Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái tại huyện ba tri, tỉnh bến t...

Tài liệu Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái tại huyện ba tri, tỉnh bến tre luận văn ths. biến đổi khí hậu

.PDF
92
427
70

Mô tả:

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA SAU ĐẠI HỌC NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DỰA VÀO HỆ SINH THÁI TẠI HUYỆN BA TRI, TỈNH BẾN TRE LUẬN VĂN THẠC SĨ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU HÀ NỘI – 2016 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA SAU ĐẠI HỌC NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU DỰA VÀO HỆ SINH THÁI TẠI HUYỆN BA TRI, TỈNH BẾN TRE Chuyên ngành: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Mã số: Chương trình đào tạo thí điểm LUẬN VĂN THẠC SĨ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Tài HÀ NỘI - 2016 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn là kết quả nghiên cứu của riêng tôi, không sao chép của ai. Nội dung luận văn có tham khảo và sử dụng tài liệu, thông tin đăng tải trên các ấn phẩm, tạp chí và các trang thông tin điện tử đều được trích dẫn đầy đủ, các số liệu sử dụng đều là các số liệu điều tra chính thống. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Ngọc Ánh i LỜI CẢM ƠN Trong quá trình hoàn thành luận văn tốt nghiệp cao học này, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, người thân và sự chỉ dạy tận tình của các giảng viên, chuyên gia. Xin bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo, cán bộ quản lý của Khoa Sau Đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tận tình giảng dạy và hỗ trợ tôi trong quá trình học tập tại Khoa. Đặc biệt tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, người đã nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Sau cùng tôi xin cảm ơn gia đình, đồng nghiệp, các anh chị, bạn bè K1, K2, K3, K4 lớp Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, những người đã giúp đỡ, cổ vũ, động viên tôi thực hiện đề tài này. Hà Nội, tháng 12 năm 2015 Nguyễn Thị Ngọc Ánh ii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ................................................................................................. i LỜI CẢM ƠN ...................................................................................................... ii MỤC LỤC ........................................................................................................... iii DANH MỤC BẢNG VÀ HÌNH ........................................................................ iv MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1 1. Lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu ...................................................................... 1 2. Mục tiêu nghiên cứu .......................................................................................... 2 3. Đối tượng nghiên cứu........................................................................................ 2 4. Phạm vi nghiên cứu ........................................................................................... 3 5. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................... 3 6. Vấn đề nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu .................................................... 5 CHƯƠNG 1........................................................................................................... 6 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA THÍCH ỨNG VỚI BĐKH DỰA VÀO HỆ SINH THÁI ........................................................................................... 6 1.1. Khái niệm thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái ................................... 6 1.2. Những nội dung cơ bản của thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái ....... 7 1.3. Kinh nghiệm thực tế thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái................. 10 1.4. Xây dựng qui trình, nội dung và nguyên tắc thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái ở cấp huyện ...................................................................................... 18 1.5. Tiểu kết Chương I ........................................................................................ 23 CHƯƠNG 2......................................................................................................... 25 ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BĐKH DỰA VÀO HỆ SINH THÁI TẠI HUYỆN BA TRI, TỈNH BẾN TRE ................................................. 25 2.1. Khái quát về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre .................................................... 25 2.2. Các hệ sinh thái của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ......................................... 32 2.3. Tác động của BĐKH tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre .................................. 37 2.4. Khả năng thích ứng với BĐKH của các hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ................................................................................................................ 48 2.5. Tiểu kết Chương 2 ........................................................................................ 62 CHƯƠNG 3......................................................................................................... 64 ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VỚI BĐKH DỰA VÀO HỆ SINH THÁI TẠI HUYỆN BA TRI, TỈNH BẾN TRE ..................................................................................................................... 64 3.1. Cơ sở pháp lý để thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri ............................................................................................ 64 3.2. Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ......................................................... 68 3.3. Tiểu kết Chương 3 ........................................................................................ 76 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ............................................................................. 78 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 80 iii DANH MỤC BẢNG VÀ HÌNH Bảng 1.1 Nội dung và phương pháp xác định bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở cấp huyện ................................................................. 19 Bảng 1.2. Nội dung và phương pháp lựa chọn giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở cấp huyện ........................................................... 20 Bảng 1.3. Nội dung và phương pháp thiết kế các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở cấp huyện ..................................................... 22 Bảng 1.4. Nội dung và phương pháp triển khai thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái ở cấp huyện ........................................................................ 23 Bảng 2.1. Nhận thức của người dân về ảnh hưởng của BĐKH đối với canh tác nông nghiệp của hộ gia đình giai đoạn 2009 – 2014 .......................................... 43 Bảng 2.2. Nhận thức của người dân về ảnh hưởng của BĐKH đối với đánh bắt ven bờ của hộ gia đình giai đoạn 2009 – 2014 ................................................... 44 Bảng 2. 3. Nhận thức của người dân về ảnh hưởng của BĐKH đối với nuôi trồng tôm của hộ gia đình giai đoạn 2009 – 2014 ........................................................ 46 Bảng 2.4. Nhận thức của người dân về ảnh hưởng của BĐKH đối với khai thác các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ của hộ gia đình giai đoạn 2009 – 2014 .......... 47 Bảng 2.5. Đánh giá tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tại huyện Ba Tri ............................................................................................................................. 49 Bảng 2.6. Tri thức cộng đồng về thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ba Tri ............................................................................................................................. 52 Bảng 2.7. Đánh giá việc quản lí hệ sinh thái tại huyện Ba Tri ........................... 54 Bảng 2.8. Đánh giá các hoạt động sinh kế tại huyện Ba Tri ............................... 55 Bảng 2.9. Tổng hợp kết quả đánh giá khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái tại huyện Ba Tri .................................................................. 59 Hình 2.1 Bản đồ hành chính huyện Ba Tri ......................................................... 26 Hình 2.2: Diện tích rừng ngập mặn và ao nuôi tôm của huyện Ba Tri năm 2004 ............................................................................................................................. 34 Hình 2.3: Biến thiên nhiệt độ trung bình tháng trong 5 năm (2010 – 2014) tại huyện Ba Tri ........................................................................................................ 39 Hình 2.4: Biến thiên lượng mưa trong 5 năm (2010 – 2014) tại huyện Ba Tri .. 40 Hình 2.5: Tình trạng xâm nhập mặn ở tỉnh Bến Tre năm 2009 ..........................42 iv MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; là một trong những thách thức lớn nhất cho việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu thiên niên kỷ của đất nước. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Dự báo, nếu mực nước biển dâng từ 0,75 đến 1m thì khoảng 60 đến 70% diện tích tự nhiên của tỉnh Bến Tre bị ngập, trong đó các huyện Ba Tri, Bình Đại hầu như sẽ bị ngập hoàn toàn [Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012]. Huyện Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre là một trong các địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của BĐKH. Huyện Ba Tri có tổng diện tích đất tự nhiên là 35.581,75 ha, chiếm 15,08% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Với đặc trưng nằm ở vùng cửa sông ven biển, các hệ sinh thái nơi đây khá đa dạng. Người dân huyện Ba Tri có mối quan hệ mật thiết trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ hệ sinh thái để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Do những hoạt động trên, các hệ sinh thái và môi trường tự nhiên ở huyện Ba Tri đã và đang bị suy thoái và sự suy thoái này càng trở nên rõ nét hơn dưới các tác động của BĐKH. Thời gian vừa qua, tỉnh Bến Tre đã triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu diễn biến và tác động của BĐKH đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Ba Tri. Ứng phó với các tác động tiêu cực của BĐKH thông qua các giải pháp giảm thiểu và thích ứng hiện đang là phương cách được nhiều quốc gia và địa phương ưu tiên nhằm đảm bảo duy trì chức năng của các hệ sinh thái, sức khỏe con người, đảm bảo an ninh kinh tế - xã hội. Cho đến nay, công tác ứng phó với BĐKH chủ yếu tập trung vào các can thiệp vật lý, giải pháp kĩ thuật công trình, cơ sở hạ tầng như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương để kiểm 1 soát lũ lụt… Các biện pháp này, mặc dù cần thiết nhưng không đủ để ứng phó với phạm vi, quy mô tác động ngày càng lớn của BĐKH. Thêm vào đó, các biện pháp này còn có thể dẫn tới những nguy cơ gây phá vỡ các hệ sinh thái, làm suy giảm đa dạng sinh học. Hiện nay, thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái đang được nhiều quốc gia và địa phương áp dụng do có nhiều lợi ích và thường được xem là giải pháp hiệu quả với chi phí thấp so với các tiếp cận về mặt công nghệ. Thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái là sử dụng hợp lý các hệ tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái như một hợp phần quan trọng trong chiến lược tổng thể để giúp con người dần thích nghi với các tác động bất lợi từ BĐKH. Cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa BĐKH, đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên trong phát triển kinh tế – xã hội với bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái. Đề tài của luận văn: “Thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre” là vấn đề có ý nghĩa lý luận và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay của địa phương đã được lựa chọn để nghiên cứu. 2. Mục tiêu nghiên cứu Luận văn xác định 03 mục tiêu nghiên cứu, bao gồm: - Luận giải được cơ sở lí luận và thực tiễn về thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái; - Đánh giá được thực trạng hệ sinh thái và khả năng thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; - Đề xuất được các giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. 3. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để thích ứng với BĐKH. 2 4. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi học thuật: Giới hạn trong khuôn khổ thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái. - Phạm vi không gian: Phạm vi không gian của nghiên cứu là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. - Phạm vi thời gian: + Phạm vi về số liệu, tư liệu sử dụng trong luận văn để nghiên cứu là từ năm 2006 đến tháng 6 năm 2015. + Thời gian tiến hành luận văn: từ tháng 12 năm 2014 đến tháng 9 năm 2015. 5. Phương pháp nghiên cứu Các phương pháp nghiên cứu được áp dụng trong luận văn là các phương pháp được dùng phổ biến hiện nay trong nghiên cứu về BĐKH trên thế giới và ở Việt Nam, bao gồm: 5.1. Phương pháp thu thập và xử lý số liệu thứ cấp Các tài liệu, số liệu thứ cấp bao gồm các nghiên cứu, báo cáo chính thống của quốc gia và các nghiên cứu quốc tế, quốc gia, cá nhân về BĐKH, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái v.v… tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, luận văn cũng thu thập các số liệu liên quan đến kinh tế - xã hội, dân số của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trong những năm qua. Từ đó, luận văn phân tích, tổng hợp và kế thừa có chọn lọc các kết quả từ những nguồn tài liệu, tư liệu, số liệu, thông tin có liên quan thu thập được. Luận văn cũng đánh giá các tài liệu trên theo yêu cầu và mục đích nghiên cứu. Do hạn chế về nguồn lực và thời gian, phương pháp này giúp cung cấp dữ liệu so sánh và dữ liệu theo bối cảnh một cách khá toàn diện. Tuy nhiên, dữ liệu thứ cấp thường đã qua xử lý nên đôi khi còn thiếu tính khách quan. 5.2. Phương pháp phân tích và tổng hợp số liệu sơ cấp - Các phương pháp nghiên cứu thực địa nhằm lựa chọn được khu vực nghiên cứu điển hình, mang tính đại diện và thu thập bổ sung các số liệu, tài liệu thực tế tại 3 khu vực nghiên cứu điển hình đó. Địa điểm nghiên cứu của luận văn là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, được lựa chọn dựa trên tham khảo ý kiến đề xuất của các cán bộ quản lí ở cấp tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Phòng chống lụt bão. Thực tế, học viên đã đi khảo sát các điểm thường xuyên xảy ra hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, các khu vực nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ở các khu vực khác nhau trong toàn huyện Ba Tri. - Sau khi xác định được chính xác khu vực nghiên cứu, luận văn sử dụng bảng hỏi soạn sẵn (xem Phụ lục 1) để phỏng vấn đại diện 50 hộ gia đình. Các hộ được lựa chọn điều tra là những hộ mang tính đại diện cho từng loại hình sản xuất, chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai và phải bao gồm các hộ khá giàu, nghèo và trung bình theo hướng dẫn của cán bộ địa phương. Từ đó, học viên có thể tìm hiểu được các thông tin cơ bản về các hộ gia đình, các hệ sinh thái, sinh kế, tác động của BĐKH, những hỗ trợ của chính quyền địa phương và các giải pháp ứng phó với thiên tai cũng như khả năng ứng phó của người dân. Ngoài ra, luận văn cũng phỏng vấn một số lãnh đạo địa phương (xã và thôn) để phục vụ cho việc đề xuất giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái. Với cách tiếp cận như trên, thông tin về các hệ sinh thái, lịch sử thiên tai… sẽ được thu thập và điều tra khảo sát hộ gia đình thông qua bảng hỏi. Do đó, bảng hỏi này cần phải được thiết kế sao cho bao quát được cả hai nội dung trên. Yêu cầu của một bảng hỏi vừa phải có tính khái quát (tính đại diện cho điểm nghiên cứu) vừa phải có tính đặc thù (sự khác biệt về mức sống, vị trí địa lí,…) và đáp ứng được mục đích kiểm tra tính lô-gích của hệ thống câu hỏi (tức tính loại trừ, tính kết hợp,… để kiểm tra chéo, phát hiện những sai sót, đánh giá được độ tin cậy,…). - Đối với số liệu định tính: Tổng hợp, sàng lọc và phân loại theo từng chủ đề, theo mục đích nghiên cứu. - Đối với số liệu định lượng (bảng hỏi): Chuẩn bị bảng hỏi để thảo luận với 50 người dân huyện Ba Tri, tương đồng về các hoạt động sản xuất, sự phụ thuộc vào 4 tài nguyên thiên nhiên… để đảm bảo sự đồng nhất về nhận thức và có mối quan tâm chung trong quá trình thảo luận. Xử lý, phân tích và trình bày dưới dạng bảng, biểu đồ. 5.3. Phương pháp tham vấn chuyên gia Sau khi điều tra khảo sát thực địa, từ các kết quả nghiên cứu, lựa chọn, hỏi và tập hợp ý kiến, kinh nghiệm và hiểu biết của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, sinh thái; đúc kết được những quan điểm, đánh giá, dự báo liên quan đến thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Phương pháp chuyên gia còn được sử dụng để phân tích và đánh giá độ tin cậy của những thông tin thu thập được từ các hộ gia đình. Vì kiến thức của thành viên các hộ được phỏng vấn còn hạn chế dẫn đến nhận thức và quan niệm chưa đúng, do đó chuyên gia cần phải kiểm chứng và sàng lọc lại thông tin để kết quả đánh giá được chính xác. 6. Vấn đề nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu 6.1. Vấn đề nghiên cứu - Thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái là gì? - Vì sao phải dựa vào hệ sinh thái để có những giải pháp thích ứng với BĐKH? - Các hệ sinh thái ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có khả năng đáp ứng yêu cầu thích ứng với BĐKH không? - Giải pháp nào là hiệu quả nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các hệ sinh thái ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre? 6.2. Giả thuyết nghiên cứu Tại tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri là một trong các huyện chịu ảnh nặng nề nhất của BĐKH. Tuy nhiên, nơi đây, trong hệ sinh thái tự nhiên, bản thân chúng có khả năng tự thích nghi và thích ứng với BĐKH, phù hợp với luận cứ khoa học của phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái trong thích ứng với BĐKH. 5 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA THÍCH ỨNG VỚI BĐKH DỰA VÀO HỆ SINH THÁI 1.1. Khái niệm thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) được Nhóm chuyên gia kỹ thuật đặc biệt lần thứ 2 của Công ước Đa dạng sinh học định nghĩa là “việc sử dụng đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái nhằm giúp con người thích ứng với các tác động xấu của BĐKH như một phần của chiến lược thích ứng tổng thể”. Theo đó, Nhóm chuyên gia khẳng định phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái là nhằm để thích ứng, hạn chế các tác động của BĐKH lên đa dạng sinh học và giúp hỗ trợ người dân thích ứng với các ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH. Theo định nghĩa trên, thích ứng dựa vào hệ sinh thái dựa trên các cơ hội để quản lý bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái nhằm cung cấp các dịch vụ giúp con người thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Quá trình này nhằm mục đích duy trì, tăng cường khả năng thích ứng và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các hệ sinh thái cũng như của con người khi phải đối mặt với những tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mặc dù tập trung vào duy trì các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái, đây vẫn là một phần không thể thiếu trong chiến lược thích ứng chung của con người. Thích ứng dựa vào hệ sinh thái có thể được xem là hiệu quả về mặt chi phí và tạo ra lợi ích xã hội, kinh tế, văn hóa, bao gồm giảm nguy cơ thiên tai, duy trì sinh kế và an ninh lương thực, dự trữ các bon và quản lý nước bền vững. Bảo vệ, tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý nhằm hỗ trợ sinh kế, các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể duy trì các mạng lưới an toàn tại địa phương, tăng khả năng đệm của các hệ sinh thái địa phương và mở rộng các lựa chọn để xây dựng khả năng thích ứng trước những cú sốc và xu thế đột ngột [Berkes & Folke, 1998]. Hiện nay, nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng các hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng trong thích ứng với BĐKH [IPCC, 2014; IUCN, 2009; UNEP, 2012; Doswald & Osti, 2011]. Đó là do người dân cũng như 6 khu vực dễ bị tổn thương nhất do BĐKH thường phụ thuộc nhiều vào các hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái để phục vụ cho cuộc sống và sinh kế của họ. Các hệ sinh thái và các dịch vụ mà chúng cung cấp thực sự là nền tảng cho rất nhiều chiến lược thích ứng. Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là giải pháp chi phí hiệu quả [Rao et al., 2013]. Do đó, thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái đã được nhiều tổ chức quốc tế trong lĩnh vực môi trường và bảo tồn công nhận, bao gồm Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Ngân hàng thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF)… 1.2. Những nội dung cơ bản của thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái Hiện nay, các nước đang ngày càng quan tâm đến việc lập kế hoạch nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều nước đã ban hành Chương trình hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; trong khi đó, một số nước lại nghiên cứu cách thức lồng ghép thích ứng hiệu quả vào chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu. Thích ứng có kế hoạch với biến đổi khí hậu có thể đạt được bằng nhiều cách. Một trong các cách thức điển hình là đầu tư vào cơ sở hạ tầng “cứng”. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật có thể gây ra những tác động đối với tự nhiên, đặc biệt khi các giải pháp này nhằm mục đích hạn chế các quá trình sinh thái quan trọng, chẳng hạn như lũ trên các sông hàng năm và dịch chuyển trầm tích ven bờ. Một giải pháp khác có thể xem xét đến là thích ứng dựa vào hệ sinh thái. Đây là giải pháp không chống lại mà dựa nhiều vào hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Một số ví dụ về thích ứng dựa vào hệ sinh thái bao gồm: - Bảo vệ bờ biển thông qua duy trì và/hoặc bảo tồn hệ thực vật ven biển (trong đó đặc biệt là sú, vẹt, đước). Hệ thực vật làm giảm cường độ sóng trước khi chúng tiến vào bờ và do đó, giảm ngập lụt ven biển và xói lở bờ biển; - Quản lý bền vững đất ngập nước và các bãi bồi để duy trì dòng chảy và chất lượng nước, đóng vai trò như các bể chứa nước lũ và cung cấp nguồn dự trữ nước quan trọng cho mùa khô; 7 - Bảo tồn và khôi phục hệ thực vật rừng và tự nhiên để duy trì độ bền vững của các vùng đất dốc và điều tiết dòng chảy, ngăn ngừa lũ quét, sạt lở đất khi mức độ và cường độ mưa gia tăng; - Thiết lập hệ thống nông lâm sản đa dạng và bền vững (lồng ghép sản xuất lương thực vào lâm nghiệp) để đương đầu với những điều kiện khí hậu thay đổi. 1.2.1. Các lợi ích từ thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái khai thác khả năng của tự nhiên để bảo vệ cho cộng đồng dân cư phòng tránh các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua các hệ sinh thái. Tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái cụ thể với khả năng giảm thiểu độ phơi nhiễm trước biến đổi khí hậu, các hình thức thích ứng có thể được sử dụng là quản lý, bảo tồn, phục hồi có mục tiêu. So với các biện pháp thích ứng khác, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái có ba lợi ích chính là có thể đem lại nhiều lợi ích cùng lúc, tránh được thích ứng không phù hợp và là giải pháp “đáng giá” khi giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Không giống như các biện pháp thích ứng tập trung vào mặt kỹ thuật công trình như xây đê biển, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái cùng lúc có thể thích ứng và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Các lợi ích khi áp dụng thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái bao gồm: - Đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa các lĩnh vực tham gia quản lý hệ sinh thái và hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái; - Huy động sự tham gia thực sự của các viện nghiên cứu, các bên liên quan vào quá trình lập quy hoạch thích ứng; - Kết hợp hài hòa tri thức truyền thống với thực tiễn trong lập kế hoạch thích ứng; - Tăng cường thật hiệu quả sự hợp tác và chuyển giao tài chính giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển; 8 - Thúc đẩy nghiên cứu sâu, chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp và phát triển cơ sở hạ tầng thực sự bền vững. Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái có thể áp dụng trên khắp các khu vực địa lý, trong nhiều lĩnh vực tại các nước phát triển và đang phát triển. Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái còn có thể được tích hợp trong nhiều lĩnh vực bao gồm bảo vệ bờ biển, quản lý lũ lụt và hạn hán, nông nghiệp, quy hoạch đô thị, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo tồn và du lịch. Sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan với vai trò, trách nhiệm khác nhau quyết định sự thành công của thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái do các hệ sinh thái hỗ trợ các lĩnh vực, các nhóm xã hội khác nhau theo những cách khác nhau. Ví dụ, rừng vừa có thể cung cấp cho cộng đồng địa phương các sản phẩm từ rừng, phục vụ cho sinh kế của họ (như gỗ, hoa quả, sợi...), vừa hỗ trợ các hoạt động du lịch thương mại và thu hoạch gỗ. Hơn nữa, những cánh rừng này còn điều tiết hydro cũng như đem lại lợi ích cho các ngành khác như nông nghiệp, thủy điện thông qua điều tiết lũ và dòng chảy cũng như giảm thiểu sạt lở và bồi lắng. 1.2.2. Các vấn đề đặt ra khi áp dụng thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái Việc thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái dễ gặp phải các vấn đề chính sau: thiếu thông tin, thiếu nguồn tài chính và rào cản thể chế. Thiếu thông tin có nghĩa là không có số liệu chuẩn khi dự tính tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai, tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái - xã hội và phát triển kinh tế. Dự báo càng trở nên thiếu chính xác nếu không có đủ thông tin liên quan từ khâu giám sát và đánh giá hiệu quả của các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái đối với các chương trình, dự án đã và đang thực hiện. Do đó, cần xây dựng các báo cáo phân tích rủi ro khí hậu và đánh giá tính dễ bị tổn thương, áp dụng lý thuyết và thực tiễn về các dịch vụ hệ sinh thái và khả năng thích ứng. 9 Các vấn đề về mặt tài chính bao gồm việc thiếu nguồn tài chính để triển khai các chương trình, dự án cũng như tăng cường năng lực thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái. Vì vây, cần tăng cường phân bổ tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái từ các nguồn tài chính mới và hiện có, phổ biến thông tin về thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và giáo dục, nâng cao nhận thức. Vấn đề về thể chế chính là các rào cản liên quan đến các quyết định chính sách hiện có. Vẫn còn thiếu các định hướng chính sách quan trọng đề cập đến phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái cấp quốc gia. Ngoài ra, giữa các lĩnh vực chính sách khác nhau (như nông nghiệp, đa dạng sinh học, thủy sản, giao thông v.v...) cũng còn thiếu sự đồng bộ trong định hướng và triển khai. Thêm vào đó, việc quá coi trọng báo cáo và thủ tục hành chính theo các quy định cũng hạn chế việc áp dụng thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái. Để giải vấn đề này, có thể thiết lập các biện pháp tổng hợp khi lập kế hoạch thích ứng và phát triển bền vững, hợp lý hóa các quy trình, áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư. 1.3. Kinh nghiệm thực tế thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái 1.3.1. Kinh nghiệm quốc tế Tác động của biến đổi khí hậu, từ việc mực nước biển dâng cao đến việc gia tăng tần suất bão và hạn hán, đã thực sự ảnh hưởng đến hàng triệu con người trên thế giới. Do đó, nhiều quốc gia đã áp dụng thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái như một trong những chiến lược hữu hiệu để thích ứng với một thế giới đầy thay đổi. Tại châu Âu, một trong các biện pháp chính đang được sử dụng để thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là điều tiết sông. Điều tiết sông bao gồm các hoạt động như: cải tạo lòng sông, xây dựng lại hệ thống đê điều, phục hồi môi trường sống và loại bỏ sinh vật ngoại lai. Dự án phục hồi sông Regge tại Hà Lan đã cải tạo được một số đoạn lòng sông uốn khúc và khôi phục được sinh cảnh xung quanh bao gồm các khu vực chứa nước, nhằm giảm lũ lụt cũng như tạo ra các sinh cảnh đa chức năng thích ứng với biến 10 đổi khí hậu. Ngoài ra, tại châu Âu, hiện cũng đang áp dụng phương pháp quản lý lưu vực sông với nhiều hoạt động dựa vào hệ sinh thái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu như phục hồi đất hoặc trồng rừng để kiểm soát sạt lở và điều tiết dòng chảy. Dự án trồng rừng tại Đan Mạch đã sử dụng năm loài cây thích hợp cho các điều kiện tương lai được dự tính trước. Dự án được đánh giá là đem lại nhiều lợi ích cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu tại quốc gia này. Tại khu vực ven biển ở châu Âu, thích ứng với biến đổi khí hậu chủ yếu bao gồm các hoạt động giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng trước các tác động của nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan như sắp xếp hoặc xây dựng lại các môi trường sống (đất ngập nước, cửa sông ven biển, nuôi bãi (sand nourishment)), nhằm hỗ trợ làm vùng đệm chống lại thủy triều lên cao và phá hủy của các trận nước dâng do bão. Dự án phục hồi cồn cát ở Anh đã nhằm vào mục tiêu chính của thích ứng dựa vào hệ sinh thái là hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đã tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và thiết lập một hệ thống giám sát với các bộ hồ sơ giám sát về mặt vật lý, sinh học và sinh thái... Nhìn chung, các hoạt động, dự án này đều đem lại tiềm năng về sinh kế, có các tác động tích cực lên chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học. Hơn nữa, các biện pháp này đều đem lại hiệu quả về mặt chi phí so với các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu truyền thống tại châu Âu. Tại châu Á, đặc biệt tại các nước đang phát triển, sự cấp thiết phải thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng tăng lên. Cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để thích ứng, hay bảo tồn, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái nhằm giúp con người thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu đang dần thu hút được sự quan tâm của các nước vì các cách tiếp cận này khá đơn giản đối với người nghèo tại nông thôn và có thể hiệu quả về mặt chi phí. Các cách tiếp cận này bao gồm nông nghiệp bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các biện pháp quản lý rừng bền vững nhằm làm giảm tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Năm 2010, Nê-pan đã ban hành Chương trình hành động quốc gia nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó xác định các hành động 11 ưu tiên để thích ứng; nhiều hành động có liên quan đến thích ứng dựa vào hệ sinh thái (4 trong số 9 hồ sơ dự án ưu tiên bao gồm các hợp phần về hệ sinh thái). Hầu hết các hành động thích ứng dựa vào hệ sinh thái đều nhằm quản lý tài nguyên thiên nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp hoặc bảo tồn đa dạng sinh học. Băng-la-đét là một trong số các quốc gia khác tại châu Á đã ban hành Chương trình hành động quốc gia nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua trồng rừng ven biển là dự án ưu tiên của Chương trình. Dự án tập trung giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu thông qua tăng cường tính chống chịu của các cánh rừng ven biển và năng lực thích ứng của các cộng đồng. Với tổng số 6.100 ha rừng ngập mặn trồng mới và giới thiệu 10 loài cây ngập mặn quan trọng trong khu vực độc canh hiện có, dự án đã tăng độ che phủ rừng bảo vệ và giàu các-bon, cũng như tăng chức năng của thảm thực vật ven biển để thích ứng với những biến động khí hậu hiện tại và tương lai. Tại Mông Cổ, một dự án đã được tiến hành nhằm đánh giá tác động của việc thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu lên những người dân du mục; các phương pháp, cơ hội thích ứng của họ và nâng cao khả năng chống chịu của cừu và các hệ sinh thái đồng cỏ chăn bò. Dự án cũng nhằm mục đích nâng cao tính bền vững về sinh kế của người dân chăn cừu và năng lực của cộng đồng du mục trong việc thích ứng với biến động sử dụng đất và biến đổi khí hậu. Nhìn chung, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu đang được tiến hành tại châu Á đều nhằm giải quyết các vấn đề về xã hội và hệ sinh thái nhằm đạt được các lợi ích tập trung vào cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số trở ngại về mặt thể chế nhằm thúc đẩy các dự án này. Châu Phi được phú cho một hệ thực vật và động vật đa dạng. Ru-an-đa là một quốc gia nằm ở miền Trung châu Phi, sinh kế của người dân phụ thuộc phần lớn vào các hoạt động nông nghiệp và lâm nghiệp, góp phần vào quá trình suy thoái đất. Để tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống thủy điện và giải quyết các tác động bất thường của khí hậu, Ru-an-đa đã tiến hành các hoạt động khôi phục lưu vực sông Rugezi-Bulera-Ruhondo, nơi đã bị suy thoái nghiêm 12 trọng. Các biện pháp của Chính phủ Ru-an-đa bao gồm cấm xả thải chất gây ô nhiễm, các hoạt động nông nghiệp và chăn nuôi trong các vùng đất ngập nước. Để làm giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên thu nhập của các nông hộ, Chính phủ cũng cung cấp hỗ trợ cho nông dân để thực hiện các biện pháp canh tác nông nghiệp bền vững và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như nuôi ong, trồng tre... Ngoài ra, hiện nay tại châu Phi cũng có một số sáng kiến khác được tiến hành nhằm hạn chế tính dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như: các sáng kiến dựa trên hệ sinh thái lãnh thổ trong các Chương trình hành động quốc gia nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng kiến Môi trường, biến đổi khí hậu và du lịch, sáng kiến Đói nghèo và môi trường, sáng kiến Trồng vành đai rừng nhân tạo lớn (Great Green Wall)... Các sáng kiến này đều phù hợp với cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, góp phần tăng cường năng lực thích ứng của người dân trong tương lai. 1.3.2. Kinh nghiệm trong nước Tại Việt Nam, thích ứng dựa vào hệ sinh thái vẫn còn là một cách tiếp cận tương đối mới mẻ, song cũng đã bắt đầu được triển khai thí điểm tại một vài nơi, thông qua một số dự án hỗ trợ quốc tế. Chẳng hạn như Dự án “Lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với BĐKH vào công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam” do Chính phủ Thụy Điển tài trợ. Dự án được thực hiện từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013 với mục tiêu xây dựng mô hình quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, lồng ghép với phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với BĐKH của Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng giúp tăng cường kiến thức, kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái nhằm nâng cao quản lý đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường năng lực về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh BĐKH cho Việt Nam và Thụy Điển. Cơ quan chủ quản của dự án là Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Một dự án khác là Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của BĐKH thông qua xây dựng khung hướng dẫn thích ứng với BĐKH dựa vào 13 hệ sinh thái tại Lào và Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), là một trong những dự án đầu tiên nghiên cứu về phương pháp thích ứng này. Mục đích chính của dự án là hỗ trợ hai quốc gia Lào và Việt Nam nhận biết rõ ràng hơn hiệu quả của phương pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái nhằm lồng ghép phương pháp này vào quá trình xây dựng các kế hoạch và chiến lược phát triển quan trọng. Nghiên cứu đã thực hiện thí điểm về tính hiệu quả và kinh tế của thích ứng dựa vào hệ sinh thái so với các giải pháp công trình hiện đang được ưu tiên triển khai để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương tại hai tỉnh Chăm-pa-sắc của Lào và Bến Tre của Việt Nam. Dự án được triển khai trong vòng một năm, từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013, với những mục tiêu cụ thể là xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thực hành thích ứng dựa vào hệ sinh thái thông qua việc xây dựng một khung hướng dẫn và thực hiện thí điểm tại một khu vực cụ thể; đánh giá tính hiệu quả về mặt chi phí và tính bền vững của thích ứng dựa vào hệ sinh thái, cung cấp khuyến nghị hướng dẫn về mặt chính sách để lồng ghép thích ứng dựa vào hệ sinh thái vào các chiến lược phát triển có liên quan cấp trung ương, địa phương và chiến lược ngành; thực hiện đánh giá tính tổn thương và xây dựng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái phù hợp với một lưu vực thuộc tỉnh Chăm-pa-sắc và Bến Tre. Trong khuôn khổ dự án, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật “Xây dựng và thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” đã được xây dựng. Đây là tài liệu quan trọng, cung cấp các hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ việc triển khai các giải pháp này một cách khoa học và phù hợp với bối cảnh địa phương. Gần đây, Dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Đức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản Dự án. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2014 - 2018) với tổng mức đầu 14
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan