Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bình thường hóa quan hệ việt – trung 1979 - 1991...

Tài liệu Bình thường hóa quan hệ việt – trung 1979 - 1991

.PDF
16
246
53

Mô tả:

Tiểu luận Bình thường hóa quan hệ Việt – Trung 1979-1991 Khái quát chung 1. Nội dung chính Trình bày diến biến quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn 1979-1991, sự lựa chọn và những bước đi trong đối ngoại của hai nước, từ đối đầu đến bình thường hóa. Phân tích các nhân tố tác động đến sự vận động của quan hệ Việt Nam– Trung Quốc trong khoảng thời gian 1979-1991. 2. Mục tiêu nghiên cứu Tìm ra những chuyển biến cơ bản trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong giai đoạn này. Lý giải những tiền đề khách quan và chủ quan cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và xác định xem đâu là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bình thường hóa quan hệ nhìn từ góc độ chính sách đối ngoại Việt Nam và từ góc độ chính sách đối ngoại của Trung Quốc. 3. Lý do chọn đề tài Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là mối quan hệ đặc biệt có bề dày lịch sử. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đã từng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh cách mạng. Quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc vừa có tính chất của quan hệ láng giềng, vừa có tính chất của quan hệ giữa hai nước xã hội chủ nghĩa, vừa có tính chất là quan hệ nước lớn-nước nhỏ. Việc bình thường hóa quan hệ Việt-Trung có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế chính trị, xã hội của cả hai nước, đặc biệt là trong nhận thức cũng như hành động của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giai đoạn 1979-1991 là giai đoạn chứng kiến những biến chuyển quan trọng trong quá trình bình thường hóa mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chuyển từ đối đầu sang bình thường và hợp tác toàn diện. Năm 1979, sau khi chiến tranh biên giới kết thúc quan hệ Việt-Trung ở vào thế đối đầu, nhưng trong lúc đó phía Việt Nam cũng có thiện chí cải thiện mối quan hệ và mong muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đến năm 1986 đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam mà Đại hội Đảng VI khởi đầu cho công cuộc cải cách đổi mới. Và năm 1991, quan hệ giữa hai nước đã được chính thức bình thường hóa, hai nước sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở năm nguyên tắc, tạo tiền đề cho việc phát triển mối quan hệ này trong tương lai. Phần mở đầu Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, nhân dân hai nước vốn có truyền thống hữu nghị lâu đời, đã từng ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ở mỗi nước. Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, lúc đó là Việt Nam dân chủ cộng hòa (18/1/1950). Chính phủ và nhân dân ta hết sức quý trọng tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc và trước sau như một luôn luôn giữ gìn và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc. Đó chính là chính sách nhất quán và lâu dài của Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việc bình thường hóa quan hệ Việt – Trung trong giai đoạn cuối những năm 80 của thế kỷ 20 lại càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bởi vì sau sự kiện Campuchia và chính sách đối ngoại, kinh tế, xây dựng đất nước của Việt Nam không phù hợp đã dẫn tới nội lực của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, không những thế Việt Nam chịu sự cô lập, cấm vận của nhiều nước ở khu vực và trên thế giới. Anh cả của chủ nghĩa xã hội – Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác đang bị khủng hoảng trầm trọng và bế tắc. Chính vì thế để tìm một lối đi cho mình Việt Nam đã phải tìm cho mình một hướng đi riêng phù hợp với mục tiêu phát triển chung của toàn dân tộc, phù hợp với xu thế mở rộng của quan hệ quốc tế, đó là ngoại giao đa phương. Trong đó mối quan hệ với Trung Quốc được coi là một trong những quan hệ quan trọng và cần có các biện pháp phù hợp để đưa quan hệ hai nước bước sang một trang mới, chuyển từ đối đầu sang đối thoại và hợp tác. Phần nội dung 1. Sau chiến tranh biên giới, quan hệ Việt – Trung không bình thường và nỗ lực kiên trì của Việt Nam để bình thường hóa quan hệ (1979-1986). Cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 là một vết đen trong lịch sử quan hệ Việt-Trung, nỗi đau xót đối với những ai là người Việt cũng như người Hoa, quý trọng và lo vun trồng cho tình hữu nghị truyền thống ngày càng xanh tươi. Nhưng chiến tranh xảy ra rồi thì việc đầu tiên phải lo là khôi phục tình hữu nghị đó. Việt Nam đã chủ động có những biện pháp nhằm hàn gắn mối quan hệ vừa bị rạn nứt. Ngày 18/4/1979 Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu đàm phán tại Hà Nội. Tiếp theo là vòng đàm phán tại Bắc Kinh từ ngày 8/6/1979. Tại cuộc đàm phán này, đoàn Việt Nam đưa ra đề nghị về “những nguyên tắc và nội dung chủ yếu cho một giải pháp về những vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Đề nghị nêu những biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định ở vùng biên giới hai nước; khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở những nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng đường biên giới lịch sử do các hiệp ước Trung – Pháp năm 1887 và 1895 hoạch định. Phía Trung Quốc đưa ra lập trường tám điểm, yêu cầu Việt Nam công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, rút quân khỏi Trường Sa, thay đổi chính sách đối với Lào, Campuchia. Cuộc họp chỉ đạt được trao trả người bị bắt. Đầu năm 1980, đàm phán đình chỉ. Lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc đã được thể hiện trong báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ V, tháng 3/1982 : “kiên trì chính sách hữu nghị và láng giềng tốt với nhân dân Trung Quốc, chúng ta chủ trương khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau và giải quyết những vấn đề tranh chấp bằng con đường thương lượng”. Trong vòng 7 năm (1980-1987), Việt Nam đã 17 lần gửi công hàm đề nghị nối lại đàm phán Việt – Trung nhưng vẫn chưa đạt được cuộc gặp chính thức nào. Năm 1982, tại cuộc đàm phán giữa Liên Xô và Trung Quốc ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ Xô – Trung, Trung Quốc nêu vấn đề quân đội Việt Nam ở Campuchia. Cũng tại diễn đàn này, trong các năm 1983-1984, Trung Quốc luôn nêu ba trở ngại: quân Liên Xô ở biên giới Xô – Trung, quân Liên Xô ở Apganixtan và việc Liên Xô tiếp tục ủng hộ quân đội Việt Nam tại Campuchia và nhấn mạnh sự trở ngại thứ ba là quan trọng nhất. Phối hợp diễn đàn đàm phán Liên Xô- Trung Quốc, Việt Nam thông báo cho Liên Xô lập trường của Việt Nam về vấn đề Campuchia, về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và đề nghị Việt Nam và Trung Quốc trực tiếp đàm phán về các vấn đề liên quan tới hai nước. Tất cả những nỗ lực đó chưa gặt hái được thành công là bởi vì một số những nguyên nhân khách quan từ tư tưởng của lãnh đạo hai nước Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong tư tưởng của các nhà cầm quyền Trung Quốc. 2. Những toan tính của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam. Mặc dù tuyên bố là đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, là những người theo chủ nghĩa Macxit và Leninit, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự thừa hưởng đầy đủ di sản lịch sử của Trung Quốc: đó là một cách nhìn thế giới vị Trung Quốc, theo đó các quốc gia nhỏ bé nằm xung quanh Trung Quốc (bao gồm Việt Nam) là thấp kém hơn và phải nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của nước này. Mặt khác “lòng tự hào về lịch sử và sự nhạy cảm về văn hóa” là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến thái độ của Việt Nam với Trung Quốc. Trong suốt lịch sử, Việt Nam có xu thế ưu thích vay mượn và áp dụng nền văn minh và các thể chế Trung Quốc trong khi vẫn rất kiên cường bảo tồn nền độc lập và di sản văn hóa của mình. Việt Nam tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc khi nội bộ có vấn đề và thù địch với Trung Quốc khi đất nước thống nhất và không bị nạn ngoại xâm đe dọa. Hơn nữa Việt Nam còn có một động thái làm Trung Quốc hết sức “khó chịu” khi sau chiến thắng 1975, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực thi một chính sách coi chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù lâu dài còn Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm nhất”. “một kẻ thù mới” mà Việt Nam sẵn sàng chống trả. Trong giai đoạn này Trung Quốc còn muốn lợi dụng vấn đề Campuchia để tạo sức ép với Việt Nam để phục vụ lợi ích phát triển của mình, nhằm thôn tính khu vực Đông Nam Á và trở thành bá chủ ở khu vực này. 3. Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Trung giai đoạn 1986-1991. a) Về phía Việt Nam Đến năm 1986, tình hình khu vực và thế giới có những biến đổi sâu sắc. Từ thập kỉ 1980 của thế kỉ 20, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại phát triển tăng tốc với các đợt sóng công nghệ cao, nổi bật là công nghệ thông tin, mang lại những biến đổi ngày càng sâu sắc và nhanh chóng mọi mặt đời sống nhân loại. Cải cách và mở rộng đã xuất hiện như một trào lưu tại nhiều nước trên thế giới. Trong năm này, tình hình khu vực cũng có những biến đổi mạnh mẽ, vấn đề Campuchia lên đến đỉnh điểm, các nước trong khu vực đối đầu với Việt Nam. Trung Quốc nhân cơ hội đó càng dùng lá bài Campuchia để uy hiếp nước ta. Trong những năm 1986-1988 cũng la lúc cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội của nước ta lên đến đỉnh cao, nhất là sau khi các nước Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, ta mất nguồn viện trợ và thị trường truyền thống. Ta và các nước anh em Lào, Campuchia nhất trí chủ trương chuyển từ cục diện đấu tranh quân sự sang cục diện vừa đánh vừa đàm, phấn đấu cho một giải pháp chính trị về Campuchia. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng cộng sản diễn ra kịp thời, 15-18/12/1986, nhấn mạnh giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, đã nêu: “Trên tinh thần bình đẳng, bảo đảm độc lập, chủ quyền và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ và khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới” (Nghị quyết Đại hội VI). Đường lối đối ngoại rộng mở của nước ta xác định nhiệm vụ hàng đầu là: “tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6/1991, thông qua tuyên bố chính sách đối ngoại: “Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đầu vì hòa bình độc lập và phát triển”. Với mục tiêu chiến lược giữ vững hòa bình, tập trung xây dựng và phát triển đất nước, xuất phát từ lợi ích duy trì ổn định trên bán đảo Đông Dương và tình hình tại Campuchia sau khi tập đoàn diệt chủng Polpot bị loại trừ về mặt chính trị và chính quyền nhân dân Campuchia có quan hệ hòa bình hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng … Ngoại giao Việt Nam tích cực thực hiện chủ trương chuyển mạnh từ đối đầu sang đối thoại, từng bước làm thất bại chính sách bao vây, cấm vận khôi phục quan hệ với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, Nhật Bản và các nước Tây – Bắc Âu… tạo cục diện mới cùng tồn tại hòa bình, vừa hợp tác vừa đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển. Nhận thức về bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc: Đảng và nhà nước Việt Nam đã kiên trì chủ trương sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước, từng bước mở rộng hợp tác Việt – Trung, giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau theo nguyên tắc làng giềng thân thiện và cùng tồn tại hòa bình. b) Về phía Trung Quốc Đến năm 1987 cục diện tình hình có những biến đổi to lớn khiến Trung Quốc bắt đầu có xu thế hòa dịu trong quan hệ với Việt Nam. Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc diễn ra trong tình hình thế giới cũng như tình hình Đông Nam Á và Campuchia đã có những thay đổi to lớn. Quan hệ Xô – Mỹ từ năm 1987 đã được cải thiện nhiều, hình thành thế hai cực giải quyết công việc thế giới và cả châu Á. Trung Quốc không còn lợi dụng được mâu thuẫn Xô-Trung như trước; đồng thời quan hệ Trung-Xô cải thiện chậm so với quan hệ Mỹ-Xô, làm cho vị trí của Trung Quốc bị yếu đi trong quan hệ ba nước lớn. Mặt khác việc Xô-Mỹ giảm cam kết quân sự ở bên ngoài đã thúc đẩy xu thế độc lập của các nước khác, làm tăng xu hướng hợp tác khu vực để giải quyết vấn đề khu vực. Quan hệ giữa các nước Đông Nam Á từ năm 1987 đã từ tình trạng đối đầu chuyển từng bước sang vừa hợp tác vừa đấu tranh trong cùng tồn tại hòa bình. Trong tình hình đó, việc Trung Quốc tiếp tục chính sách gây căng thẳng trên đất liền và trên biển ở khu vực này chỉ làm tăng mối lo ngại đối với nguy cơ bá quyền của Trung Quốc. Mục tiêu của Trung Quốc lúc này là giữ cân bằng quan hệ của họ với hai nước lớn Xô, Mỹ và đồng thời cải thiện quan hệ với các nước láng giềng để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho việc cải thiện thế của Trung Quốc trên thế giới và châu Á. Một sự kiện đặc biệt quan trọng nữa đó là sự kiện Thiên An Môn (4/6/1989), sau vụ thanh trừng và tiêu diệt vụ biểu tình của sinh viên trí thức và các nhà hoạt động công nhân lãnh đạo ở Trung Quốc với số người chết và bị thương rất lớn (theo báo cáo nước ngoài là ít nhất là khoảng 3000 người chết, nhưng chính phủ Trung Quốc không bao giờ đưa ra dữ liệu chính thức chính xác danh sách người chết). Dưới cái nhìn của dư luận phương Tây và của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới sự kiện Thiên An Môn đã làm cho người ta khiếp sợ về một Trung Quốc dã man, nhiều nước có xu thế đóng băng trong quan hệ với nước này. Thậm chí sau sự kiện Thiên An Môn đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các khuynh hướng chính trị trong nước, đến kinh tế thậm chí tạo ra một hố sâu ngăn cách các thế hệ người dân Trung Quốc. Vì vậy, trong hoàn cảnh bị cô lập và chính sách nhằm vào Trung Quốc của các nước lớn lúc đó, Trung Quốc có nhu cầu mở rộng quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước láng giềng. Họ đã đưa ra khái niệm mới về môi trường xung quanh và đại xung quanh, nâng cao hơn vai trò quan hệ với các nước láng giềng vì mục tiêu phát triển, hòa bình và ổn định. c) Tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Trung Để thúc đẩy quá trình bình thường hóa, năm 1988, Việt Nam đã sửa Lời nói đầu trong Hiến pháp, đề nghị hai bên chấm dứt hoạt động vũ trang tại biên giới đất liền và hải đảo (1988). Việt Nam đã mở cửa khẩu cho nhân dân hai bên qua lại, không tuyên truyền có hại cho bình thường hóa quan hệ hai nước. Về phía Trung Quốc, ngày 12/8/1990, trong lúc ở thăm Singapore, thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng tuyên bố: “ Trung Quốc hy vọng cuối cùng sẽ bình thường hóa với Việt Nam và thảo luận các vấn đề như cuộc tranh chấp quần đảo Trường Sa”. Ngay ngày hôm sau, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười hoan nghênh tuyên bố trên của thủ tướng Lý Bằng và khẳng định Việt Nam “sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và giải quyết các vấn đề giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình”. Đồng thời phía Việt Nam đề nghị tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa hai nước nhằm thảo luận việc bình thường hóa quan hệ và các vấn đề liên quan. Sau đó, Trung Quốc đã mời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng thăm Trung Quốc không chính thức. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam diễn ra tại Thành Đô trong hai ngày 3-4/9/1990. Tại cuộc gặp này các nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến về vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, mặt quốc tế của vấn đề Campuchia và các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Tiếp theo đó, từ ngày 18 đến 28 tháng 9/1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trưng Quốc với tư cách là khách quý đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc tham dự lễ khai mạc Á vận hội lần thứ 11. Kết thúc chuyến thăm trên đường về đến Hữu nghị quan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ tình hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước sẽ sớm được khôi phục và phát triển… để Hữu nghị quan muôn đời là Hữu Nghị quan. Tháng 3/1991, thủ tướng Lý Bằng tuyên bố quan hệ Việt – Trung đã tan băng. Sau chuyến thăm làm việc của Ủy viên Bộ chính trị Lê Đức Anh tại Trung Quốc(tháng 8/1991), và cuộc gặp cấp thứ trưởng và chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, 11/1991, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc theo lời mời của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ Trung Quốc. Cuộc đi thăm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ hai nước. Hai bên đã ra thông cáo chung và kí kết một số hiệp định. Thông cáo chung khẳng định cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Trung Quốc đánh dấu việc bình thường hóa chính thức quan hệ giữa hai nước. Thông cáo chung khẳng định hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện trên cơ sở năm nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi; cùng tồn tại hòa bình. Hai bên nhất trí thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và văn hóa theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Hai bên cho rằng việc hai Đảng, hai nước trao đổi tình hình và kinh nghiệm về xây dựng đất nước và cải cách kinh tế là điều rất bổ ích. Thông cáo chung còn đề cập đến việc thương lượng giải quyết vấn đề biên giới, vấn đề kiều dân và khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Đài Loan. Cuộc hội đàm và gặp gỡ đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn. Nó mang ý nghĩa hết sức quan trọng của thời đại mới “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”, hai nước là đồng chí nhưng không đồng minh, không trở lại quan hệ những năm 50-60. d) Một số bước đi sai lầm của Việt Nam trong bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc Để bình thường hóa với Trung Quốc, Việt Nam cũng đã trải qua rất nhiều cố gắng nỗ lực và cũng đã phạm phải không ít sai lầm. Trong hội nghị Thành Đô, do quá tin vào chính mình, tin vào một đất nước Trung Quốc sẽ dương cao ngọn cờ Chủ nghĩa xã hội, thay thế Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Đó có thể coi như một sự ảo tưởng bởi lẽ Trung Quốc luôn duy trì tư tưởng bá chủ và thực hiện hợp tác hai mặt. Trong cuộc gặp Thành Đô, ta đã “mắc bẫy” Trung Quốc trong các điểm cơ bản: Trung Quốc nói cuộc gặp sẽ bàn vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ, nhưng thực tế Trung Quốc chỉ bàn đến vấn đề Campuchia; Trung Quốc nói là sẽ giữ bí mật việc gặp gỡ cấp cao hai nước nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo. Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9/1990 không thể coi là một thành tựu đối ngoại của ta, mà trên thực tế đó là một sai lầm trong đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã có những hành động gây hậu quả làm chậm lại việc giải quyết vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, làm cho uy tín quốc tế của ta bị ảnh hưởng lớn. 5. Động thái của Trung Quốc sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Có thể nói từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Tuy nhiên, sau khi bình thường hóa lại diễn ra dồn dập những sự kiện xấu trên nhiều mặt quan hệ giữa hai nước, tập trung gay gắt nhất là các vấn đề liên quan đến lãnh thổ trên bộ vùng biên giới Hà Giang tháng 2,3,4/1992; vụ nối lại đường xe lửa Liên vận ở Đồng Đăng, Lạng Sơn tháng 12/1991, đỉnh cao là vụ Trung Quốc công khai hóa việc ký kết hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone tại một vùng rộng lớn trên thềm lục địa Việt Nam (bãi Tư Chính). Tại sao Trung Quốc lại tăng cường sức ép cho Việt Nam vào thời điểm này? Vì Trung Quốc cho rằng tình hình đó đang thuận lợi cho họ tranh thủ gấp rút thực hiện yêu cầu tăng thế và lực nhằm tạo một tình thế đỡ bất lợi trong quan hệ quốc tế. Tại sao Trung Quốc lại có suy tính như vậy. Trước hết, trật tự thế giới cũ không còn, trật tự thế giới mới chưa hình thành. Các đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương đều đang gặp khó khăn (Mỹ, Liên Xô…). Thứ hai, Đông Nam Á mới bắt đầu quá trình nối lại quan hệ giao lưu giữa hai nhóm nước đối đầu cũ. Triển vọng liên kết hay nhất thể hóa bất lợi đối với ý đồ bá quyền của Trung Quốc, đang còn những trở ngại đòi hỏi thời gian khắc phục. Trung Quốc muốn tranh thủ thời gian này để cản phá xu thế hợp tác khu vực này, mà chủ yếu là Việt Nam và ASEAN. Thứ ba, bản thân Việt Nam còn đang lúng túng về những vấn đề chiến lược trong tình hình mới, nên Trung Quốc muốn đi vào bình thường hóa với Việt Nam trên thế mạnh. Vì vậy để ứng phó với Trung Quốc, biện pháp tối ưu nhất cho đối ngoại Việt Nam lúc này chính là vừa kết hợp vừa đấu tranh với Trung Quốc. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước ASEAN tạo thế lực kinh tế trong nước và khu vực để có cục diện có lợi cho ta để cản trở và chống lại mọi hành vi xâm phạm lấn chiếm của Trung Quốc đối với nước ta. Phần kết luận Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là một yêu cầu chiến lược đối với nước ta. Vì vậy việc đạt được bình thường hóa chính thức quan hệ hai nước tháng 11/1991 là một thành công trong chính sách đối ngoại của nước ta. Tuy nhiên do Trung Quốc thực hiện chính sách hai mặt nên trong sự lựa chọn này ta đã phải trả giá không ít. Trước hết nguyên nhân là do ta chưa thoát khỏi bó buộc về ý thức hệ (ý thức hệ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội), không xác định được lập trường kiên định giữa hai thái cực trong quan hệ với Trung Quốc và quan trọng nhất là do ta quá nóng vội trong các bước đi dẫn đến hy sinh quyền lợi dân tộc và của đồng minh. Song nhờ vào những chính sách linh hoạt kịp thời cải thiện của Đảng và Nhà nước ta, quan hệ Việt – Trung đã dần đi đúng bước đi của nó trong tiến trình phát triển chính sách đối ngoại của hai nước cũng như trong xu thế phát triển chung của toàn nhân loại. Việt Nam và Trung Quốc đã có các cuộc thăm viếng cấp cao định kì, kí kết hàng loạt các hiệp định hợp tác song phương trên rất nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu lớn góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội của hai nước. Vào những giây phút giao thừa chào đón năm mới 2009, các lực lượng tham gia phân giới cắm mốc Việt – Trung tự hào trải qua 17 năm nỗ lực giải quyêt biên giới Việt Nam – Trung Quốc có thể tự hào tuyên bố với toàn Đảng toàn dân ta: kết thúc phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt – Trung trong năm 2008. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra một tương lai mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, cũng là góp phần tích cực vào hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực. Tài liệu tham khảo: 1. Năm mươi năm Ngoại giao Việt Nam 1945-1995, tập 2, tác giả Lưu Văn Lợi, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân. 2. Hỏi đáp về tình hình thế giới và Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Học viện Quan hệ Quốc tế, 1997, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. 3. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2002. 4. Hồi ức và suy nghĩ, tác giả Trần Quang Cơ 5. Website http://www.mofa.gov,vn/nr040807104143/nr040807105001140306 http://hocvienngoaigiao.org.vn/vi/nr040730095637/nr071030090502/n r080702152121/ns080718002752 http://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%B1_ki%E1%BB%87n_Thi% C3%AAn_An_M%C3%B4n
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng