Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Skkn một số giải pháp giúp học sinh lớp 6 trường thcs ba cụm bắc nâng cao kỹ năn...

Tài liệu Skkn một số giải pháp giúp học sinh lớp 6 trường thcs ba cụm bắc nâng cao kỹ năng làm văn miêu tả

.DOC
15
298
90

Mô tả:

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KHÁNH SƠN TRƯỜNG THCS BA CỤM BẮC SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 6 TRƯỜNG THCS BA CỤM BẮC NÂNG CAO KỸ NĂNG LÀM VĂN MIÊU TẢ Giáo viên: Nguyễn Thị Mai Hoa NĂM HỌC: 2012 - 2013 1 MỤC LỤC 1. Đặt vấn đề ………………………………………………… Trang 3 2. Giải quyết vấn đề ………………………………………… Trang 4 2.1. Cơ sở lí luận của vấn đề…………………………………… Trang 4 2.2. Thực trạng của vấn đề………………………………………Trang 5 2.3. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề……………Trang 7 2.3.1. Cung cấp vốn từ, làm giàu vốn từ cho học sinh……………Trang 7 2.3.2. Rèn kỹ năng viết câu văn…………………………………..Trang 7 2.3.3. Rèn kỹ năng xác định đúng yêu cầu đề bài…………………Trang 7 2.3.4. Hướng dẫn cách tìm ý cho bài văn miêu tả…………………Trang 8 2.3.5. Rèn kỹ năng diễn đạt………………………………………..Trang 8 2.3.6. Rèn luyện kỹ năng dựng đoạn văn………………………….Trang 9 2.3.7. Rèn kỹ năng sử dụng lời văn chuyển cảnh, liên kết đoạn…..Trang 10 2.3.8. Rèn kỹ năng viết mở bài và kết bài…………………………Trang 10 2.3.9. Rèn cho học sinh có ý thức sưu tầm, tích lũy các hình ảnh văn học Trang 11 2.4 Hiệu quả của SKKN…………………………………………..Trang 13 3. Kết luận ……………………………………………………….Trang 14 4. Kiến nghị, đề xuất ……………………………………………Trang15 2 1. Đặt vấn đề “Văn học là nhân học”. Văn học có vai trò rất quan trọng trong đời sống và trong sự phát triển tư duy của con người. Là môn học thuộc nhóm khoa học xã hội. Môn Ngữ Văn trong nhà trường là môn học vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính khoa học. Nó là chìa khóa để học sinh tiến vào mọi lĩnh vực khoa học, mọi hoạt động xã hội. Nó có tác dụng sâu sắc và lâu bền đến đời sống tâm hồn và trí tuệ của các em. Văn học có tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, cảm xúc của con người. Có thể nói rằng, môn Ngữ văn có tầm quan trọng trong việc giáo dục quan điểm, tư tưởng, tình cảm cho học sinh. Môn Ngữ văn thể hiện rõ mối quan hệ với các môn học khác. Học tốt môn Ngữ văn sẽ tác động tích cực tới các môn học khác và ngược lại, các môn học khác cũng góp phần học tốt môn Ngữ văn. Điều đó đặt ra yêu cầu tăng cường tính thực hành, giảm lý thuyết, gắn học với hành, gắn kiến thức với thực tiễn hết sức phong phú, sinh động của cuộc sống. Đối tượng học sinh ở bậc Trung học cơ sở rất hồn nhiên trong trắng như vùng đất phù sa màu mỡ phì nhiêu. Giáo viên cùng toàn xã hội phải có trách nhiệm gieo trồng những hạt giống tốt để thu hoạch hoa thơm trái ngọt về cả tri thức và đạo đức. Với môn Ngữ văn thì hạt giống tốt về kiến thức Văn học không chỉ riêng ý nghĩa sâu sắc từ mỗi bài học hay một khái niệm Tiếng Việt nào đó mà học sinh cần phải có được những kỹ năng tốt để làm một bài văn một cách thành thạo. Mặt khác, như chúng ta đã biết, Văn học từ lâu nay đã là một môn khoa học xã hội sâu sắc song lại là một môn học khiến nhiều học sinh ngại học, ngại viết. Vậy đối với giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn lớp 6 ngoài việc cung cấp nội dung bài dạy theo hướng dẫn của sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng, sách giáo viên thì phải quan tâm đến phương pháp rèn kỹ năng hành văn cho học sinh. Cụ thể ở đây là rèn kỹ năng làm bài văn miêu tả. Việc rèn kỹ năng làm văn miêu tả trước hết rất thiết thực cho phần làm văn miêu tả và góp phần nâng cao chất lượng bộ môn cho học sinh. Đặc biệt rèn kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh còn là việc tháo gỡ những vướng mắc, xóa đi mặc cảm học văn của một số học sinh. Từ đó xây dựng và phát triển tình yêu với môn văn học trong nhà trường cho học sinh. Giúp các em có được từ tình yêu với cảnh vật bình thường: dòng sông, núi rừng, mái trường… cho đến tình yêu với người thân trong gia đình, bè bạn, thầy cô… rộng hơn là tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn các em học sinh. Muốn làm được điều đó nhất thiết học sinh phải có một phương pháp, kỹ năng trong việc làm một bài văn miêu tả cụ thể. 3 2. Giải quyết vấn đề 2.1. Cơ sở lý luận của vấn đề Học sinh tiểu học bước đầu đã được làm quen với dạng văn miêu tả (tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối, tả người...) nhưng lên bậc Trung học cơ sở các em vẫn còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc sử dụng ngôn ngữ thích hợp để viết bài. Cho nên, rèn luyện để nâng cao kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh lớp 6 là vấn đề hết sức cần thiết đối với giáo viên nhằm giúp các em thành thạo sử dụng ngôn ngữ trong văn miêu tả, nâng cao chất lượng bài làm văn. Theo "Từ điển Tiếng Việt cơ bản" (Nguyễn Như Ý- chủ biên), "Từ điển tiếng Việt" (Viện ngôn ngữ học), sách giáo khoa phổ thông... Nhìn chung, các định nghĩa đều có cái nhìn giống nhau về ngôn ngữ miêu tả: Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm cho người khác có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc, con người. Muốn miêu tả đựơc phải quan sát, tổ chức sắp xếp các chi tiết theo logic, lựa chọn từ ngữ, cách đặt câu, dựng đoạn một cách có nghệ thuật... cốt để làm nổi bật cái thần, cái hồn của đối tượng miêu tả. Để làm được bài văn miêu tả, thông thường học sinh phải nhớ được các yêu cầu sau: Trước hết, ngôn ngữ miêu tả là phải có tính chính xác. Ngôn ngữ miêu tả chính xác là ngôn ngữ miêu tả sát đúng, cụ thể từng biểu hiện của sự vật, sự việc, con người (ngay cả ý nghĩ, tư tưởng...). Bởi văn học phản ánh cuộc sống một cách chân thực, do đó "văn muốn hay là phải đúng" (Lê Quý Đôn). Tả con mèo thì mắt phải tròn, tiếng kêu “meo meo”, ngủ “lim dim”, đi “nhẹ nhàng”… Tả người thì tùy vào đối tượng đó là ai mà sử dụng ngôn ngữ phù hợp, không thể tả mái tóc, nước da của em bé cũng giống như người lớn được… Thứ hai, tính hàm súc. Hàm súc nghĩa là súc tích, ít lời mà nhiều ý. Đây là đặc điểm nổi bật đối với văn miêu tả bởi có thế thì đối tượng cần tả mới nổi bật, gợi cảm. Nhà văn Tô Hoài tả: "Nhưng hai bên sườn núi trong các lũng vẫn chỉ sừng sững một màu đá xám ngắt, không thấy đâu một chút vàng lúa chín" (Cứu đất cứu mường) qua đó mà đó lột tả được cảnh núi rừng miền Tây Bắc. Thứ ba, tính hình tượng. Ngôn ngữ miêu tả giàu hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, đường nét màu sắc, âm thanh, nhạc điệu... có khả năng gây ấn tượng mạnh, tác động sâu xa trong trí tưởng tượng và cảm nhận của người đọc. Tả con đêm trăng thì “sáng vằng vặc”, tả con suối thì màu “trắng xóa”, chảy “róc rách”… Thứ tư, ngôn ngữ phải mang tính truyền cảm. Thông qua hệ thống tín hiệu ngôn ngữ, nhà văn phải bộc lộ những cung bậc tình cảm khác nhau, có thể là niềm vui hay nỗi buồn, yêu thương hay giận hờn... trước đối tượng mình tả. Tứ đó mà hướng dẫn nhận thức và thôi thúc hoạt động của con người. Hướng dẫn học sinh tả con vật thì phải sử dụng những từ ngữ yêu thương, quý mến như: 4 nhớ, thương, yêu quý... hay tả mẹ thì dùng những từ như: biết ơn, yêu quý, thương yêu... Tính cá thể hoá cũng là một yêu cầu cao đối với văn miêu tả. Mỗi học sinh do xu hướng, sở trường, thị hiếu, tập quán, tâm lý xã hội, cá tính mà hình thành giọng điệu riêng, cái vẻ riêng về cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn trong bài văn. Có như vậy người đọc nhận ra một bài văn có phong cách. Nó tạo nên giá trị biểu cảm, gợi hình, gợi nét và "gợi cho người đọc cảnh hiện ra y như thật" (Hà Minh Đức). Ví dụ nhà văn Tô Hoài tả: "Bây giờ, buổi sáng mùa đông khô ráo. Từ mặt đất, mây mù dần cất cao như một mành sương cuộn lên, lần đầu tiên trông thấy đồng lúa chín, rồi nước suối Nậm Giơn óng ánh sáng, rồi các nóc nhà trong làng nhấp nhô, rồi thấy ngang lưng quả núi xanh ngắt”. Như vậy, rèn luyện nâng cao kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh lớp 6 là một trong những vấn đề cần thiết trong dạy học môn Ngữ văn. Bởi nếu không thì học sinh viết bài tùy tiện, tùy hứng dẫn đến chất lượng bài văn kém và kéo theo các dạng văn khác các em cũng không thể làm tốt được, bởi văn miêu tả còn được vận dụng trong các dạng văn khác nữa như văn kể chuyện, trần thuật, phát biểu cảm nghĩ, tưởng tượng… 2.2. Thực trạng của vấn đề Văn học là một bộ môn nghệ thuật sáng tạo ngôn từ đầy giá trị. Có thể coi mỗi một tác phẩm văn học là một viên ngọc trong cuộc sống, nó bay bổng tạo nên những khúc nhạc làm cho cuộc sống đời thường thêm chất thơ. Để rồi từ đó các em nói ra, viết ra những điều mà các em đã học đã cảm nhận trong cuộc sống xung quanh thường ngày, tự các em tạo nên những tác phẩm nghệ thuật “bé con” có giá trị. Đó là một việc làm mà mọi giáo viên đang tìm hướng đi nhẹ nhàng nhất và có hiệu quả nhất cho riêng mình. Trong các môn học của bậc Trung học cơ sở thì Ngữ văn là môn học giữ vị trí quan trọng, bởi nó là công cụ để giao tiếp và tư duy. Đó là môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh 4 kỹ năng: nghe – nói – đọc – viết. Trong môn Ngữ văn thì phân môn Tập làm văn lại chiếm một vị trí khá quan trọng vì nó là sự tích hợp 4 kỹ năng của học sinh. Trong đời sống, muốn người khác công nhận ra những điều mình đã nhìn thấy, đã sống, đã trải qua… chúng ta phải miêu tả. Trong văn học, các câu chuyện, các cuốn tiểu thuyết, thậm chí ngay cả trong văn nghị luận hay văn viết thư, nhiều lúc ta cũng chen vào các đoạn văn miêu tả. Vì thế, có thể nói văn miêu tả có một vị trí quan trọng trong sáng tác văn chương. Cũng vì thế văn miêu tả chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong chương trình Tập làm văn lớp 6. Theo chương trình sách giáo khoa lớp 6, toàn bộ chương trình Tập làm văn học kỳ II là văn miêu tả. Bao gồm các kiểu bài: tả cảnh và tả người. Như vậy, việc rèn kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều đó tạo tiền đề vững chắc để học sinh làm được 5 những bài văn hay, câu văn súc tích, giàu hình ảnh, diễn đạt rõ ý, cảm xúc chân thật, sinh động và sáng tạo. Để tạo điều kiện cho học sinh có những cơ sở học tốt tất cả các kiểu bài miêu tả (kể cả tả cảnh và tả người) đòi hỏi người giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Lấy học trò làm trung tâm, còn thầy chỉ là người tổ chức hướng dẫn, trò tự khám phá và lĩnh hội tri thức. Có như vậy thì mới nâng cao được hiệu quả và chất lượng giảng dạy. Nhìn nhận vấn đề một cách cụ thể hơn chúng ta thấy: chương trình Ngữ văn lớp 6 so với chương trình tiểu học mà các em đã làm quen có nhiều những khái niệm trừu tượng. Riêng làm văn, đòi hỏi các em phải có cách viết già dặn hơn, sinh động hơn và đặc biệt trong văn miêu tả phải có hình ảnh sống động, thuyết phục lòng người. Điều đó không thể đi từ lý thuyết sang thực hành ngay được, bởi tư duy của lứa tuổi các em học sinh lớp 6 còn là tư duy cụ thể, chưa tiếp nhận ngay được những kiến thức trừu tượng. Cảm nhận của các em còn đơn giản, cụ thể, vốn từ, vốn hiểu biết phần nhiều còn nghèo nàn… do vậy mà bài viết của các em thô sơ chưa có nhiều tính hình ảnh, sáng tạo nghệ thuật. Thực sự mà nói thì các em đã quá quen với việc thực hành viết văn dạng văn bản mẫu và tái tạo văn bản tương tự mẫu ở cấp tiểu học. Cho nên việc sáng tạo một văn bản nghệ thuật đối với các em học sinh lớp 6 là vô cùng khó khăn. Hơn nữa sự say mê đọc tư liệu văn học của các em học sinh thời nay quả là ít ỏi, hầu như là không có bởi những thông tin hiện đại: hoạt hình, truyện tranh, dịch vụ Internet tràn lan cuốn hút… Điều đó đương nhiên làm nghèo nàn vốn ngôn từ nghệ thuật quý giá của văn học trong mỗi học sinh. Trường THCS Ba Cụm Bắc là một trường vùng sâu, vùng xa, có nhiều học sinh là người dân tộc Raclai nên việc tiếp thu kiến thức còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là khả năng diễn đạt. Khi vào thực tế giảng dạy, tôi thấy phần lớn học sinh còn lúng túng, vụng về, gặp nhiều khó khăn khi làm văn miêu tả nói chung văn tả cảnh nói riêng. Số học sinh làm được một bài văn hay, có sáng tạo rất ít. Hầu hết khi miêu tả các em chỉ đưa ra những nhận xét chung chung, câu văn thì rườm rà hoặc cộc lốc, diễn đạt ý thì lủng củng… Xuất phát từ những cơ sở mang tính lý luận và thực tiễn như trên tôi nghĩ: quá trình “nâng cao kỹ năng làm văn miêu tả cho học sinh lớp 6” là một việc làm thiết thực nên làm và làm một cách cặn kẽ để có hiệu quả tốt nhất. Giúp các em biết cách diễn đạt, dùng câu từ chính xác, dễ hiểu, ngắn gọn mà rõ ràng, xóa đi mặc cảm ngại học văn, tự tin, phấn khởi và yêu thích văn miêu tả trong phân môn Tập làm văn. Bên cạnh khơi dậy trong các em tình yêu với môn học còn là tình yêu với con người, thiên nhiên, cảnh vật đồ vật xung quanh. 6 2.3. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề 2.3.1. Cung cấp vốn từ, làm giàu vốn từ cho học sinh Học sinh hiểu thêm một từ mới là hiểu thêm một khái niệm mới. Mà ngôn ngữ gắn chặt với tư duy. Ngôn ngữ phát triển thì tư duy cũng phát triển theo. Làm giàu vốn từ cho học sinh nhất là những từ tượng hình, tượng thanh, từ gợi tả màu sắc… để giúp các em viết tốt thể loại văn miêu tả. Có nhiều đề tài nhỏ để gợi cho học sinh tìm từ. Ví dụ: Khi học văn tả người, giáo viên có thể cho học sinh tìm các từ miêu tả về hình dáng như: tìm từ đơn, từ phức để miêu tả khuôn mặt, mái tóc, đôi mắt, nụ cười, giọng nói, dáng đi… 2.3.2. Rèn kỹ năng viết câu văn Luyện cho học sinh viết đúng câu ngữ pháp. Đầu tiên, học sinh chỉ cần viết câu văn có đầy đủ bộ phận chủ ngữ và vị ngữ, diễn đạt câu văn sáng sủa, ngắn gọn. Biết dùng dấu câu, ngắt câu đúng chỗ, ý tưởng muốn diễn đạt sẽ rõ ràng hơn, người đọc sẽ hiểu được ý tưởng của mình. Tiếp theo là hướng dẫn học sinh cách dùng dấu phẩy, sử dụng trạng ngữ để mở rộng câu. Ví dụ: Cho học sinh so sánh hai cách diễn đạt. Cách 1: “Những chiếc xe đạp cọc cạch chạy. Mấy con bò đang gặm cỏ. Em đã là học sinh lớp 6. Em nhớ thầy Đệ, người thầy làm Tổng phụ trách Đội rất vui tính.” Cách 2: “Trên con đường bon bon đến trường, những chiếc xe đạp cọc cạch chạy. Xa xa, trên thảm cỏ xanh mượt, mấy con bò đang gặm cỏ ngon lành. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mới ngày nào… giờ em đã là học sinh lớp 6. Những buổi chiều sinh hoạt Đội làm lòng em lại nao nao nhớ về thầy Đệ, người thầy rất vui tính năm xưa.” Qua hai cách diễn đạt trên học sinh sẽ dễ dàng nhận ra câu văn có sử dụng bộ phận trạng ngữ, dùng dấu câu thích hợp thì nội dung sẽ cụ thể và sinh động hơn. Cụ thể trong quá trình giảng dạy, giáo viên rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm bài văn miêu tả đặc biệt là tả cảnh như sau: 2.3.3. Xác định đúng yêu cầu đề bài Ví dụ: đề bài: “Em hãy miêu tả quê hương em vào một buổi chiều nắng đẹp” Giáo viên cho học sinh thấy: đây là một đề bài dạng miêu tả cảnh tổng hợp. Thế nào là cảnh tổng hợp? Giáo viên chỉ cho học sinh thấy, xác định cảnh tổng hợp nhờ những từ ngữ: một miền quê, quê hương em, cảnh nơi em ở… Cảnh tổng hợp là gồm nhiều cảnh nhỏ, cảnh lẻ. Những cảnh nhỏ, cảnh lẻ của quê hương thường là: cánh đồng, dòng sông, con đường… Sau đó giúp học sinh 7 miêu tả cảnh cụ thể ở thời gian nào? Cảnh đó như thế nào? Việc xác định đúng yêu cầu của đề giúp các em rất nhiều trong việc định hình được đối tượng miêu tả. 2.3.4. Hướng dẫn cách tìm ý cho bài văn miêu tả Khi học sinh đã xác định đúng yêu cầu của đề, xác định chính xác đối tượng miêu tả nhưng chắc chắn chưa thể định hình được hướng đi cho bài viết. Để giúp học sinh định hình đúng hướng đi của bài viết văn miêu tả cần hướng dẫn cho học sinh bước tìm ý: Nhất thiết phải theo một trình tự: tìm ý bao quát của cảnh chung không gian sẽ tả, sau đó cụ thể sẽ có những cảnh nào? Cảnh như thế nào? Bao quát không gian tả cảnh được coi là một thao tác sơ thảo của bức tranh miêu tả. Vậy học sinh cần phải nắm được cách viết phần bao quát cảnh không gian như thế nào? Thực tế cho thấy học sinh thường viết cộc lốc, cụt ngủn, có khi chỉ được một, hai câu cho phần tả bao quát. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh: Để tả cảnh bao quát, trước hết phải có câu xác định vị trí miêu tả khái quát. Thường là một vị trí cao hơn, xa cảnh trung tâm để có thể chụp được toàn cảnh miêu tả vào tầm mắt của người quan sát một cách tương đối trọn vẹn. Sau câu văn giúp được người đọc biết được vị trí của người quan sát là những lời văn nhận xét, đánh giá khái quát đầy nghệ thuật về cảnh chung đó. Nên lưu ý học sinh: lời nhận xét đánh giá là những lời văn sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ sao cho cảnh nổi lên sống động, tự nhiên, hồn hậu, trong sáng… sát với yêu cầu của đề. Ví dụ: đứng trên đỉnh đèo, ngắm nhìn toàn cảnh làng quê, em như đang dắm mình trong chốn bồng lai tiên cảnh của một miền quê yên bình, trù phú giữa chờn vờn sương sớm…. 2.3.5. Rèn kỹ năng diễn đạt Tìm được đặc điểm tiêu biểu của cảnh sẽ tả đã là một bước quan trọng song chưa phải là đã tả cảnh. Miêu tả cảnh là dựng lại được một cách sống động, chân thực, nghệ thuật. Qua chấm bài văn của học sinh, tực tế đáng buồn là vốn ngôn từ của các em rất nghèo nàn, diễn đạt lủng củng, thường xuyên xảy ra hiện tượng bí từ, dùng sai nghĩa, lặp từ, lặp ý… Vì vậy giáo viên cần phải trau dồi ngôn từ nghệ thuật cho học sinh. Đầu tiên, tạo được trong lòng học sinh sự yêu thích ngôn từ nghệ thuật. Giáo viên cung cấp và phân tích một số tư liệu được chọn lọc trong các tác phẩm của nhà văn. Ví dụ: Miêu tả cảnh trong vườn dưới nắng chiều. “Chiều buông, ánh mặt trời trở nên vàng sậm hơn, ánh chiều trải vàng trên cành lá, mái nhà một màu vàng óng nom đẹp lạ, vườn cây nhà em cũng vậy. 8 Giàn bầu xanh tươi, lá non màu xanh nhạt, lá già thì xanh thẫm, ánh nắng chiều chiếu xuống giàn bầu, bí, cái lá xanh ngắt lọc qua một lượt hắt một màu xanh ngọc bích xuống vườn. Nhãn, bưởi, mít và các loại cây khác nữa tất cả đều xanh um tùm, nhìn như chiếc ô khổng lồ. Đó là màu xanh no nắng, no gió, no thức nuôi cây. Vườn cây lao xao, gió thoảng đâu đây mùi hương quả chín, hương hoa ngọt lịm…” Sau mỗi đoạn văn như thế giáo viên phân tích những hình ảnh ngôn từ nghệ thuật sáng giá sao cho tạo được hứng khởi ở học sinh, kích thích các em thích tìm, viết những lời văn hay. Sau khi tạo hứng thú cho học sinh qua cách tiếp xúc với các tư liệu chọn lọc mới cho các em luyện tập diễn đạt bằng hình thức giáo viên đưa ra một loạt hình ảnh, yêu cầu học sinh dùng lời văn kết hợp các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, sử dụng những từ láy gợi hình để tập diễn đạt. Ví dụ: Hình ảnh cánh đồng: Cánh đồng rộng, trải dài, mơn mởn dang tay ôm lấy xóm làng như người mẹ hiền trìu mến ôm con. Ở giai đoạn rèn luyện kỹ năng diễn đạt này giáo viên đặc biệt chú ý đến các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa…trong các câu văn. Có thể nói so sánh hay để tạo những nốt luyến cho những bản nhạc ngôn từ, những nét đậm của bức tranh ngôn ngữ. Hướng cho chọ sinh luyện tập cách dùng các biện pháp nghệ thuật khác nhau sao cho thật đa dạng, phong phú, gợi cảm, tạo ấn tượng cho người đọc. Ví dụ: Dòng sông quê em dưới đêm trăng mềm mại như một áng tóc trữ tình. Cổng trường đang dang rộng vòng tay đón chúng em vào lớp. Bông hoa hồng xinh đẹp đang tươi cười và thì thầm tỏa hương thơm Các bạn sinh đang nô đùa trên sân trường tựa như một đàn bướm xinh tung tăng bay lượn 2.3.6. Rèn luyện kỹ năng dựng đoạn văn Dựng đoạn văn chính là cách sắp xếp các lời văn diễn đạt sao cho hợp lý, logich, chặt chẽ, mạch lạc. Học sinh thường lúng túng không biết tả cảnh cụ thể là cảnh gì? Tả như thế nào? Theo trình tự từ đâu? Chính vì điều này nên trong bài viết của các em thường sa vào kể lể, liệt kê cảnh một cách tràn lan, không làm nổi bật được những đặc trưng của cảnh, không tạo được ấn tượng cho người đọc về cảnh được tả. Để khắc phục tình trạng này giáo viên nên hướng cho học sinh hình dung mỗi một cảnh nhỏ sẽ viết thành một đoạn văn trọn vẹn. Trong đoạn văn đó sẽ đi từ khái quát đến cụ thể. Bao giờ câu đầu đoạn cũng là câu miêu tả khái quát cảnh đó. Ví dụ: Tả khái quát cảnh dòng sông: dưới chân em là dòng sông hiền hòa chảy như một tấm lụa mềm mại trải dài xa tít. 9 Sau câu tả khái quát là các câu miêu tả cụ thể theo trình tự từ gần đến xa theo tầm mắt. Ví dụ: Mùa này sông lưng chừng nước, nước sông trong xanh in bóng mây trời sâu thẳm. Trên mặt sông có những chiếc lá như chiếc thuyền tý hon dập dềnh trên sóng nước bao la. Trong quá trình miêu tả cụ thể giáo viên lưu ý cho học sinh trình tự miêu tả cho phù hợp với vị trí quan sát kết hợp lời văn so sánh, lời văn nhận xét, đánh giá và sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Ý câu trước và câu sau logich với nhau tạo độ kết về mặt nghĩa, những câu đoạn cuối thường là những câu có ý nghĩa sâu sắc, làm đậm nét cho bức tranh miêu tả. Cứ như vậy giáo viên cho học sinh luyện viết thành nhiều đoạn cho nhiều cảnh. 2.3.7. Rèn kỹ năng sử dụng lời văn chuyển cảnh, liên kết đoạn Lời văn chuyển cảnh không nhiều nhưng có tác dụng rất lớn trong việc liên kết, liên hoàn mạch văn. Có các cách chuyển cảnh: Các cảnh nhỏ được nối tiếp nhau một cách tự nhiên theo mô típ liên cảnh (cảnh kề gần nhau theo tầm quan sát). Ví dụ: Chỉ một lát con đường đã dẫn đến ngôi trường dấu yêu. Ngôi trường mang tên… Sân trường…. Cây bàng… Chuyển cảnh theo gam màu. Ví dụ: Nắng nhưng không chói chang gắt gỏng, mưa nhưng không ào ào đột ngột bất chợt đến rồi đi và bằng lăng đã nhạt dần sắc tím. Thời gian chuyển động chầm chậm từ hạ sang thu… Chuyển cảnh bằng cách nối âm thanh với không gian. Ví dụ: Trong không gian ẩm ướt của sương sớm, cả làng quê đang yên bình trong giấc ngủ bỗng bừng tỉnh bởi tiếng gà gáy râm ran báo sáng… Chuyển cảnh bằng cách liên tưởng theo sự quan sát qua các giác quan khác nhau: Thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác… Ví dụ: Vườn cây lao xao, gió thoảng đâu đây mùi hương quả chín, hương hoa thơm ngọt lịm. Tiếng chim líu lo như đem hương thơm ấy bay cao, bay xa…. 2.3.8. Rèn kỹ năng viết mở bài và kết bài Giáo viên đưa ra cách mở bài để học sinh luyện tập. Mở bài trực tiếp: giới thiệu thẳng (trực tiếp) vào đối tượng cần miêu tả. Mở bài gián tiếp: Lấy một sự vật khác để nói đến sự vật mình định miêu tả. Trích dẫn một vài câu văn, câu thơ, một nhận xét nào đó để đi vào đối tượng cần tả hoặc nêu lại một kỷ niệm, một cảm xúc đã gắn bó với mình… 10 Ví dụ: Cứ mỗi lần nghe câu hát “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay...” là trong lòng em lại xốn xang một cảm giác nhớ quê đến lạ kỳ! Quê hương em – một vùng đất yên bình, tươi đẹp… Sau khi luyện cho học sinh cách viết mở bài, giáo viên tiếp tục luyện cho các em cách viết kết bài. Kết bài không những đủ ý chốt của bài viết mà còn tạo nên độ lắng cho nốt trầm xao xuyến vang vọng trong tâm hồn người đọc. Thông thường kết bài phải bộc lộ rõ suy nghĩ, cảm nhận về đối tượng cần tả. Ví dụ: Ánh mặt trời dần buông. Đêm đến, bầu trời như mặc một chiếc áo nhung đính những hạt kim cương lấp lánh. Cả làng quê chìm vào giấc ngủ - quê hương em, nơi in đậm ký ức tuổi thơ. 2.3.9. Rèn cho học sinh có ý thức sưu tầm, tích lũy các hình ảnh văn học: Giáo viên yêu cầu mỗi học sinh có một “sổ tay văn học”. Qua các tiết giảng văn, qua việc đọc thêm các bài văn, bài thơ ngoài sách giáo khoa, giáo viên giúp học sinh phát hiện và ghi lại những “lời hay ý đẹp” vào quyển số cá nhân của mình. Bởi vì sưu tầm, tích lũy, ghi chép những câu văn hay, những câu thơ giàu hình ảnh, cảm xúc… lâu dần sẽ thấm hình ảnh văn học được tích lũy giống như nguyên vật liệu thì “ tòa lâu đài văn học” của các em càng to, càng đẹp. Điều này sẽ làm tăng vốn từ của các em giúp các em mau tiến bộ để từ đó có kỹ năng viết tốt. Ví dụ: Sau khi học xong bài “Cô Tô” (Nguyễn Tuân), giáo viên hướng dẫn học sinh chọn và chép ra đoạn văn hay nhất tả cảnh mặt trời mọc trên biển: “Sau trận bão, mặt trời nhú lên dần dần rồi lên cho kỳ hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông” * Lưu y: Văn miêu tả gắn chặt với tâm hồn cũng như với óc quan sát tinh tế của con người. Chính những kết quả quan sát đã giúp cho học sinh những cảm nhận về sự vật, hiện tượng cần miêu tả. Vì vậy, một trong những điều quan trọng không thể thiếu được khi cho học sinh viết bài văn miêu tả đó là phải biết quan sát và ghi chép. Qua trực quan học sinh biết tả bao quát, biết tả cụ thể từng bộ phận và nêu được đặc điểm nổi bật của cảnh được tả. Chính điều này đã khích lệ khả năng muốn được bộc lộ của các em, tăng cường khả năng thực hành ngôn ngữ để các em biết diễn đạt những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng lời nói, từ đó viết nên bài viết một cách mạch lạc, rõ ràng. 11 Ngoài ra, để một bài văn miêu tả giàu tính chân thực và sinh động, giáo viên hướng dẫn các em khi miêu tả cần khéo léo, kết hợp và vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa hay sử dụng nhiều những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh….Từ đó các em sẽ có những bài viết thực sự chân thực, sinh động. Để rèn luyện các kỹ năng trên, giáo viên có thể thực hiện trong các tiết giảng dạy thông qua các bài dạy: Tìm hiểu chung về văn miêu tả; Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả; Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả; Phương pháp tả cảnh; Phương pháp tả người; Luyện nói về văn miêu tả; Ôn tập văn miêu tả. Tùy nội dung cụ thể của từng bài học mà giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn rèn một trong số các kỹ năng trên cho phù hợp. Đặc biệt, để rèn luyện tốt các kỹ năng trên giáo viên có thể áp dụng trong các tiết trả bài, các tiết dạy vào buổi chiều. 12 2.4. Hiệu quả của SKKN Qua quá trình thực hiện, tôi nhận thấy rằng với những giải pháp cơ bản nêu trên đã mang lại hiệu quả đáng kể. Học sinh bước đầu đã biết viết bài văn miêu tả đúng yêu cầu. Một số bài viết có ngôn ngữ khá hay, sinh động, khả năng dùng từ, diễn đạt câu, chuyển ý linh hoạt, nhịp nhàng. Điều đáng mừng là đã phá bỏ được mặc cảm của học sinh với môn Văn trừu tượng là môn ngại nghĩ, ngại viết và không biết viết thế nào cho đúng. Đã có một số em sáng tạo được những tác phẩm “bé con” giá trị của mình thể hiện trong các bài viết định kỳ. Bài viết Tập làm văn miêu tả số 05 không có điểm giỏi. Cụ thể số điểm như sau: Tổng số: 71 HS Khối 6 Điểm giỏi Điểm khá Điểm trung bình Điểm yếu Điểm kém 0 10 35 17 09 Sau khi áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng làm văn miêu tả, số điểm của học sinh ở bài viết Tập làm văn số 06 như sau: Tổng số: 71 HS Khối 6 Điểm giỏi Điểm khá Điểm trung bình Điểm yếu Điểm kém 07 14 25 17 08 13 3. Kết luận Niềm vui của mỗi giáo viên Ngữ văn đứng lớp không chỉ là chất lượng tính bằng con số của mỗi năm, mà chính là những ánh mắt long lanh vì đã hiểu bài, những bàn tay tự viết ra được những lời văn óng ánh, những nụ cười thiện cảm với môn Văn từ phía học sinh. Đó là điều vô cùng quý giá. Kỹ năng viết bài Tập làm văn nhằm rèn luyện cho học sinh khả năng viết bài văn theo đề bài đã cho. Bài viết Tập làm văn là sự kết tinh nhiều mặt của kỹ năng: kỹ năng phân tích đề; kỹ năng tìm ý, chọn ý; kỹ năng dùng từ, đặt câu, viết đoạn, viết bài; nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ của học sinh. Viết tốt một bài văn sẽ dần dần nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết của học sinh. Ngữ văn là môn học quan trọng trong nhà trường. Là môn học vừa hình thành nhân cách vừa hình thành tâm hồn. Trong thời đại hiện nay, khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, môn Ngữ văn sẽ giữ lại tâm hồn con người, giữ lại những cảm giác nhân văn để con người tìm đến với con người, trái tim hòa nhịp đập trái tim. Với sáng kiến kinh nghiệm này, kết quả học tập môn Ngữ văn (phân môn Tập làm văn) của học sinh có tiến bộ trông thấy, các em đã bắt đầu yêu thích, ham mê học Văn. * Bài học kinh nghiệm: Giáo viên phải thực sự kiên trì, mẫu mực trong cách dùng từ. Bên cạnh đó giáo viên cần phải kiên trì trong việc kiểm tra, đánh giá, chỉnh sửa các phần viết luyện kỹ năng của học sinh. Giáo viên phải kiên trì hơn trong việc sưu tầm, chọn lọc tư liệu giá trị để cung cấp cho các em đồng thời tìm cách hướng các em biết vận dụng sáng tạo những tư liệu để biến thành cách diễn đạt riêng của bản thân. Giáo viên tích cực sưu tầm tư liệu miêu tả thành những cuốn tư liệu quý để lưu giữ trong tủ sách của Nhà trường. Học sinh phải nhiệt tình, tự giác trau dồi vốn từ, ngôn từ nghệ thuật bằng cả trái tim. Ngoài ra, phải biết quan sát, lựa chọn những hình ảnh tinh tế về đối tượng miêu tả để học tập, vân dụng vào quá trình viết bài. Mỗi học sinh cần tích cực rèn luyện trí liên tưởng, tưởng tượng, năng lực so sánh, ví von, nhập tâm vào cảnh được tả để bài viết có cảm xúc chân thật, cuốn hút người đọc. 14 4. Kiến nghị, đề xuất Thư viện nhà trường nên có thêm tranh ảnh phục vụ tốt cho quá trình dạy học văn miêu tả để học sinh có cái nhìn trực quan về đối tượng cần tả. Thư viện nên có một tủ sách tham khảo trong đó có sách tham khảo của bộ môn Ngữ văn (dành cho cả giáo viên và học sinh). Ba Cụm Bắc, ngày 10 tháng 4 năm 2013 XÁC NHẬN CỦA BGH Người viết NGUYỄN THỊ MAI HOA 15
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan