Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm khí nhạc việt nam...

Tài liệu Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm khí nhạc việt nam

.PDF
24
152
142

Mô tả:

1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mối quan hệ giữa phổ quát và đặc thù ngày càng đa dạng, phức tạp, việc nghiên cứu bản sắc văn hóa là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc trong âm nhạc không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc, mà còn thể hiện sự giao lưu, đặc biệt là giao lưu văn hóa đương đại. Thông qua sự giao lưu này, bạn bè quốc tế có thể hiểu được văn hóa Việt Nam nói chung, âm nhạc Việt Nam nói riêng. Quá trình hội nhập là cơ hội để chúng ta có thể giới thiệu âm nhạc Việt Nam, các tác phẩm piano Việt Nam ra thế giới. Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển, khí nhạc Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Việc nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong các tác phẩm âm nhạc Việt Nam viết cho piano, góp phần tạo ra sản phẩm văn hóa mới, làm phong phú cho kho tàng văn hóa âm nhạc nước nhà, xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết V khóa VIII (năm 2008) Trung ương Đảng đã đề ra… Đó là lý do NCS chọn đề tài “Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam (trường hợp piano)” làm luận án tiến sĩ ngành Văn hóa học. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu, sách cũng như những bài viết của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà nghiên cứu âm nhạc có liên quan đến đề tài của luận án. Những nghiên cứu của những người đi trước là nguồn tham khảo quan trọng và quý giá, giúp cho chúng tôi có được những nội dung khoa học, những thông tin thiết thực và bổ ích, mở ra những hướng tiếp cận phù hợp với việc nghiên cứu, trình bày luận án, giúp chúng tôi có thể đạt được mục tiêu nghiên cứu của mình. Chúng tôi phân lịch sử nghiên cứu vấn đề thành hai mảng nội dung chính, gồm sách của các nhà nghiên cứu về văn hóa và sách của các nhà nghiên cứu về âm nhạc. a. Sách của các nhà nghiên cứu về văn hóa Trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (2002), (Thiên thứ tư, mục XI. Nghệ thuật), tác giả Đào Duy Anh có nói đến âm nhạc truyền thống với các đặc điểm về tính chất âm nhạc, hệ thống nhạc khí, biên chế dàn nhạc, âm luật của triều Lý, của đời Hồng Đức. Theo tác giả Đào Duy Anh, đặc điểm của “nhạc ta” là thiên về những bài tiết âm, về nhịp phách. Tác giả đã đặt vấn đề để có thể phát triển khí nhạc ở nước ta là: (1) tách âm nhạc với xướng ca; (2) áp dụng khoa học trong xác định các âm, phương pháp ghi chép bài nhạc; (3) thay đổi, cải tiến nhạc khí (cho phù hợp). Trong “Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm” (2003), tác giả Trần Quốc Vượng đã đưa ra ba mô hình âm nhạc Việt Nam gồm các luận điểm: (1) “Văn hóa nghệ thuật, trong đó có âm nhạc diễn tiến trên nền tảng lịch sử - xã hội... Diễn tiến 2 văn hóa – nghệ thuật vừa liên tục vừa gián đoạn, vừa chuyển (thay đổi “mô hình”) vừa tiếp (trong quá trình hình thành và định hình một mô hình, trong sự bảo lưu một số một số tồn tích của mô hình cũ đã giải thể cấu trúc)”; (2) “Mô hình âm nhạc” là một cấu trúc, bao hàm một số thành tố cơ bản, là mẫu số chung của ứng xử văn hóa, ứng xử âm thanh, ứng xử tạo hình... được gói ghém (cấu trúc hóa) và biểu lộ (triển khai) ở dạng biểu trưng (bao gồm “mã” (code), “chuẩn mực” (normes), “biểu tượng” (symboles), “giá trị” (valeurs), ở âm nhạc có thể hiểu là “tiết tấu”, “giai điệu”, “khúc thức”...). Đó là cách suy tư, cách (cái) nhìn, cách nghe, cách cảm thụ thế giới của một thời đại, một dân tộc, một trường phái, thậm chí một tác giả... được xây dựng trên toàn bộ dữ kiện của đời sống vật chất và tinh thần”; (3) Theo tác giả, âm nhạc Việt Nam - lịch sử âm nhạc Việt Nam có thể sắp xếp theo ba mô hình: mô hình Đông Sơn hay mô hình Trống Đồng, có đặc điểm là tiết tấu, theo sát tự nhiên; mô hình Đại Việt hay mô hình Bát âm, có đặc điểm là hòa tấu, “bát âm”; mô hình hiện đại hay mô hình nhạc viện (khoa học, hiện thực) có đặc điểm là nảy sinh từ một xã hội Pháp hóa và chống Pháp hóa, bước đầu của một sự đảo lộn, xáo trộn lối sống cổ truyền Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX. Âm nhạc Pháp và phương Tây tràn vào đô thị và bắt đầu ảnh hưởng đến lớp thị dân Việt Nam. Một nền âm nhạc mới, “hiện đại”, hay đúng hơn, một nền âm nhạc khác, ra đời... và hôm nay, nó còn đang trong cơn trăn trở, chuyển mình để hội nhập cái truyền thống và cái cách tân, cái tinh túy nhạc Đông cả cái tinh túy nhạc Tây. Trong "Âm nhạc Việt Nam từ góc nhìn văn hóa" (2005), ở phần thứ nhất – Một dòng chảy (Bản sắc Việt Nam), tác giả Dương Viết Á đã khẳng định sự tồn của nền âm nhạc Việt Nam tồn tại trường kỳ lịch sử, thể hiện qua các tác phẩm âm nhạc, hệ thống nhạc khí, hình thức ứng diễn, ứng tác, biểu diễn, trình độ và thị hiếu thưởng thức... và cao hơn, là những chuẩn mực thẩm mỹ âm nhạc. Tác giả đã dành phần lớn công trình viết về âm nhạc Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX với “hai điểm sáng” là âm nhạc sân khấu cải lương và trào lưu tân nhạc. Tác giả Trần Ngọc Thêm đã xếp âm nhạc thuộc nghệ thuật thanh sắc trong “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (2006). Theo tác giả, nghệ thuật thanh sắc Việt Nam mang các đặc tính: tính biểu trưng; tính biểu cảm; tính tổng hợp và tính linh hoạt. Tính biểu trưng thể hiện trước hết ở nguyên lý đối xứng, hài hòa, được thực hiện bằng các thủ pháp ước lệ và thủ pháp mô hình hóa. Tính biểu trưng, ước lệ này của Việt Nam nói riêng, của phương Đông nói chung vẫn có thể dung hợp với văn hóa phương Tây. Tính biểu cảm thể hiện trong âm nhạc nói chung, trong các làn điệu dân ca Việt Nam nói riêng đều chú trọng về diễn tả tình cảm nội tâm, trữ tình, tốc độ chậm, luyến láy, gợi nên tình cảm quê hương với những nỗi buồn man mác (âm tính). Tính tổng hợp thể hiện trong sự kết hợp các loại hình ca, múa, nhạc, kịch – tất cả đều có mặt đồng thời trong một vở diễn, một đêm diễn, một đoạn diễn. Tính linh hoạt thể hiện trong diễn tấu nhạc truyền thống, các nhạc công 3 có thể bộc lộ hết tài năng của mình, chỉ đàn theo quy định, bắt đầu và kết thúc giống nhau. b. Sách, công trình của các nhà nghiên cứu về âm nhạc Tác giả Trần Vân Anh, “Tìm hiểu cách sử dụng hòa âm trong các tác phẩm piano độc tấu của các tác giả Việt Nam” (1997), (Luận văn Thạc sĩ nghệ thuật học, Nhạc viện Tp. HCM). Đây là công trình chuyên sâu về âm nhạc học. Trên cơ sở lý thuyết hòa âm trong âm nhạc cổ điển châu Âu, tác giả đã xem xét hòa âm trong các tác phẩm piano Việt Nam về các mặt: (1) thang âm điệu thức; (2) cấu trúc hợp âm, chồng âm; (3) các thủ pháp hòa âm. Tác giả Hoàng Hoa, “Một số yếu tố biểu hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác cho piano của nhạc sỹ Việt Nam” (1997), (Luận văn Thạc sĩ nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội). Tác giả đã xem xét, xác định một số tác phẩm piano của các tác giả Việt Nam về các mặt: (1) Chất liệu dân ca trong các tác phẩm cho piano (chương 1) và (2) Thang âm điệu thức và hòa âm (chương 2). Tác giả Trịnh Hoài Thu, “Nghiên cứu ảnh hưởng của âm nhạc dân gian trong tác phẩm khí nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX” (2010), (Luận án Tiến sĩ văn hóa học Viện Văn hóa, Hà Nội). Tác giả nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển khí nhạc mới Việt Nam, vai trò của âm nhạc dân gian và xu hướng sử dụng chất liệu dân gian trong các tác phẩm thính phòng, giao hưởng Việt Nam, bao gồm các tác phẩm viết cho nhiều loại nhạc khí khác nhau nhằm mục đích hệ thống những kinh nghiệm sáng tác khí nhạc mới của các nhạc sỹ Việt Nam thế kỷ XX. Ngoài ra, chúng tôi còn kế thừa thành quả các nghiên cứu trước, như nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của âm nhạc Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử trong “Lược sử âm nhạc Việt Nam” (1993) của tác giả Nguyễn Thụy Loan; những nghiên cứu về các nhạc khí dân tộc trong âm nhạc truyền thống Việt Nam của các tác giả Lê Huy – Huy Trân, của tác giả Võ Thanh Tùng; những nghiên cứu về dân ca Việt Nam của tác giả Tú Ngọc cùng với các công trình, thành quả nghiên cứu của các tác giả Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Xinh... 3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu Mục đích nghiên cứu: Từ góc nhìn văn hóa học, mục đích nghiên cứu của chúng tôi là làm rõ bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong các tác phẩm khí nhạc viết cho piano của các tác giả Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu: Bản sắc dân tộc, cụ thể là các yếu tố tạo nên bản sắc dân tộc Việt trong các tác phẩm khí nhạc Việt Nam viết cho piano. Phạm vi nghiên cứu: Các tác phẩm khí nhạc Việt Nam viết cho piano có chất liệu nguồn bảo đảm thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Chất liệu nguồn là âm nhạc truyền thống Việt Nam: dân ca, âm nhạc thính phòng, âm nhạc trong sân khấu dân gian và âm nhạc trong các điệu múa dân gian. Do tính 4 chất, yêu cầu của nội dung và đối tượng nghiên cứu, chúng tôi tiến hành hạn giới hạn dân ca dùng làm chất liệu nguồn là dân ca cổ truyền, chủ yếu là những bài hát dân ca ba miền Việt Nam. Luận án có sử dụng một số tác phẩm piano của các tác giả nước ngoài để đối chiếu. Luận án không đề cập đến các tác phẩm của các tác giả là Việt kiều hiện đang định cư tại nước ngoài. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp hệ thống - cấu trúc: chúng tôi xem văn hóa như một hệ thống lớn và âm nhạc là một thành tố trong hệ thống cấu trúc ấy. Đồng thời, bản thân âm nhạc lại trở thành một hệ thống - cấu trúc nhỏ hơn, bao gồm nhiều yếu tố trong hệ thống của mình. Phương pháp thống kê: thông qua các tác phẩm được khảo sát, chúng tôi thống kê các yếu tố thể hiện bản sắc được các tác giả vận dụng. Phương pháp quan sát tham dự và phỏng vấn sâu: bên cạnh nguồn tư liệu tham khảo, chúng tôi đã tham dự các buổi chuyên đề về âm nhạc, các buổi biểu diễn âm nhạc piano; đồng thời có các cuộc phỏng vấn các tác giả trong sáng tác âm nhạc truyền thống, tác giả sáng tác cho piano, các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống, các nghệ sĩ biểu diễn piano. Phương pháp so sánh: so sánh một số yếu tố đặc trưng trong các tác phẩm piano Việt Nam với các tác phẩm piano của các nhạc sỹ nước ngoài ở các mặt như cấu trúc âm nhạc trong xây dựng bè giai điệu, hợp âm bè đệm, kỹ thuật diễn tấu nhạc khí... nhằm làm nổi bật lên bản sắc văn hóa dân tộc trong các tác phẩm viết cho piano của các tác giả Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn vận dụng kiến thức của chuyên ngành âm nhạc như lý thuyết âm nhạc, kỹ thuật diễn tấu nhạc khí... để có thể làm rõ hơn bản sắc dân tộc trong tác phẩm khí nhạc piano Việt Nam. 5. Kết quả và đóng góp mới của luận án (1) Luận án khảo sát, tổng hợp các yếu tố hình thành bản sắc dân tộc trong nghệ thuật truyền thống, trong âm nhạc truyền thống, từ đó phác họa quá trình tiếp cận, vận dụng các yếu tố bản sắc trong sáng tác các tác phẩm cho piano của các nhạc sỹ Việt Nam. (2) Luận án định dạng và nhận biết những yếu tố tạo nên bản sắc dân tộc trong các tác phẩm khí nhạc viết cho nhạc khí piano của các tác giả Việt Nam. Những yếu tố này đã và đang chi phối nghệ thuật sáng tạo, xây dựng các tác phẩm viết cho piano của các nhà soạn nhạc Việt Nam. (3) Kết quả nghiên cứu của công trình góp phần định hướng chuyên ngành sáng tác, biểu diễn piano cũng như nghiên cứu âm nhạc ở Việt Nam. Về giá trị thực tiễn: (1) Luận án hệ thống hóa các yếu tố thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong các sáng tác cho piano của các tác giả Việt Nam. Những thuận lợi và khó khăn trong việc thể hiện bản sắc trong các tác phẩm piano Việt Nam. (2) 5 Luận án góp phần làm rõ hơn vai trò, giá trị của khí nhạc Việt Nam nói chung, của piano nói riêng; góp một phần nào đó vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng mang bản sắc Việt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. (3) Luận án có thể được sử dụng như tài liệu tham khảo để giảng dạy âm nhạc, nhất là bộ môn sáng tác âm nhạc tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cũng như các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước, cho các công trình liên quan. 6. Kết cấu luận án: Ngoài phần Mở đầu và Phụ lục, luận án có 3 chương: Chương 1 (39 trang) Cơ sở Lý thuyết và hướng tiếp cận, bao gồm (1) Văn hóa và nhận diện bản sắc văn hóa trong nghệ thuật Việt Nam; (2) Âm nhạc và nhận diện bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống; (3) Nhận diện bản sắc văn hóa trong tác phẩm piano Việt Nam Chương 2 (70 trang) Bản sắc dân tộc qua kí hiệu và cấu trúc âm nhạc trong các tác phẩm piano Việt Nam, bao gồm (1) Nhận diện bản sắc dân tộc qua tiêu đề và kí hiệu nhịp điệu, nhịp độ; (2) Nhận diện bản sắc dân tộc qua cấu trúc âm nhạc Chương 3 (41 trang) Kỹ thuật diễn tấu piano theo phong vị nhạc khí truyền thống Việt Nam, bao gồm (1) Khả năng biểu đạt các yếu tố bản sắc của nhạc khí piano; (2) Kỹ thuật diễn tấu piano theo phong vị nhạc khí truyền thống Việt Nam. CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ HƯỚNG TIẾP CẬN Lý thuyết chuyên ngành văn hóa học và các liên ngành âm nhạc học, lịch sử là cơ sở khoa học của luận án. 1.1. Bản sắc văn hóa và nhận diện bản sắc văn hóa trong nghệ thuật Việt Nam 1.1.1. Nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam Văn hóa là sản phẩm vật chất và tinh thần của con người, do con người sáng tạo. Chính văn hóa đã tạo cho con người sự khác biệt với các động vật khác. Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, phát triển kinh tế xã hội đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đã trở thành vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là vấn đề của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận về bản sắc văn hóa. Theo tác giả Hà Văn Tấn, văn hóa gắn liền với môi trường tự nhiên, không thể tách rời khỏi môi trường tự nhiên; đồng thời văn hóa gắn liền với ứng xử (ứng xử với thiên nhiên và xã hội). Cùng với môi trường tự nhiên và ứng xử, văn hóa cũng biến đổi bởi phụ thuộc vào lịch sử. Tác giả Phạm Đức Dương áp dụng cấu trúc ký hiệu để phân xuất cấu trúc văn hóa và chia cấu trúc văn hóa thành hai bậc: cấu trúc bề mặt (biểu tầng) và cấu 6 trúc chiều sâu (cơ tầng). Cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu có mối quan hệ tương tác nhau. Cấu trúc chiều sâu giữ vai trò quan trọng trong định hướng và điều chỉnh những biến đổi trên bề mặt. Đồng thời, sự biến đổi các yếu tố trên bề mặt sẽ thẩm thấu, tác động đến cấu trúc chiều sâu, làm cấu trúc chiều sâu biến đổi. Tác giả Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra việc nhận diện một giá trị văn hóa có đặc trưng bản sắc hay không dựa vào ba dấu hiệu: (a) Là một giá trị tinh thần đã tồn tại tương đối lâu dài; (b) Có tác dụng chi phối các đặc điểm khác của văn hóa (các cách ứng xử và hoạt động, các giá trị vật chất); (c) Nằm trong hệ thống các đặc trưng bản sắc, có tác dụng khu biệt nền văn hóa đó. Việt Nam có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Trong lịch sử của mình, bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện thông qua những yếu tố ổn định, ít biến đổi. Những yếu tố này trải qua quá trình giao lưu tiếp biến đã tự điều chỉnh, biến đổi, giúp cho văn hóa Việt Nam có được diện mạo mới mà vẫn giữ được bản sắc của mình. Sự biến đổi, tự điều chỉnh ấy được vận hành thành công bởi văn hóa Việt Nam là một “hệ thống mở” gồm nhiều cơ tầng có liên quan tới những đợt tiếp xúc với những nền văn hóa bên ngoài. Bản sắc văn hóa theo các nhà nghiên cứu có những điểm tương đồng, thống nhất: là hệ thống các giá trị đặc trưng, tồn tại lâu bền trong truyền thống văn hóa dân tộc; thông qua các sắc thái, cách biểu hiện có tác dụng khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác và bản sắc văn hóa có thể biến đổi. Bản sắc văn hóa Việt Nam được nhận diện trên ba đặc thù là: (1) Văn hóa và môi trường tự nhiên; (2) Văn hóa và môi trường xã hội; (3) Bản sắc văn hóa dân tộc cũng thay đổi. 1.1.2. Nhận diện bản sắc văn hóa trong nghệ thuật Việt Nam Từ các đặc thù để nhận diện bản sắc văn hóa: văn hóa và môi trường tự nhiên, văn hóa và môi trường xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc cũng thay đổi, chúng tôi tìm hiểu sự ảnh hưởng của nó đến nghệ thuật Việt Nam nói chung, đến âm nhạc Việt Nam nói riêng. Môi trường tự nhiên: Văn hóa Việt Nam với chủ thể là người Việt (Kinh) chiếm đa số phải chịu tác động, chi phối của đặc điểm nơi cư trú, của vị trí địa lý thấp dần theo hướng Đông - Nam, từ vùng đồi núi đến vùng đồng bằng sông nước và vùng ven biển. Người Việt là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xảy ra bão lụt. Những đặc điểm điều kiện tự nhiên đã gây nên những khó khăn cho cuộc sống con người, do đó cách ứng xử với môi trường tự nhiên của cư dân Việt là tôn trọng thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên. Đặc thù này dẫn đến đặc điểm uyển chuyển linh hoạt trong nghệ thuật. Môi trường xã hội: Là cư dân của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt có quan hệ định cư co cụm theo xóm, làng. Làng người Việt giữ vai trò quan trọng trong xã hội. Ngoài nông nghiệp, vai trò quốc gia của công thương đều 7 được bắt đầu từ làng, đó là các làng nghề, là các trung tâm kinh tế. Các cơ sở này đã tạo nên đặc trưng kinh tế của làng Việt Nam. Làng không chỉ đóng vai trò quan trọng về kinh tế, thông qua tôn giáo, thầy đồ, các nhà sư... làng còn là nơi giáo dục con người, cung cấp những người tài giỏi, trí thức cho quốc gia. Việt Nam là nơi giao lưu của hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Ngay từ xa xưa, Việt Nam đã luôn phải đụng độ, hứng chịu bởi xu hướng bành trướng của người Hán; luôn bị đe dọa bởi các cuộc xâm lược của các thế lực bên ngoài. Trong các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc ấy, người Việt Nam luôn ở thế phòng thủ. Đặc thù này dẫn đến đặc điểm đề tài trong nghệ thuật là cuộc sống lao động nông nghiệp, hòa bình. Bản sắc văn hóa dân tộc cũng thay đổi: Sự giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau đã làm biến đổi văn hóa Việt Nam. Trong lịch sử hình thành và phát triển, nước ta đã trải qua hai lần tiếp xúc và biến đổi mô hình văn hóa. Lần tiếp xúc thứ nhất là tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa. Sự tiếp xúc này đã góp phần tạo nên mô hình văn hóa dân tộc mô phỏng theo mô hình văn hóa Trung Hoa nhưng mang bản sắc Việt Nam, khu biệt với văn hóa Hán. Người Việt đã bản địa hóa mô hình văn hóa Hán và cả văn hóa Ấn Độ, đồng thời tích hợp văn hóa Phù Nam, văn hóa Champa là các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, để xây dựng nền văn hóa dân tộc gồm hai dòng: văn hóa bác học (mô phỏng theo mô hình văn hóa Trung Hoa) và văn hóa dân gian. Hai dòng văn hóa này có mối quan hệ tương tác trong một thể thống nhất. Lần tiếp xúc thứ hai là tiếp xúc với văn hóa phương Tây (từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945) thông qua văn hóa Pháp. Lần tiếp xúc này đã góp phần hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Sự mô phỏng mô hình văn hóa phương Tây được thể hiện bằng cách du nhập các yếu tố từ nền văn hóa Pháp - văn hóa phương Tây và biến đổi chúng bằng cách Việt hóa các yếu tố đó. Đặc thù này đã dẫn đến đặc điểm nghệ thuật Việt Nam là tiếp nhận các yếu tố mới và xử lí Việt hoá các yếu tố mới. 1.2. Âm nhạc và nhận diện bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống 1.2.1. Âm nhạc Từ điển Encyclopedia of Cultural Anthropology định nghĩa âm nhạc gồm các ý chính như sau: âm nhạc phải được vang lên thông qua hai phương thức biểu đạt là thanh nhạc và khí nhạc; thành phần tham gia thể hiện có thể từ một người đến rất nhiều người, các tác phẩm có độ dài ngắn khác nhau; thang âm có thể là dãy âm bồi tự nhiên hoặc là sáng tạo riêng; sáng tạo âm nhạc có thể là ngẫu hứng hoặc liên quan đến một mục đích cụ thể; âm nhạc tồn tại trong trí tưởng tượng của cá nhân hoặc được nhận biết bởi số đông công chúng; âm nhạc phản ánh cuộc sống, lao động sản xuất và sinh hoạt của con người. 8 Thanh nhạc (hay còn gọi là nhạc hát), là tác phẩm được thể hiện bằng giọng người. Thanh nhạc có mối quan hệ chặt chẽ với ngôn từ; vì thế thanh nhạc được coi là loại hình nghệ thuật tổng hợp của âm nhạc (giai điệu) và thi ca. Khí nhạc (danh từ), theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê: (1) Âm nhạc do nhạc khí phát ra; phân biệt với thanh nhạc. (2) Nhạc sáng tác cho một loại nhạc khí hoặc cho một loại dàn nhạc. Các tác phẩm viết cho nhạc khí diễn tấu được gọi là tác phẩm khí nhạc. (Ngoài ra, người ta còn gọi là “âm nhạc không lời” hoặc “nhạc đàn”). Nhạc khí (nhạc cụ) là các phương tiện để biểu hiện âm nhạc. 1.2.2. Nhận diện bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống Nghiên cứu về những giai đoạn chính của lịch sử và hình thành âm nhạc Việt Nam, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như các nhà nghiên cứu âm nhạc đều có những điểm tương đồng khi đưa ra những “mô hình”, những giai đoạn của âm nhạc truyền thống Việt Nam tương ứng với tiến trình văn hóa theo các lớp thời gian. Theo tác giả Thụy Loan, âm nhạc truyền thống Việt Nam được phân chia thành ba giai đoạn với các đặc điểm: (a) Âm nhạc thời kỳ bắt đầu dựng nước và giữ nước (từ thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ thứ X): là âm nhạc của lớp văn hóa bản địa, đã đặt nền móng cho sự phát triển của nền âm nhạc dân tộc. Đặc điểm chủ đạo âm nhạc thời kỳ này là sự vượt trội của nhạc khí thuộc bộ gõ so với các loại nhạc khí khác. (b) Âm nhạc thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX): âm nhạc từ thế kỷ X đến thế kỷ XV có những biến chuyển mới phù hợp với những thay đổi về chính trị và xã hội. Từ thời Lý, âm nhạc Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu sự phân hóa của hai dòng âm nhạc là âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình. Âm nhạc Việt Nam không chỉ giao lưu, tiếp xúc với âm nhạc từ Trung Hoa, mà còn giao lưu, tiếp xúc với âm nhạc từ Ấn Độ. Về nhạc khí, thời kỳ này ngoài các nhạc khí truyền thống đã được sử dụng, còn xuất hiện các nhạc khí có xuất xứ từ nước ngoài như đàn nguyệt, tỳ bà, phách bản (từ Trung Quốc); trống tầm bông (phong yêu cổ), mõ, đàn hồ (từ Ấn Độ, Trung Á)... Đây cũng là thời kỳ những lý thuyết âm nhạc từ Trung Hoa đã bắt đầu xuất hiện như các tên gọi: “cung, thương, giốc, chủy, vũ”; “hò xự, y, sang, xê, cống, phan, líu, ú”. Âm nhạc Việt Nam từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX gắn liền với những thay đổi, cải cách của nhà Lê, phỏng theo quy chế âm nhạc nhà Minh. Vua Lê Thánh Tông đã cho sắp xếp lại âm nhạc cung đình và âm nhạc dân gian. Âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình đã tách rời thành hai dòng riêng biệt, không còn giữ mối quan hệ gần gũi như trước, âm nhạc cung đình được chính quy hóa. Đến thế kỷ XVI – XVII chế độ phong kiến ở Việt Nam dần đi vào con đường suy vi. Sự suy vi của nhà nước phong kiến đã kéo theo sự suy yếu của âm nhạc cung đình. Trái với sự suy yếu, tan rã của âm nhạc cung đình, âm nhạc dân gian lại ngày càng phát triển mạnh mẽ, thậm chí âm nhạc dân gian còn thâm nhập vào cung đình, lấn át 9 dòng nhạc cung đình. Như vậy, âm nhạc truyền thống Việt Nam giai đoạn này đã có được những thành tựu to lớn cả về nội dung lẫn hình thức cũng như các phương thức thể hiện. Đồng thời với sự phát triển của âm nhạc dân gian là dòng nhạc cung đình. Chính trong giai đoạn này, lý thuyết âm nhạc đã được nghiên cứu và vận dụng. Những thành tựu trong giai đoạn này là cơ sở để âm nhạc truyền thống Việt Nam khẳng định sức sống, bản sắc của mình. (c) Âm nhạc Việt Nam trong cuộc đụng độ với những cuộc xâm lăng của phương Tây (từ giữa thế kỷ XIX): cuộc xâm lăng của thực dân Pháp đã gây nên những biến động to lớn, mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của toàn xã hội. Trong xã hội xuất hiện những tầng lớp giai cấp mới, nhu cầu hưởng thụ cùng với sự phản ứng lại ảnh hưởng văn hóa, âm nhạc phương Tây. Tại các đô thị đã xuất hiện những phong trào cải cách nghệ thuật, cải cách âm nhạc. Ở Nam Bộ xuất hiện phong trào cải lương hát bội, ngoài Bắc là sự canh tân sân khấu tuồng và cải cách sân khấu chèo. Phong trào cải lương hí kịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của những thể loại ca kịch dân tộc mới, trên cơ sở kết hợp âm nhạc truyền thống của dân tộc với âm nhạc và sân khấu từ phương Tây. Những thể loại mới là sân khấu cải lương, ca Huế và ca kịch bài chòi. Đặc biệt, sự ra đời của của loại hình ca nhạc mới, sau này gọi là “nhạc cải cách” (còn gọi “tân nhạc”, “nhạc mới”), đây chính là nền tảng của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Âm nhạc giai đoạn này còn được thể hiện rất rõ những thay đổi trong việc ký âm, ghi chép âm nhạc trên năm dòng kẻ của âm nhạc phương Tây. Một số nhạc khí trong hệ thống nhạc khí từ phương Tây đã được nghiên cứu, Việt hóa và tham gia dàn nhạc truyền thống như đàn violon, guitare. Như vậy, có thể nhận thấy âm nhạc truyền thống không bất biến mà luôn vận động. Sự vận động ấy được thể hiện trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các yếu tố mới, biến đổi để các yếu tố mới phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc và văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống Việt Nam được thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử, thông qua các làn điệu dân ca, các bài bản âm nhạc nghi lễ trong cung đình và ngoài dân gian, âm nhạc thính phòng và âm nhạc sân khấu. Nhìn chung, chịu ảnh hưởng của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và sự giao lưu văn hóa, bản sắc dân tộc của âm nhạc truyền thống Việt Nam thể hiện thông qua hệ thống thể loại, bài bản và nhạc khí. Đặc điểm trong các bài bản âm nhạc truyền thống là chúng được hình thành bởi một mô hình, một cấu trúc âm nhạc, đó chính là những quãng nhạc, là “âm điệu đặc trưng” gần với ngôn ngữ tiếng Việt và mang các đặc tính sau: tính biểu trưng, tính biểu cảm, tính tổng hợp và tính linh hoạt. Các đặc tính ấy biểu hiện thông qua các các thủ pháp diễn xướng, diễn tấu cụ thể như sau: - Âm nhạc liên quan mật thiết với hát. - Chú trọng phần giai điệu, giai điệu mang tính trữ tình. - Sử dụng các kỹ thuật luyến láy, nhấn nhá nhằm thể hiện “tròn vành rõ chữ” (trong hát); âm “già”, “non” (trong đàn). 10 - Vận dụng ngũ cung linh hoạt, tích hợp. - Hình thức thể hiện thông thường là “hòa đàn”, “hòa ca”. - Tốc độ không nhanh. - Âm lượng vừa phải. - Màu âm thiên về màu “sáng”. 1.3. Nhận diện bản sắc văn hóa trong tác phẩm piano Việt Nam 1.3.1. Đặc điểm nhạc khí Piano Trong các nhạc khí xuất xứ từ châu Âu, piano là một nhạc khí có khả năng diễn tấu rất phong phú bởi sự chuẩn xác về mặt cao độ và tầm âm rộng. Piano có thể vừa đàn bè giai điệu mà còn đàn được bè đệm một cách thuận tiện. Piano có thể biểu hiện được nhiều loại sắc thái, có thể xử lý độ vang, cường độ của âm thanh ở các âm vực khác nhau một cách thuận tiện và rất hiệu quả. 1.3.2. Sơ lược về sự hình thành nghệ thuật piano Việt Nam Sự tiếp xúc với âm nhạc châu Âu của người Việt có thể đã bắt đầu từ rất sớm (thế kỷ XVI), khi âm nhạc châu Âu có thể đã bắt đầu du nhập vào nước ta cùng với sự du nhập của đạo Thiên Chúa (và sau đó là đạo Tin lành). Từ cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XX, âm nhạc châu Âu tiếp tục du nhập vào Việt Nam thông qua phim ảnh, các phương tiện, kỹ thuật thu, phát âm thanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí nghệ thuật cho các quan chức, chính quyền thực dân cho xây dựng các nhà hát tại các thành phố lớn như Hải Phòng (1893), Sài Gòn (1909), Hà Nội (1911). Từ cuối thế kỷ XIX, đã có những nghệ sỹ, đoàn nghệ thuật của các quốc gia châu Âu đến trình diễn tại Việt Nam. Năm 1927 trường “Pháp quốc Viễn Đông nhạc viện” được mở tại Hà Nội, và “Nhạc viện” ở Sài Gòn năm 1933. Tài liệu về lý thuyết âm nhạc, tài liệu giảng dạy âm nhạc và nhạc cụ cũng được du nhập vào nước ta từ những năm 1920 và nhiều hơn trong những năm 1930 và các năm sau đó. Năm 1938 với sự kiện những ca khúc Việt Nam đầu tiên được biểu diễn tại Hà Nội, đã chính thức đánh dấu sự ra đời “Nhạc mới” ở Việt Nam. Trong thanh nhạc đã xuất hiện một phong trào sáng tác, gọi là “Âm nhạc cải cách” gồm ba khuynh hướng chính là khuynh hướng lãng mạn, khuynh hướng hùng ca yêu nước và khuynh hướng cách mạng. Xuất hiện nhiều thể loại thanh nhạc lớn, làm phong phú thêm cho “Nhạc mới” Việt Nam, đó là các vở thanh xướng kịch, opera. Bên cạnh đội ngũ các nhạc sỹ sáng tác ca khúc, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhạc sỹ sáng tác các tác phẩm khí nhạc cho các nhạc khí có xuất xứ từ châu Âu nói chung, nhạc khí piano nói riêng. Nhưng để có được một đội ngũ các tác giả sáng tác khí nhạc ở Việt Nam thì phải đến năm 1956, khi trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập tại Hà Nội, ở đó có đào tạo ngành sáng tác và biểu diễn piano. Trong quá trình xây dựng và diễn tấu các tác phẩm cho piano, các nhạc sỹ đã luôn 11 chú trọng đến việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong các sáng tác của mình. Các tác phẩm này vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, phản ánh được tâm tư, tình cảm, cuộc sống xã hội của đất nước con người Việt Nam. Bản sắc dân tộc thể hiện trong quá trình xây dựng tác phẩm và trong việc thể hiện tác phẩm thông qua các kí hiệu chỉ dẫn về nhịp điệu, nhịp độ và tên gọi của tác phẩm; thể hiện trong việc vận dụng các yếu tố đặc trưng trong diễn xướng, diễn tấu của âm nhạc truyền thống, đó chính là những quãng đặc trưng, những “âm điệu đặc trưng” của âm nhạc truyền thống được vận dụng trong cấu trúc bè giai điệu, trong cấu trúc bè đệm tác phẩm piano; thông qua sự vận dụng các kỹ thuật diễn tấu của nhạc khí piano, mà các kỹ thuật này là sự kế thừa từ thuật diễn tấu của nhạc khí truyền thống và sự vận dụng, kết hợp các kỹ thuật diễn tấu của nhạc khí piano trong thể hiện “hồn” nhạc Việt. Kết Chương 1 Từ các công trình của các nhà nghiên cứu văn hóa, chúng tôi đã xác lập cơ sở lý thuyết làm nền tảng, để từ đó có thể tiếp cận với bản sắc văn hóa trong nghệ thuật và trong âm nhạc truyền thống người Việt. Bản sắc văn hóa trong âm nhạc truyền thống Việt Nam được thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử, thông qua các bài bản từ dân ca, âm nhạc nghi lễ, âm nhạc thính phòng, âm nhạc sân khấu và hệ thống nhạc khí truyền thống. Bài bản âm nhạc truyền thống được hình thành bởi một cấu trúc âm nhạc, đó chính là những quãng nhạc đặc trưng, là “âm điệu đặc trưng” gắn liền với với ngôn ngữ và tâm hồn Việt. Sự tiếp biến từ âm nhạc châu Âu vào âm nhạc Việt Nam đã hình thành những thể loại mới, hệ thống lý thuyết mới, những phương tiện biểu hiện mới từ âm nhạc cổ điển châu Âu trong đó có nhạc khí Piano. Bản sắc dân tộc trong các tác phẩm piano Việt Nam được thể hiện thông qua hệ thống kí hiệu, cấu trúc âm nhạc và các kỹ thuật diễn tấu của nhạc khí piano sẽ được lần lượt trình bày trong các chương tiếp theo. CHƯƠNG 2 BẢN SẮC DÂN TỘC QUA KÍ HIỆU VÀ CẤU TRÚC ÂM NHẠC TRONG CÁC TÁC PHẨM PIANO VIỆT NAM Chương 2, luận án sẽ tập trung vào vấn đề: Nhận diện bản sắc dân tộc trong tác phẩm piano Việt Nam thông qua các kí hiệu và cấu trúc âm nhạc của tác phẩm. 2.1. Nhận diện bản sắc dân tộc qua tiêu đề và kí hiệu nhịp điệu, nhịp độ 2.1.1. Nhận diện bản sắc dân tộc qua tiêu đề Tác phẩm âm nhạc là thành quả của quá trình sáng tạo của người nhạc sỹ. Thông qua những phương tiện biểu hiện của âm nhạc, người nhạc sỹ gửi gắm cảm 12 xúc, nhận thức của mình trong tác phẩm. Trong các tác phẩm khí nhạc nói chung, tác phẩm viết cho piano nói riêng chỉ thuần túy là sự vang lên của âm thanh. Vì vậy, tiêu đề tác phẩm sẽ giúp cho nghệ sỹ biểu diễn có thể phần nào nắm bắt được nội dung tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm. Tiêu đề tác phẩm không chỉ giúp cho sự tiếp nhận của người biểu diễn và thưởng thức được thuận lợi, dễ dàng hơn mà còn giúp cho quá trình sáng tạo của tác giả được tập trung hơn, tạo cho tác phẩm có được sự thống nhất về nội dung, hình tượng âm nhạc. Tiêu đề thể hiện nhận thức chủ quan của nhạc sỹ trước những hiện thực khách quan, những hiện tượng cụ thể trong đời sống tự nhiên, xã hội bằng một tên gọi văn học vừa mang tính khái quát, lại vừa mang tính gợi mở, kích thích sự liên tưởng của người nghe. Tiêu đề âm nhạc có thể được xem như là sự “định hướng” trước cho người nghe, giúp người nghe sẵn sàng đón nhận cảm quan của nhạc sỹ sáng tác. Có thể coi tiêu đề trong tác phẩm âm nhạc như là sự giới hạn “phạm vi” diễn đạt của tác phẩm. Chỉ cần nhắc đến tiêu đề của tác phẩm, người nghe có thể đã nhận biết được tên tác giả cũng như phần nào các “thông tin” liên quan đến tác phẩm ấy. Tiêu đề trong các tác phẩm khí nhạc châu Âu đã có từ rất sớm, bắt đầu từ các tác phẩm của các nhạc sỹ thời kỳ âm nhạc cổ điển Vienn như Joseph Haydn, Ludwig van Beethoven. Từ các tác phẩm có tiêu đề, âm nhạc cổ điển châu Âu đã xuất hiện một dạng có tiêu đề khác được gọi là Âm nhạc có chương trình. Đây là sự cụ thể hóa âm nhạc có tiêu đề lên một mức nữa, tác giả muốn hướng người nghe vào một chương trình, một nội dung cụ thể, được tác giả xác lập sẵn theo dàn ý sáng tạo của mình. Các tác phẩm âm nhạc có tiêu đề được phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ âm nhạc lãng mạn cũng như các nhạc sỹ thời kỳ sau đó. Đó là các tác phẩm của các nhạc sỹ R. Schumann; E. Grierg; P. Tchaikovsky; F. Mendelssohn; C. Debussy; Camille Saint Saens, D.D. Shostakovich. Các tác phẩm khí nhạc Việt Nam nói chung, tác phẩm viết cho piano nói riêng của các tác giả Việt Nam cũng thường có tiêu đề. Các tiêu đề trong các tác phẩm viết cho piano thường gắn liền với đất nước, con người Việt Nam, với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong xã hội. Một số lượng khá lớn tiêu đề của các tác phẩm viết cho piano chính là tên của các bài hát dân ca, từ tên gọi các làn điệu, bài bản trong âm nhạc truyền thống Việt Nam: “Trống cơm”, “Cò lả”, “Lý cây bông”, “Lý ngựa ô”, “Lưu không”, “Con gà rừng”, “Tam pháp nhập môn”, “Kim tiền”, “Hành vân”... Ngoài ra, tiêu đề còn được lấy từ nội dung của các bài dân ca, từ tên các nhân vật, sự tích trong dân gian, từ các biểu tượng, hình ảnh gần gũi với người dân Việt hoặc từ tên địa danh và các sinh hoạt văn hóa: “Vui tết Trung thu”; “Hát Quan họ”, “Vũ khúc Mèo”, “Múa sạp”, “Múa ô”, “Quê hương Tây Nguyên”; “Vũ khúc Tây Nguyên”; “Rông chiêng”; “Hòa tấu cồng chiêng”; “Múa nàng trúc xinh”; và các tiêu đề gắn liền với các sự kiện trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước: “Vì độc lập tự do”; “Đau thương và phẫn nộ”; “Quê hương tôi trong máu lửa”... cùng với các tiêu đề 13 do tác giả tự đặt. Như vậy, có thể nhận thấy tiêu đề là một phần trong những yếu tố giúp nhận diện bản sắc dân tộc trong tác phẩm piano Việt Nam. 2.1.2. Nhận diện bản sắc dân tộc qua kí hiệu nhịp điệu, nhịp độ Bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm khí nhạc nói chung, tác phẩm piano nói riêng được thể hiện thông qua sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ tiêu đề trong các tác phẩm, mà còn thể hiện thông qua các ký hiệu âm nhạc gắn liền với các tiêu đề ấy. Đó là các ký hiệu biểu thị về nhịp điệu, nhịp độ biểu thị sắc thái âm nhạc. Những ký hiệu này thường được ghi ngay ở những ô nhịp đầu tiên của tác phẩm nhằm giúp cho người biểu diễn có thể thể hiện hiệu quả nhất ý đồ sáng tác của các tác giả. Trong âm nhạc, nhịp điệu là “sự nối tiếp có quy luật và mối tương quan về độ dài các âm thanh”. Sự nối tiếp có quy luật ở đây chính là sự luân phiên một cách đều đặn giữa các phách mạnh và phách nhẹ. Nhịp điệu trong các phẩm piano Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhịp điệu của dân ca. Nhịp điệu trong dân ca Việt Nam chủ yếu là nhịp hai phách (chẵn). Trong số 200 tác phẩm chúng tôi khảo sát, các tác phẩm viết ở nhịp điệu chẵn là 161 tác phẩm, chiếm 80%. Các tác phẩm viết ở nhịp điệu lẻ là 31 tác phẩm, chiếm 16%. Các tác phẩm viết ở nhịp hỗn hợp, tự do là 8 tác phẩm, chiếm 4%. Trong các tác phẩm âm nhạc, ngoài tiêu đề, nhịp điệu, các tác giả còn ghi ký hiệu chỉ nhịp độ nhanh hay chậm của tác phẩm. Trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhịp độ của ngâm, nói thơ, hát ru thường chậm rãi hơn so với nhịp độ của các bài hát lao động... Như vậy, thông qua nhịp độ của tác phẩm, chúng ta có thể nhận biết được phần nào tính chất, đặc điểm âm nhạc của tác phẩm. Qua việc xem xét sự thể hiện nhịp độ của các bản nhạc trong các tác phẩm tổ khúc, biến tấu, tuyển tập của một tác giả cũng như nhịp độ các tác phẩm độc lập của các tác giả khác nhau cho thấy nhịp độ trong các tác phẩm piano Việt Nam hầu hết đều thuộc nhóm nhịp độ chậm và nhóm nhịp độ vừa. Kết quả khảo sát qua 200 tác phẩm, chúng tôi nhận thấy các tác phẩm có nhịp độ chậm và vừa là 147 tác phẩm, chiếm 73%. Các tác phẩm có nhịp độ nhanh là 53 tác phẩm, chiếm 27%. Như vậy, nhịp độ chậm và vừa trong các tác phẩm piano Việt Nam phù hợp với “tính biểu cảm” trong âm nhạc truyền thống: “thiên về diễn tả tình cảm nội tâm mang đậm chất trữ tình với tốc độ chậm”. 2.2. Nhận diện bản sắc dân tộc qua cấu trúc âm nhạc 2.2.1. Cấu trúc bè giai điệu Âm nhạc là nghệ thuật sử dụng, kết hợp âm thanh. Các âm thanh có thể kết hợp theo chiều ngang và chiều dọc. Khi các âm thanh kết hợp theo chiều ngang, chúng sẽ tạo nên một “đường âm thanh” gọi là giai điệu hoặc bè giai điệu. Trong âm nhạc, giai điệu giữ vai trò quan trọng trong việc biểu hiện âm nhạc. Giai điệu âm nhạc có thể coi như “linh hồn” của tác phẩm âm nhạc. Giai điệu được tạo nên 14 bởi sự kết hợp của những âm thanh có độ cao thấp khác nhau trong mối tương quan về trường độ. Dựa vào số lượng, vai trò và phương cách diễn đạt của giai điệu trong tác phẩm, âm nhạc cổ điển châu Âu chia thành nhạc chủ điệu và phức điệu. Âm nhạc chủ điệu có đặc điểm là chỉ có một bè (thường là bè trên, hiếm khi là các bè giữa hoặc bè dưới) giữ vai trò chủ đạo. Phần lớn các tác phẩm piano Việt Nam được viết theo dạng âm nhạc chủ điệu, tức là có một bè giai điệu giữ vai trò chủ đạo. Bè giai điệu này hiện diện và tham gia trong suốt quá trình hình thành và xây dựng tác phẩm. Nhận diện bản sắc dân tộc qua cấu trúc bè giai điệu tức xem xét lối tư duy, cách vận dụng, kết hợp âm thanh tạo thành giai điệu âm nhạc và những cấu trúc âm nhạc của nó. Giai điệu trong các tác phẩm âm nhạc chủ điệu thể hiện trước hết ở chủ đề âm nhạc. Chủ đề âm nhạc là phần giai điệu (hoặc một phần của giai điệu) cô đọng, súc tích nhất. Chủ đề âm nhạc chứa đựng tính quy luật và đặc trưng của tác phẩm. Những nhân tố trong chủ đề âm nhạc sẽ là cơ sở cho sự phát triển và hoàn thiện tác phẩm. Chủ đề âm nhạc xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, là sự diễn đạt bằng âm thanh những kí hiệu mà tác giả đã thể hiện bằng tiêu đề, nhịp điệu và nhịp độ của tác phẩm. Giai điệu chủ đề âm nhạc các tác phẩm piano Việt Nam được thể hiện theo hai dạng: (a) Giai điệu chủ đề từ âm nhạc truyền thống (các bài dân ca, các bài bản trong âm nhạc trong nhạc thính phòng, nhạc sân khấu truyền thống), và (b) Giai điệu chủ đề do tác giả tự sáng tạo. Đối với tác phẩm có giai điệu chủ đề từ âm nhạc truyền thống, bản thân giai điệu đã chứa đựng bản sắc. Đối với tác phẩm có giai điệu chủ đề do tác giả tự sáng tạo, bản sắc dân tộc trong cấu trúc giai điệu chủ đề âm nhạc của các tác giả Việt Nam được thể hiện dưới các dạng như sau: (a) cấu trúc giai điệu chủ đề chịu ảnh hưởng từ tính chất ca xướng trong dân ca; (b) cấu trúc giai điệu chủ đề chịu ảnh hưởng từ tính chất các quãng đặc trưng trong âm nhạc truyền thống. Cấu trúc giai điệu chủ đề mang tính chất ca xướng là sự kết hợp từ hai phong cách hát nói và hát ngâm. Hát nói thường có một nhịp điệu rõ ràng, hát ngâm, giai điệu đã được “nhạc hóa”, sự co dãn, dàn trải về nhịp điệu. Cấu trúc giai điệu chủ đề do các tác giả Việt Nam tự sáng tạo trong một số trường hợp đã chịu sự chi phối từ tiết tấu, cấu trúc trong vần các thể thơ và từ “phong cách giai điệu” của hát nói và hát ngâm. Có thể nhận thấy tiết tấu và cấu trúc từ lối gieo vần các thể thơ lục bát, thơ ba chữ, thơ bốn chữ, thơ năm chữ trong xây dựng cấu trúc giai điệu chủ đề trong các tác phẩm piano của các tác giả Thái Thị Lang, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng Cương. Trong tác phẩm số 2: “Pleut –Trời mưa” của Thái Thị Lang, cấu trúc giai điệu chủ đề của bài gồm các nốt nhạc tương ứng với hai câu thơ sáu – tám, câu sáu tương ứng với các âm: si mi si fa si si/ mi mi fa si mi fa mi mi (Xem ví dụ 1). Giai điệu ảnh hưởng theo cấu trúc thơ ba chữ có thể gặp trong các tác phẩm “Con cóc” (Thái Thị Lang), “Bài ca cây trúc” (Nguyễn Văn Nam); theo cấu trúc thơ bốn chữ có thể gặp trong “Vũ khúc nông dân” (Nguyễn Văn Nam); theo cấu trúc thơ năm chữ có thể gặp trong “Bồ câu trắng” (Hoàng Cương) (xem ví dụ 2); theo cấu trúc thơ bảy chữ có thể gặp trong “Chú Cuội” (Hoàng Cương), trong “Đợi chờ” 15 (Nguyễn Văn Thương); theo cấu trúc thơ tám chữ có thể gặp trong “Chăm học chăm làm” (Nguyễn Hữu Tuấn), trong “Tẩu mã – Phi ngựa bắn cung” (Nguyễn Văn Thương). Ví dụ 1: Trích Pleut –Trời mưa của Thái Thị Lang (nhịp 1-8) Ví dụ 2: Ví dụ 2.5: Trích Bồ câu trắng của Hoàng Cương (nhịp 1-9) Bản sắc dân tộc còn được thể hiện trong cấu trúc giai điệu chủ đề từ “âm điệu đặc trưng” trong dân ca, trong ngôn ngữ tiếng Việt là quãng bốn đúng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những phương thức vận dụng âm điệu bốn trong cấu trúc chủ đề âm nhạc của tác phẩm, đó là những âm bắt đầu giai điệu chủ đề của tác phẩm được xây dựng bằng quãng bốn đúng và trong quá trình tiến hành giai điệu, bước nhảy quãng bốn cùng hướng và ngược hướng luôn được vận dụng. Quãng 16 bốn bắt đầu chủ đề ngoài hình thái đơn giản nhất, là trực tiếp giữa hai âm, còn có nhiều hình thái khác nhau như “bắc cầu”, “thêu” và “thoát”, nghĩa là quãng bốn không trực tiếp đi thẳng giữa hai âm chính, mà phải đi qua một âm khác nằm giữa hai âm ấy. Bản sắc dân tộc còn được thể hiện trong cấu trúc giai điệu chủ đề từ thang năm âm trong âm nhạc truyền thống. Các thang năm âm thường được các nhạc sỹ Việt Nam vận dụng là thang Bắc và thang Nam (Xem bảng 2.1), ngoài ra còn các thang như thang Tây Nguyên (Xem bảng 2.2), thang Vọng cổ (Xem bảng 2.3). Bảng 2.1: Cao độ tương ứng giữa thang Bắc và thang Nam với các âm trong âm nhạc phương Tây Các âm tương ứng trong âm nhạc Thang năm âm Bắc và Nam phương Tây Bắc dạng 1 do - re - fa - sol - la - (do) Bắc dạng 2 do - re - mi - sol - la - (do) Nam do - mib - fa - sol - sib- (do) Bảng 2.2: Cao độ tương ứng giữa thang Tây Nguyên với các âm trong âm nhạc phương Tây Các âm tương ứng trong âm nhạc Thang năm âm Tây Nguyên phương Tây Tây Nguyên do - mib - fa - sol - si - (do) Tây Nguyên (dạng 1) do - mi - fa - sol - si - (do) Tây Nguyên (dạng 2) do - mi - fa - sol - sib - (do) Bảng 2.3: Cao độ tương ứng giữa thang Vọng cổ với các âm trong âm nhạc phương Tây Thang âm Vọng cổ Nguyên thể Biến thể Các âm tương ứng trong âm nhạc phương Tây do - mib - fa - sol - la - (do) 1. do - mi - fa - sol - la - (do) 2. do - mib - fa - sol - lab - (do) 3. do - mi - fa - sol - lab - (do) 2.2.2. Cấu trúc bè đệm trong mối tương quan với bè giai điệu 17 Các tác phẩm khí nhạc viết cho piano của các nhạc sỹ Việt Nam hầu hết là âm nhạc chủ điệu, trong các tác phẩm luôn có giai điệu chính, là thành phần âm nhạc chủ đạo của tác phẩm. Một thành phần khác có mối quan hệ chặt chẽ với bè giai điệu, giúp cho bè giai điệu có khả năng biểu đạt cảm xúc một cách sâu sắc, hiệu quả hơn, đó chính là bè đệm. Nếu cấu trúc bè giai điệu là sự kết hợp theo chiều ngang, thì bè đệm lại được chú trọng đến cấu trúc theo chiều dọc. Cấu trúc theo chiều dọc trong bè đệm chính là sự kết hợp các âm theo những quy luật để tạo thành các hợp âm, đồng thời là quá trình nối tiếp các hợp âm theo chiều ngang. Như vậy, nhận diện bản sắc dân tộc trong cấu trúc bè đệm trong các tác phẩm piano của các nhạc sỹ Việt Nam là xác định những đặc trưng của các tác giả Việt Nam trong việc kết hợp các âm thành hợp âm theo chiều dọc và mối tương quan giữa các hợp âm trong bè đệm với bè giai điệu. Trong các tác phẩm viết cho piano Việt Nam, cấu trúc hợp âm theo quãng bốn là cấu trúc được sử dụng rất phổ biến và đa dạng. Hợp âm gồm ba âm, được chồng lên nhau theo hai quãng bốn đúng. Chồng quãng bốn đúng có sự tham gia của âm “bắc cầu” hoặc với âm “thoát”... Trong quá trình nối tiếp theo chiều ngang, hợp âm trong các tác phẩm piano của các tác giả Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với bè giai điệu, luôn gắn liền và chịu ảnh hưởng từ bè giai điệu. Lối tư duy này thể hiện sự khác biệt giữa các tác phẩm piano Việt Nam với các tác phẩm piano được viết trên cơ sở thang năm âm của các nhạc sỹ châu Âu. Một điểm khác biệt nữa trong cấu trúc bè đệm theo chiều dọc các tác phẩm piano của các nhạc sỹ Việt Nam là: trong bè đệm của mình, các tác giả Việt Nam đã vận dụng hình thái tối giản số lượng các âm theo cấu trúc chiều dọc của bè đệm. Nếu hợp âm trong âm nhạc cổ điển châu Âu gồm ba âm trở lên được kết hợp theo quy luật quãng ba, thì hợp âm trong bè đệm tác phẩm piano Việt Nam không phải lúc nào cũng là sự kết hợp của ba âm hoặc trên ba âm thanh. Trong khá nhiều trường hợp chỉ có hai âm, có cấu trúc từ “âm điệu đặc trưng” trong dân ca và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Kết Chương 2: Trong chương 2 chúng tôi đã tiến hành nhận diện bản sắc văn hóa trong các tác phẩm piano Việt Nam, lý giải sự chi phối và tác động các yếu tố đặc trưng trong âm nhạc truyền thống lên sự xây dựng các tác phẩm khí nhạc viết cho piano của các nhạc sỹ Việt Nam. Đó là tiêu đề của tác phẩm cùng các ký hiệu về nhịp điệu, nhịp độ. Đồng thời là cấu trúc âm nhạc trong bè giai điệu và bè đệm tác phẩm piano. Trong bè giai điệu, cấu trúc âm nhạc biểu hiện thông qua sự vận dụng chất liệu từ dân ca, từ nhạc truyền thống; từ quãng đặc trưng trong dân ca, trong ngôn ngữ tiếng Việt, từ cấu trúc các bậc trong thang năm âm trong âm nhạc truyền thống. Trong bè đệm, cấu trúc âm nhạc biểu hiện thông qua sự vận dụng, kết hợp các âm thành hợp âm theo quãng bốn đặc trưng, quãng bốn với sự tham gia của các âm “bắc cầu”, âm “thoát” cũng như hình thái tối giản các âm theo cấu trúc chiều dọc 18 của bè đệm. Các kết quả khảo sát trong chương này là cơ sở cho việc nghiên cứu bản sắc dân tộc trong kỹ thuật diễn tấu nhạc khí piano trong chương tiếp theo. CHƯƠNG 3 BẢN SẮC DÂN TỘC QUA KỸ THUẬT DIỄN TẤU NHẠC KHÍ PIANO Tác phẩm âm nhạc không chỉ được viết, thể hiện thông qua những kí hiệu ghi trên văn bản, mà chúng còn phải được vang lên bằng các phương tiện biểu hiện như giọng hát (đối với các tác phẩm thanh nhạc), hoặc các nhạc cụ (đối với các tác phẩm khí nhạc). Khả năng diễn tấu của nhạc cụ đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung, ý đồ tác phẩm của tác giả. Đối với các tác phẩm viết cho piano thể hiện bản sắc văn hóa của các tác giả Việt Nam, việc khai thác tính năng, kỹ thuật diễn tấu của nhạc khí này để thể hiện đặc trưng âm nhạc truyền thống luôn được các tác giả chú trọng. 3.1. Khả năng biểu đạt các yếu tố bản sắc của nhạc khí piano 3.1.1. Tầm âm, màu âm của piano và nhạc khí truyền thống Việt Nam Ở châu Âu, từ giữa thế kỷ XVIII, nhạc khí piano xuất hiện thay thế hoàn toàn cho vai trò của đàn clavecin xuất hiện trước đó. Piano có tầm âm khá rộng, gồm bảy quãng tám đầy đủ và hai quãng tám thiếu. Màu âm là “chất lượng” của âm thanh được phát ra. Màu âm ở giọng người được biểu hiện cũng khác nhau, chẳng hạn màu âm là những chất giọng “ấm”, “ngọt”, “sắc”... Đối với nhạc khí, dựa trên cơ sở vật lý của âm thanh, màu âm được xác định theo vị trí của từng âm khu. Âm khu trầm có màu âm “tối”, Âm khu cao có màu âm “sáng”, giữa hai âm khu này là âm khu trung gian. Trên bàn phím piano, âm khu trầm có thể xác định theo các quãng tám: cực trầm, trầm và quãng tám lớn; âm khu giữa (trung gian) gồm: quãng tám nhỏ, quãng tám thứ nhất, quãng tám thứ hai; âm khu cao gồm: quãng tám thứ ba, quãng tám thứ tư và thứ năm. Nhạc khí truyền thống Việt Nam có nhiều loại, trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với âm nhạc các dân tộc khác, nhiều nhạc cụ nước ngoài đã được tiếp nhận, trở thành nhạc cụ truyền thống Việt Nam, tham gia các dàn nhạc truyền thống như đàn nguyệt, tỳ bà, phách bản; trống tầm bông (phong yêu cổ), mõ, đàn hồ (thời Lý); trống cơm (phạn cổ ba), kèn tát tiểu, tiểu quản (sáo đôi), trống đại cốc, đàn bảy dây, đàn một dây (thời Trần); ghi-ta, violon (thế kỷ XX)... Về sự phân chia các nhạc khí truyền thống Việt Nam, luận án vận dụng theo sự phân nhóm của các tác giả Lê Huy, Huy Trân trong “Nhạc khí dân tộc Việt Nam” và của tác giả Võ Thanh Tùng trong “Nhạc khí dân tộc Việt”, các nhạc khí truyền thống Việt Nam gồm bốn nhóm: nhạc khí dây gẩy, nhạc khí dây kéo , nhạc khí hơi và nhóm nhạc khí gõ. 19 Nhạc khí gõ gồm các nhạc khí có cao độ (định âm) như: tam thập lục, t’rưng, trống cơm và các nhạc khí không có cao độ (không định âm) như: trống, phách, sinh tiền... Nhóm nhạc khí dây gẩy gồm: đàn nguyệt, đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn tam, đàn đoản, đàn sến, đàn ghi-ta Việt Nam (phím lõm), đàn bầu, đàn tranh, tính tẩu. Tầm âm của nhóm nhạc khí dây gảy truyền thống Việt Nam hầu hết nằm trong tầm âm của âm khu trung gian và âm khu cao so với tầm âm và âm khu trên hàng âm của piano. Màu âm các nhạc khí nhóm dây gảy truyền thống Việt Nam hầu hết có tính chất “sáng”. Nhóm nhạc khí dây kéo gồm: đàn cò (nhị), đàn cò líu, đàn cò lòn, đàn gáo. Tầm âm của nhóm nhạc khí dây kéo truyền thống Việt Nam hầu hết đều nằm trong tầm âm của âm khu trung gian và âm khu cao so với tầm âm và âm khu trên hàng âm của piano. Màu âm các nhạc khí nhóm dây kéo truyền thống Việt Nam hầu hết có tính chất “sáng”. Nhóm nhạc khí hơi gồm: sáo ngang, tiêu, kèn bầu, sáo H’Mông (sáo Mèo), kềnh H’Mông (khèn Mèo), K’lông-pút. Tầm âm của nhóm các nhạc khí hơi truyền thống Việt Nam hầu hết nằm trong tầm âm của âm khu trung gian và âm khu cao so với tầm âm và âm khu trên hàng âm của piano. Màu âm các nhạc khí hơi truyền thống Việt Nam hầu hết có tính chất “sáng”. Nhóm nhạc khí gõ (định âm) gồm: tam thập lục, t’rưng, trống cơm. Tầm âm tam thập lục tương ứng với âm khu giữa trên hàng âm piano; màu âm tam thập lục trong trẻo, thanh thoát, khoảng âm cao màu âm gần với tiếng đàn tranh. Tầm âm t’rưng tương ứng với âm khu trầm đến âm khu giữa trên hàng âm piano. Màu âm t’rưng trong sáng, trầm hùng ở các âm thấp. Màu âm trống cơm mờ, đục (phụ thuộc vào chất lượng cơm trét vào mặt trống). Từ những đối chiếu trên, có thể nhận thấy tầm âm và màu âm của nhạc khí piano hoàn toàn có thể đáp ứng được tầm âm và màu âm của các nhạc khí truyền thống Việt Nam. Hay nói cách khác, nhạc khí piano hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu về tầm âm và màu âm trong việc thể hiện bản sắc dân tộc trong các tác phẩm piano Việt Nam. 3.1.2. Các kỹ thuật diễn tấu tương đương giữa piano và nhạc khí truyền thống Việt Nam Trong số các kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí dây gảy (gồm: 1. Phi; 2. Vê; 3. Gõ, 4. Bịt; 5. Rung; 6. Nhấn; 7. Luyến; 8. Láy rền; 9. Vỗ (Mổ); 10. Chụp; 11. Giật; 12. Vuốt; 13. Bật; 14. Âm bồi; 15. Chùng; 16. Ngắt (Staccato); 17. Ngón Á; 18. Chồng âm, hợp âm; 19. Song thanh, song huyền; 20. Âm nền), khả năng biểu hiện của piano khi diễn tấu các kĩ thuật đặc trưng của nhạc khí dây gảy truyền thống là 14 trên tổng số 20 kỹ thuật diễn tấu. (6 kỹ thuật diễn tấu ngoài khả năng của piano là: 1. rung; 2. nhấn; 3. bật; 4. âm bồi; 5. chụp; 6. âm “chùng”). 20 Trong số các kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí dây kéo (gồm: 1. Cung vĩ rời; 2. Cung vĩ liền; 3. Cung vĩ ngắt; 4. Cung vĩ nhấn liền; 5. Cung vĩ nảy rời; 6. Cung vĩ nảy liền; 7. Cung vĩ rung (là các kỹ thuật của tay phải); 8. Rung; 9. Vuốt; 10. Láy; 11. Nhấn; 12. Nhấn láy; 13. Láy rền; 14. Bật dây), khả năng biểu hiện của piano khi diễn tấu các kĩ thuật đặc trưng của nhạc khí dây kéo truyền thống là 11 trên tổng số 14 kỹ thuật diễn tấu. (3 kỹ thuật diễn tấu ngoài khả năng của piano là: 1. Rung; 2. Nhấn; 3. Nhấn láy). Trong số các kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí hơi (gồm: 1. Vuốt (vuốt hơi); 2. Vỗ; 3. Âm dựa; 4. Láy; 5. Láy rền; 6. Luyến hơi; 7. Nhấn hơi; 8. Ngắt; 9. Rung; 10. Rung vỗ; 11. Phi lưỡi; 12. Đánh lưỡi; 13. Chồng âm, hợp âm), khả năng biểu hiện của piano khi diễn tấu các kĩ thuật đặc trưng của nhạc khí hơi truyền thống là 9 trên tổng số 13 kỹ thuật diễn tấu. (4 kỹ thuật diễn tấu ngoài khả năng của piano là: 1. Rung (rung hơi); 2. Rung vỗ; 3. Nhấn hơi; 4. Phi lưỡi). Trong số các kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí gõ (gồm: 1. Ngón Á; 2. Bịt; 3. Chập; 4. Lướt; 5. Nhấn (nhấn láy); 6. Rung; 7. Vê), khả năng biểu hiện của piano khi diễn tấu các kĩ thuật đặc trưng của nhạc khí gõ truyền thống là 6 trên tổng số 9 kỹ thuật diễn tấu. (3 kỹ thuật diễn tấu ngoài khả năng của piano là: 1. Chập; 2. Nhấn; 3. Rung). Thông qua sự đối chiếu kỹ thuật diễn tấu của piano với kỹ thuật diễn tấu của các nhạc khí dây gảy, dây kéo, nhạc khí hơi, nhạc khí gõ (định âm) trong hệ thống nhạc khí truyền thống Việt Nam, có thể nhận thấy nhạc khí piano hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật diễn tấu trong việc thể hiện bản sắc dân tộc trong các tác phẩm piano Việt Nam.. 3.2. Kỹ thuật diễn tấu theo phong vị nhạc khí truyền thống Việt Nam 3.2.1. Mô phỏng từ nhạc khí truyền thống Việt Nam Trong các tác phẩm piano Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các tác giả luôn thể hiện ý thức của mình trong việc “mượn”, phỏng theo những đặc tính trong diễn tấu của các nhạc khí truyền thống để thể hiện ý đồ, nội dung tác phẩm. “Ý thức” chủ quan của các tác giả được thể hiện trong những chỉ dẫn trực tiếp lên văn bản, trên các nốt nhạc, cho biết những kỹ thuật diễn tấu ấy tác giả “phỏng” theo nhạc khí truyền thống nào. Ngoài ra, từ nội dung tác phẩm thông qua tiêu đề, cấu trúc âm nhạc trong bè giai điệu và bè đệm, các kỹ thuật diễn tấu trong tác phẩm vẫn giúp người nghe nhận diện được sắc thái từ “mẫu” nhạc khí truyền thống. Các nhạc khí truyền thống các tác giả Việt Nam thường mô phỏng tập trung vào các nhạc khí như: đàn tranh, sáo ngang, t’rưng, tính tẩu, trống, cồng, tiếng vang của các nhạc khí gõ không định âm khác như tiếng phách, mõ, song lang. Khi mô phỏng nhạc khí truyền thống, các tác giả thậm chí có chỉ dẫn cụ thể ngay tại các nốt: “Quasi Koto “Đàn Tranh””, “Quasi “Tính tẩu””, tức yêu cầu diễn tấu “như đàn tranh”, “như đàn tính”... Trong các trường hợp khác, việc mô phỏng nhạc khí
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan