Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Văn hóa nam bộ cây bằng...

Tài liệu Văn hóa nam bộ cây bằng

.PDF
22
401
121

Mô tả:

CÂY BẦN TRONG VĂN HÓA TÂY NAM BỘ ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT 1. Đôi nét về Tây Nam Bộ 2. Giới thiệu về cây bần và các loại bần 2.1. Truyền thuyết 2.2. Phân loại và hình dáng 3. Giá trị của cây bần trong đời sống người Tây Nam Bộ 3.1. Cây bần nhìn từ giá trị vật chất 3.1.1. Trong ẩm thực 3.1.2. Trong đánh bắt 3.1.3. Trong việc chống xói mòn 3.1.4. Trong gia dụng và trò chơi 3.2. Cây bần nhìn từ giá trị tinh thần 3.2.1. Trong việc đặt tên các địa danh 3.2.2. Trong y học 3.2.3. Trong kháng chiến 3.2.4. Trong văn học 4. Kết luận 1 1. Đôi nét về Tây Nam Bộ Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc theo cách gọi của người dân Việt Nam ngắn gọn là Miền Tây, có 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: tỉnh Long An (2 tỉnh Long An và Kiến Tường cũ), tỉnh Tiền Giang (tỉnh Mỹ Tho cũ), tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Hậu Giang (tỉnh Cần Thơ cũ), tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Đồng Tháp (2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ), tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang (tỉnh Rạch Giá cũ), tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2 km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người. Có vị trí nằm liền kề vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng thấp và đồng bằng ngập nước, nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam. Nó được giới hạn trong phạm vi các dòng sông, kênh, rạch, tự nhiên hoặc nhân tạo chảy trong lãnh thổ Việt Nam, nhận nước từ 2 dòng chính của sông Mekong (sông Hậu Giang và sông Tiền Giang), đổ ra biển Đông và vịnh Thái Lan. Nằm giữa hai nhánh sông lớn có đến 4.000 kênh rạch với chiều dài tổng cộng khoảng 5.700 km. Câu nói, ở xứ này bước ra cửa là gặp sông nước mênh mông, phản ánh đúng thực trạng ấy. Đây là vùng có khí hậu cận xích đạo vùng nên thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp (mưa nhiều, nắng nóng) đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương thực Vùng Tây Nam Bộ có độ cao trung bình gần 2m, là vùng đất phù sa mới. Dọc theo các kênh rạch cũng như ở các cửa sông, cửa biển phù sa đặc quánh ngày đêm bồi đắp cho vùng đất trũng, những cánh đồng ngập sâu dần dần 2 hoá thành những bãi bồi, cây cối mọc xum xuê. Đi tiên phong trong quá trình “lấn biển” ấy là đước vẹt. Còn ở ven sông, rạch thì bần, mắm, dừa nước, ô rô, cóc kèn, choại, ráng, … đua nhau chen chúc tạo thành một mảng sinh thái đặc trưng. Cuộc sống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển dựa trên sông nước. Nhiều xóm làng có thể chỉ tới được bằng đường thủy thay vì đường bộ. Vùng này còn là cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và từ đó phát triển thành nghệ thuật sân khấu cải lương. 2. Giới thiệu về cây bần và các loại bần 2.1. Nguồn gốc, khái niệm * Nguồn gốc cây bần bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian: Cây bần gắn liền với cái tên thuỷ liễu đầy thơ mộng bởi một giai thoại liên quan đến vua Gia Long trong những ngày gian khó. Dân gian miệt cù lao Bến Tre kể: Khi chạy lánh Tây Sơn, có lần thuyền chúa Nguyễn lạc vào rạch Ụ, Cái Mít (thuộc Hàm Luông ngày nay), phải nhờ gia đình ông Trần Văn Hạc, là cai việc trong làng “bữa cơm”. Tình thế bất ngờ, lại phải “bảo mật”, chúa Nguyễn nói với gia chủ: - Tôi chỉ muốn xin bữa cơm đạm bạc, có gì ăn nấy vì tôi phải đi thật gấp! Ông cai Hạc suy nghĩ: nếu làm thịt gà, thịt vịt thì tốn thời giờ. Giết heo lại càng lâu lắc và lộ bí mật. Đích thân ông Cai vào bếp, giở hũ mắm sống rồi ra ngoài bãi hái mấy trái bần mới vừa chín cây để đãi chúa. Có lẽ, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất Nguyễn Ánh được thưởng thức một món ăn độc đáo như vậy. Mùa vị vừa chua, vừa chát của bần, mùi vị đặc trưng của mắm và có lẽ quan trọng nhất là bụng đói cồn cào sau bao ngày chạy loạn, khiến vị vua cảm thấy thích thú: - Trái chi mà ngon vậy? Cai Hạc kính cẩn thưa: - Muôn tâu, tên trái ấy nghe dân dã quá, kẻ bề tôi chưa tiện thưa qua ạ! - Cứ nói, đừng sợ chi cả! - Thưa, trái bần ạ! Nghe xong, Nguyễn Ánh cười, bảo: 3 - Trong lúc gian truân này ta mới hiểu trái bần thật ngon lành, nó chẳng kém gì cam quýt, nhãn, hồng. Vừa nói, vị vua thuở hàn vi liếc mắt nhìn rặng cây bần mọc hoang trùng trùng điệp điệp trước nhà, lá bần xanh mượt gờn gợn thật thơ mộng. Hơn thế, từng chùm bông bần đung đưa, khoe nhuỵ trắng hồng vương bay theo gió. Vua bèn phán: - Cây này giống như cây liễu, trong Đường thi, Tống phú. Cây liễu ở Trung Hoa mọc trên đất cao, cây liễu xứ ta mọc trên bãi bùn, dầm chân trong nước mặn mà lá vẫn tươi xanh. Từ nay, ta gọi nó là thuỷ liễu, tức cây liễu mọc dưới nước nhé! Vậy là, từ đó bần có một loài tên không kém phần vương giả! “Đóm đeo thủy liễu đôi chùm Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn.” Cũng có một sự tích về cây bần (tại sao nó có tên là bần), truyện đại khái như sau: Xưa kia có một gia đình nông dân rất nghèo khó, áo chẳng được lành, cơm chẳng đủ no. Chẳng ai biết vợ chồng anh ta tên gì, chỉ dựa vào gia cảnh mà gọi anh là Bần. Hết cày thuê đến cuốc mướn mà nhà Bần vẫn vẫn không sao có đủ gạo ăn. Người vợ ngày ngày phải lặn lội tìm thêm trái rừng, lá cây mọc hoang hái về ăn đỡ dạ. Năm ấy, trời lụt, nước dâng cao ghê lắm. Cảnh nghèo như Bần càng thêm khốn khổ. Vợ chồng Bần biết vậy nên bồng bế nhau đi khỏi xóm, đến vùng đất ở cửa sông để cắm câu, xúc tép, mong sanh tồn qua cơn thắt ngặt. Nhưng sức mỏn hơi mòn, Bần đã gục ngã bên bãi đất bồi ven sông. Chồng chết, vợ Bần than khóc thảm thiết rồi cũng qua đời sau đó không lâu. Thời gian trôi qua, trời hết lụt, cuộc sống trở lại bình thường, mọi người nhớ đến Bần ra cửa sông tìm thì chẳng còn ai thấy bóng dáng của hai vợ chồng nghèo khổ ấy nữa. Tìm mãi, họ phát hiện hai cây lạ mà trước nay vùng đất này chưa từng có. Một loại cây mọc ven sông, to tàng rậm lá, hoa nở tim tím, trái hình tròn dẹp, ăn vừa chua vừa chát. Họ gọi đó là cây bần. Một loại cây khác mọc gần đấy cũng cho trái hai màu tím và trắng như bông cây bần 4 nhưng ăn có vị mặn. Người gọi đó là cây Mắm. Họ tin rằng đấy là hai loại cây do vợ chồng Bần hoá thành, hai thứ cây này thường mọc gần nhau, chúng có đời sống rất đơn giản mọc trên vùng đất cằn cỗi hay bùn hoang, giống như tình cảnh của hai vợ chồng chàng trai nghèo khó ngày trước. *Khái niệm: Cái tên Bần xuất phát cũng chính từ cái nhìn đầy trực quan của người dân nơi đây. Nó bắt nguồn từ cái hoàn cảnh bần cùng, nghèo khó, thiếu thốn của những nhân vật trong những câu chuyện, sự tích giàu màu sắc dân gian ấy. Xuất phát từ cái tên bần đồng âm với sự nghèo túng, bần cùng, mà người Nam bộ đã đặt câu đố về nó: “Giống chi toàn là giống đực Thiếu tứ bề cam cực chung thân?” Mà cái nhìn dân dã ấy không chỉ tồn tại trong xóm làng, trong những câu chuyện kể mà còn được định hình, định tính trong những định nghĩa một cách khoa học: Học giả Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã định danh cây bần: “Cũng gọi là thủy liễu, loại cây to mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát (Sonneratia)”. Bần là một loài cây mọc hoang, thân gỗ chịu được nước mặn nên thường gặp tại những vùng đất bùn nhão ở các cửa sông. Bần mọc chung với các cây như Mắm, Đước,Vẹt, Sú... tạo thành khu rừng ngập mặn (mangrove) tại những vùng ven biển. Khi chín quả rụng và trôi nổi theo nước thủy triều, hạt sống lâu và phát tán mạnh trên các bải bồi. Muốn trồng cây bần không cần gieo hạt (mặc dù hạt quả bần chí khi gieo có thể mọc mầm trên 90%). Chỉ cần nhổ những cây bần con mọc sắn trong tự nhiên (rất nhiều) để trồng. 2.2. Phân loại và Hình dáng Từ truyền thuyết cũng như định danh trên kia, ta thấy chỉ mới nêu lên đặc trưng của cây bần, trái bần… chứ chưa nói rõ có bao nhiêu loại bần. Cây bần có sức sống mạnh mẽ ở ven sông rạch, phù hợp với cả ba nguồn nước: ngọt, lợ và mặn. Bần có nhiều loại: bần dĩa, bần ổi, bần sẻ, bần trứng, bần đắng, bần trắng… Nhưng phổ biến ở miền Tây là hai loại: bần ổi (quả nhỏ giống như trái ổi, hình tròn hơi dẹt, sống ở mé ao, đìa, sông) và bần dĩa, còn gọi là bần chua (quả to như cái dĩa, hình tròn dẹt, sống ở rạch, mé sông). 5 Có thể phân biệt 2 loài bần này bằng các đặc tính hình dạng của quả: + Bần dĩa: Quả dạng nằm thẳng đứng, thùy đài dạng trung gian giữa bần ổi và bần đắng. + Bần ổi: thùy đài ôm sát vào quả, xa cuống và hướng xuống đáy quả. Ngoài ra, bần dĩa khi đến chín nó dẹp và to gần bằng cái dĩa; còn bần ổi khi đến chín thì nó vẫn nhỏ và dẹp cỡ như cái bánh cam mà thôi. Qua đó mà ta cũng thấy được cư dân ở vùng đồng bằng sông nước vốn có lối sống khẳng khái, thật thà, thẳng thắn đã vận dụng óc trực quan của mình để đặt tên cho các loại bần và phân biệt chúng dựa vào hình dáng của quả. Nhìn chung hai loại bần này đều có thân, nhánh và lá giống nhau. Da của cây bần có màu xanh nâu, có thể mọc cao 10-15m hay có khi đến 20m, có nhiều nhánh mọc như những cánh tay đưa ra vẫy múa với gió. Rễ thở tập trung thành cụm ở quanh gốc thân, mọc ngập sâu trong bùn, có một nửa rễ mọc nhô lên khỏi mặt bùn, mà theo Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trục, Khai Trí, Sài Gòn in năm 1970) giải thích, Cặc bần: Rễ cây bần, rễ cứng đuôi nhọn đâm ngược và ngay lên chôm chổm khỏi mặt đất từ 20 đến 40 cm. Lá bần mọc đối, lá non hình mũi mác dài, lá già hình trái xoan, dài 5-10 cm, thuôn hẹp thành cuống ở gốc và tù, cụt hay tròn ở chóp. Phiến lá dày, hơi mọng nước, gân rõ, cuống và gân chinh nơi gốc lá có màu đỏ. Trái bần có hình tròn dẹp tựa như cái bánh cam, có đuôi nhọn, có mầu. Mầu trái bần có cánh tia ra như hình ngôi sao. Hoa bần không giống những loại hoa khác, hoa màu đỏ đậm, lưỡng tính, mọc thành nhóm 2-3 hoa hoặc có khi đơn độc, ở ngọn thân hoặc kẽ lá, cánh hoa bần tròn nhỏ như những sợi chỉ dài 5cm. Cuống hoa ngắn và mập, dài có 6 răng hình tam giác, mặt ngoài màu xanh lục, mặt trong màu tím nhạt. Tràng hoa có 6 cánh hình dải, đầu thuôn nhọn. Mỗi hoa được đeo gần 20 cánh hoa vòng tròn xung quanh mầu. Cánh hoa bần có màu trắng phơn phớt tím. Hoa bần nở về đêm, nó chỉ bắt đầu nở khi mặt trời lặn và chỉ kéo dài trong một đêm, nhụy hoa sẽ rụng ngay vào sáng sớm hôm sau. Quả thuộc loại phì quả hình cầu, mọng nước, đường kính khoảng 3-4 cm, ở đầu có mũi thuôn nhọn trong chứa nhiều hạt đa dạng, tròn hay dẹp và dài 6 hình như cái đinh. Gốc của quả có thùy đài xòe ra (giống quả hồng). Quả non màu xanh lục xậm, chuyển thành xanh-vàng khi chín. Quả chín có vị chua. Bần từ lúc ra hoa cho đến hết mùa trái rụng là thời gian hơn nửa năm. Tức là ra hoa và kết quả vào tháng 7, 8 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch (trái bần chín từ tháng 5 đến tháng 11 âm lịch, chín rộ vào khoảng tháng 8 âm lịch). Cây bần ổi có vỏ tróc thành mảnh mỏng như vỏ cây ổi, lá hình bầu dục. Trong môi trường tự nhiên, bần ổi thường sống sát ven bờ, nơi mức triều dâng cao nhất hay ven sông nước lợ. Quả nổi trên mặt nước nên trôi theo dòng, mọc thành cây đơn độc giữa quần thể các cây của vùng ngập mặn. “Bần ơi, ơi hỡi cây bần Lá xanh bông trắng lại gần không thơm” Hình dáng của cây bần đã được thể hiện rõ nét và cô đọng qua câu ca dân dã ấy. 2. Giá trị của cây bần trong đời sống người Tây Nam Bộ 3.1. Cây bần nhìn từ giá trị vật chất 3.1.1. Trong ẩm thực Người Nam bộ nói chung và người miền Tây nói riêng vốn sống cuộc đời dân dã, gắn bó với từng tấc đất, từng bụi cây ngọn cỏ con sông chảy qua trước nhà. Các loại cây trái dân dã như bần tuy chua tuy chát, nhưng với tình yêu xứ sở, người ta vẫn có thể dùng chúng để chế biến nên những món ăn ngon tuyệt vời rất riêng biệt không giống với bất cứ nơi đâu. Ẩm thực miền Tây Nam Bộ cũng vì thế mà trở nên đặc biệt, không những ngon miệng, lại còn chuyên chở tình yêu thương của quê hương xứ sở con người nơi đây vào trong mỗi món ăn. Trái bần xanh ăn có vị chua và hơi chát, lúc chín tới thì vừa chua, vừa thơm, ăn một lần sẽ nhớ mãi, vì vị của nó rất đặc biệt không giống loại trái cây nào. Ngoài món đơn giản nhất là hái trái bần già chua chua chát chát hay bần chín chấm muối ớt ăn sống ra, thì những con người của miệt sông nước này còn sáng tạo ra nhiều món dân dã nhưng cũng không kém phần ngon miệng từ bần: 7 + Quả bần chín được làm nước chấm: Quả bần chín rục dầm trong đĩa nước mắm, sẽ có món nước mắm bần vừa ngon và vừa hấp dẫn, cách chế biến rất đơn giả, chỉ cầm dầm nát quả bần trong nước mắm, thêm gia vị như bột ngọt, ớt, đường… là xong. Bần chín mà dằm với nước mắm nhỉ, cộng với thịt luộc chấm vào thì không ai chê được. + Món lạ - Gỏi bông bần: Mỗi mùa hoa bần trổ bông vào độ tháng sáu âm lịch cho đến tháng chín, người ta hái bông bần về làm gỏi trộn với thịt các loại thuỷ sản sẵn có của vùng đất mình sinh sống. Hoa bần vừa búp hoặc vừa hé nở thì được hái về, tách ra, lấy phần hoa, còn cùi và trái nhỏ bên trong thì bỏ vì chúng ăn rất chác. Nguyên liệu để làm gỏi bông bần có thể từ con tép bạc đến con cá sặc, cá thác lác, đến thịt heo…thái mỏng trộn chung với hoa bần và cho chanh hoặc dấm và một số gia vị khác làm gỏi thì nhậu mê ly. Gỏi bông bần là món ăn rất độc đáo của xứ sở Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. + Món quê - Trái bần chua ăn sống: Có câu “Muốn ăn mắm sặc bần chua Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm” Khi trái bần dĩa cũng như bần ổi vừa chua, hái xuống đem nhậu với mắm cá đồng, mắm tép lại là món khoái khẩu của những nhà làm vườn của cư dân vùng đất châu thổ với văn minh ẩm thực gắn với món “mắm sống”. Bần chua nguyên trái hoặc sắc nhỏ ăn kèm với con mắm chốt, mắm sặc hoặc mắm rô, mắm lóc… thì nhậu chẳng biết say. Vị chua của bần với vị ngọt và mùi thơm của mắm vừa nhậu, vừa ngồi trên xuồng câu cá bông lau vàm Đại Ngãi để chiều về làm một nồi canh chua cá với mấy trái bần chín nữa thì cuộc đời xung xướng biết chừng nào. Rõ ràng là chỉ với món bần sống cũng đủ để nói lên vai trò quan trọng của lòai thủy liễu có quả rất hữu dụng này. + Món nước - Bần nấu canh chua: Trái bần chín thì cũng hấp dẫn không kém bần sống. Bởi chất chua của trái bần chín không gắt như chua của chanh hay chua của me,…mà chất chua của trái bần có len nhẹ vị ngọt trong nó. Vì vậy trái bần chín đem nấu canh chua với cá sông, cá đồng hoặc tép thì ngon đáo để. Trái bần khi chín có độ nhựa rất cao nên nấu canh chua bần, thường nước canh đậm đặc và trắng đục như nước gạo vo. Khi nếm nước canh chua bần nghe phao phao trong miệng 8 thật hấp dẫn. Và sự hấp dẫn ấy đã quen thuộc gắn bó đậm sâu với người dân miền Tây tự bao giờ không ai để ý. Nhưng khi ai đó xa quê lâu ngày nó lại thức dậy trong kí ức và hồn quê chợt hiện ra trong những lời ca dao xưa: “Gió đưa nhành trái la đà Cù Lao Dung đó mấy xa cũng gần Bống Sao đem nấu chua bần Nặng mang tình đất nhẹ nâng tình người” + Món kết hợp - Bần kho với cá: Cá kho bần thì dùng cá gì cũng ngon, nhưng cá lóc và cá bông lau là ngon miệng nhất. Vị béo và đậm đà của cá sau khi quyện vào các loại gia vị, thêm vào vị chua của bần thì sẽ càng ngon, ăn mãi không ngán. Món này rất đơn giản, thay vì dùng trái me chua hay trái thơm, trái cà kho với cá, ta kho cá khi gần chín tới thì cho trái bần chín vào để nguyên. Đến khi ăn thì dầm trái bần chua ra, hạt bần nổi lên, thịt bần trắng đục, vị chua thơm độc đáo. Nếu ăn vào ngày hè sẽ có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nói vậy, để thấy trái bần rất đa dụng trong ẩm thực và trong thực tế, ở vùng đất mà Trịnh Hoài Đức cho là “mỗi nhà mỗi tục” ấy với trái bần dĩa và trái bần ổi sẽ có những món ăn thú vị và hấp dẫn khác nhưng trên tất cả là tính bình dị, tiện ích, phản ánh một nét sinh hoạt văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng miền nơi có cây thủy liễu hiện hữu. + Trong số các món ăn mà bần góp mặt, cầu kỳ nhất có lẽ là đọt bần xào chuột: Chuột cơm ngoài đồng ruộng béo tròn (ngon nhất là chuột no lúa mùa từ tháng mười đến tháng chạp hàng năm), đào hang bắt chúng về làm sạch, để ráo nước, rồi đem bằm thật nhuyễn. Hái đọt bần non rửa sạch, để ráo nước xắt sơ qua. Bắc chảo lên bếp cho nóng, phi tỏi mỡ cho thịt chuột đã băm nhuyễn vào xào cho thịt chín đều thịt có màu trắng đục, rồi tiếp tục cho đọt bần vào. Khi đọt bần đã chín, cho chút gia vị bột ngọt, đường, nước mắm, ớt bằm nhỏ, trộn đều cho thấm. Nhắc xuống ăn nóng, chấm với nước mắm tỏi, ớt, … Vị chua chua, chan chát của đọt bần, trộn lẫn cùng vị béo ngọt của thịt chuột làm thành món ăn độc đáo miền quê. + Trở thành sảm phẩm xuất độc đáo trên thị trường: Nước cốt bần nấu lẩu chua và mứt bần chấm khô và thịt luộc. Đây là sản phẩm đặc thù của vùng đất Trà Vinh. Tại ấp Long Trị, xã Long Đức, thành 9 phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh là nơi cơ sở Thủy Tiên do bà Võ Thị Cúc làm chủ chuyên sản xuất bột bần làm lẩu, nấu chua; mứt bần làm nước uống giải khát; kẹo bần; nước mắm bần chấm khô, cá nướng, thịt luộc. Có thể nói với những công dụng trong ẩm thực như thế này, trái bần càng chiếm vị thế không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của con người nơi vùng đất Nam bộ mà vốn con người nơi đây ai cũng từng nghe, từng biết đến cây bần, trái bần. 3.1.2. Trong việc chống xói mòn Cây bần chua được coi là cây gỗ lớn lại có tốc độ sinh trưởng nhanh và có bộ rễ phát triển mạnh, có khả năng chịu ngập úng và tái sinh trồi khoẻ. Do vậy, cây có tác dụng chắn sóng lý tưởng cho đê biển lúc gió bão, triều cường. Hiện tại, theo một nghiên cứu người ta nhân giống cây bần chua (ý chỉ bần dĩa theo cách gọi dân gian Tây Nam bộ) bằng cách ngâm hạt giống trong nước sạch, đặt tại phòng tối tránh ánh sáng và gió lạnh từ 3 tới 6 tháng. Tỷ lệ cây nảy mầm đạt từ 80 tới 90%. Trong chiến lược trồng rừng ngập mặn, cây bần là loại cây chủ lực vì có khả năng chống sóng rất tốt. Ở những vùng đất có sông, rạch nhiều như đất Tây Nam bộ, cây bần mọc khắp các triền sông, nhờ đó, rễ cây bần có tác dụng giữ bờ đê, chống xói mòn rất tốt. Như vậy, đối với người dân của vùng châu thổ Cửu Long, cây bần có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn mái nhà, miếng vườn của họ tránh khỏi nạn ngập úng. Nhất là những vùng đất có trồng mía và các loại cây ăn trái, cây bần càng trở nên hữu ích khi chúng được trồng ngay ở phía vòng ngoài của bao đê, giữ bờ chắc chắn không cho nước tràn vào. Hướng tới, nhờ khả năng chắn sóng biển tốt, cây bần sẽ càng trở nên đắc lực hơn nữa khi ở một tương lai không xa vùng đất châu thổ Cửu Long phải chịu ảnh hưởng lớn từ việc nước biển ngày một dâng cao. 3.1.3. Trong đánh bắt Bên cạnh lợi ích chống xói mòn, bám giữ đất cho quê hương, cây bần còn giúp tăng khả năng kinh tế của người dân lao động nơi đây trong công việc đánh bắt. Nhánh bần sau khi được hạ xuống ngay tại ao, đìa, rạch thì được dùng làm chà chất hai bên bờ sông nhữ cá tôm thiên nhiên vào dựa. Lá bần sau khi rụng xuống, phân hủy thành thức ăn cho cá, tôm, chà bần nhiều nhánh rất khó để con người đánh bắt chúng bằng lưới, chài…nên sau một thời gian ở đám chà bần được vỗ béo con cá lớn lên. Để rồi đến tháng chạp thì bắt đầu dỡ chà bần bắt cá tôm ăn tết ngon lành. Thế mới rõ, bần ngòai việc chống sạt 10 lở, chắn sóng tốt, cho trái ngon, và ngòai việc làm củi đốt, còn được dùng làm chà để dụ cá vào ở ngon lành như bao loại chà khác. Cây chà bần cũng giống như lá cây mắm được dân nuôi tôm miệt Cà Mau dùng lá làm thức ăn nuôi tôm trúng vụ. Trái bần không những là món ngon của con người mà bần chín còn là “mồi đặc biệt” của cá bông lau. Ông Bảy A và ông Tư Triệu ở xã An Thạnh Đông là “chuyên gia” sống bằng nghề “đâm hà bá”. Đặc biệt là nghề thả câu cá sông. Hai ông cho biết, vào mùa bần chín rộ, tức vào khoảng tháng 7 tháng 8 âm lịch, cá bông lau từ khắp nơi kéo về khu vực Cù Lao Dung để ăn trái bần chín rụng trên sông. Những ngư dân sống bằng nghề câu cá bông lau thì mùa bần chín họ luôn bận rộn. Ông Bảy A và ông Tư Triệu hết con nước thả câu, chạy xuồng vào bờ là tất bật bưng thau đi lượm bần chín rụng ven sông để đem về làm mồi câu. Trái bần chín lượm về, mỗi trái bẻ ra làm bảy tám miếng nhỏ, mỗi miếng tướm vào một lưỡi câu. Người câu canh con nước vừa nhửng lớn là thả câu ngay, vì đây là lúc cá bông lau đi tìm mồi, đặc biệt là tìm trái bần chín. Nhờ trái bần chín làm mồi nên mùa cá bông lau nào hai ông mỗi ngày bắt được khoảng một đến hai yến cá bông lau là chuyện thường. Có hôm trúng cá lên đến ba bốn chục ký chứ không phải ít. 3.1.4. Trong gia dụng và trò chơi Như ta đã biết, cặc bần không chỉ có tác dụng giữ đất mà còn hữu dụng trong các việc khác, nhất là trong gia dụng. Cặc bần - rễ cây bần là những rễ cứng ,đuôi nhọn đâm ngược và ngay lên chôm chổm khỏi mặt đất từ 20 đến 40 cm. + Cặc bần làm nắp chai: Cặc bần được dùng làm nút chai rất chắc và trông rất đẹp, mang dấu ấn rất riêng của vùng sông nước phù sa. Người ta đi chặt những cái cặc bần già, về phơi khô, sau đó vót nhỏ một đầu để đút vào cái miệng chai, còn một đầu để cầm thì to hơn và có buộc sợi dây nối giữa nút chai và cổ chai không cho rơi ra ngoài. Cặc bần làm nắp chai có tác dụng giữ hơi rất tốt. Vì đặc tính của nó là hút nước, khi làm nắp đã được phơi khô đến khi dùng đậy các loại chai nước, cặc bần nở ra vì vậy nắp đậy rất chắc. Dân nhậu, thường dùng cặc bần đậy nắp chai các loại rượu, nhất là rượu trái cây như nhàu, chuối hột, nhãn, bìm bịp... Có người đã từng nhìn cặc bần với ý nghĩa phồn thực khi thấy cái cặc bần dùng làm nắp chai rất hình ảnh và cũng rất gần gũi với “chuyện ấy” của con người. Ngoài ra, người ta còn dùng cặc bần tra cán dao rất chắc. Khi tra cán dao, người ta lấy cặc bần phơi khô, rồi tra vào, đem ngâm nước một ít, cặc bần 11 thấm nước nở ra nên cán dao cực kì chắc chắn. Đảm bảo sử dụng dài lâu, khỏi phải tốn công sửa nhiều lần. + Cặc bần - chốt lỗ xuồng bị thủng: Ai cũng biết, đồng bằng sông Cửu Long xưa và cả nay nữa, phương tiện đi lại ngòai xe cộ như hiện tại thì ghe, xuồng xưa kia là phương tiện chủ yếu cho việc di chuyển, sinh hoạt của cư dân nơi đây. Vì thế, ngòai chai chét xuồng thường dùng, với cặc bần, mỗi khi xuồng bị thủng lỗ vô nước, nhờ vào đặc tính hút nước nên người ta dùng cặc bần đã phơi khô, niêm vào chỗ xuồng, ghe bị lủng khi đem xuống nước, cặc bần nở ra đảm bảo nước không làm đắm ghe xuồng, lại rất chắc chắn. Đây là kinh nghiệm của những lão nông xưa kia dùng ghe, xuồng đi giăng câu, đặt nò, đổ đuôi chuột kể lại. Hiện tại, với những loại ghe xuồng, vỏ lãi bằng plastic hẳn cặc bần ít được dùng hơn. + Cặc bần - làm bộ phận niêm ống sáo rất hiệu quả: Dân chơi sáo, nhất là dân sành điệu, khi làm ống sáo, cách lỗ thổi khoảng 2,5 cm thì có một vật dùng để bít hơi cho sáo phát ra tiếng kêu, cặc bần cũng được sử dụng như một vật niêm rất hiệu quả bởi đặc tính giản nở và giữ hơi tốt của nó. Thế mới nói, từ công dụng trong sinh hoạt đến việc ứng dụng vào nghệ thuật, cặc bần cũng có mặt. Như vậy mới thấy sự hữu dụng đa dạng của nó. Và có lẽ cũng từ đây, cây bần và các bộ phận của nó đã trở thành hình tượng đa nghĩa trong văn học. + Cặc bần làm con đánh số trong trò kêu lô tô: Khi không đủ con thường là 100 con trong trò chơi lô tô - kêu số, khi mất một con, tức là mất một số, người ta dùng cặc bần vạt nhỏ thật khéo sao cho lán bề mặt (hình giống con cờ tướng) rồi ghi số lên đó. Sở dĩ dùng cặc bần là vì nó vừa dai lại vừa dẻo nên ít khi bị hư hỏng trong lúc kêu trò chơi này. Điều này chứng tỏ một điều rằng, cặc bần không chỉ hữu dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà ngay cả đến những trò chơi đậm chất dân gian vẫn hiện hữu vai trò của nó. Từ đó có thể nói rằng, cây bần đã mọc rễ sâu vào văn hóa trong tâm thức của người dân Tây Nam Bộ. + Những nhánh hoa bần trắng tươi còn là thứ không thể thiếu trong kí ức của những đứa trẻ ở nơi đây. Hoa bần được hái và tung lên “cô dâu”, “chú rể” trong tiếng hò reo của những đứa trẻ trong trò đám cưới, hoa bần trắng được tách ra làm hủ tiếu ngon lành trong những trò chơi bán đồ hàng mộc mạc giản dị, chắc chắn sẽ theo chân mỗi đứa con của miệt sông nước này dẫu cho 12 bao nhiêu năm tháng có trôi qua, dẫu cho có gặp bao thăng trầm khốn khó trong cuộc đời. + Một số sinh vật và thực vật tại vùng rừng ngập mặn tùy thuộc vào sự có mặt của bần: Hoa bần nở về đêm được thụ phấn do các loài dơi như dơi đêm, dơi đuôi dài, dơi mũi ngắn nhỏ. Các loài dơi này sinh sống bằng mật và phấn của hoa bần và cũng là những loài dơi chính giúp thụ phấn cho sầu riêng, chuối và đu đủ. Bần cũng là cây ký chủ cho loài đom đóm, văn chương bình dân có những câu như: “Bần gie đom đóm bu quanh Lập lòe sáng tối, lòng anh nhớ nàng” Hay: “Bần già đóm đậu sàng ngời Lỡ duyên tại bậu, trách trời sao nên” 3.2. Cây bần nhìn từ giá trị tinh thần 3.2.1. Trong việc đặt tên các địa danh Bần đã đi vào địa danh như Rạch Bần (Cần Thơ), Cây Bần (Bạc Liêu, Sóc Trăng), Ngã Ba Bần Quỳ (Long An), … Trong giai thoại về địa danh, cây bần biểu hiện cho tấm lòng trung nghĩa, biết cảm thương người trung hiếu tiết nghĩa, tiêu biểu trong giai thoại này là giai thoại về “Ngã ba Bần Quỳ”. Giai thoại lấy sự kiện ông Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn. Tất cả bần ở ven sông Vàm Cỏ và sông Tra đều quỳ xuống để tiếc thương ông, một con người trung quân ái quốc. Từ đó, ngã ba sông này được gọi với cái tên đẹp như tính chất của giai thoại là “Ngã Ba Bần Quỳ”. Như vậy, ta thấy hầu như trong các thể loại về văn xuôi dân gian đều có những truỵên kể về cây bần hết sức lí thú, chính cây bần đã gắn chặt đời mình với tâm hồn người bình dân có lẽ từ khi họ có mặt trên vùng đất này. Hay như câu chuyện về miếu Ông Bần Quỳ là dị bản của câu chuyện trên: Ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây (huyện Vàm Cỏ, Long An) có miếu thờ ông Mai Công Hương, dân gian quen gọi là “miếu Ông Bần quỳ”. Theo Huỳnh Ngọc Trảng (trong Ngàn năm bia miệng, Sở Văn hoá và Thông tin Long An, in năm 1984), thì từ khi Mai Công Hương (người sau đó được triều đình nhà Nguyễn phong làm “vị quốc tử nghĩa thần”) tử tiết khi đánh với quân Nặc 13 Thâm, năm 1705 thì tất cả cây bần mọc hai bên bờ sông đều quỳ xuống như muốn tỏ phục hành động nghĩa báo của ông. Cũng theo Huỳnh Ngọc Trảng giải thích thì “hiện tượng bần quỳ là do nước sông xói mòn làm cây cối ở mé sông ngả nghiêng”, đó là khi nước ngập một phần lớn của rễ bần, nếu nước chảy mạnh, rễ bần thường ngã qua xuyên lại. Có lẽ vì vậy mà dân gian miền quê Cửu Long có một câu đối khá độc đáo về rễ bần như sau: “Nước chảy cặc bần run bây bẩy Gió đưa dái mít giãy tê tê” 3.2.2. Trong y học Trái bần trong khoa học Đông y hay Tây y có tác dụng như thế nào thì chưa thấy phổ biến rộng. Nhưng trong dân gian trái bần có tới 3 tác dụng. Các cụ xưa hay bảo: Nếu bị tiêu chảy thì hãy bẻ trái bần non ăn sống. Vì trái bần còn non có vị chát nên sẽ giảm đi chứng bệnh tiêu chảy. Còn nếu bị táo bón thì hãy lượm trái bần chín về nấu một nồi canh chua, rồi chan cơm ăn một bữa no nê, sau đó đi tiêu không còn táo bón nữa. Các cụ còn bảo, chất chua của trái bần sẽ làm thanh nhiệt trong người. Cặc bần còn được chặt nhỏ phơi khô nấu nước uống để chữa một số bệnh của phụ nữ. Lá bần đem giã nhỏ hay nghiền nát trộn thêm một ít muối, dùng đắp vào vết thương, trị bong gân, bầm khi va chạm. Quả dùng làm thuốc đắp ngoài da trị sưng, bong gân. Hoa cũng dùng trị tiểu ra máu. 3.2.3. Trong kháng chiến Tác dụng của cây bần trong kháng chiến điển hình là ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, vùng đất Cù Lao Dung còn hoang sơ, đất đai chưa được khai phá nhiều, còn lắm những cây bần, cây lá dừa nước. Lúc bấy giờ thực dân Pháp hoành hành dữ dội trên khắp đất liền. Những cán bộ chủ chốt của huyện Long Phú như đồng chí Đặng Quang Minh, đồng chí Đoàn Thế Trung, Đoàn Văn Tố, các đồng chí chọn địa bàn Cù Lao Dung để làm điểm họp bàn chỉ đạo hoạt động cách mạng. Những nơi họp bàn kế hoạch tác chiến luôn diễn ra ở giữa những đám bần, đám lá hay còn gọi là “đám lá tối trời”. Dĩ nhiên, dưới những đám lá có một bóng tối “đặc biệt” để an tâm làm việc thì bên trên những đọt lá luôn luôn có mặt những cây bần đứng dang tay che phủ. Nói như thế, để thấy rằng, cây bần cũng góp công trong kháng chiến. Hơn thế nữa, vào nửa thập niên 40 của thế kỉ 20, quân Pháp đã mở rộng càn quét qua vùng Cù Lao Dung. Dựa vào sự 14 rậm rạp, sầm khuất của những cây bần, năm 1947 đội quân du kích Long Phú đã phục kích những tên lính Pháp tại vàm Rạch Già, xã An Thạnh Nhất (nay thuộc thị trấn Cù Lao Dung). Được báo tin Pháp đổ lính lên vàm Rạch Già để mở cuộc càn quét lớn, đội quân du kích được cấp trên chỉ đạo phục kích dưới những vạt bần dọc theo con Rạch Già và đánh quân Pháp một trận tơi bời. Sau chiến thắng giòn giã ấy, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã viết nên bài hát “Du kích Long Phú” được phát khắp trên các đài phát thanh từ Nam chí Bắc, làm nức lòng quân dân cả nước nói chung và Cù Lao Dung – Long Phú nói riêng. “Ai về Cù Lao Dung/ Nhớ ghé viếng Rạch Già/ Nhớ về An Thạnh Nhất/ Hỏi Tây chết mấy thằng/…”. Cũng sau chiến thắng giòn giã ấy, quân và dân Cù Lao Dung đã có câu “Bần che bộ đội, bần vây quân thù”. 3.2.4. Cây bần trở thành biểu tượng của văn học Hình tượng cây bần trong các thể loại văn học dân gian: Có thể nói gần như trong tất cả các thể loại văn học dân gian, cây bần đều trở thành hình tượng được thể hiện khá sinh động. Như trong truyền thuyết giải thích về cây Thủy Liễu trên kia, cây bần đã trở thành hình tượng của văn học dù rằng, đó mới chỉ là hình tượng có tính chất dùng giải thích nguồn gốc của một loài cây, một loại trái rất gần gũi và hữu dụng với con người như ta đã biết. Mặt khác, qua việc giải thích vì sao cây bần còn được gọi là cây Thủy Liễu còn nhắc lại cho ta một thời kì lịch sử gắn với việc bôn ba của chúa Nguyễn trong bước đường chạy trốn quân Tây Sơn. Cây bần hay cây Thủy Liễu được vinh danh gắn với truyền thuyết trong hành trình bôn tẩu của chúa Nguyễn đã tô đậm thêm một thời kì lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, chúa Nguyễn ví cây bần như cây liễu trong thơ ca đời Đường đủ để thấy dù là một loại cây chẳng có gì đặc sặc nhưng hữu dụng, gần gũi đã được ngợi ca. Điều này làm cho cây bần trở thành hình tượng văn học một cách tự nhiên, sinh động. Trong những câu chuyện ngụ ngôn ở đồng bằng sông Cửu Long chúng ta còn gặp hình ảnh cây bần qua câu chuyện Bần và Đom Đóm. Dân gian kể rằng: Đom Đóm tự hào với chút ánh sáng trong bụng, thấy Bần đứng cạnh bờ sông , Đom Đóm hỏi : -Thân ông đen đủi suốt đời chôn chân nơi bãi sình lầy chắc ông buồn lắm ? 15 Bần vừa đáp, vừa hỏi lại: Tôi thay người đứng giữ bải bờ cho sông. Còn chú ? Đom Đóm trả lời một cách tự đắc: -Thấy ông đứng nơi tăm tối, tôi mang ánh sáng đến cho ông . Bần nghi ngờ : -Thứ ánh sáng của chú có chịu nổi mưa dầm bão táp nơi bãi bờ này chăng ? Đom đóm lớn giọng hơn : - Ánh sáng tôi cỏ thể đốt cháy ông. Vừa dứt lời con mưa ập đến. Đom Đóm vội nép vào Bần lẫn trốn. Bần độ lượng che cho nó suốt cơn mưa. Sau đó, Đom Đóm đã hiểu ra mọi chuyện. Một bài học về sự khiêm tốn được tác giả dân gian gửi đến cho nó. Cũng từ ngày ấy, cứ đêm đêm Đom Đóm lại vây quanh rặng Bần trò chuyện thân thiết. Từ đó có câu: “Bần già đốm đậu sáng ngời Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên” Trong câu đố: Lấy tính chất toàn là đực - ý chỉ sự không có cây bần nào là không có “cặc bần”, dân gian đã đố rất độc đáo về cây bần là: “Giống chi toàn là giống đực Thiếu tứ bề cam cực chung thân”. Đây là câu đố để lại cho ta nhiều liên tưởng, nhất là sự liên tưởng về giới tính và đồng thời cũng là sự liên tưởng thân phận con người. Ở một ý nghĩa khác, từ bần (cây bần) đồng âm với từ bần (nghèo khó) nên nó thường được sử dụng, ví von với những gì nghèo khó, bất hạnh, long đong, trôi nổi Trong vè: Như đã nói trên kia, tại xã Long Trị (Trà Vinh), người dân đã có nơi đây đã có bài vè thể hiện lòng tự hào sản vật quê minh về cây bần như sau: “Ai về Trà Vinh hãy đến quê hương Long Trị, Long Trị là một đảo xa. Khi xưa dân chúng khổ nghèo, Đường đi nước bước quằn quèo khó đi. Ngày nay đổi mới một khi, Điện đường, trường học lộ thì lán o. 16 Dân nay áo ấm cơm no, Nhờ ơn Bác chỉ khỏi lo đói nghèo. Vườn cây ăn trái bao la, Nay thêm một loại thứ ba đó là Bần ta làm lẩu nấu chua Lại thêm nước uống cười đùa nói ngon”. Thế mới rõ, một khi đã đi vào văn chương dân gian cây bần, trái bần càng trở nên lung linh và hấp dẫn, ngay cả khi đó chỉ là một bài vè về món ăn của một vùng đất. Trong giải trí, gây cười: Bần cũng xuất hiện trong cung bậc hài hước với chức năng mua vui, để khuây khoả, cười cợt là chính. Dân gian gắn chuyện coi tướng, coi tuổi người cầm tinh con khỉ rằng: “Tuổi thân con khỉ ăn bần Chuyền cây hái trái lọt ùm xuống sông” Cây bần cũng có mặt trong bài hát tếu táo mà người bình dân chỉ nhằm hát cho có hát chứ không quan tâm đến nội dung. Hình ảnh ông táo, ông địa, hững nhân vật thần linh mà theo dân gian cũng rất hay rắn mắt, chọc cười cho đời thêm vui: “Ngó lên chót vót cây bần, Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm Ông kia xách dĩa lại đơm Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần Mới vần mặc kệ mới vần Bây giờ đói bụng xúc lần ra ăn” Trong ca dao, cây bần, bông bần, trái bần đã trở thành hình tượng gợi nên nhiều sức ám ảnh lạ thường. Sự quyến rũ từ hình tượng này toát lên từ sự gần gũi đời thường bởi những đặc tính vốn có của nó. Hay nói khác đi, cây bần trở thành cách nói của dân Tây Nam bộ. Người bình dân vùng sông nước đã mượn cây bần cùng các bộ phận của nó làm những mẫu đề diễn đạt mang tính địa phương đậm nét, vì thế khi trở thành mẫu đề trong ca dao, cây bần có phong cách rất riêng: Đây là cách nói về thân phận người phụ nữ với mẫu đề thân em: 17 “Thân em như trái bần trôi Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu” Kiểu diễn đạt này mang hấp dẫn chúng ta bởi hình ảnh rất đời thường của trái bần mà gần như tất cả chúng ta trong đời mình hẳn đã một đôi lần nhìn thấy trái bần rụng, trôi sông. Tính chất bấp bênh của thân phận người phụ nữ qua hình tượng trái bần trở nên gần gũi và vì thế dễ đi vào lòng người, bởi phận gái ngày xưa, duyên tình cũng éo le, cũng liều nhắm mắt đưa chân mặc tình cho sóng gió cuộc đời nổi trôi như trái bần chín rụng. Đặc biệt, cách nói này đã tạo nên một mẫu đề về “thân em” trong ca dao bằng hình tượng trái bần khi so sánh với các mẫu đề khác: “Thân em như cá rô mề…”, “Thân em như hạt mưa sa…”, “Thân em như hạc đầu đình…”, “Thân em như vải lụa đào…”.v.v.. có những sắc thái biểu hiện rất riêng của vùng đất Tây Nam bộ. Đây là mẫu đề “mượn cớ” khẳng định ý chí, quyết tâm cho cuộc tình duyên của chàng trai vùng đất Tây Nam bộ: “Cha mẹ đánh anh quặt quà quặt quại, Đem anh treo tại nhánh bần. Rủi đứt dây mà rớt xuống, Anh cũng lần mò kiếm em”. Ngược lại, đây là lời đáp của cô gái: “Lẻ đôi em chịu lẻ đôi, Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ”. Hoặc trong trường hợp cần “hạ thủ” không cho đối thủ có điều kiện gần gũi đối tượng của mình, chàng trai mang tâm hồn sông nước đã nói chắc như con nước lớn sẽ lên vào buổi chiều này: “Chiều mai, chiều mốt anh cốt (chặt, đốn) cây bần, Chẳng cho ghe cá đậu gần ghe tôm”. Anh chàng chủ nhân của câu ca xem ra không muốn cho người khác đến gần người con gái mà anh ta đã để ý. Sắc sảo hơn ở cụm từ “cốt cây bần”. Chữ “cốt” có nghĩa là đốn cây, chặt cây vốn rất phổ biến trong lời ăn tiếng nói của người dân quê Cửu Long sông nước. Cây bần như đã nói trên chỉ toàn giống đực. Cốt cây bần quả là một lời cảnh báo dư sức nặng dành cho những 18 ai ham trổ mòi với “ghe” đã có chủ. Ngụ cảnh để nói người quả là thâm thúy và tài tình quá sức vậy! Trong ca dao về tình yêu, bắt đầu từ cách thức thăm dò tìm kiếm ý trung nhân, hình ảnh một chàng trai lém lĩnh không lo việc mình mà lợi dụng bụi bần rậm rạp để “dòm lén” các cô gái quê đi ngang qua, song hành động đó đã được một ai đó kịp thời “chộp” được: “Anh kia trốn bụi bần non Không lo chài lưới, lo dòm các cô” Nhưng không phải lúc nào cũng được như ý đâu: “Chiều chiều xuống bến ba lần Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ” Cuối cùng, mọi chuyện cũng sẽ an bài, sự tan vỡ trong tình yêu là điều không ai muốn nhưng lại khó tránh khỏi. Họ bàng hoàng, đau đớn trong tuyệt vọng: “Bướm bay dưới dạ cây bần, Làm sao kết nghĩa Châu Trần với nhau” Nhiều khi, cô gái thẳng thắn chối từ, dù muối xát gan bàu “Bần gie, bần liệt, diệc đau chờ mồi Anh với em duyên nợ hết rồi Đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em” Hay những cô gái từ chối thẳng thừng, nói mà như tát vào mặt kẻ đáng tội: “Hổng thương em hổng có cần Trầm hương khó kiếm chớ đước, bần thiếu chi” Thậm chí, sự phỉnh phờ lừa gạt trong tình yêu cũng bị vạch mặt chỉ tên: “Bần gie con hạc đậu cánh xòe Tưởng anh vô gá nghĩa, ai dè gạt em” Còn có câu thể hiện nỗi oán hận, nguyền rủa khi bị người yêu phản bội: 19 “Trèo lên chót vót cây bần Vái anh đi cưới vợ, cho sóng thần nhận ghe” Đúng là lời trực ngôn, ăn ngay nói thẳng của người Nam Bộ, không thể lẫn vào đâu được. Khi tan vỡ duyên tình, người trong cuộc thường tự trách mình, trách người mình yêu, hay tìm cách lý giải ở một nguyên nhân khác, do môn đăng hộ đối chẳng hạn, như ngay từ đầu bài viết chúng tôi đã nói dân gian quan niệm “bần” không phải là hạng giàu sang: “Cảm thương ô dước, bời lời Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần” Họ bào chữa, hay tự an ủi về chuyện duyên kiếp lỡ làng, bình tĩnh hơn, nghĩ kỹ lại thì ra do chính con người gây ra chứ không phải tại trời cao đất dày nào cả: “Bần già đốm đậu sáng ngời Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên” Cũng có trường hợp do cha mẹ không thương nên tơ hường đứt đoạn: “Ba bốn nơi sang cả, phụ mẫu em muốn gả Em chấp tay: khoan đã, chưa tới duyên phần Phụ mẫu nói em bất tôn giáo hóa Em trèo lên cây bần cho kiến nó bu” Tóm lại, trong ca dao, hình ảnh cây bất trở thành cách nói cho nhiều kiểu diễn đạt đậm chất văn hóa nước, nơi mà ở đó, cây bần và những gì tốt đẹp nhất thuộc về nó là phương tiện cho con người nơi vùng đất Cửu Long thể hiện tâm tư, tình cảm của mình. Tỉ như, đây là lời than vãn của một người con gái: “Bông bần rụng trắng bờ sông Lấy chồng xa xứ chẳng mong ngày về” Nhìn chung, trong các thể loại văn học dân gian, cây bần đều góp phần làm phong phú không chỉ cho nội dung mà còn làm đa dạng thêm những cách kể, kiểu nói, lời đố đậm chất miền Tây nói riêng và Nam bộ nói chung. 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan