Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Bài tập lớn môn lí luận nhà nước và pháp luật...

Tài liệu Bài tập lớn môn lí luận nhà nước và pháp luật

.DOC
10
1745
103

Mô tả:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC BÀI TẬP LỚN MÔN LÍ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT SINH VIÊN:. MÃ SỐ SINH VIÊN:. ĐỀ BÀI: Ý thức pháp luật của người dân Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp. MỤC LỤC Trang Đặt vấn đề 1 Giải quyết vấn đề 1 I. Cơ sở lí luận 1 II.Thực trạng ý thức pháp luật của người dân Việt Nam 2 III.Giải pháp về ý thức pháp luật của người dân Việt Nam 5 Kết luận Danh mục tài liệu tham khảo 8 9 Đặt vấn đề. Pháp luật là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để nhà nước quản lí xã hội. Cũng chính vì thế mà trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò, vị trí rất quan trọng. Vấn đề đặt ra là Nhà nước không phải chỉ cần ban hành ra nhiều điều luật, xây dựng một bộ luật chặt chẽ là đủ, mà còn phải làm sao để nâng cao được ý thức thực hiện pháp luật của người dân, đưa những bộ luật ấy áp dụng vào thực tế cuộc sống, bởi vì pháp luật chỉ thực sự phát huy được hết những ý nghĩa, những vai trò của nó khi nó được hiện thực hoá trong thực tế đời sống, được cụ thể hoá bằng những hành động của con người. Chính từ ý nghĩa quan trọng của vấn đề này, em đã chọn đề tài: “Ý thức pháp luật của người dân Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp” làm chủ đề của bài tập lớn học kỳ của mình. Giải quyết vấn đề. I. Cơ sở lí luận. Ý thức theo định nghĩa của triết học Mác- Lênin là một phạm trù song song với phạm trù vật chất, theo đó ý thức là sự phản ánh thế giới vật chất khách quan vào bộ não con người, và có sự cải biến và sáng tạo. Ý thức có mối quan hệ hữu cơ với vật chất. Pháp luật là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực thi bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục hoặc cưỡng chế. Ý thức pháp luật là tổng thể những quan điểm, học thuyết, quan niệm thịnh hành trong xã hội thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật và sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp đối với các hành vi pháp lí thực tiễn. Ý thức pháp luật là dạng ý thức xã hội - sản phẩm của sự tiến hoá mà con người có được thông qua quá trình lao động, sáng tạo và hình thành ngôn ngữ. Xét về cội nguồn, ý thức pháp luật xuất hiện muộn hơn so với các dạng ý thức pháp luật khác. Trong đời sống pháp lí, ý thức pháp luật là nhân tố đóng vai trò quyết định chi phối trực tiếp đến tính chất, hiệu quả thực tế của các hoạt động pháp lí nên có thể nói không có yếu tố nào của quá trình điều chỉnh pháp luật lại không liên quan hoặc không bị quy định bởi ý thức pháp luật. Và xét dưới góc độ cụ thể (tức là gắn với từng cá nhân con người), ý thức pháp luật thể hiện ở hai mặt của phương diện chủ quan là sự hiểu biết pháp luật và thái độ tình cảm đối với pháp luật của chính con người đó. II.Thực trạng về ý thức pháp luật của người dân Việt Nam. 1) Thực trạng tri thức pháp luật của người dân Việt Nam. Tri thức pháp luật là sự hiểu biết về pháp luật, bao gồm: - Tri thức lí luận về pháp luật: là các quan điểm, quan niệm, học thuyết về nguồn gốc, bản chất, vai trò chức năng, hình thức pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật. - Tri thức về hệ thống pháp luật thực định: nội dung của các quy định hiện hành của pháp luật, cách tiếp cận và vận dụng pháp luật. Ở Việt Nam, tính tới năm 2009, có đến 70,4% dân số sống ở vùng nông thôn. Chính vì thế, trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người dân có sự khác biệt nhất định. Nhưng nhìn chung, sự hiểu biết về pháp luật của người dân Việt Nam ta vẫn còn nhiều hạn chế. Đa phần không hiểu về quyền và nghĩa vụ của bản thân cũng như là của người khác, không hiểu hết nội dung những quy định của pháp luật để biết được rằng mình không được được làm gì, được làm gì, và có làm thì làm như thế nào…không biết về những bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến mình như luật hình sự, luật dân sự, luật lao động… Chỉ có một số ít người hiểu biết căn bản về pháp luật, phần lớn trong số đó là các học sinh, sinh viên, hoặc các “cựu” sinh viên, được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là sinh viên các trường luật hoặc những người công tác các ngành nghề liên quan đến pháp luật, đến chính trị. Theo tổng kết của các “Viện nghiên cứu thanh niên”, “Viện nghiên cứu khoa học pháp lí”, “Viện tâm lí và giáo dục pháp luật” đưa ra qua một cuộc khảo sát các bạn học sinh, sinh viên cho thấy: 49.2% số bạn được hỏi nói rằng mình không hiểu biết rõ về pháp luật, 71.5% ý thức pháp luật bình thường và chưa tốt; 20.2% trên 300 ý kiến của các em học sinh trung học phổ thông không biết gì về Luật bảo về, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 50% trên 300 ý kiến không quan tâm gì đến đạo luật này, trong khi đây là một đạo luật có liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của các em. Bên cạnh đó, theo thống kê của các cơ quan tư pháp, tỉ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật chiếm khoảng 56% trong tổng số các vụ việc vi phạm pháp luật. Một đất nước ưu tiên “phát triển là quốc sách hàng đầu” như nước ta mà ý thức pháp luật của “đối tượng ưu tiên” lại thấp đến như thế, chẳng phải là một điều rất đáng để suy ngẫm sao? Ví dụ về thiếu ý thức pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật: Trương Văn Hường, 21 tuổi, trú tại phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên đã phải trả giá cho việc thiếu ý thức pháp luật bằng những năm tháng sống trong trại giam. Hường và Đỗ Thuỳ T, trú tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên quen nhau trong dịp sinh nhật của một người bạn. Từ đó hai người thường xuyên liên lạc, qua lại và chẳng bao lâu sau đã quan hệ tình dục với nhau, trong khi T còn chưa đủ 15 tuổi. Sau khi gia đình T phát hiện ra, đã đưa cả hai người đến cơ quan công an phường trình báo. Tại cơ quan công an, cả Hường và T đều cho rằng hai người yêu nhau, tự nguyện đến với nhau và T cũng tự nguyện dâng hiến. Tuy nhiên, trước những chứng cứ và quy định của pháp luật, cơ quan công an thành phố Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Văn Hường về hành vi giao cấu với trẻ em. Qua ví dụ trên, ta có thể thấy việc thiếu ý thức pháp luật không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. 2) Thực trạng thái độ, tình cảm đối với pháp luật của người dân Việt Nam Niềm tin vào pháp luật của người dân là sự tin tưởng vào pháp luật, luôn tôn trọng các quy định của pháp luật. Có thể nói, niềm tin vào pháp luật là một thành tố rất cơ bản, quan trọng cấu thành phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, lối sống và năng lực công tác của mỗi người công dân. Có niềm tin vào pháp luật sẽ giúp cho người dân có được định hướng đúng đắn trong tư duy, nhận thức cũng như trong hành động của mình, biết xem xét, đánh giá và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách có hiệu quả và nhất là theo đúng pháp luật. Có thể nói, nhìn vào thực trạng của người dân nước ta trong những năm vừa qua và hiện nay, chúng ta có thể rút ra kết luật rằng: phần lớn người dân đều có niềm tin vào pháp luật. Đó chính là lòng tin của họ vào lẽ công bằng, vào công lí và khả năng có thể ổn định xã hội của pháp luật Việt Nam. Niềm tin đó được họ thể hiện ở sự tôn trọng và ủng hộ đối với pháp luật, tuân thủ những gì pháp luật quy định. Những minh chứng cho điều này chẳng ở đâu xa, mà hàng ngày vẫn hiện hữu xung quanh chúng ta. Những hành động mà chúng ta cảm thấy rất bình thường như tuân thủ luật giao thông khi tham gia giao thông, hay tham gia bầu cử theo đúng quy định của pháp luật chính là những hành vi thể hiện lòng tin của chúng ta vào pháp luật nhà nước. Không chỉ chấp hành tốt pháp luật, một bộ phận không nhỏ những người dân còn tham gia chống lại các hành vi vi phạm pháp luật tại địa phương mình cư trú, từ “nhỏ bé thầm lặng” tham gia vào các đội tự quản, hay to lớn hơn như bắt cướp ở địa phương, đã góp phần không nhỏ làm cho một phần thế giới này đẹp nên! Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận người dân vẫn còn thiếu, còn yếu niềm tin vào pháp luật. Họ cho rằng pháp luật chỉ là công cụ phục vụ lợi ích cho “một số người trên cao”, mà không phải là đem lại sự công bằng thật sự cho xã hội. Từ đó, họ nảy sinh tâm lý coi thường và tìm cách chống đối lại pháp luật. Hệ quả của việc này thì có kể cả ngày cũng không thể hết được. Cái suy nghĩ “pháp luật chắc trừ mình ra” không phải là lối suy nghĩ của một, hai người trong xã hội. Nhẹ thì vi phạm luật giao thông, nhìn trước ngó sau không thấy cảnh sát giao thông là vượt đèn đỏ. Nặng hơn chút nữa là lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, đưa nhận hối lộ, thậm chí còn giết người cướp của. Mà điều đáng buồn nhất là người ta coi việc vi phạm ấy là cái gì đó có vẻ hay ho. Có anh, chị mấy lần vượt đèn đỏ bị công an “vồ” hụt, coi đó là thành tích gặp ai cũng khoe. Rồi họ coi những người thực hiện pháp luật, mà thông thường và hay gặp nhất là các chiến sĩ công an giao thông, là những kẻ chuyên đi hà hiếp người ta, gọi họ bằng những cái tên khó nghe. Thử hỏi, họ không sai thì ai trách phạt? Những hành động coi thường tính nghiêm minh của pháp luật này, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị các cơ quan có thẩm quyền xủ lý, giữ vững sự công bằng cho pháp luật, đồng thời cũng là đòn cảnh tỉnh cho những đối tượng khác. III. Giải pháp về ý thức pháp luật của người dân Việt Nam. Để giảm thiểu xuống mức thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật chỉ vì ý thức người dân không đủ, cách thức tốt nhất mà chúng ta phải thực hiện đó chính là nâng cao ý thức pháp luật của mỗi người dân. Các cụ ngày xưa có câu: “Không có người phụ nữ xấu, mà chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp”, sao chúng ta không áp dụng lại câu nói này trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người Việt mình: “Không có người dân nào xấu, chỉ là người dân đó không biết phát huy những phẩm chất tốt đẹp của mình mà thôi”. Sau đây, em xin đưa ra một vài giải pháp giúp nâng cao ý thức pháp luật của người dân: * Nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp: Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động của Hội đồng, đặc biệt là giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể trong từng năm và cung cấp kinh phí đầy đủ, đảm bảo cho Hội đồng triển khai và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Số lượng các văn bản do trung ương và địa phương ban hành quá nhiều, do vậy Hội đồng các cấp cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức hoạt động thường xuyên để chuyển tải kịp thời các văn bản đến với nhân dân. Việc xây dựng tổ chuyên viên có đầy đủ năng lực về pháp luật để tham mưu cho Hội đồng và trực tiếp triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đặt ra là hết sức cần thiết. * Tổ chức điều tra, khảo sát để biết được tình hình trong thực tế về trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân: Sự hiểu biết pháp luật của mỗi cá nhân khác nhau, sự hiểu biết đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nghề nghiệp, khu vực sống, trình độ văn hóa... Vì vậy, khảo sát, điều tra thực trạng trình độ hiểu biết pháp luật căn cứ vào các yếu tố như vậy mới có thể xác định được nhu cầu cụ thể của từng nhóm đối tượng, từ đó đề ra mức độ tuyên truyền như thế nào là phù hợp và nâng dần trình độ hiểu biết pháp luật của họ. Kết quả điều tra, khảo sát là cơ sở thực tế để Hội đồng phối hợp công tác phổ biến pháp luật các cấp lập kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp và đảm bảo đạt được kết quả cao. * Nội dung tuyên truyền pháp luật cần thiết thực, đơn giản, dễ hiểu: Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay rất rộng: thông tin về pháp luật, thông tin về thực hiện pháp luật, về tình hình phạm pháp... Đối tượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật là toàn dân, trình độ hiểu biết pháp luật chưa cao và mục tiêu của tuyên truyền, phổ biến pháp luật là làm cho các công dân hiểu mình là ai, mình làm gì và làm như thế nào, công dân hiểu và nắm được các quy định của pháp luật để giải quyết công việc, để bảo vệ quyền lợi của mình trước các cơ quan nhà nước. Do vậy nội dung tuyên truyền cần được giải thích bằng ngôn ngữ đơn giản, càng dễ hiểu bao nhiêu càng tốt để tiếp cận được mọi đối tượng một cách hiệu quả, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiến thức pháp luật cơ bản, các khái niệm, các quy phạm pháp luật... * Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Hiện nay hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất đa dạng: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các hội nghị, tuyên truyền thông qua công tác hoà giải ở cơ sở, qua công tác xét xử của Tòa án, qua tủ sách pháp luật, qua sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, qua các hội thi... Bên cạnh việc phát huy ngày càng hiệu quả các hình thức này, đối với các vùng nông thôn, vùng sâu cần lựa chọn những hình thức thích hợp như: phát sách hướng dẫn thực hiện pháp luật; tổ chức nói chuyện thường xuyên về pháp luật ở các tụ điểm dân cư; tăng cường các hình thức phát sóng đa dạng, liên tục, hấp dẫn trên hệ thống đài truyền thanh huyện và xã... . Đưa việc giảng dạy pháp luật vào hệ thống các trường học, bậc học. Thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước. Hơn thế nữa, “uốn cây phải uốn từ lúc cây còn non, răn người phải răn lúc người còn nhỏ”. Chính vì thế, việc giáo dục cho thế hệ trẻ có ý thức pháp luật chính là chúng ta đang gây dựng cho đất nước một tương lai với những con người có ý thức pháp luật tốt. Và khi người trẻ có thể sống đúng theo pháp luật, hệ quả kéo theo chính là mỗi người lớn cũng phải tự nhìn nhận lại mình mà tự nâng cao ý thức pháp luật của bản thân họ, chính bởi vì suy nghĩ “trẻ em còn như thế, mình là người lớn chẳng nhẽ không biết noi gương!”. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thực hiện pháp luật. Có thầy tài ắt có trò giỏi, có tướng hùng ắt binh sẽ mạnh! Có bồi dưỡng ra được một đội ngũ cán bộ thực hiện pháp luật tốt thì mới có thể giảng dạy tốt cho người dân. Mở rộng tính dân chủ, công khai, tạo điều kiện cho người dân tham gia một cách đông đảo vào hoạt động xây dựng pháp luật. Pháp luật của một nhà nước vì dân, do dân mà xây dựng nên vì thế, việc công khai và dân chủ hoá sẽ góp phần đưa pháp luật gần gũi hơn với người dân mình, và điều này sẽ giúp cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản luật mới sẽ không còn là “tiếng nói cá nhân của một số người xây dựng và phê chuẩn” các bộ luật và dự án luật. Hơn nữa, việc này còn góp phần không nhỏ vào việc nâng cao uy tín của nhà nước, hạ thấp đi những bất mãn của người dân, giảm thiểu đi những sự khập khiễng của các văn bản pháp luật khi đưa vào áp dụng trong thục tiễn. III. Kết luận. Để người dân mình không còn bất tuân luật pháp, tự giác trong việc tuân thủ pháp luật thì việc chúng ta nâng cao ý thức pháp luật cho họ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Người Việt mình sẽ không còn cái “truyền thống” bất tuân pháp luật, không còn “mang mác” kém ý thức pháp luật nữa, khi mà ý thức pháp luật của họ đầy đủ và toàn diện. Để kết thúc, em xin trích dẫn lời của phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa- Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội: “Trong một xã hội phương Đông như Việt Nam, thiếu luật chưa hẳn đáng lo ngại, điều nguy hiểm nhất là người dân thờ ơ với pháp luật”. Danh mục tài liệu tham khảo: Giáo trình Lí luận nhà nước và pháp luật – trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công An Nhân Dân, 2013. http://www.tintuc.xalo.vn http://www.vietbao.vn http://www.google.com/giaidap http://www.luanvan.co http://www.answers.yahoo.com http://www.lawvietnam.com
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng