Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Câu hỏi tu từ trong thơ chế lan viên...

Tài liệu Câu hỏi tu từ trong thơ chế lan viên

.PDF
56
654
145

Mô tả:

Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA SƯ PHẠM BỘ MÔN NGỮ VĂN NGUYỄN HỒ PHƯỢNG THƯ CÂU HỎI TU TỪ TRONG THƠ CHẾ LAN VIÊN Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Sư phạm Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn: BÙI THỊ TÂM Cần Thơ, 4 - 2011 -1- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG Chương 1: Một số vấn đề chung 1.1 Khái niệm câu 1.2 Khái niệm câu hỏi và cách phân loại 1.2.1 Các quan niệm khác nhau về câu hỏi 1.2.2 Phân loại câu hỏi 1.3 Khái niệm câu hỏi tu từ và cách phân loại 1.3.1 Các quan niệm khác nhau về câu hỏi tu từ 1.3.2 Phân loại câu hỏi tu từ Chương 2: Khảo sát câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 2.1 Vài nét về tác giả và tác phẩm 2.1.1 Tác giả 2.1.2 Tác phẩm 2.2 Nhận xét chung về câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 2.3 Các dạng câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 2.3.1 Dạng câu hỏi tu từ có từ nghi vấn 2.3.2 Dạng câu hỏi tu từ không có từ nghi vấn Chương 3: Hiệu quả của câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 3.1 Cách dùng câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 3.1.1 Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên rất đa dạng 3.1.2 Vị trí của câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 3.2 Ý nghĩa của câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 3.2.1 Câu hỏi tu từ có ý nghĩa khẳng định trong thơ Chế Lan Viên 3.2.2 Câu hỏi tu từ biểu lộ tâm tư, tình cảm, cảm xúc của nhà thơ 3.2.3 Câu hỏi tu từ có ý nghĩa mời mọc, gợi ý thiết tha trong thơ Chế Lan Viên PHẦN KẾT LUẬN -2- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Hơn một nữa thế kỉ làm thơ, ông đã để lại cho đời khá nhiều bài thơ đặc sắc. Thơ Chế Lan Viên được chọn dạy ở trường phổ thông, được nhiều sinh viên, các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo bạn đọc yêu thơ, thuộc thơ và những người làm văn học quan tâm. Càng đi sâu tìm hiểu, người viết càng bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp ngôn từ, nội dung tư tưởng và nhất là hình thức nghệ thuật trong thơ thi nhân. Một trong những yếu tố độc đáo góp phần tạo nên đặc sắc nghệ thuật thơ Chế Lan Viên là câu hỏi tu từ. Và câu hỏi tu từ với tư cách là một biện pháp tu từ, thủ pháp nghệ thuật đã được Chế Lan Viên sử dụng khá thành công. Những câu hỏi tu từ này đều gợi cho người viết sự thú vị trong quá trình tư duy nghiền ngẫm để tìm ra được những dụng ý nghệ thuật của tác giả. Vì thế, người viết chọn đề tài “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên” để hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Mặt khác, đề tài còn là dịp để người viết củng cố và mở rộng kiến thức cho mình. Đặc biệt là khả năng vận dụng lí thuyết của ngôn ngữ học vào lĩnh hội tác phẩm văn chương. Việc thực hiện đề tài còn là niềm say mê, sự phấn khích và thú vị của bản thân người viết. Bằng tấm lòng yêu mến nhà thơ, đề tài cũng là cơ hội để người viết đi sâu phân tích tác phẩm nhằm hiểu thêm về tư tưởng, tình cảm và những đóng góp của nhà thơ trong nền văn học nước nhà. Qua đó, người viết hi vọng góp phần nhỏ trong việc khám phá thêm một khía cạnh đặc sắc về nghệ thuật của Chế Lan Viên. Đây cũng là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức sống bền bỉ của thơ thi nhân. Vì những lẽ đó, chúng tôi đã chọn đề tài “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên” 2. Lịch sử vấn đề Thơ Chế Lan Viên không phải là đề tài mới lạ trong văn chương, nhưng “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên” lại là một đề tài khá mới mẻ. Theo sự tìm hiểu có giới hạn của chúng tôi thì đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này một cách sâu sắc và toàn diện. Tuy nhiên, những vấn đề có liên quan đến đề tài này như quan niệm về câu hỏi tu từ của các nhà phong cách học và những công trình nghiên cứu của các nhà phê bình văn học về tác giả, tác phẩm của Chế Lan Viên thì đã được đề cập đến khá nhiều. Câu hỏi tu từ là biện pháp tu từ khá quan trọng. Trong luận văn này, người viết chỉ điểm qua một số công trình tiêu biểu về câu hỏi tu từ. Các tác giả Trịnh Mạnh và Nguyễn Huy Đàn trong quyển “Giáo trình tiếng Việt, tập II” cũng nhắc đến khái niệm và tác dụng của câu hỏi tu từ. Các tác giả này nhận định: “Câu hỏi tu từ làm cho lời văn trở nên sinh động, đem lại cho người đọc những tưởng tượng lí thú” [20; tr.111]. Trong quyển “Giáo trình tiếng Việt”, tác giả Bùi Tất Tươm đã đề cập đến đặc điểm, phân loại và giá trị của câu hỏi tu từ. Tác giả cho rằng câu hỏi tu từ là kiểu câu chuyển đổi tình thái thường gặp trong tiếng Việt. Tác giả đã phân câu hỏi tu từ thành ba loại: câu hỏi tu từ - khẳng định, câu hỏi tu từ - cảm thán và câu hỏi tu từ - khiến lệnh. Còn về giá trị câu hỏi tu từ, Bùi Tất Tươm nhận định: “Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, câu hỏi tu từ giúp cho nhà văn miêu tả sâu sắc nội dung nhân vật, nó khơi dậy những suy tưởng cho người đọc. Trong phong cách ngôn ngữ chính luận, -3- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên biện pháp này tạo ra sự đồng cảm ở người đọc, nó làm cho lời văn ngắn gọn, bình dị, thân mật, lí luận đỡ khô khan và cách trình bày thêm sinh động, gợi cảm” [26; tr.255] Tác giả Diệp Quang Ban trong “Ngữ pháp tiếng Việt, tập 2” cho rằng câu hỏi tu từ cũng là một hình thức nghi vấn giả. Tác giả nhận định: “Đó là cách dùng câu nghi vấn không cần sự trả lời và nhiều khi hỏi về những điều đã biết, nhằm thu hút sự quan tâm và làm cho thế văn trở nên hoạt bát” [2; tr.234]. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra một kiểu câu nghi vấn giả được thông dụng hơn là câu hỏi chào. Tác giả Đinh Trọng Lạc trong quyển “Phong cách học tiếng Việt” đã đưa ra khái niệm, các dạng thức và hiệu quả của câu hỏi tu từ. Ông nhận định: “Trong thơ ca, câu hỏi tu từ có nhiều tác dụng tu từ: diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm xúc, miêu tả một cách có hình ảnh và cảm xúc”[12; tr.288] và “câu hỏi tu từ thường có ý nghĩa khẳng định làm cho hình tượng văn học đẹp lên gấp bội”[12; tr.288]. Trong quyển “Ngữ pháp tiếng Việt”, tác giả Đỗ Thị Kim Liên đã điểm sơ qua về câu hỏi tu từ. Tác giả xếp câu hỏi tu từ vào loại có hình thức là câu hỏi nhưng mục đích không tương ứng. Tác giả đưa ra ba ví dụ cụ thể về câu hỏi tu từ và nhận định: “Trong loại này, mục đích, ý định thông tin của người nói nằm chính ngay trong câu hỏi đó, vì vậy không cần người nghe đáp lại. Người nói chọn hình thức thể hiện ở dạng câu hỏi nhằm mục đích tu từ, tác động đến người nghe một cách tinh tế, biểu cảm hơn” [18; tr.137]. Trong quyển “Phong cách học tiếng Việt”, các tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa xếp câu hỏi tu từ vào kiểu câu chuyển đổi tình thái. Các tác giả này cho rằng câu hỏi tu từ là tên gọi khác của câu hỏi - khẳng định. Với loại câu hỏi này các tác giả nhận địmh: “người hỏi chỉ nhằm để khẳng định một ý kiến nào đó chứ không phải để nghe người khác đối thoại thông tin điều mình muốn biết” [13; tr.201]. Tác giả Nguyễn Văn Nở cũng có cùng quan điểm với các tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa về câu hỏi tu từ. Ông nhận định: “Câu hỏi – khẳng định: còn gọi là câu hỏi tu từ, tức là những câu hỏi chỉ nhằm để khẳng định một ý kiến nào đó chứ không phải để người đối thoại thông tin điều mình muốn biết” [21; tr.70]. Tác giả còn đưa ra một đoạn thơ trong bài “Người con gái Việt Nam” để minh họa. Trong quyển “Tiếng Việt giáo trình đào tạo giáo viên mầm non”, tác giả Nguyễn Xuân Hoa đã đề cập đến khái niệm câu hỏi tu từ. Tác giả còn phân câu hỏi tu từ thành ba loại: câu nghi vấn khẳng định, câu nghi vấn phủ định và câu nghi vấn sai khiến. Tác giả Phạm Thị Như Hoa trong bài nghiên cứu “Câu hỏi tu từ có tình thái hỏi – khẳng định trong thơ Chế Lan Viên” cũng đề cập sơ lược khái niệm, chức năng và mục đích sử dụng câu hỏi tu từ. Tác giả nhận định: “Người ta sử dụng câu hỏi tu từ chủ yếu vì tính tình thái và sự biến đổi tình thái” [9; tr.58]. Tác giả cho rằng câu hỏi tu từ là dạng câu hỏi đa tình thái và chỉ ra cách nhận diện chúng: “Để nhận ra tình thái đích thực của câu hỏi tu từ trong thơ trữ tình, người đọc phải dựa chủ yếu vào ngữ cảnh tu từ” [9; tr.59 ]. Ngoài ra, tác giả còn nhận định: “Vì đa chức năng nên CHTT trong thơ trữ tình cũng đa tình thái. Và tình thái đó sẽ được ngữ cảnh thuyết minh. Đặt CHTT trong ngữ cảnh hẹp, tức các yếu tố quan yếu trong nội bộ một câu thơ, đoạn thơ, bài thơ và một ngữ cảnh rộng hơn, tức trong mối tương quan với các nhân tố khác như: thời điểm sáng tác, bối cảnh lịch sử, quan điểm sáng tác của tác giả, quan niệm văn hóa truyền thống,… người đọc có cơ sở để nhận diện chính xác tính tình thái của mỗi CHTT”[9; tr.59]. -4- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đã đề cập đến câu hỏi tu từ về: khái niệm, phân loại, hiệu quả câu hỏi tu từ. Mặc dù còn mang tính khái quát, chưa thật sự đi sâu vào câu hỏi tu từ một cách chi tiết, cụ thể, sâu sắc, chưa thấy được vai trò của câu hỏi tu từ. Song, những công trình nghiên cứu trên sẽ là nguồn tài liệu hữu ích về câu hỏi tu từ giúp cho người viết có những định hướng nghiên cứu đúng đắn về “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên”. Chế Lan Viên là cây bút có nhiều đóng góp cho tiến trình phát triển của văn học nên có rất nhiều nhà phê bình viết về ông và tác phẩm của ông. Trong các bài nghiên cứu đó, các tác giả đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong các phương diện sáng tác của Chế Lan Viên như: nội dung phản ánh, phong cách nghệ thuật…Cụ thể, chúng tôi sẽ điểm qua một số công trình tiêu biểu: Trong quyển “Chế Lan Viên về tác giả và tác phẩm” do tác giả Vũ Tuấn Anh (tuyển chọn) đã đề cập sơ lược về tiểu sử, tác phẩm của Chế Lan Viên. Quyển này còn tập hợp những bài viết như: “Chế Lan Viên và những tìm tòi nghệ thuật trong thơ” của tác giả Nguyễn Lộc, Trần Mạnh Hảo với “Người làm vườn vĩnh cửu”, “Tính triết học trong thơ Chế Lan Viên” của tác giả Hồ Thế Hà,…Những bài viết này đã thể hiện khá sâu sắc về tư duy nghệ thuật và phong cách sáng tác của Chế Lan Viên. Song, vấn đề câu hỏi tu từ trong thơ ông thì vẫn chưa được các tác giả nhắc đến. Trong quyển “Đến với thơ Chế Lan Viên”, các tác giả đề cập đến chân dung Chế Lan Viên nhìn từ nhiều phía, những tác phẩm của Chế Lan Viên và thơ Chế Lan Viên và những lời bình. Với bài “Chế Lan Viên với cái nhìn nghệ thuật trong thơ”, tác giả Huỳnh Văn Hoa đã khẳng định: “Trên cái sân cỏ Trang thơ, ông đã tạo cho mình cách sút bóng riêng bằng những trang mơ ước với cái nhìn nghệ thuật đầy suy tưởng, chiều sâu thao thức” [6; tr.634]. Trong quyển “Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”, tác giả Đoàn Trọng Huy đưa ra nhiều ý kiến về thủ pháp nghệ thuật thơ Chế Lan Viên. Công trình này tập trung soi rọi trên bốn bình diện chủ yếu trong đặc sắc nghệ thuật thơ thi nhân: quan niệm nghệ thuật và tư duy thơ, hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ, thể loại thơ. Tác giả cho rằng: “Chế Lan Viên thực sự là nhà thơ có tầm cỡ kì vĩ không chỉ tiêu biểu cho thời đại ta, dân tộc ta mà tài danh còn vang xa mãi tới nhiều dân tộc trong nhiều thế kỉ”[11; tr.9]. Riêng về vấn đề câu hỏi tu từ, tác giả nhận định: “Thơ Chế Lan Viên nhiều câu hỏi tu từ. Có thể đem nhận xét thơ Tố Hữu(1968) của Chế Lan Viên để nhận xét chính thơ Chế Lan Viên “Chưa bao giờ trạng thái hỏi xuất hiện trong thơ nhiều đến thế. Hỏi để mà trả lời. Hỏi để mà khẳng định… Nhờ sự cọ sát của câu hỏi và lời đáp ấy đã bật ra nhiều ánh sáng”[11; tr.116] Trong quyển “Đặc trưng nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”, tác giả Nguyễn Lâm Điền đề cập sâu sắc về mặt nghệ thuật trong thơ Chế Lan Viên. Liên quan đến vấn đề câu hỏi tu từ, tác giả nhận định: “Nhà thơ đưa ra những câu hỏi theo hướng đối thoại hoặc độc thoại với nhiều mục đích khác nhau: hỏi để khẳng định, hỏi để phủ định, hỏi để chất vấn, hỏi để tự trả lời, hỏi để giãi bày nỗi băn khoăn trăn trở hay nỗi đau trong lòng mình” [8; tr.167]. Không những thế, tác giả còn khẳng định: “Cho dù có mục đích khác nhau, nhưng ý nghĩa toát lên từ những câu hỏi tu từ mà Chế Lan Viên sử dụng chính là góp phần tạo nên tính chất triết luận trong thơ ông” [8; tr.167]. Mặc dù chỉ đề cập sơ lược về câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên nhưng những nhận định của tác giả đã ít nhiều giúp cho người viết có những định hướng đúng đắn khi nghiên cứu thơ Chế Lan Viên. -5- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Tác giả Phạm Thị Như Hoa trong bài “Câu hỏi tu từ có tình thái hỏi - khẳng định trong thơ Chế Lan Viên” đã chia câu hỏi tu từ thành ba loại: hỏi - khẳng định ngợi ca, hỏi - khẳng định - triết lí, hỏi - khẳng định - hối tiếc. Tác giả nhận định: “Tính tình thái của câu hỏi tu từ thể hiện rõ nét xu thế vận động của hồn thơ Chế Lan Viên và phản ánh tinh thần của thời đại” [9; tr.72]. Bên cạnh đó, còn có biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình…viết về thơ Chế Lan Viên với những vấn đề khác nhau. Lê Lưu Oanh – Đình Thị Nguyệt với “Thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên”, Nguyễn Đăng Mạnh với “Chế Lan Viên và cái ách nặng văn chương”… Nhìn chung, qua một số công trình nghiên cứu trên đã đưa ra những khái quát về nội dung, đặc sắc nghệ thuật thơ Chế Lan Viên và ít nhiều gợi mở về câu hỏi tu từ. Tuy nhiên, những công trình này đều mang tính khái quát, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cụ thể, sâu sắc hơn về câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên. Từ đó, có thể thấy đề tài nghiên cứu thơ Chế Lan Viên rất nhiều, rất phong phú nhưng đề tài về "Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên" vẫn còn khá mới mẻ, chưa có công trình nghiên cứu một cách toàn diện. Trên cơ sở những công trình nghiên cứu về thơ Chế Lan Viên và những vấn đề về câu hỏi tu từ đều là những tài liệu tham khảo hữu ích giúp chúng tôi thực hiện đề tài này. Với đề tài này, người viết mong muốn có thể khai thác một mảng đề tài mới về thơ Chế Lan Viên. Qua đó, người viết hy vọng có thể góp phần vào việc khám phá và khẳng định sức sáng tạo độc đáo và đa dạng của hồn thơ Chế Lan Viên trên nhiều bình diện. 3. Mục đích nghiên cứu Với đề tài "Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên", người viết bước đầu tổng hợp kiến thức về câu hỏi tu từ. Trên cơ sở hệ thống lí thuyết về câu hỏi tu từ, người viết đi sâu vào tìm hiểu, phân tích những hiệu quả trong việc sử dụng câu hỏi tu từ ở một số tập thơ của Chế Lan Viên. Việc tìm hiểu này sẽ giúp người viết hiểu thêm về giá trị tác phẩm nói chung, cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật sử dụng câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên nói riêng. Bên cạnh đó, người viết có thể nhận thức rõ hơn những đóng góp quan trọng của nhà thơ trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, với việc thực hiện đề tài này, người viết còn có dịp tìm tòi, sàng lọc, củng cố và trao dồi kiến thức về mặt ngôn ngữ học. Mặt khác, qua việc nghiên cứu và viết luận văn người viết nhận thấy đây là một đề tài đòi hỏi khả năng tổng hợp và phân tích cao. Tuy nhiên, với trình độ của một người bước đầu nghiên cứu khoa học người viết sẽ khó tránh khỏi những sai sót trong trình bày và việc non nớt trong vấn đề lập luận cũng dẫn đến những nhận định chưa có sức thuyết phục người đọc. Vì thế, nghiên cứu cũng nhằm để nhận ra những hạn chế của bản thân để có hướng khắc phục trong tương lai. Đồng thời, trao dồi hơn nữa kỹ năng nghiên cứu một đề tài khoa học và sự nhạy bén khi tiếp cận với tác phẩm văn chương, đặc biệt là về phương diện nghệ thuật. Không những thế, công trình này còn giúp người viết rất nhiều trong công tác giảng dạy sau này của một giáo viên trung học phổ thông. Và người viết hy vọng có thể đóng góp một phần suy nghĩ của mình vào kho tàng kiến thức chung. -6- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 4. Phạm vi nghiên cứu Đến với đề tài “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên”, người viết đi sâu tìm hiểu lí thuyết về câu hỏi tu từ từ các công trình phong cách học và ngữ pháp văn bản. Trên cơ sở đó, người viết phân tích hiệu quả tu từ của câu hỏi tu từ qua các tác phẩm của Chế Lan Viên. Trong điều kiện cho phép, người viết chỉ khảo sát các tập thơ Điêu tàn, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường – Chim báo bão của Chế Lan Viên. Tài liệu cơ bản mà chúng tôi sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu là quyển Chế Lan Viên thơ do tác giả Hòa Bình (tuyển chọn), Nhà xuất bản Văn học, 2009. 5. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành đề tài “Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên”, trước tiên, người viết tiến hành sưu tầm tài liệu liên quan về câu hỏi tu từ, về tác giả và tác phẩm Chế Lan Viên. Sau đó, người viết sử dụng phương pháp tổng hợp nhằm hệ thống hóa một số vấn đề lý thuyết về câu hỏi tu từ. Phương pháp này giúp cho người viết có cái nhìn bao quát về đối tượng nghiên cứu. Tiếp theo, chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê, phân loại các dạng thức câu hỏi tu từ được sử dụng trong thơ Chế Lan Viên. Cuối cùng, người viết vận dụng phương pháp phân tích, chứng minh nhằm triển khai, làm nổi bật ý nghĩa, hiệu quả câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên. -7- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên PHẦN NỘI DUNG CHÍNH CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG 1.1 Khái niệm câu Theo thống kê của tác giả Hoàng Trọng Phiến, năm 1980 đã có hơn ba mươi định nghĩa về câu. Đến những năm 90 – 92, theo tác giả Diệp Quang Ban, số lượng định nghĩa về câu đến nay không dễ gì kiểm soát được. Trong quá trình nghiên cứu cú pháp, các tác giả đã đưa ra hàng loạt định nghĩa về câu và những định nghĩa này ít nhiều đã khái quát được những đặc điểm cơ bản của câu. Cụ thể như sau: Theo Trịnh Mạnh và Nguyễn Huy Đàn: “Câu là đơn vị của lời nói, câu do từ tạo nên để diễn đạt một ý nghĩa hoàn chỉnh, khi nói câu có một ngữ điệu nhất định phù hợp với nội dung kể, hỏi cảm xúc hoặc cầu khiến. Cuối câu dừng lại để nghỉ hơi và ngăn cách giữa câu này với câu khác. Trong văn bản viết, chữ đầu câu có thể viết hoa và cuối câu có dấu chấm câu để biểu thị ngữ điệu (chấm, chấm hỏi, chấm than, hai chấm)” [20; tr.19]. Theo Nguyễn Kim Thản: “Câu là đơn vị ngắn nhất và độc lập của lời nói, có chức năng thông báo sự kiện gì đó, có một tổ chức ngữ pháp nhất định. Tính độc lập của câu thể hiện trước hết ở mặt ngữ pháp: nó không phụ thuộc về mặt ngữ pháp vào một yếu tố nào khác trong lời nói; về mặt ngữ điệu, nó có ngữ điệu độc lập, trước và sau nó có một quãng im lặng (trên chữ viết quãng im lặng ấy thể hiện bằng một trong những dấu mạnh: chấm, chấm than, chấm hỏi)” [24; tr.15]. Theo Nguyễn Hữu Quỳnh: “Câu là đơn vị ngôn ngữ dùng để thông báo, có tính giao tiếp, tính tình thái và tính vị ngữ. Tính giao tiếp tức là mục đích giao tiếp nhất định của câu. Tính tình thái là sự biểu thị về thái độ và ý thức hay sự biểu cảm nào đó của con người đối với nội dung câu (khẳng định, nghi vấn, yêu cầu, than gọi). Tính vị ngữ của câu là sự kết hợp cú pháp chủ ngữ với vị ngữ hoặc kết hợp cú pháp có quan hệ tương tự” [23; tr.218]. Theo các tác giả Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê: “Câu là một tổ hợp tiếng dùng để diễn tả một sự tình hay nhiều sự tình có quan hệ với nhau, tổ hợp đó tự nó tương đối đầy đủ, ý nghĩa và không phụ thuộc về ngữ pháp vào một tổ hợp nào khác”[5; tr.476, tr.477]. Theo Nguyễn Thị Thu Thủy: “Câu là kết cấu ngữ pháp, là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất làm được chức năng thông báo, đồng thời có thể là ngôn phẩm nhỏ nhất. Về mặt cú pháp, câu là một kết cấu các đơn vị cú pháp luôn kèm theo một cú điệu làm nên tính tình thái của câu. Về mặt ý nghĩa, câu chứa đựng một nội dung tương đối trọn vẹn (hay đúng hơn “cái ấn tượng trọn vẹn mà người bản ngữ thể nghiệm” – Cao Xuân Hạo) làm nên tính độc lập tương đối về thông báo của câu. Về mặt chức năng, câu dùng để thông báo, nó là đơn vị thông báo cơ sở dùng để cấu tạo nên các ngôn phẩm chứa đựng các ý tưởng ở các quy mô lớn nhỏ khác nhau nên cũng là đơn vị cơ bản của lời nói, của văn bản (các dạng ngôn phẩm)” [25; tr.92]. Theo Lưu Văn Lăng: “Câu là một ngữ đoạn kết thúc, mang một nội dung thông báo hoàn chỉnh, do những yếu tố nồng cốt làm hạt nhân phát triển thêm yếu tố phụ, được xếp thành ngữ đoạn, có tầng lớp, có những bậc khác nhau từ thấp đến cao. Câu là đơn vị cú pháp ở bậc cao nhất” [15; tr.18]. -8- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Theo Hoàng Trọng Phiến: “Với tư cách là một đơn vị bậc cao của hệ thống các đơn vị ngôn ngữ, câu là ngữ tuyến được hình thành một cách trọn vẹn về mặt ngữ pháp và về ngữ nghĩa với một ngữ điệu theo các quy luật của ngôn ngữ nhất định, là phương tiện diễn đạt, biểu hiện tư tưởng về thực tế và về thái độ của người nói đối với hiện thực” [22; tr.19]. Theo Diệp Quang Ban: “Câu là đơn vị của nghiên cứu ngôn ngữ có cấu tạo ngữ pháp tự lập và ngữ điệu kết thúc, mang một ý nghĩa tương đối trọn vẹn hay thái độ, sự đánh giá của người nói, hoặc có thể kèm theo thái độ, sự đánh giá của người nói, giúp hình thành và biểu hiện, truyền đạt tư tưởng tình cảm. Câu đồng thời là đơn vị thông báo nhỏ nhất bằng ngôn ngữ” [2; tr.107]. Theo Hồ Lê: “Câu là từ hay chuỗi từ được tình thái hóa thành một đơn vị phát ngôn có tính độc lập” [16; tr.252]. Theo Đào Thanh Lan: “Câu là một đơn vị cấu trúc (một tổ chức hình thức) độc lâp bao gồm các yếu tố là các ngữ đoạn (từ, tổ hợp từ) và mối quan hệ giữa các yếu tố quy định chức năng cho từng yếu tố. Đây là bình diện cú pháp (còn gọi là bình diện kết học) của câu” [14; tr.12]. Theo Bùi Tất Tươm: “Câu là kết cấu ngữ pháp có chức năng thông báo. Câu là kết cấu lớn nhất thuộc ngôn ngữ, là đơn vị thông báo nhỏ nhất thuộc lời nói. Về mặt ý nghĩa, câu chứa đựng một nội dung tương đối trọn vẹn, về mặt cấu tạo, câu là một kết cấu ngữ pháp độc lập, luôn kèm theo một ngữ điệu, về mặt chức năng, câu dùng để thông báo. Câu là ngôn bản nhỏ nhất” [26; tr.120]. Theo Đỗ Thị Kim Liên: “Câu là đơn vị dùng từ đặt ra trong quá trình suy nghĩ, được gắn với ngữ cảnh nhất định nhằm mục đích thông báo hay thể hiện thái độ đánh giá. Câu có cấu tạo ngữ pháp độc lập, có ngữ điệu kết thúc” [18; tr.101]. Qua khảo sát một số định nghĩa về câu, chúng tôi thấy rằng tình hình nghiên cứu về câu vẫn tồn tại nhiều vấn đề hết sức phức tạp và chưa đi đến một quan niệm thống nhất. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đã ít nhiều nêu lên những đặc điểm cơ bản của câu. Đó là: - Tính độc lập về mặt ngữ pháp. - Tính thông báo. - Tính tình thái. - Ngữ điệu kết thúc. Và càng về sau định nghĩa về câu càng được khái quát trên cả ba bình diện: về hình thức, về nội dung, về chức năng. Về hình thức: câu có cấu tạo ngữ pháp bên trong và bên ngoài. Về nội dung: trước đây chủ yếu đề cập đến tính thông báo hay nghĩa sự việc của câu. Càng về sau, câu còn được đề cập đến tính tình thái hay nghĩa tình thái của câu. Về chức năng: câu là đơn vị nhỏ nhất, truyền đạt tư tưởng, tình cảm của con người. -9- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 1.2 Khái niệm câu hỏi và cách phân loại 1.2.1 Các quan niệm khác nhau về câu hỏi 1.2.1.1 Theo Diệp Quang Ban Tác giả Diệp Quang Ban nhận định: “Câu nghi vấn thường được dùng để nêu lên điều chưa biết hoặc còn hoài nghi và chờ đợi sự trả lời, giải thích của người tiếp nhận câu đó. Về mặt hình thức, câu nghi vấn cũng có những dấu hiệu đặc trưng” [2; tr.226]. Tác giả cho rằng câu nghi vấn tiếng Việt được cấu tạo nhờ các phương tiện sau đây: - Các đại từ nghi vấn, - Kết từ hay (với ý nghĩa lựa chọn), - Các phụ từ nghi vấn, - Các tiểu từ chuyên dụng, - Ngữ điệu thuần túy (chỉ kể trường hợp không có các phương tiện nêu trên). Mặc dù chưa thật chi tiết, cụ thể nhưng quan niệm trên đã phần nào nêu lên đặc điểm, mục đích và các phương tiện cấu tạo nên câu nghi vấn. 1.2.1.2. Theo Nguyễn Thị Lương Tác giả Nguyễn Thị Lương đã đưa ra khái niệm: “Câu hỏi là câu được người nói dùng để nêu điều mình chưa biết và mong muốn được nghe giải đáp. Ngắn gọn hơn có thể hiểu câu hỏi là câu dùng để thực hiện hành vi hỏi” [19; tr.192]. Ví dụ: Bạn có dịp đến thăm Việt Nam chưa? 1.2.1.3 Theo Đỗ Thị Kim Liên Tác giả cho rằng: “Câu hỏi dùng để thể hiện sự nghi vấn của người nói về một vấn đề gì đó và mong muốn người nghe đáp lời. Cuối câu nghi vấn thường có dấu chấm hỏi (?)” [18; .134]. Ví dụ: - Cô ấy có con? - Phải. (Nguyễn Dậu) Nhờ trọng điểm chứa ở đại từ để hỏi cùng các yếu tố từ vựng trong câu hỏi mà câu đáp có thể có dạng đấy đủ hoặc tỉnh lược chỉ còn chủ ngữ, vị ngữ hay bổ ngữ… Tùy theo vị thế của người đáp trong quan hệ tương tác với người hỏi mà người đáp có thể sử dụng những kiểu câu đáp với những tình thái phù hợp. Việc sử dụng hoặc không sử dụng từ xưng hô đứng trước hoặc cuối câu có ảnh hưởng đến sự thể hiện thái độ của người đáp: tôn trọng, suồng sã, khinh ghét, chống đối, ngang ngạnh, bình đẳng, thân mật. Ví dụ 1: - Thằng nhóc tên gì? - I – u – ra. → Không có chủ ngữ thể hiện thái độ khinh bỉ. -10- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên (Xukhômlinxki). Ví dụ 2: - Bà con lối xóm đã ai biết chưa? - Chưa. → Không có chủ ngữ thể hiện sự bình đẳng. (Nguyễn Thi) Ví dụ 3: - Sao ra muộn thế? - Còn phải xích con Vện. → Không có chủ ngữ thể hiện sự thân mật. 1.2.1.4 Theo Bùi Tất Tươm Ông quan niệm:“Câu hỏi là câu biểu thị một thông báo bao hàm nội dung hỏi về sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất của sự vật, về sự việc (được nêu ở thông báo) và về tình huống của sự việc” [26; tr.20]. Ví dụ: - Chúng ta vừa qua Sa Pa, bác không nhận ra ư? Tiếng Việt không dùng ngữ điệu mà dùng đại từ, trợ từ và phụ từ để hỏi trong câu hỏi. Trong văn bản nhờ vai trò của dấu chấm hỏi, có thể không dùng trợ từ hoặc phụ từ trong câu hỏi. Ví dụ: Đời trước làm quan cũng thế a? 1.2.1.5 Theo Trịnh Mạnh và Nguyễn Huy Đàn Các tác giả này cho rằng: “Câu hỏi nhằm mục đích nêu lên điều muốn hỏi, điều băn khoăn, thắc mắc nói chung, cần người nghe trả lời” [20; tr.150]. Nhìn chung, mỗi tác giả đều có một nhận định riêng về câu hỏi. Song, từ các quan điểm trên ta có thể rút ra những đặc điểm khái quát về câu hỏi như sau: - Nêu lên điều chưa biết hoặc còn hoài nghi. - Cần người nghe trả lời. - Cấu tạo bởi từ nghi vấn. 1.2.2 Phân loại câu hỏi Về câu hỏi, hiện nay có rất nhiều cách phân loại khác nhau. Mỗi tác giả đều có quan niệm riêng của mình nên dẫn đến sự không thống nhất về cách phân loại. Sau đây là quan điểm của một số tác giả tiêu biểu cho các quan điểm khác nhau của các nhà ngôn ngữ học về phân loại câu hỏi: 1.2.2.1 Theo Diệp Quang Ban Câu nghi vấn được phân thành bốn loại. Cụ thể như sau: * Câu nghi vấn có đại từ nghi vấn: “Câu nghi vấn có đại từ nghi vấn thường được dùng để hỏi vào những thời điểm xác định trong câu, điểm hỏi là điểm chứa đại từ nghi vấn. Do đó, ngay cả khi câu bị tách ra khỏi tình huống nói và ngữ cảnh cũng có thể nhận biết được điểm hỏi. Có thể gọi đây là câu nghi vấn rõ trọng điểm” [2; tr.227]. Theo ông, những đại từ nghi vấn thường gặp là: ai, gì, nào, (như) thế nào, sao, bao nhiêu, mấy, bao giờ, bao lâu, đâu… Ví dụ: -11- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên - Bao giờ anh đi? - Họ vẫn chưa đến là sao? * Câu nghi vấn có kết từ hay và câu nghi vấn có phụ từ nghi vấn: “Câu nghi vấn có kết từ hay dùng để hỏi có hạn chế trong khả năng trả lời một trong những đề nghị được đưa ra. Vì vậy, kiểu câu này được gọi là kiểu câu nghi vấn lựa chọn. Nếu những khả năng đưa ra trong câu nghi vấn đều không được lựa chọn thì phải trả lời bằng câu bác bỏ toàn bộ chúng” [2; tr.229]. Ví dụ: - Anh lấy quyển sách này hay quyển sách kia? * Câu nghi vấn có tiểu từ chuyên dụng: “Câu nghi vấn có tiểu từ chuyên dụng, nếu không được dùng kèm với các phương tiện khác nhau thì điểm hỏi trong câu sẽ rất mơ hồ khi câu đứng riêng. Vậy ta có thể gọi đây là kiểu câu nghi vấn không rõ trọng điểm” [2; tr.232]. Ví dụ: - Hôm qua bác về nhà (đấy) à? * Câu nghi vấn dùng ngữ điệu: “Cách sử dụng câu nghi vấn chỉ thuần túy dựa vào ngữ điệu được chấp nhận rộng rãi là trong câu hỏi có ý tương phản mở đầu bằng kết từ còn. Đặc trưng ngữ điệu của kiểu câu này là sự nâng cao ở phần cuối câu” [2; tr.234]. Ví dụ: - Còn nguy cơ thứ ba? 1.2.2.2 Theo Đỗ Thị Kim Liên Câu hỏi được phân thành năm loại như sau: * Câu hỏi có đại từ nghi vấn: “Loại này dùng để hỏi những điểm xác định trong câu. Điểm hỏi là điểm chứa đại từ nghi vấn. Ở câu đáp, nội dung thông tin thường làm sáng tỏ những trọng điểm hỏi đó” [18; tr.134]. Ví dụ: - Bao giờ em đi? - Tối nay. → Hỏi về thời gian. * Câu hỏi có cặp phó từ: Có …không? Có…chưa? Đã…chưa? Xong…chưa? Có phải…không? Ví dụ: - Có phải anh này không? → Dùng cặp phó từ. * Câu hỏi có từ lựa chọn: hay… Câu hỏi loại này thường hướng đến một trong hai khả năng nên được gọi là câu hỏi lựa chọn. -12- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Ví dụ: - Anh chọn cuốn sách này hay cuốn sách kia? - Cuốn này. → Lựa chọn bỗ ngữ. * Câu hỏi dùng tình thái từ biểu thị sắc thái nghi vấn: Chúng gồm những tình thái từ sau: à, ư, a, hả, hở, chứ, chăng… Loại này, điểm hỏi sẽ rất mơ hồ khi đứng riêng. Vì vậy, câu đáp thường phải dựa vào ngữ cảnh. Ví dụ: - Cậu định về chăng? - Em thích thứ bánh này chứ? * Câu hỏi dùng ngữ điệu: Loại này thường nâng cao giọng ở cuối câu vì không có những phương tiện nghi vấn hỗ trợ. Thông thường phải có một câu tường thuật (khẳng định hay phủ định đứng trước). Ví dụ: - Nhưng còn một cái tao chưa có? - Cái gì? - Sự nghiệp. - Sự nghiệp? (Nhật Tuấn). 1.2.2.3 Theo Bùi Tất Tươm Câu hỏi được phân thành ba loại: câu hỏi tổng quát, câu hỏi chuyên biệt và câu hỏi lựa chọn. Cụ thể như sau: * Câu hỏi tổng quát: Câu hỏi tổng quát là câu hỏi về trung tâm khung ngữ vị từ. Câu hỏi này yêu cầu xác định tính đúng sai hoặc mệnh đề đã được giả định là không phi lí. Ví dụ: - Anh gặp Nam chứ? * Câu hỏi chuyên biệt: Câu hỏi chuyên biệt là câu hỏi về một diễn tố hoặc và một chu tố trong khung ngữ vị từ. Câu hỏi này yêu cầu xác định cái những tham tố muốn hỏi do một đại từ không xác định thay thế hoặc hạn định. Ví dụ: - Ai đã gặp Nam? - Nam gặp ai ở đó? → Hỏi về diễn tố. - Bao giờ anh Nam đi? - Anh Nam đi Hà Nội để làm gì đấy? → Hỏi về chu tố. * Câu hỏi lựa chọn: -13- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Câu hỏi lựa chọn là câu hỏi mà yêu cầu trả lời đã được định sẵn trong một phạm vi xác định. Trong những đáp số - dữ liệu ấy phải có ít nhất một đáp số chân xác, nếu không có giá trị tiền giả định sai. Ví dụ: - Anh gặp Nam ở Vinh hay ở đâu? Tác giả còn cho rằng: “Cũng như đối với câu trần thuật, hình thức câu nghi vấn còn được dùng cho nhiều hoạt động, ngôn trung khác, khi ấy không còn nghi vấn chính danh nữa” [26; tr.115]. Ví dụ: - Mày có câm cái mồm đi không? (cầu khiến). - Thế này có khổ tôi không? (cảm thán). - Ai mà chẳng biết? (khẳng định). - Ai mà biết được? (phủ định). - Tôi đâu có biết? (bác bỏ, chối cãi). 1.2.2.4 Theo Đào Thanh Lan Tác giả phân câu hỏi thành sáu loại, chi tiết như sau: * Câu hỏi chính danh: Đó là những câu hỏi yêu cầu một câu trả lời thông báo về sự kiện hoặc một tham số nào đó của sự kiện được tiền giả định biểu thị là hiện thực. Ví dụ: - Anh có gặp Hiền chưa? - Tại sao hôm qua anh không đến họp? * Câu nghi vấn có giá trị cầu khiến: Theo tác giả câu hỏi có giá trị cầu khiến là câu có hình thức hỏi nhưng có hành động ngôn trung là yêu cầu. Kiểu câu này tạo ra cách diễn đạt lịch sự, tế nhị nội dung yêu cầu. Ví dụ: - Bà có ngồi dịch vào được một chút không ạ? * Câu hỏi có giá trị khẳng định: Đây là những câu có hình thức hỏi mà hoạt động ngôn trung là khẳng định. Ví dụ: - Sao tôi lại không hiểu? * Câu hỏi có giá trị phủ định: Loại câu này rất thông dụng trong tiếng Việt, gồm hai kiểu nhỏ: Kiểu câu dùng từ hỏi như: ai, gì, mấy, sao, nào, bao nhiêu, bao giờ hoặc dùng những danh ngữ có định tố hỏi: gì, nào. -14- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Ví dụ: - Đèn tối thế này ai mà học được? - Hàng này ngoài chợ thiếu gì? Kiểu câu mà hình thức là hỏi nhưng chỉ có một giá trị ngôn trung duy nhất là phủ định được cấu tạo theo một trong các phương thức sau: - Dùng câu “có đâu” để trả lời. - Đặt “có phải” ở đầu một câu trần thuật và từ “đâu” ở cuối câu. Ví dụ: - Có phải tôi muốn chê anh đâu? * Câu hỏi có giá trị phỏng đoán, ngờ vực: Đây là những câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ “phải chăng, hay là, không biết” đặt trước một cú (cú có cấu trúc Đề - Thuyết giống câu, nhưng được dùng ở chức năng ngữ pháp là một thành phần của câu, là vế câu) hoặc bắt đầu có thể bằng từ “liệu” đặt trước một cú và kết thúc thường bằng từ “chăng, không biết, không nhỉ” bày tỏ thái độ phỏng đoán, ngờ vực đối với tính chân xác của mệnh đề trong câu. Ví dụ: - Phải chăng anh không đến? - Cô ta có chuyện gì thế không biết? * Câu hỏi có giá trị cảm thán: Đó là kiểu câu có hình thức hỏi (có từ hỏi) như: biết bao, biết mấy, biết bao nhiêu, làm sao, chưa, chừng nào, thế nhằm biểu thị sắc thái cảm xúc, không hề yêu cầu trả lời. Ví dụ: - Đẹp biết bao! 1.2.2.5 Theo Nguyễn Kim Thản Căn cứ vào tính chất câu hỏi và sự có mặt của những từ để hỏi, tác giả đã chia câu hỏi ra làm bốn loại nhỏ. Cụ thể như sau: * Câu hỏi toàn bộ: Đó là loại câu hỏi trong đó ta nêu lên điều muốn biết, điều cần trả lời ở toàn bộ câu nói. Ví dụ: - Cháu đang học bài à? - Phải chăng đế quốc Mỹ tôn trọng quyền con người? * Câu hỏi bộ phận: Đó là loại câu hỏi trong đó ta nêu lên điều muốn biết, điều cần trả lời ở một điểm nào đó, tức một phần nào đó trong câu. Câu hỏi bộ phận cấu tạo bằng cách đặt vào bộ phận cần hỏi một trong những đại từ để hỏi: ai, gì, nào, sao, đâu, bao giờ, bao nhiêu thay cho từ tương ứng. Ví dụ: - Đâu là chân lý? * Câu hỏi lựa chọn: -15- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Đó là câu hỏi trong đó có đặt sẵn ít nhất là hai điều để người nghe lựa chọn lấy một mà trả lời. Ví dụ: - Anh đi hay ở? *Câu hỏi rộng: Đó là câu hỏi trong đó vừa có phần hỏi có tính chất bộ phận, vừa có phần hỏi có tính chất lựa chọn. Ví dụ: Anh có đi đâu không? (so sánh với: Anh đi đâu? Anh có đi không?) * Bảng tóm tăt quan điểm của các tác giả về phân loại câu hỏi Tên tác giả Diệp Quang Ban Phân loại câu hỏi Câu nghi vấn có đại từ nghi vấn Câu nghi vấn có kết từ hay và câu nghi vấn có phụ từ nghi vấn Câu nghi vấn có tiểu từ chuyên dụng Câu nghi vấn dùng ngữ điệu Đỗ Thị Kim Liên Câu hỏi có đại từ nghi vấn Câu hỏi có cặp phó từ Câu hỏi có quan hệ từ lựa chọn Câu hỏi dùng tình thái từ biểu thị sắc thái nhân vật Câu hỏi dùng ngữ điệu Bùi Tất Tươm Câu hỏi tổng quát Câu hỏi chuyên biệt Câu hỏi lựa chọn Đào Thanh Lan Câu hỏi chính danh Câu hỏi có giá trị cầu khiến Câu hỏi có giá trị khẳng định Câu hỏi có giá trị phủ định Câu hỏi có giá trị phỏng đoán, ngờ vực Câu hỏi có giá trị cảm thán Nguyễn Kim Thản Câu hỏi toàn bộ Câu hỏi bộ phận Câu hỏi lựa chọn Câu hỏi rộng -16- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên 1.3 Khái niệm câu hỏi tu từ và cách phân loại 1.3.1 Các quan niệm khác nhau về câu hỏi tu từ 1.3.1.1 Theo Đinh Trọng Lạc Tác giả có khái niệm về câu hỏi tu từ như sau: “Câu hỏi tu từ là câu về hình thức là câu hỏi, mà về thực chất là câu khẳng định hoặc phủ định có cảm xúc. Dạng tiêu biểu nhất của câu hỏi tu từ là dạng không đòi hỏi câu trả lời, mà chỉ nhằm tăng cường tính diễn cảm của phát ngôn” [12; tr.287] Ví dụ: Vì sao ngày một thanh tân? Vì sao người lại mến thân hơn nhiều? Vì sao cuộc sống ta yêu? Mỗi giây mỗi phút sớm chiều thiết tha? (Tố Hữu) 1.3.1.2 Theo Trịnh Mạnh và Nguyễn Huy Đàn “Câu hỏi tu từ là loại câu nhằm tập trung sự chú ý của người đọc, người nghe vào một mục đích nhất định. Được kiến lập theo hình thức đối thoại giữa tác giả và một nhân vật tưởng tượng, câu hỏi tu từ làm cho lời văn trở nên sinh động, đem lại cho người đọc những tưởng tượng lý thú” [20; tr.111]. Ví dụ: Trái bưởi kia vàng ngọt với ai? Thơm cho ai nữa hỡi hoa lài? Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm Quanh mặt hồ in mây trắng bay! (Bác ơi! – Tố Hữu) 1.3.1.3 Theo Đỗ Thị Kim Liên Tác giả xếp câu hỏi tu từ vào loại có hình thức hỏi nhưng mục đích không tương ứng. Về câu hỏi tu từ tác giả cho rằng: “Trong loại này, mục đích, ý định thông tin của người nói nằm chính ngay trong câu hỏi đó, vì vậy không cần người nghe đáp lại. Người nói chọn hình thức thể hiện ở dạng câu hỏi nhằm mục đích tu từ, tác động đến người nghe một cách tinh tế, biểu cảm hơn” [18; tr.137] Ví dụ: Hỡi cô tát nước bên đàng Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi? (Ca dao) 1.3.1.4 Theo Nguyễn Thị Như Hoa Tác giả có định nghĩa khá ngắn gọn về câu hỏi tu từ như sau: “Câu hỏi tu từ là câu hỏi không chờ đợi sự trả lời” [9; tr.58] 1.3.1.5 Theo Diệp Quang Ban Khi đề cập đến câu hỏi tu từ, tác giả cho rằng: “Một thói quen cổ truyền trong việc xem xét câu nghi vấn là nêu lên hiện tượng câu nghi vấn tu từ học. Đó là cách -17- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên dùng câu nghi vấn không cần sự trả lời và nhiều khi hỏi về những điều đã biết, nhằm thu hút sự quan tâm và làm cho thế văn trở nên hoạt bát” [2; tr.234]. Theo tác giả câu hỏi tu từ cũng là là hình thức câu nghi vấn giả. Ví dụ: Thơ của Nguyễn Trãi hay là vậy! Vườn văn học của nước nhà có những hoa quả đẹp và thơm, ngon, thế mà chúng ta dường như chưa thấy hết giá trị; tiếng nói của chúng ta có cái giàu và đẹp của nó, phải biết yêu nó, dùng nó, trau dồi nó, vì sao phải đi mượn đâu đâu? (Phạm Văn Đồng) [2; tr. 234]. 1.3.1.6 Theo Nguyễn Văn Nở “Câu hỏi – khẳng định: còn gọi là câu hỏi tu từ (rhetorical question), tức là những câu hỏi chỉ nhằm để khẳng định một ý kiến nào đó chứ không phải để người đối thoại thông tin điều mình muốn biết” [21; tr. 70] Ví dụ: Em là ai? Cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây hay là mây là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông? Thịt da em hay là sắt là đồng? (Tố Hữu) 1.3.1.7 Theo các tác giả Bùi Tất Tươm, Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Thị Quy, Hoàng Diệu Minh “Câu hỏi tu từ không yêu cầu phải trả lời. Đó là loại câu hỏi hướng sự chú ý của người đọc (nghe) vào một nội dung nhất định nhằm khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc (nghe) và tăng cường sức biểu cảm cho lời văn” [26; tr. 254]. Ví dụ: Ôi! Cái thuở lòng ta yêu Tổ Quốc, Hạnh phúc nào không hạnh phúc đầu tiên? (Chế Lan Viên) Các tác giả còn khẳng định: “Trong câu hỏi tu từ ý nghĩa nghi vấn không phải là quan trọng, ý nghĩa tình thái bỗ sung mới là ý nghĩa mà người viết (nói) muốn nhấn mạnh và người đọc (nghe) cần phải chú ý. Hỏi chỉ là cách thức thể hiện chứ không phải mục đích”[26; tr. 254]. Nhìn chung, mỗi tác giả đều có quan niệm riêng về câu hỏi tu từ nhưng các quan niệm trên đã ít nhiều đưa ra những đặc điểm của câu hỏi tu từ như sau: - Hình thức thể hiện là câu hỏi. - Không phải để hỏi, không cần sự trả lời. - Mục đích, ý định thông tin của người nói (viết) nằm chính ngay trong câu hỏi đó. - Nhằm mục đích tu từ, tác động đến người nghe một cách tinh tế, biểu cảm hơn. 1.3.2 Phân loại câu hỏi tu từ -18- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Về vấn đề phân loại câu hỏi tu từ, hiện nay vẫn chưa có nhiều tài liệu đề cập đến. Theo sự tìm hiểu có giới hạn, người viết đưa ra ba quan niệm phân loại câu hỏi tu từ. Cụ thể như sau: 1.3.2.1 Theo Đinh Trọng Lạc Tác giả chia câu hỏi tu từ thành bốn loại như sau: * Câu hỏi tu từ thường có ý nghĩa khẳng định: làm cho hình tượng văn học đẹp đẽ lên gấp bội: Ví dụ: Em là ai? Cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây hay là mây là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông? Thịt da em hay là sắt là đồng? (Tố Hữu) * Câu hỏi tu từ biểu lộ tâm tư, tình cảm, cảm xúc của người nói: Ví dụ: Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ? (Đặng Trần Côn) Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai? (Ca dao) * Câu hỏi tu từ có ý nghĩa phủ định một ý tưởng để diễn tả tâm trạng, tình cảm, cảm xúc: Ví dụ: Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu? (Thế Lữ) Ở đây câu hỏi tu từ còn có tác dụng của một câu chuyển mạch, đóng đoạn trên của bài thơ và mở ra đoạn cuối: tổng hợp lại tất cả sự tung hoành xưa kia của chúa tể sơn lâm và nghĩ ngay đến tình thế bị giam cầm hiện tại của vật oai linh rừng cả. * Câu hỏi tu từ có ý nghĩa mời mọc, gợi ý thiết tha: Ví dụ: Em không nghe mùa thu? Lá thu rơi xào xạc Con nai vàng ngơ ngác Đạp trên lá vàng khô (Lưu Trọng Lư) 1.3.2.2 Theo Nguyễn Xuân Hoa Căn cứ vào các kiểu chuyển đổi ý nghĩa của cấu trúc cú pháp, tác giả đã chia câu hỏi tu từ ra các kiểu sau: * Câu nghi vấn – khẳng định: -19- Câu hỏi tu từ trong thơ Chế Lan Viên Đây là những câu hỏi không phải để hỏi mà thực chất là để diễn tả cảm xúc dạt dào. Ví dụ: Em là ai? Cô gái hay nàng tiên? Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây hay là mây là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông? Thịt da em hay là sắt là đồng? (Tố Hữu) * Câu nghi vấn – phủ định: Ví dụ: - Tiền tao có phải vỏ hến đâu mà quăng cho mày bây giờ? (Ngô Tất Tố) * Câu nghi vấn – sai khiến: Ví dụ: - Ghê ghớm, muỗi! Bác Pha có cho tôi mượn cái quạt không? (Nguyễn Công Hoan) 1.3.2.3 Theo các tác giả Bùi Tất Tươm, Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Thị Quy, Hoàng Diệu Minh Các tác giả đã chia câu hỏi tu từ thành ba loại: câu hỏi tu từ - khẳng định, câu hỏi tu từ - cảm thán và câu hỏi tu từ - khiến lệnh. Cụ thể như sau: * Câu hỏi tu từ - khẳng định: Ví dụ: Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? * Câu hỏi tu từ - cảm thán: Ví dụ: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai? Hay: Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa? (Bằng Việt) * Câu hỏi tu từ - khiến lệnh: Ví dụ: Nào có im không? Lũ chúng nó quay đi Mắt trừng còn dọa dẫm Không một đứa nào chôn! Không một đứa nào chôn? -20-
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan