Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Cao đẳng - Đại học Chuyên ngành kinh tế Truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn ngọc thuần từ góc nhìn tự sự...

Tài liệu Truyện viết cho thiếu nhi của nguyễn ngọc thuần từ góc nhìn tự sự

.PDF
117
1
102

Mô tả:

UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT HÀ MỘNG THÚY TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 8220121 BÌNH DƯƠNG – 2019 UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT HÀ MỘNG THÚY TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN TỪ GÓC NHÌN TỰ SỰ LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 8220121 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS BÙI THANH TRUYỀN BÌNH DƯƠNG – 2019 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của bản thân. Các số liệu, kết quả được trình bày trong luận văn là trung thực, chính xác và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nghiên cứu nào trước đây. Nếu có sai sót tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Bình Dương, ngày 10 tháng 10 năm 2019 Hà Mộng Thúy i LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn quý thầy giáo, cô giáo, cán bộ khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn trường Đại học Thủ Dầu Một đã nhiệt tình giảng dạy và giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập và nghiên cứu. Xin cảm ơn thư viện Đại học Thủ Dầu Một đã hết lòng phục vụ, cung cấp tài liệu quý báu để tôi hoàn thành luận văn này. Đặc biệt, tôi gởi lời biết ơn sâu sắc đến PGS. TS Bùi Thanh Truyền, người thầy đã tận tình giảng dạy, hướng dẫn và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn. Xin gởi lời cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian học tập và hoàn thành luận văn. ii MỤC LỤC Lời cam đoan …………………….……………………………………………… i Lời cảm ơn ……………………………………………………………………… ii Mục lục ………………………………………………...………………………. iii MỞ ĐẦU ……………………………………………………………………..… 1 1. Lí do chọn đề tài …………………………………………………………...… 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề …………………………………………...………. 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ……………………………………..…….. 5 4. Phương pháp nghiên cứu …………………………………………..………… 6 5. Đóng góp của đề tài ………………………………………………………….. 7 6. Cấu trúc luận văn …………………………………………………………..… 7 NỘI DUNG CHƯƠNG 1. NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN ……..…. 8 1.1. Người kể chuyện trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần 8 1.1.1. Khái lược về người kể chuyện ......................................................... 8 1.1.2. Biểu hiện của người kể chuyện trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ……………………………………………...…………… 10 1.2. Điểm nhìn trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………………………………………………………………………….. 14 1.2.1. Khái lược về điểm nhìn trần thuật …………………….………… 14 1.2.2. Hai kiểu loại điểm nhìn trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ……………………………………………………… 17 1.2.2.1. Điểm nhìn bên trong – những diễn biến nội tâm bên trong của nhân vật chính ……………………………………………...……… 17 1.2.2.2. Điểm nhìn bên ngoài – thế giới bên ngoài qua cách cảm nhận của nhân vật chính …………………………………….…………. 23 Tiểu kết ………………………………………………………………………... 36 iii CHƯƠNG 2. KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN …………………..…………… 37 2.1. Không gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………………………………………………………………………….. 37 2.1.1. Khái lược về không gian nghệ thuật …………………..………… 37 2.1.2. Các dạng thức không gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ……………………………………………………… 39 2.1.2.1. Không gian sự sống – cái chết …………………….…… 39 2.1.2.2. Không gian những giấc mơ ……………………….…… 44 2.1.2.3. Không gian mưa ……………………………………….. 47 2.2. Thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………………………………………………………………………….. 49 2.2.1. Khái lược về thời gian nghệ thuật …………………..…………… 49 2.2.2. Một số biểu hiện của thời gian nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………….…………………………...……. 51 2.2.2.1. Thời gian hồi tưởng ……………………………….…… 51 2.2.2.2. Thời gian tâm lí …………………………………….….. 54 Tiểu kết ………………………………………………………………………... 63 CHƯƠNG 3. GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN …….… 64 3.1. Giọng điệu trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………………………………………………………………………….. 64 3.1.1. Khái lược về giọng điệu trần thuật ……………………………… 64 3.1.2. Biểu hiện của giọng điệu trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ………………………………………………. 66 3.1.2.1. Giọng điệu triết lý, nhân sinh …………………………………. 66 3.1.2.2. Giọng điệu giàu chất nhạc, đầy cảm xúc ……………………… 72 3.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần …………………………………………………………………………………. 74 3.2.1. Đôi nét về ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm văn học …….…... 74 iv 3.2.2. Đặc điểm của ngôn ngữ trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần .……………………………………...…….… 75 3.2.2.1 Ngôn ngữ mang đậm sắc thái cuộc sống hiện đại ……………... 75 3.2.2.2 Ngôn ngữ mang đậm âm hưởng sắc thái cổ tích ………………. 77 Tiểu kết ………………………………………………………………………... 78 KẾT LUẬN ………………………………………………………………..….. 79 CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ……………………………………………… 81 TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………….. 82 PHỤ LỤC ……………………………………………………………………... 87 v MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Có thể nói văn học thiếu nhi trong dòng chảy văn học Việt Nam chỉ mới đạt được những thành tựu đáng kể vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Với những tác giả tiêu biểu: Tô Hoài cách tân truyện thiếu nhi bằng cách làm mới lại những truyện cổ tích vốn đã in sâu trong tâm thức trẻ thơ là Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, 101 truyện ngày xưa…; Phạm Hổ lại dùng cách nhìn của con người hiện đại để viết nên những câu chuyện cổ tích là Chuyện hoa, chuyện quả; Võ Quảng với Quê nội là những em thiếu nhi sục sôi tinh thần cách mạng hòa chung nhiệt huyết của cả dân tộc; Trần Đăng Khoa nổi bật với cái nhìn trẻ thơ vừa trong trẻo vừa bỡ ngỡ và cũng đầy yêu thương về vạn vật xung quanh, từ đời sống bình dị đến cuộc chiến gian lao mà anh dũng của dân tộc là tập thơ Góc sân và khoảng trời; Trần Hoài Dương góp vào văn học thiếu nhi làn gió trữ tình đầy tính thơ về thiên nhiên hoa lá của Nhớ một mùa hoa thạch thảo, Cô bé mảnh khảnh, Hoa cỏ thì thầm,…; phong cách thích khám phá, thích phiêu lưu mạo hiểm của trẻ thơ in đậm trong những tác phẩm của Nguyễn Quỳnh là Đồi sói hú, Rừng đêm,… Đến những năm 90 lại có thêm số lượng đông đảo những nhà văn, nhà thơ trẻ: Trần Thiên Hương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Nhật Ánh, Hà Lâm Kì, Quách Liêu, Phan Hồn Nhiên,… Phùng Ngọc Hùng, Trương Hữu Lợi, Dương Thuấn, Mai Văn Hai,… Đây cũng chính là bước ngoặt của văn học thiếu nhi cùng với dòng chảy của văn học Việt Nam trong thời kỳ đất nước đổi mới về mọi mặt. Không chỉ những tác giả người lớn viết về thiếu nhi mà lúc này đây chính các bạn thiếu nhi cũng tham gia viết về lứa tuổi của mình, về cuộc sống các em đã nêu lên cảm quan trong chính đứa con tinh thần của mình. Văn học thiếu nhi được bổ sung thêm một lực lượng hùng hậu khác – tự mình nói về bản thân mình. Bước sang thế kỷ XXI, ngoài những dấu gạch nối của cả hai thế kỷ (Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quỳnh, Dương Thuấn) còn có những tên tuổi mới kế tiếp thế hệ đàn anh như: Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Lãm Thắng,… Trong đó đặc biệt phải kể đến Nguyễn Ngọc Thuần vốn xuất thân là dân mỹ thuật nhưng lại gây tiếng vang ở lĩnh vực văn học thiếu nhi. Anh đã ẵm gọn ba giải thưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi: Giăng giăng tơ nhện (giải thưởng Văn học tuổi hai mươi lần II); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB Trẻ 2000, giải nhất cuộc thi Văn học Thiếu nhi lần III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất; Một thiên nằm mộng - giải 1 A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng 2001-2002; Nhện ảo - giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2003, giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên phối hợp với NXB Văn nghệ tổ chức cho tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ… 1.2. Roland Barthes khẳng định: Đã có bản thân lịch sử loài người, thì đã có tự sự. Còn tự sự học được ra đời vào những năm 60 – 80 của thế kỷ XX với tư cách là một bộ môn đặc thù (với nhiệm vụ và phương pháp riêng) của ngành nghiên cứu văn học. Từ lúc manh nha cho đến lúc trở thành một bộ môn nghiên cứu văn học, tự sự học đã được vận dụng rộng rãi vào việc nghiên cứu văn học. Những công trình nghiên cứu theo hướng tự sự học hiện nay trên thế giới rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng tự sự học cũng giúp phát hiện những đặc điểm mới của thể loại tiểu thuyết trong thời kỳ mới. Trong luận văn này, chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn của tự sự chính là đi sâu tìm hiểu những phương thức tự sự mà anh đã lựa chọn, đã sử dụng để xây dựng nên thế giới trẻ thơ trong tác phẩm của mình, qua đó thể hiện nội dung nhân văn sâu sắc mà tác giả muốn gởi gắm đến đọc giả. Đây cũng chính là nét đặc sắc riêng, đóng góp lớn nhất và cũng là yếu tố làm nên tên tuổi của Nguyễn Ngọc Thuần trên văn đàn. Đồng thời, từ góc nhìn của tự sự học, đề tài soi chiếu vào bốn truyện thiếu nhi cụ thể sẽ góp phần nhận thức rõ hơn lý thuyết này, góp nhặt thêm điều nhỏ bé trong hành trình giới thiệu một lý thuyết còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Để thấy được tính mới ở những truyện thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần cũng như những đóng góp của tự sự học trong việc nghiên cứu văn học thiếu nhi, chúng tôi xin lựa chọn đề tài nghiên cứu của mình là: Truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần từ góc nhìn tự sự. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Nghiên cứu về truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần Đọc truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần ta cảm thấy đó là những đề tài rất riêng của văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại. Không còn là những bài học thuyết giáo mang tính giáo điều cho trẻ em, truyện của Nguyễn Ngọc Thuần dành riêng cho trẻ em những suy nghĩ tự nhận ra, tự cảm thấy của chính các em về một thế giới hậu hiện đại hoàn toàn khác hẳn với thời của bố mẹ các em. Đó là cuộc sống không còn là những hi sinh mất mát vì chiến tranh. Đó là một cuộc sống không còn bị cuốn theo vì một lí tưởng vĩ đại – đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đó là một cuộc sống trẻ em không còn phải sống cảnh xa cha mẹ (vì cha mẹ gia nhập kháng chiến) và ngay chính các em cũng phải tham gia vào 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Mà đó là một cuộc sống đời thường rất mực bình dị nhưng không kém phần đa dạng sắc màu. Đó là cuộc sống của những cậu bé nông thôn, cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn về vật chất nhưng không vì thế mà cuộc sống tinh thần, tâm hồn các em trở nên cằn cỗi, nghèo nàn. Qua những truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần, người đọc nhận thấy được tâm hồn trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên, ngây thơ giàu tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, giàu tình thương người, tình yêu thiên nhiên và đầy những giấc mơ nuôi lớn tâm hồn trẻ. Là gương mặt nhà văn trẻ đầy triển vọng có nhiều tìm tòi, sáng tạo, truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần là đối tượng được quan tâm của khá nhiều bài viết ở những mức độ, phạm vi, tầm cỡ khác nhau. Tuy nhiên theo chúng tôi, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách dày dặn, toàn diện về truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần, chủ yếu là các bài giới thiệu, phê bình được in trong sách hoặc các bài viết, bài báo được đăng rải rác trên các trang web, báo điện tử và một vài luận văn thạc sĩ. Dưới đây, chúng tôi xin điểm qua một số bài viết, bài báo, luận văn đề cập đến truyện của Nguyễn Ngọc Thuần nói chung và truyện viết cho thiếu nhi nói riêng. Nguyễn Ngọc Thuần ngọt ngào và huyễn hoặc của Văn Thành Lê viết: ““Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” ... Ngọt ngào và trong trẻo. Nguyễn Ngọc Thuần bày ra thế giới trẻ thơ đẹp đến tinh khiết, vô trùng. Bảng lảng hiện thực bồng bềnh cổ tích. Quan trọng là đẹp. Những câu văn đẹp, đầy hình ảnh. Những ý nghĩ đẹp, đầy nhân văn. Nhưng thật tự nhiên. Cứ như ở đấy là những đứa trẻ đang chơi với nhau chứ không phải chàng trai Nguyễn Ngọc Thuần cao hơn Tây gầy hơn ta kể chuyện… Tôi tâm đắc với quan niệm của anh về văn chương, nhẹ nhàng, hài hước nhưng trúng: “Văn chương là tâm tính, tâm hồn, tâm trạng… Chẳng thể nào chuyên nghiệp được mấy cái đó. Nếu bạn thích xuống dòng thì bạn nên xuống dòng, thích viết hoa thì cứ viết hoa. Bởi bạn là người ra luật chơi mà. Bạn đừng vì một cái luật nào đó không cho xuống dòng, không cho viết hoa thế là bạn phải đu theo mặc dù trong tâm hồn bạn không hề muốn thế. Nhưng tôi nghĩ, nếu chấm câu mà truyện vẫn hay thì không có lý do gì hành hạ người đọc chi cho khổ. Tốn nhiều công sức cho một ít ý nghĩa là không chính đáng”.” (Văn Thành Lê,2016). Còn Lê Phương Liên trong Văn xuôi và trẻ em thì viết: “Trong thể loại truyện vừa cho thiếu nhi, trong dòng chảy tự sự mới,thế giới tuổi thơ của Nguyễn Ngọc Thuần đã xuất hiện như một tia sáng trong xanh, bừng nở trong vườn văn cho trẻ em Việt Nam. Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ và Một thiên nằm mộng cho đến nay vẫn là những cuốn sách gây sửng sốt mà vẫn chưa được nhiều nhà phê bình quan tâm nghiên cứu. 3 … Vâng, vì nói “trì trệ” thì tại sao trong thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI, thành tựu Văn học thiếu nhi Việt Nam đã được ghi nhận bằng những giải thưởng quốc tế như Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh được giải thưởng Asean, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải thưởng Peter Pan của Thụy Điển” (Lê Phương Liên, 2012). Nguyễn Ngọc Thuần - "Hoàng tử bé" biến mất của Toàn Nguyễn viết: “Rất ít người biết, Thuần có một tuổi thơ như một cậu bé... du mục, đi theo chiếc xe của ba mình dọc các cung đường buôn bán. Một tuổi thơ có thể là rất buồn. Nhưng với Thuần thì lại là "một tuổi thơ hấp dẫn". Thuần không mang ký ức đó vào văn chương. Mà nó như một bệ phóng, để anh nhìn cuộc sống qua một lăng kính khác. Trong thế giới tưởng tượng của anh, mọi thứ đều được bay bổng đến tối đa. Và Nguyễn Ngọc Thuần nói, anh không thích một đời sống bình thường trong văn chương. Vì đời chúng ta đã vô cùng nhạt nhẽo, phải để cho nhân vật của chúng ta được sống mạnh mẽ hơn” (Toàn Nguyễn, 2009). Nhà nghiên cứu văn học Phong Lê đã nhận định: “Nhà văn viết cho thiếu nhi ngoài tư cách vô cùng quan trọng là một nhà văn – người nghệ sĩ, còn cần phải thêm nhiều thiên chức khác nhau như thiên chức của nhà tâm lý, nhà sư phạm”. Nguyễn Ngọc Thuần đã làm được nhiều hơn thế, anh đã viết với tất cả ý thức trách nhiệm, viết bằng cả tấm lòng yêu trẻ thơ và cả sự tài hoa của một họa sĩ viết văn. Vì thế mà trong truyện của anh không những thấp thoáng hình ảnh của một nhà tâm lý học – giáo dục học trẻ em, một nhà sư phạm, người bạn của trẻ thơ mà còn toát lên vẻ đẹp của đường nét, màu sắc trong hội họa và tất cả hội tụ lại đã làm nên tính nhân văn sâu sắc trong tác phẩm của anh.” Trong Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam (tập 1) của Vân Thanh và Nguyên An, NXB từ điển Bách khoa năm 2002 viết: Một tác phẩm viết cho thiếu nhi phải “đánh thức trong lòng các em những tình cảm cao quý”. Với những câu chuyện giản dị, êm dịu, trong trẻo và đầy ắp sự yêu thương, truyện thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần đã làm được điều đó. Anh cho rằng:“Văn chương thì phải đẹp và nhân văn. Yếu tố con người là quan trọng... Tôi là dân mỹ thuật, nếu viết không đẹp thì thà rằng không viết”. Trong Người kể chuyện cổ tích hiện đại, Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Tất cả những người thân yêu của cậu, những con vật, đồ vật thân yêu trong ngôi làng miền Trung xa ngái của cậu đều trở nên lung linh mờ ảo trong giấc mơ về đêm của cậu bé. 4 Dường như giấc mơ là cứu cánh duy nhất của nhân vật chính và cũng là cách duy nhất để Nguyễn Ngọc Thuần quay trở về với thế giới tuổi thơ của mình, cái thế giới giờ đây đã chỉ còn là hoài niệm. Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa là một truyện ngắn tặng bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện ngắn dành cho người lớn. Bởi chúng có nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ… nhìn ra thế giới… Một đôi mắt sẽ cho ta biết họ yêu mến điều gì, và quan trọng hơn nữa, họ đã hi sinh cho điều gì…” (Nguyễn Thị Minh Thái, 2004). Chính bản thân Nguyễn Ngọc Thuần đã tâm sự: “Trong lịch sử của giải Peter Pan, các nước có các tác giả được trao giải là Pháp, Mỹ, Nga, Ireland, Phần Lan, Canada và Trung Quốc. Không thể xem những nước trên là xa lạ với châu Âu được. Nhưng cũng đừng vì những điều đó mà quá đặt nặng. Giải thưởng không thể thay đổi cuốn sách của bạn, bởi vì cuốn sách bao giờ cũng có trước, trước khi giải thưởng được trao cho bạn. Nói cách khác, giải thưởng chỉ làm mỗi việc xác định lại tư tưởng của bạn mà thôi.” (Dương Bình Nguyên, 2008). 2.2. Nghiên cứu về truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần từ góc nhìn tự sự Một số luận văn làm về truyện thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần cũng có nhắc đến một vài biểu hiện của tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần như: Đặc sắc nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (2012) của Lê Thị Hằng (chuyên ngành VHVN – ĐH Vinh) có nói đến vấn đề ngôn ngữ, giọng điệu và tổ chức văn bản trong chương 3, Đặc điểm truyện thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần (2013) của Tạ Thị Liên (chuyên ngành LLVH - ĐH KHXH&NV) cũng đề cập đến ở chương 3 về nghệ thuật trần thuật. Sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần dưới góc nhìn văn hóa (2014) của Lê Thị Diệp (chuyên ngành VHVN – ĐHQG Hà Nội – ĐH KHXH&NV) có đề cập đến một vài khía cạnh thiên về tự sự học: chương 3 nói về giọng điệu. Như vậy, từ khi ra đời, truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần đã được sự quan tâm rộng rãi của dư luận với những đánh giá xác đáng ghi nhận những thành công và cả những hạn chế trong các tác phẩm của anh. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi chủ yếu đi vào nghiên cứu yếu tố tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. 5 3.2. Phạm vi nghiên cứu Chúng tôi nghiên cứu về yếu tố tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần qua việc khảo sát ba truyện dài và một tập truyện ngắn: - Giăng giăng tơ nhện, Nxb Trẻ, 2000 - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Nxb Trẻ, 2002 - Một thiên nằm mộng, Nxb Kim Đồng, 2003 - Cha và con và… tàu bay, Nxb Hội Nhà Văn và công ty Đông A, 2006 Mặt khác, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tiếp cận yếu tố tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần trên ba phương diện chủ yếu của tự sự học kinh điển đó là: người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật, không gian và thời gian trần thuật, giọng điệu và ngôn ngữ. Còn các khía cạnh khác của tự sự học hậu kinh điển như: tự sự học tri nhận, tự sự học nữ quyền, tự sự học tu từ, tự sự học lịch sử, tự sự học đa phương tiện,… chưa được khảo sát chi tiết. Ngoài ra, chúng tôi có mở rộng phạm vi khảo sát với một số tác phẩm và một số tác giả cùng thế hệ để đối chiếu, so sánh khi cần thiết. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Vận dụng lí thuyết tự sự học Vận dụng phương pháp này nhằm khảo sát để chỉ ra các biểu hiện của tính tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần 4.2. Phương pháp cấu trúc – hệ thống Trước hết, trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi sử dụng phương pháp này để xây dựng một hệ thống các luận điểm phù hợp nhằm làm sáng rõ đề tài về tính tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. Mặt khác, vận dụng phương pháp này, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi luôn đặt truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần trong mối quan hệ với toàn bộ sáng tác của tác giả này cũng như trong mối tương tác với các văn bản khác. 4.3. Phương pháp liên ngành Vận dụng phương pháp này để thấy được tính tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần như người kể chuyện, điểm nhìn, không thời gian, giọng điệu,… trong văn học thiếu nhi và văn học hậu hiện đại. 4.4. Các phương pháp khác Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi còn vận dụng một số phương pháp khác như: lịch sử xã hội, so sánh đối chiếu, thống kê, phân loại, phân tích, tổng 6 hợp,… để đi sâu khai thác các yếu tố tự sự, khái quát được những vấn đề thuộc về nội dung tư tưởng cũng như thủ pháp nghệ thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. 5. Đóng góp của đề tài Từ góc nhìn chủ quan, chúng tôi nhận thấy đây là công trình đầu tiên nghiên cứu hệ thống, chuyên sâu về biểu hiện của tính tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. Từ đó, chỉ ra được những hiệu quả thẩm mỹ của tính tự sự trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. Vì vậy, nếu thực hiện thành công đề tài này, luận văn sẽ có những đóng góp sau đây: 5.1. Nêu ra được sự ảnh hưởng của lí thuyết tự sự học đến truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần nói riêng và văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại nói chung. 5.2. Khẳng định được những đóng góp của Nguyễn Ngọc Thuần trong dòng chảy văn chương thiếu nhi Việt Nam đương đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của luận văn gồm có 3 chương: Chương 1. Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần Chương 2. Không gian và thời gian trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần Chương 3. Giọng điệu và ngôn ngữ trần thuật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần 7 Chương 1. NGƯỜI KỂ CHUYỆN VÀ ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA NGUYỄN NGỌC THUẦN Trong thời đại công nghệ hiện đại như ngày nay, việc con người tiếp cận thông tin được đến từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau và việc đọc một tác phẩm văn học cũng vậy. Chúng ta có thể đọc văn bản ấy ở sách, báo, tạp chí hoặc có thể đọc trên các trang mạng hay có thể nghe phát trực tiếp trên đài,… Dù là tiếp cận văn bản ở chiều thông tin nào đi chăng nữa thì yếu tố đầu tiên mà chúng ta tiếp xúc đó là: ai sẽ là người kể câu chuyện này và người kể câu chuyện ấy đi theo mạch cảm xúc nào, dẫn dắt nội dung câu chuyện ra sao? Đó là hai yếu tố đầu tiên và cũng là hai yếu tố quan trọng không thể thiếu khi người đọc tiếp cận tác phẩm văn học – người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật. 1.1. Người kể chuyện trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần 1.1.1. Khái lược về người kể chuyện Người kể chuyện cùng với điểm nhìn, thời gian trần thuật, không gian trần thuật, giọng điệu là cấu trúc trần thuật của tự sự. Người kể chuyện là nhân vật trung tâm của tự sự, là người kể lại câu chuyện cho người đọc nghe. Có người xưng “tôi” với tên tuổi, giới tính cụ thể, song cũng có người chỉ nghe thấy tiếng. Có truyện có một người kể, hoặc có nhiều người kể, cũng có trường hợp câu chuyện tự kể. Người kể chuyện có thể là những người ở cõi trên (thiên đàng), có thể là người, loài vật hay đồ vật,… Ở đây người kể chuyện mang tính nhân hóa trong điểm nhìn và giọng điệu. Người kể chuyện, trừ nhân vật xưng “tôi” trong hồi ký, nhật ký, phần lớn đều là nhân vật hư cấu do tác giả tạo ra để kể chuyện trong truyện. Thuật ngữ “người kể chuyện” mang tính quy ước, vì đôi khi người kể chuyện được nhân cách hóa, hoặc xưng “tôi” hoặc là các nhân vật,… Theo N. Tamarchenco “Người kể chuyện là chủ thể lời nói và là người đại diện cho điểm nhìn trong tác phẩm văn học… Người kể chuyện được khách quan hóa và được tách biệt rõ rệt với tác giả cả về mặt không gian, lẫn bình diện tu từ mà cụ thể nó được gắn với một hoàn cảnh văn hóa – xã hội và ngôn ngữ cụ thể để từ vị thế ấy nó mô tả các nhân vật khác”. (Nadan Tamarchenco, 2015). Do đó người kể 8 chuyện còn có cả góc nhìn của riêng mình thay vì có luôn cả tiếng nói và giọng điệu. G.Genette thì cho rằng: “Trong một truyện kể giản dị nhất, ai đó nói với tôi, kể cho tôi nghe một câu chuyện, thúc tôi hiểu nó như anh ta kể, và sự thúc giục này – do lòng tin hoặc sức ép tạo nên một thế giới trần thuật không thể chối cãi, vậy là tạo nên tư thế người kể chuyện”. (Thành Đức Hồng Hà, 2017). Riêng nhà nghiên cứu người Mĩ, Jonathan Culler khẳng định: “Bất cứ trần thuật nào đều phải có người kể chuyện, bất kể người kể chuyện ấy có được xác định rõ hay không. Bởi vì vấn đề trung tâm của chủ đề mỗi câu chuyện đều là vấn đề về mối quan hệ hàm ẩn giữa người kể chuyện và câu chuyện mà anh ta kể ra”. (Thành Đức Hồng Hà, 2017). Theo Từ điển thuật ngữ văn học: người kể chuyện lại là “hình tượng ước lệ về trần thuật trong một tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phầm” (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), 2007). Vậy người kể chuyện luôn gắn liền với điểm nhìn và là chủ thể của điểm nhìn đó. Qua điểm nhìn của mình, người kể chuyện có thể miêu tả những gì bên ngoài mà mình chứng kiến, cũng có thể bày tỏ bộc lộ những gì xảy ra bên trong cá nhân mình (nội tâm, tâm trạng, diễn biến tâm lý) theo sự quy định của tác giả hàm ẩn. Chính vì sự thể hiện đa dạng và phong phú về điểm nhìn của người kể chuyện nên nó có thể ẩn mình trong ngôi thứ ba hoặc xuất hiện ở ngôi thứ nhất “tôi”, hay qua ngôi thứ hai “anh/chị”. Trước đây lí luận văn học theo truyền thống Nga phân biệt “người trần thuật” – povestvovatel, ngôi kể thứ ba và “người kể chuyện” – raskazhik, ngôi thứ nhất. Đó chẳng qua là các hình thức tự sự khác nhau nên có thể gọi chung là người kể chuyện – narrateur. Thực tế trong giao tiếp, đóng vai trò là chủ thể của người nói chỉ có thể là ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai còn ngôi thứ ba thì không thể đóng vai trò chủ thể trực tiếp mà chỉ có thể ở vị trí người được nhắc đến, tức vắng mặt trong cuộc hội thoại. Tuy nhiên không thể loại bỏ đối tượng này trong hội thoại. Nhà ngữ học Pháp Benveniste phát hiện ra tính chất giả này của ngôi thứ ba nên gọi là “ngôi không ngôi”, “ngôi giả”. Còn nhà tự sự học Pháp G. Genette thì bác bỏ việc sử dụng “ngôi” trong lí thuyết tự sự. Ông khẳng định: “Bất kể truyện kể nào đều ở ngôi thứ nhất, bởi vì người kể chuyện của nó lúc nào cũng có thể tự chỉ định bằng đại từ ngôi thứ nhất”. (Gérard Genette, 2007). Thực ra chỉ khác ở chỗ nó ẩn mình chứ không thể nào vắng mặt được và ông thay thế bằng thuật ngữ tự sự homo – tự sự đồng sự và hétérodiégétique – tự sự dị sự. Theo ông nó phản ánh đúng thực chất mối quan hệ giữa người kể chuyện và câu chuyện được kể. Ngoài ra còn có mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả, nếu trong Diễn ngôn tự sự G. Genette cho là đối với tiểu thuyết, người kể chuyện có năm chức năng: chức năng kể; chức năng chỉ huy tự sự (điểm bắt đầu và điểm kết 9 thúc,…); chức năng bình luận, đánh giá; chức năng truyền đạt, thực hiện giao tiếp với người đọc; chức năng chứng kiến, chứng thực nhằm tạo sự thuyết phục. G. Genette cho rằng người kể chuyện có tất cả các chức năng của tác giả. Khác với quan điểm của G. Genette, Triệu Nghị Hành lại cho rằng: người kể miệng là người thật (trong phương thức truyền miệng dân gian), tác giả truyện lại là người khác. Còn người kể chuyện trong văn bản chỉ là “sinh thể bằng giấy” với điểm nhìn riêng, giọng điệu lời lẽ riêng, không phải là tác giả. Tác giả thật mới là người sáng tạo ra văn bản tự sự. Người kể chuyện chỉ là người đóng thế tác giả hàm ẩn, với chức năng chứng kiến và truyền đạt. Lúc này khi sáng tác, tác giả phải nhìn theo điểm nhìn của nhân vật, phải nói theo giọng điệu, tính cách của người kể chuyện. Ngoài ra, trước khi sáng tác, nhà văn phải lựa chọn góc nhìn, giọng điệu thì mới có thể chọn người kể chuyện cho thích hợp. Tác giả có thể lựa chọn người kể chuyện chứ không thể thay thế được người kể chuyện. Vậy người kể chuyện có chức năng gì? G. Genette cho rằng người kể chuyện có chức năng của tác giả (như đã nêu ở trên) còn Tz. Todorov lại khẳng định: “Người kể chuyện là một yếu tố chủ động trong việc kiến tạo thế giới hư cấu… Chính người kể chuyện là hiện thân của những khuynh hướng mang tính xét đoán và đánh giá… Chính nó lựa chọn lối nói gián tiếp hay lối nói trực tiếp, sự kế tiếp tuần tự của việc trình bày hay sự hoán vị thời gian. Không có người kể chuyện thì không có truyện kể”. (Trần Đình Sử, 2018). Nhà nghiên cứu Thụy Sĩ, bà M. L. Ryan cho rằng: “Sự có mặt của người trần thuật là điều nhất thiết phải có trong bất cứ văn bản nào”. Nói tóm lại chức năng người kể chuyện thể hiện sự tương tác của các chủ thể trong tự sự. (I. P. Ilin – E.A. Tzurganova, 2003). Tóm lại, người kể chuyện không tách rời với tác giả nhưng cũng không được đồng nhất họ, như R. Barthes đã nói: “không thể đồng nhất người thật, người viết với người kể trong truyện” (Trần Đình Sử, 2018). A. Robbe-Grillet từng nói: “Tôi chưa từng nói điều gì khác ngoài bản thân tôi”, hay M. Duras viết: “Điều làm tôi xúc động, đó chính là bản thân tôi”, còn Nguyễn Khải từng nói: “Tôi chỉ quan tâm và chỉ viết được những gì động chạm tới tiểu sử của tôi, những chiêm nghiệm của tôi, những cái yêu cái ghét và khát vọng của riêng tôi”. Nhưng không vì vậy mà ta phủ nhận hoàn toàn những dấu ấn trong đời sống của tác giả được khắc họa trong tác phẩm của chính mình. (Phùng Văn Tửu, 2001). 1.1.2. Biểu hiện của người kể chuyện trong chuyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần Nhân vật trong truyện viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần chủ yếu là những cậu bé sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế còn khó khăn như chính anh đã tự nhận :“Bản thân tôi sinh ra trong sự nghèo khó và có lẽ "cái tinh thần" 10 ấy không buông tha tôi trong từng suy nghĩ. Nhưng tôi có mô tả cái nghèo nào đâu. Những nhân vật của tôi luôn giàu. Tinh thần thì ai cũng giàu cả, tôi tin vậy. Khi một đứa trẻ ra đời, nó đã là một kẻ giàu có về tinh thần rồi”. Đó là cậu bé Trí Dũng có bố mẹ làm nông nhưng cuộc sống của cậu rất hạnh phúc. Cậu có một ông bố rất yêu thương và rất hiểu tâm lý con trai. Qua bố của mình, Dũng mới thật sự biết được mẹ mình đã trải qua đau đớn ra sao trong chín tháng mười ngày cưu mang cậu trong bụng và để sinh cậu ra được trên đời không phải là một việc dễ dàng. Bố là người giải đáp mọi thắc mắc và cũng là người nuôi lớn tâm hồn trẻ thơ của cậu bé bằng những câu chuyện cổ tích, bằng thế giới khu vườn tuyệt diệu và nhất là tình yêu thương vô bờ bến không điều kiện mà bố mẹ đã dành cho Dũng. Bố mẹ là người dạy cho Dũng những bài học quý giá trong cuộc sống về cách đối nhân xử thế không phải bằng những lời rao giảng lý thuyết mà bằng chính cách cư xử của họ trong cuộc đời thực với những con người thực. Đó là sự quan tâm giúp đỡ nhau giữa những người láng giềng: với chú Hùng trong ngày cưới, với cô Hồng lúc sinh non, với thằng Tí lúc bị đuối nước và bị rắn cắn, với cậu bé con cháu ông lão ăn xin ngoài chợ, với các bà ma xơ,… Bằng chính hành động cụ thể, đơn giản và tình cảm chân thật của mình nhưng bố mẹ đã cho Dũng những bài học vô cùng thực tế và rất quý báu về tình người. Người kể chuyện trong Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ là cậu bé mười tuổi, qua điểm nhìn của cậu, người đọc có thể nhận ra thế giới trẻ thơ vô cùng thú vị. Đó là thế giới của tình cảm gia đình, thế giới của những người bạn, thế giới của những người hàng xóm tốt bụng, thế giới của khu vườn, thế giới của phiêu lưu. Đó là thế giới bên ngoài qua sự cảm nhận của người kể chuyện – nhân vật Dũng, còn thế giới bên trong người kể chuyện thì sao? Đó là thế giới nội tâm, những diễn biến tâm lý của nhân vật về những bất ngờ trong cuộc sống, về những tự ti của bản thân, về những tự vấn dằn vặt vì lỗi lầm gây ra với cậu bé cháu ông lão ăn xin hay bài học về sự thử thách với bạn bè. Nhất là cách lí giải rất riêng của cậu về cái chết (của bé Thương, của bà ma xơ Hiền, của con nhện già,…) tất cả đều có linh hồn và linh hồn của họ là những vì sao trên bầu trời. Khác với Dũng, Tèo em trong Một thiên nằm mộng lại nhìn cuộc sống bằng những giấc mơ. Giấc mơ chính là hình ảnh cuộc sống thực được tái hiện lại trong thế giới tiềm thức của cậu bé. Đó là thế giới của gia đình, thế giới của những người bạn kì lạ (anh em sinh đôi thằng Tí, bà Cả Sề). Với người kể chuyện là nhân vật Tèo em, người đọc nhận rõ được hai thế giới tách biệt là thế giới đời thực và thế giới những giấc mơ. Hai thế giới tồn tại song song nhưng lại có sự tác động tương hổ lẫn nhau, thậm chí là hòa nhập vào nhau. Đó là ở chi tiết Tèo em nằm mơ có ngày bà Cả Sề dắt đứa con mình bị thất lạc về và giấc mơ anh 11 em thằng Tí sẽ trở về sau khi được bác sĩ tách đôi. Có thể nói thế giới giấc mơ là thế giới bên trong nội tâm của nhân vật qua điểm nhìn của người kể chuyện. Đó là những diễn biến tâm lý được thể hiện qua những giấc mơ. Không phải ngẫu nhiên mà những từ như “giấc mơ”, “mơ”, “mộng” lại xuất hiện với tầng suất dày đặc trong Một thiên nằm mộng. Chúng tôi đã làm một khảo sát thống kê là từ “giấc mơ” xuất hiện 79 lần, từ “mơ” và “mộng” xuất hiện 60 lần (Xem Phụ lục bảng 1.2.2). Đây không phải là sự lặp từ một cách vô ý mà tác giả đã để cho nhân vật của mình – cũng chính là người kể chuyện tự lựa chọn cách lí giải nhận thức của mình như thế để tạo nên một thế giới hư cấu trẻ thơ nhưng rất thật. Chỉ có những đứa bé mới thật sự là những người giàu có cả về ước mơ lẫn tình cảm và niềm tin, như Nguyễn Ngọc Thuần từng thừa nhận điều đó: “Truyện của tôi là những con người, địa danh và những sự việc cụ thể... Tuy nhiên, mối giao cảm giữa các nhân vật lại có vẻ như vượt khỏi đời thực. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người khi đọc đã có cảm giác về sự hư ảo. Bản thân tôi luôn mơ ước cái đẹp từ những mối giao cảm giữa người và người”. Thật vậy, dù là thật hay mơ, cái điều tốt đẹp mà người đọc dễ dàng nhận thấy nó xuyên xuốt các truyện thiếu nhi của anh đó là một niềm tin về mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Dù là những người bình thường hay những người khiếm khuyết về cơ thể (ông Tư – Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, anh em thằng Tí – Một thiên nằm mộng) hay khiếm khuyết về tinh thần (bà Cả Sề - Một thiên nằm mộng), người kể chuyện – nhân vật luôn có một niềm tin kiên định vào những con người ấy, cuộc sống ấy. Trong Giăng giăng tơ nhện, người kể chuyện cũng là nhân vật chính trong chuyện – cậu bé hơn mười tuổi. Cậu bé có một tuổi thơ gắn liền với miền ký ức về những người tài hoa thời trước, đó là ông ngoại cậu – người đã mất, đó là ông Bảy Gụ - người tài hoa cuối cùng còn sót lại. Đó còn là chiếc bình hoa đất được đặt trên bàn thờ ông ngoại từ khi nào. Đó là loài hoa cỏ may mọc rất nhiều ngoài đồng ruộng, cứ mỗi độ đến ngày giỗ ông, cậu lại ra hái những bông hoa đẹp nhất đem về cắm vào chiếc bình hoa bằng đất, một loài hoa rất bình thường không sắc không hương nhưng lại vô cùng bí ẩn. Không chỉ có những ngày tháng tuổi thơ êm đềm với miền ký ức êm dịu ấy, nhân vật “tôi” còn có một tuổi thơ đầy sự thử thách lẫn sự chịu đựng đến cùng cực. Đó là thử thách của bố bắt cậu phải leo lên nhánh bìa ngoài cùng trên cao của cây đa và nhảy xuống dòng sông thăm thẳm nước. Nếu không nhảy thì bị bố mắng là kẻ hèn nhát và đừng bao giờ nhìn mặt ông nữa. Để làm bố hài lòng, kết quả là cậu bé phải nhảy xuống sông và uống một bụng nước no căng. Nhưng đó cũng chỉ là thử thách nhất thời, hoàn thành là hết, không lặp đi lặp lại như thử thách của thằng bé hay đá đít, bợp tai cậu mỗi ngày. Chính vì bị bắt nạt không chỉ một ngày mà hầu như ngày nào cũng thế, 12 không chỉ một tháng, một năm mà cậu bé phải chịu đựng cho đến sáu năm trời. Nhưng tức giận vì bị đánh vô lí như thế cũng nguôi ngoai dần trở thành một thói quen và cậu chấp nhận sự bất công luôn tồn tại. Cậu mỉm cười khi bị đá đít. Cậu khinh bỉ nó trong bụng. Cho đến khi sức chịu đựng được đẩy lên cao thì cậu không còn sợ nó nữa. Đến một ngày, cậu chặn đường nó lại và đá liền năm cái như trời giáng vào mông nó. Kể từ đó nó không còn dám đụng đến cậu. Tuổi thơ trải qua hai thử thách đó đã khiến cậu trở thành một thằng bé không còn biết sợ là gì. Qua những lời tự bạch, bộc lộ nội tâm, người đọc thấy rõ sự lột xác hoàn toàn của cậu. Cũng vì không còn biết sợ sông nước nên cậu đã cứu được hai đứa bé suýt bị chết đuối. Có lẽ đó là kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ duy nhất mà cậu có. Qua điểm nhìn của nhân vật, người kể chuyện ở đây lột tả rất chân thật và cảm động cái cảm giác lạc lõng bơ vơ khi bị bạn bè xa lánh chỉ vì cậu dám đánh lại kẻ bắt nạt mình. “Tôi cảm nhận, hình như, chỉ là hình như những ngày qua tôi sống không bằng những gì của mình, toàn vay mượn ai đó, mượn cuộc vui, mượn con đường, để đi đến những con đường khác, không phải của tôi.” Chúng tôi thật sự bị thuyết phục trước mạch nội tâm của nhân vật về trạng thái bỗng nhận ra ranh giới tuổi trẻ của mình đi ngược lại với tuổi già mắt kém của người bố. Ta đang lớn lên cũng là cái ngày bố mẹ sắp rời xa ta càng gần. Nhân vật tôi đã nhận ra điều đó khi được bố chở trên chiếc xe đạp sườn đầm qua chiếc cầu bắc ngang là một tấm ván và cả hai bố con cùng bị té. Lần bị té đầu tiên cả hai bố con cùng cười vang thích thú. Nhưng đến khi bị té lần thứ hai rồi lần thứ ba thì không ai nói với ai lời nào. Vì lúc này cậu bé chợt đau buồn khi nhận ra một sự thật là bố mình đã già, mắt đã mờ. Trong cậu xuất hiện một nỗi ám ảnh vô hình: mình đã lớn còn bố thì đang già đi… Có gì đó như nấc nghẹn trong cổ họng của đứa con trai. Với Cha và con và tàu bay lại là một câu chuyện với mạch cảm xúc đối lập hẳn sự trầm buồn của Giăng giăng tơ nhện. Đó là một chuyến bay đầy trải nghiệm của cả cha lẫn con vì đây là chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời của cả hai nên không tránh khỏi những háo hức mong chờ. Qua điểm nhìn của nhân vật bố - cũng là người kể chuyện , cậu bé con mười tuổi hiện lên là một câu bé tinh nghịch với trí tò mò khám phá thế giới. Cậu đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho cha để thỏa những thắc mắc của mình. Chính sự tò mò ấy đã gây phiền toái cho hai bố con khi cậu ngầm bỏ chùm chìa khóa lận trong ống quần và lén ngậm hai đồng tiền cắc trong miệng khi đi qua máy dò kim loại. Đến khi nhân viên an ninh lấy cái máy soi cầm tay rà khắp người cậu bé, đến bụng rồi xuống dưới thì quần của cậu đã ướt từ khi nào. Sợ hãi đến vô cùng, cậu đã khóc rống lên. Không chỉ đưa bố mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, lúc này đây khi đã vào phòng cách 13
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan