Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Luyện thi - Đề thi Thi THPT Quốc Gia Môn văn Tuyển chọn 20 đề văn nghị luận xã hội về triết lý cuộc sống hay...

Tài liệu Tuyển chọn 20 đề văn nghị luận xã hội về triết lý cuộc sống hay

.DOC
72
3512
149

Mô tả:

Tuyển chọn 20 đề văn nghị luận xã hội về triết lý cuộc sống hay
ĐỀ 1: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” I. DÀN Ý: 1. Mở bài: - Giới thiệu được về triết lý sống của bản thân (Ở đây là mối quan hệ giữa tình yêu thương và cuộc đời). - Có thể nói khái quát về triết lý đang đề cập. 2. Thân bài: a) Giải thích: - Triết lý sống là gì? - Điều cần thiết phải có triết lý sống cho bản thân. b) Bàn luận : - Tại sao chọn triết lý ấy? - Tầm quan trọng của cuộc sống và ý nghĩa của nó đối với mỗi người. - Cách sống sao cho không phải lãng phí cuộc đời - món quà mà tạo hóa đã ban tặng. - Giá trị nhận được của cuộc sống với bản thân ta. - Tình yêu thương - thái độ ứng xử cần thiết trong cuộc đời. - Ý nghĩa của sự thương yêu. - Mối quan hệ của nó với cuộc sống mỗi người. - Yêu thương là điều đáng quý, nhưng cần phải biết giới hạn của nó. c) Bài học nhận thức: Hãy biết gìn giữ, quý trọng cuộc đời và nâng niu nó bằng sự yêu thương. 3. Kết bài : - Khái quát ý nghĩa triết lý sống của bản thân. - Rút ra bài học liên hệ hành động. II. BÀI LÀM : Bạn đã từng bất chợt nhận ra mình cần phải có một triết lý sống phù hợp cho riêng bản thân? Tựa hồ như một chàng vệ sĩ vô hình, triết lý sống sẽ nâng bước cho ta trên mọi nẻo đường đến với cái đích thành công. Con đường không trải đầy hoa hồng - nhưng nó sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu triết lý ta chọn là đúng đắn. Tôi chọn hai câu thơ của nhà nghệ sĩ Ấn Độ Kahli Gibran đã từng được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch ra tiếng Việt: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Ta có thêm ngày nữa để yêu thương” (Nhà tiên tri) 1 Tôi đã tìm kiếm rất lâu để chọn cho mình một triết lý sống vì tôi biết ý nghĩa quan trọng và sự cần thiết của nó. Triết lý sống là những quan điểm, quan niệm của con người về những sự việc diễn ra trong cuộc sống. Nó đồng thời thể hiện một cái nhìn, một cách cảm nhận và đánh giá riêng của bản thân mỗi người. Điđơ-rốt đã từng quan niệm: “Anh hãy chọn lấy một mục đích, nó có thể là mục đích duy nhất của đời anh”. Triết lý sống sẽ là kim chỉ nam, là cái sẽ định hướng cho ta thêm tin tưởng giữa cuộc đời này. Lựa chọn cho mình một ý niệm sống đúng đắn là điều kiện cần để có thể vững bước trên con đường đã chọn. Khoảnh khắc mà tôi biết được câu thơ, tôi đã nhận thấy nó chính là một triết lý sống không thể khác của đời mình. Tình yêu thương, ý nghĩa cuộc sống những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại thật khó để nắm bắt. Hiểu được điều đó, con người mới biết quý trọng cuộc đời mình hơn. Thêm yêu thương là thêm sự sống trên hành tinh này. Cũng như những giọt sương long lanh sớm mai còn vương trên lá - tinh khôi và thanh khiết - đó chính là thứ tình cảm gốc rễ sẽ bám sâu và dần nảy nở thêm, làm lay động lòng người. Cuộc sống của bản thân mỗi con người là điều quý giá, thiêng liêng nhất mà tạo hóa đã ban tặng. Mỗi một ngày bạn còn được cảm nhận vẻ đẹp của bình minh đang đến, hãy thầm cảm ơn cuộc đời vì vẫn cho ta tồn tại trên cõi đời này. Sẽ như thế nào nếu một ngày kia bạn không còn được sống? Không thể có được cảm giác, xúc cảm mỗi ngày? Chính vì vậy, dù khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, thấy không còn ý nghĩa để tồn tại thì cũng đừng bỏ cuộc, hãy luôn nghĩ tới một cuộc đời đầy quý giá mà ta đang có. Nó đang trải rộng ra và chờ đợi mỗi người khám phá. Tôi tin chắc rằng, ai trong chúng ta cũng đã có lúc tự hỏi: Mình là ai? Tại sao mình lại tồn tại? Sao cuộc sống cứ lại trôi đi như thế này? Cuộc đời để cho ta được sống chính là để làm những điều có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà cho cả xã hội. Đừng để cuộc sống mỗi ngày trôi qua một cách vô nghĩa. Hãy biết chấp nhận nó và biến nó trở nên tốt đẹp hơn. Ngạn ngữ Latin có câu rất hay: “Đừng sống theo điều ta mong muốn, hãy sống theo điều ta có thể”. Cố gắng sống với tất cả bản thân mình, sống trọn cuộc đời theo cách ý nghĩa nhất. Đó chính là giá trị đích thực, ý nghĩa lớn lao của cuộc đời mà ta đang có. Bailey đã từng chiêm nghiệm rất đúng: “Điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào”. Cái mà người ta sẽ nhớ ở bạn chính là cách bạn đã sống và những điều bạn để lại được cho đời. Cuộc đời đã mang đến cho con người những thất bại để có thể tự hoàn thiện mình hơn. Sau những lần vấp ngã, ta mới có khả năng đứng dậy một cách mạnh mẽ. Thất bại đem lại kinh nghiệm quý giá cho bản thân mỗi người. Vì “bị đánh bại chỉ là tình trạng nhất thời, bỏ cuộc mới là sự thất bại vĩnh viễn” nên điều thiết yếu là mỗi người cần có thái độ đúng đắn khi gặp phải thất bại. Cũng như Người Mẹ đầy yêu thương, cuộc sống cũng đồng thời tạo ra thành công để ta vững tin bước tiếp. Như vậy mới thực sự là một cuộc sống đủ đầy, như 2 Nguyễn Khải đã nói: “Đã gọi là một cuộc đời thì không chỉ có vui mà còn có buồn, thường là buồn nhiều hơn. Vì không chỉ có đúng mà còn có lầm lẫn, thường lầm lẫn nhiều hơn. Vì không chỉ có thành công mà còn có thất bại, thường là bại nhiều hơn,…Có những kiếp người một đời đau buồn, lầm lẫn, thất bại,…” Cuộc đời này gieo vào lòng mỗi người hạt giống niềm tin yêu, hy vọng để tạo thêm sự hứng khởi hàng ngày; đem lại bao xúc cảm tưởng chừng ban sơ mà vĩ đại;…Tôi đã từng ngắm biết bao lần cũng để chỉ cùng tận hưởng một cảm giác thân thương: được biển bao la ôm chặt, vỗ về, làm cho ta cảm thấy bình yên. Đó chẳng phải là điều tuyệt vời mà cuộc sống ưu ái ban tặng cho con người? Tất cả chỉ có thể tìm thấy được ở cuộc đời - cuộc đời đầy ắp và trọn vẹn trong chính mỗi chúng ta. Không những thế, điều mà mỗi người cần biết để đối xử với nhau chính là tình yêu thương. Tình yêu là tình cảm lớn lao nhất, nó vượt qua mọi giới hạn của không gian, thời gian và làm cho “người gần người hơn”. Yêu thương sẽ tạo nên hạnh phúc, và từ đó, các mối quan hệ sẽ xích lại gần với nhau hơn. Hạnh phúc cũng như lâu đài trong câu chuyện cổ tích - nơi có con rồng canh giữ - cần phải biết dùng yêu thương để vượt qua và tới cánh cổng lâu đài. Con người sống không thể thiếu tình yêu thương - tình yêu thương giữa con người với con người cũng như với cuộc sống xung quanh có thể được xây dựng và tạo nên ngay từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất. Yêu người khác nghĩa là bạn muốn điều tốt cho họ. Yêu là biết lắng nghe; yêu là chia sẻ. Quả đúng như Gottfried Wilhelm Leibniz đã nói: “Yêu là khi thấy sung sướng trước hạnh phúc của người khác. Vì vậy thói quen yêu một ai đó không là gì khác hơn ngoài lòng nhân hậu khiến chúng ta muốn điều tốt đẹp đến với người khác không vì lợi ích ta đạt được mà vì điều đó khiến ta thấy dễ chịu”. Tình yêu là giá trị làm cho mối quan hệ giữa chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Tình yêu thương giúp cho cuộc sống ấm áp; giúp con người thêm yêu cuộc sống. Dành cho nhau sự yêu thương cũng là cách giúp cho ta vượt qua mọi rào cản, khó khăn trong cuộc sống. Đó chính là điều mà sẽ đem đến cho cuộc đời này nhiều sự tốt đẹp. Lep Tonstoy viết: “Luật của cuộc sống ở trong sự tử tế của tâm hồn chúng ta. Nếu con tim của chúng ta trống rỗng thì không có luật nào hay tổ chức nào có thể lấp đầy”. Thương yêu chính là cái đại diện cho tất cả luật ấy. Tôi không muốn nói nhiều tới căn bênh vô cảm - bênh đạo đức quen thuộc đang ngày càng làm nhức nhối xã hội, mà chỉ đề cập đến cách tăng thêm sự yêu thương thực sự. Tôi nhớ mãi câu nói của Elbert Hubbard: “Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất mà chúng ta giữ được”. Chính vì vậy, “để yêu thương” cũng chính là mục đích mà con người tồn tại, có yêu thương sẽ làm nên tất cả vì “nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương”. Phải luôn nhắn nhủ với bản thân cảm ơn cuộc đời đã cho ta được sống, được tồn tại và cũng là để làm điều tuyệt vời và kì diệu nhất - sống để yêu thương. Biết yêu và được yêu là cách mà ta biết mình còn tồn tại. 3 Mỗi ngày còn được sống thì hãy biết gìn giữ, quý trọng cuộc đời và nâng niu nó bằng sự yêu thương. Tuy nhiên, yêu thương không phải lúc nào cũng là cách đối xử đúng đắn trong mọi trường hợp, nhất là với những cái xấu đã thành bản chất. Nói như vậy có nghĩa là cần phải biết đặt niềm tin yêu của mình đúng nơi, đúng chỗ để tình yêu thương có thể nảy nở và nhân rộng ra hơn. Ai đó đã từng bị cuốn vào vòng xoáy của thời gian, của công việc mà quên đi những giá trị bền vững vẫn luôn tồn tại xung quanh ta. Chính tình yêu thương giữa cuộc đời đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa. Và quan trọng hơn, hãy luôn dùng tình yêu thương để tồn tại vì “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, dù chỉ là “để gió cuốn đi”. Điều quan trong là mỗi người hãy biết xem cuộc sống của mình như một món quà mà tình yêu thương là chìa khóa mở ra hộp quà ấy. Các bạn như tôi, hãy luôn thầm nghĩ: “Cảm ơn cuộc đời!” VÕ QUỐC BẢO ĐỀ 2: “Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá”. I. DÀN Ý 1. Mở bài: Giới thiệu câu nói của bản thân:“Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá”. 2. Thân bài: a) Giải thích: - Triết lí sống là gì? (Là những điều được rút ra bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, như một tín điều, làm kim chỉ nam cho cách xử thế, hoạt động hay lối sống của một cá nhân hay cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày của họ). - Về triết lí sống của bản thân? Cuộc sống được ví như một cuộc hành trình, không phải là một cuộc chạy đua để phân ra kẻ thắng người thua. Bạn có mặt trên cõi đời này, ở trong cuộc sống này chính là bạn đang trên một cuộc hành trình với những khám phá xung quanh đầy mới lạ và hấp dẫn. Bạn không cần phải dồn hết sức để chạy như trong một cuộc chạy đua. b) Bàn luận: 4 - Câu nói muốn cho ta một ý niệm như vậy: đừng đi qua cuộc sống quá nhanh, đến nỗi chúng ta có thể quên mất rằng chúng ta đang ở đâu, làm gì và để cho mục tiêu chúng ta đề ra ngay từ đầu mờ nhạt dần . - Trong hành trình cuộc sống, thật sự có rất nhiều điều, nhiều thứ đang chờ đón chúng ta khám phá và tận hưởng. Đừng biến mình trở thành một con thiêu thân lao vào lửa để rồi bạn lại tự hại chính mình. - Tuy nhiên, nói như vậy không phải là tôi muốn bạn trở nên lạc hậu. Bạn hãy biết cách cân bằng và chọn lọc nhiều: dừng đúng chỗ, đi đúng lúc, chạy đúng thời điểm. - Dẫn chứng: Mẹ Theresa thành Caculta. - Mở rộng: + Tại sao tôi lại chọn triết lí ấy? Nó có ý nghĩa gì trong cuộc sống của tôi? Qua triết lí ấy, tôi mới có thể suy nghĩ và hành động một cách chân thực, đúng đắn và có mục tiêu. + Hiện nay xã hội chia ra làm hai loại người: một là cứ lao và chạy trong cái vòng xoáy của cuộc sống như một cái máy được lập trình sẵn và hai là biết làm chậm bước lại để hưởng thụ và khám phá mọi thứ cách chọn lọc, rõ ràng và sắc nét nhưng số đó lại quá ít. c) Bài học nhận thức: Đừng quá chạy đua với đời, với người, cần chậm rãi nhưng không từ từ, hãy biết nhìn nhận mọi thứ xung quanh một cách sâu sắc hơn. 3. Kết bài: Kết luận lại vấn đề nêu lên trong triết lí sống. II. BÀI LÀM: Đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình không còn tồn tại trong thế giới xinh đẹp này nữa, dù bạn không biết “thế giới bên kia” sẽ như thế nào, nhưng chí ít bạn sẽ hiểu ra được một cái gì đó gọi là định nghĩa về cuộc sống: cuộc sống là gì?, nó như thế nào?, nó đẹp - xấu ra sao?,…Việc bạn đang sống trên cõi đời này không đơn thuần chỉ là việc tồn tại cho đến hết nhưng là một cuộc hành trình mà tạo hóa đã ban tặng cho bạn và bạn phải nhìn nhận nó một cách đúng đắn bằng cách tự rút ra triết lí cho bản thân và nó phải trở thành một sự hướng dẫn cho chính bạn trên đời. “Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá”. Trước hết, về triết lí sống, nó là những điều được rút ra bởi trải nghiệm, như một quan niệm nền tảng, như một tín điều, làm kim chỉ nam cho cách xử thế, hoạt động hay lối sống của một cá nhân hay cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày của họ. Triết lí sống thực sự là một kho tàng văn hóa sống của cá nhân hay cộng đồng. Trên thế giới, hầu như mọi người ai cũng có một triết lí rút ra từ cuộc sống của riêng mình. Riêng với tôi, tôi cho rằng: “Cuộc sống không phải là một cuộc 5 chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá”. Đó cũng chính là triết lí sống mà tôi đã tìm thấy dù tuổi đời còn khá trẻ. Cuộc sống được ví như một cuộc hành trình, không phải là một cuộc chạy đua để phân ra kẻ thắng người thua. Bạn có mặt trên cõi đời này, ở trong cuộc sống này chính là bạn đang trên một cuộc hành trình với những khám phá xung quanh đầy mới lạ và hấp dẫn. Bạn không cần phải dồn hết sức để chạy như trong một cuộc chạy đua. Đừng đi qua thời gian mà không để lại dấu vết - Câu nói muốn cho ta một ý niệm như vậy, đừng đi qua cuộc sống quá nhanh, đến nỗi chúng ta có thể quên mất rằng chúng ta đang ở đâu, làm gì và để cho mục tiêu chúng ta đề ra ngay từ đầu mờ nhạt dần. Trong hành trình cuộc sống, thật sự có rất nhiều điều, nhiều thứ đang chờ đón chúng ta khám phá và tận hưởng. Từ những con chim, cành hoa, chiếc lá đến những kì quan thiên nhiên vĩ đại mà Tạo hóa đã ban tặng đã và đang hiện hữu trước mắt như mời mọc, rủ rê bạn đến khám phá nó. Vậy thì việc bạn cứ cố chạy đua với thời gian, với mọi thứ không đáng để chính bạn phải lo toan để làm gì? Có ích gì chăng khi mà chúng ta, mỗi người, không tự mình chậm bước, nhìn ngắm, nghĩ ngợi và suy ngẫm về chính mình, về những điều xung quanh mình, về cuộc sống, bản thân, gia đình, xã hội: mình là ai?, đang ở đâu?, làm gì?, như thế nào?, tại sao lại như vậy?, mình cần phải làm gì và nên làm những gì?,…. Một khi bạn biết bước đi chậm mà đáng lẽ theo bản năng là phải chạy thì bạn đã trưởng thành và biết suy nghĩ hơn rồi đấy. Đừng biến mình trở thành một con thiêu thân lao vào lửa để rồi bạn lại tự hại chính mình. Tuy nhiên, nói như vậy không phải là tôi muốn bạn cứ như một chú rùa, bò chậm chạp để tận hưởng cuộc sống cho rõ ràng, mọi thứ đều phải biết, cứ chui rúc trong cái mai của mình mà quên nhìn ra ngoài, nhìn ra xung quanh, nhìn ra xã hội đang dần phát triển, nhịp sống ngày càng tăng lên, đến khi nhìn lại chính mình thì tự thấy mình đang tụt hậu. Do vậy, bạn hãy biết cách cân bằng và chọn lọc nhiều: dừng đúng chỗ, đi đúng lúc, chạy đúng thời điểm. Mẹ Theresa – thành Caculta, người dành cả đời cho công việc từ thiện đã nói nhiều về cuộc sống: “Cuộc sống chính là điều may mắn – hãy đón nhận Cuộc sống chính là niềm hạnh phúc – hãy tận hưởng Cuộc sống chính là một bản nhạc – hãy ca vang Cuộc sống còn có nghĩa là một sự mạo hiểm – hãy can đảm lên Cuộc sống còn là một giấc mơ – hãy biến giấc mơ thành hiện thực”. … Tại sao tôi là chọn triết lí ấy? Chỉ cần đọc lướt qua, nó như khoác lên một ý nghĩa giản đơn là một lời khuyên, lời nhắc nhở mỗi người: sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn. Và việc chọn nó làm triết lí sống, tôi tin đây là một sự lựa chọn đúng đắn khi tôi đang sống trong một xã hội tấp nập này. Và bởi 6 vì qua triết lí ấy, tôi mới có thể suy nghĩ và hành động một cách chân thực, đúng đắn và có mục tiêu. Xã hội càng hiện đại thì con người càng tiên tiến hơn trước. Đó cũng là một quy luật tất yếu trong lịch sử xã hội loài người. Xã hội hiện đại thì càng phải phát triển hơn nữa. Điều đó làm mọi thứ thay đổi nhanh chóng và ngay chính chúng ta cũng nhanh chóng thay đổi để bắt kịp thời đại. Ta cứ thế mà “chạy” không mệt, bỏ qua nhiều giá trị thân thuộc xung quanh, cứ mãi hướng về phía trước, mà không kịp nhìn xung quanh có biết bao điều đẹp đẽ, thú vị. Có lẽ các bạn và ngay cả chính tôi cũng đã từng ít nhất một lần vấp phải tình cảnh đó. Vì hoàn cảnh, vì một lí do nào đó mà tôi đã mải miết chạy, cũng chỉ để đạt được một thứ hư ảo, xa vời. Để rồi bây giờ khi nhìn lại thì tôi mới vỡ lẽ rằng còn có nhiều thứ cần được tôi biết đến hơn, tôi đã bỏ quên những điều quan trọng với mình, để chúng mãi mãi tan biến. Tuy nhiên, khi nhìn lại câu triết lí của chính mình, tôi chợt bừng tỉnh và điều chỉnh hành vi mình lại. Thật vậy, có đôi khi các bạn cũng thờ ơ, quên mất mình là ai?, mình đang ở đâu?, làm gì và như thế nào?,…nhưng nếu biết dừng lại thì sẽ không có gì là quá muộn. Theo một góc nhìn khác, trong cái xã hội xô bồ và bộn bề này, vẫn có những người biết làm chủ được những hành vi của họ. Ngay từ đầu, họ đã ý thức được bản thân, mục đích của mình. Và họ đã sống một cách trọn vẹn với những điều, những thứ mà họ hiểu và trân trọng nó. Điều đó thật đáng quý! Tuy vậy, những người như thế hầu như chỉ chiếm một ít phần trăm trong số hàng vạn người, cũng bởi vì chúng ta đều công nhận rằng: là con người thì không ai hoàn hảo cả. “Nếu như bạn có đang lỡ bước quá nhanh, quá mau trên đường đời, hãy nhìn lại câu nói này. Và nếu như bạn có đang cố gắng chạy đua với đời, hãy giảm dần tốc độ những bước chạy của bạn vì bây giờ vẫn chưa muộn”. Triết lí sống ấy đã mang đến cho chính bản thân tôi một ý nghĩa về cuộc đời: đừng quá chạy đua với đời, với người, cần chậm rãi nhưng không từ từ, hãy biết nhìn nhận mọi thứ xung quanh một cách sâu sắc hơn. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ nếu vui hưởng của sống, hưởng thụ nó cách an nhàn thì bạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong cái xô bồ của xã hội này. Nhưng tôi dám khẳng định rằng: không phải thế vì “những người vui hưởng cuộc sống thì không bao giờ là kẻ thất bại”. NGUYỄN HOÀNG THIÊN DUYÊN 7 ĐỀ 3: “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể” (Ngạn ngữ). I. DÀN Ý: 1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề, dẫn dắt đến câu ngạn ngữ. 2. Thân bài: a) Giải thích : - “Điều ta ước muốn” là những ước mơ, khát vọng của chúng ta, đôi khi viển vông, xa vời. - “Điều ta có thể” là những điều nằm trong khả năng, ta có thể thực hiện được. - Câu ngạn ngữ nhắc nhở ta hãy sống và làm theo những gì bản thân có thể làm được, trong tầm giới hạn của ta. b)Bàn luận : - Ước muốn vượt quá khả năng của con người thì sẽ dẫn chúng ta đến những nỗi bất hạnh (dẫn chứng). - Vì vậy, hãy sống theo điều có thể, tìm kiếm những hạnh phúc trong tầm tay mới thực sự là cách lựa chọn đúng đắn. Hãy nhớ rằng cuộc sống không thuộc về những ước muốn viển vông mà thuộc về những ước mơ có thể thực hiện (dẫn chứng). - Thế nhưng, nếu con người chỉ biết bằng lòng với thực tại, cho rằng cuộc sống như thế là đủ mà đánh mất ước mơ, đánh mất hoài bão thì cuộc sống sẽ vô vị biết nhường nào! - Mơ ước, khát vọng của cá nhân còn là một động lực để phát triển và sáng tạo. Những ước muốn là mục đích và cũng là động lực cho sự phát triển của cuộc sống. Nếu luôn luôn vừa lòng, luôn luôn thỏa mãn, con người sẽ không tìm thấy mục đích để hướng tới và cũng không thể có được một sinh lực sống dồi dào (dẫn chứng). c) Bài học nhận thức: hãy học tập không ngừng, hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng trong cuộc đời bạn. 3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề: Cần phải có một quan niệm, thái độ sống phù hợp cho từng cá nhân, từng hoàn cảnh.Điều quan trọng nhất nơi mỗi con người là phải tự hiểu mình, tự lượng sức mình để có một cách sống, một mục tiêu cho phù hợp với từng cá nhân và cả cộng đồng. II. BÀI LÀM: Con người sinh ra không ai giống nhau, không ai hoàn hảo. Ai cũng có khát khao, ước mơ và nỗ lực của riêng mình. Nhưng trong cuộc sống không phải 8 bất cứ ai cũng tìm được đích đến thực sự. Bởi lẽ từ khát vọng tới thực tế, từ ước mơ tới đời thực là cả một quãng đường dài, khó khăn mà không phải ai cũng đủ sức vượt qua. Để mở được cánh cửa của tương lai thì cách sống đúng đắn của mỗi người trong từng điều kiện khác nhau chính là chìa khóa vàng duy nhất. Hay nói cách khác đó là sự dung hòa giữa ước mơ và khả năng của mỗi người. Bàn về vấn đề này, ngạn ngữ có câu :“Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”. Câu nói là lời khuyên đầy kinh nghiệm về một cách sống đúng đắn trong cuộc đời. Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng sống trong những giấc mơ, ấp ủ những hi vọng cho bản thân. Đó là những giấc mơ tuyêêt đẹp và có thể đã theo ta từ những ngày còn thơ bé. Thế nhưng, đôi khi đối lâêp với ước mơ chính là điều mà ta "có thể" làm được. Những điều ấy là những gì trong khả năng của ta, không xa rời tầm với như đôi khi những giấc mơ có khi là viễn vông. Con người ta ai cũng tồn tại trong bản thân mình phần "ước muốn" và phần "có thể". Không ai dạy ta chỉ được quyền sống với "ước muốn" hay chỉ được sống với điều "có thể". Và câu ngạn ngữ nhắc nhở ta hãy sống và làm theo những gì bản thân có thể làm được, trong tầm giới hạn của ta. Chúng ta, những con người đã và đang sống trong thế giới của một nền văn minh đã đạt đến đỉnh cao, tất nhiên ai cũng thừa hiểu những “viên ngọc ước” trong thế giới cổ tích mãi mãi chỉ có thể làm được những điều kì diệu trong những câu chuyện mà thôi và tất nhiên cũng sẽ không có bà tiên hay ông bụt nào xuất hiện mỗi khi ta gặp khó khăn để có thể giúp đỡ ta. Thật vậy, chẳng có ai đánh thuế được ước mơ cả. Vậy thì tại sao ta lại không dám mơ ước. Một con người sống mà không có mơ ước thì họ cũng như cái xác không hồn mà thôi, đó chỉ là “tồn tại” chứ không phải sống theo đúng cái nghĩa của nó. Mỗi con người tự mình tìm đến những ước mơ thì cũng phải tự mình biến nó thành hiện thực. Chính vì vậy, những ước muốn vượt quá khả năng của con người sẽ dẫn con người ta đến một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người, nỗi bất hạnh bởi sự tuyệt vọng, sự hụt hẫng vì không thực hiện được những điều mình muốn. Có thể sẽ có người phản bác quan điểm trên bằng sự nhiệt huyết và lòng quyết tâm. Đúng, lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm là hai yếu tố không thể thiếu trên con đường tìm đến ước mơ nhưng chỉ bấy nhiêu thôi thì chưa đủ.Thử hỏi nếu bạn mơ ước mình đạt học sinh giỏi mà lúc nào cũng chơi bời thì những điểm tốt có thể từ trên trời rơi xuống hay sao? Hay bạn mơ ước trở thành một ca sĩ nổi tiếng, được mọi người quan tâm, biết đến nhưng lại có một chất giọng không mấy thiện cảm thì bạn sẽ quyết tâm thế nào đây? Vâng, những giấc mơ luôn tồn tại trong miền ký ức của ta. Nó thôi thúc ta tiến về phía trước. Thế nhưng, chúng đôi khi là quá xa vời, mỏng manh, dễ vỡ như những quả cầu pha lê cất giữ trong tủ kính mà ta chỉ có thể ngắm chứ không thể sờ đến. Vậy thì tại sao ta lại không tìm đến những hạt pha lê có thể bé bỏng hơn nhưng chúng luôn ngự trị trong lòng bàn tay ta - đó là điều ta làm 9 được. Hãy sống theo điều có thể, tìm kiếm những hạnh phúc trong tầm tay mới thực sự là cách lựa chọn đúng đắn. Bác bỏ một cách sống không phù hợp, đó cũng là bước khởi đầu để tạo nên tính đúng đắn, tính thuyết phục cho việc sự lựa chọn một cách sống mới:“Sống theo điều ta có thể”. Thật vậy, mỗi người sinh ra là một cá thể khác nhau, không ai giống ai. Tài năng của mỗi người cũng thế. Mỗi người có một ưu điểm và chính nó đã làm nên cái riêng của bạn trong cuộc sống này. Thế thì tại sao ta phaỉ chăm chăm nhìn con đường mà người khác đã và đang đi qua, tại sao lại không sống cho bản thân mình. Hãy tự khám phá bản thân, tìm ra những điều kì diệu ẩn chứa trong mỗi người. Hãy tìm ra con đường đúng đắn cho mình. Hãy làm những điều mình có thể làm chứ đừng bước đi trên con đường của người khác. Hãy nhớ rằng cuộc sống không thuộc về những ước muốn viển vông mà thuộc về những ước mơ có thể thực hiện. Bởi hạnh phúc thực sự không nằm ở nơi nào cao xa mà nằm ngay trong thực tế, trong những điều mình đang có hoặc sẽ có trong tầm tay. Thực tiễn trong cuộc sống ta chứng minh điều đó. Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện có nhan đề “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ” – câu chuyện về một cậu bé bị liệt hai chân. Thế nhưng, tình yêu của cậu dành trọn cho các vận động viên điền kinh, ánh mắt cậu luôn sáng rực khi nhìn về phía sân vận động. Ước mơ trở thành một vận động viên điền kinh của cậu không thể nào thực hiện được vì đôi chân tật nguyền. Chính cậu cũng hiểu rõ điều đó. Nhưng có ai ngờ đâu mười năm sau, cậu đã đặt được đôi chân của mình xuống mặt đất với tư cách là một huấn luận viên điền kinh. Thật đáng khâm phục biết bao. Dù không đạt được ước mơ nhưng cậu đã có thể tự mình chạm được đến một phần của nó. Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng mơ ước được bay vào vũ trụ, được đặt chân lên các vì sao, được khám phá mặt trăng, được trở thành những người nổi tiếng như Barack Obama, Bill Gates…hay những vĩ nhân như Mozart, Bethoven… Và nếu biết rằng những giấc mơ ấy rất xa vời thì tạo sao lại không làm thật tốt những điều ta có thể làm được? Tại sao lại không xây dựng ước mơ từ những viên gạch ta có trong tay mà phải vay mượn từ người khác? Hãy là chính mình, hãy vươn tới chạm đến những ngôi sao sáng trên bầu trời cao với những gì mà ta có thể làm tốt. Thế nhưng, nếu con người chỉ biết bằng lòng với thực tại , cho rằng cuộc sống như thế là đủ mà đánh mất ước mơ, đánh mất hoài bão thì cuộc sống sẽ vô vị biết nhường nào! Dù biết rằng ước mơ đôi khi chỉ là mơ ước nhưng chính nó sẽ là động lực để ta có thể vững bước trên con đường đời đầy chông gai này. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy chán chường thì bạn hãy bình tâm, hãy đặt gánh nặng xuống, hãy ngoảnh đầu lại, nhìn về những ước mơ mà ta đã từng mơ để từ đó có thêm nghị lực, thêm hi vọng mà bước tiếp. Giấc mơ đâu chỉ là giấc mơ! Vì nếu nó chỉ sống trong ta những môêt ước muốn thì có lẽ Bác Hồ cũng đã như người anh em của mình - Bác Lê, chấp nhâên cuôêc sống quê hương mà 10 không bôn tẩu bao phương tìm đường cứu nước. Nếu chỉ an phận với cuộc sống của một bệnh nhân ung thư thì làm sao Lê Thị Thúy có thể làm nên điều kì diệu “Ước mơ của Thúy” được. Hay nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Elizabeth Taylor đã từng nghiện rượu và ma túy nhưng do biết khai thác nghị lực nên đã thoát khỏi cơn ghiền. Ngoài ra, những ước muốn còn là mục đích và cũng là động lực cho sự phát triển của cuộc sống. Nếu luôn luôn vừa lòng, luôn luôn thỏa mãn, con người sẽ không tìm thấy mục đích để hướng tới và cũng không thể có được một sinh lực sống dồi dào. Có thể giấc mơ chỉ là những điều ta muốn nhưng hãy để ước muốn ấy làm nên một bức tranh đẹp, bức tranh của lý tưởng đời ta. Thật vậy, cuộc sống được tạo nên từ những mảnh ghép đa sắc màu. Có những mảnh ghép ta có thể nắm trong tay nhưng cũng có những mảnh ghép mà cả đời ta cũng chỉ có thể ngắm nhìn mà thôi, sẽ chẳng bao giờ chạm tay vào được. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ta hãy nhớ rằng ta nên sống theo điều ta có thể, và ta cũng nên để điều có thể ấy song song với con đường của ước mơ. Vì chỉ có mình ta mới biết ta cần gì và nên làm gì. Mỗi ngày là một trang sách mới, hãy học tập không ngừng, hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng trong cuộc đời bạn. Hãy mơ những gì bạn muốn mơ, làm những gì bạn muốn làm và hãy xem mình đã có gì trong tay. Thực hiện điều ta ước muốn bắt đầu từ điều ta có thể luôn là phương châm có thể đảm bảo và chắc chắn hơn cho cuộc sống của chính mình. Hãy biết mình là ai và mình đang ở đâu trên con đường đời mà chính bạn đã chọn. LÊ THỊ HỒNG ĐÀO ĐỀ 4: “Sống trách nhiệm”. I. DÀN Ý 1. Mở bài: Nêu triết lí sống của bản thân: “sống trách nhiệm” 2. Thân bài: a) Giải thích: - “Sống trách nhiệm” là gì? - “Sống trách nhiệm” trong suy nghĩ của bản thân. b) Bình luận: - Vì sao ta lại chọn “sống trách nhiệm” làm triết lí sống? 11 - Ta không chỉ nên sống trách nhiệm với bản thân, mà còn phải sống trách nhiệm với mọi người xung quanh, mà trách nhiệm lớn nhất là trách nhiệm với tình yêu thương mà ta nhận được từ cuộc sống. c) Bài học nhận thức: Để sống trách nhiệm trở thành một triết lí sống thật sự, ta cần thực hiện nó bằng lòng trung thực và biết cách chấp nhận. 3. Kết bài: Khẳng định lại triết lí sống: “sống trách nhiệm”. II. BÀI LÀM: Con người ta… sống trên đời này… để làm gì? Vì sao mà ta phải sống… phải nỗ lực làm việc… và cống hiến? Những cây hỏi ấy khiến ta rơi vào sự mơ hồ, lạc lõng. Dường như ta không thể tìm thấy một hướng đi cho bản thân. Khi ấy, những quan niệm, lí tưởng mà ta đặt ra cho cuộc đời mình chính là chiếc chìa khóa giúp giải mã những câu hỏi đó. Ta gọi đó là triết lí sống. Có những kẻ suốt một đời chỉ luôn cố gắng tìm kiếm một câu trả lời nào đó. Để rồi đến khi tìm được, người ta lại sống hết mình với nó. Có quá ngu ngốc hay không khi ta chỉ sống vì một lí do duy nhất? Nếu quả thật như vậy thì tôi đã thật sự là một kẻ ngốc. Bởi, tôi cũng đã và đang cố gắng sống chỉ vì một điều: sống trách nhiệm. Trách nhiệm là làm những việc mà ta phải làm để thực hiện theo đúng đạo lí, là việc góp công sức của mình vào công việc với lòng trung thực và sự tự nguyện. Là một người trẻ, ta mang trên mình trách nhiệm với quê hương đất nước. Hãy là người công dân có ích của xã hội! Hãy học tập và làm việc để xây dựng quê hương, đất nước! Nhưng những trách nhiệm ấy dường như quá lớn lao, nặng nề với tôi. Tôi không đủ trưởng thành để hiểu sâu sắc những bài học về trách nhiệm kia. Khi tôi chọn trách nhiệm làm triết lí sống cho mình, tôi xem sống trách nhiệm là hiểu những gì mà người khác đã làm cho ta và ta phải làm gì để sống xứng đáng với nó, thực hiện nó bằng sự trung thực trong tâm hồn ta. Vì khi vừa chào đời thì gia đình, những người xung quanh ta đã mỉm cười chào đón ta, ban tặng cho ta một sự sống… một mái ấm gia đình đã thật hạnh phúc và dang tay ôm lấy sinh linh bé bỏng, nuôi nấng, lo lắng cho ta biết bao năm không quản khó nhọc; vì trên bước đường cắp sách đến trường, thầy cô đã không ngừng truyền đạt cho ta kiến thức một cách tận tình, tận lực; vì những người bạn đã đến bên ta khi ta vấp ngã, luôn dõi theo bước đường ta đi;...cho ta cảm nhận một cách đầy đủ cuộc sống này…nên ta phải sống trách nhiệm. Sống trách nhiệm với chính bản thân ta, với mọi người và trách nhiệm lớn nhất, theo tôi, là trách nhiệm với tình yêu thương mà ta đón nhận từ cuộc sống này. Khi sống trách nhiệm, ta biết quí trọng và yêu thương lấy bản thân. Trách nhiệm cho ta ý thức sâu sắc về cuộc đời mình. Từ đó, ta biết sống vì ta, biết nỗ lực sống tốt, sống ý nghĩa, không ngừng theo đuổi ước mơ, tận hưởng cuộc 12 sống. Còn gì hạnh phúc hơn khi ta đã sống trọn vẹn cuộc đời mình, có thể mỉm cười khi rời khỏi thế giới này. Nhưng khi triết lí sống ấy hướng vào bản thân quá nhiều thì nó sẽ trở thành sự ích kỉ, nhỏ nhen. Ta bỏ mặc những người xung quanh ta để sống vì bản thân, vì niềm vui của ta. Ta gọi đó là sống trách nhiệm với chính mình. Tôi cho rằng lí lẽ ấy chưa thật chính xác, và với tôi, đó chỉ là lời bao biện cho một lối sống tầm thường, ích kỉ . Cái tôi, cuộc sống của bản thân thì quan trọng lắm. Sống trách nhiệm với bản thân thì cũng có ý nghĩa lắm chứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta từ bỏ những người xung quanh ta để sống một cuộc đời của riêng ta. Có ai có thể tìm thấy hạnh phúc khi sống trong thế giới của sự lạnh lẽo, cô độc, xa lánh mọi người. Ta như con nhím xú lông lên để bảo vệ chính mình nhưng ta lại chẳng bao giờ ngờ rằng ta đã vô tình làm tổn thương những người xung quanh và tự cô độc chính mình. Chỉ vì đôi khi ta sợ hãi với những thứ gọi là trách nhiệm mà ta đang mang, đôi khi ta muốn buông tay mọi thứ, đôi khi ta muốn là một ai khác, đôi khi ta sợ hãi cuộc đời. Ta muốn được tự do mọi lúc và mọi nơi có thể, muốn được làm cơn gió tự do tự tại bay vi vu trên khoảng trời rộng xanh ngắt, muốn được như những cơn sóng rong chơi đến bạc đầu, muốn đi đến một nơi không ai quen biết để sống cuộc đời mà bản thân mong muốn. Tuổi trẻ luôn khao khát những chân trời mới, chán ghét những gò bó và cảm thấy tù túng khi phải tuân theo quy luật. Nhưng ta cũng nên hiểu rằng không ai có thể cả đời làm con nít. Không ai có thể sống một cuộc đời mà không có vấp ngã, không có đau thương. Không ai có thể sống giùm ta những tháng ngày ta đang sống. Không ai có thể sống mà không mang theo một trách nhiệm nào đó. Chúng ta có thể sợ hãi khi mang một trách nhiệm lớn, muốn trốn chạy khi có quá nhiều điều trong cuộc sống mang tên trách nhiệm, buộc ta phải làm thế này thế kia, bắt ta phải đi theo cái vòng xoay của cuộc đời. Nhưng ta không thể mãi sợ hãi, trốn chạy nó. Trách nhiệm luôn gắn liền với cuộc đời con người. Nếu có người nói rằng, đối với cộng đồng này, hai chữ “trách nhiệm” là vô nghĩa thì tôi xin mạn phép hỏi rằng họ cho mình là ai mà có thể nói như vậy được? Sống trách nhiệm là mục tiêu mà tôi và nhiều người khác đang phấn đấu trong cả cuộc đời mình. Tôi không cho phép một người nào đó xem hai chữ “trách nhiệm” kia là vô nghĩa. Xin hãy nghĩ về những gì mà ta đã nhận được từ cuộc sống này để hiểu hơn về những gì tôi đang cố gắng thực hiện kia. Không đơn giản là sống trách nhiệm vì bản thân tôi mà còn là trách nhiệm với những người xung quanh tôi: gia đình, bạn bè, thầy cô,… Vì khi sống trách nhiệm, tôi biết mình đang nỗ lực làm việc tốt. Là người phạm phải nhiều sai lầm, việc sống trách nhiệm là cách duy nhất để tôi sửa chữa tất cả và tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn. Vì ba tôi, người đã hi sinh cuộc sống này cho tôi, cho tôi thêm một cơ hội để cảm nhận cuộc sống, nên tôi phải sống thật tốt, phải có trách nhiệm với cuộc đời của ba, với tình yêu mà ba dành cho tôi. Tôi không chấp nhận khi sống cho riêng mình mà tôi phải sống cho 13 cả cuộc đời của ba, thực hiện những việc mà ba tôi chưa hoàn thành. Có như vậy tôi mới thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Vì khi sống trách nhiệm, tôi tìm thấy cho mình một lí do để sống. Không là gì cả, nhưng ít nhất, vì lẽ sống ấy mà tôi dần thoát khỏi sự cô độc, buồn chán, mất phương hướng. Khi tôi sống trong dằn vặt, oán hận thì lẽ sống đó chính là lời an ủi, cách bao biện tốt nhất để tôi tiếp tục bước về phía trước. Mỗi sớm thức dậy, tôi lo sợ về mọi thứ. Tôi sợ gia đình, sợ cách bạn bè tôi đùa vui, sợ cách nói chuyện của thầy cô, sợ lời nói của mọi người, sợ ai đó sẽ ra đi, sợ ngày mai mà tôi sẽ tới… Khi ấy, chỉ bằng cách làm một điều gì đó vì mọi người, tôi mới có thể quên hết tất cả. Dù chỉ là trong chốc lát, nhưng nhờ lẽ sống ấy, tôi đã có thể vui cười với bạn bè, tin tưởng ở thầy cô, hi vọng ở tương lai, mở lòng để cảm nhận cuộc sống… Vì khi sống trách nhiệm, tôi tin rằng tôi sẽ mang đến niềm vui cho mọi người. Gia đình, bạn bè,…những người ấy đã che chở tôi, đặt hi vọng vào tôi. Tôi phải sống để bảo vệ họ. Vì vậy, tôi phải trưởng thành, phải thay đổi mình, phải làm một con người khác.Tôi muốn những người tôi yêu thương sẽ không buồn vì tôi, mẹ tôi sẽ chấp nhận và tha thứ cho tôi, thầy sẽ tin tưởng và tự hào về tôi. Nụ cười của họ còn giá trị hơn những ước mơ, sở thích của bản thân tôi. Khi sống trách nhiệm, tôi tìm thấy ước mơ để mình vươn tới. Tôi muốn mang đến hạnh phúc cho những người tôi yêu thương. Điều ấy khiến tôi chấp nhận thay đổi bản thân, chấp nhận một con người im lặng, chấp nhận đóng vai diễn đầy giả tạo, chấp nhận theo sự dẫn dắt của người khác, chấp nhận sống trong một thế giới mà tôi không tin tưởng,…Hơn thế nữa, khi đặt trách nhiệm làm triết lí sống cho bản thân, tôi dần hoàn thiện bản thân. Nhờ đó, tôi dẹp bỏ được những toan tính nhỏ nhen, ích kỉ của cá nhân. Tôi tin khi ta sống trách nhiệm, cái tôi của ta không bị mất đi mà chỉ là cái tôi ấy chỉ đang được rèn dũa để trưởng thành hơn, có khả năng dung hòa với những trách nhiệm trong đời. Chỉ có cách chấp nhận mọi thứ và dung hòa theo cách mà ta muốn thì ta mới tìm thấy được niềm vui. Con đường đi đến sự hoàn thiện về “sống trách nhiệm” ở mỗi người là cả một quá trình đấu tranh của chính bản thân ta. Gác lại cá tính cá nhân để thực hiện trách nhiệm với mọi người, hoặc xa hơn là phải lựa chọn giữa sống theo ước mơ và trách nhiệm thật không dễ dàng gì. Đôi khi ta thực hiện trách nhiệm và ta cho rằng đó là sự ép buộc, bất công, là định mệnh trớ trêu của cuộc đời. Ta không hài lòng và không chấp nhận cuộc sống. Tuy đang làm những việc vì người khác nhưng ta lại thấy họ là một gánh nặng, ta chán ghét họ. Cuối cùng, ta đã đánh mất đi ý nghĩa thật sự của việc sống trách nhiệm. Khi ấy, tôi thấy mình thật xấu hổ, tầm thường trước mọi người, trước chính tôi, trước cái triết lí sống đầy ý nghĩa mà tôi hằng tâm niệm kia. Những người xung quanh tôi, họ cũng đang hi sinh rất nhiều để thực hiện trách nhiệm với cuộc sống đó thôi. Họ vì cái gì mà sẵn sàng chấp nhận hi sinh và cống hiến nhiều như thế? Tình yêu 14 thương? Có lẽ là nó? Hoặc có lẽ là một lí do khác cao đẹp hơn chăng? Lòng trung thực, nếu thiếu điều ấy, việc sống trách nhiệm sẽ không bao giờ tỏa sáng và là một giá trị sống đích thực. Đừng mang đến sự giả dối khi ta muốn sống trách nhiệm. Nếu có thế mang đến niềm vui, hạnh phúc, một sự an ủi nào đó cho những người tôi yêu thương thì tôi sẽ làm. Tôi cho đó là một cách sống trách nhiệm. Cho đến khi rời xa những người tôi yêu thương, tôi vẫn muốn sống trách nhiệm để có thể nhìn thấy nụ cười của họ. Khi ấy, tôi cũng sẽ mỉm cười, nhẹ nhàng thôi, nhưng tôi đã thật sự hạnh phúc khi sống một cuộc đời như vậy. HÀ THỊ MỸ HẠNH ĐỀ 5: “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất”. I. DÀN Ý: 1. Mở bài: Trong cuộc sống, mỗi người cần có một triết lí sống để từ đó sống sao cho thật tích cực, thật lành mạnh, để có thể thành công. Với tôi, đó là: “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất”. 2. Thân bài: a) Giải thích: - Triết lí sống là gì? Triết lí sống là những điều được rút ra từ những kinh nghiệm, là tiền đề, mục tiêu tích cực mà mỗi người muốn hướng đến để hoàn thiện bản thân và thành công trong cuộc sống. - Vì sao chọn triết lí sống trên? + Giải thích nghĩa của từ một cách tản mạn. + Nêu ra ý nghĩa khái quát của triết lí sống đã chọn: để đạt đến thành công, tài năng chưa phải là điều quyết định tất cả mà tinh thần ý chí ham học hỏi, nỗ lực hết mình mới là yếu tố quan trọng hơn cả. b) Bàn luận: - Nêu quan hệ giữa tâm và tài, giữa tài năng và tinh thần ý chí ham học hỏi: người có tài mà không có tâm thì cái tài đó cũng trở nên vô nghĩa, người có tài năng mà thiếu ý chí ham học hỏi hơn nữa rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng. - Sự cần thiết của tinh thần ham học hỏi trong cuộc sống: 15 + Giúp chúng ta nâng cao sự hiểu biết nhiều hơn, rộng hơn, lĩnh hội được nhiều cái hay và bổ ích hơn… + Có thêm kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề khúc mắc mà đôi khi gặp phải. + Nhận được sự quý trọng, khâm phục của người khác. - Tác hại của việc hài lòng với hiện tại mà không tiếp tục cố gắng vươn cao hơn nữa: Nếu không có tinh thần ham học hỏi, bạn sẽ chỉ mãi đắm say trong cái tự mãn tài năng kiến thức hiện tại của chính mình, sẽ bị tụt hậu và bị bỏ lại ở phía sau. - Dẫn chứng. - Mở rộng vấn đề: + Học hỏi, tiếp nhận nguồn kiến thức thiếu chọn lọc, thậm chí sai lệch. + Không coi trọng tài năng, người giỏi. + Không ỷ lại vào tố chất có sẵn mà không chịu học hỏi thêm và nỗ lực hơn nữa. c)Bài học nhận thức: Luôn luôn ham học hỏi phấn đấu bản thân, đừng dừng lại thỏa mãn hay tự cao. Vì trên cuộc đời này chẳng có giới hạn cho sự thành công nên khi chúng ta còn sống thì vẫn hãy còn cố gắng. Học hỏi nhiều hơn, thành công nhiều hơn và hạnh phúc nhiều hơn. 3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa và bài học từ quan niệm sống đã chọn. II. BÀI LÀM: Bước vào thế kỉ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới với rất nhiều cơ hội và thử thách. Mỗi con người chúng ta cùng với sự phát triển ấy cũng càng lúc càng trưởng thành hơn và từng bước khẳng định chính mình . Trên con đường đầy chông gai khó khăn ấy, mỗi người nên có riêng cho mình một triết lí sống phù hợp – chìa khóa để mở cánh cửa thành công. Và triết lí sống của tôi là: “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất”. Triết lí sống là những điều được rút ra từ những kinh nghiệm, như một kim chỉ nam cho cách ứng xử, hành động hay lối sống của một cá nhân hay cộng đồng. Với tôi, câu nói trên thực sự là một bài học, một lời khuyên cũng như lời động viên cần thiết, thiết thực nhất cho bản thân. Trong triết lí sống đã chọn, tôi nghĩ có lẽ “người giỏi nhất” có một khái niệm khá mơ hồ. Thực sự trên cuộc đời này có vô vàn điều mới lạ không phải ai cũng biết hết được. Có thể họ là “người giỏi” nhưng chưa chắc là “người giỏi nhất”. Họ có thể giỏi, am hiểu về một lĩnh vực nào đó, một khía cạnh nào đó. Nhưng 16 “núi cao còn có núi cao hơn, trời rộng còn có trời rộng hơn”. Còn với “người ham học hỏi nhất”, họ không phải là người giỏi nhất nhưng lại là người mang trong mình ý chí cầu tiến, ham học hỏi, nỗ lực không ngừng, chăm chỉ trau dồi bản thân. Như vậy, để đạt đến thành công, tài năng chưa phải là điều quyết định tất cả mà tinh thần ý chí ham học hỏi, nỗ lực hết mình mới là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta cần nhấn mạnh đến việc học hỏi. Học hỏi là gì? Học hỏi ở đâu? Học hỏi bao nhiêu là đủ? Học hỏi là tiếp thu tri thức của nhân loại từ sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh ta. Học hỏi là một quá trình lâu dài chứ không thể trong một thời gian ngắn, bởi vậy Bác Hồ đã từng nói đó là việc phải tiếp tục suốt đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Cuộc sống ngày càng phát triển không ngừng và tri thức nhân loại thì vô tận và mỗi giây mỗi phút trôi qua là bao tri thức mới được ra đời, nếu không chịu học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại. Các bạn có biết trong vở kịch sân khấu “Người vợ ma” nổi tiểng có một cô bé hơi "khờ khờ" vì bị dì ghẻ nhát ma quanh năm được khán giả khen và nhớ mãi, đó chính là Kim Huyền. Nhưng ngoài đời Kim Huyền không "khờ" chút nào. Cô nàng vừa tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, khoa Tiếng Anh, nay lại đi học thêm ở Trung tâm Hội Việt-Mỹ, vậy mà còn định học thêm hệ tại chức tại một trường nào có khoa Văn - Sử (bởi 2 môn này sẽ bổ sung rất nhiều trong nghiệp diễn - Huyền bảo vậy). Đêm đi hát, đi quay khuya cỡ nào thì sáng 6 giờ Kim Huyền cũng thức dậy để tới trường. Học xong là 9 giờ 30, chạy qua sân khấu hoặc đoàn phim. Và Huyền nói: “Tôi đã lựa chọn con đường không theo ý muốn của mẹ nên bây giờ khi đã thực hiện được ước mơ của riêng mình, tôi phải cố gắng sống theo kỳ vọng của mẹ. Mẹ muốn tôi học đại học”. Cô còn nói vui: “Nhiều khi cũng phải “sĩ diện” ghê lắm. Đi diễn về khuya mà hôm sau có bài tập thì vẫn phải cố thức mà hoàn thành, để không mang tiếng nghệ sĩ mà... học dở”. Vâng, ngay cả khi đã có tiếng tăm, cô vẫn không quên sự nghiệp học tập dài vô hạn, cố gắng hết mình để thành công hơn nữa. Vậy, chúng ta - những người bình thường thì sao? Người ta thường cho rằng, trong một nhóm người hoặc một cộng đồng thì người có tài, có năng lực giỏi thường xuất sắc và thành công hơn cả. Theo tôi, nó chỉ đúng về một mặt. Tại sao chúng ta không nhìn theo một mặt khác? Rằng là nếu chỉ có tài mà không có tâm, không có chí thì cái tài kia sẽ ra sao? Nó có còn ý nghĩa gì không? Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn rắc rối mà chúng ta gặp phải. Nhưng nếu chúng ta chăm chỉ học hỏi, tìm hiểu các khúc mắc, các vấn đề nan giải thì dù có khó khăn đến đâu, bạn vẫn giải quyết được. Đừng cho rằng mình đã quá giỏi giang, kiến thức của mình đã đủ. Càng đừng ngại hỏi người khác, đừng bỏ lỡ cơ hội được hiểu biết nhiều hơn. Chắc hẳn nhiều người đã biết tới người mẫu Thùy Trang – top 4 sân chơi Viet Nam’s Next Top Model mùa thứ 2. Có lợi thế về chiều cao, hình thể cùng sự thể hiện 17 quá xuất sắc, Thùy Trang được tin tưởng làm đại diện cho người mẫu Việt Nam tham gia Asia’s Next Top Model 2012. Cô nhanh chóng làm chủ cuộc chơi và liên tiếp giành chiến thắng trong các phần thi photoshoot và catwalk. Thật thú vị khi những người mẫu đến từ Nhật, Hồng Kông, Thái Lan… tụ lại và lo lắng: “Thật không công bằng. Cứ như thể họ cử một Chanel Iman của Việt Nam đến đấu với chúng ta vậy!”. Nhưng tiếc thay, cô đã phải dừng chân khá sớm vì gặp bất lợi trong rào cản ngôn ngữ, bộc lộ sự yếu kém của mình về ngoại ngữ và kĩ năng giao tiếp. Các giám khảo đã vô cùng thất vọng khi Trang không hiểu rõ ý của các stylist đưa ra mà không chịu hỏi, gặp vấn đề nhưng không chia sẻ. Cô chỉ cười cho qua chuyện và không cố gắng học hỏi. Chính tinh thần làm việc thiếu thông minh đã ngăn cản thành công của người mẫu Thùy Trang. Bài học rút ra: Thành công không chỉ dừng lại ở tố chất! Bạn đã từng nghe hay nhìn thấy câu : “Nuôi tâm sinh thiên tài Nuôi trí sinh nhân tài Nuôi thân sinh nô tài” Những người đã tài giỏi sao không tiếp tục cố gắng? Người kém may mắn hơn ngại gì lời ra tiếng vào, sao không cho mình cơ hội được nỗ lực, cho mình cơ hội để thành công? Tôi đã thật bất ngờ khi đọc được câu chuyện về Cụ Ilia Osipov, 78 tuổi, ở thành phố Novokuznetsk, Nga đã thi đỗ 22 bằng đại học, cao đẳng, trung cấp và cụ dự định sẽ thi vào trường Đại học Y khoa để có bằng bác sĩ. Cụ ham học như vậy để bày tỏ lòng cảm ơn với bà vợ Frausta yêu quý của mình. Khi thầy hỏi, cụ thi lại để làm gì, thì cụ trả lời: "Tôi dự định sống đến năm 99 tuổi và vì thế, còn phải học thêm nhiều trường nữa. Mà muốn được nhận vào trường đại học không phải thi thì cần có bằng đỗ tốt nghiệp cao đẳng". Không bất ngờ sao được khi một cụ già đã đến cái tuổi để nghỉ ngơi, hưởng thụ lại vẫn đang tiếp tục học hỏi không ngừng. Vậy mà nhiều thanh niên trẻ ngày nay lại chọn con đường sai cho tương lai, bỏ quên tinh thần ham học hỏi những điều kì thú của cuộc sống. Như vậy, thành công vẫn đợi tuổi và không chừa một ai nếu có sự nỗ lực nghiêm túc, đúng không? Cũng cần nói về việc học hỏi thiếu chọn lọc – một sai lầm khá phổ biến của nhiều người. Đó là khi bạn tiếp nhận kiến thức một cách ồ ạt, quá nhiều nhưng nó vô ích, không giúp ích cho bạn, thậm chí là làm sai lệch suy nghĩ hành động của bạn. Đó không phải là cứ lên mạng, truy cập, đọc, nghe và xem nhiều… Chúng ta là người muốn làm chủ và tiếp nhận kiến thức, tại sao lại để chúng điều khiển mình? Hãy ghi nhớ và lưu tâm những điều thực sự bổ ích, có ý nghĩa. Đừng để chính bạn phải “chới với” trong biển kiến thức vô tận mà chưa chắc đã “thấm” lâu đến đâu! Qua tất cả những chia sẻ trên, tuy đề cao tinh thần ham học hỏi hết mình nhưng chúng ta vẫn không thể coi nhẹ tài năng, người giỏi. Bởi vì nếu năng lực quá kém cỏi thì có nỗ lực như thế nào, kết quả cũng hạn chế một phần nào đó. 18 Mặt khác, cảnh báo cho những ai chỉ ỷ vào tài năng vốn có mà thiếu ý chí học hỏi rồi cũng sẽ thất bại. Người thực sự thông minh là người phải biết vận dụng lợi thế cá nhân kết hợp với cái tâm rộng mở, ham tìm tòi học hỏi để làm việc. Nhất định họ sẽ thành công vượt trội. Nhưng trên hết, muốn đạt được ước mơ mục tiêu đặt ra, bạn phải là người có ý chí hiếu học. Không chỉ đơn thuần là kiến thức ở nhà trường, kiến thức trong sách vở, trên internet mà còn là kinh nghiệm, bài học quý từ cuộc sống và những người xung quanh. Cái gì cũng cần để học, cái gì cũng cần để được khám phá. Một lần nữa nhấn mạnh đó là tố chất quan trọng nhất để từ bước nhỏ đến bước lớn, thành công sẽ gõ cửa chính bạn. Đây là ý nghĩa sâu sắc nhất mà tôi cùng triết lí sống của tôi muốn truyền tải đến tất cả mọi người. Tóm lại, câu nói “Muốn thành công, bạn không cần là người giỏi nhất. Hãy là người ham học hỏi nhất” thực sự là một triết lí sống đầy tích cực, nhất là đối với thế hệ những người trẻ tuổi – những người có tố chất riêng, tài năng đáng quý nhưng đừng bao giờ quên đi tinh thần học hỏi, vươn lên cao hơn nữa. Cũng giống như việc “Bạn có thể là một ngôi sao trong sân khấu nhỏ, nhưng chưa chắc đã tỏa sáng ở một sân khấu lớn”, đừng thỏa mãn với chính mình ở hiện tại, hãy trang bị tinh thần rèn luyện bản thân hết mình. Ắt hẳn, với ý chí nỗ lực ấy, chúng ta, tôi và bạn không chỉ được người khác quý mến mà còn thành công trong công việc và cuộc sống hằng ngày. NGUYỄN NGUYỆT HẰNG ĐỀ 6: “Không phải là thất bại, đó chỉ là sự thành công đang bị trì hoãn”. I. DÀN Ý 1. Mở bài: Giới thiệu triết lý sống: “Không phải là thất bại, đó chỉ là sự thành công đang bị trì hoãn”. 2.Thân bài: a) Giải thích: - Triết lý sống là những quan điểm, cách nhìn đúng đắn của bản thân về cuộc đời. Nó chi phối hành động và hướng con người đến lối sống chân – thiện – mĩ. - Thất bại là gì? Thất bại theo nghĩa thông thường là khi ta không đạt được mục tiêu đã đặt ra. Nhưng theo tôi, thất bại là khi ta bỏ cuộc giữa chừng, không làm hết sức để thực hiện ước mơ. Đó là sự thất bại vĩnh viễn. - Thành công là gì “Thành công có nghĩa là đạt được kết quả tốt nhất với những gì ta đang có” – Wynn Davis -Ý cả câu: Thất bại trong cuộc sống là điều khó tránh nhưng đó không phải là sự thất bại vĩnh viễn. Thành công vẫn đang chờ ta phía trước và nếu không từ bỏ mục tiêu thì con người vẫn có thể thực hiện được nó. 19 - Ý nghĩa: Triết lý sống đem đến một lời khuyên chân thành để tôi bước tiếp trên con đường đi đến thành công. b) Bàn luận: - Lí do tôi chọn triết lý sống “Không phải là thất bại, đó chỉ là sự thành công đang bị trì hoãn”. - Giữa cái gọi là vô định ấy, điều cần nhất với tôi là một điểm tựa cho tôi niềm tin, là một mũi tên hướng tôi đến con đường cần phải đi. Triết lý sống trên đã làm được như vậy. - “ Không phải là thất bại, đó chỉ là sự thành công đang bị trì hoãn”. - Mối quan hệ giữa thành công và thất bại. c) Bài học nhận thức: Con người cần phải có niềm đam mê và lòng kiên trì bởi nó sẽ theo ta trong suốt cuộc hành trình. 3. Kết bài: Một vài suy nghĩ của bản thân về triết lý sống trên. II. BÀI LÀM: Đã bao giờ bạn nghĩ đến một cuộc sống với đúng nghĩa của nó? Đã bao giờ bạn từng nghĩ làm thế nào để có một cuộc sống đẹp? Vâng, tất cả những lời giải đáp đều nằm gọn trong cụm từ “Triết lý sống”. Nếu triết lý sống làm cho sự sống trở nên ý nghĩa hơn, nếu triết lý sống là bước khởi đầu giúp ta xác định hướng đi cho tương lai, vậy triết lý sống của bạn là gì? Với tôi, nó khá đơn giản nhưng lại là động lực giúp tôi bước tiếp trên con đường mình đã chọn: “Không phải là thất bại, đó chỉ là sự thành công đang bị trì hoãn”. Sống là điều mà tất cả chúng ta đều có thể làm được, nhưng sống đẹp, sống đúng thì có lẽ chưa hẳn vậy. Chính vì thế, mỗi người cần hình thành cho mình một triết lý sống đúng đắn bởi đó là cách duy nhất giúp ta tạo nên hương vị của cuộc sống. Triết lý sống hay có thể gọi là tuyên ngôn sống là những quan điểm, quan niệm đúng đắn về cách sống, cách ứng xử của một cá nhân hay cộng đồng. Nó chi phối hành động và hướng con người đến lối sống chân - thiện - mĩ. Khi sinh ra, có thể bạn chưa biết triết lý sống là gì; khi lớn lên có thể bạn thấy nó chưa thực sự cần thiết nhưng khi trưởng thành; khi bước chân vào đời, khi tự mình quyết định con đường cho tương lai, bạn sẽ thấy nếu thiếu đi triết lý sống, con người như rơi vào xứ sở sương mù mà không thể xác định được phương hướng. Triết lý sống là như vậy, chúng ta có thể sống mà không cần nó, nhưng không thể sống đẹp nếu không có nó. Mỗi bức tranh luôn có những gam màu sáng tối và cuộc đời mỗi con người cũng vậy. Có những lúc tôi như thấy mình chạm tới cái đích của sự thành công, nhưng cũng có lúc trước mắt tôi chỉ toàn màu đen của sự thất bại. Trong cái gọi là tuyệt vọng, bi quan ấy, điều cần nhất với tôi là một điểm tựa mang đến cho tôi niềm tin, là một mũi tên chỉ cho tôi hướng đi đúng. Câu nói ấy đã làm được như vậy. Nó cho tôi niềm tin vào sự thành công và thắng lợi, nó vớt tôi lên khi tôi 20
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
đề thi 2017...
17
4649
88