Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao...

Tài liệu Từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao

.PDF
104
723
140

Mô tả:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI & NV BỘ MÔN NGỮ VĂN TỪ CHỈ CÁC HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN – TỰ NHIÊN TRONG CA DAO Luận văn tốt nghiệp đại học Ngành Ngữ Văn Cán bộ hướng dẫn : Th.S NGUYỄN THỊ THU THỦY Cần thơ, năm 2011 ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích chọn đề tài 4. Phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu B. PHẦN NỘI DUNG Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG I. Những vấn đề chung về từ 1. Từ là gì? 2. Các thành phần nghĩa của từ 3. Sự chuyển nghĩa của từ trong hệ thống 4. Sự chuyển nghĩa của từ trong hoạt động II. Từ chỉ các sự vật, hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên 1. Khái niệm thiên nhiên – tự nhiên 2. Từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên 2.1 Từ chỉ các hiện tượng của đất trời 2.2 Từ chỉ thế giới thực vật 2.3 Từ chỉ thế giới động vật Chương 2:TỪ CHỈ CÁC HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN, TỰ NHIÊN TRONG CA DAO I. Tổng quan II. Ý nghĩa của các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên - tự nhiên trong ca dao 1. Từ chỉ các hiện tượng của đất trời 1.1 Từ “trăng” 1.2 Từ “sông” 1.3 Từ “gió” 1.4 Từ “mây” 2 Từ chỉ thế giới thực vật 2.1 Từ chỉ các cây nói chung 2.2 Từ chỉ các loài hoa nói chung 2.3 Từ “trầu”, “cau” 2.4 Từ “cây đa” 2.5 Từ “cây tre” 3. Từ chỉ thế giới động vật 3.1 Từ chỉ các loài chim nói chung 3.2 Từ “con trâu” C. PHẦN KẾT LUẬN TÀI LIỆU THAM KHẢO A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Thiên nhiên là một thế giới rộng lớn bao gồm những gì thuộc về vũ trụ và các sự vật hiện tượng trong tự nhiên. Con người cũng là một sinh thể nhỏ bé trong thế giới đó. Thiên nhiên phong phú và đa dạng các loài động vật, thực vật, các hiện tượng của vũ trụ đất trời. Đời sống con người phụ thuộc chặt chẽ vào thiên nhiên và các sự vật, hiện tượng đó. Thiên nhiên là nơi có nguồn lương thực, nguồn tài nguyên, nơi cư trú và là điều kiện tất yếu để con người tồn tại. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng là một thế giới kỳ bí mà con người không thể nào khám phá hết. Đó là vẻ đẹp của mỗi chiếc lá, bông hoa, đàn chim, hồ nước, là cái nắng, cơn mưa,…tất cả các sự vật, hiện tượng được khái quát thành những tên gọi phù hợp với đặc điểm của chúng, con người thông qua đó có thể hiểu biết thêm về ngôi nhà chung của mình. Thông qua thiên nhiên con người bộc lộ quan niệm văn hóa của mình về vũ trụ, tình cảm, thái độ ứng xử trong giao tiếp. Chính vì thế mà có thể nói rằng lịch sử phát triển văn hóa xã hội của loài người từ xưa tới nay có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên. Có thể nói về thiên nhiên ở nhiều phương diện khác nhau. Các nhà nghệ sĩ tìm hiểu thiên nhiên qua hội họa, điêu khắc, qua âm nhạc,…Tác giả dân gian lại có lối tư duy rất cụ thể, để diễn tả những điều muốn nói, họ thường tìm đến các sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh mình. Họ hướng về thiên nhiên như: mây, gió, trăng, hoa, núi, sông, các loài chim muông,…để bầu bạn, chia sẻ tâm sự. Cho nên ta thấy trong ca dao mọi sự biểu hiện của tình cảm con người đều liên hệ mật thiết với những hình tượng thiên nhiên. Thiên nhiên trong ca dao là là phương tiện nghệ thuật đặc biệt để con người có thể thể hiện tình cảm, tâm trạng của mình. Người viết từ cái nhìn, sự cảm nhận của người dân lao động tiếp cận thiên nhiên thông qua ca dao. Với các phương pháp phân tích văn học dân gian, đi từ góc độ ngôn ngữ, phân tích các từ chỉ sự vật hiện tượng thiên nhiên trong ca dao. Tìm hiểu, nghiên cứu đề tài, người viết hiểu được cái hay, nét đẹp và giá trị của ca dao Việt Nam, thấy được sự giàu đẹp phong phú của thiên nhiên, vai trò của thiên nhiên trong đời sống con người. Người viết tìm hiểu cụ thể qua các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên, đi vào phân tích ý nghĩa của các từ cũng như ý nghĩa biểu trưng của các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, phân tích giá trị sử dụng của từ được dùng để chỉ các sự vật hiện tượng thuộc về thiên nhiên - tự nhiên qua ca dao. Đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về ca dao ở nhiều phương diện: nội dung, hình ảnh biểu trưng, thi pháp, phương ngữ trong ca dao Nam Bộ, từ xưng hô. Tuy nhiên, ở góc độ ngôn ngữ đặc biệt là vấn đề đi vào phân tích các từ chỉ các sự vật, hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao thì vẫn chưa có một tài liệu nghiên cứu nào thật sự có tính chất quy mô. Người viết muốn đi sâu vào khai thác vấn đề này, tiếp cận ca dao từ góc độ ngôn ngữ. Hệ thống các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao rất phong phú và đa dạng, là điều kiện để người viết dễ dàng tìm hiểu và thực hiện đề tài một cách hiệu quả và khái quát được vấn đề. Ngoài ra, người viết cũng được kế thừa từ các công trình nghiên cứu ca dao trước đó, có nhiều tài liệu tham khảo để người viết có thể hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp của mình. 2. Lịch sử vấn đề Đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về ca dao Việt Nam, các nhà nghiên cứu đi vào tìm hiểu nhiều vấn đề khác nhau xung quanh ca dao. Trong Tạp chí Ngôn Ngữ và Đời Sống số 5_1996, Lương Duyên có nói đến hình ảnh của loài vật trong từ ngữ dân gian, qua đó nói đến một số hình ảnh biểu trưng của con vật nhưng chưa đi sâu vào giải thích ngữ nghĩa của nó bằng các đặc điểm của từ. Chỉ dùng từ ngữ dân gian để kể tên hình ảnh của loài vật mà chưa phân tích rõ giá trị biểu trưng và ý nghĩa của từ nêu tên gọi hình ảnh đó. Hà Công Tài có bài: “ Biểu tượng trăng trong thơ ca dân gian” Tạp chí văn hóa số 5 _ 1998. Trong bài viết tác giả chỉ đề cập tới một biểu tượng duy nhất trong thơ ca dân gian, đó là “ trăng”. Hà Công Tài đã giải thích biểu tượng “trăng” trong ca dao Việt Nam. Trong đó tác giả có nhắc đến biểu tượng “trăng” xuất hiện cùng những hình ảnh sóng đôi. Nguyễn Thị Ngọc Điệp: “ Tìm hiểu nguồn gốc biểu tượng trong ca dao”, kỷ yếu khoa học năm 1999, khoa Nhân văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Bài viết thể hiện sự quan tâm nghiên cứu về nguồn gốc của các biểu tượng trong ca dao. Theo tác giả, có ba điểm xuất phát làm thành biểu tượng trong ca dao. Điểm thứ nhất là do phong tục tập quán của người Việt Nam, từ quan niệm dân gian, tín ngưỡng dân gian. Điểm thứ hai từ văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc. Điểm thứ ba là từ sự quan sát trực tiếp hằng ngày của nhân dân. Tạp chí Ngôn Ngữ và Đời Sống số 1 – 1997, Hà Quang Năng đi vào phân tích hình ảnh “con trâu” trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Tác giả đã lí giải nghĩa của các thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về con vật tiêu biểu này. Hơn nữa đã đưa được các giá trị biểu trưng ở hình ảnh “con trâu”. Nhưng chỉ dừng lại ở nghĩa biểu trưng của hình ảnh và chỉ xét riêng về một con vật duy nhất là “con trâu”. Chưa xét ở góc độ rộng hơn là các loài động vật nói chung tiêu biểu trong ca dao, chưa giải thích ý nghĩa của từ chỉ hình ảnh con vật này. Năm 1977 Nxb Khoa học xã hội có quyển: “Tục ngữ ca dao Việt Nam” . Trong lời giới thiệu, tác giả Vũ Ngọc Phan đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam đã đem hình ảnh con cò và con bống vào ca dao – dân ca là đưa một nhận thức đặc biệt về một khía cạnh của cuộc đời vào văn nghệ, lấy cuộc đời của những con vật để tượng trưng vài nét đời sống của mình” (Lời giới thiệu). Cũng năm 1977, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp xuất bản quyển “ Văn học dân gian” (tập 2). Trong đó, tác giả Chu Xuân Diên đã đề cập đến các “đồ vật”, ông gọi đây là “thiên nhiên thứ hai – thứ thiên nhiên do con người tạo ra” . Thiên nhiên không chỉ là vật “gợi hứng” mà còn là một kho tàng nguyên liệu vô tận cho việc xây dựng hình tượng trong ca dao Việt Nam. Trên Tạp chí văn học số 1_ 1988 có đăng bài viết “Biểu tượng thơ ca” của Bùi Công Hùng. Tác giả viết: “ Khi lần lại từng câu thơ, ca dao, tục ngữ, người ta có thể phục hiện các biểu tượng gốc đầu tiên. Biểu tượng thì rất nhiều vì sự liên quan đến khối lượng từ chỉ vật, chỉ thiên nhiên, chỉ con người,…khá nhiều” . Ông đã liệt kê nhiều biểu tượng Thiên nhiên, nhưng chỉ nói nhiều đến một biểu tượng trong vật thể nhân tạo là “thuyền”. Tác giả Hà Thị Quế Hương với bài viết “ Hàm ý biểu trưng của từ chỉ hoa và tên hoa trong ca dao” trong Tạp chí Văn học dân gian số 3_2001. Trong bài viết, tác giả tìm hiểu hàm nghĩa của từ chỉ hoa và các tổ hợp có tên các loài hoa, chưa đi vào phân tích cụ thể ý nghĩa và giá trị sử dụng của các từ chỉ tên hoa trong ca dao một cách cụ thể. Tác giả Nguyễn Thị Phương Châm trong bài viết về “Hoa hồng trong ca dao” . Trong bài viết, tác giả đề cập đến hoa hồng, chỉ ra các nét nghĩa biểu tượng của hoa hồng ở phương Tây cũng như phương Đông, đặc biệt trong ca dao Việt Nam. Nhưng vẫn chưa đi vào tìm hiểu ở phạm vi rộng là các từ chỉ Thế giới các loài thực vật trong ca dao mà chỉ dừng lại ở một biểu tượng hoa hồng. Nguyễn Xuân Kính trong quyển “Thi pháp ca dao”, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tác giả dành nguyên một chương bảy (Từ trang 309 – 350) để nói về “ Một số biểu tượng hình ảnh” trong ca dao, trong đó ông nói đến các hình ảnh trong thiên nhiên – tự nhiên và phân loại các từ chỉ các hiện tượng trong ca dao thành hai tiểu mục (1. Thế giới các hiện tượng tự nhiên bao gồm: các hiện tượng tự nhiên, thế giới các loài thực vật, thế giới các loài động vật; 2. Thế giới các vật thể nhân tạo bao gồm: đồ dùng cá nhân, dụng cụ sinh hoạt gia đình, công cụ sản xuất, công trình kiến trúc. Giá trị biểu trưng nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao cổ truyền Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa dân gian, H, số 3, tr. 46 – 52. Nhìn chung, chưa có một tài liệu nào nghiên cứu một cách toàn diện về các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao, mà phổ biến chỉ dừng ở một biểu tượng, hay một vài biểu tượng riêng lẻ. Có người chỉ dừng lại ở các từ chỉ các vật thể nhân tạo, có người chỉ nghiên cứu vào các loài thực vật hoặc động vật. Đó cũng là động lực thúc đẩy người viết đào sâu tìm hiểu, tự do khai thác nhiều điều mới về ca dao ở góc độ ngôn ngữ, đặc biệt ở giới hạn ở các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao. Tục ngữ và ca dao đều có những từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên gần như giống nhau, nhưng về các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao lại ít được nói đến và đi sâu nghiên cứu như tục ngữ. Đó cũng là động lực cho người viết hoàn thành tốt phần nghiên cứu đề tài này, góp phần nhỏ vào các công trình nghiên cứu trước đó và mở rộng tìm hiểu cụ thể nhiều vấn đề mới từ ca dao Việt Nam. 3. Mục đích nghiên cứu Ca dao thể hiện nhiều vấn đề khác nhau của đời sống con người. Tìm hiểu văn học dân gian nói chung và ca dao nói riêng là việc làm nhiều ý nghĩa. Thông qua việc phân tích các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao, người viết có thể hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt của người lao động. Sự gắn bó giữa thiên nhiên và con người trong đời sống thông qua ca dao là sự gắn bó vô cùng mật thiết. Bằng đặc điểm trữ tình tha thiết của ca dao, các từ chỉ các hiện tượng trong đời sống hằng ngày của con người trở nên sinh động và mang nhiều ý nghĩa, càng thể hiện được sự gần gũi gắn bó với con người. Trong đề tài này, người viết đi vào phân tích các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên có mối quan hệ mật thiết với đời sống của người dân lao động. Từ các hình ảnh quen thuộc đó, tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của từ từ góc độ ngôn ngữ, làm nổi bật giá trị biểu trưng của các hình ảnh trong ca dao. Phân tích để thấy được sự phong phú của hệ thống các từ chỉ các hiện tượng trong thiên nhiên – tự nhiên qua ca dao. Tìm hiểu tính cách và nếp sống của người Việt Nam xưa và nay từ những câu lục bát thấm nhuần giá trị truyền thống dân tộc. 4. Phạm vi nghiên cứu Với đề tài này, người viết giới hạn phạm vi nghiên cứu trong những câu ca dao có chứa các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên. Cụ thể thông qua các từ để phân tích giá trị biểu trưng của các hình ảnh vốn đã rất quen thuộc với người dân lao động. Thế giới trong thiên nhiên – tự nhiên là thế giới các hiện tượng có sẵn, rất phong phú và đa dạng. Đối tượng chính trong đề tài này là các từ chỉ các hiện tượng tự nhiên thuộc về vũ trụ như: trăng, gió, mây, mưa,…và các từ chỉ thế giới các loài thực vật, động vật như: cỏ cây, hoa, lá, chim muông,… Người viết đi vào cụ thể các câu ca dao có các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên, thống kê và khảo sát để đi vào ngữ nghĩa của từ chỉ các hiện tượng đó ở góc độ ngôn ngữ. Ngữ liệu khảo sát của đề tài này là công trình nghiên cứu “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Phan, Nxb Thời Đại. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, người viết đã sử dụng một số phương pháp khoa học chung. Người viết đã sử dụng phương pháp thống kê, khảo sát để xác định tần số xuất hiện của các từ chỉ các hiện tượng thiên nhiên – tự nhiên trong ca dao. Để thấy được vai trò và giá trị biểu trưng của các từ và các hình ảnh trong ca dao, người viết dùng biện pháp so sánh, đối chiếu giữa các câu ca dao, giữa các hình ảnh biểu trưng. Để làm sáng tỏ những luận điểm, ý kiến đưa ra thì biện pháp chứng minh giúp ích rất nhiều cho người viết thực hiện thao tác này. Trong quá trình thực hiện đề tài, phương pháp phân tích, tổng hợp, chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu nhất cũng góp phần quan trọng không kém. Ngoài ra, người viết còn sử dụng một số phương pháp liên ngành : lịch sử, văn hóa,..từ đó mổ xẻ, lí giải, phân tích những vấn đề một cách logic và chặt chẽ hơn. B. PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỪ 1. Từ là gì? Cho đến nay, vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong cách định nghĩa về từ. Theo G.S Cao Xuân Hạo: “Chúng ta hiểu tính đa dạng về tên gọi mà các tác giả khác nhau đã đề nghị cho đơn vị khác thường đó của các ngôn ngữ đơn lập là: tiết vị (syllabophoneme), hình tiết (morphosyllabeme), từ tiết (wordssyllabe), đơn tiết (monosyllabe) hoặc đơn giản là từ (word). Thực ra nó chính là âm, hình vị, hoặc từ và tất cả là đồng thời nếu chúng ta so sánh với các ngôn ngữ Châu Âu về cơ cấu xoay quanh ba trục được tạo thành bởi các đơn vị cơ bản là âm vị, hình vị và từ thì cơ cấu của Tiếng Việt hầu như là sự kết hợp ba trục đó thành một trục duy nhất, âm tiết” [43;7] Nguyễn Thiện Giáp: “ Từ của Tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ba nghĩa để tạo ra câu nói; nó có hình thức, có một âm tiết, một chữ viết rời” [17;72] Theo quan niệm của Trương Văn Chính, Nguyễn Hiến Lê: “Từ là âm có nghĩa, dùng trong ngôn ngữ để diễn đạt một ý đơn giản nhất, nghĩa là ý không thể phân tích ra được” [41;67] Nguyễn Văn Tu cho rằng: “ Từ là đơn vị nhỏ nhất và đơn lập, có hình thức vật chất (vỏ âm thanh là hình thức) và có nghĩa, có tính biện chứng và lịch sử” [41;75] Tác giả Nguyễn Kim Thản viết: “Từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ có thể tách khỏi đơn vị khác của lời nói để vận dụng một cách độc lập và một khối hoàn chỉnh về ngữ âm( từ vựng, ngữ pháp) và chức năng ngữ pháp” [40;14] Hồ Lê nêu ý kiến: “ Từ là đơn vị ngôn ngữ có chức năng định danh phi liên kết hiện thực, hoặc chức năng mô phỏng tiếng động có khả năng kết hợp tự do, có tính vững chắc về cấu tạo và tính nhất thể về ý nghĩa.”[35;8] Lưu Văn Lãng cho rằng:” Những đơn vị dùng tách biệt nhỏ nhất mới là từ. Có thể nói từ là đơn vị tách biệt nhỏ nhất. Nói cách khác, từ là ngữ đoạn (tĩnh) nhỏ nhất và từ có thể gồm nhiều tiếng không tự do kết hợp lại không theo quan hệ thuần cú pháp Tiếng Việt” [41;8] Đỗ Hữu Châu quan niệm: “ Từ của tiếng việt là một hoặc một số âm tiết cố định bất biến, có ý nghĩa nhất định, nằm trong một phương thức (hoặc kiểu cấu tạo) cấu tạo nhất định, tuân theo những kiểu đặc điểm ngữ pháp nhất định, lớn nhất trong từ vựng và nhỏ nhất để tạo câu” [5;139] Qua các định nghĩa nêu trên, chúng tôi nhận thấy có thể khái quát về khái niệm từ như sau: Từ là đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ có nghĩa. Từ mang tính sẵn có, cố định và là đơn vị nhỏ nhất trực tiếp tạo câu. 2. Các thành phần nghĩa của từ Mỗi khi học nghĩa của một từ, chúng ta bằng cách liên hội từ với những cái mà nó chỉ ra (trước hết là sự vật, hiện tượng, hành động, hoặc thuộc tính,…mà từ đó làm tên gọi cho nó). Mặt khác, nghĩa của từ cũng được thông qua các tình huống giao tiếp ngôn ngữ mà từ đó được sử dụng. Từ có liên hệ với nhiều nhân tố, nhiều hiện tượng. Nghĩa của từ không phải chỉ có một thành phần. Khi nói về nghĩa của từ, người ta thường phân biệt các thành phần nghĩa sau đây: 2.1 Nghĩa biểu vật (denotative) Những sự vật, quá trình, tính chất hoặc trạng thái mà từ biểu thị được gọi là nghĩa biểu vật của từ. Hay nói cách khác, nghĩa biểu vật của từ là các ánh xạ của các sự vật, thuộc tính ngoài ngôn ngữ vào ngôn ngữ. Biểu vật có thể hiện thực hoặc phi hiện thực, hữu hình hay vô hình, có bản chất vật chất hoặc phi vật chất. Ví dụ: đất, trời, mây, mưa, nắng, nóng, lạnh, thánh, thần,… Ánh xạ của các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được phản ánh vào ngôn ngữ không hoàn toàn đồng nhất với các ánh xạ được phản ánh trong tự nhiên. Ánh xạ trong ngôn ngữ có sự cải tạo lại, sáng tạo những cái có trong thực tế theo cách nhận thức của từng dân tộc. Ta có thể chứng minh điều này dựa vào phạm vi biểu vật của các thực từ trong ngôn ngữ cụ thể và dựa vào việc so sánh, đối chiếu phạm vi biểu vật giữa các ngôn ngữ. * Biểu hiện thứ nhất của sự không trùng nhau đó là: trong thực tế sự vật luôn luôn tồn tại trong dạng cá thể và cụ thể, còn nghĩa biểu vật trong ngôn ngữ lại mang tính đồng loạt, khái quát… * Biểu hiện thứ hai của sự không trùng nhau đó là sự chia cát hiện thực khách quan khác nhau về nghĩa biểu vật của các ngôn ngữ. 2.2 Nghĩa biểu niệm ( significative) Sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan có các thuộc tính, các thuộc tính đó phản ánh vào tư duy hình thành các khái niệm. Hay nói cách khác, khái niệm là phạm trù của tư duy, được hình thành từ những hiểu biết trong thực tế. Đấy là những dấu hiệu bản chất về sự vật, hiện tượng. Các thuộc tính đó phản ánh vào ngôn ngữ hình thành các nét nghĩa. Tập hợp của các nét nghĩa đó trong ngôn ngữ, hình thành nghĩa biểu niệm. Như vậy, nghĩa biểu niệm một mặt thông qua các nghĩa biểu vật mà liên hệ với hiện thực khách quan, mặt khác, lại có quan hệ với khái niệm, qua khái niệm mà liên hệ với hiện thực ngoài ngôn ngữ. Các nét nghĩa bắt buộc từ các thuộc tính của các sự vật trong thực tế. Mỗi dân tộc, tùy theo ngôn ngữ của mình, chọn một số thuộc tính cơ bản có tác dụng xác lập nghĩa của từ trong hệ thống. Nghĩa biểu niệm chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong từ vựng-ngữ học,. Cần phải hiểu mối liên hệ mà chúng ta nói tới trong quan niệm về nghĩa của từ ở đây chính là mối liên hệ chỉ xuất, mối liên hệ phản ánh, cho nên nghĩa biểu hiện cũng có thể hiểu là sự phản ánh sự vật – biểu vật (đúng hơn là phản ánh các thuộc tính, các đặc trưng của chúng) trong ý thức con người, được tiến hành bằng từ. * Nghĩa biểu niệm của từ là tập hợp của một số nét nghĩa chung và riêng, khía quát và cụ thể theo một tổ chức, một trật tự nhất định. Giữa các nét nghĩa có mối quan hệ nhất định. Tập hợp này ứng với một số nghĩa biểu vật của từ. Chính vì nghĩa biểu niệm của từ là một tập hợp có tổ chức, có quan hệ, cho nên còn có thể gọi nó là cấu trúc biểu niệm. Ví dụ: Nước biển, nước mắm, ngồi ghế, ngồi chồm hổm, cái bàn, quần áo,… 2.3 Nghĩa biểu thái (pragmatical meaning) Nghĩa ngữ dụng còn gọi là nghĩa biểu thái, là mối liên hệ giữa từ với thái độ chủ quan, cảm xúc của người nói. Thuộc phạm vi nghĩa biểu thái của từ bao gồm những nhân tố đánh giá như: “to nhỏ”, “mạnh yếu”,…nhân tố cảm xúc như: “dễ chịu”, “khó chịu”, “sợ hãi”, …Nhân tố thái độ như: “trọng”, “khinh”, “yêu”, “ghét”,…mà từ gợi ra cho người nói và người nghe. 3. Sự chuyển nghĩa của từ trong hệ thống 3.1 Nguyên nhân Sự chuyển nghĩa của từ xảy ra do nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, bên trong và bên ngoài khác nhau như sự phát triển không ngừng của thực tế khách quan, nhận thức của con người thay đổi, hiện tượng kiêng cữ, sự phát triển và biến đổi của hệ thống ngôn ngữ…Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là “nhu cầu giao tiếp của con người”. Thay đổi nghĩa của một từ có sẵn, thổi vào chúng một luồng sinh khí mới là một biện pháp tiết kiệm, sống động, giàu tính dân tộc, dễ dàng được sư chấp nhận của nhân dân, đáp ứng được kịp thời nhu cầu của giao tiếp. 3.2 Các dạng chuyển nghĩa của từ - Dạng móc xích - Dạng tỏa ra 3.3 Phương thức chuyển nghĩa của từ Một từ có thể có một hoặc nhiều nghĩa, nhưng đó không phải là những tổ chức lộn xộn. Nếu là một từ nhiều nghĩa (đa nghĩa) thì các nghĩa đó của từ có quan hệ với nhau, được sắp xếp theo những cơ cấu tổ chức nhất định. Trong từng nghĩa của mỗi từ cũng vậy, chúng gồm những thành tố nhỏ hơn, có thể phân tích ra được và cũng được sắp xếp theo một tổ chức nào đó. Như vậy, xét cơ cấu nghĩa của từ là ta xác định xem từ đó có bao nhiêu nghĩa, mỗi nghĩa có bao nhiêu thành tố nhỏ hơn, và tất cả chúng được sắp xếp trong quan hệ với nhau như thế nào. Để xây dựng, phát triển thêm nghĩa của các từ, trong ngôn ngữ có nhiều phương thức. Tuy nhiên, có hai phương thức quan trọng nhất thường gặp trong các ngôn ngữ là: chuyển nghĩa ẩn dụ (metaphor) và chuyển nghĩa hoán dụ (metonymy). 3.3.1 Phương thức ẩn dụ Là phương thức lấy tên gọi A của sự vật a để gọi tên các sự vật b, c, d vì giữa a, b, c, d có điểm giống nhau. Hay nói cách khác, ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào qui luật liên tưởng tương đồng. Ví dụ: Từ CÁNH trong tiếng Việt có nhiều nghĩa. Khi định danh cho cánh chim, cánh chuồn chuồn, cánh bướm,... nó có nghĩa là: Bộ phận dùng để bay của chim, dơi, côn trùng; có hình tấm, rộng bản, tạo thành đôi đối xứng ở hai bên thân và có thể khép vào, mở ra. Trên cơ sở so sánh nhiều sự vật khác có hình dạng tương tự (hoặc người Việt liên tưởng và cho là chúng tương tự nhau), người ta đã đã chuyển CÁNH sang gọi tên cho những bộ phận giống hình cánh chim ở một vật: cánh máy bay, cánh quạt, cánh hoa; cánh chong chóng, cánh cửa, ngôi sao năm cánh; kề vai sát cánh đấu tranh, cánh tay, cánh buồn; cánh rừng, cánh đồng, cánh quân,... (những tên gọi về sau này đã khác rất xa so với cánh chim). * Có hai hình thức chuyển nghĩa: - Dùng cái cụ thể để nói cái cụ thể (ẩn dụ cụ thể - cụ thể) - Dùng cái cụ thể để gọi tên những cái trừu tượng (ẩn dụ cụ thể - trừu tượng) 3.3.2 Phương thức hoán dụ Là phương thức lấy tên gọi A của sự vật a để gọi tên cho sự vật b, c, d vì giữa a, b, c, d tuy không giống nhau nhưng có một quan hệ gần nhau nào đó về không gian hay thời gian. Hoán dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa vào quy luật liên tưởng tiếp cận. Ví dụ: Vụng vá vai (áo) tài vá nách (áo) Ở đây, tiếng Việt đã lấy bộ phận thân thể để gọi tên bộ phận trang phục có vị trí tương ứng. * Các dạng chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ a. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa bộ phận và toàn thể. Dạng chuyển nghĩa này có các cơ chế chuyển nghĩa cụ thể sau: Lấy tên gọi của một bộ phận cơ thể gọi tên cho người hay cho cả toàn thể. Lấy tên gọi của tiếng kêu, đặc điểm hình dáng của đối tượng gọi tên cho đối tượng. Lấy tên gọi của đơn vị thời gian nhỏ gọi tên cho đơn vị thời gian lớn. Lấy tên gọi của toàn bộ gọi tên cho bộ phận. b. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa vật chứa và vật bị chứa hay lượng vật chất được chứa. c. Lấy tên nguyên liệu gọi tên cho hoạt động hoặc sản phẩm được chế ra từ nguyên liệu đó. d. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa đồ dùng hoặc dụng cụ và người sử dụng hoặc ngành hoạt động sử dụng dụng cụ đó. e. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa cơ quan chức năng và chức năng. f. Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tư thế cụ thể và hành vi hoặc trạng thái tâm- sinh lí đi kèm. g. Hoán dụ dựa trên quan hệ giữa tác giả hoặc địa phương và tác phẩm hoặc sản phẩm của họ hoặc ngược lại. Tóm lại, hiện tượng nhiều nghĩa một mặt phản ánh độ dày của ngôn ngữ, một mặt đáp ứng quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ; mặt khác phản ánh độ phong phú của tư duy, tình cảm, những kinh nghiệm sống của mỗi dân tộc. Hiện tượng nhiều nghĩa còn giúp ta có thêm căn cứ để hiểu sâu sắc bản chất ý nghĩa của từ cũng như tính hệ thống của chúng. 3. Sự chuyển nghĩa của từ trong hoạt động Trong hoạt động nhận thức và giao tiếp, từ có thể được chuyển nghĩa (chuyển tên gọi từ một đối tượng cũ sang một đối tượng mới) dựa trên mối quan hệ nào đó giữa các đối tượng được gọi tên. Tác giả Cù Đình Tú nói đến sự chuyển nghĩa của từ trong quyển Phong cách học và đặc điểm tu từ Tiếng Việt, Nxb Giáo dục,2001, theo quan niệm của ông thì các cách tu từ cấu tạo theo quan hệ liên tưởng là trong một văn cảnh cụ thể, từ ngữ có hiện tượng lâm thời chuyển đổi nghĩa. Ở đây, nghĩa của từ vốn biểu thị đối tượng này nay được lâm thời chuyển sang biểu thị đối tượng khác dựa trên một quan hệ liên tưởng nhất định (liên tưởng nét tương đồng và liên tưởng có tính logic khách quan) về mối quan hệ có thực xảy ra giữa hai đối tượng. Tùy vào đặc trưng của từng đối tượng, tùy thuộc vào đặc trưng mối quan hệ liên tưởng giữa hai đối tượng mà chúng ta có những cách tu từ: ẩn dụ tu từ, hoán dụ tu từ, tượng trưng tu từ,… 3.1 Ẩn dụ tu từ Ẩn dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên cơ sở của mối quan hệ liên tưởng về nét tương đồng giữa hai đối tượng. [7;60] Ví dụ : “Thuyền về có nhớ bến chăng Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền” (Ca dao) Trong tâm trí người bình dân Việt Nam, hình ảnh “cây đa bến cũ” thường gắn với cái gì vững bền, không thay đổi. Người ta liên tưởng đến dấu hiệu tương tự ở một con người thủy chung. Và “bến” được ca dao lấy làm ẩn dụ để lâm thời biểu thị con người có lòng thủy chung. 3.2 Hoán dụ tu từ Hoán dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi của đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên mối quan hệ liên tưởng loogic khách quan giữa hai đối tượng.[7;64] Ví dụ: Đầu xanh có tội tình gì? Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi (Nguyễn Du) _ “Đầu xanh” ( bộ phận cơ thể), biểu thị cho con người ở tuổi trẻ trung _ “Má hồng” (bộ phận cơ thể), biểu thị người đàn bà sống trong lầu xanh 3.3 Tượng trưng Tượng trưng là cách tu từ biểu thị đối tượng định miêu tả bằng ước lệ có tính chất xã hội. Người ta qui ước với nhau rằng: từ ngữ này có thể được dùng để biểu thị một đối tượng khác ngoài cái nội dung ngữ nghĩa thông thường của nó…[7;65] Ví dụ: “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò Cây đa bến cũ, con đò khác xưa” (Ca dao) “Cây đa”, “bến cũ”, con đò tượng trưng cho những người yêu nhau. Nói về sự đổi thay trong tình yêu. * Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ tu từ với ẩn dụ và hoán dụ từ vựng - Ẩn dụ và hoán dụ tu từ được sử dụng nhằm giúp cho sự diễn đạt tăng tính hình ảnh, biểu cảm, chứ không có tác dụng tạo nghĩa mới làm giàu cho hệ
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng