Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Khoa học xã hội Văn học Thi pháp nhân vật trong tác phẩm lão hạc...

Tài liệu Thi pháp nhân vật trong tác phẩm lão hạc

.PDF
19
129
118

Mô tả:

PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nam Cao là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, một nhà văn tài năng, một người cầm bút có trách nhiệm và đầy tâm huyết với nghề nghiệp của mình. Một trong số những yếu tố dẫn đến tài năng đặc sắc của Nam Cao chính là khả năng hư cấu và điển hình hóa nhân vật theo cách riêng của ông hay nói cách khác là khả năng xây dựng hình tượng nghệ thuật rất đỗi tài tình. Nhân vật mà ông tạo dựng nên rất đặc sắc, mỗi tác phẩm là một tuyến nhân vật khác nhau, được ông trau chuốt, chăm sóc hết sức kĩ lưỡng tạo ấn tượng rất sâu cho người đọc, không ai trộn lẫn vào ai. Và với tài năng như thế, ông đã xây nặn lên một Lão Hạc với những số phận, tính cách và thế giới nội tâm rất riêng, rất mới mẻ. Dù đây cũng chỉ là câu chuyện về chủ đề người nông dân đói nghèo sống trong xã hội cũ, nhưng Lão Hạc lại không bị lu mờ giữa hàng đống những tác phẩm được sáng tác cùng thời, mà nó nổi lên trong những đống tàn dư còn thoi thóp nằm lại, truyện ngắn này được coi là tác phẩm thành công nhất trong việc sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nam Cao có khả năng lay động sâu xa, đánh thức mạnh mẽ sự đồng cảm của người đọc. Và để hiểu rõ hơn về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, tôi xin chọn đề tài “Thi pháp nhân vật trong tác phẩm Lão Hạc” trong bài tiểu luận lần này của mình. Hy vọng tôi sẽ khám phá thêm những điều mới mẻ trong thi pháp mà nhà văn đã sử dụng trong tác phẩm của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Theo tài liệu công bố của các tác giả biên soạn cuốn “Nam Cao về tác gia và tác phẩm” ở phần thư mục có trên 200 công trình lớn nhỏ nghiên cứu về Nam Cao và sự nghiệp sáng tác của ông. Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao được chú ý từ năm 1941 với lời tựa của Lê Văn Trương cho tập “Đôi lứa xứng đôi”, do nhà xuất bản “Đời mới” ấn hành 1941 “Ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình”. Ý kiến này cho thấy Nam Cao xuất hiện với một phong cách sáng tác mới, táo bạo và có sắc thái riêng. “Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945” của Nguyễn Đăng Mạnh (NXB Giáo dục 2000) đã dành một chương riêng cho Nam Cao đặt bên cạnh các tác giả lớn của văn học hiện thực phê phán là Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng... Chương sách có những sự phân tích khá toàn diện và có những khám phá mới mẻ, sâu sắc đối với sáng tác của Nam Cao. Nguyễn Đăng Mạnh đề cập đến cách xây dựng nhân vật cùng với tấn bi kịch về cuộc đời các nhân vật, qua đó thể hiện tư tưởng nhân đạo của Nam Cao: “Miêu tả nhân vật, Nam Cao chú ý tập trung soi rọi đời sống bên trong, đó là sở trường của tài năng Nam Cao. Với Nam Cao điều đó trở thành yếu tố hàng đầu”. Phạm Xuân Nguyên trong “Nam Cao và sự lựa chọn chủ nghĩa hiện thực mới” đã khẳng định đặc điểm của sáng tác Nam Cao là “sự vận động của một quá trình của chiều sâu của sự vận động đó. Ông muốn phân tích, giải thích hiện thực bằng cách lí giải hành động nhân vật trên phương diện tâm lí” và là “Nhân vật luôn đứng giữa thiện – ác, hiền – dữ, luôn ở thế giằng co chống lại giữa cái bên trong và cái nghiệt cảnh bên ngoài, luôn ở trạng thái hối hận, nuối tiếc và cô đơn”. Trong các cuốn “Chúng ta mất Nam Cao” (1954), “Người và tác phẩm Nam Cao” (1956) hay “Những kỉ niệm Nam Cao” (1991) Tô Hoài đã khẳng định “Nam Cao không che dấu, không màu mè gì hết, nói toạc cái cuộc sống cùng đường tận lối và nhơ nhớp của những người như anh”. Ông cho rằng nhân vật trong các tác phẩm của Nam Cao luôn mang một hơi hướng thiên về sự u sầu, bế tắc trước cuộc sống, bên cạnh đó cũng ca ngợi tài năng của Nam Cao trong văn đàn văn học Việt Nam tạo được nét riêng trong tác phẩm của mình. “Tuyển tập Nam Cao” - Hà Minh Đức nói về nghệ thuật sáng tạo tâm lý của Nam Cao. Ở mỗi nhân vật loại này của Nam Cao luôn có một đường dây chuẩn mực để đối chiếu, so sánh và tự ngẫm lại mình. Không chỉ riêng tác phẩm Lão Hạc mà những công trình nghiên cứu về nghệ thuật trong tác phẩm của ông còn bao gồm nhiều tác phẩm khác nữa. Lão Hạc chỉ là minh chứng tiêu biểu cho thi pháp nhân vật trong sáng tác của Nam Cao. Trong công trình nghiên cứu “Nam Cao một đời người một đời văn”, Nguyễn Văn Hạnh đã phân tích những nét khái quát về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Nam Cao. Ông đề cập đến đặc điểm tính cách của Nam Cao, những đóng góp của Nam Cao về tư tưởng nhân đạo, về nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lý nhân vật, về cấu trúc tác phẩm và về ngôn ngữ trong tác phẩm Nam Cao. Nghiên cứu về thi pháp nhân vật nói chung gồm những đề tài như: “Thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao” của Trần Đăng Suyền, “Phong cách truyện ngắn Nam Cao” của Vũ Tuấn Anh, “Phong cách truyện ngắn Nam Cao trước Cách mạng” của Bùi Công Thuấn, “Một đặc điểm của thi pháp truyện Nam Cao” của Phạm Quang Long, “Đặc trưng bút pháp hiện thực” của Phong Lê,... Tiếp nối những đề tài đã nghiên cứu như trên, tôi xin đi vào tìm hiểu “Thi pháp nhân vật trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao”, cụ thể là nhân vật lão Hạc để hiểu rõ hơn về tài năng của nhà văn này trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. PHẦN NỘI DUNG I. Những vấn đề chung 1. Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc Nam Cao (1917-1951) quê tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân - nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời sáng. Thời gian càng lùi xa, tác phẩm của Nam Cao càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. “Lão Hạc” là một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết năm 1943. Tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn khá tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. 2. Khái niệm về thi pháp nhân vật Hiện nay về cơ bản chưa có khái niệm thi pháp mà chỉ có giới thuyết. Có người quan niệm: “Thi pháp là sự tổng hợp các thành tố của hình thức nghệ thuật trong tác phẩm ngôn từ”. Có người hiểu rộng hơn: “Thi pháp không chỉ bao gồm những thành tố kể trên mà còn bao gồm cả những vấn đề loại hình, thể tài, những nguyên tắc và phương pháp phản ánh hiện thực và các phạm trù: không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của tác giả về thế giới và con người”. Hay: “Thi pháp là một hệ thống các phương tiện và phương thức thể hiện cuộc sống bằng nghệ thuật, khám phá cuộc sống bằng hình tượng”. Nghiên cứu thi pháp nhân vật khác với công việc phân tích nhân vật. Phân tích nhân vật là chỉ ra các nội dung đựơc thể hiện trong nhân vật như tính cách, ngoại hình, phẩm chất, niềm vui, nỗi buồn, lí tưởng… Trái lại khi nghiên cứu thi pháp nhân vật, ta phải khám phá cách cảm nhận con người qua việc miêu tả nhân vật. Tất nhiên, khi ta đã tìm hiểu thi pháp nhân vật thì việc phân tích nhân vật sẽ sâu sắc hơn, toàn diện hơn. Tác phẩm Lão Hạc là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực. Nơi đây nhà văn miêu tả con người như chính họ trong cuộc sống.  Về mặt quan niệm xã hội, Lão Hạc cần được coi là con người “đáng kính, đáng thương”.  Về mặt nghệ thuật, Lão Hạc được miêu tả là con người tâm lí – sống nội tâm. Nghĩa là lão tự dằn vặt mình, sống với mình – một bước phát triển cao của con người. Nam Cao đã phát hiện thấy sự chênh lệch giữa vẻ bề ngoài và nội tâm của con người. Tóm lại: Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm nhận thẩm mĩ khi xây dựng nhân vật. Quan niệm đó chi phối nhà văn khi miêu tả nhân vật và các bộ phận khác của tác phẩm (kể cả lời dẫn truyện.v.v..). Đây là kiểu thi pháp cơ bản nhất của văn học nghệ thuật. II. Thi pháp nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao 1. Miêu tả ngoại hình, số phận nhân vật Lão Hạc Thông thường khi xây dựng nhân vật, các nhà văn phần lớn đều dựa vào nhiều điển hình xã hội để lựa chọn, khái quát, tổng hòa từ nhiều mẫu người trong xã hội chứ không phải dựa vào một con người cụ thể nào. Nếu so sánh với cách xây dựng nhân vật của Nam Cao ta có thể dễ dàng nhận thấy một thực tế có vẻ ngược chiều. Nhiều nhân vật của Nam Cao được xây dựng từ một nguyên mẫu cụ thể. Đôi khi người đọc có cảm giác những nguyên mẫu ấy bước thẳng từ đời thực vào những trang viết của ông. Hầu hết những nhân vật nổi tiếng do Nam Cao sáng tạo đều có một phần thực ngoài đời thậm chí đều là người làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân. Hình tượng nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, nhân vật chính vốn được xây dựng trên nguyên mẫu một ông già tên là Trùm San. Đây là một người vốn theo đạo Thiên chúa, chức “trùm” của ông chỉ là do mua danh chứ thực ra ông rất nghèo. Hoàn cảnh đời tư của trùm San cũng éo le, khắc nghiệt đúng như Nam Cao đã miêu tả hoàn cảnh của lão Hạc. Chỉ riêng chi tiết tự vẫn bằng bả chó không phải là của Trùm San mà là của một ông già khác tên là Trùm Luông - ông này cũng nghèo xơ nghèo xác giống như Trùm San vậy. Bằng ngòi bút hiện thực, bằng tài năng miêu tả diễn biến tâm trạng, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Lão Hạc. Lão Hạc là người nông dân lao động nghèo khổ, bất hạnh.  Lão sống trong tuổi già cô đơn đầy lo nghĩ. Cuộc đời lão Hạc bị xã hội đương thời và đói nghèo vùi dập, dìm sâu xuống vũng bùn của sự tăm tối, bất hạnh. Vợ chết sớm, lão sống cô đơn trong cảnh “gà trống nuôi con”. Cả đời làm lụng vất vả, vợ chồng lão cũng tậu được mảnh vườn, nhưng mảnh vườn ấy cũng không giúp lão lo đượcc hạnh phúc cho con. Đứa con trai duy nhất của lão đã có người yêu, chúng rất mến nhau, nhưng tiền thách cưới quá nặng, mất “cứng đến 200 bạc lão không lo được”. Tục lệ cưới xin lạc hậu, lão không làm tròn bổn phận của người cha. Nỗi đau ấy luôn dày vò lão. Phẫn chí, anh con trai bỏ đi phu đồn điền cao su để lão sống một mình. Lão xót xa cay đắng khi nhận ra đưa con cứ tuột đần khỏi tay mình “hình của nó người ta chụp, ảnh của nó người ta giữ, nó là người của người ta rồi chứ đâu còn là con của tôi nữa”. Và từ đấy lão sống một mình, bầu bạn với lão chỉ có con Vàng. Vợ chết, con đi xa, lão cô đơn làm sao. Đến ông giáo cũng cảm nhận được nỗi cô đơn của lão “già rồi mà ngày cũng như đêm, suốt ngày chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn”. Ấy vậy mà lão cũng phải bán con Vàng, bán nguồn an ủi động viên, bán người bạn. Giá như ta biết quá trình tính toán, cân nhắc từng bữa ăn của chó, của người, biết được bao lần lão Hạc đã sang kể cho ông giáo nghe việc mình bán con Vàng, ta mới thấy được lão đã day dứt, trăn trở, khổ đau thế nào.  Cuộc sống của lão càng ngày càng túng thiếu chật vật. Già rồi, đến tuổi vui thú điền viên, được con cháu phụng dưỡng mà lão vẫn phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Nhưng ốm đau không chừa lão. Lão đã ốm một trận thừa chết thiếu sống đến hơn tháng trời. Làng lại mất vé sợi, người khoẻ mạnh tranh hết việc, ai thuê người già lão, yếu đau. Lão thất nghiệp, lão sống bằng cái gì đây, không thể tiêu vào tiền của con, lão “chế tạo được món gì, ăn món ấy”, khi bữa trai bữa ốc, khi củ khoai củ dáy. Bữa ăn súi só đắp đổi qua ngày. Cuộc sống đã khổ ngày càng khổ hơn, bế tắc hơn.  Lão sống khốn khổ như vậy mà có người vẫn không hiểu lão. Vợ ông giáo không phải là người xấu. Cuộc sống cũng khốn khó, nhưng khi thấy chồng giúp lão thì chị cũng khó chịu “Cho lão chết. Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ”. Trong con mắt của chị, lão là người keo kiệt bủn xỉn, keo kiệt bủn xỉn với ngay chính bản thân mình, keo kiệt đến gàn dở. Còn Binh Tư - kẻ sống bằng nghề trộm cắp cũng coi thường lão “Lão làm bộ đấy. Lão tẩm mgẩm thế thôi chứ ghê ra phết”, Binh Tư như tìm được một đồng minh. Trong con mắt của Binh Tư, lão chỉ là kẻ sống bất lương núp dưới bộ mặt đạo đức giả. Mỗi người một cách nhìn khác nhau, nhưng rõ ràng lão trở nên xấu xa, gàn dở, tội lỗi.  Sống đã khổ, đến chết cái khổ cũng không buông tha lão. Ta hãy cùng Nam Cao bước sang nhà lão để chứng kiến những giây phút cuối cùng của đời lão “lão đang vật vã…đầu tóc rũ rượi…hai mắt long sòng sọc…bọt mép sùi ra…”. Tác giả tả thực, tả tỉ mỉ từng cử chỉ, hành động của lão trước khi từ giã cõi đời. Cái chết của lão sao mà đau đớn, dữ dội, bất ngờ và bí ẩn đến thế. Xót xa thay, thương cảm thay cho một kiếp người sống trong túng đói, dằn vặt, cô đơn, chết trong đau đớn vật vã. 2. Miêu tả tính cách nhân vật Lão Hạc Xung đột bi kịch trong “Lão Hạc” là xung đột giữa ý thức bảo tồn thiên lương của lão Hạc với cái đói. Trong truyện nhà văn không trực tiếp tả cái đói như ông đã từng tả trong “Một bữa no” hoặc như Thạch Lam, Nguyễn Thị Vịnh từng làm nhưng cái đói dưới ngòi bút Nam Cao có một sức mạnh ghê gớm luôn rình chực bẻ gãy thiên lương, quật ngã con người. Sống trong khổ đau bất hạnh, nhưng Lão Hạc vẫn sáng lên vẻ đẹp của nhân cách.  Lão thương yêu con trai. Nhắc đến con trai lão, ta hiểu lão yêu con sâu sắc đến nhường nào. Lão thương con không lấy được vợ, phẫn chí phải ra đi. Trong việc lỡ dở tình duyên này, lão luôn day dứt vì mình không phải. Ai đời làm cha mà không lo nổi hạnh phúc cả đời cho con, để nó phải đi làm đồn điền cao su? Lão thương con đứt ruột nhưng lại bất lực để con ra đi. Tất cả cũng chỉ tại những hủ tục của xã hội đương thời: bên nhà gái thách cưới nặng quá, lão nghèo nên không thể lo nổi, khiến trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau. Lão không cho nó bán vườn đâu phải vì không thương nó, đứa con mới lớn sao hiểu được sự lo lắng của người cha đã từng trải, suy nghĩ thấu đáo cho tương lai của con: “Ai lại bán vườn đi lấy vợ? Vả lại bán vườn đi thì cưới vợ về ở đâu? Với lại, nói cho cùng nữa, nếu đằng gái họ cứ khăng khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới”. Con trai lão “thấy bố nói thế thì thôi ngay”, “thôi” nhưng nó có vẻ buồn vì “hai đứa mê nhau lắm”. Trước lúc đi xa, nó không những không giận bố mà còn biếu bố hẳn 3 đồng bạc. Đối với lão, tất cả những chi tiết ấy như một kỉ vật thiêng liêng về lòng hiếu thảo. Bởi vậy khi nhắc đến con trong những cuộc trò chuyện với ông giáo, đôi mắt lão Hạc lại rưng rưng, lão ngậm ngùi trong tiếng nấc, bất lực, cam chịu thấy con ra đi : “Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu có còn là con tôi?”. Con trai đi rồi, lão cô đơn nay lại càng cô đơn hơn. Lí lẽ lão biện hộ để giữ lại mảnh vườn cho con rất lạ: lão đứng về phía con mà chống lại mọi thứ. Viết giấy làm văn tự nhượng lại cho ông giáo là người nhiều chữ nghĩa, lí luận đã đành, lão còn chống lại cả chính mình nữa: “của mẹ nó tậu thì nó hưởng”. Ông giáo khuyên cứ để tiền đấy mà ăn, lão năn nỉ: “Đã đành rằng thế. Nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, hết tiền cả. Nó vợ con chưa có, ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao? Tôi cắn rơm cắn cỏ tôi lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi”. Lão lòng tự nhủ lòng: “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu (… ) Của mẹ nó tậu thì nó hưởng. Lớp trước nó đòi bán ta không cho, là ta có ý giữ cho nó chứ có phải giữ để ta ăn đâu. Nó không có tiền cưới vợ, phẫn chí bước ra đi, thì đến lúc có tiền để lấy vợ, mới chịu về. Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó; đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ thì ta thêm vào cho nó, nếu nó có đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn”. Thì ra tình thương con không chỉ thể hiện qua cách ứng xử, với lão Hạc, nó là một nguyên tắc sống. Chính lão không cho phép mình động chạm vào thứ mực thước tinh thần do chính lão đặt ra. Cuộc đời lão như dòng sông bên lở bên bồi. Lão là bên lở cứ lở mãi để bên bồi của con được bồi đắp thêm phù sa màu mỡ, tươi tốt. Lão âm thầm hi sinh chỉ mong con có một tương lai tốt đẹp. Lão luôn nhớ đến con. Đang nói chuyện với ông giáo về việc bán con Vàng, lão cũng nhắc đến con “thằng bé nhà tôi dễ đến hơn một năm không có thư từ gì đấy ông giáo ạ”, nói chuyện với con Vàng, lão cũng nhắc đến con. Có lẽ hình ảnh đứa con lúc nào cũng hiện lên trong nỗi nhớ. Lão trông mong từng ngày con trai trở về. Nhớ con bao nhiêu, lão chắt chiu dành dụm cho con bấy nhiêu. Vì vậy, dù yêu quý con Vàng, lão cũng phải bán đi. Lão chấp nhận cuộc sống đắp đổi qua ngày chứ quyết không phạm vào tiền của con. Lão hiểu với người nông dân, tấc đất quan trọng như thế nào. Lão cũng biết mảnh vườn của con lão đang bị kẻ có thế lực dòm ngó. Và thế là lão vờ nhượng lại cho ông giáo để giữ mảnh vườn cho con. Lão sống đầy trách nhiệm và tình thưng với con.  Thương con trai, lão cũng thương con Vàng. Con chó vốn là loài vật trung thành với chủ, nhưng cũng thường bị coi thường, xem rẻ. Nhưng với Lão Hạc, không có con bên cạnh, lão Hạc bầu bạn cùng con chó mà lão âu yếm gọi bằng Cậu Vàng, và gán ghép con trai mình là bố cậu Vàng. Lão cho nó ăn trong bát như chó của nhà giàu. Lão bắt rận, tắm rửa, ăn gì lão cũng gắp cho nó. Lão âu yếm trò chuyện, khi dấu dí, khi sừng sộ nạt nộ, nhưng rõ ràng là lão coi nó như một đứa cháu. Con Vàng không chỉ là con là cháu mà còn là người bạn để lão vợi bớt nỗi buồn, cô đơn trống trải. Hơn thế, con Vàng còn là kỉ vật của anh con trai. Lão nuôi con Vàng với nguồn hi vọng mai kia con trở về làm cỗ cưới vợ. Nặng nề biết bao khi lão quyết dứt tình để bán cậu Vàng. Không bán cậu vàng, làm sao lão nuôi nổi nó mà không để nó bị ốm đói? Vì lão cũng đang đói dài! Không bán cậu Vàng làm sao lão có đủ chút tiền để khi nhắm mắt xuôi tay mà không mấy “liên lụy đến hàng xóm láng giềng”? Thế chẳng đặng đừng, lão phải bán chó, nhưng việc làm chẳng đặng đừng đó thật sự làm lão đau đớn. Hãy nghe lời ông giáo: “Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước.(…) Mặt lão bỗng nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Chứng kiến cảnh đó, ông giáo cũng muốn “ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc và … không xót xa năm quyển sách quá như trước nữa” vì cuộc đời là một sự bị tước đoạt dần dần những cái mình quý mình yêu. Ông giáo nói với lão Hạc như với người “đồng bệnh tương liên”: “Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?”.  Lão là người nông dân sống lương thiện. Cả đời lão sống bằng đôi bàn tay lao động của mình. Khi còn khoẻ, lão làm thuê cuốc mướn. Khi ốm đau, không làm thuê được nữa thì lão kiếm con trai con ốc, củ khoai củ ráy. Khi không còn tự kiếm sống được nữa thì lão tự kết liễu đời mình bằng bả chó chứ không đi ăn trộm, ăn cắp như Binh Tư. Lão đã chọn cái chết trong còn hơn sống đục. Quen sống lương thiện, lão khổ đau dằn vặt khi nghĩ rằng mình đánh lừa con chó: “thì ra tôi gìa bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa con chó”. Ánh mắt con Vàng xoáy sâu vào lão nỗi oán trách giận hờn khiến lão thấy ân hận, xót xa. Xử sự không phải với con chó lão dằn vặt, day dứt đến vậy thì hẳn lão không thể làm điều ác với ai bao giờ. Lão sống hiền lành, chân chất, nhân hậu quá, đáng trân trọng biết bao.  Lão còn là người giàu lòng tự trọng. Từ một cử chỉ nhỏ: nhường cho ông giáo rít hơi thuốc lào đầu tiên cho đến một ứng xử quyết liệt, đối mặt với cái chết. Sống trong túng thiếu nhưng lão không phiền lụy đến ai. Cảm thông cho cuộc sống tạm bợ củ khoai củ ráy qua ngày của lão, ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ thì “lão từ chối tất cả. Từ chối đến mức gần như là hách dịch”. Sự giúp đỡ của ông giáo chắc cũng chẳng đáng là bao, nhưng trong cảnh khốn cùng “một miếng khi đói, bằng một gói khi no” ẳn là rất đáng quý. Vậy mà lão lại từ chối. Phải chăng lão hiểu rằng nhà ông giáo cũng nghèo, hiểu rằng bà giáo không thoải mái gì. Ông giáo tốt bụng thật, nhưng lão không thể lợi dụng lòng tốt của ngơừi khác, không thể để phiền luỵ đến người khác. Lão đã từng nói với ông giáo “Để phiền cho hàng xóm, chết không nhắm mắt được”. Ngay đến cả đám ma của mình, lão cũng gửi tiền lại nhờ bà con làm ma cho. Một biểu hiện thật cao đẹp mà cũng thật chua xót của lòng tự trọng là lão thà chết để giữ trọn đạo làm cha, nhân cách làm người. Không thể đi ăn trộm như Binh Tư, không thể phạm vào tiền của con, lão đã âm thầm “dọn cho mình con đường sạch sẽ nhất để đi đến nhà mồ” (Văn Giá). Một nỗi nghẹn ngào trào dâng khi ta hiểu rằng: con người cô đơn bất hạnh ấy đã sống bằng một tình yêu thương sâu sắc, bằng nhân cách cao thượng và chết đi trong ý thức tự trọng vô cùng lớn lao. Cái chết của lão là câu trả lời cho ai đó chỉ thấy vẻ bề ngoài “gàn dở bần tiện” hay chỉ làm bộ đạo đức giả. Lão Hạc - người nông dân bình thường, nhỏ nhoi, nghèo đói, nhưng từ lão lại toả ra ánh sáng rạng ngời của nhân cách. 3. Miêu tả nội tâm nhân vật Lão Hạc Đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý đến hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hoạy động bên ngoài. Đây là phong cách rất độc đáo của Nam Cao. Quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá con người trong con người. Tâm lí nhân vật trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Truyện xây dựng theo cốt truyện tâm lí, đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Xuyên suốt truyện, ta thấy từng suy tính, cân nhắc, lựa chọn của lão Hạc. Mặc cho cái vẻ bề ngoài có phần lẩn thẩn của nhân vật, Nam Cao đã “cố tìm mà hiểu” để nhìn thấu cái bề sau, bề sâu, bề xa, để thấy được bản chất nhất mực lương thiện, nhân hậu, tuyệt vời tự trọng và vị tha của lão. Mở đầu truyện, từ điểm nhìn của nhân vật tôi - ông giáo - người kể chuyện: “Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước…”, Nam Cao đã khéo léo dẫn dắt cuộc đối thoại ngầm giữa hai ý thức: ý thức của lão Hạc và ý thức của ông giáo. Lão Hạc phải dềnh dàng mãi mới nói ra cái dự định mà ông không hề muốn làm: “Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!”. Nghe câu đó, ông giáo rất “dửng dưng” vì biết “Lão nói là nói để đó thế thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật đi nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế!”. Ông giáo mặc nhiên muốn bác lão Hạc: “Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi”. Nhưng rồi sau đó, đương nhiên, ông giáo cũng hiểu ra cái lí do khiến lão Hạc khổ tâm khi phải bán chó chính là vì lão thương thằng con, cốt nhục duy nhất của lão giờ trôi dạt không biết tận đâu, không khéo suốt cả đời nó sẽ sa vào kiếp vong gia thất thổ. Do đó tuy mầm mống bi kịch của lão Hạc bắt đầu từ một tình yêu bất thành bất thành hôn sự của đứa con trai nhưng bi kịch nội tâm của lão Hạc thật sự bắt đầu khi lão có ý định bán “cậu Vàng” trong nỗi tuyệt vọng vì ngay cả cái tử tế cuối cùng, cái niềm hi vọng cuối cùng của lão lão cũng đánh mất “tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Bước thứ nhất trong kế hoạch ấy là tìm người tâm phúc để uỷ thác. Lão tâm sự cùng ông giáo: “lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào; con không có nhà; lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt; lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc (….) để lỡ có chết thì (…) gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả”. Bước thứ hai, lão đơn thương độc mà dấn thân. Trao trọn ba mươi đồng cùng với văn tự giao vườn cho ông giáo - để giữ vườn lại cho con và khỏi liên lụy xóm làng vì hậu sự của mình lão không còn một trinh một chữ. Lão chế tạo mọi thứ có thể để nhét và dạ dày quen lép kẹp của lão mà nào đâu có đủ cầm hơi. Kết cục, lão đã chọn cái chết bằng bả chó đầy vật vã thương tâm để đi trọn hành trình làm người lương thiện. Lão Hạc hơn ai hết là một con người ham sống nhưng phải chọn cái chết để bảo tồn thiên lương. Sự ham sống của lão Hạc thể hiện qua nhiều chi tiết: lão đinh ninh thằng con lão sẽ về, lão cố nuôi cậu Vàng để giết thịt làm cỗ cưới; lão làm lụng nuôi thân, không phạm vào số tiền bòn vườn; ngày đói lão chế biến, vận dụng mọi cách để sống và luôn luôn hi vọng vào ngày sau. Nhưng sự thật giản dị ấy không phải ai cũng hiểu. Cũng như những nhân vật Thứ trong “Sống Mòn”, Chí Phèo ở làng Vũ Đại trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh đặt sắc - đôi lúc đến dị hợm - nhưng đều đáng thương, họ là những tầng lớp thấp cùng của xã hội phong kiến, họ có đời sống bần cùng, nhưng lại có phẩm chất cao đẹp. Cao đẹp chứ không phải “cao thượng”, những cái dõm đáng, nặt thiệp, tế nhị dường như không có chỗ đứng trong tác phẩm của Nam Cao. Ông để cho nhân vật Lão Hạc của mình suy nghĩ một cách tầm thường. Lấy vợ cho con mình thì “xem có đám nào khá mà nhẹ tiền hơn sẽ liệu, chẳng lấy đứa này thì lấy đứa khác; làng này đã chết con gái đâu mà sợ”. Thương con đứt ruột nhưng lại bất lực khi thấy con ra đi. “Thẻ của nó người cha giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó lại đã lấy tiền của người ta. Nó là người người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi”. Tiếng nấc nghẹn ngào bật ra từ đáy lòng của người cha dường như không còn chút gì ấm ức, cam chịu. Lời lẽ ngậm ngùi đó khiến ta có cảm tưởng của một bà mẹ hơn một người cha. Ở đây Nam Cao dựng lên một người cha bị cái đói khổ đến cùng cực kéo lão ra giữa vòng lẩn quẩn, và lão đã trụ lại một cách vững chãi trên mãnh đất nhân phẩm trơn tru và mờ nhạt, khó mà phân biệt ranh giới của chúng. Trong cái nền xám xịt âm u đó, lão Hạc đã chọn cho mình một cái chết. Chết nhưng không rơi vào đáy mồ hư vô chủ nghĩa. Ta lặng lẽ đi phúng điếu Lão Hạc, và cũng ngậm ngùi đón nhận cái nghĩa cử thiêng liêng của lão giành cho người ở lại, “Bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng”. Chứng kiến cái chết vật vã của lão Hạc, ông giáo xúc động như mới lần đầu phát hiện ra một tâm hồn cao cả, một nhân cách trong sáng ẩn chứa trong một con người bình thường. Cái chết của lão Hạc như một lời phủ chính hùng hồn đối với những ý kiến chưa thấu nhẽ đời, ngộ nhận, thiên lệch về lão. Trong đó có ý kiến của chính người vợ tảo tần, túng khó của ông giáo. Nhưng không thể trách bà ấy vì như ông giáo nhận xét “Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có bao giờ quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”. Lại có cả ý kiến của Binh Tư, làm nghề ăn trộm, láng giềng của lão Hạc. Lão Hạc dễ dàng lừa binh Tư để xin bả chó và binh Tư dễ nhầm tưởng lão Hạc vì bí đường nên phải “ngưu tầm ngưu” với hắn, người vốn lão Hạc không ưa. Chúng ta cảm nhận cái chết của lão Hạc có chút gì đó giống với sự tuần tiết của một bậc trượng phu “chết trong hơn sống đục”. Tình thương lão giành cho người ở lại dường như đã vắt cạn hết lòng tự trọng của một con người, xoá sạch nổi cao ngạo đối với một con chó, và đầy ắp nổi cưu mang đối với giá trị nhân phẩm trót vời của nền luân lý Á Đông. Cái chết của Lão Hạc dù “vật vã trên giường… vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết”, nhưng ai hiều được cái bên trong tội nghiệp đến rùng mình ấy còn tàn trữ một hòn ngọc vô giá lấp lánh rạng ngời niềm vui tiết hạnh. Nam Cao đã từng trên quan điểm nhân bản của Thánh hiền, lặn sau xuống đáy tột cùng của xã hội để hiểu một con người. Cái chết của Lão Hạc dù kết thảm bi thảm như thế nào, lão vẫn giữ lại cho chúng ta bức thông điệp về nổi trăn trở của một con người trong niềm đau nhân cách. Ta không đưa Lão Hạc đên tận huyệt mồ quên lãng, nhưng vẫn thấy sâu thẳm huyệt lòng một niềm rưng rưng không nguôi. Người cha “Thà chết chứ không chịu bán đi một sào…” cái mãnh vườn thân yêu dành cho đứa con khốn khổ. Nam Cao lạnh lùng đẩy nấc thang đạo đức đến ranh giới của thị phi, khiến chúng ta dầu không bắng lòng vẫn không giám vội vàng phê phán. 4. Thi pháp nhân vật thể hiện tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao Điểm khác biệt của Lão Hạc so với “Chí Phèo”, “Đời thừa” là ở chỗ nhân vật xưng tôi – người dẫn chuyện. Ở đây nhân vật người kể chuyện đã đóng vai trò nối liền tác giả - nhân vật và độc giả. Tác giả, nhân vật, và người đọc hầu như bình đẳng. Đó là dấu hiệu của một thi pháp tự sự hiện đại. Việc tác giả hoá thân vào nhân vật tôi làm cho cách kể linh hoạt, lời kể chuyển dịch trong mọi góc không gian, thời gian, kết hợp giữa kể và tả, hồi tưởng với bộc lộ cảm xúc trữ tình và triết lý sâu sắc. Những suy nghĩ của nhân vật này giúp người đọc hiểu rõ hơn về con người Lão Hạc. Nhân vật Lão Hạc đẹp, cao quý thực sự thông qua nhân vật tôi. Tính đa giọng điệu bắt nguồn từ kết cấu này. Vì đã là “tôi” thì phải là một cái “tôi” cụ thể, có số phận, tâm tư, nỗi niềm đang tham dự, chứng kiến, chia sẻ, đối thoại với các nhân vật trong truyện, khi thì hoà nhập hẳn vào các nhân vật, các biến cố đầy bất ngờ. Kết cấu nhân vật như vậy giúp việc khai thác mâu thuẫn bi kịch “chuyển vào bên trong” của nhân vật lão Hạc càng có sức ám ảnh hơn. Ta thấy ở Lão Hạc, nhân vật được chiếu rọi từ nhiều điểm nhìn, góc nhìn trần thuật khác nhau: Cái nhìn của ông giáo (nhân vật người trần thuật) với ý thức đi tìm “cái bản tính tốt của người bị nỗi buồn đau ích kỉ che lấp mất”, cái nhìn của bà giáo, cái nhìn của Binh Tư, và cả cái nhìn bên trong của chính lão Hạc. Chính nhờ cách dựng truyện từ những quan điểm khác nhau ấy - khi thì phủ nhận nhau, khi thì điều chỉnh, bổ sung, đào sâu thêm - đã làm hiện rõ hơn bao giờ hết một lão Hạc bề ngoài tưởng như gàn dở, lẩm cẩm, thậm chí còn có khi còn bị nghi là “đạo đức giả” nhưng kỳ thực là một người nông dân nhất mực lương thiện, một nhân cách đáng trọng, một người tử vì đạo - đạo làm người. Lão Hạc của Nam Cao còn là sự tài tình trong việc sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ của ông. Ngôn ngữ thật sự đa dạng: Tiếng nói nhân vật, tiếng nói tác giả, tiếng hòa trộn của tác giả với nhân vật và đặc biệt sở trường về ngôn ngữ bên trong với giọng nhập vai hết sức linh hoạt, không chỉ bộc lộ tâm tình mà còn thể hiện được cả tính cách của nhân vật lão Hạc trong tác phẩm này. Một nét hấp dẫn khác trong tác phẩm này là tình triết lí sâu sắc, triết lí mà không khô khan, xuất phát từ cuộc sống thực và từ tâm tư đầy đau đớn, dằn vặt của nhà văn. Đó là những đoạn triết lí của ông giáo ở cuối tác phẩm, khi hiểu lầm và biết được sự thật về con người lão Hạc, ông đã giật mình. Ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia sẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương. Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ. Đọc tác phẩm của Nam Cao, không nên chỉ chú ý tới đề tài hay nội dung xã hội trực tiếp của tác phẩm mà còn phải căn cứ vào những tư tưởng của ông phát biểu qua hình tượng và mệnh đề triết lí ông rút ra từ thực tế. Cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện của tác giả. Diễn biến tâm lí của lão Hạc, của ông giáo được miêu tả hợp lí, tự nhiên. Hai nhân vật ấy đều có nỗi khổ riêng, nhưng ông giáo, nhờ có việc “cố tìm mà hiểu” đã phát hiện ra vẻ đẹp của lão Hạc đằng sau vẻ ngoài dường như lẩn thẩn, dở hơi. Hình tượng nhân vật Lão Hạc là hình tượng phi vật chất. Sử dụng chất liệu ngôn từ mà nhà văn đem lại cho ta hình ảnh ảo của nhân vật Lão Hạc mà ngôn ngữ văn chương gợi lên trong óc tưởng tượng của chúng ta. Có lẽ chính bởi vì nó không cụ thể, cho nên hình ảnh ảo mới có thể hài hòa được với cái ngôn ngữ khái niệm rất trừu tượng nhưng lại có khả năng diễn đạt nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Có thể nói tấn bi kịch của lão Hạc đến bây giờ vẫn còn khả năng đối thoại về tình thương, nhân cách, lẽ sống với chúng ta nhiều lắm. Lão Hạc thể hiện sâu sắc tài năng của nhà văn đặc biệt là trong nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật khắc họa đời sống nội tâm nhân vật, có khả năng lay động sâu xa, đánh thức mạnh mẽ sự đồng cảm của người đọc. PHẦN KẾT LUẬN “Lão Hạc” thể hiện sâu sắc tài năng của Nam Cao và “đưa ông lên hàng đầu dòng văn học hiện thực Việt Nam đang đi vào chặng cuối cùng của nó, trước khi vào bản lề Cách mạng tháng Tám”. Nước mắt ngậm ngùi làm nền cho bức tranh hiện thực, tình thương và nghĩa sống là những nét chấm phá truyền thần trong dòng tư tưởng của Nam Cao. Lão Hạc - chính lão Hạc là một bức tượng đài hấp dẫn cho hai hình ảnh: một người cha thương con và một ông lão nghèo kiết xác nhưng vẫn tự trọng, đáng thương của cuộc sống. Kết truyện người đọc được nâng cao mình lên bởi ý thức tự do của nhân vật, “tự do trong sự lựa chọn bi đát của mình. Đó là điều bí mật sau cùng mà Nam Cao tìm thấy ở người nông dân này”. Nói như văn hào Nga Eptusenco: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời Mỗi số phận chứa một điều cao cả” Nam Cao đã tìm thấy những hạt trân châu lóng lánh trong sâu thẳm những thân phận con người, Nam Cao tỏ ra rất nhạy bén trong việc miêu tả tâm lý nhân vật, ông đi vào từng ngóc ngách tâm hồn của con người để tìm ra được những cái hay, cái dở trong mỗi nhân vật và bao trùm lên tất cả là một tấm lòng nhân ái, tình người thấm đậm trong từng trang viết và trong cuộc sống thời đại nào và lúc nào cũng cần lòng nhân ái, cái nhìn thiện chí – nó giúp con người sống vươn tới “chân, thiện, mỹ” hơn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhân vật là linh hồn của tác phẩm. Tìm hiểu nhân vật cũng là một cách để hiểu giá trị của tác phẩm văn học. Nam Cao, với thi pháp nhân vật trong Lão Hạc đã nâng bước, khẳng định mình trên một tầng cao mới – khẳng định cái bản ngã của mình trên con đường văn học còn nhiều thách thức, góp phần xây dựng nền văn học nước nhà. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đình Thi, “Mấy vấn đề văn học”, NXB Văn nghệ - năm 1956. 2. Phong Lê – Huệ Chi, “Đọc truyện ngắn Nam Cao soi lại những bước đi lên của nhà văn hiện thực”. 3. Hà Minh Đức (1993), “Tuyển tập Nam Cao”, Tập 1 NXB Giáo dục Hà Nội. 4. Nhiều tác giả (2001), “Nghệ thuật như là thủ pháp”, NXB Hội nhà văn, Hà Nội. 5. Nguyễn Phong Nam, “Đại cương thi pháp học”, Đại học Đà Nẵng. 6. Lê Văn Trương, “Đôi lứa xứng đôi”, NXB Đời mới ấn hành 1941. 7. Nguyễn Đăng Mạnh, “Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945”, (NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2000). 8. Phạm Xuân Nguyên, “Nam Cao và sự lựa chọn chủ nghĩa hiện thực mới”. 9. Nguyễn Văn Hạnh, “Nam Cao một đời người một đời văn”. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................. 1 1. Lí do chọn đề tài ................................................................................................ 1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ................................................................................ 1 PHẦN NỘI DUNG .............................................................................................. 4 I. Những vấn đề chung .......................................................................................... 4 1. Nam Cao và truyện ngắn Lão Hạc .................................................................... 4 2. Khái niệm về thi pháp nhân vật......................................................................... 4 II. Thi pháp nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao ........... 5 1. Miêu tả ngoại hình, số phận nhân vật Lão Hạc ................................................. 5 2. Miêu tả tính cách nhân vật Lão Hạc.................................................................. 7 3. Miêu tả nội tâm nhân vật Lão Hạc .................................................................. 11 4. Thi pháp nhân vật thể hiện tư tưởng nghệ thuật của Nam Cao ...................... 14 PHẦN KẾT LUẬN ............................................................................................ 17 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................ 18
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan