Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển bạc liêu...

Tài liệu Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển bạc liêu

.PDF
27
317
112

Mô tả:

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRƯƠNG THU TRANG TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN VÙNG VEN BIỂN BẠC LIÊU Chuyên ngành: Văn hóa học Mã số: 62 31 06 40 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2017 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương 2. TS. Trần Văn Nam Phản biện 1: GS.TS. Nguyễn Xuân Kính Phản biện 2: GS.TS. Đỗ Quang Hưng Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Phú Lợi Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, tại Học viện Khoa học xã hội, 477 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phòng … vào hồi … ngày … tháng … năm 2017 Có thể tìm đọc luận án tại: - Thư viện Học viện Khoc học xã hội - Thư viện Quốc gia Việt Nam CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ 1. Tục cúng biển của người Khmer Bạc Liêu – một hình thức tôn giáo nguyên thủy, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, trang 33-37, năm 2015. 2. Lễ hội Nghinh Ông ở Bạc Liêu: sự hòa trộn độc đáo các sắc thái văn hóa, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, trang 14-17, năm 2016. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Kể từ khi loài người xuất hiện, thì những hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, luôn là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống con người, là nhu cầu tinh thần của nhân dân. Tôn giáo, tín ngưỡng phản ánh nếp cảm, nếp nghĩ của con người trước vũ trụ khôn cùng; phản ánh nỗi sợ hãi và lòng ước mong về một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng vì vậy có thể giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn tầm tư duy, nhận thức, quan niệm của con người về thế giới xung quanh. Nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng nói chung và tôn giáo, tín ngưỡng vùng biển đảo nói riêng từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, khi đời sống càng nhiều bất an, may rủi khôn lường, nhất là đời sống của ngư dân và cư dân ven biển, thì các hoạt động cầu cúng càng diễn ra dày đặc hơn. Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân và ngư dân biển đảo giúp lý giải nhiều chiều cạnh trong thực tế cuộc sống của họ. Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, sở hữu đường bờ biển dài 56km, qua các huyện thị: Thành phố Bạc Liêu, Hòa Bình, Đông Hải; và vùng lãnh hải rộng hơn 20.000km2. Đây là tỉnh có thành phố ven biển.Vùng ven biển chính là vùng đất đầu tiên mà những cư dân khi đến vùng đất này khai phá đã chọn để định cư. Đến nay, vùng ven biển Bạc Liêu, nhất là thành phố Bạc Liêu – thành phố cách biển chỉ 8km, là nơi tập trung hầu hết các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội sôi động nhất tỉnh. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ven biển cũng nổi trội nhất, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh quan tâm nhất. Trong quá trình sinh sống tại đây, chúng tôi nhận thấy rằng một số tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển càng lúc càng thu hút khách phương xa về đây chiêm bái, cầu cúng. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, số lượng khách tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ven 1 biển càng lúc càng gia tăng rất nhanh. Hiện tượng đó để lại trong chúng tôi nhiều câu hỏi. Thứ nhất, vì sao có sự gia tăng đáng kể về số lượng người đến đây tín ngưỡng? Đời sống người dân nhiều bất an nên họ phải đến đây cầu an, giải nạn, hay do đời sống kinh tế tốt hơn nên họ có nhu cầu du lịch tâm linh? Thứ hai, vì sao một số tôn giáo, tín ngưỡng vốn là tôn giáo, tín ngưỡng vùng biển và ven biển, như tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải, giờ đây lại trở thành tôn giáo, tín ngưỡng chung cho tất cả người dân trong và ngoài tỉnh? Người dân đã không chỉ thờ cúng Mẹ Nam Hải với mục đích phò trợ cho ngư dân ngoài khơi, mà đã xem đấy là vị Đức Phật có khả năng cứu rỗi cho tất cả mọi chúng sinh, nên không chỉ trong dịp lễ hội, mà cả trong những ngày thường vẫn có đông đảo người dân đến đây thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Nguyên do của sự biến đổi, quá trình biến đổi, và sự biến đổi ấy làm nên đặc trưng gì cho tôn giáo, tín ngưỡng ven biển nơi đây? Thứ ba, vùng này tín ngưỡng thờ Mẫu và Nữ thần rất nổi trội; các lễ hội, vía bà ở đây như lễ hội Quán Âm Nam Hải, vía Bà Thiên Hậu, vía Bà Chúa Xứ, vía Vạn Ban Ngũ Hành, vía Bà Thủy, phần lớn đều chọn 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, mà đây vốn là ngày sinh của Bà Thiên Hậu – một vị nữ thần vốn của người Hoa. Vùng ven biển Bạc Liêu có sự cộng cư lâu đời của ba dân tộc: Kinh – Khmer – Hoa. Qua quá trình mở mang bờ cõi, suốt mấy trăm năm nay họ đã chịu ảnh hưởng tôn giáo, tín ngưỡng của nhau. Vậy sự nổi trội của nhân vật Bà Thiên Hậu có thể giải thích ra sao từ góc độ do giao lưu tiếp biến văn hóa? Với tất cả những câu hỏi trên, luận án chọn đề tài “Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu” nhằm khám phá vị trí, vai trò, chức năng, tầm quan trọng của những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống văn hóa và đời sống tâm linh của người dân ở đây; đồng thời tìm hiểu các biểu hiện giao lưu tiếp biến văn hóa qua 2 tôn giáo, tín ngưỡng, từ đó góp phần nhận diện đặc trưng văn hóa biển Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án “Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu” là từ việc nhận diện và lý giải các hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây, tìm hiểu các sắc thái văn hóa tộc người và những chiều cạnh khác nhau trong cuộc sống mưu sinh của con người nơi vùng đất mới, góp thêm một nghiên cứu trường hợp cho sự khám phá vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống văn hóa của cư dân ven biển. Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau: - Nhận diện khái quát về tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu. - Phân tích đặc điểm, vai trò và nhất là các chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây trong đời sống cư dân và ngư dân ven biển. - Tìm hiểu những biểu hiện giao lưu và tiếp biến văn hóa qua các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng ven biển Bạc Liêu. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Các truyền thuyết, lễ hội, di tích và các thực hành liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân và ngư dân ven biển Bạc Liêu, đặc biệt tập trung vào các tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng nhiều như: Quán Âm Nam Hải, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thờ Cúng Cá Ông và Thần Biển. - Khách thể nghiên cứu: Cư dân vùng ven biển Bạc Liêu. Cư dân ở đây được xác định là cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Những cư dân này sống trong phạm vi ven biển (bán kính 10km tính từ mép nước biển lên đất liền), phần lớn là ngư dân, còn lại làm một số nghề nghiệp khác. - Phạm vi nghiên cứu: Vùng ven biển Bạc Liêu (được xác định là vùng địa lý trải dài trên 56 km đường bờ biển, trong bán kính 3 10km tính từ mép nước biển lên đất liền, qua ba huyện thị là: Thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải). 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Để có cái nhìn cụ thể và chân thực về các hình thức thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đang diễn ra, đề tài sử dụng cách tiếp cận liên ngành, nhưng đặc biệt sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như điền dã dân tộc học, quan sát, phỏng vấn sâu. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu. Trên cơ sở phân tích, so sánh những đặc điểm của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu với những đặc điểm của tôn giáo, tín ngưỡng các vùng ven biển khác ở Việt Nam, luận án nhận diện những đặc trưng, điểm đặc biệt của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu, qua đó góp phần khái quát nên diện mạo văn hóa ven biển Bạc Liêu. - Qua việc tìm ra vai trò, chức năng của những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống văn hóa, đặc biệt là đời sống tâm linh của người dân ven biển Bạc Liêu, luận án góp phần lý giải hiện tượng vì sao trong những năm gần đây có một số hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu ngày càng thu hút đông đảo các đối tượng khác nhau tham gia. - Luận án là một nghiên cứu trường hợp về sức sống của tôn giáo, tín ngưỡng ở một vùng ven biển, từ đó hiểu được vai trò của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống Việt nam đương đại. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Ý nghĩa lý luận: Luận án góp một cái nhìn về việc lý giải ý nghĩa các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung. Luận án cũng đóng góp về mặt lý luận xoay quanh vấn đề giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người khác nhau, giữa các cư 4 dân đến từ nhiều vùng đất khác nhau, giữa các loại hình, các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Ngoài ra, luận án cũng góp phần nhận diện một số khía cạnh của văn hóa biển Việt Nam và sự biến đổi văn hóa biển trong đời sống đương đại. - Ý nghĩa thực tiễn: Luận án sẽ là nguồn tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý văn hoá, cho công việc giảng dạy và nghiên cứu có liên quan về vấn đề văn hóa biển, tôn giáo, tín ngưỡng ven biển. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án bố cục gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu. Chương 2: Nhận diện tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu. Chương 3: Đặc điểm và chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu Chương 4: Giao lưu và tiếp biến văn hóa qua tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu CHƯƠNG 1 TỐNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Một số công trình nghiên cứu những vấn đề cơ bản, mang tính lý luận về tôn giáo, tín ngưỡng, như: Tôn giáo – Lý luận xưa và nay (Nhiều tác giả, 2005), Lý giải tôn giáo (Trác Tân Bình 2007), Tôn giáo học nhập môn (Đỗ Minh Hợp chủ biên, 2009), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam (Đặng Nghiêm Vạn 2001), “Nhìn lại một thế kỉ nghiên cứu tín ngưỡng dân gian” của Ngô Đức 5 Thịnh và Phạm Quỳnh Phương (2007), Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam – Lý luận và thực tiễn (Đỗ Quang Hưng 2008), Một số tôn giáo ở Việt Nam (Nguyễn Thanh Xuân 2008), Tín ngưỡng tôn giáo và thực hiện chính sách tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay (Nguyễn Minh Khải 2013)... Những công trình này, từ nhiều góc độ khác nhau, đã lý giải rõ khái niệm, bản chất, đặc trưng, chức năng, vai trò... của tôn giáo, tín ngưỡng. Bên cạnh đó, nghiên cứu về văn hóa biển và tôn giáo, tín ngưỡng ven biển ở Việt Nam tuy chưa nhiều nhưng đến nay cũng đã có ít nhiều thành tựu. Nhiều công trình đã chú ý khảo sát thực địa, điền dã dân tộc học để nắm thực tiễn.Tìm hiểu về văn hóa biển Việt Nam đã có nhiều công trình quan tâm đến các khía cạnh khác nhau như lý giải nhận thức về văn hóa biển, đảo (Phan Ngọc 2006, Nguyễn Thị Hải Lê 2010, Nguyễn Văn Kim 2011); Nghiên cứu lịch sử các vùng biển, đảo Việt Nam (Nguyễn Công Bằng 2007, Dư Văn Toản 2010, Lâm Thị Mỹ Dung 2011, Lại Văn Tới 2011); Khảo sát đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc điểm, văn hóa ứng xử với biển của ngư dân và cư dân ven biển (Trần Hồng Liên 2004, Phan Thị Yến Tuyết 2010, Nguyễn Hữu Nghị 2010); Tìm hiểu các phương tiện và phương thức di chuyển, khai thác nguồn lợi từ biển (Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Việt 1984, Li Tana 2002, Nguyễn Viết Trung 2007).v.v… Riêng về Bạc Liêu, với tuổi đời còn rất trẻ, trên 300 năm cho một vùng đất mới chưa thể gọi là dài để có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống đậm đặc như các vùng đất thuộc tuyến đầu tổ quốc, cộng với những điều kiện, đặc trưng về kinh tế, xã hội của vùng đất này, nên những khảo sát, nghiên cứu về Bạc Liêu chưa nhiều, nếu không muốn nói là còn quá nhiều khoảng trống. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như: Văn học dân gian Bạc Liêu (Chu Xuân Diên, 2005), Bạc Liêu trong mắt tôi (Phan Trung Nghĩa, 2012), một số nghiên cứu của tác giả Trần Thuận: Bước đầu tìm hiểu những ngôi chùa ở Bạc Liêu trong các thế kỷ XVII – XIX (2002); Một số đặc 6 điểm trong tín ngưỡng dân gian Bạc Liêu (2007); Tín ngưỡng dân gian Bạc Liêu (2012). Như vậy, tại Bạc Liêu, tuy chưa có công trình đi sâu khai thác Tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu, nhưng một số công trình nghiên cứu nêu trên sẽ là cơ sở quan trọng để tìm hiểu vấn đề nghiên cứu của chúng tôi. 1.2. Cơ sở lý luận Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi quan tâm đến bốn vấn đề cơ bản có tính lý luận: khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng; chức năng của tôn giáo; giao lưu tiếp biến tôn giáo; và mối quan hệ giữa tôn giáo với các tác nhân bên ngoài. Thứ nhất, về khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng, đến nay vẫn còn gây tranh luận, trong đó khá phổ biến là hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là tách biệt tôn giáo, tín ngưỡng thành hai phạm trù riêng biệt, và tín ngưỡng là sự phát triển ở cấp độ thấp hơn tôn giáo (Ngô Đức Thịnh 2001, Nguyễn Thanh Xuân 2008). Khuynh hướng thứ hai cho rằng không nên có sự phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm, khi nói tín ngưỡng, thì đó là tín ngưỡng tôn giáo, là niềm tin tôn giáo, nghĩa là đồng nhất tín ngưỡng với tôn giáo và gọi chung là tôn giáo (Cadiere 1997, Đặng Nghiêm Vạn 2001, Nguyễn Quốc Tuấn 2011, Nguyễn Thị Hiền 2012). Luận án này theo quan điểm cho rằng không nên phân biệt cao – thấp, coi tôn giáo như một hình thức phát triển cao hơn tín ngưỡng. Chúng tôi cũng không cho rằng tín ngưỡng và tôn giáo là hai phạm trù hoàn toàn riêng biệt. Việc luận án sử dụng cùng lúc hai từ “tôn giáo” và “tín ngưỡng” vì hiện nay Pháp lệnh về Tôn giáo Tín ngưỡng (2004) vẫn sử dụng hai cụm từ này, đồng thời nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam vẫn dùng song song như thế; Trong bối cảnh còn tồn tại tranh luận về khái niệm, nội hàm của hai từ “tôn giáo” và “tín ngưỡng”, nên chúng tôi chọn cách sử dụng song song hai cụm từ này 7 để nói đến đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên chúng tôi vẫn luôn nhận thức được vấn đề còn tranh luận của nội hàm khái niệm này. Thứ hai, nhiều nghiên cứu thảo luận về vai trò, chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng. Vai trò và chức năng của tôn giáo có thể nhìn nhận từ lăng kính của lý thuyết Chức năng luận,một trường phái lý thuyết gắn liền với các công trình của các nhà nhân học B.Malinowski và A.Radcliff Brown, và cả G.Spencer và E.Durkheim (Belik 1999). Theo quan điểm này, văn hóa được nghiên cứu như một cơ chế toàn vẹn bởi văn hóa có tính chỉnh thể, mỗi một bộ phận trong chỉnh thể đó đều có giá trị, chức năng riêng. Riêng về tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ ra do đời đi biển lắm bất trắc, nhiều may rủi khó lường, nên cộng đồng cư dân ven biển thường tiến hành nhiều hoạt động thờ cúng với mục đích cầu an. Nhiều nhà lý thuyết kinh điển về tôn giáo cho rằng khi trình độ nhận thức của con người tăng lên, đời sống hiện đại hơn, thì vai trò và chức năng của tôn giáo trong đời sống con người sẽ dần mất đi. Thứ ba, về giao lưu, tiếp biến văn hóa qua tôn giáo tín ngưỡng Theo tác giả Nguyễn Thừa Hỷ, các nền văn hóa không đứng cô lập và bất biến.Trái lại, thường xuyên diễn ra những tiếp xúc văn hóa và tạo ra những chuyển biến văn hóa. Có nhiều loại hình tiếp xúc văn hóa với những dạng thức khác nhau và đem lại những kết quả khác nhau. Sự tiếp xúc văn hóa dẫn đến sự giao thoa, hỗn dung, hoặc đồng hóa, và có khi xảy ra hiện tượng phản – tiếp biến [44; tr.12-14] Tại vùng ven biển Bạc Liêu, cư dân 3 dân tộc Việt – Khmer – Hoa đã có quá trình cộng cư lâu đời, kể từ thời khai hoang mở đất. Quá trình cộng cư hiển nhiên đã diễn ra sự giao lưu và tiếp biến văn hóa.Tuy nhiên nguyên nhân của việc giao thoa, tiếp xúc và tiếp biến các tôn giáo, tín ngưỡng giữa ba tộc người tại vùng ven biển Bạc Liêu cũng còn nhiều điều phải bàn thêm. Chẳng hạn quá trình khai 8 hoang mở đất và bắt đầu sự cộng cư cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc giao thoa văn hóa. Thứ tư, vấn đề mối quan hệ giữa tôn giáo với các tác nhân bên ngoài, trong đó có kinh tế thị trường, cũng là một vấn đề nổi lên hiện nay và được thể hiện trong nhiều nghiên cứu. Nếu như trước đây, Léopold Cadière (1997) đã nhận thấy rằng, tại Việt Nam, mọi hình thức tín ngưỡng được thực hành bằng những nghi lễ khác nhau thường nhằm mục đích trong sáng là tìm sự an định tinh thần trong một thế giới quá nhiều khổ ải. Thì bây giờ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đang phải chịu tác động từ nhiều phía, mà kinh tế thị trường là nhân tố ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ. 1.3. Địa bàn nghiên cứu 1.3.1. Tên gọi Bạc Liêu “Bạc Liêu” là một trong những địa danh có nhiều sự lý giải về xuất xứ tên gọi. Việc truy tìm nguồn gốc tên gọi Bạc Liêu vì vậy cũng sẽ mang đến sự hiểu biết phần nào về vùng đất Bạc Liêu, về văn hóa Bạc Liêu, bởi vì địa danh vốn phản ánh lịch sử, văn hóa, xã hội, địa lý tự nhiên của một vùng đất. Địa danh Bạc Liêu được lý giải theo cách gọi của người Khmer, người Hoa, nhưng cách lý giải của người Hoa là phổ biến nhất. Cho dù là nguồn gốc tên gọi Bạc Liêu có từ tiếng Khmer hay từ tiếng Hoa thì đến người Việt đều đọc là Bạc Liêu, một cái tên với nhiều sự lý giải và một cách đọc thể hiện sự cộng cư, sự góp mặt của cả ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer ngay từ buổi đầu khẩn hoang, lập làng lập ấp, thể hiện sự đồng sức đồng lòng khai phá một vùng đất mới. Tên gọi Bạc Liêu vì vậy rất đặc biệt, mang trong mình một dấu ấn văn hóa của sự cộng cư, vừa khẳng định bản sắc vừa thể hiện sự hòa hợp dân tộc. 1.3.2. Lịch sử hình thành Bạc Liêu và vùng ven biển Bạc Liêu Bạc Liêu là một tỉnh thuộc Bán đảo Cà Mau, được hình thành muộn hơn so với nhiều tỉnh Nam Bộ. Tuy được khai phá vào thế kỷ 9 XVII nhưng đến thế kỷ XIX thì mới có đông người đến và Bạc Liêu mới phồn thịnh.Vùng đất mà các cư dân đầu tiên đến định cư là vùng ven biển Bạc Liêu. Đời sống cư dân và ngư dân ven biển trong buổi đầu khai hoang gặp rất nhiều nguy hiểm. Bởi đời sống ngoài khơi quá hiểm nguy nên ngư dân đặc biệt yêu thương nhau, tương trợ lẫn nhau, thương nhau còn hơn ruột thịt, họ sống với nhau bằng tinh thần xả thân vì nghĩa. Cũng bởi đời sống may rủi không lường, cái chết lửng lơ treo nơi đầu sóng ngọn gió, ai cũng có thể dễ dàng nhận lấy, nên việc tín ngưỡng, cúng bái là rất thường xuyên với họ. 1.3.3. Các tộc người vùng ven biển Bạc Liêu Vùng ven biển Bạc Liêu là dân tứ xứ đổ về, người dân hay nói đùa là ngoài người nước khác tới thì cả 63 tỉnh thành đều có người đại diện đến đây sinh sống. Các tộc người vùng ven biển Bạc Liêu gồm có Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Tuy nhiên nơi đây có sự cộng cư của ba dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer, còn dân tộc Chăm chỉ chiếm một số lượng rất ít, chỉ vài hộ dân. Do đó trong quá trình nghiên cứu về các tộc người nơi đây, chúng tôi đã nghiên cứu sâu hơn về ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Đây là các dân tộc có sự đóng góp chính yếu vào quá trình khai hoang mở đất, cũng như quá trình phát triển của Bạc Liêu ngày nay. TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 Tôn giáo, tín ngưỡng, thuộc lĩnh vực văn hóa tâm linh, vốn có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nhiều nhà nghiên cứu. Bởi tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống con người, nó cũng quan trọng như các yếu tố vật chất cần thiết cho con người. Do đó đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh lĩnh vực này. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận án quan tâm đến các tài liệu luận về khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng; về vai trò chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng; về giao lưu tiếp biến văn hóa qua tôn giáo, tín ngưỡng; và một số vấn đề khác có liên quan. Bạc Liêu là vùng đất được khai phá muộn màng.Tuy được khai phá vào thế kỷ XVII nhưng đến thế kỷ XIX thì mới có đông người 10 đến và Bạc Liêu mới phồn thịnh.Vùng đất mà các cư dân đầu tiên đến định cư là vùng ven biển Bạc Liêu.Vùng đất này tuy giàu tôm cá nhưng cũng lắm khó khăn nhiều khắc nghiệt.Chủ yếu người dân khi mới đến đều sống bằng nghề đi biển. Bởi đời sống ngoài khơi quá hiểm nguy nên ngư dân đặc biệt yêu thương nhau, tương trợ lẫn nhau, thương nhau còn hơn ruột thịt, họ sống với nhau bằng tinh thần xả thân vì nghĩa. Đấy cũng là điều kiện cho việc giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người ven biển. CHƯƠNG 2 NHẬN DIỆN TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CỦA CƯ DÂN VÙNG VEN BIỂN BẠC LIÊU 2.1. Khái quát chung về tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu Vùng ven biển Bạc Liêu ngay từ thưở mới khai hoang đã vốn có sự cộng cư của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Trên bước đường tìm về vùng đất mới, mỗi lưu dân xa xứ đều mang theo bên mình vốn văn hóa của vùng đất tổ, trong đó có tôn giáo, tín ngưỡng, đến đây, vốn văn hóa ấy hòa nhập với văn hóa bản địa, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt văn hóa, đồng thời làm nảy sinh nhiều dạng thức mới. Phật giáo là tôn giáo lớn, phổ biến tại Việt Nam. Tại Bạc Liêu, cùng với quá trình khai phá khá muộn màng, Phật giáo vào Bạc Liêu cũng muộn hơn những nơi khác (khoảng giữa thế kỷ XVIII), nhưng vẫn là tôn giáo phát triển mạnh mẽ nhất, chi phối sâu sắc nhất đến đời sống tâm linh người Bạc Liêu nói chung, cư dân vùng ven biển Bạc Liêu nói riêng. Có thể thấy sự đa dạng, phong phú của các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây. Chẳng hạn như: Thờ Phật, có cả Bắc tông và Nam tông; Thờ mẫu và nữ thần; Thờ cá Ông; Tín ngưỡng Thần Biển; Tín ngưỡng thờ Thủy Tổ Ngư Nghiệp; Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng; Tín ngưỡng thờ Tiền Hiền – Hậu Hiền; Tín ngưỡng thờ Cậu 11 Tài – Cậu Quý; Tín ngưỡng thờ Na Tra - Hồng Hài Nhi; Tín ngưỡng thờ Thần Tài – Thổ Địa; Tín ngưỡng thờ Hổ; Tín ngưỡng thờ Thạch Thần; Tín ngưỡng thờ cây… Tuy nhiên, khi mô tả trong công trình này, như trong phần phạm vi nghiên cứu và mục đích nghiên cứu đã đề cập, chúng tôi chỉ khảo sát, mô tả các tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù của cư dân miền ven biển, để thấy được nét đặc thù của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu, qua đó góp phần nhận diện văn hóa biển Việt Nam. Cụ thể, trong luận án này, chúng tôi tập trung mô tả nhiều nhất về các tôn giáo, tín ngưỡng như: Quán Âm Nam Hải, Thiên Hậu, Cá Ông và Thần Biển. Vì các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng này có ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển Bạc Liêu. Đồng thời đây cũng là những hình thức có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. 2.2. Một số tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu 2.2.1. Quán Âm Nam Hải Ở Bạc Liêu, tôn tượng Quán Âm Nam Hải đứng uy nghi giữa nền trời xanh mây trắng, hướng nhìn ra biển đông lộng gió, nét mặt tĩnh tại, an nhiên, tay phải cầm nhành dương liễu, tay trái cầm Thanh tịnh bình, sẵn sàng rưới nước cam lồ cứu khổ khắp nhân gian. Hoạt động tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải ở Bạc Liêu diễn ra rộng khắp với nhiều nghi lễ trong lễ hội Quán Âm Nam Hải và trong những ngày thường. Trong tâm thức người dân Bạc Liêu nói riêng, người dân ở khắp các vùng miền khác nói chung, Quán Âm Nam Hải có vị trí vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh của họ. 2.2.2. Thiên Hậu Thánh Mẫu Vùng ven biển Bạc Liêu, nhất là thành phố Bạc Liêu có rất đông người Hoa sinh sống. Hơn nữa khi mới đến lập nghiệp, người Hoa cũng chọn vùng ven biển để định cư, nên tín ngưỡng Thiên Hậu phổ biến rất mạnh mẽ ở vùng này. Suốt từ xã Hiệp Thành đến thị trấn Gành Hào, nghĩa là dọc theo 56km đường bờ biển Bạc Liêu đều có 12 Miếu thờ Thiên Hậu. Mỗi năm người Hoa làm lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu vào 23 tháng 3 âm lịch. Lễ vía được tổ chức rất trọng thể. Sau này khi người Việt trông coi một số miếu Bà Thiên Hậu vẫn giữ lệ này. 2.2.3. Thờ Cá Ông Thờ cúng cá Ông là tín ngưỡng đặc thù của cư dân vùng biển từ duyên hải miền Trung đến miền Nam Việt Nam. Dọc theo đường bờ biển, các đảo, đều có các cơ sở thờ tự cá Ông. Tại Bạc Liêu, dọc theo vùng ven biển có chiều dài 56km, có ba cơ sở thờ tự cá Ông. Trong đó Lễ hội Nghinh Ông diễn ra tại hai nơi thuộc xã Vĩnh Thịnh và thị trấn Gành Hào. 2.2.4. Cúng Thần Biển Tại Bạc Liêu, ngoài tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải, tín ngưỡng Cá Ông, trong đó, người dân trao truyền niềm tin vào một đối tượng cụ thể, có hình hài cụ thể. Duy nhất tại xã Hiệp Thành, Thành Phố Bạc Liêu, người dân gửi niềm tin tâm linh vào một vị Nhiên thần, đó là Thần Biển. Một điểm đặc biệt là, chỉ có người Khmer ven biển Bạc Liêu mới tin tưởng và tôn thờ vị thần này, còn người Việt và người Hoa thì chỉ tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải và Cá Ông. Lễ cúng thần Biển được diễn ra trong hai ngày, 15 và 16 tháng 4 âm lịch hằng năm. TIỂU KẾT CHƯƠNG 2 Vùng ven biển Bạc Liêu ngay từ thưở mới khai hoang đã vốn có sự cộng cư của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Trên bước đường tìm về vùng đất mới, mỗi lưu dân xa xứ đều mang theo bên mình vốn văn hóa của vùng đất tổ, trong đó có tôn giáo, tín ngưỡng, đến đây, vốn văn hóa ấy hòa nhập với văn hóa bản địa, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt văn hóa, đồng thời làm nảy sinh nhiều dạng thức mới. Có thể thấy sự đa dạng, phong phú của các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng nơi đây. Chẳng hạn như: Thờ Phật, có cả Bắc tông và Nam tông; Thờ mẫu và nữ thần; Thờ cá Ông; Tín ngưỡng Thần Biển; 13 Tín ngưỡng thờ Thủy Tổ Ngư Nghiệp; Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng; Tín ngưỡng thờ Tiền Hiền – Hậu Hiền; Tín ngưỡng thờ Cậu Tài – Cậu Quý; Tín ngưỡng thờ Na Tra - Hồng Hài Nhi; Tín ngưỡng thờ Thần Tài – Thổ Địa; Tín ngưỡng thờ Hổ; Tín ngưỡng thờ Thạch Thần; Tín ngưỡng thờ cây… Ở Bạc Liêu, tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải đặc biệt phổ biến mạnh mẽ nhất ở vùng ven biển, sau đó lan ra các khu vực lân cận. Và đặc biệt hơn, theo sự tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng Bạc Liêu tổ chức lễ hội Quán Âm Nam Hải và trong cách tổ chức lễ hội lại có những đặc trưng riêng, giàu giá trị văn hóa. CHƯƠNG 3 ĐẶC ĐIỂM VÀ CHỨC NĂNG CỦA TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG VÙNG VEN BIỂN BẠC LIÊU 3.1. Đặc điểm của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu 3.1.1. Thể hiện tính trọng Mẫu và nữ thần vùng biển Khảo sát tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu, một điều chúng tôi rất lưu ý là trong tổng số 16 cơ sở thờ tự ven đường bờ biển dài 56km, thì có đến 8 cơ sở thờ Mẫu và Nữ Thần biển. Trong 8 cơ sở còn lại, có 2 cơ sở thờ cúng Cá Ông, và 6 cơ sở còn lại thờ Phật. Như vậy, tất cả có 10 cơ sở thờ tự thờ các đối tượng theo tín ngưỡng dân gian, đó là các Mẫu, Nữ Thần biển và Cá Ông. Riêng Thần Biển của người Khmer không có cơ sở thờ tự. Kể cả khi thờ Cá Ông, người Bạc Liêu cũng nhìn thấy trong Cá Ông hình tượng của Mẹ Nam Hải, vị Bồ Tát đã xé áo cà sa rải xuống biển để cứu độ ngư dân gặp hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió.Trừ lễ hội Cúng Biển của người Khmer, các lễ hội còn lại của vùng ven biển Bạc Liêu đều có ý thức tôn sùng tính Mẫu. 3.1.2. Thể hiện triết lý âm dương Những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu thể hiện rõ triết lý âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, hai phạm trù này luôn gắn bó mật thiết với nhau và thể hiện 14 rõ nét trong cách phối thờ, cách bày trí không gian thờ tự và trong thực hành nghi lễ. 3.1.3. Thể hiện sự tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc Trong một số thực hành văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu, chúng tôi nhận thấy phương cách tổ chức của lễ hội Quán Âm Nam Hải có điểm rất hay, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến “Phiên chợ xưa” được tổ chức trong ba đêm diễn ra lễ hội. Đúng với tên gọi, phiên chợ này tái hiện và tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc. 3.2. Chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu 3.2.1. Sự bảo trợ thiêng liêng và huyền bí Chính vì người dân ven biển Bạc Liêu khẩn hoang trong điều kiện thâm u, lắm bất trắc, nhiều nguy hiểm nơi biển cả nên việc cúng bái diễn ra thường xuyên. Tôn giáo, tín ngưỡng lúc này với họ trở thành một nhu cầu thiết yếu. Do vậy mà ở vùng ven biển Bạc Liêu, nhiều dạng thức tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với đời sống người dân ven biển đã được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay. Đó là những tôn giáo, tín ngưỡng như: Thờ cúng Quán Âm Nam Hải; Thờ cúng Cá Ông; Cúng Thần Biển; Thờ cúng Cây Xoài 300 năm tuổi… Những hoạt động cầu cúng trong những dạng tôn giáo, tín ngưỡng kể trên rất phong phú, đa dạng, không chỉ trong những dịp lễ hội mà còn trong cuộc sống thường ngày. 3.2.2. Hòa hợp tộc người và kết nối cộng đồng Quá trình khai hoang mở cõi ở Bạc Liêu bắt đầu từ vùng ven biển và từ sự chung tay góp sức của cả ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer. Điều kiện khắc nghiệt thời mở đất và những chuyến đánh bắt chốn xa khơi đẩy hiểm nguy đã hình thành một nhu cầu kết nối cộng đồng, hòa hợp dân tộc để cùng tương thân tương ái, vượt qua cảnh rừng thiêng nước độc, thú dữ bầy đàn, và cảnh đánh bắt chốn biển khơi khi ngư cụ còn thô sơ. Nơi đây, tôn giáo, tín ngưỡng, như chất keo gắn kết cộng đồng. Ngoài niềm tin tôn giáo, chức năng nối kết 15 cộng đồng còn đậm tính nhân văn, thể hiện vẻ đẹp truyền thống về tình đoàn kết keo sơn từ bao đời nay của dân tộc ta. 3.2.3. Khẳng định và bảo tồn bản sắc tộc người Trên bước đường mở đất, mỗi người đều mang theo nguồn cội văn hóa của quê nhà, trong đó có văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Những thực hành tôn giáo, tín ngưỡng giúp họ khẳng định dấu ấn dân tộc mình trên vùng đất mới, trên quê hương mới, và họ luôn mong muốn giữ gìn dấu ấn ấy, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn nguồn cội của mình. Người Hoa, người Khmer khi thờ tự, hoặc khi tổ chức các lễ hội thường chú ý giữ nguyên các nghi lễ để truyền lại cho con cháu bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 3.2.4. Điều chỉnh hành vi và bồi dưỡng tình cảm đạo đức Ở vùng ven biển Bạc Liêu, tôn giáo, tín ngưỡng chi phối, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của con người. Có thể nói là gắn bó thiết thân với những hoạt động thường ngày của cư dân ven biển. Tại xã Vĩnh Trạch Đông, thuộc Thành phố Bạc Liêu, một xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, Phật giáo Nam Tông chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống người dân. Ngôi chùa với người Khmer vừa là trường học, vừa là nơi cử hành các lễ hội, là nơi gìn giữ những phong tục tập quán của dân tộc. Bên cạnh đó do đặc thù của lễ hội Nghinh Ông – Lễ hội của miền biển, nên người dân chọn tôm giống để phóng sinh, vừa tích lũy được công đức, vừa có thể tái tạo nguồn lợi thủy sản. Như vậy tôn giáo, tín ngưỡng đã có tác động, giúp điều chỉnh hành vi, để người dân miền biển biết thực hiện nhiều hoạt động có lợi cho môi trường, và sau đó là cho cuộc sống của chính họ. 3.2.5. Du lịch tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu trong đời sống đương đại Hiện nay ở vùng ven biển Bạc Liêu, khi đời sống hiện đại, việc đánh bắt xa bờ được hỗ trợ bởi nhiều trang thiết bị hiện đại, thì tôn giáo, tín ngưỡng vẫn vô cùng cần thiết. Bởi sự lan tỏa mạnh mẽ của tôn giáo, tín ngưỡng vùng ven biển Bạc Liêu từ xưa đến nay, đặc biệt 16 là trong dịp lễ hội, nên Bạc Liêu đã quy hoạch và thực hiện việc phát triển du lịch tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện nay ở Bạc Liêu, lễ hội tâm linh chính là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa rất hấp dẫn và đang được khai thác khá tốt. TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 Tôn giáo, tín ngưỡng là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng có những vai trò, chức năng khác nhau trong đời sống xã hội, hoặc tham gia bình ổn xã hội, hoặc ổn định tâm lý, thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của con người. Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng vì vậy đều có những giá trị riêng. Các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng là hoạt động gần như không thể thiếu trong đời sống văn hóa của con người, đặc biệt là đối với người dân vùng biển đảo. Ở vùng ven biển Bạc Liêu, ngay từ buổi đầu mở đất, cuộc sống nơi đất mới quá khó khăn khắc nghiệt chính là nguyên do nảy sinh nhiều hoạt động ma thuật. Đây lại là nơi cộng cư của nhiều tộc người đến từ nhiều vùng miền khác nhau, kể cả trong và ngoài nước, nên vùng đất này cũng là sự tập hợp vô cùng phong phú những loại hình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, tất cả tạo nên một bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng đa chiều, vừa thể hiện sự dung hòa, giao lưu tiếp biến, hòa hợp dân tộc, lại vừa khẳng định những nét riêng, giữ gìn bản sắc tộc người. 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan