Đăng ký Đăng nhập
Trang chủ Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh....

Tài liệu Skkn một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh.

.DOC
20
6575
110

Mô tả:

PHẦN MỞ ĐẦU I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI: Tiểu học là bậc học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những kiến thức mà các em được tiếp thu ở Tiểu học là cơ sở quan trọng để các em học lên các bậc học cao hơn. Ở bậc Tiểu học, môn Tiếng Việt là môn học chủ đạo. Trường Tiểu học là nơi đầu tiên trẻ em được học tập Tiếng Việt, chữ viết với phương pháp nhà trường, phương pháp học tập tiếng mẹ đẻ thật sự khoa học. Học sinh Tiểu học chỉ có thể học tập được các môn học khác khi có kiến thức Tiếng Việt bởi đối với người Việt, Tiếng Việt là phương tiện giao tiếp, là công cụ trao đổi thông tin và chiếm lĩnh tri thức. Trong môn Tiếng Việt có nhiều phân môn, mỗi phân môn mang một kiến thức nhất định, chúng bổ trợ cho nhau giúp người học có thể học tốt môn Tiếng Việt. Bắt đầu khởi động bằng môn Học vần, tiếp theo là Tập viết, Chính tả, Luyện từ và câu,… cuối cùng là Tập làm văn. Làm văn, viết văn là cái đích cuối cùng cao nhất của việc học tập Tiếng Việt ở Tiểu học. Đối với học sinh Tiểu học, biết nói cho đúng, cho đủ, cho rõ nghĩa là đã khó; để nói hay, nói có cảm xúc và cảm nhận được cái đẹp trong cuộc sống mà viết thành những bài văn thì lại càng khó khăn hơn nhiều. Cái khó ấy lại chính là cái đích cuối cùng mà phân môn Tập làm văn đòi hỏi người học cần đạt tới. Kiến thức Tập làm văn ở Tiểu học tập trung nhiều trong chương trình Tập làm văn lớp 4 – 5 với các kiểu bài như: trao đổi ý kiến; kể chuyện; miêu tả; … Trong đó khó nhất đối với học sinh là miêu tả. Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh có thể làm tốt các kiểu bài ở thể loại văn miêu tả như: tả đồ vật, tả con vật, tả người; nhưng trong chương trình Tập làm văn lớp 5 - khi làm văn tả cảnh, thì học sinh còn nhiều lúng túng; câu văn thường ngắn ngủn, què quặt, thiếu bộ phận, thiếu hình ảnh; diễn đạt rối rắm, thiếu cảm xúc. Các bài viết thường rơi vào tình trạng liệt kê, kể mà không tả, khô cứng. Do vậy, khi dạy kiểu bài này đòi hỏi giáo viên phải có nhiều sáng tạo cũng như sự nhạy bén, linh hoạt trong quá trình lên lớp, chuẩn bị thật công phu các tình huống có thể gặp ở học sinh. Chính vì những khó khăn này nên tôi mạnh dạn chọn nghiên cứu đề tài “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 5 làm tốt bài văn tả cảnh.” trước hết là giúp nâng cao chất lượng Tập làm văn cho lớp tôi phụ trách. Sau đó, mục tiêu quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 nói chung. 1 II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI. 1. Mục tiêu của đề tài: - Nhằm tìm hiểu nội dung, phương pháp dạy làm văn tả cảnh ở lớp 5. - Tìm ra những khó khăn, sai sót mà giáo viên và học sinh thường mắc phải khi dạy học kiểu bài tập làm văn tả cảnh. Qua đó đưa ra giải pháp khắc phục có hiệu quả cho quá trình dạy học kiểu bài này. 2. Nhiệm vụ của đề tài: - Tìm hiểu mục tiêu, nội dung dạy- học văn tả cảnh lớp 5. - Thực trạng dạy- học văn tả cảnh ở lớp 5. - Một số biện pháp dạy - học văn tả cảnh lớp 5. III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI NGHIÊN CỨU. 1. Đối tượng nghiên cứu. Dạy - học nội dung kiểu bài tả cảnh ở lớp 5. 2. Phạm vi nghiên cứu. Biện pháp hướng dẫn học sinh lớp 5 làm tốt văn tả cảnh. IV. GIỚI HẠN PHẠM VI NGHIÊN CỨU. - Các tiết Tập làm văn về bài văn tả cảnh ở lớp 5. - Thực trạng dạy – học văn tả cảnh của giáo viên, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thanh Tân nơi tôi công tác trong thời gian qua, đặc biệt là học sinh lớp 5A năm học 2014-2015. V. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU. 1. Phương pháp nghiên cứu lí luận - Đọc các tài liệu giáo dục có liên quan đến tâm lí học sinh, tài liệu, sách giáo khoa liên quan đến nội dung nghiên cứu. - Đọc và tìm hiêu về một số phương pháp dạy Tiếng việt, các tài liệu Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Việt. 2. Phương pháp điều tra, quan sát. - Phỏng vấn học sinh các vấn đề có liên quan. - Đọc và phân tích các bài văn của học sinh. - Trao đổi về phương pháp dạy với các giáo viên trong khối. 3. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm. 4. Phương pháp thực nghiệm sư phạm. 2 PHẦN NỘI DUNG I. CƠ SỞ LÍ LUẬN. Văn tả cảnh là loại văn dùng lời với những hình ảnh, cảm xúc làm cho người đọc, người nghe có thể hình dung được rõ nét và cụ thể về một cảnh vật nào đó xung quanh ta. Như vậy văn tả cảnh có thể xem là một văn bản nghệ thuật có sử dụng ngôn ngữ văn chương để miêu tả sự vật hiện tượng một cách cụ thể sinh động. Bất kì hiện tượng nào trong thực tế đời sống cũng có thể miêu tả được, tuy nhiên bằng những cảm xúc khác nhau của mỗi người, mỗi hiện tượng lại được miêu tả với cách thể hiện riêng qua việc quan sát, sử dụng từ ngữ và cách diễn đạt khác nhau. Đối tượng của bài văn tả cảnh là những cảnh vật quen thuộc xung quanh ta như dòng sông, cánh đồng, hàng cây... Khi viết bài văn tả cảnh cần đặc biệt tập trung vào những nét tiêu biểu của cảnh vật đó. Để bài văn được sinh động và hấp dẫn hơn với người đọc ta có thể lồng vào đó việc tả người, tả vật với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngôn ngữ trong văn miêu tả cần chính xác, cụ thể, giàu hình ảnh và có nét riêng biệt. Chính vì thể để có bài văn hay đòi hỏi người viết phải có hiểu biết về phương pháp làm văn, phải biết dùng từ ngữ, biết vận dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật tu từ được học. II. THỰC TRẠNG. 1. Thuận lợi – Khó khăn: 1.1. Thuận lợi: - Ban giám hiệu hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. - Đa số học sinh trong lớp có ý thức ham học hỏi, ngoan,biết vâng lời, có ý thức tìm tòi. - Phụ huynh học sinh rất quan tâm đến việc học tập của con em mình. - Học sinh sống ở vùng nông thôn gần gũi với thiên nhiên, đồng ruộng, vườn cây, dòng sông, đêm trăng … 3 - Bản thân là giáo viên nhiều năm liền giảng dạy lớp 5, yêu nghề, nhiệt tình, tâm huyết với nghề mà mình đã chọn. 1.2. Khó khăn: 1.2.1. Đối với giáo viên: - Hiện nay, thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho phân môn Tập làm văn còn rất ít. - Bản thân giáo viên đôi khi chưa đầu tư đúng mức cho các tiết dạy Tập làm văn. - Chưa có biện pháp hữu hiệu để dẫn dắt, hướng dẫn học sinh thâm nhập vào thực tế để các em hiểu về thiên nhiên, cảnh vật … xung quanh các em. 1.2.2. Đối với học sinh: - Phần lớn học sinh không thích học phân môn Tập làm văn vì môn này khó nó đòi hỏi sự sáng tạo và năng khiếu của các em. - Vốn từ ngữ của các em còn hạn chế nên khi viết văn thường bị lặp lại từ, lời văn chưa lưu loát, diễn đạt chưa trôi chảy, thiếu hình ảnh, cảm xúc. - Nhiều em không nắm được cấu trúc ngữ pháp nên sử dụng dấu câu tùy tiện. - Một số học sinh làm theo văn mẫu hoặc chỉ viết theo dàn bài mà giáo viên đã hướng dẫn lập. Chưa biết tích hợp các phân môn khác như: Tập đọc, Luyện từ và câu, Chính tả, Khoa học, Lịch sử và Địa lý vào Tập làm văn. Chưa sáng tạo trong khi dùng từ đặt câu. 2. Thành công – Hạn chế: 2.1. Thành công: Hầu hết học sinh đều biết trình bày bài văn có bố cục rõ ràng. Các em đã biết phối hợp miêu tả vừa đảm bảo tính chân thực, vừa mang tính nghệ thuật ở mức độ đơn giản. Bài viết của các em sinh động hơn và giàu hình ảnh hơn. Đọc bài viết của các em, người đọc đã hình dung được một cảnh vật cụ thể, có đường nét, màu sắc. Mỗi bài văn tả cảnh của các em đã thể hiện được một bức tranh sinh động với cảm xúc riêng của mỗi em. 2.2 Hạn chế: Học sinh đã quá quen với việc thực hành viết văn dạng văn bản mẫu và tái tạo văn bản tương tự mẫu từ các lớp dưới cho nên việc sáng tạo một văn bản nghệ thuật đối với các em là việc làm vô cùng khó khăn và ít có hứng thú. Hơn 4 nữa, học sinh hiện nay còn nghèo nàn về vốn từ nên khả năng vận dụng các phép tu từ vào viết văn miêu tả của các em còn hạn chế. Đặc biệt là dạng bài văn tả cảnh thì việc lựa chọn hình ảnh sinh động , hấp dẫn, cuốn hút người đọc đưa vào bài văn quả là khó với các em. 3. Mặt mạnh – Mặt yếu: 3.1. Mặt mạnh: Kiểu bài tả cảnh các em cũng đã được làm quen từ lớp 2,3. Lên lớp 4,5 các em lại tiếp tục rèn kỹ năng làm văn từ dễ đến khó (Rèn kỹ năng viết đoạn, liên kết đoạn) rất phù hợp nhận thức của học sinh tiểu học. Đặc biệt trình tự tả cảnh cũng giống nhau ở lớp 4. Đối tượng của bài văn tả cảnh trong chương trình lớp 5 hầu hết là những cảnh vật quen thuộc, gần gũi với các em học sinh vùng nông thôn như dòng sông, cánh đồng, vườn cây, đêm trăng, … vì vậy các em dễ quan sát hơn. Học sinh lớp 5 lớn hơn so với các lớp dưới nên nhận thức tốt hơn, có khả năng tưởng tượng phong phú hơn, biết nhìn nhận và thâu tóm những hình ảnh vào tri thức và nhớ có hệ thống hơn so với các em lớp dưới. Gần như đa số các em đã biết sử dụng dùng từ đặt câu, viết như thế nào cho trọn vẹn ý, các em lĩnh hội nhanh và đã biết sử dụng các biện pháp tu từ để đưa vào bài văn của mình. 3.2. Mặt yếu: Thói quen tập ghi chép những hình ảnh, cảm xúc của mình về cảnh là một thói quen đòi hỏi sự kiên trì và mất nhiều thời gian. Nếu như chỉ lơ là trong một thời gian ngắn thói quen đó sẽ dần mất đi. Khả năng quan sát của các em học sinh lớp 5 và sự lựa chọn chi tiết để quan sát và miêu tả chưa được tinh tế lắm. Các em hầu như chưa biết hình dung bằng hình ảnh, âm thanh, cảm giác về sự vật miêu tả khi quan sát. Nhiều học sinh ở nông thôn chưa hề được ra thành phố, có em chưa từng được đến công viên, vườn bách thú hay những danh lam thắng cảnh khác… vì vậy khi làm bài, nhiều học sinh không hề nắm được đặc điểm đối tượng mình đang tả mà phải tưởng tượng qua lời mô tả hết sức chung chung của giáo viên nên đã viết không chân thực. Do vậy bài văn khó có thể truyền cảm cho người đọc. 4. Các nguyên nhân, các yếu tố tác động: 4.1. Đối với học sinh: 5 Học sinh không được quan sát trực tiếp đối tượng miêu tả cho nên các em vô cùng lúng túng khi miêu tả. Khi quan sát thì các em chưa được hướng dẫn cụ thể về kĩ năng quan sát: quan sát những gì, quan sát từ đâu? Làm thế nào phát hiện được nét tiêu biểu của đối tượng cần miêu tả. Học sinh tiểu học vốn sống, vốn kiến thức và những rung cảm trước cái đẹp còn hạn chế nên chưa thổi được vào cảnh cái hồn để cảnh miêu tả trở nên sinh động, ấn tượng hơn. Đặc biệt kĩ năng vận dụng các từ ngữ gợi hình, gợi tả và các biện pháp nghệ thuật tu từ còn lúng túng. Học sinh thường không có thói quen lập dàn ý mà viết ngay vào bài làm, nhớ đâu viết đó, viết rồi gạch bỏ, viết lại... Một số học sinh khi làm bài còn vay mượn ý của người khác, các em thường sao chép những bài văn mẫu thành bài văn của mình không kể đầu bài quy định như thế nào. Với cách làm ấy các em không cần biết đối tượng cần miêu tả gì, không chú ý tới đặc điểm nổi bật tạo nên nét riêng của cảnh, cũng như không có cảm xúc về nó. 4.2. Đối với giáo viên: Khi dạy văn tả cảnh thông thường giáo viên chỉ có con đường duy nhất là hình thành các hiểu biết về lý thuyết, các kỹ năng làm bài qua phân tích các bài mẫu ở sách giáo khoa. Chính vì vậy chưa gây được hứng thú cho học sinh khi học kiểu bài văn tả cảnh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chưa chú trọng việc rèn cho học sinh kĩ năng quan sát và dùng ngôn ngữ diễn đạt lại những gì mình đã quan sát được. Chưa tổ chức được nhiều hoạt động nhằm phát triển tư duy ngôn ngữ ở học sinh. Phân môn Tập làm văn là một môn học mang tính tổng hợp và sáng tạo, nhưng lâu nay người giáo viên (nhất là giáo viên lớp 4, lớp 5) chưa có cách phát huy tối đa năng lực học tập và cảm thụ văn học của học sinh; chưa bồi dưỡng được cho các em lòng yêu quý Tiếng Việt, ham thích học Tiếng Việt để từ đó các em nhận ra rằng đã là người Việt Nam thì phải đọc thông viết thạo Tiếng Việt và phát huy hết ưu điểm của tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn từ ngữ khi miêu tả cảnh của giáo viên còn hạn chế, chưa có những câu văn mượt mà nhưng vẫn chân thực, gần gũi,… Đặc biệt, khi học sinh đưa ra một câu văn dùng từ chưa chuẩn hay thiếu hình ảnh, 6 chưa hợp lí,… giáo viên chưa chỉnh sửa kịp thời và không làm bật được cái hạn chế và thay thế ngay câu văn có nghĩa, đúng ngữ pháp, giàu hình ảnh để học sinh có thể ‘‘mê’’ nên chưa thể thổi hồn, làm cầu nối nâng tình yêu văn học cho các em. 4.3. Sách giáo khoa: Hiện nay theo phân phối chương trình trong sách giáo khoa có 19 tiết tả cảnh, trong đó có 13 tiết lý thuyết kết hợp thực hành, còn lại là kiểm tra và trả bài. Nội dung tả cảnh tập trung vào các cảnh: Một buổi trong ngày, một hiện tượng thiên nhiên, trường học, cảnh sông nước, … . Với các nội dung trên, yêu cầu viết lại chủ yếu là đoạn văn. Do đó, với mỗi cảnh học sinh ít được viết hoàn thiện một bài văn hoàn chỉnh ngay trên lớp để thầy cô và bạn bè trực tiếp góp ý. Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng không tốt tới chất lượng giờ dạy, không gây hứng thú học tập cho học sinh. Chính vì vậy tôi đã sử dụng một số biện pháp giúp các em biết cách lập dàn ý và viết đoạn văn miêu tả như sau. III. GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP: 1. Mục tiêu của giải pháp, biện pháp. Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm của văn tả cảnh, phân biệt được sự khác biệt giữa văn tả cảnh và các kiểu bài văn khác. Hình thành khả năng quan sát của các em, giúp các em có sự lựa chọn chi tiết để quan sát và miêu tả một cách tinh tế. Giúp các em tích lũy vốn từ, biết lựa chọn từ ngữ thích hợp để đặt câu văn có hình ảnh, tạo nên những đoạn văn hay, diễn đạt trôi chảy. Biết cách sắp xếp ý khi viết bài, xây dựng bố cục rõ ràng, khoa học. Có thói quen sử dụng các biện pháp tu từ, biện pháp nghệ thuật trong viết văn; có khả năng giao cảm với đối tượng miêu tả, cảm xúc tự nhiên, tình cảm chân thành. Học sinh được chữa lỗi kĩ càng trong tiết trả bài và biết tự sửa lỗi, bổ sung ý cho đầy đủ, hoàn chỉnh một văn bản mang màu sắc nghệ thuật. 2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp. 2.1. Giúp học sinh hiểu rõ đặc điểm cơ bản của văn tả cảnh. Đối tượng của bài văn tả cảnh là những cảnh vật quen thuộc xung quanh các em: một cơn mưa, một ngày nắng đẹp, một đêm trăng đẹp, một dòng sông, 7 một cánh đồng, một góc phố,… Bài văn tả cảnh là thể loại văn bản mang tính nghệ thuật cao, mang tính sáng tạo, tính cá thể của người viết. Ngôn ngữ trong văn tả cảnh là thứ ngôn ngữ giàu sức gợi cảm và là ngôn ngữ đã được gọt giũa một cách công phu. Tả là mô phỏng, là vẽ lại, là so sánh ví von, nhân hóa đối tượng có hình ảnh … chứ không thể là liệt kê các chi tiết. Văn tả cảnh mang tính chất thông báo thẩm mĩ, dù tả bất kì đối tượng nào, dù có bám sát thực tế đến đâu thì văn tả cảnh không bao giờ là sự sao chép, chụp ảnh máy móc những sự vật hiện tượng mà là kết quả của sự nhận xét, tưởng tượng, đánh giá hết sức tinh tế và phong phú. Chẳng hạn khi tả trăng nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm nhận một cách tinh tế bằng tình yêu của tâm hồn trẻ thơ, rất đổi hồn nhiên trong sáng: Trăng hồng như quả chín/ Lơ lửng mà không rơi… hay Trăng tròn như quả bóng/ Bạn nào đá lên trời. Còn đối với nhà văn Nam Cao thì vành trăng và ánh sao lại được nhìn nhận, được cảm theo một cách hoàn toàn khác: “Trăng là cái liềm vàng giữa cánh đồng đầy sao, là cái đĩa bạc trên cái thảm nhung da trời. Trăng tỏa rộng xuống trần gian. Trăng tuôn suối mát để những tâm hồn khao khát ngụp lặn”. Như vậy, để tả hay, tả đúng thì phải tả chân thật, giáo viên cần uốn nắn để học sinh tránh thái độ giả tạo, giả dối; bệnh công thức sáo rỗng. Mỗi cảnh đều nằm trong một khung không gian và thời gian, đó là cái nền cho cảnh vật được miêu tả. Các em cần nêu được khung cảnh chung này, nhưng đặc biệt cần tập trung tả nét tiêu biểu của cảnh, làm cho nó khác với cảnh khác. Khi tả cảnh các em có thể lồng tả người, tả vật trong cảnh để cho bài văn thêm sinh động. 2.2. Hướng dẫn học sinh cách quan sát đối tượng miêu tả, cách chọn lựa hình ảnh, nội dung miêu tả. 2.2.1. Trước hết phải tập cho học sinh quan sát, vì học sinh thường không có thói quen quan sát. Phải có công quan sát để tìm ra những nét nổi bật, độc đáo của đối tượng của quan sát. + Quan sát tổng thể đối tượng, ở cả trạng thái động và tĩnh, quan sát bằng tất cả các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác… + Lựa chọn điểm đặc trưng, đặc biệt, tiêu biểu của đối tượng để quan sát thật kĩ. 8 + Quan sát và so sánh điểm giống nhau và khác nhau với các đối tượng khác có ở xung quanh bằng sự liên tưởng hay quan sát trước đó. + Quan sát hình ảnh, hoạt động và những tác động của đối tượng đến các sự vật xung quanh. + Có thể ghi nhớ trong đầu, hoặc ghi chép cẩn thận, đầy đủ vào sổ sách. + Có thể quan sát trực tiếp hoặc hồi tưởng bằng trí nhớ. 2.2.2. Lựa chọn hình ảnh tiêu biểu và nội dung để tả. + Căn cứ vào hình ảnh lựa chọn khi quan sát. + Căn cứ vào nội dung ghi chép được. + Chọn lựa những hình ảnh, chi tiết, hoạt động đặc sắc, đặc trưng riêng, đẹp và khác biệt của đối tượng để miêu tả. Lựa chọn hình ảnh, hoạt động của đối tượng để tả khái quát, bổ trợ tạo nên hình ảnh tổng thể về đối tượng có thể lồng ghép các hình ảnh, sự việc gắn bó mật thiết với đối tượng. 2.2.3. Sắp xếp ý, đoạn. - Căn cứ vào nội dung đã lựa chọn để sắp xếp từng ý (theo thứ tự nào đó: từ ngoài vào trong, từ trước ra sau, từ gần đến xa, … - Sắp xếp các ý theo đoạn với thứ tự đã chọn cho phù hợp. Cách làm này giúp các em không tả dài dòng mà các em nắm bắt được cái thần, cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của cảnh; bằng ngôn ngữ làm thể hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh rất thực, sống động. Nói ít gợi nhiều không có nghĩa làm các em chỉ viết vài câu rồi chấm hết một bài văn mà khi tả cảnh không nên lan man, cái nào cũng tả. Cần phải biết chọn lọc những đặc điểm nổi bật của cảnh. Khi tả cảnh các em cần chú ý: + Tả bao quát toàn cảnh, nêu khung cảnh chung của cảnh vật và nêu cảm tưởng, cảm nhận chung của em về cảnh vật. + Tả từng bộ phận của cảnh theo một trình tự nào đó. Chú ý đặc điểm của cảnh vật về đường nét, màu sắc, âm thanh, quy mô, chỉ ra những nét riêng, vẻ riêng của cảnh. Ví dụ: Quan sát một ngày mùa ở làng quê, nhà văn Tô Hoài đã ghi lại: “Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng lại và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có hơi vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt màu vàng hoe….”. Đó chính là vẻ đẹp 9 của một làng quê khi vào mùa; một quang cảnh rất trù phú, được mùa của bà con nông dân. Hay cũng một ngày mùa, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã ghi lại: “Nắng lên, nắng chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín. Rất đều, rất gọn nhẹ các xã viên cúi lưng xuống, Một tay nắm khóm lúa, một tay cắt giật. Một nắm, hai nắm,…xoèn xoẹt … xoèn xoẹt … lúa chất dồn thành từng đống. … ”. … Ở những nét nổi bật, tiêu biểu của cảnh người đọc dễ dàng nhận thấy một không khí làm việc hăng say; một cảnh ngày mùa bội thu và cũng đầy vất vả của bà con nông dân. 2.3. Giúp học sinh tích lũy vốn từ dùng cho tả cảnh, làm giàu trí tưởng tượng của các em khi tả. 2.3.1.Tích lũy vốn từ. - Vốn từ được tích lũy từ nhiều nguồn: trong giao tiếp hàng ngày; qua đọc sách, báo; qua xem, nghe truyền hình, truyền thanh; trao đổi với bạn bè; thầy cô giáo cung cấp… - Ghi chép lại dùng để miêu tả. Ví dụ như: + Các từ dùng để miêu tả cây cối: xanh mướt, xanh rì, xanh mơn mởn, xanh non, xanh lá mạ, xanh biết, xanh lục, …. rung rinh, um tùm, sum suê, khẳng khiu, rực rỡ, mỡ màng, vàng úa, xơ xác, trơ trụi, lác đác, xào xạc, lả tả,… + Các từ ngữ dùng để miêu tả âm thanh: vi vu, ầm ầm, đì đùng, xoèn xoẹt, lách cách, cót két, phành phạch, râm ran, ríu rít, rào rào, tí tách, đồm độp, loong boong, loảng xoảng,… + Các từ dùng để tả mùi vị: thơm thoang thoảng, ngòn ngọt, chan chát, nồng nồng, cay xè, ngai ngái, hăng hắc, dìu dịu, ngào ngạt, sực nức, ngọt mát,… 2.3.2.Giúp học sinh làm giàu thêm trí tưởng tượng. - Tưởng tượng trong văn miêu tả nói chung; văn tả cảnh nói riêng là rất quan trọng. Có tưởng tượng mới có hình ảnh hoàn chỉnh về đối tượng miêu tả. Tưởng tượng giúp ta thấy được nét đặc sắc của đối tượng, thấy được điểm tương đồng với đối tượng khác. Từ tưởng tượng học sinh sẽ cảm nhận được đối tượng miêu tả bằng tình cảm, tình yêu của chính mình đối với cảnh sẽ tả. Tưởng tượng làm cho đối tượng được miêu tả hoàn thiện hơn, đẹp hơn, sống động hơn và gần gũi với con người hơn. 10 * Tưởng tượng thế nào? + Không trực tiếp quan sát mà tập trung tất cả các giác quan vào đối tượng. + Nhắm mắt, hình dung về đối tượng: hình ảnh, hoạt động của đối tượng, những ảnh hưởng tác động của đối tượng đến sự vật xung quanh. + So sánh đối tượng được miêu tả với các đối tượng khác tương đồng. Đây là một trong những “bí quyết” để viết văn miêu tả nói chung, tả cảnh nói riêng được hay hơn. Chẳng hạn, khi tả trăng ta có thể so sánh với những sự vật như con thuyền, cánh diều, quả bóng, cái đĩa, … Tả chiếc lá bàng ta có thể so sánh với cái quạt, chiếc bánh đa, … Hay khi tả những chùm hoa phượng ta có thể so sánh với những đốm lửa hồng bập bùng; tả những quả bàng xanh tại sao ta lại không so sánh với những chú rùa con bé xíu; tả cây cột đèn tín hiệu giao thông sao lại không tưởng tượng nó với cây kẹo mút khổng lồ…? + Phân tích đánh giá cái hay, cái đẹp có ở đối tượng. + Nhân hóa hay tự nhiên hóa một vài hình ảnh đặc sắc ở đối tượng. Ví dụ: “Máy tuốt to lù lù đứng giữa sân kho, kêu tành tạch. Người ta nhét những ôm lúa vào miệng nó. Nó nhằn nhằn một thoáng rồi phì rơm ra”.(tả một ngày mùa). Hay tả nắng, Trần Mai Hạnh ghi lại: “Nắng rồi. Hàng tháng mưa tầm, mưa tã mới có một ngày nắng đây. Chiếc áo choàng đục trắng mà bầu trời đang khoác dầm dề cả tháng nay đã bị cuốn phăng đi…”. Hay tả dòng sông, Nguyễn Trọng Tạo viết: “Dòng sông mới điệu làm sao Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha. Trưa về trời rộng bao la Áo xanh sông mặc như là mới may.” + Ghi chép lại những gì mà mình đã tưởng tượng để lựa chọn, chắt lọc đưa vào bài viết của mình. Ngoài ra, còn có những “bí quyết” khác dùng để viết văn tả cảnh hay nữa đó là sử dụng từ đồng nghĩa để tả. Nó giúp ta miêu tả chính xác, cụ thể biểu hiện muôn màu, muôn vẻ của sự vật, hiện tượng. Chúng ta hãy đọc bài văn “Quang cảnh ngày mùa” (SGK TV5 tập 1 trang 10) của nhà văn Tô Hoài để thấy rõ giá trị của từ đồng nghĩa trong văn tả cảnh. 11 Dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, các sự vật, hiện tượng trở nên vô cùng sinh động. Tác giả miêu tả một cảnh vật rất quen thuộc với mọi người; quang cảnh làng mạc ngày mùa. Nhưng người đọc không hề thấy khô khan, tẻ nhạt. Vì sao vậy? Đó là bởi tài quan sát và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là sử dụng từ đồng nghĩa chỉ màu sắc để tả. trong bài văn, chỉ riêng về màu vàng thôi đã có hơn mười sắc độ khác nhau dành cho từng sự vật. Có màu vàng đậm của lúa đã chín (vàng xuộm); có màu vàng nhạt, tươi, ánh lên của những ngày nắng đẹp giữa mùa đông (vàng hoe); có màu vàng của quả chín, giợi cảm giác ngọt ngào (vàng lịm); có màu vàng đậm, trải trên mặt của lá mít, lá chuối (vàng ối). Như vậy, nhờ sử dụng từ đồng nghĩa để miêu tả mà không cần nhiều câu chữ, nhà văn Tô Hoài đã vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh phong cảnh thật đẹp, toàn màu vàng - màu đặc trưng của mùa gặt. Hay trong cuốn hồi kí Bác Hồ, hai nhà văn Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã tả phong cảnh quê bác như sau: “Trước mắt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ màu xanh; xanh pha vàng của ruộng mía, xanh mướt của lúa chiêm đang thời con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và nhiều màu xanh khác nữa.” Cách sử dụng từ đồng nghĩa chỉ màu xanh như vậy góp phần gợi tả vẻ đẹp nên thơ và tràn trề sức sống của cảnh vật trên quê Bác. * Một mẹo nữa của làm văn tả cảnh đó là chuyển kể thành tả. Làm văn miêu tả là phải quan sát như đã nói. Nhưng khi làm bài, các em thường kể lại chứ không phải là tả, làm cho bài văn khô khan, nhạt nhẻo. Ví dụ: + Quanh thân cây có rất nhiều quả. + Trên cánh đồng, em trông thấy rất nhiều người đang gặt lúa. + Buổi sáng, em nghe thấy tiếng chích chòe trong vắt. v.v.. Những câu văn như trên nặng về kể. Vậy chúng ta có thể diễn đạt lại như sau: + Quanh thân cây, chi chít những quả là quả. + Trên cánh đồng, các bác xã viên cắt lúa nhanh thoăn thoắt. + Buổi sáng, tiếng chích chòe trong vắt. Đây mới chính là những câu văn miêu tả. 12 Như vậy, khi viết các em chỉ cần bỏ bớt những cụm từ như: nó có, em trông thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy, nghĩ rằng, .v.v.. rồi thêm vào những từ láy, tính từ gợi tả, câu văn sẽ nhẹ nhàng, sinh động; đối tượng được miêu tả sẽ trực tiếp hiện ra. 2.4. Hướng dẫn xây dựng đoạn văn mở bài, thân bài, kết bài và xây dựng bố cục bài văn. * Bố cục bài văn gồm ba phần: • Mở bài: Giới thiệu chung về cảnh vật (cảnh vật đó ở đâu? Em tả nó vào lúc nào? Nét nổi bật nhất của cảnh vật đó là gì?). • Thân bài: Dùng lời văn để tả, tái hiện, sao chụp chân dung của đối tượng miêu tả ở những góc nhìn nhất định. Có thể sử dụng những biện pháp nghệ thuật để lột tả hình ảnh một cách sinh động. • Kết bài: Nêu cảm nghĩ của người viết về cảnh vật (sự yêu thích, sự gắn bó). * Hướng dẫn học sinh viết các đoạn văn. • Đoạn mở bài: Mở bài cũng giống như lời chào, lời mời gọi người đọc đến với bài viết của mình. Cũng như lời chào, lời mời gọi có thể viết rất giản dị, chân thành, tự nhiên, ngắn gọn nhưng cũng có lúc cần dẫn dắt gợi mở khéo léo gây ấn tượng, gây sự hấp dẫn cho người đọc. Chẳng hạn cũng mở bài cho bài văn tả con đường có thể mở bài trực tiếp: “Từ nhà em đến trường có thể đi theo nhiều ngã đường. Nhưng con đường mà em thích đi hơn cả là con đường Nguyễn Trường Tộ”. Nhưng cũng có thể vào bài gián tiếp: “Tuổi thơ em có biết bao kỉ niệm gắn bó với cảnh vật của quê hương. Đây là dòng sông nhỏ đầy ắp tiếng cười của bọn trẻ chúng em mỗi buổi chiều hè. Kia là triền đê rộn rã tiếng hát của thanh niên nam nữ những đêm trăng sáng. Nhưng gần gũi, thân thiết nhất với em vẫn là con đường từ nhà đến trường – con đường đẹp đẽ suốt những năm tháng học trò của em.” Như vậy, cũng là giới thiệu con đường từ nhà đến trường mỗi người lại có một cách giới thiệu riêng. Với học sinh, sản phẩm này ít nhiều in dấu ấn riêng của từng em trong cách suy nghĩ, giới thiệu, diễn đạt. Tuy nhiên chúng ta không nhất thiết phải gò bó học sinh làm mở bài theo một cách nào, mà chỉ dẫn cho học sinh cách vào bài phải bám sát yêu cầu của đề, không lan man, xa đề, không rườm rà nhưng cũng không thô kệch vô duyên. 13 • Thân bài: Có thể gồm một số đoạn văn, là toàn bộ nội dung miêu tả được viết theo từng phần, từng ý đã sắp xếp khi quan sát, khi chuẩn bị bài. Trong đó, thể hiện được hình ảnh về đối tượng miêu tả với ngôn từ và các biện pháp nghệ thuật mà người viết vận dụng để tả. Khi liên kết câu văn, đoạn văn các em cần vận dụng các cách liên kết đã học ở Luyện từ và câu như: liên kết bằng từ ngữ nối, thay thế từ ngữ, lặp từ,… Tuy nhiên khi sử dụng những cách liên kết này các em cần lựa chọn từ tránh sử dụng không đúng gây rườm rà. • Đoạn kết bài: Tuy chỉ là một phần nhỏ trong bài nhưng rất quan trọng bởi đoạn kết bài thể hiện được rất nhiều tình cảm của người viết với đối tượng miêu tả. Thực tế cho thấy học sinh thường hay liệt kê cảm xúc của mình làm phần kết luận khô cứng, gò bó, thiếu tính chân thực. Chủ yếu các em thường làm kết bài không mở rộng. Kết bài như vậy không sai nhưng chưa hay, chưa hấp dẫn người đọc. Vì vậy giáo viên cần phải gợi ý để học sinh biết cách làm phần kết bài mở rộng bằng cảm xúc tự nhiên của mình. 2.5. Thực hiện nghiêm túc tiết Trả bài Tập làm văn. Tiết Trả bài tập làm văn giúp các em sửa chữa lỗi, rút kinh nghiệm cho bài viết lần sau và học tập các bạn những cách viết hay để vận dụng vào các bài văn. Tuy nhiên, ở tiết học này một số giáo viên thường làm qua loa, không chữa kĩ càng, bớt xén thời gian để dạy môn khác. Vậy, muốn có được tiết trả bài có hiệu quả giáo viên cần phải: - Chấm bài cẩn thận, kĩ càng; chữa từng lỗi nhỏ trong bài viết cho học sinh. - Ghi lại các lỗi của học sinh theo từng loại như: lỗi về cách dùng từ, đặt câu; lỗi diễn đạt; lỗi chính tả;… ghi lại các từ, các câu hay, đoạn văn hay. - Nhận xét ưu điểm, nhược điểm; thống kê số lỗi. - Chữa lỗi cho học sinh theo từng loại như đã thống kê khi chấm bài. - Đọc những câu văn hay, đoạn văn hay để học sinh học tập. Trả bài và tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm để các em trao đổi với các bạn về cách làm bài của mình, đọc cho nhau nghe các câu văn hay, giúp nhau sửa lỗi trong bài. Cho học sinh tự sửa lỗi và viết lại một đoạn cho đạt yêu cầu. 14 3. Điều kiện thực hiện giải pháp, biện pháp: 3.1. Đối với học sinh: Nắm vững các kiến thức về kiểu bài văn tả cảnh, đồng thời mở rộng thêm hiểu biết thông qua quan sát hàng ngày, sách báo, phim ảnh, .... Luôn tìm tòi, trau dồi khả năng quan sát, hình dung, so sánh, liên tưởng điều đó làm cho bài văn của các em thêm sinh động hấp dẫn 3.2. Đối với giáo viên: Không ngừng học hỏi, tìm tòi để nâng cao hiểu biết cũng như tìm ra cách truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh. Tạo cơ hội cho học sinh mở rộng hiểu biết về các cảnh vật ở mọi giờ học: trong giờ hoạt động ngoại khóa bằng cách thông qua hệ thống câu đố về cảnh, trong giờ địa lí, lịch sử địa phương, trong giờ khoa học, trong giờ tập đọc... Bài văn tả cảnh còn là kết quả của các bài văn tả: cây cối, đồ vật, con vật, con người,.. cùng những hoạt động của nó. Chính vì vậy không nên tách rời văn tả cảnh với các dạng văn miêu tả đã học. Trong quá trình dạy học phải tạo thói quen cho học sinh ghi chép những điều mình quan sát được cũng như những tình cảm, cảm xúc tức thời trước một đối tượng miêu tả. Bên cạnh việc tạo cho học sinh thói quen tốt, giáo viên phải là người sát sao trong việc duy trì thói quen đó. 3.3. Đối với nhà trường: Tổ chức cho học sinh thăm quan, dã ngoại để các em có thêm nhiều hiểu biết về cảnh. Điều đó sẽ rất tốt cho các em khi viết văn. Trang bị máy vi tính, máy chiếu cho các lớp để giáo viên có thể trình chiếu hình ảnh về cảnh điều đó sẽ giúp các em cụ thể hóa và không mơ hồ về đối tượng miêu tả. 4. Mối quan hệ giữa các giải pháp, biện pháp: Với cách thức dạy Tập làm văn tả cảnh ở Tiểu học nói trên, giáo viên phải có kế hoạch một cách có hệ thống, phải kiên trì, bền bỉ, lâu dài, không thể nóng vội. Khi học sinh đã hiểu rõ đặc điểm của văn tả cảnh, biết quan sát đối tượng, tích lũy được vốn từ miêu tả, biết xây dựng bố cục bài văn; cách diễn đạt, biết tưởng tượng và sử dụng biện pháp nghệ thuật trong viết văn, được sửa lỗi kĩ càng trong tiết trả bài thì viết văn tả cảnh trở nên dễ dàng hơn; học sinh hứng thú học hơn rất nhiều, chất lượng bài viết của học sinh được nâng cao. Dạy Tập làm văn, người dạy phải gửi cả tâm hồn mình vào trong bài dạy, giáo viên và học sinh càng đắm mình vào đối tượng miêu tả theo một dòng cảm 15 xúc, cùng hòa chung tình cảm để cùng tìm hiểu và cùng cảm nhận đối tượng với niềm say mê, thích thú. Muốn vậy, người giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp; phải nổ lực sáng tạo trong suốt quá trình dạy học. Chỉ có nghiên cứu và sáng tạo mới cho giáo viên được những giờ dạy văn tả cảnh mới mẻ, sâu sắc, sinh động đem lại hiệu quả cao. 5. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu. Qua những biện pháp và giải pháp tôi đã áp dụng được nêu ở trên sau phần tập làm văn về thể loại tả cảnh, kết hợp với bài kiểm tra định kì, tôi thực hiện khảo sát để kiểm tra hiêụ quả việc áp dụng kinh nghiệm trên vào thực tế. Kết quả như sau: - 100% học sinh nắm được thể loại, yêu cầu của đề bài. - 95,2% học sinh có kĩ năng quan sát tìm ý. - 100% học sinh biết lập dàn ý và viết bài văn miêu tả cảnh. Trong đó: + Lập được dàn ý chi tiết và viết được bài văn hay, sử dụng từ ngữ chính xác, hình ảnh sinh động: 8 em. + Lập được dàn ý và viết được bài văn theo đúng trình tự dàn ý đã lập: 10 em. + Lập được dàn ý và viết được bài văn nhưng ý còn lộn xộn, hình ảnh, từ ngữ chưa phong phú, chưa sinh động: 3 em. IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC QUA KHẢO NGHIỆM, GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU. Sau một thời gian nghiên cứu và áp dụng những biện pháp dạy học trên trong thực tế tôi nhận thấy các em học sinh của lớp mình dạy có rất nhiều tiến bộ. Từ việc ngại viết văn các em đã hứng thú làm văn hơn, biết thực hiện làm một bài văn miêu tả cảnh theo trình tự các bước một cách độc lập và thành thói quen tốt. Nhiều bài văn có chất lượng cao. Tình trạng học sinh làm lạc đề, sai lỗi về chính tả, dùng từ đặt câu... đã giảm rõ rệt. Nhiều học sinh biết cách sử dụng những biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa vào bài của mình làm cho bài văn trở nên sinh động và giàu hình ảnh. Bên cạnh đó các em còn biết làm văn có cảm xúc hơn, câu văn chau chuốt hơn... 16 PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ I. KẾT LUẬN: Trải qua một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề lí luận có liên quan và thực trạng dạy và học về nội dung văn miêu tả nói chung, văn tả cảnh nói riêng, kết hợp với kinh nghiệm giảng dạy của bản thân tôi mạnh dạn đưa ra những đề xuất, biện pháp khắc phục đồng thời đưa ra hệ thống bài tập rèn kĩ năng viết văn tả cảnh cho học sinh. Tôi mong muốn góp phần nâng cao chất lượng dạy học tập làm văn tả cảnh nói riêng và phân môn tập làm văn nói chung. Học sinh tiểu học làm quen với văn miêu tả từ lớp 2, lên lớp 5 các em lại được củng cố nâng cao hiểu biết về thể loại văn miêu tả. Để các em làm văn ở thể loại tả cảnh này được tốt, ngoài năng khiếu, sự siêng năng chăm chỉ của học sinh thì người giáo viên cũng là người quyết định đến hiệu quả làm văn của các em, giúp các em nhận thức được phương pháp làm văn, bố cục làm văn.... cung cấp cho các em các kiến thức cơ bản để các em tự đi sâu miêu tả theo cảm xúc thật sự của chính mình. Các nội dung về một số biện pháp giúp học sinh học tốt văn tả cảnh được nêu ở trên được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tế giảng dạy do đó đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất về giảng dạy cũng như thực hành làm bài của học sinh. Nội dung đưa ra không quá khó nhưng cần có sự khéo léo và chuẩn mực để các em tạo ra các sản phẩm là những bài văn đảm bảo về nội dung cũng như hình thức. Khi học sinh đã có trong tay những kiến thức về làm văn, các em sẽ tự tin với chính mình, các em sẽ thấy yêu thích Tiếng Việt, yêu thích môn tập làm văn và đặc biệt hứng thú với văn tả cảnh. Mà khi có hứng thú thì học sinh sẽ sản sinh được nhiều bài văn hay có chất lượng cao. Và một ý nghĩa quan trọng hơn nữa là đã bồi dưỡng trong tâm hồn các em những xúc cảm về cảnh vật xung quanh, bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên giúp tâm hồn các em ngày thêm trong sáng. Tôi thiết nghĩ để quá trình dạy tập làm văn đạt hiệu quả bản thân mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, luôn sáng tạo, cải tiến cách dạy tìm ra phương pháp dạy đạt hiệu quả cao nhất, phù hợp điều kiện học sinh, trường mình giúp các em vững vàng tự tin đưa văn học và đời sống vào bài văn của mình một cách sinh động, hấp dẫn, chân thực đảm bảo nội dung và nghệ thuật. Giáo viên cần mạnh dạn thay đổi hình thức tổ chức giờ dạy sao cho linh hoạt, mềm dẻo, sinh động, hấp dẫn học sinh. 17 Trong quá trình rèn kĩ năng cho học sinh giáo viên cũng cần chú ý khắc sâu cả nội dung lí thuyết kiểu bài và phương pháp làm bài cho các em, tạo điều kiện cho các em phát huy óc sáng tạo, năng lực sở trường của mình khi viết văn. II. KIẾN NGHỊ: 1. Đối với giáo viên: Để dạy tốt môn Tiếng Việt cũng như phân môn Tập làm văn người giáo viên cần thật sự có lòng say mê và một vốn kiến thức chắc chắn về môn học đó. Để có được điều đó người giáo viên cần có ý thức trau dồi, tích luỹ cho bản thân. Vốn kiến thức có được góp nhặt hằng ngày qua mỗi tiết dạy, qua mỗi bài giảng, qua mỗi đoạn văn, bài báo. Muốn dạy tốt người giáo viên cần có cả kiến thức và lòng nhiệt tình, yêu nghề, yêu trẻ. Nó đòi hỏi người giáo viên như một con ong kiên trì, cần mẫn. Mỗi một em học trò nhỏ của chúng ta nay mai có thể là những nhà văn trong tương lai. Hãy vì một tương lai của học sinh thân yêu, mỗi người giáo viên chúng ta hãy thật sự kiên trì để hướng dẫn, giúp đỡ các em biết cách học để học tốt tất cả các môn học nói chung cũng như môn văn nói riêng. 2. Đối với nhà trường: Để tạo môi trường tốt và hứng thú học văn cho học sinh, nhà trường cần chú trọng nhiều hơn tới tất cả các hình thức tổ chức dạy - học môn học này. Nên tổ chức khi có thể cho học sinh được đi tham quan dã ngoại để các em được tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, nhà trường cũng nên bố trí cho các em được nghe, được nói về các bài văn hay, cách học văn tốt, hay nghe nói chuyện về các nhà văn, các tác phẩm mà các em được học trong nhà trường. Những việc làm đó sẽ góp phần thiết thực giúp các em học tốt môn văn trong chương trình giáo dục của nhà nuớc. Trên đây là là kinh nghiệm giúp học sinh làm tốt bài văn tả cảnh đối với học sinh lớp 5A mà tôi đã trực tiếp giảng dạy và đã được áp dụng có hiệu quả. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và áp dụng còn có nhiều hạn chế do có những khó khăn nhất định. Tôi rất mong nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, bạn bè đồng nghiệp, hội đồng khoa học trường, hội đồng khoa học ngành để tôi làm tốt nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp trồng người. Thanh Tân, ngày 30 tháng 3 tháng 2015 Người viết Lê Thu Hường 18 TÀI LIỆU THAM KHẢO stt Tên tài liệu Nhà xuất bản 1 Sách giáo khoa Tiếng việt lớp 5 tập 1, tập 2. NXB giáo dục 2 Sách GV Tiếng việt 5 NXB giáo dục 3 Sách thiết kế Tiếng Việt 5 NXB Hà Nội 4 Rèn kĩ năng cảm thụ văn cho HS tiểu học NXB Giáo dục 5 Phương pháp dạy học Tiếng Việt NXB Giáo dục 6 Tạp chí giáo dục Tiểu học NXB giáo dục 7 Bài tập bồi dưỡng Tiếng Việt NXB Giáo dục 8 Một số chuyên san giáo dục NXB Giáo dục 9 Tập làm văn mẫu lớp 5 NXB Giáo dục 10 155 bài văn hay lớp 5 NXB Giáo dục 11 35 đề ôn luyện tiếng việt 5 NXB Giáo dục 12 Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng việt NXB Giáo dục 13 207 đề và bài văn 5 NXB Đại học Sư phạm 14 Bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Việt ở tiểu học NXB Đại học Sư phạm 15 Luyện tập làm văn 5 NXB Đại học Sư phạm Một số thông tin trên mạng, … 19 MỤC LỤC Nội dung Trang PHẦN MỞ ĐẦU 1 I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI. 1 II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI. 2 III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU . 2 IV. GIỚI HẠN VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU . 2 V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU. 2 PHẦN NỘI DUNG 3 I. CƠ SỞ LÝ LUẬN. 3 II. THỰC TRẠNG. 3 1. Thuận lợi – Khó khăn: 3 2. Thành công – Hạn chế: 4 3. Mặt mạnh – Mặt yếu: 5 4. Các nguyên nhân, các yếu tố tác động: 5 III. GIẢI PHÁP, BIỆN PHÁP: 7 1. Mục tiêu của giải pháp, biện pháp 7 2. Nội dung và cách thức thực hiện giải pháp, biện pháp 7 3. Điều kiện thực hiện giải pháp, biện pháp: 15 4. Mối quan hệ giữa các giải pháp, biện pháp: 15 5. Kết quả khảo nghiệm, giá trị khoa học của vấn đề nghiên cứu IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC QUA KHẢO NGHIỆM, GIÁ TRỊ 16 KHOA HỌC CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU PHẦN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ 16 18 I. KẾT LUẬN: 18 I. KIẾN NGHỊ: 19 TÀI LIỆU THAM KHẢO 20 19
- Xem thêm -

Tài liệu liên quan