Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt tt...

Tài liệu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt tt

.PDF
28
69
125

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI --------o0o------- NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT Ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu Mã số : 9 22 20 24 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC Hà Nội, 2019 1 Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM VIỆN NGÔN NGỮ HỘC VIỆN KHOA HỌC XÁC HỘI VI ỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Quang Năng Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, họp tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Vào hồi .... giờ ... ngày .... tháng ..... năm 201... Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam - Thư viện Học viện Khoa học xã hội 2 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Khảo sát của chúng tôi cho thấy lĩnh vực nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm vẫn còn nhiều khoảng trống. Hiện chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” trên ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày của tất cả các phiên giao dịch trong một năm, mà các nghiên cứu trên thế giới đa số chỉ xử lý ngữ liệu bản tin tài chính nói chung. Hơn nữa ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” và đối chiếu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt. Vì vậy đây là khoảng trống lý luận cần thiết được lấp đầy. Nghiên cứu so sánh đối chiếu của chúng tôi về ADYN trong ngôn ngữ của TTCK trên ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày sẽ là mảnh ghép tiếp theo vào bức tranh nghiên cứu chung đó. Về mặt thực tiễn, Việt Nam là nước đang phát triển khá nhanh về kinh tế, nền tài chính tuy còn non trẻ nhưng đã sôi động với sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2000. Tuy nhiên, ở Việt Nam TTCK hoạt động chuyên nghiệp chỉ mới 10 năm nay nên có nhiều khái niệm trừu tượng còn khó hiểu với nhiều người, và không phải ai cũng hiểu được các thuật ngữ cũng như nghĩa ngầm ẩn của các biểu thức ADYN trong các diễn ngôn về TTCK. Vì vậy việc nghiên cứu các biểu thức ẩn dụ ý niệm là cần thiết vì nó sẽ giúp hiểu biết đầy đủ và toàn diện về lĩnh vực thị trường chứng khoán thông qua các ẩn dụ ý niệm. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khả năng ngôn ngữ TTCK trong tiếng Việt chịu ảnh hưởng của tiếng Anh vì TTCK Việt Nam ra đời rất lâu sau TTCK thế giới trên cơ sở kế thừa. Trên thế giới, TTCK đã hoạt động hàng trăm năm với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ đầu tiên với TTCK Anh và TTCK Mỹ từ thế kỷ 18 nên tương ứng với nó là sự phát triển lâu đời của ngôn ngữ thị trường chứng khoán trong tiếng Anh. Do đó khi TTCK Việt Nam ra đời tất yếu có sự tiếp thu các biểu thức ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt dẫn đến nhiều tương đồng không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy về TTCK ở hai ngôn ngữ. Mặt khác, ánh xạ ý niệm ngoài tính phổ quát vẫn mang đặc trưng văn hoá cụ thể và các đặc trưng văn hoá có thể gây ra các dị biệt trong việc sử dụng các biểu thức ẩn dụ ý niệm và gây khó dễ cho người sử dụng ngôn ngữ. Do đó việc đối chiếu ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Việt sẽ giúp tìm ra sự tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm ở hai ngôn ngữ, từ đó rõ hơn về mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy, và ngôn ngữ giúp cho độc giả và người sử dụng ngôn ngữ tự tin hơn…, đồng thời cũng giúp ích cho việc nghiên cứu liên văn hoá cũng như ứng dụng giảng dạy và dịch thuật ngôn ngữ thị trường chứng khoán. 3 Chính vì những lý do nêu trên trên chúng tôi chọn đề tài “Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN trong tiếng Anh và tiếng Việt” cho công trình luận án của mình nhằm làm sáng tỏ những khoảng trống về lý luận và thực tiễn đó. 2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở thống kê, miêu tả và phân tích các biểu thức ẩn dụ ý niệm trong ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt, luận án sẽ chỉ ra những tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong hai ngôn ngữ, từ đó tìm ra sự tương đồng và dị biệt về cơ sở tri nhận của chúng trong tiếng Anh và tiếng Việt. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu a. Hệ thống hóa các quan điểm lí luận về ẩn dụ nhìn từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó xác lập cơ sở lí luận cho việc nghiên cứu. b. Xác lập các biểu thức ngôn ngữ của ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có trong ngữ liệu bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó rút ra các ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt. d. Miêu tả, phân tích, đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt trên cả ba bình diện định lượng, ngữ nghĩa và tri nhận, giao tiếp. g. Giải thích các đặc điểm tương đồng và dị biệt dựa trên phương diện văn hoá dân tộc, bước đầu làm rõ mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy và ngôn ngữ. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu khảo sát 3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Ngữ liệu nghiên cứu giới hạn trong phạm vi văn bản là các bản tin điện tử hàng ngày về thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam; và trong khoảng thời gian phát hành giới hạn từ 1/1/201730/12/2017. Chúng tôi chỉ khảo sát 762 bản tin tiếng Anh và 219 bản tin tiếng Việt, dựa trên ngữ liệu này với miền đích xác định trước là THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN chúng tôi tìm được 16 miền nguồn. Luận án chỉ miêu tả, phân tích, đối chiếu các ẩn dụ ý niệm rút ra từ các biểu thức ẩn dụ có trong ngữ liệu, trong đó làm rõ cơ chế ánh xạ của từng ẩn dụ ý niệm và cách thức tri nhận, phân tích nghĩa ẩn dụ của các đơn vị từ vựng và bàn luận chức năng giao tiếp của các ẩn dụ đó. Các tiêu chí đối chiếu hai chiều là ba bình diện của ẩn dụ ý niệm (ngữ nghĩa, tri nhận, giao tiếp); ngoài ra còn có tiêu chí so sánh định lượng nhằm tìm ra tính nổi trội của từng loại ADYN. 3.2. Ngữ liệu khảo sát 4 Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 762 bản tin tiếng Anh về TTCK Mỹ trong chuyên mục “Stock Market Today” (http://www.investors.com); và 219 bản tin tiếng Việt về TTCK Việt Nam trong chuyên mục “Nhịp đập thị trường” (http://www.vietstock.com). Đây là hai tờ báo điện tử dành cho các nhà đầu tư tài chính. Các bản tin được công bố từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 29/12/2017. Tổng số từ của các bản tin tiếng Việt là 267.429 lượt từ. Tổng số từ của các bản tin tiếng Anh là 355.842 lượt từ. 4. Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu Luận án kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính. Phương pháp nghiên cứu định lượng cho phép luận án thiết lập sự so sánh trực tiếp các kết quả tìm thấy giữa hai ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Phương pháp phân tích định tính được dùng để nghiên cứu sâu hơn các ánh xạ ẩn dụ có mặt trong hai khối ngữ liệu và cách sử dụng các biểu thức ẩn dụ, và làm sáng tỏ cách thức tri nhận về TTCK, từ đó phát hiện ra các nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận án là: a. Phương pháp miêu tả (của ngôn ngữ học tri nhận): dùng để miêu tả các mô hình ẩn dụ ý niệm về TTCK trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt. b. Phương pháp đối chiếu: Phương pháp đối chiếu hai chiều (cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được coi là ngữ nguồn và ngữ đích) được chọn sử dụng để nghiên cứu vì phương pháp này có giá trị to lớn cho việc nghiên cứu phân tích hai ngôn ngữ với nhau; dùng để so sánh và đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó tìm ra các điểm tương đồng và dị biệt trong hai ngôn ngữ về cả 3 phương diện là ngữ nghĩa, tri nhận, giao tiếp. c. Phương pháp phân tích ẩn dụ ý niệm: dùng để phân tích các miền ý niệm và cấu tạo nghĩa qua ẩn dụ; sau đó nhận xét về mục đích sử dụng chúng trong các bản tin thị trường chứng khoán thu thập được. Việc khảo sát ngữ liệu và nhận diện các biểu thức ẩn dụ ý niệm được thực hiện theo Quy trình nhận dạng ẩn dụ ý niệm (Metaphor Identification Procedure) của nhóm Pragglejaz [131:3]. d. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nghiên cứu liên ngành văn hoá-ngôn ngữ được áp dụng vì chúng tôi sử dụng các đặc trưng văn hoá, và các yếu tố bối cảnh văn hoá xã hội để giải thích các tương đồng và dị biệt của các biểu thức ADYN trong tiếng Anh và tiếng Việt. e. Thủ pháp thống kê, phân loại: dùng để thống kê các dụ dẫn và nhóm theo lĩnh vực nguồn, theo tần xuất xuất hiện của chúng, theo mức độ phổ biến và theo các đặc điểm ngôn ngữ-văn hoá trên cơ sở dữ liệu các bản tin tiếng Anh và tiếng Việt thu thập được. Các số liệu thống kê cho thấy mức độ thông dụng của các ẩn dụ về TTCK trong các bản tin TTCK, và là cơ sở cho các 5 đối chiếu về mặt định lượng giữa tiếng Anh và tiếng Việt. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Đây là luận án đầu tiên tại Việt Nam về đề tài ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn thị trường chứng khoán. Luận án cung cấp thêm kiến thức ngôn ngữ về các ẩn dụ ý niệm có miền đích là thị trường chứng khoán, xác định sự giống nhau và khác nhau trong cách tri nhận về TTCK giữa cộng đồng nói tiếng Anh và cộng đồng người Việt Nam, qua đó làm rõ hơn mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hoá và tư duy trong lĩnh vực thị trường chứng khoán. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Về mặt lí luận Luận án góp phần củng cố lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, và làm rõ thêm một số vấn đề lý thuyết ẩn dụ ý niệm thông qua ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán. Luận án cũng tiếp tục khẳng định vai trò tri nhận và giao tiếp của ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn, và tiếp tục minh hoạ cho tính đa dạng văn hoá của ẩn dụ ý niệm. Ở Việt Nam đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống đầu tiên các ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trên thể loại bản tin. Nó mở ra hướng nghiên cứu sâu hơn về thể loại ngôn ngữ tài chính mà hiện còn bỏ ngỏ ở Việt Nam. 6.2. Về mặt thực tiễn Những kết quả thu được sẽ có ý nghĩa trước hết với những độc giả của bản tin TTCK, và những người sử dụng ngôn ngữ, đồng thời sẽ đóng góp cho công việc giảng dạy ngôn ngữ nói chung, và đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành thị trường chứng khoán thuộc ngành tài chính. Đối với lĩnh vực báo chí, kết quả của luận án có thể giúp ích cho công tác viết tin hoặc dịch tin tức, bình luận về TTCK. 7. Cấu trúc của luận án Luận án gồm phần mở đầu, 4 chương chính và phần kết luận. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế 1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới 1.1.1.1. Các nghiên cứu dưới góc độ ngữ nghĩa và tri nhận Các nghiên cứu thuộc nhóm này xuất phát ban đầu từ nhu cầu ứng dụng cho giảng dạy từ vựng kinh tế qua các ẩn dụ. Các nghiên cứu của Henderson [84] đã xác định rõ ba vai trò của ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế. Các nghiên cứu của Gao [68] Cardini [32]… đã tìm ra các mô hình ẩn dụ ý niệm về kinh tế. Ngôn ngữ trong lĩnh vực tài chính cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm như 6 Oberlechner et.al. [125], Éva Kovács [63], Morris M. et.al [120], Đặc biệt có rất nhiều nghiên cứu so sánh đối chiếu văn hoá về ẩn dụ trong diễn ngôn kinh tế nói chung và diễn ngôn tài chính nói riêng. Các nghiên cứu Luporini [113], Rojo López & Orts Llopis [134], Charteris-Black& Ennis [46], Semino [135], Chung [50], [51], [52], Kovács [99], [100]…đều chỉ ra rằng ẩn dụ ý niệm mang tính đặc trưng văn hoá và giải thích cách sử dụng ẩn dụ dựa trên các đặc điểm tương đồng và khác biệt về văn hoá, tự nhiên, vật lý. 1.1.1.1. Các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội Nghiên cứu của các tác giả liên quan tới ẩn dụ và giới tính như Wilson [152], Fleischmann [66] cho rằng ẩn dụ kinh tế là chiến tranh đã cho thấy rõ sự phân biệt giới tính từ xưa vì mô hình ẩn dụ này liên quan tới các hành vi mang tính nam, và như vậy là coi nhẹ vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh. Koller [97] cũng đã tiến hành một nghiên cứu rất hay về ẩn dụ và giới trong kinh doanh. 1.1.1.3. Nghiên cứu dưới góc độ ngữ dụng Các nghiên cứu nổi bật của Cameron [41], Charteris-Black [46]; Charteris-Black & Musolff [49] cũng góp phần làm rõ hơn vai trò ngữ dụng của ẩn dụ dường như vẫn không quan tâm đúng mức tới chức năng giao tiếp của ẩn dụ cho tới khi Steen [129] chỉ rõ nghịch lý và đưa ra mô hình ba chiều, khẳng định các chức năng của ẩn dụ có thể giải thích dựa trên mối liên hệ với ngôn ngữ, tư duy và giao tiếp và sau đó phát triển thành Lý thuyết ẩn dụ chủ ý (Deliberate Metaphor Theory). Ba chức năng đó là: (i) Chức năng ngữ nghĩa (ii) Chức năng tri nhận (iii) Chức năng giao tiếp Nhiều nghiên cứu từ những năm 2000 tiếp tục xem xét mặt xã hội của việc sử dụng ẩn dụ ý niệm và các nhân tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn và sử dụng ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế, như nghiên cứu Kovács [100], Koller [97]; Laura Hidago Downing và Blanca Kraljevic Mujic [77,78]; Smith [139], Skorczynska & Deignan [138], Handford [76], Sun &Yang [145]; O’mara Shimeck [127]. 1.1.2 Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam Tại Việt Nam về lĩnh vực diễn ngôn kinh tế cho đến nay mới chỉ có một vài nhà nghiên cứu làm công việc giới thiệu khái quát ADYN trong các tài liệu kinh tế tiếng Anh, tiếng Việt, trong đó đáng chú ý nhất là nghiên cứu của Hà Thanh Hải [5], Nguyễn Thuỵ Phương Lan [18], Vương Thị Kim Thanh [32], và Phạm Thị Thanh Thuỳ [29] [30] [31]. 1.2. Cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm 1.2.1. Định nghĩa về ẩn dụ ý niệm Lakoff &Johnson [108] định nghĩa ẩn dụ ý niệm là việc hiểu một miền ý niệm thông qua một miền ý niệm khác. 1.2.2. Thuyết ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory) Nội dung quan trọng thứ nhất của Thuyết ADYN là “Ẩn dụ có mặt ở khắp nơi”. Thuyết ADYN chỉ ra rằng con người cấu trúc nên nhiều khái 7 niệm thông qua việc ánh xạ được hình thành trong trí óc và ánh xạ đó được đặt lên miền nguồn trừu tượng từ miền nguồn cụ thể. Một nội dung quan trọng nữa của thuyết ADYN là ẩn dụ xuất hiện trong tư duy. Trong các nghiên cứu sau đó Lakoff & Johnson [108] đưa ra quan điểm rằng tư duy không độc lập với thân thể mà mang tính nghiệm thân (embodiment), sau này phát triển thành Thuyết nghiệm thân. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận thời kỳ sau (Steen [141], Fauconnier & Turner [65], Gibb [72], [75], Gibbs & Coulston [78]…). đã chỉ ra một số hạn chế của lý thuyết ẩn dụ ý niệm khởi xướng từ thời đầu của Lakoff & Johnson [108]. Sau đó Lakoff cùng với một số nhà nghiên cứu khác điển hình là Kövecses đã phát triển tư tưởng về vai trò của ẩn dụ trong việc hình thành hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên và lý thuyết ẩn dụ được phát triển sâu rộng hơn. 1.2.3. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm 1.2.3.1. Ý niệm và sự ý niệm hoá 1.2.3.2. Miền nguồn-miền đích Trong ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm được định nghĩa như sự thông hiểu một ý niệm (hay một miền ý niệm) này thông qua một ý niệm (miền ý niệm) khác. Ví dụ như khi chúng ta nói về “thị trường chứng khoán” thông qua “cuộc hành trình”, hay “thị trường chứng khoán” thông qua “biển”. Mô hình của ẩn dụ ý niệm là “A là B” trong đó A là ý niệm Đích và B là ý niệm Nguồn, ý niệm Đích được hiểu thông qua ý niệm Nguồn. 1.2.3.3. Lược đồ hình ảnh Lược đồ hình ảnh không phải là các hình ảnh cụ thể mà là trừu tượng theo nghĩa là các lược đồ trong nhận thức, biểu trưng cho các mô hình lược đồ xuất phát từ các miền hữu ảnh chẳng hạn như “vật chứa, đường đi, khớp nối, lực đẩy, cân bằng”. Đây là các mô hình tái diễn nhiều trong nhiều miền mang tính nghiệm thân và cấu trúc nên các trải nghiệm nghiệm thân. Theo Talmy [147], lược đồ cấu trúc nên các trải nghiệm mang tính nghiệm thân và cả các trải nghiệm không mang tính nghiệm thân thông qua ẩn dụ. Như vậy các tác giả đã làm sáng tỏ miêu tả có vẻ trái ngược nhau về lược đồ ánh xạ: tính chất “trừu tượng” hiểu theo một cách đó là sơ đồ trong tâm trí; hiểu theo cách khác đó là mang tính nghiệm thân. 1.2.3.4. Ánh xạ Theo Lakoff & Johnson [108] ánh xạ được coi là tập hợp của những thuộc tính tương đồng và có cấu trúc xác định. G. Lakoff gọi tên ánh xạ theo công thức “TARGET-DOMAIN IS SOURCE-DOMAIN or TARGETDOMAIN AS SOURCE-DOMAIN” (“MIỀN ĐÍCH là MIỀN NGUỒN hoặc MIỀN ĐÍCH như thể MIỀN NGUỒN”). Theo Lakoff & Johnson ánh xạ mang tính cục bộ, nghĩa là một số thuộc tính của miền nguồn được chiếu xạ sang miền đích chứ không phải là toàn bộ. Liên quan tới tính cục bộ của ẩn dụ ý niệm thì Kövecses [104] đã 8 phân tích đặc điểm “highlighting” (làm nổi bật), và “hiding” (che giấu) của ẩn dụ. 1.2.3.5. Các cấp độ của ẩn dụ Theo thuyết ẩn dụ ý niệm, ẩn dụ gồm hai cấp độ là primary (phái sinh) và generic-level (tổng quát). Các ẩn dụ tổng quát mang tính phổ quát. 1.2.3.6. Phân loại ẩn dụ ý niệm a. Phân loại theo tính quy ước của ẩn dụ b. Phân loại theo chức năng của ẩn dụ Kövecses [92] đưa ra 3 loại ẩn dụ khác nhau dựa trên chức năng tri nhận, cụ thể là ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ bản thể và ẩn dụ định hướng. c. Phân loại theo bản chất của ẩn dụ d. Phân loại theo tính khái quát của ẩn dụ 1.2.4. Ẩn dụ ý niệm và văn hoá 1.2.4.1. Khái niệm văn hóa Taylor [183] định nghĩa văn hóa là phương thức sống đặc thù được các thành viên trong một cộng đồng ngôn ngữ cùng chia sẻ. 1.2.4.2. Sự đa dạng liên văn hóa trong ẩn dụ ý niệm Deignant và cộng sự [52] nói rằng sự đa dạng liên văn hóa trong ADYN chủ yếu thể hiện theo 3 cách là (i) cùng ẩn dụ ý niệm và khác biểu thức ngôn ngữ; (ii) khác ẩn dụ ý niệm; (iii) từ và biểu thức có nghĩa đen giống nhau nhưng khác nghĩa mở rộng qua phép ẩn dụ. (metaphorical extensions) 1.2.5. Một số đặc trưng văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của Việt Nam Theo Trần Ngọc Thêm [34] các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc…thuộc loại hình văn hoá gốc du mục; văn hoá Việt Nam hình thành trên nền của văn hoá Nam Á và Đông Nam Á, Văn hoá Việt Nam thuộc loại văn hoá gốc nông nghiệp điển hình. 1.3. Khung cơ sở lý thuyết Dựa trên tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý luận về ẩn dụ đã trình bày chúng tôi đưa ra khung cơ sở lý thuyết cho luận án. 1.4. Tiểu kết CHƯƠNG 2. ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ MIỀN NGUỒN LÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT 2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN đều có mức độ thông dụng cao trong cả hai ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Tuy nhiên so sánh số biểu thức và số lượt xuất hiện ta thấy độ phong phú và tần suất của biểu thức ẩn dụ THỊ TRƯỜNG 9 CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong tiếng Việt chỉ bằng một nửa trong tiếng Anh. Tần số xuất hiện lớn cùng sự phong phú của các biểu thức ngôn ngữ trong cả hai ngữ liệu có thể được lý giải dựa vào yếu tố về địa lý. Theo Oxford University Press (2014) thì nước Anh được hợp thành từ các quần đảo vì vậy biển đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống nói chung và ngôn ngữ nói riêng. Tương tự vậy theo thông tin trên cổng thông tin của chính phủ “Việt Nam có ba mặt Đông, Nam và Tây-Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc” (www.chinhphu.vn); do đó “biển” có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống con người Việt Nam. Hơn nữa về văn hoá ứng phó với môi trường tự nhiên của người Việt Nam, Trần Ngọc Thêm [34:214] viết “Hình ảnh sông nước ăn sâu vào tâm khảm của người Việt Nam đến mức mọi mặt sinh hoạt đều lấy con thuyền và sông nước làm chuẩn mực.” Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Chúng ta thấy tư duy của cộng đồng sử dụng tiếng Anh và cộng đồng sử dụng tiếng Việt về TTCK đều được cấu trúc bởi ẩn dụ ý niệm có miền nguồn BIỂN một cách rõ nét và nổi bật. Đây cũng là đặc điểm của tính phổ quát của ADYN. Hầu hết các thuộc tính được ánh xạ đều giống nhau ở hai ngôn ngữ nhưng sự nổi trội của từng thuộc tính là khác nhau. Thứ nhất, về các ý niệm chỉ bộ phận của biển và các thực thể, ở tiếng Anh và tiếng Việt đều xuất hiện các từ ngữ chỉ “đáy biển” nhiều nhất. Có điểm khác biệt là ở tiếng Việt có “dòng tiền” xuất hiện tới 106 lượt, nhưng ở bản tin tiếng Anh không có biểu thức tương đương. Thứ hai, thuộc tính “chuyển động của nước” là thuộc tính điển dạng của miền ý niệm biển được thể hiện khác nhau trong hai ngôn ngữ. Trong tiếng Anh các biểu thức liên quan tới “sự chuyển động của nước” và “hoạt động của các thực thể trên biển so với mặt nước theo hướng lên/xuống” phong phú hơn rất nhiều và được biểu đạt cụ thể bằng các động từ chỉ các mức độ khác nhau nhằm thể hiện các biến động cụ thể của thị trường theo hướng tăng điểm hay giảm điểm. Trong tiếng Việt chủ yếu xuất hiện biểu thức “sóng” mô tả chung sự chuyển động của nước trên biển (có nghĩa là thị trường có sự biến động lên xuống) mà không cụ thể các hướng. Thứ ba, khác với tiếng Anh, trong ngữ liệu tiếng Việt có một số biểu thức là thành ngữ thể hiện sự ăn sâu của ý niệm sông nước trong đời sống con người Việt Nam; và các biểu thức khác liên quan tới hoạt động của con người với sóng thể hiện rõ nét hơn vai trò của chủ thể tham gia thị trường là nhà đầu tư. Điều này có thể do Việt Nam là đất nước có hệ thống sông ngòi dày đặc và có bờ biển chạy dọc suốt chiều dài đất nước, do đó hoạt động mưu sinh của người gắn liền với sông nước, với biển. Suy luận này hoàn toàn có cơ sở khi các nhà ngôn ngữ học tri nhận như Gibbs [71], Boer [38] đã khẳng định rằng đặc điểm sinh thái của một nền văn hoá tạo ra đặc trưng nổi trội của một ẩn dụ ý niệm nào đó trong 10 ngôn ngữ ấy. Thứ tư, thuộc tính “trạng thái của nước” nhằm mô tả tình trạng của TTCK trong tiếng Anh được thể hiện bằng nhiều đơn vị từ vựng hơn, và không có từ nào đương đương với tiếng Việt. Về chức năng giao tiếp: Khi TTCK được tác giả ở cả hai ngôn ngữ tư duy thông qua miền ý niệm BIỂN người đọc sẽ nhận thấy rằng đặc tính muốn làm nổi bật của TTCK là tính biến động liên tục và khó xác định, và rằng sự ảnh hưởng hay trách nhiệm của con người là không đáng kể. Bởi vì sự hoạt động của biển không cần đến con người cho nên với ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN, con người chủ yếu đóng vai như những người đứng ngoài quan sát. Hơn nữa khi nhấn mạnh vào sức mạnh vận động liên tục của nước tức là làm nổi bật đặc tính vẫn sẽ tồn tại trong tương lai của TTCK và ai tham gia thị trường cũng có thể có lãi mà không ảnh hưởng tới thị trường cũng như làm tổn hại người khác như thể nước đại dương vô cùng mênh mông không hề hao hụt. Theo đó thì ẩn dụ này sẽ che mờ thực tế là TTCK là do con người tạo ra và đặc điểm của nó là mong manh (có thể bị ảnh hưởng tiêu cực), và rồi nhà đầu tư quên mất rằng họ có thể bị thua lỗ. Như vậy việc sử dụng ẩn dụ ý niệm loại này có thể khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Hàm ý này được thể hiện rõ nét hơn ở bản tin tiếng Việt. 2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng, thống kê cho thấy số lượng các dụ dẫn, cũng như biểu thức thể hiện ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT nhiều hơn ở tiếng Anh một chút và tần suất xuất hiện cao gấp 3 lần so với tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận, ở cả tiếng Anh và tiếng Việt thị trường chứng khoán đều được tri nhận thông qua sự tương đồng về bộ phận, hoạt động và đặc điểm đặc trưng của các loài động vật. Bảng thống kê cho thấy các từ ngữ dùng để miêu tả diễn biến lên, xuống của TTCK thông qua động tác cụ thể của động vật trong tiếng Anh phong phú và cụ thể về mức độ hơn trong tiếng Việt. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngôn ngữ là trong khối bản tin tiếng Việt các biểu thức miêu tả TTCK hầu hết liên quan tới loài chim trong khi ở tiếng Anh chỉ có một đơn vị từ vựng liên quan tới loài chim là “bay” và xuất hiện rất ít. Hơn nữa, trong ngữ liệu tiếng Việt không có biểu thức “gấu” và “bò” tương đương với “bull” và “bear” trong tiếng Anh, và các biểu thức liên quan tới động vật hoang dã như trong khối bản tin tiếng Anh ngoài từ “bầy đàn” gần tương đương với “pack” nhưng số lượng chỉ có 2 biểu thức. Như vậy chúng ta có thể suy luận rằng người Việt Nam không có ý niệm về “bò” và “gấu” như người ở cộng đồng các nước nói tiếng Anh nên khi thuật ngữ mới này đi vào tiếng Việt thì chưa định hình được, và việc dịch sao phỏng hay vay mượn ngôn ngữ nhắc tới ở trên thể hiện sự vay 11 mượn cả về tư duy. Đặc trưng văn hoá của các nước nói tiếng Anh là văn hoá du mục chăn nuôi gia súc (Trần Ngọc Thêm [34]) dẫn đến việc ý niệm hoá thị trường chứng khoán qua hình ảnh động vật hoang dã. Ngược lại Việt Nam có nền văn minh lúa nước từ lâu đời (Trần Ngọc Thêm [34]), con người quen thuộc hơn với hình ảnh con trâu đi cày, con bò kéo xe, và đồng ruộng thẳng cánh cò bay nên có lẽ việc ý niệm hoá hoạt động của thị trường chỉ thông qua hình ảnh cánh chim bay lên. Theo tư duy mỹ học phương Đông cánh chim được xem là biểu tượng của khát khao tự do và chinh phục, và đã đi vào nghệ thuật hội hoạ và truyền thống (Alaingheerbrant [1]). Có lẽ vì vậy mà hình ảnh cánh chim được tác giả Việt Nam ưa dùng khi mô tả TTCK diễn biến rất tốt. Về chức năng giao tiếp, các biểu thức ẩn dụ ý niệm có miền nguồn ĐỘNG VẬT được lựa chọn sử dụng cho mỗi thông tin đưa ra trong cả hai ngôn ngữ đều mang một thông điệp giao tiếp nào đó. Trong tiếng Anh, các biểu thức liên quan tới tính chất hoang dại của loài động vật hoang dã giúp nhấn mạnh vào tính chất bất thường của TTC, vì thế nó mang hàm ý khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng. Trong tiếng Việt, các biểu thức mang hình ảnh cánh chim-một hình ảnh đẹp và phóng khoáng có thể khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. 2.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Số lượng biểu thức ẩn dụ hoàn toàn tương đương nhau ở cả hai ngôn ngữ, có nghĩa là độ thông dụng của ADYN này gần tương đương nhau, hơi nghiêng về tiếng Việt. Tuy nhiên, số lượng dụ dẫn lại có độ chênh lớn, số lượng ở tiếng Anh cao gấp gần 7 lần ở tiếng Việt. Số liệu về tỉ lệ xuất hiện rất thấp cho thấy đây là loại ẩn dụ không nổi trội trong cả hai ngôn ngữ. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Ở cả hai ngôn ngữ việc ý niệm hoá diễn biến của TTCK thông qua các giai đoạn phát triển và suy tàn của thực vật khiến người đọc dễ nắm bắt tình hình thị trường. Điểm khác biệt là ở các bản tin tiếng Anh cả hai thuộc tính “tăng trưởng” và “suy tàn” của THỰC VẬT đều được kích hoạt và phóng chiếu lên miền ý niệm đích để miêu tả các diễn biến khi TTCK phát triển tốt và các diễn biến khi TTCK suy giảm, trong khi đó ở bản tin tiếng Việt chỉ có thuộc tính tăng trưởng tham gia vào ánh xạ. Trong cả hai ngôn ngữ đơn vị từ vựng cho ra nhiều biểu thức ẩn dụ nhất đều là“grow/growth” trong tiếng Anh, và tương ứng là “tăng trưởng” trong tiếng Việt. Tuy nhiên, các đơn vị từ vựng thể hiện ADYN có miền nguồn THỰC VẬT trong ngữ liệu tiếng Anh phong phú hơn rất nhiều so với tiếng Việt. Ở ngữ liệu tiếng Việt chỉ có 3 động từ, trong khi ở ngữ liệu tiếng Anh có 22 đơn vị từ vựng thuộc cả 3 nhóm từ loại (danh từ, động từ, tính từ). 12 Về chức năng giao tiếp: Thực vật được coi là một cơ thể sống và chịu quy luật phát triển tự nhiên, và các biểu thức cũng đều mang các từ ngữ chỉ sự sinh, diệt theo quy luật, mà không có gì bất thường, do đó các ADYN với miền nguồn thực vật ở cả hai ngôn ngữ đều không mang hàm ý giao tiếp quá đặc biệt. Ở tiếng Anh, trong bản tin mà tác giả sử dụng lặp lại một số biểu thức liên quan tới sự suy tàn thì thông điệp giao tiếp có thể là nhấn mạnh để khuyến khích nhà đầu tư tham gia để “chăm sóc” TTCK, hay nói cách khác là giúp cho thị trường phát triển tốt lên. 2.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Theo số liệu khảo sát, số lượng biểu thức ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA và số lượng đơn vị từ vựng thể hiện ADYN gần như tương đương nhau ở cả hai ngôn ngữ. Số lượng dụ dẫn ít và tỉ suất quá thấp cho thấy đây không phải là loại ADYN nổi trội trong bản tin TTCK ở cả tiếng Anh và tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA được thể hiện bằng các biểu thức ngôn ngữ khá tương đương nhau ở hai ngôn ngữ, trừ động từ “spark” trong tiếng Anh không có tương đương trong tiếng Việt. Các thuộc tính về nhiệt cao và phát ra tia sáng biểu thị sự tăng điểm của thị trường được chọn để ánh xạ giống nhau ở hai ngôn ngữ trừ một trường hợp đặc biệt là biểu thức “đỏ lửa” ở tiếng Việt có sự ưu tiên hoán dụ khi tạo nghĩa (đã phân tích ở trên). Về mặt giao tiếp: Các ADYN với miền nguồn LỬA ở cả hai ngôn ngữ đều không mang hàm ý giao tiếp quá đặc biệt, ngoài việc các biểu thức liên quan đến sức nóng (“cổ phiếu nóng, hot stock”) tạo ấn tượng về sự sôi sục của giao dịch CP, và tuỳ theo bối cảnh cụ thể trong phiên mà có thể hàm ý khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng với các CP đó. 2.5. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT đều không phải là loại ADYN nổi trội trong cả hai ngữ liệu Anh, Việt do tần suất sử dụng rất thấp. Các biểu thức ADYN xuất hiện nhiều hơn ở trong khối bản tin tiếng Anh với tần suất cao gấp ba so với tiếng Việt, và số lượng các đơn vị từ vựng thể hiện ADYN ở tiếng Anh nhiều gấp hai ở tiếng Việt. Theo Dowall, D.M [59] ở nước Anh thời tiết mang đặc trưng là thay đổi thất thường và thay đổi nhanh bất ngờ, khi thì ẩm ướt, lúc lại nắng ấm, khi thì tuyết rơi. Chính vì vậy nên người Anh quan tâm đặc biệt tới thời tiết và hay xem dự báo thời tiết. Có lẽ vì thế mà các biểu thức liên quan tới thời tiết phong phú hơn và xuất hiện nhiều hơn ở ngôn ngữ Anh so với ngôn ngữ Việt. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Trong hai ngôn ngữ Anh, Việt, với tác dụng ý niệm hoá các hiện tượng kinh tế, ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG 13 KHOÁN LÀ THỜI TIẾT đã giúp người đưa tin truyền tải được thông tin về tình hình TTCK đến người tiếp nhận thông tin một cách tự nhiên và gần gũi. Các thuộc tính về điều kiện của các yếu tố thời tiết trong ngày, sự thay đổi của thời tiết theo mùa, các hiện tượng bất thường/không mong muốn đều được ánh xạ lên miền đích THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN ở cả hai ngữ liệu Anh, Việt. Các biểu thức ADYN ở cả hai ngôn ngữ đều không xuất hiện nhiều các hiện tượng thời tiết mang tính phá huỷ cao. Phân tích cũng cho thấy một số biểu thức được lựa chọn sử dụng có trong ngôn ngữ này mà không có trong ngôn ngữ kia. Khi tri nhận tình trạng của TTCK tác giả bản tin tiếng Anh sử dụng nhiều từ vựng hơn tác giả bản tin tiếng Việt, và khi tri nhận về diễn biến rất xấu tác giả Việt Nam chỉ sử dụng biểu thức với “lũ” mà không phải là hiện tượng khác như “hail” [mưa tuyết], “blizzard” [bão tuyết], “chill” [lạnh] giống trong bản tin tiếng Anh. Lý do có thể nằm ở sự khác biệt về đặc điểm về khí hậu của Việt Nam và các nước nói tiếng Anh. Khí hậu Việt Nam là nhiệt đới gió mùa ẩm nên không có “tuyết” như nước Anh mang khí hậu ôn đới hay nước Mỹ mang khí hậu đa dạng, và hiếm khi có mưa đá nên nếu ý niệm hoá TTCK qua “mưa tuyết”, “bão tuyết” thì khó mà thực hiện được mục đích giao tiếp của ngôn ngữ Việt và ngược lại. Như vậy sự khác biệt trong cách lựa chọn các biểu thức liên quan tới hiện tượng thời tiết bất thường/không mong muốn cũng thể hiện mối liên quan chặt chẽ giữa ngôn ngữ, văn hoá và tư duy. Về mặt giao tiếp: Các ADYN với miền nguồn THỜI TIẾT ở cả hai ngôn ngữ đều không mang hàm ý giao tiếp quá đặc biệt, ngoài việc các biểu thức liên quan đến diễn biến bất thường của thời tiết khi được chọn sử dụng sẽ có tác dụng nhấn mạnh về rủi ro nào đó trên TTCK và có thể hàm ý khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng với các quyết định đầu tư. 2.6. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG là loại ADYN đặc biệt nổi trội, được thể hiện bằng rất nhiều biểu thức ở cả hai ngữ liệu bản tin Anh, Việt, với tần suất nhỉnh hơn trong ngữ liệu tiếng Việt. Số lượng các đơn vị từ vựng trong miền nguồn tham gia vào các ánh xạ gần tương đương ở hai ngữ liệu. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: với việc ý niệm hoá THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN như là CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG các tác giả đã đưa ý niệm trừu tượng này tới gần với độc giả hơn, đồng thời giúp họ hiểu được tình hình của TTCK. Cả hai ngữ liệu đều cho thấy TTCK được tri nhận như một công trình kiến trúc có đầy đủ các bộ phận như cửa, khoá, sàn, trần, cột trụ..., và diễn biến tốt, xấu đươc hiểu thông qua tính chất vững chắc hay không vững chắc của công trình xây dựng. Chúng tôi nhận thấy một số khác biệt như sau ở hai ngôn ngữ. Thứ nhất, ba thuộc tính về “cấu trúc”, “tính bền vững”, “sự sụp đổ” của CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG đều được ánh xạ sang 14 miền đích THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN ở cả hai ngữ liệu; nhưng thuộc tính “thiết kế xây dựng” chỉ được làm nổi bật ở bản tin tiếng Anh mà bị che mờ ở bản tin tiếng Việt. Thứ hai, yếu tố “trụ” xuất hiện rất nhiều trong tiếng Việt với 283 biểu thức trong khi chỉ có 3 biểu thức ở ngữ liệu tiếng Anh; và các đơn vị chỉ vị trí cao thấp trong không gian của công trình xây dựng là “sàn” và “trần” dùng để ý niệm hoá về sự tăng giảm của thị trường chỉ được sử dụng trong bản tin tiếng Việt mà không có trong bản tin tiếng Anh. Thứ ba, để biểu đạt diễn biến rất xấu của TTCK, trong tiếng Anh có nhiều đơn vị từ vựng hơn trong tiếng Việt, và chúng là từ cùng nghĩa. Về mặt giao tiếp: Việc ưu tiên lựa chọn sử dụng ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong cả hai ngữ liệu đều thể hiện nhận định của tác giả về TTCK là có thể dự đoán được (v.d. về tính bền vững thông qua tình hình của cổ phiếu trụ). Ngoài ra việc sử dụng ADYC trong các bản tin để miêu tả tình hình của thị trường đôi khi mang hàm ý khuyến khích các nhà nhà đầu tư mua cổ phiếu để tạo thêm lực chống đỡ thị trường đang có dấu hiệu xấu tránh để thị trường sụp đổ; và khuyến cáo nhà đầu tư tránh vào thị trường mà tìm nơi trú ẩn an toàn khi thị trường sụt giảm nghiêm trọng. 2.7. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định tính: Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY là loại ADYN nổi trội trong ngữ liệu tiếng Anh hơn là trong tiếng Việt do trong tiếng Anh các biểu thức xuất hiện với số lượng rất lớn, và tần suất cao gần gấp 3 lần so với tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: ADYN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY và các ẩn dụ bậc dưới của nó đã được sử dụng từ rất lâu trong diễn ngôn kinh tế giúp tri nhận về các hệ thống kinh tế cụ thể. Trong ngữ liệu bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt có sự khá tương đồng về các kiểu loại ẩn dụ cụ thể của THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY, cơ chế ánh xạ và các biểu thức thể hiện. Riêng ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THANG MÁY thì chỉ có trong tiếng Anh mà không có trong tiếng Việt. Miền nguồn CỖ MÁY sản sinh rất nhiều các từ ngữ liên quan tới máy móc để bàn về các hoạt động và diễn biến của TTCK. Số lượng đơn vị từ vựng thể hiện ADYN trong tiếng Anh cao gấp 2,5 lần so với trong tiếng Việt. Rất nhiều đơn vị từ có trong bản tin tiếng Anh mà không có tương đương trong tiếng Việt; đặc biệt trong tiếng Anh có rất nhiều động từ chỉ hoạt động của các cỗ máy được dùng một cách ẩn dụ để miêu tả cụ thể diễn biến TTCK tăng điểm hay giảm điểm với mức ít/nhiều khác nhau, trong khi trong tiếng Việt chỉ có 3 động từ thể hiện TTCK tăng điểm và 5 động từ thể hiện TTCK giảm điểm. Về chức năng giao tiếp: Các ẩn dụ ý niệm này được sử dụng với mục đích giao tiếp giống nhau trong cả ngôn ngữ Anh và Việt. Có một điều 15 đặc biệt là chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt về hàm ý khi sử dụng ẩn dụ CỖ MÁY so với ẩn dụ BIỂN. Khác với biển là một thực thể sinh ra và vận động tự nhiên và khó dự đoán, thì máy móc do con người tạo ra và vận hành, và trong điều kiện bình thường sẽ hoạt động trơn tru và có thể dự đoán được. Theo Ormerd (114) ẩn dụ nền kinh tế như là cỗ máy đã làm nòng cốt về mặt tri thức cho các chính sách kinh tế Laissez- faire những năm 1980 dưới chính quyền của Thatcher ở Anh và Reagan ở Mỹ. Một thuộc tính điển hình của “cỗ máy” là nó tuân theo các phân tích, dự báo và kiểm soát, và theo Ormerod (117) ẩn dụ này tạo ra ấn tượng rằng hệ thống kinh tế là có thể kiểm soát và dự đoán bởi các nhà kinh tế học. Vì vậy khi các tác giả sử dụng ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin sẽ tạo cho người đọc ấn tượng rằng thị trường chứng khoán là có thể dự đoán và kiểm soát; theo đó con người không đóng vai trò quan sát như ở ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN mà con người đóng vai trò trong việc dự đoán và kiểm soát thị trường như thể họ là phi công hay người lái xe, lái tàu điều khiển cả cỗ máy. 2.8. Tiểu kết CHƯƠNG 3: ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ MIỀN NGUỒN LÀ HOẠT ĐỘNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT 3.1 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Ngữ liệu ở bản tin tiếng Anh chứa đựng nhiều hơn các biểu thức ngôn ngữ và số lượt xuất hiện của các biểu thức cũng cao hơn rất nhiều so với ngữ liệu ở bản tin tiếng Việt. Sự chênh lệch này có thể xuất phát từ đặc điểm nền tài chính của hai quốc gia khác nhau. Với ngành tài chính phát triển lâu đời và mạnh mẽ, TTCK Mỹ hoạt động sôi động, đa dạng. Trong khi đó với ngành tài chính còn non trẻ, trong một nền kinh tế đang phát triển, TTCK ở Việt Nam chưa phải là một kênh tài chính sôi động có các dòng tiền dịch chuyển liên tục như thị trường Mỹ, Anh. Ngoài ra xét về phương diện tính cách văn hoá, phong cách con người các nước phương Tây ưa dịch chuyển, trong khi người Việt Nam với đặc điểm văn hoá phương Đông mang tính chất tĩnh hơn (Nguyễn Hùng Hậu [12]). Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Với việc ý niệm hoá thông qua miền nguồn CUỘC HÀNH TRÌNH, THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN được mô tả như một hành khách di chuyển trên một quãng đường theo lịch trình định trước, và các sự tình trên quãng đường diễn ra rất phong phú làm nổi bật lên sự sống động của thị trường. Tất cả ba thuộc tính của miền nguồn (các mốc tuyến tính, các khó khăn trên đường, và các trạng thái và diễn tiến) đều được phóng chiếu lên miền đích trong cả hai ngôn ngữ. Đây cũng là loại ẩn dụ mang tính phổ quát nên ở các văn hoá khác nhau thì cơ chế ánh xạ đều như 16 nhau. Xét về phương tiện biểu đạt ADYN, các biểu thức ngôn ngữ biểu thị các mốc tuyến tính gần như tương đương nhau ở hai ngôn ngữ, nhưng có một số khác biệt nằm ở các biểu thức thể hiện các sự tình: thứ nhất, trong tiếng Anh chỉ có duy nhất 1 biểu thức miêu tả “sự cản trở” trong khi tiếng Việt có 13 biểu thức với 6 đơn vị từ vựng khác nhau; thứ hai, các trạng thái hoạt động và diễn tiến trên đường đi được biểu thị bằng nhiều biểu thức hơn trong tiếng Anh (một sự tình đi/di chuyển được biểu đạt bằng 7 đơn vị từ vựng khác nhau trong tiếng Anh tuỳ vào mức độ tăng ít hay nhiều của TTCK trong khi ở tiếng Việt chỉ có 3 từ; thứ ba, trong tiếng Anh có nhiều các biểu thức và đơn vị từ vựng dùng để tri nhận về sự tăng điểm hơn là các sự tình khác, và cũng số lượng cũng cao hơn so với tiếng Việt, nhưng ngược lại trong tiếng Việt có nhiều các biểu thức và đơn vị từ vựng dùng để tri nhận về sự giảm điểm và trạng thái không tăng/giảm hơn là sự tăng điểm của ttck, và số lượng cũng cao hơn so với tiếng Anh; thứ tư, có một số dụ dẫn trong tiếng Anh biểu đạt các sự tình trên TTCK mà không có tương đương ở tiếng Việt (cross, shift, guide, sidestep, fast, speed). Về chức năng giao tiếp: Cả hai ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt đều không cho thấy ý nghĩa giao tiếp đặc biệt nào khác của ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ngoài ý nghĩa thông thường của các ẩn dụ có miền nguồn CUỘC HÀNH TRÌNH là khuyến khích sự kiên nhẫn vì trong tri nhận phổ quát bất kỳ con đường nào cũng đều có lúc bằng phẳng lúc gập ghềnh, nhưng cứ đi thì sẽ đến đích. Vì vậy với dung lượng khá đậm đặc các biểu thức ADYN này có lẽ tác giả các bản tin có hàm ý khuyến khích tham gia TTCK. 3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU là loại ẩn dụ không nổi trội trong cả hai ngữ liệu vì tỉ suất xuất hiện ở cả hai ngôn ngữ Anh, Việt đều rất thấp. Ngữ liệu tiếng Việt có biểu thức ADYN và dụ dẫn nhiều gấp đôi ở ngữ liệu tiếng Anh. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU mặc dù xất hiện không nhiều ở cả hai khối bản tin nhưng cũng thể hiện cách ý niệm hoá thú vị về TTCK. Thuộc tính được ánh xạ lên miền nguồn là các hoạt động có quy luật, và có nội dung được dàn dựng trước. Các biểu thức xuất hiện trong hai ngôn ngữ đều thể hiện thuộc tính đó, song các đơn vị từ vựng mang ẩn dụ này ở tiếng Anh phong phú gấp đôi ở tiếng Việt. Đặc biệt, các từ liên quan tới âm nhạc và động từ “biểu diễn” xuất hiện nhiều và cụ thể ở trong ngữ liệu tiếng Anh trong khi ở ngữ liệu tiếng Việt chỉ có 4 từ. Lý do về bối cảnh có thể nằm ở sự khác biệt về nền giáo dục. Giáo dục ở các nước phương Tây chú trọng phát triển toàn diện bao gồm nghệ thuật (Weingarten [141]) nên âm nhạc được đưa vào trường học từ rất sớm, và học sinh nào cũng có cơ hội học ít 17 nhất một nhạc cụ và thường lên sân khấu biểu diễn. Ngược lại, ở Việt Nam môn âm nhạc có được đưa vào trường học dù với thời lượng ít ỏi, tuy nhiên học sinh chủ yếu học hát và nhạc lý cơ bản, mà hầu như không có sự thực hành trên nhạc cụ. Chỉ đến một vài năm gần đây các gia đình Việt Nam mới bắt đầu đầu tư cho việc học thêm âm nhạc. Ngoài ra các khác biệt có thể lý giải xét về đặc trưng văn hoá gốc. Theo Trần Ngọc Thêm [31] các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Việt Nam (chèo, cải lương…) thường diễn ra ở sân khấu nhỏ như đình, sân làng,..với dàn nhạc gọn nhẹ trong khi các buổi biểu diễn của các nước phương Tây diễn ra trên các sân khấu lớn, hoành tráng với cả một dàn nhạc và nhiều loại nhạc cụ, vì vậy ở các biểu thức ADN trong tiếng Anh có các từ thuộc về sân khấu lớn như “spotlight, stage, flash” mà ngữ liệu tiếng Việt không có. Bên cạnh đó, âm nhạc và biểu diễn múa truyền thống Việt Nam mang tính chất trữ tình biểu cảm cao, tốc độ chậm, các động tác kín đáo tế nhị, trong khi âm nhạc và biểu diễn nhảy múa truyền thống của các nước nói tiếng Anh thiên về mạnh mẽ, sôi động, tiết tấu nhanh vui mô phỏng tiếng vó ngựa phi trên thảo nguyên (Trần Ngọc Thêm [34]), và các biểu thức trong hai ngôn ngữ thể hiện tương ứng đặc điểm khác biệt đó. Về mặt giao tiếp, việc sử dụng các ẩn dụ loại này thể hiện hoạt động trên TTCK mang đặc điểm là được sắp đặt và có thể dự đoán được. Các nhà đầu tư đóng vai trò như các khán giả theo dõi tình hình thị trường, do đó ẩn dụ loại này không mang hàm ý khuyến khích sự tham gia vào thị trường. 3.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Điểm khác biệt về lượng rõ ràng ở hai ngữ liệu bản tin Anh, Việt là số lượng dụ dẫn của ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong tiếng Anh nhiều gấp 1,4 lần số lượng dụ dẫn trong tiếng Việt, và tần suất xuất hiện biểu thức ADYN ở tiếng Anh cao gấp 6 lần ở tiếng Việt. Số liệu cho thấy THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO là loại ADYN nổi trội ở tiếng Anh nhưng không quá nổi trội ở tiếng Việt. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Miền nguồn THỂ THAO tạo nên bức tranh sinh động về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN trong cả hai ngữ liệu Anh, Việt. Những vận động thể chất trong nhiều môn thi đấu thể thao khác nhau, cùng tính chất đối kháng và tranh đua giành thành tích của hoạt động thể thao được phóng chiếu lên miền nguồn giúp độc giả dễ dàng tri nhận về các diễn biến của thị trường nói chung và các cổ phiếu nói riêng. Ở cả hai ngôn ngữ, số lượng biểu thức tập trung nhiều nhất vào nhóm liên quan tới “chạy đua” (đua xe, đua ngựa) và sự “so kè, cạnh trạnh”. Tuy nhiên có một số khác biệt sau: thứ nhất, trong tiếng Việt số lượng môn thể thao được ánh xạ sang là quá ít so với sự đa dạng các môn thể thao ở trong tiếng Anh, thậm chí biểu thức thể hiện thuộc tính của môn “đấm bốc” cũng là từ mượn ở 18 tiếng Anh, không phải từ thuần Việt, và ngay cả cùng một môn thể thao tham gia vào ánh xạ thì biểu thức thể hiện trong ngữ liệu tiếng Việt cũng ít hơn trong tiếng Anh; do đó có nhiều dụ dẫn trong tiếng Anh không có dụ dẫn tương đương bên ngữ liệu tiếng Việt (v.d. sprint, sputter, strike, hurdle,…); thứ hai, trong tiếng Anh có nhiều động từ chỉ các vận động thể chất hơn trong tiếng Việt được dùng để ẩn dụ hoá sự tăng điểm, giảm điểm của TTCK, đồng thời các động từ cũng thể hiện rõ mức độ tăng/giảm (cùng thể hiện sự tăng điểm và đạt mốc cao hơn, tiếng Anh có 12 động từ trong khi tiếng Việt chỉ có 4 động từ). Sự chênh lệch về số lượng các biểu thức ADYN và số lượng từ ngữ thể hiện ADYN có thể do sự chênh lệch về độ phổ biến của hoạt động thể thao trong đời sống của người dân Việt Nam và người dân các nước nói tiếng Anh, qua đó thể hiện đặc trưng văn hoá rõ nét. Chơi thể thao không phải là hoạt động quen thuộc có tầm quan trọng trong đời sống người Việt. Chỉ đến khoảng vài năm gần đây nhiều môn thể thao như bóng rổ, bóng chày… mới dần được đưa vào các trường học. Theo vnexpress (25/12/2018), khảo sát của Viện dinh dưỡng về hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội, TP HCM cho thấy mức độ hoạt động thấp của học sinh với 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động. Cũng theo bài báo này thì số liệu nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng đưa ra là 30% người Việt Nam trưởng thành thiếu vận động thể lực. Ngoài ra theo thông báo từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc UNFPA năm 2017 đưa ra, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia lười vận động nhất thế giới trong khi Mỹ và Anh được xếp trong nhóm các quốc gia vận động nhiều hơn. Theo Danica Pirsl&Tea Pirsl [54], nghiên cứu khảo sát tiến hành năm 2005 cho thấy 73% người Anh tham gia khảo sát trả lời rằng họ có thể dục thể thao ngoài trời như nhảy, đi bộ, đạp xe, đá bóng…ít nhất 1 lần 1 tuần, cao hơn so với 65% ở người châu Âu nói chung. Ở Mỹ, thể dục thể thao còn được ưa chuộng nhiều hơn nữa, nhất là các môn thể thao như bóng rổ, bóng đá.... Theo nghiên cứu của USADA (usada.org) năm 2010, hơn 3/5 người dân Mỹ có hoạt động thể dục thể thao, trong đó đã bao gồm 25% là tham gia hoạt động thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, “tính cạnh tranh” trong thể thao là đặc trưng văn hoá Mỹ rõ nét, và là một giá trị sống của người Mỹ. Theo Datesman K.M và cộng sự [54] một trong ba giá trị Mỹ là sự bình đẳng, trong đó có bình đẳng về các cơ hội, nghĩa là mỗi cá nhân đều có cơ hội thành công như nhau, và giá phải trả của nó sẽ là sự cạnh tranh; cuộc sống như một cuộc đua để thành công và các cá nhân tranh đua với nhau. Tinh thần cạnh tranh đó được khuyến khích từ khi người Mỹ còn nhỏ thông qua các chương trình thi đấu thể thao do trường học và cộng đồng tổ chức. Những đặc điểm về đời sống thể dục thể thao cũng như giá trị sống của các nước nói tiếng Anh đã lý giải cho tính nổi trội của ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong các bản tin tiếng Anh. 19 Về mặt giao tiếp: THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO thuộc nhóm ẩn dụ mang tính có thể dự đoán cao vì các cuộc thi đấu tuân theo luật chơi nhất định, đồng thời việc lựa chọn sử dụng ẩn dụ loại này, nhất là với tần suất lớn trong các bản tin tiếng Anh, mang hàm ý khuyến khích tham gia thị trường. 3.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Về mặt định lượng: Số lượng dụ dẫn và tần suất xuất hiện các biểu thức ADYN ở cả hai ngữ liệu đều khá cao, nên có thể kết luận rằng ở cả hai ngôn ngữ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG đều là loại ADYN nổi trội. Mặc dù tần suất ẩn dụ CHIẾN TRƯỜNG ở ngữ liệu tiếng Việt hơi thấp hơn ở ngữ liệu tiếng Anh nhưng số lượng dụ dẫn lại gấp đôi, phong phú và cụ thể hơn, chứng tỏ sự ăn sâu của ý niệm nguồn này trong tiếng Việt là rõ ràng hơn. Về mặt ngữ nghĩa và tri nhận: Nghiên cứu cho thấy cơ chế ánh xạ từ miền nguồn CHIẾN TRƯỜNG sang miền đích THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN giống nhau ở hai ngôn ngữ do tính phổ quát của ADYV. Thuộc tính điển dạng của ADYN này là tính chất “cạnh tranh” của CHIẾN TRƯỜNG được ánh xạ sang THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN. Các biểu thức vô cùng phong phú thể hiện khá toàn diện các diễn biến của thị trường thông qua các liên tưởng về các tham thể và sự tình tiêu biểu của một cuộc chiến đấu. Tuy nhiên giữa hai ngôn ngữ có một số khác biệt sau: thứ nhất, số lượng đơn vị từ vựng biểu đạt các sự tình cuộc chiến ở ngữ liệu tiếng Việt nhiều gấp đôi ở tiếng Anh và có những sự tình không có tương đương ở ngữ liệu tiếng Anh; thứ hai, trong tiếng Việt có nhiều biểu thức về đặc điểm của chiến tranh mà không có tương đương bên tiếng Anh đặc biệt là các từ chỉ những người tham gia chiến đấu (v.d. binh nhì, chiến binh, đội quân, đồng đội, lính mới, cuộc khởi nghĩa), và ngược lại trong ngữ liệu tiếng Anh có các biểu thức chỉ phương tiện chiến đấu-vũ khí mà không có tương đương trong ngữ liệu tiếng Việt (gun, catapult); thứ ba, trong ngữ liệu tiếng Anh có các động từ được dùng để tri nhận về sự tăng điểm đi kèm với con số mức tăng cụ thể của thị trường (rush, hammer, punch) mà trong ngữ liệu tiếng Việt không có sự thể hiện tương đương. Về mặt giao tiếp: Thuộc tính điển dạng của ánh xạ ADYN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG là tính chất cạnh tranh cao, chiến thắng bằng mọi cách, và rủi ro cao. Việc lựa chọn sử dụng ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG có thể mang hàm ý khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán nhằm giành thắng lợi, tức là đầu tư có lãi, song cần thận trọng để tránh tổn thất. 3.5. Tiểu kết 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan