Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ 5 5 2010...

Tài liệu 5 5 2010

.PDF
4
200
50

Mô tả:

    NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG TRONG THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ TỪ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ TS. Nguyễn Minh Hằng - Giảng viên khoa Đào tạo Luật sư Học viện Tư Pháp Nguyễn Văn Tiến - Công ty luật TNHH Trường Hải Trong thủ tục giải quyết việc dân sự, ngoài cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thực hiện việc giải quyết việc dân sự còn có các cá nhân, cơ quan tổ chức khác tham gia vào quá trình giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc hỗ trợ cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết việc dân sự. Các hoạt động tố tụng của những người này chịu sự chi phối của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Những người này được gọi là người tham gia tố tụng trong thủ tục giải quyết việc dân sự. Những người tham gia tố tụng dân sự trong thủ tục giải quyết việc dân sự bao gồm: đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định và người phiên dịch. Khoản 3 và khoản 4 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) đã quy định tương đối đầy đủ những người này là người tham gia tố tụng trong thủ tục giải quyết việc dân sự trừ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những người tham gia tố tụng có thể là cá nhân, cơ quan tổ chức đáp ứng được các điều kiện do pháp luật tố tụng dân sự quy định. 1. Đương sự trong việc dân sự Trong tiếng Việt, đương sự được hiểu là "người là đối tượng trong một sự việc nào đó được đưa ra giải quyết" 1. Pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chưa có quy định về đương sự trong việc dân sự mà tại mục 1, Chương VI BLTTDS chỉ quy định về "Đương sự trong vụ án dân sự". Dù Điều 311 BLTTDS "Phạm vi áp dụng" có quy định: Tòa án áp dụng các quy định của chương việc dân sự, đồng thời áp dụng các quy định khác của Bộ luật tố tụng dân sự không trái với những quy định của chương việc để giải quyết các việc dân sự quy định tại chương việc. Vấn đề là khái niệm đương sự trong việc chưa được luật hóa trong luật, vì vậy từ thực tiễn xét xử còn tồn tại các quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, đương sự trong việc dân sự bao gồm: người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có liên quan. Người yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng đưa ra yêu cầu giải quyết                                                                    việc dân sự. Việc tham gia tố tụng của họ chủ động như nguyên đơn trong vụ án dân sự. Họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người bị yêu cầu trong việc dân sự là người tham gia tố tụng để trả lời về các yêu cầu của việc dân sự. Việc tham gia tố tụng của họ cũng mang tính chất bị động như bị đơn trong vụ án dân sự. Hoạt động tố tụng của họ có tính chất độc lập và có thể làm thay đổi quá trình giải quyết việc dân sự. Thông thường trong các việc dân sự đều có người bị yêu cầu nhưng trong một số trường hợp cá biệt thì chỉ có người yêu cầu mà không có người bị yêu cầu như việc yêu cầu thuận tình ly hôn.... Người có liên quan trong việc dân sự là người tham gia tố tụng vào việc dân sự để để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc trả lời những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Việc tham gia tố tụng của người có liên quan trong việc dân sự cũng như việc tham gia tố tụng của người có liên quan trong vụ án dân sự, có thể do họ chủ động hoặc theo yêu cầu của đương sự khác hoặc theo yêu cầu của tòa án2. Quan điểm thứ hai cho rằng, đương sự trong việc dân sự bao gồm người yêu cầu và người có liên quan. Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Về cơ sở pháp lý, tại Điều 313 BLTTDS chỉ quy định về sự tham gia tố tụng của người yêu cầu và người liên quan mà không đề cập đến người bị yêu cầu. Cụ thể, khoản 3 Điều 313 BLTTDS quy định: "Người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Toà án" và tại khoản 4 Điều 313 BLTTDS quy định: "Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ được Toà án triệu tập tham gia phiên họp". Hơn nữa, bản chất của việc dân sự là việc Tòa án xác định một sự kiện pháp lý hoặc công nhận hoặc không công nhận quyền và nghĩa vụ dân sự chứ không phải là việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên đương sự. Khi sự kiện pháp lý được xác định sẽ dẫn đến việc phát sinh, thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật. Người có liên quan trong thủ tục việc dân sự là người tham gia tố tụng theo yêu cầu của người yêu cầu chứ không phải là người có quyền và lợi ích liên quan như quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS. Ví dụ: A làm đơn yêu cầu tuyên bố B chết. A là người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố B là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự và BLTTDS. Trong trường hợp này, xác định tư cách đương sự như sau: A là người yêu cầu, B là người có liên quan. Tòa án không phải triệu tập những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của B tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Sở dĩ như vậy vì xuất phát từ bản chất của yêu cầu của A hướng tới đối tượng là xác nhận sự kiện chết của B. Từ sự kiện     chết của B (nếu được xác nhận) mới là cơ sở pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế hợp pháp của B. Xuất phát từ quy định bỏ ngỏ trong BLTTDS về khái niệm người có liên quan trong việc dân sự, vì vậy trong thực tiễn giải quyết việc dân sự, các cấp tòa án gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý khi xác định những người có liên quan trong việc dân sự. Vì thế, việc xác định những ai là người có liên quan trong một việc dân sự cụ thể nhiều khi tùy thuộc vào ý kiến chủ quan của Thẩm phán được phân công giải quyết việc dân sự đó. Từ những phân tích trên đây, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung vào Mục 1 Chương VI Bộ luật Tố tụng dân sự một điều quy định về đương sự trong việc dân sự theo hướng sau: ″Đương sự trong việc dân sự là việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo vệ lợi ích lợi ích chung của xã hội hay quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Đương sự trong việc dân sự bao gồm người yêu cầu và người có liên quan đến yêu cầu. Người yêu cầu trong việc dân sự là người đưa ra yêu cầu tòa án công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đinh, kinh doanh, thương mại, lao động; công nhận hoặc không công nhận quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Người có liên quan trong việc dân sự là người tham gia vào quá trình giải quyết việc dân sự theo yêu cầu của người yêu cầu, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc để trả lời về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.″ 2. Người đại diện hợp pháp của đương sự "Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện3". Từ nội hàm của khái niệm đại diện ta có thể hiểu người đại diện của đương sự là "người tham gia tố tụng thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước tòa án". Việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các vụ việc dân sự, đặc biệt trong trường hợp đương sự không tự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) thì đại diện bao gồm: đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền.     Khi tham gia tố tụng, người đại diện của đương sự nhân danh đương sự và vì lợi ích của đương sự để thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. Người đại diện theo pháp luật của đương sự trong việc dân sự là người đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tham gia vào quá trình giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự. Khi tham gia vào quá trình giải quyết việc dân sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự. Khoản 1 Điều 74 BLTTDS quy định: "Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự mà mình là đại diện". Thông thường người đại diện theo pháp luật của đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự khi đương sự là người chưa thành niên, người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, đương sự là cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, quy định của pháp luật tố tụng dân sự về sự tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự trong trường hợp đương sự là người chưa đủ mười lăm tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự còn nhiều tranh cãi. Theo quy định tại Điều 311, khoản 4 và khoản 5 Điều 57 BLTTDS thì trong trường hợp đương sự là người chưa đủ mười lăm tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện, mà người đại diện hợp pháp thì bao gồm người đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Trong khi đó, theo quy định tại các Điều 20, 21 và 22 BLDS thì giao dịch của người chưa đủ mười lăm tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ do người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện. Như vậy, việc quy định như tại khoản 4 và khoản 5 Điều 57 BLTTDS là chưa hợp lý, do đó, cần sửa đổi, bổ sung BLTTDS theo hướng thay cụm từ "người đại diện hợp pháp" bằng cụm từ "người đại diện theo pháp luật" tại khoản 4 và khoản 5 Điều 57 BLTTDS. (Còn nữa) 1  Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điện tiếng Việt phổ thông, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, tr. 313 2 Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật tố tụng Dân sự Việt Nam, NXB Tư pháp HN (2007), Tr. 109, 110. 3 Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Dân sự.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất