Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Từ láy trong thơ hàn mặc tử...

Tài liệu Từ láy trong thơ hàn mặc tử

.PDF
85
210
51

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BỘ MÔN NGỮ VĂN NGUYỄN NGỌC VẸN MSSV 6062159 TỪ LÁY TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ (Luận văn tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn – Khóa 2006 – 2010) CBHD: NGUYỄN THỊ THU THỦY TP Cần Thơ, tháng 5/2010 MỤC LỤC Trang A. MỞ ĐẦU 1 I. Lí do chọn đề tài II. Lịch sử vấn đề III. Mục đích – yêu cầu nghiên cứu IV. Phạm vi nghiên cứu V. Phương pháp nghiên cứu 1 2 4 4 5 B. NỘI DUNG Chương I. Những vấn đề chung về từ láy và nhà thơ Hàn Mặc Tử 1. Những vấn đề chung về từ láy 1.1. Khái niệm về từ láy 1.2. Quan niệm về từ láy 1.2.1. Quan niệm coi láy là ghép 1.2.2. Quan niệm coi láy là sự hòa phối ngữ âm có tác dụng biểu trưng hóa 1.3. Phân loại từ láy 1.3.1. Từ láy đôi 1.3.1.1. Từ láy hoàn toàn 1.3.1.2. Từ láy bộ phận 1.3.1.2.1. Từ láy âm hay phụ âm đầu 1.3.1.2.2. Từ láy vần 1.3.2. Từ láy ba 1.3.3. Từ láy tư 1.4. Ý nghĩa của từ láy 6 1.4.1. Nhóm từ láy phỏng thanh 1.4.2. Nhóm từ láy sắc thái hóa 1.4.3. Nhóm từ láy âm cách điệu 1.5. Vai trò của từ láy 11 13 14 15 2. Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử 2.1. Cuộc đời 2.2. Sự nghiệp sáng tác 15 16 6 6 6 6 7 8 8 8 10 10 10 10 11 11 Chương II. Vấn đề sử dụng từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử 1. Nhận xét chung về vấn đề sử dụng từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử 1.1. Kiểu láy 1.2. Nhóm láy 1.3. Từ loại 1.4. Vị trí 2. Tác dụng của từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử 2.1. Tác dụng của nhóm từ láy phỏng thanh 2.2. Tác dụng của nhóm từ láy sắc thái hóa 2.2.1. Từ láy sắc thái hóa danh từ 2.2.2. Từ láy sắc thái hóa tính từ 2.2.3. Từ láy sắc thái hóa động từ 19 20 21 22 22 23 24 30 31 32 45 2.3. Tác dụng của nhóm từ láy âm cách điệu 49 2.3.1. Nhóm từ láy âm cách điệu biểu thị các thuộc tính, tính chất, trạng thái của đối tượng 50 2.3.1. Nhóm từ láy âm cách điệu biểu thị các quá trình của đối tượng 53 C. TỔNG KẾT 57 A. MỞ ĐẦU I. Lí do chọn đề tài Về thăm bãi biển Qui Hòa Nhớ Hàn Mặc Tử lệ nhòa trang thơ Giá anh còn sống đến giờ Nhìn quê đổi mới làm thơ trữ tình Nhìn Hòn Đất đứng một mình Cù lao xanh cũng si tình nhớ ai Xôn xao Ghềnh Ráng Phương Mai Hát cùng mũi Én những bài ca vui Sóng chiều vỗ mạn thuyền trôi Bóng Hàn Mặc Tử vẫn ngồi làm thơ. “Nhớ Hàn Mặc Tử” - Trương Quang Được Trong nền thi ca hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930-1945, nếu như Huy Cận, Chế Lan Viên viết hay, viết nhiều về nỗi buồn trước thời thế thì những dòng thơ thể hiện trực tiếp nỗi đau của bản thân về tình yêu và bệnh tật được hiện ra dưới ngòi bút của Hàn Mặc Tử. Ông đã đi từ những dòng thơ cổ điển đến lãng mạn, rồi đến tượng trưng và cuối cùng là dừng lại ở địa hạt của siêu thực. Cùng với các nhà thơ tên tuổi trong phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…ông đã góp một phần không nhỏ vào những sáng tác trên thi đàn. Tính cho đến thời điểm hiện nay, Hàn Mặc Tử đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng bảy mươi năm, thế nhưng những âm vang của hồn thơ ông vẫn còn vang vọng mãi. Chế Lan Viên- trong Tạp chí Ngày Mới, ngày 23-11-1940, đã có những dòng nhận xét như sau:“Mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ tan biến đi và còn lại cái thời kì này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Hay như ông Trần Thanh Mại trong Hàn Mặc Tử- Tân Việt 1940 đã viết: “Hàn Mặc Tử là người đầu tiên làm cuộc cách mạng văn chương ở thế kỉ XX”. Quách Tấn – một người bạn rất thân của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã viết về thi sĩ trong Tạp chí Lành Mạnh, số 38 ngày 1-11-1959, số đặc biệt về thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Con trai bị hạt sạn, hạt cát làm thương tổn cõi lòng, liền nhả tinh ba ra quấn lấy hạt sạn, hạt cát để cho êm dịu bớt vết thương. Mỗi ngày tinh ba mỗi tiết và lần lần kết thành ngọc trai. Hạt ngọc trai đó chính là thơ của Tử. Con nguời mang tên Phong Trần (gió bụi) khi đầu tiên vào đời”. Đấy là một trong số những người bạn, những nhà phê bình viết về Hàn Mặc Tử. Đời và thơ Hàn Mặc Tử thường được đánh giá là đi liền với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Vào nhữnng năm cuối đời, Hàn Mặc Tử đã viết say sưa và sống trong thế giới của riêng mình. Cũng trong thời gian đó, ông đã thỏa sức cho những sáng tạo, những tư duy nghệ thật rất độc đáo trong thơ. Bằng sự tài hoa và nhạy bén trong văn chương, Hàn Mặc Tử đã gặt hái được những thành công về mặt thể hiện nội dung của tác phẩm cũng như những biện pháp tu từ mà nhà thơ đã dùng, trong đó có từ láy. Từ láy được sử dụng trong thơ ông thật phong phú và mang lại hiệu quả cao trong quá trình diễn đạt. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có công trình nào chuyên sâu đi vào nghiên cứu lớp từ láy mà nhà thơ đã dùng. Ngoài những bài viết; những lời nhận xét về cuộc đời; cảm hứng sáng tác hay những lời ca ngợi về thơ ông, thật chưa có công trình nào đi vào nghiên cứu nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, mặc dù, nó là một chất bột không thể thiếu, đã góp phần khuấy nên thứ hồ kết dính phần nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chính vì những lí do như thế, tôi đã chọn vấn đề “Từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử” để làm luận văn. Với vấn đề nhỏ này, người viết mong muốn góp một phần vào công việc nghiên cứu, sưu tầm và bình luận về những tác phẩm của một nhà thơ tài hoa nhưng vắn số. Hi vọng rằng với kiến thức còn hạn hẹp và sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bè bạn, người viết sẽ thực hiện tốt luận văn này. II. Lịch sử vấn đề Từ láy là một phương thức tạo từ quan trọng của Tiếng Việt đã sản sinh ra một số lượng từ khá lớn. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu từ láy Tiếng Việt trong và ngoài nước. Tất cả các đặc trưng của từ láy, về cơ trình cấu tạo, về đặc trưng ngữ nghĩa, về giá trị biểu cảm, giá trị gợi tả âm thanh, hình ảnh, giá trị biểu trưng….đều đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến. Mỗi từ láy chứa đựng trong mình một sự thể hiện rất tinh tế và sinh động về sự cảm thụ chủ quan, về cách đánh giá và thái độ của con người trước sự vật, hiện tượng đời sống-xã hội. Cho nên về phương diện sử dụng, từ láy là phương tiện tạo hình đắc lực của văn học nghệ thuật, đặc biệt là của thơ ca. Rõ ràng, từ láy đã được nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc. Bên cạnh đó, nó còn được sử dụng một cách rộng rãi. Tuy nhiên, việc nghiên cứu ở mức độ nông sâu, sự khái quát, cụ thể thì có sự khác nhau giữa các công trình. Với nhiều sự tiếp cận khác nhau về từ láy, đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu và có giá trị của một số tác giả trong đó có: Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Tài Cẩn, Diệp Quang Ban, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Hữu Huỳnh,… Tác giả Đỗ Hữu Châu trong cuốn từ vựng “Từ vựng ngữ nghĩa Tiếng Việt” đã phân tích khá kĩ về mặt ngữ nghĩa của từ láy. Tác giả cho rằng:“Vì các từ láy hình thành do phương thức láy tác động vào các hình vị cơ sở cho nên ý nghĩa các từ láy cũng hình thành từ ý nghĩa của các hình vị cơ sở”. [3;40]. Do đó, khi xét ý nghĩa của các từ láy, cần phải đối chiếu với ý nghĩa của nó với ý nghĩa hình vị cơ sở. Tác giả đã đi sâu khai thác ý nghĩa của các nhóm từ sắc thái hóa, phân loại và chứng minh bằng những ví dụ cụ thể. Đồng thời, ông còn đưa ra một số kiểu láy tận cùng có ý nghĩa tương đối thuần nhất. Tuy nhiên, nhóm từ phỏng thanh và từ láy âm cách điệu lại chưa được tác giả bàn tới nhiều. Hoàng Văn Hành trong cuốn“Từ láy trong Tiếng Việt” đi vào phân tích khá kỹ cả về mặt hình thức ngữ âm lẫn mặt ý nghĩa của các nhóm từ láy. Bên cạnh đó, tác giả còn nêu lên tác dụng của từ láy khi đưa nó vào văn cảnh bằng việc chỉ ra giá trị biểu cảm, giá trị gợi cảm và giá trị phong cách. Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh vai trò của từ láy với phong cách văn chương. Trong công trình ấy, ông còn nhấn mạnh rằng: “Sở trường của từ láy là làm chất liệu để xây dựng văn bản nghệ thuật, làm phương tiện cho tư duy nghệ thuật. Sở dĩ như thế là vì:“ Từ láy là lớp từ giàu giá trị gợi tả, giá trị biểu cảm”. Mà văn bản nghệ thuật lại rất cần những phương tiện ngôn ngữ như thế để xây dựng hình tượng. Cho nên, các nhà văn, nhà thơ rất chú ý đến việc sử dụng từ láy. Và lịch sử văn học Việt Nam đã từng quen biết những nhà thơ, nhà văn có biệt tài trong sử dụng ngôn ngữ, trong đó có từ láy, như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân…”[6;142] Vấn đề từ láy còn được tác giả Hoàng Văn Hành bàn đến trong công trình “Từ Tiếng Việt”. Từ láy tuy là một phần nhỏ của cuốn sách, nhưng tác giả đã có sự tổng hợp, đánh giá lại những thành tựu nghiên cứu về từ láy từ trước đến nay, đưa ra những mặt còn tồn tại và trình bày một cách có hệ thống hơn về đặc điểm, phân loại và ý nghĩa của từ láy. Về mặt ý nghĩa, tác giả đã quan tâm phân tích khá kỹ cơ chế hình thành và giá trị biểu đạt của cả ba nhóm từ láy là: từ láy phỏng thanh, từ láy sắc thái hóa và từ láy âm cách điệu. Tác giả Nguyễn Hữu Huỳnh trong cuốn“Ngữ pháp Tiếng Việt”, cũng phân tích ý nghĩa của từ láy. Đó là ý nghĩa của một số từ láy xét ở góc độ từ loại như: danh từ, động từ, tính từ, phụ từ…. Trên đây là những công trình tiêu biểu nghiên cứu từ láy ở dạng chung. Riêng về vấn đề nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc tử, mặc dù đã có nhiều nhà ngôn ngữ, nhà phê bình, những chuyên đề bình luận văn học nhắc đến, nhưng cho đến nay vẵn chưa có một công trình quy mô nào đi sâu nghiên cứu để làm nổi bật thành tựu đạt được, cũng như thấy được cái tài của Hàn Mặc Tử trong việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt nói chung và từ láy nói riêng. Đã có nhiều tác giả lớn có những bài viết về thơ Hàn Mặc Tử. Trong quyển “Nhà văn hiện đại”, Vũ Ngọc Phan đã viết:“Từ ngày Hàn Mặc Tử từ trần đến nay mới trong khoảng 2 năm trời mà người ta đã nói rất nhiều và viết nhiều về Hàn Mặc Tử, về chứng bệnh của thi sĩ, cuộc đời đầy đau thương của thi sĩ. Lời thơ thành thực của ông khi nghẹn ngào, khi hoạt bát nhưng bao giờ cũng chứa chan tình tứ hay một tin tưởng cao xa đã làm cho nhiều người chú ý đến đời ông và thơ ông”[8;100] Hay như Nguyễn Đăng Điệp trong quyển“Giọng điệu thơ trữ tình” đã có nói qua về thơ Hàn Mặc Tử như sau:“Giọng điệu thời đại ảnh hưởng đến thơ Hàn Mặc Tử khá rõ. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là cái chất giọng buồn thương ta thán ấy lại gặp gỡ với nỗi đau tột cùng đã khiến cho thơ Hàn Mặc Tử trở thành giọng thơ đau thương, rên siết, rạn vỡ nhất của thời đại thơ mới [6;72]. Đã có nhiều công trình nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử, con người Hàn Mặc Tử nhưng chưa có công trình nào tiêu biểu đi vào khám phá thế giới ngôn từ được nhà thơ sử dụng, đó là từ láy. Vì thế người viết sẽ dựa vào những lời bình, những bài viết về cuộc đời, những tác phẩm nổi tiếng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông…để làm tư liệu cho đề tài thêm phong phú. Việc tìm hiểu sâu về thơ và đời thi sĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phân tích giá trị trong thơ của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử. III. Mục đích yêu cầu nghiên cứu Từ láy là một lớp từ chiếm số lượng phong phú trong ngôn ngữ Tiếng Việt. Nó được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong tất cả các phong cách ngôn ngữ, kể cả phong cách sinh hoạt, lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đặc biệt, chúng được sử dụng rộng rãi trong văn chương nghệ thuật. Nhà thơ Hàn Mặc Tử - một tư duy nghệ thuật độc đáo đã đi sâu vào khai thác vốn từ này. Vì thế, khi nghiên cứu đề tài này sẽ giúp người đọc hiểu sâu thêm về lớp từ láy, đồng thời cũng hiểu rõ hơn tài năng dùng từ ngữ của nhà thơ. Riêng đối với người viết khi thực hiện đề tài này, sẽ giúp bổ sung thêm kiến thức từ vựng Tiếng Việt của bản thân để ứng dụng vào trong thực tiễn giao tiếp. Yêu cầu đặt ra cho đề tài này, tôi sẽ tiến hành thống kê, phân loại từ láy ra từng nhóm, từng kiểu, từng loại, từng vị trí, để từ đó tiến hành phân tích. Trong bài viết, tôi sẽ chỉ chọn ra một số từ láy tiêu biểu mà nhà thơ đã sử dụng để phân tích, chỉ ra những hiệu quả đặc sắc của chúng. Qua đó, sẽ làm nổi bật sự độc đáo và tinh tế trong việc lựa chọn ngôn từ của tác giả trong tác phẩm. Đây là một khía cạnh giúp những ai tìm hiểu trường thơ loạn mà Hàn Mặc Tử là người đi tiên phong. IV. Phạm vi nghiên cứu Thơ Hàn Mặc Tử để lại với số lượng là khá nhiều (mười tập, tổng cộng vài nghìn trang, ngót sáu vạn câu thơ, với hơn hai trăm bài). Đó là chứng tích của một quá trình lao động miệt mài của nhà thơ. Nhưng do đề tài này, chỉ đi sâu vào khảo sát vấn đề sử dụng từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử, vì thế người viết chỉ chọn để khảo sát ba tập thơ là: Lệ Thanh Thi Tập, Gái Quê và Đau Thương hay (Thơ Điên), trong đó có tập Gái Quê đã được xuất bản, hai tập thơ còn lại chỉ được in trong tập thơ khi tác giả đã qua đời. Người viết sẽ chọn một số bài thơ tiêu biểu để đi sâu vào vấn đề cần phân tích, chứ không phân tích hết tất cả các bài thơ trong cả ba tập thơ. Đồng thời, khi khảo sát sẽ làm nổi rõ vấn đề từ láy đã giúp nhà thơ thành công trong biểu đạt, cũng như mang lại hiệu quả cao cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật của những bài thơ. V. Phương pháp nghiên cứu Với đề tài này, người viết sẽ đi tập hợp những tư liệu, những bài viết của các nhà nghiên cứu viết về từ láy, những bài phê bình, bình luận, nhận xét, đánh giá về thơ Hàn Mặc Tử, những bài thơ của Hàn Mặc Tử và các công trình lớn nghiên cứu về nghệ thuật thơ của tác giả. Thông tin về từ láy, những tư liệu về cuộc đời, những mối tình của nhà thơ sẽ giúp cho người viết có được cơ sở vững chắc để đi sâu vào khai thác vấn đề này. Người viết sẽ đồng thời vận dụng tất cả những phương pháp như: thống kê, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp…để nhằm làm nổi bật lên giá trị của tác phẩm, đặc biệt là cách dùng từ láy như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất. B. NỘI DUNG Chương I NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỪ LÁY VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ 1. Những vấn đề chung về từ láy 1.1 Khái niệm về từ láy Trong các ngôn ngữ đơn lập như Tiếng Việt, từ láy có một vị trí rất quan trọng trong việc tạo ra tiết tấu, ngữ điệu của câu. Một câu văn xuôi sử dụng nhiều từ láy, khi đọc lên ta thấy ngay có sự nhịp nhàng, uyển chuyển. Một câu thơ chứa nhiều từ láy thường là những câu thơ nghiêng về chất trữ tình lấy nội tâm, tâm lí làm đối tượng miêu tả. Thông thường, từ láy là từ gây ấn tượng mạnh mẽ về tâm lý hoặc là theo chiều dương hoặc là theo chiều âm. So với từ đơn thì từ láy mang nét nghĩa tăng tiến hay giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của từ láy vẫn còn để ngỏ. Mặc dù, từ láy đã được nhiều nhà nghiên cứu xem xét về các mặt như: đặc điểm cấu tạo, đặc trưng ngữ nghĩa, giá trị gợi tả âm thanh, hình ảnh, giá trị biểu cảm…nhưng song song đó, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất. Ta có thể nhận thấy vẫn còn tồn tại những quan niệm bất đồng về từ láy. 1.2 Quan niệm về từ láy 1.2.1 Quan niệm coi láy là ghép Chung quy về vấn đề từ láy có hai quan niệm lớn là: quan niệm coi láy là ghép và quan niệm coi láy là sự hòa phối ngữ âm có giá trị biểu trưng hóa. Từ những quan niệm khác nhau này, đã dẫn đến nhiều định nghĩa khác nhau về từ láy. Cụ thể như sau: Theo tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh:“Từ láy cũng là từ ghép gồm hai hình vị kết hợp với nhau chủ yếu theo quan hệ ngữ âm. Các thành tố của từ láy có mối tương quan về thanh điệu hoặc các bộ phận ngữ âm tạo nên các thành tố đó, đồng thời tạo nên một nét nghĩa nhất định” [19:102]. Theo Nguyễn Tài Cẩn:“Từ láy là từ loại từ ghép, trong đó theo con mắt của người Việt hiện nay, các thành tố trực tiếp được kết hợp lại với nhau chủ yếu là theo quan hệ ngữ âm. Quan hệ ngữ âm được thể hiện ra ở chỗ là các thành tố trực tiếp phải có sự tương ứng với nhau về cả hai mặt: yếu tố siêu âm đoạn tính (thanh điệu) và mặt yếu tố âm đoạn tính (phụ âm đầu, âm chính giữa vần và âm chính cuối vần)”[ 6;109] 1.2.2 Quan niệm coi láy là sự hòa phối ngữ âm có tác dụng biểu trưng hóa Theo Diệp Quang Ban:“Từ láy là từ phức được tạo ra bằng phương thức láy âm có tác dụng tạo nghĩa. Và để tạo ra nhạc tính cho sự hòa phối âm thanh đối với một ngôn ngữ vốn giàu nhạc tính như Tiếng Việt, sự láy không đơn thuần là sự lặp lại âm thanh của âm tiết ban đầu mà bao giờ cũng kèm theo một sự biến đổi âm thanh nhất định, dù là ít nhất, để tạo ra cái thế vừa giống lại vừa khác nhau”[12;103]. Còn Đỗ Hữu Châu thì:“Từ láy là từ được cấu tạo theo phương thức láy, đó là phương thức lặp lại toàn bộ hay bộ phận hình thức âm tiết với thanh điệu biến đổi hay giữ nguyên theo nguyên tắc biến thanh, tức là nguyên tắc thanh điệu biến đổi theo hai nhóm. Nhóm cao: thanh hỏi, thanh sắc, thanh ngang. Nhóm thấp: thanh huyền, thanh ngã, thanh nặng – của một hình vị hay đơn vị có nghĩa” [4;34]. Tác giả Hoàng Văn Hoành thì cho rằng:“Từ láy là từ đa tiết (thường gồm hai âm tiết) được tạo ra bằng phương thức hòa phối ngữ âm giữa các âm tiết với hiệu ứng tạo ra nghĩa biểu trưng”[11;13]. Ông còn nhấn mạnh rằng:“Đối với từ láy việc các thành tố (các tiếng) tạo nên nó tự thân có nghĩa hay vô nghĩa không quan trọng. Cái quan trọng là hình thức ngữ âm đặc thù do sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng, cái quyết định diện mạo từ láy. Hơn nữa, ý nghĩa của từ láy là ý nghĩa biểu trưng do sự hòa phối ngữ âm tạo ra chứ không phải là phép cộng giản đơn nghĩa của từng thành tố trong từ láy, ngay cả với các từ láy có các thành tố có nghĩa tự thân và có khả năng hoạt động độc lập như một từ” [7;73]. Tóm lại, trong thực tế nghiên cứu, có nhiều ý kiến khác nhau về từ láy. Dung hòa hai nhóm ý kiến đã nêu, ta có thể hiểu từ láy là từ gồm nhiều tiếng, giữa các tiếng có quan hệ ngữ âm có tác dụng tạo nghĩa. Xét một cách nghiêm túc, có thể thấy có hai nhóm từ láy: * Từ láy chính danh: là kết quả của sự lặp lại tiếng gốc. VD: xanh xao, đo đỏ…. * Từ láy không chính danh: là kết quả của sự ghép các tiếng có quan hệ ngữ âm ngẫu nhiên. VD: hỏi han, dông dài, mới mẻ… Đứng ở góc độ đồng đại, có thể lấy đặc điểm của từ láy chính danh làm cơ sở để nghiên cứu, bởi ở từ láy không chính danh, áp lực của sự hòa phối ngữ âm rất mạnh. Ở từ láy, có những đặc điểm sau đây: + Hoặc giữa các tiếng giống nhau ở phụ âm đầu: VD: rõ ràng, vắng vẻ… + Hoặc giữa các tiếng giống nhau ở phần vần: VD: lêu têu, lác đác, co ro… Riêng thanh điệu, thường biến đổi theo hai âm vực Bằng Vực thanh cao Vực thanh thấp \ Trắc ? / ~  1.3 Phân loại từ láy Từ láy được phân loại trên hai cơ sở sau đây: - Số lượng âm tiết trong từ láy - Sự đồng nhất hay dị biệt trong thành phần cấu tạo của các thành tố trong từ láy do cách phối hợp ngữ âm tạo nên. Hai cơ sở này thường liên quan với nhau. Căn cứ vào số lượng tiếng trong từ láy, có thể thấy trong Tiếng Việt có các kiểu từ láy hai tiếng, từ láy ba tiếng, từ láy bốn tiếng mà trong truyền thống nghiên cứu từ láy thường gọi là từ láy đôi, từ láy ba, từ láy tư. Trong cách phân loại này, từ láy đôi chiếm vị trí hàng đầu không chỉ vì nó chiếm số lượng lớn nhất trong tổng số các từ Tiếng Việt, mà còn vì ở từ láy đôi, tất cả các đặc trưng cơ bản thể hiện bản chất của hiện tượng láy cả ở bình diện ngữ âm và ngữ nghĩa đều được bộc lộ đầy đủ. 1.3.1 Từ láy đôi Từ láy đôi là từ láy gồm hai âm tiết (tiếng), có sự hòa phối ngữ âm với nhau. Căn cứ vào yếu tố ngôn ngữ được lặp lại có thể phân biệt láy đôi thành hai kiểu láy như sau: - Từ láy toàn bộ - Từ láy bộ phận Trong từ láy bộ phận lại chia ra thành hai kiểu nhỏ như: * Láy phụ âm đầu * Láy vần Trong láy toàn bộ và láy bộ phận thì thanh điệu ở tiếng độc lập và tiếng không độc lập có thể khác nhau và thường khác nhau theo những qui tắc hài thanh của Tiếng Việt. 1.3.1.1 Từ láy hoàn toàn Từ láy hoàn toàn là từ láy mà trong đó tiếng độc lập được lặp lại toàn bộ ở tiếng không độc lập với sự khác biệt về trọng âm. Song song đó, láy không phải là sự lặp lại âm thanh một cách nguyên vẹn, mà là sự lặp lại âm thanh có biến đổi và có tác dụng tạo nghĩa biểu trưng. Sự biến đổi âm thanh của tiếng không độc lập so với tiếng độc lập của từ láy toàn bộ nằm trong ba mức độ khác biệt sau: 1.3.1.1.1 Từ láy toàn bộ giống nhau về thành phần cấu tạo, ngữ nghĩa nhưng chỉ khác nhau về trọng âm thể hiện ở độ nhấn mạnh và độ kéo dài trong khi phát âm. Trọng âm thường rơi vào tiếng thứ hai của từ láy. Hay còn gọi là từ láy điệp vần, điệp âm, điệp thanh. VD: Hây hây, xanh xanh, xa xa, điệp điệp, đăm đăm, hiu hiu, đời đời, người người, ngày ngày… 1.3.1.1.2 Từ láy toàn bộ giống nhau giữa hai tiếng nhưng có sự thay đổi thanh điệu. Hay còn gọi là từ láy điệp vần, điệp âm, khác thanh. VD: Chầm chậm, nhè nhẹ, leo lẻo, đo đỏ, mong mỏng, the thé, len lén, lanh lảnh…. Sự khác biệt ở đây là hệ quả sự khác biệt về trọng âm. Theo Diệp Quang Ban, sự khác nhau về thanh điệu giữa hai tiếng được phân biệt theo hai đặc trưng: - Bằng / trắc: Bằng là thanh ngang, thanh huyền; Trắc là thanh hỏi, thanh ngã, thanh nặng và thanh sắc. - Âm vực cao / thấp: Cao là thanh ngang, hỏi, sắc; Thấp là thanh huyền, ngã, nặng Riêng thanh điệu, các tiếng trong từ láy biến thanh qua hai âm vực: Bằng Trắc Âm vực cao Âm vực thấp ? \ ∙ / ~ Sự phối hợp thanh điệu giữa hai tiếng trong từ láy ở đây hình thành theo qui tắc hài thanh. Đối thanh điệu trắc với thanh điệu bằng thuộc cùng âm vực. Nghĩa là trong mỗi từ láy thanh trắc ở tiếng độc lập chỉ được chọn cho tiếng láy của mình thanh bằng thuộc cùng âm vực với mình. Trong kiểu láy hoàn toàn này, trọng âm nằm ở tiếng độc lập. Ngoài những từ láy có thanh điệu phù hợp quy tắc hài thanh như đã nói ở trên, người ta còn xếp một số từ vào từ láy toàn bộ như: tí tị, rát rạt, cuống cuồng…Ở những từ láy này, dấu hiệu đối thanh ở thanh điệu bị phá vỡ, còn về dấu hiệu bằng trắc thì có trường hợp bị phá vỡ như (tí tị, rát rạt), hoặc có trường hợp vẫn còn giữ lại như (cuống cuồng). 1.3.1.1.3 Từ láy toàn bộ giữa hai tiếng có thêm sự khác biệt ở phụ âm cuối và thanh điệu do sự chi phối của quy luật dị hóa. VD: cầm cập, phơn phớt, bàng bạc… Dạng biến đổi này xảy ra trong các trường hợp, tiếng độc lập có phụ âm cuối là -p, -t, -k (được thể hiện trên chữ viết là c và ch). Ở đây thanh điệu cũng biến đổi theo quy tắc vừa nêu. Phụ âm cuối thì biến đổi theo quy tắc là tiếng độc lập tận cùng bằng các phụ âm tắc vô thanh sẽ được chuyển thành các phụ âm mũi hữu thanh ở tiếng không độc lập. VD: Ở tiếng gốc Ở tiếng láy Âm ồn Âm vang mũi Ăm ắp -p -m Phơn phớt -t -n Bàng bạc -k (thể hiện bằng chữ c và ch. -ng (thể hiện bằng chữ ng và nh) 1.3.1.2 Từ láy bộ phận Từ láy bộ phận là từ láy có một hoặc hai bộ phận giống nhau, còn một bộ phận thì đổi khác đi. Căn cứ vào sự phối hợp của các bộ phận khác nhau của âm tiết, ta có thể chia từ láy bộ phận thành hai kiểu nhỏ: 1.3.1.2.1 Từ láy âm hay (phụ âm đầu) Từ láy âm là từ láy có phụ âm đầu trùng lặp và có phần vần khác biệt ở tiếng độc lập và tiếng không độc lập. VD: dịu dàng, mịn màng, thơm tho, dễ dãi, nhẹ nhàng, tha thiết, dào dạt, sờ sẫm, hối hận, thấp thoáng…. 1.3.1.2.2 Từ láy vần Từ láy vần là từ láy có phần vần trùng lặp và có phụ âm đầu khác biệt giữa các tiếng. VD: chơi vơi, bâng khuâng, bơ vơ, lả tả, bồn chồn, bải hoải, choáng váng, lang thang, băn khoăn… 1.3.2 Từ láy ba Từ láy ba trong tiếng Việt không nhiều lắm. Từ láy ba là từ láy gồm ba âm tiết có sự hòa phối ngữ âm với nhau. Phần lớn từ láy ba chủ yếu dựa trên cơ chế láy toàn bộ có sự biến đổi thanh điệu nhất định. Từ láy ba có hai kiểu phối thanh thường gặp như: + Tiếng thứ hai mang thanh bằng (thường xuất hiện thanh bằng hơn thanh ngang). VD: sạch sành sanh, cuống cuồng cuồng, cỏn còn con… + Tiếng thứ nhất và thứ ba phải đối lập nhau về bằng/trắc hoặc về âm vực cao/thấp. VD: sát sàn sạt, khít khìn khít…. Từ láy ba dạng láy bộ phận mang số lượng rất ít VD: lơ tơ mơ, lù tù mù…. 1.3.3 Từ láy tư Từ láy tư là từ láy thường có chứa bốn âm tiết, nó dựa trên cơ sở là từ láy đôi. Một số ít có phần gốc là từ ghép. So với từ láy ba thì từ láy tư rất đa dạng về kiểu cấu tạo. Sau đây là một số kiểu láy cơ bản trong từ láy tư. 1.3.3.1 Lặp lại hai lần từ láy đôi cơ sở, kết hợp đổi vần của yếu tố thứ hai cho phù hợp với thanh điệu và âm vực vần bị thay thế. VD: Long lanh Sớn sát Long la long lanh Sớn sa sớn sát 1.3.3.2 Láy toàn bộ kết hợp với biến thanh, hay có thể hiểu là sự lặp lại toàn bộ từ láy đôi cơ sở, kết hợp biến đổi thanh điệu sao cho hai âm tiết đầu thuộc về âm vực cao, hai âm tiết sau thuộc về âm vực thấp. VD: Bồi hồi Càu nhàu Bổi hổi bồi hồi Cảu nhảu càu nhàu 1.3.3.3 Láy bộ phận kết hợp với tách xen nghĩa là hai tiếng cơ sở và hai tiếng của phần láy tách xen nhau theo thế cặp đôi cài răng lược. VD: Thơ thẩn Lơ thơ lẩn thẩn Nhồm nhàm Lồm nhồm làm nhàm 1.3.3.4. Láy toàn bộ kết hợp với tách xen hay láy trực tiếp từng tiếng một của từ láy đôi cơ sở theo đúng thứ tự trong tiếng cơ sở. VD: Vội vàng Vội vội vàng vàng Hăm hở Hăm hăm hở hở 1.4. Ý nghĩa của từ láy Dựa vào vai trò của các tiếng trong việc tạo nghĩa, có thể chia thành ba nhóm. 1.4.1. Nhóm từ láy phỏng thanh Nhóm từ láy này là nhóm từ tập hợp những từ láy có đặc điểm chung là mô phỏng âm thanh tự nhiên theo cơ chế láy. VD: sột soạt, rì rào, ầm ầm, róc rách, tí tách, râu râu, thì thào, rì rầm, xôn xao, lạo xạo, thình thình….. Nhóm từ láy phỏng thanh là nhóm từ láy trong đó không xác định được tiếng độc lập, các tiếng được hình thành và ghép lại dựa trên sự mô phỏng âm thanh của các sự vật hiện tượng trong thực tế. VD: eng éc, oa oa, gâu gâu…. Hay có thể là trường hợp dựa vào mô phỏng âm thanh để định danh cho đối tượng. Nhóm từ láy này có thể là những danh từ như: tu hú, cút kít, bìm bịp…hoặc là những tính từ như: chát chúa, chao chát….hay là những động từ như: lạo xạo, rì rầm, tí tách, róc rách…. 1.4.2 Nhóm từ láy sắc thái hóa Từ láy sắc thái hóa là những từ trong đó có một yếu tố có nghĩa và một hoặc hơn một yếu tố không có nghĩa. Trong đó yếu tố có nghĩa chi phối toàn bộ từ láy và có khả năng đứng độc lập, yếu tố còn lại có tác dụng bổ sung một sắc thái nghĩa nào đó khiến cho từ láy khác với tiếng có nghĩa khi nó đứng một mình và khác với từ láy khác có cùng yếu tố có nghĩa ấy. VD: Xanh Xanh xao Xanh xanh Đỏ Đỏ đắn Đo đỏ Dễ Dễ dàng Dễ dãi Có thể hiểu sắc thái hóa là thêm vào cho tiếng độc lập một sắc thái nào đó chứ không làm thay đổi hoàn toàn. Vì thế có thể nêu ra một số mô hình ngữ nghĩa tương đối thuần nhất của một số kiểu láy như sau: VD: “Bối rối” so với “rối” có phạm vi biểu vật hẹp hơn. Nhưng “bối rối” lại có giá trị biểu thái hơn. Ngược lại, chim chóc là nói về một loài chim hay một số con chim nói chung, chứ không chỉ một con chim nào cụ thể nữa. Tác dụng sắc thái hóa của từ láy thường theo hai hướng: + Phi cá thể hóa: làm cho từ láy mất khả năng chỉ cá thể sự vật, hiện tượng. VD: chim chóc, máy móc, cây cối… + Cụ thể hóa: làm cho phạm vi biểu vật của từ láy thu hẹp, có nghĩa là từ láy chỉ có thể thích ứng với một phạm vi sự vật hiện tượng nào đó rất cụ thể. VD: xanh xao, hay ho, bối rối, thẳng băng, dính dáng, nói năng… Dưới đây là một số từ láy có tác dụng này: “Xanh” là từ chỉ đặc điểm về màu sắc của nhiều loại sự vật, hiện tượng: trời xanh, nước xanh, da xanh…đi vào kiểu láy toàn bộ, nó cho từ “xanh xanh”, không thể thay đổi về phạm vi biểu vật (trời xanh xanh, lá cây xanh xanh, nước xanh xanh), song độ đậm đặc có giảm đi theo ấn tượng về sự lan rộng trên bề mặt của màu xanh. Đi vào kiểu láy âm, nó cho ta từ “xanh xao” phạm vi biểu vật của màu xanh bị thu hẹp hẳn, “xanh xao” chỉ nói về nước da con người. Vì phạm vi biểu vật đã bị thu hẹp như vậy, cho nên từ “xanh xao” lại có thể tạo ra những ấn tượng, những hình ảnh cụ thể như tình trạng bệnh tật, đau yếu, thiếu màu sắc và có thể tưởng tượng ra được nước da người đó. Cùng với những ấn tượng trên, từ “xanh xao” thường kèm theo lòng ái ngại, thương xót, có ý chê trách. Nói cách khác, cùng với những ấn tượng cụ thể còn có ý nghĩa biểu thái trong từ láy sắc thái hóa. Hay “gật” là một động tác của đầu. Từ láy toàn bộ “gật gật” biểu thị một số động tác gật kế tiếp nhau với sự giảm nhẹ cường độ. Song điều đáng chú ý là, mỗi động tác gật kế tiếp nhau đó về cơ bản không có gì khác nhau. Tiếng độc lập “gật” đi vào kiểu láy âm cho ta từ láy “gật gù”. Từ này gợi lên trạng thái động của cái đầu. Trạng thái đó được đặc trưng bằng những động tác kế tiếp nhau, nhưng khác với sự “gật gật”, giữa mỗi động tác gật dừng có một động tác nào đó không phải là gật. Nói khác đi “gật gù” không phải là một chuỗi động tác gật giống nhau mà là một chuỗi động tác gật có biến điệu. Đó là hai ví dụ cụ thể về từ láy sắc thái hóa tính từ và động từ xét ở mặt ngữ nghĩa nói chung. Dưới đây là một số kiểu láy có ý nghĩa thuần nhất. + Các từ láy toàn bộ tiếng độc lập gốc tính từ ở sau, tiếng láy ở trước với thanh bằng thường diễn đạt sự giảm nhẹ tính chất kèm theo sự loang ra của tính chất đó. VD: đo đỏ, trăng trắng, buồn buồn + Nếu tiếng độc lập ở trước có thanh trắc thì cường độ của tính chất lại tăng lên. VD: cỏn con, dửng dưng, tẻo teo… .+ Các từ láy toàn bộ gốc động từ thường diễn tả sự lặp lại các động tác không biến điệu, kèm theo sự giảm nhẹ cường độ của mỗi động tác. VD: cười cười, rung rung, lắc lắc…. + Các từ láy toàn bộ tiếng độc lập gốc danh từ thường diễn tả sự lặp lại một số sự kiện, hiện tượng, sự vật…cùng tính chất. VD: ngày ngày, tháng tháng, năm năm, người người, nhà nhà… + Các từ láy âm mà tiếng láy ở sau có vần “ăn” thường diễn tả một tính chất chuẩn mực. VD: đầy đặn, thẳn thắn, ngay ngắn, vuông vắn… + Các từ láy âm mà tiếng độc lập ở trước có vần “ấp” thường diễn tả sự dao động đều đặn theo chiều lên xuống hoặc theo tình thế hiện ra rồi mất đi. VD: bập bùng, tập tểnh, khấp khểnh, nhấp nhánh… + Các từ láy âm mà tiếng láy ở trước có vần “úc” thường diễn tả sự dao động theo chiều ngang từng quãng ngắn. VD: Nhúc nhích, lúc lắc, phục phịch…. + Các từ láy âm mà tiếng láy ở sau có vần “iếc” có nghĩa phi cá thể hóa kèm theo thái độ phủ định giá trị thực của sự vật, hiện tượng. VD: Sách siếc, bàn biệc, áo iếc, học hiếc… + Các từ láy kiểu Khấp kha khấp khểnh, lúng ta lúng túng …được sản sinh từ các từ láy đôi chỉ các trạng thái hoặc tính chất (khấp khểnh, lúng túng) và các hiệu quả ngữ nghĩa là lặp lại một lần nữa các tính chất ngữ nghĩa mà từ láy đôi cơ sở đã có. + Các từ láy kiểu Bổi hổi bồi hồi, cảu nhảu càu nhàu…..thực chất là một kiểu láy toàn bộ với đơn vị gốc có hai âm tiết, cho nên nó mang hiệu quả ngữ nghĩa của các từ láy toàn bộ mà tiếng láy ở trước có thanh trắc (lặp lại nhiều lần và tăng cường độ). 1.4.3 Nhóm từ láy âm cách điệu Nhóm này gồm các từ láy không xác định được tiếng độc lập trên quan điểm đồng đại. Cả từ láy được nhận thức như một chỉnh thể. Những từ láy này, không chứa một bộ phận nào có nghĩa hoặc có chứa một bộ phận còn chứng minh được là có nghĩa (nghĩa từ nguyên, nghĩa từ cổ, từ mượn tiếng Hán) nhưng trên diện đồng đại ý nghĩa đó không còn khả năng hoạt động với tư cách ý nghĩa từ vựng độc lập như một từ và không còn tác dụng gợi tả ý nghĩa của toàn bộ từ láy. VD: Băn khoăn, bâng khuâng, hổn hển, đăm đăm, cheo leo….. Có thể nói, đây là những từ láy điển hình về giá trị biểu trưng hóa ngữ âm do sự hòa phối âm thanh giữa hai tiếng không có nghĩa để tạo nên một chỉnh thể ngữ nghĩa có giá trị biểu cảm rõ rệt. Với từ láy nhóm này, cơ chế láy đã bộc lộ hết bản tính của mình vì chúng không có bộ phận nào tự thân mang nghĩa đủ rõ để chi phối nghĩa của toàn từ láy, bắt người ta phải định hướng nghĩa của chúng theo bộ phận còn đủ rõ nghĩa đó. Căn cứ vào mối quan hệ ngữ nghĩa của từ láy với hiện thực khách quan, chúng ta có hai kiểu nhỏ như sau: + Những từ biểu thị sự vật VD: Bươm bướm, thằn lằn, châu chấu, chuồn chuồn.. Đây là những danh từ chỉ động vật hay cây cỏ. chúng mang hình thức ngữ âm phù hợp với quy tắc láy nhưng lại không có thứ ý nghĩa do cơ chế láy tạo ra. + Những từ biểu thị thuộc tính, trạng thái, quá trình VD: Bâng khuâng, mênh mông, bàn hoàn, lăm lăm, vằng vặc… Các từ láy nhóm này, chủ yếu biểu thị thuộc tính, trạng thái, nên ý nghĩa của chúng có giá trị biểu trưng hóa của sự hòa phối ngữ âm rất điển hình, thể hiện ở khả năng gợi tả và biểu cảm của từ. Do tính vô nghĩa của hai tiếng trong thành phần cấu tạo cho nên cơ cấu nghĩa của chúng khó nắm bắt và việc giải thích nghĩa gặp nhiều khó khăn. Nội dung ý nghĩa của chúng chỉ được cảm nhận thông qua giá trị biểu trưng hóa ngữ âm, nên việc giải thích nghĩa chủ yếu dựa vào sự mẫn cảm ngôn ngữ và sự hiểu biết vốn văn hóa của người bản ngữ. 1.5. Vai trò của từ láy Từ láy được cấu tạo theo nguyên tắc hòa phối ngữ âm có tác dụng tạo nghĩa. Đó là nét biểu trưng vừa mang tính gợi tả, vừa mang tính gợi cảm cao. Cho nên từ láy không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống giao tiếp hằng ngày, mà còn là một phương tiện không thể thiếu của văn chương, đặc biệt là trong lĩnh vực thơ ca. Thơ đòi hỏi phải có nhạc điệu và bộc lộ cảm xúc thật tinh tế và lôi cuốn người đọc. Trong khi đó, về mặt cấu tạo, từ láy có sự hòa âm, phối thanh rất nhịp nhàng tạo ra những nét nghĩa biểu trưng đặc sắc. Sử dụng từ láy một cách hợp lí, đúng cách, thơ không chỉ giàu nhạc tính mà còn bộc lộ được phạm vi biểu vật cũng như thái độ, tình cảm và cách đánh giá chủ quan của tác giả đối với phạm vi được đề cập. Đặc biệt, từ láy còn mang lại tính dân tộc đậm đặc trong thơ. Như Đỗ Hữu Châu đã từng nhận xét: “Láy là một phương thức tạo hình đặc sắc của Tiếng Việt. Mỗi từ láy là một “nốt nhạc” về âm thanh, chứa đựng trong mình một “bức tranh” cụ thể của các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác….kèm theo những ấn tượng về sự cảm thụ chủ quan những cách đánh giá những thái độ của người nói trước sự vật, hiện tượng, đủ sức thông qua các giác quan hướng ngoại và hướng nội của người nghe mà tác động mạnh mẽ đến họ. Cho nên các từ láy là những công cụ tạo hình đắc lực của văn học nghệ thuật nhất là của thơ ca.[3;45]. 2. Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử 2.1 Cuộc đời Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí), sinh ngày 22-9-1912 ở làng Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới (nay là phường Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh, sinh ra ông Nguyễn Văn Toản – cha của Hàn Mặc Tử. Ông giữ chức tham tá tại sở Thương Chánh Nhật Lệ (Đồng Hới). Mẹ là bà Nguyễn Thị
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng