Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tư tưởng hồ chí minh về xây dựng và...

Tài liệu Tư tưởng hồ chí minh về xây dựng và

.DOCX
84
231
51

Mô tả:

LUẬN VĂN: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam Mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Suốt cả cuộc đời, Người phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Cùng với sự nghiệp của Đảng ta, dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế một tài sản tinh thần vô giá. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng kinh tế là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Những tư tưởng đó đã chỉ đạo cho Đảng ta hoạch định đường lối, chính sách kinh tế trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của cách mạng nhằm đảm bảo kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công. Ngày nay, điều kiện trong nước và thế giới đã có những biến đổi sâu sắc, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh nói riêng vẫn có ý nghĩa lớn lao. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định đường lối đổi mới, tạo cho nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (1994) đã xác định, trong đó có nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, ngày càng biểu hiện rõ nét. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh nhằm rút ra những bài học và vận dụng những tư tưởng đó phù hợp với bối cảnh mới để góp phần đắc lực vào việc phát triển nền kinh tế nói chung, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công nói riêng. Với mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kinh tế, đánh giá quá trình vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, tác giả chọn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, làm đề tài nghiên cứu cho luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Hồ Chí Minh học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là một đề tài rộng và còn khá mới mẻ. Mặc dù vậy, đã có một số đề tài và sách chuyên khảo nghiên cứu tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh dưới nhiều góc độ khác nhau. * Đề tài khoa học: - Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX02 (1991 - 1996), trong một số đề tài nhánh KX02 - 05 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” và KX 02 - 13 “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân và vì dân” có đề cập đến một số nội dung của tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh. - Cấp bộ năm 2001: “Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh” do Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh làm chủ nhiệm đề tài, Viện Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì. * Sách chuyên khảo: - Kinh điển: + Hồ Chí Minh về kinh tế và quản lý kinh tế, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990. + Hồ Chí Minh về kinh tế (trích tác phẩm kinh điển). Tài liệu tham khảo chuyên ngành-Viện Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2002. - Sách tham khảo: + Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000. + TS. Nguyễn Khánh Bật (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2001. + TS. Nguyễn Thế Hinh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và quản lý kinh tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. + PGS.TS Nguyễn Hữu Oánh: Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004. + TS. Phạm Ngọc Anh (chủ biên): Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. + GS.Song Thành: Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005. - Tạp chí: Mấy suy nghĩ về phương pháp luận nghiên cứu tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh của tác giả Đỗ Thế Tùng,Tạp chí Lý luận chính trị, số 4, năm 2002. + Mục đích của đường lối phát triển kinh tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Thế Hinh, Tạp chí Kinh tế và phát triển, số 2, năm 2003. + Suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý kinh tế, Tạp chí Tài chính, số 8, năm 2003. + Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của tác giả Trần Văn Phòng,Tạp chí Khoa học chính trị, số 6, năm 2002. + Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế đối ngoại, thu hút ngoại lực và phát huy nội lực của tác giả Nguyễn Huy Oánh, Tạp chí Cộng sản số 19, năm 2003. + Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị của tác giả Vũ Đức Khiển, Tạp chí Khoa học xã hội số 2, năm 2003 + Tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới của tác giả Lý Hoàng Mai đăng trên Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 324, tháng 1 năm 2005. + Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động kinh tế đối ngoại của tác giả Đặng Ngọc Lợi, Tạp chí Cộng sản, số 7, năm 2004. Ngoài ra còn rất nhiều bài viết của các tác giả, của các nhà nghiên cứu về tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh đăng trên các báo và tạp chí khác. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các công trình nghiên cứu tiêu biểu vừa nêu mới chỉ dừng lại ở mức khai thác và hệ thống hóa tư liệu, các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về xây dựng và quản lý kinh tế; khai thác tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh ở những khía cạnh khác nhau gắn với nghiên cứu tổng thể hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu chiều sâu để rút ra các nguyên lý mang tính phổ quát, đề cập đến sự vận động của tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh qua các thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả các công trình đã được công bố, tác giả hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và vận dụng vào thực tiễn trong thời kỳ quá độ ở nước ta, nhất là ở giai đoạn hiện nay. 3. Mục đích, nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu * Mục đích: Nghiên cứu một cách hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, đánh giá thực trạng nền kinh tế đất nước hiện nay, từ đó đưa ra một số phương hướng cần quán triệt trong quá trình vận dụng tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh nhằm phát triển nền kinh tế nước nhà đạt hiệu quả cao, bền vững theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. * Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, đề tài có nhiệm vụ làm rõ: + Phân tích nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ. + Đánh giá sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam trong quá trình đổi mới. + Đề xuất phương hướng vận dụng quan điểm và cách làm kinh tế của Hồ Chí Minh để đạt được hiệu quả cao hơn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay. * Phạm vi nghiên cứu: Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là vấn đề rộng. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi chỉ nghiên cứu một số nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam và khảo sát sự quán triệt, vận dụng, phát triển tư tưởng đó giai đoạn từ 1986 đến nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu * Cơ sở lý luận: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam là cơ sở phương pháp luận định hướng nghiên cứu. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng có sử dụng số liệu, nhận xét, đánh giá của một số công trình nghiên cứu đã được công bố có liên quan đến đề tài. * Phương pháp nghiên cứu: Ngoài các nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đề tài sử dụng các phương pháp cụ thể, chú trọng phương pháp lịch sử kết hợp với lôgíc, so sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê và phương pháp khảo sát, tổng kết thực tiễn... 5. Đóng góp mới về khoa học của luận văn - Góp phần làm sâu hơn và rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế. - Dựa vào phương pháp luận Hồ Chí Minh đánh giá thực trạng xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, nhất là những năm đối mới. - Đưa ra những phương hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay. 6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài - Đề tài có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập và tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh. - Cung cấp những luận chứng có cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước khi vận dụng, phát triển tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu làm 2 chương, 4 tiết. Chương 1 nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1.1. Quan điểm tổng quát của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1.1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Một trong những phát kiến vĩ đại của chủ nghĩa Mác là xác lập quan niệm duy vật về lịch sử. Theo đó, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Cho đến nay, loài người đã và đang trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội: Công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Vận dụng lý luận đó vào phân tích xã hội tư bản, tìm ra các quy luật vận động của nó, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có tính chất lịch sử và xã hội tư bản chủ nghĩa tất yếu bị thay thế bằng xã hội mới cao hơn nó - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Để xây dựng xã hội mới, tất yếu phải trải qua một thời kỳ lịch sử mà các nhà kinh điển gọi là thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Trong tác phẩm “Phê phán Cương lĩnh Gô - ta” (1875), C.Mác chỉ rõ: “ Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” [36, tr.47]. Trong lý thuyết về hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen, đã đặt vấn đề phân kỳ quá trình phát triển của nó với những dấu hiệu đặc trưng tổng quát nhất. Theo các nhà kinh điển Mác-Lênin, xã hội cộng sản chủ nghĩa bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn thấp và giai đoạn cao. (Sau này Lênin gọi giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội và giai đoạn sau là chủ nghĩa cộng sản). Đồng thời C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đưa ra dự báo về những đặc trưng cơ bản của xã hội mới là: Có lực lượng sản xuất phát triển cao; chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất được xác lập, chế độ người bóc lột người bị thủ tiêu; sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, nền sản xuất được tiến hành theo một kế hoạch thống nhất trên phạm vi toàn xã hội, sự phân phối sản phẩm bình đẳng; sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay bị xóa bỏ... Nói về giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản (tức chủ nghĩa xã hội), C.Mác đã chỉ ra rằng: Đó là một xã hội mà về phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần còn mang dấu vết của xã hội cũ mà nó lọt lòng ra. Chính vì thế mà giai đoạn này còn có những thiếu sót, “nhưng đó là những thiếu sót không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, lúc nó mới lọt lòng từ xã hội tư bản chủ nghĩa ra, sau những cơn đau đẻ kéo dài” [36, tr.47]. Bên cạnh việc đề cập đến loại hình quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến tận cùng lên chủ nghĩa cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo về khả năng quá độ lên chủ nghĩa cộng sản ở những nước lạc hậu khi cách mạng vô sản ở các nước Tây Âu giành được thắng lợi. Khi chủ nghĩa tư bản chuyển lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin đã phát triển lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cụ thể, có các nội dung đáng chú ý: - Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, bất cứ quốc gia nào đi lên chủ nghĩa xã hội đều phải trải qua, kể cả những nước có nền kinh tế phát triển. Đây là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện từ xã hội cũ thành xã hội mới - chủ nghĩa xã hội. Thời kỳ quá độ được bắt đầu từ khi giai cấp vô sản giành được chính quyền bắt tay vào xây dựng xã hội mới và kết thúc khi xây dựng thành công cơ sở của chủ nghĩa xã hội cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng. Tuy nhiên, đối với các nước có nền kinh tế phát triển, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có nhiều thuận lợi hơn so với các nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa có nền kinh tế lạc hậu. - Đặc điểm kinh tế cơ bản nhất của thời kỳ quá độ là sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần. Theo V.I.Lênin, trong thời kỳ quá độ tồn tại đan xen các loại hình sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, cần phải có quan niệm và chính sách phát triển kinh tế đúng để phát huy vai trò của chúng. Bởi vì: Chủ nghĩa tư bản là xấu so với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản là là tốt so với thời trung cổ, với nền tiểu sản xuất, với chủ nghĩa quan liêu do tình trạng phân tán của những tiểu sản xuất tạo nên. Vì chúng ta chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội, bởi vậy, trong một mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền tiểu sản xuất và trao đổi; Bởi vậy, chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên [32, tr.276]. Trong hoàn cảnh nước Nga thời ấy, Lênin xác định năm thành phần kinh tế là: + Kinh tế nông dân kiểu ra trưởng, nghĩa là phần lớn có tính chất tự nhiên. + Sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì). + Chủ nghĩa tư bản tư nhân. + Chủ nghĩa tư bản nhà nước. + Chủ nghĩa xã hội. - Khi phân tích đặc điểm của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ độc quyền, phát hiện ra quy luật phát triển không đồng đều về kinh tế, chính trị, Lênin rút ra kết luận quan trọng về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở một số nước hoặc ở một nước riêng lẻ. Khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở một nước, thì nhân loại bắt đầu bước vào một thời đại mới - thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong điều kiện đó, các nước lạc hậu có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Lênin cũng đưa ra những điều kiện để một nước có thể quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là: + Điều kiện bên trong: Có Đảng cộng sản lãnh đạo và xây dựng chính quyền nhà nước công - nông - trí thức. + Điều kiện bên ngoài: Có sự giúp đỡ của giai cấp vô sản ở các nước tiên tiến đã giành thắng lợi trong cách mạng vô sản. Các nước lạc hậu có khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nhưng không phải là quá độ trực tiếp, mà phải qua con đường gián tiếp với “một loạt những bước quá độ” [33, tr.189]. Những bước qua độ ấy, theo Lênin, là chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội. Lênin nói: “Để chuẩn bị - bằng một công tác lâu dài hàng bao nhiêu năm - việc chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, thì cần thiết phải có một loạt những bước quá độ như chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội” [32, tr.445]. Bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản được thể hiện trong “ Chính sách kinh tế mới” mà việc trao đổi hàng hóa được coi là “ đòn xeo chủ yếu”, cho nên cần thiết phải có sự nhượng bộ tạm thời và cục bộ với chủ nghĩa tư bản nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, từng bước thực hiện xã hội hóa sản xuất trong thực tế... - Luận điểm về mâu thuẫn cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo nguyên tắc “ai thắng ai”: Khi bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Lênin đã chỉ ra thực chất của thời kỳ quá độ là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một bên là chủ nghĩa xã hội mới ra đời còn non trẻ với một bên là các thế lực tư bản chủ nghĩa và tự phát tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh này diễn ra theo nguyên tắc “ ai thắng ai”, nghĩa là chủ nghĩa xã hội có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Mặc dù Lênin đã nêu ra những khả năng thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, song, để giành thằng lợi hoàn toàn và triệt để, theo Lênin, chủ nghĩa xã hội phải tạo ra được cho mình một năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản. 1.1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1.1.2.1. Tính tất yếu của thời kỳ quá độ Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử. Bởi vì, kể từ sau cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, thế giới đã bước vào thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đi theo dòng chảy của thời đại cũng là theo quy luật phát triển tự nhiên của lịch sử. Hơn thế nữa, chúng ta không thể lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa, bởi vì kinh nghiệm lịch sử 80 năm sống dưới ách kìm kẹp, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, nhân dân ta không lạ gì bản chất của chế độ đó. Mặc dù chủ nghĩa tư bản hiện đại đã và đang có những điều chỉnh để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, song chủ nghĩa tư bản không bao giờ đặt ra mục tiêu giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu, cùng tiến tới giàu có, mà chủ nghĩa tư bản chỉ có một mục tiêu duy nhất là lợi nhuận tối đa cho các nhà tư bản mà thôi. Song, sự biến đổi từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác đòi hỏi phải tuân theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Và giữa phương thức sản xuất bị thay thế với phương thức sản xuất mới bao giờ cũng phải trải qua một thời kỳ quá độ mà như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định sẽ thắng” [46, tr.20]. Vận dụng sáng tạo lý luận về cách mạng vô sản, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất phát từ đặc điểm của tình hình thực tiễn Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [40, tr.1]. Tức là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân và bước ngay vào thời kỳ quá độ để xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Xét về thực chất, đó là con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh: “ Xây dựng chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả tự nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc” [46, tr.447] và Người cũng chỉ rõ: “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất, sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta” [46, tr,588]. Hơn thế nữa, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là chủ yếu, Hồ Chí Minh nhận rõ “ Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình. ở nước chúng tôi những điều kiện ấy chưa có đủ” [41, tr.72]. Vì vậy, muốn có chủ nghĩa xã hội phải có một thời kỳ quá độ để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ, xây dựng cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, xây dựng cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, xây dựng cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân. 1.1.2.2. Đặc điểm kinh tế xuất phát của Việt Nam khi bước vào thời kỳ quá độ Nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở đã cơ bản hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, chế độ dân chủ nhân dân đã được xây dựng và phát triển. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nước ta có những đặc điểm sau: - Về kinh tế: Tính chất lạc hậu của nền kinh tế quốc dân không chỉ ở trình độ lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội, mà ở quy mô tổ chức, cách thức quản lý sản xuất, cơ cấu ngành kinh tế … Sau khi rút đi, đế quốc Pháp để lại cho ta một nền kinh tế nghèo nàn. Trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ chiếm đại bộ phận, đất đai phân tán, manh mún, một bộ phận người dân không có ruộng đất để cày cấy, sản xuất tự cung tự cấp, kỹ thuật vô cùng lạc hậu, năng suất thấp. Công nghiệp thì nhỏ bé, rời rạc, phân bố không đồng đều giữa các ngành. Hơn thế nữa, công nghiệp và nông nghiệp lại bị tàn phá nặng nề trong nhiều năm chiến tranh. Vì vậy, ở nước ta, về cơ cấu xã hội - giai cấp đại bộ phận là nông dân, tiểu tư sản, người buôn bán nhỏ, còn giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ. - Về đời sống văn hóa, tuyệt đại đa số nhân dân ta mù chữ (chiếm trên 90% dân số); ý thức hệ phong kiến, tư tưởng thực dân còn ăn sâu bám rễ trong quan điểm của nhiều người, phong tục tập quán lạc hậu còn chi phối suy nghĩ, đời sống văn hóa tinh thần của bộ phận không nhỏ dân cư. Từ cơ sở kinh tế - xã hội, từ đời sống văn hóa tinh thần lạc hậu đã làm xuất hiện trong xã hội ta một hệ thống mâu thuẫn đan cài, phức tạp, vừa mang tính đối kháng, vừa mang tính không đối kháng. Mâu thuẫn chủ yếu, mang tính đối kháng ở nước ta không phải là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, mà chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam đối với đế quốc và bọn tay sai phản động. Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa thì mâu thuẫn cơ bản lại chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển của đất nước theo xu hướng tiến bộ (chủ nghĩa xã hội) với thực trạng kinh tế - xã hội thấp kém (tiền tư bản chủ nghĩa). Trong nhiều tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh diễn đạt đó là “ mâu thuẫn giữa hai con đường”: con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tự phát tư bản chủ nghĩa. Tất cả tính chất phức tạp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản này là ở chỗ các mặt đối kháng và không đối kháng xâm nhập vào nhau, do đó trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không thể dùng bạo lực mà chủ yếu là thuyết phục, giáo dục, vận động, tổ chức. Xuất phát từ đặc điểm lớn này, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ chức năng kinh tế xã hội của thời kỳ quá độ là phải tạo tiền đề kinh tế cho sự phát triển của xã hội mới. Muốn vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến, [47, tr.13]. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, được thực hiện thông qua quá trình công nghiệp hóa đất nước. Hơn thế nữa, theo Hồ Chí Minh, xây dựng kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, phải tiến hành đồng thời, song song hai việc là cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, trong đó xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài. Người viết: “ Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. Và Người cũng chỉ rõ: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta phải tiến hành đồng thời việc cải tạo và xây dựng mới trên tất cả các mặt: Chính trị và kinh tế, văn hóa và xã hội, kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng. 1.1.2.3. Tính chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm kinh tế có giá trị to lớn về mặt lý luận và phương pháp lãnh đạo sự nghiệp xây dựng nền kinh xã hội chủ nghĩa ở một nước nông nghiệp lạc hậu, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là con đường cải tạo và xây dựng nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội. Người đã khẳng định: Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nước ta nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội “Bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học - kỹ thuật tiên tiến”, [46, tr.588]. Đây là con đường phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Nếu hiểu thời kỳ quá độ được đánh dấu từ khi Đảng của giai cấp công nhân giành được chính quyền, xây dựng và cải tạo đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa thì thời kỳ quá độ ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1945. Song, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, chúng ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945 - 1954). Bởi thế, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ được hình thành chủ yếu từ khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1954). Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ đạo về kinh tế của Người trong thời kỳ kháng chiến 1946 - 1954, xét về tính chất cũng rất phù hợp với thời kỳ quá độ. Vì vậy, “ Chế độ dân chủ nhân dân cũng có thể xem là một giai đoạn quá độ trong thời kỳ quá độ” [65, tr.348]. Từ khi hòa bình lập lại năm 1954, miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ quá độ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, như Hồ Chí Minh đã nói: Chúng ta đã đã đánh thắng thực dân phong kiến. Hiện nay chúng ta đang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, một cuộc cách mạng tuy trường kỳ gian khổ, song chúng ta nhất định thắng lợi, chỉ phải đổ mồ hôi mà không đổ máu, một cuộc cách mạng nhằm đánh thắng lạc hậu bần cùng để xây dựng hạnh phúc muôn đời cho nhân dân ta, con cháu ta [47, tr.292]. Do vậy, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là quá trình dần dần, khó khăn, lâu dài, phức tạp và gian khổ. Trong lời chúc mừng năm mới 1958, sau khi miền Bắc đã hoàn thành việc khôi phục đất nước, bước vào giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển đất nước và chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người viết: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài” [46, tr.2]. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là bởi các lý do sau đây: Một là, vì tính chất to lớn, vĩ đại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống ấm no cho toàn dân ta. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất. Mỗi chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng và nghị lực để vượt qua thử thách và hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng này. Hai là, vì điểm xuất phát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người viết: “ Đặc điểm to lớn nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” [47, tr.13]. Hơn thế nữa: Đế quốc Pháp để lại cho ta một nền kinh tế rất nghèo nàn., trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ chiếm đại bộ phận, kỹ thuật vô cùng lạc hậu. Công nghiệp thì rất nhỏ bé và lẻ tẻ. Nông nghiệp và công nghiệp lại bị tàn phá nặng nề trong 15 năm chiến tranh. Đã vậy khi phải rút khỏi miền Bắc, thực dân Pháp lại ra sức phá hoại kinh tế [47, tr.40]. Do đó, với điểm xuất phát thấp, chúng ta phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội thì quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Ba là, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là công việc chưa có trong lịch sử nước ta, do đó nhân dân ta chưa có kinh nghiệm trong công tác xây dựng và tổ chức quản lý. Vì vậy, trong quá trình phát triển, chúng ta phải vừa làm vừa học. Bốn là, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội luôn luôn bị các thế lực thù địch chống phá. Những lực lượng ấy, một mặt là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc luôn tìm cách phá hoại, mặt khác đó còn là những thói quen truyền thống lạc hậu, những tư tưởng cá nhân chủ nghĩa tiểu tư sản. Hồ Chí Minh đã nói rất rõ điều này: Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống phá lại cách mạng. Kẻ địch gồm 3 loại: Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó; mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi để góc đầu dậy. Nó là bạn của hai kẻ địch kia [46, tr.287]. 1.2. Nội dung xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1.2.1. Về mục tiêu phát triển kinh tế ở nước ta Bản chất kinh tế đặc trưng của chủ nghĩa xã hội được thể hiện ở mục tiêu của nó. Hồ Chí Minh nhiều lần nói rằng mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Với Người, mục tiêu hàng đầu và điều quan trọng nhất của phát triển kinh tế là nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Toàn bộ quan tâm của Người là lo làm sao cho dân đủ ăn, mặc, ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, giải trí... sao cho mỗi người dân lao động đều được ấm no, hạnh phúc. Đó là mục tiêu đồng thời cùng là thước đo tính đúng đắn, ý nghĩa, giá trị của mỗi chính sách, biện pháp kinh tế. Ngay sau khi giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đã phát biểu: Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành [41, tr.152]. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, khi mà nhiệm vụ phát triển kinh tế trở thành vấn đề trọng tâm của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thì Hồ Chí Minh càng nhấn mạnh: “ Phải luôn nhớ rằng: Điều quan trọng nhất trong kế hoạch của chúng ta hôm nay là nhằm cải thiện đời sống của nhân dân” [45, tr.157]. Xây dựng và phát triển kinh tế cũng là vì cuộc sống của nhân dân lao động nói riêng, cũng là để giải phóng con người và xã hội nói chung. Cho nên tại Hội nghị sản xuất cứu đói tháng 6/1955, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, đảng và chính phủ có lỗi. Nếu dân đói, rét, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” [44, tr.572]. Cho nên cuối đời, trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh còn căn dặn: “ Đảng ta cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” [49, tr.498]. Làm cho dân giàu, nước mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao là quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi, theo Người, chủ nghĩa xã hội là “làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh”. Vì vậy, phải phát triển kinh tế nhằm “ làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” [42, tr.65]. Do quy luật phát triển không đều nên xã hội có bộ phận giàu lên trước, có bộ phận giàu sau, nhưng việc nâng cao dần đời sống của dân phải là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Như vậy, mục đích vì cuộc sống của nhân dân lao động, phấn đấu để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về vật chất và tinh thần của nhân dân lao động trong đường lối phát triển kinh tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ mục đích của chủ nghĩa xã hội là: “ làm sao cho nhân dân được đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt” [47, tr.591]. Để đạt được mục tiêu trên, Hồ Chí Minh đã đề ra một loạt biện pháp thực hiện. Có biện pháp trực tiếp và gián tiếp, có biện pháp chung và cụ thể, có biện pháp thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau, có biện pháp hiện đại, có biện pháp truyền thống. Chính sự phong phú đó cho ta thấy sự tìm tòi, tận dụng mọi cơ hội để hướng tới mục tiêu, để hiện thực hóa mục tiêu. Cụ thể: Một là, Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi kinh tế là cơ sở, là nền tảng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để phát triển văn hóa, xã hội, để xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, phải huy động sức lực của toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành thi đua đẩy mạnh sản xuất. Người chỉ rõ: Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta hôm nay là phát triển sản xuất. Tất cả mọi người công - nông - trí thức và tất cả cán bộ, viên chức mọi cấp, mọi ngành đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển [47, tr.336-337]. Một trong những vấn đề mà chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong những ngày đầu nước ta mới giành được độc lập là vận động nhân dân tăng gia sản xuất để đẩy lùi nạn đói và ổn định đời sống cho nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3/9/1945, Hồ Chí Minh đã quyết định phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và cứu đói. Và sau đó Người đã viết thư “ Gửi nông gia Việt Nam”, kêu gọi nông dân “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa ! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập” [41, tr.115]. Thực hiện cuộc vận động lớn đó, nhân dân cả nước đã đoàn kết tích cực thi đua sản xuất, nhờ đó, mà nạn đói bị đẩy lùi, đời sống nhân dân được nâng lên một bước. Đồng thời, để nâng cao đời sống phải nâng cao năng suất lao động, giữ gìn máy móc, bảo vệ xí nghiệp, thi hành đúng kỷ cương kỷ luật, đẩy mạnh tập thể hóa, đồng thời phải phân phối công bằng, hợp lý và thực hành tiết kiệm. Trong đó tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. “ Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân” [45, tr.349]. Người đã chỉ rõ: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền to bằng cái nống” [43, tr.485]; “ Khi không nên tiêu sài thì một xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm” [42, tr.637]. Tiết kiệm với mục đích là giúp sản xuất phát triển, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để phục vụ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã đề ra nội dung cụ thể của tiết kiệm: “Phải tiết kiệm sức lao động, thì giờ, phải tiết kiệm tiền của để tăng gia. Tiết kiệm giúp cho tăng gia, tăng gia giúp cho tiết kiệm, để đi đến kết quả tốt” [43, tr.393-394]. Hồ Chí Minh chỉ ra mối quan hệ tác động qua lại giữa sản xuất, tiết kiệm và đời sống. Người viết: “Sản xuất và tiết tiệm cũng như dòng nước, cải thiện đời sống cũng như chiếc thuyền, nước càng sâu thì thuyền càng cao. Muốn cải thiện không ngừng thì phải không ngừng tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”[47, tr.660] Thực tế cho thấy, trong điều kiện nước ta từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta không cách nào khác là, một mặt, phải huy động sức lực của mọi người, mọi ngành để thúc đẩy sản xuất phát triển; mặt khác, phải triệt để tiết kiệm trong cả sản xuất và cả tiêu dùng để tích lũy vốn từ nội bộ nền kinh tế đủ điều kiện thực hiện tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, để xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hai là, Muốn thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần ngày càng tăng, phải do nhân dân lao động tự làm lấy là chính. Bởi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nguyên lý đó của chủ nghĩa Mác - Lênin không những được Hồ Chí Minh vận dụng một cách thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn cả trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế nước nhà. Hồ Chí Minh luôn ý thức rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lãnh đạo sáng tạo của hàng triệu người dân. Sự nghiệp xây dựng cơ sở kinh tế cho chế độ mới rất khó khăn, gian khổ, đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực, tài lực to lớn. Muốn thực hiện thắng lợi sự nghiệp trọng đại đó, cần phải đưa tiền của dân và sức của dân để làm việc ích lợi cho dân thì bao giờ dân cũng hăng hái, việc cũng thành công. Việc gì to lớn tốn kém mấy, nếu dân đồng sức đồng lòng thì làm cũng được. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng xác định rất rõ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người viết: “ Cải thiện đời sống cho nhân dân cũng phải do nhân dân tự giúp lấy mình là chính. Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng” [45, tr.15]. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh cụ thể hơn: Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Tôi lo chuyện này lắm: các cháu mắt choét, da bủng. Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng phải lo [47, tr.463-464]. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ, cán bộ và đảng viên có trách nhiệm giáo dục, lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, ổn định và cải thiện cuộc sống. Ba là, Phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đúng đắn. Để phát triển nền kinh tế cân đối, thì kế hoạch là vấn đề cần thiết cho mọi nền kinh tế. Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước, kể cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Người coi đây là biện pháp hàng đầu, mang tính phổ quát để phát triển nền kinh tế nước ta. Nếu không xây dựng được một kế hoạch kinh tế đúng đắn, phù hợp làm định hướng thì chúng ta không thể phát triển kinh tế được. Hồ Chí Minh yêu cầu kế hoạch không những được đề ra ở những cơ quan, Nhà nước mà còn ở hộ gia đình, không những ở Trung ương mà còn cả ở địa phương. Vì vậy, trong bài nói chuyện nhân dịp tết Nhâm Thìn, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ tăng gia sản xuất phải có kế hoạch thiết thực, từ Chính phủ Trung ương đến mỗi gia đình đều phải có kế hoạch”[ 43, tr.393]. Trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác xây dựng kế hoạch phải thiết thực, phù hợp với khả năng thực tế đất nước, địa phương, nhà máy. Hồ Chí Minh cũng phê phán việc cán bộ đóng cửa mà viết kế hoạch, rồi cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng nghe theo. Theo Hồ Chí
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu xem nhiều nhất