Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tìm hiểu truyện kể genji của murasaki shikibu _ tiếng việt...

Tài liệu Tìm hiểu truyện kể genji của murasaki shikibu _ tiếng việt

.PDF
43
1637
61

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG KHOA ĐÔNG PHƯƠNG HỌC W X BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỀ TÀI: TÌM HIỂU TRUYỆN KỂ GENJI CỦA MURASAKI SHIKIBU Sinh viên thực hiện: ĐOÀN THỊ NHƯ ANH Giáo viên hướng dẫn: PGS.TS. ĐOÀN LÊ GIANG BIÊN HÒA, THÁNG 12/2010 LỜI CẢM ƠN Trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể quý thầy cô Khoa Đông Phương , Trường Đại Học Lạc Hồng, đã tận tình dạy dỗ và tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đến Giáo Viên Hướng Dẫn là Phó Giáo Sư Đoàn Lê Giang và Giáo viên người Nhật là thầy Tobita Minoru đã nhiệt tình chỉ bảo tôi trong quá trình làm báo cáo, hướng dẫn tận tình cho tôi những tài liệu và kiến thức có liên quan đến đề tài nghiên cứu của tôi. Mặc dù rất bận rộn về thời gian nhưng các thầy đã dành nhiều thời gian hướng dẫn và chỉ ra những sai xót trong luận văn, giúp tôi có thể hoàn thành tốt luận văn. Kế đến là tôi cũng vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn. Trong quá trình học tập cũng như trong quá trình làm luận văn này, các bạn đã hỗ trợ và động viên tôi rất nhiều. Ngoài sự nâng đỡ về mặt tinh thần cũng như vật chất của gia đình cũng là một nguồn động lực to lớn giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn trong suốt thời gian làm đề tài nghiên cứu này. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả sự giúp đỡ nhiệt tình từ mọi người. Biên Hòa, tháng 11 năm 2010 MỤC LỤC A. PHẦN MỞ ĐẦU.......................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài........................................................................................... 1 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài............................................................................. 2 3. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 3 4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................. 3 5. Những đóng góp của đề tài .......................................................................... 3 6. Cấu trúc của đề tài: Chia thành 4 chương................................................. 4 B. NỘI DUNG CHÍNH................................................................................................... 5 CHƯƠNG I: THỜI ĐẠI HEIAN VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA TIỂU THUYẾT TRUYỆN KỂ GENJI ............................................................................................................................... 5 1.1 Thời đại Heian (794 – 1192)....................................................................... 5 1.1.1 Lịch sử và xã hội .................................................................................. 5 1.1.2 Tôn giáo và phong tục ......................................................................... 7 1.1.3 Sự phát triển của văn học ................................................................... 9 1.2 Tác phẩm Truyện kể Genji...................................................................... 10 1.2.1 Tác giả Murasaki Shikibu................................................................. 10 1.2.2 Tóm tắt nội dung tác phẩm............................................................... 12 CHƯƠNG II: NHÂN VẬT GENJI VÀ NHỮNG NHÂN VẬT TRONG UJI THẬP THIẾP ............................................................................................................................. 18 2.1 Genji và những cuộc phiêu lưu tình ái (33 chương đầu) ...................... 18 2.1.1 Tính cách Genji.................................................................................. 18 2.1.2 Những người phụ nữ có ảnh hưởng đối với Genji.......................... 19 2.2 Những năm cuối đời của Genji (8 chương tiếp theo) ............................ 21 2.2.1 Sự hối hận về những lầm lẫn trong quá khứ................................... 21 2.2.2 Cái chết trong sầu muộn ................................................................... 23 2.3 Hậu Genji (9 chương kết thúc)................................................................ 24 CHƯƠNG III: NIỀM BI CẢM CỦA TÁC PHẨM........................................................ 26 3.1. Niềm bi cảm với số phận nhân vật......................................................... 26 3.1.1 Bi cảm với thời gian đã mất của nhân vật...................................... 26 3.1.2 Bi cảm trước sự vô thường của cái đẹp ........................................... 28 3.2 Niềm bi cảm với thiên nhiên tươi đẹp..................................................... 29 CHƯƠNG IV: NGHỆ THUẬT TỰ SỰ ...................................................................... 33 C. PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................................. 37 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..................................................................... 39 1 A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nhật Bản là một xứ sở có phong cảnh được coi là một trong những nơi đẹp nhất thế giới với bốn mùa thay đổi rõ rệt: mùa xuân với hoa anh đào nở dần từ nam lên bắc, mùa hè cây cối xanh mướt, mùa thu lá phong đỏ thắm từ bắc xuống nam, mùa đông tuyết trắng tinh khôi. Nói đến Nhật Bản là nói đến những văn hóa truyền thống như tinh thần Võ sĩ đạo, nghệ thuật cắm hoa, trà đạo, Bonsai, kiếm đạo, kịch Nô, kịch Kabuki….Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi phần đỉnh núi, là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang. Trong danh sách 10 nền văn hoá hàng đầu của thế giới có nền văn hoá Nhật Bản. Những gì tuyệt vời mà nền văn hoá này cống hiến cho nhân loại không chỉ là sự dữ dội qua kiếm đạo, truyền thống võ sĩ đạo, nghi thức mổ bụng tự sát của các Samurai, một nền văn hóa Nhật Bản tinh tế với trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật viết chữ, lễ hội ngắm hoa anh đào v.v...mà còn là một nền văn học thành văn với chiều dài lịch sử chỉ đứng thứ nhì sau Trung Quốc. Lịch sử văn học Nhật Bản cho thấy sự khẳng định nét đặc sắc về thơ với thi tuyển Vạn diệp tập từ thế kỷ VIII, khẳng định nét đặc sắc về tiểu thuyết với Truyện kể Genji, được coi là tiểu thuyết đầu tiên của thế giới từ thế kỷ XI. Và đây là tiểu thuyết gây cho tôi sự chú ý nhất trong mảng văn học Nhật Bản. Tìm hiểu Truyện kể Genji tôi không những chỉ đọc được một câu chuyện hay mà truyện còn giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về nếp sống về tính cách con người cùng với nét đẹp thiên nhiên, những nét văn hóa truyền thống còn được tồn tại cho đến ngày nay. Nó đã giúp ích rất nhiều cho việc thôi thúc tôi tìm hiểu về một Nhật Bản phồn hoa trong truyện và một Nhật Bản ở đời sống thật đã làm cho thế giới phải thán phục về sự phát triển kinh tế thần kì sau thế chiến II. Một Nhật Bản với tinh thần thép không bị khuất phục trước những thử thách của thiên nhiên. Tôi chọn đề tài vì niềm yêu thích, sự quan tâm và hy vọng giúp ích được cho những ai đang theo học chuyên ngành Nhật Bản học sau tôi nhận ra rằng bạn không chỉ học về ngôn ngữ mà bạn đang học về một đất nước mà buộc bạn phải có kiến 2 thức tổng quan về đất nước đó. Và kiến thức mà tôi đặc biệt quan tâm là thuộc mảng văn học Nhật Bản. 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài Đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, dịch giả Nhật Bản đã cố công dịch Truyện kể Genji từ tiếng Nhật cổ ra kim văn, trong đó có bản của văn hào Tanizaki Jun'ichiro và nữ sĩ Setouchi Jakuchô. Bản thông dụng nhất có lẽ là bản khổ bỏ túi của nhà xuất bản Kodansha năm 1978 gồm 7 cuốn, tổng cộng 3500 trang khổ A6 với cỡ chữ rất nhỏ, do Giáo sư Imaizumi Tadayoshi (1910-1976) dịch toàn văn. Truyện kể Genji cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới nhờ các dịch giả như Arthur Waley (Anh), Edward Seidensticker (Mỹ), René Sieffert (Pháp) v.v. Bản dịch tiếng Anh Truyện kể Genji chủ yếu dựa vào văn bản trong loạt truyện Nihon koten bungaku taikei gồm các tác phẩm cổ điển Nhật Bản do Iwanami Tokuhei xuất bản. Người biên tập là giáo sư Yamajishi Tokuhei đã sử dụng một bản thảo chép tay thời Muromachi trong Aobyoshi (sách xanh) xuất phát từ công trình của Fujiwara Teika, nhà thơ và học giả lớn thế kỷ thứ XII và đầu thế kỷ XIII. Hai văn bản khác cũng được tham khảo đều đặn cho bản dịch tiếng Anh là Chàng Genji monogatari Hyoshaku của giáo sư Tamagami Takuya và bản văn Shogakkan mà chỉ hai phần ba đã được xuất bản. Cả hai bản tham khảo này đều dựa trên bản thảo chép tay Aobyoshi. Ba bản dịch ra tiếng Nhật hiện đại của nữ thi sĩ Yosano Akiko và nhà văn Tanizaki Jun'ichiro, Enji Fumiko cũng được tham khảo từng phần. Bản dịch tiếng việt Truyện kể Genji của Murasaki Shikibu do Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in vào năm 1991 tại Hà Nội. Đây là bản dịch không đề tên dịch giả và được dịch lại từ bản tiếng Anh. Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Đức Diệu; biên tập: Nguyễn Cừ. Trong bản Việt văn có lời giới thiệu được dịch từ lời giới thiệu trong dịch phẩm tiếng Anh do Edward Seidensticker viết vào tháng 1 năm 1976. Nhật Chiêu với sách: Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nhật Bản trong chiếc gương soi. Shuichi Kato với cuốn sách Lịch sử văn học Nhật Bản. Nhìn chung các nhà văn đều đi sâu tìm hiểu về thời đại, về tác giả, về những bản thảo, bản gốc và bản dịch của truyện, về niềm bi cảm, về phức cảm 3 Genji, về sự so sánh tác phẩm với tác phẩm khác như “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust… Và đề tài tôi đang làm là tìm hiểu tổng quát về truyện, phân tích về nhân vật, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật mà tác phẩm đã đạt được. 3. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu Mục tiêu của luận văn là phân tích tác phẩm, các mối quan hệ trong tác phẩm để làm rõ giá trị nội dung của tác phẩm, giá trị nghệ thuật của tác phẩm và ảnh hưởng của nó. Đề tài sử dụng “Truyện kể Genji”, bản dịch ra tiếng Việt do Nguyễn Đức Diệu chủ biên, gồm hai tập của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội xuất bản năm 1991 làm đối tượng nghiên cứu chính, bên cạnh đó còn tham khảo bản tài liệu tiếng Nhật và các tài liệu có liên quan. 4. Phương pháp nghiên cứu Để đạt được hiệu quả tốt, luận văn sử dụng phương pháp nghiên cứu quá trình: tìm hiểu lịch sử của tác phẩm; nghiên cứu mô tả: tìm hiểu và phân tích các giá trị của tác phẩm; nghiên cứu đánh giá tác phẩm thông qua lịch sử nghiên cứu tác phẩm. 5. Những đóng góp của đề tài Đề tài “Tìm hiểu truyện kể Genji của Murasaki Shikibu” được các nhà văn, dịch giả nghiên cứu một cách tổng hợp. Và ở trường Đại học Lạc Hồng- tôi là người đầu tiên nghiên cứu về tác phẩm này với mong muốn thỏa mãn sự say mê truyện của tôi, mặt khác nó giúp các bạn đang học về Đông phương học chuyên ngành Nhật Bản muốn am hiểu về tác phẩm này- là tài liệu nghiên cứu trước góp phần cho các tài liệu nghiên cứu sau của các bạn sinh viên cùng ngành muốn nghiên cứu về mảng văn học để tham khảo và phát triển nó hơn. Đồng thời thông qua đề tài tôi muốn chia sẻ cho các bạn đang học cùng ngành rằng: Đông phương học không chỉ là học về ngôn ngữ mà còn học về lịch sử, văn hóa, văn học…Nó như thể là một đất nước thứ hai của chúng ta vậy. Và đây là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa người học tiếng Nhật và người học Đông phương học chuyên ngành Nhật Bản. Khi bạn học về chuyên ngành Nhật Bản thì ngoài học ngôn ngữ bạn còn được am hiểu các lĩnh vực khác nữa, mà khi làm việc cùng với người Nhật 4 nó sẽ giúp bạn thành công bởi sự khéo léo, tinh tế và hiểu biết về những nét văn hóa độc đáo, rồi thì những món ăn màu sắc theo thuyết ngũ hành, một đất nước mà ý thức về thời gian về tập thể trở thành nguyên tắc xác nhận uy tín của bản thân, một xứ sở văn học diệu kì của những bài thơ ngắn đến bất ngờ như thơ Haiku và cuốn tiểu thuyết trường thiên dài cũng bất ngờ như Truyện kể Genji. 6. Cấu trúc của đề tài: Chia thành 4 chương Chương I: Thời đại Heian và sự ra đời của tiểu thuyết truyện kể Genji Chương II: Nhân vật Genji và những nhân vật trong Uji thập thiếp Chương III: Niềm bi cảm của tác phẩm Chương IV: Nghệ thuật tự sự 5 B. NỘI DUNG CHÍNH CHƯƠNG I THỜI ĐẠI HEIAN VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA TIỂU THUYẾT TRUYỆN KỂ GENJI 1.1 Thời đại Heian (794 – 1192) 1.1.1 Lịch sử và xã hội Năm 794, Thiên Hoàng Kanmu tuyên chiếu dời đô đến kinh Heian (thuộc thành phố Kyouto ngày nay) đánh dấu một thời đại mới trong lịch sử Nhật Bản. Tính cho đến thời điểm thành lập Kamakura Bakufu kéo dài trong khoảng 390 năm. Kinh Heian được đặt ở Kyouto và được gọi là thời đại Heian vì nó là trung tâm chính trị duy nhất cho đến khi thành lập Kamakura Bakufu. Năm 1016 quyền lực của dòng họ Fujiwara lên đến đỉnh cao với Fujiwara Michinaga nắm thực quyền trong 22 năm với tư cách là Quan bạch (Tể tướng) và được duy trì trong suốt 30 năm tiếp theo. Năm 1068 quyền lực của dòng họ Fujiwara chấm dứt khi Thiên hoàng mới lên ngôi Go-Sanjo kiên quyết nắm quyền cai trị đất nước. Năm 1086 Go-Sanjo thoái vị nhưng vẫn nắm quyền từ trong hậu trường. Hình thức chính phủ mới này được gọi là chính phủ Insei. Các Thiên hoàng Insei nắm quyền lực chính trị từ năm 1086 đến năm 1156 khi Taira Kiyomori trở thành nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản. Sau khi quyền lực của dòng họ Fujiwara được xác lập, nhà nước cổ đại Nhật Bản có nhiều thay đổi lớn ở cả trung ương và địa phương. Lúc này tình hình Trung Quốc cũng có nhiều biến động. Quan hệ ngoại giao chính thức giữa nhà nước Vương triều với các nước lân bang không mấy phát triển, nhưng quan hệ buôn bán thông qua các thương thuyền tư nhân lại rất phát đạt. Nhật Bản nhập vào gấm vóc, hương liệu, đồ gốm sứ và xuất đi thủy ngân, quạt, kiếm… Trang viên ở Nhật Bản không chỉ là những đơn vị kinh tế tự cấp, tự túc mà thực chất còn là khu vực hành chính mà nhà nước không thể kiểm soát được, đồng thời cũng là những căn cứ có lực lượng vũ trang riêng của bọn lãnh chúa. Hạt nhân của các lực lượng vũ trang đó là các võ sĩ, hay nói đúng hơn là “Samurai”. Lực lượng vũ trang của các trang viên cũng bao gồm một bộ phận 6 nông dân lớp trên tương đối có thế lực về kinh tế và có ảnh hưởng về mặt xã hội. Dần dần trong xã hội, hình thành một mối quan hệ mới giữa các chủ trang viên và các võ sĩ. Các võ sĩ phải thành thật với chủ mình và bảo vệ chủ mà không tiếc tính mạng. Chủ có nhiệm vụ phải cung cấp lương thực, quần áo và nhà ở cho các võ sĩ. Như vậy là trong các lực lượng vũ trang ở các trang viên đã xuất hiện một tầng lớp mới: tầng lớp võ sĩ chuyên nghiệp. Tầng lớp võ sĩ này được huấn luyện đặc biệt về võ nghệ, kĩ thuật chiến đấu, về “lòng trung thành”, sự “tận tâm”, “tính chất phác”, ý thức “trọng danh dự’, “lòng dũng cảm” vì lợi ích của lãnh chúa. Đó là đạo đức của võ sĩ, hay gọi là “võ sĩ đạo”. Tầng lớp Samurai này về sau đã có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội Nhật Bản.[2] Thế kỉ X và XI, những cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra ở nhiều nơi. Ở miền Trung, nghĩa quân hoạt động mạnh, tấn công vào kinh đô, đập phá và đốt các cơ quan nhà nước, dinh cơ của bọn quý tộc, xông vào phá phách nhà tù, giải thoát tù nhân. Triều đình không đàn áp nổi, phải cầu viện bọn lãnh chúa lớn và các lực lượng vũ trang của nhà chùa. Chính trong hoàn cảnh đó, thế lực của tầng lớp Samurai ngày càng lớn mạnh. Vào đầu thế kỉ XII, các chủ trang viên ở phía Đông và phía Bắc đã tập hợp xung quanh một dòng họ Samurai có thế lực và có ảnh hưởng nhất là dòng họ Minamoto, mà đứng đầu là Minamoto no yoritomo. Các trang viên ở miền Tây Nam không có lực lượng vũ trang mạnh như ở miền Bắc và Đông Bắc, ở đây dòng họ Taira là dòng họ Samurai có thế lực nhất. Vào giữa thế kỉ XII, dòng họ này có đến hơn 600 trang viên. Thế kỷ XII hai dòng họ quân sự có nguồn gốc quý tộc nắm giữ nhiều quyền lực: Minamoto (hay Genji) và Taira (hay Heike). Họ Taira thay thế các quý tộc Fujiwara ở nhiều chức vụ quan trọng, còn họ Minamoto có được kinh nghiệm quân sự nhờ mang các phần phía bắc Honshu vào sự kiểm soát của Nhật Bản trong cuộc chiến 9 năm đầu (1050 - 1059) và cuộc chiến 3 năm sau (1083 – 1087).[7] Năm 1159 cuộc nổi dậy Heiji, cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai dòng họ, Taira Kiyomori trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản từ năm 1168 đến năm 1178. Ông không chỉ phải đương đầu với họ Minamoto, mà còn với các tăng lữ Phật giáo. Từ năm 1167, Taira Kiyomori (1118 – 1181) trở thành kẻ độc tài và tự 7 phong cho mình làm Daijo Daijin – chức vụ cao nhất và nắm mọi quyền bính trong triều. Từ đó họ Fujiwara vẫn tiếp tục được giữ chức quan bạch, nhưng chỉ làm vậy thôi. Trong khi đó họ Taira tìm cách phát triển thế lực của mình như kết thông gia với Fujiwara để lấy ruộng đất và bòn rút của cải của dòng họ này, cử bọn võ sĩ thân tín của mình về làm địa đầu để quản lý trang viên của các lãnh chúa nhằm khống chế thế lực của họ. Thế là họ Taira đã gây nên mâu thuẫn với viện chính, với họ Fujiwara, họ Minamoto, với cả nhà chùa và tầng lớp võ sĩ ở các địa phương. Sự xung đột giữa hai họ Minamoto và Taira là điều không tránh khỏi. Năm 1181, nhân cuộc tranh chấp trong triều về người kế tục ngôi Thiên hoàng, cuộc nội chiến của hai dòng họ này đã nổ ra. Kết quả là đến năm 1185, họ Taira đã hoàn toàn bị đánh bại. Từ đó mọi quyền hành dần dần chuyển sang tay Minamoto no yoritomo. Về mặt xã hội, đời sống quý tộc cũng có nhiều thay đổi, sang trọng hơn nhiều. Nhà cửa cao sang, tráng lệ, có vườn ao thoáng rộng, chung quanh có tường bao bọc, áo quần nhiều màu sặc sỡ, dài rộng. Có nhiều kiểu áo quần khác nhau cho từng lứa tuổi, các tầng lớp, đẳng cấp, cho ăn mặc ngày thường và ngày lễ. Lúc bấy giờ có một dòng Phật giáo gọi là Jioda kiso, được truyền bá trong quý tộc và bình dân, kêu gọi ai tin theo Phật adiđa, khi chết sẽ lên cõi cực lạc. Đời sống nhân dân cũng khá phong phú, được thể hiện trong các lễ hội dân gian. Phật giáo đã ảnh hưởng lớn trong đời sống xã hội. Người ta cầu tụng để mau có đời sống tốt đẹp ở kiếp sau. Tuy chịu ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc, song Nhật Bản đã xây dựng một nền văn hóa độc lập, truyền thống độc đáo của mình. Đây là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc. 1.1.2 Tôn giáo và phong tục Sự suy thoái của các tông phái Phật giáo thời Nara đã dẫn đến phong trào tân hưng trong chính phật giáo. Tuy các tông phái cũ vẫn còn tồn tại nhưng hầu như đều khuất chìm dưới những làn sóng mới đầu thế kỉ IX là Shingon (Chân Ngôn) và Tendai (Thiên Thai). Hai tông phái này do các nhà sư Nhật từ Trung Quốc trở về truyền bá. 8 Đầu thời Heian, các tông phái Phật giáo mới được sự bảo hộ của triều đình đã phát triển nhanh chóng và bắt đầu lan rộng ở Nhật Bản trong suốt thời kì Heian, chủ yếu qua hai giáo phái lớn là Thiên thai tông và Chân ngôn tông. Thiên thai tông (Tendai) do Đại sư Saicho thành lập về nước năm 805 - có nguồn gốc từ Trung Quốc, dựa trên Diệu pháp liên hoa kinh, một trong những kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Là một tông phái Phật giáo muốn kết hợp mọi phương diện của giáo lí đạo Phật dành cho dân gian. Đọc tụng kinh Pháp Hoa, không phân biệt nam nữ, đề cao nghệ thuật. Chân ngôn tông (Shingon) lại là một giáo phái bản địa sáng lập bởi đại sư Kukai (hay Kobo) về nước năm 806. Chân Ngôn tông thuộc Mật giáo, nên còn gọi là Chân Ngôn Mật Giáo. Tính chất huyền bí và khuynh hướng thẩm mĩ của Chân Ngôn tông ảnh hưởng rất lớn đối với thời Heian. Là một giáo phái có quan hệ gần gũi với Ấn Độ Giáo, Phật Giáo Tây Tạng nguyên căn cũng như tư duy của Phật giáo Trung Hoa. Kukai tạo được một ảnh hưởng mạnh mẽ với người kế nhiệm Nhật hoàng Kanmu cũng như các thế hệ người Nhật Bản không chỉ bởi tính linh thiêng, mà còn bởi nghệ thuật viết chữ, khả năng thi ca, hội họa, điêu khắc của ông. So với phái Thiên thai, học thuyết của phái Chân ngôn đơn giản, phù hợp với đông đảo quần chúng, thái độ của các giáo phái ở thời Nara cũng mang tính thỏa hiệp hơn nên tông phái này nhanh chóng được chấp nhận và trở nên tông phái có thế lực thời Heian. Lúc này ở Nhật Bản, quá trình dung hợp giữa Phật giáo và Thần đạo từ cuối thời Nara càng diễn ra mạnh mẽ. Đức Phật và các vị Bồ Tát được coi là hiện thân của các vị thần. Năm 1191 Phật giáo Rinzai Zen (Thiền tông) được truyền vào Nhật Bản bởi nhà sư Eisai ở Kamakura và được tầng lớp samurai, tầng lớp thống trị trong xã hội Nhật Bản đón nhận. Về mặt phong tục ở thời Heian, khi các bé trai chưa làm lễ trưởng thành thì thường để tóc dài và buộc lên và khi đến tuổi trưởng thành thì phải cắt tóc đi để làm lễ và đội mũ lông chim. Trang phục ưa chuộng của giới quý tộc lúc bấy giờ là Junihitoe và một thứ đồ phụ tùng quan trọng của Junihitoe là chiếc quạt được làm rất tinh vi, có thể 9 được nối với bộ áo bởi một sợi dây khi gập lại. Những cô gái Nhật sử dụng chiếc quạt không chỉ mang lại cho họ vẻ trầm tĩnh hay những lúc trời nóng mà nó còn rất quan trọng trong giao tiếp. Từ khi người phụ nữ không được phép nói chuyện trực tiếp với một người đàn ông lạ, cô gái ấy có thể kéo ống tay áo của mình lên hoặc sử dụng chiếc quạt mở để che đậy bản thân trước những ánh mắt tò mò. Sự giao tiếp với người cầu hôn tuân theo khoảng cách thông thường sau Sundare (bức màn che) trong mọi trường hợp. Người cầu hôn chỉ có thể nhìn thấy ống tay áo Junihitoe của cô gái ẩn kín đáo sau tấm màn che. Thông lệ này rất nổi bật trong suốt thời Heian. 1.1.3 Sự phát triển của văn học Ở Nhật bản có ba loại chữ được sử dụng. Những chữ này lần lượt được gọi là Hiragana, Katakana, và Hán tự. Hán tự được mang đến từ vương triều Trung Quốc thời cổ đại cùng với kỹ thuật trồng lúa. Những người thuộc tầng lớp thượng lưu đã sử dụng chữ viết để ngoại giao, ghi chép, và học văn học của đất nước khác. Và chỉ có nam giới mới có thể đọc được. Hán tự được lưu truyền từ Trung Quốc nhưng không phải toàn bộ Hán tự được người Nhật sử dụng là đến từ Trung Quốc. Một phần của Hán tự đã được người Nhật sáng tạo ra. Chữ Hiragana và Katakana là được tạo ra từ thời Heian. Vì Hiragana là kiểu chữ được đơn giản hóa từ Hán tự nên rất được phụ nữ ưa chuộng để viết nhật kí , kể chuyện. Katakana là kiểu chữ đơn giản hóa hơn Hán tự, nó được tạo ra để các tăng ni đọc và dịch sách kinh đến từ Trung Quốc. Từ thế kỉ X, chữ Katakana khá phổ biến. Nhờ đó, văn học chữ viết Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Người ta đã sáng tác nhiều loại bài thơ ngắn (waka) và những loại tiểu thuyết dài. Một nền văn học (thơ, văn) bằng chữ Kana được hình thành, phát triển phong phú. Vào thế kỉ X – XII, văn hóa Nhật bản có những bước phát triển đáng kể. Tiếp tục kế thừa văn hóa truyền thống dân tộc, Nhật Bản hấp thụ nền văn hóa Trung Quốc. Hình thành và phát triển nền văn hóa của giai cấp thống trị, được gọi là “văn hóa cung đình”, song cũng mang tính chất dân tộc Nhật Bản, tính chất của “văn hóa bản địa”. Trong nền văn hóa này có một điểm đáng lưu ý là vai trò của phụ nữ. Về văn học có khá nhiều phụ nữ tài năng. Nhiều nữ văn sĩ, thi sĩ 10 sử dụng hệ thống chữ cái mới gọi là “katakana” cho phép thể hiện tâm tư, tình cảm của mình. Chữ viết “katakana” cho phép diễn tả niềm cảm hứng của nhà văn, nhà thơ một cách tự do, khoáng đạt hơn cách dùng chữ Hán cổ điển (chữ Kanbun). Vì vậy những tác phẩm văn học quốc ngữ tiêu biểu của Nhật Bản lúc bấy giờ đều của phụ nữ. Nói tóm lại, Văn học thời Heian được đánh dấu bằng ba hiện tượng : Sự phát triển của văn tự Kana, sự nở rộ của văn chương nữ lưu và sự phong phú của thể loại. Thời đại Heian chứng kiến sự thành công vang dội của các nhà văn, nhà thơ nữ, phần lớn trong họ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu cung đình. Sáng tác của họ thường là những ghi chép lại cuộc sống, kinh nghiệm của mình và nhất là những trải nghiệm trong chốn phồn hoa nơi đô hội. Dưới ngòi bút của nữ giới, sự nở rộ của các thể loại văn học quan trọng như nhật ký (nikki), tùy bút (zuihitsu) và tiểu thuyết (monogatari), tạo ra một nền văn học Heian trữ tình ngọt ngào nữ tính. Sự xuất hiện của nhiều thể loại đã đem đến một màu sắc mới mẻ, hiện đại. Về thơ ca, đầu thời Heian nảy sinh một thể loại mới gọi là Imayo-uta (Kim dạng ca), mỗi bài thường có bốn câu. Thơ tanka trở nên thịnh hành. Monogatari (thuộc loại văn tự sự, có thể dịch là “truyện”, kể cả truyện ngắn, truyện dài, truyền kì và tiểu thuyết...), Uta monogatari (truyện nửa văn xuôi nửa thơ), Truyện thần kì, truyền thuyết...Tùy bút với kiệt tác “Sách gối đầu”. Nhưng nhật kí (nikki) có lẽ là thể loại độc đáo hơn cả với những nhật kí nổi tiếng như Phù du Nhật kí, Nhật kí Murasaki...[5] 1.2 Tác phẩm Truyện kể Genji 1.2.1 Tác giả Murasaki Shikibu Muasaki Shikibu sinh năm 973 nhưng năm sinh này đến nay vẫn chưa được xác thực. Bà thuộc họ Fujiwara ở phía bắc, cha bà là Fujiwara Tametoki. Gia đình bà thuộc tầng lớp quý tộc trung lưu, cha bà đã từng giữ chức tỉnh trưởng echizen và echigo. Mẹ bà là con gái của Fujiwara Tameshin và dường như mẹ bà mất khi bà còn nhỏ. Bà có người anh em tên là Fujiwara Suiki (Năm sinh của 11 người này cũng ko biết rõ và cho đến nay vẫn chưa ai xác định được người đó là anh trai hay là em trai của bà ), ngoài ra thì bà có thể cũng có một em gái. Có nhiều câu chuyện nói về tài năng của bà khi còn nhỏ như việc bà đọc và nắm vững được Hán văn (thơ văn cổ của Trung Quốc) bằng tài năng được cho là quá sức đối với phụ nữ lúc bấy giờ. Thông thuyết mà bà đã viết như tác phẩm lớn “Truyện kể Genji” với 54 chương và “nhật ký Murasaki Shikibu”- nhật kí về cuộc sống phụng sự trong cung đình; Ca tập “Tuyển tập Murasaki Shikibu“ đã được lưu truyền. Sau 10 năm kết quả khoảng thời gian ông phụng sự thơ với thiên hoàng Ichijou thì ông đến nhậm chức ở echizen. Murasaki Shikibu đã theo cha đến nơi nhậm chức và sống ở đó khoảng 2 năm. Bà lấy chồng năm 27 tuổi, chồng bà – ông Fujiwara Nobutaka hơn bà 20 tuổi. Nobutaka chồng bà là một người đàn ông mạnh mẽ, đa tình. Năm 28 tuổi bà sinh một bé gái tên là Satoko nhưng cuộc sống hôn nhân chỉ vỏn vẹn 3 năm thì chồng bà mất. Sau khi chồng mất thì bà được triệu vào cung để phụng sự Akiko- con gái của Fujiwara Michinaga (966-1027)- người có quyền lực tối cao lúc bấy giờ. Chịu sự giáo dục chu đáo, tỉ mỉ của một phụ nữ trẻ cùng tầng lớp trong cung, và mặc dầu có một trí tuệ khác thường, Murasaki Shikibu đã phải tiếp thu một cách chậm chạp nhưng chắc chắn tất cả những kiến thức văn hóa rộng lớn đương thời mà người thiếu phụ này truyền cho, từ lịch sử Trung Hoa, thơ ca trữ tình Trung Hoa và Nhật Bản cho đến các trước tác triết học Khổng giáo và Phật giáo. Về truyện hư cấu bằng văn xuôi, bà cũng chỉ biết không nhiều hơn là những trước tác buổi đầu của chính người Nhật Bản vào thế kỷ 10 và ngay cả văn xuôi trong văn học Trung Hoa đương thời, vốn không phải là loại hình được người Trung Hoa ca ngợi hay thành thạo vào thời đó. Trong “Nhật ký Murasaki Shikibu” có nhắc đến sự ra đời của con trai hoàng hậu và sau này đều trở thành vua. Nó được viết để dâng tặng với lời chúc tới hoàng hậu Akiko đã sinh hạ hoàng thân Atsumari cho thiên hoàng Ichijou. Sau khi viết xong Truyện kể Genji thì phần lớn những tin tức về Murasaki không còn lưu lại, nhưng Satoko con gái duy nhất của bà sau này trở thành vú 12 nuôi của thiên hoàng Reisen, và đã từng phục vụ quan cao cấp trong triều đình. Cuối cùng thì được thăng cấp đến thứ hạng thứ 3 trong tầng lớp thượng lưu. Dấu tích của dinh thự nơi mà Murasaki Shikibu được sinh ra và lớn lên hiện nay cũng còn lưu lại ở Kyouto. Phần mộ mà Murasaki Shikibu được chôn cất ở Murasakino thuộc khu vực phía bắc thành phố Kyouto. Người ta lưu truyền rằng trước khi bà mất thì bà sống ở trên đường Horikawa và chết trong đau buồn. Về năm mất của bà cũng không ai biết rõ, người ta nói có thể bà mất năm thứ 3 Nagawa (1014) hoặc là năm thứ 3 Kannin (1019) và bà hưởng thọ ở 42 tuổi hoặc 43 tuổi. Murasaki Shikibu viết Truyện kể Genji trong thời gian lui về sống trong đền Ishiyama bên hồ Biwa, với cảm hứng của những đêm trăng huyền ảo lung linh dưới đáy hồ. Vẻ đẹp đầy tính chất huyền thoại và đậm màu sắc hội họa đó đã in dấu trong nhiều phần của tác phẩm. 1.2.2 Tóm tắt nội dung tác phẩm Nội dung Truyện kể Genji là kể về việc phục hồi vương quyền của hoàng tử (Hikaru Genji) đã bị mất quyền kế nhiệm hoàng vị mặc dù chàng là con của vua nhưng lại bị rớt chức xuống làm hạ thần với biệt hiệu là Genji. Truyện lấy bối cảnh thời đại sa hoa của quý tộc vương triều lúc bấy giờ (thời đại Heian). Cấu trúc của truyện gồm tất cả 54 chương và được chia thành 2 phần lớn. Phần 1: từ chương Kiritsubo (chương 1) đến chương Ảo tưởng (chương 41): Phần này kể về cuộc đời của nhân vật chính Genji từ khi sinh ra cho đến khi phục hồi quyền lực với chức vụ Chuẩn thái thượng thiên hoàng, chàng đã trải qua bao nhiêu thăng trầm xuất phát từ những mối quan hệ chủ yếu xoay quanh phụ nữ. Phần 2: từ chương 41 Hoàng tử ướp hương đến chương 54 Chiếc cầu mộng mơ: Phần này kể về đời con cháu của Hikaru Genji chủ yếu là Kaoru và xung đột tình yêu với Niou về ba chị em gái ở vùng Uji. Truyện bắt đầu từ sự sủng ái của hoàng đế Kiritsubo với một cung phi xinh đẹp - nàng Kiritsubo koui, một phụ nữ không xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Kết quả của tình yêu giữa nàng với hoàng đế là đứa con trai được đặt tên Genji. Hikaru Genji là hoàng tử thứ hai của vua Kiritsubo và mẹ là Kiritsubo Koi. Từ 13 thưở ấu thơ chàng đã được biệt danh là Hikaru no Kimi bởi chàng có một khuôn mặt đẹp và tài năng sáng chói do trời ban. Mẹ chàng mất khi chàng 3 tuổi. Mối tình đầu của chàng cũng xuất phát từ người phụ nữ có hình ảnh giống mẹ đó là người dì Fujitsubo (vợ kế của vua cha), và các cuộc tình tiếp theo của chàng cũng xuất phát từ hình ảnh liên tưởng đó cho đến hết cuộc đời chàng. Vua cha Kiritsubo muốn đưa chàng lên ngôi vị Hoàng thái tử Đông cung nhưng lại sợ chàng gặp nguy hiểm vì không có sự đỡ đầu của dòng họ ngoại, thêm vào đó là sự tiên đoán của một pháp sư người Cao ly: Nếu Hikaru Kimi lên ngôi vua thì đất nước sẽ loạn, và để bảo vệ chàng vua cha đã giáng chức chàng xuống làm một người bình thường và lấy họ là Genji. Khi Genji 12 tuổi, theo lệnh của triều đình, chàng làm lễ trưởng thành và lấy cô gái con tể tướng tên là Aoi, hơn chàng 4 tuổi làm vợ. Nhưng cũng từ đây cuộc đời của chàng là hành trình không mệt mỏi trong nhu cầu “hầu hạ” những người đàn bà mang lại cho chàng khoái cảm và bỏ rơi vợ. Xúc cảm tình yêu đầu tiên của chàng lại chính là người mẹ kế Fujitsubo, người thiếp của vua cha. Nàng rất trẻ và xinh đẹp nhưng với Genji đó là một người không thể với tới. Sau đó chàng tình cờ làm quen nàng Utsusemi, vợ của một viên quan cấp tỉnh. Nhưng mọi nỗ lực của Genji đều bị tan vỡ trước sự cứng rắn và khéo léo của Utsusemi. Genji đã từng lẻn đến giường Utsusemi nhưng nàng chạy thoát và để con gái của chồng mình là Nokiba no ogi thay thế. Trong năm này Genji cũng đã trải qua cú sốc đầu tiên trong đời do chuyện tình ái. Chàng yêu Yuugao, người tình của người bạn tên là Chuujo, và tận hưởng mối tình tại một căn nhà nhỏ nghèo nàn bên rìa thành phố. Tại đây, Rokujo, một cung phi 27 tuổi chàng đã bỏ rơi, thể hiện lòng ghen tuông dữ dội, dẫn tới cái chết của nàng Yuugao. Genji cũng suy sụp tinh thần nặng nề. Trong cố gắng thoát khỏi bùa mê của Rokujo, chàng gặp một pháp sư nổi tiếng trên đất Trung Quốc và tại đây chàng tìm thấy một người con gái sau này đã trở thành tình yêu lâu bền và sâu sắc nhất cuộc đời chàng: cô bé Murasaki, tuy mới 10 tuổi, nhưng có một nhan sắc tuyệt mĩ và giống Fujitsubo như đúc, làm sống dậy trong lòng chàng mối tình vụng trộm đầu tiên với Fujitsubo. Khi trở về thủ đô cùng Murasaki, chàng đã quay lại với Fujitsubo khi biết nàng không còn ở bên quốc 14 vương, phụ thân của chàng nữa. Mối tình vụng trộm để lại hậu quả: Fujitsubo sinh một đứa con giống hệt Genji. Sau này đứa con trai đó lên ngôi với cái tên Reisen. Suốt những năm sau, Genji tiếp tục quan hệ với nhiều phụ nữ khác nhau và họ đều được hưởng thiện cảm lớn lao và ít nhiều bền lâu của chàng. Đó là Suetsumu hana - cô gái hay ngượng ngùng và khiêm nhường, có chút yếu điểm về ngoại hình; Naishi - người đàn bà quý phái đã cao tuổi có cặp lông mày trắng thôi miên người khác phái; Hana chiru sato - một phụ nữ trầm tính, thiếu say đắm nhưng lại dễ chịu như một người bạn gái v.v. Khi Genji ngoài 20 tuổi, vua cha thoái vị nhường ngôi cho người con cả và Genji trở thành thái tử. Tại buổi lễ tấn phong công chúa San no miya làm tư tế một ngôi đền Thần đạo, tác giả mô tả cho chúng ta thấy sự xung đột giữa hai địch thủ: người vợ được luật pháp thừa nhận của Genji là nàng Aoi tuyệt sắc với người tình cũ Rokujo. Kết quả của cuộc đánh ghen ấy là sự đày đọa của dòng họ khiến Aoi phải đi đến cái chết, để lại đứa con trai của nàng với Genji tên là Yugiri. Genji cuối cùng đã đoán ra rằng Rokujo si tình là nguyên nhân cái chết bi thảm của cả Yugao và Aoi nên ra mặt lạnh nhạt. Rokujo cũng đoạn tuyệt với Genji để trở về tỉnh Ise, đồng thời gửi gắm con gái Akikonomu cho Genji chăm sóc. Akikonomu sau này đã trở thành nữ hoàng đệ nhị. Một thời gian ngắn sau khi Aoi chết, Genji đã chia sẻ tình cảm với Murasaki, vào lúc chàng 22 tuổi và Murasaki mới 15 tuổi. Tuy nhiên, dù rất yêu Murasaki, Genji cũng không thể lấy nàng vì nàng không thuộc tầng lớp đại quý tộc. Murasaki trở thành người vợ không chính thức, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến chàng trong suốt những năm tháng về sau. Vua cha từ trần, Genji lâm vào hoàn cảnh khó khăn do triều đình rơi vào tay dòng họ thù địch của mẫu thân tân quốc vương - thái hậu Kokiden. Trong những năm tháng ấy Genji đã làm quen với nàng Oborozukiyo của dòng họ này, nhưng do những người thân của nàng luôn muốn nàng được đương kim quốc vương sủng ái nên đã đày Genji ra Suma. Genji bị lưu đày ở đây từ năm 26 đến năm 27 tuổi và cũng trong thời gian này, Akashi - con gái một vị ẩn sĩ, trở thành người tình của chàng. 15 Trong thời gian lưu đày, tại hoàng cung nhiều biến cố nghiêm trọng xảy ra dẫn tới cái chết của người đứng đầu dòng họ thù địch và mọi người giải thích do bắt Genji đi đày nên các thần linh trừng phạt. Genji lại được hồi cung trong trang trọng và danh dự. Hoàng đế Suzaku thoái vị nhường ngôi cho Reisen, người được cho là con trai của Genji. Từ đây Genji bắt đầu có vị trí và quyền lực quan trọng trong giới quý tộc. Cũng trong những năm này, Akashi sinh con gái đặt tên là Akashi hana, sau đó nàng trao con cho Genji nuôi dưỡng vì tương lai của con nàng. Năm Genji 40 tuổi thì chàng được phong chức Chuẩn thái thượng thiên hoàng. Genji xây cho mình một cung điện mới tráng lệ ở kinh đô, đặt tên là Rokujoin và đưa tất cả những người phụ nữ thân thiết của chàng đến vui vầy. Trong những năm này có lúc chàng còn ngẫu nhiên gặp lại tình yêu thời trẻ, nàng Utsusemi, trong một chuyến du ngoạn và họ trao cho nhau những bài thơ tashi. Nàng Utsusemi sau đó cắt tóc đi tu và rời khỏi thế giới trần tục. Vua thoái vị anh trai Suzaku của Genji vì con đường tu hành nên ông đã thăm dò Genji để gửi gắm con gái mình vì trong chính thất của Genji không có một người vợ nào tương xứng với địa vị cao quý của Genji lúc này. Và người vợ cuối cùng của Genji là công chúa Onnasan Nhưng số phận bắt đầu rình rập chàng, những năm tháng cuối đời của chàng trôi qua trong sầu muộn, hạnh phúc lung lay, những tai họa ập đến nối tiếp nhau với những biến cố sau. Đầu tiên là sự xuất hiện của cô gái Tamakazura, nàng là con gái của người tình cũa Yuugao (đã chết trong vòng tay Genji vì sự ghen tuông của Rokujo) với bạn Genji là chàng Chuujou. Tamakazura là một cô gái cực kỳ sâu sắc và quyến rũ khiến Genji rất có cảm tình và Genji vô cùng sầu não khi vây quanh nàng luôn có những chàng trai kiệt xuất rình rập. Sự kiện thứ hai là sự phản bội của người vợ cuối cùng – nàng Sannomiya (công chúa ba). Nàng là một cô gái trẻ ngây thơ và thùy mị. Tuy bề ngoài vẫn ngoan ngoãn với Genji chồng nàng, nhưng trái tim của nàng lại thuộc về một người trai trẻ quý tộc là Kashiwagi con của Tou no chuujou, bạn thân và cũng là tình địch trong tình yêu của Genji. Công chúa ba và Kashiwagi đã thực sự hưởng trọn vẹn hạnh phúc ngay trong chính ngôi nhà của Gennji trong lúc chàng không để tâm đến vì 16 Murasaki đang lâm trọng bệnh và nàng cũng qua đời trong thời gian này Murasaki ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến nàng (đặc biệt là Yugiri- chàng cũng đã yêu thầm nàng). Cùng với cái chết của người vợ mà Genji cho là lý tưởng thì sự báo ứng cho mối tình vụng trộm của chàng trước đây với hoàng hậu Fujitsubo là con trai trên danh nghĩa Kaoru (kết quả mối tình vụng trộm của công chúa ba và người tình Kashiwagi). Nhân vật Kaoru cuối cùng bổ sung cho cuốn tiểu thuyết đã đẩy số phận Genji đến sự định đoạt có tính nhân quả: gieo gió ắt gặp bão, nghiệp chướng đã nói lời của mình. Phần hai tác phẩm mở đầu bằng câu: “Genji đã chết, và không ai có thể thay thế được chàng”, nhưng tác phẩm vẫn tiếp tục bám theo số phận các nhân vật còn sống, tập trung vào mối quan hệ tay ba giữa Kaoru, hoàng tử Niou cháu trai Genji và cô gái xinh đẹp Ukifune. Hoàng thân Hachi em trai của Genji có hai cô con gái, Ookimi và Nakanokimi. Sau khi cung điện bị cháy, Hachi phải đưa gia đình chuyển về trang trại Uji sống. Hoàng tử Kaoru – trên danh nghĩa là con trai của Genji và công chúa Ba (nhưng là con trai của người tình Kashiwagi và công chúa Ba) đến Uji theo học kinh phật với Hoàng thân Hachi. Mấy năm sau Hoàng thân mất, Nioucháu ngoại Genji mới 14 tuổi, say mê cô em Nakanokimi và nhờ Kaoru làm mối. Còn Kaoru lại muốn cưới cô chị Ookimi, nhưng Ookimi lại muốn Kaoru cưới em gái nàng nên đã tìm cách đẩy chàng đến giường của cô em. Sau khi ước nguyện không thành thì Ookimi lâm trọng bệnh chết. Nakanokimi trở thành vợ của Niou. Có một cô gái giống Ookimi đến tìm gặp Nakanokimi. Nàng là đứa con hoang của hoàng thân Hachi tên là Ukifune, đang được quan tổng trấn ở Hitachi nuôi dưỡng. Khi Ukifune ghé lại Uji trong chuyến đi viếng mộ cha, nàng đã gặp Kaoru, Kaoru ngỡ tưởng Ookimi tái thế, do hai nàng giống nhau như đúc và đều xinh đẹp, tài hoa. Để tránh hoàn cảnh khó chịu ở nhà cha nuôi, Ukifune phải tìm đến chỗ Nakanokimi trú tạm và tại đây nàng lại gặp Niou. Với sự giúp đỡ của Kaoru, mẹ Ukifune thu xếp cho nàng về Uji. Kaoru đã có những ngày gần gũi bên Ukifune khi dạy nàng học đàn. Thật trớ trêu khi cả Kaoru và Niou đều yêu mê mệt Ukifune, còn Ukifune ban đầu yêu Kaoru, nhưng sau đó lại bị cuốn vào mối tình cháy rực của chàng trai trẻ Niou. Cuối cùng, hầu
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan