Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Văn học Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong t...

Tài liệu Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

.DOC
11
326
108

Mô tả:

A. PHẦN MỞ ĐẦU Cho đến nay, người ta vẫn nhắc đến Nghệ thuật thơ ca của Aristotes (384322 trước Công nguyên) như một công trình thi học đầu tiên của nhân loại. Ông đã phân chia văn học thành ba loại: tự sự, trữ tình, kịch. Trong đó, tự sự chỉ một loại tác phẩm văn học chủ yếu dùng phương thức tự sự để miêu tả, phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó – qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó. Gắn với đặc điểm sự kiện và nhân vật, hệ thống chi tiết nghệ thuật của tác phẩm tự sự cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Nắm được hệ thống chi tiết đó, người đọc sẽ cầm được chiếc chìa khóa vạn năng để bước vào thế giới kì diệu của tác phẩm văn học. Bởi mặc dù là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng chi tiết nghệ thuật lại mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Vì thế, tìm hiểu tác phẩm tự sự, không thể không phát hiện, phân tích các chi tiết nghệ thuật dù là nhỏ nhất trong tác phẩm. Ngoài ra, các đề thi Tốt nghiệp và Đại học môn Văn những năm gần đây, cả câu 2 điểm (tái hiện kiến thức) và câu 5 điểm (nghị luận văn học), đều có xu hướng đi vào khai thác các chi tiết nghệ thuật, nhất là trong tác phẩm tự sự. Đây cũng là một xu hướng mới, hiện đại, giúp nâng cao năng lực cảm thụ văn học cũng như việc lựa chọn chi tiết và khả năng đào sâu phân tích của học sinh. Bởi lẽ, phân tích tác phẩm văn học là phân tích các chi tiết thể hiện. Điều này ở trong Nhà trường từ trung học đến đại học, các sách giáo khoa, sách giáo viên về làm văn, các giáo trình v.v... đều đã chỉ rõ: “Nội dung khái quát của tác phẩm được gửi gắm qua các chi tiết (lời nói của nhân vật, bộ điệu, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh tượng...). Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thể (phạm vi ý nghĩa mà nó thuộc vào). Nhưng không cần và không thể phân tích mọi chi tiết, chỉ cần chọn các chi tiết tiêu biểu nhất, nói lên tư tưởng quan trọng của nhà văn và phù hợp với chủ đề phân tích của đề bài. Biết lựa chọn thì bài làm tập trung, không dàn trải, lan man” (Làm văn 12, Sách học sinh, trang 57). Tuy nhiên, trên thực tế, việc bỏ qua hoặc quên đi một số chi tiết nhỏ bé nhưng có ý nghĩa quan trọng đã làm hạn chế rất nhiều giá trị biểu hiện của tác phẩm tự sự. Vì vậy, người viết lựa chọn đề tài “Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự” để nhấn mạnh tầm quan trọng của các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự cũng như đưa ra các giải pháp để lựa chọn chính xác và phân tích sâu các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong một số tác phẩm tự sự trong Nhà trường THPT. 1 B. PHẦN NỘI DUNG 1. Chi tiết nghệ thuật và vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự 1.1. Khái niệm chi tiết nghệ thuật X.Anhxtanh có viết: “Trước cái nhìn bên trong, trước cảm giác của tác giả, hiện lên một hình tượng nào đấy, thể hiện một cách xúc động đề tài của anh ta, và anh ta đặt ra một nhiệm vụ - biến hình tượng ấy thành vài ba hình ảnh riêng biệt, những chi tiết mà trong sự tổng hợp và đối chiếu với nhau, chúng lại gợi lên trong ý thức và tình cảm con người cảm thụ đúng cái hình tượng xuất phát đã được khái quát ấy”. Nếu như tình tiết là các sự kiện, các biến cố, các quan hệ thúc đẩy sự phát triển của nhân vật và cốt truyện, thì chi tiết nghệ thuật là bộ phận nhỏ nhất có ý nghĩa của tác phẩm mà nhờ đó, thế giới nghệ thuật của tác phẩm mới được hiện ra một cách cụ thể, sinh động. Một tình tiết có thể bao gồm nhiều chi tiết, nhưng trong nhiều trường hợp, có nhiều chi tiết cũng mang ý nghĩa như một tình tiết. Nói như Nguyễn Công Hoan, “chi tiết nghệ thuật là những hòn gạch để xây nên truyện, không có chi tiết không có truyện sinh động gây cảm xúc. Nó là cảnh, là người, là tiếng nói, giọng nói, việc làm của nhân vật”. Khác với chi tiết trong tác phẩm trữ tình thường gắn với chất thơ, chi tiết trong tác phẩm tự sự thường mang chất văn xuôi, tinh vi hơn và cũng phức tạp hơn. Ta có thể bắt gặp các chi tiết về chân dung, ngoại hình, về tâm lý, sinh lý, phong cảnh, phong tục, về đồ vật, lịch sử, về đời sống văn hóa, sản xuất… bao gồm cả những chi tiết tưởng tượng, liên tưởng, hoang đường mà không nghệ thuật nào trình diễn được. 1.2. Vai trò của chi tiết nghệ thuật Các chi tiết nghệ thuật có vị trí quan trọng không thể thiếu trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm tự sự. Bên cạnh cốt truyện, kết cấu, hệ thống sự kiện, tình tiết, nhân vật… thì chi tiết cũng đóng góp vai trò lớn trong sự hình thành tác phẩm. Chi tiết trong hình tượng mang tính chất đa nghĩa, vừa gợi không gian, vừa gợi tình huống, tính cách và thái độ của tác giả đối với chúng. Heghen gọi các chi tiết trong tác phẩm là những “con mắt” bởi qua nó, ta không chỉ thấy được thế giới tinh thần, mà còn thấy được “một tâm hồn tự do trong cái vô hạn của nó” ở tác giả. Trong tác phẩm, có chi tiết nghệ thuật chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng làm tiền đề để cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lí; nhưng cũng có chi tiết nghệ 2 thuật thể hiện tập trung cho cấu tứ của tác giả. Các chi tiết nghệ thuật này thường được tác giả nhấn mạnh, tô đậm, lặp lại bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tính chất và chức năng của chi tiết nghệ thuật phụ thuộc vào đặc điểm cụ thể của sáng tác. Đó là những chi tiết “biết nói”. Các chi tiết trước hết mang tính tạo hình. Qua các chi tiết nghệ thuật, tác giả muốn tái hiện lại một khung cảnh, một chân dung, một sự kiện, một không khí cụ thể. Đó có thể là chân dung của kẻ tha hóa Chí Phèo hiện lên rõ nét từ bộ mặt đến quần áo đến việc chạm trổ mà người ta không thể tìm được nét sót lại của một con người hiền lành, lương thiện, càng không thể tìm lại được nét nào đó của một con người có lòng tự trọng trước đây trong truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao). Đó có thể là không khí chiến đấu sục sôi hừng hực khí thế trong đêm mít tinh để ghi tên thanh niên tòng quân trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi)… Các chi tiết ấy đã giúp người đọc hình dung rõ nét hơn, cụ thể hơn về nhân vật, sự kiện, làm cho các nhân vật, sự kiện như được chạm được khắc, nổi hình nổi khối. Ngoài tính tạo hình, chi tiết nghệ thuật mang bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ, bản chất văn hóa của một cộng đồng. Các chi tiết hàm chứa nhiều nét nghĩa, nhiều giá trị được gọi là tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm. Đã gọi là tín hiệu thì luôn mang một mã khóa mà để giải mã cần phải nhờ đến cả một chiều sâu văn hóa. Đọc truyện cổ tích Tấm Cám, người đọc tự hỏi, tại sao phải nhờ miếng trầu têm cánh phượng, vua mới nhận ra cô Tấm? Phải chăng, nó xuất phát từ nét đẹp truyền thống trong văn hóa dân gian của người Việt: Miếng trầu chính là hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hoá, gắn với phong tục hôn nhân. Nhận trầu và ăn trầu là nhận lời giao ước, kết hôn: “Miếng trầu nên dâu nhà người”; Trầu này trầu nghĩa trầu tình - Cho loan lấy phượng, cho mình lấy ta”. Vì vậy miếng trầu mang ý nghĩa giao duyên không thể vắng mặt trong sự hội ngộ giữa nhà vua và Tấm. Chi tiết tuy nhỏ bé nhưng nó gắn với quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc sống của nhà văn. Qua chi tiết bức ảnh nghệ thuật ở cuối truyện Chiếc thuyền ngoài xa, người đọc nhận ra biết bao những chiêm nghiệm về cuộc sống của Nguyễn Minh Châu: Khi chiếc thuyền ở ngoài xa, nghĩa là khi ta chưa tiếp cận cuộc sống muôn màu đa vẻ, thì ta dễ nhìn hời hợt, chỉ thấy vẻ đẹp bên ngoài. Nhưng khi chiếc thuyền tiến lại gần, tức là ta có dịp nhìn sâu vào cuộc sống, những mặt khuất 3 lấp, bi kịch mới được bộc lộ đầy đủ. Từ đó, nhà văn đặt ra vấn đề mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và đời sống, yêu cầu hiểu biết và bản lĩnh trung thực của người nghệ sĩ. Ngoài ra, chi tiết còn đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện. Ví dụ như trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao đã không chọn cách thông thường, xuôi theo dòng đời nhân vật mà mở đầu truyện bằng hình ảnh Chí Phèo với cơn say và tiếng chửi. Đây là cách mở đầu bất ngờ và cách giới thiệu nhân vật đầy ấn tượng, gây sự tò mò lớn cho người đọc. Để rồi nhà văn sẽ từ từ đưa người đọc ngược dòng thời gian trở về với những tháng năm quá khứ của nhân vật như một lời giải thích, cắt nghĩa. Như vậy trong phép làm văn, sự dụng công hướng vào việc tìm ra chi tiết. Chi tiết càng có sức biểu hiện càng góp phần nâng cao giá trị tác phẩm. Không bao giờ có một tác phẩm hay mà chi tiết lại nhạt nhẽo, nông cạn, thiếu sức sống. Vì thế, giải mã các chi tiết nghệ thuật là tìm ra những con đường đi vào tác phẩm tự sự, đi vào thế giới tâm hồn của nhà văn. 2. Các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong một số tác phẩm tự sự trong Nhà trường THPT “Ở tác phẩm tự sự, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy” (Nguyễn Đăng Mạnh – Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa - báo Văn nghệ số 14, 4/1999). Đó có thể là nhan đề tác phẩm, lời đề từ, là một cảnh tượng thiên nhiên, một hành động, lời nói của nhân vật… Tất cả đều đáng được quan tâm phát hiện và đào sâu phân tích để giải mã những ẩn số nghệ thuật mà nhà văn đã mã hóa qua các chi tiết nghệ thuật đan cài từ đầu tới cuối tác phẩm tự sự. Ở đây, người viết chỉ đưa ra một vài tác phẩm tự sự tiêu biểu trong Nhà trường THPT để tìm hiểu, khai thác các chi tiết nghệ thuật cũng như giá trị, vai trò của nó đối với tác phẩm. 2.1. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy Là một truyền thuyết nhưng các tác giả dân gian rõ ràng rất có ý thức xây dựng các chi tiết nghệ thuật độc đáo để gửi gắm thông điệp sâu sắc của tác phẩm. Mở đầu truyện là chi tiết việc xây thành của An Dương Vương hết sức khó khăn và chỉ được hoàn thành khi được sứ Thanh Giang tức Rùa vàng giúp đỡ. Sự giúp đỡ 4 thần kỳ này nhằm lý tưởng hoá việc xây thành. Nó khẳng định việc xây thành của An Dương Vương không chỉ thỏa lòng người mà còn hợp ý trời, đồng thời làm tăng tính li kì, huyền ảo cho câu chuyện, khiến việc xây thành trở nên lớn lao kì vĩ, phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Qua đó, thể hiện rõ thái độ của nhân dân đối với việc làm quang minh chính đại của An Dương Vương. Nhưng, do quá chủ quan, An Dương Vương đã để nước rơi vào tay Triệu Đà. Chi tiết câu nói: “Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu” thể hiện sự tuyệt vọng, bế tắc của An Dương Vương. Rõ ràng, sự thất bại này không phải do trời hại. Trời đã từng giúp dựng nước nhưng việc giữ nước thuộc về trách nhiệm của con người. Câu trả lời của Rùa vàng: “Kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đó” - ngắn gọn nhưng vô cùng chính xác – đã chỉ rõ kẻ tội đồ. Tuy nhiên, Rùa vàng chỉ gọi đó là “kẻ ngồi sau” mà không chỉ đích danh Mị Châu bởi Mị Châu chỉ là giặc khi vô tình tiếp tay cho Trọng Thủy. Nhưng, dù vậy, Mị Châu vẫn phải chịu trách nhiệm chính trong sự việc này. Có thể nói, tiếng nói của Rùa Vàng cũng chính là tiếng nói phẫn nộ của nhân dân đối với việc bảo vệ quốc gia, là sự phán xét nghiêm khắc mà công bằng của nhân dân đối với tội lỗi của từng người khi làm mất nước. Về phía Mị Châu, chi tiết Mị Châu lén đưa cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần có hai cách đánh giá. Một là, Mị Châu nặng về tình cảm vợ chồng mà bỏ quên nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc; hai là, làm theo ý của chồng là hợp với đạo lý phu thê. Nhìn nhận tách bạch hai vấn đề này, chúng ta sẽ thấy: Nỏ thần thuộc về tài sản quốc gia, bí mật quân sự. Mị Châu đã vi phạm vào nguyên tắc của bề tôi đối với vua cha, với đất nước. Nàng đã tiết lộ bí mật quốc gia. Đành rằng tình cảm vợ chồng gắn bó nhưng cũng không thể vượt lên trên tình cảm đất nước. Nước mất dẫn đến nhà tan, không ai có thể bảo toàn hạnh phúc. Việc làm của Mị Châu là một bài học đắt giá cho việc đề cao cảnh giác. Đặc biệt, chi tiết cuối truyện, hình ảnh ngọc trai – giếng nước không phải là biểu tượng của một mối tình chung thủy. Bởi đối với Trọng Thủy, nếu chung thủy, hắn đã không hại nước Âu Lạc, không lừa dối Mị Châu. Còn đối với Mị Châu, trước khi chết chắc chắn không thể tha thứ cho hành động của chồng. Và mối tình ở đây không phải là một mối tình đẹp đẽ mà là một mối tình oan trái vì nó phục vụ cho một âm mưu xâm lược. Vì thế, chi tiết này chính là sự hóa giải một mối oan tình nghiệt ngã. Nếu ngọc trai biểu tượng cho sự trong sáng, như tấm lòng của Mị 5 Châu; thì giếng nước dùng để rửa ngọc, ngọc càng sáng. Cảm nhận về chi tiết này, Tản Đà đã có đôi câu rất hay: Một bên kẻ Diệt người Tần Nửa phần ân ái nửa phần oán thương Vuốt rùa chàng đổi móng Lông ngỗng thiếp đưa đường Thề nguyền phu phụ Tình nhi nữ, việc quân vương Nên gấm, vó câu trăm năm giọt lệ Ngọc trai - giếng nước Ngàn thu khói nhang 2.2. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục) – Nguyễn Dữ Là một tác phẩm truyền kỳ, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên mang đậm yếu tố kì ảo hoang đường kết hợp với những chi tiết giàu chất hiện thực, phản ánh khát vọng phá bỏ bất công và vươn tìm hạnh phúc. Tác phẩm mở đầu bằng chi tiết hành động đốt đền của nhân vật Ngô Tử Văn. Trước khi đốt đền, chàng “tắm gội rửa sạch sẽ, khấn trời”. Đây là một nghi thức, nghi lễ thiêng liêng nhằm linh thiêng hóa, huyền bí hóa sự việc. Ngô Tử Văn muốn khẳng định tính chất trọng đại của việc đốt đền – không chỉ hợp lòng người mà còn hợp cả ý trời. Đó cũng là hành động của con người dám đối mặt, dám chịu trách nhiệm, đồng thời, tin tưởng vào việc làm của mình là chính nghĩa. Trước hành động của Tử Văn, mọi người sợ hãi, lo cho Tử Văn. Ngược lại, Tử Văn “vung tay không cần gì cả”. Chi tiết này thể hiện thái độ cương quyết đối đầu sống mái với kẻ gian tà cũng như sự khảng khái, cứng cỏi, tự tin vào hành động chính nghĩa, tỏ thái độ chân thành mong được trời phù hộ của chàng. Cuộc đấu tranh với cái ác diễn ra khá phức tạp và quyết liệt nhưng cuối cùng Tử Văn vẫn chiến thắng. Phần thưởng cho chàng là phần thưởng xứng đáng cho những ai dám đứng ra đối đầu, đấu tranh diệt trừ cái ác. Chàng được hưởng xôi lợn cúng tế của dân (chia đôi với Thổ công). Đây là một kết cục có hậu, Ngô Tử Văn đã được đền đáp xứng đáng với tính cách cương trực và ngay thẳng của mình. Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác diễn ra tuy quyết liệt, căng thẳng nhưng cuối cùng, cái thiện vẫn chiến thắng. Đó cũng là kết thúc mang đậm triết lí dân gian, 6 nhân nghĩa thắng gian tà. Đặc biệt, chàng được tiến cử làm chân phán sự của đền Tản Viên. Chi tiết này khiến cái chết của Tử Văn trở thành cái chết bất tử, như một sự hóa thân vĩnh hằng của công lý và chính nghĩa. Nó cũng đồng thời thể hiện triết lí mang tư tưởng lập danh của Nho gia xưa. 2.3. Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân không chỉ thành công với đề tài hấp dẫn, tình huống truyện độc đáo, nhân vật giàu tính lý tưởng, ngôn ngữ trang trọng… mà còn thành công bởi những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Chi tiết mở đầu tác phẩm là lời đồn đại của những người vùng tỉnh Sơn dành cho Huấn Cao với “tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Như vậy, ngay từ khi mở đầu truyện, nhà văn đã không để nhân vật xuất hiện với diện mạo, tính cách, hành động mà xuất hiện qua tài năng xuất chúng, danh tiếng lẫy lừng. Mỗi lời nói, mỗi lời đồn đều làm bật rõ vẻ đẹp phi thường trong nghệ thuật thư pháp của Huấn Cao. Huấn Cao chưa xuất hiện trực tiếp mà danh tiếng, tài năng đã bao trùm cả thiên hạ. Đây cũng là cách giới thiệu nhân vật độc đáo của Nguyễn Tuân, tạo sự tò mò khiến người đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về nhân vật Huấn Cao. Động tác dỗ gông cũng là một chi tiết độc đáo thể hiện thái độ thách thức, tỏ rõ sức mạnh của mình của Huấn Cao, dù bị xiềng xích vẫn hoàn toàn tự do về tinh thần, vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo. Người anh hùng ấy cho dù thất thế nhưng vẫn giữ được thế lực, uy quyền của mình. Nếu cái gông dài tám thước, nặng đến bảy, tám tạ kia là biểu trưng cho cường quyền, cho trật tự phong kiến, thì hành động dỗ gông đã thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ, tinh thần nổi loạn, khát vọng tự do của nhân vật. Ở đây, người đọc nhận thấy chân dung một người anh hùng ngạo nghễ, hiên ngang ngay giữa chốn ngục tù. Ca ngợi Huấn Cao, nhà văn không chỉ miêu tả đó là một con người có tài năng, có khí phách mà còn là một con người có thiên lương trong sáng. Vẻ đẹp thiên lương ấy được thể hiện rõ ràng ở câu nói của Huấn Cao khi nhận ra tấm lòng viên quản ngục: “Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có cái sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Chi tiết này cho thấy Huấn Cao thực sự cảm phục tấm lòng biết trọng người tài của quản ngục cũng như sở thích cao quý của kẻ mà ông tưởng chỉ là loại “tiểu nhân thị oai”. Cái đáng quý nhất của con người Huấn Cao chính là cảm giác sợ “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Câu nói này mang cái day dứt vì đã đối xử khinh bạc với viên quản ngục, cũng 7 là suýt phải hổ thẹn với chính mình – cái thẹn của con người giàu nhân cách cao đẹp. Đó đồng thời cũng là sự giật mình tri ngộ, nhận ra viên quản ngục kia, không những không phải là kẻ đối đầu, mà chính là người tri kỷ, con người mang khát vọng và niềm say mê cái đẹp. Người có tài đã gặp được kẻ có tâm và nhanh chóng cảm phục lẫn nhau, trở thành những người tri kỷ tri âm. Qua đây, ta thấy, Huấn Cao không chỉ là người có chữ Tâm mà còn là người hệ lụy bởi chữ Tâm. Những người có Tâm trên đời thì không chỉ biết trọng cái tâm của người khác mà còn rất sợ mình phụ tấm lòng dù chỉ của một người trong thiên hạ. Bởi lẽ, “ở trên đời này, cái khó nhất và quý nhất chính là sự gặp gỡ” (Cao Bá Quát). Không phải là nhân vật trung tâm trong tác phẩm nhưng Viên quản ngục được miêu tả khá chi tiết và có một vị trí hết sức đặc biệt, đem lại nhiều khám phá mới mẻ và những khoái cảm thẩm mĩ riêng cho người đọc. Chi tiết trước khi là quản ngục, ông ta cũng là người đèn sách, “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, nhưng sự đời run rủi, “ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bãt”, quản ngục sa vào chỗ tối tăm, đầy rẫy cái ác và cái xấu, tàn nhẫn và lừa lọc, đã lý giải vì sao một người như viên quản ngục lại có sở thích cao quý là chơi chữ. Và khi được Huấn Cao cho chữ, nhất là sau khi nhận được lời khuyên chí tình chí nghĩa của Huấn Cao, nhà văn đã đặc tả nhân vật quản ngục qua chi tiết tiếp nhận lời khuyên: “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Một viên quan vốn chỉ quen với ngục tù, nay đã khóc trước cái đẹp, cúi lạy cái đẹp. Nó thể hiện thái độ trân trọng, cảm phục Huấn Cao của viên quản ngục, sự thức tỉnh khi nghe lời khuyên (chạm đúng suy nghĩ trước đó: “chọn nhầm nghề”) và sự đồng cảm, tri âm và tri ân. Đặc biệt, cái vái lạy ấy, người ta không thấy sự quỵ lụy, sự thấp hèn mà thấy sáng lên vẻ đẹp của nhân cách – như chính Cao Bá Quát từng khẳng định: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Có thể nói, lời di huấn của Huấn Cao là hết sức trang trọng, thiêng liêng và người được khuyên đang nuốt lấy từng lời, ghi tâm khắc cốt. Qua đó, Nguyễn Tuân muốn khẳng định sức mạnh diệu kỳ và khả năng cảm hóa của cái đẹp đối với cuộc đời. 2.4. Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng so sánh truyện “Rừng xà nu” với “Đất nước đứng lên” và nhận xét rằng, viết truyện ngắn “Rừng xà nu” khó hơn viết tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”. Bởi tuy cả hai truyện cùng viết về một đề tài, 8 thời gian, không gian câu chuyện cũng như nhau, nhưng “Rừng xà nu” là truyện ngắn, “Đất nước đứng lên” là một truyện dài. Ông cũng từng tâm sự: “Rừng xà nu là truyện một đời, và được kể trong một đêm. Đó là cái đêm dài như cả một đời. Nhưng nó cũng ngắn, cũng chỉ là một đêm trong sự sống vất vả, đau khổ và hạnh phúc trường tồn ở đây, bởi ‘nhìn ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời’.”. Chuyện của một đời người chỉ kể trong một đêm cho nên từng chi tiết của truyện phải có tính hàm súc cao độ, phải có độ nén căng về ý nghĩa. Chi tiết quan trọng nhất trong tác phẩm chính là chi tiết “rừng xà nu”. Rừng xà nu vừa là nhan đề vừa là hình tượng nổi bật và xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm. Mở đầu và kết thúc truyện đều là hình ảnh cánh rừng xà nu “đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Câu văn mở đầu này được nhắc gần như nguyên vẹn ở đoạn kết, như một vĩ thanh láy lại, gây ấn tượng nổi bật, tạo một dư ảnh và dư âm đọng lại trong tâm trí độc giả sau khi câu chuyện đã khép lại qua lối kết cấu song trùng, đầu cuối tương ứng, tưởng khép mà lại mở, khai thác hướng vận động của hình tượng nghệ thuật. Nhưng rừng xà nu không chỉ có mặt trong đoạn mở đầu và đoạn kết, nó còn hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô man của anh. Rừng xà nu không chỉ là khung cảnh thiên nhiên làm nên cho câu chuyện mà còn mang một ý nghĩa biểu tượng rộng lớn, chứa đựng tư tưởng sâu xa của tác phẩm. Bởi lẽ, xà nu là loại cây đặc thù, tiêu biểu cho miền đất Tây Nguyên và sự hợp lại của nó thành những cánh rừng xà nu đã tạo nên một không gian nghệ thuật đậm hương vị sử thi cho câu chuyện. Cho nên, rừng xà nu đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô man, của Tây Nguyên. Nó hiện thân cho vẻ đẹp hùng tráng của thiên nhiên đất nước, là biểu tượng của đau thương nhưng cũng là biểu tượng của sức sống trường tồn. Cũng như rừng xà nu, con người Xô man, con người Tây Nguyên, con người Việt Nam trong những ngày đánh giặc vẫn sống bền bỉ, kiêu hùng, đầy khao khát trong niềm ham muốn mãnh liệt ánh sáng, trong tư thế phóng lên tiếp lấy nguồn sống, tự do, hạnh phúc. Bên cạnh những chi tiết lớn trong tác phẩm là những chi tiết nhỏ nhưng có giá trị sâu sắc. Chi tiết “Tnú bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay” đã diễn tả chân thật tâm trạng của Tnú trước cảnh vợ con bị giặc hành hạ dã man. Đây là sự giằng co giữa trách nhiệm của người chồng, người cha với trách nhiệm của người 9 cán bộ cách mạng, là sự giằng có giữa tình riêng và nghĩa chung. Là người chồng, người cha Tnú phải xông vào tức khắc để cứu vợ con, không thể chần chừ một phút, một giây. Là cán bộ của Đảng, Tnú không thể xông vào cứu vợ vì trách nhiệm của Đảng, xông vào là rơi vào âm mưu của kẻ thù: “Bắt được cọp cái và cọp con, tất sẽ được cọp đực trở về”. Vì vậy, chi tiết Tnú bứt đứt hàng chục trái vả lúc nào không hay là biểu hiện chân thật trong tâm lý của nhân vật. Một chi tiết nhỏ khác trong truyện là lời xưng hô của Dít đối với Tnú lúc anh về thăm làng. Lúc đầu cô gọi anh là: “đồng chí” với “giọng hơi lạnh lùng, đôi mắt nghiêm khắc”, chỉ sau khi đọc xong giấy phép của Tnú, cô mới cười và gọi Tnú là“anh”, xưng “em”. Dít tiêu biểu cho người làng Xô - man cảnh giác, đề phòng, sẵn sàng chờ đón giặc, nhưng vẫn trong sáng, hồn nhiên, giàu tình yêu thương. Đó chính là sức mạnh để tồn tại của người Xô - man truớc quân thù tàn bạo. Có thể nói, chính những chi tiết nhỏ lại làm nên một tác phẩm lớn. Với hệ thống chi tiết độc đáo, sáng tạo, Nguyễn Trung Thành đã làm nên thành công lớn cho tác phẩm. 10 C. PHẦN KẾT LUẬN Tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng: Chi tiết nghệ thuật là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng”. Mỗi một tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm tự sự, đều có một hệ thống các chi tiết nghệ thuật mà nhờ đó, thế giới nghệ thuật của tác phẩm từ con người, cảnh vật cho đến không khí, màu sắc, âm thanh… hiện ra một cách rõ nét. Và thế giới ấy, nó chỉ được hiện lên qua các chi tiết nhất định. Do vậy, các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm bao giờ cũng được lựa chọn kỹ càng và phải hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Các chi tiết ấy lại được kết nối chặt chẽ với nhau, soi sáng cho nhau trong một chỉnh thể thống nhất. Tìm hiểu và giải mã các chi tiết và mối liên hệ giữa các chi tiết là cách nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất và chính xác nhất để thâm nhập và thế giới nghệ thuật mà tác giả dựng nên. Đặc biệt, đối với học sinh trong Nhà trường, việc tìm hiểu tác phẩm tự sự qua các chi tiết cụ thể sẽ góp phần nâng cao tư duy, cảm nhận của các em. Nói như GS Trần Đình Sử - Phan Huy Dũng trong lời nói đầu của sách Phân tích và Bình giảng tác phẩm văn học lớp 12: “Các em sẽ nắm được tư tưởng độc đáo lẫn các đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trong từng chi tiết giúp các em vừa thưởng thức tác phẩm văn học, vừa có thể vận dụng vào các bài làm”. Đó cũng là lời nhắn nhủ đối với các em học sinh khi tiếp cận tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm tự sự nói riêng, luôn cố gắng tìm và khai phá những chi tiết nghệ thuật dù là nhỏ nhất trong tác phẩm. 11
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan