Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Vu khống

.PDF
463
391
105

Mô tả:

Vu Khống
THÔNG TIN SÁCH Tên sách: Vu Khống Nguyên tác: Calomnies Tác giả: Linda Lê Dịch giả: Nguyễn Long Khánh NXB Văn học và công ty Nhã Nam liên kết xuất bản Năm: 2009 Giá bìa: 40.000 VNĐ haian14_5@convert *prc Giới thiệu: Trong các cuộc trò chuyện, những Việt kiều yêu văn chương thường nhắc đến bút danh Linda Lê, một nữ nhà văn Pháp gốc Việt. Linda Lê sinh quán tại Đà Lạt, năm 14 tuổi theo gia đình sang Paris và bắt đầu viết văn bằng tiếng Pháp. Tác phẩm đầu tay Phúc âm tội ác xuất bản năm 1992 đã khẳng định tên tuổi một cây bút nữ. Từ đó đến nay, Linda Lê liên tục có nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn chinh phục công chúng Pháp và được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hà Lan và tiếng Bồ Đào Nha. Hành trình quay lại với độc giả quê nhà của Linda Lê vừa được đánh dấu bằng cuốn Vu khống do NXB Văn Học và Nhã Nam liên kết ấn hành. Viết về thế giới những người điên, trên giá sách từng có hai tác phẩm trứ danh Buồn nôn của Jean Paul Sartre và Phòng số 6 của Anto Tchekhov. Đọc chầm chậm 32 chương với hơn 200 trang in, mới thấy rằng Linda Lê vẫn có cách của riêng mình để thể hiện một sự sẻ chia lặng lẽ và xót xa. Giọng văn của Linda Lê tưởng chừng lạnh lùng và sắc sảo mà thật ấm áp và bao dung, đặc biệt chị tỏ rõ ưu điểm vượt trội khi phơi bày những chi tiết khám phá nội tâm nhân vật. "Vu khống" có một sợi chỉ rất nhỏ nối hai mảnh đời, người cậu "bị coi là người điên" và cô cháu gái luôn sống trong bất an lại nuôi khát vọng viết văn. Người cậu 10 năm ở bệnh viên tâm thần và 5 năm tiếp tục cuộc đời với ám ảnh một người điên. Người cậu ấy chỉ biết lẩn quẩn trong thư viện, làm bạn với sách và trở thành một cuốn sách âm thầm giữa lãng quên. Thế nhưng, sự có mặt chờn vờn của ông trên cõi nhân gian giống như điểm tựa cho cô cháu gái. Và dường như chỉ có ông mới thấu hiểu những dằn vặt của cô cháu gái: "Chính tấm gương tôi thất bại cho nó đủ can đảm đi thám hiểm biên giới của sự lành mạnh tâm thần. Chính hồi ức tôi sụp đổ mười lăm năm trước khiến nó thả mình đắm chìm để dễ vọt lên trở lại. Tôi đã chuẩn bị con đường. Tôi là dược thảo trị độc của nó. Phương thuốc nhiệm màu ngừa điên dại của nó". Người điên trong Vu khống bị gọi bằng nhiều hỗn danh khác nhau, từ Mặt Khỉ đến Chệt Khùng, theo thói quen ruồng rẫy của xã hội. Tuy nhiên, chính người điên ấy luôn thức tỉnh những phẩm giá đạo đức ở mỗi hoàn cảnh cụ thể bằng sự tự v ấ n: "Mày đã trả tiền để con bé được ngủ yên trong giường như mọi đứa con gái ngoan… Mày đã trả tiền để thỏa mãn cái tật làm thánh nhân của mày…". Người điên ấy luôn run rẩy trong sự sợ hãi, không phải chỉ để thương chính bản thân mình, mà còn thương những con người tội nghiệp xung quanh. Người điên ấy lý giải u uẩn của cô cháu gái: "Đời con bé cũng thế, chỉ là đổ nát. Hai người cha đã phá sập nền móng. Nó bới gạch vụn, dọn mảnh vỡ, nó chỉ tìm thấy những bóng ma người cha. Nó là con chuột chũi mải miết đào, đào không thôi, trong thanh âm tiếc thương. Hiểm nguy rình đón nó, ấy là ngộ độc trữ tình, ấy là đa cảm xói mòn khả năng khinh đời". "Vu khống" không phải là cuốn sách đọc để lấy cốt truyện, hay đọc để kể lại dăm tình huống gay cấn. Vu khống níu giữ rung động của chúng ta trong một không gian ngột ngạt và khơi dậy một niềm cảm thông sâu sắc cho số phận hiu hắt dự phần với cuộc sống nhiều khi hờ hững này: "Trước kia tôi kinh khiếp những người điên mở miệng là nói nhăng nói cuội, nói gióng tiếng một, nói đi nói lại, chửi bới và kêu thét. Bây giờ tôi kinh khiếp những kẻ tâm trí lành mạnh, họ phun ra những từ trống rỗng và đợi được những lời vô nghĩa đáp lại". Nhà văn Linda Lê thổ lộ "viết, là tự lưu đày bản thân". 16 năm trước, Vu khống vừa ra mắt lần đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm của độc giả Pháp, còn hôm nay với sự chuyển ngữ của Nguyễn Long Khánh có thể Vu khống cũng sẽ làm hài lòng người yêu văn học Việt Nam. Đọc Vu khống để thấm thía vẻ đẹp của những cuộc đời thiệt thòi và lầm lũi xung quanh chúng ta! (Theo evan) Tác giả: Linda Lê là một trong các nhà văn nữ hàng đầu tại nước Pháp ngày nay. Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, Linda Lê sang Pháp năm 1977, theo mẹ có quốc tịch Pháp, trong khi cha ở lại Việt Nam; sự chia lìa này là một đau khổ khôn nguôi cho cô. Linda Lê thành danh năm 1992 với tập truyện Les Evangiles du Crime (Phúc âm Tội ác). Từ đây, các tác phẩm của cô luôn luôn được đón nhận nồng nhiệt : Calomnies (Vu khống, 1993), Les Dits d'un Idiot (Lời Tên Khùng, 1995), và nhất là bộ ba Les Trois Parques (Ba Nữ thần Số mệnh, 1997), Voix (Tiếng nói, 1998), và Lettre morte (Thư chết, 1999). Cũng năm 1999, Linda Lê thu thập các bài báo, các bài đề tựa đã viết, thành tập Tu écriras sur le bonheur (Ngươi sẽ viết về hạnh phúc), gồm các bình luận về 38 nhà văn, từ Kôbô Abê đến Franz Werfel, qua Ingeborg Bachmann, Henry James, Marina Tsvétaéva... Các tác phẩm khác của cô mang tựa đề Les Aubes (Những buổi Rạng đông), truyện dài, năm 2000; Marina Tsvétaéva , phê bình văn học, Autres Jeux avec le feu (Lại chơi với lửa), tập truyện ngắn, năm 2002; Personne (Người), truyện dài, năm 2003; Kriss (kịch), năm 2004; Conte de l’amour bifrons (Truyện cuộc tình hai mặt), truyện dài, và Le Complexe de Caliban (Mặc cảm Caliban), gồm nhiều tiểu luận, năm 2005. Calomnies đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hoà Lan và tiếng Bồ Đào Nha. MỤC LỤC I - II - III - IV- V - VI - VII - VIII IX - X - XI - XII - XIII - XIV- XV XVI XVII - XVIII - XIX - XX - XXI XXII - XXIII - XXIV XXV - XXVI - XXVII - XXVIII XXIX- XXX- XXXI - XXXII Cho bí mật của phòng 406 I Họ vẫn chẳng để tôi yên. Mười năm nhốt trong trại cho người ngớ ngẩn kia, mười năm sống bên những kẻ dở hơi, những người động kinh, những người lão suy, những kẻ lủng sọ, những thiên tài bất đắc chí. Mười năm với đám người bạch tạng, những khuôn mặt bệch như sáp chỉ tỉnh thức để lăng mạ tôi, và, vào đôi lúc sáng suốt hiếm hoi, gọi tôi là Mặt-Khỉ. Thoát, tôi tưởng tôi thoát chứ. Vậy mà lại bị mấy cái gien túm lại. Vậy mà một cái thư lại nhắc tôi phải nhớ tới cái gia đình đã cán dẹp bộ não tôi, hủy diệt tuổi trẻ tôi, phá hư đời tôi. Một cái thư. Cái thư của một con bé kiêu kì (chứ sao, coi tuồng chữ phóng túng, lối đặt câu, cách dùng tiếng Pháp của nó là thấy ngay : làm như tôi biết, tôi, kẻ học tiếng Pháp giữa đám người điên và học chỉ cốt để yêu cầu mấy người y tá đừng táng mạnh quá, cho tôi thêm một cái chăn, làm như tôi, tôi biết thưởng thức những tinh tế trong cái tiếng Pháp đẹp đẽ kia, cái ngôn ngữ con bé sử dụng như một tay tập giết người sử dụng con dao làm bếp.) Tất nhiên, cả tôi nữa, tôi cũng đã lao mình vào công cuộc khai phá văn hoá ấy. Năm năm trong thư viện thành phố đọc bất cứ cái gì vớ được. Văn hoá đấy, tôi tự bảo. Văn hoá bằng bất cứ giá nào, phải có cái đầu vững vàng chứ. Ấy vậy mà trong thư viện tôi thư thái lắm. Tôi xếp sách theo thể loại và theo mẫu tự. Tôi tới lui giữa các kệ sách, tra xét, kiểm kê, trường hợp có quyển nào để không đúng chỗ. Đôi khi người ta nhờ tôi đảo lộn hết. Hai ngày liền, tôi khuân, tôi vác. Tôi giả bộ thán phục hệ thống phân loại mới. Tôi biết thừa náo động lắm rồi cũng chẳng đi đến đâu, rồi cuối cùng cũng sẽ trở lại lối cũ. Xếp sách chán thì có thể đi thẩn thơ, chẳng làm gì cả, ra ngoài hành lang hút một điếu thuốc. Nhưng tôi, tôi chúi vào một xó thư viện đọc sách. Tôi chẳng đọc hết một quyển nào bao giờ. Tôi chọn sách đủ mọi thể loại. Tôi nhảy từ tiểu thuyết qua tài liệu, từ sử kí sang nhật kí. Cốt là để luôn luôn có hết chữ này tới chữ khác dưới mắt. Bà quản thủ thư viện đem tôi làm gương. Một gã điên, một tên Chà Chệt đâm chịu đọc sách. Văn hoá cứu vớt... Tối về phòng mình, tôi vừa ăn vừa đọc, trước khi ngủ cũng vẫn đọc. Thế mà họ đã nhốt tôi dường như vì tôi dễ mất bình tĩnh. Tôi không ngờ lại có thứ thuốc an thần hạng nhất này - văn hoá. Tôi yên thân. Một mình trên đời, hả hê một mình trên đời, và yên thân. Với những quyển sách giúp tôi sống, những quyển sách cơ thể tôi ngày chịu được ngày không, như những liều thuốc cứu ta nhưng khiến ta tháo tỏng và đầu thì nhức như búa bổ. Tôi một mình và yên thân. Số mệnh lại khiến con bé đỏng đảnh kia quấy rầy tôi. Nhắc tôi rằng tôi có một gia đình. Rằng do cái gia đình ấy cổng nhà thương điên đã mở ra đón tôi. Rằng gia đình ấy đã nhét tôi vào đấy, vào nhà thương điên vùng Corrèze này. Chuyện đùa hay quá thể ! Chắc họ đã cười lăn cười lộn khi nghĩ tới cái vố họ chơi tôi này. Muời lăm năm nay chúng tôi đâu còn liên lạc gì. Tôi đã quên phứt có con bé trên đời này. Mấy đứa cháu gái thế nào rồi cũng tái xuất hiện. Còn nhỏ thì chúng giơ đùi giơ vế với mấy chiếc răng khểnh, đi qua là để lại phảng phất mùi thói hư dồn nén. Đến tuổi chanh cốm chúng không
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan