Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Từ người đẹp say ngủ của yasunari kawabata đến “hồi ức về những cô gái điếm buồ...

Tài liệu Từ người đẹp say ngủ của yasunari kawabata đến “hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” của gabriel garcía márquez

.PDF
94
896
118

Mô tả:

ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT  PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Phương pháp nghiên cứu 5. Phạm vi nghiên cứu PHẦN NỘI DUNG CHÍNH CHƯƠNG 1: TÌM HIỂU CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HỌC SO SÁNH 1.1. Khái niệm văn học so sánh 1.2. Đối tượng nghiên cứu cơ bản của văn học so sánh 1.2.1. Các mối quan hệ trực tiếp 1.2.2. Các điểm tương đồng 1.2.3. Các điểm khác biệt độc lập 1.3. Những chủ đề nghiên cứu chính của văn học so sánh 1.3.1. Nghiên cứu thể loại văn học 1.3.2. Nghiên cứu đề tài, truyền thuyết 1.3.3. Nghiên cứu tư tưởng trong văn học 1.3.4. Nghiên cứu phong cách học 1.3.5. Nghiên cứu trào lưu, trường phái văn học -2- CHƯƠNG 2: VÀI NÉT VỀ CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM 2.1. Tác giả Yasunari Kawabata và tác phẩm “Người đẹp say ngủ” 2.1.1. Tác giả Yasunari Kawabata 2.1.2. Tác phẩm “Người đẹp say ngủ” 2.2. Tác giả Gabriel García Márquez và tác phẩm “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” 2.2.1. Tác giả Gabriel García Márquez 2.2.2. Tác phẩm “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi” CHƯƠNG 3: TỪ “NGƯỜI ĐẸP SAY NGỦ” CỦA YASUNARI KAWABATA ĐẾN “HỒI ỨC VỀ NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM BUỒN CỦA TÔI” CỦA GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ 3.1. Những điểm tương đồng và dị biệt của hai tác phẩm 3.1.1. Về đề tài 3.1.2. Về cốt truyện 3.1.3. Về nhân vật 3.1.3.1. Nhân vật ông già 3.1.3.2. Nhân vật người phụ nữ 3.1.4. Về tư tưởng 3.1.5. Về phong cách nghệ thuật của hai tác giả thể hiện qua hai tác phẩm 3.2. Nguyên nhân của sự tương đồng và dị biệt PHẦN KẾT LUẬN -3- PHẦN MỞ ĐẦU -4- 1. Lý do chọn đề tài: Vì sao mắt trẻ thơ luôn trong veo và chúng ta thì ngược lại?. Vì sao khuôn mặt trẻ thơ luôn hồn nhiên, dễ thương và chúng ta thì ngược lại?. Câu trả lời đương nhiên là do bởi thời gian, là do bởi quy luật tự nhiên khắc nghiệt! Trước tiên, những điều đó khiến tôi trăn trở rất nhiều về cuộc sống này, đời người thì ngắn ngủi và con người thì phải nhất thiết có một lần đối mặt với buổi hoàng hôn của cuộc đời. Tuổi già, họ sống và suy nghĩ như thế nào?. Họ có ước mơ và khát vọng gì ở cái tuổi xế chiều của họ?. Có lẽ vì vậy mà lần đầu tiếp xúc với hai tác phẩm của Yasunari Kawabata và Gabriel García Márquez, tôi đã mơ hồ cảm nhận được vấn đề mà hai đại văn hào bậc nhất của thế giới cùng trăn trở- vấn đề cuộc sống tình dục của con người ở quãng cuối cuộc đời. Bên cạnh đó, đây là hai tác phẩm của hai nhà văn nổi tiếng đều cùng nhận được giải Nobel văn học, một cuộc hội ngộ đầy thú vị của tài năng và phong cách của hai tác giả đến từ hai nền văn hóa xã hội khác nhau. Cuộc hội ngộ ngẫu nhiên và tình cờ ấy có những nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó, vì lẽ đó việc tìm hiểu để thấy được bản sắc riêng giữa dòng chảy chung của văn học thế giới cũng sẽ là một việc làm rất hấp dẫn. Và đây là lý do thứ hai khiến tôi đến với đề tài. Thứ ba, bản thân hai tác phẩm đã có sức lôi cuốn người viết. Khi đọc xong, mỗi tác phẩm đều mang lại cho tâm hồn tôi rất nhiều cung bậc tình cảm có khi mâu thuẫn đối lập lẫn nhau. Từ đó, chúng đem lại cho tôi cái nhìn về cuộc sống nhiều góc cạnh phong phú hơn vì tác phẩm đã phần nào giúp tôi vượt qua giới hạn thời gian và khoảng cách không gian. Tôi nhận ra tình người luôn luôn hiện hữu và nó đã bám trụ vào từng số phận và ý nghĩ riêng của mỗi nhân vật trong từng tác phẩm. Hai đất nước, hai nhà văn nhưng có chung một mạch nguồn cảm xúc về con người và cuộc sống. Điều đó góp phần thúc đẩy sự lựa chọn đề tài luận văn của tôi. Mặt khác, tôi cũng là người ưa thử thách, ham thích những gì khó khăn và mới lạ. Điều đó đã thôi thúc tôi đến với đề tài này. Đề tài thật sự hấp dẫn và gợi cảm hứng mạnh mẽ cho người nghiên cứu. Ở một mức độ nào đó, có thể nói “Từ Người đẹp say ngủ của Yasunari Kawabata đến Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Gabriel García Márquez” là một đề tài đòi hỏi người viết phải “khơi những nguồn chưa ai khơi”(Nam Cao) và đi vào khám phá mảnh đất văn học còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, người viết biết mình chưa phải là một nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, -5- cũng như vẫn chưa đủ kiến thức, vốn sống, vốn hiểu biết để có thể khai thác hết những giá trị của hai tác phẩm vốn rất cần một bề dày trải nghiệm, nhất là về tuổi tác. Vì thế, bằng sự cố gắng và nỗ lực hết sức, người viết chỉ mong rằng sẽ góp một tiếng nói nhỏ bé, một suy nghĩ vừa tầm để đáp ứng phần nào yêu cầu rất lớn mà đề tài đặt ra. Sau cùng, tôi cũng bị lôi cuốn bởi sự kỳ diệu khi nhận ra có những khoảnh khắc mà những tâm hồn đồng điệu gặp nhau như Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết về Nguyễn Du: “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu”. Ở đây, phải nói rằng điệu tâm hồn của Yasunari Kawabata, nhà văn Nhật Bản và Gabriel García Márquez, nhà văn Côlômbia đã hòa nhịp cùng tấu lên khúc nhạc về tình người. Trong đó, mỗi người lại tạo cho mình một giọng điệu riêng không lẫn vào nhau được, mỗi người có một giai điệu biến tấu độc đáo làm nên bản sắc đặc biệt mang dấu ấn của chính mình. Sự hấp dẫn của đề tài đối với người viết cũng nằm ở chỗ đó. Tóm lại, đến với đề tài này, người viết biết rằng đây là một thách thức. Tuy nhiên, người viết vẫn quyết định lựa chọn nó và tìm hiểu, nghiên cứu theo khả năng vốn có của mình cùng với sự gợi mở, định hướng tận tình của người hướng dẫn để có thể đạt được mục tiêu nhất định. Người viết chấp nhận thách thức và sẽ cố gắng vượt qua thách thức đó như một cách giúp mình được lớn hơn trong suy nghĩ, trong học tập và trong cuộc sống ngày thường. 2. Lịch sử vấn đề : Trước tiên, đề tài: “Từ Người đẹp say ngủ của Yasunari Kawabata đến Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Gabriel García Márquez” được lấy ý tưởng từ sự liên hệ thú vị như một phát hiện mới trong lời giới thiệu quyển Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Márquez do đầu sách First news trình bày: “Tác phẩm này khiến người đọc nhớ đến Người đẹp say ngủ của nhà văn Kawabata. Thật kì lạ cho sự gặp gỡ giữa hai nhà văn sống trong hai nền văn hóa xa nhau, khác lạ với nhau là Mỹ Latinh và Nhật Bản” [13, tr.6,7]. Đồng thời, theo nguồn Guardian trên trang web http://evan.vnxpress.net (Thanh Huyền dịch) có bài viết với tiêu đề Chuyện tình buồn trong tác phẩm mới của Márquez, tác giả Alberto Manguel không chỉ nhận định như một lời giới thiệu ngắn về câu chuyện mà còn đặt nó trong hệ thống để khái quát tầng ý nghĩa phong phú của tác phẩm. Cũng trong bài viết này, Alberto Manguel vô tình hay hữu ý có đặt ra vấn đề môtip truyện xuất hiện trong các tác phẩm của Márquez từng được một số nhà văn lớn trên thế giới đề cập đến, trong đó có tiểu thuyết Người -6- đẹp say ngủ của Kawabata nhưng chỉ dừng lại đó mà không đi vào phân tích cụ thể mà chỉ đưa ra nhận xét sơ bộ như sau: “Đó là những tác phẩm về những người đàn ông già cả, nỗ lực tìm về quãng đời tuổi trẻ của mình bỗng bắt gặp những tình cảm khác, mong manh nhưng nhân văn và ấm áp tình người” [12, tr.2]. Trên đây có thể xem là hai ý kiến có liên quan trực tiếp nhất với đề tài luận văn của người viết. Ngoài ra, người viết chưa tìm được các ý kiến mang tính tổng hợp tương tự mà chỉ tìm thấy rất nhiều các công trình nghiên cứu riêng về từng tác phẩm. Sau đây người viết sẽ liệt kê một số công trình tiêu biểu: Đối với tác phẩm Người đẹp say ngủ của Kawabata, đáng chú ý là công trình nghiên cứu khá đồ sộ của tác giả Đào Thị Thu Hằng về Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, trong đó đề cập đến tác giả và tác phẩm dưới hình thức liệt kê sơ lược, sau đó là công việc phân tích dẫn chứng làm rõ cho vấn đề Nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Kawabata mà tác giả này đang tìm hiểu. Cũng trong công trình nghiên cứu này, tác giả Thu Hằng đã có một phần dành cho việc so sánh yếu tố huyền ảo trong toàn bộ tác phẩm của Kawabata và Marquez trên các phương diện như thời gian, không gian, chi tiết liên truyện, giọng điệu và nhịp điệu kể chuyện. Có thể nói đây là sự so sánh hiếm hoi, quý giá giữa hai nhà văn lớn này trên văn đàn. Tác giả bài viết vừa nêu đã nói về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và thú vị giữa hai nhà văn: “Vào một ngày đẹp trời, sau khi đọc xong Người đẹp say ngủ, Marquez đã nói rằng: cho đến tận khi ấy, ông mới chú ý đến nền văn học Nhật Bản và ca ngợi tác phẩm ấy là kiệt tác của thế giới” [9, tr.233]. Tiếp theo, bàn về không gian và thời gian nghệ thuật, tác giả Khương Việt Hà trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 1 năm 2004 có công bố bài viết Thủ pháp tương phản trong truyện Người đẹp say ngủ của Yasunari Kawabata. Bài viết tập trung đi sâu khai thác thủ pháp tương phản trong việc tái tạo không gian và thời gian nghệ thuật, chi tiết nghệ thuật, miêu tả hình thức và khắc họa nội tâm nhân vật, nội dung tư tưởng của tác phẩm, sự đối lập giữa ý nghĩa ngợi ca và ý nghĩa phê phán. Cũng trên tạp chí Nghiên cứu văn học (11-2005), tác giả Nguyễn Thị Mai Liên đã cho ra mắt bài Yasunari Kawabata- Người lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp. Tác giả nhấn mạnh đến cái Đẹp mà Kawabata phản ánh trong tác phẩm với các tiêu chí: khiêm nhường, thanh tao, trong sáng, thanh xuân, hài hòa, u buồn và hư ảo. Các -7- tiêu chí này theo chúng tôi là phù hợp với tiểu thuyết Người đẹp say ngủ mà chúng tôi đang khảo sát và đối chiếu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn điểm qua được một số ý kiến cũng như những bài viết bằng tiếng Anh của các nhà nghiên cứu nước ngoài có liên quan đến tác phẩm Người đẹp say ngủ của Kawabata. Có thể kể đến một chương trong công trình nghiên cứu về cái nhìn của các đối tượng trong tác phẩm của Kawabata dưới góc độ tự sự, được lí giải bằng các quan điểm triết học, văn hóa học. Đó là chương VI với tên đề mục: Nghi ngờ ưu thế cái nhìn của cái nhìn đàn ông- Lường trước cái nhìn đàn bà trong người đẹp say ngủ của Gloria R.Montebruno, nghiên cứu sinh người Italia tại Đại học California năm 2003. Sau cùng, Yukio Mishima, một người bạn thân của Kawabata, trong lời giới thiệu cuốn Ngôi nhà của những người đẹp say ngủ và những truyện khác cũng đưa ra những nhận xét rất xác đáng về văn phong cũng như đề tài tư tưởng của nhà văn Kawabata. Tác giả nói đến điều đặc biệt trong các tác phẩm mà tiêu biểu là “Ngôi nhà của những người đẹp say ngủ là những môtíp trái ngược như sự bất tử, cái chết và dục tính lại được đặt cạnh nhau một cách hoàn hảo. Trong câu chuyện có nhiều ẩn dụ, biểu tượng và văn phong dòng ý thức” [9, tr.63]. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy trên nhiều trang web những nhận định khác nhau về tác phẩm của nhà văn người Nhật này, có thể liệt kê một số ý kiến như sau: Tác giả Ngô Thanh trên trang http://opera.com có bài viết lý giải “mã nghệ thuật” về Biểu tượng cơ thể nữ trong Người đẹp say ngủ của Kawabata thông qua cái nhìn của nhân vật chính Eguchi. Tác giả viết trong phần kết luận :“Những kí thác của ông mãi là ẩn số khơi gợi hứng thú tìm tòi của độc giả” [19, tr.4]. Rõ ràng tác giả bài viết chủ yếu khơi gợi ra hướng cảm nhận mới khá tự do cho độc giả theo góc nhìn riêng của mình. Tiếp đến là tác giả Thụy Khuê trên trang http://thuykhue.free.fr viết về tác phẩm Người đẹp say ngủ trong mối liên hệ mật thiết giữa cuộc phiêu lưu kí ức, tâm trạng của nhân vật chính với quãng đời cuối của nhà văn Kawabata. Hoặc một ý kiến nhỏ trên trang http://newviettart.com , sachhay.com đều cho rằng để hiểu Kawabata không thể chỉ dựa trên những con chữ bề mặt, nhất là đối với tác phẩm Người đẹp say ngủ mà phải đi sâu tìm hiểu thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo của Kawabata nói riêng, của văn hóa Nhật Bản nói chung. -8- Đối với tác phẩm Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, tác phẩm vừa mới xuất bản gần đây (năm 2004), chúng ta phải thừa nhận rằng đây là một tác phẩm ít được giới phê bình văn học đề cập đến. Người viết có ghi nhận được trong cuốn tự truyện Sống để kể lại gồm tám chương kể về những thăng trầm trong cuộc đời, nhà văn Marquez đã tự phác họa chân dung một con người “lắm tài nhiều tật” giúp người viết có được những liên hệ cần thiết giữa cuộc đời thực và những mảnh đời trên trang viết của ông: “Tôi, một thanh niên hoàn toàn khỏe mạnh nhưng mắc khá nhiều tật xấu: trốn nghĩa vụ quân sự, không dưới hai lần mắc bệnh lậu và là một con nghiện thuốc lá hạng nặng với sáu mươi điếu thuộc loại rẻ mỗi ngày. Vào những lúc rảnh rỗi, với chút tiền nhuận bút viết cho tờ El Helraclo tôi thường hay đến Barranquilla và Cartagenna de Indias, hai địa điểm ăn chơi bên bờ biển Caribe để tiêu khiển và đốt đời mình trong hơi thuốc lá, men rượu cũng như các cô gái làng chơi gợi cảm” [14, tr.13]. Và một trong những lời chân thật này đã được Márquez bộc bạch gần như trọn vẹn ở tác phẩm Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của mình. Ngoài những điều trên, người viết thật sự chưa tìm được nhiều ý kiến bình luận về tác phẩm này, chỉ có những lời giới thiệu đơn giản ngắn gọn cùng với việc tóm tắt nội dung cốt truyện mà chúng tôi thu thập được hầu hết trên các trang web. Chúng tôi có đọc được một cảm nhận tương đối ngắn trên trang: http://caneton0901.multiply.com khi đọc tác phẩm Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của một tác giả không rõ tên, tác giả này tiết lộ: “câu chuyện với giọng văn mạch lạc đã thôi miên tôi từ những câu chữ đầu tiên” và đồng thời khẳng định: “Memoria de mis putas tristes” không phải là than vãn của một ông già ở tuổi 90 mà là lời chứng minh cho chân lý “những người già không bao giờ quên chỗ giấu kho báu của mình”. Tiếp đến là thông tin tác phẩm bị cấm lưu hành tại Iran trên trang http://evan.vnexpress.net, qua việc phân tích và trình bày những nguyên nhân cụ thể, tác giả Hà Linh đã giúp người đọc nhận ra được mối quan hệ giữa nhà văn- tác phẩm và cuộc sống theo lý thuyết về thực tế tiếp nhận một hiện tượng văn học độc đáo. Nhìn chung, các nhận định đánh giá đều không phủ nhận giá trị đích thực của hai tác phẩm này. Hơn thế, trong một giới hạn nhất định đã có sợi dây vô hình nối kết chúng với nhau nhưng theo người viết nhận thấy thì sự liên kết được chỉ ra vẫn còn -9- mỏng manh, chưa thành hình thành khối. Điều quan trọng là chúng ta phải làm cho sợi dây ấy trở nên hữu hình để dễ bề nắm bắt và đó cũng chính là mục đích yêu cầu của đề tài luận văn mà người viết đang nỗ lực thực hiện. 3. Mục đích yêu cầu : Như đã nói, người viết đến với đề tài: “Từ Người đẹp say ngủ của Kawabata đến Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Marquez” với mục đích cơ bản là làm rõ diện mạo cuộc gặp gỡ thú vị giữa hai nhà văn qua hai tác phẩm thể hiện trên những mặt cụ thể. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ tập trung làm rõ những nét tương đồng và dị biệt, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân chủ quan và khách quan của sự tương đồng và dị biệt đó. Song, nhìn lại, mục đích cuối cùng của luận văn vẫn là làm thế nào để thấy được cái hay riêng có của mỗi tác phẩm trong cái chung mang tính toàn nhân loại. Đề tài đặt ra cho người nghiên cứu một số yêu cầu về mặt nội dung và hình thức cụ thể như sau: Trước tiên, theo chúng tôi cần phải có cơ sở lý luận cơ bản làm nền tảng nghiên cứu. Ở đây, trong khuôn khổ đề tài này, chủ yếu chúng tôi dựa trên hệ thống lý luận văn học so sánh và một số giới thuyết, khái niệm có liên quan. Thứ hai là về việc khảo sát hai tác phẩm phải bám sát vấn đề nghiên cứu, tránh rơi vào tình trạng phân tích từng tác phẩm một cách rời rạc, chắp nối. Yêu cầu quan trọng nữa là về tư tưởng nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy phải khách quan và công bằng, không đánh đồng, không chủ quan hay thiên lệch trong nhận xét, đánh giá. Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi đã cố gắng xác định cho mình một hướng đi mới và giải quyết vấn đề đặt ra một cách triệt để nhất. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có quá trình tìm hiểu lâu dài và kinh nghiệm nghiên cứu mà điều này thì chính là khiếm khuyết cơ bản của các sinh viên lần đầu làm luận văn như chúng tôi, vì vậy, luận văn chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi cũng như những đóng góp, bổ sung từ người đọc để có thể hoàn thiện dần công trình nghiên cứu này. 4. Phương pháp nghiên cứu : Để tiến hành công việc nghiên cứu, giải quyết vấn đề, chúng tôi phải đáp ứng yêu cầu thiết yếu của đề tài là khảo sát tỉ mĩ hai tác phẩm trên nhiều bình diện khác nhau. Song song đó là tìm hiểu, thu thập thông tin về hai tác giả nổi tiếng này để có - 10 - niềm tin lập luận cao nhất trong mối tương quan với tác phẩm. Hơn thế nữa, đây là một đề tài đòi hỏi nhiều ở thao tác so sánh, thế nên xuyên suốt quá trình thực hiện, chúng tôi cố gắng vận dụng linh hoạt một trong những phương pháp cơ bản của bộ môn nghiên cứu này như: phương pháp phân tích tâm lí, phương pháp tiếp cận lịch sử xã hội, phương pháp hệ thống,… Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tiếp tục với các thao tác truyền thống như: phân tích, chứng minh kết hợp thao tác tổng hợp,…trong nhiều phần, nhiều mục, trên cở sơ đó mới có thể lý giải vấn đề một cách xác đáng và có hiệu quả hơn. 5. Phạm vi nghiên cứu : Nếu nhìn từ bên ngoài, đề tài “Từ Người đẹp say ngủ của Kawabata đến Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Marquez” thật sự sẽ gợi cho người đọc một trường liên tưởng phong phú và đa dạng. Nhưng khi đi vào thực tế nghiên cứu, chúng tôi tự xác định cho mình giới hạn, phạm vi phù hợp với khả năng và năng lực của mình. Chúng tôi cho rằng: Về mặt văn bản tác phẩm, chủ yếu là khảo sát tập trung trên hai tác phẩm Người đẹp say ngủ của Kawabata và Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của Marquez. Đồng thời, để công việc nghiên cứu không nằm ngoài hệ thống, chúng tôi có tìm hiểu một số tác phẩm tiêu biểu khác của hai nhà văn này. Về mặt tư liệu, chúng tôi tham khảo chủ yếu các công trình nghiên cứu chung về tác giả và tác phẩm, lý luận văn học cùng một số bài viết, ý kiến có liên quan ít nhiều đến hai tác phẩm từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Về nội dung đề tài nghiên cứu, chúng tôi tập trung đi vào khai thác các đặc điểm về đề tài, cốt truyện, nhân vật và nội dung tư tưởng của hai tác phẩm để thấy những điểm tương đồng và dị biệt trong cuộc gặp gỡ văn chương hi hữu này. Qua đó có thể nhận ra được dấu ấn phong cách cá nhân của hai tác giả đầy tài năng thuộc hai nền văn hóa- văn học khác nhau thể hiện như thế nào qua hai tác phẩm mà thoạt nhìn không ít người có thể nghĩ rằng hai tác phẩm có sự gần gũi mật thiết và trùng lắp một cách cố ý. Từ phạm vi nghiên cứu không quá rộng như vậy, chúng tôi nghĩ rằng những gì chúng tôi trình bày ở đây có thể gieo mầm một ý tưởng nào đó ít nhiều có liên quan đến vấn đề để trong tương lai, cái nhìn về cuộc gặp gỡ này toàn diện và đa chiều hơn. - 11 - PHẦN NỘI DUNG CHÍNH - 12 - CHƯƠNG 1: TÌM HIỂU CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ VĂN HỌC SO SÁNH Trong đời sống, chúng ta thường hay có thói quen so sánh một, hai hay nhiều sự vật, hiện tượng với nhau nhằm tạo nên sự hơn thua cao thấp, cái nào có giá trị hơn và cái nào bắt chước cái kia. Tuy nhiên, so sánh trong văn học phải vượt lên trên những mục đích tầm thường đó để hướng tới những điều cao thượng và chân chính. So sánh trong văn học để đề cao, khẳng định từng đối tượng hơn là lật đỗ chỗ đứng, vị trí vốn có của chúng trên văn đàn. 1.1. Về khái niệm văn học so sánh : Văn học so sánh là một khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu lí luận nhắc đến, thậm chí đã có nhiều công trình nghiên cứu quy mô định hướng cho hệ thống lí luận còn khá là mới mẻ này. Nhìn chung lại, chúng tôi đã khái quát một số nội dung chính có liên quan và đáng chú ý cũng như sự liên hệ với một số nhận định của các nhà nghiên cứu khác bằng sự hiểu biết và tiếp thu của mình. Trước hết, tại sao phải có nghiên cứu so sánh về văn chương?. Văn học so sánh là ngành nghiên cứu ra đời nhằm khám phá mối liên hệ văn học giữa các quốc gia hay liên quốc gia, bổ sung quan trọng cho hướng nghiên cứu văn học dân tộc biệt lập từ trước đến nay. Thiếu văn học so sánh chúng ta sẽ chỉ khép cửa đề cao một chiều văn học dân tộc, thiếu hẳn ý thức về vị thế, thân phận, tư cách của văn học dân tộc mình trong cộng đồng văn học nhân loại. Thiếu văn học so sánh chúng ta sẽ thiếu con mắt quốc tế để nhìn nhận mỗi thành tựu và yếu kém của chúng ta. Thiếu văn học so sánh chúng ta mất khả năng đánh giá những tiềm năng sáng tạo tự chủ của văn học dân tộc trước các ngọn sóng triều văn học không ngừng xô đến từ nhiều phương khác nhau. Vì thế phải có văn học so sánh. Trước đây có một thời có một số người rất sợ văn học so sánh. Họ sợ rằng nghiên cứu văn học so sánh chỉ có lợi cho những nước có truyền thống và văn học hùng hậu, còn đối với nền văn học nhỏ yếu đi sau, càng so sánh càng lộ ra sự yếu kém, sợ làm mất niềm tin. Nhưng đó là cái nhìn cũ, chỉ thấy có một mặt vấn đề trong văn học so sánh. Ngày nay, với lí thuyết tiếp nhận và giao lưu văn hoá, tiếp nhận đã thành một bình diện lớn của văn học so sánh. Ngày trước, lí luận văn học so sánh chỉ quan tâm con đường ảnh hưởng từ A đến B (người phát và người nhận). Ngày nay, văn học so sánh còn tập trung nghiên cứu sự tiếp nhận của B đối với A. Tầm đón nhận của văn - 13 - học mỗi dân tộc sẽ quy định sự tiếp nhận đó. Chính sự tiếp nhận là tấm gương phản ánh cá tính, tiềm lực của chủ thể người tiếp nhận, phản ánh mối duyên văn học của các dân tộc. Không chỉ tiếp nhận văn học mà còn tiếp nhận lí luận và mĩ học nữa. Những người chỉ nhìn thấy mối quan hệ văn học từ phía ảnh hưởng chỉ thấy kết quả ảnh hưởng là những hiện tượng văn học đồng nhất, nhưng nhìn từ phía chủ thể tiếp nhận mới hay kết quả tiếp nhận là những hiện tượng đa nguyên đa dạng. Và sự chủ động tiếp nhận, chứ không phải là sự bắt chước giản đơn lại là con đường tự làm giàu, tự phát triển của văn học dân tộc. Nghiên cứu tiếp nhận là nghiên cứu sự định vị của chủ thể tiếp nhận. Trong lịch sử văn học các dân tộc không nơi nào từ chối tiếp nhận, vì đó là nhu cầu của tiến bộ. Đọc một bài thơ hay nhìn thấy một bức tranh, một tòa nhà ta sẽ có một chút cảm nhận đặc tính của chúng. Đọc hay xem một bản sao khác của cùng một thứ- một tác phẩm nghệ thuật khác- tất nhiên không giống như cũ mà chỉ tạo ra hy vọng bước đầu tiến đến nhận thức được ở mỗi trường hợp cái gì là tốt, độc đáo, khó khăn. Văn học so sánh hình thành là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật trên tinh thần xác định tính chất và đánh giá sự việc với mục tiêu khái quát văn học nhân loại và chứng minh tính đặc thù của các nền văn học dân tộc. So sánh mới tránh được sự đánh giá thuần túy dựa vào thị hiếu ngoài thời gian, ngoài điều kiện xã hội. So sánh là phương tiện để khẳng định tính ưu việt riêng biệt dân tộc và đề xuất một lý tưởng nghệ thuật thống nhất. So sánh là sự mở rộng sự cảm nhận nghệ thuật cho người tiếp nhận. Tại sao gọi là Văn học so sánh?. Theo tác giả Nguyễn Văn Dân thì “chúng ta không nên hiểu đó là một nền văn học được so sánh mà thực chất nó là một bộ môn khoa học có chức năng so sánh một nền văn học này với một hay nhiều nền văn học khác hoặc so sánh các hiện tượng của các nền văn học khác nhau” [6, tr.17-18]. Văn học so sánh nghiên cứu hai hay nhiều nền văn học dân tộc trong tương quan, trong ảnh hưởng hai chiều hay nhiều chiều, trong tương tác lẫn nhau. Vì thế chúng ta có thể nhìn nhận Văn học so sánh như một thuật ngữ văn học. Văn học so sánh có thể được bảo vệ và định danh tốt nhất bằng quan điểm và tinh thần của nó chứ không phải bởi bất cứ phân định nào trong văn chương. Nó sẽ nghiên cứu tất cả các nền văn học, các hiện tượng văn học từ quan điểm quốc tế, với ý thức về tính thống nhất của tất cả các sáng tạo và kinh nghiệm văn chương. Theo khái niệm này, Văn học so sánh đồng nhất với nghiên cứu văn học, không phụ thuộc vào các ranh giới ngôn ngữ, dân tộc và chính trị. - 14 - So sánh văn học bao gồm ba bộ phận cơ bản: [6, tr.20] -Những mối quan hệ trực tiếp giữa các nền văn học dân tộc (những ảnh hưởng và vay mượn lẫn nhau giữa các nền văn học). -Những điểm tương đồng (những điểm giống nhau giữa các nền văn học sinh ra không phải do ảnh hưởng giữa chúng mà do điều kiện lịch sử xã hội giống nhau). -Những điểm khác biệt độc lập biểu hiện bản sắc của các hiện tượng văn học dân tộc hay các nền văn học dân tộc được chứng minh bằng phương pháp so sánh. Có thể nói rằng từ vạch xuất phát dến điểm cuối cùng của văn học so sánh không phải chỉ là để tìm ra những nguồn gốc vay mượn, những ảnh hưởng trực tiếp hoặc là chỉ để tìm ra những điểm giống nhau giữa các hiện tượng được so sánh mà nó còn có điểm dừng nhất định. Đó là trường hợp một khi hoàn cảnh thực tiễn nào đó đòi hỏi thì người làm công việc so sánh có nhiệm vụ so sánh để chứng minh sự khác biệt nhằm bác bỏ một giả thuyết nào đó về khả năng có sự ảnh hưởng ở đây. Người ta cho rằng nhiệm vụ thứ ba này là không thường xuyên, nói chung thường được thực hiện đồng thời với hai nhiệm vụ đầu tiên. 1.2. Đối tượng nghiên cứu cơ bản của văn học so sánh: 1.2.1. Các mối quan hệ trực tiếp: Đây là việc đối chiếu văn bản tìm ra điểm giống nhau về các mặt: tư tưởng, đề tài, phong cách, kỹ thuật xây dựng tác phẩm…để xác định các hiện tượng giao lưu văn học một cách thuần túy thực chứng và thuần túy sự kiện. Trong đó chú ý đến những điều kiện chủ quan và khách quan cụ thể của nhân tố tiếp nhận ảnh hưởng cũng như sự phân biệt hiện tượng bị ảnh hưởng thụ động với hiện tượng vay mượn chủ động [6, tr.61-62]. Công việc này đòi hỏi độ chính xác tương đối cao cũng như phải đảm bảo tối đa tư duy lôgic trong suốt quá trình phân định, so sánh. Tuy là việc làm thuần túy nhưng trong chừng mực nào đó nó không hoàn toàn đơn giản mà vô cùng quan trọng đặt nền móng cơ sở để có thể tiến đến những bước xa hơn ví như người thợ xây những viên gạch đầu tiên tạo nền tảng vững chắc cho ngôi nhà vậy. 1.2.2. Các điểm tương đồng: Năm 1966, nhà so sánh luận Xôviết nổi tiếng Zhirmunski đã nói về đối tượng và mục đích của bộ môn văn học so sánh rằng: các phong trào văn học nói chung và các sự kiện văn học nói riêng- với tư cách là các hiện tượng quốc tế- một phần được xây dựng trên cơ sở của những giao lưu văn hóa và văn học giữa các dân tộc đó. - 15 - Những điểm tương đồng và quy tụ về mặt loại hình thuộc cùng một kiểu giữa các nền văn học của các dân tộc ở cách xa nhau, không có sự tiếp xúc trực tiếp với nhau, có những khía cạnh chung nhiều hơn là người ta vẫn tưởng. Tất nhiên, cũng giống như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, những điểm đồng quy giữa các nền văn học bao giờ cũng bị kiềm chế bởi những điểm khác biệt đặc thù do đặc điểm phát triển lịch sử của dân tộc và địa phương gây ra. Đây là một trong những đối tượng nghiên cứu cơ bản của văn học so sánh. Chúng ta phải thừa nhận rằng không biết bằng cách nào, vô tình hay hữu ý, ít nhiều các giá trị tinh thần trong đời sống xã hội nói chung, trong văn học nói riêng có những điểm gần gũi nhau ở một mức độ nào đó mà đôi khi chúng ta cũng khó lý giải. Các điểm tương đồng chính là điểm nhìn chung của nhiều nhà văn về cuộc sống nhưng trong đó lại thể hiện những gì rất riêng sao cho phù hợp với phong cách sống và quan niệm sống của mình, của người. 1.2.3. Các điểm khác biệt độc lập: Thực ra có thể nói đối tượng thứ ba này là đối tượng bổ sung cho hai đối tượng đầu làm cho văn học so sánh trở thành một bộ môn hoàn chỉnh và hữu hiệu. Đó là những trường hợp trong hoàn cảnh cụ thể đòi hỏi so sánh để nhấn mạnh cái chung hoặc cái đặc thù. Trong thực tiễn nghiên cứu, đôi khi người nghiên cứu phải so sánh hai hiện tượng văn học khác nhau để chứng minh cho mức độ khác nhau giữa chúng, qua đó khẳng định thêm cho một yêu cầu nào đó của mình [6, tr.77]. Các điểm khác biệt độc lập là điều kiện để xác định tính đặc thù riêng có ở mỗi nền văn học, mỗi hiện tượng văn học. Nó góp phần tạo nên những nét bản sắc của từng đối tượng so sánh cụ thể. Từ đó mới có thể tìm được ranh giới cần thiết trả chúng về đúng vị trí của mình. Cũng giống như hai đối tượng nghiên cứu của văn học so sánh đã nói ở trên, để có thể xác định đúng các điểm khác biệt độc lập thì người làm công việc so sánh không thể tách khỏi những đặc điểm về văn hóa, xã hội…và đặc biệt là dấu ấn phong cách được thể hiện trong tác phẩm. 1.3. Những chủ đề nghiên cứu chính của văn học so sánh: 1.3.1. Nghiên cứu thể loại văn học: Khác với lý luận văn học, trong khi bộ môn này nghiên cứu thể loại một cách có hệ thống để rút ra những nguyên tắc khái quát chung thì văn học so sánh lại nghiên cứu nó dưới dạng các quan hệ quốc tế và với những vấn đề rất cụ thể. Thể loại văn học - 16 - được nhìn nhận như phương tiện trao đổi quốc tế, vừa là hình thức biểu hiện nghệ thuật. Nhiệm vụ của nhà so sánh luận là phải tìm ra những sự ảnh hưởng bên ngoài và những yếu tố sáng tạo bên trong có ý nghĩa cách tân về mặt thể loại. Trong một số trường hợp, đặc trưng về thể loại cũng có thể là cơ sở cho những thể hiện mới và có khi nó lại phục vụ cho một ý đồ nghệ thuật nào đó. Song, chúng ta không nên dựa vào đó mà hạn định hay kiềm chế sức sáng tạo của người cầm bút. Thể loại văn học, bước đầu được xem là kết quả nghiên cứu trong văn học so sánh nhưng càng về sau chúng ta càng nhận thấy được tính chất ươm mầm tư duy của nó. 1.3.2. Nghiên cứu đề tài, truyền thuyết: Đây là chủ đề được chú ý nhiều trong văn học so sánh và có thể xem nó là mảnh đất phì nhiêu của văn học so sánh. Khi các tác giả khai thác cùng một đề tài thì công việc xác định nguồn gốc, tính chất và mức độ ưa thích là cơ sở xác định sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tác giả đó. Điều này có nghĩa là chúng ta phải xem xét đề tài với phạm vi rộng hay hẹp, xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác hay đứt quản, tức thời. Một trong những cơ sở để đánh giá mức độ thể hiện dấu ấn phong cách là ở đề tài. Tần số xuất hiện của đề tài càng cao thì dấu ấn càng đậm nét. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng đây chỉ là một khảo sát mang tính tương đối. Không hoàn toàn chi phối được hết nội dung tư tưởng của tác phẩm nhưng đề tài là cái nhìn có tính định hướng. 1.3.3. Nghiên cứu tư tưởng trong văn học: Tư tưởng là một bộ phận quan trọng, một hiện tượng phức tạp của văn học. Nó thể hiện ý kiến cá nhân của nhà văn, có thể là khẳng định, là phát triển tư tưởng cũ nhưng cũng có thể là phủ định hoặc nghi ngờ. Nguồn gốc của tư tưởng rất đa dạng, từ tôn giáo, từ triết học, từ đạo đức học, từ mỹ học và đôi khi là đóng góp của chính bản thân văn học mà ngay chính nhà văn cũng không lường trước được. Do vậy, khi nghiên cứu tư tưởng văn học, chúng ta cần phải quan tâm đến tình trạng mâu thuẫn của nó để chỉ ra cho nhà văn thấy chỗ nào còn thiếu bóng cây đời và chỗ nào quá thừa chất xám phi thẩm mĩ. Tư tưởng là phạm vi nghiên cứu quan trọng của văn học so sánh. Tìm hiểu tư tưởng nhà văn là bước đầu khám phá thế giới tâm hồn của tài năng và phong cách. Tư tưởng cũng là nơi hội tụ của những yếu tố làm nên giá trị tinh thần của tác phẩm. Văn học so sánh đôi khi lại kiêm luôn công việc của một nhân tố thúc đẩy, thuyết phục - 17 - người đọc nhìn nhận rằng hai đối tượng văn học có quan hệ với nhau về mặt tư tưởng và thừa nhận sự tồn tại đồng thời của chúng. 1.3.4. Nghiên cứu phong cách học: Phong cách là thủ pháp biểu hiện cách khai thác hình tượng đối với đời sống như thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả của nhà văn. Mặc dù phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng trong chừng mực nào đó nó vẫn mang một vài nét “hội tụ” nhất định. Những thay đổi về lối sống và cuộc sống tinh thần ngoài văn học là một chỗ dựa tương đối vững chắc để chúng ta tìm ra cơ sở của của sự dao động, đổi chiều hay diện mạo mới của phong cách sao cho phù hợp với yêu cầu của nhịp sống thời đại. Có thể nói không ở đâu hiệu quả của văn học so sánh thể hiện một cách chân thật và sống động hơn ở dấu ấn phong cách. Nghiên cứu phong cách học là làm rõ màu sắc, biểu hiện và khả năng tồn tại độc lập của tác phẩm nghệ thuật cùng tên tuổi của nhà văn. 1.3.5. Nghiên cứu trào lưu, trường phái văn học: Đây là công việc thường xuyên của các nhà so sánh luận chuyên nghiệp và có tầm cỡ. Nó tạo ra một sản phẩm so sánh mang tính khái quát cao và đảm bảo tư duy hệ thống.Vì thế nên nó đòi hỏi sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác. Có thể nói nghiên cứu trào lưu, trường phái văn học là nơi thể hiện rõ nhất mọi mâu thuẫn, đấu tranh và sự định hình phân chia trong đời sống văn học. Nghiên cứu trào lưu, trường phái văn học là công việc thường xuyên và rất cần có sự dung hòa của nhiều khía cạnh. Nó mang tầm thời đại và có ý nghĩa, tác động rộng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Nói chung, văn học so sánh là một phạm trù nghiên cứu rộng lớn. Nó chứa đựng và bao hàm ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Từ khi ra đời đến nay, văn học so sánh đã sớm trở thành hệ thống lý luận không ngừng được nghiên cứu, bổ sung và tiến đến sự hoàn thiện. Tùy trường hợp cụ thể mà hệ thống lý luận này được vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với năng lực và mục đích nghiên cứu. Ở đây, với đề tài này, người viết đã cố gắng xác định, chọn lọc những phương diện lý luận gần gũi nhất, nằm trong phạm vi tìm hiểu của mình. Trên cơ sở đó, người viết đi vào khai thác những biểu hiện cụ thể của sự tương đồng và dị biệt trên các mặt: đề tài, cốt truyện, nhân vật, tư tưởng. Tiếp đến, người viết đi vào lý giải phần nào những nguyên nhân khách quan và chủ quan của sự tương đồng và dị biệt đó để dần khắc họa chân dung phong cách của từng tác giả, làm rõ nét đặc thù, dấu ấn cá nhân. - 18 - Hai tác phẩm của hai nhà văn được người viết nhìn nhận và xác lập quan hệ trong mối tương quan của hai hiện tượng văn học có những điểm khác biệt độc lập- bộ phận thứ ba của văn học so sánh. Bởi lẽ, đây là hai hiện tượng không cùng một hệ thống hay nằm cùng một sự phân chia giới nào trong văn học từ trước đến nay, thậm chí giữa chúng còn có ranh giới ngăn cách về văn hóa, chính trị xã hội. Đó là những điểm khác biệt độc lập biểu hiện bản sắc của các hiện tượng văn học dân tộc hay các nền văn học dân tộc được chứng minh bằng phương pháp so sánh. Tuy nhiên, hai bộ phận cũng là hai đối tượng còn lại của văn học so sánh: các mối quan hệ trực tiếp và các điểm tương đồng đồng thời là điểm tựa lý luận cho người viết trong suốt quá trình nghiên cứu đề tài luận văn này. Các mối quan hệ trực tiếp có thể xem là chiếc chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa của hai ngôi nhà bí mật mà chúng tôi đang khám phá tuy xét về mặt hình thức còn khá thuần túy và sơ lược. Và cùng với những điểm khác biệt độc lập, những điểm tương đồng được khảo khác song song để làm nổi rõ tính chất, đặc điểm riêng và chung của hai hiện tượng được đem ra so sánh. Về chủ điểm nghiên cứu, như đã nói ở trên, người viết không những đi vào phân tích những chủ điểm cần thiết như: đề tài, tư tưởng hay phong cách…mà còn bổ sung một số mặt nhất định nảy sinh trong quá trình tìm hiểu, thậm chí có khi người viết khai thác chủ đề sẵn có (trường phái văn học) như một nguồn tư liệu cần thiết để khai triển một số vấn đề có liên quan. Chính điều đó khiến người viết nghĩ rằng so sánh phải bao quát hết mọi phương diện vì mỗi phương diện đều ít nhiều có những biểu hiện làm rõ mối quan hệ văn học. Về mặt phương pháp cũng vậy, người viết kết hợp các phương pháp cơ bản của văn học so sánh, đồng thời đặt từng tác phẩm vào mối quan hệ giữa nhà văn- tác phẩm và cuộc sống xã hội để có thể phân biệt được phong cách của mỗi nhà văn. Từ cơ sở lý thuyết của văn học so sánh đến giải quyết vấn đề cụ thể còn có khoảng cách tương đối. Người viết cho rằng dung lượng kiến thức nền tảng của văn học so sánh là khá rộng, vì thế trong giới hạn đề tài, người viết chỉ vận dụng có hạn định, có chọn lọc và tương đối phù hợp. Người viết hi vọng hai hiện tượng văn học cách xa nhau về không gian, chênh lệch về thời gian của hai tác giả thuộc hai nền văn hóa- văn học khác nhau này có thể sẽ bắt được nhịp cầu tri âm phần lớn nhờ vào hệ thống lý luận văn học so sánh. - 19 - CHƯƠNG 2: MỘT SỐ NÉT VỀ CÁC TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM 2.1. Tác giả Yasunari Kawabata và tác phẩm Người đẹp say ngủ: 2.1.1. Tác giả Yasunari Kawabata (Nhật Bản): 1899-1972 2.1.1.1. Tiểu sử: Kawabata sinh ở Osaka, mồ côi từ năm lên 2, từ đó cậu bé và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi cậu lên 7 thì thì bà ngoại qua đời, lên 9 thì mất chị, được 14 tuổi thì mất cả ông ngoại, cậu phải về Tokyo sống với gia đình người dì. Ở tuổi đôi mươi, Kawabata lại đánh mất một người mà ông hết lòng yêu thương, một thiếu nữ ông gọi là Chiyo. Ông đã cùng nàng hứa hôn nhưng khi mọi việc chuẩn bị xong, nàng bất ngờ từ hôn, không một lời giải thích. “Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ...”. Cảm thức cô đơn trong văn phẩm Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông. Cái cô đơn ấy bắt đầu với tập Nhật ký tuổi mười sáu. Khi nó được xuất bản vào năm 1925, tác phẩm đầu tay này có lẽ đã được viết lại dù trong đó, ấn tượng của một thiếu niên trước cái chết của người thân (ông ngoại) vẫn còn rõ nét. Những ngày cuối cùng khốn khổ của một người già yếu mù loà, cuộc sống cô độc của một thiếu niên nhỏ bé đối diện với sinh ly tử biệt được thể hiện chân thực. Hồi nhỏ, Kawabata vẫn mơ ước vẽ tranh. Nhưng đến tuổi mười lăm, ông cảm thấy mình có tài viết hơn là vẽ, nên quyết định chọn con đường văn chương. Do đó mà trong văn xuôi Kawabata, những phong cảnh thiên nhiên và thế giới tâm hồn không ngớt mở ra trước mắt ta những màu sắc tinh tế. Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo mà đáng chú ý nhất là tờ Mainichi Shimbun ở Osaka và Tokyo. Mặc dù đã từ chối và không tán thành việc quân phiệt Nhật tham gia chiến tranh thế giới thứ hai, ông cũng lại thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh là một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ông (cùng với cái chết của cả gia - 20 - đình khi ông còn trẻ); một thời gian ngắn sau đó ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi. Năm 1972 Kawabata tự tử bằng khí đốt trong một căn phòng ở Hayama, Kamakura. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nào là sức khoẻ kém, nào là một cuộc tình bị cấm đoán, nào là cú sốc do vụ tự tử của bạn ông, nhà văn Mishima Yukio năm 1970. Tuy nhiên, khác với Mishima, Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, và vì trong các tác phẩm của ông không có gợi ý gì, đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự của cái chết ấy. 2.1.1.2. Văn nghiệp: Thơ ca và truyện ngắn của Kawabata được ấn hành ngay từ lúc ông còn là học sinh trung học. Tình yêu thơ ca thấm đượm trong từng trang văn của ông, đặc biệt với loại truyện rất ngắn mà ông gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay, loại truyện mà ông luôn thích viết trong suốt cuộc đời mình, như ông giải thích: “Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca; còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay... Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu chuyện ấy...” Vào Đại học Tokyo, Kawabata nghiên cứu cả văn học Anh lẫn văn học Nhật. Ông say mê thơ văn cổ điển dân tộc như Truyện kể Genji của Murasaki Shikibu, Sách gối đầu của Sein Shonagon lẫn các tác giả hiện đại Tây phương như Marcel Proust, James Joyce... Khi còn là sinh viên ông đã cùng với Yokomitsu Riichi lập ra tờ Văn nghệ thời đại (Bungei jidai) làm cơ quan ngôn luận cho trường phái văn học tân cảm giác (shinkankaku-ha) nhằm thực hiện một “cuộc cách mạng văn học đối đầu với làn sóng văn học cách mạng đương thời”. Chọn con đường riêng cho mình, Kawabata tự bạch: “Tôi đã tiếp nhận nồng nhiệt văn chương Tây phương hiện đại và tôi cũng đã thử bắt chước nó, nhưng chủ yếu tôi là một người Đông phương và suốt mười lăm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình.” Một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu được công nhận nhờ một số truyện ngắn, và được khen ngợi với truyện Vũ nữ xứ Izu năm 1926, nói về những quyến rũ mới chớm của tình yêu tuổi trẻ. Các tác phẩm sau này của ông sẽ đi vào những chủ đề tình yêu tương tự. Các nhân vật của ông thường là các cô gái rất đẹp và trẻ, ông luôn hướng đến một vẻ đẹp vẹn toàn, ông cũng là người tôn sùng vẻ đẹp mỏng - 21 -
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan