Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Thể loại khác Chưa phân loại Tài liệu-tương tác văn hóa trong sáng tác của vladimir nabokov...

Tài liệu Tài liệu-tương tác văn hóa trong sáng tác của vladimir nabokov

.PDF
17
205
129

Mô tả:

(Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12 -2013, tr.91-102) TƯƠNG TÁC VĂN HÓA TRONG SÁNG TÁC CỦA VLADIMIR NABOKOV Phạm Gia Lâm1 Tôi là một nhà văn Mỹ, sinh ra ở Nga, học tập tại Anh, nơi tôi đã nghiên cứu văn học Pháp trước khi chuyển sang Đức sống mười lăm năm(1). Đầu tôi nói bằng tiếng Anh, tim tôi cảm bằng tiếng Nga và tai tôi nghe bằng tiếng Pháp(2). V.Nabokov Năm 2012, bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lolita của V.Nabokov được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đã gây nên một làn sóng chỉ trích đầy xúc cảm trong cộng đồng độc giả về chất lượng bản dịch. Điều đó đã làm chìm khuất đi mối quan tâm về đặc trưng thế giới nghệ thuật của tác giả hầu như trước đó chưa được biết đến này ở Việt Nam. Bài viết này muốn đưa ra một cái nhìn định tính đối với sáng tác của V.Nabokov dưới góc độ tương tác và đối thoại văn hóa. 1.V.Nabokov – “nhà văn-nhân sư” Vladimir Nabokov là hiện tượng lớn nhất của văn học Nga hải ngoại, cũng là tác gia kinh điển của văn học Mỹ thế kỷ XX. Di sản văn học của ông bao gồm 19 tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn, 9 tập thơ, 3 vở kịch, viết bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh. Có thể nói số phận văn học của ông là một minh chứng sinh động của sự tương tác song ngữ, song văn hóa, không chỉ như một hiện tượng của văn học hải ngoại mà của cả cả quá trình văn hóa thế giới thế kỷ XX. 1 PGS.TS. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội 1 Cơ sở nảy sinh hiện tượng này trước hết là khả năng ngoại ngữ, những đam mê từ nhỏ cùng sự dịch chuyển sang nhiều không gian văn hóa khác nhau của cá nhân ông. Theo những tư liệu tiểu sử của nhà văn, trong sinh hoạt hàng ngày, các thành viên gia đình dòng dõi quý tộc Nabokov sử dụng 3 thứ tiếng là Nga, Anh và Pháp; cậu bé Vladimir học đọc tiếng Anh trước khi học đọc tiếng Nga (!). Văn học, cờ vua và côn trùng học trở thành những niềm đam mê chính của V. Nabokov. Khi xảy ra những biến cố Cách mạng tháng Mười và nội chiến, năm 1919, gia đình Nabokov đã di tản ra khỏi nước Nga. Thời gian học ở Đại học Cambridge (Anh), V.Nabokov nghiên cứu văn học roman và slav, tiếp tục sáng tác thơ và dịch sang tiếng Nga cuốn truyện nổi tiếng Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên của nhà văn Anh Lewis Carroll. Sau khi tốt nghiệp (1922), ông trở về Berlin sống cùng gia đình đến năm 1937, dạy tiếng Anh kiếm sống, đồng thời sáng tác và công bố trên nhiều tờ báo do cộng đồng Nga kiều xuất bản. Khi Hitler lên nắm quyền, V.Nabokov đã đưa gia đình đến Paris. Ngay trước khi Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, năm 1940, ông lại cùng vợ con vượt Đại Tây dương sang Mỹ định cư. Trong khoảng 20 năm tại đây, ông vừa viết văn vừa giảng dạy văn học Nga và văn học thế giới tại nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Cornell danh tiếng. Năm 1945, V.Nabokov trở thành công dân Mỹ. Cũng chính ở đây ông đã nổi tiếng với tư cách một nhà côn trùng học - kết quả của niềm say mê nghiên cứu về bướm từ thời còn trẻ. Tiếp theo Cuộc đời thực của Sebastian Knight, những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh khác của ông như Những đứa con hoang (1947), Pnin (1957) tuy gây được ấn tượng về “kỹ thuật” nhưng không bán chạy bằng tiểu thuyết Lolita (1955). Lolita cũng là cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng hơn cả của V.Nabokov đến tiến trình phát triển của văn xuôi hiện đại. Năm 1959 V.Nabokov quay về Montreux, Thụy Sĩ, sống cho đến khi qua đời. Tại đây ông đã viết những cuốn tiểu thuyết cuối cùng, nổi tiếng nhất trong số đó là Ngọn lửa nhợt nhạt (1962), Ada (1969). V.Nabokov qua đời ngày 02.07.1977, để lại bản thảo dang dở cuốn tiểu thuyết tiếng Anh Nguyên bản của Laura (tháng 11.2009 đã được công bố ở Anh, được dịch và công bố ở Nga sau đó nửa tháng). Trên bia mộ của ông chỉ có dòng chữ ngắn gọn bằng tiếng Pháp Vladimir Nabokov. Écrivain.1899 – 1977, chắc hẳn với ngụ ý 2 ông đã không ưu tiên dùng một trong hai thứ tiếng là Nga và Anh để viết nên những tác phẩm độc đáo của mình. Trong biên niên sử văn học Nga, V.Nabokov còn được biết đến với cái tên Vladimir Sirin - tác giả của các tập Chùm thơ (1922), Đường đồi (1923) và tiểu thuyết Mashenka (1926). Nhưng cái tên Vladimir Sirin của ông đã chấm dứt sau khi cuốn tiểu thuyết cuối cùng bằng tiếng Nga Quà tặng được công bố năm 1937. Còn ở Mỹ, ông nổi danh với cái tên nhà văn Vladimir Nabokov viết bằng tiếng Anh. Ở V.Nabokov, bướm và cờ vua không chỉ là niềm đam mê khác ngoài văn học, mà còn trở thành những biểu tượng trong sáng tác của ông. Ông thích kiếm tìm những mô hình của số phận và sự ứng nghiệm trong tiểu sử của mình. Vậy nên có thể coi hai mảng tiếng Nga và tiếng Anh trong sáng tác của ông đối xứng nhau như hai cánh của con bướm. Và cũng giống như trên bàn cờ, tám ô ngang và tám ô dọc ứng với 8 cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga và 8 cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh của ông. Dường như để không phá vỡ sự đối xứng tuyệt đối đó, số phận (chiến tranh và cái chết) đã không cho phép ông viết xong cuốn tiểu thuyết thứ 9 bằng tiếng Nga Solus Rex và cuốn tiểu thuyết thứ 9 bằng tiếng Anh Nguyên bản của Laura. Vladimir Nabokov được mệnh danh là “nhà văn - nhân sư”, ngoài lý do ông sáng tác bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga với số lượng tác phẩm hầu như ngang nhau, còn bởi tính chất thông tuệ của một nhà văn-nhà khoa học. 2. Hiện tượng song ngữ/song văn hóa trong sáng tác của V.Nabokov và sự tiếp nhận của giới phê bình Nga Sáng tác của V.Nabokov gắn liền với một hiện tượng nổi bật trong văn hóa thế kỷ XX là song ngữ/song văn hóa. Các khái niệm song ngữ, song văn hóa (tiếng Anh: bilingualism, biculturalism), gắn liền với lĩnh vực giao tiếp liên/xuyên văn hóa. Trong các từ điển ngôn ngữ học và văn hóa học, các khái niệm này tuy được diễn giải ở những mức độ khác nhau nhưng đều có nội hàm thống nhất: song ngữ/song văn hóa là trỏ tình trạng một cá nhân hay một cộng đồng (nhóm xã hội, tộc người,…) có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng mẹ đẻ/thuộc về nền văn hóa thứ hai, ngoài nền văn hóa thuộc về tộc người của mình(3). 3 Trong thế kỷ XX, sự di cư và nhập cư diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới đã tạo điều kiện cho sự phát triển song ngữ/song văn hóa. Với tư cách là một quá trình, song ngữ/song văn hóa được khu biệt bởi sự tích hợp nhiều tộc người vào một hệ thống xã hội đa ngôn ngữ có một ngôn ngữ giao tiếp thống nhất trong khi vẫn duy trì bản sắc văn hóa và ngôn ngữ của mỗi tộc người. Trong lịch sử văn hóa thế giới, hiện tượng song ngữ/song văn hóa đã từng xuất hiện từ thời chiếm hữu nô lệ, tiếp tục phát triển trong thời phong kiến, gắn với sự hình thành và phổ biến của những tôn giáo mới và sự ra đời của hệ thống thuộc địa. Việc nghiên cứu sáng tác song ngữ của V.Nabokov sẽ đụng chạm đến vấn đề xác định “căn cước dân tộc” của nhà văn. Do sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh, là công dân Nga trước khi sống lưu vong và trở thành công dân Mỹ, V.Nabokov thường xuyên gây tranh luận ông là nhà văn dân tộc nào. Điều này ảnh hưởng đến cách tiếp nhận di sản sáng tạo của ông. Ở Nga, sự tiếp nhận V.Nabokov trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất – tất cả sáng tác của V.Nabokov đều bị cấm đoán ở trong nước do những biểu hiện về tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ; giai đoạn thứ hai là thời kỳ cải tổ, vào giữa những năm 1980: hiện tượng V.Nabokov được thừa nhận nhưng với rất nhiều e dè bởi sáng tác và quan điểm của nhà hoạt động văn hóa Nga ở hải ngoại này xa lạ với chính sách văn hóa của nhà nước xô viết; giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khi Liên xô tan rã: thừa nhận V.Nabokov là hiện tượng lớn của văn học Nga, là nhà hoạt động văn hóa hải ngoại nổi tiếng. V.Nabokov thu hút sự quan tâm không chỉ của giới ngữ văn học mà của cả giới văn hóa học. Thế giới nghệ thuật của V.Nabokov bắt đầu được hình thành qua những sáng tác bằng tiếng Nga, dựa trên nền tảng tinh thần và những truyền thống của văn hóa Nga, đồng thời lại chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp và Đức. Sáng tác bằng tiếng Nga chính là phương tiện để V.Nabokov giữ gìn bản sắc văn hóa khi sống xa Tổ quốc. Trong khi đó sáng tác bằng tiếng Anh của ông lại là một hình thức tồn tại khác của văn hóa Nga, là phương tiện chuyển tải di sản văn hóa Nga sang văn hóa Mỹ. Vấn đề song ngữ /song văn hóa ở V.Nabokov liên quan đến các thuật ngữ “văn hóa Nga”, “văn hóa phương Tây” và “văn hóa Anh ngữ”. Nói “văn hóa Nga” ở đây là trỏ 4 văn hóa của người Nga, không phân biệt quốc tịch, có tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ, dùng các phạm trù của tiếng Nga để tư duy, đồng thời cũng là trỏ nguồn lực văn hóa đa dạng của cộng đồng Nga hải ngoại. Thuật ngữ “văn hóa phương Tây” hay “văn hóa Tây Âu” liên quan đến thời kỳ V.Nabokov sáng tác bằng tiếng Nga khi đang sống ở một số nước Tây Âu. Văn hóa Mỹ mà ông chịu ảnh hưởng từ khi chuyển đến nước này (1940) được hiểu là một trong những nền “văn hóa Anh ngữ”. Khối lượng đồ sộ những tài liệu bao gồm hồi ký, báo chí chính luận, công trình khoa học nghiên cứu sáng tác của V.Nabokov đã tạo nên phân ngành Nabokov học (tiếng Nga: Набоковедение, tiếng Anh: Nabokov Studies) với 3 nhóm lớn: những công trình do Nga kiều viết riêng về Nabokov-Sirin; những công trình của các tác giả nước ngoài; những công trình của các học giả trong nước Nga, chủ yếu xuất hiện thời kỳ cải tổ và hậu xô viết. Ba nhóm công trình trên tựu trung nghiên cứu 4 phương diện trong di sản nghệ thuật của V.Nabokov: tiểu sử sáng tác; đặc điểm sáng tác nói chung, của từng tác phẩm cụ thể nói riêng; V.Nabokov - người tường giải văn hóa Nga, hoạt động dịch thuật của nhà văn; V.Nabokov nói về bản thân mình. Ngay từ khi xuất hiện trong cộng đồng văn học Nga ở Paris và Berlin, V.Nabokov đã được quan tâm đặc biệt, kể cả ủng hộ lẫn phản đối. Về cơ bản, giới phê bình văn học Nga hải ngoại chủ yếu tập trung nghiên cứu các cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga của ông và ghi nhận đặc trưng của chúng là “sự phô diễn những biện pháp nghệ thuật” (V.Khodashevich). Bên cạnh đó, trước sự “vắng thiếu chất Nga” trong sáng tác của V.Nabokov, các nhà phê bình đã chia thành hai nhóm. Một nhóm (M.Tsetlin, M.Osorgin,…) kiên quyết gạt bỏ V.Nabokov ra khỏi truyền thống văn hóa Nga. Nhóm thứ hai có thái độ ít gay gắt hơn: G.Struve, G.Adamovich, N.Andreev công nhận có những “nét Nga” trong văn xuôi của V.Nabokov. Có lẽ chính xác hơn cả là ý kiến của nhà phê bình hải ngoại N.Andreev. Ông cho rằng văn xuôi của Nabokov là “sự tổng hợp giữa hồn cốt Nga với hình thức Tây Âu”, “sự kết hợp giữa di sản văn hóa của quá khứ với tinh thần của thế hệ trẻ, giữa truyền thống văn học Nga với sự cách tân táo bạo, (…)” (4). Như vậy, nếu xem xét sự tác động qua lại giữa “chất Nga” và “chất phương Tây” trong sáng tác của V.Nabokov dưới góc độ song ngữ/song văn hóa ta có thể thấy được quá trình 5 và đặc điểm thế giới nghệ thuật của nhà văn cũng như những vector chung trong sự vận động hội nhập với văn hóa bản ngữ và “tái hội nhập” với văn hóa dân tộc của văn học Nga hải ngoại. Căn cứ vào sự tương tác giữa “chất Nga” và “chất phương Tây”, hay nói cụ thể hơn, giữa “chất đạo của Nga” và “chất đời của phương Tây”, có thể chia sáng tác của Nabokov thời kỳ ở châu Âu ra làm hai mảng. Mảng thứ nhất gồm các tiểu thuyết Mashenka, Nước phòng thủ của Luzhin, Thám tử, Chiến công, Quà tặng. Nổi bật trong các tác phẩm này là đạo lý, tập quán Nga và những con người Nga bị rơi vào môi trường sống xa lạ, tách rời “đất mẹ”. Nga kiều coi việc gìn giữ cái “thực thể Nga” này là sứ mệnh thiêng liêng của họ. Các nhân vật thuộc nhóm tác phẩm này, theo cách Nga, thường suy ngẫm về sự vĩnh hằng, cái cao cả, thấm đượm tinh thần Nga, từ tâm và thiện nguyện. Về phương diện cấu trúc-thể loại, các tác phẩm này chủ yếu mang tính chất tự thuật, cốt truyện thường có kết cấu đa tầng và khá lỏng lẻo hoặc tính co giãn lớn. Mảng thứ hai, gồm các tác phẩm bằng tiếng Nga K,Q,J; Tiếng cười trong bóng tối, Tuyệt vọng và cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Anh Cuộc đời thực của Sebastian Knight (hoàn thành đầu 1939 ở Paris, công bố năm 1941 ở Mỹ). Các nhân vật có thể là người Nga nhưng cách ứng xử của chúng đã bị chi phối bởi dục vọng cá nhân về quyền lực, giàu sang và vinh quang; đắm đuối trong tình trường đã lấn át những khát khao sáng tạo. Khi nói về thời kỳ sáng tác ở châu Âu của V.Nabokov, nhân bàn về tiểu thuyết Tuyệt vọng và motif thất vọng trong sáng tác của ông, V.Khodashevich đã coi ông là “bậc thầy lớn nhất của văn học châu Âu hiện đại”. 3. Về “chất Nga” và “chất phương Tây” Thước đo “chất Nga” trong sáng tác của V.Nabokov trước hết là sự hiện hữu hình ảnh Tổ quốc Nga. Cũng như nhiều nhà văn Nga hải ngoại khác, tất cả những gì từ Tổ quốc còn lại với ông khi sống ở xứ người là tiếng mẹ đẻ và hồi ức. Đối với người nhập cư, việc chuyển sang nói bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ là nhu cầu khách quan trong giao tiếp. Với nhà văn nhập cư, đó còn là điều kiện sống còn bởi chỉ như vậy họ mới có công 6 chúng độc giả bền vững. V.Nabokov thuộc thế hệ thứ hai trong làn sóng di tản thứ nhất (sau Cách mạng tháng Mười, trước Đại chiến thế giới II) nên việc thích ứng với môi trường xã hội, văn hóa và ngôn ngữ khác không khó khăn như thế hệ trước. Mặt khác, do gắn liền với “khí chất”, tiểu sử và trải nghiệm cá nhân nên hồi ức về nước Nga của mỗi nhà văn hải ngoại rất khác nhau, kể cả giữa những người thuộc thế hệ thứ nhất. Gần suốt cuộc đời rong ruổi lại qua trên những nẻo đường Âu - Mỹ, V.Nabokov luôn mang theo ký ức về quê hương và thể hiện nó trong hàng chục tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Nhưng nước Nga của V.Nabokov không giống với nước Nga của các nhà văn Nga kiều I.Bunin, A.Kuprin, I.Shmelev, B.Zaitsev,... Trong cái nước Nga của ông không có những địa danh thân quen, không có những nhân vật có thể được coi là điển hình Nga, cũng không có bất kỳ ánh phản trực tiếp nào về các sự kiện từng làm rung động lịch sử Nga thế kỷ XX. Nước Nga của V.Nabokov, nói đúng hơn là của V.Sirin – đó là hình ảnh tuổi thơ, cũng là hình ảnh về sự trong trắng và hài hòa, như tiếng hót của con chim thiên đường, “một tín hiệu, một tiếng gọi, một lời khẩn cầu ném lên trên trời và một hồi âm lung linh, tuyệt vời, bất ngờ đáp lại”(5). Cần lưu ý bút danh Sirin gợi nhắc đến huyền thoại Nga về con chim thiên đường-trinh nữ có tiếng hót làm say đắm lòng người. Hình ảnh ẩn dụ về nước Nga, với những hình thức thể hiện khác nhau đã xuyên suốt sáng tác của nhà văn cho đến tận tác phẩm lớn cuối cùng bằng tiếng Nga của ông là cuốn tự thuật Những bờ bến khác (Другие берега, 1954; bản tiếng Anh có bổ sung, mang nhan đề Tiếng gọi ký ức: san nhuận tự truyện (Speak, Memory: An Autobiography Revisited, 1967). Cùng với hình ảnh ẩn dụ về nước Nga như là một thiên đường đã mất, xuyên suốt các tác phẩm của V.Nabokov còn có một chủ đề chính mang đậm tính chất hiện sinh. Đó là chủ đề mâu thuẫn giữa cá tính độc lập, sáng tạo với tình trạng “lưu đày”, mất tự do của nó. Chủ đề này đã quy định nên kết cấu và âm điệu của các cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga như Nước phòng thủ của Luzhin, Tuyệt vọng, Quà tặng. Nước Nga của V.Nabokov – đó cũng là thứ tiếng Nga của cá nhân ông, được ông coi là tài sản chính của mình. Trong Lời nói đầu cho cuốn Những bờ bến khác ông viết về những khó khăn khi phải “chia tay” tiếng Nga: “Vào năm 1940, khi tôi quyết định chuyển sang tiếng Anh, điều tai hại đối với tôi là trước đó, trong vòng mười lăm năm, tôi đã viết bằng tiếng Nga, và trong những năm đó tôi đã đặt được dấu ấn riêng lên cái công cụ và trợ thủ 7 của mình. (…). Thói quen lâu năm nói theo cách của mình không cho phép tôi bằng lòng với những khuôn mẫu sẵn có ở ngôn ngữ mới chọn – và những khó khăn khủng khiếp của việc hóa thân sắp tới cùng nỗi sợ hãi phải giã từ cái sinh thể đã được thuần dưỡng đẩy tôi vào trạng thái (…) không có nhà văn nào trước tôi ở mức độ nhất định cảm thấy như vậy”.. Thêm nữa, nước Nga của Nabokov – đó còn là văn học cổ điển Nga, là văn hóa quý tộc Nga. Nhờ có những bản dịch của V.Nabokov sang tiếng Anh và tiếng Pháp mà phương Tây được biết đến Bài ca về binh đoàn Igor và các tác phẩm của A.Pushkin, M.Lermontov, F.Tyutchev. Không khó nhận ra mối liên hệ giữa văn xuôi của V.Nabokov với văn học cổ điển Nga. Khi nghiên cứu 6 cuốn tiểu thuyết tiếng Nga của V.Nabokov, nữ giáo sư Đại học Paris IV Nora Buhks đã nhấn mạnh “tinh thần Chekhov”, nêu bật “motif Pushkin” (chẳng hạn motif gặp gỡ-chia tay của Evgeni Onegin trong tiểu thuyết Mashenka)(6). Còn Yu.Levin thì chỉ ra nguyên tắc song chiếu trong kết cấu tiểu thuyết Chiến công: song chiếu về tiểu sử, về niên biểu. Yu.Levin cho rằng “đề tài lánh đời” trong Mashenka rất tiêu biểu cho văn học Nga. Theo ông, tiền bối của nhân vật Garin có thể là những kẻ “lang thang” một dạng của “con người thừa”. Tuy nhiên, đến V.Nabokov, nhân vật lang thang đã mang một diện mạo mới mẻ và đặc biệt là lưu vong (7) . Nhiều nhà nghiên cứu Nga và Tây Âu (A.Mulyarchick, C.Kostyukov, M.Lipovetsky, N.Buhks, Larry M. McCaffery,…) cũng đề cập đến mối liên hệ giữa sáng tác của V.Nabokov và F.Dostoevsky, chẳng hạn, giữa Mời dự án tử hình và Tội ác và hình phạt (những tình huống cốt truyện và kiểu nhân vật song trùng), giữa Thám tử và Kẻ song trùng, Bút ký dưới hầm (đề tài tự thú), giữa Nước phòng thủ của Luzhin và Con bạc (đề tài trò chơi với số phận và kiểu nhân vật “người chơi”)… Đúng là giữa V.Nabokov và F.Dostoevsky có nhiều điểm chung: thiên về các thủ pháp sân khấu hóa, thường sử dụng cốt truyện kiểu trinh thám ngược (antidetective), say mê miêu tả dạng dị nhân cả về ngoại hình lẫn tâm hồn, tuy thái độ không hoàn toàn giống nhau, … Nói về mối liên hệ giữa V.Nabokov và văn học cổ điển Nga, có một vấn đề đặt ra là nên coi ông thuộc về khuynh hướng văn học nào: lãng mạn, hiện thực, hiện đại hay hậu hiện đại? Tuy mỗi ý kiến xếp nhà văn thuộc về một trong những khuynh hướng trên đều có cơ sở nhất định nhưng có một điểm cần chú ý rằng bản thân nhà văn không chấp nhận 8 phân chia văn học ra thành các khuynh hướng, trường phái. Ông khẳng định mình không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ bên ngoài. Với ông chỉ có một trường phái văn học – đó là trường phái tài năng(8). Gác sang một bên phát biểu mang tính chất cực đoan của nhà văn, căn cứ vào đặc điểm những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga của V.Nabokov, chúng ta có cơ sở để nói ông là cầu nối giữa “Thế kỷ Bạc” (đôi khi được hiểu như là giai đoạn đầu của chủ nghĩa hiện đại) và chủ nghĩa hậu hiện đại. V.Nabokov được thừa nhận là “một trong những người khai sinh ra chủ nghĩa hậu hiện đại”, “đã hoàn thành bước chuyển đổi kỳ diệu từ chủ nghĩa hiện đại sang chủ nghĩa hậu hiện đại, trong cả văn học Nga lẫn văn học Mỹ”(9). Văn hóa Tây Âu đã mang lại cho sáng tác của V.Nabokov những đặc điểm không tiêu biểu cho văn hóa Nga. Trước hết, đó là sự cá nhân hóa tối đa, khác hẳn nguyên tắc tính nhân dân, tính cộng đồng thường gặp trong văn hóa Nga. Theo V.Nabokov không gian cá nhân trong cuộc sống của con người mới chính là cuộc sống đích thực. Chỉ có trong không gian đó con người mới có thể sáng tạo thành công, còn trong trường hợp ngược lại, kết cục sẽ là bi kịch như số phận của nhân vật Luzhin trong tiểu thuyết Nước phòng thủ của Luzhin. Thoạt nhìn ta thấy dường như V.Nabokov không đề cập đến bất kỳ một vấn đề chính trị-xã hội nào luôn khiến các nhà văn Nga hải ngoại thuộc làn sóng thứ nhất quan tâm, khi mà tiểu thuyết K, Q, J đầy “hơi hướng Đức”, còn Nước phòng thủ của Luzhin nếu có được viết bằng tiếng Pháp chắc sẽ lẫn vào rất nhiều tác phẩm văn học Pháp khác. Trong những sáng tác thời kỳ đầu lưu vong kể trên của ông hầu như vắng bóng không chỉ thiên nhiên Nga mà toàn bộ cuộc sống Nga đầy những mâu thuẫn phức tạp. Quả là trong cái nước Nga của V.Nabokov rất khó tìm thấy những đại diện tiêu biểu của “biển cả nhân dân”. Thiên nhiên Nga được thay bằng điền trang, đời sống nhân dân Nga được thay bằng lối sống gia đình Nabokov. Nhưng ở một phương diện khác, có lẽ đó lại là cách độc đáo lưu giữ hình ảnh nước Nga “của riêng mình” – một “nước Nga nhỏ”, “nước Nga điền trang” trước Cách mạng. Điều này in đậm dấu ấn ở các nhân vật trong văn xuôi của ông, với nỗi niềm tiếc nuối, cô đơn của một tâm hồn xa xứ, bị “lưu đày”, rất hiện sinh. Mặt khác, chính tính chất hiện sinh toát lên từ chủ đề lưu vong, từ số phận của những nhân vật Nga lưu 9 vong trong tác phẩm của V.Nabokov đã kết nối ông không chỉ với văn học Nga mà với cả văn học Tây Âu. Có lẽ vì thế mà N.Anastasev đã gọi nước Nga của V.Nabokov là “nước Nga đậm chất quốc tế” (10). 4. Sáng tác bằng Anh ngữ – một phương cách đối thoại với văn hóa Mỹ Hoạt động sáng tạo của V.Nabokov còn bao gồm một phương diện quan trọng khác là dịch thuật. Ông dịch các tác phẩm văn học cổ điển của Nga sang tiếng Anh, Pháp và ngược lại. Khi dịch, ông luôn trung thành với tác phẩm gốc nhưng từ góc nhìn của văn hóa Nga, để cho độc giả-đồng bào mình cảm thấy gần gũi và dễ hiểu, ông đã thổi “hồn Nga” cho chúng qua việc thay đổi hiện thực Anh và Pháp bằng những hiện tượng của văn hóa Nga. Bằng cách đó, những bản dịch tiểu thuyết Alice in Wonderland của Lewis Carroll (Anh) và truyện vừa Colas Breugnon của R.Rolland (Pháp) đã giúp “ông hoàng cô đơn” V.Nabokov (chữ của N.Anastasev) bớt đi cảm giác xa cách Tổ quốc Nga, đồng thời làm phong phú thêm cho văn học Nga với những hình tượng và cốt truyện có xuất xứ từ các nền văn học Anh và Pháp. Trong thi pháp sáng tạo của V.Nabokov, “sự vắng thiếu” chất Nga lại được bù đắp bằng “sự dồi dào” những biện pháp nghệ thuật mang tính cách tân độc đáo. Sự “bù trừ” cho nhau giữa “chất Nga” và “chất phương Tây” trong những sáng tác bằng Nga ngữ của V.Nabokov là biểu hiện sinh động sự tương tác giữa hai nền văn hóa trong thế giới nghệ thuật của ông. Đến lượt mình, chính sự tương tác đó đã tạo động lực cho nhà văn hội nhập hoàn toàn vào văn hóa Mỹ thông qua những hoạt động sáng tạo (viết văn, giảng bài) bằng Anh ngữ. Năm 1940 là bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của V.Nabokov khi ông cùng gia đình chuyển sang Mỹ. Đó cũng là thời điểm nhà văn Sirin của Nga “viên tịch” để rồi “tái sinh” trong môi trường văn hóa mới dưới tên thật là Vladimir Nabokov. Xét về tổng thể, đây là một giai đoạn phát triển mới, đúng hơn là sự tổng hợp mới trong văn nghiệp của ông. Thường khi một nhà văn chuyển từ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ sang một ngôn ngữ khác thì ở ngôn ngữ mới này, anh ta rất khó đạt được thành tựu như khi viết bằng tiếng 10 mẹ đẻ. Nhưng V.Nabokov là một trường hợp hiếm hoi thành công ngang nhau với cả hai thứ tiếng. Sau khi viết Lolita bằng tiếng Anh rồi tự dịch sang tiếng Nga, trong Tái bút cho bản tiếng Nga, V.Nabokov đã nói rằng “dịch thuật là câu chuyện gây thất vọng” bởi sự khác biệt giữa hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa. Khi so sánh khả năng của hai ngôn ngữ này, V.Nabokov đã đưa ra những nhận xét thú vị: “Tiếng Nga có khả năng diễn đạt (…) tất cả những gì tế nhị thuộc về con người, cũng như tất cả những gì quê mùa, thô lậu, tục tĩu chẳng kém gì, nếu không muốn nói là hơn so với tiếng Anh; nhưng tất cả sự kín đáo tinh tế, chất thơ của tư duy (…) vốn đặc trưng cho tiếng Anh, nếu diễn đạt bằng tiếng Nga sẽ trở nên thô thiển, dài dòng” (11). Câu chuyện nhà văn tự dịch tiểu thuyết Lolita của mình sang tiếng Nga không gói gọn trong phạm vi dịch thuật thông thường mà thực ra là tác giả đã sáng tạo nên một phiên bản mới của cuốn tiểu thuyết. Trong bản tiếng Nga của Lolita, V.Nabokov phải tìm cách thể hiện phù hợp với văn hóa Nga cho hàng trăm kiểu chơi chữ, lối nói ẩn dụ hết sức tinh tế. Xin dẫn ra hai ví dụ. Trường hợp thứ nhất, câu đầu tiên của Lolita, bản tiếng Anh là: Lolita, light of my life, fire of my loins, trong bản tiếng Nga: Лолита, свет моей жизни, огонь моих чресел. Nếu đối chiếu cả hai văn bản của tác giả thì thấy câu ở bản tiếng Anh, với nhịp điệu và âm thanh của nó, mang đậm chất thơ hơn so với câu ở bản tiếng Nga (tuy ở cả hai bản, từ loin và чресло cùng có nghĩa là phần thăn bên trong dưới thắt lưng, sát quả thận). Vậy nên có thể dịch câu này sang tiếng Việt theo “tinh thần” của bản tiếng Anh là Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa dục tình của tôi. Trường hợp thứ hai, câu áp chót của Lolita, trong nguyên bản tiếng Anh: I am thinking of aurochs and angels, the secret of durable pigments, prophetic sonnets, the refuge of art; ở bản tiếng Nga: Говорю я о турах и ангелах, о тайне прочных пигментов, о предсказании в сонете, о спасении в искусстве. Giữa hai câu này có hai chỗ đáng lưu ý. Thứ nhất, bản tiếng Nga không dịch từ auroch thành зубр mà thành тур vì зубр chỉ loại bò rừng nói chung ở châu Âu, còn тур tuy cũng chỉ bò rừng nhưng gắn với tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Đông Slav(12). Thứ hai, từ tiếng Anh refuge không được dịch là убежище (nơi ẩn náu – như trong bản tiếng Việt của Dương Tường) mà là спасение (sự cứu rỗi). Nghệ thuật như là sự cứu rỗi (Искусство как спасение) – đó là quan niệm truyền thống trong mỹ học Nga, gắn bó mật thiết với tư tưởng Chính thống giáo Slav. Những ví dụ nêu trên 11 về hoạt động dịch thuật như là sáng tạo của V.Nabokov với tư cách là người nhập cư còn gắn với vấn đề “thân thuộc hóa cái khác lạ” – một vấn đề hết sức quan thiết của tương tác song văn hóa(13). Ở chiều ngược lại của “thân thuộc hóa cái khác lạ” là “lạ hóa cái thân thuộc”. Nói cụ thể hơn, V.Nabokov đã đem lại nội dung mới cho hình thức quen thuộc trong thi pháp văn xuôi của mình. Ở đây muốn đề cập đến sự phát triển nguyên tắc trò chơi trong sáng tác bằng Anh ngữ, như đã từng được triển khai trong sáng tác bằng Nga ngữ trước đây của ông. Trong bài Fedor Dostoevsky của tuyển tập Những bài giảng về văn học Nga, V.Nabokov có viết: “(…), khi đề cập đến tác phẩm văn học, không nên quên rằng nghệ thuật là trò chơi thiêng liêng. (…). Nó là thiêng liêng bởi vì chính nó giúp con người gần với Chúa khi tạo ra từ con người một kẻ sáng tạo đích thực. Đồng thời nghệ thuật cũng là trò chơi, bởi vì nó còn là nghệ thuật chỉ chừng nào ta hiểu rằng suy cho cùng, tất cả chỉ là hư cấu, rằng (…) chúng ta, những khán/độc giả, đang tham gia vào trò chơi khéo léo và thú vị”(14). Trò chơi là một nguyên tắc cơ bản trong thi pháp của nhà văn, dẫn đến sự xuất hiện của một loạt phạm trù: “giễu nhại”, “chơi cờ”, “hiện thực ảo”, “người kể chuyện không đáng tin”, “tác giả-người chơi”,… Đã và sẽ còn có những nghiên cứu chuyên sâu về thi pháp trò chơi trong văn xuôi của V.Nabokov. Ở đây chỉ nêu một trường hợp hình thức trò/đồ chơi đặc trưng của Nga được V.Nabokov vận dụng nhất quán từ những sáng tác bằng tiếng Nga đến các tác phẩm bằng Anh ngữ - đó là kiểu văn bản-matryoshka. Tác phẩm văn học có chứa một hoặc nhiều văn bản do nhân vật viết nên được gọi là văn bản-matryoshka hay văn bản búp bê mẹ-con, tương tự như các búp bê mẹ-con (матрёшка) của Nga. Văn bản “bên ngoài” của tác giả tương ứng với búp bê mẹ/bên ngoài, còn văn bản “bên trong” của nhân vật tham gia vào văn bản của tác giả, tương ứng với một hoặc nhiều búp bê con/bên trong. V. Nabokov tập trung hướng vào loại văn bản này ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Mashenka (1926), với việc bao chứa nhiều lớp hồi ức của nhân vật Ganin. Nhưng chỉ vào đầu những năm 1930, V.Nabokov mới phát triển đầy đủ hình thức này. Loại “văn bản búp bê mẹ-con” đã quy định kết cấu của gần như tất cả các tác phẩm của Nabokov, bắt đầu từ truyện ngắn Truyền miệng và cuốn tiểu 12 thuyết Mashenka bằng tiếng Nga cho đến các tiểu thuyết tiếng Anh Lolita và Hãy nhìn vào Harlequins!. Thực ra, trong lịch sử văn học, loại văn bản búp bê mẹ-con không phải là mới. Những văn bản búp bê mẹ-con từng tồn tại trong hát ru của văn học châu Âu, trong Odyssey của Homer. Ta cũng bắt gặp loại văn bản búp bê mẹ-con dưới dạng “kịch trong kịch” ở Hamlet của W.Shakespeare hoặc Hải âu của A.Chekhov, dạng “nhật ký trong tiểu thuyết” ở Một nhân vật của thời đại chúng ta của M.Lermontov, Bọn làm bạc giả của A.Gide, dạng “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” ở Nghệ nhân và Margarita của M.Bulgakov. Trong sáng tác bằng tiếng Nga của V.Nabokov, kiểu “văn bản búp bê mẹ-con” khá đa dạng, từ tiểu thuyết trong truyện ngắn (Truyền miệng) đến truyện vừa trong tiểu thuyết (Tuyệt vọng), tự bạch trong tiểu thuyết (Mời dự án tử hình), tiểu thuyết trong tiểu thuyết (Quà tặng). Đến các sáng tác bằng tiếng Anh, đặc biệt là Lolita, nguyên tắc kết cấu văn bản búp bê mẹ-con được V.Nabokov vận dụng triệt để. Ở đây nhà văn đã xây dựng hai bình diện kết cấu văn bản; các bình diện “bên ngoài” và “bên trong” của văn bản được triển khai đồng bộ, chồng xếp lên nhau. Ta bắt gặp hai tác giả, hai người kể chuyện. Người đầu tiên là tác giả của văn bản thứ nhất, “bên ngoài” – tức là chính V.Nabokov, người thứ hai là tác giả của văn bản thứ hai, “bên trong” - tác giả cuốn nhật ký, Humbert Humbert. Đến lượt mình, nhân vật Humbert Humbert lại đóng vai trò kép: vừa là người kể câu chuyện của mình vừa là tác giả phóng chiếu những quy luật thẩm mỹ lên tác phẩm-lời tự bạch của mình và lên bản thân đời sống hiện thực. Với sự chồng xếp, giao cắt hai (và nhiều) văn bản trong mô hình kết cấu văn bản búp bê mẹ-con, tiểu thuyết Lolita đã tạo nên một ma trận trò chơi có thể được khái quát thành 10 kiểu quan hệ “chơi” như sau: tác giả - người kể chuyện, tác giả - văn bản 1, tác giả - văn bản 2, tác giả - độc giả, người kể chuyện - văn bản 1, người kể chuyện - văn bản 2, người kể chuyện - độc giả, văn bản 1- văn bản 2, độc giả - văn bản 1, độc giả - văn bản 2. Các kiểu quan hệ tác giả-người kể chuyện-nhân vật-độc giả như vậy đã vượt ra ngoài khuôn khổ trần thuật truyền thống và tạo ra một thế giới chơi hết sức đặc biệt. Như vậy là qua hoạt động sáng tạo của mình, V.Nabokov đã kết hợp được những kinh nghiệm truyền thống và những thử nghiệm hiện đại của các nền văn hóa Nga và Tây 13 Âu. Là một người rất hâm mộ Pushkin và Gogol, đồng thời lại bị nhà văn Nga thuộc Thế kỷ Bạc A.Belyi cuốn hút, là người rất am hiểu Shakespeare, Cervantes và Flaubert, nhưng cũng ưa thích Proust và gần gũi Kafka(15), V.Nabokov đã trở thành một “game thủ lão luyện” trong trò chơi nghệ thuật, có ảnh hưởng đến những trường phái hiện đại và hậu hiện đại Mỹ, Tây Âu và Nga. Trong bài báo Văn học của sự đổi mới (1967) John Barth đã xếp V.Nabokov bên cạnh H.L.Borges và gọi ông là một trong những bậc tiên khu chủ yếu của cách hiểu mới về văn học(16). Còn Maurice Couturier trong bài Nabokov trên mảnh đất hậu hiện đại (1993), đã nghiên cứu quan hệ của các nhà hậu hiện đại Mỹ với V.Nabokov cũng như những mối liên hệ giữa sáng tác của V.Nabokov với văn cảnh hậu hiện đại nói chung (17). Khi ở Mỹ, V.Nabokov đã cho dịch ra tiếng Anh nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Nga trước đây của ông. Việc chỉnh sửa lại những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Nga cũng đã giúp kích hoạt được những sắc thái và ý nghĩa tiềm ẩn trong tác phẩm, như trường hợp tiểu thuyết Tiếng cười trong bóng tối. Bản tiếng Nga đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này (1932) có nhan đề Камера обскура/Buồng tối của máy quay. Đến bản tiếng Anh (1960), ngoài việc thay nhan đề bằng Laughter in the Dark /Tiếng cười trong bóng tối, đổi tên một loạt nhân vật, V.Nabokov còn “nâng” tuổi của nhân vật Margot lên thành 18 (chắc hẳn để làm “nhẹ” đi vấn đề ngoại tình vốn rất nhạy cảm trong văn hóa Mỹ thời đó!). Bên cạnh đó, V.Nabokov còn dành nhiều thì giờ cho việc phổ biến văn hóa Nga sang cộng đồng Anh ngữ, thông qua loạt bài giảng và chuyên luận về văn học cổ điển Nga. Đầu tiên trong số đó phải kể đến cuốn Nikolai Gogol (1944). Cuốn sách thể hiện quan điểm độc đáo của V.Nabokov coi “tác phẩm của Gogol cũng như toàn bộ nền văn học Nga vĩ đại là hiện tượng ngôn ngữ chứ không phải hiện tượng tư tưởng”. Ông bác bỏ cách tiếp cận sáng tác của Gogol theo kiểu “xã hội học”. Trong phần 2 của cuốn sách với tiêu đề Bóng ma nhà nước viết về Quan thanh tra, V.Nabokov đã gọi các nhà phê bình là những “tâm hồn ngây thơ”, họ “nhất định sẽ thấy trong vở kịch thái độ đả kích dữ dội nhằm vào chế độ tham nhũng ở nước Nga quê mùa”. Trong khi đó, ông tập trung khảo sát và giải thích kết cấu vở kịch không theo logic thông thường mà theo logic của “giấc mơ”. 14 Tiếp theo cuốn Nikolai Gogol, năm 1945 V.Nabokov công bố tuyển tập Ba nhà thơ Nga gồm bản dịch thơ và giới thiệu tiểu sử của Pushkin, Lermontov và Tyutchev; năm 1958 hoàn thành bản dịch và viết lời giới thiệu chi tiết cho cuốn Một nhân vật của thời đại chúng ta của M.Lermontov; năm 1960, dịch và chú giải Bài ca về binh đoàn Igor. Bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết Evgenii Onegin (1964) gồm phần dịch thành văn xuôi và chú giải của V.Nabokov. Phần chú giải tỉ mỉ của ông là sự hội tụ của không gian văn hóa Nga, sự tôn vinh giá trị cao quý của tiếng Nga, giúp người đọc hình dung cuốn tiểu thuyết này như là kết quả của sự gặp gỡ giữa văn hóa Nga và văn hóa phương Tây. Với việc giảng dạy và biên khảo văn học Nga cổ điển, V.Nabokov đã trở thành một “tuyên truyền viên” tích cực cho văn hóa Nga trong môi trường văn hóa Mỹ. Qua những công việc trên cùng với hoạt động sáng tác, dịch thuật bằng tiếng Anh, V.Nabokov không những đã làm rõ mà còn phát triển mỹ học Nga, tìm được hình thức tồn tại khác của văn hóa, văn chương Nga. Cũng có thể coi những hoạt động đó là một dạng “hồn Nga trong một thực thể khác” hay “thực thể Nga trong một thân vị khác”. 5. Kết luận Thế giới nghệ thuật của V.Nabokov khởi phát từ những sáng tác bằng tiếng Nga và dựa trên nền tảng tinh thần của văn hóa Nga, đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa Đức, Pháp, Anh và Mỹ. Các bài giảng về văn học Nga và những tác phẩm của ông, chủ yếu là truyện và tiểu thuyết, một nửa bằng tiếng Nga với những motif và biện pháp nghệ thuật của phương Tây, một nửa bằng tiếng Anh với những đề tài Nga chính là sự tổng hợp các nền văn hóa đó. Quá trình phát triển sáng tạo của V.Nabokov cũng là quá trình song ngữ, quá trình đối thoại văn hóa. Việc sử dụng song ngữ của V.Nabokov là phương tiện để nhà văn đưa những truyền thống của văn hóa phương Tây vào văn hóa Nga và truyền bá di sản của văn hóa Nga sang văn hóa Tây Âu và Mỹ. Hiện tượng nhà văn song ngữ V.Nabokov vừa độc đáo, xét về cá tính sáng tạo, vừa phổ biến, xét về bối cảnh đối thoại văn hóa, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Nhà văn song ngữ V.Nabokov từng quan niệm: “Quốc tịch của một nhà văn khả kính chỉ là chuyện thứ yếu (...), nghệ thuật của nhà văn mới là tấm hộ chiếu đích thực của anh ta”(18). Theo tinh thần đó, do vậy, dưới ánh sáng đối thoại văn hóa, việc phân định rạch ròi thuộc tính dân tộc của nhà văn 15 V.Nabokov có thể sẽ không còn là vấn đề quá quan thiết trong nghiên cứu phê bình hiện tượng văn học Nga hải ngoại này. 09.2013 P.G.L. CHÚ THÍCH (1) Nabokov's interview (03) Playboy (1964) (http://lib.ru/NABOKOW/Inter03.txt) (2) (3) Nabokov's interview (04), Life (1964) (http://lib.ru/NABOKOW/Inter04.txt) Xem, chẳng hạn: “Bilingualism”, Encyclopedia Britanica; Seth J. Schwartz and Jennifer B. Unger, “Biculturalism and Context: What Is Biculturalism, and When Is It Adaptive?”, Human Development, 2010 March; 53(1), pp.26–32; “Билингвизм”,Словари и Энциклопедии на Академике (http://dic.academic.ru); Попов В. А. (2000), “Бикультурализм”, Народы и религии мира. Энциклопедия. М., C. 88 (4) Мельников Н. Г. (Сост.), "Классик без ретуши. Литературный мир о творчестве Владимира Набокова:Критические отзывы, эссе, пародии", Владимир Владимирович Набоков.Энциклопедическое собрание сочинений (2005), 1 2 томов текста, 266 иллюстраций (CD-Rom), ИДДК (5) Владимир Набоков (1926), “Машенька”. Часть 3, Владимир Владимирович Набоков. Энциклопедическое собрание сочинений (Sđd). Những trích dẫn tác phẩm tiếp theo trong bài đều từ nguồn này (6) Букс Н. Эшафот в хрустальном дворце: О русских романах В. Набокова. M., 1998, C.11, 61 (7) Левин Ю. “Заметки о "Машеньке" В.В.Набокова. Pro et Contra”, Владимир Владимирович Набоков. Энциклопедическое собрание сочинений. (Sđd). (8) Dẫn theo: Мулярчик А. (1997), “Русская проза В. Набокова”. М.,C.44 (9) Липовецкий М.(1997), “Русский постмодернизм. (Очерки исторической поэтики)”, Монография. Екатеринбург, C. 53 (10) Анастасьев Н. (2002), Владимир Набоков. Одинокий король. М., C.147 Владимир Набоков. “Лолита. Постскриптум к русскому изданию”, Владимир Владимирович Набоков. Энциклопедическое собрание сочинений. (Sđd) (12) Tục ngữ Nga: “Тур ходит по горам, турица-то по долам”; “Тур свистнет, турица-то мигнет” (“Bò đực qua núi, bò cái qua thung”; “Bò đực rít gầm, bò cái nhấp nháy” – chỉ Sấm và Chớp. Nguồn: В.И. Даль. Пословицы русского народа . http://dslov.ru/txt/81/t81_93.htm); Xem thêm: “Славянские праздники, Турицы, 6 января” (http://supercook.ru/slav/slov-mif-08.html) (11) 16 (13) Xem thêm, chẳng hạn: Haley De Korne, Michael Byram & Michael Fleming (2007), “Familiarising the Stranger: Immigrant Perceptions of Cross-cultural Interaction and Bicultural Identity”, Journal of Multilingual and Multicultural Development, Volume 28, Issue 4, Pp.290-307 (14) Владимир Набоков (2010). “Лекции по русской литературе”. "Азбука-Классика", СПб., C.176 (15) Năm 1932, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo của Riga, V.Nabokov không thừa nhận ảnh hưởng từ văn học Đức nhưng lại thừa nhận ảnh hưởng của văn học Pháp: “Đúng ra phải nói về ảnh hưởng Pháp, tôi yêu Flaubert và Proust’ (xem thêm: John Updike, “Professor Nabokov”, The New York Review of Books, September 25, 1980 1980, (http://www.nybooks.com/articles/archives/1980/sep/25/professor-nabokov/) và Леонид Пекаровский, “Об одной тайне Владимира Набокова”, Крещатик, 2006, №1, (http://magazines.russ.ru/kreschatik/2006/1/pe28-pr.html). (16) Xem: John Barth (1984), “The Literature of Replenishment (Postmodernist Fiction)”, Friday Book: Essays and Other Non-Fiction. London, The John Hopkins University Press (bản pdf trên http://www.massey.ac.nz/massey/) (17) Maurice Couturier (1993), “Nabokov in Postmodernist Land”, Critique: Studies in Contemporary Fiction. Volume 34, Issue 4, 1993, pp.247-260 (bản pdf trên http://www.tandfonline.com) (18) Nabokov's interview (06) Wisconsin Studies (1967) (http://lib.ru/NABOKOW/Inter06.txt_with-big- pictures.html) 17
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan