Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thời gian tự sự trong tiểu thuyết nguyễn bình phương...

Tài liệu Thời gian tự sự trong tiểu thuyết nguyễn bình phương

.PDF
115
920
135

Mô tả:

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 CHU THỊ MINH THẢO THỜI GIAN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM HÀ NỘI, 2013 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 CHU THỊ MINH THẢO THỜI GIAN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG Chuyên ngành: Lí luận văn học Mã số: 60 22 01 20 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học TS. PHÙNG GIA THẾ HÀ NỘI, 2013 LỜI CẢM ƠN Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến thầy giáo TS. Phùng Gia Thế - người đã trực tiếp hướng dẫn tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo trong khoa Ngữ Văn, đặc biệt là các thầy cô trong tổ Lý luận văn học, cùng các thầy cô giáo phòng Sau Đại học trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình triển khai luận văn. Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2013 Học viên Chu Thị Minh Thảo LỜI CAM ĐOAN Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của thầy giáo - TS. Phùng Gia Thế. Tôi xin cam đoan: - Đây là kết quả nghiên cứu tìm tòi của riêng tôi. - Đề tài không trùng với kết quả của bất cứ tác giả nào khác. Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2013 Học viên Chu Thị Minh Thảo MỤC LỤC MỞ ĐẦU........................................................................................................... 1 1. Lí do chọn đề tài........................................................................................ 1 2. Mục đích nghiên cứu................................................................................. 4 3. Nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................................ 4 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................. 5 5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................... 5 6. Những đóng góp mới của luận văn ........................................................... 5 7. Bố cục của luận văn .................................................................................. 6 NỘI DUNG ....................................................................................................... 7 Chương 1. KHÁI NIỆM THỜI GIAN TỰ SỰ. VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TỔ CHỨC THỜI GIAN TỰ SỰ. TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI .................................................................................................... 7 1.1. Thời gian tự sự và các yếu tố cấu trúc của nó........................................ 7 1.1.1. Về khái niệm thời gian tự sự ........................................................... 7 1.1.2. Các yếu tố cấu trúc của thời gian tự sự ........................................ 15 1.2. Một số đặc điểm của tổ chức thời gian tự sự trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại..................................................................................................... 20 1.2.1. Thời gian sự kiện bị đảo lộn (Phi tuyến tính hóa thời gian)......... 21 1.2.2. Thời gian đồng hiện (Đồng hiện hóa thời gian) ........................... 22 Chương 2. TRÌNH TỰ KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG ........................................................................... 25 2.1. Trình tự kể ở cấp độ mạch truyện ........................................................ 25 2.1.1. Trình tự kể biên niên ..................................................................... 27 2.1.2. Phi tuyến tính hóa trình tự kể........................................................ 44 2.2. Trình tự kể ở cấp độ văn bản................................................................ 63 Chương 3. TẦN SUẤT VÀ NHỊP ĐIỆU KỂ CHUYỆN TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG .......................................................... 69 3.1. Tần suất kể chuyện............................................................................... 69 3.1.1. Tự sự đơn nhất .............................................................................. 69 3.1.2. Tự sự trùng lặp và tự sự khái quát ................................................ 88 3.2. Nhịp điệu kể chuyện............................................................................. 91 3.2.1. Nhịp điệu chậm dần....................................................................... 92 3.2.2. Nhịp điệu nhanh dần ..................................................................... 99 KẾT LUẬN ................................................................................................... 103 TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................. 106 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1.1. Nói đến tiểu thuyết là nói vấn đề thời gian tính. Theo nhà cấu trúc luận người Pháp Gérard Genette thì "tiểu thuyết đặc biệt có khả năng nhấn mạnh quá trình thời gian hơn bất kỳ thể loại nào khác". Mặt khác, nói đến tiểu thuyết là nói đến nghệ thuật tự sự, đó là nghệ thuật xếp đặt các chuỗi tình tiết hay nghệ thuật trình bày các sự biến trong mối liên hệ với thời gian. Một trong những lý thuyết quan trọng được quan tâm hiện nay là lý thuyết thời gian tự sự. Được xây dựng bởi nhà tự sự học hàng đầu Gérard Genette, lý thuyết thời gian tự sự đã mở ra những khả năng mới trong nghiên cứu, đánh giá các hiện tượng văn học. Tiếp cận nghiên cứu thời gian tự sự, do đó được xem là một lối đi khả dĩ giúp chúng ta khơi sâu phân tích cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Qua nghiên cứu bình diện này, người nghiên cứu có thể nhận diện những chuyển động trong cấu trúc tự sự và tư duy nghệ thuật của nhà văn. 1.2. Trong tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nguyễn Bình Phương là một cây bút đóng vai trò quan trọng. Ông bắt đầu viết văn từ những năm 1980. Nỗ lực đổi mới, cách tân của nhà văn được ghi nhận bởi một loạt những tiểu thuyết ấn tượng: Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2005), Người đi vắng (2006), Ngồi (2006). Nguyễn Bình Phương luôn tâm niệm: “Nghệ thuật tiểu thuyết theo như tôi quan niệm, là sự nối kết các điểm nhìn chính với nhau chứ không phải nhẫn nại đi theo tuần tự đều đặn của thời gian và sự kiện”. Bởi vậy, cách thức tổ chức thời gian tự sự trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có nhiều nét mới lạ, độc đáo. Điều này không chỉ thể hiện ở bình diện kĩ thuật của lối viết mà còn thể hiện trong chiều sâu tư duy nghệ thuật của nhà văn. Phân tích thời gian tự sự là cách tác giả luận văn tiếp cận một phương diện độc đáo trong cấu trúc nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhằm 2 khẳng định những đóng góp quan trọng của tác giả vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 1.3 Nguyễn Bình Phương là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam. Ông sáng tác và thành công trên nhiều thể loại, đặc biệt là ở thể tiểu thuyết. Sau đây, chúng xin lược khảo những nghiên cứu, đánh giá về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương. Từ cấp độ nghiên cứu chung về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có thể kể đến một số bài viết như: “Một lối đi riêng của Nguyễn Bình Phương” của Hoàng Nguyên Vũ, “Một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương” của Trương Thị Ngọc Hân, “Tiểu thuyết hiện đại - Sự hội ngộ các tư duy tiểu thuyết hiện đại trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương” của Nguyễn Phước Bảo Nhân, “Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương” của Nguyễn Thị Ngọc Anh, “Cảm nhận tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương”, “Những dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương” của Phùng Gia Thế, “Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương” của Hoàng Thị Thùy Linh,… Ngoài ra, còn có một số bài phê bình, giới thiệu về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương của Nxb. Hội nhà văn, của các trang báo mạng và các công trình nghiên cứu đề cập đến phạm vi tiểu thuyết Việt Nam đương đại lấy các sáng tác của Nguyễn Bình Phương như là các minh chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Tiêu biểu trong số đó, chẳng hạn như: “Nhận diện thi pháp thể loại tiểu thuyết mới ở Việt Nam sau 1990” của Phùng Phương Nga, “Tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI” của Cao Thị Hà, Những cách tân nghệ thuật trong Tiểu thuyết Việt Nam đương đại (giai đoạn 1986 - 2006) của Mai Hải Oanh… Nghiên cứu Nguyễn Bình Phương, chúng tôi đặc biệt chú ý những bài đánh giá cụ thể về các bình diện thi pháp trong mỗi tác phẩm của ông. Tiêu 3 biểu trong số đó là bài viết của các nhà phê bình Đoàn Cầm Thi, Thụy Khuê, Phạm Xuân Thạch,… Trong bài “Sáng tạo văn học giữa mơ và điên (Đọc Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương)”, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi đã có những bình luận sâu sắc về vấn đề tính dục, về đời sống bản năng vô thức trong tiểu thuyết của nhà văn. Đoàn Cầm Thi cho yếu tố vô thức yếu tính nghệ thuật của tiểu thuyết [44]. Nhà phê bình Thụy Khuê trong bài viết “Thoạt kỳ thủy trong vùng đất Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương” cũng chỉ ra những điểm độc đáo của tác phẩm này [21]. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch cho Ngồi là “một tiểu thuyết bắt người ta phải suy tư và làm điều ấy, nó xứng đáng là một tiểu thuyết xuất sắc” [45]. Trong bài Nguyễn Bình Phương - Lục đầu giang tiểu thuyết, tác giả Đoàn Ánh Dương đánh giá cao Thoạt kỳ thủy và xem Thoạt kỳ thủy “xứng đáng được coi là đỉnh cao nhất, sự hội tụ trọn vẹn và sung mãn của bút lực tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương…” [7]. Tiểu thuyết Người đi vắng cũng nhận được không ít sự quan tâm, đánh giá của giới phê bình, nghiên cứu và của nhiều bạn đọc. Mỗi bài viết, công trình nghiên cứu lại khai thác, kiến giải tác phẩm ở những góc độ, chiều sâu khác nhau. Trong bài “Người đi vắng, ai đọc Nguyễn Bình Phương? Hay nỗi cô đơn của tiểu thuyết cuối thế kỷ”, Nguyễn Mạnh Hùng đã khai thác vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết. Tác giả bài viết cho rằng “nhân vật của Nguyễn Bình Phương giấu kín những ám ảnh của mình và sống với nó. Bài viết “Người đàn bà nằm: từ “Thiếu nữ ngủ ngày”, đọc Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương” của Đoàn Cầm Thi khai thác vấn đề tính dục trong tiểu thuyết, đặc biệt qua phân tích Hoàn – nhân vật nữ chính của tác phẩm [43]. Điểm các bài viết về tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, chúng tôi nhận thấy, cho dù được khám phá từ nhiều bình diện khác nhau song vấn đề 4 thời gian tự sự - một phương diện quan trọng trong thi pháp tiểu thuyết của nhà văn lại chưa được các nhà nghiên cứu, phê bình bàn luận chuyên sâu. Nghiên cứu vấn đề thời gian tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, tác giả luận văn cũng học tập được nhiều ý tưởng và cách tiếp cận vấn đề thời gian tiểu thuyết trong bài viết của nhà tác giả: Đào Duy Hiệp (“Các cấp độ thời gian trong truyện ngắn Chí Phèo” [14]; “Thời gian trong Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh” [15]), Nguyễn Mạnh Quỳnh (“Tìm hiểu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng [37]; Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, nhìn từ lí thuyết thời gian tự sự của G. Genette, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn [38]), Thái Phan Vàng Anh (“Thời gian trần thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại” [4]), các luận văn thạc sĩ về thời gian tự sự của Phùng Hữu Hải, Nguyễn Thị Vân Anh… Từ sự phân tích sơ bộ ở trên, chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu đề tài “Thời gian tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương” là cần thiết và có ý nghĩa lí luận - thực tiễn thiết thực. Có thể xem đây là một trong những con đường thuận lợi nhất để tác giả luận văn tìm ra những nét độc đáo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhằm đánh giá đúng những đóng góp của ông vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 2. Mục đích nghiên cứu 3.1. Phân tích đặc tính và diễn biến thời gian tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nhằm chỉ ra một phương diện độc đáo trong tiểu thuyết của nhà văn. 3.2. Khẳng định những đóng góp quan trọng về tư duy tiểu thuyết và thi pháp thể loại (cách viết, kĩ thuật tiểu thuyết) của Nguyễn Bình Phương vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tìm hiểu khái niệm thời gian tự sự và các yếu tố cấu trúc của thời gian tự sự (Tư tưởng của G. Genette là cơ sở lí thuyết quan trọng để tác giả vận dụng phân tích thực tiễn tiểu thuyết). 5 - Phân tích đặc điểm và diễn biến thời gian tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Cụ thể bao gồm các vấn đề: Trình tự kể chuyện, Tần suất và Nhịp điệu kể chuyện. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đặc điểm, diễn biến thời gian tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương 4.2. Phạm vi nghiên cứu Phân tích qua 3 tiểu thuyết quan trọng của Nguyễn Bình Phương: - Người đi vắng, Nxb Phụ nữ (2006) - Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học (2005) - Ngồi, Nxb Đà Nẵng (2006) 5. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp hệ thống; - Phương pháp phân tích - tổng hợp; - Phương pháp so sánh, so sánh hệ thống và so sánh loại hình. 6. Những đóng góp mới của luận văn 7.1. Luận văn nghiên cứu chuyên sâu vấn đề thời gian tự sự - một đặc tính nghệ thuật quan trọng trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Do đó, việc thực hiện đề tài này giúp người nghiên cứu có thể phát hiện và mô hình hóa vấn đề thời gian trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương, đồng thời chỉ ra những nét độc đáo trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn. 7.2. Khẳng định những đóng góp quan trọng của Nguyễn Bình Phương về tư tưởng và kĩ thuật tiểu thuyết vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại 7.3. Góp phần khẳng định ý nghĩa của hướng phân tích lí thuyết – lịch sử trong nghiên cứu văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng. 6 7. Bố cục của luận văn Luận văn bao gồm phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận và tài liệu tham khảo. Riêng phần nội dung được trình bày trong ba chương: Chương 1. Khái niệm thời gian tự sự và một số đặc điểm của tổ chức thời gian tự sự trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Chương 2. Trình tự kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Chương 3. Tần suất và nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. 7 NỘI DUNG Chương 1 KHÁI NIỆM THỜI GIAN TỰ SỰ VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TỔ CHỨC THỜI GIAN TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI 1.1. Thời gian tự sự và các yếu tố cấu trúc của nó 1.1.1. Về khái niệm thời gian tự sự 1.1.1.1. Khái luận về thời gian Thời gian là “hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục không ngừng” [48, tr.956]. Thời gian vốn là cái con người không thể nắm giữ, không thể điều khiển được nó. Nó có bản chất và quy luật vận động riêng. Nắm được bản chất, sự vận động của thời gian, con người sẽ chinh phục được nó, sẽ chế ngự, làm chủ được nó để có trong tay một lối dẫn đi đến thành công. Đối với triết học, thời gian là một phạm trù phức hợp, mỗi nhà triết học lại có một cách hiểu, cách luận giải riêng của mình về nó. Theo các nhà nghiên cứu, ở phương Tây, ngay từ thời Hi Lạp cổ đại đã tồn tại hai khuynh hướng tư tưởng về sự vận động của thế giới nhìn từ phương diện thời gian: “tất cả đổi thay” của Héraclite và “tất cả bất biến” của Parménide. Theo Héraclite, đặc tính của cuộc sống là sự lưu chuyển không ngừng: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một khúc sông”. Điều đó nằm trong định luật chung của vũ trụ gọi là “logos”, bao trùm và tác động lên trên tất cả mọi hiện tượng của thế giới. Mọi thứ luôn luôn biến đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa đối lập, mâu thuẫn với nhau lại vừa nảy sinh ra nhau giống như: sáng/ tối, ngày/ đêm. Parménide thì lại quan niệm ngược lại. Ông cho rằng sự có mặt là vĩnh viễn, những đổi thay chỉ là ở vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, Platon chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi 8 thay còn có thế giới của Tư Tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu, vượt khỏi thời gian, không chịu sự khống chế của quy luật thời gian. Thời gian trở thành “hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động”. Aristote lại quan niệm thời gian cũng như sự chuyển động mang tính chất vĩnh cửu, vô thuỷ vô chung. “Thời gian là thước đo của sự chuyển động giữa trước và sau, thời gian liên tục bởi vì thuộc vào sự liên tục”. Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự. Theo trường phái Khắc Kỷ (stoiciens), thời gian không có thực chất, nhưng “mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian”. Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hoá, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hoá. Bởi vậy mà các nhà hiền triết của trường phái Khắc Kỷ tuân theo thời gian, chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian để hoà đồng với tạo hoá. Thời kì Trung cổ, Thánh Augustin đã đưa ra những nhận định sâu sắc về thời gian: “Thời gian là gì? Nếu không ai hỏi tôi về thời gian, thì tôi biết rõ; nhưng khi cần phải giải thích thì tôi không còn biết thời gian là gì. Tuy vậy, tôi dám mạnh bạo quả quyết rằng, nếu không có gì xảy ra, sẽ không có thời gian đi qua; nếu không có gì xảy đến, sẽ không có thời gian sắp tới; nếu không có gì hiện hữu, sẽ không có thời gian hiện tại. Nhưng hai thời gian này, quá khứ và tương lai, làm sao chúng có mặt được, nếu quá khứ không còn nữa và tương lai chưa tới? Ngay cả hiện tại, nếu luôn còn đó, không mất đi trong quá khứ, nó sẽ không phải là thời gian, nó sẽ là vĩnh cửu. Vậy, nếu hiện tại muốn là thời gian, phải mất đi trong quá khứ, thì làm sao chúng ta khẳng định rằng nó cũng có mặt, khi mà lí do duy nhất của sự có mặt này chính là sự không còn nữa?”. Như vậy, Thánh Augustin đã quan niệm thời gian không phải là cái bất biến, vĩnh cửu mà nó luôn trôi chảy, vận động không ngừng, nó là dòng chảy liên tục. Và theo như nhận định của Augustin thì không hề có ba loại thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai mà chỉ có ba thể của thời gian cùng 9 tồn tại trong ý thức của con người: “Cả ba thể của thời gian đó đều có mặt trong ý thức, và tôi không thấy chúng ở nơi nào khác”. Ông cũng đồng thời nêu lên một câu hỏi mấu chốt: “Làm sao tôi có thể vừa có mặt trong hiện tại, vừa có đủ tầm nhìn để thấy rằng thời gian trôi qua”. Hegel thì lại cho rằng, thời gian có ba kích thước, cụ thể là: 1. Qúa khứ, là sự hiện hữu như bị xoá bỏ, như không có mặt. 2. Tương lai, là sự không có mặt nhưng tất định có. 3. Hiện tại, là sự trở thành lập tức, và là sự kết hợp của hai cái trên. “Chỉ có thời gian khi có lịch sử, tức là có sự hiện hữu của con người... Con người ở trong thời gian và thời gian không có ngoài con người, do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người”. Bergson đã xây dựng nên một triết lí hoàn toàn dựa lên thời gian. Ông quan niệm thời gian cũng có thể bao gồm tất cả. Thời gian đó không phải là thời gian của khoa học, của vật lí, của đồng hồ, cũng không phải thời gian được đo tính, phân tích, mổ xẻ, chuyển đổi thành không gian mà là thời gian được con người sống và cảm nhận. Thời gian thực sự là thời gian của chiều sâu tâm hồn, một khoảng thời gian có bề dày, co giãn linh động mang tới những cảm giác mạnh mẽ, có chất lượng và không thể thay thế bằng số lượng. Đó là một dữ kiện trực tiếp của ý thức, vượt khỏi ngôn từ, lí luận mà chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Đối với Bergson “thời gian là sáng tạo, hoặc không là gì hết”. Ông cho rằng, có sự phân biệt giữa thời gian vật lí và thời gian tâm lí. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà nghiên cứu văn học bởi nó đã chỉ ra sự khác biệt của thời gian trong nghệ thuật và thời gian trong các lĩnh vực khác, chạm tới vỉa tầng tâm lí, vấn đề nhận thức và vô thức. Đồng thời nó còn mở ra cho người viết một hướng xử lí thời gian mang đậm tính nghệ thuật. 10 Thời gian là một nhân tố rất quan trọng trong nghệ thuật tự sự. Ở một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, giới lí luận đồng thời quan tâm tới cả hai yếu tố: không gian và thời gian. Nhưng ở phương Tây, họ quan tâm đặc biệt tới trục thời gian hơn là không gian. Nhà tự sự học người Pháp Gérard Genette quan niệm: “Tôi có thể kể một câu chuyện mà không cần nói chính xác địa điểm nó xảy ra, hoặc nó xa cách bao lăm so với địa điểm phát ngôn của tôi, nhưng dường như tôi không thể nào loại bỏ việc xác định thời gian trong tương quan với hành động kể chuyện của mình, bởi lẽ tôi cứ nhất thiết phải kể lại câu chuyện trong một thì nhất định về hiện tại, quá khứ hoặc tương lai” [8, tr.85]. Và “thời gian là một vấn đề được lưu ý đặc biệt trong nghệ thuật kể chuyện, bởi lẽ đi tìm một định nghĩa đơn giản nhất về kể chuyện, người ta cho rằng đó chính là nghệ thuật xếp đặt những chuỗi tình tiết hoặc nghệ thuật trình bày các sự kiện trong mối liên hệ với thời gian” [8, tr.85]. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 nhất là sau 1986 với sự đổi mới kĩ thuật viết, với những cách tân táo bạo trong nghệ thuật tự sự đã phá vỡ (nhưng không cắt lìa) cấu trúc thời gian truyền thống, góp phần tạo nên những sắc thái độc đáo của thời gian trong tiểu thuyết đương đại. 1.1.1.2. Các loại thời gian trong tự sự Tự sự học coi một câu chuyện được kể lại như là việc đã xảy ra. Từ đó đi tìm mối liên hệ giữa cái được coi như là đã xảy ra đó với cái người ta thể hiện khi kể lại. Mối liên hệ ấy được tìm thấy trong các cặp phạm trù: câu chuyện và truyện kể, thời gian câu chuyện được kể (Thời gian cái được biểu đạt) và thời gian truyện kể (Thời gian cái biểu đạt). Nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hoà đã có sự phân biệt giữa câu chuyện và truyện kể. Ông cho rằng: - “Chuyện (hay cốt truyện), tức là nội dung được lập theo trật tự lôgic, trật tự thời gian, làm nên cái nội dung khách quan đối với người kể”. 11 - “Truyện (diễn ngôn), tức là kết quả của hành động kể chuyện, bằng ngôn ngữ (phân biệt các hình thức tự sự bằng cử chỉ, điệu bộ (kịch câm), bằng hình vẽ (tranh truyện), bằng hình ảnh (phim ảnh), với nhiều thể loại, phong cách khác nhau, thuộc về phần chủ quan của người kể” [17, tr.23]. “Truyện là văn bản chiếu vật trong thời gian”. Và thời gian trong truyện (trong đó có tiểu thuyết) là “thời gian trong thời gian” [17, tr.109]. Theo E. Benveniste, thời gian của truyện bao gồm “thời gian của cái được kể - thời gian quy chiếu - và thời gian kể, thực hiện hành động kể truyện - thời gian phát ngôn” [17, tr.109]. Chiristan Metz lại viết: “Truyện là một chuỗi thời gian hai lần thời gian… có thời gian của cái được kể và thời gian của truyện (thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của cái biểu đạt)… một trong những chức năng của truyện là đổ khuôn (monayer) thành một thời gian trong một thời gian khác” [17, tr.109]. Thời gian được coi như một nhân tố cấu trúc nghệ thuật của truyện. G. Genette đã phân chia thành ba loại: thời gian của chuyện, thời gian của truyện và thời gian phát ngôn (kể truyện). Về thời gian của chuyện, nó được coi như là “sự diễn tiến của các sự kiện trong tính kế tiếp hay đồng thời, nghiêm ngặt như là chúng đã được hoàn thành, xét về mặt chiếu vật, là trật tự niên biểu của các sự kiện hình thành nên truyện” [11, tr.18]. Hay nói khác đi, thời gian của chuyện là “thời gian được đóng khung trong những sự kiện, những nhân vật được kể vận động theo trật tự niên biểu” [17, tr.110]. Thời gian của câu chuyện không phải lúc nào cũng trùng với thời gian của truyện kể. Thời gian của truyện là “thời gian chủ quan của người kể” [17, tr.111], tức là thời gian của sự kiện, của nhân vật đã được sắp xếp lại, phân bố lại theo chủ quan của người kể. Thời gian của truyện thể hiện tài năng của người viết 12 trong việc xử lí thời gian, thể hiện khả năng nhìn nhận và phản ánh cuộc đời của họ. Thời gian của truyện có khi trùng với thời gian của câu chuyện, có khi không. Đó là khi trật tự thời gian trong truyện bị xáo trộn, không theo trật tự thời gian niên biểu của các sự kiện, nhân vật, sự việc xảy ra sau đưa lên trước, sự việc xảy ra ở quá khứ lại đưa về sau, qúa khứ, hiện tại, tương lai không theo trình tự tuyến tính. Thời gian kể truyện (thời gian phát ngôn): thời gian kể và thời gian của truyện là một thể xoắn kép, khó tách bạch mà không phải lúc nào người đọc cũng nhận ra. Thời gian kể là “thời gian đã được định lượng rõ ràng và đó là thời gian hình tuyến của ngôn từ” [17, tr.113]. Lấy cái hình tuyến của lời kể để diễn đạt cái phi tuyến của không gian, nhân vật là một nét đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại. Nếu thời gian của câu chuyện được đo bằng thước đo thực tế tức là giây, phút, ngày, tháng, năm… thì thời gian kể lại được “đo bằng những thước đo để tính khoảng cách từ lúc nhà văn kể câu chuyện đến lúc nó chấm dứt, hoặc từ lúc câu chuyện xảy ra đến lúc nhà văn kể lại nó” [8, tr.88]. Giữa thời gian của chuyện và thời gian của truyện có một độ chênh lớn. Đồng thời lại có một độ chênh khác giữa thời gian của truyện và thời gian kể (thời gian phát ngôn) nhưng độ chênh này thường rất ít, khó nhận thấy. Nó chỉ lộ ra ở một vài tác phẩm tiêu biểu. Trong phần lớn các truyện (bao gồm cả tiểu thuyết) thì thời gian của truyện và thời gian kể (thời gian phát ngôn) xoắn kép với nhau, không thể bóc tách ra được. Vì thế mà người ta thường gộp chung thời gian tự sự và thời gian phát ngôn vào thời gian của truyện. Những đổi mới trong việc xử lí thời gian của truyện có khả năng lớn trong việc hiện đại hoá các sự kiện. Thời gian thực sự có tính nghệ thuật là thời gian tự sự và thời gian phát ngôn. 13 1.1.1.3. Khái niệm thời gian tự sự Nếu thời gian của nhân vật, của các sự kiện trong tác phẩm là đối tượng quan tâm của bộ môn Thi pháp học thì đối tượng quan tâm của bộ môn Tự sự học lại là thời gian của truyện, thời gian kể. Họ phân biệt thời gian cốt truyện (thời gian được trần thuật) và thời gian truyện kể (thời gian trần thuật, thời gian tự sự) vốn gắn liền với người kể chuyện. Giữa hai loại thời gian này có mối tương quan với nhau và “Mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật đã được các nhà hình thức Nga và Vưgôtxki phát hiện từ lâu. G. Genette có công lập ra công thức để phân tích như là một phép tu từ của trần thuật” [41, tr.94]. G. Genette đã tìm ra “độ lệch văn bản thông qua mối liên hệ của hai lớp thời gian này”. Dưới quan niệm tự sự học, G. Genette đã đưa ra định nghĩa về thời gian như sau: “Thời gian nghệ thuật là một chuỗi thời gian kép, có thời gian của cái được kể lại và thời gian của truyện, tức là thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của cái biểu đạt”. Không phải thời gian nào xuất hiện trong truyện cũng là thời gian nghệ thuật. Đi vào khám phá thời gian nghệ thuật của một tác phẩm tức là đi vào tìm hiểu cả thời gian được trần thuật và thời gian trần thuật (thời gian tự sự). Và Tự sự học quan tâm chủ yếu đến thời gian tự sự - nghệ thuật xử lí thời gian của nhà văn. Thời gian tự sự (narrative time), còn được gọi là “thời gian giả” (pseudo – temporal) theo cách nói của G. Genette, để phân biệt với thời gian của bản thân câu chuyện hoặc sự kiện được trần thuật chính là thời gian của truyện kể. Đó là “thời gian của trật tự các sự kiện đã được phân bố lại trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện” [12, tr.33]. Thời gian tự sự không tuân theo quy luật của thời gian vật lí thông thường mà đã được tái tạo lại bởi chủ quan của người kể chuyện. Người kể chuyện bao giờ cũng sử dụng thời gian như một phương tiện đặc thù làm bối cảnh để kể chuyện, thoát ra 14 ngoài thời gian quy ước. Trình tự trần thuật sẽ bị đảo lộn bằng cách thuật lại những việc đã qua hay chưa đến. Các thủ pháp rút gọn, tỉnh lược, kéo dài, ngừng nghỉ, lặp lại… cũng thường được người kể chuyện sử dụng để tổ chức thời gian của trật tự các sự kiện sao cho đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Giữa thời gian tự sự và thời gian của bản thân câu chuyện có mối quan hệ với nhau. Nói cách khác, đó là mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Mối quan hệ này được nhà nghiên cứu Trần Đình Sử xem xét qua ba tương quan. Cụ thể bao gồm: 1. Tương quan điểm mở đầu - kết thúc của thời gian trần thuật (thời gian tự sự, thời gian của truyện) với điểm mở đầu - kết thúc của thời gian sự kiện (thời gian được trần thuật, thời gian của cái được kể). Điểm mở đầu - kết thúc của hai loại thời gian này có thể trùng nhau hoặc không trùng nhau. Thường thì trong tự sự cổ trung đại, thậm chí một số tác phẩm tự sự hiện đại, chúng thống nhất với nhau, trùng khít với nhau. Còn trong tự sự đương đại thì độ lệch này được thể hiện khá rõ. Người kể có khi đi từ điểm kết thúc của sự việc để quay trở lại điểm mở đầu. 2. Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật. Các sự kiện trong thời gian trần thuật có thể được thuật lại không giống nhau. Có khi sự kiện được kể liên tục, theo trình tự của sự kiện đời sống, có khi lại được kể không theo trình tự trước sau. Các sự kiện có thể gối đầu nhau. Có những sự kiện bị tỉnh lược hay kéo dài. Tất cả sẽ tạo nên độ chênh giữa hai loại thời gian này. 3. Tương quan thời gian trần thuật và thời gian nhân vật. Thời gian trần thuật (thời gian tự sự) còn được xem xét trong quá trình tự ý thức hay hồi ức của nhân vật. Kí ức của nhân vật được sử dụng như một phương tiện để thuật lại những sự kiện đã thuộc về “hoài niệm”, về quá khứ. Sự khác nhau giữa thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của cái biểu đạt được G. Genette cụ thể hoá ở các cấp độ khác nhau của thời gian tự sự.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan