Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ ứng dụng của luật so sánh trong xây dựng luật sở hữu trí tuệ năm 2005...

Tài liệu ứng dụng của luật so sánh trong xây dựng luật sở hữu trí tuệ năm 2005

.PDF
18
188
50

Mô tả:

Ứng dụng của luật so sánh trong xây dựng luật sở hữu trí tuệ năm 2005 1. Lý do ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ Luật so sánh được công nhận là công cụ đắc lực trợ giúp cho hoạt động lập pháp và sửa đổi pháp luật, giải thích pháp luật, hiểu các quy định pháp luật và hỗ trợ cho sự thống nhất, hài hoà hoá pháp luật[1]. Trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 của nước ta (sau đây gọi là Luật sở hữu trí tuệ)[2], Luật so sánh cũng đã chứng tỏ vai trò đặc biệt quan trọng của nó. Việc thông qua Bộ luật dân sự (Bộ luật dân sự sửa đổi)[3] và Luật sở hữu trí tuệ trong năm 2005 đã đánh dấu thành công trong hoạt động đổi mới hệ thống pháp luật, thể hiện thành công của tiến trình hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta. Trong bài viết này, tác giả bàn về vấn đề ứng dụng của Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ bằng việc giải quyết ba câu hỏi: Tại sao phải ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ? Luật so sánh được ứng dụng như thế nào trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ? Việc ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ đem lại những kết quả ra sao? Cho đến nay, còn nhiều ý kiến khác nhau về Luật so sánh, tuy nhiên, cho dù Luật so sánh là một môn khoa học hàn lâm hay một phương pháp nghiên cứu, mọi người đều thừa nhận rằng Luật so sánh có tính ứng dụng rất cao, bao gồm ứng dụng trong hoạt động lập pháp[4]. Việc ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ xuất phát từ những lý do sau đây: - Xuất phát từ đặc trưng của pháp luật trí tuệ Pháp luật sở hữu trí tuệ điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tài sản trí tuệ với đặc tính vô hình, lan toả, dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia. Chính điều này làm cho pháp luật sở hữu trí tuệ mang đậm tính chất quốc tế hơn so với nhiều lĩnh vực pháp luật khác. Để bảo hộ quyền sở hữu trí tụê, đòi hỏi pháp luật của mỗi quốc gia phải tương thích với các điều ước quốc tế và pháp luật của các quốc gia khác. Bởi vậy, khi xây dựng hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, Luật sở hữu trí tuệ nói riêng, việc ứng dụng Luật so sánh là không thể tránh khỏi nhằm làm cho pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta đạt được sự hài hoà với pháp luật quốc tế. - Xuất phát từ yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật sở hữu trí tuệ Hiện nay, các tài sản hữu hình ngày càng cạn kiệt, “mặc dù tài sản hữu hình như đất đai, lao động và tiền vốn đã từng là tiêu chuẩn so sánh tình trạng kinh tế, điều này không còn đúng nữa. Động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội đương thời là tài sản dựa trên tri thức”[5]. Hơn nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cùng với những tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ cũng được luân chuyển mạnh mẽ và liên tục giữa các quốc gia, giữa các vùng lãnh thổ. Chính vì vậy, bên cạnh vai trò truyền thống[6], pháp luật sở hữu trí tuệ còn có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ lợi ích quốc gia và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về văn hoá, kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài[7]. Để thực hiện được những vai trò mới này, đòi hỏi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành phải hoàn thiện hơn những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trước đây; tương thích với pháp luật của các quốc gia khác; đồng thời phù hợp với điều kiện của Việt Nam[8]. Để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, chúng ta không thể không ứng dụng Luật so sánh. Bởi vì, ứng dụng Luật so sánh cung cấp cho chúng ta hiểu biết tốt hơn về các điều ước quốc tế sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác; giúp chúng ta thấy được những điểm giống nhau và khác nhau giữa pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành của nước ta với các điều ước quốc tế sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác. Trên cơ sở đó, chúng ta xây dựng Luật sở hữu trí tuệ sao cho tương thích với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác. Nói cách khác, ứng dụng Luật so sánh giúp chúng ta thực hiện hiệu quả tiến trình hài hoà hoá, thống nhất hoá pháp luật sở hữu trí tuệ– một tiến trình đầy khó khăn do những khác biệt của các hệ thống pháp luật khác nhau; do thiếu hiểu biết của cá nhân, tổ chức thuộc hệ thống pháp luật này về các hệ thống pháp luật khác[9]. Hơn nữa, ứng dụng Luật so sánh còn giúp chúng ta loại bỏ những hạn chế của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, học hỏi ưu điểm của các hệ thống pháp luật khác để đưa vào Luật sở hữu trí tuệ. Như vậy, ứng dụng Luật so sánh có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng và đổi mới pháp luật pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta. 2. Ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ Quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ nói chung và ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ nói riêng, có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau. Trong đó, đặc biệt phải kể đến các chuyên gia pháp luật, những cán bộ chuyên môn về sở hữu trí tuệ của Quốc hội, Văn phòng Chính Phủ, Cục Bản quyền Tác giả Văn học-Nghệ thuật (Bộ Văn hoá-Thông tin), Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ), các Công ty/Văn phòng Luật, Công ty/Văn phòng tư vấn sở hữu trí tuệ, và các trường đại học. Bên cạnh các tổ chức, cá nhân trong nước, hoạt động so sánh luật trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ còn có sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã cử chuyên gia tư vấn xây dựng Luật sở hữu trí tuệ; Cộng đồng Châu Âu, Dự án STAR Việt Nam, Dự án SPC đã cử chuyên gia (đồng thời cung cấp tài chính) và tổ chức hội thảo về dự thảo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức hội thảo tại Hoa Kỳ và khu vực Châu Á để bình luận và tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Liên đoàn Quốc tế các nhà soạn nhạc và soạn lời (CISAC), Liên đoàn Quốc tế các tổ chức quản lý tập thể quyền ghi âm (IFPI) cũng gửi ý kiến đóng góp cho dự thảo. Một số doanh nghiệp, trong đó có Microsoft đã chuyên gia cùng Việt Nam tổ chức toạ đàm về Luật sở hữu trí tuệ, tập trung vào các quy định liên quan đến chương trình máy tính và sưu tập dữ liệu. Trong những hoạt động này, chúng ta không chỉ đơn thuần xem xét, nghiên cứu luật nước ngoài mà thực chất chúng ta đã so sánh pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam với pháp luật sở hữu trí tuệ nước ngoài để hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta, làm cho pháp luật sở hữu trí tuệ nước ta tương thích hơn với pháp luật sở hữu trí tuệ trên thế giới. Không như hoạt động so sánh luật đơn thuần (chẳng hạn so sánh pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài về một vấn đề nhất định để chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau), ứng dụng Luật so sánh trong hoạt động lập pháp đòi hỏi chủ thể ứng dụng cần phải có kiến thức trong lĩnh vực pháp luật đó. Đương nhiên, nếu chủ thể ứng dụng Luật so sánh đồng thời có kiến thức sâu sắc về Luật so sánh và lĩnh vực pháp luật cần xây dựng sẽ làm cho hiệu quả ứng dụng Luật so sánh cao hơn rất nhiều. Ở nước ta, hoạt động so sánh luật hay sử dụng phương pháp so sánh trong nghiên cứu luật, giảng dạy luật, xây dựng luật diễn ra từ lâu, tuy nhiên, những người hiểu biết thực sự về Luật so sánh lại không nhiều. Điều này cũng xảy ra đối với hoạt động ứng dụng Luật so sánh trong xây dựng Luật sở hữu trí tuệ. Trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, việc ứng dụng luật so sánh chủ yếu do các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tiến hành mà thiếu sự tham gia của những chuyên gia pháp luật so sánh hoặc thiếu các chuyên gia đồng thời có kiến thức pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật so sánh. Trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, Luật so sánh được ứng dụng để xem xét giữa: một bên là toàn bộ các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ đã ban hành của nước ta và bên kia là các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia. Việc so sánh nhằm xây dựng Luật sở hữu tuệ sao cho Luật này đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra khi xây dựng Luật. Toàn bộ các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ đã ban hành bao gồm tất cả các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng trong Bộ luật dân sự năm 1995 cũng như những văn bản hướng dẫn thi hành (đây là những quy định trực tiếp về sở hữu trí tuệ) và những quy định pháp luật có liên quan khác (ví dụ: Luật thương mại, Luật doanh nghiệp…). Xuất phát từ đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ, các quốc gia sớm hợp tác với nhau để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cũng chính vì vậy, các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ ra đời rất sớm[10] và trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có nhiều điều ước quốc tế điều chỉnh. Các điều ước quốc tế, do đó, là nguồn không thể thiếu khi so sánh trong hoạt động xây dựng pháp luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh các Công ước quốc tế, cũng phải kể đến các hiệp định song phương về sở hữu trí tuệ đã được Việt Nam ký kết với các nước khác. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, tham khảo, so sánh với luật mẫu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã và sẽ là thành viên (như: Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, năm 1883; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, năm 1886; Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hoá, năm 1891; Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV), năm 1961; Hiệp ước về hợp tác sáng chế (PCT), năm 1970; Công ước Brussels về việc phổ biến các tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh, năm 1974; Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), năm 1995…); và các hiệp định song phương về quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định song phương giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, Việt Nam-Thuỵ Sĩ). Mặc dù sử dụng nhiều điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, pháp luật của các quốc gia là nguồn không thể thiếu được khi ứng dụng Luật so sánh trong xây dựng Luật sở hữu trí tuệ. Bởi vì, các điều ước quốc tế chỉ bao gồm những quy định mang tính nguyên tắc và dành quyền quy định cụ thể cho các quốc gia thành viên. Dựa trên những nguyên tắc chung, mỗi quốc gia có quy định quy thể cho phù hợp với điều kiện của mình. Nguồn luật mà chúng ta đã sử dụng cho các nghiên cứu so sánh khi xây dựng Luật sở hữu trí tuệ là luật của nhiều quốc gia khác nhau, thuộc các truyền thống pháp luật khác nhau. Trong đó, có những quốc gia hệ mà thống pháp luật sở hữu trí tuệ được hình thành từ lâu đời cũng như bảo hộ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ (Ví dụ: Mỹ, Nhật, Pháp…) và những quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá tương tự với Việt Nam (Ví dụ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…). Bên cạnh việc sử dụng luật thực định, Ban soạn thảo Luật sở hữu trí tuệ còn quan tâm đến truyền thống pháp lý, văn hoá pháp lý, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia có nguồn luật được so sánh với ý nghĩa đây là những yếu tố không thể tách rời trong hoạt động so sánh luật. Hơn nữa, có như vậy mới thực sự làm cho Luật sở hữu trí tuệ mới được tạo ra vừa tương thích với pháp luật thế giới, vừa phù hợp với điều kiện của nước ta. Trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, nhiều phương pháp so sánh khác nhau đã được sử dụng[11]. Cụ thể, các nhà làm luật đã mô tả các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế, pháp luật của các quốc gia và pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau đó, phân tích, đánh giá, đối chiếu quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam với những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài. Trên cơ sở đó, chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tụê của các quốc gia khác; chỉ ra những điểm hợp lý cũng như bất hợp lý của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và của pháp luật sở hữu trí tuệ của quốc gia khác; giải thích những điểm giống nhau, khác nhau trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan như truyền thống pháp luật, văn hoá pháp lý, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội. Cuối cùng, xem xét mục đích, yêu cầu xây dựng Luật hữu trí tuệ, yêu cầu đối với từng chế định, từng điều luật, đồng thời xem xét điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa ra quy định pháp luật sở hữu trí tuệ cho phù hợp. Điều này cho thấy rằng: ứng dụng Luật so sánh trong hoạt động xây dựng Luật sở hữu trí tuệ nói riêng không đơn thuần là hoạt động tham khảo pháp luật nước ngoài hay học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Trong thực tiễn xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, Luật so sánh đã được ứng dụng khi xác định hình thức của Luật này (xây dựng Bộ luật sở hữu trí tuệ hay Luật sở hữu trí tuệ), phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật và trong qúa trình xây dựng các chế định, các điều luật cụ thể của Luật. Sau đây là một số dẫn chứng cụ thể: Theo quy định của pháp luật Việt Nam[12]: tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền của các chủ thể này khác nhau trong từng trường hợp cụ thể: tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm (Điều 751-Bộ luật dân sự năm 1995); tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm (Điều 752-Bộ luật dân sự năm 1995); chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả (Điều 753-Bộ luật dân sự năm 1995). Tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có đầy đủ mọi quyền tài sản và quyền nhân thân đối với tác phẩm. Cụ thể, quyền nhân thân bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (các nhà khoa học pháp lý gọi ba quyền nhân thân đầu tiên này là quyền nhân thân không gắn với tài sản hay quyền nhân thân không thể chuyển giao); quyền công bố, phổ biến tác phẩm; quyền cho người khác sử dụng tác phẩm (các nhà khoa học pháp lý gọi hai quyền nhân thân này là quyền nhân thân gắn với tài sản hay quyền nhân thân có thể chuyển giao). Các quyền tài sản bao gồm: quyền hưởng nhuận bút; quyền hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; quyền được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới một số hình thức nhất định; quyền nhận giải thưởng khi tác phẩm được giải. Còn tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả có các quyền không đầy đủ, nếu tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có quyền nào đó thì chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả không có quyền này và ngược lại. Trong khi đó, Công ước Berne năm 1883 và pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định hai loại quyền tác giả là quyền tinh thần và quyền kinh tế. Quyền tinh thần gồm: quyền đứng tên tác giả của tác phẩm và quyền phản đối bất kỳ sự cắt xén, bóp méo hoặc sửa đổi tác phẩm, hoặc các hành vi xúc phạm khác liên quan đến tác phẩm mà có thể phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (Điều 6bis Công ước Berne). Quyền kinh tế bao gồm một số quyền sau đây: quyền dịch thuật, quyền thực hiện phóng tác và chuyển thể tác phẩm; quyền trình diễn công cộng tác phẩm kịch, nhạc kịch, âm nhạc, quyền trần thuật công cộng tác phẩm văn học, quyền truyền thông công cộng trình diễn các tác phẩm; quyền phát sóng; quyền làm bản sao; quyền cho sử dụng tác phẩm. Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định quyền “droit de suit” đối với tác phẩm mỹ thuật và bản thảo viết tay(Điều 14ter). Úng dụng Luật so sánh cho thấy, quy định về quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm của pháp luật Việt Nam tương đối phức tạp và khác biệt với quy định của Công ước Berne. Sự khác biệt không phải chỉ là cách dùng thuật ngữ: quyền tinh thần, quyền kinh tế trong Công ước Berne và quyền nhân thần, quyền tài sản trong Bộ luật dân sự mà còn là sự khác biệt ở nội hàm của các thuật ngữ. Thuật ngữ quyền tinh thần không đồng nhất với quyền nhân thân, quyền kinh tế không đồng nhất với quyền tài sản. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền nhân thân không gắn với tài sản chính là quyền tinh thần trong công ước Berne; quyền nhân thân gắn với tài sản chính là các quyền kinh tế. Còn các quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm được quy định trong Bộ luật dân sự năm 1995 hiện nay là kết quả hay sự thể hiện bằng những lợi ích vật chất cụ thể của việc thực hiện quyền tài sản. Tuy nhiên, có một đặc điểm cần lưu ý, trong tất cả các văn bản pháp luật của nước ta (trong đó có Bộ luật dân sự với vai trò là bộ luật gốc cho nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật sở hữu trí tuệ), chúng ta không sử dụng thuật ngữ quyền kinh tế và quyền tinh thần mà sử dụng thuật ngữ quyền tài sản và quyền nhân thân. Sau khi xem xét, Ban soạn thảo Luật sở hữu trí tuệ quyết định không quy định tách rời quyền của tác giả và quyền của chủ sở hữu tác phẩm; nội dung quyền tài sản và quyền nhân thân được thay đổi so với các quy định trước đây cho phù hợp với Công ước Berne; tuy nhiên, chúng ta vẫn sử dụng thuật ngữ quyền tài sản và quyền nhân thân cho thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam[13]. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 791), Nghị định 63/CP[14] (Điều 9), bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ. Hiệp định TRIPs, BTA đều yêu cầu thời hạn bảo hộ sáng chế không được chấm dứt trước 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Đa số luật quốc gia quy định thời hạn bảo hộ 20 đối với sáng chế. Luật của nhiều nước phát triển (ví dụ: Mỹ, Nhật Bản) quy định khả năng kéo dài thời hạn bảo hộ cho những sáng chế mà việc khai thác phải qua thủ tục cấp phép lưu hành mất nhiều thời gian như dược phẩm. Sau khi phân tích, đánh giá, xem xét điều kiện của Việt Nam, khi quy định về hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế (khoản 2 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ), các nhà làm luật đã quyết định không quy định về khả năng kéo dài thời hạn bảo hộ như một số nước dành cho các sản phẩm cần thời gian thử nghiệm, phê duyệt trước khi khai thác, lưu hành. Bởi vì, quy định này chủ yếu áp dụng cho tân dược và rơi vào các tổ chức, cá nhân nước ngoài. 3. Kết quả của việc ứng dụng Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ Khi Việt Nam đệ đơn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 1995, WTO cho rằng pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta không tương thích với hiệp định quan trọng nhất về sở hữu trí tuệ của tổ chức này-TRIPs; không thoả đáng, không hiệu quả[15]. Vào thời điểm trước khi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành, các quy phạm pháp luật sở hưũ trí tuệ của Việt Nam được WTO đánh giá là khá đầy đủ và căn bản là phù hợp với Hiệp định TRIPs. Tuy nhiên, các quy phạm này được sắp xếp không hợp lí, quá nhiều quy phạm được quy định ở các văn bản dưới luật, do đó, làm giảm hiệu lực của toàn bộ hệ thống, đồng thời gây khó khăn cho việc thực thi. Luật sở hữu trí tuệ ra đời đã khắc phục được hầu hết những bất cập của những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ trước đây, đó là: quy định tản mạn, chưa có tính hệ thống, tính thống nhất (ví dụ: quy định thực thi quyền tác giả, quy định đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp…); quy định chưa rõ ràng (ví dụ: quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…); nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh (ví dụ: quy định xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan hải quan, quy định chứng cứ, giám định, nguyên đơn khi giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng, quy định về bồi thường thiệt hại khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm…); nhiều quy định không tương thích với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Luật sở hữu trí tuệ được ban hành làm cho hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hoàn toàn tương thích với những yêu cầu của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (tức là tuân thủ các quy định mang tính nguyên tắc trong các điều ước quốc tế về đối tượng bảo hộ, điều kiên bảo hộ, thủ tục xác lập quyền, các quy định thực thi…) và thích hợp với định hướng phát triển của pháp luật sở hữu trí tuệ thế giới cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam[16]. Để đạt được những thành công này, có sự hỗ trợ tích cực của Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ. Ứng dụng Luật so sánh thực sự đã đem lại cho chúng ta những giải pháp hiệu quả trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ. Với sự hỗ trợ của Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ, pháp luật sở hữu sở hữu trí tuệ của nước ta trở nên hoàn thiện hơn, xích lại gần với các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, còn một số quy định trong Luật sở hữu trí tuệ không hoàn toàn giống với quy định của nhiều nước trên thế giới (ví dụ: quy định về điều kiện được công nhận là nhãn hiệu hàng hoá, quy định điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng hàng dệt…). Điều này cũng được được giải thích dễ dàng từ góc độ Luật so sánh, đó là những khác biệt văn hoá, kinh tế, xã hội của nước ta so với các nước khác. Kết quả ứng dụng Luật so sánh trong xây dựng Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 cho thấy vai trò quan trọng của Luật so sánh trong hoạt động xây dựng và đổi mới pháp luật. Để hoạt động ứng dụng này đạt kết quả cao, cần phải nâng cao hiểu biết về Luật so sánh cho các chủ thể tham gia vào hoạt động lập pháp, có như vậy họ mới thực sự ứng dụng Luật so sánh chứ không chỉ đơn thuần là so sánh luật./. [1] Xem: Michael Bogdan, “Comparative Law”, Klwer Norstedts Juridik Tana, (1996), trang 28-38; và Peter de Cruz, “Comparative Law in a changing world”, 2nd edition, Cavendish Publishing Limited, (1999), ISBN 1 85941 432 X, trang 18. [2] Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 19/11/2005, bao gồm 6 phần, 18 chương, 222 điều. [3] Mặc dù nền tảng của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 là Bộ luật dân sự năm 2005, trong Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại phần thứ 6; hơn nữa, Luật so sánh cũng đã được ứng dụng khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 2005 nói chung, phần thứ 6 của Bộ luật nói riêng. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung bàn về ứng dựng của Luật so sánh trong quá trình xây dựng Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. SOURCE: TÁC GIẢ GỬI (NGUỒN ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ… SỐ PHÁT HÀNH CHƯA XÁC ĐỊNH) [4] Xem Michael Bogdan, Peter de Cruz (footnote 1); và Djalil I.Kiekbaev, “Comparative Law: Method, Science or Education Discipline”, http:// www.ejcl.org/73/art73-2.html#N_1; C.J.P van Laer, “The Applicability of comparative concepts”, http:// www.ejcl. org/ejcl/22/art22-1.html. [5] Xem: Kamil Idris, “Sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế”, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, trang 54. [6] Pháp luật sở hữu trí tuệ được biết đến với vai trò truyền thống là: bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể sáng tạo, sự công bằng cho tác giả, chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ; khuyến khích sự sáng tạo của cá nhân, tổ chức trong xã hội, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của mỗi cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội; bảo đảm sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn những thành quả nghiên cứu sáng tạo trong các lĩnh vực, các mặt khác nhau của đời sống kinh tế-xã hội; ngăn chặn và hạn chế sự vi phạm đối với các chủ thể có quyền với những đối tượng này. [7] Xem: T.S Vũ Mạnh Chu, “Luật sở hữu trí tuệ-Sản phẩm của trí tuệ”, http:// www.cov.org.vn. [8] Xem: http:// www.wptn.com (9/2006). [9] Xem thêm: Michael Bogdan (footnote 1), trang 28-31. [10] Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ đầu tiên là Công ước Berne, năm 1883, về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. [11] Để tiến hành những nghiên cứu so sánh luật, chủ thể tiến hành phải áp dụng những phương pháp so sánh nhất định (the comparative law method). Cho đến nay, có nhiều phương pháp được áp dụng trong hoạt động so sánh luật. Theo Tiến sĩ Peter de Cruz, các phương pháp cơ bản là: So sánh vĩ mô và so sánh vi mô (Macro comparison and micro comparison); Kiểm tra chức năng (The test of functionality); Phương pháp ba giai đoạn (The three-stage approach); Phương pháp Blueprint (The method of comparison: Blueprint). Còn theo giáo sư Morissette và giáo sư Garry Bell (Canada), các phương pháp cơ bản là: Phân loại và mô tả một cách khách quan; Phân tích và đánh giá hệ thống pháp luật trên cơ sở đối chiếu với một hệ thống pháp luật khác; Phân tích, đánh giá các quy định và các chế định pháp luật khác nhau từ các giác độ về phương pháp luận và tư tưởng. Việc lựa chọn phương pháp so sánh cụ thể nào tuỳ thuộc vào đối tượng so sánh và mục đích của nghiên cứu so sánh. [12] Bộ luật dân sự năm 1995 và Nghị định 76/CP, ngày 29/11/1996 của Chính Phủ về hướng dẫn một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự năm 1995. [13] Tức là, trong trường hợp này, thuật ngữ không trùng với Công ước Berne và pháp luật hầu hết các nước nhưng quy định pháp luật về quyền tác giả lại hoàn toàn phù hợp. [14] Xem footnote 12. [15]Xem: “Accession to the WTO and the intellectual property system in Vietnam”, http://siteresources. worldbank.org/INTRANETTRADE/Resources/WBIR-Training/vietIPR_hai.pdf. (9/2006). [16] Xem: “Vietnam’s Intellectual Property Law 2005”, 22nd APEC Intellectual Property Experts’ Group Meeting, Hanoi, Vietnam 21-22 February 2006, http:// www.apec.org (9/2006); và http:// www.iipa.com/rbc/2006/2006SFEC301VIETNAM.pdf (9/2006).
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan