Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong t...

Tài liệu Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự

.DOC
12
3359
104

Mô tả:

CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ PHẦN MỞ ĐẦU Theo sự phân loại căn cứ vào phương thức sáng tạo hình tượng, tự sự là một trong các thể loại chính của tác phẩm văn học. Trong chương trình dạy - học môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông nói chung và bậc THPT nói riêng, cùng với thơ, tác phẩm văn chương tự sự chiếm phần khá lớn trong sách giáo khoa Ngữ văn và trong phân phối chương trình môn Ngữ văn THPT. Chi tiết nghệ thuật là một trong những yếu tố nghệ thuật của tác phẩm văn chương tự sự, trong các bài học về lí luận văn học thường không được nêu ra như một yếu tố nghệ thuật riêng biệt, có vị trí ngang bằng với những yếu tố nghệ thuật khác như kết cấu, cốt truyện, nhân vật, trần thuật, ngôn từ… Thế nhưng, nó lại có tầm quan trọng đặc biệt trong tác phẩm văn chương tự sự, nhiều khi trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng trong tác phẩm. Có thể nói mà không cường điệu, nếu tư tưởng là linh hồn của tác phẩm, thì chi tiết nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần làm nên sức sống của linh hồn ấy. Việc giảng dạy một tác phẩm văn chương tự sự trong nhà trường, với những yêu cầu của dạy học Ngữ văn, không phải là đơn giản, dễ dàng. Để học sinh có thể lĩnh hội được toàn bộ giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, trong một thời lượng thời gian có hạn, ngắn ngủi, đó là một thách thức thực sự đối với cả thày và trò. Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy, với các tác phẩm văn chương tự sự, để giúp học sinh tiếp nhận được những giá trị cơ bản và nổi bật của tác phẩm, thày cô luôn phải hướng dẫn cho các em tìm hiểu các yếu tố nội dung và nghệ thuật của tác phẩm (tình huống, cốt truyện, nhân vật, nghệ thuật trần thuật…), và trong đó nhất định phải đi sâu vào các chi tiết nghệ thuật quan trọng không thể bỏ qua trong tác phẩm. Thực tế, nhiều em học sinh, kể cả học sinh chuyên văn, trong quá trình học, vẫn có khi nắm không chắc chắn một số chi tiết nghệ thuật quan trọng trong tác phẩm. Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức lí thuyết cơ bản về chi tiết nghệ thuật từ các bài học lí luận văn học của sách giáo khoa, và việc rèn kĩ năng tìm hiểu yếu tố nghệ thuật quan trọng này cũng chưa có điều kiện thực hiện nhiều trong các giờ học bởi thời gian tiết học quá eo hẹp, mà lượng kiến thức lại khá nhiều. Mặt khác, không chỉ trong khi học, việc tìm hiểu và nắm vững các chi tiết nghệ thuật là yêu cầu quan trọng, mà trong các kì kiểm tra, đánh giá học sinh như kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học cao đẳng, thi chọn học sinh 1 giỏi các cấp, vẫn thường xuất hiện câu hỏi và đề văn về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự như trong nhiều năm học vừa qua. Một thực tế nữa là, với các thày cô giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường, vốn thường xuyên phải sử dụng sách hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên, việc hướng dẫn khai thác các chi tiết nghệ thuật trong các tác phẩm văn chương tự sự ở nhiều bài học trong tài liệu này cũng chưa được chú ý thích đáng, có bài chỉ được biên soạn sơ lược một vài định hướng, thày cô có thể và cần phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, song cũng gặp hạn chế trong sự thống nhất mức độ, yêu cầu, nội dung kiến thức chung. Từ những vấn đề lí luận và thực tiễn dạy - học văn trong nhà trường như trên, đặc biệt là để đáp ứng những yêu cầu của việc dạy học sinh chuyên văn, chúng tôi xin được triển khai chuyên đề Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự gửi đến hội thảo khoa học theo những nội dung cụ thể dưới đây. PHẦN NỘI DUNG Phần một: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN I. Khái niệm chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự Như đã nói ở phần mở đầu, trong sách giáo khoa Ngữ văn THPT không có bài học riêng về chi tiết nghệ thuật, cũng không có phần giới thiệu riêng về yếu tố nghệ thuật này của tác phẩm văn chương tự sự trong bài học lí luận văn học nào. Kiến thức về chi tiết nghệ thuật được cung cấp cho học sinh trong bài Đọc tiểu thuyết và truyện ngắn (Ngữ văn 11 Nâng cao), phần Đặc điểm chung của tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc điểm Cốt truyện, chi tiết: Chi tiết là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời cũng thể hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó, chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng. (Ngữ văn 11 Nâng cao NXB Giáo dục, 2011, tr.197). Như vậy,ở định nghĩa trong bài học về thể loại tác phẩm này, chi tiết là yếu tố gắn liền với nhân vật và nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm tự sự. Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi NXB Giáo dục, 2004) định nghĩa: Chi tiết nghệ thuật: Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng.(tr.59) Có thể thấy, định nghĩa này đã nêu lên một ý nghĩa khái quát hơn về tầm vóc của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn học nói chung, trong đó có tác phẩm văn chương tự sự. Tựu chung lại, qua một số định nghĩa nói trên, chúng tôi thấy có thể hiểu chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự là các tiểu tiết trong tác phẩm, 2 mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời, là yếu tố quan trọng để thể hiện nhân vật trong tác phẩm. II. Vai trò, giá trị của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự Chi tiết nghệ thuật có vai trò quan trọng trong tác phẩm văn chương tự sự. Trước hết, chi tiết nghệ thuật là chất liệu, là phương tiện để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật có cụ thể, gợi cảm và sống động là nhờ có các chi tiết về phong cảnh, môi trường, chân dung, cử chỉ, phản ứng nội tâm, hành vi, lời nói, suy nghĩ… Trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, hai hình tượng nghệ thuật chính là hình tượng rừng xà nu, hình tượng các thế hệ dân làng Xô Man, trong đó nổi bật là hình tượng nhân vật Tnú đều được xây dựng bằng nhiều chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Ở hình tượng rừng xà nu, đó là những chi tiết mang ý nghĩa tả thực những đặc tính quí báu của cây xà nu như ham ánh sáng mặt trời, vươn cao đón nắng, mang trong mình sức sống mãnh liệt của đại ngàn Tây Nguyên dù bị bom đạn của Mĩ ngụy hủy diệt tàn bạo… Và những chi tiết tả thực đó đã mang ý nghĩa biểu tượng, hình tượng rừng xà nu đã trở thành một ẩn dụ đẹp về những con người Tây Nguyên kiên trung, bất khuất, yêu tự do, luôn hướng về Đảng, về Cách mạng dù phải chịu vô vàn đau thương mất mát do tội ác của bọn Mĩ ngụy gây ra. Những ý nghĩa biểu tượng này của hình tượng rừng xà nu đã làm ngời sáng thêm vẻ đẹp của con người Tây Nguyên, con người Việt Nam trong những năm tháng đánh Mĩ ác liệt - được thể hiện trực tiếp qua hình tượng các thế hệ dân làng Xô Man trong tác phẩm. Người đọc không thể quên hình ảnh cụ Mết, người đại diện, kết tinh phẩm chất quật cường, truyền thống yêu nước của dân làng Xô Man, mang đậm chất Tây Nguyên qua những chi tiết miêu tả từ ngoại hình đến tinh thần, phẩm cách, tấm lòng của cụ: ngực căng như một cây xà nu lớn, lời phát ngôn chân lí cách mạng mà cụ đại diện cho nhân dân: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!, rồi âm vang giọng chỉ huy điềm tĩnh mà dõng dạc, trầm hùng của cụ trong đêm dân làng Xô Man nổi dậy: Đốt lửa lên!... Nối tiếp cụ Mết, là cả một thế hệ thanh niên với những con người ưu tú như Tnú, Mai dũng cảm, trung thành, gan góc, đầy tình yêu thương, và sau này là Dít sớm trưởng thành và sẽ còn đi xa hơn lớp anh chị, là bé Heng như một hình ảnh đẹp của tương lai trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù. Tất cả những vẻ đẹp ấy hiện lên một cách sống động, chân thực, tự nhiên, nhờ một loạt những chi tiết nghệ thuật đặc sắc mà nhà văn đã dụng tâm, dụng công quan sát, chọn lọc và tổ chức hài hòa với những yếu tố nghệ thuật khác của tác phẩm như nghệ thuật trần thuật, ngôn ngữ đậm chất sử thi, kết cấu truyện trong truyện... Sự kết hợp hài hòa ấy đã làm nên một chỉnh thể nghệ thuật có giá trị cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Một trong những đặc trưng của tác phẩm văn chương tự sự là cốt truyện. Yếu tố này có được nổi bật hay không, một phần lớn là nhờ các chi tiết nghệ thuật. 3 Cơ sở lí luận văn học đã chỉ ra: “Để tập trung làm nổi bật cốt truyện, nhà văn viết truyện ngắn thường sử dụng nhiều tình tiết, chi tiết trong tác phẩm. Trong truyện ngắn, chi tiết là yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất. Nó thường có dung lượng lớn và hành văn mang nhiều ẩn ý tạo ra cho tác phẩm những phẩm những chiều sâu chưa nói hết”. Như vậy, có thể thấy chi tiết nghệ thuật là yếu tố quan trọng góp phần làm nổi bật cốt truyện. Với vai trò góp phần xây dựng hình tượng, đặc biệt là hình tượng nhân vật, và làm nổi bật cốt truyện như vậy, chi tiết nghệ thuật có thể nói cũng đã góp phần quan trọng thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Do đó, chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm trong tác phẩm văn chương tự sự không chỉ có giá trị phản ánh và tạo hình, mà lớn hơn là có bản chất sáng tạo khái quát, biểu hiện - tức là có khả năng “nói” nhiều hơn bản thân nó. Những chi tiết nghệ thuật thể hiện nhân vật cụ Mết hay Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành) không chỉ cho người đọc thấy một con người cụ thể, phản ánh một số phận, một tính cách cụ thể, mà cao hơn, cho chúng ta thấy vẻ đẹp của cả một cộng đồng, một dân tộc trong những thử thách cam go, thấy vẻ đẹp vĩ đại của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một thời đại trong cả trường kì lịch sử của dân tộc, cho thấy niềm tin yêu mãnh liệt, niềm tự hào lớn lao về những người con của dân tộc từ sâu thẳm tấm lòng, tình cảm của nhà văn. Và khi chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện những điều ấy, có thể lí giải, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật trong tác phẩm của nhà văn - tùy theo sự biểu hiện cụ thể - thì nó thực sự trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng trong tác phẩm. III. Phân loại chi tiết nghệ thuật Chúng tôi quan niệm các chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn chương tự sự nói riêng, đều là những chi tiết nghệ thuật. Song trong thực tế, giá trị, vai trò, hiệu quả của các chi tiết trong tác phẩm không hoàn toàn như nhau. Trong cả một hệ thống chi tiết làm thành cốt truyện của tác phẩm, có những chi tiết được xem là mấu chốt, là điểm nhấn, là tiêu điểm, hoặc làm trung tâm nối kết, liên kết các sự kiện… Cũng như vậy, trong việc xây dựng hình tượng nói chung, hình tượng nhân vật nói riêng, trong hàng loạt chi tiết, bao giờ cũng nổi lên một vài chi tiết được tô đậm, nhấn mạnh… tạo sức ám ảnh hoặc để lại nhiều dư ba trong người đọc. Chẳng hạn trong cốt truyện tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, chi tiết anh Tràng nhặt được vợ chỉ bằng vài câu nói đùa, bữa bánh đúc mà Tràng nổi hứng khao trong buổi đói khát là chi tiết đầu mối cho mọi sự diễn biến tiếp theo, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về khát vọng sống , ý chí sống mãnh liệt của những người nông dân Việt Nam trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo - chủ đề tư tưởng chính của truyện - lại là chi tiết nói toàn những chuyện vui, những chuyện sung sướng về sau này của bà cụ Tứ ở phần cuối truyện. Hay như trong truyện Rừng xà nu đã nói ở trên, trong rất nhiều những chi tiết đặc sắc mà tác giả Nguyễn Trung Thành đã lựa chọn để 4 khắc họa nhân vật Tnú, có một chi tiết, theo cảm nhận của rất nhiều người đọc, để lại ám ảnh và xúc động sâu xa là chi tiết bàn tay Tnú. Bàn tay trung thực, tình nghĩa khi lành lặn; lúc bị đốt trở thành ngọn đuốc châm bùng lên ngọn lửa căm thù, lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, sức mạnh quật cường… của dân làng Xô Man; đồng thời thành chứng tích tội ác man rợ của kẻ thù, bàn tay chứa chất sức mạnh, lòng căm thù của anh khi chiến đấu với quân thù ngay khi chỉ còn mỗi ngón hai đốt. Một chi tiết nghệ thuật có sức ám ảnh, có ý nghĩa biểu tượng cao. Từ đây, ta có thể phân loại - một cách tương đối - hai loại chi tiết nghệ thuật: Những chi tiết đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lí (chi tiết thuộc về nghệ thuật); những chi tiết thể hiện tập trung hoạt động sáng tạo hình tượng nghệ thuật của tác giả, thường được tô đậm, nhấn mạnh, hoặc lặp lại bằng nhiều biện pháp khác nhau (chi tiết có tính nghệ thuật). Trong phạm vi nội dung chuyên đề này, chúng tôi xin được tập trung đề cập đến loại chi tiết nghệ thuật thứ hai, và thực ra, những ví dụ minh họa trong phần lí luận này đều thuộc loại chi tiết đó. IV. Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự 1. Trong khuôn khổ tác phẩm văn học tự sự trong nhà trường (truyện ngắn, tiểu thuyết), với yêu cầu tiếp nhận tác phẩm ở trình độ THPT, việc tìm hiểu chi tiết nghệ thuật thường được tiến hành trước hết là trong bài đọc văn, sau đó là ở các bài thực hành làm văn cụ thể. Như đã nói ở trên, chi tiết nghệ thuật là một yếu tố nằm trong cả chỉnh thể nghệ thuật là tác phẩm, nên việc tìm hiểu chúng không tách rời các yếu tố nghệ thuật khác trong tác phẩm như đề tài, chủ đề, cốt truyện, tình huống, nhân vật, nghệ thuật trần thuật… Đặc biệt, trong quan hệ với tác giả, chi tiết nghệ thuật còn gắn liền với quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người, với truyền thống văn hóa nghệ thuật nhất định. Do vậy, những yêu cầu chung như tìm hiểu về tác giả, đọc kĩ tác phẩm để nắm được nội dung, diễn biến cốt truyện, nhân vật, tìm ra chủ đề… cũng là những thao tác học sinh đã được thực hiện thường xuyên, nên không nêu chi tiết. 2. Ở chuyên đề này, chúng tôi xin được đi sâu hơn vào việc hướng dẫn cho học sinh cách tìm hiểu chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự, cách vận dụng hiểu biết đó vào làm các bài tập làm văn về chi tiết nghệ thuật. Cụ thể như sau: 2.1. Tìm hiểu chủ đề tác phẩm, hệ thống các chi tiết chính trong tác phẩm Có thể hệ thống các chi tiết ấy theo cốt truyện, hoặc theo nhân vật, theo các yếu tố khác trong tác phẩm. Ví dụ ở nhân vật thì chú ý các chi tiết về ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động… Ở ngoại cảnh là những chi tiết miêu tả thiên nhiên, đồ vật, hiện tượng… Đặc biệt cần chú ý những chi tiết tập trung làm rõ cho chủ đề. 2.2. Nhận diện các chi tiết nghệ thuật quan trọng 5 Những chi tiết quan trọng thường được nhấn mạnh, tô đậm bằng nhiều biện pháp. Mỗi nhà văn sử dụng biện pháp khác nhau, song có thể nhận thấy một vài biểu hiện cơ bản của những chi tiết quan trọng trong tác phẩm, như: - Tần số xuất hiện nhiều lần hoặc liên tục hoặc ngắt quãng: ví dụ như chi tiết ngọn đèn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, nhất là hình ảnh ngọn đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ; hay như chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo ở phần mở đầu truyện và ở quãng giữa sau khi tác giả miêu tả quá trình bị tha hóa thành quỉ dữ của Chí trong truyện Chí Phèo (Nam Cao), tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), chi tiết cuốn sổ gia đình (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi)… - Lặp đi lặp lại ở những vị trí đặc biệt, đáng chú ý (mở, kết): rừng xà nu bị tàn phá song vẫn sinh sôi nảy nở ở phần mở đầu và kết thúc truyện Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), cái lò gạch cũ nơi Chí Phèo sinh ra (phần đầu) và xuất hiện trong ý nghĩ của Thị Nở (cuối truyện) trong Chí Phèo của Nam Cao… - Xuất hiện trong những thời điểm, thời gian đặc biệt trong cuộc đời của nhân vật hoặc trong diễn biến cốt truyện. Ví dụ như chi tiết Huấn Cao rỗ gông một cách không hề sợ hãi trước những lời đe dọa của bọn lính ngục trong buổi sáng đầu tiên đến nhà lao tỉnh Sơn, Huấn Cao cho chữ (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân), chi tiết Đám cứ đi…trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, hay chi tiết hai chị em Chiến và Việt khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm trong buổi sáng trước hôm đi tòng quân, sau khi đã làm cơm cúng má (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi)… Loại chi tiết này đặc biệt nhiều trong các tác phẩm văn chương tự sự. - Có thể không xuất hiện nhiều lần, nhưng có mối liên hệ gắn kết với nhân vật trong nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời của nhân vật, như chi tiết bàn tay Tnú trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). - Có những chi tiết nhỏ, nhiều khi không mang những dấu hiệu cụ thể trên, song vẫn có thể là những chi tiết nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng, tuy không dễ nhận biết, nhưng cần được phát hiện nhờ sự nhạy cảm, tinh tế của từng người đọc. Ví dụ lời nói của bà cụ Tứ: Ừ thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng khi đón nàng dâu mới trong Vợ nhặt (Kim Lân), hay lời độc thoại trong tâm tưởng của Việt khi cùng chị khiêng bàn thờ má sang gửi chú Năm: …chừng nào độc lập chúng con lại đưa má về (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi)… 2.3. Phát hiện ý nghĩa, hiệu quả nghệ thuật của chi tiết nghệ thuật Khó có thể đưa ra một công thức cụ thể nào để có thể áp dụng cho tất cả thày trò trong việc tìm tòi, phát hiện, cảm hiểu chi tiết nghệ thuật, vì sự phong phú muôn màu muôn vẻ của chi tiết, cũng như sự đa dạng trong sáng tạo của các nhà văn trong tác phẩm của họ, sự khác nhau về năng lực cảm thụ của mỗi người đọc. Từ thực tế dạy học văn trong nhà trường, chúng tôi mạnh dạn nêu 6 lên một vài suy nghĩ, trải nghiệm thực tế trong công việc vừa khó khăn vừa lí thú này. Một tác phẩm hay nhiều khi là ở chi tiết nghệ thuật sống động. Nhưng chi tiết nghệ thuật không tách rời các yếu tố nghệ thuật khác, vì vậy khi tìm hiểu chi tiết, vẫn cần phải đặt chi tiết trong chỉnh thể, nhất là với những yếu tố mà nó là thành phần cấu tạo nên hoặc góp phần thể hiện như cốt truyện, nhân vật, tư tưởng chủ đề, tìm hiểu chi tiết trong sự liên kết cả về mặt nội dung và hình thức với các yếu tố đó. Như chi tiết anh cu Tràng mua hai hào dầu trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, nếu trong hoàn cảnh bình thường thì không có gì đáng nói, nhưng trong thời buổi đói khát, người chết như ngả rạ, dầu thắp sáng trở thành thứ quá xa xỉ, một bữa ăn no chỉ tính bằng xu, mà anh dám bỏ hai hào để mua dầu, đủ thấy niềm vui, niềm hạnh phúc có vợ với anh thật lớn đến chừng nào, đủ để thấy sự thấu hiểu, trân trọng của Kim Lân với những người dân nghèo lớn đến chừng nào. Đặt chi tiết vào dòng cốt truyện, trong nội dung phản ánh của tác phẩm, mới xác định đúng vị trí, ý nghĩa to lớn ấy của chi tiết. Dựa vào nội dung diễn biến của sự việc, hành động trong chi tiết, dựa vào cách miêu tả, khắc họa, ngôn ngữ tái hiện của tác giả, tìm ra ý nghĩa của chi tiết, đặt trong mối liên hệ với các yếu tố liên qua trực tiếp hoặc gián tiếp với chi tiết. Chú ý không chỉ phát hiện ý nghĩa của chi tiết về mặt nội dung mà còn cả về mặt nghệ thuật của nó trong việc thể hiện nhân vật, tư tưởng chủ đề, qua đó thể hiện tài năng, phẩm chất nghệ thuật… của nhà văn. Bởi nhiều khi , chi tiết nhỏ mà có thể làm nên hình tượng lớn, nhà văn lớn. Phần hai: THỰC HÀNH Trong phần trên, khi đưa ra các nội dung lí luận, chúng tôi đã phân tích một số ví dụ minh họa. Đó cũng là một phần của thao tác thực hành về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự. Vì vậy, trong phần thực hành này, căn cứ vào những yêu cầu cụ thể trong thực tế, chúng tôi xin nêu ra một số hình thức thực hành về chi tiết nghệ thuật cụ thể như sau. I. Tìm hiểu chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự trong bài Đọc văn Ví dụ, khi tìm hiểu sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), chi tiết tiếng sáo gọi bạn tình hẳn không ai có thể bỏ qua, nhưng ý nghĩa của chi tiết Mị uống rượu thì không phải ai cũng cảm nhận một cách đầy đủ. Tiếng sáo đã đánh thức nỗi nhớ hạnh phúc thời tuổi trẻ, ý niệm về thời gian trong người phụ nữ đang sống trong đắng cay, bất hạnh. Khi thấy khung cảnh ồn ào của nhà thống lí Pá Tra xung quanh mình sau bữa cơm cúng ma (đánh chiêng, ốp đồng, nhảy múa, uống rượu bên bếp lửa), Mị cũng uống rượu: Cô lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát. Cần lí giải hành động uống rượu lúc ấy của Mị thế nào? Đó chính là một phản ứng từ sức sống 7 tiềm tàng đang trỗi dậy, với biểu hiện của ý thức về quyền làm người, quyền bình đẳng của con người. Vì trong cuộc sống , mỗi người, ai chẳng có thể và có quyền uống rượu vào ngày tết. Mọi người uống, Mị cũng uống, để chứng tỏ mình vẫn là một con người. Mị uống, như uống nỗi tủi hờn, như để dằn nén nỗi uất ức và cả khát vọng sống đang trỗi lên trong mình. Nhưng khi sức sống tiềm tàng đã trỗi dậy thì không thể gì ngăn được. Vì vậy, ngay cả khi bị trói, Mị vẫn tha thiết nhớ bởi hơi rượu vẫn nồng nàn. Việc tìm hiểu chi tiết nghệ thuật này là công việc thường xuyên, thực hành rất nhiều trong các giờ Đọc văn. II. Vận dụng kết quả đọc hiểu để làm bài tập về chi tiết nghệ thuật Dạng bài tập này có thể chia làm hai trường hợp: 1. Câu hỏi ngắn về chi tiết nghệ thuật Dạng câu hỏi này có nhiều trong đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (Câu hỏi 2,0 điểm). Ví dụ: * Câu 1 (2,0 điểm): Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì? (Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011) Đáp án: - Những hình ảnh thường hiện lên là: + Màu hồng hồng của ánh sương mai. +Người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh. - Những hình ảnh đó nói lên: + Chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống. + Hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người. * Câu 1(2,0 điểm): Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh vòng hoa ấy có ý nghĩa gì? (Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2013) Đáp án: - Thái độ của nhân vật bà mẹ Hạ Du: ngạc nhiên, băn khoăn (khác: đau xót, oán hận,…) - Ý nghĩa của hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du: + Tưởng niệm, thương tiếc sự hi sinh cao cả của người cách mạng tiên phong. + Mong mỏi về sự thức tỉnh của quần chúng. + Niềm tin, cái nhìn lạc quan của nhà văn vào tương lai. * Câu 1 (2,0 điểm): Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011), việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt 8 lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ diễn ra trong hoàn cảnh nào? Sự việc ấy có ý nghĩa gì đối với tâm lí của nhân vật Mị? (Đề thi tuyển sinh đại học năm 2012, Khối D) Đáp án: - Hoàn cảnh diễn ra sự việc Mị nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ: + Do sơ ý để hổ bắt mất bò, A Phủ bị thống lí Pá Tra trói đứng, bỏ mặc cho đói rét suốt mấy đêm liền giữa kì sương muối khắc nghiệt ở Hồng Ngài; còn Mị sau bao năm bị đày đọa cùng cực cũng đã trở nên chai lì. Những đêm trước, tuy vẫn trở dậy thổi lửa, hơ tay, nhìn thấy A Phủ bị trói những Mị chỉ dửng dưng, vô cảm. + Đêm ấy, trong nỗi bất lực, bế tắc và hoàn toàn tuyệt vọng, A Phủ đã khóc; đúng lúc đó, Mị nhìn sang và bắt gặp dòng nước mắt của A Phủ. - Ý nghĩa của sự việc đối với tâm lí của nhân vật Mị: + Việc nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ là khởi đầu cho sự thay đổi lớn trong tâm lí của Mị; Mị nhớ lại lần cũng bị hành hạ như thế, mà xót xa thương mình; từ đó đồng cảm với nỗi đơn độc và tuyệt vọng của A Phủ. + Từ mối đồng cảm ấy, Mị càng hiểu sâu sắc hơn sự độc ác của cha con thống lí Pá Tra, thấy rõ sự nguy khốn vô lí đang ập xuống A Phủ; lòng trắc ẩn của người phụ nữ phút chốc thức dậy đã đem lại sức mạnh cho Mị, khiến Mị dám liều mình cứu A Phủ. * Câu 1 (2,0 điểm): Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên? (Đề thi tuyển sinh đại học năm 2013, Khối C) Đáp án: - Những nét nổi bật trong ấn tượng của Liên về Hà Nội: + Hà Nội là nơi Liên từng được vui chơi, được hưởng những thức quà ngon lạ. + Hà Nội là nơi tràn ngập âm thanh, ánh sáng. - Ý nghĩa của hình ảnh Hà Nội với đời sống tâm hồn Liên: + Khơi dậy nỗi nhớ tiếc về một quá khứ tươi đẹp đã mất và niềm mơ tưởng về một tương lai tươi sáng nhưng xa vời. + Nuôi dưỡng khát vọng mơ hồ mà khắc khoải của Liên: được thoát ra khỏi hiện tại tăm tối, buồn tẻ, nghèo khổ của phố huyện. 2. Đề văn nghị luận về chi tiết nghệ thuật Ví dụ: Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về chi tiết bát cháo hành mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo Nam Cao) và chi tiết ấm nước đầy và nước vẫn còn ấm mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa - Nam Cao). (Đề thi tuyển sinh đại học năm 2010, Môn Ngữ văn, Khối D) Đáp án: 9 1. Vài nét về tác giả và tác phẩm - Giới thiệu Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo, Đời thừa. - Nêu vấn đề: Bát cháo hành và ấm nước đầy và hãy còn ấm là những chi tiết đặc sắc góp phần quan trọng thể hiện tâm lí nhân vật, tư tưởng tác phẩm và điển hình cho nghệ thuật Nam Cao. 2. Cảm nhận hai chi tiết a. Chi tiết bát cháo hành: - Ý nghĩa về nội dung: + Thể hiện sự chăm sóc ân cần của thị Nở khi Chí Phèo ốm đau, trơ trọi. + Là biểu hiện của tình người hiếm hoi mà Chí Phèo được nhận, là hương vị của hạnh phúc tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. + Bát cháo hành đã đánh thức tính người lâu nay bị vùi lấp ở Chí Phèo: . Gây ngạc nhiên, gây xúc động mạnh, khiến nhân vật ăn năn, suy nghĩ về tình trạng thê thảm hiện nay của mình. . Khơi dậy niềm khát khao được làm hòa với mọi người; hi vọng vào một cơ hội trở về với cuộc sống lương thiện. - Ý nghĩa về nghệ thuật: + Là chi tiết quan trọng thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sắc nét tính cách, tâm lí và bi kịch của nhân vật. + Góp phần thể hiện sinh động tư tưởng Nam Cao: tin tưởng vào khả năng cảm hóa của tình người. b. Chi tiết ấm nước đầy và nước hãy còn ấm: - Ý nghĩa về nội dung: Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm Từ dành sẵn để Hộ có cái uống khi tỉnh rượu, thể hiện sự chăm chút tận tâm của Từ, dù trước đó Từ vừa bị Hộ đối xử tệ bạc; biểu hiện của tình yêu thương sâu bền, lòng biết ơn và sự bao dung nguyên vẹn của người vợ yếu ớt; đánh thức lương tâm và lương tri của Hộ, khiến anh thấm thía về nghĩa tình, day dứt, ăn năn về những hành vi vũ phu với vợ con khi say. - Ý nghĩa về nghệ thuật: Giúp khắc họa tính cách, tâm lí nhân vật và góp phần thể hiện sinh động tư tưởng của Nam Cao về khả năng cảm hóa của tình người. c. Về sự tương đồng và khác biệt: - Tương đồng: Cả hai chi tiết dều góp phần biểu hiện tình cảm, tấm lòng của người phụ nữ. Tình người của họ đã đánh thức tính người của những kẻ bị tha hóa. Những chi tiết đó đều bộc lộ niềm tin sâu sắc vào tình người; đều thể hiện biệt tài sử dụng chi tiết của Nam Cao. - Khác biệt: Bát cháo hành (và hơi cháo hành) được tô đậm trong tác phẩm, là một nỗi ám ảnh đã thức tỉnh Chí Phèo, phù hợp với tâm lí của người nông dân. Ấm nước đầy và nước hãy còn ấm chỉ xuất hiện thoáng qua, những cũng đủ tác động làm thức tỉnh lương tri của Hộ, phù hợp với tâm lí của người trí thức. 3. Đánh giá chung 10 - Hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, góp phần vào thành công của tác phẩm, thể hiện được tư tưởng và tài năng của Nam Cao. - Đóng góp vào kho tàng chi tiết của văn học Việt Nam và nhân loại nói chung. 3. Đề văn yêu cầu sáng tạo chi tiết nghệ thuật Dạng bài luyện tập này nhằm phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của học sinh, nhất là học sinh giỏi và có năng khiếu sáng tác văn chương. Ví dụ: Đề 1: Từ câu chuyện được kể trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, anh/chị hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ của Mị Châu và Trọng Thủy dưới thủy cung theo cảm nhận của mình. Với đề văn này, học sinh đã đưa ra rất nhiều chi tiết khác nhau, cho mỗi cốt truyện khác nhau trong câu chuyện tưởng tượng. Ví dụ một số chi tiết chính trong từng cốt truyện: - Mị Châu gặp lại Trọng Thủy dưới thủy cung, tức giận vì sự tráo trở của Trọng Thủy, cho là Trọng Thủy lừa dối mình, không xứng đáng với tình yêu trong trắng của nàng nên nhất định không tha thứ. - Mị Châu gặp lại Trọng Thủy, thấy Trọng Thủy đau khổ, hối hận và vẫn bày tỏ tình yêu, tấm chân tình với Mị Châu nên mặc dù lúc đầu giận dữ song Mị Châu đã tha thứ cho Trọng Thủy, hai người được rửa nỗi oan ở dưới thủy cung và chung sống hạnh phúc. - Mị Châu nói rõ cho Trọng Thủy hậu quả đau thương đối với đất nước Âu Lạc do hành động của Trọng Thủy gây ra, cảm hóa Trọng Thủy, Trọng Thủy nhận ra, quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, cùng Mị Châu trở về thuyết phục vua cha trả lại đất nước Âu Lạc cho An Dương Vương và nhân dân Âu Lạc. …. Đề 2: Theo suy nghĩ của anh/chị, viên quản ngục sẽ làm gì sau khi bái lĩnh những lời khuyên của Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân? Học sinh đã đưa ra một số chi tiết sau: - Quản ngục suy nghĩ nhiều, hiểu ra vị trí không thích hợp của mình trong chốn tù ngục, đã quyết tâm rời bỏ, về quê ở ẩn để giữ thiên lương cho lành vững, như lời khuyên của Huấn Cao, và vẫn giữ thú chơi chữ thanh tao. - Quản ngục quyết định rời bỏ chốn ngục tù, thay đổi suy nghĩ về những người phản loạn như Huấn Cao, thấy hổ thẹn lương tâm, tìm cách liên hệ với những người đồng chí của Huấn Cao, dấn mình vào cuộc chiến đấu chống lại triều đình phong kiến thối nát. - Quản ngục, sau những giây phút xúc động, bừng ngộ, trở về với công việc cai tù, lại thấy mình bất lực trước môi trường đầy bất lương đen tối, u uất và bế tắc, chỉ còn tìm sự thanh thản khi thưởng lãm bức thư pháp Huấn Cao đã viết tặng… 11 PHẦN KẾT LUẬN Dạy - học văn là cả hành trình đi tìm cái đẹp của thày trò qua mỗi trang văn. Hành trình ấy chưa bao giờ là dễ dàng, đơn giản với mỗi chúng ta, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi niềm hứng thú, say mê, yêu thích văn chương đã không còn là của nhiều em học sinh, thì công việc khơi dậy và giữ được những xúc cảm ấy ở học sinh của người thày lại càng trở nên cần thiết hơn, và cũng khó khăn hơn. Nhưng với những nỗ lực đổi mới phương pháp dạy - học văn, đổi mới chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn, trong công cuộc đổi mới giáo dục nói chung, việc dạy - học văn trong nhà trường THPT thực sự đã có nhiều khởi sắc. Với yêu cầu của việc dạy - học văn, việc trang bị cho các em học sinh tri thức và kĩ năng tìm hiểu văn chương nói chung, tác phẩm văn chương tự sự nói riêng, trong đó có yếu tố chi tiết nghệ thuật của tác phẩm là quan trọng và cần thiết. Với một chuyên đề nghiên cứu và thể nghiệm, chúng tôi mong muốn được góp phần nhỏ vào hội thảo chuyên đề cũng như công việc chung của người thày dạy văn trong nhà trường THPT. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót và hạn chế, rất mong được sự bổ sung và góp ý của các đồng nghiệp. Trân trọng cảm ơn! Ngày 14 tháng 8 năm 2013 Người viết 12
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan