Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết triệu phú khu ổ chuột của vikas swarup...

Tài liệu Yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết triệu phú khu ổ chuột của vikas swarup

.PDF
96
219
137

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ______________________ Trương Văn Tuấn YẾU TỐ NGẪU NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT TRIỆU PHÚ KHU Ổ CHUỘT CỦA VIKAS SWARUP LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _______________________ Trương Văn Tuấn YẾU TỐ NGẪU NHIÊN TRONG TIỂU THUYẾT TRIỆU PHÚ KHU Ổ CHUỘT CỦA VIKAS SWARUP Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số : 60 22 30 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THỊ BÍCH THÚY Thành phố Hồ Chí Minh - 2012 LỜI CẢM ƠN Luận văn này được thực hiện dưới sự hướng dẫn tận tình của cô Nguyễn Thị Bích Thúy. Những kiến thức và tài liệu mà cô cung cấp đã rất hữu ích cho bản thân tôi trong khi thực hiện đề tài. Xin gửi đến cô lời cảm ơn chân thành nhất! Đồng thời, tôi cũng tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, bạn bè đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn này. Thành Phố Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2012 Người thực hiện Trương Văn Tuấn MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN .................................................................................. 3 MỤC LỤC ........................................................................................ 4 MỞ ĐẦU ........................................................................................... 6 1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 6 2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 7 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 8 4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 9 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn..................................................................... 10 6. Cấu trúc luận văn ........................................................................................ 10 Chương 1: Yếu tố ngẫu nhiên - Những vấn đề khái quát ......... 12 1.1. Yếu tố ngẫu nhiên trong đời sống văn hóa, tâm linh ............................... 12 1.1.1. Luận giải của khoa học tâm linh .................................................................12 1.1.2. Luận giải của triết học Duy vật...................................................................15 1.1.3. Tôn giáo Ấn Độ và yếu tố ngẫu nhiên .......................................................18 1.2. Tác giả - tác phẩm .................................................................................... 20 1.2.1. Vikas Swarup - Nhà ngoại giao và nhà văn ................................................20 1.2.2. Tác phẩm.....................................................................................................21 1.3. Yếu tố ngẫu nhiên trong văn học và tài năng người nghệ sĩ.................... 27 Tiểu kết chương I .......................................................................................... 33 Chương 2: Yếu tố ngẫu nhiên qua tình tiết cốt truyện .............. 35 2.1. Khái niệm tình tiết và cốt truyện .............................................................. 35 2.1.1. Tình tiết và tình tiết ngẫu nhiên ..................................................................35 2.1.2. Cốt truyện và cốt truyện ngẫu nhiên ...........................................................36 2.2. Các kiểu tình tiết ngẫu nhiên.................................................................... 37 2.2.1. Ngẫu nhiên gặp gỡ và gặp lại .....................................................................37 2.2.2. Giấc mơ và ảo giác .....................................................................................44 2.2.3. Ngẫu nhiên đánh mất và chạy trốn .............................................................48 2.2.4. Ngẫu nhiên nhận biết, khám phá ................................................................52 2.2.5. Ngẫu nhiên trùng hợp .................................................................................55 2.2.6. Ngẫu nhiên cản trở và ngẫu nhiên hạnh phúc .............................................58 Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 61 Chương 3: Yếu tố ngẫu nhiên qua hệ thống nhân vật .............. 62 3.1. Nhân vật văn học ...................................................................................... 62 3.1.1. Khái niệm nhân vật văn học .......................................................................62 3.1.2. Nhân vật và quan hệ xã hội.........................................................................63 3.2. Hệ thống nhân vật và yếu tố ngẫu nhiên .................................................. 67 3.2.1. Phương thức miêu tả ngẫu nhiên ................................................................67 3.2.2. Thế giới nhân vật và sự sắp xếp ngẫu nhiên ...............................................73 3.2.3. Thê giới nhân vật - một xã hội Ấn Độ thu nhỏ ...........................................84 Tiểu kết chương 3 .......................................................................................... 87 KẾT LUẬN .................................................................................... 89 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................... 91 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Trong Thần thoại Visnu Purana, người Ấn đã tự nói về dân tộc mình thông qua mấy vần thơ cổ: “Xứ sở nằm phía Bắc đại dương Và Nam dãy núi phủ tuyết Có tên gọi là Bharata Con cháu của Bharata sống ở đấy”. Phía Bắc là dãy Hymalaya hùng vĩ chắn ngang, phía Nam biển rộng bao quanh, những đường ranh tự nhiên rạch ròi ấy đã kiến tạo một Ấn Độ có diện mạo địa lí đặc trưng. Xứ sở của tăng lữ và vũ nữ này đã trải qua mấy nghìn năm tôi luyện và hòa hợp, kết tụ và phát triển. Ấn Độ dẫu lúc trầm lắng hay ồn ào, lúc đau thương hay yên bình, vẫn mãi không thôi chuyển mình thay da lột xác. Ấn Độ trở thành đối tượng nghiên cứu đầy cuốn hút, đặc biệt nhất là trên hai bình diện văn hóa và văn học. Khi nghiên cứu về văn học đương đại Ấn Độ, chúng tôi chọn đề tài Yếu tố ngẫu nhiên trong tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swasrup, với những lí do như sau: 1.1. Ấn Độ thật sự là một quốc gia kì vĩ, huyền bí, cuốn hút và tràn đầy sức sống trong cộng đồng nhân loại. Văn học Ấn Độ trường tồn hơn ba nghìn năm lịch sử và tiếp nối nhau với những đỉnh cao chói lọi, từ văn học Veda đến Rabinranath Tagore với giải Nobel. Những thành tựu rực rỡ này là nền móng vững chắc cho văn học đương đại Ấn Độ. 1.2. Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu văn học Ấn Độ tập trung chủ yếu từ Cổ đại (bắt đầu từ một ngàn năm trước Công Nguyên) đến Hiện đại (chúng tôi chọn mốc thời gian là nửa đầu thế kỉ XX) và bị ngắt quãng ở văn học đương đại. Trong khi đó, Văn học Ấn Độ đương đại đang thật sự phát triển mạnh mẽ với những tác giả trẻ danh tiếng như: Raja Rao, R. K. Narayan, Anita Desai, Nayantara Sahgal, Sasthi Brata, Bharati Mukherjee, Salman Rushdie. Đáng kể nhất là Arundhati Roy, Kiran Desai, Jhumpa Lahiri, Vikas Swasrup, Aravind Adiga - những người tiên phong đưa văn học Ấn ra thế giới. Những tác phẩm của dòng văn học Ấn Độ đương đại đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá như giải Pulitzer, Man Booker, Bestseller... Trong tiến trình tiếp nhận văn học Ấn Độ ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu Văn học Ấn Độ đương đại là một hoạt động khoa học cần thiết và có tính tiếp nối. 1.3. Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột (tựa gốc: Q&A) là tác phẩm đầu tay của Vikas Swasrup, tác giả văn học đương đại Ấn Độ. Tác phẩm đã giành giải thưởng Prix Grand Public tại hội chợ sách Paris năm 2007; được bình chọn cho giải sách đầu tay hay nhất của Commonwealth Writers Prize (giải thưởng dành cho các tác giả) và còn được bình chọn là cuốn sách ảnh hưởng nhất năm 2008 tại Đài Loan. Năm 2009, Triệu phú khu ổ chuột tiếp tục giành giải thưởng Heathrow Travel Product Awards cho Cuốn sách du lịch xuất sắc nhất. Cuốn sách đã được dịch ra 42 thứ tiếng, được Observer đánh giá là: “Một tiểu thuyết chói sáng, vĩ đại, rung động và hỗn loạn như chính nước Ấn Độ vậy”. Tiểu thuyết này chính là tiền đề cho bộ phim Slumdog Millionaire, đạo diễn Danny Boyle, giành được tám giải Oscar năm 2009. Khi xuất bản tại Việt Nam, Triệu phú khu ổ chuột đã được độc giả chào đón và khen ngợi. Những thành công về nghệ thuật, đặc biệt là cách khai thác yếu tố ngẫu nhiên đã góp phần tạo nên tiếng vang của tác phẩm này. 2. Lịch sử vấn đề Trong khả năng tiếp cận và khảo sát các nguồn, cổng thông tin, chúng tôi nhận thấy có những đánh giá nghiên cứu sau đây: 2.1. Tại Ấn Độ và các nước khác, năm 2005, sau khi tác phẩm được xuất bản, trang web tiếng Anh www.vikasswasrup.net được ra đời. Trang web này giới thiệu đôi nét về tác giả và hai tác phẩm đã xuất bản của ông: Triệu phú khu ổ chuột và Sáu nghi can. Trang web này đồng thời tải lên những bài viết về tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của các tờ báo như: Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô! của Suhel Seth trên The Financial Express; Ai sẽ đọc một cuốn sách đang ầm ĩ? của Indrajit Hazra trên Hindustan Times January; Giá trị của tiền của Gayatri Rajwade trên The Sunday Tribune… Những bài viết này nhìn chung chỉ là những cảm nghĩ, nhận xét ngắn gọn về tác phẩm, dung lượng bài viết khi dịch sang tiếng Việt chỉ khoảng 500 chữ. 2.2. Tại Việt Nam, năm 2009, tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột được xuất bản - người dịch Nguyễn Bích Lan, công ty văn hóa & truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn Học kết hợp ấn hành. Báo chí Việt Nam (báo Lao Động, báo Đất Việt, trang vinabook.com, trang vnexpress.net…) bắt đầu có những bài viết giới thiệu về tiểu thuyết này. Nội dung các bài viết hầu hết là tóm tắt sơ lược nội dung tác phẩm. Nhà văn Hồ Anh Thái, trên báo Tuổi Trẻ tháng 10 năm 2009 đã có bài viết: Triệu phú khu ổ chuột: Truyện và phim xứng đôi. Trong bài viết này, tác giả đặt vấn đề so sánh về những cái hay riêng và chung mà Vikas Swasrup và đạo diễn Danny Boyle đã làm được ở tác phẩm của mình. Khóa luận tốt nghiệp, tên đề tài: Giá trị hiện thực và nhân đạo trong tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swasrup của Nguyễn Thị Say, nghiên cứu cấp độ cử nhân, đã tiếp cận tác phẩm từ góc độ nội dung: vấn đề hiện thực và nhân đạo. Điểm qua những bài viết và nghiên cứu nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu tác phẩm từ góc độ tiếp cận những yếu tố ngẫu nhiên, một biểu hiện nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, là hướng nghiên cứu chưa được tiến hành. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng: Chúng tôi tập trung nghiên cứu những yếu tố ngẫu nhiên một bình diện nghệ thuật độc đáo của văn hóa, văn học Ấn Độ được thể hiện trong tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột. - Phạm vi: Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột của Vikas Swarup. Đồng thời, chúng tôi khảo sát, so sánh với các tiểu thuyết Ấn Độ đương đại khác như: Chúa trời của những chuyện vụn vặt của Arundhati Roy; Cọp trắng của Aravind Adiga và Di sản của mất mát của Kiran Desai. 4. Phương pháp nghiên cứu Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu như sau: 4.1. Phương pháp thống kê - phân loại Đây là phương pháp đầu tiên và quan trọng không thể thiếu khi tiến hành nghiên cứu đề tài này. Chúng tôi sẽ khảo sát, thống kê yếu tố ngẫu nhiên trong tác phẩm, sau đó là tổng hợp, phân loại theo hướng nghiên cứu. 4.2. Phương pháp phân tích - miêu tả Trên cơ cở của việc thống kê phân loại, chúng tôi sẽ phân tích, miêu tả yếu tố ngẫu nhiên theo từng nhóm cụ thể về phương diện giá trị nghệ thuật và nội dung. 4.3. Phương pháp thi pháp học Yếu tố ngẫu nhiên nhìn từ góc độ sáng tạo của nhà văn thì đó là một thành công về nghệ thuật. Chúng tôi vận dụng phương pháp này để làm rõ những vấn đề gắn với yếu tố ngẫu nhiên như: chi tiết nghệ thuật, nhân vật, cốt truyện… 4.4. Phương pháp văn hóa học Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ nhìn yếu tố ngẫu nhiên dưới góc độ văn hóa tâm linh, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ. 4.5. Phương pháp so sánh - đối chiếu. Tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột sẽ được so sánh đối chiếu với các tác phẩm khác của văn học Ấn Độ đương đại; liên hệ so sánh với bộ phim cùng tên được chuyển thể từ tiểu thuyết này. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn - Luận văn kế thừa, phát huy và góp phần định hình những phương pháp nghiên cứu văn học từ bình diện nghệ thuật. - Chúng tôi mong rằng luận văn này sẽ mở thông việc thưởng thức, nghiên cứu tác phẩm văn học Ấn Độ đương đại, thúc đẩy tiến trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Ấn Độ và các dân tộc trên thế giới. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có 3 chương, như sau: Chương 1: Yếu tố ngẫu nhiên - Những vấn đề khái quát Ở chương này chúng tôi có bước nhìn và hiểu khái quát nhất về yếu tố ngẫu nhiên trong văn hóa tâm linh, văn học nghệ thuật và tồn tại như một tất yếu trong đời sống. Trong triết học Mác - Lênin, cái ngẫu nhiên được nghiên cứu cùng với cái tất nhiên. Trong Phật giáo Ấn Độ, yếu tố ngẫu nhiên đã được khái quát lên thành những tri thức tâm linh có tính hệ thống như: duyên kiếp, nghiệp báo, luân hồi… Trong văn học, cách thức xử lý, xếp đặt yếu tố ngẫu nhiên thuộc nghệ thuật cấu trúc sự kiện. Yếu tố ngẫu nhiên tạo nên sự vận động logic của mạch chuyện, góp phần soi sáng tâm lý, số phận nhân vật. Yếu tố ngẫu nhiên, xét trên phương diện tư duy nghệ thuật, thuộc về cái đã được nhận thức, lựa chọn kĩ lưỡng, chứ không phải tùy tiện, tùy hứng. Ở chương này chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề: yếu tố ngẫu nhiên trong tác phẩm văn học thể hiện được tài năng sáng tạo, nhân sinh quan và thế giới quan người nghệ sĩ. Đây sẽ là cơ sở và định hướng cho việc phát triển vấn đề ở chương tiếp theo. Chương 2: Yếu tố ngẫu nhiên qua tình tiết cốt truyện Ở chương này, chúng tôi sẽ nghiên những vấn đề sau: khái niệm về tình tiết, tình tiết ngẫu nhiên, cốt truyện ngẫu nhiên; quan hệ tương tác giữa tình tiết ngẫu nhiên và cốt truyện ngẫu nhiên; khảo sát các kiểu tình tiết ngẫu nhiên; thẩm bình về thế giới quan - góc nhìn hiện thực của tác giả qua hệ thống tình tiết ngẫu nhiên. Chương 3: Yếu tố ngẫu nhiên qua hệ thống nhân vật Ở chương này chúng tôi sẽ triển khai những nội dung sau: khái niệm về nhân vật, nhân vật và quan hệ xã hội; khảo sát yếu tố ngẫu nhiên thông qua hệ thống nhân vật; đồng thời tiếp cận, thẩm bình về mối quan hệ xã hội và nhân sinh quan thể hiện qua hệ thống nhân vật. Chương 1: Yếu tố ngẫu nhiên - Những vấn đề khái quát Từ ngẫu nhiên xuất hiện rất phổ biến trong ngôn ngữ đời thường và là một thuật ngữ khoa học. Ngẫu nhiên, trong tiếng Anh và tiếng Pháp có cách viết giống nhau: Random, nhưng khác nhau về cách phát âm. Trong tiếng Nga, ngẫu nhiên được viết là Случайные. Trong đời sống hằng ngày, ta thường xuyên đón nhận những sự việc xảy ra rất bất ngờ, tình cờ, không được báo hiệu hay thông tin trước. Vua nước Ý, Umberto Đệ Nhất (1844-1900) và chủ một quán rượu ở thành phố Monza đã có những điểm giống nhau đến kì lạ: Sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm; giống hệt nhau về tên gọi và vóc dáng; tổ chức lễ cưới cùng ngày; tên vợ và tên con trai đầu đều giống nhau; được nhận huy chương và thăng chức cùng ngày; mất cùng ngày do hai tên sát thủ lạ mặt bắn ba phát đạn như nhau. Năm 2010, Rùa hồ Gươm đã liên tục nổi lên vào ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long. Hay trong đời sống thường nhật, ta vẫn gặp phải những việc: thang máy mất điện khi ta đang vội; trời đổ mưa lúc tan ca; xe hư khi đang đến cuộc hẹn… Những điều bất ngờ, tình cờ ấy thường được nhận định, giải thích khái quát: Chuyện ngẫu nhiên. Đồng thời, yếu tố ngẫu nhiên, tính ngẫu nhiên, việc ngẫu nhiên,… đã dần trở thành một lĩnh vực nghiên cứu thú vị và đòi hỏi cao về tính lý luận lẫn thực tiễn. 1.1. Yếu tố ngẫu nhiên trong đời sống văn hóa, tâm linh 1.1.1. Luận giải của khoa học tâm linh Trước hết, chúng tôi xin dẫn một vài câu chuyện có thật trong lịch sử nhân loại. Câu chuyện trùng hợp nổi tiếng nước Mỹ là chuyện về hai vị tổng thống John Kennedy và Abraham Lincoln. Chẳng có gì đáng nói nếu như Kennedy và Lincoln chỉ tình cờ là hai tổng thống duy nhất có họ được viết gồm 7 chữ cái. Tuy nhiên, số phận của hai vị tổng thống này gắn kết với nhau bằng những điểm tương đồng khó giải thích. Abraham Lincoln trúng cử Tổng thống năm 1860; John F. Kennedy trúng cử năm 1960. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Lincoln chiến thắng đối thủ Stephen Douglas sinh năm 1813. Đối thủ của Kennedy là Richard Nixon sinh năm 1913. Phu nhân của hai tổng thống đều bị sẩy thai trong thời gian sống ở Nhà Trắng. Viên thư ký của Lincoln tên là Kennedy, thư ký của Kennedy tên là Lincoln. Cả hai đều có Phó Tổng thống dưới quyền mang họ Johnson. Họ cũng chính là người kế nhiệm hai ông sau vụ ám sát: Andrew Johnson kế nhiệm Lincoln, sinh năm 1808; Lydon Johnson, kế nhiệm Kennedy, sinh năm 1908. Tên của hai người kế vị này đều có 13 chữ cái. Cả Kenendy và Lincoln đều bị ám sát vào ngày thứ 6 và đều bị bắn vào đầu. John Wilkess Booth, kẻ ám sát Lincoln, sinh năm 1839, còn Lee Harvey Oswald, ám sát Kennedy sinh năm 1939. Tên của cả hai đều có 15 chữ cái. Lincoln bị bắn trước cửa nhà hát Ford. Kennedy bị bắn trong xe Lincoln do hãng Ford sản xuất. Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về tàu Titanic trong tiểu thuyết và trong đời thực. Năm 1898, Mark Roberto, một nhà văn người Mỹ, đã viết cuốn tiểu thuyết The Wreck of the Titan, kể về con tàu Titan khổng lồ. Con tàu này có trọng lượng 75.000 tấn, 3 buồng lái, tốc độ tối đa là 25 hải lý. Trong lần ra khơi đầu tiên vào một buổi tối tháng 4, tàu Titan đã đâm vào tảng băng trôi và bị chìm. Vì tàu cứu sinh chỉ có 24 chiếc tàu cứu sinh nên không thể cứu hết hành khách. Đấy là tiểu thuyết. 13 năm sau, con tàu Titanic thật được xây dựng. Nó cũng nặng 75.000 tấn, có 3 buồng lái và cũng có tốc độ tối đa là 25 hải lý. Titanic có sức chứa khoảng 3000 hành khách. Điều kỳ lạ là số phận của tàu Titanic giống hệt như số phận của tàu Titan trong tác phẩm của Roberto. Chuyến tàu khởi hành đầu tiên vào tối ngày 14 tháng 4 năm 1912. Đêm ấy do sương mù dày đặc, tàu đã đâm vào tảng băng trôi và bị chìm. Chỉ có khoảng 1500 người trong tổng số 2207 hành khách được cứu. Cả hai câu chuyện trên cũng như nhiều hiện tượng ngẫu nhiên kì lạ khác trong đời sống, phương Tây lẫn phương Đông, đã được lý giải bằng góc độ tâm linh, gắn liền với các thuật ngữ: số phận, định mệnh, điềm báo, luân hồi … Bác sĩ tâm thần học, Brian L. Weiss trong tác phẩm Lời ngỏ từ thế giới tâm linh đã khẳng định về hiện tượng: luân hồi, tái sinh, chuyển kiếp. Brian L. Weeiss và nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu về hiện tượng luân hồi đã giải thích về sự tương đồng kì lạ của những người xa lạ, cảm giác thân quen khi mới gặp và sự tương đồng của những người khác thế hệ. Ông dẫn ra những trường hợp mới gặp gỡ, nhiều người đã có cảm giác gần gũi, thân quen, muốn gắn bó cùng nhau. Theo quan niệm của thế giới tâm linh những con người ấy chết đi, linh hồn họ vẫn nhớ mãi những tình cảm cũ của người xưa và khi đầu thai lại, tùy theo nhân duyên mà họ sẽ gặp được hình ảnh của thân xác mới dưới hình thức hai người xa lạ gặp nhau và giống nhau về cá tính, sở thích. “Khái niệm đầu thai giải thích và làm sáng tỏ những những mối quan hệ trong kiếp sống hiện tại của chúng ta. Thường thì những sự kiện trong kiếp quá khứ gần vẫn còn ảnh hưởng đến những mối qua hệ hiện thời” [2, 22]. Ngoài kí ức, con người khi tái sinh còn giống nhau về gương mặt, cử chỉ hoặc do sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” mà họ cùng được tái sinh một lần để có thể thuận tiện gặp gỡ nhau. Do đó có trường hợp những người cùng ra đời vào những năm, tháng, ngày, giờ giống nhau và đôi khi đã hoàn tất được ý nguyện họ lại phải xa nhau cùng đúng vào ngày giờ tháng năm nào đó. Trường hợp giống nhau giữa vua Umberto Đệ Nhất (1844-1900) và ông chủ quán rượu ở thành phố Monza nêu trên có thể được hiểu theo cách lí giải này. Riêng trường hợp đặc biệt về hai vị Tổng thống Hoa Kỳ Lincoln và Kennedy thì câu trả lời vẫn còn ở sự suy đoán rằng, đó là một trong những hình ảnh của sự đầu thai hay là sự hoá thân của chính Tổng thống Lincoln. Điều mà cách đây mấy nghìn năm, bộ sách Tây Tạng sinh tử thư có nhắc đến: “Có những người khi chết đi họ cảm thấy chưa làm đủ bổn phận nơi trần thế nên họ quyết tâm đầu thai lại” [74, 1]. Theo Brian L. Weiss, “Chúng ta sinh ra vào một gia đình không hề do ngẫu nhiên hay bất ngờ. Chúng ta chọn lựa hoàn cảnh và thiết lập kế hoạch cho cuộc đời mình thậm chí trước khi chúng ta thụ thai”; “Chúng ta được chọn lựa thời điểm để quay lại thế giới vật chất” [2, 60]. Như vậy, phải chăng, Tổng thống Abraham Lincoln dù đã cả đời đấu tranh cho công bằng, bác ái, vị tha, chống kỳ thị chủng tộc nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa hoàn tất ý nguyện nên ông đã quyết tâm trở lại cõi trần lần nữa qua hậu thân là tổng thống Kennedy? Và những điều tương tự như vậy cũng diễn ra với người thân, cộng sự và kẻ thù của ông? Qua những lý luận và giải thích trên, chưa hẳn vấn đề đã được lý giải hợp lý và rõ ràng nhất, đặc biệt chúng rất đối lập với quan điểm của triết học Mác Lênin. Tuy nhiên, dù sao, một số giải thích ấy cũng nói lên được phần nào những mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng ngẫu nhiên với nhau. Nếu ngày nay, ta thấy xuất hiện trên trái đất này những hình ảnh, sự kiện lạ kì thì chắc chắn những gì ta thấy đó đều có nguyên nhân. Nhưng trở ngại là đôi khi nguyên nhân ấy không thể được nhận rõ bằng các giác quan bình thường của loài người và cũng chưa thể chứng minh bằng khoa học, nên sự giải thích sẽ được giới tâm linh thiết lập. Đây là một thực tế phải được chấp nhận. 1.1.2. Luận giải của triết học Duy vật Theo quan niệm của triết học Mác - Lênin, “ngẫu nhiên là phạm trù chỉ cái không do mối liên hệ bản chất, bên trong kết cấu vật chất, bên trong sự vật quyết định mà do các nhân tố bên ngoài, do sự kết hợp nhiều hoàn cảnh bên ngoài quyết định. Do đó, nó có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện như thế này, hoặc có thể xuất hiện khác đi” [47, 208]. Ví dụ về việc tung một đồng xu lên không trung. Đồng xu rớt xuống đất là điều tất nhiên. Nhưng việc mặt nào sấp, mặt nào ngửa sau mỗi lần tung khi chạm đất lại là việc ngẫu nhiên. Hay, như trường hợp tung đồng xu lên, nó đã rơi xuống và đứng yên trên nền đất bằng cạnh thì đấy càng là cái ngẫu nhiên và hy hữu. Đồng thời với cái ngẫu nhiên là cái tất nhiên. Triết học Mác - Lênin quan niệm: “Cái tất nhiên là phạm trù chỉ cái do những nguyên nhân cơ bản bên trong của kết cấu vật chất quyết định và trong những điều kiện nhất định nó phải xảy ra như thế chứ không thể khác được” [47, 208]. Tính ngẫu nhiên đã có lịch sử nghiên cứu lâu dài trong triết học nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng. Theo quan niệm của triết học Mác- Lênin, không phải chỉ có cái tất nhiên, mà cá cái ngẫu nhiên cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của sự vật. “Nếu cái tất nhiên có tác dụng chi phối sự phát triển của sự vật thì cái ngẫu nhiên có tác dụng làm cho sự phát triển của sự vật diễn ra nhanh hoặc chậm. Thí dụ, cá tính của lãnh tụ một phong trào là yếu tố ngẫu nhiên, không quyết định đến xu hướng phát triển của phong trào, nhưng lại có ảnh hưởng làm cho phong trào phát triển nhanh hoặc chậm, mức độ sâu sắc của phong trào đạt được như thế nào…” [47, 209]. Tính ngẫu nhiên được nghiên cứu cùng với tính tất nhiên tạo thành một trong sáu cặp phạm trù của triết học Mác - Lênin. Khác với quan điểm duy tâm, trong việc nghiên cứu cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên, triết học Mác - Lênin đã đưa ra những phương pháp luận tích cực trong việc tiếp nhận cái ngẫu nhiên trong đời sống. Tính ngẫu nhiên trong quan hệ hữu cơ với cái tất nhiên, được khẳng định: “Cái tất nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên. Còn cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, đồng thời là cái bổ sung cho cái tất nhiên” [47, 210]. Ph. Ăngghen đã luận giải điều này bằng ví dụ về sự xuất hiện của các nhân vật xuất sắc trong lịch sử. Trong diễn biến lịch sử của nhân loại hay của một dân tộc, việc xuất hiện những cá nhân xuất sắc là một điêu tất nhiên, nhưng cá nhân ấy là ai không phải là tất nhiên, vì điều đó không phụ thuộc trực tiếp vào tiến trình chung của lịch sử. Nếu gạt bỏ nhân vật này thì nhân vật khác sẽ xuất hiện, thay thế. Dù sự thay thế đó sẽ tốt hơn hay xấu hơn, thì nó vẫn diễn ra. Cái tất nhiên trong trường hợp này tồn tại như khuynh hướng chung của sự phát triển. Nhưng nó không biệt lập, nó thể hiện dưới cái hình thức ngẫu nhiên. Và một tập hợp ngẫu nhiên sẽ làm nên cái tất nhiên. Triết học Mác - Lênin cũng đã nhận nêu rõ về khả năng chuyển hóa lẫn nhau của cái ngẫu nhiên và tất nhiên. “Tất nhiên và ngẫu nhiên không nằm yên ở trại thái cũ mà thay đổi cùng với sự thay đổi của sự vật và trong những điều kiện nhất định, tất nhiên có thể chuyển hóa thành ngẫu nhiên và ngược lại” [47, 211]. Sự chuyển hóa này ta có thể được nhận thấy ở những biểu hiện ở xã hội đương đại như: Sự phát triển của văn học mạng. Lúc đầu, văn học mạng chỉ là việc chia sẻ một tác phẩm trên trang blog cá nhân. Nhưng dần dần, hành động đó ngẫu nhiên giúp ích cho việc lan truyền tác phẩm, giới thiệu tên tuổi tác giả. Nhận thấy sự thuận tiện đó, văn học mạng ra đời như một sự tất yếu. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, cái ngẫu nhiên sẽ biến thành cái tất nhiên. Mạng internet phát triển, trang mạng có thể chứa được nhiều dữ liệu, truyển tải, bảo quản thông tin dễ dàng hơn là vận chuyển, bảo quản những quyển sách, do vậy việc văn học mạng ra đời, ngay từ đầu đã là việc tất nhiên qua góc nhìn của người sáng lập trang mạng cộng đồng. Thêm nữa, triết học Mác - Lênin cũng đút kết ra phương pháp luận cho hoạt động thực tiễn. Họ luôn yêu cầu: “Trong hoạt động thực tiễn, ngoài phương pháp chính, người ta thấy có phương án hành động dự phòng nhằm đáp ứng những biến đổi ngẫu nhiên có thể xảy ra.” và “trong nhận thức cũng như torng hoạt động thực tiễn, chúng ta không được xem nhẹ, bỏ qua cái ngẫu nhiên” [47, 212]. Những phân tích trên cho thấy: Triết học Mác - Lênin đã thừa nhận sự tồn tại của cái ngẫu nhiên và vai trò của nó trong đời sống. 1.1.3. Tôn giáo Ấn Độ và yếu tố ngẫu nhiên Ấn Độ là dân tộc đa tôn giáo. Kinh Veda, Bhagavad - Gita, dù không kết thành một hệ thống tri thức riêng biệt, nhưng vẫn thừa nhận cái gọi là ngẫu nhiên. Trong Phật giáo Ấn Độ, yếu tố ngẫu nhiên đã được khái quát lên thành những tri thức tâm linh có tính hệ thống như: duyên, nghiệp báo (Karma), luân hồi (Samsara). 1.2.3.1. Veda ra đời thường được ước định vào khoảng 1500 đến 1700 năm trước Công Nguyên. Đây là tôn giáo của người Ấn - Aryan ở thời kì mới định cư trên đất Bắc Ấn. Tư tưởng triết học của thời kì này được thể hiện tập trung trong bộ Uppanisad - phần thứ tư của mỗi phần kinh Veda. Bhagavad Gita (Bài ca về Đấng chí tôn) là phần thơ ghi lại lờ khuyên giảng của Krisna cho Ajuna. Triết học Bhagavad - Gita dài 700 câu và nằm trong bản anh hùng ca Mahabharata. Cả Upanisad và Bhagavad - Gita đều có chung “quan niệm duy tâm nhất nguyên” [7, 154], thừa nhận mọi vật đều có linh hồn, thống nhất, gắn kết cùng nhau và đôi khi là vòng luân hồi, gặp lại. Do vậy, yếu tố ngẫu nhiên vô hình trung đã được đón nhận như một phần tất yếu trong cuộc sống của người Ấn từ thuở xa xưa. 1.2.3.2. Phật giáo Ấn Độ ra đời vào thế kỷ VI trước Công Nguyên, gần cùng thời với đạo Jaina và cũng trên vùng Đông bắc Ấn, nơi ảnh hưởng của đạo Bà La Môn chưa mạnh và đẳng cấp Ksatrya (vương tộc quân sự) còn có vị trí hàng đầu trong xã hội. Một vài nội dung sau trong phật giáo Ấn Độ đã thừa nhận sự tồn tại của ngẫu nhiên và sức ảnh hưởng của ngẫu nhiên. Thứ nhất, Đạo lý Phật pháp nhìn mọi việc dưới góc độ của chữ “duyên”, duyên khởi, duyên tận, nhân duyên. “Duyên thì có rất nhiều thứ. Duyên lành đối với Tam Bảo, đối với chánh pháp. Tương duyên đối với người khác chung quanh mình, và duyên đối với nhiều nguyên tắc liên quan đến việc tu tập. Thí dụ do môi trường, hoàn cảnh tu tập, v.v…” [73, 2]. Nơi nào, duyên ấy, theo cách hiểu này, cái duyên của đạo Phật là sự tổng kết xác thực những sự kiện của cuộc sống. Đạo Phật đã dùng chữ “duyên” để hình dung, để tạo tâm thế cho việc đón nhận những điều bất ngờ. Một sự việc ngẫu nhiên đến, bắt đầu, được hình dung với quan niệm duyên khởi. Một sinh mệnh ra đi, một quá trình bị gián đoạn, chia ly, đánh mất,… tín đồ Phật giáo sẽ chấp nhận rằng: duyên đã tận. Phật giáo quan niệm như sau về nhân duyên: “Sinh mệnh là do những yếu tố phi vật chất, tinh thần thường gọi là sắc, những yếu tố phi vật chất, tinh thần thường gọi là danh kết hợp thành. Sự kết hợp giữa sắc và damh đó thường gọi là mối quan hệ nhân duyên” [2, 172]. Sự kết hợp thành ấy, được hiểu là sự hợp thành ngẫu nhiên của nhiều yếu tố. Mười hai nhân duyên - một cấu trúc giáo lý - vốn được xem là nền tảng trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Đạo Phật. Mười hai nhân duyên bao gồm: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Mười hai nhân duyên này, nếu xét theo “tiến trình hiện hữu, theo chiều lưu chuyển” thì đó cũng chính là “chiều sinh khởi của thế giới luân hồi, sinh tử, khổ đau” [56, 132]. Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào nhân duyên thứ năm và thứ sáu. “Lục nhập (six bases): sự tương nhập của 6 quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và 6 trần cảnh (hình thể, âm thanh, hương vị, mùi vị, xúc và pháp hay sự hữu)”. “Xúc (impression): sự giao thoa căn, trần và thức” [56, 120]. “Trần, trần cảnh” chính là sự thừa nhận về ngoại cảnh có chứa đựng ngẫu nhiên. Đồng thời, khi nói về hai cơ cấu hình nên khí chất của con người, ở cơ cấu thứ hai, đạo Phật khẳng định: “Con người sau khi được sinh ra, mỗi cá thể tiếp tục bị chi phối bởi phong tục, tập quán, văn hóa, văn minh của xã hội và gia đình nơi mà cá thể ấy chào đời. Sự ảnh hưởng đó dầu không phải là làm nên căn tính của con người, nhưng nó là yếu tố góp phần xây dựng cho cá thể ấy một tánh hạnh (behaviour), một lối sống (hành nghiệp) trong một xã hội nhất định” [56, 131]. Như vậy, duyên hay nhân duyên, duyên khởi, duyên tận trong quá trình tu tập, hướng về cõi Niết bàn, đạo Phật đã thừa nhận về sự tồn tại và ảnh hưởng của thế giới thực tại. Thế giới thực tại ấy gói trong mình những yếu tố ngẫu nhiên. Hành trình đi đến Niết bàn là hành trình đi xuyên qua một thực tại đầy ngẫu nhiên. Trong hành trình ấy, ngẫu nhiên chính là duyên. Thứ hai, trong lần truyền giảng đầu tiên về học thuyết của Phật, ngoài bốn “nỗi khổ sinh học”: sinh, lão, bệnh, tử, Phật còn kể đến ba nỗi khổ khác là: “Khổ vì phải gần với cái mình ghét (Oán tăng hội khổ); Khổ vì phải xa cái mình yêu (Ái biệt ly khổ); Khổ vì muốn mà không đạt (Cầu bất đắc khổ)” [7,183]. Trong việc luận giải lí do của khổ, tính khách quan, ngoài mặc định của sự việc hiện tượng đã được thừa nhận. Con người không tránh khỏi việc gặp phải điều mình ghét, xa cái mình thích, không được làm điều mình muốn. Điều này vô hình đã chỉ rõ: yếu tố ngẫu nhiên trở thành một vấn đề không nhỏ trong việc hình thành, giảng giải, tiếp cận Phật giáo, lĩnh hội và hình thành hành vi. 1.2. Tác giả - tác phẩm 1.2.1. Vikas Swarup - Nhà ngoại giao và nhà văn Vikas Swarup được sinh ra ở Allahabad, Uttar Pradesh trong một gia đình luật sư. Ông đã học trường trung học và cao đẳng cho Nam ở Allahabad. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu môn Tâm lý học, Lịch sử và Triết học tại Đại học Allahabad.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan