Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ thể chế chính trị Philippin...

Tài liệu thể chế chính trị Philippin

.DOC
20
4172
137

Mô tả:

A, PHẦN MỞ ĐẦU Thể chế chính trị với tư cách là những định chế tạo thành những nguyên tắc tổ chức và phương thức hoạt động của chế độ chính trị, vừa là hình thức thể hiện của các thành tố trong hệ thống chính trị. Trong thể chế chính trị, thể chế nhà nước là quan trọng nhất, bởi vậy người ta căn cứ chủ yếu vào hình thái biểu hiện của thể chế nhà nước để phân loại các thể chế chính trị. Tên gọi của hình thái chính thể nhà nước cũng chính là tên gọi của thể chế chính trị. Trên thế giới hiện nay tồn tại nhiều loại hình thể chế nhà nước, do đó cũng tồn tại nhiều loại hình thể chế chính trị. Tuy nhiên, có thể quy thành hai loại thể chế chính trị tiêu biểu là quân chủ và cộng hòa. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều quốc gia theo thể chế chính trị cộng hòa, trong số đó có Cộng hòa Phillippin. Tác giả xin lựa chọn vấn đề “Hệ thống chính trị Cộng hòa Philippin” để làm tiểu luận nghiên cứu chuyên đề này. B, PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ ĐẤT NƯỚC VÀ LỊCH SỬ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA CỘNG HÒA PHILIPPIN 1.1 Khái quát về đất nước Cộng hòa Phillippin 1.1.1 Vị trí địa lý Cộng hòa Philippin có diện tích là 300.000 km2 nằm ở khu vực Đông Nam Á, ở giữa Đài Loan và Borneo. Là vùng đất thuộc rừng mưa nhiệt đới, núi lửa vẫn còn hoạt động, có nhiều động vật hoang dã khác nhau, nhiều bãi san hô đầy màu sắc, hệ động vật và thực vật phong phú do thiên nhiên ban tặng. Bao gồm gần khoảng 7.107 hòn đảo, Philippin thiết lập một hệ thống quần đảo có bờ biển bao quanh ở phía đông, tây và nam. Toàn bộ các hòn đảo ở đây được chia thành ba quần thể độc đáo: Luzon, Visayas và Mindanao. Hai hòn đảo lớn nhất đó là Luzon ở miền Bắc và Mindanao ở miền Nam, chiếm 65% tổng diện tích và 60% tổng dân số của đất nước này. Phần lớn địa hình của Philippines là núi non và có nguồn gốc núi lửa. Các nham thạch núi lửa ở khu vực này đã ban tặng cho Philippines đất đai trồng trọt màu mỡ và phong cảnh đẹp tuyệt vời. Philippin có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Toàn bộ bờ biển Philippin dài 23.184 km. 3/4 diện tích là rừng núi; đồng bằng thấp, nhỏ, hẹp và có nhiều thung lũng xen kẽ các sườn núi. Philippin nằm trong khu vực có nhiều động đất và núi lửa với khoảng 10 núi lửa đang trong thời kỳ hoạt động. Philippin có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường có bão lớn (trung bình 20 cơn bão/năm). 1.1.2 Tổng quan kinh tế Philippin là nước khá giàu tài nguyên thiên nhiên trên đất liền và dưới biển, có nhiều khoáng sản như vàng, đồng, sắt, crôm, măng-gan, than đá, dầu lửa và khí đốt. Năm 2004, Chính phủ ước tính trữ lượng khoáng sản trong lòng đất có tổng giá trị khoảng từ 800 đến 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay Philippines mới chỉ xuất khẩu khoáng sản khoảng 0,5 tỷ USD/năm. Philippin chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp và trình độ phát triển còn thấp, GDP đầu người 4.500 USD (2011, xếp hạng 156 toàn cầu). dân số dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Nông nghiệp chiếm 12,3% GDP. Cây trồng chính là lúa, ngô, dừa, mía, chuối, dứa, cà phê, thuốc lá, bông, đay, các loại đậu và cây Abaca để lấy sợi. Trước đây, công nghiệp của Philippin chủ yếu là khai khoáng, gỗ và chế biến thực phẩm. Một số ngành mới nổi lên là điện tử và may mặc xuất khẩu. Philippin buôn bán chủ yếu với Mỹ, Nhật. Nhập khẩu chính của Philippin là: dầu mỏ, than đá, sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, lương thực, hoá chất,… Dịch vụ ở Philippin phát triển khá mạnh, chiếm trên 54,4% GDP. Xuất khẩu lao động rất quan trọng, với trên 10 triệu người lao động ở nước ngoài, mỗi năm ước tính gửi về nước khoảng 10-12 tỷ USD. Từ 1946, với chiến lược “thay thế nhập khẩu”, kinh tế Philippines bắt đầu phát triển và có tốc độ tăng trưởng cao hơn Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Sang thập kỷ 70, với chiến lược “hướng vào xuất khẩu”, kinh tế Philippines đã có một số kết quả tích cực: GNP năm 1979 đạt 7,5% và bình quân đầu người đạt 590 USD. Từ 1983, kinh tế Philippines khủng hoảng. Đến 1986, được sự hỗ trợ tích cực của các nước tư bản lớn và các tổ chức tài chính quốc tế, kinh tế Philippines phục hồi. Năm 1996, GDP đạt 7,1%, dự trữ ngoại tệ đạt 11,6 tỉ USD, FDI đạt 5,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.090 USD. Từ 1998 đến 2000 do khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực và tình hình nội bộ Philippines bất ổn nền kinh tế Philippines suy giảm. Giá trị đồng peso giảm mức thấp nhất. Từ 2004 trở lại đây, kinh tế Philippines phát triển tương đối nhanh, đạt mức tăng trưởng 55,5%/năm, GDP năm 2005 đạt 1.080 USD/người. Xuất khẩu tăng khá, đồng Peso tăng từ 57Peso/USD lên khoảng 50 Peso/USD. Năm 2009, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, GDP Philippines chỉ tăng 1,1%. Đến năm 2010 và 2011, kinh tế Philippines có dấu hiệu phục hồi với mức tăng GDP lần lượt là 7,6% và 4,7%. Tuy nhiên, kinh tế Philippines còn nhiều khó khăn do cơ cấu kinh tế nói chung, cơ cấu kinh tế vùng nói riêng không hợp lý, quan hệ kinh tế đối ngoại chưa đa phương hoá, đa dạng hoá, nghèo đói, đặc biệt ở nông thôn chậm được giải quyết, bất ổn chính trị, an ninh, dân số tăng cao... 1.1.3 Đặc điểm dân cư Cộng hoà Philippin là nước có dân số đứng thứ ba trong các nước Đông Năm Á. Hiện nay, dân số Philippin là 87.857.473 người (12.2005); trong đó 90% dân số sống ở 11 đảo lớn với 96% diện tích đất nước. Phần lớn cư dân Philippin là người gốc Mã Lai. Philippin là quốc gia đa dân tộc và đa ngữ, trong đó người Vixaian chiếm 44% dân số, Tagalog 21%, Ilogo 12 %... Tiếng Tagalog là ngôn ngữ chính thống của Philippin. Tuy nhiên, các văn bản chính thức của nhà nước đều được viết bằng tiếng Anh và từ năm 1973, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức của Philippin. Tôn giáo chính ở Philippin là Thiên chúa giáo, chiếm 91% dân số, chỉ có 5% dân số theo đạo Hồi và 4% theo đạo Phật. Thủ đô của Philippin là Manila (trước năm 1977 là Kexơn Cyti). Dân cư Philippin chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá khác nhau, từ văn hoá các nước Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, các nước Hồi giáo đến Tây Ban Nha và Mỹ. Tiến trình lịch sử Philippin có một số đặc điểm khác biệt so với các nước Đông Nam Á khác: Thứ nhất, với vị trí chiến lược hết sức quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế đi qua vùng biển phía tây Thái Bình Dương, Philippin là nước bị xâm lược và thuộc địa hoá sớm nhất ở Đông Nam Á. Khi bị xâm lược, Philippin chưa có một nhà nước thống nhất, chưa hình thành bản sắc văn hoá dân tộc, cộng đồng dân tộc Philippin dễ bị xung đột. Lợi dụng đặc điểm này, thực dân, đế quốc phương Tây luôn luôn gây ra mối hận thù giữa các cộng đồng người Philippin để dễ bề cai trị. Thứ hai, Cộng hòa Philippin là nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng tư tưởng khai sáng của châu Âu sớm nhất cùng với sự ra đời của nền báo chí dân tộc và là nước đầu tiên trong vùng lập nên nước Cộng hoà độc lập (1898). Thứ ba, Công hòa Philippin là thuộc đia kiểu mới đầu tiên của đế quốc Mỹ, là nước Đông Nam Á duy nhất chịu ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc và lâu dài của nền văn hoá, lối sống và mô hình chính trị Mỹ. Sau khi giành độc lập, Philippin ủng hộ Mỹ trong các vấn đề chính trịquân sự tại khu vực như duy trì các căn cứ quân sự Mỹ, gia nhập SEATO... 1.1.4 Tình hình văn hóa – giáo dục Về văn hoá: Vốn nhiều năm là thuộc địa của Tây Ba Nha, nên văn hóa Philippin là một sự kết hợp của văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Với một di sản Mã Lai, Philippin có những diện mạo tương đồng với các quốc gia châu Á khác, tuy thế nền văn hóa của Philippin vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Một trong những di sản dễ nhận thấy nhất của văn hóa Tây Ban Nha là tính phổ biến của tên họ Tây Ban Nha trong cộng đồng người Philippin. Đây là kết quả của một sắc lệnh có từ thời thực dân Tây Ba Nha đô hộ Philippin. Cho đến tận ngày nay, nhiều kiến trúc của Philippin vẫn còn ảnh hưởng của phong cách Tây Ban Nha. Việc sử dụng tiếng Anh một cách phổ biến là ví dụ về ảnh hưởng của văn hoá phương Tây nói chung đối với xã hội Philippin… Về giáo dục: Hầu như trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường. Ở các vùng đô thị, hầu hết học sinh đều học tiếp bậc trung học. Các trường trung học và đại học quản lý theo những quy tắc của Đạo Thiên chúa. Trường đại học Philippin ở Quezon City là trường có uy tín trên thế giới. 1.2 Lịch sử hệ thống chính trị của Cộng hòa Phillippin Có rất ít tài liệu về cơ cấu chính trị, xã hội và kinh tế của các đảo mà hiện nay là đất nước Philippines trước khi người Tây Ban Nha đến đây vào giữa thế kỷ 16. Các đảo này có dân cư thưa thớt, với tổ chức chính trị lấy cơ sở là làng và họ hàng thân thuộc. Mạng lưới mậu dịch được tổ chức tốt giữa các đảo và liên kết các đảo với mạng lưới rộng lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và đến tận Trung Hoa và Ấn Độ. 1.2.1 Thời kỳ thống trị của Tây Ban Nha Lịch sử - Vào thế kỷ XIV-XVI, ở quần đảo này đã hình thành các công quốc phong kiến. Magienlang (1480-1521), người Tây Ban Nha gốc Bồ Đào Nha khám phá ra quần đảo Philippin vào năm 1521 và đặt tên cho quần đảo này theo tên vua Philippin từ giữa thế kỷ XVI, nhưng quần đảo này luôn bị người Hà Lan và hải tặc Môrô từ đảo Minđanao quấy rối. Chế độ thuộc địa Tây Ban Nha tại Philippin rất khắc nghiệt. Tuy thương mại phát triển, nhưng tăng trưởng kinh tế không phù hợp với hệ thống chính trị. Quần đảo có hệ thống quản lý cổ lỗ và chịu nhiều ảnh hưởng của dòng Tên (đây là Hội Jesu được lập năm 1534 ở Pari với mục đích chống Tân giáo, năm 1773 Giáo hoàng giải tán, 1814 được khôi phục trở lại). Năm 1896, một cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của Tây Ban Nha nổ ra, kéo dài đến 1898, thành lập nước cộng hoà, nhưng không thành công, vì Mỹ đàn áp. Philippin là đất nước nói tiếng Anh lớn thứ ba trên thế giới. Nơi đây có bề dày lịch sử kết hợp của châu Á, ảnh hưởng của chấu Âu và châu Mỹ. Trước khi bị người Tây Ban Nha đô hộ thế kỷ XVI, Philippin sở hữu một nền văn hóa giàu có và đang giao thương buôn bán với người Trung Quốc và người Nhật. Sự chiếm đóng của người Tây Ban Nha làm nảy sinh việc xây dựng thành cổ Intramuros, hay còn gọi là “Walled City” bao gồm nhiều nhà thờ và công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu, sau đó còn có nhiều công trình tương tự tại các đảo khác thuộc Philippin. 1.2.1 Thời kỳ thống trị của Mỹ Sau cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha, năm 1989, Philippin bị nhượng cho Mỹ trở thành thuộc địa đầu tiên và duy nhất thuộc Mỹ. Cùng với cuộc chiến tranh Philippin – Mỹ, người Mỹ đã phổ biến giáo dục khắp quần đảo. Người Philippin đã chiến đấu sát cánh bên người Mỹ trong suốt Thế chiến thứ II, đặc biệt ở hai trận chiến nổi tiếng là Bataan và Corregidor (đã kìm chân Nhật và cứu được nước Úc). Sự cai trị của Mỹ vẫn phải dựa trên vũ lực, và trào lưu chống ngoại xâm vẫn tiếp diễn cho đến năm 1906. Sự hiện diện của Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Philippin vốn mang dấu ấn của cả nền văn hoá châu Á và của Thiên Chúa giáo Tây Ban Nha. Chính sách của Mỹ ở Philippin đắn đo giữa hai việc: hoặc thúc đẩy, hoặc trì hoãn việc tự quản của người Philippin. Năm 1953, lãnh tụ dân tộc Manuen Quedon trở thành Tổng thống của Khối thịnh vượng Philippin nửa độc lập. Cuộc xâm lược bất ngờ của Nhật (1941) vào Philippin đã gây nhiều tổn thất về sinh mạng cho người Mỹ và người Philippin. Nhật lập ra nước Cộng hoà Philippin bù nhìn, nhưng sau khi Mỹ giành lại quần đảo, năm 1946, nước Cộng hoà Philippin hoàn toàn độc lập, ra đời. Tóm lại, Người Philippines yêu tự do, đã tiến hành hai cuộc cách mạng trong hòa bình, không đổ máu chống lại chế độ cầm quyền đã mục nát. Philippines là đất nước theo chế độ dân chủ, có tới mười hai tờ báo tiếng Anh cấp quốc gia, bảy trạm truyền hình quốc gia, hàng trăm kênh truyền hình cáp và hai nghìn kênh radio. CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA CỘNG HÒA PHILLIPPIN 2.1 Hệ thống chính trị Cộng hòa Hiện nay, thể chế chính trị Cộng hòa ở các nước Tư bản chủ nghĩa và các nước đang phát triển được phân thành ba loại cơ bản: Cộng hòa Tổng thống, Cộng hòa Đại nghị, Cộng hòa hỗn hợp. Còn ở các nước Xã hội chủ nghĩa phổ biến là mô hình Cộng hòa Xôviết; Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa. a, Thể chế Cộng hòa Tổng thống (Presidentic Republic) Một số quốc gia có thể chế chính trị Cộng hòa Tổng thống điển hình là Mỹ, các nước Châu Mỹ La tinh, Liên Bang Nga, Philippin… Đặc trưng tiêu biểu của thể chế này là: Tổng thống là nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu cơ quan Hành pháp với quyền hạn vô cùng lớn. Tổng thống lập ra Chính phủ, các thành viên Chính phủ do Tổng thống cử ra và chịu trách nhiệm trước Tổng thống. Tổng thống, Chính phủ không chịu trách nhiệm trước Quốc hội; tuy nhiên Tổng thống cũng không có quyền giải tán Quốc hội nếu Quốc hội có thực quyền và trở thành đối tượng kiềm chế quyền hạn của Tổng thống (ngoại trừ Liêng bang Nga: Tổng thống có quyền giải tán Đuma, mặc dầu Đuma do dân bầu ra). Nhìn chung, trong thể chế này, quyền Hành pháp (đứng đầu là Tổng thống) có phần lấn át quyền Lập pháp và Tư pháp. Để tránh hiện tượng lạm quyền, độc tài; Hiến pháp nhiều nước thường có những điều khoản có tính chất “kiềm chế, đối trọng” hoặc giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống. b, Thể chế Cộng hòa đại nghị (Parliamentary Republic) Một số quốc gia có thể chế chính trị Cộng hòa đại nghị tiêu biểu là các nước Đức, Áo, Ý… Đặc trưng cơ bản của chính thể này là: Quyền lực nhà nước tập trung vào Nghị viện (cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra). Nghị viện có quyền lập ra Chính phủ (Chính phủ do nhân dân gián tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm gián tiếp trước nhân dân thông qua Nghị viện), bầu Tổng thống; đồng thời Nghị viện có thể bãi miễn Chính phủ, Tổng thống và cơ quan Tư pháp. Tổng thống, Chính phủ hoạt động và chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Mô hình thể chế này được xem là dân chủ nhất trong mô hình chính thể tư sản - ít có khả năng biến thành chế độ độc tài hay nguy cơ bất ổn. Tuy nhiên, nền hành pháp của chính thể này thường không mạnh như nền hành pháp ở mô hình Cộng hòa Tổng thống. c, Thể chế Cộng hòa hỗn hợp (Republic of mixtures) Một số quốc gia tiêu biểu theo thể chế chính trị Cộng hòa hỗn hợp là Pháp, Phần Lan, Hàn Quốc, Mông Cổ… Đặc điểm của loại hình thể chế này là: Tổng thống và Nghị viện đều do nhân dân bầu ra. Tổng thống toàn quyền Hành pháp, có quyền giải tán Nghị viện. Tuy vậy Nghị viện có quyền can thiệp vào quá trình thành lập Chính phủ, buộc Tổng thống phải bổ nhiệm lãnh tụ của Đảng đa số trong Nghị viện làm Thủ tướng; nghĩa là Tổng thống phải chia sẻ quyền lực với Nghị viện. Ưu điểm của thể chế này là hạn chế sự tập trung quyền lực vào tay Tổng thống; tránh hiện tượng độc tài và vẫn đảm bảo một nền Hành pháp mạnh. Nhiều nước ở Liên Xô (cũ), Đông Âu và Châu Phi sau khi cải cách thể chế đã áp dụng mô hình chính thể này. d, Thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Socialist Republic) Ở các nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa, thể chế chính trị được tổ chức theo mô hình Cộng hòa Xô viết (trước đây), Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (hiện nay). Mô hình thể chế này, ở các nước khác nhau có tên gọi khác nhau: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (Việt Nam), Cộng hòa dân chủ nhân dân (Lào, Triều Tiên), Cộng hòa nhân dân (Trung Hoa), Cộng hòa (CuBa). Đặc trưng của mô hình thể chế này là: Quyền lực nhà nước là thống nhất (thuộc về nhân dân); nhưng có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội - Quốc hội có quyền thành lập Chính phủ, bầu Chủ tịch nước, cơ quan Tư pháp, Hội đồng Quân sự Trung ương; có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước như tuyên bố chiến tranh hay hòa bình; có quyền giám sát tối cao việc thi hành pháp luật (đặc điểm này hơi giống Thể chế chính trị Cộng hòa đại nghị). Chính phủ là cơ quan hành chính chịu trách nhiệm trước Quốc hội, thực thi vai trò quản lý hành chính và bảo đảm sự thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên; khác với thể chế cộng hòa khác, trong hệ thống Tư pháp của thể chế chính trị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa có hệ thống cơ quan Viện kiểm sát. 2.2 Hệ thống chính trị của Cộng hòa Philippin 2.2.1 Tổng quan về thể chế chính trị của Cộng hòa Philippin Chính thể: Cộng hòa tổng thống Các khu vực hành chính: 72 tỉnh và 61 thành phố đặc quyền. Hiến pháp: Thông qua ngày 2/-2/1987, có hiệu lực từ ngày 11/2/1987. Cơ quan hành pháp: đứng đầu Nhà nước và Chính phủ là Tổng thống. Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu riêng rẽ theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm. Cơ quan lập pháp: Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện (24 ghế, một nửa số ghế được bầu 3 năm một lần; các thành viên được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm) và Hạ viện (gồm từ 200 đến 250 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 3 năm). Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao, các thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm dựa trên khuyến nghị của Hội đồng quan tòa và luật sư, nhiệm kỳ 4 năm. Chế độ bầu cử: từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu. Các đảng phái chính: phong trào đấu tranh vì nền dân chủ Philippin, Lakas, Đảng Tự do (LP), Đảng Cải cách nhân dân (PRP), Đảng Hành động dân chủ 2.2.2 Hiến pháp Hiến pháp 1987 quy định rõ ràng và cụ thể về nguồn gốc của mọi quyền lực nhà nước. Khoản 1, Điều II quy định: “Philippin là một Nhà nước dân chủ và cộng hòa. Chủ quyền thuộc về nhân dân và mọi quyền lực của chính quyền xuất phát từ nhân dân.” Theo Thẩm phán Tòa án Tối cao Jose P. Laurel thì: nền cộng hòa của Philippin là dân chủ đại diện. Bản chất của nền cộng hòa là chế độ đại diện rộng rãi và sự kiểm tra tối thượng của nhân dân. Nói cách khác, trong một chính thể cộng hòa mọi quyền lực của chính quyền được trao cho những cá nhân được nhân dân bầu trực tiếp hoặc gián tiếp. Những chi tiết có thể khác nhau, ví dụ như bầu cử trực tiếp hay gián tiếp, sáng kiến nhân dân, trưng cầu ý dân, bãi nhiệm, nhưng nhân dân phải là chủ thể tối cao của quyền lực và quyền uy chính trị. Hiến pháp có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật với hiệu lực trực tiếp, chi phối các hoạt động chính trị vĩ mô. Trên thực tế, Hiến pháp ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của nó đối với nhà nước và xã hội. Nghiên cứu quá trình hình thành nhà nước – pháp luật Philippin ta thấy: khi cách mạng chống Tây Ban Nha gần đi đến thắng lợi, các nhà lãnh đạo cách mạng đã không ngừng chuẩn bị cho sự ra đời của Hiến pháp (đã có tới 10 bản Hiến pháp được soạn thảo trong thời kỳ này, kể cả những bản Hiến pháp mới chỉ được tồn tại như một sáng kiến lập hiến). Hoặc ngay sau khi nhà lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Aguinaldo nhận được sự ủng hộ của Mỹ trở về nước, ngày 24 tháng 5 năm 1898 đã hủy bỏ Hiến pháp cũ. Thậm chí khi cựu tổng thống Marcos thực hiện các mưu đồ đen tối, ông cũng phải dựa vào Hiến pháp. Sau này Aquino nắm quyền lãnh đạo cũng tuyên bố Hiến pháp mới là Hiến pháp 1987, tồn tại từ đó cho đến nay. Sự phân bổ quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp của đất nước Philippin được tổ chức theo quy định của Hiến pháp 1987. 2.2.3 Tổ chức nhà nước Tùy theo hình thức chính thể của các nước mà nội dung, tính chất và mức độ của nguyên tắc phân quyền được thể hiện khác nhau, thông qua các thiết chế của bộ máy Nhà nước. Philippin vốn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ nên có sự kế thừa mô hình Cộng hòa tổng thống của nước Mỹ. a, Hành pháp Hành pháp vẫn là trung tâm của quyền lực Nhà nước và thuộc về Chính phủ. Hành pháp có thể do Tổng thống đứng đầu (Inđônêxia, Philippin), có thể do Thủ tướng đứng đầu (Thái Lan, Malaixia, Campuchia, Lào). Ở Philippin, quyền lực hành pháp được trao cho Tổng thống. Theo Khoản 1, Điều VII của Hiến pháp 1987 quy định: “Quyền lực hành pháp được trao cho Tổng thống Philippin”. Còn trong Khoản 17 của Điều VII còn quy định: “Tổng thống phải được kiểm soát mọi bộ, cục, văn phòng thuộc hành pháp. Tổng thống phải bảo đảm các luật được thực thi một cách chính xác.” Như vậy, ở Philippin, Tổng thống là trung tâm quyền lực tập trung xung quanh mình những người thân trong gia đình Tổng thống, bạn bè cũng như những thân hữu là các quan chức địa phương, cảnh sát, quân đội và các nhà kinh doanh… Dựa vào mối quan hệ này mà Tổng thống duy trì địa vị của mình, ngược lại, tầng lớp thân thuộc này của Tổng thống cũng lại dựa vào quyền lực của Tổng thống để tồn tại. Ví dụ, thời kỳ Tổng thống Marcos cầm quyền từ 1967 – 1983, hàng trăm nhân vật nhờ sự bảo trợ của Tổng thống trở nên giàu có, ngay cả cận vệ của Marcos là tướng Ver cũng được cất nhắc lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trở thành nhà tỉ phú ở Philippin. Hoặc Xuhactô đã sử dụng quyền lực tối cao của Tổng thống để ban phát cho con cháu và các thuộc hạ thân tín nắm giữ nhiều tổ hợp công nghiệp, chi phối và kiểm soát các ngành kinh tế then chốt của đất nước (như: khai thác dầu mỏ, khí đốt, xe hơi, máy bay, ngân hàng, kinh doanh bất động sản…). Tài sản của Xuhactô và 6 người con hiện nay được ước tính khoảng 50 tỷ USD, 10 người cháu của Xuhactô cũng đang kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng với giá trị tài sản hàng chục triệu USD. Các tướng lĩnh và thuộc hạ thân tín của Xuhactô cũng được ban phát nhiều đặc quyền, đặc lợi, v.v... Trong khi đó Inđônêxia hiện đang nợ nước ngoài khoảng 140 tỷ USD, nợ trong nước khoảng 60 tỷ USD. Toàn bộ quyền lực hành pháp được trao cho Tổng thống. Điều này khác với quyền lực lập pháp được trao cho Quốc hội (Congress) gồm có Thượng viện và Hạ viện. Nó cũng khác với quyền lực tư pháp được trao cho Tòa án Tối cao và các tòa cấp thấp hơn. Tuy nhiên, Hiến pháp không thể hiện hết tính toàn thể của quyền lực hành pháp mà Tổng thống có thể thực thi. Trong vụ Marcos kiện Manglapus, Tòa án Tối cao đã tuyên: “… các quyền của Tổng thống không chỉ giới hạn trong những quyền được liệt kê trong Hiến pháp… Quyền lực hành pháp không chỉ là tổng của các quyền cụ thể được liệt kê.” Các quyền không được liệt kê thuộc quyền lực hành pháp của Tổng thống là đối tượng tranh luận, nỗi lo ngại của những người theo xu hướng tự do ở Philippin. Hiến pháp của Philippin quy định quyền lực của Tổng thống như sau: Thứ nhất, quyền bổ nhiệm. Tổng thống có thể bổ nhiệm các chức danh sau: (a) người đứng đầu các bộ; (b) các đại sứ, các bộ trưởng công và lãnh sự khác; (c) sĩ quan các lực lượng vũ trang từ cấp đại tá hoặc thuyền trưởng hải quân; (d) các quan chức khác mà việc bổ nhiệm không được quy định trong luật nhưng được chính phủ trao cho; (f) các quan chức có thể do luật quy định. Quyền bổ nhiệm của Tổng thống cũng bao gồm quyền cách chức nhưng phải theo Hiến pháp và các luật khác. Thứ hai, Tổng thống được trao các quyền về quốc phòng vì đó là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Điều này củng cố nguyên tắc hiến định “quyền lực dân sự luôn cao hơn quyền lực quân sự” . Khi quy định Tổng thống là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, Hiến pháp làm giảm nguy cơ giới quân sự giành chính quyền xâm hại tính chất cộng hòa. Quyền lực quân sự của Tổng thống gồm: (1) chỉ huy mọi lực lượng vũ trang của Philippines; (2) đình chỉ hiệu lực lệnh của tòa án về việc giải phóng ngay lập tức người bị bắt giữ bất hợp pháp (the writ of habeas corpus); (3) tuyên bố thiết quân luật. Đây là những quyền khủng khiếp. Việc thực thi chúng sẽ hạn chế các quyền dân sự và chính trị của người dân. Thứ ba, Tổng thống có quyền hoãn án, giảm án, tha bổng, xóa các hình phạt tiền và hình phạt tước bỏ tài sản sau khi tòa tuyên chung thẩm. Tổng thống cũng có quyền ban bố ân xá với sự đồng ý của đa số thành viên Quốc hội. Những quyền này được trao cho Tổng thống nhằm làm giảm sự hà khắc của pháp luật hoặc khắc phục các sai lầm trong quá trình thực thi công lý. Thứ tư, Tổng thống có quyền ký kết hoặc bảo lãnh các khoản vay nợ nước ngoài với sự đồng ý của Ủy ban tiền tệ và theo những giới hạn có thể do luật định. Lý do phải đặt ra các giới hạn nhằm để ngăn ngừa Tổng thống vay những khoản nợ nước ngoài không cần thiết tạo gánh nặng cho các thế hệ tương lai; ngăn ngừa các các chủ nợ nước ngoài áp đặt những điều kiện cho vay có thể tổn hại sự độc lập về kinh tế và chính trị của đất nước. Thứ năm, Tổng thống có quyền trình Quốc hội ngân sách hoạt động của chính phủ, tức là “ngân sách các khoản chi và các nguồn thu, bao gồm các khoản thu từ các biện pháp thu hiện có và đang được đề xuất,” Lý do trao quyền này đã rõ. Tổng thống với tư cách là nhà quản lý cao nhất và người thực thi pháp luật cao nhất là người có vị thế tốt nhất để xác định các nhu cầu của chính phủ và đề xuất ngân sách phù hợp trên cơ sở các nguồn thu hiện có hoặc dự kiến. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, mô hình hành pháp của chế độ cộng hòa đại nghị hay quân chủ đại nghị (Malaixia, Singapore) có khả năng ổn định và phát triển đất nước hơn, tránh được sự đối đầu giữa hành pháp với lập pháp như tại Philippin. b, Lập pháp Quốc hội Philippin có hai viện. Thượng viện có 24 thượng nghị sỹ được bầu phổ thông.Hạ viện gồm có thành phần không quá 250 nghị sỹ được bầu ở các khu vực bầu cử lập pháp được phân chia giữa các tỉnh, thành phố và thủ đô Manila theo dân số và trên cơ sở tỷ lệ đồng nhất và lũy tiến. Khoản 1, Điều VI của Hiến pháp 1987 quy định: quyền lực lập pháp được trao cho Quốc hội Philippin gồm có Thượng viện và Hạ viện, trừ trường hợp có quy định về sáng kiến của nhân dân và trưng cầu ý dân. Quyền lực lập pháp là quyền làm ra luật, xây dựng và thông qua các đạo luật. Đó là quyền chỉnh lý và bác bỏ luật. Quyền lực lập pháp còn là quyền tiến hành điều tra hỗ trợ cho hoạt động lập pháp. Các Bộ trưởng có thể phải đến giải trình trước mỗi Viện về bất kỳ vấn đề gì liên quan đến Bộ mình. Hiến pháp còn quy định một số quyền lực của Quốc hội như sau: Thứ nhất, quyền phân bổ ngân sách: “không một khoản tiền nào được chi khỏi ngân khố trừ khi đó là khoản phân bổ đã được luật định.” Một điều hiển nhiên là chính phủ không thể vận hành nếu không có tiền. Do đó, quyền lực túi tiền là một trong những quyền quan trọng nhất của Quốc hội. Thứ hai, quyền đánh thuế được coi là quyền lớn nhất của chính quyền. Theo Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Marshall, “quyền đánh thuế là quyền hủy hoại.” Các sắc thuế là dòng máu nuôi chính quyền, có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực thi quyền này phải chịu một số giới hạn. Ví dụ, các loại thuế phải thống nhất và công bằng. Thứ ba, quyền phê chuẩn ân xá hoặc điều ước. Tổng thống có thể ban bố ân xá nhưng phải có sự đồng ý của Quốc hội. Tương tự như thế, Tổng thống có thể ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế nhưng chúng chỉ có hiệu lực khi có sự đồng ý của ít nhất hai phần ba tổng số thượng nghị sỹ. Thứ tư, Quốc hội có quyền tuyên bố tình trạng chiến tranh. Như một chuyên gia giải thích, quy định này “cho thấy chiến tranh đã nổ ra hoặc gây ra bởi kẻ thù và chúng ta chỉ xác nhận nó thôi. Nói cách khác, chúng ta không phải là kẻ gây hấn, mà chỉ phản ứng đối với sự xâm lược. Điều này phù hợp với sự chối bỏ của nhân dân đối với chiến tranh như là công cụ phục vụ chính sách quốc gia. c, Tư pháp Quyền lực tư pháp của các tòa án ở Philippines rộng hơn quyền lực tư pháp của tòa án ở các nước khác. Theo Khoản 1, Điều VIII của Hiến pháp 1987, quyền lực tư pháp được trao cho Tòa án Tối cao và các tòa án cấp thấp hơn có thể do luật định. Hiến pháp quy định quyền lực tư pháp là “trách nhiệm của các tòa án công lý phải giải quyết các tranh chấp liên quan đến các quyền có cơ sở pháp lý và có thể thực thi trên thực tế, trách nhiệm xác định liệu có sự lạm quyền nghiêm trọng dẫn đến việc thi hành không đủ hoặc vượt quá quyền hạn của bất kỳ cơ quan nhà nước nào”.” Quy định rộng mở này nếu được thực thi thiếu thận trọng có thể khiến cho tòa án gặp phải xung đột với các nhánh chính quyền khác. Ngoài quyền tư pháp, Tòa án Tối cao còn được trao quyền ban hành quy định mà Tòa án Tối cao nước khác không có. Khoản 5, Điều VIII của Hiến pháp trao cho Tòa án Tối cao quyền “được đặt ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ và thực hiện các quyền hiến định, thực tiễn và quy trình khiếu kiện ở tất cả các tòa án, việc chấp nhận hành nghề luật, luật sư, và hỗ trợ pháp lý đối với những người chịu thiệt thòi”. Các quyền khác không mang bản chất tư pháp cũng được trao cho Tòa án Tối cao nhằm tăng cường sự độc lập của Tòa. Ví dụ, Tòa án Tối cao có quyền bổ nhiệm “mọi quan chức và người lao động của ngành tư pháp theo quy định của Luật Công vụ.” Tòa án tối cao cũng có quyền “giám sát về mặt hành chính và nhân sự đối với tất cả các tòa án.” 2.2.4 Đảng chính trị Đảng chính trị là một hiện tượng đặc thù của xã hội có phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Đảng chính trị - yếu tố cơ bản của hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức quyền lực chính trị, của chế độ chính trị và xã hội công dân - là công cụ tập hợp của một giai cấp; tổ chức lãnh đạo đấu tranh giai cấp vì mục tiêu giành, giữ, sử dụng quyền lực nhà nước và định hướng chính trị cho phát triển xã hội. Hiện nay, ở Philippin có các đảng phái chính: phong trào đấu tranh vì nền dân chủ Philippin, Lakas, Đảng Tự do (LP), Đảng Cải cách nhân dân (PRP), Đảng Hành động dân chủ 2.2.5 Các tổ chức chính trị (nhóm lợi ích) Nhóm lợi ích chính trị là tổ chức bao gồm nhiều thành viên của một xã hội có cùng quan điểm, cùng nhu cầu lợi ích chung liên kết với nhau theo một chế độ tự nguyện, hoạt động ảnh hưởng ở mức độ nhất định phương thức nhất định tác động đến quyền lực nhà nước vì lợi ích, nhu cầu các thành viên của nhóm. Các nhóm lợi ích chính trị đấu tranh cho lợi ích của nhóm mình bằng cách tác động vào việc hoạch định chính sách của các đảng chính trị và của chính quyền. Đây là các nhóm của những người có cùng lợi ích liên kết với nhau nhằm gây ảnh hưởng tới các quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quyết sách chính trị của Đảng cầm quyền, việc thực thi pháp luật và các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Các nhóm lợi ích chính trị, ở một khía cạnh nào đó có thể hiểu là các đoàn thể nhân dân (các tổ chức chính trị - xã hội). Tuy nhiên, các đoàn thể nhân dân (các tổ chức chính trị - xã hội) là các tổ chức nằm ngoài nhà nước; còn Nhóm lợi ích chính trị thì có thể tồn tại ngay bên trong nhà nước. Các Nhóm lợi ích chính trị là một loại thể chế chính trị (tổ chức) không thể thiếu trong hệ thống tổ chức quyền lực chính trị ở các nước tư bản. Về mặt lý thuyết, các nhóm lợi ích chính trị có vai trò trong việc đấu tranh để đảm bảo lợi ích của quần chúng; nhưng trên thực tế nó cũng chỉ là thiết chế của tầng lớp thượng lưu và trung lưu có xu hướng thỏa hiệp với nhà nước vì lợi ích của giới thượng lưu và nội bộ giai cấp tư sản. Do đó, xét đến cùng, nó cũng chỉ là công cụ để giai cấp tư sản thực hiện quyền lực chính trị của mình. C, PHẦN KẾT LUẬN Dân chủ không có hình mẫu nào cả. Qua thời gian, chúng ta thấy nhiều mô hình khác nhau được xây nên theo nhu cầu của mỗi nước và chịu ảnh hưởng từ văn hóa, phong tục, truyền thống. Như đã biết, các nền dân chủ từ châu Âu hay Mỹ đã và đang được cải biên ở châu Á và châu Phi. Ngày càng nhiều các mô hình hỗn hợp đang được phát triển. Và chúng đều có một hướng chung – thúc đẩy chân giá trị của con người. D, DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Jose P.Leveriza (1990), Public Administration- The Business of Government, National Book Store, Inc., Manila, Philippines; 2. Phạm Mộng Hoa- Chủ biên (1999), Địa lý Kinh tế- xã hội các nước ASEAN, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội; 3. http://www.gov.ph/#, The Official Website of the Republic of The Philippines; 4. Lê Thanh Bình (1996, 2001), Báo cáo Khảo sát về QL công tại Philippin; 5. Các Báo Nhân Dân, Lao Động, Tuổi Trẻ ngày 11/8/2007; Báo Thế giới và Việt Nam số 39/2007.
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan