Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC...

Tài liệu TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC

.PDF
53
259
144

Mô tả:

TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC
ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VĂN THỊ PHƯƠNG TRANG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 62 22 01 21 HUẾ, 8/ 2016 Công trình được hoàn thành tại …………………………… Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Hồ Thế Hà Phản biện 1:............................................................................ Phản biện 2:............................................................................ Phản biện 3:............................................................................ Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tại hội đồng chấm luận án Đại học Huế họp tại ……………………………………………………………………... Vào hồi…… giờ…………ngày………tháng……năm 201………. Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện…………………...................... MỞ ĐẦU (4 trang) 1. Lý do chọn đề tài Phân tâm học là ngành khoa học nghiên cứu tâm lý người, gắn với các phạm trù vô thức, dục tính và những xung đột tinh thần. Phân tâm học có liên hệ gần gũi với văn học khi cùng hướng vào đối tượng con người trong mối quan hệ đời sống, dẫn đến quá trình tâm lý phức tạp và bí ẩn. Từ phân tâm học, vấn đề văn học được phản ánh ở góc nhìn rất con người, với ẩn ức trong vô thức. Người đọc tìm trong văn học một cảm giác đồng điệu khi trái tim người nghệ sĩ thực sự chạm vào sâu thẳm tâm hồn. Giữa cõi mờ xa xăm, phân tâm học dẫn con người về với bản ngã trong khoảnh khắc vô thức và tưởng tượng. Tiếp cận mảng tiểu thuyết Việt Nam 10 năm đầu thế kỷ XXI, người đọc ngỡ ngàng trước sự nở rộ của nhiều nhà văn tìm tòi và trải nghiệm. Với hàng loạt vấn đề mới mẻ được đặt ra, việc chọn phân tâm học soi chiếu vào tác phẩm là phương pháp nghiên cứu cần thiết và thú vị, mở ra một đối thoại mới ở những miền nội tâm uẩn khúc - đặc biệt khi gắn liền với xung động sáng tạo tinh thần, góp một cái nhìn riêng vào việc tiếp cận quá trình vận động và phát triển của văn xuôi đương đại nước ta mà chủ yếu là tiểu thuyết trong xu thế đổi mới và hội nhập với nền văn học nhân loại. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án: từ học thuyết phân tâm học, nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI qua những hiện tượng văn học nổi bật như: các tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Bình Phương... Phạm vi nghiên cứu của luận án giới hạn ở biểu hiện của phân tâm học qua hai bình diện nội dung tư tưởng và phương thức nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI. 3. Cơ sở lý thuyết Học thuyết phân tâm học gồm nhiều vấn đề. Trong luận án này, chúng tôi chủ yếu sử dụng học thuyết của Freud (lý thuyết về tâm thần bộ, thuyết tính dục và mặc cảm), lý thuyết cổ mẫu của Jung, G. Bachelard làm cơ sở lý thuyết để triển khai những nội dung có liên quan với luận án. 1 4. Phương pháp nghiên cứu Để đáp ứng mục tiêu, nội dung luận án, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp phân loại - Phương pháp cấu trúc – hệ thống - Phương pháp so sánh - Phương pháp tiếp cận vấn đề từ lí thuyết phân tâm học 5. Đóng góp khoa học của đề tài Chúng tôi sẽ trình bày một cách hệ thống, ngắn gọn về lý thuyết phân tâm học ở những vấn đề cơ bản như thuyết tâm thần bộ, thuyết tính dục, phức cảm cũng như vấn đề cổ mẫu làm cơ sở để soi chiếu vào tiểu thuyết đương đại. Từ góc nhìn phân tâm học, luận án khảo sát, nghiên cứu về giá trị tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI trên hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Về nội dung, luận án đi sâu làm nổi bật về vấn đề các kiểu nhân vật qua lăng kính của phân tâm học. Về phương thức biểu hiện, luận án tìm hiểu các vấn đề về biểu tượng, thời gian - không gian nghệ thuật cũng như ngôn ngữ nhằm nổi bật giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó, luận án sẽ mang đến một cái nhìn mới về diện mạo tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI. 6. Cấu trúc luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết Luận, Tài liệu tham khảo, Nội dung của luận án gồm có 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2. Phân tâm học và sự ảnh hưởng của phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI Chương 3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học Chương 4. Phương thức biểu hiện của tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học 2 NỘI DUNG CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU (20 trang) 1.1. Các khuynh hướng phê bình văn học trên thế giới từ góc nhìn phân tâm học 1.1.1. Phê bình phân tâm học tiểu sử Freud là người đặt nền móng cho phân tâm học tiểu sử. Theo ông, có thể khám phá các yếu tố tâm lý của người nghệ sỹ như vô thức, dục năng và phức cảm Oedipe… để nghiên cứu tác phẩm văn học. Từ Freud, khuynh hướng phê bình phân tâm học tiểu sử với những tên tuổi như Charles Mauron, Jean Delay, René Laforgue... hướng người đọc tìm hiểu tâm lý, đời sống tinh thần, dữ liệu đời tư của nhà văn để hiểu quá trình sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ. 1.1.2. Phê bình phân tâm học văn bản Phê bình phân tâm học văn bản đề cao yếu tố nằm trong văn bản, chủ trương phân tích các biểu tượng, tìm sự trùng hợp lặp đi lặp lại để lý giải bằng lý thuyết phân tâm học. Những người có ảnh hưởng lớn đối với khuynh hướng phê bình này là Carl Gustav Jung với phê bình siêu mẫu, Bachelard với phân tâm học vật chất và J. Lacan với phân tâm học ngôn ngữ. Đây là phương pháp phê bình tạo điều kiện mở rộng sự liên tưởng, giúp nhà phê bình có thêm khả năng diễn giải văn bản. 1.1.3. Phê bình phân tâm học người đọc Lý luận văn học hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản văn học trong mối quan hệ với người đọc, đề cập đến vấn đề vô thức của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn học. Norman Holland là đại diện tiêu biểu của khuynh hướng này. Ông quan tâm đến liên chủ thể của sự hiểu văn bản, khi những người đọc khác nhau khám phá những nghĩa mới, và hướng tiếp cận mới. 1.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phân tâm học Phân tâm học dù đi vào Việt Nam từ rất sớm nhưng cả một thời gian dài không thể tìm được sự hoà nhập. Quá trình tiếp nhận lý thuyết phân tâm học vào nghiên cứu văn học Việt Nam quả là chặng đường 3 gian nan với những thăng trầm đứt nối. Giai đoạn văn học trước 1986, việc vận dụng lý thuyết phân tâm học chưa thực sự là một trào lưu phổ biến trong sáng tác và phê bình văn học. Bạn đọc cũng như giới phê bình cũng chưa có cái nhìn toàn diện và khách quan về phân tâm học, chủ yếu chỉ nhận thức phân tâm học như một học thuyết về tính dục. Sau năm 1986, với khuynh hướng đổi mới toàn diện và hội nhập, phân tâm học đã được vận dụng khá nhiều vào nghiên cứu văn học, chủ yếu là tham chiếu vào các tác phẩm đương đại từ vấn đề ẩn ức tính dục, phức cảm, cũng như lý thuyết cổ mẫu của Jung. Nhìn chung, từ sau năm 1986, vấn đề phân tâm học được vận dụng và soi chiếu tác phẩm văn học, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết ngày càng phong phú và đa góc nhìn. 1.2.1. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 2000 từ góc nhìn phân tâm học Từ sau năm 1975, về phương diện sáng tác, văn học đã có sự chuyển mình. Các cây bút tiểu thuyết đã mạnh dạn xé toang lớp màn quan niệm, nền nếp một thời để tìm về những điều rất thực, với một tinh thần dân chủ, và ít nhiều mang màu sắc phân tâm học. Các nhà phê bình cũng đã tìm thấy nét mới trong những sáng tác tiểu thuyết giai đoạn này. Hầu hết các nhà phê bình đều tập trung vào vấn đề hiện thực phản ánh của tiểu thuyết sau 1975. Đó là hiện thực đa chiều, đáng ngờ, vừa hữu lý, vừa phi lý, thuộc về cõi huyền ảo mơ hồ, chủ yếu là hiện thực bên trong con người. Vấn đề con người trong tiểu thuyết đương đại được xem như một sự khám phá, sự đổi mới về quan niệm nghệ thuật khi phản ánh ở nhiều tầng bậc, với các vấn đề về vô thức, tâm linh và cả đời sống bản năng. Hầu hết các bài viết đều nhận thấy nét mới trong các sáng tác thời kỳ này là sự nới rộng biên lề hiện thực, cách nhìn đa diện về con người. Đó là điểm chung trong cách nhìn nhận của các tác giả như Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Bích Thu … Vấn đề tính dục bắt đầu được đề cập trong tiểu thuyết thời kỳ này. Các nhà văn đã mạnh dạn hơn khi phơi bày những góc khuất bản năng lên trang viết với tất cả sự trăn trở, giàu ý nghĩa nhân sinh. Nói như tác giả Nguyễn Bích Thu, miêu tả những con người tự nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân bản của văn học. Tính dục trở thành một phương tiện nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết đương đại. Nhiều nhà nghiên cứu đã chạm đến 4 vùng sáng tác này như Võ Thị Hoa, Lê Thị Hường, Phạm Xuân Thạch…. Điểm qua tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 đến 2000 từ góc nhìn phân tâm học, có thể nhận thấy một điều, tuy chưa có một công trình nghiên cứu nào mang tính quy mô, nhưng hầu như những bài viết cũng đã đề cập được vấn đề trọng tâm của tiểu thuyết giai đoạn này. Giới phê bình đã bắt đầu quan tâm đến sự ảnh hưởng của phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2000. 1.2.2. Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học Sang đầu thế kỷ XXI, vấn đề về vô thức, tính dục... nếu chỉ mới manh nha ở giai đoạn trước thì sang thập niên đầu thế kỷ, đã được các nhà tiểu thuyết phát huy như một thế mạnh của mình. Giới phê bình lại một lần nữa có dịp nghiên cứu tìm kiếm nét mới, sự không trùng lặp của tác phẩm tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI. Vấn đề vô thức, tâm linh, tính dục trở thành yếu tố không thể không nói đến khi nhắc đến tiểu thuyết giai đoạn này. Các tác giả như Trần Thanh Hà, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Thành, Đào Tuấn Ảnh, Hoàng Cẩm Giang, Đỗ Ngọc Thạch, Bùi Việt Thắng... đã nhận thấy sức hấp dẫn của tác phẩm chính là sự ảnh hưởng thuyết phân tâm học của Freud, sức ảm ảnh về con người bản năng. Nhà văn đã mạnh dạn coi tính dục như ngả rẽ dẫn vào tâm linh, thể hiện khát khao giải phóng bản thể. Bên cạnh đó, cũng có vài bài viết quan tâm đến phương thức biểu hiện trong tác phẩm như ngôn ngữ, biểu tượng... nhằm hướng đến một cách cảm nhận riêng, đa chiều hơn. Vận dụng lý thuyết về mẫu gốc của Jung, nhiều nhà phê bình đã soi chiếu vào tiểu thuyết giai đoạn này để khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm như Đào Vũ Như An, Trần Thị An, Bùi Thanh Truyền… Nhìn chung, nhiều công trình đã vận dụng học thuyết phân tâm học để lý giải các hiện tượng văn học một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề còn rải rác và riêng lẻ trên từng tác giả, tác phẩm hoặc chỉ là những đánh giá mang tính khái quát nhất, chưa có một công trình nghiên cứu một cách hệ thống. 5 1.3. Nhận xét tổng quan tình hình nghiên cứu và hướng triển khai của luận án 1.3.1. Nhận xét tình hình nghiên cứu Điểm qua lịch sử tình hình nghiên cứu của đề tài, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau: Thứ nhất, việc tiếp nhận lý thuyết phân tâm học có nhiều thăng trầm. Thứ hai, vấn đề được đề cập một cách lẻ tẻ, xuất hiện rải rác ở một số bài viết, chưa có công trình chuyên biệt tập trung nghiên cứu một cách toàn diện. Thứ ba, các bài nghiên cứu chủ yếu dừng lại khai khác vấn đề ở phạm vi nội dung tư tưởng, ít chạm đến những phương diện nghệ thuật. 1.3.2. Hướng triển khai của luận án Khai thác tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI dưới góc nhìn phân tâm học, luận án sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề sau: Thứ nhất: Trong ba khuynh hướng phê bình văn học từ góc nhìn phân tâm học, luận án chủ yếu sử dụng phương pháp phê bình phân tâm học văn bản… để khám phá, diễn giải, phân tích tác phẩm. Thứ hai: luận án sẽ hệ thống hóa lại một số học thuyết phân tâm học có liên quan, khái quát về diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI. Thứ ba: luận án sẽ làm nổi bật thành tựu tiểu thuyết thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học, trên bình diện nội dung tư tưởng, và phương thức nghệ thuật. 6 CHƯƠNG 2: PHÂN TÂM HỌC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG PHÂN TÂM HỌC TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI (25 trang) 2.1. Một số lý thuyết căn nền của phân tâm học 2.1.1. Lý thuyết về tâm thần bộ Phân tâm học nghiên cứu về những vấn đề bên trong con người. Vô thức - Tiềm thức - Ý thức là những phạm trù cơ bản xây dựng nên học thuyết phân tâm học, là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Một trong những vấn đề trọng tâm khi nói đến phân tâm học chính là khái niệm vô thức. Vô thức là khái niệm dùng để chỉ tập hợp các cấu tạo, quá trình và cơ chế tâm lý mà sự vận hành và ảnh hưởng của chúng chủ thể không ý thức được. Người đầu tiên khai phá ra mảnh đất vô thức chính là S. Freud. Trước ông cũng đã có nhiều người nghiên cứu về vô thức như Descartes, nhà tư tưởng Đức thế kỷ XVIII Leibniz, Hegel, Schopenhauer hay Nietzsche... nhưng chỉ đến Freud vấn đề về vô thức được đề cập một cách có hệ thống như một khoa học về vô thức. Sau Freud, một người học trò - một người bạn của Freud - C.G. Jung cũng nhận thấy một thế giới tách rời, biệt lập với ý thức. Xuất phát từ việc nghiên cứu đời sống tâm hồn con người thông qua các vấn đề về huyền thoại, tôn giáo..., Jung đã khám phá ra nhiều điều thú vị về vô thức. Jung đã phân chia vô thức thành hai nhóm: vô thức cá nhân và vô thức tập thể (phi cá nhân). Bàn về vô thức, không thể không nhắc đến phạm trù giấc mơ, khi vô thức được xem như trạng thái tâm lý gắn liền với hoạt động của giấc mơ. Giấc mơ là nơi những ẩn ức, dồn nén được bộc lộ. Giấc mơ bộc lộ một cách không rõ ràng qua các biểu tượng của người nằm mơ. Ý thức cũng là vấn đề quan tâm của phân tâm học. Ý thức vốn là đối tượng nghiên cứu của triết học. Mỗi nhà triết học lại có cách hiểu riêng về ý thức như “dòng chảy ý thức” của William James và H. Bergson, hay “sự phản ảnh tiêu cực của hoạt động tâm lý” theo cách hiểu của Nietzsche... Những quan niệm riêng đều có điểm chung là nhìn nhận ý thức là thế giới tinh thần của con người, có tác dụng chi phối hoạt động của con người, là bộ phận chia tách và động tác bên ngoài của toàn bộ tâm linh hoặc vô thức, là quan hệ với thế giới bằng tri thức về các quy luật khách quan của nó. Freud còn quan tâm đến một trạng thái tinh thần có mối quan hệ với ý thức và vô thức, đó là tiền ý thức, hay còn gọi là tiềm thức. Tiềm 7 thức được xem là lĩnh vực quá độ giữa vô thức và ý thức, là những tâm lý hiện thời ý thức chưa đến nhưng có thể nhớ lại, nó có tính chất động thái, là hiện tượng tâm lý tiếp cận với ý thức, nó có thể nhanh chóng tiến vào lĩnh vực ý thức, lại có thể nhanh chóng trở về vị trí bản thân mình, cho nên không mang thuộc tính về chất, chỉ mang thuộc tính về lượng. Tiềm thức là quá trình chuyển từ ý thức sang vô thức. Ở đó, có những vấn đề con người đã ý thức nhưng về sau lại dần dần chuyển sang vô thức. 2.1.2. Lý thuyết về tính dục và phức cảm Freud cũng đã gây chấn động không nhỏ trong giới nghiên cứu khi quy toàn bộ hành động, tâm lý người vào vấn đề tính dục. Ông đã từng viết cuốn Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục nổi tiếng, lần lượt bàn về những lệch lạc tính dục, tính dục trẻ con, về những biến đổi tuổi dậy thì. Từ khám phá về vô thức, về giấc mơ, Freud cho rằng trong giấc mơ có sự ẩn ức về tính dục. Tính dục chính là nguyên nhân gây nên những hành vi, những xung đột trong tâm lý người. Con người luôn có ham muốn và đồng thời có phức cảm. Không phải ngẫu nhiên mà Freud quy mọi hoạt động của con người từ bản năng tính dục. Bản năng tính dục với những ham muốn cần thỏa mãn mà bị kiềm nén dẫn đến dồn nén những phức cảm. Phức cảm là trạng thái tâm lý phức tạp của con người, và là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Khi tự ý thức về chính mình, đặc biệt là những khuyết điểm của mình, con người ta thường hay rơi vào trạng thái phức cảm, đố kỵ, tự ti, ham muốn. Freud cũng từng nghiên cứu về phạm trù lo âu của con người. Cảm giác này có thể do hiện thực, do đạo đức, hay do ám ảnh về thần kinh, có thể gây ra những phức cảm. 2.1.3. Lý thuyết về cổ mẫu và phân tâm học về lửa Cổ mẫu, một thuật ngữ do nhà tâm lý học phân tích người Thuỵ Sĩ - Carl Jung (1875 – 1961) đề ra đầu thế kỷ XX. Trong quá trình tìm hiểu về vô thức tập thể, từ việc nghiên cứu các huyền thoại, cổ tích, nghiên cứu giấc mơ, tôn giáo, điều trị y học…và ông đã phát hiện ra cổ mẫu. Với Jung, cổ mẫu là đúng và hữu ích bởi vì nó cho ta biết rằng những nội dung vô thức tập thể có liên quan khi chúng ta xem xét những hình thức cổ xưa, hoặc đúng hơn, những hình thức nguyên thuỷ, tức là những hình ảnh chung tồn tại từ những thời đại xa xưa nhất. Cổ mẫu vốn có khuynh hướng bản năng, được tạo nên từ sự kết hợp giữa bản năng và lý trí - nơi kinh nghiệm cộng đồng được tích luỹ, truyền 8 từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ở đó, còn mang dấu ấn của yếu tố văn hoá - lịch sử, dấu ấn của tâm thức cộng đồng. Theo Jung, ứng với mỗi trạng thái người sẽ có một cổ mẫu. Số lượng cổ mẫu là rất nhiều. Mỗi cổ mẫu thường có cấu trúc và ý nghĩa riêng nhưng chúng thường có mối liên hệ, tương quan với nhau. Trong quá trình tìm kiếm cổ mẫu, Jung đã phát hiện ra nhiều cổ mẫu quan trọng thể hiện trạng thái tâm lý người và quy về 5 loại chính như Persona, Shadow, Anima, Animus, Self… Là người tiên phong cho khuynh hướng Phê bình mới ở Pháp, Gaston Bachelard đã xem hai yếu tố vật chất và tưởng tượng như đối tượng để khảo sát. Ông cho rằng óc tưởng tượng con người chủ yếu dựa vào các yếu tố vật chất như Lửa, Trời, Đất, Nước cũng như mối tương quan giữa chúng. Xuất phát từ phức cảm Prométhée, Bachelard cho rằng, lửa là một hiện tượng mang tính xã hội, hay chính xác hơn, ở lửa, có sự giao thoa giữa cái tự nhiên và cái xã hội, trong đó cái xã hội bao giờ cũng chiếm phần hơn. Mặc khác, từ truyền thuyết, nhà triết học Hy Lạp Empédocle leo lên miệng núi lửa để gieo mình, Bachelard bàn về sự mộng mơ của lửa. Khác với cách giải thích thông thường về nguồn gốc của lửa, Bachelard đã lý giải lửa dưới góc nhìn phân tâm học. Đó là sự cọ xát, bốc lửa dục tình của thân thể. Từ những đặc điểm của lửa, Bachelard đã tìm thấy sự gần gũi, tương đồng gợi đến vấn đề dục tính, lòng ham muốn, sự say mê, tình yêu của con người. Lửa được đưa vào văn bản văn học như một biểu tượng đa nghĩa khơi gợi sự tìm tòi, giải mã của người đọc. 2.2. Quan niệm của phân tâm học về sáng tạo văn học 2.2.1. Sáng tạo văn học từ vai trò của vô thức Khi đề cập vấn đề vô thức, các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến vô thức sáng tạo của người nghệ sỹ. Freud xem sáng tạo văn học như một giấc mơ - một giấc mơ ban ngày khi người nghệ sỹ chìm vào thế giới tưởng tượng của mình, giải tỏa ẩn ức. 2.2.2. Sáng tạo văn học từ vai trò của ẩn ức Đối tượng nghiên cứu của phân tâm học chính là con người trong mối quan hệ với chính mình cũng như trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Phân tâm học luôn quan tâm những vấn đề thuộc về con người như vô thức, giấc mơ, ẩn ức, cũng như các vấn đề về sự dồn nén và 9 con đường dẫn đến vô thức sáng tạo của người nghệ sỹ - chủ thể quá trình sáng tạo. 2.3. Sự ảnh hưởng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI 2.3.1. Những tiền đề cơ bản của việc vận dụng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI Việc đổi mới cái nhìn, đổi mới trong cách khám phá cuộc sống và con người của tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI là một thành tựu đáng kể. Bao gồm các cơ sở như: cơ sở thực tế trong hành trình đổi mới về quan niệm và sáng tác văn học của nước ta, cơ sở lý luận cũng như thực tiễn tiếp nhận lý thuyết phân tâm học ở Việt Nam, và ý thức cách tân văn học của các nhà văn giai đoạn này. 2.3.2. Khái quát về sự ảnh hưởng phân tâm học trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI đã có sự cách tân đáng kể về quan niệm nghệ thuật cũng như phương thức thể hiện. Từ thời kỳ đổi mới, tiểu thuyết Việt Nam thực sự có sự chuyển mình không thể phủ nhận. Các tác phẩm đã mang đến cho văn học một luồng gió mới, bàng bạc màu sắc phân tâm. Đọc các tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Y Ban..., người đọc có thể nhận thấy một cách nhìn toàn diện hơn, đa chiều về cuộc sống, con người, cách thể hiện cũng phong phú, đặc sắc hơn. Từ học thuyết phân tâm học, quét một cái nhìn khắp dòng chảy tiểu thuyết thập niên đầu thế kỷ XXI, người đọc có thể nhận ra sự ảnh hưởng học thuyết từ đề tài, cốt truyện, nhân vật đến các yếu tố như không gian, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ... Sự ảnh hưởng các học thuyết phương Tây vào trong sáng tác của mình cũng là một trong những thành tựu lớn của văn học Việt Nam từ sau thời kỳ đổi mới. * * * Việc tiếp thu và vận dụng thuyết phân tâm học vào văn học Việt Nam là một quá trình. Học thuyết phân tâm học thực sự rất gần với con người khi nó đề cập đến những vấn đề liên quan đến tâm lý người. Tiếu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI đã vận dụng tinh thần của phân tâm học để soi chiếu vào thế giới tâm hồn nhân vật. Đó là thành công, là bước tiến mới của các nhà tiểu thuyết hiện đại khi đưa văn học gần hơn với nhân học giữa cõi đời đầy biến động này. 10 CHƯƠNG 3: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC (37 trang) Từ góc nhìn của phân tâm học, người đọc có thể nhận ra trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, một thế giới nhân vật bị chi phối phần lớn bởi bản năng và vô thức. Tìm hiểu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học, người viết muốn đi sâu vào thế giới nhân vật, những ngóc ngách, tâm tư của con người. Từ đó hiểu hơn quan niệm nghệ thuật về con người của các nhà tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ góc nhìn phân tâm học, soi chiếu vào thế giới nhân vật của tiểu thuyết với những vấn đề thuộc về bản năng người như tính dục, vô thức, tâm linh..., chúng tôi phân loại thành ba kiểu nhân vật như sau: - Kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh - Kiểu nhân vật với các phức cảm - Kiểu nhân vật với đời sống tính dục 3.1. Kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh 3.1.1. Nhân vật với sự quẫy đạp của vô thức Freud đã làm nhân loại choáng váng khi đề cao vị trí của vô thức trong hoạt động của con người. Theo Freud, hành vi của con người do vô thức mà thành. Sự phủ nhận vai trò của ý thức trong hoạt động người là một tuyên bố tưởng chừng vô lý, trái ngược với quan niệm thường thấy. Vô thức là nơi ẩn chứa ham muốn bị kìm nén, nơi tồn tại xung năng libido, nơi hữu thức bị dồn nén trở thành vô thức. Đó là cõi mênh mông vô định trong sâu thẳm tâm lý người, ẩn chứa bản năng dục vọng của con người. Các nhà phân tâm học xem vô thức như một hầm trú ẩn cá nhân chứa đầy những ước muốn chính đáng hoặc không chính đáng, không được thoả mãn. Vô thức càng bị dồn nén thì càng có khuynh hướng tìm cách thoát ra để được giải toả, bộc lộ mình giữa trời đất, cỏ cây. Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI thường bị ảm ảnh bởi vô thức. Nỗi ám ánh vô thức và sự sợ hãi chập chờn đã khiến con người nhiều lúc như chạy vụt ra khỏi thực tại, quấn chặt mình giữa hư vô. Giấc mơ cũng là dạng biểu hiện khác của vô thức, là địa hạt của thế giới kỳ ảo, nơi mọi khát khao như vỡ ra. Nói như Freud, đó là lúc bản chất dã thú vô pháp lộ ra trong giấc ngủ, là sự diễn đạt trá hình và bị bóp méo về một mong muốn bị dồn nén, bị cấm đoán. Tìm về huyền 11 thoại, tái hiện giấc mơ, các nhà văn đương đại đã tìm một ngả rẽ đi sâu vào đời sống gần như bản năng của con người. Mỗi nhà văn có một cách thể hiện giấc mơ với dụng ý nghệ thuật riêng... nhưng điều gặp gỡ vẫn là sự giải thoát ẩn ức, là ám ảnh, là điềm báo. Với Freud, lý giải giấc mơ chính là ngã rẽ đi vào cõi vô thức mông lung của con người. Với ông, đó thực sự là một khoa học - khoa học về các giấc mơ. 3.1.2. Nhân vật với sự ám ảnh tâm linh Nếu vô thức là thế giới bí ẩn, cõi sâu vượt ra ngoài ý niệm của con người về thế giới thì cõi tâm linh cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống. Văn học càng phải đi sâu vào tâm linh để khám phá bến bờ thăm thẳm ấy. Đời sống tâm linh tồn tại từ khi con người bắt đầu cảm giác sợ hãi chính mình, ám ảnh về mọi thứ xung quanh mình, con người bắt đầu tìm cho mình một điểm tựa vô hình với tất cả đức tin thiêng liêng. Nguyễn Đăng Duy cho rằng, con người sở dĩ trở thành con người một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh. Cuộc sống bao giờ cũng bao hàm cả phần lý giải và không lý giải... và bản thân sự không lý giải ấy đã tạo nên tồn tại muôn đời của thế giới tâm linh. Giữa đời sống hiện đại, các ngòi bút đương thời thường hướng đến những khoảng sâu thẳm tâm linh của con người như một quan niệm, một đức tin, như một hiện thực nhuốm màu huyền ảo. Trước hết, yếu tố tâm linh được hiểu như một thế giới tinh thần gắn liền với vô thức. Bên cạnh nhân vật ảo như ma quỷ, thần thánh thường thấy, con người thực cũng được khắc họa với tư cách con người siêu cá nhân với những khả năng thần kỳ, khó lý giải như kiểu nhân vật nhà ngoại cảm, nhân vật ảo, sự linh cảm kỳ diệu của con người. Mặt khác, yếu tố tâm linh còn được đưa vào tác phẩm dưới hình thức của cái huyền ảo. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố thực và kỳ ảo, sự đan xen của cái hoang đường, phi lý. Ở đó, không gian trở nên huyền ảo, mơ hồ và con người cũng tồn tại như một bí ẩn, thế giới lung linh như một huyền thoại. Hơn nữa, nói đến đời sống tâm linh, không thể không nhắc đến phương diện Tôn giáo - đức tin của con người giữa đời sống ngổn ngang, đầy tính giải thiêng. Văn học thập niên đầu thế kỷ XXI cũng đã đề cập nhiều đến khía cạnh tâm linh này. 12 3.2. Kiểu nhân vật với các phức cảm Trong quá trình nghiên cứu về vô thức, Freud cũng đã khám phá ra trong cõi sâu thẳm con người luôn tồn tại những phức cảm. Freud đã gọi tên những mặc cảm ấy là mặc cảm thân phận, mặc cảm tàn phế, mặc cảm Oedipe. 3.2.1. Nhân vật với phức cảm hoạn - phức cảm thân phận Học trò của Freud - Alfried Adler cũng đã tìm hiểu về phức cảm hoạn - phức cảm liên quan đến bộ phân sinh dục nam. Từ đó, người vận dụng có thể mở rộng ra những trạng thái tâm lý, cảm xúc của con người khi nhu cầu bản năng của con người bị kiềm nén, là mâu thuẫn mặc cảm về thân phận, về những sự tồn tại của mình trong cuộc đời khi sự tồn tại ấy không thể mang lại cho con người sự thỏa mãn trong ý thức. Rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết thập niên đầu thế kỷ XXI luôn mang trong mình cảm giác về sự bất hạnh, sự thiệt thòi khi chính họ cũng đã chịu nhiều mất mát từ hoàn cảnh. 3.2.2. Nhân vật với phức cảm Oedipe Xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, câu chuyện vua Oedipe bị buộc vào lời nguyền số phận, nên đã giết cha và lấy mẹ, Freud đã nghiên cứu về mặc cảm tính dục ấu thơ của con người và cho rằng, mỗi người đều có những ham muốn Oedipe dù từ ý thức, họ sợ hãi trước điều đó. Phức cảm Oedipe là sự lặp lại những mặc cảm thuở ấu thơ trước cha hoặc mẹ, luôn tồn tại trong mỗi con người ở dạng vô thức. Nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn này thường tự giam hãm mình trong những ám ảnh như thế. 3.3. Kiểu nhân vật với đời sống tính dục thường ngày Học thuyết Freud ra đời nhằm hướng đến cuộc giải phóng cái tôi cá nhân, trong đó đặt ra vấn đề tính dục. Những khám phá của học thuyết Freud đã ngang nhiên công khai sự đòi hỏi bản năng tính dục như một nhu cầu cần có của con người. Theo Freud, tính dục là cái lõi đầy bản năng của vô thức. Mọi tọa độ trong hoạt động vô thức đều xoay quanh, và chịu sự chi phối của hệ quy chiếu tính dục. Thuyết tính dục không phải hoàn toàn không có ý nghĩa nhân văn khi Freud cũng đã lưu ý đến vấn đề năng lượng libido gắn liền với bản năng sống (Eros) và bản năng chết (Thanatos) của con người trong sự cân bằng mong manh giữa khát vọng thỏa mãn và ràng buộc đầy tính chế tài của 13 đời sống. Đa phần các tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ đều đề cập đến vấn đề nhân bản này. 3.3.1. Nhân vật với nỗi khát khao tính dục Khát khao tính dục là biểu hiện bình thường của con người. Điều này đã được các nhà tiểu thuyết thể hiện như một sự thăng hoa của cảm xúc. Các ngòi bút tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI đều hướng về vấn đề tính dục với cái nhìn nhân bản. Bàn về vấn đề tính dục, không thể không đề cập những hành vi sai lệch. Tính dục không chỉ là khát khao chính đáng mà còn tồn tại ở đó những biểu hiện bệnh hoạn. Các ngòi bút văn học giai đoạn trước đều né tránh vấn đề nhạy cảm này, nhưng từ sau đổi mới văn học năm 1986, đặc biệt khoảng thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều tiểu thuyết đã khai phá mảnh đất hình như còn bỏ ngỏ này một cách có ý thức và đầy nhân bản. 3.3.2. Nhân vật với sự nổi loạn của cô đơn và ẩn ức. Tính dục nhiều khi gắn liền với những tình cảm thiêng liêng, gợi những cảm giác rất Người trong sự dâng hiến, hòa quyện, thăng hoa trong cảm xúc và rung động, nhưng có khi chỉ là lối thoát của cô đơn và bế tắc. Buông xuôi mình trước cám dỗ của tính dục cũng là một biểu hiện thường thấy của con người. Sự vỗ về cảm giác thường có khả năng xoa dịu những vết thương tâm hồn đang đẩy con người vào quằn quại. Chính vì thế, các tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI thường khắc họa con người cô đơn tuột dài trong tính dục. * * * Vận dụng yếu tố phân tâm học để khai thác hiện thực đời sống và hiện thực tâm hồn nhân vật, các nhà tiểu thuyết đương đại đã phơi bày cả những mặt trái xã hội và nỗi đau trong mỗi nhân vật. Những vấn đề về vô thức, tâm linh, vấn đề mặc cảm hay cả những vấn đề về tính dục đã thể hiện một cách chân thực, sinh động. Đó là bức tranh toàn cảnh về hiện thực tâm hồn, đằng sau một hiện thực ngổn ngang về đời sống. Từ góc nhìn phân tâm học, bao nhiêu trăn trở, tâm tư của con người như được phơi bày, bộc bạch cùng những buồn vui, ẩn ức... 14 CHƯƠNG 4: PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI TỪ GÓC NHÌN PHÂN TÂM HỌC (40 trang) 4.1. Biểu tượng Tìm hiểu biểu tượng là con đường đi vào một trong những ngả rẽ của nền văn hóa. Tìm hiểu về biểu tượng có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu đời sống con người. Biểu tượng có liên quan tổng hợp đến các yếu tố về tâm lý, xã hội, thần thoại, tôn giáo... và là đối tượng nghiên cứu của phân tâm học. Tiếp nhận học thuyết phân tâm học, các nhà tiểu thuyết thập niên đầu thế kỷ XXI cũng đã sử dụng một hệ thống phong phú những biểu tượng nhằm góp phần nổi bật khắc sâu những xung đột, ẩn ức, ph cảm trong đời sống tinh thần của con người. 4.1.1. Biểu tượng Lửa Lửa là một hình ảnh tượng trưng cho sự sống của loài người, gợi nên sức mạnh và sự sinh sôi nảy nở. Từ tâm thức của con người, lửa cũng được xem như một trong những sự tìm kiếm vĩ đại của loài người trong hành trình thoát ra khỏi thời kỳ mông muội. Tự điển biểu tượng văn hóa thế giới đã phân tích ý nghĩa của biểu tượng lửa theo từng quan niệm khác nhau. Với người Ấn Độ, thần lửa Agni có thể thanh lọc mọi phần xấu xa, bẩn thỉu. Biểu tượng về ngọn lửa thiêu hủy và tái sinh vốn đi từ phương Tây đến Nhật Bản. Theo một số truyền thuyết, Chúa Kitô đã tái sinh cơ thể bằng cách đi qua lò lửa xưởng rèn, lửa có ý nghĩa như sự thanh tẩy nên có nhiều nghi thức tẩy uế bằng lửa. Phần lớn các mặt ý nghĩa của biểu tượng lửa đều được gọi tên trong giáo thuyết đạo Hinđu. Học thuyết này đã mang đến cho lửa ý nghĩa hết sức quan trọng. Với bản tính soi sáng cả nhân loại và thế giới, lửa mang ý nghĩa bao trùm cả vũ trụ. Lửa trở thành hình ảnh không thể thiếu trong các lĩnh vực đời sống như khoa học, tôn giáo... thậm chí tính dục. Lửa có các dạng như: lửa thông thường, sét, mặt trời. Mặt khác, lửa còn được ứng với phương Nam, màu đỏ của lửa còn được xem như tượng trưng cho mùa hè, cho nhiệt huyết, cho trái tim. Đó là hình ảnh của ngọn lửa tinh thần, cung bậc cảm xúc trong tâm lý người. Trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, lửa trở thành một biểu tượng, với hai ý nghĩa chính: biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. 15 - Lửa xuất hiện trong các tác phẩm là ngọn lửa thực, có sức nóng, có khả năng thiêu hủy, tái sinh. Trong tiểu thuyết đương đại, lửa xuất hiện khá nhiều, được biến thể qua nhiều hình ảnh khác nhau như bếp lửa, đèn dầu, khói, mặt trời.. - Lửa còn là hình ảnh của đam mê, nhiệt huyết và cảm xúc, khao khát tính dục. Đó là ngọn lửa vô hình với sức thiêu hủy không kém, nó có thể thiêu đốt và làm bừng sáng cõi tăm tối nhất của tâm hồn. Lửa đóng vai trò quan trọng trong đời sống thì lửa tâm hồn càng có ý nghĩa đối với con người. 4.1.2. Biểu tượng Nước Lửa thường gắn với bản nguyên đối lập là nước. Nước thuộc cái lạnh, thuộc về ngày Đông chí... nhưng vẫn có sự liên hệ với lửa. Nước cũng là một biểu tượng có những điểm tương đồng với lửa. Theo Tự điển biểu tượng văn hóa thế giới, sự tẩy uế bằng lửa bổ sung cho sự tẩy uế bằng nước. Biểu tượng nước có ba ý nghĩa cơ bản, nước vừa là nguồn sống, vừa là phương tiện thanh tẩy, là trung tâm tái sinh. - Nước bao giờ cũng gợi lên sự tinh khiết, mát lành như sức mạnh huyền diệu, trong lành của thể xác và tâm hồn, tưới mát lên vạn vật khiến vạn vật trở nên sinh sôi nảy nở, mang lại nguồn sống nơi nơi. Nước có ý nghĩa như một sự tái sinh, được xem như biểu tượng của sự “phì nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào”. - Nước cũng là “công cụ thanh tẩy”. Nước không chỉ có tính chất thanh khiết, mà còn có khả năng làm mọi vật trở nên thanh khiết. - Nước còn được xem như tượng trưng cho “sự khởi đầu thế giới” và đồng thời tượng trưng cho nước cảm tính: đây là mẹ và tử cung. Là nguồn gốc của muôn vật, nước biểu hiện cái siêu tại và do đó phải được coi là một dạng thần hiện. Với những ý nghĩa như vậy, nước còn được xem là nơi của “niềm hoan lạc, kỳ thú”, nơi gặp gỡ, hò hẹn, nơi tình yêu ươm mầm. - Nước là nơi “tái sinh, cứu sinh” nhưng chính nước cũng giống như lửa, có khả năng hủy diệt và nhấn chìm vạn vật. Trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, biểu tượng lửa được sử dụng qua các hình ảnh: không gian sông nước, nước mắt, mưa… 16 4.2. Không gian và thời gian nghệ thuật Không gian và thời gian là hai phạm trù quan trọng trong phương tiện biểu hiện của tác phẩm nghệ thuật, đồng thể hiện quan niệm của nhà văn về hiện thực và con người. Trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, hầu hết thời gian, không gian nghệ thuật đều mang dấu ấn phân tâm, đều được soi từ cõi tâm linh, vô thức. Các kiểu thời gian, không gian thực thường dồn nén, ám ảnh nhân vật vào những phức cảm. Chính vì thế, ở phần này, người viết khảo sát hai kiểu không gian và thời gian: Không gian và thời gian hư ảo. Không gian và thời gian hiện thực. 4.2.1. Không gian và thời gian hư ảo Không gian được xây dựng trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI chủ yếu: - Không gian ảo - không gian từ trong giấc mơ. - Không gian kỳ ảo. - Không gian cõi tâm linh. Thời gian trong tác phẩm cũng đa phần được soi từ giấc mơ, vô thức và tâm linh. Đó là kiểu thời gian tâm lý. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết chủ yếu là thứ thời gian cảm giác, thời gian được tâm trạng hóa, thời gian thể hiện chính những ẩn ức, dồn nén, trong chính tâm hồn con người. 4.2.2. Không gian và thời gian hiện thực Bên cạnh kiểu không gian, thời gian phi thực, các nhà tiểu thuyết thập niên đầu thế kỷ XXI cũng sử dụng kiểu không gian, thời gian hiện thực. Đó là không gian thực và thời gian vật lý, có tác động đến tâm trạng nhân vật. Không gian nghệ thuật thường được sử dụng trong tiểu thuyết giai đoạn này là: - Không gian bóng đêm. - Không gian trăng. - Không gian mưa. - Không gian buồng, phòng... Thời gian nghệ thuật có thể kể đến là thời gian đêm, thời gian giấc mơ... 17 4.3. Ngôn ngữ Văn học là nghệ thuật của ngôn từ khi người nghệ sĩ với sự tài hoa của mình đã biến hóa ngổn ngang từ ngữ thành tinh hoa chắt lọc. Tiếp xúc với tác phẩm nghệ thuật, yếu tố đầu tiên tác động đến người đọc, đó chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong tác phẩm vượt lên trên lớp từ ngữ thông thường để mang trong mình những dấu ấn thời đại cùng phong cách cá nhân. Vận dụng phân tâm học để thể hiện hiện thực phức tạp trong tâm lý người cũng như những ngột ngạt, dồn nén trong xã hội, các nhà tiểu thuyết đương đại đều có ý thức sử dụng hệ thống ngôn ngữ đặc sắc, mang màu sắc phân tâm. Ngôn ngữ trong hầu hết các tiểu thuyết đương đại đều gợi ám ảnh về dục tính, giàu sắc thái biểu cảm, gợi nhiều liên tưởng, đồng thời ngôn ngữ ám gợi như một dòng chảy từ trong vô thức. 4.3.1. Ngôn ngữ nhuốm màu sắc dục tính Ở góc nhìn phân tâm học, các nhà tiểu thuyết đương đại sử dụng một hệ thống ngôn từ có khả năng ám gợi. Đọc tác phẩm, người đọc nhận ra một bộ phận ngôn ngữ khá lớn khơi gợi dục cảm. Theo phân tâm học, bản năng tính dục có khả năng điều khiển mọi hoạt động, chi phối nhân cách con người. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI đầy tinh thần phân tâm học khi các nhà văn tập trung khai thác nét nghĩa mang đậm màu sắc dục tính, gợi cảm giác ái ân, nhằm thể hiện được con người bản năng, thể hiện được những góc khuất tâm hồn của con người. Dù ngôn ngữ được trau chuốt tinh tế hay sử dụng một cách trần trụi thì đều có điểm chung là khơi gợi những cảm giác ái ân, dục tính. - Ngôn ngữ gợi cảm xúc ái ân. - Ngôn ngữ táo bạo, trần trụi, chạm thẳng vào vấn đề nhạy cảm 4.3.2. Ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm Nếu như Freud tập trung nghiên cứu tâm lý người chủ yếu xoáy sâu vào các vấn đề vô thức và dường như bất kỳ ở đâu, trong một con người hay trong một tác phẩm nghệ thuật, một sự biểu hiện của tinh thần xuất hiện, ông nghi ngờ chúng và ám chỉ rằng đó là bản năng tình dục bị dồn nén thì Jung lại chọn cho mình một lối đi riêng, nghiên cứu về những biểu tượng của sự biến hóa, chủ trương mở rộng hơn trong việc sử dụng thuật ngữ biểu tượng cùng với khám phá con đường vào văn hóa, tâm linh thông qua cổ mẫu và vô thức tập thể. Hầu hết những 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan