Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Tác động của phát triển kinh tế xã hội tới hệ thống thoát nước ở hà nội...

Tài liệu Tác động của phát triển kinh tế xã hội tới hệ thống thoát nước ở hà nội

.DOCX
92
99
105

Mô tả:

LỜI MỞ ĐẦU 1. Đặt vấn đề. Hoà trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cạnh tranh kinh tế khốc liệt trong khu vực cũng như trên toàn cầu, với xuất phát điểm là một quốc gia đang phát triển, có thu nhập thấp, Việt Nam đã, đang và phải thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thủ đô Hà Nội, với vị trí là trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước, cũng đang cùng với cả nước thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá với nhịp độ cao. Trong hơn ba thập kỉ qua, Hà Nội thực sự đã phát triển mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế- chính trị- văn hoáxã hội. Nền kinh tế của thủ đô Hà Nội đạt mức tăng trưởng cao và đều khắp ở các ngành, các lĩnh vực, tình hình chính trị ổn định, nền văn hoá được nâng cao rõ rệt, xã hội có những bước cải tiến sâu sắc về nhiều mặt. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực mà đô thị hoá và công nghiệp hoá đem lại thì chính đây lại là nguyên nhân gây áp lực mạnh mẽ đối với môi trường, làm suy giảm chất lượng môi trường... bao gồm cả môi trường đất, nước, không khí. Trong những năm qua, trên địa bàn Hà Nội luôn tồn tại tình trạng hàng loạt ao hồ nội thành cùng với hệ thống sông chảy trong lòng Thành phố bị rác thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đổ vào; sinh vật, đặc biệt là cá sống trong môi trường đó thì bị chết hàng loạt. Rồi mỗi khi mùa mưa tới, người dân nội thành lại lo sợ không biết năm nay có bị ngập hay không?... Đi sâu và tìm hiểu, người ta thấy ngoài chức năng là cảnh quan du lịch, điều hoà khí hậu thì hầu như môi trường nước mặt tại thành phố Hà Nội chỉ còn có chức năng chứa và thoát nước mưa, nước thải cho Thành phố. Hơn nữa, khi càng đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và dân số ngày càng tăng thì lượng nước thải ngày càng nhiều, chất lượng nước ngày càng bị suy giảm. Trong khi đó việc xử lý nước lại chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đó. Xuất phát từ những nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này, nên qua một thời gian đi sâu tìm hiểu tình hình thực tế về nước thải và thoát nước trên địa bàn Hà Nội, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Lê Trọng Hoa và tập thể cán bộ phòng Nghiên cứu Kinh tế- Viện nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài: "Tác động của phát triển kinh tế- xã hội tới hệ thống thoát nước ở Hà Nội". 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Với phạm vi nghiên cứu là 7 quận nội thành, bao gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy và Thanh Xuân, đối tượng nghiên cứu của đề tài là hệ thống thoát nước; tác động của sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và tác động của sự phát triển công nghiệp, gia tăng dân số nói riêng tới sự hoạt động của hệ thống này. 3. Mục đích, ý nghĩa của đề tài. Đề tài nhằm đánh giá thực trạng hệ thống thoát nước, vấn đề thoát nước thải ở Hà Nội và tác động của phát triển kinh tế - xã hội tới hệ thống thoát nước trên địa bàn nội thành Hà Nội. Mặc dù hệ thống thoát nước chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng trong khuôn khổ đề tài, ta chỉ xem xét tác động của phát triển công nghiệp, gia tăng dân số tới sự hoạt động của hệ thống thoát nước đô thị, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển công nghiệp và gia tăng dân số tới hệ thống thoát nước Hà Nội. 4. Phương pháp nghiên cứu. Ngoài việc sử dụng các phương pháp thông thường như duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, đề tài còn áp dụng phương pháp thống kê, đúc rút thực tiễn, phân tích hệ thống, tổ chức không gian, so sánh đối chứng cũng như bảng biểu, đồ thị. 5. Kết cấu của luận văn. Với nội dung đã nêu, trong luận văn tôi xin trình bày thành các phần sau: Chương I: Thực trạng hệ thống thoát nước ở nội thành Hà Nội. Chương II: Tác động của phát triển kinh tế- xã hội tới hệ thống thoát nước ở nội thành Hà Nội. Chương III: Một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của phát triển kinh tế- xã hội tới hệ thống thoát nước Hà Nội. LỜI CẢM ƠN. Do thời gian thực tập, nghiên cứu tại Viện chưa nhiều cùng với trình độ, kiến thức còn hạn chế nên luận văn của em không thể tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, em rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô và bạn bè để luận văn này có chất lượng tốt hơn. Em xin chân thành cảm ơn thầy Lê Trọng Hoa cùng toàn thể cán bộ phòng Nghiên cứu kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội đã nhiệt tình giúp đỡ em hoàn thành luận văn này. Hà nội ngày 20 tháng 5 năm 2002. Sinh viên Ngô Thị Thu Trang CHƯƠNG I TỔNG QUAN I. TỔNG QUAN VỀ NƯỚC THẢI. 1. Khái niệm về ô nhiễm nước. Ô nhiễm nước là sự thay đổi bất lợi môi trường nước, hoàn toàn hay đại bộ phận do các hoạt động khác nhau của con người tạo nên. Hiến chương Châu Âu về nước đã định nghĩa “Sự ô nhiễm là một biến đổi nói chung do con người đối với chất lượng nước, làm ô nhiễm nước và gây nguy hiểm cho con người, cho công ngiệp, nông ngiệp, nuôi cá, nghỉ ngơi giải trí, đối với động thực vật nuôi và các loài hoang dại”. Nước thải là chất lỏng được thải ra sau quá trình sử dụng của con người và đã bị thay đổi tính chất ban đầu của chúng. Nguồn gốc gây ô nhiễm có thể là tự nhiên hoặc nhân tạo. - Sự ô nhiễm có nguồn gốc tự nhiên là do mưa, tuyết tan. Nước mưa rơi xuống đất, đường phố, khu công nghiệp… kéo theo các chất bẩn xuống sông, hồ. Các chất gây bẩn còn có thể là do xác chết hoặc các sản phẩm hoạt động phát triển sinh vật, vi sinh vật gây nên. - Sự ô nhiễm nhân tạo chủ yếu do xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp, giao thông vận tải, thuốc trừ sâu, diệt cỏ và phân bón trong nông nghiệp… 2. Phân loại nước thải. Có một số cách chính phân loại nước thải: - Phân loại theo xác định nguồn thải. - Phân loại theo tác nhân ô nhiễm. - Phân loại theo nguồn gốc phát sinh ra chúng. Tuy nhiên, thường thì người ta phân loại nước thải theo nguồn gốc phát sinh ra chúng. Đây cũng là cơ sở trong việc lựa chọn các biện pháp giải quyết và công nghệ xử lý. Theo đó, người ta chia nước thải thành các loại như sau: 2.1. Nước thải sinh hoạt. Nước thải từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, trường học, cơ quan chứa đựng các chất thải trong quá trình sống của con người được gọi chung là nước thải sinh hoạt hoặc nước thải dân cư. Nguồn gây ô nhiễm nước thải sinh hoạt: 1- Sự rò rỉ hệ thống cống dẫn: Các hệ thống cống vệ sinh trong thực tế sử dụng thường bị rò rỉ, thấm do các nguyên nhân khác nhau làm cho nước thải ngấm vào đất, từ đó làm tăng hàm lượng BOD, COD, Nitrat, vi sinh vật… trong nước ngầm. 2- Xử lý nước thải bằng biện pháp tưới: Hoạt động tưới cây rất dễ gây ra hiện tượng thấm tưới nước ô nhiễm qua các tầng đất gây nên hiện tượng ô nhiễm nước ngầm. 3- Chất thải rắn: Chất thải rắn (rác thải) trên mặt đất là nguồn gây ô nhiễm cho đất và nước ngầm. Nước mưa, nước mặt từ các vùng lân cận thấm vào lớp chất thải rắn có thể mang theo chất ô nhiễm hoà tan để thấm sâu xuống đất tới mực nước ngầm. Các chất ngấm theo nước thường là các chất hữu cơ, các muối hoà tan của kim loại (Fe, Mn…). 2.2. Nước thải công nghiệp. Nước thải công nghiệp là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải. Các nguồn ô nhiễm chính do công nghiệp gây ra: 1- Nước thải công nghiệp : Khi nước thải công nghiệp xả ra ao hồ, cống rãnh thì các chất ô nhiễm có thể thấm sâu qua đất tới nước ngầm. Mức độ gây ô nhiễm phụ thuộc vào độ sâu của nước ngầm, thành phần và tính chất của các chất ô nhiễm có trong nước thải, thành phần và cấu trúc của các lớp đất phía trên mực nước ngầm. 2- Thẩm lậu qua các bể chứa và ống dẫn: Việc tồn trữ và truyền ngầm một lượng lớn các nhiên liệu và hoá chất lỏng khác nhau thường gặp ở nhiều cơ sở sản xuất. Những bể chứa và ống dẫn này có thể bị hỏng trong quá trình sử dụng gây ra sự rò rỉ nhiên liệu và các loại hoá chất công nghiệp sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm nước ngầm. Bên cạnh đó, vì tính chất các loại xăng dầu pha trộn kém, khi bị rò rỉ vào đất sẽ di chuyển xuống dưới dễ gây nên ô nhiễm nước ngầm. 3- Hoạt động khai khoáng: Hoạt động khai thác ở các vùng mỏ có thể gây ô nhiễm nước ngầm. Sự ô nhiễm này phụ thuộc vào loại quặng khai thác và hình thức của các quá trình xử lí quặng như nghiền, tuyển chọn… Các vùng mỏ than, phôtphat, sắt, đồng, chì, kẽm…dù là khai thác ngầm hay lộ thiên đều thường trải rộng ở dưới mực nước ngầm nên thường xuyên phải bơm tiêu nước. Những loại nước tiêu này thường có pH thấp, nồng độ các ion kim loại và các sunphat cao (Ví dụ: Trong than đá có chứa các hợp chất lưu huỳnh trong đó pyrit là một thành phần. Khi tiếp xúc với nước, pyrit bị ô xy hoá do vi khuẩn và tạo thành FeSO 4, H2SO4). Do vậy, nếu không có hệ thống tưới tiêu và xử lý thích hợp thì nước chảy từ các vùng mỏ sẽ lại thấm xuống làm ô nhiễm nước ngầm. 4- Công nghiệp khai thác dầu mỏ: Nước thải từ công nghiệp chế biến hoá dầu, khí thường có chứa các muối amôn, sunphat, clorua, các ion kim loại Na, Ca và các kim loại khác. Nếu không được xử lý thích hợp trước khi xả ra môi trường ngoàI thì đây cũng lầ nguồn gây ô nhiễm nước ngầm. 2.3. Nguồn ô nhiễm do nông nghiệp. 1- Nước tiêu: Lượng nước tưới cho cây trồng khoảng đến 2/3 bị tiêu hao do bốc hơi trên mặt lá, phần còn lại tiêu ra các kênh dẫn hoặc thấm xuống nước ngầm nằm ở phía dưới. Do hiện tượng hoà tan các muối có trong phân bón và sự cô đặc bởi hiện tượng bay hơi, phần nước còn lại này thường có độ mặn tăng lên từ 3 đến 10 lần so với độ mặn trước đó. Những ion chủ yếu trong nước sau khi tưới gồm Ca2+, Mg2+, Na+, HCO3-, SO42-,Cl- và NO3-. 2- Chất thải động vật: Phân và nước tiểu của động vật là nguồn gây ô nhiễm khá lớn đối với các nguồn nước. Đặc tính ô nhiễm của chất thải động vật là chứa hàm lượng chất hữu cơ dễ phân huỷ cao và mang nhiều loại vi sinh gây bệnh. 2.4. Nước chảy tràn trên mặt đất. Nước mưa được xem như nước thải tự nhiên. Nước chảy tràn trên mặt đất do nước mưa hoặc do thoát nước từ đồng ruộng có thể cuốn theo các chất thuốc trừ sâu, phân bón… làm ô nhiễm các nguồn nước tiếp nhận. 2.5. Nước sông bị ô nhiễm do các yếu tố tự nhiên. Nước sông bị nhiễm măn, phèn ở vùng biển có thể chuyển nước mặn vào các vùng nội địa gây suy giảm chất lượng nước ở các vùng tiếp nhận. 2.6. Nước thải đô thị. Nước thải đô thị là thuật ngữ chung chỉ chất lỏng trong hệ thống cống thoát của một thành phố. Đó là hỗn hợp của các loại nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nước thải tự nhiên (nước chảy tràn). Nước thải đô thị thường chứa khoảng 50% nước thải sinh hoạt, 14% là các loại nước thấm và 36% là nước thải sản xuất. II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI. 1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên thành phố Hà Nội. 1.1. Vị trí địa lý. Hà Nội nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, trong phạm vi 20053’ đến 2123’ vĩ độ bắc và từ 10544’ đến 10622’ kinh độ đông. Hà Nội tiếp giáp với 5 tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên ở phía đông; Vĩnh Phúc ở phía tây; Hà Tây và Hà Nam ở phía nam. Hà Nội có diện tích tự nhiên là 927,39 km2 và dân số năm 1999 là 2.672.122 người, chiếm 0,228% về diện tích và đứng thứ tư về dân số trong tổng số 62 tỉnh, thành phố của cả nước. Hà Nội có vị trí địa lý, chính trị quan trọng, có ưu thế đặc biệt so với các địa phương khác trong cả nước. Từ Hà Nội đi các thành phố, thị xã của Bắc bộ cũng như của cả nước rất dễ dàng bằng cả đường ô tô, sắt, thuỷ và hàng không. Từ nay đến năm 2010, tất cả các tuyến giao thông quan trọng nối liền Hà Nội với các nơi đều sẽ được cải tạo và nâng cấp. Hiện đã có đưòng cao tốc nối Hà Nội với khu vực cảng của Quảng Ninh. Đó là những yếu tố gắn bó chặt chẽ Hà Nội với các trung tâm trong cả nước và tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp nhận kịp thời các thông tin, thành tựu khoa học và kỹ thuật của thế giới; tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, khu vực và cùng hoà nhập vào quá trình phát triển năng động của vùng chảo Đông Á-Thái Bình Dương. 1.2. Địa hình. Hà Nội nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, có diện tích tự nhiên là 927,39 km2, trong đó diện tích nội thành là 67,25 km2. Cấu trúc địa chất không phức tạp đã tạo cho địa hình Hà Nội đơn giản hơn so với nhiều khu vực khác ở miền Bắc nước ta. Phần lớn diện tích của Hà Nội và vùng phụ cận là vùng đồng bằng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng chung của địa hình và cũng là theo hướng của dòng chảy sông Hồng. Vùng đồng bằng, địa hình đặc trưng của Hà Nội, đã được khai thác sử dụng từ lâu đời, địa hình rất bằng phẳng, được bồi tích phù sa dày. Nơi đây dân cư sống đông đúc, với nền văn minh lúa nước, trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc... Phía Bắc là vùng đồi núi thấp và trung bình, dãy Sóc Sơn với đỉnh cao nhất là Chân Chim có độ cao 462 m. Phía Tây Hà Nội và vùng phụ cận là dãy núi Ba Vì với đỉnh cao nhất là đỉnh Vua có độ cao 1270 m; ngoài ra còn có các đỉnh Tản Viên (1227 m) và Ngọc Hoa (1131 m). Vùng đồi núi của Hà Nội và phụ cận có thể tổ chức nhiều loại hình du lịch và phát triển chăn nuôi... Nhìn chung, địa hình của Hà Nội so với các khu vực khác ở miền Bắc và miền Trung là tương đối đơn giản, nhưng cũng khá đa dạng, làm nền tảng cho cảnh quan tự nhiên, tạo những nét độc đáo cho phong cảnh cũng như cho việc phát triển các loại hình kinh tế, đặc biệt là cho du lịch. 1.3. Khí hậu. Hà Nội nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, độ ẩm trung bình trong năm là 81-82%, tháng cao nhất vào khoảng 85-86%. Nhiệt độ trung bình có chiều hướng tăng, năm 1985 là 23,5C, từ năm 1990-1995 nhiệt độ trung bình là 24C (có năm tới 24,1C-1991, 1997 là 24,3C và 1998 là 25,1C). Hàng năm bình quân có từ 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi qua. Tổng lượng mưa trong năm, theo thống kê những năm gần đây có những biến động lớn, cụ thể là: Năm 1995 1996 1997 1998 Lượng mưa (đơn vị: mm) 1.245 1.595,6 1.871,6 1.338,1 Nguồn: Báo cáo đề tài KHCN 07.11 Số ngày mưa từ 140-160 ngày/năm, lượng mưa lớn nhất trong 24h là 200400 mm, lượng mưa lớn nhất trong 1h là 93,9 mm, lượng nước bốc hơi trung bình trong năm từ 800-1000 mm. Rõ ràng là xu thế biến đổi thời tiết từ năm 1995 đến nay là lượng mưa tăng, giảm khá nhiều và nhiệt độ trung bình hàng năm có xu thế gia tăng. Đặc biệt năm 1998, nhiệt độ trung bình các tháng vào mùa hè tăng nhiều do ảnh hưởng của hiện tượng ELNINO (tháng 7: 30,7C). Hà Nội nằm trong vùng khí hậu gió mùa: hàng năm có gió Đông Nam vào mùa hè và gió mùa Đông Bắc vào mùa đông. Thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng của vùng khí hậu đồng bằng, một năm có 2 mùa rõ rệt: mùa hè nóng ẩm và mưa nhiều, mùa đông rét hanh kéo dài. Các yếu tố đặc trưng như sau: - Nhiệt độ không khí: + Nhiệt độ không khí trung bình năm: 23,5C + Nhiệt độ cao nhất trung bình: 27,0C + Nhiệt độ không khí thấp nhất trung bình: 20,9C + Nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối: 42,0C + Nhiệt độ không khí thấp nhất tuyệt đối: 3,8 - Độ ẩm không khí: + Độ ẩm tương đối trung bình: 84% + Độ ẩm tương đối trung bình tháng thấp nhất: 81% (tháng 11 và tháng12). + Độ ẩm tương đối trung bình tháng cao nhất: 87% (tháng 3). + Độ ẩm tuyệt đối: 100% - Gió: + Hướng gió chủ đạo mùa hè: Đông Nam + Hướng gió chủ đạo mùa đông: Đông Bắc + Tốc độ trung bình mùa hè: 2,2 m/s + Tốc độ trung bình mùa đông: 2,8 m/s + Số cơn bão đổ bộ vào khu vực trung bình: 2-3 cơn/năm. + Cấp bão thường gặp: cấp 7-8. - Mưa: + Lượng mưa trung bình năm: 1,676 mm. + Lượng mưa trung bình ngày lớn nhất: 168 mm, lượng mưa ngày lớn nhất đã đo được là 588,6 mm (ngày 11/7/1902) và 394,4 mm (ngày10/9/1984). + Lượng mưa từ tháng 5 đến tháng 10: 1.430 mm (90,5% cả năm). + Số ngày có mưa trung bình: 144,5 ngày/năm. + Số ngày có mưa phùn: 38,7 ngày/ năm. - Nắng: + Số giờ chiếu nắng trung bình năm: 1.464,6 giờ/năm. 1.4. Thuỷ văn. Khu vực thành phố có 2 con sông chính chảy qua là sông Hồng và sông Nhuệ; ngoài ra còn có 4 con sông nhỏ nằm trong thành phố là sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch. Sông Hồng: bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào địa phận Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, đổ ra biển ở cửa Ba Lạt. Chiều dài dòng sông: 1.126 km. Phần nằm trong địa phận Việt Nam là 556 km, tổng diện tích lưu vực: 155.080 km2. - Lưu lượng nước dao động rất lớn: 350 m 3/s về mùa khô, 22.200 m3/s về mùa lũ. - Mực nước về mùa lũ thường là 10-12 m. - Mực nước cao nhất: 14,13 m (22/8/1971). Sông Nhuệ: bắt nguồn từ sông Hồng tại đập Liên Mạc thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm chảy qua khu vực phía Tây thành phố đổ vào sông Đáy tại Phủ Lý, Hà Nam, chiều dài dòng sông: 74 km. - Lưu lượng nước đầu nguồn dao động lớn: 43 m 3/s về mùa cạn, 150 m3/s về mùa lũ. - Mực nước cao nhất: 5,6 m năm 1985. Các sông nhỏ: Hà Nội có 4 con sông nhỏ nằm trong thành phố là sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Tô Lịch. Các con sông này chủ yếu hình thành do các vệt trũng tự nhiên trước đây, ngày nay nó là các trục tiêu nước tự nhiên của thành phố. Các ao hồ: Hà Nội có rất nhiều ao hồ với tổng diện tích các hồ lớn là: 1.446 ha. Hiện nay các ao hồ lớn có diện tích trên 1 ha đang được sử dụng làm hồ điều hoà. Các ao hồ nhỏ đang bị san lấp tự phát để xây dựng. 1.5. Nhận xét chung: Thuận lợi: Khu vực nghiên cứu quy hoạch thủ đô Hà Nội có địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hoà, nền đất ổn định thuận lợi cho công tác xây dựng và phát triển một đô thị hiện đại. Khó khăn: Nước lũ của các sông trong hệ thống sông Hồng đều lớn, lên xuống nhanh, xả ra bất thường làm cho việc chống lũ mất nhiều công của. Tốc độ nước lũ rất lớn gây xói lở bờ sông và luồng lạch trở ngại cho việc hộ đê vận tải thuỷ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan của Thủ đô. Trong mùa mưa lũ, mực nước các sông dâng cao gây khó khăn và tốn kém tiền của cho công tác thoát nước của thành phố. Mặt khác địa hình trong nội thành hiện tại thấp, độ dốc địa hình tự nhiên nhỏ (0.0003) nên nhiều khu vực bị úng ngập, làm ảnh hưởng lớn môi trường đô thị và sức khoẻ của nhân dân. 2. Đặc điểm về kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 10 năm phát triển (1991-2000). 2.1. Những thành tựu về kinh tế xã hội của thủ đô trong 10 năm (1991-2000). 2.1.1. Tăng trưởng GDP: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Hà Nội thời kỳ 1991-1995 đạt 12,52%, thời kỳ 1996-2000 là 10,38%. Hà Nội là một trong số các địa phương có tốc độ tăng truởng cao (tốc độ tăng GDP trung bình của Thủ đô giai đoạn 1990-1999 cao hơn cả nước từ 2-3%); GDP của Thành phố ước năm 2000 gấp 2,9 lần so với năm 1990 và 1,6 lần so với năm 1995. Năm 2000, GDP của Hà Nội chiếm 7,22% so với cả nước, khoảng 41% so với vùng Đồng bằng sông Hồng và 65,47% so với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. GDP bình quân đầu người tăng từ 470 USD (năm 1991) lên 915 USD (năm 1999), gần 990 USD vào năm 2000, bằng khoảng 2,29 lần vùng Đồng bằng sông Hồng và 2,07 lần cả nước. 2.1.2. Cơ cấu kinh tế và sự phát triển các ngành kinh tế: Kinh tế Thủ đô phát triển với cơ cấu công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp. Ngành công nghiệp mở rộng tăng từ 29,1% năm 1990 lên 34,88% năm 1996 và 38% năm 2000; ngành nông-lâm nghiệp và thuỷ sản từ 9% giảm xuống 5,12% năm 1996 và còn 3,8% năm 2000. Thành phố đã đẩy mạnh công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 0% năm 1990 lên 12,64% trong cơ cấu GDP thành phố năm 2000. Kinh tế nhà nước Trung ương chiếm tỷ trọng 59% trong khu vực kinh tế trong nước (năm 2000), có tốc độ tăng trưởng bình quân 9,57%/năm (giai đoạn 1996-2000), kinh tế nhà nước địa phương chiếm tỷ trọng 8,6%, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 19,76%, tăng trưởng bình quân 7,19%/năm. Công nghiệp: Tăng trưởng GDP công nghiệp từ 5%/năm thời kỳ 1986-1990 lên 13,7%/năm thời kỳ 1991-1995 và 15,16%/năm giai đoạn 1996-2000. Năm 2000, tỷ trọng theo giá trị sản xuất của 5 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố: cơ-kim khí, điện-điện tử, dệt-may-giày, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng (kể cả vật liệu trong ngành thông tin liên lạc) đạt 75,7% giá trị sản xuất công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú. Một số sản phẩm của Hà Nội có sức cạnh tranh và chiếm tỷ trọng cao so cả nước như: động cơ điện chiếm 83%, xe đạp chiếm 35%, máy chế biến gỗ chiếm 46,6%, đồ nhôm chiếm 74%, lắp ráp tivi chiếm 47,6%, quạt máy các loại chiếm 73,9%. Thành phố đã có 9 khu công nghiệp cũ, xây dựng mới 5 khu công nghiệp tập trung và 2 khu công nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan (Gia Lâm); dệt Triều Khúc (Thanh Trì); may (Cổ Nhuế); gỗ mỹ nghệ Vân Hà (Đông Anh); rèn (Xuân Phương- Từ Liêm)..., và nhiều làng nghề khác đang được phục hồi và phát triển. Dịch vụ: Các ngành dịch vụ Thủ đô đã có bước phát triển đáng kể. 10 năm qua, GDP dịch vụ tăng trưởng bình quân 10,14%/năm. GDP dịch vụ tài chính- ngân hàng tăng trưởng 22,51%, chiếm khoảng 3,9% trong tổng GDP của Thủ đô. Hoạt động du lịch ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Cơ sở vật chất được tăng cường, đủ điều kiện đón 1 triệu khách du lịch mỗi năm. Từ năm 1991 đến năm 2000, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội tăng 15 lần. Doanh thu ngoại tệ hoạt động du lịch tăng từ 3,5 triệu USD năm 1990 lên 100 triệu USD năm 1999. Các hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm cũng có nhiều tiến bộ với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế với nhiều hình thức phong phú. Dịch vụ vận tải, kho bãi, thông tin có tốc độ tăng trưởng GDP là 14,68%/năm. Năm 1990, tổng số máy điện thoại trên địa bàn mới có 0,82 máy/100 dân, đến nay đạt bình quân 18 máy/100 dân, 100% các xã ngoại thành đều có điện thoại. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên thị trường xã hội tăng bình quân 24,4%/năm. Nông nghiệp: Nông nghiệp và nông thôn ngoại thành có chuyển biến tích cực. Trong 5 năm (1996-2000), sản xuất nông- lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,89%/năm. Đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản và dịch vụ bình quân 1 ha canh tác tăng gần 4 lần so với năm 1989, đạt 40,4 triệu ha năm 1999. Từng bước ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học vào phát triển nông nghiệp. Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục; kinh tế trang trại bước đầu được hình thành và phát huy tác dụng. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng. Bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, mức thu nhập hiện nay tăng 2,4 lần so với năm 1990. Đến nay tỉ lệ hộ giàu ở nông thôn đạt 24%. Về thu hút các nguồn vốn: Đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài tăng mạnh trong những năm 1992-1996, chiếm tới 54% tổng đầu tư xã hội. Do khủng hoảng tài chính- tiền tệ khu vực vì vậy trong những năm 1997-2000 có xu hướng chững lại, năm 1999 giảm sút chỉ còn chiếm 23-24% trong tổng đầu tư xã hội của Thành phố. Tổng đầu tư xã hội của Thành phố bình quân hàng năm giai đoạn 19962000 đạt 12.830 tỉ đồng. Tỉ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn trong nước tăng mạnh và tăng ở tất cả các nguồn: Vốn nhà nước chiếm tỉ trọng 11,1% năm 1996 tăng lên 21,5% năm 2000; vốn tín dụng Nhà nước từ 1,8% lên 3,2%; vốn doanh nghiệp tự đầu tư từ 17,8% tăng lên 20,3%; vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước từ 15,4% lên 26%; vốn dân tự đầu tư từ 1,3% tăng lên 7,1%. Vốn đầu tư XDCB từ ngân sách được tập trung chủ yếu cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng ngày càng được quan tâm hơn (tăng từ 6,4% năm1996 lên 6,83% năm 1999); vốn đầu tư XDCB từ ngân sách cho sản xuất công nghiệp giảm từ 25,1% năm 1996 xuống còn 2,93% năm 1999 (chuyển sang vốn tự có và vốn tín dụng ưu đãi). Về hoạt động xuất nhập khẩu: Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 1991-1995 là 21,7%/năm, thời kỳ 1996-1999 là 16,17%/năm; đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn từ 755 triệu USD (năm 1995) lên 1.525 triệu USD (năm 2000). Kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 1996-2000 tăng lên 18%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu địa phương tăng từ 52 triệu USD (năm 1990) lên 1999 triệu USD (năm 1995) và 420 triệu USD (năm 2000). Năm 1991, tỉ trọng nhập khẩu trang thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong tổng số kim ngạch nhập khẩu là 42,6%, năm 2000 là 94,74%. 2.1.3. Xây dựng và quản lý đô thị Đầu những năm 1990, Nhà nước đã chỉnh lý lại địa giới hành chính Thủ đô từ 2.139 km2 xuống 918,46 km2, tháng 6/1998, Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội, tạo điều kiện cho Thành phố tập trung xây dựng, phát triển Thủ đô. Trong những năm qua, công tác và quản lý đô thị đã có chuyển biến tích cực. Công tác đầu tư, phát triển được đẩy mạnh. Tình hình giao thông vận tải có bước tiến bộ, xây dựng thêm 2 cầu mới là cầu Thăng Long và cầu Chương Dương, cải thiện cơ bản tình hình giao thông vào Thành phố. Sân bay Nội Bài được nâng cấp và mở rộng, hệ thống giao thông đường không, đường thuỷ chuyển biến tốt. Đã xây dựng một số khu đô thị mới và mở rộng được nhiều tuyến đường, trục đường lớn, nút giao thông quan trọng: Liễu Giai- Nguyễn Chí Thanh, Láng- Hoà Lạc, Láng Hạ, Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt, đường Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Quốc Việt... phù hợp với quy hoạch chung. Nhà ở đã có cải thiện, mức nhà ở bình quân hiện nay là 6 m 2/người so với 4,5 m2/người năm 1990. Các lĩnh vực thoát nước, cấp nước, chiếu sáng, công viên cây xanh, vệ sinh môi trường đã và đang được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải tăng từ 40% (năm 1990) lên 80%. Khối lượng cung cấp nước sạch tăng lên 2,5 lần. Đang triển khai dự án ODA về xây dựng hệ thống thoát nước; xây dựng xong trạm tiêu thoát Yên Sở giai đoạn 1 với công suất 45m 3/giây, cùng với việc cải tạo hệ thống sông thoát nước thải nội thành. Tăng diện tích cây xanh từ 1,8 m2/người (năm 1990) lên 3,5 m2/người hiện nay. Bộ mặt đường phố Hà Nội ngày càng khang trang, sạch đẹp, phát triển theo hướng đô thị hiện đại. 2.1.4. Về văn hoá- xã hội: Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về các mặt: phổ cập trung học cơ sở (vào năm 1999), và hoàn thành xoá bỏ việc học ca 3, tiêm chủng cho trên 99% trẻ em, loại trừ các bệnh phong, bại liệt, bạch liệt; giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 34% năm 1994 xuống còn 18,7% năm 2000; tất cả các trạm y tế xã, phường đều có bác sĩ. Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm 1989 là 1,51% giảm xuống còn 1,08% vào năm 1999. Đến nay không còn hộ đói, nhà dột nát, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,3%. Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống mới trong cưới hỏi, tang lễ... và thực hiện dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tích cực. 2.1.5. Hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng: An ninh chính trị Thủ đô tiếp tục được giữ vững, công tác quốc phòng địa phương từng bước đi vào nề nếp. Thành phố đã xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân. Trật tự an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được củng cố và phát triển. Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của Thành phố có những mặt tiến bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được tiêu chuẩn hoá. Các thủ tục hành chính tiếp tục được xem xét, cải tiến theo hướng một đầu mối. 2.2. Những tồn tại, hạn chế: Tuy Thành phố đã có nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế- xã hội nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế: Nhiều tiềm năng của Thành phố chưa được phát huy đầy đủ. Việc hợp tác giữa Hà Nội với các địa phương khác, đặc biệt là hợp tác kinh tế vùng đạt kết quả chưa cao. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh nhìn chung còn yếu. Một số cơ sở sản xuất chưa năng động, chậm thích ứng với cơ chế quản lý mới, làm ăn kém hiệu quả. Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong một số lĩnh vực chưa thể hiện rõ. Hoạt động của các hợp tác xã sau chuyển đổi còn lúng túng; quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn lỏng lẻo. Đầu tư nước ngoài từ năm 1998 đến nay bị giảm sút. Đầu tư cho phát triển vẫn ở tình trạng dàn trải, chưa tập trung đầu tư đúng mức cho những ngành và sản phẩm chủ lực. Mặc dù kinh tế trong những năm qua tăng trưởng khá, song nhìn chung tăng trưởng còn thiếu ổn định. Sản xuất vẫn còn phân tán, công nghệ lạc hậu, vẫn chưa tạo được nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ và mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường nên khả năng cạnh tranh thấp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tuy đã được đầu tư nhưng còn thấp so với yêu cầu phát triển KT-XH trong khi tốc độ đô thị hoá nhanh nên ngày càng quá tải. Mạng lưới giao thông chưa đồng bộ; tình trạng thiếu nước sạch, úng ngập, thiếu nhà ở... đang là những vấn đề đang được nhiều người quan tâm, lo lắng. Các khu vui chơi giải trí còn ít. Các cơ sở hạ tầng xã hội như: hệ thống trường học, bệnh viện, các trung tâm văn hoá, thể thao...mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song đang trong tình trạng quá tải, thiếu thốn về cơ sở vật chất, cần được tập trung đầu tư trong nhiều năm tới. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được khắc phục: tăng dân số cơ học ở tỉnh ngoài về Hà Nội chưa có xu hướng giảm, một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. 2.3. Đánh giá chung: Sau 10 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện. Kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng liên tục, đạt mức cao hơn so với cả nước. Vai trò của Hà Nội trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong nền kinh tế quốc dân ngày một nâng cao. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tăng cường; Thủ đô từng bước được cải tạo và xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Vấn đề môi trường đã và đang được quan tâm. Công tác văn hoá xã hội đạt được những thành tựu tốt, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Nông thôn ngoại thành đã có bước khởi sắc. Hệ thống chính trị được củng cố; an toàn quốc phòng được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân đã có bước cải thiện rõ rệt, mức sống tăng lên hơn 2 lần so với năm 1990. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế ngày càng được nâng cao. Năm 1999, Hà Nội là thành phố duy nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý của UNESCO "Thành phố vì Hoà bình". CHƯƠNG II TÁC ĐỘNG CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỚI HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC HÀ NỘI I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI. Theo dự đoán của Peter Mc.Namee- chuyên gia quốc tế về môi trường của dự án VIE/89/034, dự đoán rằng: mức nước thải hiện nay của các đô thị trong vùng khoảng 300 triệu m3/năm (10 m3/s), trong đó 70% là nước thải sinh hoạt. Ước tính năm 2000, nước thải vào khoảng 560 triệu m 3/năm (18 m3/s), trong đó 52% là nước thải sinh hoạt, 40% là nước thải công nghiệp và năm 2010 sẽ là 780 triệu m3/năm (25 m3/s), trong đó 53% là nước thải sinh hoạt và 37% là nước thải công nghiệp. Theo các chuyên gia dự tính thì nước thải sinh hoạt có khoảng 319.000 m3/ngđ vào năm 2005 và 570.800 m3/ngđ vào năm 2020, nước thải công nghiệp khoảng 80.000 m3/ngđ. Như vậy có thể nói trong những năm tới lượng nước thải sinh hoạt vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể, lượng nước thải tỷ lệ với tăng trưởng GDP. Ngoài những năm 2020, lượng nước thải mới tăng đáng kể. 1. Thực trạng hệ thống thoát nước trên địa bàn nội thành Hà Nội. Trong những năm qua, hệ thống thoát nước Hà Nội đã được cải thiện đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc triển khai dự án thoát nước Hà Nội đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của hệ thống thoát nước nội thành Hà Nội. Cụ thể là đã đặt thêm một số tuyến cống giải quyết úng ngập cục bộ cho
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan

Tài liệu vừa đăng