Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thời gian và không gian nghệ thuật trong Hồng Đức quốc âm thi tập...

Tài liệu Thời gian và không gian nghệ thuật trong Hồng Đức quốc âm thi tập

.DOC
82
1030
148

Mô tả:

Luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn học (luận văn đạt điểm A)
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT PHẦN I MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích yêu cầu 4. Giới hạn đề tài 5. Phương pháp nghiên cứu PHẦN II NỘI DUNG Chương 1 Vài nét về Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập I. Hoàn cảnh ra đời II. Nội dung Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 1. Thể hiện “chí khí” của vua tôi nhà Lê 2. Sự rung động tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên 3. Niềm tự hào về những con người tài giỏi trong lịch sử văn học 4. Ca ngợi lối sống nhàn tản phóng khoáng 5. Ca ngợi tình yêu đôi lứa III. Đặc điểm nghệ thuật 1. Thể thơ 2. Ngôn ngữ 3. Nghệ thuật sử dụng điển Chương 2 Không gian và thời gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập I. Không gian nghệ thuật 1. Khái niệm không gian nghệ thuật 2. Không gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 2.1. Không gian thiên nhiên núi sông bao la, rộng lớn 2.2. Không gian tiên cảnh 2.3. Không gian lịch sử -1- 2.3.1. Địa danh gắn liền với các nhân vật lịch sử Trung Hoa 2.3.2. Địa danh gắn liền với các nhân vật lịch sử dân tộc 2.4. Không gian cung đình 2.5. Không gian làng quê II. Thời gian nghệ thuật 1. Khái niệm thời gian nghệ thuật 2. Thời gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập 2.1. Thời gian mùa tiết gắn với cảm thức về dòng thời gian tuần hoàn bất tận của vũ trụ 2.1.1. Thời gian bốn mùa 2.1.2. Thời gian mười hai tháng 2.2. Thời gian năm canh và cuộc sống lao động giản dị nơi làng quê 2.3. Thời gian lịch sử gắn với tinh thần hoài cổ, “ôn cố tri tân”. III. Mối quan hệ giữa không gian và thời gian nghệ thuật PHẦN III KẾT LUẬN CHUNG -2- PHẦN I MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. Văn học trung đại là một bộ phận quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học Việt Nam. Đây là mảng văn chương được người Việt coi là tinh hoa văn hoá đân tộc và được đưa vào giảng dạy từ cấp phổ thông đến cao đẳng, đại học chuyên ngành ngữ văn. Tuy nhiên, ta luôn gặp khó khăn khi tiếp xúc, vì đây là nền văn chương Hán-Nôm, được sáng tác theo những khuôn mẫu luật định nghiêm nhặt. Hiểu rõ điều này, giới nghiên cứu luôn chú tâm giải mã các tác phẩm văn chương trung đại cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Nhưng, các nhà nghiên cứu thường đi sâu vào nội dung mà ít quan tâm đến nghệ thuật. Những thập niên gần đây, giới nghiên cứu văn học bắt đầu chú tâm tới thi pháp học, môn khoa học nghiên cứu về thi pháp tức hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Một trong những nội dung thi pháp học nghiên cứu là yếu tố không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Văn học trung đại có thi pháp riêng của nó. Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, ngữ liệu văn học, việc tổ chức không gian và thời gian nghệ thuật cũng có những đặc điểm riêng theo thi pháp trung đại. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập (từ đây về sau chúng tôi xin viết tắt Hồng Đức Quốc Âm Thi Tâp là HĐQÂTT) là tập thơ lớn được sáng tác bằng chữ Nôm vào cuối thế kỷ XV dưới triều Lê Thánh Tông. Khảo sát tập thơ, chúng tôi thấy việc tổ chức không gian và thời gian nghệ thuật có những nét chung theo đặc trưng cảm thức không gian và thời gian của con người trung đại. Đồng thời tập thơ còn có những nét riêng trong việc tổ chức không gian và thời gian nghệ thuật ấy. Do đó, chúng tôi đi vào đề tài “Không gian và thời gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” mong rằng đây là bước khởi đầu cho việc tìm hiểu, nghiên cứu không gian và thời gian nghệ thuật trong tập thơ. -3- 2. Lịch sử vấn đề. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập là tập thơ lớn trong kho tàng thi ca dân tộc. Song, chưa có công trình nghiên cứu nào xứng tầm tác phẩm mà chỉ có những bài viết hay những bài giới thiệu chung trong các sách, giáo trình văn học trung đại Việt Nam. Cho nên, khi đi vào khảo sát không gian và thời gian nghệ thuật của tập thơ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã tìm được một số ý kiến của các nhà nghiên cứu như sau: 2.1. Về không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. - Trong Thi pháp thơ Đường[23], Nguyễn Thị Bích Hải cho rằng trong tác phẩm nghệ thuật, không gian được tạo dựng chỉ là hình tượng không gian và là môi trường cho hình tượng văn học tồn tại. Theo tác giả có hai kiểu con người chủ yếu: con người vũ trụ và con người xã hội (con người thân dân). Ứng với hai loại con người ấy có hai loại không gian: không gian vũ trụ và không gian đời thường. Không gian vũ trụ là không gian rộng lớn và con người luôn cố tìm cách để chiếm lĩnh nó. Không gian đời thường là không gian nhỏ bé với bao biến cố bộn bề của đời thường. Về thời gian nghệ thuật, theo tác giả, thời gian kết hợp với không gian tạo nên thế giới và “chỉ trong thời gian và không gian thì sự vật mới có tính xác định”. [23; tr121]. Thời gian nghệ thuật vận động biến đổi xoay vần theo cảm thức chủ quan của tác giả. “Đặc điểm của thời gian nghệ thuật là nó luôn mang tính cảm xúc (tâm lý) và mang tính quan niệm, do đó nó đầy tính chất chủ quan. Nó là thời gian của thế giới hình tượng vì thế nó là hình tượng thời gian”. [23; tr123] Nhìn chung Nguyễn Thị Bích Hải đã chỉ ra được vai trò của không gian và thời gian nghệ thuật là tạo nên thế giới cho mọi sự tồn tại. Song đây chỉ là những nhận định khái quát chưa chi tiết cụ thể. -Trong Từ điển thuật ngữ văn học[45], các tác giả cho rằng không gian nghệ thuật có tính chủ quan do nó gắn liền với sự cảm thụ về không gian và do đó nó độc lập tương đối với không gian địa lý. Theo đó, các tác giả chỉ ra các dạng không gian nghệ thuật và tác dụng của nó. “Không gian nghệ thuật cung cấp cơ sở khách quan -4- để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ thuật”. [45; tr161] Về thời gian nghệ thuật, các tác giả cho rằng nó vận động theo chủ quan ngòi bút của tác giả. Các tác giả cũng chỉ ra tác dụng của thời gian nghệ thuật: “Trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để mô tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả” [45; tr323]. Các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học nhấn mạnh tính chủ quan của không gian và thời gian nghệ thuật, đồng thời nêu lên tác dụng của không gian và thời gian nghệ thuật. Đó là cách thức hữu hiệu để tác giả chiếm lĩnh hiện thực và để đối tượng tiếp nhận có thể dễ dàng nắm bắt tư tưởng của tác giả. - Trong Thi pháp ca dao[29], Nguyễn Xuân Kính cho rằng có thể khảo sát thời gian nghệ thuật theo hai bình diện: “Nhịp độ thời gian, đó là độ dài của sự kiện và khoảng cách giữa các sự kiện cũng như độ dài thời gian của việc tiếp thu sự kiện ấy” [29; tr288], và “Trình tự thời gian tức là tương quan giữa thời gian kể chuyện và thời gian hiện thực được dùng để kể lại các sự kiện trong tác phẩm” [29; tr289]. Còn không gian nghệ thuật thì tác giả cho rằng có các loại không gian: không gian vũ trụ, không gian xã hội, không gian tĩnh, không gian động, không gian cộng đồng, không gian đời tư. Theo từng thời kỳ, không gian nghệ thuật có đặc điểm riêng. Nguyễn Xuân Kính đã chỉ ra được không gian và thời gian nghệ thuật là thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, nhưng tác giả chỉ chia thời gian nghệ thuật ra làm hai loại thì chưa đầy đủ lắm. Còn không gian nghệ thuật, tác giả chỉ liệt kê chứ chưa đi vào từng loại mà chỉ ra đặc trưng, đặc điểm của mỗi loại. - Trong Lý luận văn học[31], Phương Lựu có bàn tới không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Theo đó, thời gian trong văn học có khả năng “tạo ra được những dòng thời gian có nhịp độ, độ dài riêng để phản ánh hiện thực” [31; tr189]. Đó là không gian vận động biến đổi theo chủ quan sáng tạo của nhà văn. Tác giả cho thấy “đặc điểm nổi bật của không gian và thời gian trong văn học là tính quan niệm của chúng” [31; tr190]. Bên cạnh việc tái hiện lại chuỗi sự kiện hay các hiện tượng thời gian, nhà văn còn đưa ra các quan niêm khái quát có -5- tính tư tưởng rõ rệt. Từ đó cho thấy “không gian và thời gian trong văn học rất tiêu biểu cho khả năng chiếm lĩnh đời sống sâu rộng và nhiều mặt của nghệ thuật ngôn từ” [30; tr190]. Nhìn chung, tác giả Lý luận văn học đã chỉ ra được đặc trưng quan trọng của không gian và thời gian nghệ thuật là tính quan niệm tức là sự chuyển tải tư tưởng của nhà văn đối với đối tượng được đề cập trong tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, không gian và thời gian nghệ thuật có vai trò lớn trong tác phẩm văn chương mà chỉ được trình bày sơ lược thì chưa đầy đủ và không tránh khỏi thiếu sót. - Trong Những thế giới nghệ thuật thơ[36], Trần Đình Sử cho rằng “do tâm vật (cảnh) giao hoà nên thời gian vô hạn có thể kết hợp với thời gian hữu hạn ở cái song chiếu vào cái kia hoặc mở ra cái kia. Cũng có thể nói như vậy về không gian” [36; tr17]. Do đó “thơ cổ điển là sự giao hoà tâm vật tương sinh tương thành hô ứng” [36; tr16]. Nhận định này có phần khái quát nhưng ta có thể thấy tác giả đã chỉ ra được nguyên do của sự hoà hợp giữa thời gian vũ trụ vô tận và thời gian con người hữu hạn. Đó là do sự tương liên chiếu ứng cái này mở ra cái kia. - Trong Thi pháp thơ Tố Hữu[37], Trần Đình Sử đã nói tới vai trò của không gian nghệ thuật đặc biệt là đối với việc “hiểu được con người”. Theo tác giả, không gian trong các tác phẩm trung đại là không gian đơn lẻ tĩnh tại, không gian vũ trụ lấn áp không gian xã hội. Theo đó, không gian trên cao và không gian lữ thứ chiếm ưu thế. Còn “thời gian nghệ thuật trong văn học không phải giản đơn chỉ là quan điểm của tác giả về thời gian, mà là một hình tượng thời gian sinh động, gợi cảm, là sự cảm thụ, ý thức về thời gian được dùng làm hình thức nghệ thuật quan trọng để thể hiện đời sống” [37; tr243]. Như vậy, Trần Đình Sử đã trình bày khá rõ về không gian và thời gian nghệ thuật trong việc “nhận thức sâu hơn về cuộc sống”. - Trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam[38], Trần Đình Sử trình bày khá đầy đủ, cặn kẽ về không gian và thời gian nghệ thuật trong văn chương trung đại. Về thời gian nghệ thuật, theo tác giả, con người trung đại chịu nhiều ảnh hưởng của những quan niệm cảm thức thời gian của Trung Hoa. Từ đó nảy sinh hai quan niệm chính về thời gian: thời gian con người ngắn ngủi chóng tàn và thời gian vũ trụ tĩnh -6- tại bất biến. Đó cũng là hai chủ đề lớn của văn chương trung đại. Ngoài ra con người trung đại còn chịu ảnh hưởng của quan điểm cảm thức vạn vật theo quy luật toàn vẹn với toàn bộ quá trình. Ứng với mô hình chung về thời gian đó, Trần Đình Sử đưa ra các loại thời gian trong thơ ca trung đại: thời gian vũ trụ bất biến (với các loại nhỏ: vô thời gian trong thơ thiền, thời gian bất biến tĩnh tại trong thơ nhà nho, thời gian lịch sử trong thơ tương quan với thời gian vũ trụ) và thời gian con người. Về không gian nghệ thuật, trong cảm quan con người trung đại, không gian vũ trụ chiếm ưu thế và không gian ở đây được cảm theo năng lực chiếm lĩnh không gian của người đương thời mang đậm chất chủ quan. Theo tác giả có các loại không gian: không gian nhàn tản thoát tục, không gian hoang dại tiêu điều biến dịch, không gian luân lạc, không gian trần tục hoá, không gian thế tục hoá. Có thể thấy đây là công trình đầy đủ về thi pháp văn học trung đại. Đây là cơ sở lý thuyết chung quan trọng để đi vào khảo sát từng tác phẩn văn chương cụ thể. Đặc biệt là về không gian và thời gian nghệ thuật. - Trong Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam [43], Lê Trí Viễn đề cập đến những đặc trưng của văn học trung đại Việt Nam như: cảm thức thế giới của con người trung đại, thẩm mỹ người Việt, tính cao nhã, tính quy phạm, vô ngã và hữu ngã. Trong cảm thức thế giới của con người trung đại, tác giả đề cập đến mối quan hệ giữa con người và vũ trụ. Theo đó, con người cọi họ là “tiểu vũ trụ” có liên hệ mật thiết với “đại vũ trụ”, “con người thấy trong mình có cả vũ trụ” [43; tr78]. Với con người trung đại, “thời gian trong cảm thức của họ được tri giác theo hai cách: một là, tri giác thời gian tuyến tính; hai là, tri giác thời gian chu kỳ, mà thời gian chu kỳ chiếm ưu thế trùm lên thời gian tuyến tính, thời gian tuyến tính lồng trong thời gian chu kỳ, kể cả phục tòng thời gian chu kỳ” [43; tr79]. Lê Trí Viễn đã chỉ ra được đặc trưng cảm thức không gian và thời gian của con người trung đại. Đó là quan niệm coi mình là bộ phận của vũ trụ và thời gian chu kỳ chiếm ưu thế. Cái đã qua là cái sắp tới. Do đó, con người trung đại có tư tưởng sùng cổ, chuộng cổ. Như vậy, các tác giả đã giải quyết ổn thoả về đặc điểm, tác dụng của không gian và thời gian nghệ thuật. Theo đó, không gian và thời gian nghệ thuật chính là những -7- phương tiện để chiếm lĩnh thực tại, để làm cơ sở xác định cho hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Đặc biệt là công trình Thi pháp văn học trung đại Việt Nam và Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam đã chỉ ra được đặc trưng, đặc điểm của không gian và thời gian nghệ thuật trong văn chương trung đại. Ta thấy cảm thức không gian và thời gian của con người trung đại có nét đặc trưng cho tư tưởng của họ. Con người trung đại coi bản thân mình là “tiểu vũ trụ” có liên quan mật thiết với “đại vũ trụ” bên ngoài. Cho nên, không gian vũ trụ và thời gian chu kỳ chiếm ưu thế trong nhận thức về thế giới của họ. Đây là những cơ sở quan trọng cho chúng tôi đi vào khảo sát những nội dung cụ thể của tập thơ ở phần nội dung. 2.2. Về tập thơ Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập . - Trong bài Đóng góp đáng kể nhất của nửa hai thế kỉ XV là sự thúc đẩy bước tiến của văn học chữ Nôm in trong Văn học Việt Nam ( thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XVIII) [13], Mai Cao Chương giới thiệu tập thơ cả về kết cấu, nội dung, nghệ thuật. Theo tác giả “thơ thiên nhiên trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập có nhiều bài mang tính chất ngâm vịnh tiêu khiển(…).Tuy nhiên, cũng có một số bài thể hiện được tình cảm chân thực của nhà thơ đối với cảnh vật, trong số đó đáng chú ý là những bài lấy cảnh vật thiên nhiên có nhiều màu sắc dân tộc” [13, tr275]. Bên cạnh đó, tác giả còn nhắc tới đề tài xã hội đặc biệt là xu thế đang nảy sinh trong lòng xã hội: ca ngợi lối sống nhàn tản theo nhân sinh quan hưởng thụ. Về nghệ thuật, tác giả nói tới thể thơ, thể Hàn luật đạt tới mức linh hoạt. Ngôn ngữ sử dụng khá điêu luyện, có sự phong phú đa dạng về bút pháp. Bài nghiên cứu đã khái quát được nội dung, nghệ thuật, tư tưởng của tập thơ. Tác giả tiếp cận tập thơ ở góc độ phê bình đa diện cả những hạn chế và đóng góp đáng ghi nhận của tập thơ lớn nửa sau thể kỉ XV này. - Nguyễn Phạm Hùng trong Trên hành trình văn học trung đại Việt Nam [26] đưa ra nhận xét về nghệ thuật của Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Theo tác giả, HĐQÂTT là tập thơ “mang không khí lạc quan, sáng sủa, khẳng định ca ngợi chế độ” [26; tr436]. Về đề tài, chủ đề, HĐQÂTT “ca tụng vương triều, thuyết lý giáo lý nho gia, ngâm vịnh thù tạc trước cuộc sống thanh bình của nước non kỳ thú, các nhân vật lịch sử và những phẩm vật của cuộc sống bình dị xung quanh(…) với sự -8- khẳng định vương quyền trong niềm tin và lạc quan cao độ”[26; tr437]. Từ đó tác giả đi vào nghệ thuật của tập thơ với các đặc điểm: tính khuôn sáo và sự phá vỡ khuôn sáo; chất trữ tình đam mê và trang trọng; yếu tố hài hước, chất tự sự trong thơ vịnh sử; ngôn ngữ điễn đạt đậm đà tính dân tộc; câu thơ lục ngôn. Nguyễn Phạm Hùng đã trình bày khá công phu tỷ mỷ về nghệ thuật của tập thơ. Đặc biệt tác giả còn so sánh với Quốc Âm Thi Tập (Nguyễn Trãi) và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi (Nguyễn Bỉnh Khiêm) làm cho vấn đề trình bày thêm nổi rõ. - Khi giới thiệu Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập [21], Bùi Văn Nguyên giới thiệu Hội Tao Đàn, kết cấu, nội dung, nghệ thuật của tập thơ. Tác giả cho rằng đề tài, chủ đề chung của tập thơ là “tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu chính nghĩa, yêu những trí óc thông minh, yêu những tâm hồn trong sáng, và từ đó toát lên lòng tự hào dân tộc trong tổ quốc độc lập và thanh bình” [21; tr17]. Các tác giả đã thể hiện tâm hồn nghệ sĩ của mình qua thơ vịnh cảnh. Đặc biệt, qua vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên mông lung vô cùng tận, nhiều bài thơ khắc hoạ được lẽ tuần hoàn của vũ trụ. Tập thơ còn hình thành một hệ thống thơ trào phúng mà theo Bùi Văn Nguyên đó là tiền đề cho thơ trào phúng giai đoạn sau như thơ Hồ Xuân Hương. Về hình thức thơ, các tác giả HĐQÂTT sáng tác theo thơ Hàn luật với bút pháp tượng trưng, ước lệ. “Tuy nhiên, trong khuôn khổ thơ tượng trưng, các nhà thơ vẫn phản ánh được những nét hiện thực của thời đại Hồng Đức” [21; tr29]. Về ngôn ngữ, “trong nhiều bài thơ cách dùng chữ được chọn lọc, khiến câu thơ cô đọng nhuần nhuyễn”[21; tr31]. Bên cạnh đó, Bùi Văn Nguyên vẫn không bỏ qua những hạn chế của tập thơ như tính thù phụng, khuôn sáo, thù tạc. Nhưng đúng như tác giả đã nhận xét “trừ những chỗ khuôn sáo gò bó, hình thức và nghệ thuật thơ quốc âm thời Hồng Đức mở rộng về nhiều mặt, phong phú về đề tài, sinh động về hình tượng, uyển chuyển về lời văn” [21; tr28]. Đây có lẽ là lời nhận xét xác đáng nhất cho tập thơ. - Trong bài báo Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập - một tác phẩm lớn của văn học tiếng Việt thế kỉ XV [7], Bùi Duy Tân đề cao vị trí của Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập trong tiến trình thơ ca dân tộc. Về giá trị của tập sách, tác giả cho rằng bên cạnh những hạn chế như: đậm tính quan phương, thù phụng, hình thức còn sáo mòn cầu -9- kỳ, mặt đóng góp của HĐQÂTT là rất lớn. Về tiến trình văn học, HĐQÂTT là cột mốc thứ hai, là bằng chứng về một thời kỳ phát triển mạnh, một bước tiến mới của thơ tiếng Việt sau Nguyễn Trãi. Về mặt ngôn ngữ, tập thơ là kết tinh cố gắng của một thế hệ thi sĩ trên lĩnh vực trau dồi và nâng cao sức biểu hiện của ngôn ngữ văn học dân tộc. - Trong Lịch sử văn học Việt Nam (tập 1) [15], Uỷ ban khoa học xã hội có đề cập tới ĐQÂTT. Đây là tập thơ lớn của thế kỉ XV. “Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập do nhiều tác giả sáng tác nên nội dung mà nhất là nghệ thuật của các bài thơ thể hiện trình độ khác nhau khó mà đưa ra một sự đánh giá tổng quát thoả đáng được” [15; tr230]. Tuy nhiên các tác giả đã đánh giá sơ bộ được những nét đặc sắc của tập thơ như: cảnh thiên nhiên chân thực gần gũi với đời sống nhân dân; khi cảnh gắn với lịch sử thì hoá thành lòng tự hào dân tộc. Về nghệ thuật, các tác giả đã sử dụng ngôn ngữ dân tộc thuần thục, tinh tường điêu luyện, sử dụng thơ Hàn luật vững vàng. Như vậy, các nhà nghiên cứu đã tập trung khảo sát nội dung và nghệ thuật của tập thơ. Nhưng việc nghiên cứu không gian và thời gian nghệ thuật thì chưa có ai nghiên cứu. Riêng Trần Đình Sử trong Thi pháp văn học trung đại Việt Nam có nói thời gian trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập là thời gian tĩnh tại bất biến của nhà nho. “Thời gian được ý thức trong từng đơn vị ở một khía cạnh nào đó, trạng thái nào đó, nhưng thời gian thì không vận động mặc dù có thể thay đổi” [37; tr200]. Một tập thơ lớn của thể kỉ XV mà chỉ nhận xét có vài dòng như thế thì thật là sơ lược. Vì vấn đề “Không gian và thời gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” chưa đươc nghiên cứu, nên đi vào đề tài này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Song cũng cố gắng mong có thể đóng góp phần nào trong việc tìm hiểu đặc điểm không gian và thờì gian nghệ thuật của tập thơ có giá trị thời Hồng Đức này. 3. Mục đích nghiên cứu. Với đề tài “Không gian và thời gian nghệ thuật trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” chúng tôi muốn làm rõ các vấn đề sau: - Tìm hiểu những nét nổi bật về nội dung nghệ thuật của tập thơ. - 10 - - Khảo sát phân tích những đặc điểm của không gian và thời gian nghệ thuật trong tập thơ cũng như mối quan hệ giữa chúng. - Góp phần lý giải những đặc điểm đó bằng đặc trưng cảm thức không gian và thời gian của con người trung đại. 4. Giới hạn đề tài. HĐQÂTT là tập thơ Nôm cỡ lớn của thế kỉ XV và cả trong văn chương trung đại cũng như kho tàng văn chương nước nhà. Tập thơ có nhiều vấn đề về nội dung nghệ thuật như phần lịch sử vấn đề chúng tôi đã trình bày. Nhưng, ở đề tài này chúng tôi chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ là không gian và thời gian nghệ thuật của tập thơ. Chúng tôi sử dụng bản phiên âm chú giải của Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên, NXB Văn học 1982. 5. Phương pháp nghiên cứu. Để thực hiện đề tài, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp chủ yếu sau: -Phương pháp thống kê: Với phương pháp này, chúng tôi thống kê các loại không gian, thời gian trong tập thơ để chỉ ra đặc điểm chung về cảm thức không gian, thời gian con người trung đại. - Phương pháp phân tích: Với phương pháp này, chúng tôi phân tích nội dung nghệ thuật chỉ ra nét nổi bật của tập thơ chỉ ra cái hay cái đặc sắc của việc tổ chức không gian và thời gian nghệ thuật của tập thơ. - Phương pháp so sánh: Với phương pháp này, chúng tôi so sánh với các tác phẩm thơ Nôm khác và một số tác phẩm thơ Lý-Trần, Thơ Mới để làm nổi bật nét riêng, nét độc đáo của tập thơ. - 11 - PHẦN II NỘI DUNG Chương 1 VÀI NÉT VỀ HỒNG ĐỨC QUỐC ÂM THI TẬP I Hoàn cảnh ra đời. Lê Thánh Tông (1442- 1497) là một danh nhân văn hoá, nhà thơ lớn, hoàng đế anh minh của đế chế Đại Việt hùng mạnh. Vị hoàng đế anh minh này đã tạo nên một đất nước hùng mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị, quân sự. Về văn hoá, nhà vua ra sức củng cố nền học vấn dân tộc. Năm 1462, Lê Thánh Tông ban “Huấn dân đại cáo”, “Dụ khuyến học”. Nhà vua còn sai Ngô Sĩ Liên biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, giao cho Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đoàn Cử, Đoàn Văn Lê biên soạn Thiên Nam dư hạ tập (1483). Ngay tập sách cũng thấy được tình hình đất nước thời này: tập sách làm lúc nhàn hạ ở trời Nam. Trong tình hình chung đó, văn học cũng phát triển mạnh. Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục (Thiên chương) đã viết về không khí sáng tác văn học thời kỳ này như sau: “Triều Hồng Đức, văn giáo phát đạt, các quan về hàng võ đều phải đọc sách, không những các viên quan to như Lê Dục Hoằng, Lê Niệm mà đến những người không tiếng ở đương thời cũng có những câu đề vịnh thanh tân có thể truyền tụng”. Văn chương thời này phát triển rất mạnh. Phong trào sáng tác thơ văn diễn ra sôi nổi, nhất là chữ Nôm. Nhà vua yêu thích văn Nôm nên không chỉ sáng tác nhiều mà còn là người khởi xướng cổ vũ phong trào xướng hoạ thơ Nôm ở ngay cung đình. Trên đà đó, năm 1494 (năm Hồng Đức thứ 25), nhân lúc bờ cõi dẹp yên, bách tính lạc nghiệp, chính trị vô sự, vua tập hợp 28 vị văn thần ứng với nhị thập bát tú trên trời để lập Hội Tao Đàn do vua làm nguyên suý. Theo Bùi Văn Nguyên, 28 vị là: -Phó nguyên suý: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận. - Các hội viên: Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Quang Bật, Nguyễn Đức Huấn, Vũ Dương, Ngô Thầm, Ngô Văn Cảnh, Phạm Trí - 12 - Khiêm, Lưu Thư Ngạn, Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Tôn Miệt, Ngô Quyền, Nguyễn Báo Khuê, Bùi Phổ, Dương Trực Nguyên, Chu Hoãn, Phạm Cẩn Trực, Nguyễn Ích Tốn, Đỗ Thuần Thứ, Phạm Nhu Huệ, Lưu Dịch, Đàm Thận Huy, Phạm Đạo Phú. Từ đấy đã hình thành lối văn chương cung đình xướng hoạ thù tạc trong hội. Ý muốn của nhà vua là vua tôi dùng văn chương khuyên bảo nhau và cùng ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên đất nước “thiệu Đường Ngu canh chi cảnh các chi từ” và “ hiệu Tống nguyệt ngộ phong sương chi trọng” (lời tựa Quỳnh Uyển Cửu Ca). Phong trào sáng tác của hội đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị cả chữ Hán và chữ Nôm. Tác phẩm chữ Hán có Quỳnh Uyển Cửu Ca, Xuân Vân Thi Tập, chữ Nôm có Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Thập Giới Cô Hồn Quốc Ngữ Văn. Như vậy HĐQÂTT hình thành trong bối cảnh chung đó. II Nội dung Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập gồm 328 bài thơ chia làm năm phần: -Thiên địa môn gồm 46 bài như vịnh tết nguyên đán, vịnh trăng, vịnh Hằng Nga, vịnh bốn mùa, vịnh năm canh, vịnh 12 tháng. - Nhân đạo môn gồm 46 bài như bài Tự thuật, những bài vịnh nhân vật lịch sử Trung Hoa và Việt Nam, một số bài về đạo trung hiếu, lẽ tứ khoái. - Phong cảnh môn gồm 66 bài như vịnh cảnh thiên nhiên, vịnh di tích lịch sử… - Phẩm vật môn gồm 69 bài như vịnh tuyết, nguyệt, phong, hoa; cầm, kỳ, thi, tửu; tùng, trúc, cúc, mai. Các loại thực phẩm: rau, dưa, khoai, cải… và các bài vịnh đồ vật, giống vật linh tinh khác. - Nhàn ngâm chư phẩm gồm 88 bài. Đây có thể là những bài sót lại không sắp vào mấy mục kia nên đề tài phức tạp có bài vịnh cảnh, có bài tự thuật, có bài vịnh nhân vật lịch sử, có truyện thơ Vương Tường. Như đã nói ở trên, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập là tập thơ đậm chất quan phương, ngâm vịnh khuôn sáo nên không tránh khỏi những hạn chế. Tập thơ đậm chất thù phụng. Các văn thần sáng tác với lời sáo, ý sáo chủ yếu chúc tụng nhà vua như các bài vịnh trăng, vịnh tết. Do tính xướng hoạ, một người xướng nhiều người hoạ vần làm nội dung thơ na ná giống nhau. Vịnh trăng có tới mười bài, vịnh tứ thú có tám bài. Hoạ - 13 - vần bài người đi kiếm cá đến bốn bài. Nhiều bài nội dung khô khan đơn điệu thực chất là những giáo điều chưa thành thơ. Đề tài còn nghèo nàn. Dù có tới 328 bài thơ, song tựu lại chỉ có mấy đề tài vịnh tết, vịnh trăng, vịnh tứ thú, vịnh cảnh. Tuy nhiên, những hạn chế đó không át đi phần nổi trội của tập thơ. Khảo sát HĐQÂTT ta sẽ nhận thấy tập thơ chứa chan lòng tự hào dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp non sông đất nước, tinh thần trách nhiệm của nhà vua trong việc chăn dân trị quốc mong xây dựng một xã hội tốt đẹp dân giàu nước mạnh. 1. Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập thể hiện “chí khí” của vua tôi nhà Lê. Trong lịch sử văn học trung đại, Lê Thánh Tông là một trong những người viết hay và viết nhiều nhất. Ở vị hoàng đế - thi sĩ này có sự kết hợp chặt chẽ giữa trị nước an dân và sáng tác. Nguyễn Xung Xác từng nói “thơ là để nói cái chí của mình, ở trong lòng là chí, phát ra ngoài thành thơ”. Thật vậy, ngay lời tựa Quỳnh Uyển Cửu Ca, ta cũng nhận rõ điều này: “Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích lục nghệ, mọi sự huyên náo lắng xuống, một ngọn đèn sáng thơm tho, thị dục ít tinh thần trong sạch. Ở yên, hứng cao mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của trung thần lương tướng, gọi chàng “giấy, họ “bút”, thượng khách ‘mực”, trọng thần “nghiên đá”, bảo đi bảo lại rằng: chân tình ta phát triển ra, có anh khí dạt dào thành cách ngôn hay các ngươi có thể ghi chép giúp ta được không?” Rõ ràng, nguyên lý “văn dĩ tải đạo” của nho gia được phát triển theo cương vị người đứng đầu nhà nước phong kiến. Đạo ở đây là đạo của “thánh đế minh vương”, đạo trị nước của “trung thần lương tướng”. Theo đó cái “chí” của nhà vua chính là ý thức khẳng định vương triều phong kiến độc lập tự chủ thái hoà an lạc, là tụng ca tổ quốc lịch sử anh hùng hào kiệt, là tự hào trước giang sơn mỹ lệ, đất nước thanh bình, trăm họ yên vui. Đấy là cái chí lớn của bậc thánh quân. Để làm được điều đó bản thân nhà vua phải ý thức được vai trò trách nhiệm của mình với dân với nước: Lòng vì thiên hạ những sơ âu, Thay việc trời dám trễ đâu. Trống dời canh còn đọc sách, - 14 - Chiêng xế bóng chửa thôi chầu. Nhân khi cơ biến xem người biết, Chứa thuở kinh quyền xét lẽ mầu. Mựa biểu áo vàng chăng có việc Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu. (Tự thuật) “Đây là bài thơ quý hiếm đầu tiên của một hoàng đế Đại Việt dùng tiếng mẹ đẻ để “thanh minh” với đồng bào mình rằng làm vua là một nghề cao quý “ thay việc trời” nên bận rộn và rất nhọc nhằn” [32; tr46]. Để làm tốt cái việc “thay việc trời” ấy nhà vua phải “tiên ưu hậu lạc” cần mẫn dốc lòng “đọc sách” dù trống đã “dời canh”. Nhà vua còn phải biết xét đoán con người sao cho linh hoạt thích đáng, xét xử lẽ đời sao cho quyền biến, chính xác. Đó là cái lẽ lớn mà bậc thánh đế phải làm để nước nhà an lạc âu ca. Cái “chí” ấy còn được thể hiện ở ước mơ tạo nên một xã hội Nghiêu Thuấn quốc phú binh cường: Rờ rỡ cửa vàng ngày Thuấn rạng, Làu làu phiến ngọc lịch Nghiêu phân. Cao vòi vọi ngôi hoàng cực, Khắp lâng lâng phúc thứ dân. (Tết nguyên đán) Có được cuộc sống “Nhà nam nhà bắc đều no mặt” nhà vua không những luôn chuyên chính mà còn phải biết “quân đạo”, phải yêu dân tạo đức, ban huệ cho dân. Cái “chí” của nhà vua là thế, quần thần cũng vậy. Có thể thấy rõ cái ‘chí” của quần thần thời này là tấm lòng trung thành, tận tuỵ phụng sự nhà vua. Nếu vua “Lòng vì thiên hạ những sơ âu”, thì bầy tôi cũng phải dốc lòng giúp vua an dân như Y Doãn, Phó Duyệt giúp Thành Thang, Trương Lương, Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ. Đó chính là cái “quan đạo” của kẻ bầy tôi, lẽ “Quân thần” : Năm đấng lễ hằng vẹn trước sau, Vua tôi đạo cả ở trên đầu. - 15 - Thế trời đất ngôi cao thấp, Vì nước dân thuở dấu âu. Mặc dù câu chữ, ý tứ có phần khô khan giáo điều, nhưng nội dung giáo huấn lại rất đáng trân trọng. Phò vua, giúp nước, quần thần phải biết hết lòng phụng sự nhà vua, chăm lo cho đất nước: Hết lòng uống máu vì nhà chúa, Khăn khắn trong niềm một điểm đan. (Con rận) Mặc dù sáng tác bằng chữ Nôm, nhưng HĐQÂTT cũng đã bộc lộ được phần nào cái chí khí của vua quan nhà Lê thời cực thịnh. Suy cho cùng cái “chí” ấy vẫn theo khuôn phép nho giáo cố ra công “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” làm cho trên thuận dưới hoà, tạo nên sự thái bình thịnh trị. Song, vua quan nhà Lê đã thể hiện cái “chí” đó bằng những dòng thơ chân thành làm cái “chí” được bộc lộ vừa có khí phách vừa dễ đi vào lòng người. 2. Sự rung động tinh tế trước vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên luôn là đề tài quen thuộc của thơ ca nhất là thơ ca trung đại. HĐQÂTT cũng dành phần đáng kể cho đề tài này. Trước hết thiên nhiên trong tập thơ là thiên nhiên bao la mênh mông, rộng lớn. Đây là cảnh buổi chiều trên sông đầy tuyết: Nghi ngút ngàn Tương bóng ác thâu, Trời hoà có tuyết cảnh thêm mầu. Hư không vẩy khắp hoa nghìn khóm, Thế giới đông nên ngọc một bầu. (Giang thiên mộ tuyết) Cảnh còn nặng ước lệ, nhưng tình lại chân thật thiết tha. Cũng theo lối tả cảnh đó, các tác giả còn tả cảnh thuyền chài bên hàng liễu: Hai ba ngọn một điểm mưa, Một chiếc thuyền chài diễn nước đưa. Khuất cụm câu buông cần nhẹ nhẹ, Kề hoa mui ngỏ cửa thưa thưa. - 16 - Với then phong nguyệt mùa mùa đủ, No miếng ngư hà bữa bữa thừa. (Sổ hành hồng liễu nhất ngư châu) Các tác giả còn thể hiện đậm nét lòng yêu nước tự hào dân tộc qua thơ vịnh cảnh. Trong mắt nhìn của các nhà trị nước, cảnh núi, cảnh chùa đều trở thành “linh vật” tạo nên “khí thiêng” giúp cho cơ đồ Đại Việt mãi vững bền. Đó là núi Song Ngư được tạo hóa ban cho để “Ngàn thu chống khoẻ cõi Nam minh” (Song ngư sơn). Đó còn là núi Chiếc Đũa (Chích trợ sơn) sừng sững ngọn cao vút được ví như một “trấn bảo” trấn cõi Nam minh từ thuở xưa: Súc xương kình tâm chẳng động, Dò lọng biển sóng khôn lừa. Khi cảnh gắn với lịch sử thì lòng say cảnh hòa vào lòng tự hào dân tộc kết thành thứ hào khí thiêng liêng : Rửa không thay thảy thằng Ngô dại, Dịa mọi lâng lâng khách Việt hầu. Nọ đỉnh Thái Sơn rành rạnh đó, Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu? Bốn phương phẳng lặng kình bằng thóc, Thong thả dầu ta bủa lưới câu. (Bạch Đằng giang) thật là lòng từ hào dân tộc tăng thêm với ý thức về cuộc sống thanh bình mà nhân dân ta đang xây dựng và gìn giữ. Ở đây quá khứ và hiện tại có mối liên hệ thật chặt chẽ. Thiên nhiên trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập còn là cảnh chùa cảnh miếu với không khí thoát tục, cảnh được tác giả thể hiện như một không gian khác, không gian của thanh nhã của lòng thiền đã nhập định, của sự đốn ngộ chân như. Ngấc mắt trông lên Phật Tích san, Non cao vòi vọi khác phàm gian. Chim bay rặng liễu dường thoi dệt, - 17 - Nước chảy ao sen tựa suối đàn. Thông bảy tám hàng che kiểu tán, Mây năm ba thức phủ thay màn. (Phật Tích sơn tự) Các tác giả còn tái hiên lại những bức tranh thiên nhiên hết sức sinh động về một làng quê trong cảnh yên bình thịnh vượng. Dưới ánh trăng quen thuộc ta bắt gặp không khí thanh bình mà cũng rất nên thơ: Lầu treo cung nguyệt người yên giấc, Đường quạnh nhà thôn cửa chặt cài. Cảnh vật chòm chòm bay lửa đóm, Cỏ hoa gốc gốc đượm hương trời. (Canh hai) Cảnh chứa chan tình, đây là lòng vui say của con người trước cảnh thanh bình, an lạc của nhân dân. Quả thật “điểm nổi bật trong tập thơ quốc âm thời Hồng Đức là tình thơ của các tác giả qua sự biến chuyển của thời khắc và qua vẻ mỹ lệ của thiên nhiên mông lung vô cùng tận” [21; tr17]. 3. Niềm tự hào về những con người tài giỏi trong lịch sử dân tộc. Đọc HĐQÂTT, bên cạnh lòng tự hào trước vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên, ta còn thấy lòng tự hào của vua quan thời Hồng Đức trước những bậc anh tài trong lịch sử dân tộc. Đó là Xung Thiên Thần Vương, Chử Đồng Tử, Lý Ông Trọng, Trưng Vương, Triệu Thị những tấm gương tài giỏi hết lòng đem công sức phò tá cho việc nước, giúp cho nước non này mãi vững âu vàng. Họ là những nhân vật trong thuyền thuyết như Thánh Gióng, Chử Đồng Tử luôn phò trợ, giúp đỡ nước nhà lúc gặp nạn xâm lăng: Nghe tiếng Hùng Vương bèn nảy việc, Mảng danh nghịch tặc đã kinh hồn. Vợt vàng ngựa sắt hằng di để, Làng Gióng non Trâu miếu hãy còn. Tự điển trời Nam ngôi đệ nhất, - 18 - Ân phò quốc thể vững bằng non. (Xung Thiên Thần Vương) Họ còn là những nhân vật có thực như Trưng Vương, Triệu Thị , những liệt nữ quyết đem xương máu đánh đuổi kẻ ngoại bang giành độc lập cho dân tộc: Tô Định bay hồn vang một trận, Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành. Ấy thế nên: Còn nước còn non còn miếu mạo, Nữ trung đệ nhất đấng tài danh. (Trưng Vương) Đặc biệt thơ vịnh sử còn vịnh cả những vị tướng triều Lê như Lê Du và cả những vị đương thời như Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh đây là “ nguyên khí” của quốc gia. Họ mất đi là tổn thất lớn cho dân tộc “Miếu đường hầu lấy cột nào thay” (Điếu Lê Du). Thơ Nôm vịnh Nam sử tới thời Lê Thánh Tông mới có. Nó mở đường cho sự xuất hiện một lối thơ rất độc đáo và phong phú về cảm hứng dân tộc, cảm hứng nhân văn trong văn học trung đại nước nhà. 4. Ca ngợi lối sống nhàn tản phóng khoáng. Trong HĐQÂTT, ta còn bắt gặp một xu hướng mới có lẽ đến thời này mới nảy sinh và tạo đà cho sự phát triển tiếp sau: ngợi ca lối sống nhàn tản phóng khoáng của các quan thời Hồng Đức. Một phần nhỏ trong Nhàn ngâm chư phẩm thể hiện tinh thần này. Đọc những bài Tự thuật, Tự dật, Thế tình ta thấy giọng điệu đã thay đổi từ giọng hào sảng chuyển thành giọng trải nghiệm, thâm trầm làm ta tưởng đến một sự an phận muốn trở về với thôn dã cho thanh lòng thản dạ. Đó là lời “Tự thuật”: Giàu mặc phận khó ai bì, Đọ thanh nhàn khó nhất nhì. Beo lẻo câu thơ cũ rích, Hê ha chén rượu hứng si. Trăng thanh gió mát là tương thức, Nước biếc non xanh ấy cố tri. - 19 - Cũng vì hiểu được quy luật tuần hoàn của kiếp người “ Không như có có như không’ mà các tác giả “Bày tỏ sự ẩn dật” của mình một cách cụ thể: Phú quý cần câu Nghiêm Tử, Công danh con ngựa Tái Ông. Chữ thanh nhàn xem tựa ngọc, Đường bôn tẩu nhẹ bằng lông. Lý do khiến các tác giả nảy sinh xu hướng này là sự nhận thức sâu sắc trước thời cuộc trước lẽ đời. Cái thời đã qua thì thú nào bằng thú thanh nhàn nữa. Đó là cái lẽ đời, cái “Thế tình” bày ra sẵn rồi. Nó thể hiện sự sáng suốt của bậc nho sĩ trong xuất xử với thời cuộc. Khi đất nước đã an lạc, tức là cái công việc trị quốc bình thiên hạ đã hoàn thành giờ họ trở về với thú điền viên. Đó là tư tưởng thoát mà không ly, tư tưởng tiến bộ đậm chất triết học của các tác giả thời Hồng Đức. Nhưng mặt trái của xã hội cực thịnh cuối thể kỉ XV không phải là không có. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là sự hình thành nhân sinh quan hưởng lạc. Trong lúc nhàn cư quá đỗi người ta tìm đến với rượu và đi dần tới “ Thích rượu” : Chẳng gì hơn chén rượu dòng, Thiên sầu tận thích kẻo buồn tong. Bên cạnh đó còn có nạn cờ bạc, lừa lọc. Có lẽ chính những chỗ sâu mọt này là một trong những nguyên nhân làm suy sụp dần cơ ngơi vương triều phong kiến để càng về sau chế độ phong kiến càng đi vào suy đồi, truỵ lạc, khủng hoảng rồi tan rã. 5. Ca ngợi tình yêu đôi lứa. Đây là nội dung mới mẻ trong văn chương trung đại tính tới thời điểm này. Một tập thơ quan phương lại có chỗ cho những cung bậc cảm xúc tình yêu bộc lộ thật là một điều hiếm thấy. Tuy nhiên, tình yêu được các tác giả đề cập trong tập thơ chỉ mới là sự đề cập bước đầu và được thể hiện thông qua truyền thuyết, thần thoại. Đó là chuyện tình Lưu, Nguyễn với tiên tử. Mười hai bài thơ bát cú sắp xếp theo mạch cấu tứ gần giống với truyện thơ Vương Tường. Cảnh được tả nhiều nhưng tình vẫn được chuyển tải đầy đặn. Các tác giả đã thể hiện được tâm trạng của tiên tử đối với tình lang: - 20 -
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan