Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bi cảm aware trong tac pham xu tuyet cua kawabata...

Tài liệu Bi cảm aware trong tac pham xu tuyet cua kawabata

.DOCX
10
845
89

Mô tả:

BI CẢM (AWARE) TRONG TIỂU THUYẾT XỨ TUYẾT VÀ NGƯỜI ĐẸP SAY NGỦ CỦA KAWABATA YASUNARI I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG: 1.Khái niệm aware (mono no aware): Người ta thường biết aware(gọi đầy đủ là mono no aware) như là một trong bốn khái niệm cơ bản của mỹ học Nhật Bản. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, aware là một cảm thức thẩm mỹ gợi tả vẻ đẹp”sớm nở tối tàn”, phù du và ảo mộng giữa cuộc đời. Thề giới quan của người Nhật đặc biệt nhạy cảm và tôn sùng cảm thức này. Đối với họ, sự rơi rụng tàn héo của một bông hoa đẹp hơn khi nó ở trạng thái bung nở,vầng trăng bị mây che khuất một phần quyến rũ hơn vầng trăng tròn đầy viên mãn.Người Nhật đánh giá cao những gì ở trạng thái ban sơ, tinh khôi, không tồn tại lâu dài và không thể chạm đến. Song sẽ là thiếu sót lớn nếu ta chỉ đề cập aware như một đặc trưng cơ bản của mỹ học. Thực chất aware là khái niệm cốt yếu của văn học-văn hóa Nhật Bản được Motoori Norinaga(1730-1801)- một học giả xuất xắc của phái Kokugaru chứng minh vào thế kỷ XVIII.Ban đầu, nó chỉ là một trong bốn khái niệm chìa khóa cơ bản trong lý luận thơ ca, về sau mới trở thành trung tâm trong triết lý của ông về văn hóa Nhật Bản. Nguyên nhân chính của việc Motoori nghiên cứu sâu rộng về thuật ngữ này có liên quan mật thiết đến trào lưu Kokugaru(học tập trong truyền thống dân tộc) được khởi xướng từ thế kỷ XVII, đạt đến đỉnh cao ở những thế kỷ sau đó. Mục đích của phong trào này hướng đến việc tinh lọc văn hóa truyền thống xứ Phù Tang, khẳng định vai trò chủ lưu vững mạnh trước sự du nhập ồ ạt của các nền văn hóa ngoại lai. Các học giả của phong trào này một mặt từ chối nghiên cứu tất cả những tác phẩm văn học có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…mặt khác hướng sự quan tâm đến các tác phẩm văn học Nhật Bản thời cổ đại . Sự thiên về văn hóa cổ đại ấy đã kích thích việc nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử cũng như dẫn dắt họ chú trọng đến việc nhấn mạnh vai trò của cảm xúc trong sáng tạo. Là một học giả của trường phái Kokugaru, Motoori không thể đứng bên lề của trào lưu văn hóa mạnh mẽ đó, Trong quá trình nghiên cứu thẩm thấu nền văn hóa và văn chương cổ Nhật Bản, ông đã khám phá ra mono no aware như một khái niệm cốt yếu để xác định nét riêng biệt độc đáo của người Nhật và văn hóa Nhật. Vậy mono no aware có nghĩa là gì? Theo từ điển Wikipedia giải thích: “Từ này có nguồn gốc từ tiếng Nhật: mono nghĩa là “sự vật”(things) và aware vốn là cách biểu hiện của thời Heian diễn tả sự ngạc nhiên(giống như ah hay oh),được dịch đại khái là “pathos,poignancy,deep feeling” hay “sensitivity”( sự cảm động, sự thấm thía, nỗi thương tâm, xúc cảm sâu sắc hay sự nhạy cảm). Vì vậy, mono no aware thường được dịch là “the ahhness of things”. Trong lời phê bình Truyện Genji, Motoori lưu ý rằng mono no aware là cảm xúc cốt yếu lay động người đọc. Nó không chị giới hạn trong văn học Nhật, mà còn trở thành truyền thống văn hóa Nhật” Trong Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến năm 1868 của Nhật Chiêu cũng có đoạn định nghĩa về mono no aware: “Chữ Aware có thể ghi sang Hán Tự là “ai”(bi ai) mang nhiều ý nghĩa khó xác định. Các học giả Nhật đã theo dõi cách sử dụng nó từ thời cổ đại với tập thơ Manyoshu (Vạn Diệp tập) cho đến thời hiện đại. Không cần thiết phải nhắc lại ý kiến của họ ở đây.Chỉ cần biết rằng trong thời Heian,chữ Aware được dùng để gợi tả vẻ đẹp tao nhã ,nỗi buồn dịu dàng pha lẫn cảm thức vô thường của Phật giáo.Khi cần diễn tả đầy đủ hơn, aware sẽ thành mono no aware.”Mono”( vật) có nghĩa là sự vật và”no” là của. Vậy cụm từ ấy có thể dịch sát là nỗi buồn của sự vật. Tóm lại aware là một niềm bi cảm trước mọi vẻ đẹp não lòng của nhân dân và nhân thế” Cách định nghĩa trên đều dụa vào triết tự và những hiểu biết từ thời Heian.Theo thời gian, cách viết và nội hàm ấy đã có sự biến đổi. Mootori đã có sự lý giải về quá trình biến đổi này. Trước hết, về mặt từ nguyên học, Mootori đã chỉ ra bằng cách dẫn chứng trong văn bản cổ, cách viết từ aware: ”Aware vốn là một từ diễn đạt tiếng kêu- một cách phát âm rõ ràng của những xúc cảm trong nội tâm con người.Nó có dạng tương tự như oh, ah, chao ôi hay chà” Việc định nghĩa aware như là nỗi buồn cũng không phải là cách hiểu ban đầu về nó.Motoori đã bác bỏ cách hiểu này bằng cách đưa rất nhiều dẫn chứng trong truyện cỗ, trong đó aware đi kèm với những từ chỉ sự say mê và vui thích, như cụm từ”aware ni okashi”(vui thích đến mức aware), “aware ni ureshi”. Trong bài tiểu luận về aware, Motoori viết: “Aware có nghĩa là tất cả những cảm xúc sâu sắc trong trái tim con người. Thời gian sau đó, aware thường chỉ cảm xúc buồn thậm chí cả những xúc cảm bi thương và thường được viết là ai( buồn rầu). Tuy nhiên từ này chỉ ra một trong rất nhiều cảm xúc bao hàm trong từ aware. Ý nghĩa của aware không chỉ giới hạn ở nỗi buồn” Như vậy, theo cách kiến giải của Motoori, mono no aware bao gồm tất cả cảm xúc của con người thay vì một niềm tin thông thường rằng đó chỉ là một nỗi buồn. Song aware hoàn toàn không phải là những cảm xúc bề nông , hời hợt, chỉ thoáng gợi lên trong chốc lát. Đó là những cảm xúc vô cùng sâu sắc, mãnh liệt trào lên trong tâm hồn người, là những khoảnh khắc thăng hoa nhất trong đời sống. Một vấn đề quan trọng cần được lý giải về khái niệm aware là: Tại sao bắt đầu từ thế kỷ X, tức thời Heian, nội hàm khái niệm này chỉ được gói gọn vào nỗi buồn, hơn nữa lại là” một nỗi buồn thấm đượm cảm thức vô thường của Phật giáo”. Lý do nào khiến các tác phẩm thời Heian luôn thấm đượm nỗi buồn đến mức khái niệm aware được đồng nhất với khái niệm “nỗi buồn”. Motoori đã có sự lý giải rất thú vị. Ông đã tìm thấy trong truyện Genji nhiều ví dụ trong đó có “vui thích”và”aware” ở vị trí tương phản nhau. Điều này tưởng chừng mâu thuẫn với những kiến giải của Motoori trước đó,”vui thích” được bao hàm trong”aware”.Song, Motoori biện luận rằng trong số rất nhiều xúc cảm nảy sinh trong tình cảm con người, niềm vui khuấy động trái tim ở tầng nông,còn nỗi buồn và cảm xúc yêu đương thì tác động đến con người sâu sắc hơn. Nguyên nhân thứ hai thuộc về chính đặc trưng cơ bản của thời đại Heian. Lịch sử đánh giá đây là một giai đoạn vinh quang của văn hóa vương triều Nhật Bản, là giai đoạn phát triển rực rỡ, đỉnh cao trước khi đi vào quá trình suy tàn của chế độ phong kiến.Đứng trên tầm cao ấy,người ta cảm thấy sự buồn bã của một cái gì sắp mất, sắp sụp đổ.Bên cạnh đó, là sự đóng góp quan trọng của các nữ văn nhân.Với ngọn bút duy mỹ nữ lưu,mọi trạng thái của tình cảm đều được tái tạo không ngừng.Xã hội hưởng lạc và duy mỹ của vương triều Heian, chịu ảnh hưởng sâu sắc của vô thường quan, đã truyền vào những sáng tác của mình một nỗi buồn ngao ngán về cuộc đời phù du”nhân sinh như mộng”. Có thể nói, chính sự tương tùy giữa cảm quan vô thường của Phật giáo và truyền thống tôn thờ cái Đẹp đã được đưa lên đến đỉnh cao tạo nên niềm bi cảm rất đặc trưng cho giai đoạn văn học này.Cụm từ mono no aware được hiểu là nỗi buồn và được viết thành chữ”bi” là bắt nguồn từ đây. Quan niệm của thời đại Heian về aware do đó trở thành phổ biến về sau. Kawabata là người tiếp nối và sáng tạo về quan niệm này. Trong khuôn khổ của bài tiểu luận, chúng tôi cũng nghiên cứu các tác phẩm của ông đựa trên bi cảm aware thời Heian. 2. Về nhà văn Kawabata Yasunari (1899-1972) Kawabata Yasunari sinh ngày 11-6-1899 tại một làng nhỏ gần Osaka. Cha ông là một thầy thuốc nhưng đam mê nghệ thuật, mẹ làm việc nội trợ gia đình. Cuộc đời Kawabata bị ám ảnh bởi sự cô đơn và cái chết. Từ thời ấu thơ, ông đã mang trong mình nỗi đau của một đứa trẻ sớm chịu cảnh mồ côi. Năm ông lên ba tuổi, cha ông mất vì bệnh lao phổi.Một năm sau, mẹ ông cũng mắc bệnh rồi qua đời. Sự mất mát cha mẹ khiến tuổi thơ ông ám ảnh bởi màu trắng tang tóc. Bốn tuổi, Kawabata theo chị về sống với ông bà ngoại. Không lâu sau, người chị ốm nặng rồi mất. Sau đó, bà ngoại cũng ra đi mãi mãi. Tám tuổi, nhưng tâm hồn nhà thơ đã luôn chìm khuất trong những bi cảm đau thương. Mười lăm tuổi, cùng với sự ra đi về chốn vĩnh hằng của người ông, Kawabata thật sự đơn độc trên đường đời. Tác phẩm đầu tay của Kawabata đã thể hiện sâu sắc điều này dẫu thời điểm ấy, tuổi đời nhà văn còn rất trẻ: Nhật ký tuổi mười sáu. Đến tuổi đôi mươi, Kawabata biết rung động yêu thương. Tưởng rằng chút tình cảm đầu đời sẽ xoa dịu đi nỗi đau ám ảnh thường trực của tuổi thơ, nhưng dường như cuộc đời lại một lần nữa nghiệt ngã với ông. Người con gái được Kawabata yêu thương tha thiết và đã đính ước với nhau đột nhiên từ hôn không một lời giải thích. Nỗi cô đơn, rạn vỡ luôn hiện hữu, ám ảnh ông một thời tuổi thơ nay cảng trở nên khắc khoải. Sau những mất mát không gì bù đắp nổi của đồng bào trong trận động đất lịch sử xảy ra ở Kanto vào tháng 9-1923, thất bại thảm hại của quân đội Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến,Kawabata đã thật sự rảo bước trên văn lộ như một lữ khách u buồn, phong kín vết thương tâm hồn bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong quá khứ.Trong thiên tùy bút Đời tôi như một nhà văn,ông thừa nhận:” Tôi không bao giờ trút bỏ được cái ám ảnh rằng mình là kẻ lang thang đeo nặng những u sầu..” Điệu nhạc u hoài ấy tiếp tục ru ông trong suốt những năm tháng cô đơn của tuổi già. Đến ngày định mệnh 16-04-1972, Kawabata tự tử bằng khí đốt trong một ngôi nhà nhỏ trên bãi biển Kamaruka, kết thúc những niềm u uẩn từ thuở thiếu thời.Ông không để lại thư tuyệt mệnh, vì đã từng kịch liệt phản đối việc tự sát nên cái chết của ông trở thành một bí ẩn. Nhiều nguyên nhân được đặt ra và người ta tự hỏi phải chăng Kawabata đã tự báo trước cái chết của mình trong Tiếng rền của núi:”Tốt nhất là hãy từ bỏ cõi trần gian này khi mọi người còn yêu mến và kính trọng ta”. Với hành trang là nỗi đau thương của một con người lớn lên từ bóng đen của số phận, Kawabata đã bước chân vào con đường của văn học. Từ năm mười ba tuổi, ông đã bắt đầu say mê văn học cổ điển Nhật Bản, chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi cái Đẹp và “nỗi buồn triền miên trong tâm hồn người Nhật”. Ông đắm mình trong cảm thức hoài cổ bằng cách sưu tầm và chép thơ Haiku của Basho, tìm đọc truyện Genji của Murasaki, Sách gối đầu của Sei Shonagon và các tác phẩm văn học cổ điển khác. Trong đó, kiệt tác truyện Genji của nữ sỹ Murasaki có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu đậm đến cảm hứng sáng tác của nhà văn. Kawabata đã khẳng định điều này trong”Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”-bài phát biểu đọc tại lễ trao giải Nobel văn học năm 1968:”Genji Monogatari là đỉnh cao văn xuôi Nhật tất cả mọi thời đại.Cho đến nay chưa có gì sánh ngang nó…Thuở nhỏ, tôi không giỏi tiếng Nhật cổ lắm, nhưng dù sao tôi cũng đọc văn học Heian và tôi rất thích tác phẩm này”. Lên trung học, Kawabata thích trầm tư mặc niệm, ít giao lưu cởi mở với mọi người, chỉ cặm cụi với hàng loạt sách vở mượn từ thư viện.Các tác phẩm văn học Bắc Âu và của các nhà văn thuộc trường phái”Bạch Hoa”-văn phái chủ trương tôn trọng cá tính, đứng trên lập trường chủ nghĩa nhân đạo để nói lên nỗi bất hạnh của người tri thức trong xã hội hiện đại- đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy và văn phong của Kawabata. Ông cũng chịu ảnh hưởng của lối viết Tân Tự Trào- văn phái chủ trương mâu thuẫn của xã hội,dùng lí trí phân tích, mổ xẻ thế giới nội tâm đầy phức tạp bí ẩn của con người.Năm 21 tuổi, Kawabata trúng tuyển vào trường Đại Học Quốc Gia ở Tokyo. Đây là khoảng thời gian say sưa tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng phương Tây như Proust, James Joyce,Anton Chekhov, Lev Tolxtoi... Học đến năm thứ hai, Kawabata cùng các bạn thành lập tạp chí Trào lưu mới. Truyện đầu tiên Lễ chiêu hồn của ông được in trên tạp chí này. Năm thứ ba, ông tham gia Tạp chí Văn Nghệ Xuân Thu,chuyên viết các bài giới thiệu và phê bình văn học.Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, song các bài phê bình của ông đã đạt được phẩm chất đúng đắn và khách quan cần có của các phê bình gia.Năm 25 tuổi, ông bảo về thành công luận án tốt nghiệp Tiểu thuyết Nhật Bản. Sau đó, ông cùng nhà văn Yokomitsu thành lập tạp chí Văn nghệ thời đại-cơ quan ngôn luận của trường phái Tân cảm giác- nhằm thực hiện một cuộc cách mạng đối đầu với làn sóng văn học cách mạng đương thời. Từ năm 1925, ông chuyên tâm sáng tác văn học,và bắt đầu được công nhận từ truyện ngắn Vũ nữ xứ Izu xuất bản năm 1926. Năm 1948,ông được bầu làm chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản.Với sự nghiệp sáng tác đồ sộ và có giá trị to lớn,đặc biệt với bộ ba tác phẩm Xứ Tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố Đô, năm 1968, Kawabata được Viện Hàn Lâm Thụy Điển tặng giải thưởng Nobel Văn học với lời ca ngợi:”vì nghệ thuật viết văn tuyệt vời và tình cảm lớn lao, thể hiện được bản chất và cách tư duy Nhật Bản”. Trăn trở đi tìm, nâng niu trân trọng và phát huy giá trị vĩnh hằng của cái Đẹp Nhật Bản truyền thống đã trở thành đề tài và nguồn cảm hứng vô tận trong những sáng tác của Kawabata. Một cách ngược hướng nhưng đúng đường, trong một kỷ nguyên khi toàn Nhật Bản đang vận động theo xu hướng hòa nhập với văn hóa phương Tây thì Kawabata lại miệt mài, chăm chỉ góp nhặt và gìn giữ vẻ đẹp của văn hóa Nhật Bản. Chính điều đó đã khiến ông trở thành đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng giữ gìn phong cách truyền thống của Nhật Bản, những sáng tác của ông đã trở thành một trong những di sản tinh thần quý báu của nhân loại ở thế kỳ XX. II. BI CẢM TRONG TÁC PHẨM XỨ TUYẾT CỦA KAWABATA Lịch sử văn học thế giới đã khẳng định một quy luật bất biến: Con người là đối tượng trung tâm của sự phản ánh. Nhà văn xây dựng trong tác phẩm hình tượng nhân vật để thể hiện quan niệm về nghệ thuật và lí tưởng của mình về con người cũng như tình cảm, thái độ đối với thế giới hiện thực.Vì vậy, khảo sát về niềm bi cảm trong Xứ Tuyết, chúng tôi đã lựa chọn tuyến ba nhân vật chính của tác phẩm để tiến hành. 1/ Nhân vật lữ khách”trái tim biết aware”: Trong nền văn học Nhật Bản, hình tượng lữ khách từ lâu đã trở nên quen thuộc. Người lữ khách Phù Tang thực hiện những cuộc hành trình tìm đến thiên nhiên không phải để kiếm tìm sự sỡ hữu cõi đời trần tục mà là để thu nhận những giá trị xúc cảm, tinh thần, những phút giây thăng hoa cùng đời sống.Tiếp bước truyền thống lữ nhân của nền văn học dân tộc, Kawabata đã tái hiện trong tác phẩm của mình hình ảnh những con người tuy sống trong thời đại bão táp phương Tây nhưng tâm hồn luôn vang vọng âm thanh của quá khứ ngàn xưa.Như một sự hóa thân, các nhân vật nam hoặc giữ vai trò quan trọng trong tác phẩm của ông đều là những người lữ khách với tâm hồn tràn ngập u sầu đi tìm cái Đẹp. Người lữ khách trong tiểu thuyết của Kawabata hầu như không thật sự viễn du bằng phương tiện di chuyển như tàu, xe…mà chủ yếu thực hiện cuộc hành trình trong tâm tưởng bằng dòng hồi ức và những suy niệm triền miên trong sâu thẵm tâm hồn. Đối với họ, sự di chuyển trong không gian địa lý thực chất là nguyên nhân khởi phát sự vận động tinh thần trong tâm hồn. Shimamura trong Xứ Tuyết ngay cả khi chưa cất bước lên đường đến vùng băng tuyết xa xôi thì anh đã là một người lữ khách đích thực. Ở đầu tác phẩm, anh đã được miêu tả là một người đàn ông trung niên giàu có và nhàn rỗi.Say mê nghệ thuật múa phương Tây, song thời sinh viên, anh đặc biệt yêu thích vũ đạo và kịch câm Nhật,nghiên cứu rất nhiều khuynh hướng, tài liệu, cả cổ điển lẫn hiện đại.Chẳng bao lâu, cảm hứng của anh lại chuyển hướng sang bale và thậm chí cả nghiên cứu văn học. Một con người có vẻ đam mê quá nhiều thứ và cũng nhanh chóng chán nản quá nhiều thứ.Nhưng, cái khiến anh thay đổi không phải là bản thân các môn nghệ thuật ấy mà là hiện trạng phát triển của chúng:”Với kiến thức phong phú, chỉ ít lâu sau, anh cảm thấy đôi chút đắng cay về sự suy tàn của một truyền thống quá già cỗi và đã trở nên cũ kĩ nhưng anh cũng không thể đồng ý với những mưu toan không thể chấp nhận của những nhà cách tân giả hiệu, mà các sáng kiến của họ cốt chỉ để chiều lòng người xem”. Qúa trình học hỏi, đam mê như con ong cần mẫn trong vườn hoa đầy sắc màu nghệ thuật ấy chính là hành trình đi tìm vẻ đẹp đích thực của Shimamura. Chàng lữ khách ấy đã hồ hởi đi tìm vẻ đẹp tao nhã thuần khiết ấy và rồi thất vọng khi nhận ra sự úa tàn, phôi pha. Tâm hồn chàng không tránh khỏi những bi cảm đau buồn, u sầu. Ba lần du ngoạn về Xứ Tuyết là ba lần không chỉ xê dịch về không gian địa lý mà còn hàm chứa ý nghĩa tinh thần, chàng Shimamura đã thật sự có được một cuộc hành trình viễn du của tâm hồn. Chính vẻ đẹp trinh bạch của thiên nhiên là nguyên nhân thôi thúc anh cất bước rời khỏi Tokyo hoa lệ để đáp chuyến tàu xuyên suốt một vùng núi tuyết. Chỉ có ở xứ Tuyết, Shimamura mới cảm thấy sự ngưng đọng trong tâm hồn “yên lặng và bình yên như một bản Thánh ca”. Anh đã từng thú nhận”niềm thương nhớ huyền bí về những đỉnh núi cao”luôn ám ảnh một cảm giác tận sâu trong tâm thức âm vang tiếng gọi sâu thẳm của những đỉnh núi ngàn năm tuyết phủ. Dường như sự mong manh, phai tàn của những kiếp phù sinh đã gây nên không ít những đợt sóng lòng cho các nhân vật đặc biệt là chàng Shimamura . Chàng dễ dàng để cõi lòng dâng tràn một niềm thương cảm sâu xa khi nhìn thấy bên cửa sổ một bông hoa cúc trắng héo úa vì lạnh hay chạnh lòng trước những cánh bướm mùa hạ run rẩy trong làn gió thu.Nhưng trong anh đồng thời cũng trào dâng một niềm sung sướng mênh mông khi nhìn thấy màu xanh non của cây cối đang đâm chồi nảy lộc trên sườn múi, cũng như ngắm mãi không biết chán những thảm hoa trắng rực rỡ trong sương mai.Với tâm hồn nhạy cảm, anh lắng nghe trong sự yên tĩnh của đất trời dường như đang tuôn chảy từng giọt mát mẻ và êm đềm của xứ Tuyết rầm rì. Hành hương lên xứ tuyết, mong tìm gặp vẻ đẹp trinh nguyên thuần khiết mà ở Tokyo hoa lệ, anh không thể tìm thấy.Nhưng trong những bước đi chập chững ban đầu, còn vương vất nhiều bụi trần, nên thước đo đánh giá của Shimamura chưa thể xác định được đâu là vẻ đẹp đích thực. Anh sa vào tình cảm với Komako”chỉ để tiêu khiển và không muốn dây dưa phiền toái” như tất cả những khách làng chơi khác. Rồi Yoko xuất hiện.Shimamura chơi vơi giữa hai cô gái ấy, tâm hồn anh bị giằng xé bởi những xúc cảm thân xác và một tình yêu lý tưởng. Và như một quy luật tất yếu, vẻ đẹp thanh cao, thánh thiện của nàng Yoko đã thức tỉnh, khiến anh ngày một xa cách với Komako. Đến khi Yoko chết trong đám cháy, Shimamura ngẩng đầu nhìn trời và”dảy ngân hà trôi tuột vào anh một tiếng gầm dữ dội”. Vẻ đẹp linh thiêng của dãy ngân hà đã hóa thân vào anh trong giây phút đốn ngộ.Từ say mê Komako đến ngưỡng vọng Yoko , nhận thức của Shimamura đã thực hiện một bước chuyển dài từ ngộ nhận đến minh triết về bản chất cái Đẹp.Đó là một quá trình thức tình không dễ dàng, phải trải qua nhiều dằn vặt đau đớn và lầm lạc mới có thể vươn đến sự thanh lọc trong tâm hồn. 2/Nhân vật người phụ nữ - Đối tượng khơi gợi aware: Có hai điểm độc đáo trong cách xây dựng nhân vật nữ của Kawabata. Thứ nhất những người phụ nữ hiện lên dưới ngòi bút của nhà văn duy mỹ này phần lớn là những cô gái trẻ trinh trắng. Điểm độc đáo thứ hai là khắc họa bề ngoài của các nhân vật, ông không đi theo trình tự theo kiểu cơ thể học mà chỉ đi theo các nét chấm phá độc đáo. Với Xứ Tuyết, Komako có lẽ là người đẹp để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc. Nàng mang một vẻ đẹp rực rỡ,khỏe mạnh với bộ ngực đầy đặn , cái cổ trinh bạch, đôi vai mảnh dẻ, mái tóc đen sâu thẵm, sống mũi cao thanh tú, đôi môi đỏ mọng…Ở nàng toát lên vẻ tươi mát, trinh bạch đến độ ngay lần đầu tiên Shimamura đã sững sờ tự hỏi phải chăng:”sự tinh khiết ấy chỉ là ảo ảnh vì mắt anh hãy còn bị chói bởi ánh sáng rực rỡ của mùa xuân vừa chớm đến vùng núi”. Song vẻ ngoài để lại ấn tượng mạnh mẽ của nàng chính là làn da- một làn da mịn màng, hồng hào. Và đặc biệt hấp dẫn khêu gợi là khoảng da lưng đỏ ửng hiện ra dưới lớp kimono hơi hở ra:”Gáy cô và làn da ở đó trông thật khêu gợi và khi tương phản với mái tóc đen sẫm, da thịt cô chỗ ấy càng làm anh thèm muốn. Trong cơn thèm khát rạo rực cháy bỏng, anh tưởng như cô đang khỏa thân trước mặt anh”. Ở cô, toát lên một vẻ đẹp gần như là khêu gợi khiến Shimamura không thể kiềm nén được những bản năng rất người của mình. Nhưng dù rất mực tài hoa và xinh đẹp, dù tâm hồn tinh khiết như sương mai trên đỉnh núi tuyết, Komako lại là một người con gái có số phận vô cùng bất hạnh. Sinh ra ở xứ tuyết, nàng sớm phải sống tha hương. Nàng lên Tokyo làm geisha và mau chóng tìm được người bảo trợ. Khi người ấy chết, Komako trở về xứ tuyết, sống trong căn nhà của bá giáo dạy nhạc.Để trả ơn bà và có tiền trang trỉa cho Yukyo- con trai bà –nàng quyết định bán mình làm geisha chính thức.Trong thân phận của một vũ nữ, nàng ý thức rất rõ mối quan hệ giữa khách và geisha chỉ là chuyện chốc lát, không có gì ràng buộc và không có ngày mai.Những lữ khách đến rồi lại đi.Geisha chỉ là một bến tạm,một quán trọ mà trên đường du lãng, người lữ khách tìm thấy để dưng chân và nghỉ ngơi đôi chút.Trong tận đáy lòng mình,nàng vẫn biết tình yêu đích thực chỉ là một ảo vọng. Âý vậy, mà nàng vẫn yêu và khao khát một tình mối quan hệ bền chặt, sâu đậm và nồng nàn. Komako yêu mà không cần đến sự đền đáp nào từ Shimamura, dù nàng vẫn hiểu rằng chàng cũng chỉ là một lữ khách đến để rồi đi, gặp gỡ để rồi li biệt. Tình yêu của nàng côi cút, tội nghiệp đến bi thương. Nàng đếm từng ngày để được gặp Shimamura :”Đó là hôm hai mươi ba tháng năm. Hôm nay là ngày một trăm chin mươi chin ngày.” Và dù anh chẳng một lần viết thư cho nàng, không đến thăm cũng chẳng gởi cho nàng bất kỳ tài liệu nào về kỹ thuật múa như anh đã húa, dù anh chẳng bao giờ quay về xứ tuyết để thăm nàng. Nhưng chỉ cần anh cho gọi, quên ngay mọi giận hờn, nàng lập tức đến ngay và khi nhìn thấy anh”gương mặt đánh phấn đậm theo kiểu geisha lập tức đầm đìa nước mắt”. Biết rằng chẳng thể nào níu kéo nổi trái tim của chàng tài tử Shimamura, Komaro chỉ biết sống hết mình cho hôm nay, chẳng ước mong, kỳ vọng gì. Cuối cùng, dường như chỉ có nỗi cô đơn,trống trải ở lại bên nàng.Số phận của nàng như những con tằm và cánh bướm đêm. Dù ngón đàn của nàng có tuyệt kỷ đến đâu, dù tình yêu nồng nàn nàng dành cho Shimamura có lớn lao, sâu sắc đến đâu cuối cùng cũng đều tan biến như thân xác nàng và hàng triệu người khác trên cõi vô thường này. Bên cạnh Komako,Xứ Tuyết còn có một người đẹp nữa, đó là Yoko, một người đẹp mang dáng vẻ huyền bí xa xôi,Từ gương mặt, mái tóc..đến cử chỉ, lối hành xử của nàng đều đẹp một vẻ cổ điển.Khuôn mặt nàng đầy gợi cảm, nữ tính. Và mắt nàng”con mắt rực sáng lênh đênh trên đại dương đêm tối và trên những con sóng xô nhanh của các núi non”.là cả một thế giới hư ảo, mê hoặc lạ thường. Nàng dịu dàng mà sâu sắc, nghiêm túc nhưng vẫn phải lôi cuốn. Lối hành xử và lời nói của nàng luôn mang một dáng vẻ nghiêm trang quý phái. Lúc nào, Yoko cũng cư xử với Shimamura như đối với một người khách lạ: chuẩn mực, cung kính, song cũng rất mực lạnh lùng, xa cách. Khi Yukio hấp hối, nàng tìm đến nài nỉ,Komako về gặp mặt người sắp chết lần cuối.Trong lúc giằng co,Shimamura bảo nàng về trước”Yoko gật đầu không nói một lời rồi nàng bước đi rất nhanh, để Shimamura đứng đó, sửng sốt tự hỏi tại sao bao giờ nàng cũng biết điều đến thế, nghiêm túc đến thế” Ở Yoko toát lên một vẻ đẹp đầy nữ tính.Nàng mang trong mình trái tim ấm áp,dịu dàng của một người mẹ.Tình cảm nàng dành cho chàng trai yểu mệnh chu đáo đến mức Shimamura tưởng nhầm họ là vợ chồng. Nhưng rõ ràng tình cảm ấy thiêng liêng hơn tựa hồ như tình mẩu tử.Shimamura yêu nàng nhưng không cách nào đến gần được nàng, có một khoảng cách gì đó thật xa vời. Song, giống như Komako, số phận Yoko cũng chẳng may mắn hơn. Sau khi Yukio qua đời, Yoko sống cô độc, khép chặt cánh cửa lòng để rồi cuối cùng,cái chết trong lửa đỏ đã kết thúc tất cả những khổ đau trong nàng. 3/ Kết luận: Aware là một trong những khái niệm cơ bản của văn hóa- văn học Nhật Bản.Kế thừa, tiếp nối và sáng tạo truyền thống này, Kawabata dường như muốn gởi gắm một thông điệp: Cái Đẹp thì vĩnh cữu nhưng hiện thân của nó giữa đời thì vô cùng mong manh,dễ dàng mất đi, vì thế, muốn cứu cánh cái Đẹp khọi sự hủy diệt có lẽ không cách nào hơn một trái tim biết xúc cảm, một tâm hồn tinh tế, biết nâng niu trân trọng mọi vẻ đẹp hiện hữu xung quanh.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan