Đăng ký Đăng nhập

Tài liệu Trich doan tap 1 ngu van

.DOCX
22
3245
76

Mô tả:

Trích đoạn tập 1 ngữ văn
Trích đoạn Chinh phục đề thi THPT quốc gia môn Ngữ Văn tập 1 Your dreams – Our mission Chinh phục đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn tập 1 được thực hiện bởi gia đình Lovebook. Một số thông tin: NXB: ĐH quốc gia HN Số trang: 396 trang khổ A4. Giá: 159000 VND Ngày phát hành toàn quốc: 25/09/2015 Ước mơ của bạn - Sứ mệnh của chúng tôi! � Đặt sách: http://lovebook.vn/ - https://goo.gl/XeHwk5 � Tổng đài hỗ trợ đặt sách, thắc mắc đơn hàng: 0466 860 849 - 0462857197. Hotline: 0963 140 260 � Trung tâm giải đáp thắc mắc trong sách: goo.gl/A7Dzl0 � Tổng hợp video bài giảng: goo.gl/OAo45w � Kho tài liệu Lovebook: goo.gl/nU0Fze � Đăng ký nhận tài liệu thường xuyên: goo.gl/ol9EmG 01 Phần I. Đọc hiểu ( 3 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến Câu 4: Ở thời điểm này, chắc chắn cái tên Ánh Viên đã được nhắc đến nhiều nhất trong làng bơi Việt Nam. Những vận động viên khác cùng dự Giải vô địch thế giới rồi sau đó là Cúp thế giới với Ánh Viên như Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi, Lê Nguyễn Paul (vận động viên Việt Kiều đang sinh sống tại Mỹ) đều không có đột phá về chỉ số chuyên môn, thấp hơn thành tích tốt nhất trước giải. Về lâu dài, những vận động viên này có lẽ chỉ phù hợp với những sân chơi khu vực hoặc tiệm cận đoạt huy chương ở châu lục. Ánh Viên đã liên tiếp tạo nên những cột mốc cho bơi Việt Nam tại Cúp bơi thế giới nhưng cũng đã đến lúc bơi lội Việt Nam cần có thêm những Ánh Viên khác. 4 đến 6 năm nữa, nếu giữ đà phát triển hiện nay, Ánh Viên sẽ còn mang lại nhiều niềm vui cho làng bơi cũng như thể thao Việt Nam. Nhưng lo tìm người kế thừa cô, để đầu tư bài bản chuyên nghiệp với quy trình hệt cách đào tạo Ánh Viên ngay từ lúc này cũng đã quá muộn. (Minh Quang, Cần có thêm nhiều Ánh Viên, In trong báo Hà Nội mới, số ra ngày 14/08/2015) Câu 1: Anh (chị) hãy chỉ ra nội dung chính của đoạn trích trên. (0,25 điểm) Câu 2: Đoạn văn trên thuộc kiểu phong cách ngôn ngữ nào? Tại sao anh (chị) nhận ra điều đó? (0,5 điểm) Câu 3: Phân tích cấu trúc ngữ pháp của câu văn sau: Ánh Viên đã liên tiếp tạo nên những cột mốc cho bơi Việt Nam tại Cúp bơi thế giới nhưng cũng đã đến lúc bơi lội Việt Nam cần có thêm những Ánh Viên khác. Anh (Chị) hiểu thế nào về từ “Ánh Viên” xuất hiện lần thứ hai trong câu văn? (0,5 điểm) Câu 4: Nỗ lực và đam mê đã giúp Ánh Viên đạt được những thành tích đáng khâm phục. Trong 5 – 7 dòng, anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của nỗ lực và đam mê đối với tuổi trẻ. (0,25 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8 Những đối thủ của ông đã chết từ lâu Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa Ông ngồi giữa thời gian vây bủa Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù Trong góc vườn mùa thu Cây lá cũng như ông lặng lẽ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây Ông ra đi… 9/1994 (Vị tướng già, Anh Ngọc) Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0.25 điểm) Câu 6. Theo anh/chị đoạn thơ trên lấy hình tượng nguyên mẫu từ ai? Thông qua đoạn trích này, tác giả muốn gửi gắm những tình cảm gì đối với hình tượng nguyên mẫu đó. (0.5 điểm) Câu 7. Đoạn thơ trên sử dụng nhiều từ láy. Đó là những từ láy nào, nêu hiệu quả của những từ láy đó đối với việc xây dựng hình tượng vị tướng. (0.5 điểm) Câu 8. Nêu cảm nhận của anh/chị về câu thơ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ (0.25 điểm) Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (3 điểm): Lãnh đạo huyền thoại của Apple, Steve Jobs từng phát biểu: Đôi khi bạn sẽ mắc sai lầm khi sáng tạo. Điều quan trọng là phải nhanh chóng thừa nhận nó và tiếp tục phấn đấu. Từ câu nói trên, hãy viết bài nghị luận ngắn (khoảng 400 từ) về vai trò của sự sáng tạo trong cuộc sống hiện đại. Câu 2 (4 điểm): Cảm nhận của anh (chị) về tình yêu được thể hiện qua hai đoạn thơ sau: Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ (Sóng – Xuân Quỳnh) Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở Làm nên Đất Nước muôn đời (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm) GỢI Ý LÀM BÀI Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích trên là khẳng định tài năng và vị trí của Ánh Viên đối với thể thao Việt Nam, đồng thời khẳng định việc cần phải đào tạo thêm những vận động viên trẻ xuất sắc để nối tiếp Ánh Viên. (0,25 điểm) Câu 2: Đoạn văn trên thuộc kiểu phong cách ngôn ngữ báo chí. (0,25 điểm) Các dấu hiệu trong đoạn trích giúp nhận biết kiểu phong cách ngôn ngữ báo chí như sau: - Đoạn trích trên có tính thông tin sự kiện: những thông tin đưa ra trong đoạn trích là những thông tin nhanh chóng, kịp thời, khách quan, trung thành với sự thật: “Những vận động viên khác cùng dự Giải vô địch thế giới … thấp hơn thành tích tốt nhất trước giải.” - Đoạn trích trên có tính ngắn gọn và tính hấp dẫn: nhân vật được nói đến là vận động viên Ánh Viên – vận động viên có thành tích nổi bật nhất và đang được cộng đồng dành nhiều sự quan tâm nhất. Cùng với đó, trong hai đoạn văn ngắn, tác giả bài báo đã cung cấp rất nhiều thông tin không chỉ về Ánh Viên mà còn về các vận động viên bơi lội khác và chỉ ra điều cần làm cho nền thể thao Việt Nam. - Về ngôn ngữ, đoạn trích trên sử dụng vốn từ toàn dân, đúng chính âm, chính tả. Đồng thời, để tăng sức hấp dẫn cho bài báo, tác giả còn sử dụng biện pháp tu từ chơi chữ: làng thể thao, Ánh Viên khác. (0,25 điểm) Câu 3: Phân tích cấu trúc ngữ pháp trong câu: Ánh Viên đã liên tiếp tạo nên những cột mốc cho bơi Việt Nam tại Cúp bơi thế giới nhưng cũng đã đến lúc bơi lội Việt Nam cần có thêm những Ánh Viên khác. Chủ ngữ 1: Ánh Viên Vị ngữ 1: đã liên tiếp tạo nên những cột mốc cho bơi Việt Nam tại Cúp bơi thế giới Trạng ngữ 1: tại Cúp bơi thế giới Trạng ngữ 2: cũng đã đến lúc Chủ ngữ 2: bơi lội Việt Nam Vị ngữ 2: cần có thêm những Ánh Viên khác. (0,25 điểm) Từ Ánh Viên xuất hiện lần thứ hai trong câu văn trên mang hàm ý chỉ những những vận động viên trẻ khác có tài năng và quyết tâm cao độ như Ánh Viên. (0,25 điểm) Câu 4: Học sinh trình bày theo suy nghĩ của mình, có thể tham khảo các ý sau đây: - Ánh Viên là một tấm gương sáng về nhiệt huyết tuổi trẻ và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đang ở trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời như Ánh Viên, mỗi người cần biết trân trọng thời gian, sức lực và dành thời gian, sức lực vào việc theo đuổi đam mê, khẳng định giá trị bản thân và tạo nên những giá trị cho cuộc sống. - Khi có nỗ lực và đam mê, con người sẽ vượt qua được chính bản thân mình và dành được nhiều thành tựu quý giá, không chỉ đối với cuộc đời mình mà còn đối với cuộc đời chung. (0,25 điểm) Câu 5. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm (0.25 điểm) Câu 6. - Bài thơ Vị tướng già viết vào năm 1994 lấy nguyên mẫu từ hình tượng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoạn thơ là phần đầu của bài thơ, diễn tả những cảm xúc chân thật của nhà thơ về vị tướng cả đời lo lắng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. - Bài thơ không hướng người đọc đến những chiến công oanh liệt ngoài mặt trận mà hướng điểm nhìn của mình vào những điều hết sức bình thường trong đời sống của vị tướng già. Đời sống bình dị của vị tướng khi trở về với lối sống thường ngày đã tạo cảm hứng để tác giả bộc lộ lòng ngưỡng vọng tư cách cao đẹp của một vị tướng thực sự. Đó là vị tướng không chỉ hùng dũng, mãnh liệt trong chiến đấu mà còn là một con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống hằng ngày. - Diễn tả những cảm xúc của mình, nhà thơ bộc lộ niềm ngưỡng vọng đáng quý đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp như tình cảm của một người con dành cho vị cha già của dân tộc. Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng phải hợp lí, rành mạch. (0.5 điểm) Câu 7. -Đoạn thơ là sự ghi nhận thành công trong việc sử dụng từ láy. Trong đoạn thơ, năm từ láy được sử dụng là: chầm chậm, nhăn nheo, run rẩy, lặng lẽ, ngơ ngác (lưu ý “khủng khiếp” không phải là từ láy). (0.25 điểm) - Những từ láy có giá trị nghệ thuật rất đặc sắc, đều tập trung miêu tả vẻ đẹp bình dị của vị tướng khi trở về với cuộc sống đời thường. (0.25 điểm) +Chầm chậm không nhằm để chỉ dáng đi của vị tướng, trong đoạn thơ, từ láy này diễn tả bước đi của thời gian đang chuyển mình một cách chậm rãi. Bước đi thời gian nghiệt ngã vẫn cứ thầm lặng trôi đi, đem đến tuổi già và những khó khăn, nặng nhọc cho con người. + Những từ láy nhăn nheo, run rẩy và lặng lẽ mang cùng một sắc thái để miêu tả những dấu vết rõ rệt của tuổi già đang in đậm trên con người vị tướng. Trong chiến tranh có thể ông là một con người hùng dũng, mãnh liệt, sẵn sàng đem đến cho kẻ thù những gì mà chúng khiếp sợ nhất, nhưng trong cuộc sống đời thường, tuổi già đang ngày ngày trải qua như tuần hoàn của vũ trụ, vị tướng cũng là một con người bình dị như biết bao người Việt Nam khác. + Từ láy ngơ ngác ở cuối đoạn mang một sắc thái khác. Đó là vẻ đẹp của một con người lạc quan, luôn biết hướng về tương lai, hướng về sự sống một cách hồn nhiên, tươi trẻ. Câu 8. Câu thơ “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ” đem lại cho người đọc nhiều xúc động nhất. Bước vào tuổi tám mươi, có mấy ai giữ được tinh thần thanh xuân? Vị tướng cho chúng ta thêm ngưỡng mộ bởi ông không chỉ là một chiến sĩ anh dũng trên mặt trận, ông không chỉ là một ông già bình thường như không muốn xoay vần sự tuần hoàn của tạo hóa, của đời người, ông còn là một con người vĩ đại bởi tấm lòng đáng quý, lạc quan trong cuộc sống nhiều bộn bề và phức tạp. Đại tướng là một tấm gương đáng để các thế hệ nhân dân Việt Nam tự hào, biết ơn và noi theo. Đó là một nhân cách đáng quý của một con người đáng trọng. Đoạn thơ tuy ngắn nhưng đã bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ, cao quý cho thế hệ trẻ Việt Nam thông qua việc nhìn nhận và noi theo một tấm gương sáng của thế hệ đi trước… Câu hỏi mở, học sinh có thể trình bày những cảm nhận riêng của mình. Giáo viên linh hoạt cho điểm (0.25 điểm) Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (3 điểm): 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội (0.5 điểm) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm) Sáng tạo có vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, con người cần biết sáng tạo trong nhiều trường hợp để công việc trở nên hiệu quả hơn. Kể cả khi mắc sai lầm khi sáng tạo thì việc sáng tạo vẫn được khuyến khích vì sáng tạo là một thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả công việc và phẩm chất con người. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; hình thành bài văn hoàn chỉnh (1.0 điểm) a. Mở bài: Trái đất là kết quả của quá trình tiến hóa mấy trăm triệu năm: Từ khi mới nhen nhóm sự sống trên Trái đất, đã phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm bông hồng mới nở, chỉ để làm đẹp mà thôi (Gabriel Garcia Marquez). Đó là những sáng tạo tuyệt vời của tạo hóa. Nhưng để có được sự phát triển như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến sự sáng tạo của chính con người chúng ta. Chúng ta sáng tạo từng ngày, sáng tạo trong học tập, công việc, tình yêu,... để góp phần đổi thay thế giới. Sáng tạo là điều vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người nếu không muốn là bản sao của một thứ gì sẵn có, bởi thế mà lãnh đạo huyền thoại của Apple, Steve Jobs từng phát biểu: Đôi khi bạn sẽ mắc sai lầm khi sáng tạo. Điều quan trọng là phải nhanh chóng thừa nhận nó và tiếp tục phấn đấu. b. Thân bài: - Giải thích. (0.5điểm) + Giải thích từ ngữ: Sáng tạo là hoạt động của con người khi tìm thấy và làm nên những giá trị vật chất và giá trị tinh thần mới mẻ mà trước đó chưa có. Sáng tạo tồn tại trong những ý tưởng mà con người tạo nên để thay đổi những điều có sẵn hoặc tạo ra những điều trước đó chưa có. Sáng tạo còn được thể hiện ở những sản phẩm thực tế mà trước đó chưa có hoặc trước đó tồn tại ở một hình thức khác. Có nhiều hình thức sáng tạo khác nhau tồn tại trong cuộc sống. + Giải thích ý kiến: Đôi khi bạn sẽ mắc sai lầm khi sáng tạo muốn nhắc mỗi chúng ta ý thức về việc rủi ro là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi chúng ta sáng tạo bởi không phải cứ sáng tạo là được công nhận và đem lại những kết quả đúng như những gì chúng ta mong muốn. Điều quan trọng là phải nhanh chóng thừa nhận nó và tiếp tục phấn đấu thể hiện cách ứng xử của con người cần có khi một ý tưởng hoặc một sản phẩm sáng tạo không được thừa nhận. Khi sản phẩm sáng tạo không đạt hiệu quả hoặc ý tưởng sáng tạo không khả thi, con người cần biết chấp nhận thất bại của mình để tìm cách cải thiện nó bằng những sáng tạo nó. Việc khuất phục trước thất bại và ngừng sáng tạo sẽ làm con người càng thất bại hơn nữa. + Tóm lại: Câu nói của Steve Jobs muốn khẳng định sáng tạo là điều vô cùng quan trọng nhưng không phải là điều dễ dàng trong đời sống mỗi con người, cần phải vượt qua những khó khăn cũng như thất bại trong quá trình sáng tạo để tiếp tục cố gắng hoàn thiện công việc của mình. - Phân tích, bình luận ý kiến (0.5 điểm) + Sáng tạo trong cuộc sống thể hiện dưới những hình thức như thế nào? ++ Sáng tạo là tìm ra những thứ mới mẻ mà trước đó con người chưa tìm ra. Cuộc sống là chuỗi những bí ẩn đòi hỏi con người phải tìm kiếm một cách có ý thức và bỏ nhiều công sức mới thấy được. Khi tìm thấy một điều gì mà trước đó người khác chưa từng nghĩ đến hoặc chưa từng biết đến được coi là bước đầu tiên của việc sáng tạo. ++ Sáng tạo còn là làm nên những điều mới mẻ mà trước đó con người chưa làm được. Đó có thể là việc tạo nên một ý tưởng đột phá trong công việc hoặc từ ý tưởng đó phát triển thành những sản phẩm thực tế, hiện hữu. Một sự sáng tạo thành công là khi sáng tạo đó được đưa vào trong thực tế, ý tưởng được sử dụng trong công việc. Khi sáng tạo đạt đến mức độ cao nhất, nó được hiện thực hóa thành những phát minh khoa học, những bằng sáng chế có giá trị của những nhà phát minh. Đó là kết quả được công nhận, được tôn vinh và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. ++ Dẫn chứng: Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương sáng tạo đáng được chúng ta nhớ đến và tôn vinh, chính những sáng tạo đó, dù ít dù nhiều cũng làm nên sự thay đổi của thế giới. Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, có những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản như những vật dụng hằng ngày mà chúng ta thường dùng chính là những phát minh vô cùng vĩ đại của thời quá khứ. Chúng ta cần nhớ đến nó như những thành tựu không thể phủ nhận được. Chẳng hạn như một số phát minh của người Ai Cập cổ đại như việc trang điểm cho đôi mắt, nghĩ ra hệ thống chữ tượng hình, lịch, kẹo bạc hà, môn thể thao Bowling, khóa cửa, kem đánh răng... Đó là những phát minh rất vĩ đại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu nhắc tới nhà phát minh vĩ đại người Anh Isaac Newton (1642-1727), chắc hẳn tất cả chúng ta đều nghĩ ngay đến quả táo rơi đã làm nên thuyết vạn vật hấp dẫn nổi tiếng. Bên cạnh đó, ông còn là cha đẻ của rất nhiều phát kiến khác như: phép tính vi phân trong Toán học, ba định luật nổi tiếng trong Vật lí, kính viễn vọng phản xạ, Tại nhà thờ Westminster Abbey, một dòng chữ bằng tiếng Latin đã được khắc lên trên bia mộ của Newton "Hic depositum est, quod mortale fult Isaac Newtoni" với ý nghĩa là "Một con người đã từng tồn tại và trang hoàng cho sự phát triển của nhân loại". Nhìn vào những sáng tạo trong nước, chúng ta nhớ đến cha đẻ phát minh ra máy ATM trong hệ thống ngân hàng là người Việt Nam, đó là ông Đỗ Đức Cường. Ông là tác giả của trên 50 phát minh sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ. Thu hẹp hơn, trong phạm vi một gia đình, nhà trường, hoàn toàn có thể có những sự sáng tạo đáng được ghi nhận. Sáng tạo không hẳn là phải làm điều gì đó quá to tát, phải thay đổi điều nọ điều kia thì mới được công nhận, có thể chỉ là một bức tranh của học sinh trong giờ Mĩ thuật được vẽ với tất cả nhiệt huyết, niềm đam mê của mình, kết quả có thể không phải là một bức vẽ hoàn hảo nhưng đó là bức vẽ mà học sinh đó không sao chép ý tưởng của ai, thì bức tranh đó cũng là một sự sáng tạo. Những dẫn chứng trên đây được coi là những sáng tạo được cả thế giới ghi nhận, đó là sự cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình đối với khoa học, sự tự làm giàu có thêm tri thức của nhân loại. + Trong cuộc sống, sáng tạo đem lại cho con người những lợi ích gì để khiến công việc trở nên hiệu quả hơn? ++ Xã hội có những con người biết sáng tạo sẽ tìm ra những giá trị mới, khai phá thêm những chân trời tri thức mới. Công việc sẽ được giải quyết một cách hiệu quả hơn nếu con người biết sử dụng sự sáng tạo của mình một cách thích đáng với hoàn cảnh. ++ Con người mang trong mình bản chất sáng tạo sẽ vận động suy nghĩ một cách tích cực, không dựa vào những điều sẵn có mà bỏ quên những năng lực tiềm ẩn hoàn toàn có thể phát huy của bản thân. Mỗi người là một cá thể riêng biệt không giống ai, tất cả đều có thể tạo nên những ý tưởng đột phá, những sáng tạo có ích trong xã hội. ++ Xã hội sẽ phát triển dần theo đúng quy luật vận động của nó, không chỉ dừng lại ở những điều đã có từ trước. ++ Dẫn chứng: Quá trình phát triển của các dòng điện thoại là cả một quá trình sáng tạo ngày đêm của các nhà lãnh đạo, nhà thiết kế. Từng dòng điện thoại từ chức năng chỉ để liên lạc bằng các cuộc gọi đến chiếc điện thoại thông minh ngày nay có thể liên lạc bằng nhiều cách khác nhau, từ mẫu thiết kế cồng kềnh đến mẫu sản phẩm gọn nhẹ như hiện nay là cả một phát kiến lớn của nhân loại. Điều này chỉ có được khi con người không ngừng sáng tạo. + Cuộc sống sẽ trở thành thế nào, xã hội sẽ trở nên tụt hậu ra sao nếu không có sự sáng tạo của con người? ++ Cuộc sống không có sự sáng tạo là một cuộc sống nghèo nàn bởi cuộc sống đó chỉ biết phụ thuộc vào những điều có sẵn. Người không có sự sáng tạo là người chỉ biết làm theo những gì đã được định hình từ trước mà không biết phát huy những cá tính sáng tạo của mình, không phát huy được những giá trị tự thân. Xã hội vì thế cũng trở nên trì trệ, không phát triển vì không có giá trị mới được hình thành. ++ Sáng tạo không phải là điều dễ dàng để có được, có được một sáng tạo có giá trị, có thể sử dụng được trong thực tế lại càng khó. Do vậy, con người luôn phải không ngừng sáng tạo, không thể mong muốn sự sáng tạo ngay lập tức có hiệu quả được. - Bài học nhận thức và hành động (0.5 điểm) + Sáng tạo là phẩm chất tốt và được khuyến khích nhưng phải biết sáng tạo đúng lúc, đúng chỗ, đúng mức độ, không thái quá để dẫn đến hậu quả ngược lại. Có những trường hợp phá cách không đúng chỗ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. + Để rèn luyện cho mình phẩm chất sáng tạo, mỗi người cần phải luôn ý thức được vai trò của sự sáng tạo trong cuộc sống, luôn biết làm mới bản thân, làm mới những suy nghĩ theo lối mòn. + Bên cạnh sự sáng tạo, mỗi con người cần phát triển các phẩm chất khác trong học tập hay công việc như sự kiên trì trong công việc, sự quyết đoán trong việc giữ vững lập trường của bản thân để làm cho phẩm chất sáng tạo được phát huy một cách cao độ nhất. (ý cuối cùng dành cho những học sinh khá, cho điểm khuyến khích thêm nếu học sinh có được ý này) c. Kết Con đường nào cũng dẫn đến thành Rome, mỗi con người lại chọn cho mình một con đường bài khác nhau. Chính việc lựa chọn những con đường khác nhau để đến thành công đã dẫn đến bản chất sáng tạo của mỗi con người. Cuộc sống vẫn tiếp diễn với những guồng quay của nó, nếu con người không sáng tạo, ắt sẽ không thể theo kịp guồng quay không ngừng đó. Mỗi con người luôn phải biết không ngừng tiến về phía trước để theo đuổi mục tiêu theo cách sáng tạo riêng của mình. Thanh niên trên thế giới đã có những phát minh thay đổi thế giới, còn bạn, là một thanh niên Việt Nam, bạn đã làm được điều gì tương tự như vậy? 4. Sáng tạo (0.5 điểm) Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm) Câu 2 (4 điểm): 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): - Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): - Cảm nhận về nhân vật tình yêu được thể hiện qua hai đoạn thơ trong hai tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp, hình thành bài văn hoàn chỉnh (2,0 điểm): a. Mở bài: - Có thể nói, văn học thời kì chống Mĩ là một bộ phận của công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Với trách nhiệm xã hội đó, mặc nhiên tinh thần yêu nước là nội dung bao trùm của toàn bộ nền văn học. Phẩm chất yêu nước ấy có từ văn học của cha ông qua các thời đại, mỗi khi dân tộc đứng trước họa xâm lăng, nhưng đến văn học giai đoạn chống Mĩ được thể hiện tập trung nhất, sâu sắc nhất, biến thành sức mạnh vật chất cụ thể nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. - Tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa cũng là một đề tài xuyên suốt trong dòng chảy văn học kháng chiến chống Mỹ. Hãy cùng cảm nhận tình yêu được thể hiện rất sâu sắc qua hai thi phẩm Sóng của Xuân Quỳnh và Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm để thấy được tình yêu thời kì này muôn màu muôn vẻ. b. Thân bài: - Giới thiệu chung: + Xuân Quỳnh là một trong các nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng người phụ nữ khi yêu, nhiều trắc ẩn - vừa hồn nhiên, tươi tắn lại vừa đằm thắm, chân thành. Sóng là thi phẩm xuất sắc của Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh viết bài thơ “ Sóng” vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Và trong cuộc kháng chiến ấy Xuân Quỳnh đã hiểu ra rằng thiên nhiên vũ trụ, biển và sóng là hiện thân sinh động của sự sống mãnh liệt, vĩnh hằng. Phải chăng vì thế, qua ngòi bút nhiều nhà thơ, biển và sóng đã trở thành những biểu tượng quen thuộc diễn tả sự dâng đầy, nỗi khát khao, niềm sục sôi mê đắm của sức sống, của tình yêu. Sóng của Xuân Quỳnh cũng nằm trong trường hợp ấy. Thế nhưng qua trái tim yêu của người phụ nữ này đựơc mang trong một bài thơ lấp lánh với một vẻ đẹp riêng và ngót 30 năm nay, từ lúc ra đời, từng làm thổn thức trái tim bao người trẻ tuổi, trẻ lòng. Âu đó cũng chứng tỏ cái quy luật muôn đời của giá trị nghệ thuật: cùng vận dụng một chất liệu nhưng nếu nghệ sĩ nào gửi trọn vào đấy càng nhiều máu thịt của tâm hồn, của cuộc đời mình thì tác phẩm càng có sức sống lâu bền. + Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Thơ ông đã phản ánh khá sinh động hình ảnh hào hùng của nhân dân ta, đất nước ta trong cuộc đấu tranh một mất một còn với kẻ thù để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hay nói một cách khác, thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một tình yêu nước, yêu chân lí cách mạng tha thiết, bộc lộ niềm tự hào dân tộc cao độ, niềm tin chắc chắn vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đặc biệt là Nguyễn Khoa Điềm luôn có ý thức nhắc nhở thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau phải biết gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Năm 1971, trường ca Mặt đường khát vọng được hoàn thành. Năm ấy, chàng trai Nguyễn Khoa Điềm hai mươi bảy tuổi. Hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đủ để có những cảm nhận chín chắn, sâu sắc và có ý thức đối với tình yêu đất nước. Hai mươi bảy tuổi, ngọn lửa khát vọng vẫn sáng mãi, cháy mãi với ước muốn hiến dâng tuổi xuân cho đất nước. Mặt đường khát vọng đã ra đời như thế. Đoạn trích Đất Nước trích từ phần đầu trường ca Mặt đường khát vọng. - Cảm nhận về hai đoạn thơ: + Đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh: ++ Nội dung: Đoạn thơ thể hiện cái tôi đầy khao khát. +++ Khát vọng được hòa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt" (Christopher Hoare). Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, mong muốn được hoà nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng. +++ Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ . Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu. Người con gái mong muốn hòa mình vào bể đời rộng lớn , bứt mình ra khỏi những lo toan tính toán , để ngập chìm trong bể lớn tình yêu . Phải có mọt tình yêu như thế nào thì mới có được một mong muốn cao cả đến chừng ấy . Khát vọng tình yêu cũng là khát vọng sống mãnh liệt đủ đầy . Cuộc đời còn tình yêu thì cuộc đời còn tươi đẹp và đáng sống và sống trong tình yêu là một điều hạnh phúc . Xuân Quỳnh mong ước được sống mãi trong tình yêu, bất tử với tình yêu . +++ Trong quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh ta thấy được một tư tưởng nhân văn: yêu và sự hiến dâng (chữ " hiến dâng" không hiểu theo nghĩa thông tục). Tình yêu của cá nhân không tách rời cộng đồng. Sự hóa thân, quên mình trong tình yêu vào thiên nhiên vĩnh cửu để tồn tại mãi mãi, muốn thành trăm con sóng nhỏ để được sống mãi, yêu mãi. Đó chính là khát vọng được hiến dâng, được hi sinh vì tình yêu mà chỉ có những người yêu thực sự mới làm được như vậy. Ta hãy chú ý đến từ chỉ thời gian là “ngàn năm” và “biển lớn tình yêu”. Chuyện tình yêu và hạnh phúc ở đời thường là chuyện trăm năm “trăm năm giàu nỗi hẹn hò”, “trăm năm bến nước tình tình- trăm năm là nghĩa là tình mình ta”, với Xuân Quỳnh chuyện tình yêu phải là chuyện của “ngàn năm”, biển phải là “biển lớn tình yêu” vĩnh hằng và bất tử. Động từ “tan ra” trong khổ thơ là đỉnh điểm của cảm xúc, của nỗi nhớ, của lòng chung thủy và đức hi sinh một cách trọn vẹn. ++ Nghệ thuật: +++ Sự liên tưởng hợp lí, tự nhiên giữa đặc điểm của sóng và đặc điểm của người con gái đang yêu. Sự liên tưởng này tạo nên hai hình tượng song song, nhưng hai mà một. +++ Câu thơ năm chữ với những câu ngắn, đều nhau, tạo nên một ý niệm về hình thể của các con sóng, như con sóng dâng trào nhưng có khi chậm rãi nhẹ nhàng như lúc sóng êm biển lặng. +++ Nhịp điệu của các câu thơ thật đa dạng, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3 (dữ dội và dịu êm – Ồn ào và lặng lẽ). 1/2/2 (sông không hiểu nỗi mình – sóng tìm ra tận bể), 3/1/1 (Em nghĩ về anh, em), 3/2 (Em nghĩ về biển lớn – từ nơi nào sóng lên),v.v… +++ Các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu trước, tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt. +++ Âm điệu của bài thơ với nhiều sắc điệu đa dạng, phong phú, tạo nên vẻ tự nhiên cho bài thơ. +++ Ngoài ra còn phải kể đến tính chất nữ tính trong cách diễn đạt của Xuân Quỳnh, trong cách nhìn sóng của chị: thật dịu dàng đằm thắm nhưng cũng thật dữ dội. + Đoạn thơ trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm: ++ Nội dung: là lời nhắn của bài thơ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với non sông đất nước. +++ Bốn câu thơ nhẹ nhàng, chân thành và tha thiết. Cách dùng đại từ “em” gợi cảm, gần gũi, thân mật đủ đế làm “mềm hóa” những điều mang tính chát rộng lớn bao quát: đó là những suy niệm về Đất Nước. “Em ơi” trong câu thơ nàv không mênh mang dìu dặt đưa người về cõi xa bên dòng sông Đuống, pha lẫn chút vị hư ảo trong câu thơ toàn vần bằng như “Em ơi buồn làm chi” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm). “Em ơi” ở đây là lời nói và tâm niệm của chàng trai với cô gái, người “đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”, là lời tâm tình của người yêu với người yêu. Chọn câu chuyện tình yêu nam nữ để nói lên tình yêu đất nước, phải chăng là Nguyễn Khoa Điềm đã “mạo hiếm”? Không, chính tình yêu đất nước hòa lẫn trong câu chuyện tình yêu nam nữ mới tạo nên nét độc đáo hơn cho tác phẩm của nhà thơ. +++ Những câu thơ giàu chất duy lý nhưng không lên gân mà trở thành lời nhắn nhủ tha thiết. Ở đây có những từ tượng trưng rất đáng chú ý: máu xương, gắn bó, san sẻ, hoá thân, dáng hình, muôn đời. Sau rất nhiều suy nghĩ cụ thể về đất nước, đến đây nhà thơ khẳng định Đất nước là máu xương của mình. Máu xương là sự sống. Rất ít trường hợp người ta ví một điều gì đó với máu xương, bởi nó có ý nghĩa biểu trưng cho sự thiêng liêng. Đất nước là máu xương có nghĩa là đất nước tồn tại như một sự sống và để có sự sống ấy hẳn phải có rất nhiều hi sinh. Quả đúng như vậy, biết bao con người, bao thế hệ đã ngã xuống cho sự sống còn của đất nước. Vì thế, mỗi một con người phải biết gắn bó và san sẻ. Gắn bó là yêu thương, quan hệ mật thiết với nhau. Từ sự gắn bó ấy mới có thể san sẻ. San sẻ trách nhiệm, san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau. Đất nước vĩ đại nhưng đất nước là một thực thể sống. Thực thể ấy không phải là sự tập hợp của những cá nhân rời rạc mà là một cộng đồng. Hoá thân cũng có nghĩa là dâng hiến. Thời bình, người ta dâng hiến sức lực, mồ hôi cho tổ quốc. Thời chiến, người ta dâng hiến cả sự sống của mình. Sự dâng hiến ấy, theo suy ngẫm của nhà thơ, là cuộc hoá thân. Bóng dáng mỗi người đã làm nên bóng dáng quê hương xứ sở, đất nước. Không có sự hoá thân kia làm sao đất nước trường tồn, làm sao có được đất nước muôn đời! +++ Đoạn thơ là một đoạn thơ hay trong bài Đất Nước. Nhà thơ đã thể hiện những suy nghĩ mới mẻ của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, ngọt ngào. Câu chuyện về đất nước đối với mỗi người luôn là câu chuyện của trái tim, vừa thiêng liêng, cao cả, cũng vừa gắn bó, thân thiết. Từ suy nghĩ và tình cảm ấy, khi đối diện với kẻ thù của dân tộc, hẳn người ta phải biết làm gì cho Tổ quốc, giang sơn. ++ Nghệ thuật: +++ Bằng giọng văn trữ tình kết hợp với chính luận; bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ “phải biết - phải biết” nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh “gắn bó, san sẻ, hóa thân” …nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng là nhắn nhủ với mọi người ( nhất là thế hệ trẻ) về trách nhiệm thiêng liêng của mình với đất nước. Cái hay là lời nhắn nhủ mang tính chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất trữ tình, tha thiết như lời tự dặn mình - dặn người của nhà thơ. +++ Sự vận dụng những yếu tố dân gian kết hợp với cách diễn đạt và tư duy hiện đại, tạo ra màu sắc thẩm mĩ vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng tối đa đã tạo nên không khí, giọng điệu, không gian nghệ thuật riêng: vừa có sự bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa bay bổng, mơ mộng của ca dao, truyền thuyết nhưng lại mới mẻ qua cách cảm nhận và cách diễn đạt bằng hình thức thơ tự do. Có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên đặc điểm nghệ thuật độc đáo của đoạn thơ này. - So sánh: + Giống nhau: ++ Tư tưởng của hai đoạn thơ đều là tư tưởng về tình yêu và sự hi sinh hết mình, hiến dâng cho tình yêu. ++ Khát vọng của hai đoạn thơ đều lớn lao và cao thượng. + Khác nhau: ++ Sóng là vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi, trong khi đó, Đất Nước là vẻ đẹp tình cảm cá nhân của con người đối với Tổ quốc. ++ Sóng được diễn tả bằng thể thơ ngũ ngôn với âm điệu phong phú và đậm chất nữ tính của Xuân Quỳnh, Đất Nước được diễn tả bằng thể thơ tự do với không gian nghệ thuật đậm chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả. c. Kết bài: Qua sự thể hiện tình yêu của Xuân Quỳnh và Nguyễn Khoa Điềm trong hai bài thơ Sóng và Đất Nước, ta có thể thấy được sự muôn màu muôn vẻ của tình yêu. Nhưng dù là tình yêu được thể hiện như thế nào, thì cuối cùng, nó vẫn được bao hàm trong tình yêu đất nước, tình yêu cộng đồng to lớn. 4. Sáng tạo (0,5 điểm): - Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,… ); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm). 2 Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến Câu 4: (1) Tranh Tết Đông Hồ rất phong phú về nội dung, có tranh đơn chiếc, nhưng đa số là tranh bộ đôi, bộ tứ, dường như chịu ảnh hưởng từ thể biền ngẫu trong văn học. Chúng đối với nhau từ màu nền, nội dung và cả chữ trên tranh. Chủ đề trừ tà, cầu phúc, chúc tụng như các tranh: Gà đại cát, Gà trống, Tiến tài Tiến lộc, Ông tướng trấn môn,… chủ đề cảnh vật, cảnh sinh hoạt quan hệ gia đình, xã hội có: Lợn đàn, Gà đàn, Thầy đồ cóc, Trạng chuột vinh quy, Đánh vật, Rước trống, Hứng dừa, Đánh ghen, Rước rồng, Múa kì lân,.. hay những tranh có nội dung cả ngợi anh hùng dân tộc như: Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu xuất quân, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, hoặc bắt nguồn cảm hứng từ các tác phẩm văn học cổ điển như: Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên… (2) Hầu hết tranh Đông Hồ đều có thơ hoặc phương ngôn bằng chữ Nôm hay chữ Hán. Trong thơ có họa và trong họa có thơ đã thể hiện mĩ cảm của người phương Đông. Thơ và họa gắn bó với nhau vừa tạo nên vẻ đjep hoàn chỉnh của bố cụ, vừa nói lên tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ dân gian “đối cảnh sinh tình”. (Đặng Thế Minh, Thuyết minh Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, 2000) Câu 1: Anh (Chị) hãy chỉ ra nội dung chính của đoạn trích trên. (0,25 điểm) Câu 2: Đoạn văn (1) đã sử dụng phép tu từ gì? Chỉ ra tác dụng của phép tu từ ấy. (0,5 điểm) Câu 3: Chỉ ra và phân tích tác dụng của các phép liên kết trong đoạn trích trên. (0,5 điểm) Câu 4: Nhiều làng nghề truyền thống ngày nay đang bị mai một. Trong khoảng 5 7 dòng, thể hiện suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với việc gìn giữ các làng nghề truyền thống ấy. (0,25 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8: Nước non nặng một lời thề Nước đi, đi mãi không về cùng non Nhớ lời nguyện nước thề non Nước đi chưa lại non còn đứng không. Non cao những ngóng cùng trông Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày Xương mai một nắm hao gầy Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương. Trời tây chiếu bóng tà dương Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha. Non cao tuổi vẫn chưa già Non thời nhớ nước, nước mà quên non! Dẫu rằng sông cạn đá mòn Còn non còn nước hãy còn thề xưa (Thề non nước, Tản Đà, Thơ văn Tản Đà, NXB Giáo dục, 1993) Câu 5: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ gì? (0.25 điểm) Câu 6: Anh (chị) hãy chỉ ra các biện pháp tu từ nổi bật nhất được sử dụng trong đoạn thơ trên. (0.5 điểm) Câu 7: Có ý kiến cho rằng: Thề non nước thể hiện tình yêu quê hương thầm kín của Tản Đà. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao? (0,5 điểm) Câu 8:Câu thơ Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày có bản ghi là Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày. Theo anh (chị), cách diễn đạt nào hay hơn? Tại sao? (0,25 điểm) Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (3 điểm): Bài thơ sau gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì về nơi dựa của cuộc sống: Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia? Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào... Đứa bé lẫm chẫm muốn chạy lên, hai bàn chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có Ai biết đây, đứa bé còn chưa vững lại chính là nơi đựa cho người đàn bà kia sống. Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia? Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết. Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy. Ai biết đây, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách. (Nguyễn Đình Thi, Nơi dựa, in trong Tia nắng) Câu 2 (4 điểm): Anh (chị) hãy phân tích hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau: Tôi muốn tắt nắng đi … Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. (Vội vàng – Xuân Diệu) GỢI Ý LÀM BÀI Câu 1: Nội dung chính của đoạn trích trên: đoạn trích trên nói về những đề tài chính và nội dung phản ánh của tranh Đông Hồ. (0,25 điểm) Câu 2: - Đoạn văn (1) sử dụng phép liệt kê. Ở đây, tác giả đã kể ra hàng loạt các đề tài, cảm hứng xuất hiện trong tranh Đồng Hồ (0,25 điểm) - Việc sử dụng phép tu từ liệt kê đã cho thấy sự phong phú, đa dạng trong đề tài, cảm hứng, nội dung của tranh Đồng Hồ. Các chủ đề ấy bao phủ nhiều mảng của cuộc sống, từ những đề tài giản dị, dân dã, gần gũi với đời sống lao động nhưng cũng có những chủ đề mang tính bác học, cổ điển. (0,25 điểm) Câu 3: Các phép liên kết trong đoạn trích trên: - Phép điệp: tranh, Đông Hồ. - Phép liên tưởng: tranh Tết Đông Hồ, màu nền, tranh bộ đôi, bộ tứ, chủ đề, cảm hứng, thơ, họa, bố cục, thẩm mĩ, nghệ sĩ dân gian. - Phép thế: chúng. (0,25 điểm) Câu 4: Học sinh trình bày suy nghĩ của cá nhân, có thể tham khảo một số gợi ý sau đây: - Trước tình trạng nhiều làng nghề đang bị mai một, những người trẻ càng cần phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống đó. - Mỗi người cần phải trang bị một thái độ trân trọng, tích cực tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, đồng thời, thay vì sử dụng nhiều vận dụng hiện đại không cần thiết, người trẻ có thể sử dụng chính những sản phẩm thủ công của người lao động nước ta. Bên cạnh đó, tuyên truyền và giới thiệu những sản phẩm truyền thống của dân tộc đến bạn bè quốc tế cũng là một việc làm có ý nghĩa. (0,25 điểm) Câu 5:Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ lục bát. (0,25 điểm) Câu 6: Biện pháp tu từ nổi bật của đoạn thơ trên là thủ pháp ẩn dụ (0,25 điểm) - Nước ở đây có thể hiểu là người con trai. Non ở đây có thể hiểu là người con gái. Mượn cặp hình ảnh nước – non, tác giả thể hiện sự gắn bó thân thiết giữa hai con người. Phép ẩn dụ giúp cho lời thơ trở nên tình tứ hơn, hình ảnh thơ sinh động, gợi cảm hơn (0,25 điểm) Câu 7: Thề non nước thể hiện tình yêu quê hương đất nước của Tản Đà. Trong hoàn cảnh đất nước bế tắc giữa cái cũ và cái mới, sự lưu luyến của nước và non là tấm lòng gắn bó với quê hương, với cội nguồn của Tàn Đà và những trí thức đương thời. (0,25 điểm) Câu 8: Cách diễn đạt của câu thơ Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày hay hơn, vì đã đặc tả được nỗi buồn đến tận cùng của non. Tuôn tức là vẫn còn lệ, còn khô tức là nước mắt đã tuôn đến cạn, không thể khóc được nữa. Nỗi buồn ở câu thơ Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày bởi vậy cũng trở nên day dứt, xót xa hơn. Phần II. Làm văn (7 điểm) Câu 1 (3 điểm): 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội (0.5 điểm) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm) Vai trò của điểm tựa trong đời sống của mỗi con người. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; hình thành bài văn hoàn chỉnh (1.0 điểm) a. Mở bài: Trong cuốn nhật kí cảm động của mình, Đặng Thùy Trâm đã có lần viết: “Đời phải đi qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Cuộc đời mỗi con người phải có những thăng trầm, những “điểm rơi” để mỗi con người trở nên dày dặn hơn, trưởng thành hơn. Nhưng làm thế nào để vượt qua những “điểm rơi” trong cuộc sống ấy? Để đối mặt, vượt qua và chiến thắng hoàn cảnh, mỗi người trong chúng ta đều phải trang bị cho mình sức mạnh và bản lĩnh. Sức mạnh ấy, bản lĩnh ấy có thể nảy sinh từ trong ý chí mỗi chúng ta nhưng cũng thể xuất phát từ những nơi dựa. Thấm thía về vai trò của những điểm tựa trong cuộc sống, Nguyễn Đình Thi đã có một bài thơ thật sâu sắc. b. Thân bài: - Giải thích. (0.5điểm) - Người đàn bà và anh lính được nhắc đến trong hai đoạn thơ đều đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đối với những con người ấy, có một “nơi dựa” là điều vô cùng cần thiết, làm nên sức mạnh giúp họ vượt qua mọi rào cản. - Trong đoạn thơ thứ nhất, đứa bé (có thể hiểu là đứa con của người đàn bà) có một ý nghĩa đặc biệt. Đó là một phần máu thịt, là rất nhiều công sức chăm nom, dạy dỗ, là rất nhiều tình yêu thương của người đàn bà. Đối với chị, đứa bé không chỉ mang lại niềm vui hằng ngày, mà còn là lời hứa của tương lai, là niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Đứa bé “lẫm chẫm” tưởng như phải nương tựa vào mẹ, thực chất lại là điểm tựa, là động lực giúp mẹ vượt qua được nhiều khó khăn, phiền muộn trong cuộc sống. - Trong đoạn thơ thứ hai, “bà cụ lưng còng” (có thể hiểu là người mẹ của anh lính) là suối nguồn yêu thương và che chở, tin cậy và bình yên. Cuộc đời của “bà cụ lưng còng” ấy đã phải hy sinh rất nhiều để có được người lính ngày hôm nay và để trọn đạo làm người, anh lính phải yêu thương, phụng dưỡng bà. Bà cụ già “tựa lưng trên cánh tay anh” nhưng thực chất lại mang cho anh một điểm tựa vững chắc để vững bước trên con đường nhiều thử thách phía trước. - Hai cặp hình ảnh: người đàn bà – đứa bé, người chiến sĩ – bà cụ già mang theo một thông điệp sâu sắc về những điểm tựa trong cuộc đời: con người ta để có sức mạnh vượt qua được những khó khăn, thử thách cần có những điểm tựa, điểm tựa đó có thể là quá khứ - nơi mang lại cho con người sự vững chắc, bình thản trước mọi biến động của cuộc đời, điểm tựa đó có thể là tương lai – nơi gieo vào con người hạt giống của niềm tin và hy vọng, điểm tựa đó có thể là tình yêu và trách nhiệm – thứ mang đến cho con người ý chí, nghị lực. - Phân tích, bình luận ý kiến (0.5 điểm) - Điểm tựa là nơi mà con người có thể dựa vào, nơi mang lại cho con người sức mạnh để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đó là sự hỗ trợ của cộng đồng, tập thể hoặc các cá nhân khác. Đó cũng có thể là sự nỗ lực, là ý chí của chính mỗi người. Điểm tựa có thể đem đến những hỗ trợ về vật chất, giúp con người thực hiện những mục tiêu trong đời. Điểm tựa cũng có thể đem đến những động lực tinh thần, giúp con người đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Điểm tựa về vật chất quan trọng nhưng đôi khi, nếu thiếu đi sức mạnh về tinh thần thì sức mạnh vật chất cũng trở nên vô dụng. -Vai trò của những điểm tựa: +Khi quá khứ trở thành điểm tựa cũng là lúc con người có một nền tảng vững chắc để tự tin bước đi trong đời, con người sẽ bình tĩnh hơn trước là những thách thức, những biến động. Rộng hơn, quá khứ, cội nguồn hình thành cho con người gốc rễ văn hóa – một yếu tố quan trọng làm nên tư cách người. Quá khứ, cội nguồn là một lực lượng tinh thần quan trọng giúp con người ý thức đầy đủ về mình để có thể trả lời câu hỏi: “Mình là ai?”; “Mình đến từ đâu?”; “Mình nên làm gì trong cuộc sống?”, từ đó mà con người không bị lạc lối, có những định hướng đúng đắn trên đường đời. + Khi điểm tựa là niềm tin vào tương lai, đó sẽ là cơ sở quan trọng để mỗi người xác định được mục đích sống, là động lực nâng đỡ con người vượt lên những khó khăn, thử thách trong hiện tại. Niềm tin vào tương lai là nhiên liệu không thể thiếu để ngọn lửa nhiệt huyết luôn cháy sáng. + Khi điểm tựa gắn với tình yêu và trách nhiệm, con người sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi không chỉ sống cho mình mà còn san sẻ sự sống cho người khác, không chỉ sống trọn vẹn cuộc đời mình mà còn tạo nên sự kết nối với những cuộc đời khác, để cuộc đời trở nên lớn lao, đẹp đẽ. Bên cạnh đó, tình yêu và trách nhiệm giúp con người xác định cách sống, phương châm sống đúng đắn, ý nghĩa. - Ta có thể dễ dàng nhận ra trong cuộc sống những nơi dựa có vai trò quan trọng như thế nào. Nơi dựa khiến cho con người gần nhau hơn và cần đến nhau hơn. Nếu không có những điểm tựa, những nơi dựa, con người có thể dễ dàng trở nên mềm yếu và bị đánh gục trước những khó khăn, thử thách. Trong cuộc sống, không ai bước đi một mình mà chúng ta luôn cần đến những người đồng hành, những yếu tố khiến ta cảm thấy yên tâm và tin tưởng, mạnh mẽ và lạc quan hơn. - Dẫn chứng: Ít ai biết rằng, làm nên thành công của cà phê Trung Nguyên ngày hôm nay bắt đầu từ một động lực, một chỗ dựa rất bình dị: đó là tình thương đối với gia đình, nỗi xót xa trước hoàn cảnh của bà con vùng cao nguyên của ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ. Chính những tình cảm ấy đã hối thúc chàng trai trẻ dấn thân vào con đường chưa ai dám đi, đương đầu với bao nhiêu khó khăn thử thách. Chỗ dựa đã trở thành sức mạnh giúp cho Đặng Lê Nguyên Vũ, cũng như rất nhiều những người khác bước tiếp trên đường đời, gặt hái nhiều thành công. - Phê phán: Điểm tựa là cần thiết để giúp cho cuộc sống của con người dễ dàng hơn, ý nghĩa hơn, tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu điểm tựa bị lạm dụng và tạo nên ở con người tính ỷ lại, dựa dẫm. Điểm tựa làm nên sức mạnh chứ không phải là sức mạnh. Trong cuộc sống ngày hôm nay, có không ít người đã nhầm lẫn mà nghĩ rằng, để vượt qua khó khăn chỉ cần có những “điểm tựa” vững chắc từ gia đình, chỉ có sự hậu thuẫn tích cực của những người xung quanh mà không cần cố gắng nỗ lực.Điểm tựa chỉ phát huy được tác dụng của nó khi gắn liền với tinh thần tự lập, ý chí tự giác. -Bài học nhận thức và hành động (0.5 điểm) - Quá khứ, tương lai, tình yêu và trách nhiệm đều có thể trở thành những điểm tựa vững chắc để con người vững bước, vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Để có được những điểm tựa cho chính mình, chúng ta vẫn phải trân trọng quá khứ, sống trọn vẹn ở hiện tại và tin tưởng ở tương lai. - Mỗi người cần biết tạo nên sức mạnh từ những điểm tựa mà người khác mang đến cho mình, song cũng cần biết hy sinh để trở thành những điểm tựa cho người khác. Có như vậy, cuộc sống mới trở nên bền vững, con người mới thực sự vượt qua được những thử thách trong đời. - Liên hệ bản thân: cá nhân người viết đã có những điểm dựa nào, những điểm dựa ấy đã giúp người viết vượt qua trong cuộc sống như thế nào... c. Kết bài Bằng những câu chữ nhẹ nhàng, Nguyễn Đình Thi đã gửi tới người đọc một bức thông điệp vô cùng sâu sắc. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, để có được sự vững chắc, luôn cần đến những điểm tựa. Trân trọng quá khứ, ý thức về hiện tại, tin tưởng vào tương lai, đó là chiếc chìa khóa giúp cho cuộc đời mỗi chúng ta trở nên vững bền và ý nghĩa. 4. Sáng tạo (0.5 điểm) Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm) Câu 2 (4 điểm): 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Cảm nhận được khát khao cháy bỏng của thi sĩ và vẻ đẹp của bức tranh thiên đường trên mặt đất mà tác giả khắc họa. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp, hình thành bài văn hoàn chỉnh (2,0 điểm): a. Mở bài: Đã từ Xuân Diệu được công chúng văn học biết đến là nhà thơ say đắm tình yêu, say đắm lâu, cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt, là hồn thơ dạt dào nhất trong chốn nước non lặng lẽ này. Và tất cả phong cách sáng tạo và cái “tôi” riêng độc đáo của Xuân Diệu được thể hiện đậm nét nhất trong tuyệt phẩm Vội vàng – “bản tuyên ngôn sôi nổi của quan niệm nhân sinh mới mẻ: niềm khát sống, khát yêu đến cuồng nhiệt” (Nguyễn Hoành Khung). Là nhà thơ của mùa xuân và tuổi trẻ, ông có ý thức rõ ràng hơn ai hết về bước đi nghiệt ngã của thời gian nên trong những câu thơ của Xuân Diệu luôn chứa đựng nỗi khắc khoải về thời gian. Nỗi khắc khoải đó được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích: Tôi muốn tắt nắng đi … Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. b. Thân bài: - Giới thiệu chung: + Vội vàng là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu, được in trong tập Thơ thơ, xuất bản lần đầu năm 1938. + Trước cách mạng tháng tám, hồn thơ của Xuân Diệu hồn nhiên yêu đời, yêu cuộc sống, say mê với cái đẹp, nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian. Nhưng càng yêu say, Xuân Diệu càng sợ hạnh phúc, tình yêu và vẻ đẹp sẽ dần phôi pha. Chính vì thế mà ta thường gặp trong thơ ông những trạng thái hốt hoảng, lo âu, ham sống một cách tham lam, cuống quýt, vồ vập. Vội vàng là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt và quan niệm nhân sinh mới chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống. - Phân tích đoạn thơ: + Tình yêu cuộc sống thể hiện qua khát vọng phi thường Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi ++ Mở đầu bài thơ, Xuân Diệu đã thể hiện một ước muốn kì lạ đến ngông cuồng: tôi muốn tắt nắng/ tôi muốn buộc gió. Đó là những ước muốn kì lạ bởi “nắng” và “gió” vốn là những hiện tượng của tự nhiên mà con người không thể can thiệp, thay đổi. Ước muốn phi thường ấy để màu đừng nhạt mất, hương đừng bay đi. Xuân Diệu luôn say đắm vẻ đẹp, hương sắc của cuộc đời qua đó cũng kín đáo bộc lộ quy luật vĩnh viễn xưa nay: cái đẹp chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Ngọn nguồn của những ước muốn táo bạo ấy bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống thiết tha, cháy bỏng; khao khát cháy bỏng được lưu giữ từng khoảnh khắc kì diệu của cuộc sống của nhà thơ. ++ Điệp khúc “tôi muốn” như ngân mãi một mong muốn không bao giờ có thực, vì vậy, lời thơ càng trở nên khắc khoải, da diết thể hiện niềm ước muốn mang vẻ đẹp nhân văn của một tâm hồn nghệ sĩ. ++ Đoạn thơ này bộc lộ nét mới mẻ, độc đáo trong quan niệm của Xuân Diệu với cuộc đời, với hiện thực. Đa số các nhà thơ lãng mạn khác như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận,… đều có quan điểm thoát li hiện thực bởi cuộc sống trần thế với họ chỉ là đau khổ, cô đơn. Còn Xuân Diệu lại muốn hòa mình vào cuộc sống để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên. +++ Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nỗi cô đơn biểu hiện rõ ràng trong thơ Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử. Các thi sĩ chỉ thấy cuộc đời là điêu tàn, kinh dị, họ muốn trốn chạy hiện thực. Huy Cận luôn u uẩn với “mang thiên cổ sầu”, Hàn Mặc Tử u sầu với căn bệnh nan y của mình còn Chế Lan Viên thì say đắm với hồn và xương cốt. Họ mãi ước mơ về một hành tinh xa xôi Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh Một vì sao trơ trọi cuối trời xa Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh Những ưu phiền, đau đớn với buồn lo. Thậm chí cả mùa xuân đối với họ cũng chỉ là đau đớn, rã rời: Tôi có chờ đâu, có đợi đâu Mang chi xuân đến gợi thêm sầu Với tôi tất cả như vô nghĩa Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau. Còn đối với Huy Cận, tiếng thơ của ông ảo não thê lương. Ông mang đến thơ mới nỗi sầu vạn cổ. Quá chán cuộc đời nên nhà thơ muốn được giải thoát, cho dù là cái chết: Hỡi thượng đế tôi cúi đầu trả lại Tâm hồn tôi là một kiếp đi hoang Sầu đã chín xin Người ơi hãy hái Nhận tôi đi dù địa ngục, thiên đàng. ++ Khổ thơ này làm lên sự khác biệt cho Xuân Diệu với các nhà thơ cùng thời. Ông đắm sau cuộc sống, khát khao vẻ đẹp, muốn tận hưởng và níu giữ bước đi của thời gian. - Tình yêu cuộc sống thể hiện qua bức tranh rực rỡ sắc màu: Của ong bướm này đây tuần tháng mật … Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. + Trong thơ mới, có rất nhiều bức tranh thiên nhiên toàn bích. Nó đẹp mê hồn nhưng đều có chung một giai âm là cô đơn, sầu tủi như bức tranh mùa xuân trong thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử hay bức tranh mùa thu trong thơ Lưu Trọng Lư, Bích Khê. ++ Khi nói về mùa thu, nhà thơ Bích Khê choáng ngợp về dáng hình của nó, nhưng vẫn trăn trở và dằn vặt về nỗi buồn đang đeo bám: Ô hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông. ++ Lưu Trọng Lư cũng mang một nỗi buồn mang mác rải trên nền bức tranh thu tuyệt đẹp: Em không nghe mùa thu Dưới trăng mờ thổn thức Em không nghe rạo rực Hình ảnh người chinh phu Trong lòng người chinh phụ. (Tiếng thu) ++ Ngay cả mùa xuân cũng gợi buồn trong thơ của Chế Lan Viên: Ai hay trở lại mùa thu trước Nhặt lấy cho tôi những lá vàng Với cả hoa tươi muôn cánh rã Về đây đem chắn nẻo xuân sang. + Ở Vội vàng, Xuân Diệu đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, sinh động và căng tràn sức sống. Với thi sĩ thì tình không tuổi và xuân không ngày tháng cho nên mọi cảnh vật đều hiện lên trong vẻ đẹp tinh khôi, rạng rỡ nhất. Khu vườn mùa xuân mà thi sĩ vẽ lên được định danh là thiên đường trên mặt đất với đầy đủ hương sắc mời gọi và quyến rũ con người. Ở đó có ong bướm rộn ràng, có muôn hoa đua sắc với đồng cỏ xanh rì. + Với cặp mắt “xanh non”, “biếc rờn”, Xuân Diệu đã nhìn cuộc sống thật nên thơ, đáng đắm say, đáng sống. Chất nhạc và chất họa đã hội tụ đầy đủ trong thơ ông để ông tấu lên, vẽ ra một thiên đường toàn bích: ++ Đó là một thế giới rực rỡ sắc màu: tuần tháng mật, của đồng nội xanh rì, cành tơ phơ phất, của ánh sáng chớp hàng mi, của cặp môi gần. ++ Đó là thế giới rộn rã âm thanh: khúc tình si, thần Vui gõ cửa. ++ Tất cả những cảnh vật rất đỗi bình dị, quen thuộc của đời sống như rạo rực, sống động dưới ngòi bút của Xuân Diệu bởi chúng được đắm chìm trong tình yêu nồng nàn, chếnh choáng men say từ trái tim thi sĩ, chúng quấn quýt lấy nhau như một bản hợp xướng hài hòa của màu sắc, âm thanh và ánh sáng. ++ Thủ pháp liệt kê “này đây” như nhấn mạnh cảnh thiên đường trên mặt đất là có thật, đang mời gọi con người. ++ Với Xuân Diệu, mỗi ngày là một niềm vui mang đến, mùa xuân như thiên xứ của cuộc đời ban cho tạo vật sắc hương, ban cho con người hạnh phúc hân hoan “Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa”. + So sánh độc đáo “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần” được coi là “nhãn tự” của bài thơ. Nó không được so sánh bằng hình ảnh mà được liên tưởng thông qua mọi giác quan. Đối với Xuân Diệu thì tình không tuổi và xuân không ngày tháng. Cho nên vẻ đẹp của tình yêu, khao khát tận hưởng trở thành chân lí đánh giá vẻ đẹp. Trong thế giới đầy xuân sắc và tình tứ của Xuân Diệu, chuẩn mực của cái đẹp không còn là thiên nhiên thường thấy trong thơ ca truyền thống mà là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu nên vẻ non tơ, mỡ màng của tháng giêng được ví với “cặp môi gần” đầy quyến rũ, mê đắm. + Khác với thơ ca truyền thống, luôn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực đánh gái mọi vẻ đẹp thì Xuân Diệu với cặp mắt “biếc rờn” luôn lấy con người giữa mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu làm thước đo cho vạn vật vì thế bức tranh mà ông vẽ ra luôn tràn đầy sinh sắc và ánh sáng tràn đầy. Chúng ta có thể nhận tháy, thi sĩ miêu tả vạn vật đều đang trong trạng thái hạnh phúc vì thế đây được coi như một thiên đường thật đáng sống, đáng để hưởng thụ. Nếu trong Một thời đại trong thi ca, Thế Lữ, Tản Đà nuôi giấc mộng lên tiên thì Xuân Diệu lại “đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới”. Cái hấp dẫn, cái lãng mạn của thơ Xuân Diệu đều nằm ở đó. Vẽ ra bức tranh tươi đẹp, đầy sức sống là thế, nhà thơ muốn lan tỏa đến mọi người một lẽ thật giản đơn, cuộc đời trần thế đẹp đẽ và hấp dẫn biết bao vì thế chúng ta hãy sống hết mình, hãy tận hưởng mọi vẻ đẹp vì theo năm tháng chảy trôi, mọi thứ sẽ ra đi và không bao giờ trở lại giây phút ban đầu, vì một lẽ “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. + Là nhà thơ có ý thức rõ về thời gian nên song hành cùng niềm vui, sự tận hưởng bao giờ cũng là nỗi khắc khoải, mất mát: Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. ++ Có nhiều ý kiến đánh giá quan niệm sống của Xuân Diệu có phần hơi tiêu cực, vồ vập. Nhưng xuất phát từ trái tim nóng bỏng, yêu đời đến thiết tha, rạo rực nên nhà thơ muốn trân trọng từng khoảnh khắc tươi đẹp và sắc hương của cuộc đời. ++ Nhận ra dòng trôi chảy bất tận của thời gian, mỗi khắc trôi đi là vĩnh viễn, là mất mát vì vậy nhà thơ luôn có ý thức sống và tận hưởng trọn vẹn mùa xuân và tuổi trẻ để sau này không còn điều gì hối tiếc, ân hận. + Biện pháp lặp cấu trúc tạo âm hưởng dồn dập, say đắm, gấp gáp như muốn chạy đua cùng cuộc sống. c. Kết bài: - Đoạn thơ thể hiện sâu sắc và độc đáo tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu - Thông qua những sáng tạo hình ảnh và cách tân nghệ thuật trong đoạn trích trên, chúng ta có thêm căn cứ xác đáng để đánh giá: Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới (Hoài Thanh). 4. Sáng tạo (0,5 điểm): - Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,… ); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm).
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

thumb
đề thi 2017...
17
4649
88