Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học xã hội Văn học Cach thuc huyen thoai hoa trong noi buon chien tranh...

Tài liệu Cach thuc huyen thoai hoa trong noi buon chien tranh

.DOCX
71
527
52

Mô tả:

MỤC LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU …………………………………………………… ....1 I. Lý do chọn đề tài …………………………………………………………..1 II. Lịch sử nghiên cứu vấn ……………………………………………………..1 III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ………………………………………….2 IV. Phương pháp nghiên cứu……………………………………………………2 V. Cấu trúc tiểu luận…………………………………………………………….3 B. PHẦN NỘI DUNG.....................................................................................4 Chương I. Những vấn đề khái quát chung …………………………….4 1. Yếu tố huyền thoại trong văn học………………………………………......4 2. Phương thức huyền thoại được sử dụng trong văn học thời kỳ đổi mới....5 Chương II. Sự cách tân nghệ thuật ở phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh .........................6 1. Sự cách tân phương thức huyền thoại hóa nhìn từ thế giới hình tượng ….6 1.1. Xây dựng thế giới hình tượng nhân vật……………………………………..6 1.2. Không gian và thời gian nghệ thuật…………………………………………9 1.3. Xây dựng các biểu tượng- biểu trưng …………………………………….13 2. Sự cách tân phương thức huyền thoại hóa ở phương diện ý nghĩa và hiệu quả nghệ thuật………………………………………………………………….14 2.1. Mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh………………………………………14 2.2. Sự đa dạng về hình thức thể hiện…………………………………………...15 2.3. Tạo hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm……………………………….............20 C. PHẦN KẾT LUẬN ………………………………….................... 23 A. PHẦN MỞ ĐẦU 0 I. Lý do chọn đề tài Huyền thoại dân gian ra đời từ rất sớm, làm chất liệu quý giá cho văn học nghệ thuật từ bao đời, các tác giả sử dụng yếu tố huyền thoại (với cách hiểu đơn giản là những gì kỳ ảo, phi thường) để thể hiện ước mơ, khát vọng, để lý giải những gì bình thường không thể lý giải, trong đó có đời sống vô thức, tiềm thức của con người, và để tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm văn chương. Nhưng huyền thoại là vấn đề rất rộng, đi qua nhiều giai đoạn, ở từng thời kỳ lịch sử lại có những chuyến biến khác nhau. Đến thời kỳ hiện đại, huyền thoại được xem như một phương thức nghệ thuật đang có xu hướng trở thành một trong những “kỹ thuật” sáng tác quan trọng, nhất là của tiểu thuyết. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại tuy chưa sử dụng phương thức huyền thoại hóa một cách phổ biến, chỉ manh nha ở một số tác phẩm nhưng nó vẫn được coi là một phương diện cách tân nghệ thuật đáng chú ý, góp phần làm phong phú thêm hiệu quả tái hiện hiện thực và số phận con người. Nỗi buồn chiến tranh là một tác phẩm có số phận đặc biệt, bên cạnh những đánh giá cao là những lời chê bai, đả kích kịch liệt, sau sự “im lặng và quên lãng”, một thời gian sau tiểu thuyết lại được đón nhận nhiệt liệt. Đó là bởi những cách tân nghệ thuật dẫn đến “độ chênh” với “tầm đón nhận” của công chúng và giới phê bình. Chọn đề tài Sự cách tân nghệ thuật ở phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, người viết muốn bước đầu nhận diện vị trí và một phần đóng góp của tác giả Bảo Ninh trong nền văn học Việt Nam đương đại. II. Lịch sử vấn đề Những năm gần đây, vấn đề huyền thoại được đặt ra và thu hút nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đa số các ý kiến, các bài viết nghiên cứu đều cho rằng: văn xuôi có yếu tố huyền thoại sau đổi mới, đã có nhiều thay đổi quan trọng và cơ bản về tư duy sáng tạo, về thi pháp sáng tác, về nghệ thuật thể hiện…song những bài viết đó còn riêng lẻ, chưa có hệ thống. Tuy vậy, đó là những cơ sở đầu tiên, những gợi mở quan trọng để từ đó người viết triển khai đề tài. Bàn về phương thức huyền thoại hóa nói chung, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định: “Trong văn học thế giới suốt từ đầu đến cuối thế kỷ này, kiểu 1 sáng tác huyền thoại luôn luôn sống động thu hút nỗ lực của nhiều tác giả lớn” [6]. “Đây là bút pháp nghệ thuật được rất nhiều nhà tiểu thuyết thời kỳ đổi mới sử dụng. Sự có mặt của bút pháp huyền thoại vừa cho phép nhà văn nhìn sâu hơn vào thế giới, vừa tạo ra sự lạ hóa để thu hút người đọc” [7]. Đây là đánh giá của Mai Hải Oanh về tác dụng và sức hấp dẫn của huyền thoại trong sáng tác văn học. Về phương thức huyền thoại hóa trong chính tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, tác giả Đỗ Đức Hiểu đã nhận xét: “Đặc biệt, trong “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã sử dụng phương thức này một cách độc đáo. Có người cho rằng, tiểu thuyết của Bảo Ninh là “một giấc mơ dài, một huyền thoại của thời đại”. Bởi nó được “hình thành trong bóng đêm, trong cơn say, trong điên khùng và hoảng loạn, từ vô thức, man rợ, từ nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn chiến tranh” [3]. Huyền thoại của thời đại- tức là huyền thoại mang dấu ấn của thời đại, thể hiện cái nhìn của thời đại, huyền thoại với những cách tân phù hợp với tư duy thời đại. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của những người đi trước, tôi hy vọng với bài nghiên cứu nhỏ này sẽ có thể đóng góp chút thành quả ít ỏi vào việc làm sáng tỏ một phần những cách tân nghệ thuật của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, qua đó một lần nữa khẳng định lại một lần nữa Bảo Ninh không phải là người viết tiểu thuyết để “lố bịch hóa hiện thực” hay “bôi nhọ quân đội” [4] như nhiều người nhìn nhận, mà ngược lại, Bảo Ninh là một nhà văn “dũng cảm” trên con đường đổi mới và sáng tạo với cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh dựa vào kinh nghiệm chủ quan của cá nhân là chủ yếu. III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của tiểu luận là những cách tân nghệ thuật ở phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) chủ yếu ở phương diện bút pháp với cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Nhà xuất bản Văn học Hà nội- 1991). IV. Phương pháp nghiên cứu Các phương pháp được sử dụng trong đề tài này bao gồm: 1. Phương pháp thống kê- hệ thống 2 2. Phương pháp phân tích- tổng hợp 3. Phương pháp so sánh- đối chiếu… V. Cấu trúc tiểu luận Tiểu luận gồm 3 phần: A. Phần mở đầu B. Phần nội dung, gồm 2 chương: Chương I: Những vấn đề khái quát Chương II: Những cách tân nghệ thuật ở phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh C.Phần kết luận Ngoài ra còn có phụ lục, mục lục tham khảo. A. PHẦN NỘI DUNG Chương I: Những vấn đề khái quát chung 3 1. huyền thoại Huyền thoại có từ khi con người biết sáng tác văn chương, yếu tố này đã trở thành một dòng chảy liên tục trong dong chung của lịch sử văn học nhân loại từ cổ đại, qua trung đại và hiện đại. Thuật ngữ huyền thoại (mythos) xuất hiện trong văn hóa cổ đại từ rất xa xưa, từng được Aristote đề cập đến trong Nghệ thuật thơ ca. Từ đó đến nay, nội dung của khái niệm này đã nhiều lần thay đổi, nhưng đặc điểm cốt lõi của chúng vẫn là những yếu tố thực thực- hư hư, kỳ ảo, hoang đường, bí ẩn, siêu nhiên. Nếu như văn học hiện thực chủ nghĩa thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đề cao lý tính, chủ trương phi huyền thoại thực tại, mô tả thực tại bằng một tấm gương soi xác thực thì đến nửa sau thế kỷ XX, văn học thế giới đã chứng minh xu hướng huyền thoại hóa như một thi pháp đặc thù. Các tác giả hiện đại tăng cường sử dụng các hình tượng và cốt truyện thần thoại, cho ra đời các thể loại tiểu thuyếthuyền kịch, kich- huyền thoại, trường ca- huyền thoại…Những tên tuổi lừng lẫy của tiểu thuyết huyền thoại thế kỷ XX là J.Joyce, Th.Mann, F.Kafka, G.Macket, J.Amado…đã cho thấy hiệu quả lớn lao của phương thức này. Trong Từ điển tiếng Việt có đưa ra một định nghĩa về huyền thoại ngắn gọn như sau: “Huyền thoại là câu chuyện huyền hoặc hay dũng cảm của thời xưa”, đó là một khái niệm chỉ một hình thức nhận thức đặc thù- thông qua cái hư để nhận thức cái thực một cách sâu sắc hơn. PGS.TS Phan Thu Hiền cũng đưa ra một định nghĩa huyền thoại khá đầy đủ diễn giải mối quan hệ giữa huyền thoại với đời sống con người: “Huyền thoại là một câu chuyện từ quá khứ, nó có thể giải thích nguồn gốc vũ trụ và cuộc sống hoặc diễn giải những giá trị đạo đức của nền văn hóa trong những thuật ngữ nhân thế. Huyền thoại liên quan đến những năng lực điều hành thế giới con người và quan hệ giữa những năng lực ấy với con người” [14]. Trên cơ sở đó có thể nhận định yếu tố huyền thoại được xem như một thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung, chủ đề tư tưởng để làm nổi rõ thế giới hiện thực với muôn hình vạn trạng cùng với những khát vọng lớn lao của con người không dễ gì biến thành hiện thực, giải phóng nhà văn ra khỏi cái khung lý tính nhiều khi máy móc để phát hiện và biểu đạt một cách tinh tế chiều sâu tâm lý con người. Đó là lý do vì sao văn học Việt Nam giai đoạn 19451975 ít sử dụng bút pháp huyền thoại hóa mà chủ yếu dùng bút pháp tả thực để nói về con người lý tưởng đại diện cho lý trí cộng đồng. Còn đến giai đoạn sau 4 1975, khi mà con người cá nhân được đề cao, huyền thoại hóa là một phương thức để hư cấu, tái hiện một thế giới tâm lý, tâm linh vô cùng phức tạp. 2. Phương thức huyền thoại hóa được sử dụng trong thời kỳ đổi mới Trong thực tiễn sáng tác, các cây bút thời kỳ đổi mới đã có ý thức tìm tòi đổi mới nghệ thuật và kỹ thuật tiểu thuyết trên cơ sở gắn bó với những nội dung nhân bản, xã hội để thúc đẩy thể loại phát triển, góp phần cách tân và hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại. Có thể nói một trong những thay đổi đáng kể nhất trong nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này là sự đa dạng và linh hoạt về bút pháp nghệ thuật, tiêu biêu như: “Bút pháp tả thực mới”, “bút pháp phúng dụ, huyền thoại”, “bút pháp trào lộng,giễu nhại”, “bút pháp tượng trưng” (theo thống kê của Mai Hải Oanh trong bài viết “Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới”) trong đó “bút pháp phúng dụ huyền thoại được nói đến với tư cách là “một phương thức nghệ thuật “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thật”, việc đưa cái huyền ảo vào thế giới thực tại đã lấy cái phi lý để nhận thức cái hữu lý, lấy lôgic của nghệ thuật và trí tưởng tượng để nhìn thấy logic cuộc sống một cách hiệu quả”[7]. Phải kể đến những tác phẩm đáng chú ý như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Người sông Mê (Châu Diên), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)…Hình thức huyền thoại hóa được sử dụng trong những tác phẩm này vừa cho phép nhà văn nhìn sâu hơn về thế giới, vừa tạo ra sự lạ hóa để thu hút người đọc, đem đến cho họ những cảm xúc mới mẻ về một hiện thực nghiệt ngã và phức tạp qua những huyền thoại giàu chất tượng, từ đó giúp độc giả tiếp cận hiện thực một cách sinh động và sâu sắc hơn. Chương II. Những cách tân nghệ thuật ở phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình: “Cái nhìn nhiều chiều về đời sống của văn học từ khoảng giữa thập niên tám mươi đến nay đặt ra yêu cầu phải đổi mới bút pháp. Huyền thoại hóa trước hết gắn với khát vọng chiếm lĩnh những chiều sâu bí ẩn, nhiều chiều của con người và đời sống. Sau nữa, khi quan niệm về sáng tạo được giải phóng mạnh mẽ hơn, hiện thực không nhất thiết phải là mục đích 5 cuối cùng của tác phẩm thì huyền thoại gắn liền với bản chất của tưởng tượng, hư cấu, nó có thể sáng tạo ra những điều phi thực để đặt ra câu hỏi mang ý nghĩa nghiêm túc hoặc chỉ để đùa vui giúp con người thư giãn” [10]. Trong Nỗi buồn chiến tranh, bút pháp huyền thoại cũng gắn với khát vọng, với những trăn trở về số phận con người, số phận tình yêu. Tính chất tưởng tượng, hư cấu không phải hướng đến mục đích cuối cùng là hiện thực chiến tranh mà là sự thể hiện những suy nghiệm của cá nhân tác giả với với lịch sử. Cái nhìn mới về chiến tranh tạo nên nhu cầu đổi mới bút pháp, ta sẽ phân tích từng phương diện cụ thể để thấy được phần nào sự cách tân đó. 1. Sự cách tân phương thức huyền thoại hóa nhìn từ thế giới hình tượng 1.1. Xây dựng thế giới hình tượng nhân vật Trong huyền thoại dân gian, nhân vật thường mang dáng dấp của lực lượng thần kỳ, có khả năng siêu phàm, phần lớn đó là những nhân vật chức năng (thường được gọi là các vị thần, thánh như “Sơn thần, Thủy thần, Thánh Gióng…). Đến văn học hiện đại, Kafka- nhà văn bậc thầy của văn học huyền ảo phương Tây quan niệm: bản chất của thế giới và con người như là một cái gì “phi lý, quái dị, không nhận thức được”. Tiếp thu tinh thần đó, Bảo Ninh đã xây dựng nên trong tác phẩm của mình một thế giới hình tượng nhân vật có phần phi lý và kỳ quái. Có ba tuyến nhân vật chạy song song trong cuộc đời nhân vật chính- Kiên, đó là: những người phụ nữ, những người đồng đội và những người thân. Phần đa trong số họ hiện diện trong hình hài của những ký ức, không tiểu sử, thậm chí có những nhân vật chỉ là tiếng nói vang vọng trong lương tâm của Kiên. Trong dòng tâm tưởng của Kiên, những người đồng đội luôn gắn liền với cái chết, những bóng ma ám ảnh nhưng lại hết sức “gần gũi”, họ trò chuyện với những người lính còn sống một cách thân mật, đôi lúc lại “dọa” đồng đội bằng những tiếng thì thào và tiếng hú man dại. Những người phụ nữ đi qua đời Kiên hầu hết đều mang một sự bí ẩn “khó nhận thức được”. Đầu tiên phải nói đến nhân vật Phương- người yêu đầu tiên của Kiên, người “thao túng” đời Kiên, thậm chí sức thao túng còn mãnh liệt hơn cả chiến tranh, Phương sở hữu một sự kỳ quái gần như toàn diện: đẹp kỳ quái, yêu thương kỳ quái và tính cách cũng rất kỳ quái. Trong văn học, chưa có người 6 phụ nữ nào được miêu tả như Phương: “đẹp mê dại và bất kham, hấp dẫn đến lịm người, đẹp một sắc đẹp kỳ ảo và khôn lường, đẹp một cách đau lòng, đẹp như thể một sắc đẹp bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực” [1]. Cuộc đời Phương và tình yêu của Phương là một huyền thoại không dứt, mênh mông và huyền ảo. Phương vừa có thực, vừa như không có thực. Nàng xuất hiện giữa cuộc đời Kiên như một điềm báo không lành để rồi mãi mãi ám ảnh không dứt trong Kiên. Phương có vẻ đẹp “lạc loài”, hình ảnh nàng chơi bản đàn mộng ảo lúc tiễn Kiên lên đường ám ảnh người đọc, như phiên bản của một nàng Kiều với cuộc đời long đong chìm nổi, cảnh nàng tắm khiến tôi liên tưởng đến vẻ đẹp hoàn mỹ và cháy bỏng của những nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tác giả cảm nhận Phương là “sự vĩnh cửu duy nhất còn sót lại, sau chiến tranh”. Tiếp đến là hình tượng nhân vật người đàn bà câm lầm lũi, lặng thinh nhưng bùng cháy một sức sống mãnh liệt, một nghị lực phi thường cũng là một bút pháp nghệ thuật độc đáo của Bảo Ninh. Cuộc đời của người đàn bà câm ấy cũng là một huyền thoại. Có người cho rằng đó là “sự tái sinh từ các truyền thuyết xa xưa của nhân loại, từ “mẫu cổ xưa” thần giữ của” [3]. Người đàn bà ấy chỉ là bóng ma âm thầm cô độc, một thế giới đóng kín nhưng lại là người duy nhất chứng kiến cuốn tiểu thuyết của Kiên – cuốn tiểu thuyết ra đời trong cơn say, trong điên cuồng, hỗn loạn. Ngoài ra, có thể nói Liên- cô y tá ở Điều trị 8 chính là hóa thân của Phương, cô đánh thức tình yêu trong Kiên, và rồi biến mất như một ảo giác. Rồi nhân vật Lan (người thiếu phụ ở Đồi Mơ, âm thầm kết duyên với Kiên và âm thầm chờ đợi, như hình ảnh một Tô Thị hóa đá chờ chồng)… Những người phụ nữ đó, mỗi người đều mang trong mình một nỗi buồn huyền bí. Có thể nói, “Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là cuốn tiểu thuyết “huyền thoại” được kết tinh từ những nỗi buồn” [16]. Ở tuyến nhân vật thứ ba, những người thân của Kiên, nổi bật lên là hình tượng cha và dượng Kiên, họ có cái gì đó giống những nhà tiên tri với khả năng tiên cảm về thời đại sắp tới. Khả năng tiên cảm ấy thể hiện ở những lời tiễn biệt buồn bã như một lời trăn trối của dượng với Kiên trước ngày anh ra trận trong ngôi nhà nhỏ bên sông Hồng. Nó thể hiện trong cái nghi thức "man rợ và dấy loạn" của cha Kiên đốt đi toàn bộ tác phẩm của mình trước khi ông từ dã cõi đời. Đó là một sự giải thoát và “nhập cuộc” với xã hội yêu ma siêu thực với những nhân vật trong tranh.Đối với ông, hành vi đốt tác phẩm thể hiện điểm tột cùng của một sự lạc loài của một tâm hồn trong thời đại mới đồng thời cũng là tiên 7 cảm về mặt bên kia của một thời đại chiến tranh đang tới, một thời đại anh hùng nhưng tột cùng đe doạ đối với cái Đẹp- cái giá đau đớn của chiến tranh. Mối quan hệ và những tình cảm của cha Kiên giành cho Phương vượt ra ngoài trường ngữ nghĩa của những tình cảm thông thường của con người. Đó là sự chiêm ngưỡng Cái Đẹp (ở ý nghĩa phổ quát) của một người nghệ sĩ và sự lo âu của một người thấu thị trước tương lai về những mối đe doạ đối với Cái Đẹp. Còn lại một nhân vật cũng đầy chất huyền thoại, đó chính là Kiên. Chính Kiên cũng tự nhận ra cái “định mệnh” kỳ lạ của mình: “Cũng vì mang trong người cái định mệnh huyền cơ nào đấy nên anh mới có thể sống sót qua cuộc chiến tranh với những hoàn cảnh mà bình thường ra không thể có cơ hội thoát chết” [1]. “Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, hình tượng người cha nghệ sĩ của Kiên cũng có giá trị như một thứ Đạm Tiên báo trước cuộc đời anh. Đi qua chiến tranh với hành trang là những kỷ niệm "có thể là êm đềm, có thể là ác hại", Kiên trở thành người bị cầm tù của quá khứ với một thứ "thiên mệnh" thiêng liêng ngược về quá khứ. Anh cũng phải trải qua những vật vã trong sáng tác và những đau đớn trong cuộc đời hiện tại như cha mình. Và hành động cuối cùng trong cuộc đời nghệ sĩ của anh cũng là một nghi lễ tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm tinh thần của cuộc đời mình” [13]. Kiên chính là nỗi buồn truyền kiếp của cha, một người đã xả thân làm người hùng, tiêu phí cuộc đời trong nghĩa vụ, trong tàn sát, trong chiến thắng, sống sót trở về, để rồi không bao giờ có thể thoát khỏi nỗi cô đơn lạc loài, yếu đuối đã từng bóp nghẹt cuộc đời cha Kiên. Có thể nói, phần lớn những nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh đều được phản chiếu qua một tấm phông nền huyền thoại, mỗi nhân vật đều ẩn chứa một vẻ siêu thực đầy huyền bí, nhưng lại không hề xa lạ bởi đó là những con người bằng xương bằng thịt, với những băn khoăn, trăn trở, khát khao đời thường. Không giải thích được, nhưng rõ ràng chúng ta thừa nhận những yếu tố ảo xung quanh những nhân vật đó có tồn tại ngoài đời thực. Khác với kiểu nhân vật huyền thoại dân gian đại diện cho một lực lượng siêu nhiên quy về cái có sẵn, kiểu nhân vật huyền thoại hiện đại là một sự sáng tạo mới đậm màu sắc chủ quan theo kinh nghiệm cá nhân của người viết tiểu thuyết. 1.2. Thời gian và không gian nghệ thuật 1.2.1. Thời gian huyền thoại Với những cách tân trong nghệ thuật trần thuật, Bảo Ninh đã phá vỡ cấu trúc thời gian đơn tuyến vốn vẫn thường gặp trong văn xuôi truyền thống để đưa vào 8 tiểu thuyết của mình kiểu thời gian trần thuật phi tuyến tính, phi thực tại với sự có mặt của kỹ thuật đồng hiện (giữa quá khứ và hiện tại)- một kiểu thời gian mơ hồ mang tính chất huyền thoại. Diễn đạt một cách đơn giản, thời gian huyền thoại trong truyện kể là cách thức làm cho một câu chuyện hiện thực bị tách ra khỏi bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của nó, câu chuyện hiện thực trở nên phi thời gian, cuộc sống diễn ra trong đó có thể đã, đang và sẽ diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào mà không mất đi ý nghĩa hiện thực chân thật của nó. Mốc thời gian lịch sử, thời gian xã hội trở nên không quan trọng để diễn đạt một hiện thực vĩnh cửu nào đó thuộc về con người. Thời gian huyền thoại thường trải màu sắc bàng bạc của nó qua sự tái điệp thời gian (xét trong trật tự niên biểu) và những câu chuyện xảy lặp từ quá khứ đến hiện tại (của một nhân vật hay của một số nhân vật), những đoạn ngưng của hồi ức, của trữ tình ngoại đề khiến người đọc khó nắm bắt được thời gian, và sự mờ hoá thời gian…Ta sẽ làm rõ hơn tính chất này qua một số khảo sát về thời gian trần thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. + Thời gian trần thuật phi tuyến tính Thời gian trần thuật chính là thời gian của truyện kể, là thời gian của trật tự các sự kiện đã được phân bố lại trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện. Thời gian trần thuật không tuân theo quy luật của thời gian vật lí mà đã được tái tạo lại bởi người kể chuyện. Có thể nói trần thuật phi tuyến tính trở thành một trong những đặc điểm cho thấy sự đổi mới tư duy tiểu thuyết khi cảm thức hiện tại, khi khát vọng làm chủ thời gian trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Một trong những hình thức tổ chức lại trình tự trần thuật trong Nỗi buồn chiến tranh là từ hiện tại, quay ngược về quá khứ để kể chuyện. Nhân vật Kiên – một cựu chiến binh trở về sau ngày hòa bình đã kể lại cuộc chiến đã qua, “một cuộc chiến tranh chưa từng được biết tới, như thể đó là cuộc chiến của riêng anh”. Nhân vật Kiên thuật lại những sự kiện đã qua, đã thuộc về quá khứ từ điểm nhìn của chính mình. Và thông qua Kiên, người đọc có thể hình dung sự ám ảnh của chiến tranh, những mất mát mà cuộc chiến mang lại cho Kiên và những đồng đội của anh. Từ đó ta thấy được dòng chảy số phận của từng con người trong chiến tranh “Khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết cả máu, vì áo quần bục nát tả tơi và vì những lở loét cùng người như phong hủi, cả trung đội chẳng còn ai trông ra hồn thằng trinh sát nữa. Mặt mày ai nấy như lên rêu” [1].Chúng ta thấy rằng Bảo Ninh đã xử lý thời gian rất linh hoạt. Nếu mạch trần thuật sự kiện được 9 đẩy lùi về quá khứ thì mạch biểu hiện cảm xúc cứ trôi dạt, lan tỏa từ quá khứ đến hôm nay. Dường như những chuyện của quá khứ không hề khép lại mà tiếp tục sống cùng với nhân vật Kiên trong dòng trôi của hiện tại. Có rất nhiều những chỉ dẫn bất chợt về thời gian mang tính chất ngẫu nhiên của ký ức: “đêm nay”, “buổi tinh mơ mờ đất”, “hồi đó”, “về sau”, “cùng với thời kỳ”, “trong khi trời thì cứ mưa”, “trong suốt nhiều tháng trời vừa qua”, “về đêm”, “nửa đêm”…vừa chỉ hiện tại trong quá khứ, vừa chỉ sự hồi cố mang âm hưởng buồn rầu, nhớ nhung. Người đọc không thể dễ dàng nắm bắt được thời gian cụ thể diễn ra sự kiện mà người kể chuyện đang kể bởi đây không phải thời gian thời gian của lịch sử mà là thời gian tâm linh, thời gian của những ký ức còn tươi rói những kỷ niệm về chiến tranh và tình yêu. + Kỹ thuật đồng hiện Có thể nói, ở tiểu thuyết dòng ý thức như Nỗi buồn chiến tranh, sự đồng hiện thời gian được thể hiện rất rõ. Đó là sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại, thời gian trần thuật chỉ phụ thuộc vào thời gian tâm trạng, vào dòng tâm tư của nhân vật Kiên. Trong Nỗi buồn chiến tranh có sự xen lẫn giữa thời gian trần thuật và thời gian câu chuyện xoay quanh những hồi ức, những kỉ niệm và giấc mơ của nhân vật Kiên. Việc tổ chức thời gian đồng hiện theo kĩ thuật điện ảnh của tác giả nhằm soi chiếu cặn kẽ con người hiện đại với nhiều chiều kích. Chính nhờ hình thức đồng hiện này mà Bảo Ninh có thể nối kết những chuyện thuộc về những khoảng thời gian khác nhau và vì thế rút ngắn được thời gian kể. Trong đồng hiện thời gian, yếu tố giấc mơ trở thành phương thức tự sự hiệu quả để đi vào khám phá thế giới tâm linh con người, để mở rộng biên độ thời gian. Trong Nỗi buồn chiến tranh, giấc mơ xuất hiện rất nhiều nhằm đồng hiện nhiều mảng thời gian khác nhau, đảo trật tự tuyến tính. Kiên thường hay mơ về Phương – người phụ nữ đã đánh thức tình yêu trong Kiên thời tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh chập chờn trong quãng đời chiến trận của anh “những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, từ giữa miền không gian xa xanh sâu thẳm khuất chìm sâu sương mù ký ức, người con gái của thành phố quê hương lại hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo. Cả người gai lên, xương thịt chờn rợn, run rẩy, rung động trong nỗi khát khao thèm muốn được hưởng tới độ tột cùng cảm giác xúc tiếp êm ái, choáng ngợp, đáng kinh hãi với cái hình hài yêu dấu, mong manh, mềm mại như cánh hồng ấy” [1]. Giấc mơ của Kiên thường là thời gian 10 hồi ức “trong mơ, trí nhớ khuấy đảo, lật tung tất cả, lần tìm trong đổ nát đam mê niềm đau buốt, vô hạn độ, vô bến bờ của anh đối với nàng từ tận những thuở hồng hoang xa tít mù tắp thời trai trẻ”. Chính trong hồi tưởng mà Kiên đi tìm ý nghĩa thực của đời mình. Dường như ở Kiên luôn có sự cố gắng để sắp xếp những kỉ niệm lộn xộn, nối khớp chúng với những sự kiện lịch sử chung của dân tộc, để có được một kết luận. Dù sống trong thời bình nhưng Kiên “không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố của chiến tranh, loại người bị ký ức quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn”. Ngay cả mối tình với Phương cũng bị cuộc chiến đó chia đôi “Đời anh chỉ có hai tình yêu thôi. Một mối tình của anh và Phương hồi trước chiến tranh. Và sau chiến tranh là mối tình khác, cũng giữa anh với nàng”. Như vậy, bằng việc sử dụng thời gian đồng hiện, Bảo Ninh đã khẳng định sự bất lực của con đối với lịch sử, con người chỉ là nạn nhân mà thôi. 1.2.2. Không gian huyền thoại Nỗi buồn chiến tranh lấy dòng ý thức và hoạt động tâm lí của nhân vật Kiên làm sợi dây kết cấu xuyên suốt tác phẩm, song hành cùng với thời gian huyền thoại là không gian huyền thoại. Bảo Ninh đã biến không gian hiện thực thành hoang đường, huyễn hoặc nhưng không hề đánh mất đi tính chân thực. Đó là sự khác biệt với không gian của huyền thoại dân gian là không gian vũ trụ, khó xác định được nơi chốn, vị trí thực. “Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong 280 trang của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, có tới 116 lần Bảo Ninh sử dụng những từ ngữ, hình ảnh rùng rợn, li kì: tiếng thở than buồn thảm của thế giới rừng sâu, vời vợi xa xôi và tuyệt mù hư ảo, đám hành khách từ trong mộ hiện ra, ma cà rồng, ảo giác, kì quái, ma quái, hoang đường,...” [9] Không gian đầu tiên hiện lên đầu tiên và cũng là không gian huyền thoại nhất trong tác phẩm là “khu rừng ma” với vô số những hiện tượng kỳ dị gắn với hồn, với ma: người đọc cảm thấy rùng rợn ngay từ cái tên Truông Gọi Hồn.Ở đó có loài măng “nhuốm một màu đỏ dễ sợ, “đỏ như những tảng thịt ròng ròng máu”, có “những con đom đóm thì to kinh dị”, “quầng sáng lớn tày cái mũ cối, có khi hơn”, có loài “hồng ma” ưa máu thích mọc ở những nơi có nhiều tử khí, nhưng lại “đâm bông trắng xóa, thơm ngát” có khả năng “gây những khoái lạc mê mẩn”, “tự chế ảo giác tùy thích”. Âm thanh cũng đầy ám ảnh với “những tiếng xao xác thì thầm thổn thức”, “tiếng gió hú chính là tiếng nói của những hồn ma binh lính”, “trời tối cây cối hòa giọng với gió rên lên những bản nhạc ma”. Ở đó cũng đầy rẫy những cảnh tượng hãi hùng, 11 người và ma quỷ bất phân: cảnh đội trinh sát giết một con vượn lông lá,nhưng khi cạo sạch lông thì mới lộ ra là “một người đàn bà béo sệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, mắt trợn ngược”, rồi “những toán lính da đen không đầu chơi trò rước đèn”, rồi hồn ma của một cô gái “ở trần, da dẻ sáng loáng, tóc xõa”…cùng với những lời sấm truyền, những lời tiên tri, những cuộc báo oán, tất cả như những điềm báo cho một tai họa thảm khốc và đẫm máu. Tại sao lại có những không gian kỳ quái, xa lạ với thế giới thực đến vậy? Bởi không gian đó xuất phát từ tâm hồn bấn loạn của kẻ từng là nhân chứng của vô vàn cái chết tạo nên những ám ảnh kinh hoàng và đầy đau đớn không bao giờ có thể xóa nhòa. Không gian huyền bí thứ hai đáng chú ý là căn gác xép cũng là phòng tranh của cha Kiên- một họa sỹ lạc thời, không khí ở đó mang đậm mà sắc liêu trai “tối om”, “trống rỗng” , có những “con dơi nhỏ bay loạng choạng”, ám ảnh nhất là vụ hỏa táng phóng thích những người trong tranh, và rồi cha Kiên cũng “ra đi lặng lẽ trong chuyến mộng du vĩnh viễn”. Phương- người sở hữu vẻ đẹp “không bình thường” là người duy nhất được chứng kiến, như một sự lựa chọn của số mệnh. Cha Kiên đốt tranh mà giống như một cuộc tự hành xác, một hình thức sám hối, quyết liệt dưới ánh lửa nhưng rầu rĩ, im lìm, nửa lén lút không khí trang nghiêm ma quái dập dờn tỉnh mê của buổi lễ tế thần. Kỳ ảo, huyền bí nhưng đích thực là một ác mộng. Một niềm đam mê tà giáo. Choáng ngợp tâm hồn Phương là vẻ bừng sáng tuyệt vọng của cái đẹp cháy bùng lên. Và trong sắc lửa là sắc diện của con người tử vì đạo: đau đớn, say cuồng, tột cùng hạnh phúc. Một thứ hạnh phúc lộn ngược . Và cũng chính trong cái không gian huyền bí này, mấy chục năm sau lại xuất hiện một cuộc hỏa táng thứ hai- của chính Kiên, cũng dưới sự chứng kiến của một người đàn bà câm bí ẩn. Bối cảnh trong tác phẩm được xây dựng, lắp ghép, đồng hiện không theo một trật tự nhất định nào, nó hiện ra một cách hoàn toàn tự nhiên theo dòng hồi tưởng và những giấc mơ ma mị của một tâm hồn đang bị chấn thương. 1.3. Xây dựng các biểu tượng- biểu trưng Phương thức huyền thoại hóa nhìn từ thế giới hình tượng không chỉ có nhân vật, không gian và thời gian tác giả còn sử dụng những hình tượng nâng lên thành biểu tượng- biểu trưng nhằm phản ánh hiện thực một cách huyền ảo, hoang đường. Thiên nhiên trong cuốn tiểu thuyết Bảo Ninh đều chứa đựng một “linh hồn” với sức đeo bám mãnh liệt. Đó là mưa, là bóng đêm- những biểu tượng của chiến tranh. 12 Ta gặp trong tác phẩm vô vàn những trận mưa kỳ lạ: “mưa dầm”, “mưa xối xả”, “mưa núi non nhạt nhòa”, mưa ngút trời”, “mưa ê ẩm”, “mưa lê thê”, “mưa to”, “khắp nơi lằng nhằng sấm chớp”, “mưa nặng nề xối dội”, “mưa ngày”, “mưa đêm”, và “cuộc chiến có vẻ như bị vùi lấp trong biển mênh mông mù mịt mù mưa”. Một nhà nghiên cứu từng phát hiện và nhận xét: tác giả đã “sáng tạo một vũ trụ mới của cuộc chiến, vũ trụ chìm trong mưa và mưa là biểu tượng khủng khiếp của chiến tranh”. Cùng với mưa - biểu tượng của chiến tranh là bóng đêm. Vô vàn những đêm là đêm trong tác phẩm. Đêm với bao nhiêu điều kỳ dị hư vô: “đêm hoang vu”, “đêm ác mộng”, “đêm của tâm hồn”, “đêm đen”, “đêm âm u”, “đêm rét mướt”, “đêm thác loạn”, “đêm kỳ ảo”, “đêm trường”, “đêm thức trắng”, “đêm hương hoa”… Phải chăng, mưa là biểu tượng của chiến tranh còn đêm là biểu tượng cho đời sống tâm hồn của nhân vật Kiên? Đi ra khỏi cuộc chiến tranh, Kiên sống những tháng ngày u buồn của thời hậu chiến. Anh luôn bị ám ảnh bởi quá khứ cái quá khứ mà anh đã gởi tất cả sức xuân, niềm vui và nỗi đau của mình vào đó. Với Kiên, tương lai là một cái gì đó xa mờ và tăm tối…Vì thế, bóng đêm đã trở thành nỗi ám ảnh đối với anh. Có biết bao điều quái lạ xảy ra trong những đêm đen như thế. Tiếng hát của những người đã chết huyền bí, thì thào như hoàn toàn hư, hoàn toàn thực từ cõi mông lung gọi về “xót xa, bi tráng như nhắc nhở những con người còn sống đừng quên năm tháng vinh quang khổ đau bất tận” [1] cũng cất lên khi “bóng đêm vùi kín rừng cây”. Có những cái không thể có lại được viết ra như thực trong cái vô biên của tâm hồn để trở thành huyền thoại. Đó là câu chuyện về một người lính khi chết được bó trong một tấm tăng nằm lại trên đèo, xương cốt hóa mùn cả nhưng cây đàn guitare của anh vẫn còn nguyên vẹn. Và đêm đêm, người ta lại nghe thấy tiếng hát của con người vô danh ấy vang vọng mãi trong lòng rừng… Mưa và bóng đêm khủng khiếp và hồn hoang, ảo giác, hồn ma, những cơn mộng du… tạo cho tác phẩm một hiện thực “huyền ảo, mơ hồ”. Và chính những cái không thực mang màu sắc huyền hoặc, mờ ảo ấy đã phản ánh rất thực đời sống tâm hồn nhân vật- những con người bị ám ảnh bởi năm tháng chiến tranh. Ngoài những biểu tượng về chiến tranh, Bảo Ninh đã xây dựng nên biểu tượng của tình yêu, của tự do, thiết tha, duy cảm, sống hết mình, miệt mài yêu đương, đau thương và nhục cảm, đó là Phương, nàng như một Aphrodite bước xuống từ đỉnh Olympus, ghé qua đời Kiên và để lại cả những niềm hạnh phúc và nỗi đau không bao giờ lành. 13 Những biểu tượng được xây dựng với bút pháp vừa tả thực, vừa huyền ảo, vừa tỉnh táo, vừa mơ hồ trên cái nền “vô thức”, “tiềm thức” đan xen với “ý thức” của nhân vật “may mắn” sống sót sau cơn chấn động khủng khiếp của chiến tranh. 2. Sự cách tân phương thức huyền thoại hóa ở phương diện ý nghĩa và hiệu quả nghệ thuật 2.1. Mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh qua sự đổi mới quan niệm của nhà văn Đó là cái nhìn đa diện về thế giới và con người, nếu như giai đoạn trước thế giới được nhìn nhận với con mắt lạc quan đầy tin tưởng, thì giờ đây, người ta nhận ra rằng thế giới vẫn chứa nhiều điều bí ẩn và đầy bất trắc. Nó là một khả năng có thể đem lại cho con người niềm hạnh phúc, sự vinh quang, nhưng cũng có khi là những nỗi đau, niềm bất hạnh và những tấn bi kịch. Viết “Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã đưa vào tác phẩm những chiều kích hiện thực chưa từng có trong tiểu thuyết của những nhà văn thế hệ trước : yếu tố tình dục, những "hình ảnh đen" về chiến tranh,... Nhưng đồng thời, anh cũng sáng tạo nên một sắc thái anh hùng mới của văn học viết về chiến tranh.Trong Nỗi buồn chiến tranh, những mất mát và đau thương mà con người phải chịu đựng trở thành một chiều kích không thể quy giản. Không lẩn tránh hoặc trừu tượng hoá chiều kích đó, Bảo Ninh cụ thể hoá nó thành những dòng tâm tư khủng khiếp của những ám ảnh theo đuổi cựu chiến binh Kiên suốt quãng đời hậu chiến. Dẫu vậy, trong anh, những đau đớn của cuộc sống hiện tại còn xuất phát từ sự lạc lõng của anh trước nền hoà bình thản nhiên thời hậu chiến. Có thể thấy,con người trong tiểu thuyết của Bảo Ninh không còn mang tính điển hình với những hành động duy lý theo sự mách bảo của ý thức sáng rõ và cái lý tất yếu của đời sống cộng đồng như giai đoạn 1945-1975 nữa mà là con người với tất cả chất tự nhiên vốn có: ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức, trong đó quan tâm đặc biệt đến con người tâm linh với những bí ẩn mà lý trí không bao giờ chi phối được. Đã nhiều lần, Kiên và đồng đội nghe thấy tiếng thì thầm, đàn hát, tiếng hú, tiếng khóc của những người đã chết.Những giấc mơ hiện về hàng đêm, kể cả khi chiến tranh đã kết thúc. Những ảo giác về người trong tranh, những dự cảm tiên tri của cha và dượng Kiên… Thế giới của tâm linh, những khả năng bí ẩn của con người, sự “thông linh” giữa người sống và người chết, giữa cõi âm và cõi âm, thật khó giải thích nhưng chúng ta không 14 thể bác bỏ nó, coi nó là “sự hão huyền”, sự hiện diện của nó là thực, hơn nữa lại có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đời sống con người. PGS.TS Nguyễn Thị Bình cũng có lần khẳng định: “Nhìn chung, việc thừ nhận sự tồn tại của bình diện tâm linh, khám phá phát hiện về các năng lực cũng như biểu hiện của nó là một đóng góp mới của văn xuôi sau 1975, góp phần xây dựng quan niệm nhân bản toàn diện về con người” [12]. 2.2. Sự đa dạng về hình thức thể hiện 2.2.1. Dạng thức kết cấu Huyền thoại dân gian thường có kết cấu đơn giản, mở đầu là thời gian xuất hiện nhân vật hay sự kiện, kết thúc khép kín với một hướng giải quyết xung đột triệt để. Văn học Việt Nam đương đại thường đa dạng và linh hoạt về kết cấu nghệ thuật, trong đó đáng chú ý là kiểu kết cấu mở- một biểu hiện của tư duy văn học hiện đại bởi cuộc sống biến đổi không ngừng. Nét mới trong kết cấu nghệ thuật là kết cấu theo dòng ý thức, nó khác với kiểu kết cấu chủ đề trong tiểu thuyết truyền thống thường hoàn chỉnh với các tình tiết diễn biến logic, các nhân vật tương đối có tính cách và bao giờ cũng có chủ đề nhất định. Có thể nói, Nỗi buồn chiến tranh có kết cấu mang dáng dấp của một tiểu thuyết dòng tâm tưởng, tác giả đã chuyển dịch toàn bộ phạm vi tồn tại của nhân vật trung tâm từ đời sống xã hội vào đời sống tâm lý. Toàn bộ thiên truyện được xây dựng trên một tình huống giả định về một tự sự hai lần hư cấu. Trước hết, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của nhà văn - cựu chiến binh Kiên về tuổi thơ, tuổi trẻ, những năm tháng trận mạc, cuộc đời hậu chiến và chính hành trình viết tiểu thuyết của anh. Đó là một cuốn tiểu thuyết được sáng tạo trong những cơn dằn vặt tinh thần và những xung đột nội tâm khủng khiếp nhưng câm lặng của Kiên, một cuốn tiểu thuyết mãi mãi không bao giờ được hoàn thành. Ngày Kiên rời bỏ khu phố và ngọn hải đăng Ha le- căn phòng viết của anh cuốn tiểu thuyết chỉ là một đống bản thảo, không đánh số trang, bị xáo tung và nhiều trang bị đốt. Đến lượt mình, cuốn sách lại được người trần thuật (xưng tôi, lộ diện trong phần cuối cùng của tiểu thuyết - mà qua sự hé lộ ít ỏi về tiểu sử, người đọc có thể biết rằng cũng là một nhà văn - cựu chiến binh) tiếp nhận, sắp xếp lại, định dạng và hoàn chỉnh lại trong dạng thức cuối cùng. - Mạch ngầm văn bản: 15 Song song với hành trình tâm tưởng tìm về ký ức là cuộc hành trình của sáng tạo văn chương. Từ những “hồi ức bị cắt vụn” của nhân vật Kiên Bảo Ninh đã tạo ra những mạch ngầm văn bản, ở đó những xung đột và những vận động cơ bản của tiểu thuyết đều diễn ra trong thế giới nội tâm của nhân vật Kiên.Trước hết đó là xung đột giữa một ham muốn trở về với cuộc sống hoà bình và quên đi quá khứ với dự cảm về chuyện "quên thật là khó" khi Kiên đang trong cuộc hành trình đi tìm hài cốt. Tiếp đó là xung đột giữa những "tín niệm văn chương và nhân sinh sâu bền nhất của anh" và sự thôi thúc bên trong của việc viết, một thứ "nghịch lý hiểm nghèo của bút pháp. Hai xung đột nội tâm cơ bản trong cuộc đời của Kiên được anh ý thức một cách thiêng liêng thành một "thiên mệnh" chi phối sự sinh tồn của anh trong những ngày hậu chiến, "thiên mệnh" dẫn dắt anh trong hai cuộc phiêu lưu cuối cùng cả cuộc đời : hành trình tìm lại và phục sinh quá khứ và hành trình sáng tạo văn chương. 2.2.2. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện Nếu như trong văn học giai đoạn 1945-1975, với lối kết cấu sự kiện đơn tuyến, cốt truyện có một vị trí quan trọng tạo thành một cái khung cố định, sắp xếp tổ chức chuỗi sự kiện mạch lạc và chặt chẽ thì cùng với xu hướng kết cấu tâm lý –dòng ý thức trong văn xuôi sau 1986, cốt truyện bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những dòng chảy bất định của tâm trạng con người. Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã cho ta thấy được điều đó. Cốt truyện vẫn tồn tại song bắt đầu bị biến dạng và phân rã - "thay vì duy trì tính thống nhất trong trình tự thời gian và nhân quả của chuỗi sự kiện gắn với hành động của nhân vật chính, tự sự tan vỡ thành một chuỗi lắp ghép các phân đoạn, các "mảnh vỡ" của cuộc đời nhân vật chính...","thay vì triển khai tự sự bám vào "cuộc phiêu lưu của nhân vật", nhà văn lại biến tự sự trở thành một "cuộc phiêu lưu của cái viết" nghĩa là sự chắp ghép ngẫu nhiên những mảnh vỡ - những sự kiện phân tán và rời rạc" [17]. Gần 15 năm sau khi cuốn tiểu thuyết ra đời, tác phẩm vẫn làm say mê đọc giả bởi cốt truyện quen mà lạ, gần gũi mà như xa vời. Đó là câu chuyện bi thảm về tình yêu trong chiến tranh và những chiêm nghiệm về thời chiến, một thời mà theo dòng ý thức của cuốn tiểu thuyết này đã trở thành quá khứ. Khác với những tác phẩm trước đó mang tính sử thi, miêu tả chiến tranh từ góc độ cộng đồng, ý chí chiến đấu của người lính trên mặt trậnvì vận mệnh đất nước, Bảo Ninh lại miêu tả chiến tranh từ góc độ cá nhân, thân phận con người, đi sâu vào những nỗi niềm cá nhân thầm kín mà trước đó chưa nhà văn nào nói được. 16 Sự cách tân nhận thấy ở đây là dòng tâm tưởng đậm màu huyền thoại được bọc trong một hình thức tân kỳ cho ra một ý nghĩa mang hơi thở hiện đại. 2.2.3. Xây dựng motif huyền thoại Để truyền đến người đọc những cách tiếp cận hiện thực một cách sinh động, các nhà văn hiện đại đã tìm đến các môtip huyền thoại như một phương tiện nghệ thuật hữu hiệu. Nỗi buồn chiến tranh cũng không nằm ngoài sự lựa chọn đó. Bảo Ninh đã "vận dụng các motif thần thoại, các hình thức biến hoá hư ảo" để tạo ra sự mơ hồ, kỳ ảo cho tác phẩm thông qua những giấc mơ, những ám ảnh đầy ẩn ức về chiến tranh, về tình yêu trong quá khứ của nhân vật Kiên. “Sử dụng motif giấc mơ, giấc chiêm bao như một ngôn ngữ độc thoại đặc biệt để giải mã thế giới vô thức của con người” [11]Dấu ấn của thần thoại, truyền thuyết, cổ tích trong cách xây dựng thế giới hình tượng của văn xuôi đương đại, việc vận dụng các motif kì ảo cổ điển và hiện đại để khắc hoạ không - thời gian nghệ thuật, chân dung nhân vật cũng như xây dựng cốt truyện,...mà người viết đã có cơ hội phân tích ở trên có tác dụng không nhỏ trong việc gia tăng biên độ của ý nghĩa, mở rộng liên tưởng của người đọc. 2.2.4. Điểm nhìn trần thuật Huyền thoại là cái gì đó thương thuộc về quá khứ, nhưng lại được kể dưới điểm nhìn hiện tại, thế mới có cách kể “ngày xưa” hay “từ thời…” và chủ yếu xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài (của người kể chuyện) trong văn học truyền thống. Đến thời kỳ hiện đại, cụ thể ta đang nói đến Nỗi buồn chiến tranh, chuyện quá khứ vẫn được kể dưới cái nhìn hiện tại nhưng lại có sự kết hợp cả hai điểm nhìn: của người kể chuyện và của nhân vật có sự luân chuyển điểm nhìn linh hoạt. Việc tổ chức điểm nhìn từ nhiều phía giúp cho cái nhìn về chiến tranh trở nên chân thực và chính xác hơn. Trong Nỗi buồn chiến tranh ta bắt gặp hai mạch kể: mạch kể người trần thuật (xưng “tôi”) và mạch kể của nhân vật (Kiên cùng một số nhân vật khác được tái hiện lại qua cái nhìn của Kiên). - Điểm nhìn nhân vật Nét độc đáo của Nỗi buồn chiến tranh là phần lớn tác phẩm được nhìn bằng cái nhìn của Kiên. Nói chính xác hơn, tác phẩm được dệt nên bằng tâm trạng của Kiên trên đường tìm về quá khứ. Vì thế, đọc phần đầu Nỗi buồn chiến tranh, ta ngỡ như tác phẩm được trần thuật từ ngôi thứ ba. “Đây là hình thức giấu kín người trần thuật nhằm tạo bất ngờ cho người đọc”[8]. Bước ra khỏi cuộc chiến, 17 Kiên không thể hoà nhập được với hiện tại. Chấn thương tinh thần đã vĩnh viễn lưu cữu trong hồn anh và kéo anh về với quá khứ. Với Kiên, chỉ có quá khứ là có ý nghĩa. Chính vì thế, với anh, Phương mãi mãi tinh khiết, trong trẻo bất chấp cuộc chiến đã tàn hại nàng. Tuy nhiên, không chỉ có điểm nhìn của Kiên, tác giả còn trao điểm nhìn cho các nhân vật khác như Can, Phán, cha Kiên… đáng chú ý hơn cả là cái nhìn của Phương. Yêu Kiên nhưng Phương không phải là cái bóng của kiên. Phương có quan điểm riêng của mình. Ngay từ khi sắp ra trận, Phương đã có cách hình dung về chiến tranh khác với Kiên. Kiên thấy cần tham gia cuộc chiến (về điều này Kiên gần với mẹ), còn Phương nhìn thấy trước sự bi thảm của chiến tranh (về điều này Phương gần gũi với cha Kiên). Vì thế, giữa Phương và hoạ sĩ có mối giao cảm đặc biệt. Đây là sự gặp gỡ của những linh cảm mang tính tiên tri. - Điểm nhìn của người kể chuyện Về điểm nhìn của người kể chuyện, phải đến gần cuối tác phẩm, người kể chuyện xưng tôi mới xuất hiện. “Tôi” tình cờ có được đám bản thảo lộn xộn mà người con gái câm chưa kịp đốt, kể lại việc sắp xếp của mình. Người kể chuyện trần tình: “Không hề có một chữ nào là của tôi trong bản thảo mới, tôi chỉ xoay xoay vặn vặn như một người chơi Rubíc vậy thôi. Nhưng sau khi chép xong, đọc lại, tôi ngỡ ngàng nhận thấy những ý tưởng của mình, những cảm giác của mình, thậm chí cả những cảnh ngộ của mình nữa. Dường như do sự tình cờ của câu chữ và của bố cục, tôi và tác giả đã ngẫu nhiên trở nên hoà đồng tư tưởng, trở nên rất gần nhau. Thậm chí tôi ngờ rằng có quen anh trong chiến tranh” [1] . Có thể nói, việc trần thuật từ điểm nhìn của nhiều nhân vật đã tạo ra nhiều góc quét khác nhau, làm cho đối tượng miêu tả trở nên đa chiều. Và có bao nhiều người thì có bấy nhiêu cuộc chiến tranh hiện ra trong cõi nhớ và trong cảm nhận của họ. Đây là tư duy nghệ thuật mới mẻ của Bảo Ninh, nó khước từ cách nhìn đối tượng một phía vì theo cách nhìn này, chiến tranh chỉ có một khuôn mặt duy nhất mà thôi. Sự đa dạng điểm nhìn góp phần tạo nên cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh và con người trong chiến tranh, nó xa lạ với cái nhìn truyền thống của một giai đoạn văn học vốn mang nặng tính minh hoạ, mà những nhân vật là những con người chính trị, đậm chất lí tưởng, mà chiến tranh cũng là môi trường “lý tưởng” để thể hiện nhũng phẩm chất của nhân vật. Bảo Ninh với tư cách là “một 18 nghệ sỹ có bản lĩnh trí thức”[13] đã “đối diện với thực tại của chiến tranh để phản ánh được những mất mát thật sự đối với một dân tộc : sự tổn thương nhân tính và tình người”[13]. Con người trong tiểu thuyết của Bảo Ninh là con người chân thực được nhìn từ ngay trong cuộc chiến tranh, ngay trong cuộc sống bản năng. Con người mà ngay trong hoàn cảnh, người ta buộc phải quên đi tính người cho sự tồn tại; thứ “Con người bản năng”, “Con người của những đối cực” tàn khốc. Lẽ ra, thì Kiên có một cuộc sống, một hạnh kiểm “tốt”, vì một lẽ rất đơn giản: anh bình thường như bao nhiêu con người bình thường khác. Nếu nói Kiên Tha hóa từ hoàn cảnh, môi trường sống (Cuộc chiến tranh), thì với bản chất và phẩm chất tốt đẹp vốn có của mình, dễ dàng tạo ra sự phản tỉnh để trở về cuộc sống đời thường; nếu không là sự vô lí; mà tác phẩm cũng tắt tịt và bí lối trong thể hiện. Kiên không hề như thế. Có lẽ Kiên thuộc loại người công nghiệp; dù là công nghiệp chiến tranh. Người ta đào tạo những bộ máy giết người như thời đại của Kẻ hủy diệt, để rồi đòi hỏi ở nó một thứ nhân tính. Những người lính sinh ra không phải để làm lính. Lại càng không phải là cái máy, để người ta lập trình rồi xóa đi những vùng kí ức đen tối của nó. Tác phẩm không chỉ đưa ra thông điệp về một cách nhìn mới, rất lạ và cũng rất chân thực về Con người và cuộc chiến tranh. Nó không chỉ nói với chúng ta rằng: Chiến tranh đã thực sự đem đến cái gì cho con người? Mà nó còn phá vở toàn bộ các quan niệm cũ kỉ của giai đoạn văn học thời chiến, bắt các nhà văn phải nhìn lại toàn bộ những gì mình đã viết. Rằng liệu chúng đã thật sự chân thực và đã toàn diện chưa?!... Trong tác phẩm, Bảo Ninh hình như tái hiện lại một cuộc chiến tranh rất riêng, mà đôi lúc ta không thể nhận ra được diện mạo của nó trong cuộc chiến tranh chung của dân tộc. “Hình như ông không đề cập đến những chân giá trị lịch sử mà chỉ xem lịch sử như cái cớ để thể hiện những suy tưởng riêng tư về mặt trái của cuộc chiến tranh không phân biệt “Ta” và “Địch”. Nói cho cùng, là thiên hướng về mặt con người. Thiên cưỡng về phía tiêu cực vậy mà cuộc chiến tranh ấy vẫn hiện lên rõ ràng với một diện mạo khá hoàn chỉnh; rất riêng của nó. Nó không thể chân thực như lịch sử là một điều tất nhiên; bởi vì, nó là một tác phẩm nghệ thuật” [12]. 2.3. Tạo hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm 2.3.1. Ý nghĩa triết lý, nhân sinh 19
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan