Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tươn...

Tài liệu Bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của nguyễn công hoan và nam cao những tương đồng và dị biệt

.PDF
126
344
114

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Thanh Thảo BÚT PHÁP HIỆN THỰC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO- NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2011 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Thanh Thảo BÚT PHÁP HIỆN THỰC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO- NHỮNG TƯƠNG ĐỒNG VÀ DỊ BIỆT Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HOÀNG TRỌNG QUYỀN Thành phố Hồ Chí Minh - 2011 MỤC LỤC MỤC LỤC .................................................................................................................... 1 T 0 T 0 LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 3 T 0 T 0 MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 4 T 0 T 0 1. Lí do chọn đề tài..............................................................................................................4 T 0 T 0 2. Mục đích nghiên cứu ......................................................................................................6 T 0 T 0 3. Lịch sử đề tài ...................................................................................................................6 T 0 T 0 4. Giới hạn của đề tài ........................................................................................................11 T 0 T 0 5. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................11 T 0 T 0 6. Đóng góp của đề tài ......................................................................................................13 T 0 T 0 7. Kết cấu ...........................................................................................................................14 T 0 T 0 CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO TRONG DÒNG RUYỆN NGẮN 1930 - 1945...................................................................................... 15 T 0 T 0 1.1 Thời đại ........................................................................................................................15 T 0 T 0 1.2 Vị trí của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trong dòng truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 ........................................................................................................18 T 0 T 0 1.3 Tiểu kết ........................................................................................................................31 T 0 T 0 CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN...................... 33 T 0 T 0 CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO..................................................... 33 T 0 T 0 2.1 Bức tranh hiện thực đa dạng, sinh động về những kiếp người ..............................33 T 0 T 0 2.1.1 Từ những kiếp người lầm than . . . ........................................................................33 T 0 T 0 2.1.2 . . . cùng những kiếp người tha hóa . . . .................................................................42 T 0 T 0 2.1.3 . . . đến những hạng người xấu xa. .........................................................................50 T 0 T 0 2.2 Bút pháp xây dựng nhân vật .....................................................................................54 T 0 T 0 2.2.1 Bút pháp xây dựng nhân vật qua những bức chân dung ........................................54 T 0 T 0 2.2.2 Bút pháp xây dựng nhân vật qua hành động ..........................................................64 T 0 T 0 2.3 Tiểu kết ........................................................................................................................72 T 0 T 0 CHƯƠNG 3: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO .............................................................. 74 T 0 T 0 3.1 Ngôn ngữ trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao .....................74 T 0 T 0 3.1.1 Ngôn ngữ trần thuật ...............................................................................................75 T 0 T 0 3.1.2 Ngôn ngữ nhân vật ................................................................................................88 T 0 T 0 3.2 Giọng điệu trần thuật .................................................................................................96 T 0 T 0 3.2.1 Giọng điệu hài hước, trào phúng ...........................................................................97 T 0 T 0 3.2.2 Giọng điệu khách quan, lạnh lùng .......................................................................103 T 0 T 0 3.2.3 Giọng điệu thương cảm, xót xa............................................................................106 T 0 T 0 3.3 Tiểu kết ......................................................................................................................111 T 0 T 0 KẾT LUẬN .............................................................................................................. 113 T 0 T 0 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 119 T 0 T 0 LỜI CẢM ƠN Bằng tất cả lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc, tác giả xin gởi lời cảm ơn chân thành đến:  TS. Hoàng Trọng Quyền đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, động viên tác giả những lúc khó khăn. Cảm ơn thầy đã dành thời gian và công sức dẫn những hướng đi giúp cho tác giả hoàn thành tốt luận văn.  PGS.TS. Lê Thu Yến đã hỗ trợ, giúp đỡ tác giả khi thực hiện luận văn.  Các thầy cô giảng dạy lớp Cao học khóa 19 đã truyền thụ cho chúng tôi những kiến thức và kinh nghiệm quí báu.  Phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học đã tạo điều kiện thuận lợi để các học viên hoàn thành khóa học.  Cuối cùng, tác giả xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên hỗ trợ tác giả trong suốt thời gian vừa qua. Thành phố Hồ Chí Minh - 2011 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 được xem là một giai đoạn đột biến của nền văn học nước nhà bởi những thành tựu phát triển rực rỡ của nó ở nhiều phương diện khác nhau như trào lưu, thể loại, phong cách sáng tác, ngôn ngữ nghệ thuật... Nổi bật lên trên hết là sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có của thể loại truyện ngắn và sự xuất hiện của trào lưu văn học hiện thực phê phán. Trong đó nhiều tài năng đã khẳng định được vị thế của mình trên văn đàn với hàng loạt tác phẩm có giá trị: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,... Đây là những tác giả đã góp phần làm vinh dự cho nền văn học nước nhà. Đồng thời đó cũng là những cây bút mà sự nghiệp văn chương của họ là lời mời gọi không ngừng sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Điểm nổi bật là họ đã sử dụng chủ nghĩa hiện thực phê phán như một thứ vũ khí lợi hại để chiến đấu trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc thời bấy giờ. Với bút pháp hiện thực, các nhà văn giai đoạn này đã lấy nền tảng là cái xã hội đương thời đang sống để phơi bày, bóc trần, lột tả được mặt trái xấu xa của xã hội và của con người trong xã hội đó. Với các tác phẩm của mình, họ đã kéo văn học gần cuộc đời hơn, gần với con người hơn. Văn học bây giờ không còn là của một thế giới xa lạ mà trở thành tấm gương soi chiếu cuộc sống hằng ngày với những nụ cười, những giọt nước mắt, những nỗi nhọc nhằn, khổ đau và bất hạnh trong cuộc sống thật của những con người thật. Văn học hiện thực phê phán tuyên chiến với cái ác, cái xấu, chỉa thẳng ngòi bút vào những cái nhố nhăng, kệch cỡm trong xã hội, cười vào những con người sâu mọt của xã hội bấy giờ. Với bút pháp hiện thực, các nhà văn còn len lỏi vào phần sâu thẳm của con người để nhìn thấy được những nỗi đau tinh thần, những bi kịch trong cuộc sống của những con người bất hạnh, đáng thương trong xã hội ô trọc đương thời. Nói đến các kiện tướng trong dòng Văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945, không thể không nhắc đến Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. Sự xuất hiện của họ trên văn đàn Văn học Việt Nam là những hiện tượng độc đáo. Và khi có đủ độ lùi lịch sử thì tên tuổi của họ luôn được khẳng định ở tầm thế cao trong lịch sử văn học nước nhà. Là tác giả của trên 200 truyện ngắn và gần 30 truyện dài, truyện vừa với chất lượng nghệ thuật cao, Nguyễn Công Hoan được đánh giá là một nhà văn lớn. Phan Cự Đệ trong Truyện ngắn Việt Nam Lịch sử Thi pháp - Chân dung đã khẳng định: “Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên khẳng định phương pháp hiện thực phê phán trong lĩnh vực truyện ngắn và là một trong những ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930 1945” [17, 494]. Các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đa dạng, muôn màu muôn vẻ với những con người múa may, cười khóc, rởm, hợm, với những chuyện xấu xa, những chuyện thương tâm hay những sự việc lố lăng đến nực cười trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy những ngang trái những bất công, được xây dựng bởi bút pháp hiện thực rất Nguyễn Công Hoan. Cùng với Nguyễn Công Hoan, Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc có vị trí hàng đầu trong giai đoạn 1930 - 1945. Theo Hà Minh Đức, “Nam Cao là nhà văn đạt chuẩn mực cao của chủ nghĩa hiện thực trong Văn học Việt Nam thời kỳ 1930 - 1945.” [18,135]. Nếu Nguyễn Công Hoan là người mở đầu thì Nam Cao được coi là đại diện của Văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn cuối. Có thể nói Nam Cao là người đặt những mảng màu cuối cùng để hoàn chỉnh bức tranh của Văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945. Việc chọn hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao để thực hiện luận văn: “Bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao - những tương đồng và dị biệt” do các lí do sau: Thực tế cho thấy, thời kỳ 1930 - 1945 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn học hiện thực phê phán. Trong đó, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là hai tác gia có bút pháp hiện thực độc đáo, đậm nét và sâu sắc; đồng thời có sức ảnh hưởng lớn, lâu dài đối với đời sống văn học ở nước ta. Do vậy, chúng tôi lựa chọn hai nhà văn trên làm đối tượng để nghiên cứu về nghệ thuật xây dựng truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực phê phán bởi các tác phẩm của họ có sức sống mãnh liệt trong lòng người đọc về số lượng lẫn chất lượng. Trong địa hạt truyện ngắn hiện thực thời kỳ 1930 - 1945, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao có mối quan hệ tiếp nối giữa người mở đường, đặt nền móng đầu tiên và người khép lại dòng văn học hiện thực. Phải chăng giữa họ sẽ có sự tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau bên cạnh những cái rất riêng, rất độc đáo? Phải chăng với sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật sáng tác của mình, họ đã góp phần tô điểm cho bức tranh văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930 - 1945 được hoàn chỉnh nhất, rực rỡ nhất? Để có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên chúng tôi tiến hành so sánh và đối chiếu để phát hiện được những nét tương đồng và dị biệt trong bút pháp hiện thực của hai nhà văn trên. Từ những lí do trên, chúng tôi lựa chọn hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao như hai đại diện tiêu biểu về nghệ thuật xây dựng truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực để tìm hiểu và khẳng định những thành tựu về mặt nghệ thuật của Văn học hiện thực thời kì 1930 - 1945. 2. Mục đích nghiên cứu Hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã có những tác phẩm hiện thực thực sự có giá trị vững chắc trong lịch sử văn học nước nhà, bám rễ bền lâu trong lòng của người đọc bởi họ không chỉ vận dụng các nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực một cách đúng đắn mà còn rất sáng tạo. Đề tài luận văn hướng đến việc khám phá những sáng tạo hết sức độc đáo ấy của mỗi nhà văn. Từ đó chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt trong bút pháp nghệ thuật xây dựng truyện ngắn hiện thực của hai nhà văn. Thực hiện việc so sánh đối chiếu để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt về bút pháp hiện thực giữa hai nhà văn để khám phá ra sự đa dạng, phong phú, độc đáo trong phong cách nghệ thuật xây dựng truyện ngắn hiện thực; đồng thời thấy được quá trình chuyển tiếp, bổ sung và phát triển về phương diện nghệ thuật của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì 1930 - 1945. Với những kết quả thu hoạch được sau khi nghiên cứu, người viết mong rằng luận văn sẽ trở thành một tài liệu tham khảo bổ ích cho quá trình tìm hiểu, học tập về văn học hiện thực thời kỳ 1930 - 1945, đặc biệt là về hai tác gia Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. 3. Lịch sử đề tài Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là hai cây bút xuất sắc đạt được nhiều thành tựu trong nền Văn học dân tộc thời kì 1930 - 1945. Đây cũng là hai nhà văn mà sự nghiệp văn chương của họ được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm qua nhiều công trình có giá trị. Các công trình nghiên cứu ấy đã góp phần khẳng định tầm thế của hai nhà văn này trên văn đàn Việt Nam. Ngoại trừ các bài viết về cuộc đời, về chân dung dưới dạng hồi ức, chúng tôi đã thu thập được 52 công trình, bài viết nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Công Hoan và 63 công trình, bài viết về nhà văn Nam Cao. Với số liệu ấy, quả thật Nguyễn Công Hoan và Nam Cao chính là mảnh đất màu mỡ cho giới nghiên cứu khai thác. Song, mặc dù với số lượng nhiều nhưng những bài viết, những công trình nghiên cứu hầu hết chỉ đi vào khảo sát phong cách, bút pháp nghệ thuật của từng nhà văn riêng rẽ. Còn bài viết, công trình nghiên cứu so sánh cụ thể, xây dựng thành hệ thống sự tương đồng và khác biệt về nghệ thuật sáng tác các truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực giữa hai nhà văn thì hầu như chưa có. Vấn đề so sánh đối chiếu hai nhà văn ở phương diện bút pháp hiện thực dưới dạng những câu nhận xét khái quát chung là khá nhiều, tiêu biểu như sau: Trần Đằng Suyền trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX đã nhận xét: “Nếu như đối với Nam Cao, cuộc đời chỉ là sự chết mòn, chết khi đang sống; đối với Vũ Trọng Phụng “đời chỉ có toàn những sự vô nghĩa lí”, đời là một con đường dông tố làm đảo điên tất cả, là cái “xã hội khốn nạn”; “xã hội chó đểu”; thì đối với Nguyễn Công Hoan đời chỉ là một sân khấu hài kịch, “một tấn trò hề lố lăng, giả dối.” [66, 248]. Nhận xét trên đã trực tiếp so sánh sự khác nhau về lăng kính nghệ thuật giữa Nam Cao, Nguyễn Công Hoan và cả Vũ Trọng Phụng. Nguyễn Công Hoan và Nam Cao nhìn hiện thực cuộc sống và thể hiện nó trong tác phẩm của mình bằng những cách khác nhau. Với Nam Cao hiện thực cuộc sống là hình ảnh của những con người sống mà như chết, mòn mỏi đến kiệt sức. Còn với Nguyễn Công Hoan, hiện thực cuộc sống hiện ra như một sân khấu hài kịch với tất cả những trò hề lố lăng, kệch cỡm không hơn không kém. Sự so sánh trên cho ta thấy hai nhà văn đã có sự khác nhau trong việc phát hiện cuộc sống, về cách cảm nhận, vậy nên hiện thực được xây dựng trong truyện ngắn của hai nhà văn cũng sẽ có những khác biệt. Song, Nguyễn Đăng Suyền chỉ dừng lại ở nhận xét đó. Ông chưa đi sâu phân tích và lí giải nó một cách chi tiết, cụ thể. Phan Cự Đệ cho rằng: “(...) truyện của Nam Cao đi sâu vào tâm lí bên trong của nhân vật thì truyện của Nguyễn Công Hoan nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khám phá các hiện tượng phức tạp của xã hội.” [15, 165]. Nhận xét trên cho thấy Phan Cự Đệ có đặt ra việc so sánh điểm khác nhau giữa hai nhà văn về bút pháp. Song việc so sánh chỉ dừng lại ở việc rút ra điểm khác nhau mà chưa đi sâu và lí giải một cách rõ ràng chi tiết. Trong bài viết Kỹ thuật viết truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Lê Thị Đức Hạnh cho rằng:“Nếu so sánh Nguyễn Công Hoan với một số nhà văn đương thời như Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao..., ta thấy họ gần gũi nhau là bởi họ có sự giống nhau về phương pháp chọn lọc, đánh giá, cũng như biểu hiện những vấn đề của cuộc sống” [25, 375]. Ý kiến trên khẳng định Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã sáng tác theo cùng một phương pháp. Đó là phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Ý kiến này làm vững chắc hơn cho nội dung mà luận văn muốn hướng tới. Nhưng nó cũng dừng lại ở mức độ gợi mở bởi Lê Thị Đức Hạnh chưa nói rõ và phân tích cụ thể trong bài viết của mình. Nhận xét về hiện thực cuộc sống mà các nhà văn thể hiện trong các tác phẩm, Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Nếu như với Nguyễn Công Hoan, đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam, đời là miếng vải có lỗ thủng, những vết ố nhưng vẫn nguyên vẹn, thì với Nam Cao cuộc đời là một tấm áo bị xé rách tả tơi...” [3, 433]. Nhận xét này so sánh sự khác trong quan niệm nhận thức và trong việc tái hiện đời sống vào trang văn của mỗi tác giả nhưng người viết vẫn chưa làm rõ thế nào là “mảnh ghép của những nghịch cảnh” và “tấm áo bị xé rách tả tơi”. Đây sẽ là một lưu ý cho chúng tôi khi phân tích sự khác nhau trong nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình ở mỗi nhà văn. Nguyễn Hoành Khung cũng khẳng định như sau: “Từ Nguyễn Công Hoan, cây bút kì cựu mà tư duy nghệ thuật và cách viết có nhiều tính chất quá độ đến Nam Cao, nhà văn xuôi tiêu biểu nhất của thế hệ bước vào văn đàn những năm 40 đã đem đến cho văn xuôi những cách tân sâu sắc; cả hai đều rất giống nhau ở sự gắn bó sâu xa với đời sống với con người Việt Nam, văn chương của họ đều rất Việt Nam.” [38, 23]. Nhận xét trên cho thấy điểm tương đồng lớn nhất ở các tác phẩm của hai nhà văn là ở sự gắn bó sâu xa với đời sống con người Việt Nam. Cuộc sống và con người Việt Nam được tái hiện sâu sắc, đậm nét trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. Song, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung chưa làm rõ được “tính chất quá độ” trong cách viết của Nguyễn Công Hoan và “những cách tân sâu sắc” trong tác phẩm của Nam Cao. Tóm lại, những ý kiến mang tính so sánh mà chúng tôi thu thập được từ những công trình nghiên cứu có liên quan cho thấy phần lớn các so sánh chỉ nêu nhận định khái quát chung, còn việc lí giải và phân tích là hầu như chưa có. Các ý kiến so sánh thể hiện sự cảm nhận có tính chất tổng quát về vấn đề và có giá trị gợi mở mà chưa tập trung đi sâu vào những điểm giống và khác trong bút pháp xây dựng truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực giữa hai nhà văn. Như vậy, cho đến nay, chưa có công trình chuyên luận nào nghiên cứu vấn đề so sánh đặc trưng bút pháp hiện thực trong truyện ngắn giữa hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. Các bài viết của những người đi trước phần lớn là những bài nghiên cứu, phê bình viết riêng rẽ về mỗi nhà văn. Có thể kể đến như sau: Về nhà văn Nguyễn Công Hoan Các bài viết, các công trình nghiên cứu tiêu biểu về Nguyễn Công Hoan có liên quan đến đề tài luận văn có thể kể đến như sau: Trong bài Nguyễn Công Hoan Phan Cự Đệ khẳng định: “Nguyễn Công Hoan là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán.” và “Có thể nói Nguyễn Công Hoan là người đầu tiên khẳng định phương pháp hiện thực phê phán trong lĩnh vực truyên ngắn và là ngọn cờ đầu của Văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kì 1930 - 1945.” [15, 163]. Khi bàn về nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, nhà nghiên cứu này cho rằng: “Nếu như Ngô Tất Tố tập trung viết về nông dân, Vũ Trọng Phụng đả kích vào giai cấp tư sản thì đóng góp chủ yếu của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là đã xây dựng thành công một phòng tranh châm biếm và đả kích các kiểu quan lại và địa chủ cường hào ở nông thôn.” [15, 164]. Những nhận định trên có ý nghĩa với chúng tôi trong việc xác định vị trí mở đường của Nguyễn Công Hoan trong nền Văn học hiện thực phê phán và xác định các kiểu nhân vật trung tâm trong các truyện ngắn hiện thực của ông. Song, những ý kiến trên vẫn còn mang tính chất khái quát, chưa đi sâu vào toàn diện và có hệ thống các đặc trưng bút pháp hiện thực của Nguyễn Công Hoan. Về nhà văn Nam Cao: Nguyễn Duy Từ trong chuyên luận Truyện ngắn Nam Cao từ lãng mạn đến hiện thực có một số ý kiến khá xác đáng khi trình bày về quá trình sáng tác của Nam Cao từ lãng mạn đến hiện thực. Mặc dù chỉ đi sâu vào tác giả Nam Cao nhưng đối với đề tài luận văn chúng tôi đang nghiên cứu thì đây là một tài liệu rất bổ ích. Chuyên luận đã làm rõ hành trình đến với chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Nam Cao. Tác giả Nguyễn Duy Từ cho rằng chủ nghĩa hiện thực không phải là lựa chọn đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn này. Ông viết: “Trước khi khai sinh ra nhân vật bất hủ Chí Phèo, hơi thở lãng mạn đã làm nên nhịp đập chính của văn chương Nam Cao” và “cảm quan lãng mạn được thể hiện khá rõ từ những không gian nghệ thuật được Nam Cao tạo dựng trong tác phẩm của mình” [70; 16, 19]. Nhưng lãng mạn chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình, còn điểm cuối của hành trình đó, Nam Cao đã đến với chủ nghĩa hiện thực phê phán. Chuyên luận đã phân tích, đánh giá về nghệ thuật xây dựng tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình và bàn đến sự chân thật của chi tiết nghệ thuật trong các truyện ngắn của Nam Cao; đồng thời đi sâu vào các truyện ngắn hiện thực của Nam Cao, song phần phân tích, lí giải còn tập trung chưa đồng đều ở các tác phẩm, chưa chú ý nhiều về ngôn ngữ và giọng điệu. Phong Lê trong bài viết Đặc trưng bút pháp hiện thực Nam Cao đã nhận định: “Nói bút pháp Nam Cao là nói một bút pháp hiện thực nghiêm ngặt. Một bút pháp chủ trương lách vào tận đáy sâu sự thật”, “một chủ nghĩa hiện thực, một bút pháp hiện thực Nam Cao, một giọng điệu Nam Cao - đó là nét in dấu và nổi đậm lên trên những trang văn Nam Cao đầu những năm 40 khiến cho Nam Cao không lặp lại những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Tô Hoài và đưa Nam Cao lên hàng đầu dòng văn học hiện thực Việt Nam đang đi vào chặng cuối - trước khi vào bản lề Cách mạng” [40; 505, 511]. Trước khi nhận xét như vậy, Phong Lê đã chỉ ra những độc đáo trong truyện ngắn hiện thực Nam Cao ở các phương diện: ngôn ngữ, nhân vật, tình huống. Song, ở dung lượng một bài viết ngắn, tất cả chỉ là những khơi gợi, cảm nhận chung mà chưa đi sâu vào chi tiết cụ thể cũng như chưa bao hàm hết những yếu tố tạo nên những đặc sắc trong bút pháp hiện thực của Nam Cao. Do vậy những đặc trưng về bút pháp trong bài viết chưa được sắp xếp thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trần Đăng Suyền trong bài viết Nam Cao - nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn có một số ý kiến đáng chú ý. Thứ nhất, ông cho rằng: “Nam Cao là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lí”. Thứ hai, ông khẳng định “cái gốc nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo” [67; 211, 214]. Nhà nghiên cứu này trong bài Chủ nghĩa tâm lí trong sáng tác của Nam Cao cũng viết: “đối với Nam Cao, cái quan trọng hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thật cuộc sống là cái chân thật của tư tưởng, của nội tâm nhân vật (... ), với Nam Cao sự phân tích tâm lí hầu như là điều kiện cơ bản nhất của việc thể hiện con người theo phương pháp hiện thực có chiều sâu của ông” [67, 212]. Những nhận định trong hai bài viết trên tập trung về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong sáng tác của Nam Cao. Điều này cho thấy ý nghĩa hiện thực trong những tác phẩm của Nam Cao không chỉ dừng lại ở cái bề rộng, bề nổi mà còn ở chiều sâu trong đời sống tâm lí của con người. Có thể nói rằng, các bài viết về hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là rất phong phú. Nhưng hầu hết đều là những bài đánh giá, phê bình riêng rẽ. Cũng có một số bài so sánh, đối chiếu nhưng chỉ dừng lại ở những nhận định khái quát về khía cạnh này hoặc khía cạnh kia. Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào so sánh đặc trưng bút pháp hiện thực giữa hai nhà văn một cách cụ thể, tỉ mỉ, sâu sắc và có hệ thống. Các ý kiến, các bài viết riêng rẽ về một nhà văn cũng là những tư liệu hết sức quý báu và cần thiết cho chúng tôi khi tiến hành thực hiện đề tài này. Tóm lại, đề tài luận văn nghiên cứu ở phương diện so sánh đối chiếu những đặc trưng bút pháp hiện thực trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, tìm và chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt một cách có hệ thống, hoàn chỉnh và sâu sắc. 4. Giới hạn của đề tài Đề tài luận văn khảo sát các đặc trưng bút pháp hiện thực trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao giai đoạn 1930 - 1945. Vì vậy luận văn không nghiên cứu hai nhà văn trên một cách toàn diện mà chỉ chú trọng ở phương diện những đặc trưng của bút pháp hiện thực như nhân vật điển hình, nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, ngôn ngữ và giọng điệu trong các tác phẩm thuộc thể tài truyện ngắn. Thế nên, các sáng tác thuộc loại khác như tiểu thuyết, truyện dài hoặc các tác phẩm mang khuynh hướng lãng mạn của hai nhà văn sẽ nằm ngoài phạm vi khảo sát của đề tài. Vì đặc trưng bút pháp hiện thực gắn với những sáng tạo đạt đến trình độ nghệ thuật cao nên luận văn chỉ khảo sát ở mỗi nhà văn không phải toàn bộ truyện ngắn trong sự nghiệp văn chương của họ mà chỉ chủ yếu ở những truyện tiêu biểu có giá trị nghệ thuật, đại diện cho mỗi nhà văn và được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Luận văn khảo sát tập trung các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan trong Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, tập 2, NXB Văn học, năm 2006 bao gồm 66 truyện và 48 truyện ngắn của nhà văn Nam Cao in trong quyển Truyện ngắn Nam Cao, NXB Văn học, năm 2009. Đây là những truyện ngắn tiêu biểu được chọn lọc của hai nhà văn mà người viết cho rằng phù hợp với mục đích khảo sát của đề tài. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, tổng hợp,... người viết sẽ có sự bổ sung thêm hoặc bớt số lượng tác phẩm theo mục đích và sẽ có ghi chú rõ trong luận văn. Để giải quyết phần cơ sở lí luận, luận văn cũng sẽ đề cập đến những khái niệm: chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, bút pháp hiện thực và khái niệm truyện ngắn. Những khái niệm mang tính lí thuyết này sẽ là cơ sở giúp cho phần phân tích, lí giải được rõ ràng hơn, thuyết phục hơn. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp hệ thống Hệ thống là một tập hợp có nhiều thành tố liên hệ chặt chẽ với nhau. Qua chỉnh thể sẽ hiểu rõ thành tố và ngược lại. Qua hệ thống sẽ hiểu được cái riêng và ngược lại. Khi nghiên cứu, đặt đối tượng vào hệ thống sẽ tránh được cách nhìn chủ quan và phiến diện. Vậy nên khi nghiên cứu về bút pháp hiện thực được thể hiện trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết của việc vận dụng phương pháp hệ thống. Phương pháp hệ thống sẽ giúp luận văn có cái nhìn toàn diện, khái quát, sâu sắc khi phân tích, đánh giá những đặc sắc trong bút pháp xây dựng truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực phê phán của hai nhà văn. Bút pháp mang tính đa dạng và phong phú nhưng nó cũng thống nhất với nhau. Khi phân tích sự đa dạng đó, bằng phương pháp hệ thống, chúng tôi sẽ chú ý tìm ra sự thống nhất ấy. Như ở phần giới hạn của đề tài đã nêu, đặc trưng bút pháp hiện thực luôn gắn với những sáng tác đạt đến trình độ nghệ thuật cao nên luận văn xác lập một hệ thống các tác phẩm tiêu biểu, đạt được trình độ nghệ thuật cao để khảo sát, phân tích và đưa ra nhận định. Bên cạnh đó, hệ thống các tác phẩm được xác lập này cũng chỉ nằm trong phạm vi là các truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Khi soi chiếu, khảo sát trong hệ thống này, những đặc trưng độc đáo, mang dấu ấn cá nhân của nhà văn cũng sẽ được thể hiện một cách rõ ràng, thuyết phục. 5.2. Phương pháp so sánh đối chiếu Việc so sánh đối chiếu ngoài mục đích để thấy cái riêng, khác biệt giữa hai bút pháp hiện thực Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, còn để làm rõ những nét tương đồng trong việc xây dựng tác phẩm theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa. Nếu cái riêng cho thấy sự độc đáo mang dấu ấn cá nhân của mỗi nhà văn thì những nét tương đồng sẽ khẳng định được những đặc điểm chung có của các truyện ngắn hiện thực phê phán thời kì 1930 - 1945. Sự khác nhau thể hiện cái đa dạng, phong phú trong bút pháp nghệ thuật. Sự giống nhau sẽ thể hiện cái chung được tiếp nối bổ sung và phát triển qua các thế hệ nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn 1930 - 1945. 5.3. Phương pháp thống kê Để bổ trợ cho việc phân tích và đưa ra những nhận xét chính xác về đặc trưng bút pháp hiện thực của mỗi nhà văn, bên cạnh phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh đối chiếu, luận văn còn vận dụng thêm phương pháp thống kê. Bằng những con số, phương pháp thống kê sẽ giúp cho việc so sánh đối chiếu chính xác, ngắn gọn và thuyết phục hơn. 5.4. Phương pháp phân tích, tổng hợp Dựa trên những tài liệu lí thuyết đã thu thập được luận văn sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để làm rõ vấn đề và xâu chuỗi vấn đề để tạo ra một hệ thống quan điểm. Thao tác phân tích giúp ta đi sâu vào từng vấn đề, mổ xẻ để tìm ra nét tương đồng hoặc dị biệt. Phân tích giúp ta nhận rõ và nắm vững bản chất của vấn đề trong từng phương diện. Trên cơ sở đã phân tích, ta lại tổng hợp chúng để tạo ra một hệ thống và nhận thấy mối quan hệ biện chứng giữa chúng với nhau. Từ đó, ta sẽ hiểu vấn đề một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn. Các phương pháp nêu trên được vận dụng phối hợp với nhau để việc khảo sát đặc trưng bút pháp hiện thực trong sáng tác của hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đạt hiệu quả cao nhất. 6. Đóng góp của đề tài Đóng góp quan trọng nhất của đề tài là từ việc so sánh đối chiếu những nét tương đồng và dị biệt trong đặc trưng bút pháp hiện thực giữa hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, nhằm khám phá sâu hơn, khẳng định rõ hơn tài năng nghệ thuật của hai nhà văn trong địa hạt truyện ngắn hiện thực. Những tương đồng và dị biệt trong bút pháp xây dựng tác phẩm hiện thực của hai nhà văn sẽ cho thấy được sự đa dạng, sự tiếp nối, bổ sung về phương diện nghệ thuật của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945. Tất nhiên hai nhà văn này không phải là tất cả bức tranh văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 với đầy đủ sự phong phú đa dạng của nó nhưng qua bút lực đầy tài năng, qua sự nghiệp văn chương của họ, qua các truyện ngắn hiện thực có giá trị của họ, có thể xem họ là những cây bút xuất sắc nhất đã tạo nên những đường nét cơ bản nhất cho diện mạo văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Khi nghiên cứu sâu vào những đặc trưng độc đáo trong nghệ thuật xây dựng các truyện ngắn hiện thực của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, chúng tôi nghĩ luận văn sẽ có đóng góp nhất định vào việc khẳng định một cách cụ thể và có sức thuyết phục về thành tựu của dòng văn học hiện thực phê phán trong lịch sử văn học hiện đại nước nhà. Nguyễn Công Hoan và Nam Cao là hai tác giả có nhiều tác phẩm được học ở trường phổ thông, Cao đẳng và Đại học. Do vậy, nghiên cứu đặc trưng bút pháp hiện thực trong các truyện ngắn của hai nhà văn một cách sâu sắc có hệ thống, luận văn hi vọng sẽ có những đóng góp nhất định vào việc khẳng định những thành tựu, những nét nổi bật độc đáo của hai nhà văn về phương diện nghệ thuật. Từ đó cũng góp phần bổ ích cho việc nghiên cứu giảng dạy và học tập văn học hiện thực phê phán ở các trường học nói chung. Bởi từ trước đến nay, khi giảng dạy và học tập chúng ta thường đi sâu vào nội dung nhiều hơn so với nghệ thuật. Nghiên cứu về đặc trưng bút pháp xây dựng các truyện ngắn hiện thực theo hệ thống sẽ là một tài liệu tham khảo bổ ích khi giảng dạy và học tập về phương diện phong cách nghệ thuật, đặc biệt ở hai tác gia Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. 7. Kết cấu Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, luận văn có ba chương chính như sau: Chương I: Vị trí của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trong dòng truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 Chương II: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao Chương III: Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao CHƯƠNG 1: VỊ TRÍ NGUYỄN CÔNG HOAN VÀ NAM CAO TRONG DÒNG RUYỆN NGẮN 1930 - 1945 1.1 Thời đại Khi bàn về phong cách của một nhà văn, cũng như sự nghiệp sáng tác của họ thì có một yếu tố không thể không nhắc tới. Đó là yếu tố thời đại. Có thể nói, thời đại là yếu tố có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới con người. Con người ấy, nhà văn ấy lựa chọn phong cách như thế nào cũng do phần nhiều sự tác động của thời đại mà họ đang sống, cái hiện thực mà họ đang trải qua. Trong tác phẩm của mình, nhà văn luôn có một hệ thống nhân vật, những chuỗi tình huống, những hình ảnh biểu tượng mà với đời sống xã hội hằng ngày, chúng chính là những tấm gương phản chiếu. Nói cách khác, yếu tố thời đại góp phần nhiều trong việc định hình phong cách nghệ thuật của nhà văn. Vấn đề này có mối liên quan chặt chẽ với chức năng nhận thức của văn học. Một nhà văn độc đáo là một nhà văn mà những tác phẩm của họ giúp người đọc biết thêm, có thêm tri thức và những tri thức ấy là những hiểu biết về hiện thực đời sống. Văn học nghệ thuật là tấm gương phản chiếu đời sống hiện thực. Một nhà văn sẽ lập tức mờ nhạt khi tác phẩm của anh ấy không là hình dung của hiện thực đời sống. Có thể nói, một tác phẩm văn học có sức sống vững bền theo thời gian hay không là do cái nó phản ánh. Một nhà văn thành công là một nhà văn phải biết tái hiện, khắc họa lại thời đại mà mình đang sống trong những tác phẩm của họ. Bởi lẽ, một nhà văn không phải là một anh thư ký chỉ biết cặm cụi ghi chép và mô tả lại đời sống mà nhà văn phải là nhà nghiên cứu, nghiền ngẫm về đời sống xã hội và con người. Tác phẩm văn học thể hiện kết quả của quá trình quan sát, trăn trở, lựa chọn và thể hiện về những vấn đề xã hội trong thời đại mà nhà văn đang sống. Tài năng càng lớn, độ suy nghĩ càng sâu thì vấn đề nhà văn phản ánh trong tác phẩm sẽ trở thành vấn đề cơ bản của thời đại, đúng với bản chất xã hội. Nhận thức đúng đắn vai trò của thời đại trong các sáng tác của nhà văn để có thể hiểu rõ, sâu sắc hơn tại sao nhà văn lại lựa chọn phong cách này mà không là phong cách kia, đồng thời nắm được những yếu tố góp phần định hình phong cách của nhà văn. Trở lại với Nguyễn Công Hoan và Nam Cao, ta thấy rõ ràng thời đại có tác động mạnh và có sức ảnh hưởng lớn trong việc định hình phong cách của hai nhà văn. Khi xét về thời gian xuất hiện và phát triển sự nghiệp trên văn đàn, Nguyễn Công Hoan là lớp trước, Nam Cao là lớp sau vì vậy việc giới hạn mốc thời gian khảo sát trong giai đoạn 1930 - 1945 đã tạo những thuận lợi nhất định cho người viết khi tìm hiểu về thời đại mà hai nhà văn đã sống. Dân gian có câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Vậy “thời thế” mà Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đã sống ở giai đoạn 1930 - 1945 có những điểm nổi bật nào đáng lưu ý? Thời kỳ 1930 - 1945 là thời kỳ đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp hết sức sâu sắc. Đến thời kỳ này, thực dân Pháp ngày càng phơi trần bộ mặt thâm hiểm và tàn bạo của tên thực dân đi cướp nước. Phát xít Nhật thì nuôi tham vọng làm bá chủ vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Từ 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào công nhân và các phong trào yêu nước ngày càng dâng cao. Thực dân Pháp đã dùng vũ lực và chính sách chuyên chế về chính trị để dập tắt phong trào yêu nước. Những cuộc bắt bớ, đàn áp, những vụ thảm sát đẫm máu của bọn thực dân ngày càng tăng cao. Có thể kể ra như cuộc đàn áp cực kỳ dã man đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cuộc khủng bố trắng có quy mô toàn quốc đầu những năm 30 với 1094 án chính trị, trong đó có 164 bản tử hình mà 88 bản đã thi hành, 114 khổ sai chung thân, 420 người bị đày biệt xứ... Tiếp đến là cuộc khủng bố trắng thứ hai đã diễn ra sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại vào tháng 11 năm 1940. Trong cuộc khủng bố này, Pháp đã huy động không quân, lục quân với 20 máy bay ném 263 quả bom phá, 42 bom lửa đốt cháy nhiều làng mạc... để đàn áp. Tuy bị dìm trong máu lửa nhưng tinh thần của đấu tranh vô cùng dũng cảm của nhân dân ta vẫn không hề bị dập tắt. Bên cạnh đó, thực dân Pháp cũng ra sức bóc lột về kinh tế một cách thô bạo. Thực dân Pháp thực hiện chính sách kinh tế độc quyền vơ vét biến Việt Nam trở thành một thuộc địa cung cấp nguồn nhân công rẻ mạt, đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhiên liệu béo bở cho chính quốc. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt tay nhau vơ vét đến tận cùng tài nguyên của Việt Nam để phục vụ cho chiến tranh. Đây là thời đại có những sự kiện biến động quan trọng đáng lưu tâm. Thời kì 1930 1945 là khoảng thời gian mà mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Việt Nam khá nặng nề và sâu sắc. Về mặt chính trị thì đây là giai đoạn thực dân Pháp ra sức tăng cường bóc lột nhằm bù đắp vào những thiệt hại ghê gớm sau thế chiến thứ nhất. Người dân lao động Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Một mặt họ phải nai lưng làm bán sống bán chết, vắt kiệt sức để có cái ăn, cái mặc; mặt khác, họ phải gồng mình để gánh đủ các thứ thuế có tên và không tên, rồi phải đối mặt với lũ lụt, hạn hán và nạn đói... Đối nghịch với cảnh bị bóc lột đến tận xương tủy, bị đẩy vào cảnh bần cùng hóa và lưu manh hóa của người dân lao động là sự giàu có một cách trâng tráo của quan lại Pháp và tư sản mại bản. Sự đối nghịch này ngày càng làm phân cực rõ nét hơn sự đối lập giàu và nghèo trong xã hội đương thời. Người dân lao động nghèo càng bị bóc lột tận xương tủy thì tư sản quan lại càng giàu có, càng ăn chơi hưởng lạc. Xã hội thực dân phong kiến ở nông thôn, thành thị ngày càng bộc lộ những ung nhọt đang sưng tấy lên ngày càng trầm trọng và khó có thể che dấu được. Con người sống vì đồng tiền, sẵn sàng làm giàu trên mồ hôi, xương máu của đồng loại. Họ sẵn sàng chà đạp lên luân lí, đạo đức để làm giàu. Người bóc lột người. Thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa ngàn đời của cha ông đã bị giấy bạc làm mờ đi. Thanh niên bị ru ngủ bởi những phong trào Âu hóa, “vui vẻ trẻ trung”, sống xa hoa, thực dụng, trụy lạc, ăn chơi sa đọa, xa rời thuần phong mỹ tục của dân tộc và chẳng màng đến nỗi đau nô lệ, nỗi đau mất nước của dân tộc. Thực dân Pháp không chỉ thực hiện chính sách đàn áp về quân sự, chuyên chế về chính trị, bóc lột về kinh tế mà còn đầu độc về văn hóa. Đời sống người dân ở thành thị cũng như nông thôn đều rơi vào sự xáo trộn đến bế tắc. Rõ ràng, thời đại mà Nguyễn Công Hoan và Nam Cao sống là thời đại của một xã hội rối ren, phức tạp, đầy biến động và con người sống trong xã hội ấy cũng ngột ngạt đến khó thở. Tình hình xã hội là vậy. Tình hình văn học cũng có những diễn biến mới. Hiển nhiên, một khuynh hướng văn học bao giờ cũng xuất hiện, hình thành và phát triển trên cơ sở những tiền đề xã hội nhất định. Và những tiền đề xã hội nêu trên đã làm xuất hiện trên văn đàn văn học công khai một dòng văn học hiện thực phê phán. Giai đoạn 1930 - 1945 là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn học hiện thực phê phán. Hiểu rõ bản chất của dòng văn học này ta sẽ thấy được sự đóng góp quan trọng của nó trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc lúc bấy giờ. Chủ nghĩa hiện thực là khuynh hướng cảm hứng thẩm mỹ không tìm đến những thế giới xa lạ mà tìm ngay đến những đối tượng quen thuộc phổ biến trong đời sống hằng ngày, thậm chí là ngay cả ở những mảnh đời tầm thường nhàm chán. Ở khuynh hướng sáng tác này, đối với người sáng tác, mục đích sáng tác của họ là để phát hiện cái bản chất và quy luật khách quan của đời sống, họ muốn làm khoa học trong văn chương và đặc biệt hứng thú với việc nắm bắt từng chi tiết chính xác của nó. Họ đã bỏ ra nhiều công phu cho tính chân thực này. Sự chân thực của chi tiết là một khía cạnh quan trọng trong chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực phê phán phát triển trên nền của chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện thực phê phán không phụ thuộc ý thức hệ tư sản, mà thiên về phê phán và phủ định hiện thực xã hội tư sản thực dân phong kiến; ca ngợi, khẳng định những lực lượng tiến bộ trong xã hội, những phẩm chất tốt đẹp của người lao động nhưng nhìn họ như những nạn nhân, bất lực, bi quan về lối thoát của xã hội. Các nhà văn hiện thực phê phán quan niệm được “con người xã hội”. Có nghĩa là khi có được tư duy lịch sử - cụ thể họ sẽ đặt con người trong hoàn cảnh xã hội cụ thể rồi triển khai sự phát triển tính cách của nó theo sự diễn biến của hoàn cảnh đó. Nếu hình tượng nhân vật chủ nghĩa cổ điển nặng về cái chung mà nhẹ về cái riêng hay chủ nghĩa lãng mạn thì lại nhấn mạnh cái riêng đến độ phi thường ngoại lệ nhưng lại nhẹ về mặt tiêu biểu khái quát thì tính cách điển hình trong chủ nghĩa hiện thực là sự thống nhất hài hòa cao độ giữa tính riêng sắc nét và tính chung có ý nghĩa khái quát cao, là những nhân vật hoàn toàn xa lạ song qua họ ta lại thấy được “cái quen” rất giống mình và mọi người trong cuộc sống. Với nguyên tắc lịch sử cụ thể, với quan niệm “con người xã hội”, chủ nghĩa hiện thực phê phán xây dựng được những hoàn cảnh điển hình. Đó là những hoàn cảnh của nhân vật được tái hiện trong thẩm mỹ hiện thực, phản ánh được bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất trong những tình thế xã hội với một quan niệm giai cấp nhất định. Cũng như tính cách điển hình, ý nghĩa tiêu biểu khái quát của hoàn cảnh điển hình phải thông qua tính chất cụ thể riêng biệt của nó. Cái hiện lên trước mắt người đọc chính là những hoàn cảnh riêng biệt cụ thể đó, người đọc cảm thấy được những vấn đề xã hội rộng lớn. Khi đã xây dựng những hoàn cảnh điển hình như vậy thì tính cách chính là con đẻ của hoàn cảnh, được giải thích bởi hoàn cảnh. Chính vì thế mà những tính cách nhân vật trong chủ nghĩa hiện thực cho dù có phức tạp đa tầng đến đâu nhưng từ hoàn cảnh có thể giải thích được. Là con đẻ của hoàn cảnh điển hình, tính cách điển hình trở nên rất phong phú và đa dạng. Các tác phẩm thường được thể hiện bởi các thể loại phù hợp như tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn. Ở phạm vi nghiên cứu của đề tài, truyện ngắn là thể loại mà chúng tôi quan tâm khảo sát ở hai nhà văn Nguyễn Công Hoan và Nam Cao. Vậy nên, việc giới thuyết đôi nét về truyện ngắn nói chung và vị trí của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao trong địa hạt truyện ngắn hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 là điều vô cùng cần thiết. 1.2 Vị trí của Nguyễn Công Hoan và Nam Cao trong dòng truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 Truyện ngắn là một tác phẩm tư sự cỡ nhỏ. Nội dung của nó bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống nhưng độc đáo ở chỗ dung lượng thể hiện chỉ trong một phạm vi hạn hẹp. Truyện ngắn hiện đại thể hiện một lối tư duy hoàn toàn mới, một cách nhìn cuộc
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan