng 8 năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền phủ Lý Nhân, được bầu làm chủ tịch xã và ông đã cho in truyện Mò sâm banh trên tạp chí Tiền Phong 1.2.2 Sau cách mạng tháng tám Sau ngày giải phóng ta có thể thấy văn chương của Nam Cao có nhiều chuyển biến sâu sắc về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Ông hăng hái nhiệt tình tham gia cách mạng bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Năm 1946, Nam Cao được điều động công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tại Hà Nội, thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong của Hội. Sau đó, Ông tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách là phóng viên báo Văn hóa cứu quốc. Ở Nam Bộ, Nam Cao sáng tác Nỗi truân chuyên của khách má hồng, Đường vô Nam, in trên tạp chí Tiên Phong. Cùng năm này, tập truyện ngắn Cười được Nhà xuất bản Minh Đức ấn hành. Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc, trong thời gian này ông viết Nhật ký Ở rừng. Cuối năm 1947, ông tiếp tục chấp bút tiếp để hoàn thành cuốn Nhật ký Ở rừng, và cho ra đời tác phẩm Đôi Mắt, một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nam Cao để lại tiếng vang khá lớn sau 1945. Tác phẩm Đôi mắt là bản tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao nói về quan điểm, lập trường của người cầm bút, là tác phẩm nhận đường cho chính tác giả và các thế hệ nhà văn cùng thời và sau này. Nhà Văn phải có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về hiểu biết về sức mạnh của người nông dân trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Tháng 7 năm 1948, Nam Cao có bài viết về vấn đề Vài ý nghĩ về văn nghệ được đăng trên báo Cứu quốc. Từ năm 1948 đến 1949, Nam Cao đi thực tế ở vùng đồng bằng, sáng tác truyện ngắn Bốn cây số cách một căn cứ địch. Tháng 5 năm 1950, ông nhận công tác và làm việc ở tạp chí Văn nghệ Việt Nam, Lúc này ông viết tiểu thuyết Trận đầu về du kích đồng bằng nhưng chưa hoàn thành phải bỏ dở vì ông chưa thu thập đủ tài liệu từ thực tế. Năm 1951, ông cho in tập truyện ký Chuyện biên giới và kịch bản Đóng góp. Ngày 23 tháng 9 năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng dự hội nghị liên khu Ba. Sau đó, Nam Cao lên Liên khu Bốn, rồi tham gia vào công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu liên khu Ba. Nam Cao dự định vừa đi làm nhiệm vụ vừa kết hợp lấy thêm tư liệu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết về vùng quê của mình mà nhà văn ấp ủ từ lâu, nhưng ông chưa thực hiện mong ước của mình thì đã ngã xuống trước nòng súng độc ác của kẻ thù. Ngày 30 tháng 11 năm 1951 Nam Cao bị phục kích và hi sinh ở quãng Mưỡi Giáp, Hoàng Đan, tỉnh Ninh Bình. Mất Nam Cao là một sự mất mát quá lớn! đối với nền văn học hiện đại trên nền trời văn chương Việt Nam. Nhưng tin rằng, Nam Cao sẽ sống mãi trong lòng những người đã từng mến mộ và yêu quý văn chương của ông. Nhìn chung, ở cả hai thời kì trước và sau cách mạng tháng tám 1945 Nam Cao đều có những tác phẩm đặc sắc có sức sống lâu bền đạt đến trình độ nghệ thuật cao khó ai sánh kịp. Nam Cao mất đi khi tuổi đời còn khá trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè và người thân. Để ghi nhận những cống hiến của nhà văn - nhà chiến sĩ cách mạng kiên trung, năm 1996 Nam Cao được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ( đợt 1). 1.3 Quan niệm sáng tác 1.3.1 Quan điểm nghệ thuật trước cách mạng tháng tám - 1945 Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề Sống và Viết. Thời gian đầu mới cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần, ông nhận ra thứ văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động. Chính vì vậy, ông đã đoạn tuyệt với văn chương lãng mạn và tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Tác phẩm Giăng sáng (1942), đã phê phán thứ văn chương thi vị hóa cuộc sống đen tối, bất công. Với Nam Cao từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn tức là từ bỏ con đường thoát li hưởng lạc ích kỉ, sống đúng với thực tế đang diễn ra quanh mình. chọn chủ nghĩa hiện thực là quay về với đời sống nghèo khổ của người dân. Nhà văn đã xác định đúng vai trò, vị trí của mình trong việc phản ánh hiện thực một cách trung thực vô ngần. Đời thừa (1943), khẳng định một tác phẩm có giá trị là tác phẩm phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có". Ông đòi hỏi nhà văn phải có lương tâm, có nhân cách xứng với nghề; và cho rằng sự cẩu thả trong văn chương chẳng những là bất lương mà còn là đê tiện. Và quan niệm nghệ thuật của ông là "nghệ thuật vị nhân sinh (nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những điều tốt đẹp của con người); ông phê phán quan niệm " nghệ thuật vị nghệ thuật". Như trong tác phẩm Trăng sáng, Nam Cao đã bộc lộ rõ về quan niệm nghệ thuật của ông “Chao ôi! Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…” 1.3.2 Quan điểm nghệ thuật sau cách mạng tháng tám - 1945 Sau 1945, Nam Cao tiếp tục sáng tác và tiếp nối những thành tựu đạt được ở hai chủ đề quen thuộc trước : người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Cái nhìn về cuộc sống, về người nông dân ở Nam Cao đã có sự thay đổi rõ nét qua hai tác phẩm tiêu biểu : Nhật ký Ở rừng, Đôi mắt. Nam Cao hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp, muốn tự tay cầm súng để đọa sức với kẻ thù. Ông sẵn sàng hy sinh thứ nghệ thuật cao siêu với ý nghĩ “vứt cả bút đi để cầm súng”. Nhà văn cảm thấy “nếu như chưa cầm súng một phen thì cầm bút cũng vụng về” (Bút kí Đường vô Nam – 1946). Với quan điểm sáng tác của Nam Cao trong những ngày đầu cách mạng là “sống đã rồi hãy viết” đã thể hiện một tư tưởng tiến bộ về quan điểm sáng tác của Nam Cao. Tác giả thầm nghĩ phải hoàn thành trách nhiệm của một công dân trước khi hoàn thành nhiệm vụ của một nhà văn xuất sắc. Tác phẩm Nhật ký Ở rừng (1948) và Đôi mắt được xem như hai bản tuyên ngôn nghệ thuật về quan điểm sáng tác nhà văn. Đây là hai tác phẩm văn xuôi có giá trị trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp của tác giả, thể hiện rõ quan niệm sáng tác tiến bộ của Nam Cao "sống đã rồi hãy viết" và "góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn". Trong truyện ngắn Đôi mắt được ra đời trong thời kỳ nhận đường, là bản tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao, có ảnh hưởng đến các thế hệ nhà văn trong buổi đầu đến với cách mạng “Nam Cao đã khẳng định lập trường kiên định của lớp văn nghệ sĩ tiểu tư sản dứt khoát khước từ, chối bỏ những quyền lợi cá nhân, cuộc sống hưởng lợi ích kỷ, chối bỏ cả cái tháp ngà”[31;tr.40]. Về phương diện lao động nghệ thuật, Nam Cao nhấn mạnh lương tâm người cầm bút, Nam Cao căm ghét sự cẩu thả trong nghề văn, coi đó là sự “bất lương” là sự “đệ tiện” là xấu xa. Nam Cao thấy hết trách nhiệm của người cầm bút, sáng tạo nghệ thuật với ý thức trách nhiệm đầy đủ trước xã hội, phải nổ lực để “ hiểu biết, khám phá, sáng tạo”. 1.4 Phong cách nghệ thuật Mỗi nhà văn có một hoàn cảnh sống, có những tâm tư ước vọng riêng, một tâm tính riêng. Tất cả những yếu tố đó, đã góp phần tạo nên phong cách truyện ngắn của Nam Cao. Những yếu tố trực tiếp tạo nên phong cách, chính là quan điểm nghệ thuật của nhà văn. Nguyễn Khải đã nhận xét về Nam Cao như sau: “Đó là một nhà văn chân chính , phải sống và làm việc như con người ấy”. Còn Hà Minh Đức cũng khẳng định “Sáng tác của Nam Cao giàu sức khám phá sáng tạo với phong cách độc đáo”. Nam Cao được coi là đại diện của văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn cuối những năm 1940 - 1945. Nam Cao là người đã hoàn chỉnh bức tranh của văn học hiện thực của cuộc sống cả về mặt phản ánh xã hội cũng như khả năng biểu hiện nghệ thuật. Trước Nam Cao đã có một Vũ Trọng Phụng tả chân sắc sảo, một Nguyễn Công Hoan trào phúng đôi khi pha chút kịch hề, một Thạch Lam trầm lặng, tinh tế, và cùng thời với ông là một Tô Hoài thiên về những nét sinh hoạt phong tục. Nam Cao đã đến với làng văn bằng một lối viết riêng, một giọng điệu rất riêng mang đậm phong cách Nam Cao. Có thể nói phong cách trong truyện ngắn của Nam Cao được định hình từ rất sớm và mang những đặc điểm riêng biệt. Một trong những đặc điểm đầu tiên phải kể đến là: Nam Cao thường đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hoạt động bên ngoài – Đây là phong cách rất độc đáo của Nam Cao. Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người". Theo như nhiều người đánh giá, ngôn ngữ của Nam Cao là khá mới, ít cũ đi nhất theo kịp hơi hướng của thời đại, không bị đào thải qua thời gian. Gần nữa thế kỷ đã trôi qua, đọc lại văn Nam Cao ta có cảm tưởng là ông mới viết gần đây. Ngôn ngữ của nhà văn hết sức giản dị và gần gũi với con người, không có chút gì là chải chuốt xa lạ với con người. Ngôn ngữ của Nam Cao từ cuộc sống mà ra và nhờ nó gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân nên nó có sức sống lâu dài. Trong tác phẩm của Nam Cao, ngôn ngữ không chỉ là công cụ để miêu tả mà còn là đối tượng được miêu tả “ngôn ngữ trong sáng tác của Nam Cao là ngôn ngữ đa âm, phức điệu, hiện đại, dù được viết vào thời ông nhưng bây giờ đọc vẫn thấy mới”[31;tr.52]. Về mặt ngôn ngữ, Nam Cao thường viết những câu rất ngắn cộc giọng đặc sệt miền Bắc, và dường như không thể rút ngắn hơn. Chẳng hạn “Chà! Thích quá!... Giàu bạc vạn! Hắn ra về hể hả. Bụng chắc không đói nữa. Người hắn không mệt nữa. Ảo tưởng lóa mắt hắn... (Xem bói). Ngay cả khi viết câu dài, những câu ấy cũng được ngắt vụn ra. Câu ngắn làm cho mạch văn đi nhanh, giọng văn đanh lại. Đọc Nam Cao ít khi gặp giọng văn mềm mỏng, âu yếm. Ngay cả lúc diễn tả nỗi đau thương hay cảnh ngọt ngào, câu văn, giọng văn Nam Cao cũng cộc như vậy “ Thế là xong. Anh chết rồi đấy nhỉ? Không lẽ tôi lại vui khi được một cái tin như thế. Nhưng tôi cũng không biết có nên buồn không đấy, có người bảo sống khổ đến”. Chúng ta tưởng như Nam Cao không có tình cảm, hay mọi thứ tình cảm điều bị khô kiệt chỉ còn lại cái chất suy nghĩ khô khốc của lý trí. Câu văn của Nam Cao khô khốc gần như bốp chát. Điều này đã làm nên chất giọng riêng của Nam Cao. Chất giọng Nam Cao, trong khi “nói toạc ra”, trong khi “băm bổ” vẫn hàm chứa những yếu tố hài, những cung bậc, sắc điệu của chất giọng, có khi chất hài thể hiện ở trong từ ngữ. Chẳng hạn: “Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là Kèo, là Cột hay là Hạ, là Đông. Là gì cũng dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai” (Đôi móng giò). Nam Cao đem đến cho độc giả tiếng cười nhưng sau tiếng cười ấy là một chuỗi xót xa, đau đớn và sự suy ngẫm về cuộc đời. Chất giọng chính trong truyện ngắn Nam Cao là giọng nói của nhân dân Bắc Bộ vừa đốp chát, bô bô thẳng thừng, vừa tính toán, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng nên. Chất giọng này đậm nét trong truyện viết về người nông dân. Là một trong những yêu tố quan trọng tạo nên phong cách ngôn ngữ trong những sáng tác của Nam Cao, đặc biệt là trong việc thể hiện tâm lý nhân vật. Tâm lý nhân vật trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Trong cách thể hiện tâm lý nhân vật của Nam Cao mọi yếu tố miêu tả,
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan