Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Từ láy trong truyện ngắn nam cao...

Tài liệu Từ láy trong truyện ngắn nam cao

.PDF
112
711
97

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN HỒ THỊ NGỌC QUYỀN TỪ LÁY TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ văn Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP Cần Thơ, 05 – 2010 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT A. PHẦN MỞ ĐẦU I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ III. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU B. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG I: KHÁI LƯỢC VỀ TỪ LÁY 1. Khái niệm về từ láy 2. Phân loại từ láy 2.1 Từ láy đôi 2.1.1 Từ láy hoàn toàn 2.1.2 Từ láy bộ phận 2.1.2.1 Từ láy âm 2.1.2.2 Từ láy vần 2.2 Từ láy ba 2.3 Từ láy tư 3.Ý nghĩa, vai trò của từ láy 3.1 Ý nghĩa của từ láy 3.1.1 Nhóm từ láy mô phỏng âm thanh (gọi tắt là từ láy phỏng thanh) 3.1.2 Nhóm từ láy sắc thái hoá 3.1.3 Nhóm từ láy âm cách điệu 3.2 Vai trò của từ láy CHƯƠNG II: TỪ LÁY TRONG TRUYỆN NGẮN NAM CAO 1.Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác 1.1 Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác 1.2 Quan niệm nghệ thuật và đặc điểm truyện ngắn của Nam Cao 2. Khái quát về việc sử dụng từ láy trong truyện ngắn Nam Cao 2.1 Kiểu láy 2.2 Nhóm láy 2.3 Từ loại 3. Tác dụng của từ láy trong truyện ngắn Nam Cao 3.1 Miêu tả thiên nhiên 3.2 Miêu tả nhân vật C. KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO MỤC LỤC NHẬN XÉT PHỤ LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong ngôn ngữ dân tộc, từ láy là một lớp từ đặc biệt. Nó có cấu tạo rất độc đáo về hình thức ngữ âm và mang tính biểu cảm rất cao. Nói như tác giả Đỗ Hữu Châu “mỗi từ láy là một “nốt nhạc” về âm thanh chứa đựng trong mình một “bức tranh” cụ thể của các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác… kèm theo sự ấn tượng về sự cảm thụ chủ quan, những cách đánh giá, những thái độ của người nói trước sự vật, hiện tượng, đủ sức thông qua các giác quan hướng nội và hướng ngoại của người nghe mà tác động mạnh mẽ đến họ. Cho nên từ láy là những công cụ tạo hình rất đắc lực của văn học nghệ thuật…” [6; tr. 45]. Nhận định này cho thấy vai trò, tác dụng, tầm quan trọng của từ láy đối với việc sáng tạo văn chương. Trên văn đàn Việt Nam, có rất nhiều nhà văn nhà thơ vận dụng từ láy một cách sáng tạo, độc đáo viết lên những vần thơ, trang văn hấp dẫn say lòng người đọc. Trong nền văn học trung đại, tiêu biểu là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, bước sang thời kì hiện đại với những chân dung đẹp của nhiều dòng văn học, chúng ta có những tên tuổi lớn: Nam Cao, Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân… Trong nền văn học thuộc ý thức hệ tư sản, dòng văn học hiện thực phê phán là dòng văn học tiến bộ. Nhà văn sáng tác không phải để nói đến mình và để cho mình thưởng thức. Họ cũng không bị giam hãm trong quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Từ sau 1916 – 1917, chúng ta có ít nhiều tác phẩm có giá trị hiện thực phê phán. Đó là những truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, một số truyện dài của Hồ Biểu Chánh… Tuy nhiên, sáng tác của những nhà văn này còn nặng quan điểm cũ, quan điểm “trước thư lập ngôn”, “văn dĩ tải đạo”… Bước sang giai đoạn 1930 – 1945, văn học hiện thực phê phán có một cảnh sắc mới, số lượng tác phẩm nhiều hơn, các thể loại phong phú hơn. Văn học hiện thực phê phán ở giai đoạn này đã phát triển đến một trình độ cao với sự đóng góp to lớn của nhiều nhà văn tiêu biểu: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Nam Cao có một vị trí đặc biệt trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Nam Cao bước vào con đường văn chương khi trên văn đàn, dòng văn học hiện thực phê phán đã xuất hiện nhiều nhà văn tiêu biểu. Nhưng tên tuổi Nam Cao không bị lu mờ. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Nam Cao không giẫm lên lối mòn của những người đi trước. Những tác phẩm Nam Cao phản ánh chân thật, cuộc sống ngột ngạt, đen tối của xã hội thực dân phong kiến và thể hiện sinh động thân phận khổ đau, bế tắt của những người tiểu tư sản và nông dân. Vì Nam Cao đã “không nói những cái người ta đã nói không tả theo lối người ta tả. Ông dám bước vào làng văn với những cạnh sắc riêng của mình” (Lê văn Trương). Nam cao không chỉ tiếp thu truyền thống một cách thụ động mà trên cơ sở đó kế thừa sự phát triển và đã nắm bắt lĩnh hội một cách nhạy cảm những biến đổi và dao động của thời cuộc và con người để lựa chọn một phong cách trong sáng tạo nghệ thuật. Khẳng định tài năng Nam Cao qua mỗi tác phẩm biểu hiện trên nhiều bình diện: kết cấu, giọng điệu, cốt truyện, quan niệm nghệ thuật, chất tự thuật… Xét về phương diện ngôn từ, từ láy đã góp phần rất quan trọng tạo nên phong cách riêng của nhà văn như Nguyễn Hoành Khung đã khẳng định: “Phong cách của Nam Cao giai đoạn 1941 – 1945 kết tinh phong cách mọi thời đại”. Đi vào tìm hiểu từ láy trong truyện ngắn Nam Cao, chúng tôi không chỉ nhận biết được sự đa dạng, phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt mà còn thấy được cái tài hoa của nhà văn trong việc sử dụng từ láy để tạo nên những trang viết, những câu văn rung động lòng người. Chính điều đó đã góp phần làm nên cái hay, cái đặc sắc trong những sáng tác của Nam Cao. Vì lý do đó mà chúng tôi chọn đề tài Từ láy trong truyện ngắn Nam Cao làm luận văn tốt nghiệp. II. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ Các công trình nghiên cứu từ láy ra đời cho đến nay với một số lượng rất lớn. Các nhà nghiên cứu với mức độ tiếp cận khác nhau nhưng về cơ bản đều phân tích khá kỹ về đặc điểm cũng như cách phân loại từ láy. Đỗ Hữu Châu trong cuốn Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt đã phân tích tương đối kỹ mặt ý nghĩa của từ láy. Theo ông “vì các từ láy hình thành do phương thức láy tác động vào các hình vị cơ sở, cho nên ý nghĩa của các từ láy cũng hình thành từ ý nghĩa của hình vị cơ sở. Do đó, khi xét ý nghĩa của các từ láy cần phải đối chiếu ý nghĩa của nó với ý nghĩa của hình vị cơ sở” [6; tr. 40]. Tác giả đã đi sâu phân tích làm rõ tác dụng sắc thái hóa của các từ láy và chứng minh bằng các ví dụ rất cụ thể. Tuy nhiên, nhóm từ láy phỏng thanh và từ láy âm cách điệu chưa được ông đề cập đến nhiều. Hoàng Văn Hành trong cuốn Từ láy trong tiếng Việt phân tích khá kỹ mặt hình thức ngữ âm lẫn mặt ý nghĩa của nhóm từ láy. Bên cạnh đó, tác giả còn nêu lên tác dụng của từ láy khi đưa vào văn chương bằng việc chỉ ra giá trị biểu cảm, giá trị gợi tả và giá trị phong cách. Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh vai trò của từ láy đối với văn chương. Ông cho rằng “Sở trường của từ láy là làm chất liệu để xây dựng hình tượng. Cho nên, các nhà văn, nhà thơ rất chú ý sử dụng từ láy và lịch sử văn học Việt Nam đã từng quen biết những nhà nhà thơ, nhà văn có biệt tài trong việc sử dụng ngôn ngữ, trong đó có từ láy…” [8; tr. 124]. Vấn đề từ láy còn được tác giả Hoàng Văn Hành bàn đến trong quyển Từ tiếng Việt. Tác giả tổng hợp, đánh giá lại nhưng thành tựu nghiên cứu về từ láy từ trước cho đến nay. Tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt cũng đã đưa ra khái niệm về từ láy. Ông phân tích ý nghĩa của từ láy xét ở góc độ từ loại: danh từ, động từ, tính từ. Ông cho rằng “Từ láy là phương thức cấu tạo độc đáo của tiếng Việt. Lớp này biểu thị sắc thái biểu cảm có khả năng gợi hình, gợi cảm, gợi âm thanh và phản ánh những cảm giác tinh tế của con người đối với sự vật, hiện tượng khách quan” [17; tr. 109]. Trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng – từ ghép – đoản ngữ, tác giả Nguyễn Tài Cẩn cũng đi vào nghiên cứu vấn đề từ láy. Ông chia từ láy thành: láy đôi, láy ba, láy tư. Sau đó ông đưa ra các ví dụ và phân tích ví dụ đó trên cơ sở thanh điệu. Hơn nửa thế kỷ qua, việc nghiên cứu Nam Cao đã đạt được nhiều thành tựu. Giới phê bình nghiên cứu khi đọc lại Nam Cao không dừng lại ở những kết luận có sẵn mà cố gắng khơi sâu vào những “địa tầng” mới của văn chương Nam Cao, thể hiện trong những công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu: Hà Minh Đức – Đôi lứa xứng đôi, tập truyện sớm xác định phong cách độc đáo của Nam Cao, Nguyễn Đăng Mạnh – Nhớ Nam Cao và những bài học của ông, Phạm Quang Long – Một đặc điểm của thi pháp truyện Nam Cao, Trần Đình Sử - Cấu trúc đối thoại trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, Lê Hải Anh – Ngôn ngữ nửa trực tiếp – Nét tinh tế của ngôn ngữ trần thuật Nam Cao, Nguyễn Văn Hạnh – Nam Cao và khát vọng về một cuộc sống lương thiện… Ngoài ra phải kể đến công trình nghiên cứu như Nam Cao – Nhìn từ cuối thế kỷ của Phong Lê. Đánh giá về phương diện nghệ thuật, ông nhận định: “Văn Nam Cao, ngôn ngữ Nam Cao, cũng như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài… quả là đối tượng còn nhiều điều cần khám phá, để nói về cái giàu, cái hay của tiếng Việt đã phát huy được sức mạnh tối ưu như thế nào. Để thấy chỉ mới sau vài chục năm khởi động và chuyển động, văn quốc ngữ đã đạt đến trình độ Nam Cao và từ Nam Cao, cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, bất chấp mọi biến động xã hội, ngôn ngữ Nam Cao vẫn cập được bến bờ thời sự” [12; tr. 165 ]. Lại Nguyên Ân với công trình Nam Cao và cuộc cách tân văn học đầu thế kỷ XX cũng nhận định “Nam Cao tạo nên được một ngôn ngữ ít nhiều phức điệu, tổ chức được những mạng lưới phức tạp gồm cả ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, cả ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật thậm chí của những sự đan xen và nhòe lẫn vào nhau của hai ngôn ngữ ấy. Nam Cao là một trong số không nhiều tác giả cùng thời có những tác phẩm mà ngôn ngữ dường như không cũ đi so với thời gian, tức là có những tác phẩm đạt đến mức cổ điển của văn xuôi tiếng Việt” [1; tr. 176]. Bùi Công Thuấn với công trình Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng nhận xét “Thật khó có thể dùng từ ngữ để xác định nội dung phong cách của Nam Cao, bởi vì sắc thái của Nam Cao ấy thật phong phú. Rõ ràng Nam Cao có một phong cách ngôn ngữ riêng, một phong cách nghệ thuật riêng và một phong cách nhà văn riêng” [14; tr. 448]. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đều nghiên cứu tác giả, tác phẩm trên hai bình diện: nội dung – nghệ thuật. Trong phương diện nghệ thuật, vấn đề từ láy thì chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu, phân tích để làm nổi bật lên cái hay, cái độc đáo của Nam Cao trong việc vận dụng từ láy vào trong tác phẩm. III. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU Từ láy là một lớp từ phổ biến trong ngôn ngữ dân tộc. Nó được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày và đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cho nên, khi nghiên cứu đề tài này chúng tôi sẽ thấy được nhiều tác dụng thiết thực của từ láy. Thứ nhất, hiểu rõ hơn về tính đặc sắc và sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Thứ hai là thấy được sự tài tình và vốn hiểu biết vô cùng phong phú của Nam Cao trong việc vận dụng từ láy tạo nên những tác phẩm đầy sức hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Thứ ba là qua khảo sát lớp từ này, có thể làm nổi bật giá trị về nội dung, quan điểm nghệ thuật độc đáo của nhà văn. IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU Để thực hiện đề tài Từ láy trong truyện ngắn Nam Cao, trên cơ sở tìm hiểu kiểu cấu tạo, tác dụng của từ láy, chúng tôi sẽ đi vào phân tích nghệ thuật sử dụng và giá trị từ láy trong truyện ngắn Nam Cao. Với yêu cầu như thế, đối tượng khảo sát trước hết là một số công trình, bài viết liên quan đến từ láy. Kế đến là tác phẩm và những công trình nghiên cứu nhà văn Nam Cao. Trong khuôn khổ một luận văn tốt nghiệp, chúng tôi chỉ khảo sát truyện ngắn Nam Cao giai đoạn 1930 – 1945. Qua đó, làm nổi bật giá trị sử dụng từ láy của nhà văn qua tác phẩm của mình. V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để hoàn thành đề tài này, chúng tôi tổng hợp những tư liệu nghiên cứu về từ láy, về nhà văn Nam Cao. Các tài liệu này là cơ sở quan trọng góp phần giúp chúng tôi nắm vững kiến thức chung về từ láy cũng như đặc điểm về nội dung, nghệ thuật và phong cách sáng tác của nhà văn Nam Cao. Từ đó, chúng tôi đi vào phân tích cách dùng từ láy trong truyện ngắn Nam Cao. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiến hành thống kê, so sánh đối chiếu, phân loại từ láy để làm nổi bật giá trị, độc đáo, sáng tạo qua việc sử dụng từ láy trong tác phẩm Nam Cao. B. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG I KHÁI LƯỢC VỀ TỪ LÁY 1. Khái niệm về từ láy Láy là một phương thức cấu tạo từ quan trọng trong tiếng Việt đã sản sinh ra một số lượng từ khá lớn, chiếm vị trí quan trọng trong kho từ vựng tiếng Việt. Bởi vì mỗi từ đơn tiết hầu như đều có thể có những biến thể song tiết, dạng láy. Thế kỷ thứ XVIII được xem là thế kỷ phát triển đỉnh cao của từ láy theo con đường tự tạo. Từ đầu thế kỷ XX đến nay với sự phát triển cao của khoa học kỹ thuật, từ láy dường như chững lại trước sự sinh sôi, nảy nở và có phần lấn áp của từ ghép, từ khái niệm và các từ phiên âm. Tuy vậy, từ láy vẫn có một sức sống mãnh liệt chứng tỏ khả năng bền vững của nó. Vậy từ láy là gì? Để giải quyết câu hỏi này, các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra các khái niệm từ láy khác nhau. Theo Đỗ Hữu Châu thì “Từ láy là những từ được cấu tạo theo phương thức láy, đó là phương thức lặp lại toàn bộ bộ phận hình thức âm tiết (với thanh điệu giữ nguyên hay biến đổi theo qui tắc biến thanh, tức là qui tắc thanh điệu theo hai nhóm. Nhóm cao: thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngang và nhóm thấp: thanh huyền, thanh ngã, thanh nặng) của hình vị hay đơn vị có nghĩa” [6; tr. 34]. Hoàng Văn Hành đã trình bày quan điểm của mình về vấn đề từ láy của mình trong quyển Từ láy trong tiếng Việt: “Từ láy nói chung là từ được cấu tạo bằng cách nhân đôi tiếng gốc theo những qui tắc nhất định, sao cho quan hệ giữa các tiếng trong từ vừa điệp, vừa hài hoà với nhau về âm và về nghĩa có giá trị biểu trưng hóa” [8; tr.27]. Bên cạnh Đỗ Hữu Châu và Hoàng Văn Hành, Nguyễn Hữu Quỳnh trong quyển Ngữ pháp tiếng Việt đã đưa ra quan điểm sau: “Từ láy (hay còn gọi là từ lắp láy) là những từ ghép gồm hai hình vị kết hợp với nhau chủ yếu là quan hệ ngữ âm. Các thành tố của từ láy có mối quan hệ với nhau về thanh điệu hoặc về các bộ phận ngữ âm tạo nên các thành tố đó, đồng thời chúng tạo nên một nội dung ngữ nghĩa nhất định” [17; tr. 102]. Hữu Đạt trong cuốn Cơ sở tiếng Việt cũng có định nghĩa “Từ láy là một loại từ được cấu tạo theo phương thức láy. Nói cách khác đó là loại từ phức trong đó có một từ tố giữ vai trò chính còn các từ tố khác “láy” lại nó” [7; tr. 16]. Còn theo Nguyễn Tài Cẩn thì “từ láy âm là loại từ ghép, trong đó theo con mắt nhìn của người Việt Nam hiện nay các thành tố trực tiếp kết hợp lại với nhau theo quan hệ ngữ âm. Quan hệ ngữ âm được thể hiện ra ở chỗ là các thành tố phải có sự tương ứng với nhau về hai mặt. Mặt yếu tố âm siêu đoạn tính (thanh điệu) và mặt yếu tố âm đoạn tính (phụ âm đầu, âm chính giữa vần và âm vần cuối)” [4; tr. 107]. Tóm lại, trong Việt ngữ học có nhiều tên gọi khác nhau chung quanh khái niệm từ láy. Đó là: phản điệp, từ lắp láy, từ láy âm, từ láy… Cách gọi tên khác nhau về cùng một khái niệm cũng cho thấy cách nhìn nhận đối với hiện tượng láy không hoàn toàn giống nhau của các nhà nghiên cứu. Có thể thấy hai cách nhìn khác nhau đối với hiện tượng láy: cách nhìn thức nhất coi láy là ghép, cách nhìn thứ hai coi láy là sự hòa phối ngữ âm có giá trị biểu trưng hóa. Tuy những khái niệm trên đây của các nhà ngôn ngữ học xuất phát trên những lập trường, quan điểm khác nhau nhưng chúng đều thống nhất với nhau ở điểm: từ láy là từ được cấu tạo theo phương thức láy lấy phương thức hòa phối ngữ âm làm cơ sở và có những đặc trưng ngữ nghĩa riêng. Qua các ý kiến nhận định về từ láy, ta có thể thấy từ láy bao gồm những đặc điểm sau: Từ láy là từ đa tiết có quan hệ ngữ âm. Đó là mối quan hệ cơ bản của từ láy. Quan hệ này thể hiện ở sự hòa phối (tức là sự biến đổi thanh điệu theo quy tắc cùng nhóm thanh) và sự lặp lại (hoàn toàn hay bộ phận) về âm giữa các thành tố trong từ. Chính sự lặp lại và hòa phối này đem lại tính biểu trưng về nghĩa cũng như sắc thái biểu cảm của từ láy. 2. Phân loại từ láy Xuất phát từ đặc điểm từ láy được cấu tạo theo phương thức hòa phối ngữ âm, nên khi xem xét từ láy, mặt ngữ âm phải được coi là dấu hiệu cơ bản. Với tư cách là phương diện tạo nên tính biểu trưng, tính hình tượng, sự hòa phối ngữ âm trong từ láy phải có quy luật rõ ràng. Quy luật hòa phối ngữ âm không những thể hiện ở chỗ giống nhau mà còn thể hiện ở chỗ khác nhau đều đặn giữa các thành tố trong từ láy. Hiện nay, phân loại từ láy thường được dựa trên hai cơ sở sau đây: - Phân loại theo số lượng âm tiết. - Phân loại theo ý nghĩa. Căn cứ vào số lượng âm tiết trong từ láy, trong tiếng Việt có kiểu láy sau: 2.1 Từ láy đôi Từ láy đôi gồm hai âm tiết, giữa các âm tiết có sự phối âm với nhau. 2.1.1 Từ láy hoàn toàn Từ láy hoàn toàn (hay còn gọi là từ láy toàn phần) là những từ láy có sự đồng nhất, tương ứng hoàn toàn giữa các thành phần cấu tạo của hai thành tố. Tuy nhiên, láy không phải sự lặp lại âm thanh nguyên vẹn, mà là sự lặp lại âm thanh có biến đổi theo những quy luật chặt chẽ và tác dụng tạo nghĩa. Theo Nguyễn Hữu Quỳnh đó là những từ có hai thành tố hoàn toàn trùng nhau về vỏ ngữ âm, coi như thành tố thứ hai láy lại hoàn toàn thành tố thứ nhất và cả hai tạo nên một nghĩa hoàn chỉnh. [17; tr. 111]. Sự biến đổi ngữ âm ở từ láy hoàn toàn có thể biểu hiện ở những mức độ sau đây: (1) Từ láy hoàn toàn giữa hai tiếng giống hệt nhau về thành phần cấu tạo, chỉ khác nhau về trọng âm thể hiện ở độ nhấn mạnh và kéo dài khi phát âm, còn gọi là điệp âm, điệp vần, điệp thanh. Ví dụ: Xanh xanh, ào ào, nao nao, ù ù… (2) Từ láy hoàn toàn giữa hai tiếng khác nhau về thanh điệu, hay còn gọi là từ láy điệp âm, điệp vần, khác thanh. Ví dụ: Đo đỏ, ngoan ngoãn, dửng dưng, mơn mởn, tim tím… Theo Diệp Quang Ban, sự khác nhau về thanh điệu giữa hai tiếng được phân biệt theo hai đặc trưng: + Bằng/trắc: Bằng là thanh ngang, huyền. Trắc là thanh hỏi, ngã, sắc, nặng. + Âm vực cao/âm vực thấp: Cao là ngang, hỏi, sắc. Thấp là huyền, ngã, nặng. Hai đặc trưng trên có thể tổng hợp theo bảng sau: Bằng Trắc Âm vực cao − Âm vực thấp \ ? / ~ . Sự phối thanh giữa hai tiếng trong từ láy hình thành theo quy tắc hài thanh là: Đối thanh điệu trắc với thanh điệu bằng thuộc cùng âm vực. Ngoài những từ láy toàn bộ có thanh điệu không phù hợp với quy tắc hài thanh vừa nêu trên, những từ láy như: tí rị, rát rạt, cuống cuồng… cũng được xếp vào từ láy toàn bộ. Ở những trường hợp như thế, dấu hiệu đối thanh cùng âm vực đã bị phá vỡ, còn dấu hiệu đối bằng trắc có thể bị phá vỡ hoặc vẫn được giữ lại. (3) Từ láy hoàn toàn giữa hai tiếng có sự khác nhau về phụ âm cuối và thanh điệu theo quy tắc: các phụ âm tắc và vô thanh sẽ chuyển thành các phụ âm vang mũi cùng cặp là: p – m; t – n; ch – nh. Ví dụ: P – m: đèm đẹp, bìm bịp, nơm nớp… T – n: phơn phớt, ngăn ngắt, tôn tốt, thoăn thoắt… K – ng: eng éc, quang quác, bình bịch, vằng vặc, anh ách, dằng dặc… Sự biến đổi phụ âm cuối ở láy hoàn toàn, cũng như sự biến đổi thanh điệu nêu trên chỉ nhằm khả năng hòa phối ngữ âm tạo nghĩa, tạo sự dễ đọc, dễ nghe, vì vậy về nguyên tắc là không có tính chất bắt buộc. Trong từ láy hoàn toàn, sự biến vần chỉ xảy ra đối với một số phụ âm cuối nhất định mà thôi. 2.1.2 Từ láy bộ phận Từ láy bộ phận là từ láy trong đó có sự phối hợp ngữ âm của từng bộ phận âm tiết theo những quy tắc nhất định. Trong tiếng Việt, kiểu láy bộ phận là kiểu chính cả về số lượng từ, cả về tính đa dạng, phong phú của quy tắc phối hợp âm thanh. Căn cứ vào sự phối hợp các bộ phận khác nhau của âm tiết, có thể chia từ láy bộ phận ra thành hai nhóm nhỏ: từ láy âm và từ láy vần. 2.1.2.1 Từ láy âm Từ láy âm là những từ láy trong đó âm đầu được láy lại còn vần của hai âm tiết trong từ láy âm khác biệt nhau. Ví dụ: Rì rào, xào xạc, dịu dàng, đẹp đẽ, líu lo, thập thò… Đặc biệt, theo Từ tiếng Việt thì “có một số lượng lớn các từ có âm chính tương ứng với nhau theo quy luật. Quy luật đó luôn luôn có sự luân phiên giữa các nguyên âm khác dòng, cùng độ mở, các nguyên âm trầm luân phiên với các nguyên âm bổng, ở cùng bậc âm lượng” [ 9; tr. 82]. Ví dụ: [u] – [i]: rung rinh, lung linh… [ô] – [ê]: gồ ghê, sồ sề, xộc xệch… [o] – [e]: vo ve, thỏ thẻ, rón rén… [ê] – [a]: rề rà, hể hả, thênh thang… [u] – [ă]: thủng thẳng, tung tăng, hục hặc… [ô] – [a]: hốc hác, mộc mạc… [u] – [ơ]: khù khờ, ngu ngơ, vu vơ… [i] – [a]: rỉ rả, xí xóa, chí chát… 2.1.2.2 Từ láy vần Từ láy vần là từ láy trong đó phần vần trùng lặp ở hai âm tiết còn phụ âm đầu khác biệt nhau. Cả hai yếu tố trong từ láy phải giống nhau hoàn toàn về phần vần và thanh điệu phải phù hợp với quy luật “cùng âm vực”. Ví dụ: Bồn chồn, lom khom, lác đác, lấm tấm, lảng vảng, hấp tấp, chơi vơi, lim dim, cheo leo, lởm chởm… 2.2 Từ láy ba Từ láy ba là những từ láy gồm ba âm tiết có sự hòa phối ngữ âm với nhau. Tất cả những từ láy ba trong tiếng Việt đều có một điểm chung: trong ba âm tiết tạo nên từ láy ba, luôn luôn có một âm tiết có khả năng sử dụng độc lập và có ý nghĩa từ vựng, thường được gọi là yếu tố gốc. Từ láy ba là kết quả lặp lại tiếng gốc bằng các biến đổi thanh điệu theo những quy tắc nhất định. Quy tắc biến đổi thanh điệu ở từ láy ba thường được gặp là như sau: Tiếng thứ hai của từ láy ba thường mang thanh bằng (phổ biến là thanh huyền). Ví dụ: Khít khìn khịt, sát sàn sạt, sạch sành sanh… Tiếng thứ nhất và tiếng thứ ba đối lập với nhau về mặt bằng/trắc hoặc đối lập nhau về âm vực cao/thấp. Ví dụ: Cỏn còn con, dửng dừng dưng, khỏe khòe khoe… 2.3 Từ láy tư Từ láy tư là là từ láy chứa bốn âm tiết trong thành phần cấu tạo của nó, trong đó có nhiều nhất một âm tiết hoặc một cặp âm tiết liền nhau có nghĩa từ vựng chân thực. Nó có khả năng hoạt động độc lập nằm trong sự hòa phối âm thanh với các âm tiết hoặc cặp âm tiết còn lại theo những quy tắc nhất định, tạo nên ý nghĩa khái quát nào đó. Có thể phân loại từ láy tư thành hai loại: (1) Những từ láy được tạo thành trên cở sở của từ láy đôi bộ phận với tư cách là đơn vị gốc và trong loại này cũng có thể chia thành một số kiểu như sau: (1a) Lặp lại hai lần từ láy đôi cơ sở kết hợp đôi vần của yếu tố thứ hai cho phù hợp với thanh điệu và âm vực của vần bị thay thế. Ví dụ: Hấp tấp – hấp ta hấp tấp Vất vưởng – vất vơ vất vưởng (1b) Lặp lại hoàn toàn từ láy cơ sở. Trong khi lặp lại, biến đổi thanh điệu sao cho mang thanh điệu thuộc thanh vực cao, hai âm tiết sau mang thanh điệu thuộc âm vực thấp. Kiểu phối hợp thanh thường là: Hỏi hỏi – huyền huyền Sắc sắc – nặng nặng Ví dụ: Càu nhàu – cảu nhảu càu nhàu Bồi hồi – bổi hổi bồi hồi Lảm nhảm – lảm nhảm làm nhàm Tần ngần – tẩn ngẩn tần ngần (1c) Hai tiếng cơ sở và hai tiếng của phần từ láy tách xen nhau theo thế cặp đôi cài răng lược. Tức là mỗi tiếng của từ láy đôi cơ sở được ghép thêm vào một tiếng của phần láy điệp vần với nó làm thành một cặp tiếng láy vần. Ví dụ: Thơ thẩn – lơ thơ lẩn thẩn Xơ xác – xơ rơ xác rác Xăng xít – lăng xăng lít xít (1d) Láy lại trực tiếp từng tiếng một của từ láy đôi cơ sở (phần gốc) theo đúng thứ tứ tự của từ láy đôi cơ sở. Chính xác hơn, đây là hiện tượng láy lại toàn bộ hai tiếng của từ láy đôi cơ sở theo mô hình: AB – AABB. Ví dụ: Hùng hổ – hùng hùng hổ hổ Vội vàng – vội vội vàng vàng Ngẩn ngơ – ngẩn ngẩn ngơ ngơ (2) Những từ láy được tạo thành không phải trên cơ sở của từ láy đôi bộ phận. Trong loại này có thể chia thành một số kiểu như sau: (2a) Kiểu abac: Kiểu láy này có “a” là phần từ đơn, có nghĩa, còn “bc” là phần khuôn láy mà kết hợp “ab”, “ac” không có khả năng tồn tại riêng biệt, nhưng khi ghép với nhau thành khối “abac” thì lại có nghĩa của “a” với sắc thái do “bc” tạo nên. Ví dụ: Trưa – trưa trật trưa trờ Rậm – rậm rì rậm rịt Khuya – khuya lơ khuya lắc Buồn – buồn thỉu buồn thiu (2b) Kiểu aabb: Trong kiểu này “ab” là một từ ghép hoặc một tổ hợp từ. Ví dụ: Trùng điệp – trùng trùng điệp điệp Tầng lớp – tầng tầng lớp lớp 3. Ý nghĩa, vai trò của từ láy 3.1 Ý nghĩa của từ láy Từ bản chất của hiện tượng láy là sự hòa phối ngữ âm có tác dụng tạo nghĩa, có thể căn cứ vào đặc điểm, vai trò của các yếu tố trong việc tạo nghĩa cho từ láy để chia từ láy thành ba nhóm sau đây: 3.1.1 Nhóm từ láy mô phỏng âm thanh (gọi tắt là từ láy phỏng thanh) Gồm những từ láy tượng thanh và những từ “tiếng vang”. Các từ láy thuộc nhóm này đều có một nét chung là mô phỏng âm thanh tự nhiên theo cơ chế láy. Nghĩa của chúng có tính chất đơn nhất, tức là mỗi từ láy có ý nghĩa riêng của nó, không có nét nào chung với ý nghĩa của các từ láy khác cùng kiểu cấu tạo. Ví dụ: Leng keng, tí tách, lộp độp, lào xào, lộc cộc, lốp cốp… Một số từ láy trong nhóm này, mặc dù mô phỏng âm thanh nhưng có chức năng gọi tên sự vật, hiện tượng hay quá trình phát ra âm thanh. Đó là những từ láy đã được chuyển nghĩa theo phép hoán dụ để biểu trưng cho bản thân sự vật, hiện tượng hay quá trình phát ra âm thanh. Những từ láy này có thể là danh từ như: tu hú, bìm bịp… có thể là tính từ như: chao chát, chát chúa… hoặc động từ: rì rào, xào xạc, bì bõm… Có những từ láy chỉ đơn giản là sự bắt chước, sự mô phỏng trực tiếp, gần đúng âm thanh tự nhiên như: eng éc, gâu gâu, bìm bịp… Nghĩa của những từ này thường đơn giản, chủ yếu là mô phỏng trực tiếp âm thanh tự nhiên theo những quy tắc mà cơ chế láy cho phép. 3.1.2 Nhóm từ láy sắc thái hóa Nhóm này bao gồm các từ láy trong đó có một tiếng láy hoàn toàn còn rõ nghĩa, có khả năng hoạt động độc lập với tư cách một từ. Đó là các từ láy có thể xác định được yếu tố gốc và yếu tố láy. Ý nghĩa của từ láy được hình thành trên cơ sở của yếu tố gốc, còn yếu tố láy và sự láy đem lại một sắc thái ý nghĩa nào đó cho từ. Ví dụ: Đỏ – đỏ đắn, đo đỏ Xanh – xanh xao, xanh xanh Vàng – vàng vọt, vàng vàng Rối – bối rối, rối rít Gọn – gọn ghẽ, gọn gàng Nói cách khác, sắc thái hóa có nghĩa là thêm cho thành tố cơ sở một sắc thái nào đó chứ không làm thay đổi hoàn toàn. Kết quả của sắc thái hóa có thể thu hẹp và kèm theo sự thu hẹp là làm phong phú thêm nội dung. Hoặc mở rộng và kèm theo sự mở rộng là giảm nhẹ bớt các thuộc tính trong nội dung phạm vi biểu vật của thành tố cơ sở. Ví dụ: ` Bối rối so với rối có phạm vi biểu vật hẹp hơn. Song bối rối lại có giá trị biểu thái hơn rối. Ngược lại chim chóc so với chim có phạm vi biểu vật rộng hơn. Chim chóc là nói về loài chim hoặc một số con chim nói chung, chứ không phải là chỉ một con chim nào cụ thể rõ ràng. Theo Đỗ Hữu Châu, tác dụng của sắc thái hóa có thể theo hai khuynh hướng: - Phi cá thể hóa: Làm cho thành tố cơ sở mất khả năng chỉ cá thể sự vật, hiện tượng. Ví dụ: Máy móc, chim chóc, cây cối... - Cụ thể hóa: làm rõ, cụ thể ý nghĩa thành tố cơ sở. Ví dụ: Bối rối, gọn gàng, xấu xí, vàng vọt... Sau đây là minh họa về tác dụng của một số kiểu từ láy: Vàng là thành tố cơ sở chỉ đặc điểm về màu sắc của nhiều loại sự vật, hiện tượng: màu vàng, nghệ vàng, mật vàng... Đi vào kiểu láy toàn bộ nó cho từ vàng vàng, không thay đổi phạm vi biểu vật. Song, độ đậm đặc về màu sắc có giảm đi theo ấn tượng về sự lan rộng trên bề mặt của màu vàng. Đi vào kiểu láy âm nó cho từ vàng vọt nói về nước da của con người. Vì phạm vi biểu vật đã bị thu hẹp như vậy cho nên từ vàng vọt lại có thể gợi ra những ấn tượng, những hình ảnh cụ thể như tình trạng bệnh tật, yếu đuối, sức khỏe kém... và màu sắc này có thể tưởng tượng ra được màu của nước da. Cùng với những ấn tượng trên, khi dùng từ vàng vọt thường chúng ta kèm theo thái độ thương xót, lòng ái ngại. Nói cách khác, cùng với ấn tượng cụ thể, có cái ấn tượng biểu thái trong từ láy sắc thái hóa. Hay gật là một động tác của đầu. Từ láy gật gật biểu thị một số động tác gật kế tiếp nhau với sự giảm nhẹ cường độ. Song, điều đáng chú ý là mỗi động tác gật kế tiếp nhau đó về cơ bản không có gì khác nhau. Thành tố gật đi vào kiểu láy âm cho ta từ láy gật gù. Từ này gợi lên trạng thái động của đầu. Trạng thái đó được được đặc trưng bằng những động tác kế tiếp nhau, song khác với gật gật giữa mỗi động tác gật có một động tác nào đó không hẳn là gật. Nói cách khác, gật gù không phải là một chuỗi tác động gật giống nhau mà là một chuỗi động tác gật có biến đổi. Nhưng đồng thời nó cũng cho ta thấy được trạng thái mệt mỏi hoặc một sự vâng lời người khác một cách máy móc mà không hề chú ý riêng của bản thân chủ thể hành động gật gù. Sau đây là một số kiểu láy có ý nghĩa tương đối thuần nhất: Các từ láy hoàn toàn thành tố cơ sở gốc tính từ ở sau thành tố láy trước với thanh bằng thường diễn đạt sự giảm nhẹ tính chất kèm theo sự loang ra của tính chất đó. Ví dụ: Xanh xanh, đỏ đỏ, tím tím... Nếu thành tố láy ở trước có thanh trắc thì cường độ của tính chất lại tăng lên. Ví dụ: Dửng dưng, cỏn con, tẻo teo... Các từ láy toàn bộ gốc động từ thường diễn tả sự lặp đi lặp lại các động tác không biến điệu, kèm theo sự giảm nhẹ ở mỗi động tác. Ví dụ: Gật gật, lắc lắc, cười cười... Các từ láy toàn bộ gốc danh từ thường diễn tả sự lặp đi lặp lại một số sự kiện, hiện tượng, sự vật... cùng tính chất. Ví dụ: Ngày ngày, đêm đêm, người người... Các từ láy âm mà thành tố láy ở sau có vần ăn thường diễn tả một tính chất chuẩn mực chứng tỏ người mang hoặc thực hiện tính chất đó là người trung thực, tin cậy được. Ví dụ: Đầy đặn, thẳng thắn, ngay ngắn, vuông vắn... Các từ láy âm mà thành tố láy ở trước có vần ấp thường diễn tả sự dao động đều đặn theo chiều lên xuống hoặc theo tình thế hiện ra, mất đi. Ví dụ: Nhấp nháy, thấp thoáng, bập bùng, tấp tễnh, lấp ló... Các từ láy âm mà thành tố láy ở trước có vần iếc có ý nghĩa phi cá thể hóa kèm theo thái độ phủ định giá trị thực của sự vật, hiện tượng. Ví dụ: Sách siếc, học hiếc, bàn biếc...
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan