Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Giáo dục - Đào tạo Tiểu học Skkn-Vận dụng các phương pháp để dạy và học tốt môn Địa lý lớp 4...

Tài liệu Skkn-Vận dụng các phương pháp để dạy và học tốt môn Địa lý lớp 4

.PDF
14
4012
113

Mô tả:

I/ LÍ DO ĐỀ TÀI: Để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học là một vấn đề quan trọng nhằm giúp học sinh có ý thức tự học, tự rèn luyện, chủ động, tìm tòi phát hiện và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kiến thức, kĩ năng đã thu nhận được. Như chúng ta đã biết, tiểu học là bậc học nền tảng, là cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển toàn diện về nhân cách của các em. Chính vì vậy, Luật giáo dục đã chỉ rõ: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh”. Qua thực tế giảng dạy , nhà trường đã có những thuận lợi về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, tài liệu tham khảo...Sách giáo khoa nói chung, sách Lịch sử và Địa lí lớp 4 nói riêng được biên soạn theo tinh thần đổi mới, có tác dụng rất lớn trong việc hình thành khái niệm và rèn luyện kĩ năng cho học sinh. Sách giáo viên được biên soạn khá kĩ, dẫn dắt tiến trình bài học giúp giáo viên thuận lợi trong việc lập kế hoạch bài học. Bên cạnh đó , vẫn còn tồn tại một số khó khăn: một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em mình, một số em còn thụ động trong giờ học ,ít tham gia phát biểu ý kiến, dẫn đến sự lĩnh hội kiến thức của học sinh không đồng đều. Cụ thể trong HKI năm học 2010 – 2011, lớp 4/5 của tôi số lượng học sinh đạt điểm khá, giỏi môn Lịch sử và Địa lí là 62,9%, trung bình là 31,4% , còn lại là yếu chiếm 5,7%.( lớp có sĩ số là 35 học sinh). Chính vì vậy, trong việc đổi mới phương pháp dạy học, việc phát huy tính tích cực, tạo sự hứng thú cho học sinh trong giờ học có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, giáo dục phải được tiến hành trên cơ sở tự nhận thức, tự hành động. Giáo viên biết cách tổ chức, biết vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp sẽ có được những giờ học bổ ích, học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tích cực, thoải mái, đặc biệt hình thành ở các em nhiều kĩ năng sống ngay từ ở ghế nhà trường tiểu học. Nhận thức được vấn đề này, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài: “Vận dụng các phương pháp để dạy và học tốt môn Địa lý lớp 4”. II/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI : 1/ Cơ sở lí luận: Như chúng ta đã biết, phương pháp dạy học là cách thức, là con đường để thực hiện mục đích nhất định, nghĩa là cách thức làm việc của giáo viên và học sinh do giáo viên tổ chức, chỉ đạo nhằm giúp học sinh đạt được các mục tiêu dạy học đã được xác định. Người giáo viên biết kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lí và khoa học các phương pháp, sẽ làm cho học sinh thích thú và hào hứng, tham gia học tập một cách tích cực. Như Hêghen đã nói : “Phương pháp là sự vận động bên trong của nội dung”. Vì thế, phương pháp dạy học là hệ thống những cách thức hoạt động bao gồm các hành động và thao tác của giáo viên và học sinh nhằm thực hiện tốt mục đích và nhiệm vụ dạy học. Như vậy, đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới cách tiến hành các phương pháp, đổi mới các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp …trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Cũng như các môn học khác trong trường tiểu học, môn Lịch Sử và Địa Lí nói chung và Địa Lí lớp 4 nói riêng giúp học sinh hiểu được các sự vật, hiện tượng tự nhiên trong cuộc sống, có liên quan và ảnh hưởng đến con người, học môn Địa Lí không thể chỉ biết mà phải hiểu, giúp học sinh bước đầu giải thích được các hiện tượng địa lí xảy ra xung quanh. Từ đó, hình thành ở các em vốn sống, vốn hiểu biết …để mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh. 2/ Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài: a. Một số phương pháp thường dùng trong giảng dạy Địa Lí lớp 4. Ở tiểu học, do đặc điểm tâm lí lứa tuổi học sinh nên yêu cầu về mặt tri thức của dạy học Địa Lí chủ yếu chỉ dừng lại ở việc cung cấp các biểu tượng Địa Lí, bước đầu hình thành một số khái niệm, xây dựng mối quan hệ Địa Lí đơn giản và hình thành cho học sinh kĩ năng sử dụng bản đồ, kĩ năng phân tích bảng số liệu và biểu đồ…Vì vậy, phương pháp dạy học Địa Lí đặc trưng ở tiểu học thường được sử dụng trong dạy học như sau:  Phương pháp hình thành biểu tượng Địa Lí.  Phương pháp sử dụng bản đồ.  Phương pháp sử dụng bảng số liệu. b. Vận dụng các phương pháp trong dạy và học Địa Lí. b1 . Phương pháp hình thành biểu tượng Địa Lí. Các biểu tượng Địa Lí là những hình ảnh về các sự vật hiện tượng Địa Lí tri giác phản ánh vào trong ý thức của học sinh, được giữ lại trong trí nhớ và có khả năng tái tạo theo ý muốn . Biểu tượng là hình ảnh cụ thể và bao giờ cũng có tính riêng lẻ. Đối với học sinh tiểu học , biểu tượng Địa Lí được phân làm 2 loại:  Biểu tượng kí ức (còn gọi là biểu tượng tái tạo) là sự phản ánh đối tượng đã tri giác trong quá khứ.  Biểu tượng tưởng tượng (còn gọi là biểu tượng sáng tạo) là sự phản ánh những đối tượng tuy không tri giác trực tiếp, nhưng được tư duy tạo ra trên cơ sở những đối tượng có liên quan đã tri giác được. Các biểu tượng Địa Lí được học ở tiểu học là các biểu tượng cụ thể mà các em có thể quan sát được trực tiếp ngoài thực địa hay qua tranh ảnh như: núi, đồi, rừng rậm nhiệt đới, đồng bằng, ruộng bậc thang, rừng ngập mặn, thành phố, nông thôn, hồ, thác,… Để sử dụng thành công phương pháp này, giáo viên phải tổ chức cho học sinh được quan sát trực tiếp đối tượng tại thực địa hoặc qua tranh ảnh, băng hình. Học sinh được quan sát một cách có mục đích, có kế hoạch để có được biểu tượng đúng về đối tượng Địa Lí thông qua các bước sau đây:  Đối với việc hình thành biểu tượng kí ức:  Bước 1: Lựa chọn đối tượng quan sát.  Bước 2: Xác định mục đích quan sát.  Bước 3: Tổ chức hướng dẫn cho học sinh quan sát đối tượng thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập được sử dụng dựa trên mục đích quan sát và trình độ hiểu biết của học sinh.  Bước 4: Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả quan sát về đối tượng. Sau đó giáo viên cùng học sinh trao đổi, thảo luận, xác nhận và hoàn thiện kết quả, nhằm giúp cho các em có biểu tượng đúng về đối tượng. Ví dụ minh họa: Ví dụ 1: Bài 8. Hoạt động sản xuất của người dân ở Tây Nguyên (tiếp theo). Ở hoạt động 2: Tìm hiểu về đặc điểm của rừng khộp. Bước 1: Lựa chọn đối tượng quan sát. - Hình 6, 7/trang 91: Ảnh rừng khộp và rừng rậm nhiệt đới. Bước 2: Xác định mục đích quan sát. - Học sinh quan sát để tìm ra đặc điểm của rừng khộp. Từ đó học sinh biết so sánh rừng khộp với rừng nhiệt đới. Bước 3: Tổ chức hoạt động cho học sinh quan sát đối tượng qua hệ thống các câu hỏi: giáo viên cho học sinh mở sách giáo khoa ,học sinh thảo luận theo cặp (dự kiến thời gian : 3 phút ) sau đó trả lời các câu hỏi sau đây:  Câu 1: Ảnh chụp cảnh gì ?  Câu 2: Trong rừng khộp em thấy có nhiều loại cây hay một loại cây?  Câu 3: Các cây trong rừng khộp có kích thước gần như nhau hay khác nhau?  Câu 4: Các cây ở rừng khộp trông xanh tốt hay xơ xác?  Câu 5: Cảnh rừng khộp giống hoặc khác với cảnh rừng nhiệt đới ở những điểm nào? Bước 4: Tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả quan sát về đối tượng. - Đại diện các nhóm trình bày trước lớp. - Các nhóm khác nhận xét, bổ sung ý kiến, giáo viên nhận xét. Cuối cùng, giáo viên chốt ý: Tây Nguyên có nhiều loại rừng. Nơi có lượng mưa nhiều thì rừng rậm nhiệt đới phát triển. Nơi có mùa khô kéo dài xuất hiện rừng rụng lá vào mùa khô đó chính là rừng khộp. Rừng khộp là rừng thưa, thường chỉ có một loại cây và rụng lá vào mùa khô. Ví dụ 2: Bài 3. Hoạt động sản xuất của người dân ở Hoàng Liên Sơn. Bước 1: Lựa chọn đối tượng quan sát. - Yêu cầu học sinh quan sát ảnh (hình 1/trang 77/sgk). Bước 2: Xác định mục đích quan sát. - Tìm hiểu đặc điểm của ruộng bậc thang. Bước 3: Tổ chức hoạt động học sinh quan sát đối tượng thông qua hệ thống câu hỏi, giáo viên chia nhóm 4.(Dự kiến thời gian: 3 phút) - Giáo viên nêu: Để biết được đặc điểm của ruộng bậc thang như thế nào, cô mời các em cùng quan sát hình 1/sgk/77 , thảo luận và trả lời các câu hỏi sau:  Câu 1: Xác định tên ảnh hình 1 trang 77 là gì?  Câu 2: Ruộng bậc thang thường làm ở đâu?  Câu 3: Trên ruộng bậc thang người dân ở Hoàng Liên Sơn thường những trồng cây gì?  Câu 4: Tại sao phải làm ruộng bậc thang? Bước 4: Tổ chức cho học sinh trình bày kết quả. - Đại diện các nhóm trình bày ( có thể gọi bất kì mỗi nhóm trả lời 1 câu, các nhóm khác đóng góp ý kiến, bổ sung để hoàn chỉnh câu trả lời. - Học sinh nhận xét, giáo viên nhận xét. Giáo viên chốt ý: để trồng lúa nước trên đất dốc, người dân xẻ sườn núi thành những bậc phẳng gọi là ruộng bậc thang. Trên ruộng người ta thường trồng lúa, ngô, chè, rau,…Trồng trọt là nghề chính của người dân Hoàng Liên Sơn ,vừa phát triển về kinh tế gia đình vừa giúp cho việc giữ nước, chống xói mòn nên độ màu mỡ của đất rừng không bị rửa trôi. Giáo viên có thể mở rộng: ở nước ta ruộng bậc thang xuất hiện hơn 100 năm qua, tập trung ở một số vùng núi cao như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu đặc biệt có nhiều ở Sa Pa. Ví dụ 3: Bài 20. Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Nam Bộ (tiếp theo) Hoạt động 2: Tìm hiểu về chợ nổi trên sông là một nét độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Bước 1: Lựa chọn đối tượng quan sát. - Yêu cầu học sinh quan sát hình 9/126 và vốn hiểu biết của bản thân. Bước 2: Xác định mục đích quan sát. - Học sinh quan sát ảnh Chợ nổi trên sông Cần Thơ (hình 9/126) để mô tả chợ nổi trên sông. Bước 3: Tổ chức hướng dẫn học sinh quan sát: - Giáo viên chia nhóm (nhóm 6). - Yêu cầu học sinh quan sát ảnh hình 9/126 và ảnh chợ nổi (học sinh sưu tầm) cùng thảo luận và trả lời các câu hỏi sau: (dự kiến thời gian : 4 phút )  Câu 1: Chợ họp ở đâu?  Câu 2: Người dân đến chợ bằng những phương tiện gì?  Câu 3: Hàng hóa bán ở chợ gồm những gì? Loại hàng nào có nhiều hơn?  Câu 4: Kể tên các chợ nổi mà em biết? Bước 4: Học sinh trình bày.( Hoạt động cả lớp) - Đại diện nhóm trình bày từng câu hỏi, các nhóm khác nhận xét, bổ sung, giáo viên nhận xét. Giáo viên chốt ý: Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện ở vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ,như chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, chợ nổi Phụng Hiệp ở Hậu Giang, chợ nổi Châu Đốc ở An Giang …có thể cho học sinh xem ảnh của một số chợ nổi). Chợ thường họp ở những đoạn sông được coi là tuyến giao thông chính. Mọi thứ hàng hóa đều mua bán ngay trên xuồng, ghe từ sáng sớm .Chợ nổi trên sông là nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước Nam Bộ.  Đối với việc hình thành biểu tượng tưởng tượng:  Bước 1: Giáo viên tìm hiểu xem học sinh có những biểu tượng nào có liên quan với biểu tượng sắp học.  Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh so sánh, phân tích, tổng hợp đối tượng tưởng tượng.  Bước 3: Tổ chức hướng dẫn học sinh làm việc thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập được sử dụng theo từng trường hợp cụ thể.  Bước 4: Tổ chức cho học sinh báo cáo, hoàn thiện kết quả làm việc thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập. Sau đó, giáo viên cùng học sinh liên hệ so sánh những điểm giống nhau và khác nhau giữa đối tượng tưởng tượng và đối tượng quan sát. Mô tả biểu tượng một cách sinh động nhằm giúp học sinh tưởng tượng ra biểu tượng về một đối tượng toàn vẹn theo bước phân tích và tổng hợp. Ví dụ minh họa: Ví dụ 1: Bài 4. Trung du Bắc Bộ Hoạt động 2: Tìm hiểu về chè và cây ăn quả ở Tây Nguyên. - Học sinh quan sát và nêu Quy trình chế biến chè. Bước 1: Tìm các biểu tượng có liên quan đến các biểu tượng sắp học. - Biểu tượng sắp học là Quy trình chế biến chè - Biểu tượng có liên quan là Đồi chè: cảnh hái chè ở Thái Nguyên. - Giáo viên chuẩn bị vật thật: chè, chè đã được đóng gói. Bước 2, 3: giáo viên hướng dẫn học sinh so sánh phân tích tổng hợp đối tượng tưởng tượng bằng hệ thống các câu hỏi. - Giáo viên không cho học sinh mở sgk . - Gv chuyển ý: Chè là một trong những loại cây công nghiệp ở nước ta và được trồng nhiều nhất ở vùng trung du Bắc Bộ. Chè là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình.Vậy, chế biến chè như thế nào để đảm bảo an toàn, chất lượng và tính thẩm mĩ cho người tiêu dùng. Cô mời cả lớp cùng tham gia trả lời những câu hỏi của cô. - Hoạt động cả lớp (phương pháp hỏi đáp , dự kiến thời gian: 5 phút ) (Giáo viên nêu lần lượt từng câu hỏi, cả lớp theo dõi, suy nghĩ và trả lời cá nhân.)  Câu 1: Hãy mô tả động tác của người dân trong hình 1? (học sinh trình bày )  Câu 2: Theo em, khi hái chè xong người ta làm gì? (phân loại chè,…)  Giáo viên minh họa động tác phân loại chè (vật thật).  Câu 3: Phân loại xong người ta làm gì (Giáo viên thao tác vò chè, học sinh quan sát và trả lời : vò chè )  Câu 4: Vò chè xong, chè còn ẩm làm sao để giữ được lâu? (phơi hoặc sấy khô) - Giáo viên nêu: vò chè xong, chè còn ẩm, cô phải đem phơi đó là cách làm thủ công. Còn ở nhà máy, với số lượng chè rất nhiều người ta dùng máy sấy chè để giữ chè không bị ẩm mốc và để bảo quản chè được lâu, người ta đóng gói chè vào bọc, hộp, túi,… và đem ra thị trường để bán. - Giáo viên cho học sinh xem vật thật (các sản phẩm chè). - Như vậy đã hoàn tất quy trình chế biến chè. Bước 4: học sinh b/c hoàn thiện kết quả làm việc. - Giáo viên yêu cầu một, hai học sinh trình bày các bước chế biến chè, học sinh nhận xét, giáo viên tuyên dương học sinh nêu đúng quy trình chế biến chè. Giáo viên kết luận: Tùy theo điều kiện của từng địa phương, ở mỗi gia đình chế biến chè bằng phương pháp thủ công, đối với các vùng trồng nhiều chè ,thì quy trình chế biến chè được máy xử lí ở trong nhà máy dưới sự điều khiển, kiểm tra của người công nhân. Quy trình chế biến chè phải qua các bước: hái chè, phân loại chè, vò, sấy khô và đóng gói thành các sản phẩm chè. Ví dụ 2: Bài 2. Một số dân tộc ở Hoàng Liên Sơn. Hoạt động 2: Tìm hiểu về bản làng với nhà sàn. - Giáo viên không cho học sinh ảnh xem (Hình 1: Bản người Mông, Hình 2: Nhà sàn ở Hoàng Liên Sơn - sgk/73) - Mà yêu cầu học sinh phải tưởng tượng nhà sàn là nhà như thế nào dựa vào vốn hiểu biết của bản thân và dựa trên biểu tượng địa lí kí ức (nhà em ở). - Giáo viên chuyển ý: dân tộc Dao, Mông, Thái là ba dân tộc sống chủ yếu ở Hoàng Liên Sơn. Vậy thôn bản của họ như thế nào và điều kiện sống ra sao, cô mời các em cùng tìm hiểu một vấn đề sau đây: Giáo viên chia lớp thành nhóm 6, các nhóm cùng thảo luận và trả lời các câu hỏi sau đây ( thời gian :4 phút.) Cụ thể: Bước 1: Tìm những biểu tượng có liên quan đến những biểu tượng sắp học ( nhà em ở). Bước 2,3: Hướng dẫn học sinh so sánh phân tính, tổng hợp đối tượng tưởng tượng. Giáo viên đưa các câu hỏi trên bảng phụ yêu cầu một em đọc nội dung câu hỏi :  Câu 1: Nhà em đang ở được làm bằng gì? Bếp có chung với phòng ngủ hay không?  Câu 2: Sàn nhà và mặt đất có cách nhau không?  Câu 3: Theo em, có loại nhà nào mà giữa sàn nhà và mặt đất có khoảng cách nhau?  Câu 4: Có loại nhà làm bằng gỗ, tre, nứa,… không? Đó gọi là nhà gì?  Câu 5: Tại sao có loại nhà này ở miền núi? Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày, học sinh nhận xét, bổ sung. Giáo viên tuyên dương những nhóm có ý kiến đúng, phong phú về nội dung (học sinh nêu được những điểm khác nhau giữa nhà em ở đồng bằng khác với nhà sàn ở miền núi và học sinh xác định nhà sàn là nhà như thế nào ? Tại sao người dân tộc miền núi phải làm nhà sàn để ở?) - Giáo viên kết luận: cho học sinh xem tranh sgk/73 (photos phóng to hoặc hình ảnh trên giáo án điện tử). Giáo viên chốt ý: Dân tộc ở Hoàng Liên Sơn thường sống tập trung thành bản, các bản nằm cách xa nhau. Họ sống ở nhà sàn, họ làm nhà sàn để chống ẩm thấp và thú dữ. Nhà sàn được làm bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ,tre, nứa…Bếp được đặt ở giữa nhà không chỉ là nơi đun nấu mà còn để sưởi ấm khi mùa đông giá rét và hiện nay , một số nhà sàn đã được lợp bằng ngói trên mái nhà. b2. Phương pháp sử dụng bản đồ: Bản đồ địa lí là hình vẽ thu nhỏ bề mặt Trái Đất hoặc một bộ phận của bề mặt Trái Đất trên mặt phẳng dựa vào các phương pháp toán học, phương pháp biểu hiện bằng kí hiệu để thể hiện các thông tin địa lí. Đối với lớp 4, các em đã được làm quen với bản đồ và biết một số yếu tố trên bản đồ ( tên bản đồ, phương hướng, tỷ lệ bản đồ, ký hiệu bản đồ,…). Để sử dụng phương pháp này, giáo viên hướng dẫn học sinh theo các bước sau:  Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bản đồ.  Bước 2: Xem bảng chú giải để có biểu tượng địa lí cần tìm trên bản đồ.  Bước 3: Tìm vị trí địa lí của đối tượng trên bản đồ dựa vào kí hiệu.  Bước 4: Quan sát đối tượng trên bản đồ, nhận xét và nêu đặc điểm đơn giản của đối tượng.  Bước 5: Xác lập mối liên hệ địa lí đơn giản giữa các yếu tố và các thành phần như địa hình và khí hậu ; địa hình, khí hậu, sông ngòi ; thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người … trên cơ sở học sinh biết kết hợp những kiến thức bản đồ và kiến thức địa lí để so sánh và phân tích.… Ví dụ minh họa: Ví dụ 1: Bài 8. Hoạt động sản xuất của người dân ở Tây Nguyên Hoạt động 1: Tìm hiểu về việc khai thác sức nước. Bước 1: Xác định mục đích làm việc với lược đồ. - Học sinh biết được một số con sông lớn ở Tây Nguyên và đặc điểm của chúng đồng thời biết một số nhà máy thủy điện trên các con sông đó cũng như tác dụng của một số hồ thủy điện. Bước 2: Xem bảng chú giải để có biểu tượng địa lí cần tìm trên lược đồ. - Giáo viên treo lược đồ, yêu cầu một học sinh đọc bảng chú giải (sgk/90) - Giáo viên mô tả lại bảng chú giải (kí hiệu về sông, hồ, nhà máy thủy điện, biên giới quốc gia, phân tầng địa hình). Bước 3, 4 : Tìm vị trí địa lí của đối tượng trên lược đồ dựa vào kí hiệu. - Giáo viên chia nhóm: ( nhóm 4 )thảo luận và trả lời các câu hỏi sau : (dự kiến thời gian :4 phút.)  Câu 1: Quan sát lược đồ hình 4 hãy kể tên một số con sông ở Tây Nguyên?  Câu 2: Dựa vào phân tầng địa hình hãy cho biết những con sông này bắt nguồn từ đâu và chảy ra đâu?  Câu 3: Tại sao con sông ở đây lắm thác ghềnh?  Câu 4: Người dân Tây Nguyên khai thác sức nước để làm gì?  Câu 5: Hãy chỉ vị trí nhà máy thủy điện trên lược đồ và cho biết nhà máy thủy điện đó nằm trên con sông nào? Bước 4: Quan sát trên lược đồ, nêu đặc điểm, so sánh phân tích đối tượng địa lý đơn giản đã tìm hiểu trên lược đồ. - Đại diện các nhóm trình bày ( giáo viên có thể gọi bất kỳ các nhóm trả lời từng câu. Các nhóm khác nhận xét ,bổ sung). Giáo viên chốt ý: Tây nguyên là nơi bắt nguồn của nhiều con sông, các sông chảy qua nhiều vùng có độ cao khác nhau nên lắm thác ghềnh. Có 3 con sông chính là sông Xê Xan, sông Ba và sông Đồng Nai. Người ta đã đắp đập, ngăn sông tạo thành hồ lớn và dùng sức nước chảy từ trên cao xuống để chạy tua bin nước sản xuất ra điện, các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên là Y-a-li và Đrây –Hlinh. Các hồ này do nhà nước xây dựng có tác dụng giữ nước và hạn chế những cơn lũ bất thường. Ví dụ 2: Bài 9 . Thành phố Đà Lạt Hoạt động 1: Tìm hiểu về thành phố nổi tiếng về rừng thông và thác nước. Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bản đồ. - Học sinh xác định vị trí ,độ cao và khí hậu của Đà lạt Bước 2: Xem bảng chú giải để có biểu tượng địa lí cần tìm trên lược đồ. - Học sinh quan sát lược đồ hình 1 ,bài 5/ sgk ,trang 82 và xem bảng chú giải . - Giáo viên yêu cầu 1,2 học sinh đọc bảng chú giải. Bước 3: Tìm vị trí địa lí của đối tượng trên lược đồ dựa vào kí hiệu - Giáo viên chia nhóm (nhóm 5). - Yêu cầu học sinh quan sát trên lược đồ cùng với vốn hiểu biết của bản thân, em hãy trả lời các câu hỏi sau:  Câu 1: Xác định vị trí của Đà Lạt trên lược đồ?  Câu 2 : Đà Lạt nằm trên cao nguyên nào?  Câu 3: Đà Lạt ở độ cao khoảng bao nhiêu mét?  Câu 4 : Với độ cao đó , Đà Lạt có khí hậu như thế nào?  Câu 5: Tại sao Đà Lạt được chọn làm nơi du lịch nghỉ mát? - Các nhóm thảo luận, dự kiến thời gian 4 phút. - Giáo viên theo dõi giúp đỡ nhóm có học sinh yếu. Bước 5: Đại diện các nhóm trình bày. - Nhìn vào lược đồ trên bảng ,các nhóm lần lượt trình bày (có thể yêu cầu 2 nhóm bất kì trình bày ,các nhóm khác nhận xét bổ sung, giáo viên nhận xét). Giáo viên chốt ý: Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao 1475m so với mặt nước biển nên dù là một xứ nhiệt đới, Đà Lạt vẫn có khí hậu mát mẻ , dễ chịu với nhiệt độ trung bình từ 15→24 ◦C. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương ngàn sắc, đặc biệt Đà Lạt có nhiều thác nước đẹp nổi tiếng và rừng thông phủ kín sườn đồi nên Đà Lạt được mệnh danh là “Thành phố ngàn hoa” và là địa danh du lịch hấp dẫn của nước ta. b3. Phương pháp sử dụng bảng số liệu: Bảng số liệu là các số liệu được tập hợp thành bảng gọi là bảng số liệu. Ở lớp 4 các em bước đầu làm quen với bảng số liệu đơn giản. Để giúp học sinh khai thác kiến thức từ bảng số liệu, người giáo viên cần xác định kiến thức trong bài cần nắm qua bảng số liệu và đưa ra một số câu hỏi dựa vào bảng số liệu và trình độ của học sinh để các em tìm ra kiến thức. Qua đó, giúp học sinh phát triển kĩ năng so sánh, đối chiếu, phân tích… các số liệu. Để thực hiện phương pháp này, giáo viên hướng dẫn học sinh làm việc qua các bước sau:  Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bảng số liệu.  Bước 2: Đọc nhan đề của bảng số liệu.  Bước 3: Xem tên các cột, nắm được ý nghĩa đơn vị và thời điểm đi kèm với các số liệu ở từng cột.  Bước 4: Đối chiếu các số liệu theo hàng dọc, hàng ngang của bảng số liệu để rút ra nhận xét. Ví dụ minh họa: Ví dụ 1: Bài 21. Thành phố Hồ Chí Minh Hoạt động 1: Tìm hiểu về Thành phố Hồ Chí Minh_thành phố lớn nhất cả nước . Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bảng số liệu. - Học sinh quan sát bảng số liệu trong sách giáo khoa nhận xét về diện tích và dân số của thành phố Hồ Chí Minh . Bước 2: Đọc nhan đề của bảng số liệu . - Giáo viên yêu cầu 2 học sinh đọc tên bảng số liệu (đọc hàng ngang, đọc hàng dọc của bảng số liệu) . Bước 3: Xem tên các cột, nắm được ý nghĩa đơn vị và thời điểm đi kèm với các số liệu ở từng cột. - Học sinh làm việc theo nhóm đôi, trả lời câu hỏi (dự kiến thời gian : 3 phút). Yêu cầu học sinh : Quan sát bảng số liệu về diện tích và số dân của một số thành phố, em hãy trả lời các câu hỏi sau:  Câu 1: Nêu diện tích và dân số của thành phố Hồ Chí Minh?  Câu 2: Hãy so sánh diện tích và dân số của thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố khác?  Câu 3: Diện tích và dân số ở thành phố Hồ Chí Minh gấp khoảng mấy lần thành phố Hà Nội? Bước 3: Đối chiếu các số liệu theo hàng dọc, hàng ngang của bảng số liệu để rút ra nhận xét. - Hoạt động cả lớp, học sinh trả lời từng câu hỏi, cả lớp theo dõi nhận xét, bổ sung. Bước 4: Giáo viên chốt ý, Giáo viên có thể hỏi học sinh: - Qua bảng số liệu trên em có nhận xét gì về thành phố Hồ Chí Minh? - Học sinh nêu ý kiến, giáo viên kết luận: thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất cả nước và lớn hơn thủ đô Hà Nội. Ví dụ 2: Bài 13: Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Hoạt động 2: Tìm hiểu về vùng trồng nhiều rau xứ lạnh. Bước 1: Nắm được mục đích làm việc với bảng số liệu. - Xác định đồng bằng Bắc Bộ có mùa đông lạnh kéo dài từ 3→4 tháng. Trong thời gian này, nhiệt độ thường giảm nhanh mỗi khi có các đợt gió mùa Đông Bắc thổi về. Bước 2: Đọc nhan đề của bảng số liệu. - Giáo viên yêu cầu học sinh đọc tên của bảng số liệu: “Bảng số liệu về nhiệt độ trung bình tháng ở Hà Nội”. - Yêu cầu học sinh đọc theo cột dọc và theo hàng ngang. - Giáo viên chia nhóm (nhóm 4, dự kiến thời gian : 3 phút ). - Yêu cầu học sinh quan sát bảng số liệu ở sgk/105, thảo luận và trả lời các câu hỏi sau đây:  Câu 1: Hà Nội có tháng nào nhiệt độ dưới 200c?  Câu 2: Với nhiệt độ như vậy con người cảm thấy lạnh hay nóng?  Câu 3: Các tháng này thuộc vào mùa nào?  Câu 4: Vào mùa đông khí hậu Hà Nội như thế nào? Thích hợp cho việc trồng những loại cây rau nào? Bước 3: Giáo viên cho học sinh trình bày kết quả thảo luận. - Đối chiếu các số liệu theo hàng dọc, hàng ngang của bảng số liệu để rút ra nhận xét. - Đại diện các nhóm trình bày trước lớp, các nhóm khác nhận xét bổ sung . Giáo viên chốt ý: Đồng bằng Bắc Bộ có mùa đông lạnh kéo dài từ 3 →4 tháng, đó là tháng 1,2,3 và tháng 12. Vào các tháng mùa đông, nhiệt độ hạ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng các cây: ngô, khoai tây, su hào , bắp cải, cà rốt , cà chua…..như ở Đà Lạt . Nhờ đó nguồn thực phẩm của người dân thêm phong phú và mang lại giá trị kinh tế cao. III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI : - Với việc vận dụng và kết hợp các phương pháp đã giúp học sinh:  Bước đầu nắm được biểu tượng địa lí, kỹ năng sử dụng bản đồ, lược đồ.  Biết nhận thức, phân tích các kiến thức địa lí đã học.  Lớp học sôi nổi, đa số học sinh thích thú bộ môn, học sinh đã mạnh dạn tham gia hoạt động học tập, kết quả học tập của học sinh có tiến bộ.  Tổ chức tốt các hoạt động học tập, sửa chữa uốn nắn học sinh kịp thời . - Số liệu thống kê kết quả đạt được ở cuối năm so với đầu năm học: Thời điểm: Cuối học kỳ II - Năm học: 2010 - 2011 ĐIỂM LỚP TSHS 5-6 7-8 9 - 10 4/5 35 13 12 10 TỶ LỆ 100% 37,1% 34,3% 28,6% * Nhận xét: Sau mỗi bài học này, tỉ lệ học sinh hiểu bài được tăng lên, học sinh nắm vững kiến thức, hứng thú tham gia vào hoạt động học tập. Đây là thành công nho nhỏ của bản thân tôi khi vận dụng các phương pháp dạy học môn Địa Lí. Cuối năm học, học sinh đạt điểm trên trung bình về môn học là 100%. Với ý tuởng và sự cố gắng của bản thân, rất mong được quý đồng nghiệp và bộ phận chuyên môn đóng góp ý kiến. IV/ ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG: Đối với môn Địa Lí, giáo viên phải nắm vững nội dung, kiến thức của chương trình, tìm hiểu về đặc trưng của môn học, áp dụng những phương pháp dạy phù hợp với từng bài học. Không có phương pháp nào là tối ưu. Muốn đạt hiệu quả tốt cần có sự kết hợp sáng tạo các phương pháp, tăng cường các hoạt động thực hành dưới sự chỉ đạo của giáo viên và sự chủ động học tập của học sinh. Đồng thời qua những bài học, giáo viên cần chú ý việc lồng ghép giáo dục môi trường, giáo dục kĩ năng sống , liên hệ thực tế sau mỗi bài học để kịp thời giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường sống…..đồng thời rèn luyện các em tính tự học, tự giác, tự rèn luyện , biết vận động mọi người phải yêu thiên nhiên và tích cực bảo vệ môi trường. Đối với nhà trường: BGH nhà trường hỗ trợ thêm về phương tiện, đồ dùng, tranh ảnh, máy chiếu…để phục vụ cho việc giảng dạy. Kết hợp cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh, các đoàn thể, hỗ trợ giáo viên trong công tác chủ nhiệm, giáo dục đạo đức học sinh….. góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Đối với giáo viên: Qua việc thực hiện đề tài vào giảng dạy trên lớp, đã được tổ chuyên môn đánh giá đạt hiệu quả tốt, Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên trong nhà trường cần học tập , vận dụng vào thực tế giảng dạy của lớp mình để mang lại những bài học sinh động và bổ ích . Giáo viên tiếp tục rèn luyện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nghiên cứu bài dạy, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực để mang lại hiệu quả trong giảng dạy. Tích cực tham gia làm đồ dụng dạy học phục vụ cho môn học, sưu tầm tranh ảnh, bản đồ, hình vẽ và vật liệu để làm giàu “kho phương tiện trực qua n” của mình và của nhà trường, làm quen với cách dạy học bằng công nghệ thông tin, đáp ứng được yêu cầu của giáo dục trong thời đại mới. V/ TÀI LIỆU THAM KHẢO: STT TÊN SÁCH 1 2 3 4 5 6 TÊN TÁC GIẢ Đổi mới nội dung và phương pháp - Nguyễn Hữu Dũng. giảng dạy ở tiểu - Nguyễn Kế Hào học - Georgercharpak Bàn tạy nặn bột ( Chủ biên ) khoa học ở trường Đinh Ngọc Lâm tiểu học ( dịch ) - Nguyễn Anh Dũng Lịch Sử và Địa Lí ( Chủ biên ) lớp 4 - Nguyễn Tuyết Nga Phát triển tích cực, tính tự lực của học sinh trong quá trình Nguyễn Ngọc Bảo dạy học. Tập san : “ Giáo dục tiểu Nhiều tác giả học” Đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học (tài liệu bồi Nhiều tác giả dưỡng giáo viên) NHÀ BẢN XUẤT NĂM XUẤT BẢN - Nhà xuất bản - 1998 giáo dục - Nhà xuất bản - 1999 giáo dục - Nhà xuất bản - 2005 giáo dục - Bộ GD - ĐT 1995 - Bộ GD - ĐT - 2002 2003 2006 - Bộ GD - ĐT -
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan