Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong t...

Tài liệu Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự..

.DOC
27
2132
102

Mô tả:

Chuyên đề: CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ A. PHẦN MỞ ĐẦU Trần Văn Toàn trong một bài viết của mình đã từng khẳng định: "Truyện rất ngắn là truyện của từng chi tiết. Đó là những chi tiết bất ngờ, sáng tạo và tính ẩn dụ". Thể loại truyện cực ngắn nói riêng và những tác phẩm tự sự nói chung đều tồn tại nhờ vào các chi tiết nghệ thuật. Không một nhà văn nào có thể bắt đầu câu chuyện của mình mà không cần chi tiết. Chi tiết chứa đựng trong nó sự khởi đầu của một cuộc đời, sự manh nha của một sự kiện. Chúng ta không thể tìm ra ý nghĩa ẩn giấu cuối cùng trong mỗi tác phẩm tự sự nếu không nương theo các chi tiết. Chi tiết, đó chỉ là một yếu tố bé nhỏ nhưng mang trong mình sức mạnh của cả một tư tưởng. Đó là lí do vì sao tìm hiểu về một tác phẩm tự sự chúng ta phải bắt đầu từ những chi tiết. Mỗi tác phẩm đều có đời sống riêng của nó trong sự tiếp nhận của bạn đọc. Tác phẩm tự sự cũng không nằm ngoài quy luật đó. Có những thông điệp và ý nghĩa nằm sâu dưới những lớp ngôn từ mà không phải ngay từ đầu chúng đã được tìm ra. Nhưng, để tìm ra chúng, giống như Trần Văn Toàn đã từng nói trong bài viết "Chi tiết trong truyện rất ngắn" thì chỉ: "lung linh ở những chi tiết thật không dễ nhìn thấy". Mọi bí ẩn đều được ẩn chứa trong các chi tiết. Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có phát hiện ra những chi tiết quan trọng? Hành trình kiếm tìm và giải mã các chi tiết nghệ thuật chính là lúc chúng ta đến gần hơn với các lớp nghĩa nằm sâu dười bề mặt tác phẩm. Chính vì vậy, để cuộc hành trình khám phá ý nghĩa của các tác phẩm tự sự đạt hiệu quả, chúng ta nhất định phải quan tâm đến vai trò của chi tiết nghệ thuật. Đọc hiểu văn bản trong nhà trường là một trong những hình thức tiếp nhận tác phẩm. Do đó, nếu chúng ta tìm hiểu và làm rõ vấn đề chi tiết trong tác phẩm tự sự, không những bạn đọc mà cả quá trình dạy và học trong các nhà trường phổ thông cũng tìm được những gợi dẫn riêng cho mình. Bởi vậy, vấn đề mà chúng tôi lựa chọn trình bày vừa mang tính lý luận, vừa mang tính phương pháp, không chỉ xem xét ở phương diện lý thuyết nói chung mà quan trọng hơn là việc ứng dụng nó vào đời sống thực tiễn. B. PHẦN NỘI DUNG I. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự - những phương diện lý thuyết: 1. Giới thuyết khái niệm: 1.1. Chi tiết nghệ thuật và tác phẩm văn chương tự sự 1.1.1. Chi tiết nghệ thuật: Chi tiết nghệ thuật, hiểu theo nghĩa của từ, đó là tất cả những chi tiết ngoài đời sống được đưa vào nghệ thuật. Chẳng hạn, trong nghệ thuật hội họa, chúng ta có thể nhắc đến một chi tiết được tái hiện trong tranh với tư cách là một chi tiết nghệ thuật. Trong điện ảnh, một cảnh dựng có thể chứa đựng một chi tiết nghệ thuật. Chi tiết ấy có thể là hình ảnh, âm thanh, hành động của nhân vật... Điều đó có nghĩa là những tiểu tiết xuất hiện trong đời sống khi đã được lựa chọn và tái hiện theo những quy tắc nghệ thuật nhất định đều có thể gọi là chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật thực chất là những chất liệu đời sống tồn tại dưới dạng những "phần rất nhỏ, điểm nhỏ" (Từ điển Tiếng Việt) đã được người nghệ sĩ sử dụng để biểu hiện ý tưởng, hình tượng, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Trong văn học, đây là một thuật ngữ quen thuộc, được sử dụng trong nhiều phân ngành nghiên cứu, phê bình, lí luận...Hiểu theo nghĩa rộng, chi tiết nghệ thuật là những chi tiết xuất hiện trong các tác phẩm văn học với những chức năng, vai trò, ý nghĩa khác nhau. Nó có thể được ví như những tế bào làm nên một sinh thể tác phẩm. Chẳng hạn, trong tác phẩm Hai đứa trẻ - Thạch Lam, các hình ảnh thiên nhiên xuất hiện ở những thời điểm khác nhau đều có thể coi là chi tiết nghệ thuật. Các loại âm thanh trong truyện cũng được coi là chi tiết nghệ thuật. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, chi tiết nghệ thuật phải là "Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng". Điều đó có nghĩa là những chi tiết nào chứa đựng trong nó nhiều tầng lớp ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận tư tưởng, chủ đề của tác phẩm mới được coi là chi tiết nghệ thuật. Trong trường hợp này, nhóm tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra sự phân biệt giữa một bên là chi tiết thuộc về nghệ thuật và một bên là chi tiết có tính nghệ thuật. Trên thực tế, những chi tiết được coi là có tính nghệ thuật như nhóm tác giả này nói thường được nâng lên mức biểu tượng hoặc hình tượng. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam, những chi tiết về thiên nhiên, âm thanh, hoạt động của một số nhân vật sống nơi phố huyện là những chi tiết thuộc về nghệ thuật. Chỉ có những chi tiết như ánh sáng, bóng tối, đoàn tàu...mới được coi là có tính nghệ thuật. Trên thực tế, trong quá trình giảng dạy và học tập, học sinh và giáo viên ít có sự phân tách theo quan điểm khái niệm nêu trên. Ví dụ như khi đọc hiểu văn bản Vợ chồng A Phủ, các chi tiết được coi là thuộc về nghệ thuật như: Thiên nhiên vào xuân, cảnh sinh hoạt của người dân miền núi vẫn được đem ra phân tích như một chất xúc tác ảnh hưởng tới tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân. Bên cạnh đó, những chi tiết được lặp lại mang tính biểu tượng như tiếng sáo, tiếng hát...cũng được đem ra phân tích như một yếu tố biểu hiện thế giới nội tâm của Mị. Như vậy, chi tiết nghệ thuật vẫn được hiểu theo nghĩa rộng nhất, tức là bao gồm tất cả những chi tiết thuộc về nghệ thuật. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xác định giới hạn khái niệm ở các chi tiết có tính nghệ thuật theo cách hiểu của nhóm tác giả cuốn Từ điển văn học. Tuy nhiên, ngoài các chi tiết có tính nghệ thuật ra, chúng tôi vẫn xem xét tới các chi tiết thuộc về nghệ thuật khác để có cái nhìn hệ thống về các chi tiết xuất hiện trong tác phẩm. 1.1.2. Tác phẩm tự sự: Tự sự, theo lý luận văn học, nó vừa là một trong ba phương thức miêu tả trong văn học vừa là một loại văn học bên cạnh các loại trữ tình và kịch. Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi lựa chọn hiểu tự sự theo cách thứ hai. Điều đó có nghĩa là tự sự được hiểu như "một loại tác phẩm văn học mà ở những loại tác phẩm này chủ yếu dùng phương thức tự sự để miêu tả" (vuihoc24h.com). Các tác phẩm như: Truyền kỳ mạn lục - Nguyễn Dữ, truyện ngắn Chí Phèo - Nam Cao, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng, phóng sự Cạm bẫy người - Vũ Trọng Phụng, Ký sự cao lạng - Nguyễn Huy Tưởng...đều được coi là tác phẩm tự sự. Tác phẩm tự sự thường lựa chọn văn xuôi như một hình thức trình bày đặc trưng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi tác phẩm tự sự đều được viết dưới dạng văn xuôi. Phạm vi các tác phẩm tự sự rất đa dạng. Nó có thể được viết bằng văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, truyện ngụ ngôn...; có thể được viết bằng văn vần như anh hùng ca, truyện thơ; có thể được nằm trong thể kí như phóng sự, truyện kí... Đặc điểm nổi bật, quan trọng nhất của tác phẩm tự sự là kể về một câu chuyện, một sự kiện từ phía người khác, tức trần thuật mang tính khách quan. Tính khách quan ở đây có thể hiểu theo hướng câu chuyện được kể lại từ phía người khác nên thường đem lại cách nhìn, cảm nhận khách quan. Chẳng hạn, trong tác phẩm Chí phèo, câu chuyện được kể từ một người giấu mặt đứng ngoài chuyện nên tác phẩm đem lại cảm giác trung thực, khách quan. Bên cạnh đó, tính khách quan còn được hiểu theo thế đối sánh với tính chủ quan trong tác phẩm trữ tình. Tính khách quan ở đây có nghĩa là việc phản ánh, miêu tả thế giới khách quan bên ngoài con người. Đó là thế giới vận động như nó vốn có với những quy tắc, quy luật riêng mà người viết cần phải khám phá, phản ánh trong câu chuyện của mình. Một phương diện quan trọng nhất trong tác phẩm tự sự đó chính là trần thuật. Để có thể xây dựng trần thuật cần phải có một hệ thống chi tiết được xác lập. Do đó, chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khác với tác phẩm trữ tình thường dựa nhiều vào cảm xúc, âm điệu, thanh điệu của ngôn từ, tác phẩm tự sự sử dụng hệ thống chi tiết như các mảnh xương nhỏ góp phần tạo nên khung xương cho tác phẩm. Bởi vậy, để việc tìm hiểu một tác phẩm tự sự trong nhà trường phổ thông có hiệu quả chúng ta cần phải chú ý đến các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm đó. Đây vừa là yêu cầu, vừa là định hướng mở ra một lối đi để tiếp cận sâu hơn ý nghĩa văn bản. 1.2. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự chịu sự chi phối của một số đặc trưng thể loại. So sánh với các tác phẩm trữ tình, hệ thống chi tiết trong tác phẩm tự sự thường nhiều hơn, quy mô hơn. Tuy nhiên, chi tiết trong tác phẩm trữ tình thường có tính hàm súc, cô đọng cao hơn. Nó có khả năng chứa đựng nhiều tầng sâu ý nghĩa hơn bởi yêu cầu hạn chế về số lượng các con chữ trong tác phẩm. Chi tiết trong tác phẩm tự sự phong phú và đa dạng. Đặc biệt trong các tiểu loại có dung lượng lớn, hệ thống chi tiết khá đồ sộ. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết, để tái hiện cả một hành trình dài cuộc đời, thân phận của một số nhân vật, tác giả phải huy động hàng loạt các chi tiết cụ thể để dàn dựng lên bối cảnh, sự kiện, sự việc...Bên cạnh đó, chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự thường chứa đựng những ý nghĩa về hiện thực cuộc sống trong khi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm trữ tình lại thường chứa đựng ý nghĩa về cảm xúc, tâm trạng của con người. Chẳng hạn, trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu, chi tiết chiếc thuyền ở ngoài xa mang ý nghĩa biểu trưng cho sự thực cuộc đời được tiếp cận ở cự li gần. Trong khi đó, cũng là chi tiết chiếc thuyền nhưng trong bài thơ Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch lại biểu trưng cho nỗi cô đơn của người đi và sự lưu luyến dõi theo của người ở lại. Trên cơ sở những đặc trưng riêng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự, khi tiến hành đọc hiểu văn bản, người dạy và học cần phải lưu tâm. Không thể tìm hiểu chi tiết trong tác phẩm tự sự hoàn toàn giống như trong tác phẩm trữ tình hay các tác phẩm thuộc thể loại khác. Có những đặc trưng nếu không phân định một cách rõ ràng có thể gây hiểu nhầm trong việc tiếp nhận. Chẳng hạn, một chi tiết miêu tả về cảnh đêm trong Hai đứa trẻ: "Qua kẽ lá của cành bàng, ngàn sao vẫn lấp lánh; một con đom đóm bám vào dưới mặt lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy rồi hoa bàng rụng xuống vai...". Chi tiết trong tác phẩm tự sự có khả năng tái hiện cao hình ảnh về cuộc sống. Do đó, chi tiết chỉ mang tính chất biểu hiện vẻ đẹp thanh tĩnh, yên bình thoáng chút thơ mộng của cảnh đêm nơi phố huyện qua cái nhìn của hai đứa trẻ. Trong khi đó ở các tác phẩm trữ tình, dù chi tiết được lựa chọn miêu tả là thiên nhiên nhưng vẫn cho phép người đọc liên tưởng đến những đối tượng khác. Trong bài hành Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát chi tiết bãi cát dài không đơn thuần chỉ là hình ảnh bãi cát trong thực tế. Nó có ý nghĩa biểu hiện cho đường đời cho hành trình tìm kiếm công danh, thực hiện lý tưởng của kẻ sĩ. Trong trường hợp thứ nhất nếu ta có cố tình suy diễn các chi tiết miêu tả thiên nhiên trong truyện ngắn Thạch Lam là có ý nghĩa biểu sẽ rơi vào suy diễn chủ quan. Trong trường hợp bài hành của Cao Bá Quát nếu chỉ hiểu chi tiết như một yếu tố tạo cảnh, dựng cảnh đơn thuần sẽ làm mất ý nghĩa sâu sắc của văn bản. Thêm vào đó, nó có thể khiến cho việc hiểu văn bản trở nên khó khăn. Như vậy, khi tìm hiểu về chi tiết nghệ thuật trong một tác phẩm văn học cần thiết phải chú ý tới đặc trưng thể loại của tác phẩm đó. 2. Phân loại: 2.1. Phân loại theo vai trò của chi tiết Như đã nêu ở trên, trong tác phẩm tự sự, hệ thống chi tiết nghệ thuật thường phong phú, đa dạng. Do đó, cần thiết phải có sự phân loại chi tiết để trên cơ sở đó nắm rõ ý nghĩa của chi tiết trong tác phẩm. Xét về vai trò của từng chi tiết trong tác phẩm, chúng tôi phân chia chi tiết nghệ thuật thành hai dạng cơ bản: 2.1.1. Chi tiết đóng vai trò vật liệu Chi tiết đóng vai trò chất liệu là những chi tiết chỉ tham gia vào việc tạo dựng bối cảnh, hoạt cảnh, tái hiện không khí hay hỗ trợ việc tái hiện chân dung nhân vật trên nhiều phương diện. Chi tiết đóng vai trò vật liệu thường không bao hàm nhiều lớp nghĩa, cũng không biểu hiện trực tiếp ý nghĩa - tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Tuy nhiên, trong một tác phẩm tự sự, chi tiết đóng vai trò vật liệu không thể thiếu. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Chí Phèo, nếu không có những chi tiết miêu tả khung cảnh thiên nhiên vào buổi sáng khi Chí tỉnh giấc, Nam Cao sẽ gặp khó khăn để biểu hiện quá trình thức tỉnh ý thức và khát vọng trong nhân vật. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ nếu không có chi tiết biểu hiện khung cảnh thiên nhiên mùa xuân và cảnh sinh hoạt của người dân miền núi, người đọc khó có thể hình dung được quá trình hồi sinh của Mị được bắt đầu từ sự hồi sinh của thiên nhiên, đất trời. Trong tác phẩm tự sự, loại chi tiết này đóng vai trò chủ yếu trong việc tái hiện hoàn cảnh và tạo dựng không khí truyện. Tìm hiểu các tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực chúng ta có thể thấy rõ nhất điều này. Trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng chi tiết "Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa..." chỉ giữ vai trò vật liệu. Tuy nhiên, nó đã góp phần tái hiện không khí của đám tang, một đám tang đúng như Vũ Trọng Phụng đã nhận xét "Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu". Bên cạnh vai trò tạo dựng bối cảnh, hoàn cảnh, như đã đề cập đến, loại chi tiết nghệ thuật này cũng tham gia vào việc tạo dựng chân dung nhân vật. Để biểu hiện bản chất của nhân vật Tuyết trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia", Vũ Trọng Phụng đã lựa chọn chuẩn xác chi tiết giữ vai trò vật liệu trong việc xây dựng chân dung nhân vật: "Hôm nay Tuyết mặc bộ y phục Ngây thơ - cái áo dài voan mỏng trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú - nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh". Chỉ một chi tiết mang tính vật liệu thôi nhưng Vũ Trọng Phụng đã tả được đúng bản chất lẳng lơ, đua đòi, hư hỏng của Tuyết. Như vậy, mặc dù chỉ là loại chi tiết thuộc về nghệ thuật nhưng hệ thống chi tiết này đóng một vai trò không thể thiếu trong tác phẩm. Nó vừa tham gia vào việc tạo dựng khung xương cho tác phẩm, vừa là da thịt để lấp đầy bộ khung xương đó. Bởi vậy, khi tìm hiểu một tác phẩm tự sự, chúng ta không thể bỏ qua các chi tiết giữ vai trò vật liệu. Không hiếm trường hợp, chỉ một chi tiết giữ vai trò chất liệu lại bao hàm toàn bộ thần thái của cảnh truyện, nhân vật. Chi tiết "Xuân Tóc Đỏ muốn bỏ quách ra thì chợt thấy ông Phán dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư" đã thể hiện được đúng bản chất của các nhân vật đồng thời cho thấy cảnh thể hiện niềm xót thương của nhân vật chỉ là một trò diễn. Một chi tiết nhỏ nhưng có sức biểu hiện lớn. Tóm lại, dù không phải là loại chi tiết giữ vai trò đặc biệt trong tác phẩm nhưng chi tiết giữ vai trò vật liệu vẫn có ý nghĩa không nhỏ trong việc miêu tả, tạo dựng các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm như: Nhân vật, hoàn cảnh, cốt truyện...Bởi vậy, không có lí do nào khiến chúng ta có thể bỏ qua tất cả các loại chi tiết này. 2.1.2. Chi tiết thể hiện "cấu tứ" của tác giả Chi tiết thể hiện "cấu tứ" của tác giả thường tương ứng với các biểu tượng, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Nó có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm như trường hợp chi tiết tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ nhưng có thể được lặp lại dưới những hình thức khác nhau như chi tiết ánh sáng, bóng tối trong Hai đứa trẻ. Hai chi tiết này được xuất hiện trong những cảnh khác nhau. Ở mỗi cảnh, chi tiết xuất hiện dưới những hình ảnh khác nhau. Ví dụ, ánh sáng khi thì xuất hiện trong cảnh hoàng hôn với ánh hồng của đám mây trên bầu trời; khi thì xuất hiện trong hình ảnh đom đóm bay đêm, khi thì xuất hiện trong vẻ rực rỡ của đoàn tàu chạy qua phố huyện, khi thì leo lét trong những ngọn đèn thân thuộc của những người dân phố huyện. Tất cả đều là những chi tiết biểu hiện ánh sáng. Hệ thống chi tiết ấy đã góp phần tạo dựng nên biểu tượng mang chứa nhiều ý nghĩa cho tác phẩm. Đối với loại chi tiết tham gia biểu hiện "cấu tứ" của tác giả, chúng có thể xuất hiện với số lượng nhiều hoặc ít tùy thuộc vào tư tưởng, chủ đề cua tác phẩm. Nếu tác phẩm có dung lượng lớn, nội dung cần truyền tải nhiều chi tiết loai này có thể xuất hiện nhiều. Ngược lại, nếu tác phẩm ngắn, đòi hỏi sự hàm súc trong việc biểu hiện, chi tiết thể hiện "cấu tứ" có thể chỉ chiếm một đến hai chi tiết. Trong một tác phẩm tự sự có thể có một hệ thống các chi tiết thể hiện "cấu tứ" của tác giả cùng biểu hiện một hình tượng trung tâm. Ví dụ như trong truyện ngắn Một người Hà Nội để thể hiện hình tượng trung tâm mang vẻ đẹp và cốt cách bền vững của Hà Nội, Nguyễn Khải đã lựa chọn một hệ thống các chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng như hình ảnh hạt bụi vàng, cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn... Chi tiết thể hiện "cấu tứ" của tác giả có điểm tương đồng với chi tiết có tính nghệ thuật theo cách phân chia của nhóm tác giả biên soạn Từ điển thuật ngữ văn học. Về bản chất chúng cùng biểu hiện những nội dung hướng tới tư tưởng, chủ đề chính của tác phẩm. Tuy nhiên, trong bài viết này chúng tôi muốn nhấn mạnh vào vai trò biểu hiện cách tổ chức, trình bày tư tưởng, chủ đề của tác giả thông qua các chi tiết nghệ thuật. Do đó chúng tôi lựa chọn cách đặt tên như trên. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn chỉ rõ chi tiết nghệ thuật hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng hay lớn hơn là hình tượng trung tâm của một tác phẩm. Trong trường hợp đó chi tiết nghệ thuật có vai trò tương đương với các yếu tố quan trọng như nhân vật, hình tượng nghệ thuật. Như vậy, đây là loại chi tiết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu ý nghĩa, bình xét giá trị của một tác phẩm. Người tiếp nhận tác phẩm cần phải chú ý đến loại chi tiết này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng để có được các chi tiết thể hiện "cấu tứ" cần thiết phải có các chi tiết đóng vai trò vật liệu. Do đó, khi tìm hiểu một tác phẩm tự sự nhất thiết phải có sự kết hợp cả hai hệ thống chi tiết nêu trên. Có như vậy, người tiếp nhận mới có thể tìm thấy ý nghĩa, giá trị của tác phẩm cũng như cảm nhận hết được mọi vẻ hay và đẹp của tác phẩm. 2.2. Phân loại theo cấp độ chi tiết Ngoài tiêu chí dựa trên vai trò, căn cứ vào sự tham gia của các chi tiết vào việc xây dựng, tạo lập các phương diện lớn, nhỏ của một tác phẩm, chúng tôi tiếp tục phân chia chi tiết thành ba dạng cơ bản sau: 2.2.1. Chi tiết tạo cốt truyện Những chi tiết loại này thường mang tính sự kiện. Đó là những chi tiết tham gia vào việc biểu hiện các dấu mốc, thời điểm quan trọng của nhân vật hoặc tạo sự thay đổi, chuyển biến cho câu chuyện. Trong truyện ngắn Chí Phèo đó là các chi tiết nói về việc hắn bị bỏ rơi trong một cái lò gạch bỏ hoang, thưa vắng người lại qua, chi tiết hắn về trông đặc như một thằng săng đá, chi tiết hắn làm tay sai cho Bá Kiến, chi tiết mắt hắn dường như ươn ướt khi đón nhận sự chăm sóc của Thị Nở...Các chi tiết loại này có thể xuất hiện một cách hệ thống trong những tác phẩm kể về một sự việc diễn ra theo một quá trình hoặc về một cuộc đời, thân phận của con người. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm, loại chi tiết này chỉ xuất hiện một lần mang tính chất đột phá, bước ngoặt, phá vỡ trạng thái tồn tại trước đó của câu chuyện được kể. Vậy, trong một số tác phẩm không có cốt truyện rõ ràng loại chi tiết này có xuất hiện? Chẳng hạn, truyện ngắn của Thạch Lam vốn được coi là truyện không có cốt truyện, loại chi tiết này liệu có xuất hiện? Thực tế, ở những tác phẩm tự sự dù cốt truyện không rõ ràng, vẫn cần một nội dung nhất định để kể. Chẳng hạn, với Hai đứa trẻ, Thạch Lam không kể về cuộc đời những đứa trẻ đó diễn biến ra sao, quá trình sinh sống thế nào mà chỉ kể lại một ngày bình thường trong vô số những ngày bình thường khác. Cái ngày bình thường ấy tưởng như chẳng có tính sự kiện bởi những việc xảy ra đều đã xảy ra trước đó, thậm chí có thể không thay đổi trong những ngày sau đó. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chi tiết tạo cốt truyện vẫn xuất hiện. Nó không có tính sự kiện cao nhưng vẫn tham gia vào việc biểu hiện sự vận hành của một nhịp sống từ lúc hoàng hôn, trời nhá nhem tối cho đến khuya. Đó là lúc thiên nhiên biến đổi thể hiện nhịp trôi của thời gian hay hành động sinh hoạt báo hiệu thời điểm trong ngày đã thay đổi của các nhân vật. Chi tiết tạo cốt truyện thường không xuất hiện tập trung mà nằm rải rác từ đầu tới cuối câu chuyện. Nó giống như một mạng lưới đan dệt lên nội dung được kể. Bởi vậy, nắm được hệ thống chi tiết này đồng nghĩa với việc chúng ta nắm được toàn bộ nội dung chính của tác phẩm cần phân tích. Với một tác phẩm tự sự, điều đầu tiên người đọc nên làm là nắm được câu chuyện mà nhà văn muốn kể. Câu chuyện ấy nằm trong cốt truyện Do đó, để có thể tìm hiểu trọn vẹn, sâu sắc một tác phẩm tự sự, trước hết cần phải nắm được hệ thống các chi tiết tạo cốt truyện. 2.2.2. Chi tiết xây dựng nhân vật Nhân vật được coi là yếu tố trung tâm, quan trọng nhất trong một tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm tự sự. Để xây dựng được các hình tượng nhân vật, các tác giả phải sử dụng một hệ thống chi tiết tạo hình, biểu hiện hành động, tính cách của nhân vật. Bởi vậy, để tìm hiểu về một nhân vật, nhất thiết phải nắm được hệ thống chi tiết biểu hiện nhân vật ấy. Chi tiết giống như các dấu hiệu hình thức hé mở cho chúng ta biết thế giới nội tâm, tính cách cũng như tâm trạng của nhân vật. Chẳng hạn, trong Vợ chồng A Phủ, tâm trạng của nhân vật Mị được biểu hiện hoàn toàn bằng các chi tiết miêu tả hành động. Thông qua hành động uống rượu, bước vào phòng thắp nến, lấy váy chuẩn bị đi chơi chúng ta có thể biết được khao khát sống và yêu thương đang dần trỗi dậy trong Mị. Cuộc đời và số phận của nhân vật cũng thường được dự báo thông qua một hoặc một vài chi tiết nhất định. Thậm chí cuộc đời nhân vật còn được tái hiện lại thông qua một hệ thống chi tiết. Ngay cả khi cuộc đời nhân vật không được tái hiện như một sự tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại hoặc cả tương lai, nhân vật chỉ được tái hiện trong một khoảnh khắc, một thời điểm nhất định thì vẫn cần đến chi tiết. Ví dụ như nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt - Kim Lân chỉ được kể lại vào thời điểm "nhặt" được vợ nhưng thời điểm ấy lại được kể thông qua một số chi tiết cụ thể. Trong trường hợp tác phẩm tự sự xuất hiện kiểu nhân vật tâm trạng chủ yếu chỉ suy nghĩ, cảm nhận về thế giới thay vì hành động thì vẫn có những dạng thức chi tiết tương ứng phù hợp để thể hiện nhân vật. Tuy nhiên, thay vì biểu hiện trực tiếp, nhà văn phải thông qua một số chi tiết ngoại cảnh bên ngoài để thể hiện nội tâm nhân vật cũng như hé mở thế giới bên trong nhân vật. Chẳng hạn, để biểu hiện nỗi buồn không định hình trong Liên, Thạch Lam đã sử dụng một số chi tiết miêu tả khung cảnh phố huyện lúc chiều tối. Từ bức tranh ấy, người đọc đã phần nào cảm nhận được tâm trạng của cô bé này. Tóm lại, chúng ta có nhiều cách thức để khám phá, tìm hiểu nhân vật nhưng chi tiết vẫn là cơ sở quan trọng nhất cho việc tiếp cận và nắm bắt tư tưởng mà tác giả gửi gắm qua nhân vật. Do đó, khi tiếp cận một tác phẩm tự sự, đặc biệt muốn phân tích nhân vật, chúng ta nên phát hiện và phân tích các chi tiết có liên quan tới nhân vật. 2.2.3. Chi tiết tạo bối cảnh, hoàn cảnh Trong một tác phẩm tự sự, hoàn cảnh, bối cảnh bao giờ cũng là yếu tố không thể thiếu. Trong tác phẩm trữ tình nhân vật có thể xuất hiện và biểu hiện cảm xúc mà không cần ngoại cảnh quanh mình. Chẳng hạn như trong bài thơ Tôi yêu em Puskin, nhân vật trữ tình xuất hiện và thổ lộ tình cảm đã dồn nén bấy lâu với người tình của mình không trong một bối cảnh, nền cảnh cụ thể nào. Tất cả chỉ có những lời lẽ chân thành, tha thiết của một trái tim yêu cuồng nhiệt. Trái lại, trong tác phẩm tự sự, câu chuyện được kể bao giờ cũng được diễn ra trong một hoàn cảnh, bối cảnh nhất định. Nhân vật phải được xuất hiện, hoạt động, suy nghĩ hay bộc lộ tình cảm trong một khung cảnh phù hợp. Đó là lí do vì sao trong những sáng tác của Nam Cao, nhân vật trí thức của ông luôn gắn liền với những kiểu, dạng không gian chật hẹp, tù túng. Hoàn cảnh, bối cảnh ấy phù hợp để thể hiện cuộc sống bế tắc, quẩn quanh với những điều tủn mủn, vụn vặt đời thường của các nhân vật. Hoàn cảnh, bối cảnh ở đây có thể hiểu là thời gian, không gian bao trùm lên các nhân vật, là môi trường để các nhân vật hoạt động. Trong tác phẩm tự sự, có không ít trường hợp những chi tiết tạo dựng bối cảnh, hoàn cảnh có sức chứa đựng lớn về mặt ý nghĩa. Các nhà văn trước khi sáng tác thường có sự chủ định trong việc lựa chọn thời gian và không gian để kể câu chuyện của mình. Thời điểm họ lựa chọn cũng như bối cảnh mà họ tạo dựng bao giờ cũng ẩn chứa một mục đích nhất định. Mục đích ấy cho thấy thông điệp, tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm. Bởi vậy, tìm hiểu các chi tiết tạo bối cảnh, hoàn cảnh có thể đem lại cho chúng ta những phát hiện thú vị về ý nghĩa của tác phẩm. Chi tiết tạo dựng bối cảnh, hoàn cảnh thường là những chi tiết giữ vai trò vật liệu. Ví dụ như trong truyện Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi, nhân vật Chiến sau một cuộc giao tranh quyết liệt đã bị lạc giữa rừng đầy xác giặc. Khu rừng này chỉ là bối cảnh để Chiến bộc lộ tinh thần chiến đấu cũng như hồi tưởng lại những kỷ niệm về chị Hai và má. Tuy nhiên, có những trường hợp chi tiết tạo dựng bối cảnh, hoàn cảnh được lặp lại với chức năng biểu hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Đó là trường hợp Chí Phèo của Nam Cao, chi tiết cái lò gạch cũ ban đầu chỉ là nơi Chí Phèo bị bỏ rơi. Nhưng khi nó một lần nữa được xuất hiện ở cuối thiên truyện thì không đơn thuần chỉ là một chi tiết mang tính vật liệu. Nó đã trở thành chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng trong tác phẩm. Hoàn toàn tương tự, khung cảnh rừng xà nù được miêu tả ngay phần mở đầu truyện ngắn Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành là hình ảnh biểu trưng cho những người con Tây Nguyên với sức sống mãnh liệt, tinh thần quả cảm đang từng ngày đương đầu với bom đạn của giặc Mĩ. Như vậy, trong thực tiễn đời sống, cụ thể khi giảng dạy một tác phẩm tự sự, giáo viên cũng cần lưu tâm đến loại chi tiết này. Tuy nhiên, không phải chi tiết tạo dựng bối cảnh, hoàn cảnh nào cũng giữ một vai trò quan trọng trong tác phẩm. Do đó, tùy thuộc vào thời gian giảng dạy, giáo viên cần xác định những chi tiết tiêu biểu cần thiết để phân tích cho học sinh hiểu hơn về mối quan hệ giữa hoàn cảnh và nhân vật. Những chi tiết không thật đặc biệt chúng ta không nên bỏ qua nhưng cũng không nên dành nhiều thời gian cho chúng. Nắm bắt và phân tích được hệ thống chi tiết đa dạng, phong phú trong tác phẩm tức là chúng ta đã nắm rõ "chân tơ kẽ tóc" của đối tượng cần phân tích. II. Chi tiết trong tác phẩm văn chương tự sự - những vấn đề thực tiễn 1. Vai trò của chi tiết trong việc đọc hiểu tác phẩm văn chương tự sự: 1.1. Trong việc khai thác cốt truyện Như đã nói ở trên, chi tiết nghệ thuật tham gia vào việc tạo dựng cốt truyện trong tác phẩm tự sự. Do đó, chi tiết giữ vai trò quan trọng trong việc tái hiện những nội dung chính liên quan đến cốt truyện. Mặt khác, chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện, thúc đẩy câu chuyện tiếp diễn. Chẳng hạn, cốt truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa có lẽ sẽ dừng lại khi nhân vật Phùng đã hoàn thành nhiệm vụ săn tìm được một bức hình mà anh đã tự nhận xét:"hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích" nếu như không có thêm chi tiết: "Ngay lúc ấy, chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng". Ngay sau đó, Phùng đã kịp chứng kiến cảnh một người đàn bà làng chài bị chồng mình đánh đập tàn nhẫn cạnh một chiếc xe tăng rà phá mìn của công binh Mĩ. Trong trường hợp này, chi tiết mở đầu đoạn tiếp theo đã mở ra một câu chuyện mới mà nhờ nó Phùng đã ngộ ra những ý nghĩa hiện thực về cuộc sống. Như vậy, bám sát các chi tiết trong tác phẩm giúp cho chúng ta có thể phân đoạn được cốt truyện, nắm rõ được các dấu mốc quan trọng trong câu chuyện được kể. Thêm vào đó, thông qua việc tìm hiểu ý nghĩa chi tiết chúng ta cũng có thể biết thêm ý nghĩa cốt truyện mà tác giả muốn gửi gắm. Tìm hiểu cốt truyện, trước hết cần bắt đầu từ việc tìm hiểu các chi tiết tham gia vào việc tạo dựng cốt truyện đó. Có như vậy, chúng ta mới có thể hiểu được dụng ý của tác giả khi xây dựng cốt truyện ấy. Mỗi một cốt truyện đều chứa đựng những câu chuyện về cuộc sống. Mỗi chi tiết nghệ thuật lại là sự chứa đựng hiện thực cuộc sống hàm súc nhất. Một yếu tố nhỏ nhưng có sức bao chứa lớn. Bởi vậy, chi tiết chính là những biển chỉ dẫn hiệu quả để chúng ta có thể đi đúng hướng khi tiếp cận với cốt truyện trong tác phẩm. 1.2. Trong việc tìm hiểu nhân vật Mọi nhân vật đều được xây dựng trên cơ sở các chi tiết nghệ thuật. Thậm chí, các chi tiết không tham gia vào việc miêu tả ngoại hình, hành động hay biểu hiện tâm trạng, tính cách nhân vật cũng có những ảnh hưởng và mối quan hệ nhất định tới nhân vật. Đó là trường hợp của Mị trong Vợ chồng A Phủ. Chi tiết miêu tả khung cảnh thiên nhiên mở đầu cho đêm tình mùa xuân là một chi tiết quan trọng để phân tích tâm trạng của Mị. Bởi vậy, chúng ta cần tìm ra mối liên hệ giữa các chi tiết với các nhân vật. Khi lựa chọn một chi tiết nào đó để đưa vào tác phẩm, bao giờ nó cũng hướng tới đối tượng trung tâm của câu chuyện - nhân vật. Từng chi tiết trong tác phẩm đều có thể xuất hiện như một yếu tố tác động tới nhân vật, thậm chí thay đổi cuộc đời, số phận nhân vật. Nắm bắt và lí giải sự xuất hiện của các chi tiết giúp chúng ta khám phá được dụng ý của tác giả. Chẳng hạn, tại sao Vũ Trọng Phụng lại để cho Xuân Tóc Đỏ xuất hiện sau cùng, trong khi đám rước đã bắt đầu? Lí giải được chi tiết xuất hiện của Xuân, chúng ta có thể biết được bản chất của nhân vật. Chi tiết nghệ thuật giống như những dấu vết để lại trong một hành trình phá án để giúp chúng ta nhận diện bản chất của nhân vật. Trong nhiều tác phẩm, nhà văn không định hướng cho người đọc đó là nhân vật thiện hay ác, tốt hay xấu thì chúng ta cần phải căn cứ vào chi tiết để đưa ra những nhận xét, phán đoán chuẩn xác. Chẳng hạn, lối hành xử của người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa bề ngoài có vẻ gây khó hiểu, vô lý nhưng nếu chú ý tới các chi tiết liên quan đến cuộc đời nhân vật và cuộc sống của những người dân trên biển chúng ta phần nào sẽ lí giải được sự lựa chọn và hành động của nhân vật. Các nhân vật là hình bóng của con người. Do đó, nhân vật dù hành xử ra sao, suy nghĩ thế nào cũng đều cho thấy cách nhìn nhận của nhà văn về con người. Bởi vậy, để hiểu được cách nhìn nhận ấy chúng ta cần bám sát vào các chi tiết mà nhà văn đã đưa vào tác phẩm. Bản thân mỗi chi tiết cũng bao chứa trong nó quan niệm của nhà văn về con người và cuộc sống. Vì thế, chúng ta không nên bỏ qua những "bằng chứng" để có thể tìm thấy bản chất của mỗi nhân vật - mỗi hình bóng con người trong cuộc sống. 1.3. Trong việc khám phá ý nghĩa tác phẩm Bên cạnh các yếu tố như nhân vật, nhan đề, cốt truyện... thì chi tiết cũng là một trong những phương diện để khám phá ý nghĩa của tác phẩm. Như đã nêu ban đầu, chi tiết có khả năng chứa đựng hiện thực cuộc sống, nó là một mảnh ghép trong bức tranh về thế giới khách quan mà tác giả dụng công xây dựng. Bởi vậy, muốn tìm hiểu ý nghĩa của cả bức tranh khổng lồ, không thể không khám phá vai trò, ý nghĩa của từng mảnh ghép. Mỗi mảnh ghép - chi tiết sẽ là một gợi dẫn nhỏ cho người học tiếp cận gần hơn với lời giải của bức tranh. Ngoài vai trò chứa đựng hiện thực cuộc sống, chi tiết còn mang trong nó bản chất văn hóa của một cộng đồng. Do đó, chúng ta có thể khám phá thêm lớp ý nghĩa văn hóa của tác phẩm từ góc độ chi tiết. Chẳng hạn, khi giảng dạy tác phẩm Một người Hà Nội, thông qua các chi tiết biểu hiện lối sống, nếp sinh hoạt của bà Hiền chúng ta có thể hình dung phần nào nét văn hóa của người Hà Nội. Chỉ một chi tiết nhỏ về cái bát bày thủy tiên thôi có thể gợi dậy cả cái không khí đón tết Hà Nội một thời. Bởi vậy, chi tiết chính là nơi khởi đầu để tìm thấy các nét giá trị văn hóa của dân tộc ẩn chứa trong từng tác phẩm. Một tác phẩm tự sự mang đậm chất trữ tình, hiện thực hay trào phúng một phần do hệ thống chi tiết trong tác phẩm ấy biểu hiện. Bởi vậy, để khám phá ra một lối viết, một giọng điệu, một phong cách lời văn, chúng ta cần thông qua việc phân tích chi tiết. Chi tiết không chỉ giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa hiện thực, ý nghĩa văn hóa xã hội mà còn giúp ta nhận diện những nét đặc sắc nghệ thuật cũng như phong cách của nhà văn qua tác phẩm đó. Ví dụ như một trong những đặc điểm nổi bật của nhà văn Nam Cao khi viết về các nhân vật của mình là khả năng phân tích tâm lý. Nếu không thông qua việc phân tích các chi tiết thể hiện sự bừng tỉnh ý thức, nhận thức để từ đó trỗi dậy khát khao làm người lương thiện, được hưởng hạnh phúc chúng ta không thể hiểu được tài năng biểu hiện tâm lý của Nam Cao được biểu hiện như thế nào. Tóm lại, để khám phá ý nghĩa của một tác phẩm tự sự, chúng ta cần nương theo hệ thống chi tiết trong tác phẩm đó và tùy theo mục đích phân tích để lựa chọn chi tiết phù hợp với nội dung cần khám phá. Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy và học, giáo viên không nên quá tham lam mà phân tích quá nhiều chi tiết. Việc làm này có thể dẫn đến tình trạng bài phân tích bị vụn ý, thời gian tìm hiểu một tác phẩm quá dài và phần nội dung quá dài và nặng nề. Do đó, dù chi tiết đóng vai trò quan trọng trong giảng dạy nhưng cần biết lựa chọn để phân tích theo mục đích bài học. 2. Định hướng cách đọc hiểu tác phẩm văn chương tự sự thông qua chi tiết: 2.1. Cách đọc hiểu theo vai trò chi tiết - Bước 1: Hệ thống hóa tác phẩm bằng chi tiết Trước hết, để có thể đọc hiểu một tác phẩm tự sự, giáo viên cần định hướng cho học sinh tóm tắt những chi tiết chính thể hiện cốt truyện. Thông qua thao tác tóm tắt này học sinh có thể nắm được nội dung chính của câu chuyện, đặc biệt là nắm được những sự kiện, sự việc quan trọng trong tác phẩm. Khi hệ thống hóa tác phẩm bằng một hệ thống chi tiết cần lưu ý về số lượng các chi tiết được lựa chọn. Không nên lựa chọn quá nhiều chi tiết, chỉ nên hướng dẫn học sinh hệ thống hóa chi tiết một cách ngắn gọn và khái quát nhất. - Bước 2: Tìm hiểu các chi tiết liên quan đến nhân vật Sau khi nắm bắt được nội dung chính của câu chuyện, cần định hướng cho học sinh tìm các chi tiết liên quan đến các nhân vật chính. Chẳng hạn, trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ giáo viên cần cho học sinh tìm các chi tiết có liên quan đến cuộc đời và số phận của Mị, tiếp theo đó là các chi tiết biểu hiện về con người và cuộc đời của A Phủ. Trên thực tế, thao tác này trong quá trình giảng dạy nhiều giáo viên đã từng áp dụng. Thông thường, khi tìm hiểu về một tác phẩm tự sự, người dạy thường lựa chọn cách thức phân tích nhân vật chính, trung tâm. Đây là một hướng phân tích có tính chất truyền thống nhưng đảm bảo cho học sinh nắm được những vấn đề cơ bản của tác phẩm. Khi thực hiện thao tác này cần lưu ý, chỉ những chi tiết nghệ thuật có khả năng biểu hiện cao tính cách, phẩm chất, suy nghĩ, tâm trạng, số phận của nhân vật chúng ta mới phân tích. Tránh trường hợp tìm được bất kỳ chi tiết nào liên quan đến nhân vật cũng đem ra phân tích, bình luận. - Bước 3: Khai thác ý nghĩa một số chi tiết quan trọng Sau khi đã giúp học sinh có được những hiểu biết cơ bản nhất về nhân vật cũng như các giá trị, ý nghĩa mà tác giả gửi gắm qua việc xây dựng nhân vật, giáo viên cần khắc sâu thêm kiến thức cho học sinh bằng cách định hướng hoặc chỉ ra cho học sinh một số chi tiết quan trọng. Những chi tiết quan trọng ở đây là những chi tiết có thể đã được nhắc đến trong quá trình phân tích nhân vật. Tuy nhiên, khi đề cập đến những chi tiết này, giáo viên cần xem xét vai trò, ý nghĩa của nó trong mối quan hệ với toàn văn bản thay vì chỉ với nhân vật. Thao tác này sẽ đem đến cách hiểu sâu sắc hơn cho học sinh về văn bản bởi như phần trên chúng ta đã bàn luận bản thân chi tiết có khả năng chứa đựng những lớp ý nghĩa liên quan đến tác phẩm. Khi khai thác các ý nghĩa này có thể giúp người học có thêm hiểu biết và nhận thức về các vấn đề được đặt ra trong tác phẩm. 2.2. Cách đọc hiểu theo cấp độ chi tiết - Bước 1: Khai thác ý nghĩa các chi tiết chính, quan trọng Đây là một hướng đọc hiểu tác phẩm tự sự không tuân theo việc phân tích các nhân vật chính, trung tâm. Giáo viên định hướng cho học sinh tìm ra các chi tiết quan trọng thể hiện nội dung chính của tác phẩm để phân tích. Chẳng hạn, với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chúng ta không đi theo từng nhân vật mà lựa chọn các chi tiết có ý nghĩa biểu hiện cao để phân tích. Ví dụ như đoạn mở đầu tác phẩm có các chi tiết hình ảnh có thể lựa chọn phân tích như: tảng đá, tàu ngựa, đôi mắt. Tương ứng với từng hình ảnh ta có các ý nghĩa như sau: "T¶ng ®¸" lµ hiÖn th©n nçi ®au khæ ®Ì nÆng lªn cuéc ®êi ngêi con g¸i, ®iÓn h×nh cho bao sè phËn bÊt h¹nh. "Tµu ngùa" ngay bªn c¹nh lµ sù so s¸nh cuéc ®êi cña MÞ còng ch¼ng kh¸c g× con tr©u con ngùa cña nhµ giµu, thËm chÝ cßn khæ h¬n. Khu«n mÆt lµ diÖn m¹o cña t©m hån. §«i m¾t lµ cöa sæ t©m hån lóc nµo còng "buån rêi rîi" cho thấy một con người có cuộc đời éo le, một số phận bất hạnh. Tương tự như vậy, ta có thể khám phá thêm các chi tiết quan trọng khác xuất hiện. - Bước 2: Phân tích hệ thống chi tiết phụ liên quan Sau khi phân tích các chi tiết chính ẩn chứa nhiều ý nghĩa của tác phẩm, giáo viên cũng cần đề cập một cách khái quát đến các chi tiết khác có liên quan đến vấn đề cần phân tích để học sinh có được cái nhìn toàn vẹn hơn về vấn đề. Những chi tiết phụ này tuy không có vai trò quan trọng trong việc biểu hiện nội dung văn bản nhưng giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách hệ thống và đầy đủ hơn. Ví dụ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, chi tiết Mị bị trói đứng trong bóng tối chỉ là một chi tiết nhỏ trong tác phẩm nhưng nó hàm chứa ý nghĩa: trói đứng là một hình phạt nặng nề dã man của chế độ phong kiến thời kỳ trung cổ. Qua đó, học sinh có thể hiểu hơn về những đau đớn cực nhọc vể thể xác mà nhân vật phải chịu đựng cũng như nỗi khổ của con người sống dưới chế độ thực dân phong kiến. - Bước 3: Mối quan hệ giữa các chi tiết với tác giả Sau khi đã xem xét xong mối quan hệ giữa các chi tiết với văn bản, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu mối quan hệ giữa các chi tiết với tác giả. Các chi tiết này cho thấy điều gì ở người sáng tạo ra nó? Đó là tài năng, sự lớn lao về tư tưởng hay sự phóng khoáng của một tấm lòng? Cách lựa chọn và sáng tạo chi tiết bao giờ cũng hé mở cho chúng ta thấy nhiều điều về nhà văn. Một nhà văn hiện thực thường tìm cho mình những chi tiết gai góc, sần sùi trong khi một nhà văn lãng mạn lại thường khai thác các chi tiết có phần lãng mạn, thi vị. Cá tính của nhà văn và khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ không chỉ được biểu hiện thông qua các yếu tố lớn lao, quan trọng trong tác phẩm mà có thể chỉ qua một chi tiết nghệ thuật. Chỉ một yếu tố nhỏ nhưng hàm chứa trong nó bản lĩnh của cả một nhà văn. Do đó, từ hệ thống chi tiết vừa được phân tích nhất thiết giáo viên nên tìm ra mối quan hệ giữa các chi tiết và người sáng tạo ra nó. Có như vậy, phần đọc hiểu tác phẩm mới trọn vẹn ý nghĩa. Tiểu kết: Trên đây là hai định hướng cơ bản dành cho hoạt động đọc hiểu tác phẩm tự sự trong nhà trường phổ thông. Cách tiếp cận văn bản thông qua việc phân tích chi tiết có thể có nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ đưa ra hai cách thông thường và dễ áp dụng nhất. Khi vận dụng vào từng văn bản cụ thể, người dạy và học cũng cần có sự linh hoạt trong việc sử dụng phần lý thuyết bởi mổi tác phẩm là một sự sáng tạo không lặp lại của người nghệ sĩ. Từ cơ sở lý thuyết nêu trên, chúng tôi tiến hành vận dụng vào việc giải quyết tìm hiểu một đơn vị kiến thức cụ thể trong một tác phẩm tự sự thuộc chương trình ngữ văn lớp 12. 2.3. Hướng dẫn học sinh đọc hiểu "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài qua việc khai thác các chi tiết nghệ thuật: Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ lựa chọn một đơn vị kiến thức của tác phẩm để định hướng việc đọc hiểu văn bản cho học sinh. Cụ thể, chúng tôi lựa chọn phân tích sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân theo hướng tìm hiểu hệ thống các chi tiết có liên quan đến nhân vật: ĐỊNH HƯỚNG ĐỌC HIỂU PHẦN KIẾN THỨC: SỨC SỐNG TIỀM TÀNG MÃNH LIỆT CỦA NHÂN VẬT MỊ TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN THÔNG QUA VIỆC KHAI THÁC CÁC CHI TIẾT NGHỆ THUẬT. Hoạt động của GV và HS Nội dung cần đạt 1. Chi tiết tạo bối cảnh cho sự thức tỉnh sức sống: ? Theo em những chi tiết nào đóng - Những chi tiết về khung cảnh mùa vai trò khởi đầu và ở mức độ tác xuân: động thứ nhất dẫn đến sự bừng tỉnh của Mị? + Thiên nhiên mùa xuân được tái + Cảnh nương ngô, nương lúa trên hiện thông qua những chi tiết nào? đầu núi + Mái gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội + Tại sao nhà văn lại lựa chọn thời -> Thời điểm: Đất trời, tạo vật hồi điểm mùa xuân để miêu tả thiên sinh, sức sống trỗi dậy mạnh mẽ sau nhiên? những ngày tháng ấp ủ trong đông + Trong mối quan hệ với nhân vật, giá -> Thế giới tinh thần của Mị sau nó cho thấy mối tương đồng gì? những ngày đông ngủ vùi trong băng giá vô cảm cũng đang chuyển mình theo nhịp vận hành của vũ trụ. * Gv diễn giảng thêm: Người xưa đã
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan